Tuesday, October 7, 2014

Lễ Truy Điệu Anh Linh Tữ Sĩ Nha Kỹ Thuật 2005 ( 30 năm Hội Ngộ)


Việt Báo: Dưới những lá quốc kỳ uy nghi lồng lộng bay ở công viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, và bên cạnh vòng hoa tưởng niệm cùng quân trang người biệt kích "nhảy toán", hơn 600 người chiến sĩ NHA KỸ THUẬT từng chết vô danh trong cuộc chiến VN lần đầu tiên đã được xướng danh công khai trong Lễ tưởng niệm sáng Thứ Bảy 23-4 vừa qua. Liền sau đó 5 tiếng đồng hồ, một Lễ Giỗ trang trọng với nghi thức phủ lá Quốc kỳ VNCH đã diễn ra trong Lễ Truy Điệu tại hội trường Thị Xã Westminster để tưởng niệm và tri ân những anh linh tử sĩ Nha Kỹ Thuật từng chết vô danh trên chiến trường hai miền Nam, Bắc VN...
Lễ phủ quốc kỳ lên quan tài người chiến sĩ Nha Kỹ Thuật diễn ra giữa bóng tối thâm u của hội trường, chỉ với ánh sáng từ 6 ngọn nến lập lòe đặt bên trái bàn thờ. Trong khói súng xông lên từ chân pho tượng chiến sĩ biệt kích ôm súng phóng lựu CAR-15 với đầy đủ trang bị tác chiến như bản đồ, lựu đạn, hỏa hiệu,máy GRC-9, C-25,... được thiết trí bên phải bàn thờ, trong tiếng kèn thúc quân ra trận hào hùng xen lẫn tiếng sáo tiếng tiêu ai oán được trổi lên cùng với nhạc đệm chiêu niệm hồn tử sĩ, hơn 200 đồng đội người đã khuất cùng quan khách, thân nhân đã nghiêng mình mươi phút mặc niệm hàng trăm biệt kích Nha Kỹ Thuật đã đền nợ nước.
Những chiến sĩ vô danh từ nhiều thập niên qua, nay đã được xướng tên và được Tuyên dương Cộng Trạng. Các Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Thích Giác Nhiên cùng quan khách đã làm lễ dâng hương lên anh linh tử sĩ...
Hai buổi lễ trưa và chiều tối tại Tượng Đài Chiến Sĩ và tại hội trường thị xã, do các biệt kích Nha Kỹ Thuật Phạm Hòa và Vũ văn Huyền làm trưởng ban tổ chức.
Tại Tượng đài Chiến Sĩ , Lễ xướng danh từng người, từng toán biệt kích thuộc Nha Kỹ Thuật đã diễn ra long trọng và trang nghiêm với sự tham dự khoảng 150 biệt kích, hậu duệ biệt kích cùng gia đình, đồng bào và quan khách. Một bảng danh sách được chưng ra cạnh vòng hoa tưởng niệm và quân trang người lính nhảy toán. Danh sách người lính vị quốc vong thân này gồm đủ 6 Sở (Sở Bắc, Sở Liên Lạc, Sở công tác, Sở phòng vệ Duyên hải, Sở Tâm lý chiến, Sở Không Yểm) của Nha Kỹ Thuật mà họ thu thập được từ những người còn sống sót đến hôm nay, "vẫn chưa đầy đủ và sẽ thu thập tiếp", theo lời biệt kích Phạm Hòa trưởng ban tổ chức Lễ truy điệu và xướng danh tại đây.
Danh sách chiến sĩ đã bỏ mình âm thầm nêu trên chưa một lần được vinh danh, và buổi lễ trưa 23-4 là lần đầu tiên được đọc tên công khai .Người ta đọc thấy từ tên tuổi của biệt hải Võ Chàng, đến Đại tá Hồ Tiêu, là những chiến sĩ nhảy toán vào lòng địch trong cuộc chiến tranh ngoại lệ, đã bỏ mình tại Bắc Việt, Lào, Kampuchia trong các mật khu Nam VN, đường mòn Hồ chí Minh...
Đặc biệt trong buổi lễ truy điệu tại Tượng đài, toán thủ quốc quân kỳ gồm những thanh niên thuộc gia đình biệt kích là thế hệ hậu duệ. Ngoài việc đảm trách rước quốc quân kỳ trong buổi lễ, các em đã đóng góp công sức trong việc tổ chức, thu dọn, nên vào buổi Lễ Giỗ lúc xế chiều, các em được Tổng Hội ái hữu Nha Kỹ Thuật tặng bằng khen thưởng. Thay mặt cả toán, hai em Vũ Thái và Vũ Thảo lên nhận lãnh.
Tại hội trường Thành phố Westminster, lúc 5 giờ chiều là lễ tưởng niệm các Anh linh Tử sĩ Nha Kỹ Thuật. Đây là Lễ Giỗ cũng lần đầu được tổ chức trọng thể để vinh danh chiến sĩ thuộc 6 Sở của NHA KỸ THUẬT đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, mà đa số không có nấm mồ ngoài lá cây rừng phủ xuống hình hài, theo lời kể của người điều hợp chương trình: biệt kích Đặng văn Thạnh.
Mở đầu, ông Tổng hội trưởng Võ tấn Y đã nói về ý nghĩa Lễ tưởng niệm, nêu cao vai trò người chiến sĩ Nha Kỹ Thuật trong cuộc chiến chống Cộng Sản bảo vệ chính nghĩa Tự do. Tiếp đó, ông Vũ văn Huyền trưởng ban tổ chức nêu tiểu sử của Nha Kỹ Thuật từ Sở khai thác địa hình, Sở Bắc những năm tiên khởi, đến ngày mất nước.
Niên trưởng Vũ quang Ninh trong quân phục biệt kích, từng là giám đốc Đài Gươm Thiêng Ái Quốc cũng lên tiếng ca ngợi vai trò những chiến sĩ hào hùng Nha Kỹ Thuật là những người con yêu của Mẹ Việt nam. "Nhiều người con yêu dấu đó đã nằm xuống để chúng ta có ngày hôm nay!". Ôâng cất giọng ngậm ngùi nói tiếpá, chúng ta đã mất tất cả,nay chỉ còn có nhau, chúng ta hãy tham gia những hoạt động của cộng đồng người Việt hải ngoại, cảnh giác trước những phần tử phá hoại cộng đồng để chống âm mưu chia rẽ của Cộng sản qua nghị quyết 36.
Trong lúc Niên trưởng Trần kim Khánh nói về hoạt động của 6 Sở Nha Kỹ Thuật, thì màn hình rộng đặt cạnh bàn thờ đã chiếu tài liệu chiến sĩ biệt kích từng hoạt động trước đây với những hình ảnh kiêu hùng của "Những cánh dù trong đêm tối", "những toán xâm nhập vào vùng địch" "cố Đại tá Ngô thế Linh", "chuẩn bị nhảy toán ra Bắc", "đơn vị trực thăng thả toán ra Bắc", "hoạt động của Sở Phòng vệ duyên hải", ..v.v.
Các chiến hữu Nha Kỹ Thuật người thì khoác đồ trận, người mặc thường phục, đã ngồi chung với quan khách và đồng bào theo dõi hình ảnh và lắng nghe lời kể về hoạt động của 6 Sở : Sở Bắc, Sở Công tác, Sở Liên Lạc, Sở Tâm lý Chiến,sở Không yểm và Sở Phòng vệ Duyên hải. Người ta nhìn lên bàn thờ, thấy ngoài lư hương và bình hoa còn có dĩa trái cây, dĩa đồ hộp lương khô của biệt kích, và hai con heo quay khá lớn. Phía phải, một bàn dài chưng bày quân trang và vũ khí người lính biệt kích nhảy toán được trang bị, từ khăn choàng cổ đến súng đạn, đèn pin, đèn hỏa hiệu, khăn biểu tín hiệu và máy truyền tin liên lạc với máy bay, cũng những huy chương quân đội.
Đến phần lễ truy điệu và lễ phủ cờ cho các chiến sĩ đã bỏ mình, đèn hội trường phụt tắt! Một tượng đài người lính biệt kích nhảy toán bất ngờ hiển lộ ra như thể hương hồn người chiến sĩ linh thiêng theo gió tề tựu về đây chứng kiến những đồng đội đang làm lễ giỗ cho mình.
Sáu cây đèn mang tên 6 Sở của NHA KỸ THUẬT trở thành những ngọn nến lung linh giữa khi khói súng xông lên từ đôi chân bức tượng đài người lính biệt kích, nơi mà tấm bản đồ hành quân, nón sắt, la bàn, súng đạn, máy truyền tin, ba lô...đã sẵn sàng đưa người biệt kích vào tư thế chiến đấu...
Mọi người sững sờ, có kẻ rơi lệ. Tất cả yên lặng chào kính, nghiêng mình, trong khi tiếng kèn đưa tiễn quyện cùng tiếng tiêu tiếng sáo nghe ai oán như tiếng gọi hồn thiêng sông núi tiễn đưa người chiến sĩ đi vào miền vĩnh cửu không bao giờ trở về đoàn tụ gia đình. Pha vào đó, là những tiếng điệu nhạc thúc quân được trổi lên dập dồn như vó ngựa chinh phu, có lẽ để mô tả hào khí của người lính một thời tung hoành trên trận mạc ! Cả nhạc buồn lẫn nhạc hùng hòa quyện thành một không khí bi tráng mà nghiêm trang, kính cẩn. Rồi những người biệt kích giương cao lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ ra, trải phủ lên một quan tài tượng trưng người chiến sĩ đã ra đi...
Mươi phút mặc niệm, chiêu hồn và Lễ phủ kỳ kết thúc. Đèn bật sáng, người ta nhìn rõ hơn hàng chữ dưới bức tượng người biệt kích: TỔ QUỐC GHI ƠN, ĐỒNG ĐỘI THƯƠNG TIẾC.
Kế đó, là Lễ tuyên dương công trạng những chiến sĩ Nha Kỹ Thuật từng chiến đấu âm thầm, đền nợ nước vô danh chưa một lần được vinh danh công khai, những người bị địch bắt, tù đày, vẫn nêu cao chí khí,..
Trước khi lễ dâng hương, là phần văn tế. Biệt kích đại úy Huỳnh ngọc Thương với bài văn tế gây nhiều xúc động cho mọi người:
 
