Tuesday, June 28, 2016

CHIẾN BINH GỐC VIỆT TRONG LỊCH SỬ

Nghĩa trang dành cho binh lính Đông Dương tại Gironde, nơi những người con đất Việt yên nghỉ. Cimetière pour les soldats d'Indochine en Gironde, terre où le peuple vietnamien reposent en paix.


Giao Chỉ - San Jose

Thâm niên quân vụ 
Nếu một thanh niên gốc Việt gia nhập quân đội Mỹ vào đầu thập niên 80, ngày nay chiến binh này đã giải ngũ và có thể trải qua trên 30 năm quân vụ. Thâm niên còn hơn các đại tướng của quân lực Việt Nam cộng hoà. 
Tháng 9 năm nay 2014 hội quân nhân Mỹ gốc Việt sẽ có dịp tuyên dương người lính thâm niên nhất trong 1 dạ tiệc tại Hotel Hilton thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Người đó là chuẩn úy chuyên viên bậc 5 Phạm Kim. Trong tài liệu mà viện bảo tàng Việt Nam ghi nhận được có 2 vị đại tá cũng trên 30 quân vụ nếu tính gồm cả thời VNCH và thời kỳ phục vụ trong đơn vị đồng minh. Đại tá Trần đình Vỵ có trên 20 năm từ trung sĩ mà lên đại tá tại Việt Nam cho đến hơn 10 năm từ thiếu tá lên đại tá trong binh đoàn lê dương của Pháp. Y sĩ đại úy Nguyễn Dương của VNCH có hơn 10 năm tại Việt Nam lại thêm 20 năm trong quân đội Mỹ. Cấp bậc cuối cùng là đại tá quân y của lục quân. Cuộc đời của quý vị đã trải qua những kinh nghiệm rất lạ lùng đặc biệt. Quân đôi là một trường đời khác biệt và luôn luôn có nhiều thử thách. Họ là những người có được phần số nhưng biết nắm lấy cơ hội và đã hoàn tất trách vụ trong một thời gian rất lâu dài. Ngôn ngữ, thể chất, văn hóa, kỳ thị, cô đơn là những vấn nạn hàng ngày. Đời của quý vị là những chuyện cần đươc kể lại.

Tham dự thế chiến thứ nhất.
Nói đến các chiến binh gốc Việt trong hàng ngũ đồng minh. Chúng ta phải đi ngược dòng lịch sử tìm hiểu về chuyện 100 năm xưa khi thế chiến thứ nhất bùng nổ tại Âu Châu thàng 8-2014. Năm 1946 toàn quốc Việt Nam kháng chiến, trong tuổi thiếu niên gia đình tôi tản cư về quê mẹ làng Bình Hải, huyện Yên Mô , Ninh Bình. Tôi theo học lớp nhất. Thầy giáo toán lấy 1 cô gái xinh đẹp trong làng. Cô giáo là con 1 bà góa có chồng được kể lại là đi lính Pháp đánh giặc Đức.
Năm 1914 trong làng phải đề cử tráng đinh đi lính giúp nước Pháp. Anh tráng đinh này là 1 trong hàng ngàn binh sĩ An Nam tham dự đệ nhất thế chiến tại Âu Châu. Anh thanh niên quê Bình Hải ra đi độc thân, nhưng thực ra đã để lại 1 thôn nữ có bầu thành ra bị coi là chửa hoang. Người chiến binh đó không bao giờ trở lại. Cô giáo họ Đặng vợ thầy dậy toán vẫn nhắc nhở mãi về người cha biệt xứ. Trong làng sau này có vài người trở về trong hàng ngũ lính Liên hiệp Pháp sau khi thế chiến thứ nhất chấm dứt năm 1918. Nhưng cha cô giáo không thấy trở về.

Hình ảnh lính Việt trên chiến trường Âu Châu.
Mới đây trên mạng lưới điện toán phổ biến tràn ngập hình ảnh chiến binh Việt Nam tham dự thế chiến thứ nhất. Hãy tưởng tượng 100 năm trước, các thanh niên Việt Nam mặc quân phục nửa tây nửa ta. Chân quấn vải gọi là xà cạp, đầu đội nón chóp kiểu lính thú, cầm cây súng trường với lưỡi lê thật dài. Tất cả xuống tàu cập bến Marseille. Các chiến binh này tập trung thành các đại đội biệt lập trong binh đoàn Pháp tham dự các mặt trận từ Pháp, Bỉ, Hy Lạp và các quốc gia Âu Châu. Tất cả đều sinh hoạt bằng Việt ngữ, ăn cơm bằng đũa, hút thuốc lào. Do các thầy cai, thầy đội Việt Nam chỉ huy và liên lạc với các sĩ quan Pháp.

Hình ảnh hiếm về binh lính người Việt trong Thế chiến I
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mở màn Thế chiến I, xem lại một số hình ảnh về binh lính người Việt tham chiến trong thành phần Quân đội Pháp.
Khi Pháp thực hiện việc xâm lăng và cai trị Việt Nam (khi đó họ gọi là An Nam), để bình định thêm các thuộc địa và gây chiến với nhiều quốc gia khác, lực lượng binh lính người Việt được chiêu mộ để phục vụ cho mục đích chiến tranh này, dấu chân của họ đã in khắp các chiến trường Âu Phi.
Không thể tưởng tượng con số thanh niên Việt trong 4 năm 1914-1918 đã có đến gần 100,000 ngưởi tham dự đại chiến thế giới lần I tại Pháp.

Năm 1915, những người lính An Nam cập cảng Marseille cùng binh lính Pháp tham gia Chiến tranh thế giới thứ I (CTTG I) người Việt đầu tiên đặt chân lên đất Pháp để rồi từ đó ngang dọc Âu châu. 
En 1915, le port de Marseille, les soldats annamites et les soldats français ont participé à la Première Guerre mondiale (CTTG I) bo-anh-trai-august-18-2014-3 
 Lính An Nam 'Vietnam) tại Saint-Raphael, đây là những người lính thiện chiến nhất trong chế độ bảo hộ Pháp  

bo-anh-trai-august-18-2014-4
bo-anh-trai-august-18-2014-5
Người Pháp dùng rất nhiều lính Việt tại chiến trường Ypres

bo-anh-trai-august-18-2014-6
Năm 1914 - 1918 tại mặt trận sông Marne, binh lính An Nam trong các chiến hào

bo-anh-trai-august-18-2014-7
Năm 1916, lính An Nam tại chiến trường Hy Lạp xa xôi

bo-anh-trai-august-18-2014-8
Văn hóa Việt vẫn được những người lính mang theo tới tận trời Âu

bo-anh-trai-august-18-2014-9
Một hình ảnh rất thuần Việt : hút thuốc Lào

bo-anh-trai-august-18-2014-10
Nghĩa trang dành cho binh lính Đông Dương tại Gironde, nơi những người con đất Việt yên nghỉ.
Cimetière pour les soldats d'Indochine en Gironde, terre où le peuple vietnamien reposent en paix.
Lính An Nam thời đó đã chiến đấu dũng cảm tại mặt trận sông Marne miền bắc gần biên giới Đức. Tại đây 2 bên đồng minh và liên hiệp đã có cả trăm ngàn người thương vong. Lính viễn chinh An Nam cũng có nhiều hy sinh đáng kể. Hiện nay các tử sĩ gốc Việt được chôn cất tại các nghĩa trang dành cho lính Đông Dương tại Gironde, Gére và Udomista Albanie.
Sau chiến tranh số còn lại được về quê cũ. Một số còn tiếp tục ở lại quân ngũ đến đệ nhị thế chiến. Phần lớn ở lại đất Pháp lập gia đình và trở thành những cộng đồng Việt đầu tiên có mặt tại Âu châu. Trong thời gian từ 1914 đến 1918 tổng số chiến binh An Nam tại Âu châu là 100 ngàn người.
Hình ảnh tại nghĩa trang Gironde có mộ bia đề tên tử sĩ An Nam Đặng văn Thu, tôi không biết đây có phải là cha của vợ ông thầy dậy toán cũa tôi ở làng Bình Hải gần 70 năm trước.
Thời kỳ đó thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp tham dự đệ nhị thế chiến dường như hiếm có các sĩ quan. Giỏi lắm chỉ là ông cai, thầy đội hay lên đến quan quản tức là thượng sĩ đã là cao cấp lắm. Riêng có trường hợp đại úy phi công anh hùng của quân đội Pháp là ông Đỗ Hữu Vỵ con trai của tổng đốc Nam Kỳ Đỗ hữu Phương.
Đại úy Đỗ hửu Vỵ rớt máy bay bị thương nên chuyển qua chỉ huy đơn vị lê dương và hy sinh tại mặt trận biên giới Đức.
Ngày nay, người Việt tại Pháp không biết bao nhiêu người còn nhớ đến những người lính An Nam chiến đấu bên cạnh phe đồng minh trong thế chiến. Dường như chỉ còn 1 số rất ít quan tân đến đặt vòng hoa tưởng niệm hàng năm. Công việc làm bia tưởng niệm và đặt hoa hàng năm vẫn chỉ còn trông cậy vào 2 vị chiến binh cao niên làbác sĩ Hoàng cơ Lân và đại tá Trần đình Vỵ.
Lính Mỹ hy sinh tại Âu châu cả đệ nhất và đệ nhị thế chiến với cả trăm ngàn quân. Hàng năm vẫn có các du khách Mỹ ghé đến tưởng niệm tại các nghĩa trang trên đất Pháp.
Còn về phần người Việt, ngay cả trong sử của người xưa cũng không ghi nhận, nói chi đến việc ghé thăm.

Trong quân đội Mỹ
Trăm năm trước, năm1914 là chuyện của thế chiến thứ nhất, bây giờ 100 năm sau 2014, chúng ta có các tin tức và hoàn cảnh mới.
Ngày thứ bẩy 27-9-2014 tại thủ đô Hoa Kỳ với lá rụng mùa thu, hội quân nhân Mỹ gốc Việt VAAFA sẽ tổ chức đại hội lần thứ 4. Từ San Jose, nhân danh Việt Museum chúng tôi sẽ có 1 phái đoàn lên thủ đô tham dự. Ngoài việc hiện diện trong đêm dạ tiệc của VAAFA, chúng tôi sẽ phối hợp đi thăm viếng và đặt vòng hoa tại các nơi sau đây.
Đài kỷ niệm đệ nhất thế chiến, nơi ghi dấu các chiến binh Hoa Kỳ, đồng minh trong đó có cả chục ngàn lính Việt Nam hy sinh từ 100 năm qua.
Kế tiếp là bức tường tưởng niệm 58 ngàn lính Mỹ hy sinh tại Việt Nam. Vào đến nghĩa trang Arlington phái đoàn sẽ ghé lại khu tử sĩ miền Nam có mặt trong nghĩa trang quốc gia của liên bang mà lúc đầu chỉ dành cho miền Bắc.
Nhưng quan trọng hơn hết là phái đoàn sẽ đến thăm khu có phần mộ của 10 chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt, cơ quan chung sự Hoa Kỳ đã đem di hài lính Việt Nam chung với tử sĩ Hoa Kỳ về thủ đô. Sau cùng các chiến binh VNCH đã nằm riêng ở 1 khu chiến sĩ đồng minh của Mỹ. Các chiến binh VNCH nằm ở đây đã nửa thế kỷ. Những bông hoa muộn gửi đến những người tử sĩ sẽ nhắc nhở đồng bào ta ở thủ đô lưu tâm đến mỗi kỳ lễ chiến sĩ trận vong.
Trong các năm qua, 5.000 chiến binh Mỹ gốc Việt chiến đấu trên chiến trường Trung đông đã có 12 người hy sinh. Các tử sĩ khác chôn cất gần nơi gia đình cư ngụ tại các tiểu bang. Riêng có 1 chiến binh chôn tại Arlington.
Vào chiều ngày chủ nhật 28 tháng 9-2014 tại hội trường khu Eden của hội người Việt cao niên, chúng tôi sẽ có buổi nói chuyện về Việt Museum đã hoàn tất tại San Jose. Câu chuyện 100 năm người Việt mặc quân phục chiến đấu trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Cuộc chiến đấu tại Việt Nam trong 21 năm từ 54 đến 75. và chuyên 5000 quân nhân gốc Việt hiện diện trong quân đội Hoa Kỳ. Trong mọi hoàn cảnh và ở bất cứ phương trời nào người Việt vẫn chứng tỏ nỗ lực làm tròn nhiệm vụ.Thể hiện đặc tính truyền thống của dân tộc.Tại Pháp 100 năm trước có đại úy phi công Đỗ hữu Vỵ những năm sau cùng chiến đấu chống Đức trong binh đoàn Lê Dương. 80 năm sau có đại tá Trần đình Vỵ cũng chỉ huy lính lê dương tại Pháp. Ngày nay chúng ta có chuẩn tướng Lương xuân Việt chỉ huy đơn vị khinh kỵ Hoa Kỳ. Dù ở phương trời Âu 100 năm trước hay ở đất Mỹ 100 năm sau thì người lính gốc Việt cũng vẫn một lòng quyết tâm đề cao dòng giống Lạc Hồng. Đoạn văn sau cùng tướng Lương Xuân Việt đã đọc bằng Việt ngữ trong bài diễn văn nhận cấp bậc tại Texas.
Thưa quý vị lãnh đạo cộng đồng và các anh em quân lực Việt nam Cộng hòa. Sự hiện diện của quý khách là một vinh dự cho gia đình chúng tôi. Tôi biết có nhiều người phải lận đận đường xa đến tham dự. Nhìn những bộ quân phục lòng tôi thật bùi ngùi, xót xa. Những người đã làm con tim tôi rung động về 3 chữ Danh dự, Trách nhiệm, Tổ quốc. Và ý nghĩa của lời dặn dò của cha ông để lại như: Nam quốc sơn hà, Nam đế cư... Di đại nghĩa, thắng hung tàn. Di chí nhân, dịch cường bạo. (Đem đại nghĩa, thắng hung tàn. Lấy chí nhân, thay cường bạo) Chính thân phụ tôi, là đồng đội của các anh, nên lúc nào nửa trái tim tôi cũng hướng về đất mẹ dù đã hơn 30 năm xa cách. Không có sự hy sinh xương máu của các anh thì chúng tôi chắc chắn cũng không có ngày hôm nay. Tổ quốc mãi mãi ghi ơn. Vậy tôi xin các anh nhận cái chào của tôi...
 
Trong lịch sử thăng cấp tướng, đây là lần đầu tiên 2 phút Việt ngữ đã được xử dụng. Ông nói cho chúng ta, cho người chiến binh VNCH và cho thân phụ của ông không còn nữa:
Tại quê hương Việt Nam và trên thế giới, biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ Việt Nam đã qua đi từ cả trăm năm. Nếu phải nói với tiền nhân bằng Việt ngữ, bạn sẽ tìm đến đâu và sẽ nói điều gì . . .

Câu chuyện của người tù “Cải tạo” về từ Yên Bái

Tôi còn nhớ là những Sĩ quan cấp bậc Trung tá phải trình diện tại Trường học Don Bosco, Gò Vấp trong ba ngày từ 14, 15 và 16 của tháng 6 năm 1975. Tôi trình diện ngày giữa để không sớm mà cũng không trễ.

Chúng tôi ngoan ngoãn như những con cừu non mang theo đủ số thuốc men, đồ đạc và tiền để học tập ba tháng rồi sẽ trở về với gia đình (Theo thông cáo). Vợ tôi đã khuyên tôi trốn về quê hoặc nơi nào khác một thời gian rồi sẽ tính sau. Nhưng vì sự đi đứng của tôi khó khăn (Chống gậy) và hơn nữa với 21 năm trong Quân đội và Hành chánh nên được nhiều người biết sẽ dễ bị lộ tông tích. Tôi cũng sợ liên lụy đến vợ con nếu tôi không ra trình diện.

Trong thời gian chờ thanh lọc, bọn CS nhốt chúng tôi tại trại Long Giao, căn cứ của Trung Ðoàn 48 thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Nơi đây tôi có gặp gỡ nhiều chiến hữu cùng cấp bực và nhiều vị Chỉ huy cũ của tôi như các cựu Ðại Tá Tôn Thất Soạn, Nguyễn Thế Lương, Nguyễn Năng Bảo, NT Nguyễn Thành Trí, cựu Tư lệnh phó Sư đoàn, sau khi tôi đã rời Binh chủng.

Tôi vẫn còn nhớ một hình ảnh khó quên về cựu Ðại Tá Tôn Thất Soạn, một chiến đoàn trưởng TQLC đã lập nhiều chiến công hiển hách trong thời gian ông chỉ huy các Tiểu đoàn TQLC hành quân trên 4 miền Chiến thuật. Sau cùng ông là Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa khi tôi làm Quận trưởng Ðức Hòa. Ông cũng được mọi thành phần Quân Cán Chính mến thương như lúc ông còn là Chiến đoàn trưởng vì tính hiền hậu và nhã nhặn của ông ấy. Tôi không bao giờ quên và tội nghiệp cho một anh hùng lỡ vận. Mới vài tháng trước đây ông là một vị Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa uy quyền, hôm nay thấy ông vác củi rừng và mặc bộ đồ Kaki vàng lượm được đâu đó đã rách tả tơi. Tôi rất xúc động và căm hờn. Tôi nghĩ rằng tinh thần của Ðại Tá Soạn cũng như tôi lúc bấy giờ còn tả tơi hơn bộ đồ Kaki rách rã rời này nữa. Ôi! một thời oanh liệt nay đã tiêu tùng theo vận nước!

Trước khi chở ra Bắc, bọn CS đưa tất cả Sĩ quan từ cấp Tướng đến cấp Tá về trại tù Suối Máu mà trước kia Chính quyền miền Nam giam tù phiến Cộng. Nơi đây trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, bọn chúng có giường ngủ, chăn màn đầy đủ.

Chúng được ăn uống theo tiêu chuẩn Quốc tế cho nên tên tù Việt Cộng nào cũng mập béo. Các phái đoàn Mỹ và ngoại quốc đến thăm viếng thường xuyên. Trại được xây cất nơi thờ phượng cho các Tôn giáo. Khi chúng tôi vào trại Suối Máu thì những căn trại trống không, phải nằm đất và cơm ngày hai bữa với canh rau nấu muối hột, thỉnh thoảng có chú cá loại rẻ tiền hôi tanh khó ngửi.

Có một lần bọn CS cho chúng tôi ăn hủ tiếu đã lâu ngày bị mốc meo nên hầu hết anh em tù đều bị kiết lỵ, một số người bị chết vì không có thuốc trị. Vấn đề vệ sinh rất là bẩn thỉu, tồi tệ. Nhưng chẳng thấy phái đoàn nào đến thăm chúng tôi. Tôi còn nhớ là vài tháng trước ngày 30 tháng 4, 1975, phái đoàn của Ni sư Huỳnh Liên, v.v… đã gây khó dễ với Chính quyền Tổng Thống Thiệu là phải được vào thăm bọn Việt Công bị giam tại Suối Máu. Khi chúng tôi vào trại này, các nơi thờ phượng đều bị bọn man rợ đập phá, các tượng Phật, tượng Chúa đều gẫy nát, không khác nào bị bọn ma quỷ phá nhà chay.

Mỗi buổi sáng chúng tôi cố phóng tầm mắt xa ra ngoài lộ xem có thấy bóng dáng vợ con mình lai vãng hay không cho thỏa lòng nhung nhớ! Vì CS đâu cho thăm nuôi.

Tại Suối Máu tôi rất mừng gặp lại một đồng nghiệp sau cùng ở tỉnh Hậu Nghĩa là cựu Trung Tá Bùi Văn Ngô, một vị Quận trưởng lâu năm ở đây. Tôi đã được thuyên chuyển từ Dĩ An về Hậu Nghĩa hơn một năm rồi lại được trở về Dĩ An một tháng cuối cùng. Nhưng tôi cũng biết ông là một Quận trưởng có khả năng, luôn nghĩ đến Binh sĩ và hiền hòa dễ mến. Tôi xin hết lòng cám ơn ông Ngô đã tận tình giúp bạn bè lúc khổ nhọc vì mỗi chiều sau giờ cơm ông hay rủ tôi cùng đi tắm để ông xách nước giếng giùm tôi vì bàn tay mặt của tôi đã bị tàn phế do thương tích. Ông Ngô và gia đình đi diện HO, các con nay đã thành gia thất và thành công trên xứ người. Vợ chồng chúng tôi xin chúc mừng hai ông bà và các cháu.

Tôi cũng không quên ơn Mũ Xanh Trung Tá Lê Văn Khánh ở tù chung trại 1 Yên Bái đã nhiều lần xách hộ tôi chiếc Valise đựng quần áo mỗi khi chuyển trại. Ông luôn giúp đỡ tôi vì chân tôi đi khập khểnh khó khăn. Nếu không có ông Khánh trợ giúp thì tôi có thể té nhào xuống sông bến Tân Cảng vì phải đi qua chiếc cầu rất nhỏ từ bến xuống tàu Sông Hương chở ra Bắc. Tôi còn nhớ có một người trong chuyến tàu này mang túi đồ nặng trĩu trên vai đã lọt xuống sông bị chìm mất dạng mà bọn bộ đội CS vẫn đứng trơ mắt nhìn không tiếp cứu.

Nơi xứ này mỗi khi anh em có dịp gặp nhau là kể cho nhau nghe về đơn vị cũ, chiến trường xưa và cũng không bỏ qua chuyện tù Cộng Sản vô cùng nhục nhã khó quên.

Ðoạn đường xuôi Nam

Sau một năm bị giam cầm trong Nam và hai năm ở miền Bắc, bọn CS thả những người tù già yếu và bệnh tật trong đó có tôi mà bọn chúng thấy không còn lao động được nữa và bọn chúng nghĩ rằng có thả về nhà chúng tôi cũng sẽ chết thôi.

Trước khi được thả về, bọn bộ đội CS ban Chỉ huy trại tù Yên Bái trả lại quần áo mà chúng tôi mang theo lúc trình diện để học tập “ba tháng” theo thông cáo. Tôi lấy bộ đồ mà tôi đã mặc đi trình diện ở Gò Vấp mặc thử xem ra sao. Khi vừa mặc chiếc quần tây vào thì cái quần bị tuột xuống tới chân làm cho tôi sững sờ vì không ngờ tôi ốm tới thế này, và mấy anh bạn tù cùng lán cười rộ lên khi nhìn thấy cái thân người khỏa thân của tôi nó teo nhách từ trên xuống dưới! Trong mấy năm tù có nhìn thân mình trong kiếng soi bao giờ mà biết được cái độ gầy ốm của thân người mình ra sao? mặt mày của mình như thế nào? Mấy năm đầu bọn Cộng Sản không cho gia đình thăm nuôi và tiếp tế lương thực nên anh em tù bị đói tả tơi, có người không chịu nổi cái đói đến kiệt sức mà chết!

Những người mập mạp lại càng tiều tụy hơn chúng tôi nhiều và càng dễ chết do thiếu dinh dưỡng. Hôm ngày tập trung về Ðoàn để chuẩn bị trở về Nam, một cựu Ðại Úy LLÐB đến chào hỏi tôi mà tôi không thể nhìn ra ông ấy là ai. Ông ấy bèn nói rằng: Anh Năm (Colonel) không nhận ra em sao? Em là Ðại Úy M… mập đây. Lúc bấy giờ tôi mới nhớ ra ông, vì ngày xưa ông rất mập và bụng to đến đổi khi ông ngồi lái xe Jeep là cái bụng bệ vệ và nặng nề của ông đụng tới cái Volant xe.

Ông ta bèn giở áo lên cho tôi xem cái bụng của ông có nhiều miếng da xếp lại không khác nào cây đàn Accordéon. Gương mặt tròn trịa của ông năm xưa nay bị hóp lại trông thật não nề!

Mọi người tù đều ốm yếu như nhau nên tôi cũng không nhận định được thân người của tôi nó gầy ròm như thế nào? Khi đến đón tôi được thả về tại cổng thành Ông Năm, Gò Vấp, vợ tôi chỉ nhìn ra tôi nhờ tôi chống gậy đi khập khễnh từ sau ngày tôi bị thương tại vùng giới tuyến vào cuối năm 1966, lúc tôi còn là Tiểu đoàn phó TÐ 3 Thủy Quân Lục Chiến.

Toán đầu được thả ra là những Sĩ quan thuộc ngành chuyên môn như Hành chánh hay Kỹ thuật. Trong toán này có một anh Thiếu tá ngành Quân Nhu, khi vùa tới cổng trại anh nhìn thấy bà vợ đang ngơ ngác nhìn tám người tù đi ra mà không nhận dạng được chồng bà. Anh ấy bèn lên tiếng: Em! anh là T… đây. Bà vợ nhìn chồng quá tiều tụy và xúc động đến ngã quỵ.

Anh Thiếu Tá cũng khóc sụt sùi nức nở nên bị giữ lại cho trở vào trại để lên lớp cùng với chúng tôi đang mong chờ đợi phiên về kế tiếp.

Tên quản giáo nói rằng: “Đảng và nhà nước với chánh sách khoan hồng đã nuôi các anh ăn học rất chu đáo để trở thành công dân tốt, chứ nhà nước đâu có hành hạ mấy anh đâu mà tại sao các anh lại tủi thân mà khóc với vợ con?”. Tôi bực mình và nói thầm: “Chúng tao đâu có chém trâu đốt nhà như loài Cộng sản chúng mầy mà được bọn bây giáo dục để trở thành công dân tốt?” Nghe mấy câu nói nhàm tai này tôi càng tức sôi gan và tôi nghĩ rằng chắc quý vị cũng rất bực mình nghe tôi kể lại câu chuyện này.

Bọn Cộng sản thả những người trong nhóm chúng tôi làm năm đợt, mỗi đợt tám người và cách nhau mỗi đợt một tuần lễ.

Cứ sáng ngày Thứ Năm trong tuần là anh em tù hồi họp chờ đợi tên cán ngố đến gọi tên mình và dẫn ra cổng trại. Sống với bọn này lúc nào cũng hoang mang và đầu óc luôn luôn bị căn thẳng!

Một cựu Trung Tá Phòng Nhì, lúc bấy giờ đã bảy mươi hai tuổi còn bị giữ lại với tôi sau khi toán cuối cùng đã được về hai tuần qua rồi. Ðiều này làm cho ông và tôi rất đắn đo vì tên thủ trưởng trại chẳng cho biết lý do tại sao? mà chúng tôi cũng chẳng dám hỏi. Ông ấy tự suy đoán và nói với tôi rằng: Có lẽ tôi là Nhân viên phòng Nhì còn cậu làm Quận trưởng lâu năm, chắc chúng mình thuộc thành phần “ác ôn” (Đây là danh từ của bọn Cộng sản gán ghép cho những người của chế độ miền Nam). Thật là nhức đầu với lối khủng bố tinh thần của lũ Cộng sản.

Về đến nhà tôi nhìn vào kiếng thấy người tôi chỉ còn da bọc xương, hai xương vai nhô ra, đưa bộ ngực Oméga sâu hõm, mặt mày xanh xao như tàu là chuối trông giống như người mắc bịnh Aids Disease mà bên Việt Nam gọi là bịnh Sida. Ðứa con trai út của tôi tám tuổi hỏi mẹ nó sao ba bây giờ không giống ba mấy năm trước vậy? Tôi buồn muốn rơi nước mắt vì tủi thân và nghĩ rằng không biết tôi có thể khỏe mạnh lại như xưa không? Khi đi trình diện tôi cân nặng 65 ký, bây giờ chỉ còn 40 ký. Tôi không biết rằng có được hồi phục sức khỏe để nuôi bản thân tôi và lo cho gia đình nổi không? Vì biết rằng tôi phải lao động cày cuốc theo chánh sách của bọn chúng (CS) khi được thả về với gia đình.

Lần này chúng tôi được chở về Nam bằng xe lửa từ Yên Bái đến Vinh, rồi từ Vinh đi bằng xe đò trong Nam ra đón chở thẳng về thành ông Năm, quận Hóc Môn. Tôi cũng xin nói rõ thêm là trên đoạn đường về Nam anh em chúng tôi được chuyên chở trong điều kiện thoải mái, không phải như lần ra Bắc bọn Cộng Sản nhốt chúng tôi dưới hầm tàu Sông Hương rất khổ sở từ bến Tân cảng Saigon ra Vinh rồi từ Vinh ra Yên Bái lại tiếp tục bị nhốt trong những toa sắt chở hàng hóa như súc vật.

Trên đoạn đường từ phía Nam cầu Hiền Lương ngay vĩ tuyến 17, về tới Saigon, tôi được nhìn thấy lại những phong cảnh và địa danh mà đơn vị TQLC chúng tôi đã hành quân qua trong những năm chinh chiến và không khỏi ngậm ngùi khi thấy và nhớ lại những mặt trận chạy dài theo Quốc lộ số 1 mà anh em Chiến sĩ cùng tôi đã một thời tung hoành, oanh liệt và đã cùng sống chết bên nhau trong các trận đánh đẫm máu với quân Cộng Sản Bắc Việt. Lúc bấy giờ tôi thật xúc động và buồn lắm! Còn một điều nữa làm cho tôi rất buồn và luyến tiếc là quê hương mình rất đẹp mà để quân Cộng sản vào gây chiến tranh tàn khốc và gây biết bao cảnh đổ nát điêu tàn, biết bao gia đình phải điêu linh!

Ðến thành phố Huế, hai “bộ đội” cho chúng tôi xuống xe để ăn trưa. Ðồng bào hay tin tù cảo tạo được về Nam từ các trại tù miền Bắc đã đổ xô tới bao vây chúng tôi. Các bà cụ già và các phụ nữ nhìn thấy chúng tôi mặt mày xanh xao hốc hác, bơ phờ và ốm gầy nên động lòng khóc nức nở. Chúng tôi bị cấm không cho tiếp xúc với đồng bào, nhưng khi nhìn qua ánh mắt của mấy bà tôi hiểu là các bà rất thương cảm chúng tôi và họ hình dung bóng dáng chồng con hay anh em của họ cũng tiêu điều như chúng tôi vậy, nên họ mủi lòng không cầm được nước mắt. Có một bà cụ chửi khe khẽ rằng: “Ðồ quân khốn nạn! Chúng bay đày đọa mấy người cải tạo ra nông nỗi này!” Một điều làm cho tôi luyến tiếc là phố Huế ngày xưa thanh bình thơ mộng, nay sao tôi thấy tiêu điều buồn tênh! Có lẽ phố Huế cũng buồn theo vận nước?

Anh em chúng tôi chia ra từng toán vào các quán ăn cạnh nhau trên một đường phố. Các người chủ quán đều không tính tiền và còn cho uống Beer và nước ngọt thật ngon lành vì mấy năm nay đâu được có những thứ này.

Ngồi trên xe đò đi tiếp về Saigon, chúng tôi nghe các anh lơ và tài xế chửi xỏ chửi móc chế độ Cộng sản thậm tệ bất cần hai “bộ đội” đi theo chúng tôi. Nhưng lúc ấy tinh thần chúng tôi bị sa sút sau mấy năm trong tù luôn bị đe dọa, bị khủng bố và hoang mang thành ra nhút nhát nên nghe họ chửi rủa anh em chúng tôi cũng ngại lắm. Một anh bạn tù cắt ngang những lời trách oán của anh lơ xe và hỏi anh lơ rằng: “Lúc này nước nhà được giải phóng và được thống nhất chắc là đồng bào mình có cuộc sống ấm no lắm phải không?” Tôi nghĩ là anh bạn tù này muốn hỏi để cho anh lơ ấy không chửi nữa vì sợ ảnh hưởng không tốt cho anh ta, chứ chúng tôi cũng biết dân miền Bắc khổ và đói rách lắm dưới sự cai trị của bọn bạo tàn cộng sản đã mấy mươi năm qua, làm gì mà dân Nam có được sung sướng? Nhưng anh lơ lại nói thêm: “Giải phóng cái con mẹ gì, giải phóng là phỏng… đó mấy ông ơi! Dân khổ chết cha đi mấy ông, muốn mua gạo ăn phải trình hộ khẩu và đăng ký, mua thứ gì cũng không có để mà xài, vật giá leo thang và đồng tiền rẻ mạt vì bị mất giá.”

Xe đò chở chúng tôi đi qua Thành phố Sài Gòn đến Gò Vấp rồi từ từ vào thành Ông Năm là trại giam Sĩ quan cấp Úy. Tôi rất ngậm ngùi khi thấy quang cảnh điêu tàn và buồn tẻ, các cửa hàng khang trang của Sài Gòn năm xưa đều đóng. Thủ đô Sài Gòn ngày nay không phải như trước năm 1975 mà lúc xưa được gọi là hòn ngọc Viễn Ðông.

Lòng mãi u buồn nhớ Sài Gòn.
Tên ấy không còn với nước non.
Sài Gòn mất tên trong sử sách.
Giặc Cộng vào bôi dấu bia son.
Sài Gòn trải qua cơn hỗn loạn.
Tự do, hạnh phúc cũng chẳng còn.
Hòn ngọc Viễn Ðông nay tan biến.
Lòng mãi u buồn tiếc Sài Gòn.
 
MC

Khi chúng tôi vừa mới tới thành Ông Năm, tên “thủ trưởng” trại chịu trách nhiệm toán chúng tôi nói rằng: “Các anh học tập tốt được Cách mạng cho về đây ăn học tiếp.” Tôi nói thầm: Tốt chỗ nào? Lao động khổ sai đói rét muốn bỏ mạng mà gọi là học tập, bọn chúng mầy lúc nào cũng nói láo. Ðầu óc chúng tôi rất hoang mang không biết còn phải ở tù thêm bao lâu nữa? Hay lại chuyện gì sẽ xảy ra đây? trong khi tên trưởng trại tù Yên Bái đã nói rằng chúng tôi được về sớm vì lý do già yếu, bịnh nặng gần chết và tàn phế, v.v… Thật là chánh sách của Đảng dạy bọn chúng mầy là nói láo, nói láo từ trên xuống dưới và nói láo từ nơi này đến nơi khác.

Trước khi chúng tôi được về có anh Trung Tá H… tùy viên quân sự của Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại nước ngoài và một số tù cải tạo ở chung trại số 1 Yên Bái với tôi được chúng bảo chuẩn bị hành trang để được thả về. Nhưng một thời gian sau đó anh em đi vào rừng gặp lại anh H…đang lao động với anh em của trại khác. Một anh tù đã hỏi rằng: Sao anh H…còn ở đây? Chưa về với gia đình sao? Anh H…khe khẽ chửi thề: “Ðồ bọn nói láo, mấy anh đừng có tin chúng nó.”

Nhớ lại câu chuyện này tôi càng hoang mang lắm mặc dù đã về trong Nam rồi, nhưng tôi nghĩ rằng dù sao đi nữa về đây ở tù thêm cũng được gần gia đình và khí hậu ấm áp hơn.

Nỗi lo âu và tinh thần bị khủng hoảng khi về với gia đình.

Về nhà mừng vui được sum hợp gia đình nhưng không khí rất là ngộp thở vì những tên Công an Khu vực tới nhà xét bất cứ lúc nào. Lúc bấy giờ những tù cải tạo khi được thả về gia đình phải trình diện mỗi tuần hoặc hai tuần hoặc mỗi tháng một lần tùy ý của bọn công an địa phương. Vợ tôi phải đi báo cáo ngay cho công an khu vực khi vừa về tới nhà. Ngày hôm sau tôi phải trình diện đồn quân trấn Thủ Ðức và sau đó mỗi tuần một lần. Tôi nghe nói tên công an trưởng đồn quân trấn lúc trước là anh thợ vá vỏ xe đạp tại chợ Thủ Ðức. Tôi không bao giờ có ý chê bai hay khi dễ những người ít học. Tôi rất thông cảm hoàn cảnh sống nghèo khổ của mỗi người. Nhưng tôi rất bực mình thái độ đã vô học lại còn vô giáo dục với bản chất hèn hạ và nhỏ mọn của quân Cộng sản như lũ chém trâu đốt nhà và ăn hại đồng bào.

Mỗi lần tôi trình diện, tên này luôn luôn có cái bản mặt mày hằn học với tôi lắm, vì theo giấy ra trại hắn biết tôi trước năm 1975 là Quận trưởng Dĩ An, Biên Hòa và quận Ðức Hòa, Hậu Nghĩa. Còn tên Công an Khu vực cứ mỗi ngày đến kiểm soát tôi và hắn ta nói rằng: “Tôi tới thăm anh Châu khỏe không? và tiến bộ ra sao sau khi Cách mạng nuôi ăn học một thời gian”.

Tôi tức căm hờn với những câu nói này vì bị bọn Cộng sản chúng nó đày đọa gần chết mà nói ăn học cái gì? Chúng tôi đã nhiều lần nghe những lời nói y rập một khuôn của bè lũ này từ lúc vào Long Giao đến trại Suối Máu rồi ra Yên Bái. Tên Công an Khu vực thường đến nhà đúng lúc vợ tôi đi chợ về là hắn lục lạo vào giỏ đi chợ xem vợ tôi đã mua thứ gì để theo dõi hằng ngày mình ăn món gì, nhưng hắn nói trớ là xem vợ tôi “có mua đủ thức ăn cho tôi bồi dưỡng không”, theo ngôn ngữ của bọn Cộng sản.

Trong thời gian tôi làm việc tại quận Dĩ An, anh em Chiến sĩ Địa phương chúng tôi đã không ngại gian khổ hành quân ngày đêm nên tiêu diệt gần hết thành phần hạ từng cơ sở trong Quận. Vài tên còn lại phải bỏ vùng hoạt động và ẩn náu giũa hai liên ranh Dĩ An và Tân Uyên. Cho nên sau hai tháng được miền Bắc thả về, bọn Việt Cộng địa phương đến bắt tôi lại để trả thù, nhưng chúng nói là tôi được Công an tỉnh Sông Bé và Biên Hòa mời tôi lên đó làm việc với chúng trong 10 ngày. Chúng nó cho tôi mười phút chuẩn bị đồ đạc và thuốc men đủ dùng trong hai tuần lễ.

Nhìn mặt chúng lộ vẻ đằng đằng sát khí nên tôi nghĩ chúng sẽ giết tôi để trả thù hay sẽ làm nhục tôi trước dân chúng tại quận Dĩ An nơi tôi làm việc trước kia, cũng như chúng đã bắt vài Sĩ quan trong Bộ Chỉ Huy chi khu của tôi đi quét đường và làm vệ sinh quanh khu phố. Tôi quyết định dùng thuốc tự sát thà chết tại nhà với vợ con hơn là bị bọn chúng làm nhục trước công chúng. Tôi đoán chắc rằng bọn nó sẽ giết tôi và vùi xác nơi nào đó mà vợ con không hề biết được. Tôi bèn mở tủ thuốc lấy một ống Optalidon mang vào phòng tắm vì không muốn cho hai con gái lớn của tôi thấy và uống gần hết ống thuốc. Sau đó vài phút tôi bắt đầu xây xẩm mặt mày và biết chắc chắn rằng tôi sẽ chết. Không còn sợ chi nữa và rất bực tức, tôi trở ra phòng trước chửi bọn chúng dữ dội và nói rằng chánh sách của bọn chúng bây là nói láo, đừng hòng mà bắt tao lại để trả thù. Ngay lúc đó vợ tôi đi vắng nhà vừa về và tôi chỉ còn nói được ú ớ vài tiếng rồi ngã vào vòng tay của vợ tôi và ngất lịm luôn.

Sau khi tỉnh lại, được vợ tôi thuật rằng chúng muốn chở tôi đến Bệnh viện Sông Bé để bọn chúng lo. Vợ tôi đoán rằng bọn Cộng sản sẽ giết tôi nên nhứt quyết không cho chúng chở đi. Trước sự giằng co dữ dội của vợ con tôi cùng sự chứng kiến của người cùng xóm, bọn Việt Cộng đành để vợ con tôi đem tôi ra xe chở vào Bệnh viện Nguyễn Văn Học và đuổi theo chúng tôi sau đó. Tôi đã may mắn được người cháu là Bác Sĩ Nguyễn Xuân Tùng đang là BS trực tận tình cứu tôi trong khi đó tên “BS” Cộng sản Trưởng khu cấp cứu nói rằng: Anh này đã chết rồi, anh Tùng không cần chạy chữa nữa. Tên “BS” Việt Cộng ra lịnh cho y tá rút ống dưỡng khí ra, nhưng vợ tôi và BS Tùng mạnh dạn kháng cự lại. Thật rõ ràng là bọn chúng muốn giết tôi chết. Tên này và bè lũ quả thật dã man, tàn ác. Trong thời gian này vợ tôi vất vả vô cùng vì sợ chúng giết tôi nên mỗi đêm phải nằm túc trực tại hành lang phòng hồi sinh để theo dõi và canh chừng tôi.

Sau ba ngày đêm nằm nơi phòng hồi sinh tôi tỉnh lại và tìm mọi lý do nằm thêm môt hai tuần nữa vì còn yếu sức để nghĩ ra mưu kế trốn thoát khỏi Bệnh viện vì vợ chồng chúng tôi được bà BS M…và cô Y tá A…, bạn học cũ Gia Long với vợ tôi, đã mật báo cho vợ tôi biết là mỗi buổi sáng khi bàn giao phiên trực, tên “BS thủ trưởng” đều lưu ý tất cả Nhân viên là hãy coi chừng và theo dõi một tên Trung Tá ngụy đang nằm chữa bệnh. Tôi đã biết là chúng nó sẽ bắt tôi tại bệnh viện. Lúc bấy giờ tôi cũng được hay tin có một số Sĩ quan về cùng lúc với tôi cũng bị bọn CS bắt lại, không biết số phận của các ông ấy đã ra sao?

Những phút giây hồi hộp.

Vào một buổi sáng bà BS M… mật báo cho vợ tôi biết là tên “thủ trưởng sẽ ra lịnh cho tôi xuất viện lúc 4 giờ chiều ngày mai”. Vợ chồng chúng tôi hiểu ngay là bọn chúng sắp đặt âm mưu để bắt tôi lại khi tôi ra khỏi cửa nhà thương. Vợ chồng chúng tôi quyết định phải trốn khỏi bịnh viện vào lúc sáng sớm ngày hôm sau.

Thấy tình hình nguy kịch, chị cả của tôi là một Soeur của nhà dòng Vinh Sơn và cũng là Y tá trưởng của Khoa Nhi Ðồng đang làm việc tại đây đã cùng vợ tôi đến gặp vị Linh mục của nhà thờ nằm ngay phía sau của Bệnh viện Nguyễn Văn Học để cầu cứu. Chị tôi kể sự việc của tôi đã xảy ra cho Linh mục nghe và nói rằng: “Bọn Việt cộng sẽ bắt em tôi lại tại Bệnh viện này vào chiều ngày mai, vậy nhờ Cha cho chúng con dẫn em con đi qua cửa sau để tẩu thoát, nếu không sẽ nguy cho tánh mạng của em con lắm.”

Linh mục được biết hoàn cảnh nguy hiểm của tôi liền chấp nhận và nói rằng: Sáng mai từ lúc 5 giờ Cha sẽ chờ và sẵn sàng mở cửa sau khi các con tới. Chị tôi nay đã trên tám mươi và đã về hưu, còn vị Linh mục đã cứu giúp tôi không rõ còn sống hay không?

Lúc bấy giờ tôi còn quá yếu, mặc dù bà chị và vợ tôi dìu hai bên giúp tôi đi cho nhanh, nhưng tôi lê lết từ bước chân đi âm thầm, chậm rãi và thật hồi họp dưới ánh đèn lờ mờ vào khoảng gần 5 giờ sáng, lúc bệnh nhân còn ngủ nên không ai hay biết. Vừa đến cửa sau thì linh mục nhanh tay mở cửa ngay cho chúng tôi đi qua. Sau khi chúng tôi vào phòng khách của nhà dòng vợ tôi lập tức gọi xe Taxi chở thẳng về nhà ông bà ngoại của mấy cháu tại Chợ Lớn.

Thế là một lần nữa tôi được thoát khỏi gông cùm Cộng sản trong gang tấc. Tôi không quên ơn cháu BS Tùng hiện đang hành nghề tại thành phố Winnibeg, Canada, đã cứu sống tôi. Cám ơn bà BS M… và bà Y tá A… đã mật báo cho vợ chồng tôi biết trước những âm mưu của Cộng sản trong lúc tôi đang nằm điều trị. Những ơn nghĩa lớn lao này chúng tôi còn mang mãi trong lòng đến trọn đời.

Vừa về tới nhà cha mẹ vợ ở đường Trần Hoàng Quân thì cháu gái lớn của chúng tôi xuống nhà báo cho biết là bọn Công an đồn Quân trấn Thủ Ðức đến bao vây và xét nhà để tìm tôi. Bọn chúng hỏi cháu rằng tôi đã ra khỏi bệnh viện rồi, bây giờ ở đâu? Cháu đã được vợ tôi căn dặn trước là tôi sẽ trốn ra khỏi nhà thương nên cháu trả lời là không hay biết gì, vì hai tuần nay phải ở nhà trông nom các em nhỏ. Tên công an trưởng ra lịnh cho con tôi là sáng ngày hôm sau phải ra trình diện đồn Quân trấn Thủ Ðức.

Chúng tôi dư biết rằng bọn man rợ sẽ bắt giam con gái tôi để điều tra nên chúng tôi bảo sáu đứa nhỏ phải lén trốn khỏi nhà ở Thủ Ðức mà về ẩn náu tạm nơi nhà bà chị tôi ở Gia Ðịnh. Con gái lớn chúng tôi lúc đó mới được mười bốn tuổi cùng một cháu gái con của cựu Trung Tá Tiểng, Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột, ở Cư xá Kiết Thiết giúp đỡ phải dẫn dắt năm em nhỏ âm thầm chạy trốn trong lúc trời còn mờ sương chưa sáng.

Sau đó vợ tôi đưa mấy cháu về Chợ Lớn sống nhờ với ông bà ngoại để vợ tôi rảnh tay mà đối phó với tình hình vô cùng nguy hiểm của tôi. Chú Thím Châu còn nhớ ơn của cháu Trang đã không ngại nguy hiểm để lo cho mấy em được an toàn.

Tôi ngẫm nghĩ lại chế độ Tự do của miền Nam chúng ta quá rộng lượng và quảng đại. Trong thời gian tôi làm Quận trưởng, từ cơ quan Chính quyền đến Quân đội, anh em chúng tôi không bao giờ khuấy nhiễu hay hành hạ thể xác hoặc tinh thần của gia đình bọn Việt Cộng địa phương đang nằm trong lòng bàn tay quyền lực của chúng tôi. Nếu thế cờ Quốc tế đảo ngược lại, miền Nam thắng và chế độ Cộng sản sụp đổ, chúng ta sẽ đối xử chúng với khí thế quân tử của đại trượng phu. Miền Bắc sẽ không phải là một trại tù khổng lồ như miền Nam sau 30 tháng 4 năm 1975. Bọn Cộng sản chúng nó thật là quân hèn hạ và vô liêm sỉ!

Tôi còn nhớ trong thời gian tôi làm Quận trưởng Dĩ An, có một bà vợ bé của tên Tướng Việt Cộng Ðào Sơn Tây được chúng tôi để sống rất bình yên trước Bộ Chỉ Huy Quận của chúng tôi. Tướng VC Ðào Sơn Tây này trước kia là Công nhân của sở Hỏa xa tại Dĩ An hồi thời Pháp thuộc.

Những ngày tháng buồn não nề trên gác trọ.

Sau khi trốn ra khỏi nhà thương, tôi tuyệt đối không tiếp xúc với bất cứ ai ngoài vợ tôi. Mỗi chiều tối vợ tôi phải lén lúc đến nơi tôi sống ẩn dật để tiếp tế. Trong người tôi chỉ có tờ giấy ra trại và giấy chứng nhận trình diện của đồn công an Thủ Ðức mà nay đã vô dụng rồi. Tôi phải dùng tờ giấy Chứng cử tri của em trai kế tôi. Nhờ trên hình của tờ giấy rất thô sơ không có đóng mộc, thành thử tôi chỉ thay tấm hình của tôi vào mà xài mỗi khi di chuyển hay đổi chỗ ở. Mỗi lần đi vượt biên cũng xài giấy Công nhân giả do bạn tôi chứng nhận tôi đi công tác sửa chữa máy đèn. Bây giờ nhớ lại cũng buồn cười là tôi chẳng có biết chút kinh nghiệm gì về việc sửa chữa máy đèn hay máy phát điện. Nhưng cũng nhờ bọn Công an ngu ngốc không biết hạch hỏi tôi hoặc là nếu chúng nó nhờ tôi sửa máy đèn thì tôi chẳng biết gì và sẽ bi lộ tẩy ngay là tôi xài giấy tờ giả mạo.

Trong hoàn cảnh tôi là tù vượt ngục ai cũng rất ngại ngùng sợ bị mang họa cho gia đình họ nếu tôi bị phát giác và bị chúng nó bắt lại. Sau hơn sáu tháng sống rày đây mai đó rồi tôi cũng liều mạng cứ trụ lại một chỗ tương đối kín đáo tại cư xá Lữ gia, Phú Thọ. Người chủ nhà là một Sĩ quan cấp bực Chuẩn úy bà con dám chứa chấp tôi ở luôn. Nhưng mỗi khi nghe tin Công an sẽ xét nhà tôi lập tức dời đi nơi khác. Có một lần ông chủ nhà toa rập với bọn Việt Cộng giữ kho sơn tẩu tán một số sơn bột của Mỹ và cất giấu trong nhà ông ta. Ðã nghèo lại mắc cái eo, nhận thấy tình hình nguy hiểm quá tôi phải dời đi nơi khác một thời gian vì sợ vụ buôn lậu bị bại lộ thì tôi cũng lộ mặt luôn.

Tôi sống âm thầm cô đơn trên từng gác trọ thật không khác nào kiếp sống tù, nhưng dù sao tôi cũng được no ấm hơn anh em còn kẹt lại trong các trại tù ngoài Yên Bái. Lúc bấy giờ tinh thần tôi bị khủng hoảng trầm trọng vì sợ bọn Cộng sản tìm ra tôi và bắt lại là đời tàn. Cứ vài ba tháng tôi lén lút về thăm các con đang sống nhờ nơi nhà ông bà ngoại mấy cháu. Có một đêm nhằm lúc tôi về, tên Công an Khu vực đến xét hộ khẩu, tôi phải thoát ra cửa sau ẩn trốn cạnh chuồng gà. Ôi! thật là nhục nhã cho cuộc đời lính bại trận.

Trong thời gian đó vợ tôi luôn tìm đường dẫn tôi vượt biển để bảo toàn tánh mạng. Trong hoàn cảnh trốn chui trốn nhủi tôi bắt buộc phải vượt biển đơn thân độc mã đi trước. Thật là đau đớn không khác nào ra đi mà bứt tim gan để lại vì không biết đến bao giờ mới gặp lại vợ con? Nhưng tôi quyết phải ra đi để tìm con đường sống rồi sẽ tính tới việc gia đình sau.

Mối căm thù này không phải chỉ của riêng tôi mà cũng là của biết bao nhiêu Chiến sĩ đồng đội của tôi trong cùng một hoàn cảnh. Tôi không bao giờ quên mối hận này được, cho nên mặc dù qua Mỹ đã lâu rồi và tôi rất thương nhớ Quê hương, nhớ vài anh chị em ruột thịt còn kẹt lại bên quê nhà, nhưng tôi thật sự không muốn trở về lúc này để nhìn thấy lại mặt mày bọn man ri, mọi rợ và tôi cũng không muốn thấy lá cờ máu hôi tanh của bọn chúng!

Xuân, Hạ, Thu, Ðông, đã mấy lần?
Sống kiếp lưu vong, buồn quốc hận!
Mong ngày nào trở về quê cũ.
Nước thanh bình, thỏa thích vui Xuân!?

(Trích bài thơ bốn Mùa Trên Quê Hương - N.M.Châu )

o0o

Sau hai lần ra Nha Trang mà chuyến đi không thành phải trở về. Lần thứ ba có chuyến vượt biển từ Cà Mau nhưng bị đình hoãn. Vợ chồng chúng tôi rất khổ sở vì chuyến đi bị đình hoãn nhiều ngày rồi lại bỏ cuộc, nên trong hai tuần lễ ăn ở chờ đợi đã hết tiền. Vợ tôi phải bán mấy bộ đồ chúng tôi mang theo để sống qua ngày, đến cuối cùng không còn gì để bán ngoài bộ đồ đang mặc. Thật là thất vọng vô cùng! vì chẳng quen biết ai nơi đây mà xin xỏ hay vay mượn tiền, và lúc này cuộc sống của mọi nhà đều rất khó khăn. Tôi nói đùa với vợ tôi rằng: không lẽ chúng mình bán hết cả bộ đồ đang mặc và mặc đồ tắm biển mà trở về Sàigòn hay sao? Chúng tôi chỉ còn đủ tiền đi quá giang xe chở gạo đến nhà thờ Phụng Hiệp, Cần Thơ, để xin tiền bà chị tôi lúc đó đã đổi về làm bà Nhứt tại một nhà dòng tu nhỏ nơi đây để xin tiền mới có đủ mà mua vé xe chợ đen về đến Saigon. Thật là khốn cùng!

Cứ mỗi lần đi không được tôi quá thất vọng và chán nản vì phải tiếp tục cuộc sống âm thầm lén lút trên gác trọ với bao nỗi lo âu! Muốn tìm mảnh đất Tự do để dung thân không phải là dễ dàng. Hai chữ “Tự Do” thật là quí giá vô cùng!

Vấn đề di chuyển vào những năm đó rất khó khăn vì xe đò bị kiểm soát và rất hạn chế. Trong những lần đi tìm đường vượt biển vợ chồng chúng tôi ngủ bến xe rất thường cũng như bao nhiêu hành khách phải nằm bến xe để dành ưu tiên “Đăng ký” mua vé, nếu chậm trễ là hết. Muốn di chuyển từ Saigon ra Nha Trang hay từ Sàigòn xuống tỉnh cũng phải vất vả như thế. Có những khi chúng tôi phải ngủ bờ ruộng hay ngủ gò mã vì không dám vào khách sạn dễ bị bọn Công an chú ý.

Tôi đã quen những cảnh ngủ bờ ngủ bụi gian khổ như thế này trong những năm chinh chiến, nhưng trong cái thế hào hùng của người của người lính trận đi hành quân diệt giặc. Bây giờ trong hoàn cảnh của một kẻ tù vượt ngục và vượt biển thật là nhục nhã ê chề. Tôi thật thương vợ tôi vô cùng, tội nghiệp và xót xa cho vợ tôi phải chịu cảnh vất vả, đắng cay như thế này!

Cuối cùng tôi đi được an toàn đến bờ biển Thái Lan trên một chiếc thuyền con chỉ dài hơn chín thước. Sau khi được tin tức của tôi từ đất Thái, vợ tôi đã yên tâm và rãnh tay tự một mình hướng dẫn và lèo lái chiếc ghe nhỏ dẫn dắt sáu đứa con thơ đến bờ biển Mã Lai bình yên vô sự.

Thật là một ơn phước lớn của Thượng đế đã ban cho gia đình chúng tôi! Thế là từ đây một thời hoạn nạn khốn khổ của gia đình đã qua. Chúng tôi cũng nghĩ rằng mưu sự tại nhân và thành sự tại Thiên. Chúng tôi rất mang ơn Thượng đế đã giúp gia đình chúng tôi được sớm đoàn tựu và đã ổn định cuộc sống nơi xứ người.

Nhưng ngày nay lại rủi thay! với hoàn cảnh hiện tại tôi không hiểu rằng khi đất nước thật sự được Thanh bình và tự do dân chủ tôi có thể trở về lại quê nhà được không?!
Tôi xin ghi vài dòng thơ đơn giản nói lên một ước mơ ngày về thăm quê hương.

Nếu Tôi Về…

Nếu về, tôi xuống miền quê Cao Lãnh.
Viếng mồ cha mả mẹ ngủ thiên thu.
Ði trên đường đê, tìm ngôi trường cũ.
Thăm lớp học vỡ lòng thời thơ ấu.
Nếu về, tôi thăm Trà Vinh yêu dấu.
Nhớ lại một thời thiếu niên lận đận.
Sống đời côi cút, sống cảnh cơ bần.
Lao động, học hành, mong được tiến thân.
Nếu về, tôi thăm Gia định, người thân.
Tạ ơn anh, nuôi tôi sống an lành,
Nhớ chị, thay mẹ dạy dỗ thành danh.
Có một hành trang cho đời khôn lớn.
Nếu về, tôi thăm đồi Tăng Nhơn Phú.
Nơi đây được rèn binh thư, võ luyện.
Giúp tôi trở thành một người lính chiến.
Giữ yên bờ cõi, giữ vững giang san.
Nếu về, thăm vùng chinh chiến gian nan.
Tìm lại vết tích một thời oanh liệt.
Tìm kỷ niệm vui buồn đời lính chiến.
Và nhìn lại những danh lam thắng cảnh.
Nếu về, tôi đến Dĩ An đất lành.
Thăm các Chiến sĩ địa phương anh dũng.
Ðã cùng tôi diệt Cộng phỉ nằm vùng.
Gặp đồng bào, thăm xóm làng thân ái.
Nếu về, tôi sẽ lên miền Yên Bái.
Thăm bạn tù nằm giữa núi hoang vu.
Nơi bọn dã thú đày ải người tù.
Chỉ vì cái tội giúp dân cứu nước.
Nếu về, tôi đến Nghĩa Trang Quân Ðội.
Tìm lại hình bóng Pho Tượng Tiếc Thương.

Thăm những đồng đội gục ngã chiến trường.
Tưởng niệm anh hùng bỏ mình vì nước.
Những điều tôi muốn chỉ là mộng ước.
Vết đạn thù làm đời tôi nghiệt ngã.
Xe lăn bánh mỏi mòn trên đất lạ.
Chỉ mong ngày về trong đống tro tàn!


Nguyễn Minh Châu
TÐ3 Soibien

Monday, June 27, 2016

Hội Tương Trợ Cựu Chiến Binh Bình Thuận - Kỷ Niệm 10 năm thành lập 6/26/2016 Westminster, California

 Nghi thức Khai mạc


Trong 10 năm qua đồng hương đã đóng góp trên $100.000.00 USD và Hội đã gữi về cho hơn 1,000 TPB và QP Bình Thuận , có các em Hậu Duệ đem đến 5 xe Jeep
Việt Thảo MC, và nhóm Tiếng Hát Hậu Phương
Ca sĩ gíup vui gồm có:
- Phương Hồng Quế
- Trang Thanh Lan,
- Ngọc Đan Thanh
- Tuấn Vũ
- Mai Lệ Huyền
- Đặng Thế Luân
- Trúc Mi Trung Tâm Asia 
và một số ca sĩ cơ hữu của Hội, có cả Vọng Cổ và Tuồng Cải Lương, Hợp ca Tiếng Hát Hậu Phương thật nhộn nhịp.
Đến 10 giờ tối và nhà hàng vẫn còn đông nghẹt, chương trình thật hấp dẫn nên không ai về sớm
Đại Hội thành công tốt đẹp và sẽ có báo cáo tài chánh trong nay mai, hẹn tái ngộ Đại Hội Ân Tình lần thứ 11 tại Honolulu, Hawaii vào năm 2017

 Toán Quốc Quân Kỳ

 Phương Hồng Quế và Trang Thanh :Lan

 Ban Tiếp Tân và các chị trong Hội Tương Trợ Cựu Chiến Binh Bình Thuận

 Quan Khách và Đồng Hương

 Phạm Hòa và Phương Hồng Quế

 Tiếng Hát Hậu Phương Trang Thanh Lan

 Ban Tiếp Tân

 MC Việt Thảo và Ban Nhạc Moon Flower

 Thân Phụ Mẫu Đinh Việt

 Phương Hồng Quế và Quân Xa QLVNCH

Đồng Hương Bình Thuận

 Anh Chị  Tiếp Sĩ Trường (KQVN)

Anh Chị Micheal Minh Võ

 Ca Sĩ Mai Lệ Huyền

 Hậu duệ Bình Thuận

 Đôi song ca Đặng Thế Luân Trúc Mi và ban nhạc Moon Flower

 Lưu Niệm Ban Tổ Chức

 Hậu Duệ Đặng Thế Luân

 Quan Khách và Đồng Hương

 Tuấn Vũ và bàn Nghệ Sĩ

 Hậu Duệ QLVNCH

 Cựu Thiếu Tá Phan Bái Duyên Đoàn 28
 Chụp Hình Lưu Niệm trước gio khai mạc

Anh Cường em cô Ngọc cựu Học Sinh Phan Bội Châu NK 64-71

 Chị Hoàng Thông Paracel


 Anh Chị Ngô Trúc Khánh


 Anh Phan Bái, Anh Mường Giang, Chị Dung

 Tiếng hát hậu phương

 Dâu PBC và Cô Ngọc

 Mai Liêu, Phương Hồng Quế, Mường Giang và Tuấn Vũ

 Bàn Nghệ Sĩ

 MC Việt Thảo

 Mai Lệ Huyền và đồng hương Bình Thuận


Ca Sĩ Trúc Mi

 Anh Chị Tiếp Sĩ Trường trúng xổ số lô Độc Đắc

 Anh Cao Khắc Tiệp và anh Mường Giang


Ca Sĩ Tuấn Vũ và Chị Trai

Anh Tiếp Sĩ Trường và MC Việt Thảo

Hậu Duệ hội Quân Xa VNCH

Ca Sĩ Trúc Mi và người bạn

 Ca Sĩ Ngọc Đan Thanh

 Đặng Thế Luân và Ca Sĩ Trung Tâm ASIA chụp hình lưu niệm

 Tiếng hát hậu phươngg ca sĩ Phương Hồng Quế

Chào Tạm biệt và hẹn tái ngộ tại Hawaii 2017
(còn tiếp) Video uploading