Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát / Mẹ khấn đôi lời con có nghe / Vì nước bỏ mình là bất tử / Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Sunday, February 28, 2016
Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển"
Chiếc Giang tốc đỉnh ( River Patrol Boat - PBR) lướt sóng trên sông Hội An, hướng ra cửa biển về phía căn cứ Duyên đoàn 14. Tôi đứng trước mủi tàu, tay cầm chiếc nón cát két Hải quân, mái tóc bay bềnh bồng trong cơn gió mát từ biển đông vào một buổi sáng sương mù còn lãng vãng vấn vương trên những tàng cây xanh mọc dọc theo bờ sông đầy lau sậy. Xa xa về phía gành đá trên cồn đất, những con cò trắng đang rảo bước, chăm chú kiếm mồi, không để ý đến tiếng động cơ vang dội và những đợt sóng nhỏ ào ạt cuốn vào bờ từ chiếc PBR đang chạy ngang qua với tốc độ cao. Nước sông Thu Bồn đục ngầu chứ không trong xanh như giòng sông Hương của cố đô Huế; đáy sông sâu cạn không đều và uốn khúc qua những cồn cát lau sậy lưa thưa, rất trở ngại cho chiến thuyền và chiến đỉnh vận chuyển nếu không quen với hải trình từ cửa biển, cạnh mật khu Cẩm Thanh của Cộng sản, lên đến thị xã Hội An. Những Thủy thủ đoàn kinh nghiệm và thành thạo của các Duyên kích đỉnh và chiến thuyền của các đơn vị biệt phái và tham dự trong Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển", một cuộc hành quân Hải quân dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải đóng tại căn cứ Tiên Sa Ðà Nẳng, đã thuộc nằm lòng hải trình này nên vẫn duy trì vận tốc cao khi hải hành tuần tiểu hoặc chuyển quân.
Vào tháng 3 năm 1969 tôi được chọn lựa và chỉ định về Hội An nhận lãnh chức vụ Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm trước đây mang tên là "Operations Sea Tiger" do Hải quân Hoa Kỳ bàn giao lại cho Hải quân Việt Nam trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và kế hoạch Accelerated Turn Over to Viet nam ( ACTOV). Tôi rất hãnh diện chỉ huy một Liên Ðoàn gồm các đơn vị hỗn hợp Việt Mỹ, với các Lực lượng tăng phái thường trực gồm Duyên đoàn 14, Duyên tốc đỉnh (Patrol Craft, Fast-PCF) thuộc Hải đội 1 Duyên phòng, một phân đội gồm từ bốn đến sáu Giang tốc đỉnh( PBR) của Giang đoàn 57 Tuần thám, một toán Ðiện thám ( Sensor Team) và hai nhân viên bắn sẻ( Snipers) thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Ngoài ra người Sĩ quan Cố vấn Liên Ðoàn, Thiếu tá Holland, cũng là cựu Chỉ huy trưởng Chiến dịch "Hổ Biển" này được chỉ định tiếp tục phục vụ để phối hợp và yểm trợ hành quân, nhất là liên lạc không yểm cho các cuộc hành quân do Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm điều động khi cần thiết.
Nhiệm vụ Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm " Hổ Biển" còn bao gồm việc hành quân hỗn hợp với các đơn vị thuộc Tiểu khu Quảng Nam và Lữ Ðoàn Thanh Long, Ðại Hàn, trú đóng phía nam khu vực trách nhiệm hành quân của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm. Vùng hành quân của "Hổ Biển" rộng lớn với lãnh hải trách nhiệm của Duyên đoàn 14 trong nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt và kiểm soát Lực lượng Cộng sản hoạt động từ ba mật khu chính tại Hội An, Quảng Nam; đó là các mật khu an toàn và bất khả xâm nhập với nhiều mìn bẫy của địch nằm rải rác từ cửa biển Hội An, trong tầm súng cối Duyên đoàn 14, dọc theo phía nam sông Thu Bồn, lên tận vùng mỏ than Nông Sơn trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Ba mật khu mang tên: Cẩm Thanh, Ðập Lỡ và Ðồng Bò đã trở thành địa danh gây nhiều kinh hoàng và thiệt hại cho quân đội quốc gia đồn trú tại lãnh thổ do Tiểu khu Quảng Nam dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Lê Trí Tín, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng. Trong thời gian gần đây, Cộng quân gây áp lực mạnh bằng những cuộc pháo kích hằng đêm vào thị xã Hội An, gây tổn thất nặng về nhân lực, vật chất và kinh hoàng cho dân chúng cư ngụ tại đây, đồng thời còn phục kích, giật mìn trên con đường chính nối liền quốc lộ Một và Hội An, duy trì sự bất ổn và tình hình khẩn trương, thiếu an ninh trên khắp lãnh thổ Tiểu khu.
Trước đây khoảng hơn một tuần lễ, vào đêm hôm trước ngày tôi đáo nhậm chức vụ mới vào một buổi sáng khá đẹp trời cuối xuân năm 1969, hai Giang tốc đỉnh ( PBR) của "Operations Sea Tiger" bị địch quân dùng bộc phá loại mạnh, phá nổ tung trong khi hành quân phục kích cạnh mật khu Ðồng Bò, gây tử thương cho 4 thủy thủ Mỹ và thương tích nặng cho Thuyền trưởng. Sau đó Thiếu Tá Holland, Chỉ huy trưởng Chiến dịch phải xin Tiểu khu Quảng Nam tản thương bằng trực thăng và rồi yêu cầu hai phi tuần khu trục F4 - Phantom từ Ðà nẳng bay xuống dùng phi đạn phá hủy và đánh chìm phần còn lại của 2 Giang tốc đỉnh trước khi các chiến đỉnh lọt vào tay của địch quân Cộng sản.
Tôi nhớ lại thời gian phục vụ với chức vụ Hạm trưởng Khinh tốc Ngư lôi đỉnh (Torpedo boat, Fast-PTF) tại Lực Lượng Hải Tuần, cũng đã tham dự nhiều chuyến công tác đêm thả toán Biệt Hải, bí mật xâm nhập vào mật khu Cẩm Thanh, phá hoại cơ sở và bắt tù binh Cộng sản tại mật khu nổi tiếng kiên cố và nguy hiểm này. Và hôm nay chính tôi lại trực diện đối đầu với địch quân trên một trận tuyến không rõ ràng; ban ngày những công dân bình thường, sinh sống giữa những người quốc gia tại các làng mạc đánh cá, thành thị đông đúc để rồi khi bóng đêm bao trùm trên con sông dài uốn khúc, những người nàyỉ lại trở thành du kích Cộng sản, hờm sẵn các ống phóng hỏa tiển B40, nằm dọc ven rừng lau sậy, phục kích tấn công các chiến thuyền, giang đỉnh đang hải hành tuần tiểu trên dòng sông Hội An chật hẹp với bờ đất dựng đứng hai bên khi lên đến thượng giòng gần cầu xe lửa sập, nằm vắt ngang cuối sông Thu Bồn.
Những kỷ niệm của thời gian xông pha trong "Vùng Biển Ðen", những mất mác, nỗi niềm đau thương vẫn theo mãi với chuỗi đời của người lính biển trong hơn một năm qua sau khi tôi quyết định rời Lực Lượng Hải Tuần. Gió biển, mây ngàn, trăng sao lấp lánh trong đêm khuya trên sóng nước đại dương và ý thích phiêu lưu mạo hiểm, yêu cảm giác mạnh làm cho người thủy thủ đã chọn biển khơi làm bạn, nguy hiểm là thử thách, không thể tiếp tục ngày ngày soạn thảo kế hoạch hành quân tiếp vận tại văn phòng có máy lạnh, ngày hai buổi tham dự thuyết trình và nghe báo cáo về những chiến hữu đang tiếp tục chiến đấu tại các chiến trương sông rạch hay đã nằm xuống trong lòng đất Mẹ Việt Nam. Nhận lãnh trọng trách và một thử thách mới là tôi đã chấp nhận sự hy sinh cá nhân đối với gia đình, với người vợ lính biển hiền thục chỉ biết hy sinh an phận với đời sống thường nhật, vui đùa và dạy dỗ con cái để quên đi nỗi mõi mòn trông ngóng tin tức và rồi hằng đêm cầu nguyện cho sự an lành của người chồng thủy thủ đang xây mộng hải hồ tại một vùng sông biển gian nguy nào đó.
Ðang thả hồn trong ý nghĩ bâng khuâng, chợt tôi nghe tiếng người Cố vấn Hoa kỳ hỏi nhỏ:
-" Is everything OK, Commander?"
Tôi quay người lại, đưa tay ra bắt bàn tay cứng rắn của Thiếu Tá Holland và mỉm cười thân mật đáp lại bằng tiếng Mỹ:
-" Vâng, tất cả đều bình thường, đứng ngắm biển nước và thưởng thức cơn gió mát từ đại dương thổi vào, tôi không thể nào quên những chuyến hải hành cách đây hơn một năm trước khi đang còn là "Skipper" của PTF. Tôi thích đi trên những loại tàu chạy nhanh như bay trên sóng và vì thế khi đứng trên chiếc PBR này, cảm giác cũ một lần nữa đã trở lại với tôi."
-" Tôi rất hiểu về cảm tưởng này; nhiều lúc tôi cũng nhớ lại thời gian phục vụ trên các chiến hạm, tôi thích nhất là "Cruiser", vì loại chiến hạm này không lớn lắm mà cũng không quá nhỏ như "Destroyer", tôi học hỏi và thực hành được nhiều về Hải nghiệp khi phục vụ trên Tuần Dương Hạm cho đến khi được chỉ định theo học trường về "Brown Water" và sau khi tốt nghiệp, tình nguyện qua Việt Nam và bắt đầu chiến đấu trong vùng sông ngòi tại "Mekong Delta". Nghề nghiệp đã thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ những chuyến hải hành khắp nơi trên thế giới mà tôi đã may mắn và thích thú góp phần."
Tôi gật đầu như đồng ý với người Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, xuất thân từ Hàn Lâm Viện Hải quân U.S. Naval Academy tại Annapolis, thuộc Tiểu bang Maryland mà tôi vừa thay thế. Tôi đã được nghe vị Cố vấn trưởng Vùng I Duyên Hải ca tụng về khả năng lảnh đạo, kinh nghiệm chiến trường sông rạch và nhất là đức tính điềm đạm sau đôi mắt kiếng cận thị trông tựa như một nhà giáo của Thiếu Tá Holland, trước khi tôi rời Bộ Tư Lệnh Vùng xuống nhận chức vụ này ở Tiểu khu Quảng Nam.
Chiếc Giang tốc đỉnh vẫn phăng phăng rẽ dòng nước đục đang theo ngọn thủy triều từ cửa biển mà trước đây thực dân Pháp đã gọi là cửa biển "Phai Phô"( Faifo) nhiều sóng gió. Từ xa những cánh buồm nâu của các ghe chài lưới nhấp nhô theo lượn sóng bạc đầu, từng con chim hải âu bay vờn trên ngàn trùng sóng để kiếm mồi. Bầu trời buổi chiều trong xanh như màu áo thiên thanh của các cô gái Hội An mà tôi nhìn thấy nhởn nhơ cuộn bay trong gió, trên những chiếc xe đạp đi đến trường khi tôi ngồi trên chiếc xe Jeep quân đội chạy ra bến tàu cạnh chợ cá Hội An. Tôi không so sánh nét đẹp của gái Hội An với những giai nhân trong tà áo trắng, hay che dấu mặt và liếc nhìn người khác dưới chiếc nón bài thơ tại đất Thần kinh. Mỗi người một vẻ, nhưng các cô gái Hội An có nước da ngâm đen hơn là người con gái xứ Huế, có lẽ vì quanh năm họ được hưởng ngọn gió mát mang theo mùi biển mặn từ cửa "Faifo" thổi vào, làm tăng thêm nét mặn mà của các thiếu nữ sống gần đại dương.
Tiếng súng pháo binh vọng lại từ phía bên hữu hạm, nơi Lữ Ðoàn Thanh Long Ðại Hàn đồn trú đưa những suy tư của tôi trở về với thực tại. Bên phía tả hạm chiến đỉnh, thấp thoáng rừng dừa nước màu xanh mọc dày đặc trên đảo Cẩm Thanh, nơi sản xuất loại cua đồng nổi tiếng Quảng Nam và cũng là căn cứ địa, mật khu an toàn của Việt Cộng. Sông Hội An mở rộng hơn nhiều khi chảy ra đến gần cửa biển; trên sông những hàng rớ cá của dân chài giăng chằng chịt giữa giòng. Các con chim biển đậu nghỉ cánh trên những cọc tre, thản nhiên nhìn lơ đãng khi chiến đỉnh chạy ngang qua tạo nên từng đợt sóng lượn dài trên dòng nước đục ngầu. Cầu tàu Duyên đoàn 14 đã thấy ẩn hiện phía trước, vào khoảng hướng 10 giờ. Chiến đỉnh giảm dần tốc độ và người Hạ Sĩ quan thuyền trưởng đi ra phía boong trước chỗ hai vị Sĩ quan tân cựu Chỉ huy trưởng Chiến dịch đang đứng nhìn về phía Duyên đoàn:
-" Trình Commandant, Thiếu tá Chỉ huy trưởng Duyên đoàn đang tham dự hành quân với Tiểu khu nên không có mặt tại căn cứ, chỉ có Ðại Úy Duyên đoàn phó ở tại đơn vị mà thôi."
Tôi gật đầu nhận hiểu và giải thích cho người Hạ sĩ quan mà tôi đã quen biết trước đây tại Ðà nẳng:
-" Cám ơn Trung sĩ Quang, tôi đã được Thiếu Tá Hải báo cáo sáng nay và tôi cũng muốn theo dõi diễn tiến hành quân tại đây với Thiếu Tá Holland."
Tôi mỉm cười vỗ vai người Trung sĩ già và hình dung trong trí nhớ của mình, Hải quân Thiếu tá Phan Tứ Hải, người bạn học cũ của lớp Ðệ nhất ban toán ở trường Quốc học cách đây hơn 10 năm. Không ai có thể ngờ được một con người nhiều nghệ sĩ tính, ít nói, chơi đàn Guitar bằng tay trái hay tuyệt vời, dáng dấp nhỏ con ngày nào nay đã trở thành một chiến sĩ Hải quân gan dạ, một người hùng với khuôn mặt sạm nắng, tài điều quân xuất chúng hữu hiệu đã và đang là vị hung thần của các đơn vị Cộng sản hoạt động tại vùng sông rạch thuộc tỉnh Quảng Nam. Thiếu tá Hải là Sĩ quan đàn em, xuất thân khóa 11 SVSQ/HQ/NT sau tôi một khóa và là một trong những Sĩ quan Hải quân được tuyên dương công trạng trước Quân đội về những chiến công mà Hải đã thâu hoạch được trong thời gian đảm nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Duyên đoàn 14 tại Hội An.
Chiếc PBR từ từ cập vào chiếc cầu gỗ của căn cứ, Thiếu Tá Holland và tôi lần lượt bắt tay Ðại úy Chỉ huy phó của Duyên đoàn 14 rồi được hướng dẫn vào phòng hành quân và nghe người Sĩ quan trẻ này thuyết trình về cuộc hành quân hỗn hợp của Duyên đoàn và các đơn vị Ðịa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam, đang diễn tiến tại mật khu Ðập Lỡ, phía tây bắc của thị xã Hội An.
Sau đó hai vị tân và cựu Chỉ huy trưởng Chiến dịch "Hổ Biển" xuống cư xá Sĩ quan để chào vợ của Thiếu tá Hải, nói vài câu chào hỏi xã giao rồi đi thăm trại gia binh đơn vị cũng được xây cất trong vòng rào của căn cứ . Nhìn những khuôn mặt ngây thơ vô tội dễ thương của các trẻ nhỏ, con quân nhân Hải quân và những người vợ thủy thủ đã bỏ hết tất cả tiện nghi thành phố, đi theo chồng lính biển sống một đời sống đầy nguy hiểm và thiếu thốn nhu cầu vật chất trong trại gia binh đơn vị và thường phải xuống hầm trú ẩn vì địch thỉnh thoảng pháo kích, tấn công vào căn cứ, tôi thầm thán phục và ngưởng mộ sự hy sinh cá nhân, lòng yêu thương chung thủy của các người vợ lính chiến Việt Nam Cọng hòa.
*****
Vài tuần lễ sau ngày đáo nhiệm chức vụ mới tại Tiểu khu Quảng Nam, hàng ngày tháp tùng Thiếu tá Hải trên Duyên tốc đỉnh (PCF), thuyền Ferrous Cement, ghe Thiên Nga, Giang tốc đỉnh (PBR)... thăm các đơn vị đang tuần tiểu trên các sông rạch và thám sát các vị trí chiến lược dọc theo sông Thu Bồn và các nhánh sông nhỏ kế cận, hôm nay tôi quyết định lên gặp Ðại tá Lê Trí Tín, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng và mời vị Sĩ quan nổi tiếng tốt này tháp tùng đơn vị Ðiện thám và chiến đỉnh hỗn hợp của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển" tham quan khu vực đang được các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa kỳ khai quan và kiểm soát ở phía nam mật khu Ðồng Bò của Việt Cộng.
Hai ngày sau vào một buổi sáng sớm sương mù đang còn bao phủ trên thành phố Hội An, 4 chiến thuyền và 4 Giang tốc đỉnh (PBR) rời bến tàu gần khu chợ của thị xã nhỏ bé này, trực chỉ hướng tây với phái đoàn gồm Ðại tá Tín và các Sĩ quan thuộc Tiểu khu, Thiếu tá Hải và Thiếu tá Holland. Tôi đứng trên soái đỉnh chỉ huy bên cạnh Ðại tá Tỉnh trưởng, giải thích và hướng dẫn cho vị Sĩ quan Bộ binh này biết về các công tác tuần tiểu, phục kích của các đơn vị thuộc Liên Ðoàn "Hổ Biển". Những địa danh nổi tiếng nơi đã xảy ra các cuộc chạm súng và các cuộc hành quân thủy bộ đầy gian nguy như Cẩm Thanh, Ðập Lỡ, Ðồng Bò, Cầu Sập...được Thiếu tá Hải chỉ trên hải đồ và trên địa thế thật sự cho Ðại tá Tín. Tiếng máy tàu vang dội hai bên bờ lau sậy của con sông Thu Bồn trở nên nhỏ lại khi chiến đỉnh càng đi lên về phía tây, nước sông chảy nhẹ uốn khúc qua các bờ đất dựng cao với các cây cối mọc rải rác khắp nơi.
Khi đi ngang qua một khu đất gần Ðập Lỡ, Ðại tá Tín và tôi vẫy tay chào quân nhân thuộc tiểu đội Ðịa phương quân đang trú đóng tại đây. Những người lính chiến vội vàng nhảy ra khỏi các chiếc võng treo giữa hai thân cây tùng, đưa tay lên chào khi nhận ra vị Tiểu khu trưởng. Chiến đỉnh tiếp tục giang hành về khu vực hành quân cách đây khoảng hơn bốn cây số, nơi một Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang dùng các xe ủi đất khai quan khu rừng kế cận mật khu Ðồng Bò của Việt Cộng để toán Ðiện thám của Thiếu tá Holland vào đặt máy điện tử hầu có thể theo dõi hoạt động của đơn vị Cộng sản tại mật khu này và gọi pháo binh tiêu diệt khi phát hiện địch quân.
Ðang ngắm cảnh trời mây nước, bỗng nhiên mọi người giật mình khi nghe tiếng nổ "ầm" vang lên từ phía đóng quân của tiểu đội Ðịa phương quân mà chiến đỉnh vừa chạy ngang qua. Thiếu tá Hải Duyên đoàn trưởng Duyên đoàn 14 gọi máy PRC-25 liên lạc rồi quay lại báo cáo cho Ðại tá Tỉnh trưởng và tôi là một lính Ðịa phương quân bị thương nặng vì vừa đạp phải một bẫy mìn của du kích Việt Cộng gài gần địa điểm khi anh ta đi kiếm chỗ để tiểu tiện. Phòng hành quân Tiểu khu đã nhận được báo cáo và trực thăng tải thương đang trên đường đến di tản thương binh này về bệnh viện để giải phẫu.
Mìn bẫy là chướng ngại vật rất thông dụng và có hiệu quả lớn mà Việt Cộng tại khu vực tỉnh Quảng Nam đang tăng cường xữ dụng để bảo vệ các căn cứ địa Cộng sản, ngăn ngừa và gây thiệt hại cho các đơn vị hành quân của Liên Ðoàn "Hổ biển", Lữ đoàn Thanh Long Ðại Hàn và những Tiểu đoàn Ðịa phương quân thuộc Tiểu khu.
Mặt trời đã lên cao tỏa tia nắng ấm cúng trên vùng đất nhỏ mà chiến tranh và thương vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ xa xen lẫn vào tiếng máy tàu, văng vẳng lại là động cơ xe ủi đất của đơn vị Công binh thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ. Tôi quay lại ra lệnh cho Thiếu tá Hải chỉ thị hai ghe Thiên Nga lên án ngữ tại phía bắc và hai ghe Ferrous Cement nằm tại phía nam, rồi bảo thuyền trưởng Giang tốc đỉnh chuẩn bị ủi vào bờ. Bãi cát nằm cạnh hai cây sồi là nơi thuận tiện cho mọi người, tôi nắm chặt cây súng M18, vũ khí tùy thân quen thuộc của mình, nhảy xuống trước, kế đến Thiếu tá Holland và Ðại tá Tín tiếp tục nhảy lên bờ. Trước mặt chúng tôi là một xe ủi đất lớn của Công binh Hải quân Hoa kỳ( Sea Bees) đang được một quân nhân ở trần trùng trục điều khiển, chạy lui chạy tới đốn ngả các thân cây và bụi rậm để khai quang làm thành một con đường đất đi sâu vào khu rừng phía trước mặt. Thiếu tá Holland đưa tay lên chào người lính thuộc đơn vị bạn. Ðại tá Tín và tôi cũng đưa tay lên vẫy về phía người lính đồng minh không quen biết này.
Toán Ðiện thám không để mất thì giờ, bốn nhân viên biến mất sau lùm cây sầm uất với dụng cụ điện tử và vũ khí cá nhân. Những người lính Hải quân Hoa kỳ chuyên nghiệp đã quen thuộc với công tác đặt máy dò thám mà họ đã thi hành lâu năm kể từ ngày dụng cụ và kỹ thuật này được áp dụng một cách rất hiệu nghiệm trên chiến trường Việt Nam. Hằng đêm ngồi tại phòng hành quân đơn vị, các chuyên viên trực phiên nghiền ngẫm chăm chú lắng nghe những tín hiệu gửi về từ các máy điện tử đã được họ bí mật chôn dấu và gài sẵn trước trên các lộ trình chuyển quân của Việt Cộng rồi gọi đơn vị pháo binh bạn bắn tiêu diệt Lực lượng địch khi nhận tín hiệu phát hiện sự di chuyển của Cộng sản.
Sau khi thăm hỏi các Sĩ quan và quân nhân đơn vị Thủy quân lục chiến đang hành quân tại đây, phái đoàn tham dự buổi thuyết trình "bỏ túi" do tôi trình bày dưới bóng mát cây tùng bên ven rừng, trong khi chờ đợi toán Ðiện thám hoàn tất công tác đặt máy thăm dò điện tử. Một kế hoạch phục kích và hành quân mới theo ý kiến và đề nghị của tôi và Thiếu tá Hải được Ðại tá Tiểu khu trưởng nhiệt liệt khen ngợi , khuyến khích và chấp thuận thi hành kể từ tối hôm đó để chận đứng sự đe dọa và thiệt hại do Việt Cộng pháo kích hằng đêm vào thị xã Hội An, đồng thời nâng cao tinh thần của dân chúng đang hoang mang, sợ sệt vì phi pháo của Cộng sản. Theo kế hoạch mới này, sau khi điều nghiên các vị trí chiến lược nối liền với mật khu của Cộng sản, cũng như vũ khí mà địch thường xữ dụng để pháo vào thị xã Hội An trong thời gian gần đây, mỗi đêm Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm sẽ chỉ định 2 Giang tốc đỉnh (PBR) với khả năng chạy nhanh và hỏa lực mạnh phục kích tại địa điểm nghi ngờ Cộng sản đặt hỏa tiển 122 ly có tầm bắn xa; 1 Duyên tốc đỉnh(PCF) và 2 chiến thuyền của Duyên đoàn nằm kích tại vị trí nghi ngờ Việt Cộng có thể đặt súng cối 81 ly với tầm xa trung bình có thể pháo vào Tiểu khu. Mục đích là để xữ dụng, phối hợp khả năng các chiến đỉnh, chiến thuyền và có thể phản pháo tức thời để tiêu diệt khi địch vừa khai hỏa. Ðịa điểm kích sẽ thay đổi hằng đêm, thỉnh thoảng một toán kích gồm các nhân viên toán bắn sẻ Hoa kỳ và thủy thủ của Duyên đoàn tháp tùng với các chiến đỉnh, chiến thuyền trong các cuộc phục kích mà tin tình báo cho biết về sự hoạt động của địch có thể xảy ra trong những đêm hôm đó.
Khi công tác đặt máy Ðiện thám đã hoàn tất, phái đoàn trở về Tiểu khu vào buổi chiều cùng ngày. Thiếu tá Holland vào phòng hành quân của Hoa kỳ rồi vội vàng trở lên văn phòng làm việc của tôi tại Tiểu khu, mặt mày hớt hơ hớt hải thông báo cho tôi biết một tin buồn kinh hoàng; ông ta nói rằng người lính Thủy quân lục chiến và chiếc xe ủi đất hồi sáng sớm đã tan tành khi xe chạy qua một quả bom 250 kí lô mà trước đây Không quân oanh tạc khu vực này, không nổ và Việt Cộng đã gài bẫy trở lại. Người lính Thủy quân lục chiến đã chết ngay tại chỗ bên cạnh những gì còn lại của chiếc xe khổng lồ này. Tôi giật mình cảm thấy ớn lạnh và nổi da gà khi nghe tin nói trên vì mới sáng nay, tất cả mọi người trong phái đoàn đã ngang nhiên đi trên vùng đất đầy mìn bẫy đó. Thật là may mắn được sống còn, âu cũng là số mệnh, làm sao tôi có thể tránh được cảnh mìn nổ đạn bay, cũng như mấy năm trước đây, tôi đã thoát chết trong gang tấc khi tham dự vào những trận tác chiến đêm tại Vùng Biển Ðen, phía bắc Vĩ tuyến 17.
*****
Thắm thoát tôi xuống nhận chức vụ tại Hội An được gần hai tháng, kế hoạch mới của Thiếu tá Hải và của tôi đã phần nào có hiệu quả, lúc đầu địch pháo hầu như cứ hai đêm một lần, ban đầu Việt Cộng bắn vào khoảng ba bốn trái hỏa tiển 122 ly hoặc súng cối 81 ly từ phía tây bắc của thành phố, sau đó mỗi lần vừa bắt đầu pháo kích, đặc công địch bị các chiến đỉnh phản pháo ngay tức khắc nên im luôn. Rồi sau đó có lẽ sợ khiếp vía, Việt Cộng chỉ pháo lẻ tẻ một tuần một lần và trong tuần lễ qua, lần đầu tiên, dân chúng thị xã Hội An được ngủ ngon giấc vì không phải thức dậy giữa đêm khuya, vợ chồng bồng bế con thơ chạy xuống hầm trú ẩn tránh đạn pháo kích của Cộng sản.
Vào một buổi tối không trăng, đầu tháng 5 năm 1969, khoảng 12 giờ rưởi sáng, Thiếu tá Holland, Thiếu tá Hải và tôi theo 2 Giang tốc đỉnh, Duyên tốc đỉnh, một cặp ghe Yabuta, nhân viên bắn sẻ cùng với toán kích của Duyên đoàn vào kích tại mật khu Cẩm Thanh, cạnh căn cứ Duyên đoàn 14, mục đích oanh kích, tiêu diệt và gây hoang mang tinh thần cán binh Việt Cộng nằm trong bán đảo này. Tất cả đơn vị vào vị trí phục kích sau khoảng nửa giờ giang hành, các chiến đỉnh tắt máy nằm chờ, anh lính bắn sẻ Hoa kỳ sẵn sàng với cây súng nòng dài, đang điều chỉnh ống nhắm hồng ngoại tuyến, chĩa súng về khóm dừa nước trên bờ sông phía bên trái, nơi nghi ngờ địch quân xuất hiện. Tôi lấy chiếc ống nhòm hồng ngoại tuyến, quan sát về phía bờ xa. Bỗng nhiên từ dưới cụm dừa nước, một bóng đen bò lên, rồi đứng dậy, tay cầm một khẩu súng trường. Thiếu tá Holland vừa quan sát trong ống nhòm nhìn đêm, vừa vỗ vai quân nhân bắn sẻ như ra lệnh; một tiếng "phụt" nghe thật nhỏ từ nòng súng dài, tôi thấy xuyên qua ống nhòm, thân hình của tên Việt Cộng nhào ngửa về phía sau vì trúng đạn, chết không kịp la, có lẽ não bộ đã bị tan tành vì viên đạn bắn sẻ xuyên qua đầu hắn. Thế rồi từng tia đạn bắn ra từ rặng dừa nước về phía giữa sông "tạch...tạch...tạch", nước văng lên tung tóe dưới làn đạn lân tinh vạch thành vòng cung với tia sáng trong đêm tối mịt trời. Tôi biết địch quân chỉ bắn hoảng, không biết chiến đỉnh đang nằm sát cạnh bờ, vì thế tôi ra lệnh chiến đỉnh nổ máy tàu và phản pháo mạnh. Trên tần số máy PRC-25 tôi nghe tiếng Thiếu tá Hải chỉ thị các chiến đỉnh chạy đội hình hàng Một, dọc theo bờ đảo Cẩm Thanh, bắn hỏa châu sâu vào địa điểm của địch và tác xạ về phía tả hạm của đội hình về phía các vị trí của Cộng quân. Tiếng súng đại liên 12 ly7 trên các Giang tốc đỉnh, Duyên tốc đỉnh hòa lẫn với súng tiểu liên, tiếng "phụt...phụt" của súng cối 60 ly bắn từ các ghe Yabuta, súng cối 81 ly bắn trực xạ từ Duyên tốc đỉnh nghe " đùng... đùng... đùng....tạch...tạch...tạch" xóa tan sự im lặng của vùng trời Cẩm Thanh và làm rực sáng màn đêm đang phủ kín muôn trùng.
Cuộc tác xạ hải pháo kéo dài trong vòng gần nửa giờ, khi các công sự chiến đấu của Việt Cộng bên cạnh rừng dừa nước tại các địa điểm phòng thủ của Cộng sản bị phá tan tành cùng với những xác chết không toàn thây của cán bộ nằm vùng, tôi ra lệnh cho tất cả chiến đỉnh ngưng bắn và hải hành về căn cứ. Ngày hôm sau và liên tiếp trong những ngày của tuần lễ cuối tháng 5, các chiến thuyền, chiến đỉnh của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm " Hổ Biển" phong tỏa bán đảo Cẩm Thanh, ngăn chận sự đào thoát của quân lính Cộng sản ra khỏi mật khu này cho đến khi 2 Tiểu đoàn Ðịa Phương quân của Tiểu khu mở cuộc hành quân phối hợp với Liên Ðoàn, tấn công và đổ bộ sâu vào đảo Cẩm Thanh và tiêu diệt các đơn vị Cộng sản đồn trú tại mật khu này vào tháng 6 năm 1969.
Trong một buổi trưa hè tháng 7, khoảng 1 giờ chiều, tôi và Thiếu tá Holland đang ngồi nói chuyện tại phòng ăn Duyên đoàn 14, Sĩ quan hành quân đi vào đưa tay lên chào rồi mời tôi xuống phòng hành quân vì có Thiếu tá Hải xin gặp trên máy truyền tin, Hải đang chỉ huy 4 chiến thuyền của Duyên đoàn tham dự cuộc hành quân hỗn hợp với 2 Ðại đội thuộc Lữ Ðoàn Thanh Long Ðại Hàn, tại vùng kiểm soát của Lữ Ðoàn bạn này. Thiếu tá Hải yêu cầu tôi dùng Giang tốc đỉnh đi tiếp cứu 2 ghe Chủ Lực đang bị mắc cạn tại vùng có áp lực mạnh của Việt Cộng. Lập tức tôi và Thiếu tá Holland, lấy nón sắt, áo giáp và vũ khí, cùng hai quân nhân Mỹ trong toán bắn sẻ chạy xuống bến tàu, lên bốn chiếc Giang tốc đỉnh đang nổ máy sẵn sàng khởi hành rồi xã hết máy tiến "Full", hải hành về phía tây của căn cứ, nơi đang xảy ra trận giao tranh quyết liệt giữa đơn vị Ðại Hàn và Cộng sản.
Khi đến nơi, tôi dùng máy liên lạc với Thiếu tá Hải, lúc đó đang dùng dây cáp kéo 2 chiến thuyền mắc cạn và được yêu cầu yểm trợ về phía trước cho đơn vị của Thiếu tá Hải. Các Giang tốc đỉnh nổ súng đại liên 50 vào các vị trí Cộng sản và dưới hỏa lực hùng hậu của các Giang tốc đỉnh, địch hoảng sợ bỏ chạy, để lại xác chết nổi lềnh bềnh bên cạnh đám rong bèo dật dờ trôi theo dòng nước. Một nhân viên Mỹ trong toán bắn sẻ lấy dây buộc vào cổ của một xác chết Việt Cộng, cột sau lái chiếc PBR với ý định kéo về đơn vị làm chiến lợi phẩm, thích thú chỉ chõ cười đùa với quân nhân thứ hai; đây là một hành động dã man, vô nhân bản làm tôi nổi nóng và hầm hầm muốn làm dữ với người lính Mỹ này, đến nỗi Thiếu tá Holland phải đến xin lỗi tôi và hứa sẽ có biện pháp trừng phạt khi về đến đơn vị. Chiến tranh thù hận một lần nữa suýt làm lạc hướng chính nghĩa và lý tưởng chiến đấu cho tự do và dân chủ của toàn thể quân nhân và dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới vì những thành phần vô trách nhiệm, thích cảnh giết chóc và ưa trả thù.
*****
Những chuyến phục kích đêm với các chiến đỉnh thuộc Giang đoàn 57 Tuần thám và Hải đội 1 Duyên phòng đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, chận đứng hoạt động pháo kích hằng đêm của Cộng sản vào các đơn vị bạn trong lãnh thổ Tiểu khu Quảng Nam kể từ thượng tuần tháng 6 cho đến cuối tháng 9 năm 1969. Những Sĩ quan trẻ tuổi tài ba của Hải quân Việt Nam, Thuyền trưởng các Duyên tốc đỉnh (PCF) đặc biệt là Hải quân Trung úy Trịnh Thiếu Sinh, được các chiến hữu gọi là "Sinh râu", đẹp trai cao ráo có bộ râu mép "Clark Gable" quyến rũ vớiụ biệt tài vận chuyển tàu và lòng quả cảm gan dạ mỗi khi chạm địch làm tôi nể phục và hãnh diện là người chỉ huy của vị Sĩ quan tương lai của Quân chũng áo trắng này.
Nhiều đêm tại vị trí phục kích, ngồi trên boong chiến đỉnh gần sau lái chiếc PCF, trong chiếc áo giáp, đầu đội nón sắt, khẩu M 18, vũ khí tùy thân quen thuộc dựng bên cạnh pháo tháp khẩu 81 ly, tôi lắng nghe lời tâm sự của những chiến hữu trẻ tuổi, đàn em, những hải âu vừa rời mái trường Mẹ Hải quân tại Nha Trang, về mộng ước tương lai, về cuộc sống hải hồ trên biển cả đại dương. Tôi cảm thấy một niềm hy vọng và vui mừng vì biết Hải quân đã có những tài năng son trẻ nhiều nhiệt huyết, đầy lý tưởng có thể gánh vác đại cuộc và duy trì truyền thống của Ðức Thánh Tổ Trần Hưng Ðạo. Tuy nhiên trước đó tôi cũng đã chỉ thị cho các Thủy thủ đoàn chiến đỉnh không được nấu nướng thực phẩm phủ phê do Hoa Kỳ vừa chuyển giao lại như thịt gà, beefsteak... trong khi đi phục kích đêm, vì mùi thơm của gà rô ti và mùi tỏi gia vị ướp thịt nướng sẽ bay xa trong đêm tối gió nhiều và báo động cho Việt Cộng biết vị trí của các Giang đỉnh đang thi hành công tác, rất nguy hiểm và làm bại lộ cuộc hành quân.
Vào trung tuần tháng 8 năm 1969, Thiếu tá Holland và tôi nhận được báo cáo về các máy điện tử đã được gài trong mật khu Ðồng Bò đã ngưng phát tín hiệu, có lẽ vì hết "battery" hoặc bị thiêu hủy vì đạn pháo binh bạn và cần được thay thế bằng các máy điện tử mới. Tôi lên gặp Ðại tá Lê Trí Tín, báo cáo sự kiện, đồng thời thông báo là đầu tuần tới, tôi sẽ chỉ huy 7 Giang đỉnh, cùng với toán Ðiện thám và tiểu đội thám kích của Duyên đoàn 14, khai thông giang lộ nằm về phía tây bắc thị xã, vào tận Cầu sập, để toán Ðiện thám vào gài máy dò thám phía sau mật khu Ðồng Bò. Ðể bảo mật và tránh thiệt hại cho các đơn vị hành quân, tôi xin Ðại tá Tín chỉ ra lệnh cho Pháo binh Tiểu khu sẵn sàng yểm trợ khi được tôi yêu cầu trong trường hợp đơn vị bị tấn công bất ngờ bởi Lực lượng đông đảo của Việt Cộng. Tôi cũng báo cáo cho vị Tiểu khu trưởng biết là Thiếu tá Holland đã được chấp thuận bởi Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Ðà nẳng biệt phái một phi cơ quan sát, bay thường trực trên đội hình chiến đỉnh và hai khu trục phản lực cơ F4- Phantom sẵn sàng bay xuống để phụ trách không yểm cho cuộc hành quân.
Sáng ngày D, một Duyên tốc đỉnh, 4 Giang tốc đỉnh và 2 ghe Yabuta khởi hành từ hậu cứ Duyên đoàn 14 khi trời còn chưa sáng, trực chỉ thượng giòng sông Thu bồn qua hướng Ðập Lỡ để tránh tình báo địch tại các địa điểm chung quanh khu vực sông gần thị xã Hội An. Mặt trời vẫn còn say ngủ dưới chân trời xa về hướng cửa biển Phai Phô, trăng lưởi liềm hạ tuần treo lơ lửng trên bầu trời lấp lánh ánh sao đêm. Tôi nhìn lên chùm sao Ðại Hùng to lớn trên đỉnh đầu và sao Bắc đẩu nằm chếch về hướng hai giờ, thầm cầu nguyện Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát như thường lệ mỗi lần tôi sắp đối đầu với gian nguy trong đời mình.
Vào khoảng 6 giờ rưởi khi tia nắng đầu ngày bắt đầu rọi sáng dòng sông nhỏ, mặt trời từ từ lên cao qua rặng cây chếch sau lưng phía hữu hạm đội hình, trên không tôi đã nghe tiếng máy bay thám thính bay ngang qua đầu. Thiếu tá Holland cho tôi biết đây là phi cơ biệt phái cho cuộc hành quân đặc biệt ngày hôm nay. Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi được không yểm cho một chuyến công tác đi vào lãnh hải cấm địa của địch quân, một vùng mà trước đây chưa có một chiến đỉnh nào dám vào tuần tiểu. Khi đến "Check Point Alpha", nơi xa nhất tại thượng giòng sông Thu Bồn mà Duyên tốc đỉnh (PCF) có thể vào được, tôi ra lệnh cho Trung úy Hòa, Thuyền trưởng chiến đỉnh này thi hành chỉ thị đã được giao phó từ trước, đó là nằm án ngữ, yểm trợ hải pháo bằng khẩu 81 ly và súng đại liên 12 ly 7 cho đoàn tàu khi rút lui trở về, duy trì liên lạc truyền tin với Lực lượng hành quân và Tiểu khu cũng như với Bộ Tư Lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải. Sau đó lệnh "Nhiệm sở tác chiến" được ban hành và 6 chiến đỉnh còn lại theo đội hình "India", hàng dọc tiếp tục giang hành vào vùng sông tử địa. Hai bên bờ vách tường đất dựng đứng thẳng lên với rừng cây xanh um bao phủ đỉnh đồi, địa điểm lý tưởng và thuận lợi cho các cuộc phục kích của địch quân. Sông Thu Bồn uốn khúc về phía trái khi đi sâu vào hướng núi, chim chóc không cất tiếng hót, không gian im lìm dễ sợ, không một thuyền đánh cá trên dòng sông nước chảy đục ngầu, mọi người chỉ nghe tiếng máy phom phom của ống phun nước sau lái PBR, Giang tốc đỉnh có thể chạy với vận tốc tối đa 25 knots khi tác chiến với hỏa lực gồm hai cây đại liên 50 phía mũi và một đại liên 50 sau lái tàu. Thiếu tá Holland chỉ cho tôi vị trí của 2 Giang tốc đỉnh Mỹ trước đây bị phá tan vì bộc phá của Việt Cộng, khi tôi sắp sửa đáo nhậm chức vụ Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển". Trên không chiếc thám thính cơ màu xám nhạt vẫn tiệp tục bay vần quanh, quan sát khu vực hành quân, thỉnh thoảng viên phi công liên lạc thử máy truyền tin và cập nhật tin tức thám sát cho Thiếu tá Holland.
Với kinh nghiệm rút tỉa từ những chuyến công tác đêm ngoài bắc khi còn phục vụ tại Lực Lượng Hải Tuần, tôi biết chắc, nếu Việt Cộng muốn tấn công đơn vị của tôi, địch sẽ chờ khi các chiến đỉnh trên đường trở về, nhân viên mệt mõi và lơ là, chúng sẽ phục kích và tác xạ vào đoàn tàu tại những gành cong uốn khúc của sông Thu Bồn. Tôi nói cho Thiếu tá Holland và Thiếu tá Hải biết về nhận xét của tôi và hai vị Sĩ quan nhiều kinh nghiệm chiến trường này cũng rất đồng ý và chuẩn bị đề phòng. Toán thám kích Duyên đoàn tháp tùng theo 2 chiến thuyền Yabuta, hỏa lực gồm có súng cối 60 ly và đại liên 12 ly 7 với vận tốc khá nhanh và dễ vận chuyển được điều khiển bởi các Hạ Sĩ quan Thuyền trưởng thâm niên, kinh nghiệm trận mạc và gan dạ nhất của Duyên đoàn 14. Sáu giang đỉnh và chiến thuyền tiếp tục lộ trình trên dòng nước sông chảy khá mạnh về phía Hội An, ra cửa biển Phai Phô. Mặt trời đã lên cao trên đỉnh đầu, gió mát rượi thổi vào mặt tôi, đang trầm ngâm đứng cạnh người Cố vấn Mỹ.
Khoảng 10 giờ, Thiếu tá Hải trên ghe Yabuta báo cáo là đã đến địa điểm ấn định và đề nghị cho 2 chiến thuyền ủi bãi, thả toán thám kích lên bờ trước để án ngữ và bảo vệ cho 4 nhân viên Ðiện thám thi hành việc đặt những máy điện tử tối tân mới, có tầm hoạt động rộng lớn rất nhiều hơn các máy gài mấy tháng trước đây tại Ðồng Bò. Tôi chấp thuận và chỉ thị các Giang tốc đỉnh chạy dọc phía trên và phía dưới điểm đổ bộ, quan sát cẩn thận để yểm trợ toán quân trên bờ. Sau đó từ trên PBR chỉ huy, tôi dùng ống nhòm nhìn các chiến hữu của tôi đang thi hành nhiệm vụ. Lần này toán Ðiện thám chỉ đi vào sâu khoảng 100 thước từ bờ, đặt các máy móc gần cạnh con đường đất mòn chạy ngoằn ngoèo theo con sông Thu Bồn về hướng núi, có lẽ đây là con đường chuyển quân của các Lực lượng Việt Cộng và đặc công địch mà Phòng Tình báo Bộ Tư Lệnh Quân đoàn I đã ghi nhận trước đây.
Công tác đặt máy báo động điện tử diễn hành thật tốt đẹp và không có biến cố gì xảy ra làm tôi ngạc nhiên và vui mừng, tuy nhiên nỗi lo âu cho chuyến trở về, qua các khúc sông nguy hiểm, uốn khúc với bức tường đất dựng cao hai bên bờ sông thuận tiện cho địch phục kích tấn công vẫn xâm chiếm tâm hồn tôi. Các nhân viên toán Ðiện thám thu dọn dụng cụ và chuẩn bị leo lên ghe Yabuta cùng lượt với tiểu đội thám kích Duyên đoàn 14 Hải quân. Tôi gọi máy nói chuyện với Thiếu tá Phan Tứ Hải, bàn định kế hoạch và sắp đặt đội hình các Giang tốc đỉnh và ghe Yabuta. Với kinh nghiệm chiến đấu thâu thập trong hơn hai năm chỉ huy Duyên đoàn hành quân tại vùng Hội An, Thu Bồn, Thiếu tá Hải đề nghị chỉ định cho 2 Giang tốc đỉnh(PBR) đi trước mở đường, tiếp theo đó là cặp Yabuta với các tay súng cá nhân, đại liên 50, súng phóng lựu và súng cối 60 ly, với vận tốc tương đối chậm so với các Giang tốc đỉnh; cuối cùng là hai PBR chạy phía sau để yểm trợ đoàn "convoy" chiến đỉnh. Ngoài ra Thiếu tá Hải còn xin được tác xạ vào các vị trí chiến lược hai bên bờ sông như gành đá, khúc quẹo, đồi đất cây cối sầm uất ... để tạo yếu tố bất ngờ gây hoang mang cho Việt Cộng trong trường hợp địch đang phục kích sẵn sàng và chờ đoàn "convoy" chiến đỉnh chạy ngang qua các vị trí này. Tôi thông dịch lại cho Thiếu tá Holland biết về đề nghị và kế hoạch triệt thối của Thiếu tá Hải và tôi hoàn toàn đồng ý và ra lệnh chuẩn bị khởi hành. Tôi yêu cầu Thiếu tá Holland gọi máy phi cơ thám sát và cho biết dự định của Hải quân, đồng thời báo cáo về Ðà Nẳng để 2 khu trục phản lực cơ F4-Phantom sẵn sàng trong trường hợp tôi cần không yểm. Sau đó tôi gọi máy cho Trung úy Hòa, Thuyền trưởng Duyên tốc đỉnh án ngữ tại cuối nhánh sông, chuẩn bị và sẵn sàng Hải pháo để bắn yểm trợ chiến đỉnh bạn đang trên đường trở về căn cứ.
Ðội hình các giang đỉnh bắt đầu di chuyển về phía nam đông nam theo hàng dọc, khoảng cách giữa các chiến thuyền chiến đỉnh chừng 75 thước với vận tốc tối đa của các ghe Yabuta đang tung làn khói mỏng trên dòng sông chật hẹp vào một buổi xế trưa đầu thu năm 1969. Chung quanh là tường đất dựng thẳng đứng, không gian như chìm hẳn xuống, không một bóng chim trời giống như "Thung lũng tử thần", tên của địa danh tại vùng đồi núi "Arizona" trong cuốn phim cao bồi mà tôi đã xem trước đây tại Ðà Nẳng. Mặt trời lấp ló sau rừng cây trên đỉnh đồi đất, vài tia sáng yếu ớt cố gắng len lỏi qua rặng cây già chiếu xuống lộ trình các chiến đỉnh đang lầm lũi chạy trên dòng sông cạn. Tiếng nói của Thiếu tá Hải chợt vang lên trên máy truyền tin:
-" Hải Âu đây Kình ngư, bắt đầu đốt pháo về phía hữu hạm hướng hai giờ, đỉnh đồi, trả lời."
Tôi vội vàng nhất ống nói của máy truyền tin và ra lệnh cho các chiến đỉnh:
-" Kình Ngư đây Hải Âu, nhận rõ, tất cả Hải Ngư bắt đầu đốt pháo, phía hữu hạm hướng hai giờ, đỉnh đồi, thi hành, hết."
Thế rồi tôi chỉ thị Thuyền trưởng chiếc Giang tốc đỉnh chỉ huy đang chạy ở vị trí 2, bắt đầu khai hỏa. Tiếng súng hải pháo, đại liên, tiểu liên..."tạch...tạch, đùng...đùng" nổ vang dội cả khúc sông Thu Bồn, các đàn chim quạ từ đâu bỗng giật mình tung cánh bay tán loạn trên mặt sông, đất đá, cây lá, gỗ bụi bay mịt mù trong không khí oai bức của một ngày cuối hè. Sau gần năm phút các chiến đỉnh bắn tới tấp và liên tục cho đến khi qua khỏi khúc quanh thứ nhất, tôi mới ra lệnh tất cả ngưng bắn vì vẫn không thấy phản ứng của Việt Cộng. Mọi người cảm thấy hăng say trong khói thuốc súng tỏa đầy không gian, tinh thần tôi vẫn căng thẳng vì đoạn sông còn dài, chưa đến chỗ 2 Giang tốc đỉnh Mỹ bị đánh đắm.
Tôi gọi máy cho tất cả giang đỉnh và nhắc nhở mọi người cẩn thận đề phòng, quan sát thật kỹ lưỡng hai bên bờ đất, bình tỉnh chống trả nếu bị tấn công bất ngờ, tôi tin rằng với kinh nghiệm hải nghiệp và chiến đấu, kế hoạch chu đáo của Thiếu tá Hải sẽ giúp tất cả chiến đỉnh và Thủy thủ đoàn an toàn. Từ xa, sông Thu Bồn uốn cong về phía tay mặt, hai bên bờ đất cao vời vợi là cây rừng rậm rạp, chạy dài gần hai cây số đến chỗ Giang tốc đỉnh Hải quân Hoa kỳ bị phá nổ trước đây. Tôi gọi máy ra lệnh 2 chiếc ghe Yabuta bắn bốn quả đạn súng cối 60 ly vào đỉnh đồi hai bên bờ sông. Sau tiếng nổ "phụt...phụt...phụt...phụt" là tiếng "ầm...ầm...ầm...ầm" khi các viên đạn mọt chê rơi xuống lùm cây trên bờ đất cao. Bỗng nhiên mọi người nghe tiếng nổ "bùng...oành" thật lớn, nước sông văng lên tung tóe, làm thành chiếc vẹm trời, cong vòng đầy màu sắc dưới ánh nắng buổi xế trưa, tôi la lớn vào máy truyền tin trong khi tiếng đạn đủ loại nghe điếc cả lỗ tai:
-" Hải Ngư, Hải Ngư đây Hải Âu, coi chừng địch đang bắn B40...B40, tất cả đơn vị tác xạ, tác xa tự do... nhận rõ thi hành, hết."
Trước mặt tôi, từ đỉnh đồi trên tường đất dựng đứng, những làn khói súng tỏa đầy về hướng các chiến đỉnh đang bình tỉnh phản pháo dữ dội bằng tất cả hỏa lực hùng hậu. Tiếng la ó trên máy truyền tin xen lẫn tiếng rít của đạn Cộng sản rồi tiếng nổ bùng trên mặt nước và tung tóe lên mặt mũi của tôi. Thiếu tá Holland đã gọi máy bay khu trục phản lực ngay khi viên đạn B40 nổ cạnh chiếc PBR dẫn đầu khi đoàn tàu chiến chưa đến khúc quẹo của điểm phục kích. Ðịch đã khai hỏa sớm hơn dự định vì bốn quả súng cối rơi trúng vào vị trí đặt súng của Việt Cộng trên ngọn đồi đất hai bên bờ sông.
Một chiếc ghe Yabuta bị trúng đạn tại đài chỉ huy, Thuyền trưởng và nhân viên lái tàu bị thương nhẹ, vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu. Tiếng nói hùng hồn của Thiếu tá Hải nghe khi được khi mất trong máy truyền tin, đang ra lệnh và hướng dẫn các ổ súng bắn vào mục tiêu địch từ ghe Yabuta chạy ở vị trí thứ tư của đội hình. Súng vẫn nổ rầm trời, ầm ĩ đến độ tôi không nghe tiếng Thiếu tá Holland báo cáo là hai phi tuần khu trục của Thủy quân lục chiến Hoa kỳ đang trên đường bay đến địa điểm hành quân và phi cơ thám thính đã hướng dẫn và cho vị trí địch để máy bay Phantom thả bom Napalm tiêu diệt. Mọi người bỗng nghe tiếng động cơ máy bay thật gần như đang bay qua đầu, rồi hai tiếng nổ "ầm...ầm" nối tiếp nhau, rung chuyển cả bầu trời như muốn phá tan màng nhĩ, một rừng lửa ngùn ngụt cháy bùng lên trên đỉnh đồi, nơi Cộng sản đặt súng bắn xuống đoàn tàu chiến, mùi khói xăng xông lên nồng nặc làm tôi muốn ngộp thở vì địa điểm bị phi cơ Mỹ thả bom quá gần vị trí các giang đỉnh, đang tiếp tục tác xạ và với hai máy tiến "Full" chạy ra khỏi vùng địch phục kích. Hai khu trục phản lực cơ bay trở lại lần thứ hai và bắn hỏa tiển không địa vào vị trí nằm sâu hơn trong bờ, có lẽ để tiêu diệt và chận đường rút quân của tàn quân Cộng sản. Tất cả trận chiến chỉ diễn tiến trong khoảng gần 20 phút nhưng đối với những chiến sĩ của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển", thời gian này dài như không muốn dứt, họ đã chiến đấu để sống còn trong một địa thế và môi trường không thuận lợi cho việc tác chiến của mình khi các giang đỉnh chạy dưới một thung lũng và bị địch tấn công từ hai phía trên bờ cao. Kết quả là chỉ vài thủy thủ bị thương nhẹ, một chiếc đỉnh bị hư hại cần phải được kéo về căn cứ và hàng trăm lỗ đạn chằng chịt trên các thành tàu bằng sắt và bằng gỗ. Một lần nữa, Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đã cứu nạn cho người lính biển.
Hai tháng sau cuộc hành quân yểm trợ toán Ðiện thám Hoa Kỳ đặt máy điện tử tại mật khu Ðồng Bò, tôi nhận lệnh về giữ chức vụ mới tại Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải và bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Chiến dịch " Hổ Biển" cho người bạn học và cũng là chiến hữu thân mến của tôi, Thiếu tá Hải tiếp tục nhiệm vụ hành quân ngăn chặn các đơn vị Cộng sản và bảo vệ an ninh lãnh thổ cho dân chúng và chính quyền Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam. Riêng Thiếu tá Holland, người hùng của Chiến dịch " Hổ Biển" trở về Hoa Kỳ sau khi mãn nhiệm kỳ phục vụ tại Ðà Nẳng một tháng sau ngày tôi rời Hội An.
Vào một buổi chiều khi cơn mưa giông cuối mùa thu bắt đầu che phủ thị xã Hội An, trên chiếc xe Jeep chỡ hành trang gồm một xách tay, cái nón sắt và chiếc áo giáp nằm bên cạnh khẩu M18 quí giá thân yêu, tôi nhìn lại thành phố nhỏ hơn thành phố Huế của tôi, như thầm từ giã vì biết mình sẽ không bao giờ trở lại nơi này, nhưng tôi cũng nhận thức rằng những gì đã xảy ra trong giai đoạn vừa qua sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của tôi.
Tôi sẽ không thể nào quên được kỷ niệm về các chuyến hành quân phục kích đêm sống chết trong gang tấc với người chiến hữu Hải quân, những buổi chiều vắng ngồi trong quán nước quen thuộc cùng người bạn học lính biển, bên cạnh ly cà phê đắng, đang phì phà điếu thuốc lá thơm, rồi với cây đàn Guitar bên tay trái, cất giọng ca ấm cúng truyền cảm, hát bài "Mùa thu chết", khi ngoài trời mưa bụi đang bay. Tôi nhớ đến những đêm trăng mười sáu sáng vằng vặc, ngồi ngắm ánh trăng vàng bên cạnh các chiến hữu thuộc Quân binh chũng bạn trên "Vọng Nguyệt Lầu", căn gác thượng tại nhà của Thiếu tá Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Công binh Chiến đấu ở Hội An, thưởng thức ly rượu Cognac nhiều chân tình, Hải và tôi, trong chốc lát bỏ lại sau lưng sự phiền toái của cuộc đời, quên hết những nguy hiểm trên trận mạc, chỉ biết say cùng men rượu và tình chiến hữu giữa những người trai trẻ đang hy sinh tất cả cuộc đời mình cho lý tưởng đã chọn, đó là xả thân bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ của quê hương dân tộc, ngọn cờ vàng mà đã nhiều lần, Thiếu tá Hải và tôi ngậm ngùi thương tiếc phủ lên quan tài mang thi hài của những người lính biển thân mến vừa tử trận và nằm xuống mãi mãi trong lòng đất lạnh và vòng tay ấm của Mẹ Việt Nam.
Virginia, Mùa hè 30 năm sau
Lê Bá Thông
Sở Phòng Vệ Duyên Hải Nha Kỹ Thuật
Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông - Khóa 10 Sĩ Quan Hải Quân / Nha Trang là thân phụ của Hải Quân Đại Tá Lê Bá Hùng Hải Quân Hoa Kỳ
Wednesday, February 24, 2016
H.O.: Một Sự Lộng Giả Thành Chân
Ngày 25-2-2010, trên
báo Người Việt
Online có một bài báo với tựa đề “20 Năm Chương
Trình H.O.: Mọi Người Viết Về
Hát Ô”. Nguyên văn đoạn mở đầu của bài báo như
sau: “Kể từ số báo hôm nay,
Người Việt bắt đầu đăng các tác phẩm liên quan
đến đề tài Hát Ô. Chương trình
này sẽ kéo dài ba tháng từ nay đến ngày 1 tháng
6, 2010.”
Hưởng ứng chương
trình nói trên,
ngày 26-2-2010, Ông Vũ Quý Hạo Nhiên đã viết một
bài báo có tựa đề “Cha đẻ
chương trình H.O. không dùng chữ H.O.” được phổ
biến trên Người Việt
Online có đoạn mở đầu như sau:
“Ông
Robert Funseth,
nhà ngoại giao Hoa Kỳ được coi là cha đẻ của
chương trình định cư cho cựu tù
nhân chính trị Việt Nam, giật mình ngạc nhiên
khi được hỏi, Ông có biết người
Việt chúng tôi gọi chương trình đó là H.O.
không?”
Ông
Robert Funseth
giật mình ngạc nhiên là đúng bởi vì:
a/ Tại sao người Việt
lại đặt tên
là H.O. cho một chương trình do người Mỹ chủ
trương, vận động và thực hiện?
Người Mỹ đã đặt tên cho chương trình của họ là Tái Định
Cư Những Người Tù Chính Trị qua câu nói
khẳng định sau
đây của Ông Robert Funseth được trích trong bài
báo trên tờ New York Times ngày
15/10/1989 của ký giả Seth Mydans có tựa đề:
“The Nation; The Next Wave from
Vietnam: A New Disability.”
“…Resettling this
group will be a step
toward closing out this nation’s debt to its
Indochinese wartime allies. These
people have been detained because of their close
association with us during the
war, said Robert Funseth, the senior deputy
assistant secretary of state, who
has spent most of this decade negotiating their
resettlement…” (…Tái
định cư nhóm người này,
(những người tù chính trị), là một bước tiến
tới việc khép lại món nợ của quốc
gia Hoa Kỳ đối với những đồng minh trong
cuộc chiến Đông Dương. Những người này
đã bị giam cầm vì đã cộng tác mật thiết với
chúng ta trong cuộc chiến, trên đây
là lời phát biểu của ông Robert Funseth, phụ
tá cao cấp của bộ trưởng
ngoại giao, người đã bỏ ra gần một thập kỷ
để điều đình về việc tái định
cư những người tù chính trị...)
b/ Ông
Robert
Funseth không phải là cha đẻ của chương trình
H.O. như Ông Vũ Quý Hạo Nhiên
viết. Ông Funseth chỉ là người được Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ trao trách nhiệm điều
đình với Việt Cộng để mang những người tù chính
trị, cựu đồng minh của Hoa Kỳ,
sang định cư tại Mỹ.
Ngày 30/4/05, đúng 30
năm sau ngày
30/4/1975, trả lời cuộc phỏng vấn của RFA do
phóng viên Nguyễn Khanh thực hiện,
Ông Funseth đã nói những câu nguyên văn như sau:
“Khi
tôi được cử về
làm việc cho Văn Phòng Đặc Trách Tỵ Nạn của Bộ
Ngoại Giao (năm 1982), kế hoạch
cứu tù chính trị được đặt trong khuôn khổ của
Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự và
nằm dưới sự hỗ trợ của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp
Quốc.” Trong một đoạn khác
của bài phỏng vấn, Ông Funseth nói: “Riêng cá
nhân tôi, tôi không thể nào
nghĩ rằng 7 năm sau ngày khó quên đó
(30/4/1975), tôi lại được trao trách nhiệm
đàm phán với giới lãnh đạo Hà Nội để yêu cầu
thả tù chính trị và cho họ cùng
với gia đình sang Hoa Kỳ định cư…”
Những
câu nói
và trả lời trên đây của Ông Funseth chứng tỏ
rằng “kế hoạch cứu tù chính
trị” để trả món nợ quốc gia của Hoa Kỳ đối với
đồng minh của họ đã được hoạch
định trước khi Ông Funseth được bổ nhiệm làm
việc tại Văn Phòng Đặc Trách Tỵ
Nạn của Bộ Ngoại Giao. Chương trình tái định cư
những người tù chính trị
Việt Nam tại Mỹ nằm trong chính sách ngoại giao
của Tổng Thống Hoa Kỳ nhằm phục
vụ quyền lợi của Hoa Kỳ mà bộ ngoại giao có
nhiệm vụ thi hành. Ông Funseth
không phải là thẩm quyền làm chính sách
(policymaker) để có thể hoạch định
chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Do đó, Ông
Funseth không phải là cha đẻ
của cái gọi là chương trình “H.O.” như Ông Vũ Quý Hạo
Nhiên đã viết.
Ông Funseth chỉ là một phụ tá cao cấp của bộ
trưởng ngoại giao đã kiên trì trong
tám năm với 25 cuộc họp để hoàn thành xuất sắc
một nhiệm vụ chính trị và ngoại
giao khó khăn được giao phó. Và như Ông Funseth
đã phát biểu trong bài phỏng
vấn nói trên: “Ngày ký kết cũng là ngày mà tôi
hãnh diện nhất trong 40 năm làm
ngoại giao.”
Một
nhà ngoại giao
được kính trọng như Ông Robert Funseth chắc
cũng không muốn được tung hô quá
mức vai trò thừa hành nhiệm vụ được giao phó
mà bất cứ ai ở địa vị của ông
Funseth cũng làm như Ông Funseth đã làm.
Những điều trình
bày trên đây cũng gạt
bỏ những luận điệu tung hô của một số người
tâng bốc cho rằng nhờ có Bà Khúc
Minh Thơ, Chủ Tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính
Trị, vận động nên Ông Robert
Funseth mới đẻ ra cái gọi là Chương Trình H.O.
để mang những người cựu tù chính
trị sang định cư tại Mỹ, và Bà Khúc Minh Thơ
là ân nhân của tập thể hàng trăm
ngàn người tù chính trị. Câu chuyện hoang
tưởng, mờ ám này tưởng đã chìm xuống
nhưng mới đây lại được hâm nóng lại qua báo
chí và truyền hình. Để làm sáng tỏ
“công ơn” của Bà Khúc Minh Thơ đối với tập thể
người cựu tù chính trị, cách đây
hơn một năm, vào dịp Bà Khúc Minh Thơ đứng ra
tổ chức cái gọi là “Ngày Hội Cựu
Tù Nhân Chính Trị” tại Dallas vào ba ngày đầu
tháng 10/2008, tôi đã viết hai
bài có tựa đề: “Người Tù Chính Trị Việt Nam:
Món Nợ của Hoa Kỳ Đối Với Đồng
Minh và Dự Luật H.O. của Ông Nguyễn Ngọc Bích
và Bà Khúc Minh Thơ.” Hai bài
viết này hiện còn lưu trữ trên một
số Websites.
Trong đoạn cuối của
bài báo nói trên,
Ông Vũ Quý Hạo Nhiên đã viết:
“Vậy chữ “H.O.” ở đâu
ra? Có tác giả
cho rằng khi người cựu tù cải tạo nộp đơn xuất
cảnh qua diện này, phía Sở Ngoại
Vụ đánh số hồ sơ bắt đầu bằng chữ “H”. Hồ sơ số
5987, chẳng hạn, sẽ mang số
“HO5987” trong đó có số không (số zero) dẫn
đầu. Nhưng người nộp đơn lại đọc số không
thành chữ O và từ đó đẻ ra huyền
thoại “Humanitarian Operation” là một chữ mà
theo Ông Funseth không có trong vụ
này.” Điều này chứng tỏ rằng Ông Vũ Quý
Hạo Nhiên cũng chỉ viết lại
những suy đoán mơ hồ của người khác chứ không
truy nguyên rõ lai lịch của cái
nguỵ danh H.O..
Một cách chính thức,
không có cái gọi
là Chương Trình H.O. nào cả. H.O. không phải là
hai chữ viết tắt của
“Humanitarian Operation” mà chỉ là sự suy đoán
từ các con số thứ tự của các
danh sách những người cựu tù chính trị đã được
Việt Cộng cấp sổ thông hành
(passport) và trao cho phía Hoa Kỳ phỏng vấn để
đi tỵ nạn tại Mỹ. Ví dụ như
các danh sách đầu tiên mang các số
thứ tự H 01, H 02, H 03… gồm có hai phần: phần
mẫu tự là H và phần các con số
hàng đơn vị là 01, 02, 03…, và khi đến con số
hàng chục thì không còn số không
(zero) nữa mà trở thành H 10, H 11, H 12….
Sau đây là một trích
đoạn trong “Giấy
Báo Tin” của Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh của nguỵ
quyền Việt Cộng tại Hà Nội gửi
cho một người cựu tù chính trị.
GIẤY
BÁO TIN
……………………………………………………
……………………………………………………
1/ Chúng tôi đồng ý
cho ông cùng 03
người trong gia đình được phép xuất cảnh đến
nước Mỹ.
2/ Về việc cấp hộ
chiếu: chúng tôi đã
cấp 04 hộ chiếu số: 28273, 28275, 28277, 28279
gửi kèm theo.
3/
Chúng tôi đã lên
danh sách số H 10, số thứ tự 796, chuyển Bộ
Ngoại Giao để chuyển chính phủ Mỹ
bố trí tiếp xúc phỏng vấn xét nhập cảnh.
Nếu gia đình cần biết
thời gian phỏng
vấn tiếp xúc và kết quả duyệt xét nhập cảnh xin
liên hệ chính phủ Mỹ.
Xin thông báo để ông
yên tâm.
(Hiện phía Mỹ đang
phỏng vấn danh
sách H
05) Hà Nội, ngày 10
tháng 7 / 1990
TRƯỞNG PHÒNG X.N.C
Trần Thành
(Ký tên và ấn dấu)
Những
điều trình bày
trên đây đã chứng minh rằng không có cái gì
chính thức gọi là “H.O.” cả.
“H.O.” chỉ là một nguỵ danh đã được sử dụng một
cách lập lờ để chỉ một người
“tù cải tạo” nhằm xoá đi cái chính danh là người
tù chính trị. Đây là trò
chơi chữ đểu giả của lũ Việt Cộng bởi vì không
bao giờ chúng nhìn nhận
rằng chúng đã giam giữ những người tù chính trị
mà chỉ đưa đi “cải tạo” những
kẻ phạm tội hình sự đối với chúng. Cho
nên chính danh là điều quan trọng, và
phải xoá bỏ cái nguỵ danh “H.O.” trong từ vựng
tiếng Việt.
Nếu
dịch sang tiếng
Việt, những cái tên nửa Việt nửa Mỹ như: Chương
Trình H.O., các ông H.O., ông
H.O. 1, bà H.O. 5, con ông H.O. 8…sẽ thành những
cái tên ngô nghê, vô nghĩa
như: Chương Trình Chiến Dịch Nhân Đạo, các ông
Chiến Dịch Nhân Đạo, ông Chiến
Dịch Nhân Đạo 1, bà Chiến Dịch Nhân Đạo 5, con
ông Chiến Dịch Nhân Đạo 8….
Cái nguỵ danh H.O. đã
bị lộng giả thành
chân từ 35 năm nay. Trong ngôn ngữ nói hàng
ngày, người ta thường tự bào
chữa rằng vì “quen miệng” nên sử dụng những cái
ngụy danh như: “các ông H.O.,
chương trình H.O., ngày giải phóng, học tập cải
tạo, người tù cải tạo…”. Nhưng
khi đã viết ra trên giấy trắng mực đen lại là
chuyện khác, người viết phải tôn
trọng độc giả và có nhiệm vụ phải truy nguyên,
điều tra cho rõ sự thật và sử
dụng đúng chính danh chứ không thể sử dụng cái
ngụy danh lập lờ “H.O.” nếu
không muốn bị coi là có âm mưu bất chánh hoặc
thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Trước đây, trên một
diễn đàn điện tử,
có một ông nhà văn nhà báo đã viết: “Tên H.O. thực ra
như chúng ta đã
biết xuất xứ từ cách đánh số của cộng sản bắt
đầu từ H 01 cho đến H 09 thì trở
thành H 10. Nhưng bây giờ đã thành danh thì ta
cứ gọi là H.O.”. Đây là
kiểu ăn nói lấy được, bất chấp lương tâm nghề
nghiệp của nhà văn nhà báo là phải tôn trọng
sự thật, đặc biệt là sự thật đối
với lịch sử.
Việt Cộng và tay sai
có thể lợi dụng
cái danh xưng H.O. không chính, không thực và
lập lờ này cho âm mưu đen tối của
chúng để bôi đen chân dung người chiến binh
QLVNCH. Cách gọi
bằng những cái tên tỏ vẻ giễu cợt như: “các
Ông Hát Ô, các Ông Ếch Ô” là xúc phạm đến danh
dự của tập thể người tù chính
trị, người lính VNCH.
Băng đảng
Việt Cộng không bao giờ
nhìn nhận rằng những người đã bị chúng giam cầm
phi pháp là tù nhân chính trị
và chúng luôn luôn tuyên bố rằng những người này
là tội phạm chiến tranh vì đã
cầm súng chiến đấu chống lại chúng, và chúng thả
những người này ra và để họ đi
định cư tại ngoại quốc là vì lý do nhân đạo chứ
không phải vì lý do chính trị. Do đó, Việt
Cộng và tay sai có thể tuyên truyền lếu láo rằng
đảng của chúng đã tổ chức cả
một chiến dịch nhân đạo (H.O., Humanitarian
Operation)) để cho những người tù
chính trị và gia đình họ đi định cư tại ngoại
quốc. Nhưng thực tế và lịch sử đã
chứng minh rằng Việt Cộng là một lũ vô nhân tính
làm sao chúng có nhân ái để
làm chuyện nhân đạo.
Trước đây vài năm,
một tờ nhật báo tại
San Jose đã đăng một loạt bài phỏng vấn với tựa
đề “Cuộc Chiến Nhìn Từ Hai
Phía”, trong đó có bài phỏng vấn tên Tổng Lãnh
Sự Việt Cộng Nguyễn Xuân Phong
tại San Francisco. Tên cộng sản này đã lợi dụng
cuộc phỏng vấn để mạt sát các
anh em cựu tù chính trị là vô ơn đối với đảng và
nhà nước của y. Cũng tờ báo
này đã xấc xược gọi Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính
Trị Bắc California là Hội Tù với
ý đồ bôi đen chân dung người tù chính trị Việt
Nam.
Sự
kiện hàng trăm
ngàn người tù chính trị Việt Nam đi định cư tỵ
nạn tại Hoa Kỳ là một sự kiện
chính trị mang dấu ấn lịch sử. Sử dụng những cái
nguỵ danh như “Hát Ô hay Ếch
Ô” khi nói hay viết là thái độ cợt nhả đối với
một sự kiện lịch sử. Để bảo
vệ danh dự và chỗ đứng trong lịch sử của tập thể
hàng trăm ngàn người tù chính
trị, những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ
quê hương Miền Nam thân yêu
suốt 20 năm, phải loại bỏ cái ngụy danh “Chương
Trình H.O.” và thay bằng cái
chính danh là “Chương Trình Tái Định Cư Những
Cựu Tù Nhân Chính Trị”.
Đây là một
chương trình do chính phủ
Hoa Kỳ hoạch định và thực hiện với sự hỗ trợ của
Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc
để trả một món nợ quốc gia của Hoa Kỳ đối với
đồng minh của họ trong cuộc chiến
chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản
tại Đông Dương và Việt Nam.
Viết
để đánh dấu 20
năm một sự kiện lịch sử là điều rất nên làm.
Nhưng chính danh là điều quan
trọng để hậu thế biết và hiểu đúng sự thật lịch
sử. Dùng cái nguỵ danh H.O. -
một ám số của Việt Cộng - đã bị lộng giả thành
chân để xuyên tạc một sự thật
lịch sử là có tội đối với lịch sử.
Đỗ Ngọc Uyển
(Khoá 4 Thủ Đức)
Tháng 4 năm 2010
Morgan Hill,
California
CÁC NIÊN TRƯỞNG TQLC
Phần I: NT MX. PHẠM VĂN LIỂU:
A-Dẩn nhập của MX Saigon -Tôn Thất
Soạn:
Thiếu Úy Tôn Thất Soạn sau khi tốt
nghiệp khóa 4 Thủ Đức 1-6-1954, trở về trình diện BTL. Quân Khu 2,
Miền Trung-Huế, đáo nhậm đơn vị đầu tiên là tiểu đoàn 42 VN đồn trú
tại Mỹ Chánh-Quảng Trị; tiếp theo giữ chức vụ ĐĐP/ĐĐ3 đồn trú tại
Diên Sanh cũng là nơi đồn trú của Chi Khu Quân Sự Diên Sanh vẫn còn
do sĩ quan Pháp chỉ huy.
Ngày 1-10-55, sau khi thụ huấn khóa
pháo binh 106ly/4'2 tại trường Võ Bị Dalat thì được lịnh của Bộ Quốc
Phòng bổ sung về Binh Chủng TQLCVN để phục vụ PĐ 106 ly TQLC đang
được thành lập đồn trú tại tỉnh lỵ Mỹ Tho.
Đầu năm 1956, Trung úy Tôn Thất Soạn
trình diện BCH Liên Đoàn TQLC đóng tại trại Cửu Long, Thị
Nghè-Saigon. Trg/úy Tôn Thất Soạn được gặp CHT-TQLC là Thiếu Tá Phạm
Văn Liễu. Sau khi chào hỏi, Th/T Liễu đã ân cần niềm nở và cấp sứ vụ
lệnh cùng xe jeep cho Trg/Úy Soạn về Mỹ Tho để đáo nhậm Đại Đội Sơn
Pháo 106ly TQLC…
B-Giới thiệu về MX PHẠM VĂN LIỄU:
…Trong hồi ký ‘TRẢ TA SÔNG NÚI” tác
giả MX Phạm Văn Liễu đã kể về việc “THÀNH LẬP TQLCVN” như sau:
"Đầu tháng 12-1954, Tôi vào Saigon
trình diện Bộ TTM, ngày ấy vẫn còn xử dụng doanh trại trên đường
Trần Hưng Đạo-Chợ Lớn. Vì là một sĩ quan thâm niên trong ngành Tuần
Giang và Xung Kích, từng theo học lớp sĩ quan căn bản Hải Quân Khóa
1 Nha Trang, được huấn luyện về đổ bộ trên các chiến hạm Pháp, thực
tập với các đoàn biệt kích trong Liên Đoàn Biệt Kích Miền Bắc VN
(Groupement des Commandos du Nord Viet Nam) với 2 đoàn biệt kích nỗi
danh Ouragan và Tempete của Hải Quân Pháp Tôi được giao phó trách
nhiệm thành lập THỦY QUÂN LỤC CHIẾN của Quân Đội Quốc Gia VN.
Văn phòng thoạt đầu được đặt tại
tòa nhà phụ bên phía mặt của Bộ TTM, chung với BCH Thiết Giáp do
Thiếu Tá Dương Ngọc Lắm chỉ huy. Theo tôi về Saigon còn có Trung Úy
Lê Nguyên Khang, 2 sĩ quan Pháp Đại Úy Bore và Đại Úy Ferruci,
thành thạo về tổ chức, văn thư, sổ sách, phụ giúp tôi việc văn
phòng.
Thoạt đầu, các Liên Đoàn Tuần
Giang 1,2,3 trở thành 3 đơn vị cơ bản của lực lượng TQLCVN. Đại Úy
Nguyễn Kiên Hùng, K.5 Dalat, người bạn thân của tôi đang chỉ huy
Liên Đoàn Tuần Giang số 1 đóng tại căn cứ Khánh Hội. Thời gian này,
theo tổ chức TQLC trực thuộc BTL Hải Quân do Thiếu Tá Lê Quang Mỹ
chỉ huy. Trung Úy Lê Nguyên Khang phụ tá tôi về văn phòng. Cố Vấn
cho Tôi là Đại Úy Breckenridge USMC thuộc phái bộ Cố Vấn Mỹ mới
thành hình tại Saigon. Huy hiệu Binh Đoàn TQLCVN mới đầu được nghĩ
ra là hình vuông màu ĐEN làm nền, vòng tròn ĐỎ ở trong, giữa có ngôi
sao TRẮNG. Đơn vị đầu tiên được thành lập là Tiểu Đoàn 1 TQLC đóng
tại Nha Trang. Các đơn vị tiền thân của Tiểu Đoàn này gồm đơn vị
biệt kích Bắc Việt và Liên Đoàn Tuần Giang Xung Kích số 3. Đại Úy
Bùi Phó Chí được đề nghị làm TĐT.
Đại Úy Delayen, thuộc LĐBKBV làm
cố vấn. Đại Úy Delayen và Tôi từng quen biết trên chiến trường khu
Nam Bắc Việt. Ông là một sĩ quan rất can đảm và anh dũng, nhiều kinh
nghiệm chiến đấu.
Đầu năm 1955, tôi được thăng cấp
Thiếu Tá, Trung Úy Khang lên Đại Úy. Thành lập xong TĐ1, chúng tôi
bắt đầu thành lập TĐ2 TQLC. Căn bản lấy đơn vị biệt kích Bergerol,
nỗi danh trong Nam. Đơn vị này có 4 đại đội tác chiến do 1 Thiếu Tá
Pháp gốc Đức chỉ huy. Đại Úy Nguyễn Văn Nam phụ tá, các ĐĐT là Trung
Úy Nguyễn Văn Hay (tự Hai Chùa), Trung Úy Thạch Hốt gốc Miên, Trung
Úy Nguyễn Văn Khái, Trung Úy Nguyễn Văn Châu. v.v các sĩ quan phụ
lực quân này khi chuyển qua QĐQGVN họ được giữ nguyên cấp bậc cũ.
Cũng thời gian này, chúng tôi thành lập một đơn vị “Corps Franc” dựa
theo tổ chức đại đội Biệt Kích miền Bắc (giống đại đội Thám Báo sau
này) giao cho Thiếu Úy Trần Văn Nhựt K.10 Dalat chỉ huy.
Chúng tôi cũng được phép tổ chức
đơn vị pháo binh cho Binh Đoàn, gồm 12 khẩu 4'2/106 ly mới được Hoa
Kỳ viện trợ.
Tháng 6-1955, Phủ Thủ Tướng bổ
nhậm Trung Tá Lê Quang Trọng, K.2 Huế, sĩ quan người Huế làm CHT
Binh Đoàn TQLC. Trung Tá Trọng cử tôi làm TMT, Đ/U Nguyễn Kiên Hùng
TP3, Đ/U Khang TP4, Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang TP1, Trung Úy
Huỳnh Văn Nhàn TP2. Trg Tá Trọng là một sĩ quan giỏi, nhiều tính
chất văn nghệ, cư xử khéo léo, thân mật với anh em. Sau chiến dịch
Hoàng Diệu, Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng được cử làm TĐT- TĐ2 TQLC, Đ/U
Nguyễn Văn Nam TĐP, đóng tại Rạch Dừa, Vũng Tàu.
Cuối năm 1955, Trung Tá Trọng được
nhậm chức TL Sư Đoàn Khinh Chiến 11 trú đóng tại Cần Thơ. Thiếu Tá
Phạm Văn Liễu được chỉ định CHT Binh Đoàn TQLC từ tháng 1 đến tháng
8- 1956."…
C.TIỂU SỬ MX. PHẠM VĂN LIỄU:
Sinh năm 1928 tại Nam Định, Bắc
Việt.Qua đời ngày 20-10-2010 nhằm ngày 13 tháng 9 năm Canh Dần tại
San Jose, Cali-USA. Tên gọi trong cách mạng: Trần Sơn Nam. Hoạt động
tại hải ngoại kể từ 1975 tên là Trần Trung Sơn.
CÁC KHÓA HỌC:
-1950-51 ,trung học Nguyễn
Trải,Hanoi.
-1951-52,Võ Bị Liên Quân Dalat,K.5.
-1952,Trường Hải Quân Nha Trang,K.1 lớp căn bản.
-1956-57,Trường Bộ Binh Hoa Kỳ Fort Benning,GA.
-1951-52,Võ Bị Liên Quân Dalat,K.5.
-1952,Trường Hải Quân Nha Trang,K.1 lớp căn bản.
-1956-57,Trường Bộ Binh Hoa Kỳ Fort Benning,GA.
BINH NGHIÊP:
-1953: CHP. Liên Đoàn Tuần Giang Xung
Kích (LĐTGXK) số 3.
-1953: ĐĐT/Tiểu Đoàn 54, khu chiến Hưng yên.
-1953-54: CHT- LĐTGXK SỐ 3, Nam Định.
-1954-55: thành lập và CHT –TQLCVN.
-1957: TMT trường VBQG-DaLat.
-1957-58: Trung Đoàn Trưởng Trg-Đoàn 39, SĐ 13, Tây Ninh.
-1958-60: TMT- TTHL Quang Trung.
-1964: CHT-TTHL Quang Trung.
-1964: TMT Sư Đoàn 7 BB. Mỹ Tho.
-1964-65: Phụ Tá Hành Quân Quân Đoàn II, Pleiku.
-1965: Thứ Trưởng bộ Thanh Niên, nội các Thủ Tướng Phan Huy Quát.
-1965-66: Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
-1966: Đặc Sứ Lưu Động Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan.
-1967: CHT trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Nha Trang.
-1968: Phụ Tá Đặc Biệt cho TL/QĐIII, Biên Hòa.
-1969: Tổng Thanh Tra QĐIII. Biên Hòa.
-1969: Sĩ Quan Liên Lạc SĐ1KK-HK (1st US Air Calvary Division).
-1969: CHT Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho.
-1972: Cố Vấn Quân Đội Kampuchia tại Neak Luong.
-1972-73: Phụ Trách khai thông song Cửu Long ,an ninh thủy lộ từ Saigon đến thủ đô Nam Vang.
-1973-30/4/75: Tham Vấn Tại Gia.
-1953: ĐĐT/Tiểu Đoàn 54, khu chiến Hưng yên.
-1953-54: CHT- LĐTGXK SỐ 3, Nam Định.
-1954-55: thành lập và CHT –TQLCVN.
-1957: TMT trường VBQG-DaLat.
-1957-58: Trung Đoàn Trưởng Trg-Đoàn 39, SĐ 13, Tây Ninh.
-1958-60: TMT- TTHL Quang Trung.
-1964: CHT-TTHL Quang Trung.
-1964: TMT Sư Đoàn 7 BB. Mỹ Tho.
-1964-65: Phụ Tá Hành Quân Quân Đoàn II, Pleiku.
-1965: Thứ Trưởng bộ Thanh Niên, nội các Thủ Tướng Phan Huy Quát.
-1965-66: Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
-1966: Đặc Sứ Lưu Động Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan.
-1967: CHT trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Nha Trang.
-1968: Phụ Tá Đặc Biệt cho TL/QĐIII, Biên Hòa.
-1969: Tổng Thanh Tra QĐIII. Biên Hòa.
-1969: Sĩ Quan Liên Lạc SĐ1KK-HK (1st US Air Calvary Division).
-1969: CHT Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho.
-1972: Cố Vấn Quân Đội Kampuchia tại Neak Luong.
-1972-73: Phụ Trách khai thông song Cửu Long ,an ninh thủy lộ từ Saigon đến thủ đô Nam Vang.
-1973-30/4/75: Tham Vấn Tại Gia.
HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN VÀ CÁCH MẠNG:
-1944-45: Đoàn Jeune Campeurs.
-1945: Đoàn Thanh Niên Khất Thực.
-1945: Đại Việt Quốc Dân Đảng.
-1946-49: Lưu Vong qua Trung Hoa.
-1960-63: Lưu Vong qua Kampuchia.
-1975-2010: Lưu Vong Tị Nạn tại Hoa Kỳ:
Những nổ lực đấu tranh bằng vũ lực chống cộng sản từ sau 1975 ở Hải Ngoại, đặc biệt là những bí ẩn về Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Quôc Gia..
-1945: Đoàn Thanh Niên Khất Thực.
-1945: Đại Việt Quốc Dân Đảng.
-1946-49: Lưu Vong qua Trung Hoa.
-1960-63: Lưu Vong qua Kampuchia.
-1975-2010: Lưu Vong Tị Nạn tại Hoa Kỳ:
Những nổ lực đấu tranh bằng vũ lực chống cộng sản từ sau 1975 ở Hải Ngoại, đặc biệt là những bí ẩn về Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Quôc Gia..
D-ĐOẠN KẾT:
Lời tâm tình của tác giả MX.PHẠM VĂN LIỄU trên tờ bìa cuốn hồi ký “TRẢ TA SÔNG NÚI” có đoạn:
Lời tâm tình của tác giả MX.PHẠM VĂN LIỄU trên tờ bìa cuốn hồi ký “TRẢ TA SÔNG NÚI” có đoạn:
"... Đã nhiều năm qua, bằng hữu,
anh em, thường thúc giục tôi viết hồi ký. Tôi phân vân mãi, nhưng
không thể khởi đầu. Một trong những lý do là tôi vẫn nghĩ hồi ký chỉ
dành cho những người đã rút chân khỏi cuộc đời hoạt động. Hơn nữa
cái tôi thường đáng ghét. Đời tôi tạm gọi có nhiều thăng trầm, vinh
nhục ,nổi trôi từ quê cha đất tổ mến yêu đến hải ngoại nhiều phen,
nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện viết lại chuyện đời mình cho người mua
vui dăm ba khắc, vài ngày, tôi không khỏi hổ thẹn. Gần đây, do cơn
kích tim, sức khõe bị suy yếu. Anh em thương quí vẫn khuyến khích
nhắc nhủ phải tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền.
Tôi không thể từ chối, vì đó cũng là tâm nguyện bấy lâu: một lòng,
một dạ phụng sự cho Quốc Gia và Quốc Dân. Cuộc đấu tranh cho dân
chủ, tự do và nhân quyền tại Việt Nam là cuộc chiến không ngừng
nghỉ, cần vận dụng bất cứ phương tiện nào có thể có. Bởi thế, hơn
một lần tôi nghiền ngẫm việc viết lại những lỗi lầm đời mình dài
theo dòng lịch sử quốc dân làm món quà cho những người bạn trẻ. Cổ
Nhân dạy: "Dẫm lên sương sớm, nhớ tới mùa Đông". Biết đâu, những
kinh nghiệm máu và nước mắt đời tôi chẳng giúp vài ba bạn trẻ nào đó
hằng tâm với đất nước, tránh được những vết xe đổ của người đi tước?
Đó là tâm nguyện duy nhất của người viết.
Phạm Văn Liễu…"
Phạm Văn Liễu…"
Phần II: NT. MX. HOÀNG TÍCH THÔNG.
A-Lời giới thiệu của MX. Tôn Thất
Soạn:
Khóa 10 sĩ quan hiện dịch Đalạt và
khóa 4 sĩ quan trừ bị Thủ Đức cùng làm lễ mãn khóa chung vào ngày 1
tháng 6 năm 1954 tại Saigon. Cuộc duyệt binh khá rầm rộ trên đường
Phạm Ngủ Lão – Chợ Cũ. Dưới sự chủ tọa của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Một số sĩ quan trừ bị Thủ Đức sau đó lần lượt tình nguyện về phục vụ
Binh Chủng TQLC đang trong thời kỳ thành lập 1-10-54, gồm có Trung
Úy Tôn Thất Soạn, Trung Úy Bùi Thế Lân và Trung úy Hoàng Tích Thông…
B-TIỂU SỬ MX. HOÀNG TÍCH THÔNG:
Trong hồi ký “Cuộc Đời Tôi”, tác giả
MX.Hoàng Tích Thông đã tóm tắt sơ lươc “Đời Tôi” như sau:
1. 1928-45 - Thời niên thiếu:
Sinh trưởng trong một gia đình có 7 trai, 5 gái; Tôi là con út, sinh tại Hanoi, VN.năm 1928. Nhưng thuở nhỏ, học tại tiểu học xã Đông Ngạc (Làng Vẽ) Hà Đông. Sau đó là trường trung học Thăng Long Hà Nội và trường Louis-Pasteur cho đến hết lớp đệ Nhị năm 1954. Lúc trẻ ham mê thể thao như bóng tròn, bóng bàn, bơi lội.v.v. Cuối năm 1945, sau khi Việt Minh cộng sản cướp chính quyền thì nghỉ học vì tình hình chính trị xáo trộn.
Sinh trưởng trong một gia đình có 7 trai, 5 gái; Tôi là con út, sinh tại Hanoi, VN.năm 1928. Nhưng thuở nhỏ, học tại tiểu học xã Đông Ngạc (Làng Vẽ) Hà Đông. Sau đó là trường trung học Thăng Long Hà Nội và trường Louis-Pasteur cho đến hết lớp đệ Nhị năm 1954. Lúc trẻ ham mê thể thao như bóng tròn, bóng bàn, bơi lội.v.v. Cuối năm 1945, sau khi Việt Minh cộng sản cướp chính quyền thì nghỉ học vì tình hình chính trị xáo trộn.
2.1945-53 - Gia nhập Quốc Dân
Đảng:
Trước tiên gia nhập Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNĐ), một tổ chức ngoại vi của Mặt Trận Quốc Dân Đảng, Quốc Gia(MTQDĐQG) chống lại Việt Minh cộng sản (VMCS) , theo thứ tự sau:
a) Từ 8/45 đến 2/48:
Tình hình chung khi thế chiến 2 chấm dứt 1940-45.
b) Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNĐ) trong những ngày đầu thành lập và thụ huấn tại trường Quân Chính Xứ Nhu (Việt Trì) và trường Lục Quân Yên Bái.
c) Chiến đấu trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng (MTQDĐ) tại Đệ Tam Khu Chiến từ Vĩnh Yên tới Lào Kay.
d) Từ 11/1946 đến 2/48:
-Trên đường vào chiến khu Phòng Thô (Lai Châu) qua biên giới Trung Hoa.
-Những ngày chiến đấu trong chiến khu.
e) Từ 2/1948 đến 2/50:
-Trên đường lưu vong tại Trung Hoa.
f) Từ 2/1950 đến 6/50:
-Trên đường rời khỏi Hoa Nam từ phủ thủ Côn Minh (tỉnh Vân Nam) qua Quế Dương (tỉnh Quý Châu), Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây), Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) tới Hương Cảng.
-Cuộc sống tạm bợ tại Hương Cảng và trở về Hanoi VN năm 1949. 3. 1953-75 - Gia Nhập Quân Đội VNCH:
-Nhập học trường SQTB Thủ Đức Khóa 4 ra trường 1-6-54 cấp bậc Thiếu úy.
-Trình diện Đệ Tam Quân Khu Bắc Việt, nhận nhiệm vụ đầu tiên là đơn vị trọng pháo 753 hoạt động ở yếu khu "Bần Yên Nhân", Hải Dương, Bắc Việt.
-1955: di chuyển vào Nam sau hiệp định Paris cùng với đơn vị PB 753, sau đó được sát nhập vào trung đoàn 155 BB tại Nha Trang, sau đổi tên là trung đoàn 5 BB, để thành lập SĐ 2 BB đóng tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Với chức vụ ĐĐT-ĐĐ TP 5.
-1957: làm TB3 tiểu đoàn 2, trung đoàn , SĐ2 .BB
-Tháng 1/1958: sĩ quan BTM trung đoàn, SĐ1-Huế.
-Thàng 4/1958: tình nguyện về TQLC, Trung Úy ĐĐT-TĐ1-TQLC, Nha Trang, hành quân với TĐ1 –TQLC tại Kiến Hòa (1960), Cà Mâu, và mật khu Hố Bò QK3.v.v.
-1960: trung úy du học Hoa Kỳ lớp Basic course, Quantico, USMCS Quantico,VA.
-1963: đại úy ĐĐT-ĐĐ1-TĐ1/TQLC, tham gia đảo chánh 1-11-63 tại Saigon.
-1964: thiếu tá TĐT-TĐ2 TQLC, hành quân Kontum, Đức Cơ, Bồng Sơn, Bình Định.
-Tháng 3/1966: du học Hoa Kỳ, Junior course, MCS Quantico, VA.
-Tháng 10/1966: CĐT-CĐ A-TQLC, hành quân Junction City với SĐ 25 BB Hoa Kỳ, tại Tây Ninh.
-1968: Thiếu Tá CĐT-CĐ A, hành quân giải tỏa VC tại Saigon sau đó là Huế.
-1969: Trung Tá LĐT LĐ-147 hành quân Vùng 4 Chương Thiện, Ba Xuyên.v.v.
-1970: Đại Tá LĐT LĐ-147, HQ Cambot.
-Tháng 3/1971: ĐT LĐT-147, HQ lam Sơn 719 Hạ Lào-
-Tháng 10/71: Đại Tá thực thụ theo học Chỉ Huy & Tham Mưu Cao Cấp Dalat.
-Tháng 11/1972: ĐT/ TLP- SĐ2 BB tại Chu lai, Quảng Tín. HQ giải tỏa VC cửa biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi được ân thưởng Đệ 3 BQHC.
-Tháng 3/75: TLP SĐ2 BB rút về Hàm Tân –Bình Tuy.
-Tháng 4/75: ĐT TLP SĐ2 BB di chuyển HQ phòng tuyến Phan Rang.
-22-4-75: Dt Hoàng Tích Thông đào thoát từ Phan Rang về đến Vũng Tàu.
-30-4-75: tập trung cải tạo tù cộng sản từ Long Giao, ngoài Bắc, trong Nam.
-Tháng 2/88: được tự do sau 13 năm tù cộng sản.
-Tháng 9/1991: MX. Hoàng Tích Thông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư tị nạn CS theo diện HO.7 định cư tại Santa Ana, California cho đến nay 2-2016.
Trước tiên gia nhập Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNĐ), một tổ chức ngoại vi của Mặt Trận Quốc Dân Đảng, Quốc Gia(MTQDĐQG) chống lại Việt Minh cộng sản (VMCS) , theo thứ tự sau:
a) Từ 8/45 đến 2/48:
Tình hình chung khi thế chiến 2 chấm dứt 1940-45.
b) Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNĐ) trong những ngày đầu thành lập và thụ huấn tại trường Quân Chính Xứ Nhu (Việt Trì) và trường Lục Quân Yên Bái.
c) Chiến đấu trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng (MTQDĐ) tại Đệ Tam Khu Chiến từ Vĩnh Yên tới Lào Kay.
d) Từ 11/1946 đến 2/48:
-Trên đường vào chiến khu Phòng Thô (Lai Châu) qua biên giới Trung Hoa.
-Những ngày chiến đấu trong chiến khu.
e) Từ 2/1948 đến 2/50:
-Trên đường lưu vong tại Trung Hoa.
f) Từ 2/1950 đến 6/50:
-Trên đường rời khỏi Hoa Nam từ phủ thủ Côn Minh (tỉnh Vân Nam) qua Quế Dương (tỉnh Quý Châu), Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây), Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) tới Hương Cảng.
-Cuộc sống tạm bợ tại Hương Cảng và trở về Hanoi VN năm 1949. 3. 1953-75 - Gia Nhập Quân Đội VNCH:
-Nhập học trường SQTB Thủ Đức Khóa 4 ra trường 1-6-54 cấp bậc Thiếu úy.
-Trình diện Đệ Tam Quân Khu Bắc Việt, nhận nhiệm vụ đầu tiên là đơn vị trọng pháo 753 hoạt động ở yếu khu "Bần Yên Nhân", Hải Dương, Bắc Việt.
-1955: di chuyển vào Nam sau hiệp định Paris cùng với đơn vị PB 753, sau đó được sát nhập vào trung đoàn 155 BB tại Nha Trang, sau đổi tên là trung đoàn 5 BB, để thành lập SĐ 2 BB đóng tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Với chức vụ ĐĐT-ĐĐ TP 5.
-1957: làm TB3 tiểu đoàn 2, trung đoàn , SĐ2 .BB
-Tháng 1/1958: sĩ quan BTM trung đoàn, SĐ1-Huế.
-Thàng 4/1958: tình nguyện về TQLC, Trung Úy ĐĐT-TĐ1-TQLC, Nha Trang, hành quân với TĐ1 –TQLC tại Kiến Hòa (1960), Cà Mâu, và mật khu Hố Bò QK3.v.v.
-1960: trung úy du học Hoa Kỳ lớp Basic course, Quantico, USMCS Quantico,VA.
-1963: đại úy ĐĐT-ĐĐ1-TĐ1/TQLC, tham gia đảo chánh 1-11-63 tại Saigon.
-1964: thiếu tá TĐT-TĐ2 TQLC, hành quân Kontum, Đức Cơ, Bồng Sơn, Bình Định.
-Tháng 3/1966: du học Hoa Kỳ, Junior course, MCS Quantico, VA.
-Tháng 10/1966: CĐT-CĐ A-TQLC, hành quân Junction City với SĐ 25 BB Hoa Kỳ, tại Tây Ninh.
-1968: Thiếu Tá CĐT-CĐ A, hành quân giải tỏa VC tại Saigon sau đó là Huế.
-1969: Trung Tá LĐT LĐ-147 hành quân Vùng 4 Chương Thiện, Ba Xuyên.v.v.
-1970: Đại Tá LĐT LĐ-147, HQ Cambot.
-Tháng 3/1971: ĐT LĐT-147, HQ lam Sơn 719 Hạ Lào-
-Tháng 10/71: Đại Tá thực thụ theo học Chỉ Huy & Tham Mưu Cao Cấp Dalat.
-Tháng 11/1972: ĐT/ TLP- SĐ2 BB tại Chu lai, Quảng Tín. HQ giải tỏa VC cửa biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi được ân thưởng Đệ 3 BQHC.
-Tháng 3/75: TLP SĐ2 BB rút về Hàm Tân –Bình Tuy.
-Tháng 4/75: ĐT TLP SĐ2 BB di chuyển HQ phòng tuyến Phan Rang.
-22-4-75: Dt Hoàng Tích Thông đào thoát từ Phan Rang về đến Vũng Tàu.
-30-4-75: tập trung cải tạo tù cộng sản từ Long Giao, ngoài Bắc, trong Nam.
-Tháng 2/88: được tự do sau 13 năm tù cộng sản.
-Tháng 9/1991: MX. Hoàng Tích Thông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư tị nạn CS theo diện HO.7 định cư tại Santa Ana, California cho đến nay 2-2016.
C. ĐOẠN KẾT:
1. Trong hồi ký ”Cuộc Đời Tôi”, cựu đoàn viên Quốc Gia Thanh Niên Đoàn Nguyễn Đức Linh đã nhận xét:
1. Trong hồi ký ”Cuộc Đời Tôi”, cựu đoàn viên Quốc Gia Thanh Niên Đoàn Nguyễn Đức Linh đã nhận xét:
"...hồi ký của Hoàng Tích Thông đã
nói lên một thời trai trẻ có lý tưởng để phụng sự với bầu nhiệt
huyết đấu tranh vì dân tộc, với sự mong ước trong sáng, kỳ vọng đất
nước giàu, dân mạnh, thoát cảnh nghèo đói tối tăm. Con đường cách
mạng của Hoàng Tích Thông cũng là con đường lý tưởng của chung cho
tất cả đoàn viên Quốc Gia Thanh Niên đoàn.."
2. Tác giả Mũ Xanh Hoàng Tích Thông
đã tâm sự trong cuốn “Cuộc Đời Tôi” :
"…trong số anh em chúng tôi tham
gia vào Quốc Gia Thanh Niên Đoàn đến giờ phút này cũng chẳng còn bao
nhiêu, khoảng chừng 20 người, trong số gần 200 người mà một nửa của
20 người đang sinh sống tại Hoa Kỳ và các nước tự do khác. Số còn
lại vẫn còn ở trong nước. Thực tâm tôi chỉ muốn ghi lại những ngày
hoạt động xa xưa của lứa tuổi đôi mươi trong thời kỳ tranh đấu dành
độc lập cho VN để dành riêng cho gia đình QGTNĐ và may ra có thể
cùng đóng góp một phần nào trong tài liệu tham khảo của những ai
muốn viết về lịch sử tranh đấu của những người Quốc Gia, vì tôi đã
may mắn đi chọn con đường dài từ Vĩnh yên tới Phong Thổ Bắc Việt..."
MX.Hoàng Tích Thông SQ QLVNCH,
1954-75.. Hiệu: Quý Minh,Tự: Bất Si, Orange County, CA. USA.
Phần III: NT. MX. Hoàng Lãm
MX. Hoàng Lãm ra trường khoá 4 Phụ
Thủ Đức ( Cương Quyết 2 ) tháng 10/1954, Th/uý thuyên chuyển lên
Tiểu Đoàn 454 BGM (Bataillon de Garde Montagnard) ở Tiểu Khu Kontum.
Khi ấy thì Thiếu Úy Bùi Thế Lân K. 4 Thủ Đức đang ở Tiểu Đoàn 5 BM (
5 ième Bataillon Montagnard ). Hồi ấy các Tiểu Đoàn ở Cao Nguyên đều
còn dưới sự chỉ huy của các sỉ quan người Pháp. Đến năm 1955 khi
Pháp rút khỏi VN sau HĐ Geneve thì mới bàn giao cho SQ người Việt và
cờ Vàng 3 Sọc Đỏ lần đầu tiền được kéo lên ở sân cờ T/Đ thay cho cờ
Tam Tài của Pháp.
Thiếu Úy Cổ Tấn Tinh Châu sau khi ra
trường Khoá 5 Thủ Đức năm 1955 cũng thuyên chuyển lên T/Đ 454 và cả
Thiếu Úy Nguyễn Đức Ân (TTHL).
-1956: HL được chỉ định làm Sỉ quan Phụ tá Tiểu Đoán Trưởng cho Đ/uý Võ văn Lê ( officier adjoint),hồi ấy không có T/Đ phó.
-1956: khi QĐQG bắt đầu thành lập các Sư Đoàn, vào khoảng cuối năm 1956 thì các T/Đ 454, T/Đ 5 ở Kon-Tum đều nhận lệnh giải tán để lấy quân số bố sung cho Sư Đoàn 12 Khinh Chiến ( tiền thân của S/Đ 23).
Trung Úy Hoàng Lãm và Trung Úy Bùi Thế Lân thuyên chuyển qua Tiểu Khu Kontum, HL được chỉ định làm Trưởng P1 kiêm Trưởng P4, Trg Úy Lân Trưởng P3.
- Cuối năm 1956, ở TK/Kontum chưa được bao lâu, thì Trg Úy Lân và Trg Úy Lãm làm đơn xin đi học khóa sĩ quan căn bản Công Binh tại Hoa Kỳ; Tuy nhiên sau đó không có tin tức gì nên Trg Úy Lãm và Trg Úy Lân đã tình nguyện về TQLC đang thành lập và được Th/Tá TKT Hùnh văn Lạc chấp thuận..
- Tháng 5/1956, Trg Úy Lãm và Trg úy Lân trình diện BCH/TQLC tại Trại Cửu Long ở Thị Nghè. TQLC hồi ấy đang còn Liên Đoàn do Th/Tá Lê Như Hùng CHT. Tr/uý Lân được chỉ định làm Trưởng P3, sau đổi ra TĐ1/TQLC. Trg Úy Lãm làm Trưởng P1. - Tháng 12/1957, đi Mỹ học khoá Basic USMC School ở Quantico / VA cùng với 6 SQ/TQLC khác là các Tr/uý: Tôn Thất Soạn, Ngô văn Định, Nguyễn văn Nho, Phạm Ngọc Thụy, Giang Khánh Tước và Nguyễn Hữu Cát.
-1956: HL được chỉ định làm Sỉ quan Phụ tá Tiểu Đoán Trưởng cho Đ/uý Võ văn Lê ( officier adjoint),hồi ấy không có T/Đ phó.
-1956: khi QĐQG bắt đầu thành lập các Sư Đoàn, vào khoảng cuối năm 1956 thì các T/Đ 454, T/Đ 5 ở Kon-Tum đều nhận lệnh giải tán để lấy quân số bố sung cho Sư Đoàn 12 Khinh Chiến ( tiền thân của S/Đ 23).
Trung Úy Hoàng Lãm và Trung Úy Bùi Thế Lân thuyên chuyển qua Tiểu Khu Kontum, HL được chỉ định làm Trưởng P1 kiêm Trưởng P4, Trg Úy Lân Trưởng P3.
- Cuối năm 1956, ở TK/Kontum chưa được bao lâu, thì Trg Úy Lân và Trg Úy Lãm làm đơn xin đi học khóa sĩ quan căn bản Công Binh tại Hoa Kỳ; Tuy nhiên sau đó không có tin tức gì nên Trg Úy Lãm và Trg Úy Lân đã tình nguyện về TQLC đang thành lập và được Th/Tá TKT Hùnh văn Lạc chấp thuận..
- Tháng 5/1956, Trg Úy Lãm và Trg úy Lân trình diện BCH/TQLC tại Trại Cửu Long ở Thị Nghè. TQLC hồi ấy đang còn Liên Đoàn do Th/Tá Lê Như Hùng CHT. Tr/uý Lân được chỉ định làm Trưởng P3, sau đổi ra TĐ1/TQLC. Trg Úy Lãm làm Trưởng P1. - Tháng 12/1957, đi Mỹ học khoá Basic USMC School ở Quantico / VA cùng với 6 SQ/TQLC khác là các Tr/uý: Tôn Thất Soạn, Ngô văn Định, Nguyễn văn Nho, Phạm Ngọc Thụy, Giang Khánh Tước và Nguyễn Hữu Cát.
- Tháng 8/1958 mãn khoá về nước, được
chỉ đinh làm Trưởng P3/BCH/LĐ TQLC vẫn ở Thị Nghè.
- Giữa năm 1960, Đ/uý Lê Nguyên Khang đang là TĐT/TĐ3 được Tổng Thống NĐ Diệm thăng Th/Tá và thay Th/Tá Lê Như Hùng làm CHT/LĐ TQLC. Đ/uý Nguyễn Kim Hương Giang (khoá 1 SQTB Thủ Đuc) vẫn là CHP kiêm TMT. Hồi ấy đầu năm 1960 VC thành lập MTGPMN và phong trào nổi dậy bùng khắp các tỉnh ở Miền Nam, đặc biệt ở Bến Tre tình hình rất nặng, TQLC được lệnh của Bộ TTM đưa hết cả LĐ gồm có TĐ1/TQLC, TĐ2/TQLC và BCH/LĐ tăng phái cho QK5 để bình định vùng Bến Tre/ Kiến Hoà. Trước khi đi thay vì để Đ/uý Nguyễn Kim Hương Giang đang là CHP kiêm TMT ở nhà, Th/tá Khang lại mang Đ/uý Giang theo ra hành quân và chỉ định Trg Úy H.Lãm XLTV BCH/ LĐ/ TQLC kiêm Q/TMT.
-Chính biến tháng 10/1960: Khoảng 2 giờ chiều ngày 10 tháng 10/1060, Đ/uý Nguyễn Kiên Hùng TĐT/TĐ3/TQLC, đóng quân cùng Trại Thị Nghè qua BCH gặp H.Lãm để lệnh cho Tr/uý Hình SQ Quân Lương (OD) của LĐ, phát tiền ăn nửa tháng sau của tháng 10, H.Lãm nói bửa nay mới 10 Tây mà, Đ/uý Hùng nói nhân ngày mai có xe của BCH liên lạc với hành quân ở Miền Tây nên cho xe của TĐ tháp tùng theo để mua lương thực cho rẻ, H.Lãm nghe cũng hợp lý, chứ thật ra theo quy định thì tiền ăn chỉ phát ngày 1 và 15 mổi tháng. (Đây là một trong những điều mà sau này Đ/Tá Đổ Mậu Giám Đốc Nha ANQĐ hạch tội H.Lãm có dính líu đến đảo chánh).
Nửa đêm ngày 10/10/60 khoảng 1 giờ sáng, nghe súng nổ càng lúc càng nhiều, H.Lãm vội vàng lái xe vào Trại Cửu Long, mới hay là Đ/uý Hùng lấy xe cơ hữu của TĐ3 chở được 2 Đại đội ra khỏi Trại và dặn Đ/uý Mã Viết Bẳng TĐP sẽ cho đoàn xe trở về chở tiếp 2 Đại đội còn lại. Trg Úy H.Lãm cho lệnh đóng cồng Trại và sau đó nhận lệnh trực tiếp của Đ/Tá Hồ Tấn Quyền TL/HQ để Đ/uý Bằng dẩn bộ 2 Đại đội qua cầu Avalanche (cầu sắt nhỏ bắt qua Rạch Thị Nghè nối Trại Cửu Long với phía sau của Hải Quân Công Xưởng) qua đường Cường Để ra Bến Bạch Đằng trình diện Đ/Tá Quyền cùng vào Dinh Độc Lập ở cửa đường Nguyễn Du chống lại phe đảo chánh.
Vào khoản 11 giờ thì Thiếu Tá Nguyễ Đức Vân TMT/BTL/Hải Quân gọi điện thoại bảo H.Lãm gửi gấp 2 Trung Đội tác chiến với 2 đơn vị hỏa lực trình điện BTL/HQ ở Bến Bạch Đẳng, H. Lãm cho biết là TĐ3TQLC không còn lính, lính tại ĐĐ/CH Công vụ thì khộng phải là lính tác chiến mà hầu hết là lính để đua xe đạp, bơi lội v.v..
Cuộc đảo chánh thất bại do chính là nhờ 2 ĐĐ của Đ/U Bẳng đã vào được Dinh Độc Lập để chống lại, ngày 12/10/60 thì Đ/U Hùng, Tr/U Nguyễn Công Minh (Emile), Tr/U Võ Kỉnh, Th/U Lê văn Toán và Th/U Thái Trần Trọng Nghĩa (Thủ khoa Khoá 14 VB ) chạy thoát sang Nam Vang bằng máy bay.
- 13/10/60 , Thiếu Tá Lê Nguyên Khang cùng BCH/HQ/TQLC về lại Trại Cửu Long thì H.Lãm trở lại Trưởng P3.
-Tháng 7/1961, Đại Úy Hoàng Lãm và Tôn Thất Soạn theo học Khoá AWS Junior Shool ở Quantico/VA, Tr/U Lê Đình Quế thay thế TP3.
-Tháng 7/1962, sau khi về nước H.Lãm thuyên chuyển về TĐ3/TQLC ở Tam Hà Thủ Đức làm Phụ tá cho Đ/U Dương Hạnh Phước TDT.
-Tháng 2/1063, H.Lãm thuyên chuyển về P/3 Bộ TTM và tháng 8/1963 thì được lệnh Biệt Phái về Phủ Đặc Uỷ TUTB và phục vụ cho đến ngày 30 Tháng 4/1975.
- Giữa năm 1960, Đ/uý Lê Nguyên Khang đang là TĐT/TĐ3 được Tổng Thống NĐ Diệm thăng Th/Tá và thay Th/Tá Lê Như Hùng làm CHT/LĐ TQLC. Đ/uý Nguyễn Kim Hương Giang (khoá 1 SQTB Thủ Đuc) vẫn là CHP kiêm TMT. Hồi ấy đầu năm 1960 VC thành lập MTGPMN và phong trào nổi dậy bùng khắp các tỉnh ở Miền Nam, đặc biệt ở Bến Tre tình hình rất nặng, TQLC được lệnh của Bộ TTM đưa hết cả LĐ gồm có TĐ1/TQLC, TĐ2/TQLC và BCH/LĐ tăng phái cho QK5 để bình định vùng Bến Tre/ Kiến Hoà. Trước khi đi thay vì để Đ/uý Nguyễn Kim Hương Giang đang là CHP kiêm TMT ở nhà, Th/tá Khang lại mang Đ/uý Giang theo ra hành quân và chỉ định Trg Úy H.Lãm XLTV BCH/ LĐ/ TQLC kiêm Q/TMT.
-Chính biến tháng 10/1960: Khoảng 2 giờ chiều ngày 10 tháng 10/1060, Đ/uý Nguyễn Kiên Hùng TĐT/TĐ3/TQLC, đóng quân cùng Trại Thị Nghè qua BCH gặp H.Lãm để lệnh cho Tr/uý Hình SQ Quân Lương (OD) của LĐ, phát tiền ăn nửa tháng sau của tháng 10, H.Lãm nói bửa nay mới 10 Tây mà, Đ/uý Hùng nói nhân ngày mai có xe của BCH liên lạc với hành quân ở Miền Tây nên cho xe của TĐ tháp tùng theo để mua lương thực cho rẻ, H.Lãm nghe cũng hợp lý, chứ thật ra theo quy định thì tiền ăn chỉ phát ngày 1 và 15 mổi tháng. (Đây là một trong những điều mà sau này Đ/Tá Đổ Mậu Giám Đốc Nha ANQĐ hạch tội H.Lãm có dính líu đến đảo chánh).
Nửa đêm ngày 10/10/60 khoảng 1 giờ sáng, nghe súng nổ càng lúc càng nhiều, H.Lãm vội vàng lái xe vào Trại Cửu Long, mới hay là Đ/uý Hùng lấy xe cơ hữu của TĐ3 chở được 2 Đại đội ra khỏi Trại và dặn Đ/uý Mã Viết Bẳng TĐP sẽ cho đoàn xe trở về chở tiếp 2 Đại đội còn lại. Trg Úy H.Lãm cho lệnh đóng cồng Trại và sau đó nhận lệnh trực tiếp của Đ/Tá Hồ Tấn Quyền TL/HQ để Đ/uý Bằng dẩn bộ 2 Đại đội qua cầu Avalanche (cầu sắt nhỏ bắt qua Rạch Thị Nghè nối Trại Cửu Long với phía sau của Hải Quân Công Xưởng) qua đường Cường Để ra Bến Bạch Đằng trình diện Đ/Tá Quyền cùng vào Dinh Độc Lập ở cửa đường Nguyễn Du chống lại phe đảo chánh.
Vào khoản 11 giờ thì Thiếu Tá Nguyễ Đức Vân TMT/BTL/Hải Quân gọi điện thoại bảo H.Lãm gửi gấp 2 Trung Đội tác chiến với 2 đơn vị hỏa lực trình điện BTL/HQ ở Bến Bạch Đẳng, H. Lãm cho biết là TĐ3TQLC không còn lính, lính tại ĐĐ/CH Công vụ thì khộng phải là lính tác chiến mà hầu hết là lính để đua xe đạp, bơi lội v.v..
Cuộc đảo chánh thất bại do chính là nhờ 2 ĐĐ của Đ/U Bẳng đã vào được Dinh Độc Lập để chống lại, ngày 12/10/60 thì Đ/U Hùng, Tr/U Nguyễn Công Minh (Emile), Tr/U Võ Kỉnh, Th/U Lê văn Toán và Th/U Thái Trần Trọng Nghĩa (Thủ khoa Khoá 14 VB ) chạy thoát sang Nam Vang bằng máy bay.
- 13/10/60 , Thiếu Tá Lê Nguyên Khang cùng BCH/HQ/TQLC về lại Trại Cửu Long thì H.Lãm trở lại Trưởng P3.
-Tháng 7/1961, Đại Úy Hoàng Lãm và Tôn Thất Soạn theo học Khoá AWS Junior Shool ở Quantico/VA, Tr/U Lê Đình Quế thay thế TP3.
-Tháng 7/1962, sau khi về nước H.Lãm thuyên chuyển về TĐ3/TQLC ở Tam Hà Thủ Đức làm Phụ tá cho Đ/U Dương Hạnh Phước TDT.
-Tháng 2/1063, H.Lãm thuyên chuyển về P/3 Bộ TTM và tháng 8/1963 thì được lệnh Biệt Phái về Phủ Đặc Uỷ TUTB và phục vụ cho đến ngày 30 Tháng 4/1975.
-30/4/75 không thoát kịp kẹt lại, tù
17 năm qua các trại từ Nam ra Bắc vào Nam:
-Long Thành
-Thủ Đức
-Nam Hà
-Hoả Lò
-Hà Tây
-Nam Hà (lần thứ 2)
-Hàm Tân ( Z 30 Đ )
-Long Thành
-Thủ Đức
-Nam Hà
-Hoả Lò
-Hà Tây
-Nam Hà (lần thứ 2)
-Hàm Tân ( Z 30 Đ )
Ra tù tháng 2/1992. Qua Mỹ tháng
3/1993 theo diện H0.14, định cư tại TP Rosemead Nam California cho
đến nay 2016.
Thật ra thì thời gian ở TQLC vào
khỏang 6,7 năm tham mưu nhưng MX. Hoàng Lãm rất yêu thích Binh
Chủng, TQLC đã để lại cho H.Lãm những ấn tượng rất sâu sắc và những
kỷ niệm với các chiến hữu Cọp Biển thì không bao giờ quên được.
TQLC. Tôn Thất
Soạn sưu tập.
Iowa City, Iowa 2-2-2016.
Iowa City, Iowa 2-2-2016.