Saturday, June 13, 2020

Trận Pleime 1974 Kỳ 4

Nhiều kỳ – kỳ 4
Cái thời vàng son, khi Ðồng Minh còn hiện diện, xăng nhớt như nước, bom đạn như mưa đã qua rồi!
Cái thời nằm xoài trên bãi, miệng rít xì gà chờ B 52 trải thảm rồi bay vào vùng lượm súng đã qua rồi! Bây giờ là lúc đánh nhau với cung cách “thắt lưng buộc bụng”
Bây giờ cũng là lúc, muốn sinh tồn, người cầm quân phải vận dụng đầu óc nhiều hơn, dùng mưu trí nhiều hơn. Chỉ ơ hờ một chút là mất mạng, hay biến thành tù binh.
Nhận lệnh xong, rời quân đoàn, tôi phải bay thẳng một lèo về Pleime, không được ghé bất cứ nơi nào.
Ngày 23 tháng 7 tôi chuẩn bị 6 toán, mỗi toán 3 người, dưới quyền Thượng sĩ Năng đào hai đường hào dùng để rút quân. Một đường xuất phát từ kho đạn pháo binh, đường thứ nhì bắt đầu từ bể nước dự trữ. Hai đường hào này gặp nhau nơi cổng Nam. Trường hợp bị tràn ngập chúng tôi có thể vừa đánh vừa lui theo hai đoạn đường giao thông hào này.
Ngày 24 tháng 7 tôi dẫn theo Thiếu úy Trần Văn Phước cùng một toán viễn thám leo lên đỉnh Chư Gô để cất giấu hai chục khẩu phần lương khô, hai thùng nước uống và một máy truyền tin PRC 25 với 4 cục điện trì, dự trù nếu phải di tản còn có một điểm tiếp liệu.
Trưa hôm đó Hạ sĩ Nguyễn Ba và Binh nhì Lê Văn Bích đang nóng lòng trông đợi tôi về ăn cơm. Thấy tôi bước vào cổng trại, đầu tóc, mặt mũi đẫm mồ hôi, chú Ba vội chạy tới vừa giơ tay gỡ cái dây ba chạc khỏi vai tôi, vừa nói,
– Ông thầy đi đâu mà không cho tụi tôi biết, tụi tôi lo quá!
Binh nhì Bích cũng đon đả,
-Thiếu tá ăn cơm nhé?
Hạ sĩ Ba vừa châm cho tôi một điếu Lucky vừa bùi ngùi,
– Sáng mai em phải vào vùng thay cho toán của thằng Yang rồi, không biết em có còn sống để về gặp ông thầy hay không?
Kể từ cuối năm 1972, dưới quyền tôi, chú Ba đã là lính nhảy toán Biên Vụ (Viễn Thám) của Phòng 2. Tới khi tôi vào Pleime thì chú Ba tình nguyện đem toán đi theo tôi.   
Trong lúc tôi ngồi ăn cơm, chú Ba và chú Bích cứ lăng xăng xung quanh, chờ tôi sai vặt. Nhìn bộ dạng của hai thằng em, tôi nghiệm ra rằng nhất cử, nhất động của mình đều có ảnh hưởng tâm lý tới mọi người dưới quyền. Bao lâu nay, tôi đã là niềm tin, là chỗ dựa của họ. Tôi chỉ đi vắng có vài giờ mà thuộc cấp đã lo lắng như vậy, nếu như tôi không có mặt, chắc họ sẽ còn lo lắng gấp nhiều lần hơn.
o O o
Pleime bão lửa ngợp trời…
Ngày 25 tháng 7 chúng tôi được lệnh chuẩn bị mở đường Tỉnh lộ 6C để nhận tiếp tế thường kỳ.
Trong đêm 26 tháng 7 tôi cho hai Ðại đội 2/82 và 3/82 di chuyển tới vị trí tập kết, thiết lập vị trí phòng ngự để đối phó với một trận bôn tập có thể xảy ra.
Ðại đội 3/82 của Thiếu úy Phạm Ðại Việt là cánh quân xa nhứt, chỉ cách ranh giới của  Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân chừng hơn một cây số. Kế đó là Ðại đội 2/82 của Trung úy Nguyễn Hữu Anh chốt chặn cách Pleime 4 cây số về hướng chính Bắc.