 
...nhớ linh xưa,

tung hoành ngang dọc,
ra Bắc vào Nam,
lên rừng xuống biển,
bao chàng trai ra đi dâng hiến cả đời hoa,
...
Thà chiến tử vô danh,
Quyết một thân dũng kiệt
Nguyện châu về hiệp phố,
Nam Bắc một nhà,
Đất Mẹ yên vui muôn thuở,
Lạc nghiệp âu ca
Nên đầu quân diệt giặc,
Đánh đuổi Bắc phương
Trải mấy phen nằm gan nếm mật
......,


 

Nhảy toán vào lòng địch để thi hành nhiệm vụ Nha Kỹ Thuật giao phó, nhưng các chiến sĩ biệt kích nhiều người đã sáng tác nhiều bài thơ giá trị. Thiếu Úy Phạm Hòa sau đó đã đọc một bài thơ của Trung tá Hà Ngọc Oánh, chỉ huy trưởng đoàn công tác 68. Đây là bài thơ được niêm yết bên dưới bảng danh sách 600 tử sĩ Nha Kỹ Thuật trong Lễ Xướng Danh tưởng niệm tại công viên Tượng Đài:
"..Lôi Hổ chết, ai người xây nấm mộ,
Lá cây rừng phủ lên xác thân anh,
Sống gian nguy đói khổ giữa rừng xanh,
Ôi nghiệt ngã bao linh hồn oan khuất !
Biệt hải chết tay ôm mìn kích nổ,
Giữa đêm trường lạnh buốt thấu xương da,
.....
Bước li hương ai khóc hận giữa đêm trường,
Ai vinh hiển mong Công hầu, Khanh tướng.
Chiến sĩ hề: "thề ra đi không trở lại"
Chí làm trai thề: "lấy da ngựa bọc thây"
Hãy quên đi chuyện danh lợi thế gian này
Nhìn thế sự như làn mây bay gió thoảng.
Trong buổi lễ tưởng niệm, nhiều chiến sĩ và các bà quả phụ được vinh danh, tặng huy chương vả bằng tưởng lục như Đại Úy Dương ngọc Như thuộc phi đoàn 219 không yểm, cố Đại Úy Vũ đức Khánh, Thiếu Úy Hãn phi đoàn 110 Thần phong, Bà quả phụ Nông an Pang, bà quả phụ Vũ Linh, ..v.v.
Sau đó, mọi người dùng tiệc giỗ và thưởng thức văn nghệ cho đến gần 9 giờ đêm buổi lễ mới chấm dứt.

 
 
Việt Báo
(Nguyễn Hiền thuật)

No comments: