Thursday, May 7, 2015

QUÃNG ĐỜI TÔI TỪ CHIẾN TRANH ĐẾN HÒA BÌNH

Nhân dịp ngày quốc hận 30/04 tôi xin kể về cuộc đời tôi từ cuộc chiến VN đến một thứ “hòa bình” không mong đợi. Có lẽ vì tính tôi hay nghi ngờ những định kiến về CS nên Thượng đế đã cho tôi nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu về họ. Sau lệnh Tổng Động Viên năm 1968 và sau khi mãn khóa Trường SQTB Thủ Đức, tôi được biệt phái về tiểu khu Long An. Là một người lính mới ra trường còn mang giày bốt-đờ-sô bóng lộn tôi chưa kinh nghiệm là đi hành quân nơi đất bùn lầy trơn trợt phải mang giày bố, nên trong trận ra quân đầu tiên, khi phải chạy hay nhảy qua mương hẹp, tôi luôn bị trượt té ạch đụi hoài.
Mấy người lính cười cười: "Chuẩn úy phải mang giày bố mới đi hành quân được". Nghe vậy tôi cũng hơi quê quê. Trong trận này lần đầu tiên nghe trực tiếp súng AK địch bắn thẳng, đạn ghim líu chíu xung quanh, tôi cũng hơi rợn. Sau lần hồi quen rồi cũng dạn dày như ai.

Vì là đại đội trừ bị tiểu khu, nên đại đội của tôi hầu như phải ứng chiến hành quân suốt tháng và một nửa trong số các cuộc hành quân đó là trực thăng vận. Dù là tỉnh ven đô, nhưng vì địa thế là sông rạch trên tất cả 7 quận từ Cần Giuộc, Cần Đước đến Thủ thừa, Bến Cát, Tân Trụ, Rạch Kiến, Bình Phước, đều bao phủ bởi những đám dừa nước rậm rạp rất lý tưởng cho VC ẩn trú và phá hoại khủng bố. Ngoài những cuộc hành quân truy lùng và diệt địch, chúng tôi còn phải hành quân đốn lá khai quang những vùng cây cối rậm rạp. Đôi khi máy bay Hoa Kỳ cũng rải thuốc khai quang vào những vùng này. Do đó cùng với nỗ lực hành quân ngày đêm, năm 1970 tình hình an ninh ngày càng ổn định hơn so với những năm 1968. Khi đi hành quân tôi tuyệt đối ra lệnh cho binh sĩ khi dừng quân cơm nước, nếu mua gà vịt thực phẩm trong dân chúng, phải trả tiền sòng phẳng để tránh mọi tuyên truyền của VC bất lợi cho QĐVNCH. Thực tâm mà nói, người dân không mấy người thực lòng theo VC. Lý do họ phải làm theo VC chỉ vì QĐVNCH quá mỏng để bảo đảm an ninh cho họ khi đêm về. Những vùng xôi đậu là những nơi mà ban ngày là Quốc gia, ban đêm là CS. Khi màn đêm phủ xuống là lúc du kích lẻn về vào từng nhà, thâu thuế, lúa gạo, thực phẩm nói là “ủng hộ quân giải phóng”. Chúng tuyên truyền bịp bợm và khủng bố, hăm doạ những ai không nghe chúng. Chúng sẵn sàng ban đêm vào nhà bịt mắt dẫn đi giết, bêu xác đầu xóm để làm gương cho những ai cứng đầu. Sau những trận oanh tạc hoặc pháo binh, chúng tôi gặp những xác kinh tài VC bên những bao tải lớn đựng tiền VNCH, chứng tỏ họ vừa thu thuế xong chưa giao nộp kịp. Nguời dân vì một cổ hai tròng nên phải cúi đầu dưới sự áp bức của VC. Có một nghịch lý chợt hiện ra trong đầu tôi: Trong khi xã hội miền Nam tự do no ấm, mọi người đều được tự do làm ăn, dành dụm mua sắm, thì CS lại tuyên truyền nhân dân miền Nam bị “o ép, kềm kẹp bởi Mỹ ngụy” nên họ phải vào “giải phóng” để đem chiến tranh vào miền Nam yên bình. Để bảo vệ cuộc sống ấm no của người dân, chính phủ VNCH phải động viên thanh niên nhập ngũ ngoại trừ những người có hoàn cảnh cha mẹ già yếu, hoặc còn đang đi học. Trong khi đó VC tuyên truyền là chính phủ bắt lính để chống lại nhân dân. Đáng lẽ người dân phải đóng thuế cho chính phủ là người tạo ra cuộc sống ấm no đó, họ lại phải đóng thuế cho bọn ăn cướp trên xương máu đồng loại. Có ai cần bọn chúng vào đây nếu không phải là do sự tham tàn của lũ CS. Tôi không trách những người lính CS Bắc Việt vì họ cũng chỉ có một con đường nhập ngũ đi B (vào Nam) mà thôi. Nếu anh không tự vào lính thì không còn chỗ nào để dung thân cả. Thân nhân vợ con bị bắt buộc vào đoàn, vào đảng họp hành đấu tố thường xuyên. Nếu anh không đi thì vợ con sẵn sàng tố khổ, phê bình và cuộc đời anh sẽ đi vào một trại cải tạo nào đó. Do đó có khi vào lính anh còn có cái ăn, không bị đói. Đó chính là tâm sự của một vệ binh trong trại tù binh khi có dịp nói chuyện riêng. Từ đó tôi bắt đầu hiểu một chân lý: “CS nói không là có và có là không”. Họ tuyên truyền, chửi bới “Mỹ Ngụy” về những cái xấu, cái ác thì thực ra họ đang nói xấu về chính họ. Chân lý này luôn luôn đúng với tôi về sau này.

Cuối năm 1969 trong một cuộc hành quân ở Quận Bình Phước, tôi bị thương ở đầu gối do một người lính vướng phải mìn nội hóa của địch. Người lính đi gần đó bị một miểng ghim vào tim và chết ngay tại chỗ. Một vài người lính khác bị thương. Chúng tôi được trực thăng tản thương liền sau đó. Buổi chiều, có một toán biệt kích tỉnh đến nhập vào đại đội của tôi. Đến khi chúng tôi rút đi thì toán đó nằm ém lại. Màn đêm vừa buông xuống, VC bắt đầu kéo về bắt loa huyênh hoang về thành tích đã tiêu diệt và làm bị thương một số lớn (số phóng đại) binh sĩ ngụy, trong số đó có giết được một sĩ quan. Chúng tôi ở bệnh viện nghe báo cáo lại mà tức cười. Không chờ cho đám VC này vào nhà dân, biệt kích đã nổ súng tiêu diệt toàn bộ.

Vào những năm 68-69, VC móc nối nhiều gia đình làm tay sai cho chúng. Khi mới về Long An, chân ướt chân ráo, tôi không quen ai nên cũng buồn. Một anh bạn làm ở tiểu khu giới thiệu cho tôi làm quen hai chị em: Cô chị tên Trinh quen với bạn tôi, còn tôi làm quen với cô em là Duyên. Sau vài lần đến nhà chơi, tôi và Duyên có đi chơi Mỹ Tho và chụp ảnh chung. Qua một vài sự kiện hơi lạ trong nhà khi chị em này có vẻ dấu diếm một điều gì đó, anh bạn tôi nghi ngờ nên có dò hỏi Phòng 2 tiểu khu. Họ cho biết 2 chị em này có một người chị khác bị bắt khi dấu truyền đơn và chất nổ trong người và họ đang theo dõi gia đình này. Tôi dò hỏi Duyên là tấm ảnh chụp chung với tôi đâu rồi. Cô ta nói là đã làm mất nhưng tôi biết là cô ta đã giao nộp cho thượng cấp của cô ta rồi. Cha mẹ của Duyên ở trong vùng xôi đậu (vùng bị VC kiểm soát vào ban đêm). Trong một cuộc hành quân vào vùng này, một người lính có chỉ cho tôi căn nhà cha mẹ cô ấy và cho biết tên Trinh và Duyên chỉ là tên giả. Từ đó tôi xa lần không đến nhà chị em đó nữa.

Năm 1972 sau khi đi học một khóa tu nghiệp tại Mỹ trở về, Bộ Tổng Tham Mưu thuyên chuyển tôi về Sư đoàn 5 Bộ Binh. Trong một cuộc hành quân lớn, 2 tiểu đoàn chúng tôi bị Công Trường 7 bao vây bằng bộ binh và thiết giáp trong hơn 1 tháng. Lúc này Hoa Kỳ đã Việt Nam hóa chiến tranh nên không còn yểm trợ mạnh như trước. Chúng tôi phải hứng chịu hàng chục trận mưa pháo mỗi ngày. Thiếu thực phẩm và nước uống nên chúng tôi phải liều mở đường máu trở ra. Dưới hỏa lực hung hãn của địch, quân số chúng tôi đa số đã bỏ mình, một số bị bắt, và một số trốn thoát. Chúng tôi bị trói bằng dây giày dính chùm người này qua người khác. Họ giải chúng tôi trong rừng gần 2 tuần lễ bằng chân trần không giày dép, đạp lên gai góc, gốc cây nhỏ bị chặt lú lên, nên hai bàn chân người nào cũng rách toác chảy máu. Cực hình này quá sức chịu đựng nên chúng tôi chỉ muốn một được một viên đạn vào mình để giải thoát sự đau đớn. Trong khi đó thì vệ binh VC luôn thúc mũi súng vào mình và quát: “Khẩn trương lên”. Có tên chính trị viên an ủi là ráng đến trại sẽ được “giải nao” và “bồi dưỡng”. Chúng rêu rao là ở trại cái gì cũng có nên chúng tôi cứ tưởng là giải lao và bồi dưỡng là có “căn tin” bán đồ ăn thức uống. Nào ngờ sau đoạn đường địa ngục hết 15 ngày mới đến trại, trước mắt chúng tôi là bóng tối của rừng già, cây rừng chằng chịt. Các tên vệ binh ra lệnh: “Các anh nghỉ giải nao đi”. Chúng tôi té ngửa ra giải lao với họ là nghỉ mệt thôi, chứ chẳng có ăn uống gì cả. Mệt rũ ra, chúng tôi chỉ múc nước uống rồi lăn ra trên lá rừng đầy đỉa vắt mà ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, họ bắt chúng tôi tập họp để “học tập chính sách” rôì phải tự chặt cây làm chỗ ở. Đúng là làm nhà tù cho mình ở.

Chúng tôi bị bắt làm tù binh không lâu thì ký kết hiệp định Paris. Chúng tổ chức học tập 3 ngày gọi là để chuẩn bị trao trả. Chúng bắt anh em mỗi người làm bản cảm tưởng khi được trao trả như thật. Nhưng sau đó việc trao trả không bao giờ xảy ra và họ giải thích là tại chính quyền Sàigòn vi phạm hiệp định. Sáu tháng sau, hai bên phái đoàn lại ký Thông Cáo Chung để thi hành lại hiệp định về trao trả. Với bản chất tráo trở, lại một lần nữa VC không trao trả tù binh với lý lẽ là Sài Gòn vi phạm. Hết ý kiến!

Ngày lại tháng qua, chúng tôi đã ở tù CS được 3 năm thì chúng chuyển chúng tôi ra Bắc để chuẩn bị chiến dịch HCM tiến chiếm miền Nam. Chúng tôi di chuyển ra bắc bằng đường mòn HCM. Những buổi chiều thật buồn trên chuyến đi này, nhìn cảnh núi đồi tây Trường Sơn hiu hắt trong ánh nắng chiều, những người phụ nữ dân công lầm lũi đi dọc theo đường mòn khiến chúng tôi nhớ nhà tê tái. Nhìn những người bộ đội “sinh Bắc tử Nam” lũ lượt trên con đường HCM vào Nam, tôi không biết ngày mai họ có còn cơ hội để trở về với gia đình không. Chúng tôi thì biết đâu có thể “sinh Nam tử Bắc” không chừng. Bước qua cầu Bến Hải phân chia Nam Bắc chúng tôi đến địa phận Quảng Bình. Trước mắt chúng tôi thiên đường XHCN miền bắc là những mái nhà tranh lụp xụp, dân chúng từ già đến trẻ đều đi chân đất, quần áo thì rách rưới tệ hại. Một anh bạn cảm thán: “Ôi miền Bắc chưa đến 20 năm mà đã như thế này ư?” (năm 1973). Xui cho anh này là một tên vệ binh đi gần đó nghe được bèn quát: "Anh đã học tập cách mạng mà ăn nói như thế hử?" Thế là anh ta hầm hầm tiến lại xích thật chặt sợi xích vào hai ống chân. Báo hại anh chàng này khi đến được trại ở Yên Bái thì hai chân đã sưng to. Từ Quảng Bình chúng tôi lên tàu hỏa đi Hà Nội, Yên Bái. Nhân dịp này chúng xách động dân chúng căm thù ném đá lên tàu và chúng tôi phải đóng cửa sổ lại. Một lát yên trở lại chúng tôi hé cửa ra thì có một cô gái sấn sổ lại vùa mắng: “Làm tay sai Mỹ Ngụy thế có đẹp mặt chưa”. Khi đến sát cửa sổ, cô ấy nói nhỏ: “Em mời các anh hút thuốc” và ném vào trong toa 2 gói thuốc và một ít kẹo. Chúng tôi mới biết là họ phải giả vờ căm thù để qua mặt lũ công an cú vọ. Ra đến ga Hàng Cỏ thì cảnh tượng lụp xụp, bệ rạc chưa từng thấy. Một anh bạn chỉ cái bảng quảng cáo thuốc lá Bastos từ thời Pháp vẫn còn và nói nhà anh ở sát ngay đó. Có một điều tất cả nhà gạch hay gỗ đều có nóc lợp tranh thay vì ngói hay tôn. Xung quanh những chỗ bị hư hỏng vì chiến tranh được che chắn tạm bằng bìa carton trông rất thảm hại.

Chúng tôi được xuống tàu để đi tiểu tiện. Ga này vô cùng nhếch nhác với rác rưởi và mùi nước tiểu nồng nặc. Một bà già quấn khăn mỏ quạ nhìn chúng tôi vừa gạt nước mắt nói nhỏ: “Nhìn những gương mặt các cháu tôi đẹp đẽ thế kia mà chúng nó lại tuyên truyền là ăn thịt người. Lạ thật!” Chắc là bà có con cháu đã di cư vào Nam! Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Yên Bái. Tàu đến Yên Bái vào chiều tối dưới mưa dầm miền Bắc. Những người vệ binh CS đến nhận chúng tôi mặc áo mưa đen, đội mũ lưỡi trai, đi ủng cao su đen tới đầu gối trông như những tên phát xít Đức Quốc Xã trong phim làm chúng tôi lo sợ, không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Ra đến Yên Bái ngày 27 tháng tư 75. Ba ngày sau bọn vệ binh reo hò là đã giải phóng Sài Gòn rồi. Chúng tôi biết đây là sự thật vì trong khi di chuyển ra Bắc, chúng tôi đã chứng kiến từng đoàn Molotova chở súng đạn, tên lửa, lính bộ đội vào xâm lăng miền Nam. Trong khi đó Sàigòn còn đang ngủ quên trong hòa bình giả tạo. Như vậy bảo sao mà miền Nam không mất. Bản chất tráo trở, lật lọng của họ là một mặt ký hiệp định Paris để Mỹ rút quân; một mặt chuyển quân và vũ khí vào Nam để cướp chánh quyền. Ôi thời thế khi người bạn Đồng Minh đã rút lui trong khi qua tay sai CSVN, 2 đế quốc Liên Xô và Trung Quốc quyết tâm chiếm miền Nam bằng được. Như vậy “cả ba đánh một, không chột cũng què” là phải chịu thôi. Chúng tôi xác định tương lai ngày về sẽ còn mờ mịt.

Những ngày dài “lao động cải tạo” lại tiếp tục. Lúc còn chiến tranh để lấy tiếng với thế giới khi những người tù binh được trao trả về sẽ nói tốt về họ, cai tù còn nhân nhượng. Sau ngày 30/04/75, họ tuyên bố chánh quyền miền Nam không còn nữa nên họ bất cần. Họ bắt tù nhân làm việc nặng như đốn gỗ cây to hai người ôm không hết từ trên núi chuyển về trại để xẻ gỗ cho cán bộ. Công việc này rất nguy hiểm vì sơ ý một chút là cây đè chết tươi ngay. Một vài anh yếu sức làm không nổi bị một tên vệ binh hung dữ chĩa súng bắt quỳ. Ngày hôm sau chúng tôi họp trình báo lên trại trưởng về việc làm nhục tù binh. Sau đó tình trạng này mới đỡ vì họ đối xử với tù hình sự như nô lệ quen rồi. Ở riết rồi dân chúng xung quanh rất thương chúng tôi. Họ nói có đồ ăn gì chẳng thà cho chúng tôi ăn chứ không bán cho bọn khốn kiếp cai tù đó. Biết tin có vài linh mục trong số tù binh, một vài gia đình khẩn khoản nói chúng tôi mời các cha ra ngoài cho họ gặp mặt. Thấy chúng tôi lưỡng lự và biết chúng tôi chưa tin tưởng họ nên họ bảo mấy đứa con kéo cổ áo xuống cho chúng tôi thấy thánh giá và bảo chúng đọc kinh cho chúng tôi nghe.

Đối với dân miền Bắc, khi biết chúng tôi là những người có học, họ rất ngạc nhiên và khâm phục. Có lần một cô giáo hỏi chúng tôi có biết đọc chữ không. Chúng tôi cười cầm ngược tờ báo Nhân Dân lên đọc. Họ trầm trồ: “Cầm ngược thế mà các anh đọc được à?” Rồi họ thử chúng tôi bằng những bài toán cộng, trừ, nhân, chia và các phương trình đơn giản. Thấy những bài toán đó là trò trẻ con đối với chúng tôi, họ càng phục hơn. Có lần chúng tôi đẩy xe cải tiến ra Hợp Tác Xã chở rau và sắn về. Trên đường đi tên bộ đội dẫn giải cho ghé vào nhà dân nghỉ, uống nước. Căn nhà này chúng tôi thường ghé và có một cô gái rất đẹp và trắng trẻo. Vào nhà bà mẹ hối cô gái đi nấu nước pha trà đãi chúng tôi. Tên bộ đội đuổi chúng tôi xuống nhà bếp để anh ta tán tỉnh cô gái. Vì cô này là giáo viên nên cũng có kiến thức thì làm sao cô có thể nói chuyện với một tên vô học được. Do đó khi pha trà xong, cô gái cũng bỏ xuống dưới bếp ngồi nói chuyện với chúng tôi. Tên bộ đội rất quê và tức giận nên hầm hầm hối ra về. Có khi chúng tôi phải đi phà sang bên kia sông Hồng để chở thực phẩm. Ngồi trên phà, một hai cô gái dạn dĩ đến hỏi chúng tôi bao giờ được về. Khi tôi trả lời là không biết thì cô gái bèn nắm lấy tay tôi đùa: “Hay anh ở lại đây cưới vợ luôn cho xong”. Những điều này chứng tỏ cảm tình của người dân đối với chúng tôi thế nào.

Cuối cùng, năm 1980 tôi đưọc trở về nhà với vài người bạn. Lên tàu hỏa khi biết chúng tôi là “tù cải tạo” các anh kiểm soát vé trên tàu đều không lấy tiền và những bạn hàng đi buôn mua cơm mời chúng tôi. Đến ga Bình Triệu, trời đã tối, tôi đón xe lam về nhà người chị gần đó để từ từ báo cho ba má tôi biết tin sau. Đây là lý do tại sao tôi không về thẳng nhà tôi. Số là có người bạn trong tù được cho về. Bước chân vào nhà, bà mẹ già vì bất ngờ và cảm động, bà đã đứng tim và chết sau đó. Tôi không muốn mẹ tôi ở vào hoàn cảnh đó vì bà đã già rồi và đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát. Những ngày sau đó, Sàigòn thân yêu của tôi hiện ra với chiếc áo choàng đen đúa, bẩn thỉu. Tôi hiểu ra vì không còn lò điện, ga nên mọi người tận dụng mọi thứ để đốt lên nấu nướng: từ cây củi, giấy, bao nylon, cùi bắp, vỏ dừa… Do đó tường và của sổ nhà nào cũng đen nhẻm vì chưa bao giờ được quét vôi lại. Sàigòn một thời là “Hòn ngọc Viễn Đông” đã trở về thời kỳ hoang dã!

Ôi cảnh thanh bình nước tôi như thế này ư. Trên gương mặt mọi người ai cũng có mối ưu tư nào đó: Làm sao kiếm ăn, làm sao sống nổi với sự thúc ép đi kinh tế mới, làm sao tránh cặp mắt soi bói của CA địa phương, làm sao vượt biên… Cũng để tránh soi mói của CA khu vực, tôi tìm việc tại một tổ hợp đóng xà lan. Mỗi sáng tôi khoác chiếc áo công nhân và chiếc mũ tai bèo dắt xe đạp ra khỏi nhà. Công việc chỉ là suốt ngày cầm chiếc búa 7 ký, theo đường que chỉ của người cai mà nện liên hồi vào tấm thép dày 10 ly để gò làm sườn xà lan. Một ngày họ trả 6 hào. Đến trưa nghỉ giải lao, những người có vợ con thì xúm xít nấu lon cơm ăn. Còn tôi độc thân nên ra ăn cơm dĩa của một bà gánh cơm trước cổng. Dĩa cơm với miếng thịt mỡ nho nhỏ hết 6 hào và ly nước trà 1 hào nữa là 7. Làm việc nặng 1 ngày mà tiền lương không đủ ăn tiền ăn một buổi trưa! Trời ơi có chế độ nào không có người bóc lột người mà lại như thế không! Sức trai không làm nổi để nuôi mẹ già mà còn phải ăn bám thêm bữa sáng, bữa chiều. Nghĩ đến đó và nhìn bà mẹ còng lưng gánh chè đi bán, tôi không thể nào cầm được nước mắt dù đã từng là một người lính can trường. Tôi phải tìm một việc khác là đi thồ gạo. Tăng cường thêm cho chiếc xe đạp để đủ cứng cáp thồ 1-2 tạ gạo, ra đi với một người bạn, chúng tôi ăn miếng cơm nguội rồi đạp xe lên đường đi Long An nơi mà trước đây tôi phục vụ. Đạp xe gần 50 km tốn rất nhiều năng lượng mà chúng tôi không có tiền để tái nạp nên rất mệt. Dọc đường chúng tôi chỉ dám ngừng xe để uống ly nước mía đỡ khát. Chúng tôi vào tận thôn xóm xa xôi đến chỗ nhà máy xay gạo mua gạo về bỏ mối. Chuyến đầu thồ 1 tạ gạo trót lọt. Sau khi về Chợ Lớn bỏ mối xong, tôi lời được khoảng 20 đồng. Chắc chuyến này về đưa tiền cho mẹ, chắc bà mừng lắm. Hôm sau, được nước chúng tôi lại tiếp tục. Đến nơi nghe những người đi buôn nói là trạm thuế vụ hôm nay nghỉ nên tha hồ xả cảng. Tôi và người bạn tấp luôn mỗi người 2 tạ. Đi một đoạn gặp một tay du kích chặn xe lại và lôi về trụ sở ủy ban ND. Tại đây sau khi thuyết pháp cho chúng tôi, tên chủ tịch bắt viết tờ kiểm điểm rồi tha. Mừng rỡ chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Đi một đoạn nữa, một bóng áo vàng từ bên lề xộc ra đẩy xe tôi ngã chổng kềnh. Nó kéo tôi vào trụ sở hăm dọa và tịch thu cả 2 tạ gạo. Hắn bảo tôi đi về và mai xuống giải quyết. Trời đất như sụp đổ dưới chân. Bao nhiêu vốn liếng đã tan thành mây khói.

Hôm sau tôi ráng trở lại trụ sở CA xã hy vọng nó sẽ trả lại cho tôị phần nào. Vừa thấy mặt tôi, tên CA sừng sộ hăm doạ: “Anh còn dám trở lại đây xin xỏ à. Anh làm xáo trộn thị trường, tôi chưa bắt anh là may rồi đấy. Về đi!” Liếc nhìn trong góc phòng, mấy bao gạo đã được tính sổ chỉ còn lại 2 cái bao không, tôi biết rằng không còn hy vọng nào nữa mà ở lại. Chỉ ức rằng tôi đã không tự tay thanh toán được tên quỷ đội lốt người này. Sau này tôi tìm được một nghề khác là bán đồ điện và sửa điện. Vốn có học về điện nên tôi thích ứng cũng nhanh. Thuê một chỗ ngồi ngoài đường với một chiếc xe đẩy nhỏ, tôi vừa bán đồ lặt vặt và sửa chữa. Khách hàng ngày một đông và tôi đã có vợ con và cuộc sống khấm khá hơn. Bây giờ thì những tay CA khu vực khác chỗ tôi bán bắt đầu tìm cách vòi tiền. Bọn thuế vụ và Uỷ ban cũng không kém. Biết tôi không có hộ khẩu tại khu vực, nửa đêm chúng đập cửa đòi xét hộ khẩu. Tôi không có, chúng tịch thu giấy tờ cá nhân rồi bảo mai ra phường đóng phạt. Buổi sáng ra phường, đóng phạt xong tên CA bảo tôi dắt xe Honda của nó đi đổ xăng cho nó mà không đưa tiền. Thế rồi khi đi ăn nhậu, khi nhờ tôi mua cái này cái khác cho nó mới yên thân. Lúc này tôi đã ở riêng thuê nhà trong khu lao động. Ở đây côn đồ không ớn bằng công an vì CA chúng quấy nhiễu tối ngày. Thật là một xã hội nhiễu nhương chưa từng thấy.

Năm một chín tám mấy tôi không nhớ rõ có vụ đổi tiền 500$(?) ăn 1$ mới. Cách đó độ 1 tuần, một anh bạn thân cho biết em gái của anh làm ở ngân hàng được lệnh khăn gói quần áo, thực phẩm đến cơ quan họp và ở lại trong vài ngày và cho biết sẽ có đổi tiền. Tôi liền đem tất cả tiền bạc bán trong ngày vào Chợ Lớn mua hàng cả. Mỗi ngày tôi đều làm như thế và chỉ để lại một ít tiền tiêu xài mà thôi. Trước ngày đổi tiền một ngày, trên đài ra rả tin nhà nước đính chính sẽ không có đổi tiền, yêu cầu đừng nghe tin đồn nhảm làm mất trật tự. Nghe thế tôi biết chắc chắn rằng ngày mai sẽ đổi tiền vì kinh nghiệm mà tôi đã nói ở trên là “chân lý”: “CS nói không là có, nói có là không” mà. Đến sáng hôm sau tôi dọn hàng như thường lệ. Được một lát tôi thấy thiên hạ ùn ùn chạy quàng chạy xiên khắp mọi nơi mua bất cứ hàng gì có thể mua. Từ bịch xà bông kem nhão nhẹt, đến bóng đèn, con gà, mớ rau bất cứ giá nào. Nhiều nhà có chiếc xe đạp cũ đem ra ngoài đường bán, thiên hạ cũng giành mua. Chẳng thà đổi tiền lấy bất cứ thứ gì còn hơn lát nữa đây tiền sẽ thành giấy lộn vì nhà nước chỉ cho đổi giới hạn có mấy ngàn tiền cũ mà thôi. Tôi biết cái “chân lý” của tôi đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Khắp mọi ngã đường thiên hạ chen lấn dành giật từng món hàng mà bình thường nó chẳng có nghĩa gì. Đến gần trưa nhà nước phát lệnh đổi tiền. Tôi dẹp hàng đi xem thiên hạ vì tiền mặt tôi còn chẳng đáng là bao. Tôi chứng kiến một người đàn ông đi xe Vespa ngừng xe trước một sạp bán hàng hỏi chủ hàng muốn bán trọn gian hàng bao nhiêu ông ta cũng mua. Nghe thế, chủ hàng hoảng sợ bèn dẹp tiệm luôn. Sau khi đổi tiền tôi chỉ còn vài tờ tiền chẵn mà thôi. Sau đó vài ngày thì vật giá tăng vù vù và chẳng bao lâu mệnh giá tiền mới trở lại bằng như khi chưa đổỉ. Nghĩa là lúc trước anh có 500$ bây giờ chỉ còn 1$. Thật là một trò bài ba lá gian manh, xảo quyệt vô cùng. Nhiều người vì tiếc của đã tìm đến cái chết một cách đau đớn. Riêng nhà nước và cán bộ thì cuỗm được một vố thật to. Một số lớn tiền bạc đã trôi vào túi họ mà chẳng phải bỏ công sức chi nhiều. Đúng là một bọn cướp có môn bài mang vũ khí! Trong dịp này nhiều cán bộ nhận đổi giùm một số người để ăn lời. Tuy nhiên khi đổi xong họ lại tuyên bố là đổi không được và bỏ túi nguyên số tiền đó.

Báo chí thời đó chỉ có một số ít. Tôi thỉnh thoảng hay đọc báo Công An Thành Phố để xem một số tin “xe cán chó” còn hơn là đọc “Quân Đội Nhân Dân” hay “Nhân Dân” chỉ toàn là khẩu hiệu. Có một loạt bài báo năm 85-86 gì đó rêu rao về sự tài giỏi của “bác sĩ cách mạng”. Họ kể ra vài chiến sĩ trong chiến tranh bị đạn thương ngay bộ phận sinh dục và hủy hoại phần quan trọng của đàn ông. Quan tâm sâu sắc đến nỗi khổ tâm của người lính khi đã mất “cái ấy”, các bác sĩ viện 108 (nếu tôi nhớ không lầm?) đã quyết tâm tái tạo lại bộ phận đó. Họ kể lại là đã lột da đùi cuốn lại bên trong sụn lấy ra từ sống mũi như cuốn chả giò. Sau đó họ may nối lại và đã “thành công” vì sau đó anh X, anh Y với cái bộ phận mới, đã có vợ có con hạnh phúc. Bài báo nói khơi khơi mà không cần biết đến luận chứng khoa học. Ngay như hiện tại y khoa tân tiến của Mỹ vẫn còn phải đầu hàng với một cấu trúc tinh vi như vậy của thượng đế. Tác giả bài báo đã không cần biết đến thần kinh cảm giác và các mạch máu dẫn đến bộ phận này ra sao. Họ chĩ nghĩ con người như cục đất sét, muốn nhào nặn ra sao cũng được. Bài báo còn hứa hẹn đăng tiếp trong số tới. Không nén nổi sự căm phẩn về sự ngu dốt này, tôi đã viết một bức thư gửi đến tòa báo phân tích và yêu cầu ngưng ngay loạt bài nhảm nhí này để câu độc giả. Sau đó loạt bài đó đã chấm dứt trong im lặng.

Những câu chuyện “hoang đường” như thế tôi đã gặp rất nhiều từ thời còn ở trại Yên Bái đến gần đây nhất. Từ câu chuyện trong sách cách mạng tôi đã xem kể về một cô gái truyền tin dũng cảm trong chiến tranh. Khi đường giây điện thoại bị bom đánh đứt, không kịp để nối lại, cô đã 2 tay cầm 2 đầu giây bị đứt đứng dưới hố bom ĐẦY NƯỚC, ra lệnh cho đồng đội quay điện thoại liên lạc với đơn vị cho kịp. Coi như thân mình cô ta có cùng một điện trở nhỏ như dây đồng vậy! Đến gần đây trên internet đăng bài phỏng vấn “anh hùng đánh Mỹ” 40 kg dùng tay không níu càng trực thăng xuống để đồng đội bắn hạ. Đúng là Hercule tái thế. Kế đó là chàng trai Phạm Gia Vinh đã dùng tay không chế tạo thành công phi thuyền không gian và hứa hẹn sẽ đưa người ra quỹ đạo vào năm tới. VN đến thời điểm này chưa chế tạo nổi một con vít đủ tiêu chuẩn mà nói chuyện trên mây. Hết biết!!

Chuyện nhảm đại loại như vậy nói mãi không hết khi còn những đầu óc ngu muội hợm hĩnh. Nói chung trong chiến tranh CS đã thành công vì gian trá, lừa lọc, tàn ác, với sự trợ giúp đắc lực của 2 đế quốc CS to lớn là Tàu và Nga. Người dân miền Nam đã ngây thơ nghe lời phỉnh gạt đi kèm sự khủng bố giết chóc để tiếp tay làm tay sai cho chúng. CS đã coi sinh mạng người dân là bàn đạp cho tham vọng ngông cuồng của chúng. Hằng triệu xác người đã ngã xuống để xây lâu đài cho các ngài lãnh đạo chễm chệ trên ngai vàng điện ngọc như vua chúa thuở xưa khi thiết triều trong ngày đầu năm. Trong khi đó người dân cùng khổ bị chúng cướp nhà cướp đất kêu oan dậy trời không thấu. Đây là thứ hòa bình mà toàn dân không được an hưởng. Nó chỉ phục vụ cho bọn đầu sỏ ăn trên ngồi trốc mà thôi. Các bạn thử nghĩ mà xem, chân lý: CS nói gì thì làm ngược lại mới là đúng sự thực. Họ nói xấu mọi thứ về miền Nam thì đúng ra họ đang chửi lại chính họ đó. VC đã có tất cả những xấu xa mà họ đã từng rêu rao về “Mỹ Ngụy”.

Lương Phạm

No comments: