Tuesday, October 6, 2020

Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn - BS Nguyễn Duy Cung

 “Nam Quan cho đến Cà Mau,

Là nhà Việt Nam, non nước tươi một màu,
Yên vui, anh trước em sau
Đừng có xa nhau mà lòng tan nát đau“
Chỉnh Trang Lại Bệnh Viện Xây Tường Chống Pháo Kích
Tôi lên Phước Long đã hơn nửa năm rồi, nhà thương nhiều lần hứng chịu những trận pháo kích lớn nhỏ bất thường, không một góc cạnh nào của bệnh viện mà không bị sứt mẻ, từ những tấm ngói trên nóc trại bệnh, nhà bảo sanh cho đến vách tường hướng về nhà vỉnh biệt ở bìa rừng, đâu đâu cũng lỗ chỗ những dấu đạn cày xước.
Mỗi lần có pháo kích, bệnh nhân hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, có những trái pháo 81 ly tịt ngòi còn nằm chui dưới đất, tôi đã dựa vào đó để nghiên cứu đạn đạo và ước lượng vị trí đặt súng của địch. Nghe tiếng pháo kích riết thành quen, có hôm đang ngồi nói chuyện với khách trong văn phòng, thình lình nghe một tiếng “rít” khác thường từ xa, tôi vội nhảy nhanh lên bàn làm việc phóng ngang qua mặt khách chạy ào ra sân đè úp một em bé đang đi lững thững nằm sát xuống đất thì quả đạn đã bay tới, trúng vách nhà bảo sanh nổ tung, chỉ cách chúng tôi hơn 10 thước, em bé giật mình không biết gì khóc thét lên. Thật may mắn khi cả hai chúng tôi đều vô sự. Đúng là ơn Trời che chở!
Một hôm tôi nảy ra ý định xây một bức tường gạch dọc theo hành lang trước các trại bệnh với mục đích chống đạn, tạo sự an toàn phần nào cho bệnh nhân nằm bên trong và nhân viên đi lại bên ngoài. Trong tỉnh nhỏ sau vài phiên họp trên Tòa Hành Chánh là mọi người đều dễ quen biết nhau, ngành Y Tế cũng được lòng các cơ quan bạn nên khi tôi vừa nêu ý định trên thì ông Kỹ Sư Lai, Trưởng Ty Công Chánh liền có nhã ý cho bệnh viện mượn cái máy ép gạch bằng tay rất tiện lợi. Đất đỏ vùng này vừa dẻo vừa dính, nếu được pha thêm một chút xi măng thì càng tốt, chỉ cần xúc đất trộn sẵn đổ vô khuôn và dùng tay ép nhẹ lên cây cần là có được một viên gạch “Civaram” vừa to vừa chắc.
Máy ép gạch được đặt ngay ngoài cổng chánh của bệnh viện, buổi chiều tan sở, mỗi nam nhân viên được yêu cầu ép giúp cho nhà thương một viên gạch. Thấy việc làm vừa nhẹ nhàng vừa có ích lợi chung nên nhóm phụ nữ cũng xung phong ép, rồi người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện cũng tự động tham gia đóng góp công sức. Chẳng bao lâu bệnh viện đã có dư số gạch cần thiết để xây hai bức tường gần nhau trước hành lang trại bệnh, khoảng giữa thì đổ đất trồng bông. Tường cao tới cổ, được sơn màu xanh da trời lợt. Một lớp bao cát cũng được trải trên trần nhà phòng bệnh nhân và phòng mổ, coi như “pháo đài” trú ẩn tương đối an toàn. Sẵn đà tôi cho lấp các hầm hố đọng nước ngoài sân, biến khu đất lầy lội thành nền xi măng lót gạch bằng phẳng sạch sẽ nối liền trại bệnh và nhà hộ sinh, bốn góc sân trang trí 4 bồn tròn chứa đất trồng cây kiểng thấp.

Tôi cũng cho làm một công viên nhỏ gần cổng ra vào của bệnh viện, ở giữa xây một chòi hình lục giác bằng gỗ lợp tranh, có hàng rào trồng bông giấy và lối đi dạo vòng quanh, đồng thời dựng thêm những bức tường cao thấp khác nhau, đặt rải rác một cách mỹ thuật với dụng ý làm nơi tránh đạn khi cần, vừa tạo sự thuận tiện cho bệnh nhân ra ngoài giải trí hoặc thân nhân tới có chỗ thăm nuôi.
Một hôm vừa đi công tác bên ngoài về thì được nhân viên cho biết có một Sĩ Quan Mỹ lái xe đến nhà thương, tự động chở đống gạch chất ngoài cổng, tôi liền cho mời ông ta vào văn phòng ôn tồn giải thích về số gạch và mục đích xây dựng của bệnh viện, nhưng nếu cơ quan quân sự có nhu cầu sử dụng gạch thì nên cho chúng tôi biết để san sẻ, giúp đỡ. Tưởng nói vậy thì ông ta sẽ hiểu ra vấn đề, ai dè ông Đại Úy Mỹ còn tỏ ra trịch thượng hỏi vặn lại tôi:
“Ông có biết xi măng này là của nước Mỹ cung cấp hay không? Ông có biết nước Mỹ qua đây là để giúp nước ông hay không? Tôi không cần xin ai cả”
Khó chịu vì cử chỉ thiếu lịch sự của viên sĩ quan, tôi xẵng giọng:
“Xin lỗi ông, tôi cũng không cần biết ông là ai, ông vào đây lấy gạch của nhà thương mà không được sự đồng ý của chúng tôi thì ông phải đem trả những viên gạch về chỗ cũ. Tôi sẽ liên lạc với cơ quan MACV về việc này.”
Thấy thái độ cứng rắn của tôi, ông ta chất những viên gạch xuống xe và bỏ đi, vẫn chưa hết bực mình tôi gọi điện thoại với viên Chỉ Huy MACV tường thuật sự việc và được biết sau đó ông Đại Úy bị đổi đi nơi khác trong vòng 24 giờ. Thấy mình cũng nóng tánh khi giải quyết vấn đề, nhưng tôi nghĩ rằng phải cương quyết trong vài trường hợp cần thiết để không biến nó thành tiền lệ sau này, dung túng cái xấu hay sợ mích lòng mà không dám nói thẳng, lâu ngày sẽ thành một thói quen tệ hại.
Sửa đổi lại đôi chút đã khiến bệnh viện trở nên khang trang sáng sủa hơn, đồng thời tạo cho nhân viên và bệnh nhân thấy an toàn trong tầm pháo của Việt Cộng. Bệnh viện mới tăng cường thêm 4 cô y tá trẻ mới ra trường: An, Hồng, Loan, Thúy. Tất cả đều có trình độ Tú Tài và bằng chuyên môn Cán Sự Điều Dưỡng, các cô thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm việc tận tụy giúp tôi rất nhiều việc trong điều trị và chăm sóc hậu phẫu, nhất là những lúc tôi vắng mặt đi công tác dân sự vụ ở các làng xa.
Buổi chiều sau giờ làm việc, bắt đầu có nhiều công chức, sĩ quan độc thân trẻ tuổi đến thăm viếng bệnh viện, không biết đến ngắm vườn hoa trước cổng hay giả đò cảm mạo thương... nàng y tá nào, có điều nhìn chung khung cảnh bây giờ bớt vẻ thê lương buồn thảm của một bệnh viện nhỏ trong tỉnh lỵ heo hút xa xôi. Ông Tỉnh Trưởng có dịp đi ngang qua, thấy hai chiếc xe Thiết Giáp đậu trước và sau nhà thương, nòng súng hướng về phía bìa rừng, ông cười và nói vui:
“Bây giờ Y Tế đủ sức phòng thủ rồi, biết đâu hôm nào Toà Tỉnh lại phải nhờ đến cơ quan Y Tế yểm trợ hành quân”!
Phái Đoàn Y Tế Quân Đội Hoa Kỳ
Trước khi tôi lên Phước Long, đã có một phái đoàn Y Tế thuộc Quân Đội Hoa Kỳ do một Đại Úy Quân Y tên là Di Bartholomeo dẫn đầu cùng 9 nhân viên thường xuyên đến nhà thương giúp đỡ bệnh nhân. Dáng người cao lớn trắng trẻo, gương mặt lúc nào cũng tươi cười, bằng giọng nói hiền hoà khi tiếp chuyện nên ông rất được cảm tình của mọi người trong bệnh viện. Vì tên ông quá dài khó nhớ nên ai cũng gọi tắt là “Bác Sĩ Đi”, ông nghe cũng tức cười dí dỏm hỏi lại bằng câu tiếng Việt “Đi mà đi đâu?”.
Khi tôi đến nhận nhiệm sở, ông lịch sự đem hết chìa khóa phòng mổ, kho thuốc, phòng thí nghiệm do ông lập ra trao hết cho tôi. Chúng tôi làm việc trong tinh thần đồng nghiệp cởi mở, nhớ có lần ông thấy tôi đang chuẩn bị đưa một thanh niên 16 tuổi lên phòng mổ với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ông ngăn lại để chờ làm xét nghiệm, sau khi thử máu bệnh nhân thấy bạch cầu bình thường, xem qua tim phổi sờ bụng... ông đưa ý kiến là bệnh nhân bị sán lãi, tôi không nghĩ như vậy vì tôi đã hỏi kỹ bệnh lý, bệnh nhân đau bụng dưới bên phải cách đây ba ngày, có uống trụ sinh lẫn thuốc Cortisone và thấy dễ chịu, da bụng sờ cũng bình thường, nhưng khi tôi khám hậu môn thì thấy bệnh nhân đau quặn về phía bụng phải. Tôi đoán là viêm ruột thừa cấp. Nghe tôi phân tích ông làm thinh và đứng nhìn tôi mổ.
Bệnh nhân được ngủ bằng máy đánh thuốc mê Ombredane toàn diện, đặt lưỡi dao mổ ở vùng Mac Burney tách các cơ dưới da, vừa rạch nhẹ màng bụng thì một chất nước sền sệt màu vàng vọt mạnh ra, ông Di la to bằng tiếng Anh:
“Mủ, ruột bị lủng rồi!”
Tôi dùng nhiều nước biển bơm vô rửa bụng, hút mủ ra cắt bỏ ruột dư đặt ống dẫn lưu, may hở thành bụng và cho thêm nhiều thuốc trụ sinh vào chai nước biển đang chuyền.
Bác sĩ Di hỏi tôi:
“Tại sao ông nghĩ là người bệnh bị đau ruột dư cấp mà nhất định mổ trong khi thử máu thấy bình thường?”.
Theo tôi có nhiều bệnh nhân không ý thức trong khi dùng thuốc như trường hợp này, mới thấy đau bụng hơi hơi đã lạm dụng thuốc trụ sinh và thuốc giảm đau, có khi dùng cả chất Corticoid, điều này sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm, nên khi khám bệnh tôi phải hỏi kỹ bệnh sử, dựa trên dấu hiệu lâm sàng nhiều hơn là trên kết quả thử nghiệm và tôi nhận thấy cách khám hậu môn để dò xét vùng ruột dư là rất có giá trị trong trường hợp nghi ngờ. Bằng phương pháp giản dị đó tôi đã nhiều lần khám phá ra chứng sưng ruột dư khi còn là sinh viên Y khoa nên mổ cấp cứu kịp thời cho nhiều bệnh nhân.
Thêm một trường hợp khác bệnh nhân nhập viện lúc nửa đêm, bác sĩ Di khám và chẩn đoán đau bụng do sán lãi, ông gọi tôi đến và sau khi khám kỹ bụng và hậu môn, tôi cũng quả quyết là đau ruột dư cần giải phẫu mặc dù thử máu thấy bạch huyết cầu không tăng. Quả thật khi vừa rạch dao qua khỏi màng bụng thì mủ trào ra… Ông Di lại hỏi vặn tôi “Tại sao bác sĩ biết là đau ruột dư?”. Tôi giải thích là do biết bệnh sử bệnh nhân người gốc Trung Hoa nghiện hút kinh niên, trước khi vào bệnh viện còn ráng kéo thêm một hồi á phiện, chất này làm cho bệnh nhân mất cảm giác đau đớn nơi da bụng nhưng khi khám hậu môn thì không giấu được cơn đau quặn vùng ruột dư.
Biết tôi chuyên về Giải phẫu và có du học Gây Mê Hồi Sức tại bệnh viện Letterman ở San Francisco nên ông mang tặng tôi quyển Atlas of Surgical Operation của tác giả Zollinger/ Zollinger, cuốn sách khổ to dầy trên 100 trang viết bằng tiếng Anh đối với tôi rất quý, tôi bỏ thời gian để đọc nó, coi như sách gối đầu giường và hết lời cám ơn ông.
Phái đoàn Y Tế Milphap đã làm việc rất tốt tại nhà thương Phước Long cho đến một hôm xảy ra chuyện đáng tiếc. Một anh nhân viên của đoàn không hiểu vì lý do gì đã mạnh tay xô ngã một anh y công trong sân bệnh viện trước bao nhiêu người chứng kiến, khiến ai cũng bất bình. Anh y công nhỏ người ốm yếu thuộc gia đình nghèo ở tận hồ Long Thủy mỗi ngày đạp xe lọc cọc đi làm, chưa biết lỗi phải thuộc về ai, cũng như nguyên nhân gây xích mích có thể do ngôn ngữ bất đồng. Tôi bình tĩnh cho mời Bác Sĩ Di vào, nụ cười vui vẻ hàng ngày biến mất, ông lộ vẻ buồn qua cặp kính cận, có lẽ ông đã thấy hết mọi việc xảy ra, ông tỏ ý hối tiếc và ngõ lời xin lỗi trước cảnh anh quân nhân Mỹ to lớn xô xát với một người y công nhỏ bé khiến dân chúng phẫn nộ.
Chúng tôi ngồi lại phân tích khía cạnh vấn đề xem đúng sai thế nào, nhưng để tránh mối bất hòa có thể bộc phát mạnh hơn gây thêm hậu quả nghiêm trọng, tôi đề nghị tạm thời ngưng công tác của anh quân nhân trong bệnh viện. Ông Di cho chuyển anh lính Mỹ này ra khỏi đoàn ngay hôm sau và chúng tôi tiếp tục hợp tác vui vẻ bình thường. Khi rảnh tôi qua căn cứ thăm ông, ông Di cho xem tờ báo “Sao và Sọc” của Quân Đội Hoa kỳ, tôi mới biết tờ báo này gọi Bà Rá là vùng Siberia của miền Nam VN mà không biết tại sao.
Một đêm mưa gió, ông Trung Úy của Đoàn ghé qua bệnh viện để lấy đồ ông bỏ quên trong phòng mổ, sẵn dịp ông ngồi nói chuyện và tặng tôi một quyển thơ bằng tiếng Anh. Tôi giữ để thỉnh thoảng tra vài từ thông dụng học thêm chứ khả năng Anh ngữ của tôi còn kém, văn xuôi còn chưa thông đạt nói gì đến thấu triệt văn thơ. Ông Trung Úy lịch lãm có đề cập một vấn đề tâm lý quan trọng làm tôi chú ý, theo ông ngành Y dễ chinh phục lòng dân “Nếu Y Tế ở các nơi đều tận tụy làm việc cho dân, được sự ủng hộ của dân thì Cộng Sản khó có thể chiếm được miền Nam này.” Tôi ghi nhận những điều ông nói rất hợp tình và chí lý.
Có lần tôi chuẩn bị ra thăm một xã gần quận châu thành thì có người dân ở dưới đó đến khuyên tôi không nên đi vì trình trạng mất an ninh trong khu vực, sau đó lên họp ở Tỉnh mới biết VC đã về trong xã, tin tức của người dân có cảm tình với Y Tế đã giúp tôi tránh được tai nạn.

Bác Sĩ Trần Lữ Y - Tổng Trưởng Y Tế Thăm Bệnh Viện
Từ 6 giờ sáng công việc nhà thương đã bắt đầu nhộn nhịp, theo thường lệ y công lo việc vệ sinh tổng quát trong khi tôi và nhân viên điều dưỡng đi một vòng thăm bệnh nhân các trại, xong qua nhà hộ sinh khám sản phụ và trẻ em, kế tiếp là khám cho đồng bào ở các nơi về đổ về tỉnh . Ngoài ra còn phải chuẩn bị sẵn, nếu có dịp chạy nhanh ra sân bay tháp tùng trực thăng đi thăm viếng các vùng hẻo lánh trong tỉnh.
Vì quá bận rộn như vậy nên khi nhận được tin có Bác Sĩ Tổng Trưởng Y Tế lên thăm bệnh viện, tôi đành phải thất lễ chỉ nhờ anh tài xế lái xe đưa cô Điều Dưỡng trưởng thay mặt tôi ra phi trường đón phái đoàn. Bác Sĩ Trần Lữ Y là một người đàn anh đáng kính, rất được cảm tình của các đồng nghiệp vì kiến thức Y Khoa, vì sự liêm chính đức độ của người thầy thuốc. Gan dạ và xông xáo ngoài trận mạc, anh đã từng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ năm 1953. Trong trường Y Khoa giữa giáo sư và sinh viên thường có truyền thống xưng hô với nhau bằng anh em.
Tôi được biết anh lần đầu tiên khi vô trường Y Khoa Sàigòn năm 1955, đi thực tập ở bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó, anh với tư cách Trưởng Bộ Môn Nội Khoa, anh biểu diễn cho sinh viên cách lấy nước trong tủy xương ức, lấy nước trong xoang phổi, xoang bụng… Anh là người Sa Đéc, đồng hương với tôi, cũng là học sinh trường Petrus Ký. Tánh anh bình dị, xuề xòa, hút thuốc nhiều, dường như lúc nào cũng có điếu thuốc trên tay, ngay cả khi giảng dạy. Anh có tài nói năng hoạt bát, mạnh dạn, rổn rảng, thao thao bất tuyệt.
Bác Sĩ Tổng Trưởng đến nhà thương trong lúc tôi đang bận khám bịnh cho một bịnh nhơn nặng đang nằm ngoài hành lang. Tôi đứng lên lễ phép chào anh. Anh ôn tồn bảo tôi cứ tiếp tục công việc, anh chờ được.
Tôi nhờ cô nữ điều dưỡng dẫn ông Tổng Trưởng đi thăm một vòng bệnh viện rồi trở lại văn phòng. Lúc nầy tôi đã khám bịnh xong. Trong văn phòng chỉ có một cái ghế sofa cũ dựa tường là chỗ ngồi trang trọng nhứt dành để tiếp khách. Tôi mời ông dùng nước trà hoa lài nóng với đường cát là loại nước uống của tôi mỗi ngày ở đây. Sực nhớ anh thích uống rượu ‘Ông già chống gậy’, tôi cũng muốn đãi anh nhưng nơi đèo heo nầy làm gì có thứ đó nên đành chịu, chính trà và đường nầy cũng là do tôi xuất tiền túi mua chứ nhà thương không có chi phí để mời khách.
Bác Sĩ Tổng Trưởng tự tay mang theo một xấp giấy khen thưởng dầy cộm và một bằng “Y Tế Bội Tinh Đệ Nhất Hạng”. Thấy Bác Sĩ Tổng Trưởng biết nghĩ đến những người làm việc ở xa, trong lòng tôi cảm động.
Trịnh trọng giữ lại tất cả giấy khen thưởng dành cho nhân viên, tôi thẳng thắn trình bày với ông bằng sự chân thành:
“Em rất cám ơn anh đã nghĩ đến công lao của nhân viên đã tận tụy công tác trên vùng đất xa xôi nguy hiểm này, riêng về bằng “Y Tế Bội Tinh Đệ Nhất Hạng” em xin gởi lại cho Bộ, mặc dù em rất quí trọng nhưng em đã nhiều lần từ chối những đề nghị quá tốt của Cục Quân Y để tình nguyện lên đây phục vụ. Phần thưởng tinh thần của em là làm sao cải thiện được sức khỏe của dân chúng ở vùng đất xa xôi nghèo khổ này để theo gương bác ái của Mẹ em khi xưa. Ở đây em sẽ không nói với anh những gì tốt đẹp mà em đã làm được, nhưng mong anh quan tâm đến những gì mà em đang gặp khó khăn vì thiếu điều kiện và phương tiện hoạt động.
Theo sự nhận xét của nhân viên thì con đường từ Tỉnh lỵ này về đến Bộ Y Tế tuy có xa nhưng vẫn còn gần hơn đoạn đường ngắn ngủi từ cổng của Bộ đến văn phòng ông Tổng Trưởng, vì vậy nếu có nhân viên trên nhà thương này về SG xin trình diện Bộ vấn đề công vụ thì xin anh vui lòng nhín chút thì giờ xem thơ và chỉ thị người đại diện trả lời ngay những yêu cầu để em còn lo liệu tìm cách xoay xở cho bệnh viện. Anh cũng biết đây là bệnh viện thuộc vùng xa hẻo lánh thiếu thốn trăm bề, phòng mổ tạm bợ không có máy thuốc mê và dụng cụ giải phẫu cần thiết để mổ những trường hợp bị thương nặng hoặc đau ruột dư khẩn cấp.
Đường bộ lại không sử dụng được vì vấn đề an ninh, gặp trường hợp bệnh nặng phải khẩn xin trực thăng để chuyển về nhà thương lớn, rủi gặp lúc phi trường pháo kích (chuyện này xảy ra rất thường) máy bay không xuống được, bệnh nhân nằm chờ đợi ngoài trời lại bị thương thêm vì đạn lạc. Bệnh viện thì pháo kích liên miên, tổng số 60 giường bình thường không đủ chỗ, nhưng khi có biến cố là bệnh nhân bỏ chạy về nhà chờ êm êm mới vô nằm lại, nên tạo ra một biểu đồ điều trị không giống ai, đang ở hàng ngang số 60, sau trận pháo kích tuột thăng xuống số 0, sau đó nhích lên từ từ như bậc thang. Hiện tượng này xảy ra bất thường, có khi một lần sau đôi ba tháng, có khi liên tục một tháng đôi ba lần nên không dự đoán được.”
Tôi nói chậm rãi một hồi dài mọi điều cần nói, ông Tổng Trưởng chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng ông ghi chú vào cuốn sổ nhỏ. Công việc của nhà thương trình bày xong, tôi lái xe chở ông đi thăm Chi Y Tế quận Phước Bình, sau lưng chỗ ông ngồi dấu vết đạn VC bắn thủng một lỗ to bằng cái nia, đối với Bác Sĩ Lữ Y đã từng vào sanh ra tử nên hình ảnh chiến tranh không lạ gì với ông. Các Bác Sĩ nước ngoài đến công tác ở Việt Nam, họ vẫn thường tấm tắc khi nói về một ông Tổng Trưởng tài giỏi và gan dạ, lúc Việt Cộng tấn công Sài Gòn nhân Tết Mậu Thân, ông một mình lái xe Jeep chạy ra đường tiếp cứu bệnh nhân sau nhà thờ Đức Bà để đưa vào bệnh viện. Chiều hôm đó gần giờ ra phi trường, anh Dược Sĩ Tự bạn thân của tôi (Sau này qua Mỹ anh đi học lại, trở thành Bác sĩ Đại Tá Quân Y Hoa Kỳ, hiện làm việc tại San Antonio) tháp tùng theo phái đoàn Bác Sĩ Tổng Trưởng, ngồi dưới bóng mát xe cứu thương cùng tôi tâm sự, anh nói:
“Anh Lữ Y rất nhiệt tình lo lắng cho ngành Y Tế. ”
Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét này, bởi vì Anh là đầu não một cơ quan hết sức quan trọng, không những vững về mặt chuyên môn mà còn thấu đáo cả về mặt tâm lý nữa. Theo tôi, anh chỉ cần thành lập một ban đại diện thay anh đi kinh lý, giúp anh có được những bản phúc trình vô tư và trung thực, để anh có nhiều thời gian ở trong Bộ điều hành chung, biên soạn kế hoạch hoạt động y tế hữu hiệu cho toàn lãnh thổ, phối hợp với Quân Y để tuyển chọn thành phần nhân sự có khả năng, có lòng với đất nước trong hoàn cảnh khó khăn này.
Sau chuyến viếng thăm của Tổng Trưởng được mấy hôm thì tôi nhận được công điện Bộ báo tin sẽ gởi lên nhà thương một máy phát điện. Máy này dự trù được gởi cho bệnh viện Vũng Tàu nhưng khi biết nhu cầu cấp thiết của bệnh viện Phước Long, Bác Sĩ Trần Lữ Y đã đổi ý. Ngoài ra nhà thương cũng nhận được hai máy đánh thuốc mê đơn giản và một số dụng cụ giải phẫu. Không ngờ được tiếp liệu y cụ nhanh đến như vậy, tôi hết sức mừng và liền viết thơ cám ơn Anh Tổng Trưởng đã sốt sắng giúp đỡ bệnh viện vùng xa .
Máy phát điện hạng trung, đủ dùng ban đêm cho nhu cầu phòng mổ và nhà bảo sanh. Tôi chọn địa điểm thuận tiện nhất là sau hè nhà thương cạnh bìa rừng, cho xây một căn nhà nhỏ vừa đủ chỗ chứa cái máy, lợp tole nóc bằng chất đầy bao đựng cát để phòng bị trúng đạn, chung quanh cho rào hai lớp kẽm gai để tránh thú rừng về phá phách. Khi hữu sự ban đêm tôi đích thân chạy ra mở hoặc tắt máy, nếu không có mặt anh thợ chánh. Tôi cũng đặc biệt dùng đèn mỗi tối để dạy kèm cho những nhân viên lớn tuổi chuẩn bị để họ thi bằng Tiểu Học, vì bây giờ có lệnh của chánh phủ ưu ái cho nhân viên nào có bằng Tiểu Học sẽ được tăng lương, dù biết rằng từng tuổi này ngồi mày mò từng nét chữ là cả một khó khăn căng thẳng, nhưng tôi khuyến khích họ cố gắng bởi vì lương bổng có thêm đồng nào hay đồng nấy, đỡ khổ cho gia đình.
Riêng máy gây mê Ombredane, tôi cũng huấn luyện được môt anh tá viên cách sử dụng đơn giản, chỉ dùng Ether với khí trời thiên nhiên, anh này còn nghĩ ra cách tránh thuốc mê ứ lại trong phòng mổ bằng sáng kiến dùng một ống nhựa cứng gắn vào máy và đụt xuyên qua vách nối ống dài ra sân cho thoáng hơi.
Nhân viên ai cũng vui khi thấy bệnh viện được trang bị tương đối đầy đủ cho nhu cầu săn sóc sức khỏe, nhất là khoa giải phẫu được tăng cường y cụ phục vụ cho việc cấp cứu kịp thời. Tôi nghĩ đến Bác Sĩ Trần Lữ Y bằng tấm lòng biết ơn khi viết ra những dòng này.

Của Cho Không Bằng Cách Cho
Nhà thầu vừa phân phát xong thức ăn trưa cho bệnh nhân thì có xe Quân Cảnh dẫn đường cho một đoàn xe của quan khách từ Sàigòn lên thăm bịnh viện. Phái đoàn gồm một số Dân Biểu Quốc Hội do ông Tỉnh Trưởng hướng dẫn.
Đoàn xe thắng gấp, bụi cát đỏ tung bay mù mịt, tôi đang đứng ngoài hành lang gần đó khám cho một người bệnh nặng đang nằm trên cáng, vô tình chứng kiến bụi rớt đỏ chén cơm, rớt dầy mịt vô tô canh mít nổi lều bều của bệnh nhân. Tôi cảm thấy bất bình về cách đến thăm nhà thương của phái đoàn, nhưng vẫn giữ bình tĩnh, không nói gì với ai.
Viện cớ đang khám bệnh để tránh việc phải đích thân tiếp khách, tôi nhờ cô Điều Dưỡng thay mặt tôi ra chào và hướng dẫn họ đi thăm quanh khu bệnh viện mới sửa lại khang trang. Khi phái đoàn ra về thì cô Điều Dưỡng báo lại tình hình và đưa tôi một số tiền lớn đựng trong bao thơ do phái đoàn có nhã ý tặng bệnh viện. Tôi nhờ cô trao cho một bệnh nhân lớn tuổi nhất trong bệnh viện để giao số tiền đó cho nhà thầu yêu cầu tăng thêm thực phẩm tươi trong phần ăn của bệnh nhân kỳ tới.
Có lẽ việc tôi miễn cưỡng khi tiếp đón phái đoàn cao cấp của Chánh Phủ không qua mắt được ông Tỉnh Trưởng, nên tối hôm đó ông quay lại nhà thương thăm tôi và hỏi:
“Sáng nay anh có việc gì không vui hả? Trong phái đoàn có người biết anh và hỏi thăm anh đó.”
Thấy ông Tỉnh Trưởng thân mật tôi cũng tình thiệt nói:
“Lúc trưa khi phái đoàn tới, anh có thấy bụi đỏ bay tấp vô trại bệnh, vô phủ đỏ chén cơm của bệnh nhân không? Tôi thấy buồn cho người dân nghèo mình, không mở miệng nói được điều gì, cấp trên đến thăm, ủy lạo dân hay làm phiền dân đây. Bởi vậy tôi khó chịu trong lòng.”
Ông Tỉnh Trưởng ngồi im trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:
“Tôi hiểu ý anh và cũng cám ơn anh đã có những nhận xét rất quan trọng cho người lãnh đạo. Của cho không bằng cách cho. Có những hành động vô tình tưởng nhỏ không để ý, nhưng đã làm mất lòng tin tưởng của dân, cũng đáng trách lắm.”
Tôi nắm tay anh thông cảm, có một vị quan chức biết nghĩ đến cái sai của mình để tìm cách làm tốt, làm đúng giúp ích cho dân là điều hay rồi. Tôi hy vọng sự việc đáng tiếc như sáng nay sẽ không diễn ra nữa.

Một Tai Nạn Bất Thường
Trong sân bệnh viện vừa được lót gạch tàu sạch sẽ, trẻ con đương chạy nhảy chơi đùa thì vụt nghe pháo kích 81 ly rớt xuống phi trường bên kia đường, đối diện nhà bảo sanh. Các cô y tá lật đật xúm nhau ẳm những đứa nhỏ chạy vô phòng ẩn núp, Cô Hoa (nữ hộ sinh trưởng) vụt chỉ tay về hướng một người đàn bà đang ôm bụng đi sát lề rào kẽm gai bên ngoài sân bay.
Phi trường báo động, ba chiếc trực thăng Chinook đang đậu ngoài bãi liền nổ máy bay thẳng lên, cánh quạt chong chóng trên nóc trực thăng họp nhau lại xoay nhanh cùng một lúc tạo nên luồng gió mạnh làm bụi cát tung mịt trời, trong lúc ấy người đàn bà đang mang bầu chưa kip nằm xuống né tránh thì đã bị hất văng xuống một hố cạn bên lề đường. Thiệt là tình thế khẩn cấp bất ngờ, sẵn xe cứu thương gần đó, chú tài xế chở tôi và cô Hoa chạy nhanh ra phi đạo. Sản phụ mặc xà rông, té úp mặt xuống hố, cô nữ hộ sinh la lên
“Bả sắp sanh rồi bác sĩ ơi, đầu đứa nhỏ đã lộ ra ngoài rồi.”
Nói chưa xong cô đã xăng tay áo lên nhanh nhẹn nhảy xuống hố giúp đưa đứa nhỏ ra, mình mẩy hai mẹ con dính đầy máu và bụi đỏ. Đứa nhỏ khóc ré lên. Vậy là yên rồi. Mọi người giúp một tay khiêng cáng đỡ sản phụ lên xe chạy vô nhà thương để cắt nhau, tắm rửa cho em bé và tiêm thuốc trợ sức cho bà mẹ. Cũng may là không bị xây xát gì nặng. Đạn pháo vẫn tiếp tục nổ trong sân bay, rớt mấy trái qua bệnh viện, nhờ mới sửa sang tương đối kiên cố nên mọi người vào chỗ ẩn nấp an toàn.
Đây là lần thứ ba tôi rời bệnh viện ra ngoài để săn sóc cho bệnh nhân bị thương thì ở nhà bị pháo kích. Không hiểu vì lý do gì Việt Cộng lại thích pháo vô nhà thương đúng vào giờ đi làm của nhân viên khiến tôi phải xin ông Tỉnh Trưởng cho phép đổi giờ làm việc lại. Nhân viên đứng rải rác ở những điểm hẹn, tới giờ tôi lái xe tới đón vô bệnh viện, vừa ngừng sát bờ tường là mọi người phải phóng vô thật nhanh, không được đứng lẩn quẩn ngoài sân. Ngày tôi mới đến nhận nhiệm sở đã có anh y tá bị thương khi đi từ văn phòng xuống nhà giặt sau bờ rừng.
Tôi đã từng đi làm việc nhiều nơi xa xôi trên vùng Cao nguyên và miền duyên hải Trung phần, nhưng chưa thấy cơ sở y tế nào đáng thương như bệnh viện Bà Rá này, vừa nhỏ hẹp nghèo khổ vừa bị trúng đạn pháo kích đến xơ xác thảm hại, gây thương tích cho bệnh nhân lẫn nhân viên y tế phục vụ nên có lúc tôi tự hỏi không biết ai sẽ chăm sóc cho ai đây. Thiệt đáng buồn cho tỉnh lỵ heo hút này phải hứng chịu nhiều tai họa do chiến tranh mang tới.
BS Nguyễn Duy Cung

No comments: