Chúng tôi rời
Sài Gòn trong thở dài nhẹ nhõm, một tháng ở Thủ Đô đủ để tạo thành sụp
đổ tan hoang trong lòng, đủ thấy rõ sự phản bội của hậu phương, một hậu
phương lừa đảo trên máu và nước mắt của người lính. Một tháng đủ để
chúng tôi hiểu ti tiện hèn mọn của loại lãnh tụ ngã tắt, những anh hùng
đường phố, những ông vua biểu tình theo ngẫu hứng, vua tôn giáo đầy thù
hận và dục vọng… Một tháng “vỡ mặt” lính non cũng như lính già. Chúng
tôi bây giờ biết rõ: Máu và đời sống của mình đã đổ ra cho một xã hội
lừa lọc.
Thủ
Đô! Tôi đi xa không luyến tiếc. Quá đủ những con đường Sài Gòn đêm vắng
vẻ, dây kẽm gai chằng chịt, lựa đạn cay xót xa nước mắt. Đã quá đủ với
Sài Gòn những buổi trưa nóng như thiêu đốt, áo giáp, nón sắt, mặt nạ,
người lính đứng cô đơn trong sỉ nhục căm thù của đám đông nhân danh Tổ
Quốc và Thượng Đế… Sài Gòn, chúng tôi thù ghét và ghê tởm Thủ đô đục
ngầu phản bội và thù hận. Tôi ao ước một cơn hồng thủy sẽ cuốn trôi
thành phố sau lưng, một cơn hồng thủy xóa hết dấu tích nhơ bẩn mà Thủ đô
đã bôi lên khuôn mặt bi thảm của quê hương. Tôi ao ước được quên một
thành phố tên gọi Sàigòn.
Xe
chạy ra khỏi thành phố hướng về Tây Ninh. Trời xanh, không khí thoáng
đãng, tôi thèm được đi xa. Đến Hóc Môn, đoàn xe dừng lại để lính nhảy
xuống mua các thứ lặt vặt cần thiết cho cuộc hành quân. Sau hai tháng
căng thẳng trong sự chết và bạo động, người lính bây giờ được thả xuống
giữa quận lÿ sầm uất chất phác. Họ thỏai mái dễ chịu như trở về thế giới
quen biết. Chúng tôi phải trả nợ nghiệp lính bằng năm ngày hành quân
trước khi trở về hậu cứ. Từ Hóc Môn đoàn xe đi dọc theo liên tỉnh lộ 15
hướng về phía bắc, xe chạy trong cánh đồng mênh mông, sau hơn một tháng
bị nhốt chặt trong thành phố ầm ĩ nay được thả ra cùng đất trời rộng
rãi, lòng tôi mở ra như cơn gió reo. Đến ấp Đông Nhất cách Hóc Môn mười
cây số, dừng lại xuống xe. Một tiểu đoàn bộ binh đã có mặt từ trước đợi
chúng tôi. Hai tiểu đoàn sẽ xuất phát từ đây, xâm nhập theo con đường
liên tỉnh hướng tây-bắc để giải tỏa áp lực địch tại vùng Bến Cỏ. Hai đơn
vị đã dàn xong đội hình, lấy con đường làm chuẩn, tiểu đoàn bạn bên
trái, chúng tôi bên phải, mục tiêu là làng Paris Tân Qui, nơi gặp gỡ của
đường liên tỉnh 15 và hương lộ nối từ Ấp Nhà Việc với Củ Chi. Đại đội
74 dẫn đầu, đại đội chúng tôi đi chót, trung đội tôi đi cuối cùng. Mười
phút đã qua, chúng tôi vẫn chưa di chuyển được thước đất nào, rảnh rỗi
tôi lấy khẩu cầm ra thổi, tiếng trầm bỗng loang xa trên cánh đồng chơi
vơi như cánh chim nhàn hạ… Bỗng súng nổ, một tràng ngắn, tiếp theo những
tràng đại liên ròn rã ở phía đầu tiểu đoàn bộ binh. Cuộc chạm súng kéo
dài khoảng mười phút, địch chỉ muốn trì hoãn bước tiến đoàn quân để chạy
trốn. Mười hai giờ trưa đến Paris Tân Qui, làng nhỏ bao bọc chung quanh
bởi rừng cây cao su xanh ngắt. Địa danh thật đặc biệt, không hiểu do sự
nhầm lẫn của người lập bản đồ hay do một anh Tây nào đó trong lúc
nghịch ngợm đem tên của Thủ đô ánh sáng đặt cho làng nhỏ này. Tiếp tục
tiến quân lên Bến Cỏ, quận lÿ đặt cuối đường liên tỉnh, bên kia suối Bến
Nây. Cầu đã bị giựt sập, tiểu đoàn dừng lại bố trí quân dọc theo đường
đá đỏ. Đại đội 72 đi đầu cho một vài khinh binh qua dò đường. Trời ủ
giông, nắng quái mây mù, con đường vắng như một nỗi thê lương… Nếu không
có chiến tranh, từ đây về Sài Gòn chỉ khoảng nửa giờ xe đò, những con
đường nhỏ này là mạch máu của miền Nam nối liền Thủ đô với thôn xóm trù
phú. Ruộng ở đây không bát ngát bằng những tỉnh ở miền Tây, nhưng mạnh
và tươi tốt. Nhìn đồng lúa mới thấy rõ sức chịu đựng dẻo dai triền miên
của dân tộc. Nhớ bài chính tả của mười hai năm trước — Đồng lúa mới… Tôi
đến một vùng quê, kề bên trận địa, cánh đồng loáng nước nằm dài vắng
bóng người nông phu cần mẫn, nhìn vào thôn xóm không một bóng người,
khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm… Sáng mai thức dậy, đố ai biết có
những gì thay đổi, cánh đồng vắng vẻ ngày hôm qua nay đã xanh rì ngọn
mạ… Bài chính tả của lớp nhì biến thành bài học thuộc lòng. Ông giáo cuả
tỉnh nhỏ, thầy Tiến, trường Hoàng Diệu, dáng người mập mạp, nhưng bỗng
nhiên khuôn mặt hóa nên linh động khi giảng nghĩa cho lũ học sinh nhỏ,
sức chịu đựng nỗi kiên nhẫn của những người nông phu, đêm trở về trên
cánh đồng vắng, cắm những cây mạ xanh trong lòng đất còn mùi thuốc súng…
Cánh đồng ở đây cũng loáng nước, mái tranh thôn xóm tiêu điều xơ xác,
nhưng thân lúa xanh vẫn mọc lên phơi phới. Tôi rung động trong niềm cảm
phục quê hương, những người nông dân Việt Nam cuối tận cùng của khổ cực
luôn luôn thắp sáng cho mình hy vọng. Nhớ đến bàng hoàng dáng dấp của
thầy tỉnh lẻ, một ông giáo bình thường nhưng đã gieo vào hồn tôi những
rung cảm kỳ diệu khi bằng giọng nói của người dân xứ Quảng với quê mùa
mộc mạc, thầy Tiến vẽ trong đầu óc trẻ thơ một hình ảnh lặng lẽ nhưng
hào hùng của dân tộc. Cảm giác này cũng tương tự như khi đọc Sơn Nam với
những câu ca dao… Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, gặp chùa
cũng tu… Cảm ơn đời trong tuổi nhỏ đã có người tặng cho những đóa hoa
dịu dàng, những lời ca ngợi quê hương. Người Đại Hàn tượng trưng cho dân
tộc của một đóa hoa, Trung Hoa, Nhật Bản lấy biểu tượng ở mặt trời… Tôi
ao ước được trông lại biểu tượng cây lúa của dân tộc. Cây lúa bình
thường đầy kiên nhẫn.
Ba
người khinh binh đi đầu tiến ra được giữa cầu, cầu bị gãy, họ phải bò
theo những thanh sắt, một loạt đạn từ bờ bên kia bắn vụt qua. Đạn chạm
vào thành cầu long cong, một người lính lảo đảo rơi xuống, hai người kia
vội vàng chụp lấy bò trở về. Súng cối của tiểu đoàn bắn về phía có
tiếng nổ năm trái… Ba người khinh binh khác được đề cử qua cầu, dưới sự
yểm trợ của súng cối 60 và 81 (1) trong lúc súng cối tạm ngưng vì tháo
đạn chưa kịp, Việt Cộng ở bên kia bờ lại bắn qua tới tấp.
Hai
người lính ở sau bò lại, chỉ một người qua được bên kia bờ. Không thể
làm im được toán Việt cộng bên kia bằng súng cối, mặc dù chúng chỉ ước
chừng một tiểu đội, nhưng hầm hố kiên cố đạn súng cối chính xác đến đâu
cũng không phá hủy được. Hơn nữa số đạn mang theo giới hạn. Bộ chỉ huy
tiểu đoàn quyết định gọi máy bay đến oanh tạc đồng thời đề phòng trường
hợp địch tập trung đông. Ba Skyraider (2) bay một vòng để chỉ định mục
tiêu. Khói trắng vừa bốc lên khỏi lũy tre, chiến đấu cơ hạ thấp độ cao
đâm thẳng xuống, cả một khu bìa làng bị cầy tung đất khói và lửa bốc
thành những chiếc nấm lớn. Năm giờ chiều, người chót của tiểu đoàn mới
qua hết con suối, ngôi làng con âm ỉ cháy, mùi lá tươi bị đốt nồng nặc.
Chúng tôi đóng quân đêm tại đây, cứ điểm Bến Cỏ nằm sau lưng không đầy
một cây số. Ngày mai chúng tôi sẽ vào đấy giao tiếp với một tiểu đoàn
Biệt động quân bị cô lập suốt sáu tháng nay.
Bảy
giờ sáng, tiểu đoàn bắt đầu di chuyển, đoạn đường xuyên qua làng mạc
dày đặc vườn cây ăn trái và nhà cửa. Đường liên tỉnh 15 chạy từ Hốc Môn
đến Bến Cỏ chia làm hai nhánh, một đường chạy lên hướng bắc gặp bờ sông
Sài Gòn, từ đây chạy song song với con sông lên đến vùng Bến Súc rồi ra
Trãng Bàng. Một nhánh ngắn hơn từ Bến Cỏ chạy ra Củ Chi. Bốn cứ điểm Bến
Cỏ – Bến Súc -Trãng Bàng – Củ Chi tạo thành khu tứ giác mật khu Hố Bò
nằm song song với mật khu Bời Lời ở bờ phía bắc sông Sài Gòn. Cứ điểm
Bến Cỏ như một cái nút chận đường xâm nhập của địch về Gia Định nên từ
lâu địch đã vây kín và pháo kích vào hằng ngày. Chúng tôi tiến quân thật
dè dặt, một đơn vị bạn trước đây đã bị phục kích ngay tại khu làng này
khi muốn “bắt tay” (1) với đơn vị trong đồn, hôm đó pháo binh và phi cơ
không thể can thiệp được, trong khi địch có đủ công sự phòng thủ và giao
thông hào dày đặc trên lộ trình vào cứ điểm. Hai đại đội đi đầu không
dám đi trên đường vì sợ mìn, khi đi qua các khu vườn mọi người đều ngán
ngẩm, địa đạo và giao thông hào đào chi chít, nếu địch phục kích chúng
tôi tại đây thì khó lòng chống trả. Vòng rào dây kẽm gai và cột dây trời
của đồn hiện ra trong tàn cây xanh. Thật thận trọng, tiểu đoàn trưởng
ra lệnh cho từng đại đội một tiến vào hàng rào phòng thủ, hai người lính
Biệt động quân ra mở cổng… Cứ điểm gồm có hai phần, chiếc đồn chính nằm
ở phía trái của con đường, bộ chỉ huy tiểu đoàn Biệt động quân đóng
chung với một đại đội Địa phương quân tại đây; đồn là một loại bót nhỏ
của lính Pháp để lại, tường gạch rêu phong ba tháp canh trơ trọi đứng ba
góc, chung quanh đồn là tuyến phòng thủ của ba đại đội tác chiến, những
người lính Biệt động quân đào hầm ở ngay trên tuyến phòng thủ. Đối diện
chiếc đồn là ngôi chợ nhỏ, hai bên đường nhà thường dân san sát vào
nhau, phần lớn cửa đóng, người dân đã di cư về Bình Dương hay Sài Gòn.
Có những danh từ nghe thoạt tiên rất vô nghĩa, nhưng nếu với hoàn cảnh,
không khí thì thích hợp, những chữ nghĩa khô khan kia hóa nên linh động
hẳn ra như một nốt nhạc. Ở đây, Bến Cỏ không thể có một tên gọi nào
thích hợp bằng “phố chợ”, không thể gọi là quận lỵ, thị trấn, cũng không
hẳn là một cứ điểm đúng nghĩa danh từ quân sự… Một tiểu đoàn lính bao
một đám dân, con đường, ngôi chợ, hai dãy nhà cửa, cây bàng xanh tươi
bóng mát, vài quán hàng bán những thức lặt vặt. Bến Cỏ không có nét trẻ
trung, vui vẻ của những phiên chợ thôn quê, đây không khí tang thương,
khắc khoải như một bệnh nhân bị gậm mòn dần bởi chứng nan y. Chúng tôi
ra đóng quân ở phía đông của cứ điểm. Những buổi sáng lính thường vào
uống cà-phê ở chiếc quán dưới gốc cây bàng, những người lính ngồi đối
diện với nhau lặng lẽ. Con đường vắng hoe lác đác dăm chiếc lá khô, điểm
sinh động duy nhất là quán hủ tiếu của một người Tàu. Người Trung Hoa
trong hoàn cảnh nào cũng đứng đầu bởi sức chịu đựng, nhưng người Việt
cũng đâu kém. Chúng tôi đóng quân được hai ngày, tình hình im lặng, im
lặng ngột ngạt trước trận đánh. Cứ điểm đã bị bao vây suốt sáu tháng,
quân số phòng thủ của tiểu đoàn Biệt động quân bây giờ chỉ còn hơn hai
trăm. Việt Cộng đào hào thông hào đến sát hàng rào phòng thủ, chúng
không tấn công chỉ bắc loa chửi, bắn sẻ, pháo kích… Chiến thuật này đã
làm tiêu hao quân số của đơn vị bạn. Cách hay nhất là đề phòng, nhưng ai
có thể kéo dài tình trạng đề phòng trong sáu tháng. Ngồi uống nước,
nghe tiếng súng cối cuả địch, nhảy xuống hố không kịp thế là bị thương.
Gác ở chòi canh, tuần tiễu ra khỏi hàng rào một trăm thước, khinh binh
coi như đã treo đời mình trên một đường dây mỏng manh. Giao thông hào
đào sát vào con đường từ đồn đi ra, tỏa chi chít khắp nơi, kín đáo chắc
chắn. Người khinh binh làm sao biết được mũi súng ở hướng nào nhắm vào
mình! Sáu tháng, những người lính Biệt động quân bây giờ trở nên dửng
dưng, họ đã đến chót cùng chịu đựng. Ngay đến chúng tôi, những người mới
tới, bằng bao nhiêu cẩn thận cũng không tránh khỏi thiệt hại. Đang nói
chuyện với nhau trong vòng phòng thủ, một viên đạn bất chợt bay đến,
binh nhất Phòng của đại đội 72 ngã xuống chết không ngờ. Viên đạn xuyên
thủng bàng quang chấm dứt đời kẻ bạc phước trong vòng một phút. Từ chỗ
đóng quân vào chợ, đoạn đường không quá ba trăm thước, nhưng cũng không
an toàn. Bất cứ lúc nào, khi toán giữ đường không cẩn thận là có kẻ ngã
gục bị bắn sẻ. Việt cộng rình rập chúng tôi – đêm nay? ngày mai? – Chúng
tôi chờ đợi phút hồi hộp đó. Đóng quân được bốn ngày, chúng tôi nhận
được lệnh rút ra ngã Củ Chi, vẫn lấy con đường liên tỉnh 15 làm chuẩn,
tiểu đoàn chúng tôi đi bên phải, tiểu đoàn bộ binh đi bên trái. Lộ trình
rút ra xuyên qua khu đồn điền cao su Fihoc, hành lang xâm nhập vào mật
khu Hố Bò. Chúng tôi không biết những người bạn Biệt động sẽ ra sao, họ ở
lại chờ một tiểu đoàn khác đến thay thế, hay tiếp tục để nhận một cái
chết mòn mỏi chậm chạp? Có thể các vị chỉ huy ở cấp lớn đã nghĩ rằng:
Chúng tôi đã có mặt bên ngoài trong bốn ngày vô sự vậy là áp lực địch
được giải toả, bây giờ họ đang có những vấn đề to lớn khác cần phải giải
quyết ở Sài Gòn trong đường Trần Quốc Tỏan, ở Đài phát thanh. Thôi,
tiểu đoàn Biệt động quân, các bạn hãy ở lại và tiếp tục như sáu tháng đã
qua. Sáu tháng chỉ thèm một cục nước đá, phần đời của các bạn như vậy
đã được định. Tôi nghĩ đến chiếc bánh mì và nải chuối cuả một mụ nạ
giòng đem đến tặng cho lính ở Đài phát thanh để tri ân quân đội giúp đỡ
đạo pháp…
Bảy
giờ, hai tiểu đoàn song song rút ra. Đại đội tôi cùng đại đội 73 đi đầu
tiểu đoàn. Đại đội 73 đi phía tay mặt tôi, Toàn “đen” dẫn đầu, tôi nói
với Đỗ, anh chàng “Eddie Constantin”:
– Thằng Toàn đi đầu thế nào cũng đụng.
Có
thể lắm, mặt nó có cô hồn… Vừa di chuyển được ba mươi thước một loạt
đạn nổ ròn rã trước mặt. Hạ sĩ Thặng khinh binh đi trước tôi ngã xuống,
hai viên đạn bẻ gãy khẩu AR 15 đồng thời làm cườm tay anh gãy đôi. Việt
cộng thật ra nhắm vào tôi vì cầm tấm bản đồ, nhưng Thặng vừa qua mặt nên
lãnh lấy, hai viên đạn đáng lẽ ra đâm thủng cơ thể tôi… Một thoáng rùng
mình, đạn bắn thấp, nếu không gãy chân thì cũng thủng bàng quang. Tôi
nhớ đến cái chết của thằng Phòng hai ngày trước, chút xíu nữa thì mạng
tôi cũng xong rồi! Vết thương của Thặng không nặng lắm, cây súng đã đỡ
lấy hai viên đạn, cả anh và tôi đều may mắn. Tăng Màn Tài, trung đội phó
khẽ nói với tôi:
– Thiếu uý, hôm nay đụng a, sáng nay tôi nấu cơm không chín.
Tôi
cười không nói, nhưng lòng đầy lo ngại… Cánh quân chúng tôi và bộ binh
tiếp tục di chuyển về phía Bến Mương. Mười giờ – binh nhất Niên – khinh
binh đi trước tôi đột nhiên nhảy hẳn qua một bên, bắn một loạt súng…
– Cái gì vậy?
– Thiếu uý, em thấy trước mặt có người!
– Việt cộng đó, coi chừng.
Buổi
sáng lúc xuất quân đã có người dân đến báo: Việt cộng ở khu rừng cao su
rất đông, đào hầm để đợi chúng tôi. Tiểu đoàn trưởng quyết định chấp
nhận trận đánh, cả chúng tôi và bộ binh đều sẵn sàng tác xạ khi di
chuyển. Niên hét lớn:
– Đưa tay lên, tiến tới.
Trong
lá xanh hiện ra một người mặc quân phục màu xanh đeo ba-lô mặt mày ngơ
ngác. Y là một binh sĩ của tiểu đoàn bộ binh, chúng tôi không biết tại
sao anh ta đi lạc và không có súng. Chúng tôi giao cho ban 2 tiểu đoàn
để điều tra. Chính trong những giờ phút dừng lại để bắt giữ người lính
kia, sau này tôi mới biết đã cứu mạng cho toàn thể trung đội tôi. Vì
trong khi chúng tôi dừng lại, đại đội 73 phía tay phải vẫn tiến tới để
bắt gặp con đường mòn cách đó trăm thước và chính trong lúc này thì trận
đánh bắt đầu, phía tiểu đoàn bộ binh và đại đội 73 súng đại liên nổ ròn
rã không dứt, chúng tôi vội vã dàn hàng ngang chờ đợi.
Đạn
bay trong không khí về phía chúng tôi, lá cao su trên đầu bị bắn tung
bay xào xạc, đạn ghim vào thân cây nghe phầm phập, có tiếng hô xung
phong nhưng không thấy bóng dáng của địch. Đại đội trưởng tôi hét lớn
trong máy:
– Bên bộ binh và 73 đều đụng nặng, anh có chịu nổi không?
– Báo cáo tôi vô sự.
– Coi chừng, tụi nó đánh độn thổ! Bộ binh bị phục kích rồi đấy.
Mười lăm phút sau, đại đội 73 từ bên cánh phải rút về phía chúng tôi. Toàn bị thương, người nhăn nhó đau đớn, hắn phều phào…
– Mày coi chừng, tụi nó sắp xung phong vào đấy.
– Tao đâu có thấy gì?
Một
rừng lá cây chuyển động trước mặt, vài bóng dáng áo đen thấp thoáng.
Trung đội tôi và Kỳ đồng loạt khai hỏa, năm mươi cây súng bắn ra một
lượt, khói hơi thuốc súng bay nồng nặc. Chúng tôi tiến quân từ từ lên
sau mỗi đợt tác xạ. Tôi giật nẩy mình, một hàng giao thông hào mới đào,
lá cây ngụy trang còn xanh tươi, vỏ đạn rơi đầy ở trên mỗi miệng hầm,
đúng là một phép mầu… Việt cộng đã đào hầm hố để phục kích chúng tôi,
may nhờ người lính bị bắt nên trung đội tôi đã dừng lại và vô tình tránh
được cái bẫy đang chờ. Bây giờ mới hiểu tại sao có loạt đạn bắn về phía
chúng tôi nhưng không có địch xuất hiện. Việt cộng sau khi đã chận đầu
tiểu đoàn bộ binh và chúng tôi, vòng ra đàng sau đánh tạt vào hông phải
của tiểu đoàn nơi đại đội chỉ huy và 74. Mặt trước của chúng tôi và 73
tạm yên, tôi cho lính chiếm hết dãy giao thông hào, một vài xác Việt
cộng chết trong vị thế đang chạy, họ thuộc lính chính quy trang bị đầy
đủ súng đạn nhưng không mang gạo. Đúng là tụi nó sửa soạn sẵn để đợi
chúng mình… Lính xì xào bàn tán. Phía sau chúng tôi bây giờ súng nổ
mạnh, 57 của tiểu đoàn bắn ra liên tiếp, đạn nổ tiếp theo liền tiếng
départ chứng tỏ địch rất gần hàng quân. Tôi nghe rõ tiếng hô xung phong
của hai bên chen lẫn tiếng chửi thề… Toàn từ dưới chạy lên…
– Mẹ kiếp, bị thương nằm cũng không yên, tụi nó tới sát rồi mày ạ!
– Ông xui quá ông ơi, đi đâu là đụng đó. Ông tới chỗ nào cũng có máu chảy…
– Mẹ mày – Nó chưởi thề phản đối.
Đúng
như vậy, đi chiến đấu mới thấy có may rủi không lường. Có những cái
chết thật gần, nhưng tránh khỏi, đồng thời có những cái chết thật bất
ngờ, tự nhiên đến không dấu hiệu. Tôi đâm tin vào định mệnh, về một sức
mạnh siêu hình chi phối đời sống con người. Như cái chết của thằng Phòng
hai ngày trước. Buổi chiều chúng tôi đang ngồi nói chuyện gẫu với nhau,
nó từ đâu lại ngồi đối diện với tôi. Chính ngay lúc đó, một viên đạn vu
vơ từ ngoài hành rào phòng thủ bắn vào, nó chết trong khi đang mở miệng
định nói. Cái chết ấy đã làm tôi thấy rõ đời sống nhỏ nhoi, bèo bọt của
kiếp người. Sống đó, chết đó, nào ai biết… Cũng như trường hợp hôm nay,
nếu không bắt gặp người lính bộ binh, chắc chắn tôi và hai khinh binh
đi đầu sẽ hứng hết đoạn đạn đầu tiên khi địch khai hỏa. Và nếu tôi có
chết đi, thì có gì thay đổi? Tôi không có gia đình, không thân thích.
Cái chết chỉ là bọt sóng nhỏ vỡ tan trong đại dương…
Địch
định cắt đôi tiểu đoàn chúng tôi, nên chúng tấn công thật mãnh liệt vào
đoạn giữa, đại đội chỉ huy phải chống lại vô cùng vất vả, 74 đi chót
lại bị cầm chân nên không thể kéo lên gỉai toả áp lực địch được. Tiểu
đoàn trưởng phải gọi pháo binh bắn thật gần tuyến chiến đấu… Gunship
được gọi đến tăng cường. Đại uý Ánh, sĩ quan hành quân của tiểu đoàn
trong khi đứng quan sát để hướng dẫn phi cơ bị một viên đạn vỡ tan lồng
ngực. Tin ông chết làm mọi người bàng hoàng, ông được cảm tình của hầu
hết mọi người vì tánh tình hòa nhã, riêng tôi, những lần trước khi phải
trình diện tiểu đoàn trửơng để nhận lệnh phạt thường phải gặp ông, trong
những giây phút nặng nề đó, lời nói nhẹ nhàng của ông như một an ủi làm
nhẹ đi nhiều phiền muộn. Tôi không biết ông nhiều, nhưng nhớ đến những
buổi chiều, ông đứng ở bờ sông Biên Hòa trông cô đơn và lặng lẽ lạ lùng.
Đại tá Tư lệnh và Bác sĩ Y sĩ trưởng sư đoàn đáp máy bay xuống trận địa
còn nồng mùi thuốc súng. Tôi thấy nét mặt cuả bác sĩ Của cau hẳn lại
khi ông đến gần xác đại uý Ánh. Tiểu đoàn tiếp tục di chuyển đến cầu Bến
Mương bên kia là bãi nhảy Củ Chi, cầu bị sập binh sĩ phải qua từng
người một. Trung đội tôi ở lại cuối cùng để bảo vệ tiểu đoàn qua cầu.
Trời ngã về chiều và khi chúng tôi nhận được lệnh rút đi thì địch từ mé
làng xung quanh bắt đầu bắn ra. Những viên đạn đỏ vạch từng đường đài
trong bầu trời thẫm màu, biết chắc rằng chúng chỉ bắn phá quấy chứ không
thể tấn công vào chúng tôi được. Khẩu đại liên của trung đội qua cầu
được đặt trên một mô đất nhắm về phía làng, cứ chỗ nào nháng lưả là
người xạ thủ bắn lại phía đó. Trận đánh như trò chơi, Việt cộng trong
làng chõ loa ra chưởi bới, tôi đứng trên mô đất khum tay làm loa chửơi
lại. May mắn trong suốt cuộc hành quân làm tôi tin tửơng vào mình hơn
bao giờ hết. Quả thật vậy, khi trung đội qua hết con suối trời tối hẳn,
Việt cộng từ trong làng chạy ra lố nhố… Chúng tôi vừa bắn vừa chạy lùi
về phía Củ Chi. Bãi nhảy dù bát ngát phủ đầy lá đậu phọng, trung đội
chạy nhanh để đuổi kịp toán quân đi đầu, ai nấy đều vui vẻ vì cho rằng
đã được may mắn. Khi ra đến đường ba người lính trút ba-lô ra, ba-lô bị
đạn xuyên thủng lỗ chỗ.
– Đ.m hên đếch chịu được, đạn trúng giờ nào mà không hay!
– Nhờ cái hên của ông thiếu uý đó mày.
Tôi
leo lên xe ngồi, trời tối đen ở bên ngoài, trong lòng xe muỗi vo ve
nhưng không buồn cử động để đuổi đi. Đời sống người lính qủa thật tội
nghiệp, trong tận cùng nguy biến họ luôn tạo cho mình hy vọng dựa vào
một may mắn mỏng manh… Bao giờ hết may mắn đó sự chết ắt gần kề chạm
phải. Đời sống của chúng tôi đó, trên biên giới sự sống, cái chết.
Tháng 9-1964
Phan Nhật Nam