Ðại đội 4/82 giữ nhiệm vụ nghênh cản vùng Tây Bắc nên hiện thời trong đồn còn lại Ðại đội chỉ huy cùng với Ðại đội 1/82 trừ (-) vì thiếu hai trung đội đóng tiền đồn cố định trên Chư Hô và trên cao điểm 509.
Sáng 27 tháng 7 năm 1974, Căn cứ Pleime hoàn toàn yên tĩnh, nhưng toán viễn thám của Hạ sĩ Nguyễn Ba và Ðại đội 4/82 của Thiếu úy Phạm Văn Thủy đều báo cơ giới địch bắt đầu chuyển quân bằng xe từ Chư Prong nhắm về hướng Ðông.
Ðại đội nghênh cản 4/82 của Thiếu úy Thủy không dám ra mặt đương cự với đoàn xe chở quân của địch chỉ vì hỏa lực rất mạnh của bốn khẩu 12.7 ly đặt trên hai chiếc xe be đi đầu khạc đạn như mưa trên từng thước đất dọc đường đi.
Ðịch đã dùng hỏa lực, thay vì nhân lực để mở đường. Ðại đội 4/82 chỉ còn nước nằm bẹp sát đất tránh đạn, rồi rút xuống suối ẩn núp chờ địch đi qua.
Tới khi thấy bộ binh địch từng đoàn chạy bộ theo con đường xe be tiến lên thì Ðại đội 4/82 đồng loạt nổ súng.
Quân của Ðại đội 4/82 đã chặn đánh địch trên hai vị trí định sẵn trong khoảng thời gian chừng một giờ thì phải rút, vì sợ viện binh địch bao vây, sẽ mất đường về.
Còn toán viễn thám của Hạ sĩ Nguyễn Ba sau khi bắn cháy được một xe chở đạn của địch thì bị lộ, bèn cắm đầu chạy. Tối hôm đó toán này mới về tới cổng Nam của trại.
Ðúng 9 giờ sáng ngày 27 tháng 7 địch mở màn một cơn mưa pháo dọc hai bên Tỉnh lộ 6C từ chân núi lửa Chư Mréa tới cổng trại Pleime.
Pháo binh Việt-Cộng bắn như trống chầu. Ước tính trong thời gian chừng nửa giờ đồng hồ, địch đã bắn phủ vùng 10 cây số của tỉnh lộ với hàng ngàn viên đạn đủ loại gồm đại bác 130 ly, đại bác 105 ly, đại bác 122 nòng dài, cối 120 ly, cối 82 ly.
Tỉnh lộ 6C chỉ còn là một con rồng bụi đỏ khổng lồ uốn khúc, vừa dài, vừa cao ngút tới mây.
Sau khi tận dụng pháo binh, bộ binh địch bắt đầu reo hò xung phong chiếm lĩnh mặt Tỉnh lộ 6C vùng hướng Bắc ngã ba làng Plei Xome.
Ðiều đáng ngạc nhiên là trận đánh đã diễn ra trước khi đoàn quân xa tiếp tế cho Pleime và Căn cứ 711 vào vùng.
Trên hệ thống vô tuyến của liên đoàn, tôi nghe Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân báo cáo rằng hai đại đội dưới quyền ông đang bị một lực lượng rất đông của Việt-Cộng chặn đánh. Cánh quân cực Nam của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đã bị mất liên lạc, đại đội đi tiên phong này do Thiếu tá Trần Văn Ngọc, Tiểu Ðoàn Phó Tiểu Ðoàn 81 chỉ huy. Quân của ông Ngọc nằm cách tiền quân của tiểu đoàn tôi chừng hơn một cây số.


Pleime ngày 27 tháng 7 năm 1974.
Hai đại đội của Tiểu Ðoàn 82 đều thủ trong bìa rừng hướng Ðông của tỉnh lộ, dưới hố cá nhân và giao thông hào, nên không bị pháo binh địch gây tổn hại.
Ði mở đường, tôi không cho quân trải dài theo lộ như nhiều đơn vị khác.
Vì với nhiều năm kinh nghiệm, tôi thấy quân đội ta khi giữ đường, thường có thói quen cứ cách nhau vài chục thước lại cho một anh lính đứng gác; người đi trên xe nhìn thấy lính gác đường thì cảm thấy yên tâm. Nhưng chỉ cần một trung đội Việt-Cộng tập trung hỏa lực, vừa bắn vừa tiến, những người lính đứng đơn độc sẽ bị tiêu diệt ngay.
Cứ như thế, một đại đội Việt-Cộng có thể đánh tan một tiểu đoàn khai lộ của ta không khó khăn.
Khi hành quân khai lộ, tôi chỉ bố quân một bên đường, phía đường bên kia được hai khinh binh đi rà soát liên tục. Một người đi trong rừng, một người đi ngoài trống, nếu phát hiện địch thì hai khinh binh này nổ súng báo động rồi thoát chạy ngay.
Sáng nay pháo binh địch bất ngờ tới tấp nổ trùm mặt lộ, khiến cho bốn anh lính rà đường của hai Ðại đội 2/82 và 3/82 phải chạy bán sống, bán chết về trại.
Giờ phút đó, trên đỉnh đồi 407, cách Pleime 4 cây số, tôi đang ngồi với Trung úy Nguyễn Hữu Anh đại đội trưởng 2/82.
Vừa nghe tiếng “Ùm!” từ đằng xa, tôi vội đứng dậy, gọi cho Trung úy Chủ báo cho quân trú phòng trong trại đóng chặt cổng rào.
Trong lúc lộn xộn, chân tôi đạp nhằm cẳng một anh lính truyền tin của Ðại đội 2/82, anh này vừa xoa chân vừa chu chéo, “Ui cha ui! Thiếu tá đạp gãy chân em rồi!”
Nhìn bộ dạng anh lính, tôi phải phì cười,
– Không xuống hố, cứ nằm đó mà la đi! Việt-Cộng nó pháo đứt đầu bây giờ!
Nghe tôi hù, thằng em sợ quá vội ôm chiếc ba lô có cái máy PRC 25 nhảy xuống hố.
Về phần trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân thì trận đánh đã diễn ra hoàn toàn như tôi đã dự đoán. Vì bị Ðại đội 4/82 cầm chân nên cánh quân bộ binh này của Việt-Cộng đã tới mục tiêu rất trễ.
Ðịch đang ngơ ngác trên mặt lộ trống trơn thì quân ta bắt đầu nổ súng. Hầu như toàn bộ đơn vị tiền phong Việt-Cộng hiện diện trên mặt đường đều bị tiêu diệt.
Tuy vậy, trong lúc giao tranh, Ðại đội 3/82 cũng đã có một người chết và ba bị thương. Thấy địch càng lúc càng đông, Thiếu úy Việt đành cho quân bám đất và xin tôi cứu viện.
Cùng lúc đó, từ Căn cứ Hỏa lực 711, Ðại tá Từ Vấn, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân ra lệnh cho tôi phải bằng mọi giá tiến lên cứu Thiếu tá Ngọc.
Tuy Ðại đội 3/82 đang ở cách Thiếu tá Ngọc một đoạn đường hơn một cây số, nhưng tôi không thể cho lệnh Ðại đội 3/82 bỏ hầm hố để tiếp tay cho quân bạn, vì nếu địch chiếm được khu hầm hào đó thì Ðại đội 3/82 không còn đường lui, mà quân từ hướng Nam tiến lên cũng bị chặn đứng.
Tôi chỉ còn cách ra lệnh cho phần còn lại của Ðại đội 1/82 ra trám chỗ cho Ðại đội 2/82 giữ lưng cho tôi và Ðại đội 2/82 tiến lên.
Như thế là tôi đã đem gần hết quân trú phòng ra trận, trong đồn chỉ còn đại đội chỉ huy công vụ cùng với trung đội pháo binh và hai khẩu đội súng cối 106 ly, 81 ly.
Khi tôi và Ðại đội 2/82 bắt tay được Ðại đội 3/82 cũng là lúc quân tăng viện của địch từ vạt rừng hướng Tây ào ào tiến sang. Chúng dàn thành đội hình hàng ngang, xung phong từng đợt, mỗi đợt cách nhau chừng mười phút.
Bốn tháng trước, tôi đã biết cách đánh này là thói quen của Trung Ðoàn 48/320A.  Chiến binh của E 48/320A có nhiều người thuộc sắc tộc Tày, Nùng rất gan dạ.
Ðơn vị này có sở trường là khi tấn công thì họ cứ miệng thét “Xung phong! Xung Phong!” từng đợt ào lên mục tiêu, bắn giết rồi vượt qua luôn, hết đợt này tới đợt khác, không ngừng lại kiểm soát trận địa hay thu nhặt chiến lợi phẩm.
Kỳ này chúng tôi có lợi thế là ẩn trong rừng hướng Ðông của Tỉnh lộ. Ðịch phải xung phong qua hai vạt rừng đã khai quang và một mặt lộ trống trải rồi mới tới tuyến phòng ngự của Biệt Ðộng Quân. Vì vậy địch tiến lên đợt nào, chết hết đợt ấy.
Cũng may mắn là vào lúc hai khẩu M60 của Ðại Ðội 3/82 vừa bắn hết đạn thì tiếng súng của địch cũng lơi đi. Hình như địch rút về hướng Bắc, khu ranh giới của hai tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân.
Sau khi Miền Nam thất thủ, tôi đã có dịp gặp mặt người chỉ huy Trung Ðoàn 48/320A này, và biết thêm rằng ông ta cũng là người bị tôi phục kích giết hụt hồi tháng 6 năm 1974 nơi ngã ba làng Plei Xome. Ông ta thổ lộ rằng trận Pleime 1974 đơn vị dưới quyền ông đã bị thiệt hại rất nặng, phải rút về Ia Drang tái bổ sung và trang bị.
Ðịch rút đi, tôi dẫn quân tiến lên còn cách ngã ba làng Plei Xome chưa đầy nửa cây số thì tạm ngừng để hỏi Ðại tá Từ Vấn cánh quân hướng Nam của Tiểu Ðoàn 81 nằm chỗ nào, Ðại tá Vấn trả lời không biết.
Tôi lại vừa đánh vừa tiến. Bên kia ngã ba là vùng trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân.
Lại có tiếng xe chuyển quân của địch từ hướng Tây. Sau đó, quân tăng viện của Việt-Cộng ào ào tiến ra đường theo con lộ mà chúng đã phát quang từ hơn một năm về trước. Ngay lập tức cánh quân này đã bị chúng tôi đánh tan.
Khi tôi tiến tới vị trí cách làng Plei Xome chừng hai trăm mét thì chạm một bức tường hỏa lực phòng không của địch.
Có ít nhất ba khẩu đại liên 12.7 ly bắn liên tục để cản đoàn quân của tôi. Tôi phải cho quân dạt xuống triền Ðông của con lộ để tránh đạn.
Ðại đội 3/82 có thêm bốn người chết và năm, sáu người khác bị thương. Toán viễn thám Mom Sol cận vệ của tôi có một người bị thương, một cái máy PRC 25 bị bắn bể.
Trên tần số liên đoàn, Ðại tá Vấn liên tục gọi Thiếu tá Lân nhưng không có tiếng trả lời. Trong lúc đó trên trời có một trinh sát cơ O2 đang bao vùng.
Tôi nói với Ðại tá Vấn,
– Mụ “Ðầm già” bay trên kia có phải của Hai Lẻ Chín không? Nếu niên trưởng không dùng thì giao nó cho tôi!
– Ừ! Lấy đi!
(Ðầm già = Tên xưa của quan sát cơ. Hai Lẻ Chín = Ðại tá Vấn)
Tôi vào tần số không lục,
– Bắc Ðẩu đây Thái Sơn!
Người trên tàu đáp lại,
– Bắc Ðẩu nghe! Một phi tuần A 37 sẵn sàng! Thái Sơn cần chỗ nào tôi thỏa mãn ngay!
– Okay! Bắc Ðẩu có thấy trên tọa độ ZA… có ba bốn khẩu 12.7 ly không? Tôi ở chỗ khói vàng. Mục tiêu cách tôi 200 mét hướng 4800 ly giác! Yêu cầu cứ đánh giùm tôi từ đó kéo dài về hướng Tây!
– Tôi thấy lâu rồi! Chỉ chờ bộ binh yêu cầu là tụi này ra tay ngay!
Tôi cho lệnh đánh dấu ba trái khói vàng, rồi ngồi chờ.
Chỉ ít phút sau, hai phi xuất A 37 đã theo nhau thét gào, nhào lộn trên ngã ba làng Plei Xome.
Tiếng bom vừa dứt, thì tôi ngỡ tai mình nghe lầm,
– Thái Sơn! Ðây là Hai Lẻ Chín! Tôi ra lệnh cho Thái Sơn! Bất cứ giá nào cũng phải lên cứu cho được thằng Lê Lai!
(Lê Lai là Thiếu tá Lân)
Tôi nói,
– Tôi không biết các cánh quân của thằng chín nút (81) nằm chỗ nào, tôi không thể liên lạc được với họ thì làm sao mà cứu họ?
Nghe tôi nói vậy, thì Ðại tá Vấn lớn tiếng dọa,
– Lệnh là lệnh! Nếu anh không lên, tôi truy tố anh ra tòa!
Tôi nghĩ người chỉ huy trực tiếp của tôi đang bấn loạn tinh thần nên nói năng chẳng còn cân nhắc. Ông Vấn gọi ông Lân như gọi đò cả tiếng đồng hồ rồi mà chẳng có ai đáp máy. Có khi giờ này toàn bộ Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đã bị địch đánh tan rồi.
Tôi trì hoãn,
– Ðể tôi chiếm cái ngã ba rồi tính tiếp.
Lúc đó, trên máy của thằng Y Don Nier, Trung úy Trần Dân Chủ từ trung tâm hành quân của tiểu đoàn báo cáo rằng, pháo địch bắt đầu nổ trên nóc trại Pleime. Ông Chủ cũng cho tôi biết tin Ðại đội 4/82 của Thiếu úy Thủy đã về tới căn cứ và chỉ có năm quân nhân bị thương nhẹ.
Tôi thấy tình hình sắp nguy khốn, vì nếu địch mở một mũi tiến công mới, nhắm ngay cổng trại thì tôi hết đường về. Tôi sẽ bị lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nếu tôi không về kịp thì chắc chắn sẽ mất đồn.
Tôi cũng chợt nhớ ra, nhiệm vụ Tư Lệnh Quân Ðoàn giao cho tôi là giữ đồn Pleime, không phải là bỏ đồn đem quân đi cứu người khác. Nếu tôi bị cầm chân ở đây mà để mất đồn thì tôi là người gánh trách nhiệm chứ không phải Ðại tá Vấn.
Tôi nói với Ðại tá Từ Vấn,
– Chúng nó bắt đầu đánh vào Pleime! Báo cho Hai Lẻ Chín biết giờ này tôi rút quân!
Không chờ phản ứng của ông liên đoàn trưởng, tôi ra lệnh cho quân mình dừng lại, bố trí theo bờ suối hướng Ðông của Tỉnh lộ, chuẩn bị đội hình.     
Ngay lúc đó có tiếng Thiếu úy Mạch Thiệu Hùng, Sĩ quan Tùy viên của Ðại tá Tất,
-Trường An ra lệnh cho Thái Sơn quay về giữ đồn!
Thì ra Ðại tá Tất đang bay trên trời. Ông Tất có tần số nội bộ của tôi. Chắc ông Tất đã hay biết toàn bộ diễn tiến xảy ra dưới đất, nên đã trực tiếp can thiệp.
Chạm địch, tôi ít khi cầm máy liên đoàn, tôi thường có mặt trên tần số nội bộ không giây phút nào rời. Vì thế, mỗi khi bay giám sát trận địa, Ðại tá Phạm Duy Tất và Tướng Nguyễn Văn Toàn đều vào tần số này, vừa tiện theo dõi tình hình, vừa dễ ra lệnh trực tiếp cho tôi.
Vương Mộng Long 

No comments: