Saturday, January 25, 2020

Hình ảnh: Diễn hành Tết Canh Tý trên đại lộ Bolsa, Little Saigon



Đoàn rước quốc kỳ Hoa Kỳ và VNCH. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Đúng 8 giờ sáng 25 Tháng Giêng, tức Mồng Một Tết Canh Tý 2020, cuộc diễn hành mang chủ đề “Tri Ân” do Little Saigon Westminster Tet Parade tổ chức chính thức bắt đầu.
Thời tiết tại Little Saigon hôm nay khá đẹp, trời khô ráo và nhiệt độ ngoài trời khoảng 54 độ F, rất thuận lợi cho cuộc diễn hành.
Từ 6 giờ sáng, thành phố đóng đường để 7 giờ các đoàn thể và xe hoa có thể vào vị trí. Hai lá đại kỳ do nhóm Hậu Duệ VNCH Khóa 5 vào vị trí để cử hành lễ khai mạc.
Lộ trình cuộc diễn hành sẽ đi trên đại lộ Bolsa, bắt đầu từ ngã tư với đường Magnolia và kết thúc ở Bushard.
Trong cuộc diễn hành này có nhiều xe hoa, đặc biệt là dàn quân xa các quân binh chủng, đơn vị, quân trường và trung tâm huấn luyện, cùng một số chiến cụ, như hai chiếc trực thăng HUEY UH1, đại pháo 106 ly không giựt,… của Quân Lực VNCH.
Cuộc diễn hành diễn ra trong khoảng 4 tiếng đồng hồ và kết thúc lúc 12 giờ trưa cùng ngày.
Dưới đây là một số hình ảnh của cuộc diễn hành trên đường Bolsa sáng nay.
Một chiếc xe hoa được làm công phu tham gia diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn diễn hành của Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
 (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các em thiếu nhi trong Ban Nhạc của trường 
Sarah McGarvin Intermediate. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Đoàn diễn hành của Tết Parade. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đời sống thanh bình của người dân miền Nam dưới thời VNCH. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tái hiện trận Ngọc Hồi của Hoàng Đế Quang Trung. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
 
Trực thăng HUEY UH1. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đại pháo 106 ly không giựt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn quân xa của Quân Lực VNCH. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn quân xa của Quân Lực VNCH. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn của tổ chức VPDCA. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe của đoàn cảnh sát Orange County.
 (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe của Hội Ái Hữu Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn diễn hành của Chương Trình Việt Ngữ. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn diễn hành của Chương Trình Giáo Dục Song Ngữ Anh Việt,
 Học Khu Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe diễn hành của Disney Land. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các Thiếu Sinh Quân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các Thiếu Sinh Quân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Lá quốc kỳ VNCH sẽ dẫn đầu trong đoàn diễn hành năm nay. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn rước quốc kỳ của VNCH và Hoa Kỳ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Lân mừng pháo trong lễ khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đốt pháo khai mạc diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Thị Trưởng thành phố Westminster Trí Tạ và Giám Sát Viên 
Orange County Andrew Đỗ phát biểu tại lễ khai mạc.
 (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Chuẩn bị cho lễ khai mạc diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ban nhạc của trường trung học Bolsa Grande chuẩn bị tham gia 
diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Màn múa lân trong lễ khai mạc diễn hành. 
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Lần đầu tiên được ban tổ chức thiết lập khu ghế khách danh dự, 
riêng biệt bên cạnh sân khấu, có nhiều tầng, có phục vụ 
phần ăn sáng nhẹ và giải khát. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Friday, January 24, 2020

Con Quỉ Cái Tác Giả Phạm Thành Châu

Tù cải tạo về năm 1981, đáng lẽ phải về quê ở miền Trung như giấy ra trại chỉ định, nhưng tôi ở lì tại Sài Gòn, coi như dân lậu. Tù ra trại mà về miền Trung còn khổ hơn ở tù (thật) nữa. Bấy giờ ở miền Trung, Tỉnh, Thành phố, Quận, Huyện, Phường Xã nào cũng có những Hợp Tác Xã Mây Tre Lá Xuất Khẩu dành sẵn cho ngụy quân, ngụy quyền và gia đình tham gia sản xuất xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tù cải tạo về là được ưu ái trở thành xã viên ngay. Xã viên tù được đưa lên núi, bứt tranh, bứt đót (làm chổi đót) về làm hàng xuất khẩu. Chính quyền chở tù lên gần núi, bỏ đấy, độ vài tuần sau lên chở về. Tù phải tự túc lương thực, thuốc men, mùng mền chiếu chăn... vào rừng, lên núi, tự kiếm lấy chỗ mà ăn ở, chính quyền không biết đến, miễn sao đến ngày xe lên chở mây, tranh, đót về mà không đủ tiêu chuẩn (số lượng, chất lượng) qui định thì phải ở lại, tiếp tục bứt tranh đót còn thiếu cộng với tiêu chuẩn của kỳ kế tiếp. Chuyện thu nhập, xã viên không được thắc mắc, và ban chủ nhiệm hợp tác xã cũng không quan tâm. Họ cứ trả lời là hàng đưa đi rồi phải chờ "trên" bán được cho nước ngoài mới có tiền !

Ở Sài Gòn, tôi làm đủ thứ nghề. Từ bồi bàn, bán vé số, sửa xe đến đạp xích lô. Khi chuyện tôi đang kể đây xảy ra lúc tôi bán bánh mì thịt nguội tại góc đường Hiền Vương, Duy Tân, đối diện với tiệm phở Hương Bình. Lề đường, chỗ tôi đăt xe là nơi tụ họp của mấy tay tứ chiếng giang hồ của xóm kinh tế mới Xóm Củi. Đây là những người từ kinh tế mới kéo về. Trước năm bảy lăm, họ là dân Sài Gòn, khi miền Nam sụp tiệm, họ được chính quyền việt cộng đưa đi kinh tế mới. Làm ăn trên kinh tế mới thất bại, họ kéo về Sài Gòn, ngủ bờ, ngủ bụi vì nhà cửa đã bán mất rồi. Họ thất bại ở kinh tế mới vì nhiều lý do, mà lý do chính là khi miếng đất được cấp phát để khai khẩn đã thục (trồng trọt được) thì nhà nước đuổi họ đi nơi khác, lấy đất làm nông trường hoặc cho đồng bào ngoài Bắc vào chiếm chỗ. Đúng ra nhà nước có cấp đất mới khác, (cũng hoang vu như trước đây, để khai khẩn tiếp) nhưng ai cũng ngán đến tận cổ rồi, họ bỏ về Sài Gòn. Gần mấy trăm nghìn người nằm đầy lề đường.

Nhóm "Kinh tế mới" chỗ tôi bán bánh mì được may mắn, ở trong một cao ốc (Building) cao gần chục tầng, nằm trong hẽm Trần Tấn Phát, là con đường nhỏ, song song với đường Hai Bà Trưng, thông từ đường Phan Thanh Giản qua đường Hiền Vương. Đây là cao ốc của một tay tư bản xây cho người Đại Hàn, Phi Luật Tân mướn. Sau bảy lăm, chủ bỏ chạy ra nước ngoài, cao ốc bỏ trống, vì thế dân kinh tế mới kéo vào ở. Sau nầy nhà nước Cộng sản muốn lấy lại, sửa chữa để làm Khách sạn, nhưng dân kinh tế mới không chịu dọn ra. Nhà nước mới nghĩ ra một cách là, ai chịu đi kinh tế mới lần nữa, hoặc chịu đi Nông trường thì sẽ được cấp một số tiền. Tiền đây là của một chú ba Tàu Đài Loan chi ra, chú thuê cao ốc nầy, sửa lại để làm khách sạn. Ai muốn tiền thì ký tên, lấy tiền, lên xe và sẽ được đưa lên Nông trường. Hôm đó, ai cũng nhận tiền và lên xe. Già, trẻ, lớn, bé chất đầy cả chục chiếc xe tải, chạy một hàng dài. Khi đoàn xe ra Quốc lộ thì đồng bào xin ngừng xe để đi tiểu. Mọi người xuống bờ ruộng tiêu tiểu. Họ ngồi trắng đồng. Bỗng nhiên có tiếng hô "Chạy bây !" Vậy là bọn thanh niên khỏe mạnh hò nhau chạy vào xóm, chỉ còn lại mấy ông bà già và bọn con nít (Chưa biết chạy). Công an đi theo cũng đành chịu. Thành thử bọn khỏe mạnh thì về lại Sài Gòn, người già với trẻ con thì lên Nông trường. Dĩ nhiên Nông trường đâu có chịu nhận những của nợ đó. Xe phải chở họ về lại Sài Gòn, nhưng cái cao ốc đã được rào kín, có công an đứng gác, không ai được héo lánh đến. Thế là họ ngủ lề đường.

Chỗ tôi đặt xe bánh mì là nơi các cậu kinh tế mới làm chỗ nhậu nhẹt. Ở Sài Gòn, dân vô sản chỉ cần có rượu là "chủ yếu" còn món đưa cay, nếu kẹt lắm, thì chén nước mắm ớt đường với cục sỏi bỏ trong đó là thành đồ nhậu, ai "lỳ một lam" (làm một ly) xong, bốc cục sỏi, mút cái chụt cho hết nước mắm ớt dính trên cục sỏi, xong bỏ vô lại trong chén cho người khác mút tiếp. Đôi khi họ cũng mua được một thau xí quách gà của tiệm phở Hương Bình, (Chỉ còn xương đúng nghĩa, sạch bóc như những nan quạt), đem về mút cũng phong lưu lắm rồi. Còn xương bò, heo, món xí quách cao cấp thì họ đâu đủ tư cách mà mong.

Buổi tối, khoảng tám, chín giờ, họ bắt đầu chương trình. Tờ báo trải ra, chai đế đặt ở giữa với cái ly nhỏ, một chút gì đó gọi là để đưa cay, một ca bự nước đá lạnh để "chữa lửa", thế là đủ cho cả chục người ngồi quanh khề khà với nhau. Nhậu hết họ sai thằng nhỏ nào lảng vảng quanh đó đi vô xóm mua rượu uống tiếp, đến gần sáng, khoảng một hai giờ, ai không có việc thì về nhà, "có việc" thì đi làm phận sự. Phận sự của mấy tay nầy là đào tường, khoét vách. Đó là nói theo "sách vở" chứ ở Sài Gòn, nhà xây, lấy gì mà đào, mà khoét. Thế nên việc của họ là bẻ khóa, trèo tường, nạy cửa... gì họ cũng lấy. Ban ngày họ đi lang thang trong các đường hẻm, chọn đối tượng và bắt đầu theo dõi sinh hoạt những người trong nhà. Thói quen ra sao, tài sản trong đó như thế nào, xâm nhập bằng cách nào ? Nói tóm lại là điều nghiên kiểu "tứ khoái, nhất mạn" (Làm gì cũng phải nhanh, chỉ dòm ngó nhà người ta là chậm). Khuya đến, họ ra tay. Họ thường đi với nhau vài ba người. Có khi thành công, có khi chẳng được gì. Nhiều lúc vào được trong nhà thì chủ nhà thức dậy. Thế là có một màn năn nỉ xin tha. Đại khái là "Xin các anh thông cảm, nhà tôi chẳng có gì đáng giá để các anh lấy đi. Xin quí anh đến nhà khác" Đó là những người khôn ngoan. Chớ dại mà la lối "Tao biết mặt tụi bây rồi. Tao đi báo công an còng đầu tụi bây" Báo công an thì công an ghi nhận để theo dõi, sẽ xử lý chứ công an cũng lo kiếm ăn, hơi sức đâu mà đi tìm bắt. Còn mấy tay đầu trộm đuôi cướp nầy chỉ lặn kỹ ít lâu, sau đó lại xuất hiện và đến nhà người đi tố cáo đó hăm dọa vài câu là chủ nhà mất ăn, mất ngủ. Con cái đi học, vợ đi làm, mình đi làm. Chẳng biết khi nào nó lụi cho một phát mà đề phòng, mà báo công an?

Chuyện nhậu nhẹt của mấy tay anh chị nầy đã làm khổ mọi người không ít. Rượu vào lời ra, cứ thế họ nói cười, cãi cọ, chửi lộn, đánh lộn rồi còn ca vọng cổ, ca Tân nhạc suốt đêm. Họ dùng cái thau nhôm đựng đồ nhậu gõ nhịp và đồng ca. Người trước, người sau, ai cũng cố sao cho tiếng hát của mình át tiếng người khác, thế là cứ ông ổng, lè nhè đến hai ba giờ sáng. Cả khu phố ồn ào còn hơn cái loa phóng thanh của ban văn hóa thông tin phường. Các nhà trên quãng đường Hiền Vương, Duy Tân quanh đó phải thao thức mà cầu nguyện các đấng linh thiêng "phù hộ" cho họ nhậu nhanh mà tan hàng cho sớm. Người chủ nhà có lề đường họ ngồi nhậu đau khổ hết sức mà không dám nói một tiếng. Bà ta cho tôi để xe bánh mì buổi tối là để choán chỗ, hi vọng họ sẽ đi chỗ khác mà nhậu. Vậy mà họ vẫn đến, vì lúc tôi đẩy xe bánh mì về, khoảng chín giờ tối là lúc họ mới bắt đầu chương trình. Bà chủ nhà nghĩ cách khác. Khi tôi đẩy xe bánh mì đi thì bà ta đem nước ra tạt ướt mem lề đường. Nhưng khổ nỗi Sài Gòn là xứ nóng, tạt nước độ mươi phút nước bốc hơi đi hết, lề đường thêm sạch mà lại mát mẻ, ngồi khoái cái bàn tọa, nằm ngủ lại càng sướng. Đôi khi họ ra sớm, ngồi nhậu ngay bên cạnh xe bánh mì của tôi. Thấy bộ dạng tôi, họ biết là tù cải tạo về nên rất tử tế, không làm phiền, đôi khi họ mời "Sư phụ, làm một ly cho ấm lòng !" Tôi lịch sự từ chối, họ cũng không nài. Đó là lúc họ mới khai mạc, khi họ xỉn mà từ chối thì coi chừng, ông thần ve chai đã nhập vào thì ông trời họ cũng coi như thảo giới "Sư phụ khi tụi nầy bụi đời nên không thèm uống với tụi nầy ?" Nhiều khi thấy tôi đẩy xe về thì họ dặn "Nhớ gửi xe bánh mì xong ra với tụi nầy, nghe sư phụ !" Vậy là tôi phải ra ngồi chầu rìa chứ biết nhậu nhẹt gì đâu. Tôi thích ngồi nghe vì ngôn ngữ của họ rất đặc biệt. Họ thường nói tiếng lóng với nhau. Tôi phải nhờ người bên cạnh giải thích ý của câu nói. Thế rồi, xuất hiện một nhân vật.

Bữa đó đang nhậu thì một tay lên tiếng. "Con Qủi Cái đến tụi bay !" Từ xa đi lại một chị đàn bà, trên ba mươi tuổi. Cả bọn xum xoe chào hỏi "Mời Chị Hai ngồi"

Thì ra tên "Con Quỉ Cái" chỉ để nói lén thôi. Cả bọn tránh ra một chỗ ngồi, một tên trải tờ báo ra, "Chị Hai" ngồi xuống, không buồn không vui và chị ta móc túi, lôi ra mấy tờ bạc "Qua tiệm phở coi còn xí quách không, nếu không lại đằng kia mua khúc chả lụa" Một cậu thò tay vơ bạc, đi nhanh qua bên kia đường "Thấy anh Hùng đến chưa ?" "Chưa thấy, ảnh đến là ngồi với tụi nầy rồi" "Mấy giờ rồi ?" Tôi nhìn đồng hồ "Gần mười giờ" Chị ta nhìn tôi "Ông Bánh Mì cũng nhậu à ?" 'Tôi ngồi làm con quạ" Cả bọn cười ồ. Trước đó tôi có kể một chuyện vui. Là có chị đàn bà bán rượu đi qua một khu rừng, mệt quá, nằm ngủ bên đường. Ngày xưa, đàn bà mặc váy, khi ngủ váy bị tốc lên. Mấy con quạ nhào xuống mổ "cái đó". Chị bán rượu bực mình bèn mở hũ rượu ra bảo lũ quạ "Uống đi, để yên cho ta ngủ." Vậy mà lũ quạ vẫn cứ nhè chỗ đó mà thò mỏ gắp nữa. Bực mình chị chửi "Tiên sư chúng mầy. Rượu không uống mà cứ nhè thịt gắp mãi !" Ý câu chuyện là mỉa mai mấy tên phá mồi là con quạ, rượu không uống mà cắm đầu ăn.

Tôi liếc trộm chị đàn bà, chị ta không cười. Dung nhan chị ta cũng không tệ lắm. Người có vẻ ốm yếu, khuôn mặt chị hơi thô, có góc cạnh như của đàn ông. Tóc tỉa ngắn đến mang tai, nước da trắng, cằm hơi bạnh, đặc biệt đôi mắt xếch, long lanh, ánh mắt lạnh lẽo, tàn nhẫn, khiến người khác e ngại. Khi chị ta liếc nhìn, tuy buổi tối, không thấy rõ, nhưng đôi mắt đó trông rờn rợn như phát ra ánh sáng của một lưỡi kiếm đang phạt ngang. Phải nói đây là cặp mắt có cô hồn, là mắt của người đã từng giết người. Tôi nghĩ vậy Nhưng dáng dấp đó thì làm sao mà giết được ai?! Trừ đôi mắt, chị ta chỉ là một người đàn bà tầm thường, chỉ xứng để nép vào cánh tay che chở của người chồng. Nhưng lối xum xoe của những tay đầu trộm đuôi cướp đối với chị khiến tôi cứ thắc mắc mãi, đoán chừng chị ta phải có một uy quyền khác thường nào đó khiến cho mấy tay giang hồ tứ chiếng nầy nể mặt.

Qua nhiều lần ngồi chầu rìa với mấy tay bợm nhậu, những lúc không có chị ta, tôi làm như vô tình, hỏi vài câu về con người kỳ lạ đó. Đại khái, họ bảo cách tốt nhất là đừng chọc cho chị ta giận, chị ta mà buột miệng rủa một câu thì hậu quả sẽ đúng y lời chị ta. Sở dĩ người ta biết được điều đó là vì một lần chị chỉ mặt một tên dân phòng và nói "Mầy dám đụng đến anh Hùng thì bỏ mẹ mầy nghe mầy" Số là chị ta cặp bồ với một tay tù cải tạo về, anh ta tên Hùng. Tay nầy đạp xích lô, buổi tối thường tấp xe trước cây xăng, ngay ngã ba Hiền Vương-Duy Tân để chờ người đẹp. Khi chị ta đến thì anh ta chở chị đi ăn nhậu với nhau. Một lần thấy chiếc xích lô tối nào cũng đậu ở một chỗ vào một lúc nhất định, công an khu vực Tư Được đến hỏi và đuổi đi, nhưng lần sau anh ta vẫn đến, có khi nằm ngủ luôn trên xe nên Tư Được mới dẫn dân phòng đến định bắt anh ta về Phường. Dân phòng là những cậu trai trẻ trong Phường, bị trưng dụng phụ giúp cho công an trong các vụ bắt bớ, tịch thu hàng hóa người buôn bán, chiếm lòng lề đường, buổi tối thì canh gác, theo công an tuần rỏn.

Khi Tư Được, công an khu vực, dẫn dân phòng đến định áp tải chàng đạp xích lô về công an Phường thì vừa lúc Chị Hai đến "Làm gì dữ vậy? Không cho người ta đậu xe thì để người ta đi. Anh nầy chờ ở đây để chở tôi đi công chuyện. Đi anh!" Chị ta leo lên xích lô thì một tên dân phòng, dựa hơi công an làm tàng "Phải bắt anh nầy về đồn công an". Tư Được, công an khu vực không nói gì nhưng tên dân phòng lại nắm tay Hùng xích lô lôi đi. Chị Hai hất tay tên dân phòng ra "Chết mẹ mầy nghe mầy! Buông ra!" Người ta xúm lại xem. Tư Được bỏ đi, tên dân phòng bị quê, nói vài câu hăm dọa vớt vát, nhưng hắn không ngờ câu rủa đó, khoảng mấy ngày sau trở thành "hiện thực". Mẹ tên dân phòng lăn ra chết. Người ta gắn câu rủa của Chị Hai với cái chết của mẹ tên dân phòng. Thực ra bà ta bị bịnh nặng đã mấy tháng nay rồi, nằm bịnh viện, bác sĩ chạy, khuyên đem về nhà chuẩn bị tang ma. Nhưng tin đồn cứ thế lan ra với biết bao tưởng tượng, thêm thắc khác. Nào là người nầy bị chị ta rủa mà bị xe tung, người kia bị mất xe gắn máy.

Chuyện đụng độ giữa tên dân phòng với Con Quỉ Cái thì tôi có thấy, vì xe bánh mì của tôi cách chỗ họ cãi cọ khoảng năm ba thước, nhưng phần sau, tức là phần mẹ tên dân phòng chết thì tôi không biết, sau đó mới nghe kể lại. Từ đó, không ai dám chọc giận chị đàn bà, sợ chị ta vô tình rủa cho một câu thì bỏ mẹ. Người ta gọi lén chị là Con Quỉ Cái.

Thế rồi Tư Được, tay công an khu vực bị dính chấu. Tư Được là Trung úy công an, từ Bộ đội chuyển ngành. Anh ta hơi nặng tai nên nói chuyện với anh ta phải lớn tiếng. Anh ta bảo, thời trong Bộ đội, phụ trách bắn B 40 nên bị ù tai. Anh ta rất "đàng hoàng", tuy đôi khi cũng ra oai cho đúng cương vị của mình, chứ chẳng làm khó dễ ai. Thời đó, làm công an khu vực, ai cũng sắm xe gắn máy, riêng anh ta chỉ có chiếc xe đạp cũ, chứng tỏ anh ta là người có lương tâm. Tôi vẫn còn nhớ ơn Tư Được đã không đuổi xe bánh mì của tôi. Tôi ở quận Mười, đến quận Ba hành nghề mà không nhờ người quen xin phép, tối thiểu là công an khu vực, đã là việc "Coi thường chính quyền địa phương" rồi, lại còn chiếm lòng lề đường để buôn bán thì chuyện bị hốt xe bánh mì về Phường chỉ là thời gian. Vậy là thời gian đầu, Tư Được dẫn xe đạp đến, vẻ mặt nghiêm nghị bảo "Dẹp vô ! Ai cho ông bán ở đây?". Tôi ú ớ, chẳng biết trả lời sao!? Tôi nghĩ đến cách mà người khác thường làm, là phải có gì đó cho anh ta mới mong yên thân. Tôi bèn nhờ một người quen chuyển đến Tư Được một số tiền. Tư Được không nhận. Nhưng kể từ hôm đó, Tư Được không đuổi xe bánh mì của tôi nữa. Mỗi khi tuần rỏn, anh ta dẫn xe đạp ngang qua trước xe bánh mì của tôi nhưng làm như không thấy tôi. Tư Được người Nam. Có lẽ thời ở trong bưng, anh ta bị sốt rét "ăn" qua lục phủ ngũ tạng nên mặt anh ta, xám đen, sần sùi kiểu người bị bịnh gan. Tôi không chứng kiến cảnh đụng độ giữa Tư Được với Con Quỉ Cái, chỉ nghe kể rằng Tư Được dẫn dân phòng bắt Hùng xích lô, Con Quỉ Cái lúc đầu năn nỉ, sau lớn tiếng cự cãi với Tư Được mà Hùng xích lô vẫn bị dân phòng bắt lên công an Phường. Đối với "Ngụy quân, ngụy quyền" thì nhà nước cộng sản, bất cứ cấp nào, xã hay Phường, ấp đều có quyền sinh sát vô tội vạ. Đến cơ quan nhà nước mà thấy người gác cổng (bảo vệ) quát nạt người nào trước cổng là biết người bị quát nạt là tù cải tạo về, đến xin giấy tờ gì đấy. Thời đó, vợ bỏ chồng, anh em xa nhau, bạn bè, xóm giềng tránh mặt bọn tù cải tạo về là chuyện bình thường. Thế nên chuyện Hùng xích lô bị bắt chẳng ai thắc mắc, chỉ có Con Quỉ Cái là lồng lộn lên, vì đó là người yêu của chị ta. Năn nỉ, rồi lớn tiếng lý sự cũng không hiệu quả, cuối cùng, chị ta nhẹ nhàng với Tư Được một câu "Anh Hùng mà không được thả ra thì khó sống đó nghe !" Tư Được rút súng ra "Mầy hăm dọa tao phải không?" "Tôi đâu có súng mà hăm dọa. Tôi nói tôi không gặp anh Hùng thì tôi không sống nổi" Vậy mà chỉ sáng hôm sau, nghe nói Tư Được phải lên công an Quận nhận Hùng xích lô về và trả lại chiếc xích lô. Có người phịa chuyện là tối đó, trong giấc ngủ, Tư Được bị ác mộng sao đó nên phải lo mà thả Hùng xích lô ra. Tôi nghĩ, có lẽ Tư Được nhân đạo thì đúng hơn. Đạp đổ nồi cơm của người khác, anh ta không muốn.

Mấy hôm sau vụ rắc rối, một buổi tối, hai anh chị, Hùng xích lô và Chị Hai (Con Qủi Cái) đích thân đến chỗ xe bánh mì của tôi, mời tôi đi nhậu. Tôi thối thác "Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị, nhưng tôi không biết nhậu" Hùng xích lô khẩn khoản "Tôi chỉ có anh là tù cải tạo với nhau, mời anh đến chung vui với hai đứa tôi." "Nhưng nhậu ở đâu?" "Gần đây thôi. Khi anh bán xong, dọn dẹp xe bánh mì là tụi nầy sẽ đưa anh đi" Tối đó, sau khi bán xong, gửi xe bánh mì, tôi đạp xe theo chiếc xích lô, có Con Quỉ Cái ngồi trên đó. Tưởng đến hàng quán nào đó, không ngờ lại vào một biệt thự đang xây dở dang "Nhà ai mà vô đây?" "Anh yên trí lớn. Đây là nhà cán bộ thứ dữ, chẳng ai dám động đến. Nhà thầu cho bọn nhân công ngủ lại để canh chừng vật liệu. Tối nào cũng nhậu lai rai. vì anh không chịu đi với tụi nầy, chứ tụi nầy thường kéo nhau về đây"

Ngôi biệt thự gần như đã hoàn tất, chỉ còn vách chưa quét vôi, vật liệu còn ngổn ngang. Chúng tôi lên tận lầu ba thì thấy đầy đủ mấy tay "Nhậu thường trực" ngồi ngoài hè phố, chỗ tôi hành nghề bánh mì thịt nguội. Đặc biệt, trong nhóm người ngồi quanh đó có một chị đàn bà, tuổi khoảng bốn mươi. Chị nầy thì tôi có thấy mấy lần đến nhậu với đám đệ tử lưu linh. Lúc nào chị ta cũng tỏ vẻ rất thèm rượu, nhưng chỉ vài ly là đã ngật ngừ say, lúc đó họ đuổi chị ta về nhà ngủ, vì nếu nhậu tiếp, chị ta sẽ nằm lăn ra đó ngủ luôn đến sáng.

Thấy Chị Hai và Hùng xích lô đến, cả bọn đứng lên đón mừng và mời ngồi vào chỗ được xem là long trọng đối với họ. Riêng tôi, họ bắt ngồi bên chị đàn bà mê uống rượu đó. Đúng là bữa tiệc thịnh soạn, có đủ heo quay, vịt quay, phá lấu... đặt trên một tấm ny lông, có chén đũa tử tế. Rượu thì để sẵn mấy chai. Cả bọn có vẻ nghiêm trang chứ không lốc chốc như thường thấy. Hùng xích lô có mấy lời. "Đáng lẽ chúng ta đến nhà hàng, nhưng không được tự do ăn nói. Bữa nay tôi mời quí anh chị đến là để chung vui với chúng tôi, trên ý nghĩa là tôi được công an thả ra, nhưng chính là để nói lời tạm biệt với các bạn. Lý do thì hai đứa tôi không thể nói rõ hơn. Bây giờ mời quí bạn tự nhiên"

Cả bọn, nãy giờ cứ nhìn các món "Nem công, Chả phượng" đó mà nuốt nước miếng, chỉ chờ câu nói vừa dứt là cầm đũa, nâng li. Có lẽ từ ngày "giải phóng" đến nay, họ chưa hề thấy miếng thịt quay, con vịt quay nên tối đó, họ gắp thật tình, vồn vã như lâu ngày gặp lại bạn tri âm. Cả tôi nữa, gần cả chục năm tôi mới được thưởng thức lại miếng thịt quay, phá lấu. Tôi không biết uống rượu, nhưng hôm đó cũng vui vẻ nuốt đại thứ nước thơm nồng nàn nhưng cay xé họng. Một cái li nhỏ dùng để rót rượu, mỗi người một li đầy, uống xong rót đầy, đưa qua người bên cạnh, cứ thế xoay vòng. Tôi nhấm một chút thôi, còn lại trong li, tôi đưa cho chị đàn bà ngồi bên cạnh cứu bồ. Rượu đi từ cổ họng xuống bao tử, đến đâu tôi biết biết đến đó. Chị đàn bà ngồi bên tôi được mọi người lưu ý là không được uống nhiều, phải ăn cho no trước đã. Chị ta không hề nói tiếng nào, không cười, không nhìn ai, chỉ chăm chú ăn và nhìn chừng cái li rượu để chờ đến lượt mình.

Rượu vào lời ra nhưng không ồn ào náo nhiệt như mấy bữa nhậu ngoài đường. Tôi đã thấm rượu, thấy ngầy ngật khó chịu định đứng lên thì một tay, có vẻ như đại ca đến lôi tôi ra ngoài hành lang "Tôi thấy sư phụ đỏ mặt là biết sư phụ sần sần trong người rồi. Bữa nay tụi tui để sư phụ được ưu tiên một, nghĩa là sư phụ chơi trước bọn nầy sẽ tiếp theo" Tôi ngạc nhiên "Còn mục gì nữa đây ? Tôi chơi môn gì mà được ưu tiên như vậy?" "Sư phụ vờ hay không biết thật?" "Tôi không biết thực mà ! Mục gì coi bộ hấp dẫn dữ vậy?" Anh ta nói tỉnh bơ "Con nhỏ ngồi bên sư phụ chịu chơi hết mình. Hễ nó nhậu vô, say rồi thì nằm đó, đứa nào muốn chơi cứ chơi. Tụi tôi thường dẫn nó lên đây nhậu rồi thay phiên nhau chơi. Bây giờ nó xỉn rồi, là lúc nó khoái mục đó lắm. Sư phụ chỉ cần nắm tay nó đưa vô phòng bên cạnh là nó sẽ ôm sư phụ cứng ngắt, không "làm" không được với nó đâu. Nó chửi cho" Tôi tìm cách thoái thác "Trước đây tôi cũng lính tráng, cũng chơi bời dữ lắm, nhưng khi đi tù về, tôi bị "liệt" rồi, chẳng làm ăn gì được. Nếu tôi dẫn cô ta vô phòng mà không làm gì cả thì chỉ làm trò cười cho các anh và cô ta thôi" "Hay là sư phụ vô phòng trước, tôi đưa nó vô sau. Trong phòng có chiếu gối sạch sẽ lắm. Đóng cửa lại là sư phụ yên tâm"

Anh ta nói cách gì tôi cũng lắc đầu. Khi vào lại chỗ ngồi, mọi người hình như đã biết chương trình được vạch sẵn như thế nên họ nhìn tôi cười cười, coi tôi như nhân vật chính quyền sắp cắt băng khánh thành một cơ sở quan trọng, nhưng anh chàng kia nói "Sư phụ không chịu" Bấy giờ chị đàn bà mới nhìn tôi ngạc nhiên, rồi chị ta làm như say, tựa người vào tôi. Nhưng tôi đứng lên nói lời từ biệt và cám ơn các bạn đã có hảo ý mời tôi nhậu còn cho tôi cái hân hạnh đặc biệt đó, nhưng tôi phải về vì tôi không muốn làm phiền chủ nhà thức khuya để chờ cửa. Hùng xích lô cũng đứng lên để tiễn tôi xuống lầu. Khi bắt tay từ giả, tôi hỏi "Lúc nãy anh nói tạm biệt, vậy anh đi đâu ?" "Chưa biết đi đâu, nhưng hai đứa tôi nhất thiết phải trốn khỏi vùng nầy. Anh coi. Ít bữa nữa công an sẽ túa ra tìm hai đứa tôi" "Hai ông bà có làm gì đâu mà họ phải tìm kiếm ?" "Tôi nói nhưng anh đừng cho ai biết. Con bồ tôi đã rủa là Tư Được khó sống, vậy là chỉ mấy hôm nữa thôi, nhiều lắm là vài tuần, Tư Được sẽ chết" "Bộ cô ta rủa ai là người đó lãnh đủ sao ?" "Nói chuyện chơi, nó có rủa cũng không sao, nhưng khi nó giận thực, nhất là có ai làm khó dễ tôi chuyện gì thì khó thoát khỏi tay nó. Rủa lúc đó xong, khuya về, nó ra trước sân, kêu tên kẻ thù rồi đọc thần chú lâm râm, thấy khiếp lắm !" "Anh mà dính với chị ta thì chắc chắn anh không dám mèo mả gà đồng rồi" "Nó tốt với tôi lắm. Tôi không nỡ phản bội nó đâu"

Quả nhiên độ một tuần sau, trong khi tôi đang bán bánh mì thì có một công an đến hỏi tôi "Có thấy thằng đạp xích lô tấp bên kia đường với con bồ của nó không ?" "Tôi không để ý nhưng hình như anh đạp xích lô và cô bồ anh ta không thấy xuất hiện" "Khi nào thấy thì chạy ngay đến công an Phường báo cho chúng tôi. Anh mà không báo cáo ngay hoặc báo động cho chúng nó biết để trốn đi thì đừng trách chúng tôi. Anh bị khép tội còn nặng hơn tụi nó nữa" "Tôi chẳng dại gì mà không đi báo cáo ngay. Xin quí anh yên trí"

Thế rồi cái đám nhậu đó thỉnh thoảng vẫn tùng tam tụ ngũ chỗ tôi bán bánh mì. Họ không hề nhắc đến Con Quỉ Cái và Hùng xích lô. Tôi sợ họ bị bắt, họ không dại gì mà xuất hiện ở vùng nầy, nhưng công an sẽ lùng sục khắp Thành thị, thôn quê, cũng có ngày họ bị dính. Mà nghèo như họ thì tiền đâu mà vượt biên !

Tết năm đó, đối với tôi cũng như ngày thường, vì tôi sống xa gia đình, một mình, trọ nhờ nhà người quen. Gia đình người nầy cũng nghèo, chẳng thấy sửa soạn tết nhất gì ngoài hộp mứt, vài cái bánh chưng để trên bàn thờ. Sáng Mồng Một, tôi đạp xe vào xóm kinh tế mới trong đường Trần Tấn Phát, vùng tôi hành nghề bánh mì thịt nguội, định gặp ai thì chào và chúc Tết vài câu cho ra vẻ mình cũng đón Xuân như thiên hạ. Nhưng dân kinh tế mới sống lề đường ở đó hình như không có lịch nên không biết Tết là gì. Chín mười giờ sáng Mồng Một mà họ vẫn còn ngủ trong mấy tấm ni lông, chỉ có vài người thò đầu ra khỏi mùng, ngồi ngáp vặt. Tôi gặp anh chàng đã cù rủ tôi "làm việc" với chị đàn bà tối hôm đó. Anh ta hỏi tôi "Đi đâu sớm vậy, sư phụ ?" "Đi chúc Tết anh đây" "Chúc thì tôi cám ơn chứ nhà cửa đâu mà mời sư phụ vô nhà" "Định mời anh lại đằng kia làm ly cà phê nói chuyện chơi" Chúng tôi ra góc đường có quán cà phê vỉa hè, gọi hai ly với vài điếu thuốc, ngồi phì phà. Tôi hỏi "Sao lối rày không thấy Hùng xích lô với chị bồ của anh ta ? " "Họ đi rồi" "Đi đâu ? Anh có biết tin tức của họ không ?" "Vượt biên" "Không chắc đâu. Tiền, vàng đâu mà vượt biên ?" "Con Qủi Cái coi lùi xùi vậy chứ khá lắm đó. Anh nó ở bên Mỹ, gửi quà về, tiền thiếu khối chi. Hai đứa đi mấy lần mà không lọt, lần nầy đã đến đảo. Có viết thư về. Họ hỏi thăm mọi người, cả Ông Bánh Mì, là sư phụ, họ cũng gửi lời thăm. Họ cũng nhắn lời thăm Tư Được, nhưng Tư Được đâu còn mà hỏi thăm" "Ủa, chớ Tư Được đi đâu ?" "Đi đâu ! Ung thư gan, vô bịnh viện mổ nhưng không chịu nổi. Chết rồi" "Tội nghiệp, Tư Được cũng là người tốt, không thấy làm khó dễ ai" "Nhưng thằng chả chơi dại, chọc Con Quỉ Cái, bị nó rủa cho. Con đó mà mở miệng rủa ai điều gì thì gặp ngay chóc điều đó"

Wednesday, January 22, 2020

Tản Mạn Mùa Xuân Năm Canh Tý - Mũ Đỏ Trương Văn Út

Mũđỏ Trương Văn Út (Útbạchlan)
Khi những ngọn Đông phong dịu dần và những cơn mưa lạnh buốt da thịt cũng thưa thớt đi qua, buổi sáng bầu trời bớt vẩn đục với nhừng làn sương mù mõng mãnh chỉ còn vấn vít trên cành cây ngoài sân vườn báo hiệu mùa Đông sắp tàn và mùa Xuân đang chạm ngõ, Tiết Xuân thổi hây hây như thúc giục cỏ cây đâm chồi nẩy lộc xinh tươi sức sống mới với muôn sắc màu và thoảng trong không gian như có hương vị của tình xuân ấm áp và hạnh phúc, bầu trời quang đãng với những tia nắng ấm phớt nhẹ, vài cánh én bay lượn kêu gọi nhau trong gió sớm là mùa báo hiệu bắt đầu cái gì đó mới và tốt đẹp hơn! Xuân là khởi điểm cho những hy vọng mới, sẽ được hạnh phúc hơn, được may mắn hơn, nghèo thì bớt nghèo, giàu thì giàu thêm tấn tài tấn lộc mà! Người người hớn hở chúc nhau như thế, còn có được hay không là do nỗ lực của chính mình để vượt qua những gì không được mấy tốt đẹp của năm cũ! Chúc cho nhau vượt qua những tị hiềm, ích kỷ nhỏ nhen thường tình của thói tục phàm nhân thường ngày, để con người xích lại gần với nhau hơn trong cảm thông chân thành, như tình là tình Xuân!

Những ngày cuối của năm Kỷ Hợi sắp hết, Tết Canh Tý đang chực chờ ngoài khung cửa thềm nhà. Có bao hiêu chuyện dang dở, những dự tính chưa thực hiện được của năm cũ vẫn còn vương đọng đâu đó trong nội tâm khi nhìn những tờ lịch cuối cùng của năm cũ xé bỏ trong tay, người ta mới giật mình tự vấn dường như suốt năm qua hối hả bon chen, tranh đua với cuộc sống xô bồ vật chất mà quên đi những giây phút dành cho mình một chút thư giản, thả hồn vân du thong dong, tự tại, thản nhiên trôi qua như dòng chảy thời gian mà cảm nghiệm vạn pháp trôi lăn là Đạo vốn tự nhiên hằng chuyển. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác kết thành một hành trình bất tận; nhưng đời người thì thật ngắn ngủi với chuổi gánh nặng oằn vai, vật lộn với miếng ăn manh áo, bệnh tật, buồn vui, thiên tai, thảm họa... ngần ấy cũng đủ khiến nhiều người có lúc muốn buông xuôi tất cả vì gánh gồng sao nặng nỗi; nhưng nợ hồng trần còn vương vấn mãi, nào ai thoát khỏi nghiệp dĩ trót mang? Rồi năm này nối tiếp năm kia thoáng chốc mà đã gần hết một kiếp người.

Tôi sinh ra ở Gò Công, và lớn lên với tỉnh lỵ nhỏ bé miền Nam này. Quê hương tôi nước mặn đồng chua, mỗi năm chỉ làm được một mùa lúa nhờ trời mưa xuống có nước tôi uống có ruộng tôi cày. Khi những đồng lúa chín bạt ngàn nặng trĩu hạt cong oằn thân lúa, là tôi biết mùa gặt sắp đến, ngay sau đó tháng giêng ta là tháng ăn chơi, tháng hai tây là tháng lập Xuân khí tiết dịu dàng êm ả như tiếng sáo diều lơ lững trên bầu trời xanh thẳm và cánh đồng trơ góc rạ khô hong mùi rơm ngay ngáy. Phố chợ bắt đầu tấp nập, những chiếc xe bò chất đầy dưa hấu từ miệt biển Tân Thành, ghe bầu neo ở bờ sông cạnh bến xe đầy ấp cây trái từ Chợ Gạo bằng đường sông tới đây, những lều chỏng lộ thiên được dựng lên ngoài nhà lồng chợ bày biện bánh mứt, quần áo, những đầu lân múa máy theo nhịp chiêng trống tùng tùng cắc cắc và tiếng pháo đỏ nổ vang làm cho không khí Tết mộc mạc hiền hòa của người dân tỉnh lẽ vui nhộn lên …! Tuổi thơ của tôi đã trải qua nhiều mùa Xuân trong cảnh thanh bình nhộn nhịp như thế với cha mẹ, anh em suốt thời gian Tết và trên bàn thờ những ngọn nến được thắp sáng liên tục, những bộ quần áo mới, trong tay là những bao lì xì màu đỏ có  tờ giấy hai đồng còn thơm phức màu mực in được xếp ngay ngắn bên trong.  

Hai mươi tuổi bước vào đời lính, bắt đầu hít thở tiết Xuân với mùi thuốc súng, ngắm sắc Xuân với màu thê lương tang tóc, tai không nghe tiếng pháo khích lân mà chỉ có tiếng đại pháo 130ly của địch từ xa vọng về. Từ khởi đầu mùa xuân Mậu Thân 1968 sau khi tôi tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, được nghĩ phép 10 ngày, vác sacmarin trình diện đơn vị đúng vào ngày 23 tháng chạp đưa ông táo về trời, trước đêm giao thừa Tết Mậu Thân một tuần lễ, tại thành phố Nha Trang với bãi cát trắng dài trườn mình dưới bầu trời trong xanh lác đác vài cánh én bay lượn trên những làn sóng bạc đầu từ ngoài khơi nhấp nhô tiến vào bờ. Thuở nhỏ tôi chỉ biết biển Tân Thành - Vàm Láng quê tôi, bãi biển đặc sệt bùn sình nước đục, đôi ba lần được đi Vũng Tàu với cha mẹ, anh chị em thì đã thấy Vũng Tàu đẹp như mơ rồi. Nhưng Nha Trang đúng nghĩa là miền quê hương cát trắng, có những đêm nghe tiếng sóng vọng lại ầm ầm xa đưa như hòa nhịp đời cùng sức sống yên vui của người dân thị thành. Người dân Nha Trang đã sống hòa mình với thiên nhiên trời xanh biển rộng vốn đã yên vui, nay còn vui hơn khi bóng dáng Xuân ngập tràn đường phố. Phường Mai nằm dưới chân Núi Đồng Bò với hằng vạn gốc mai vàng rực rở dưới nắng Xuân. Không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp trên phố chính Độc Lập kéo dài xuống đến tận chợ Đầm, người qua kẻ lại tấp nập ngược xuôi trộn lẫn với những lính chiến đủ màu quân phục. Quả thật Nha Trang không hổ danh là "Thành Phố Lính". Vào những ngày này, Tiểu Đoàn 81Biệt Cách Dù (TĐ81BCD) vừa trở về hậu cứ sau một tháng hành quân ở vùng tam biên Kontum, mang theo thân xác của Đại Úy Nguyễn Văn Nghi Đại Đội Trưởng Đại Đội 3 Biệt Cách Dù (ĐĐT-ĐĐ3BCD) vừa tử trận ở Pleimơrong trước đó vài ngày là dấu ấn của những bước chân đầu đời binh nghiệp của tôi bắt đầu từ Đại Đội này trong Tết Mậu Thân! Ôi,… Xuân khói lửa mang theo lưỡi hái tử thần đến cổng trại Lính nằm ven bờ biển Nha Trang mà gặt lấy bao linh hồn người tiếc nuối thế gian sao ngắn ngủi với tiếng cầu kinh và hồi chuông vội vã! Chỉ một tuần lễ sau trận đánh khốc liệt thì ở khu gia binh trong trại có cả trăm vành khăn tang trắng chít lên đầu cô nhi, quả phụ khóc than tức tưởi, hàng dài hòm gỗ cày hoa, phủ cờ với khói hương nghi ngút mùi tử khí rờn rợn thê lương u uất! Trận chiến nổ ra ngay trong đêm giao thừa Mậu Thân, khi người dân hiền hòa Nha Trang đang yên bình hạnh phúc trân trọng bày bàn thờ ra sân trước với lễ vật mâm ngũ quả, rượu trà, nhang đèn với tâm hồn nôn nao chờ đợi giây phút thiêng liêng thắp hương thành kính khấn vái lễ cúng Giao Thừa đón rước ông bà quá vãng về vui Xuân với con cháu thì bọn man rợ vô thần dép râu, nón tai bèo từ rừng rú, trà trộn vào làn sóng người  đi phố chợ Tết ém quân và vũ khí trong các ổ chuột giao liên, chờ giờ giao thừa pháo nổ vang dội mừng Xuân thì chúng túa ra đường xã súng vào những người lính canh gát ở cứ điểm trọng yếu và cố xâm nhập tấn chiếm doanh trại, các bộ phận khác chia từng nhóm nhỏ vũ trang theo sự chỉ dẫn của các  tổ giao liên nội thành đến từng nhà có ân oán giang hồ trước đó với chúng nó, nhất là những gia đình của cảnh sát đặc biệt, bắt tất cả mọi người trong gia đình trói gô sau lưng, xô đẩy quỳ trước thềm nhà bắn chết tại chỗ. Tiểu Khu Nha Trang báo động, Quân Trấn Nha Trang báo động, Yếu Khu Nha Trang gồm các quân trường Đồng Đế, Lam Sơn, Dục Mỹ báo động, tất cả các hạ sĩ quan, sĩ quan phi hành thuộc Không Đoàn 62 phải có mặt tại đơn vị ngay tức khắc bằng mọi phương tiện. Tiểu Đoàn 81Biệt Cách Dù (TĐ81BCD) là đơn vị tổng trừ bị không những của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà còn là đơn vị tổng trừ bị duy nhất của Yếu Khu Nha Trang nên tức tốc nổ súng chiến đấu với địch quân tại trận tiền, mặc dù số đông quân nhân đã được nghĩ phép về vui Tết với gia đình và doanh trại chỉ còn lại năm ba chục binh sĩ và Chỉ Huy Trưởng Yếu Khu Nha Trang là Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng kiêm Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt đang đồn trú ở Nha Trang. Vào lúc một giờ sáng, hơn 100 quân nhân các cấp TĐ81BCD với balô, súng đạn lên nòng xuất trại lao vào vùng chiến trận trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng, xông vào những mục tiêu bị chiếm đóng theo báo cáo, tình hình cấp bách không kịp điều nghiên trước nên không ngờ rằng địch quân đã nhanh chóng phối trí quân số và đặt vị trí súng nặng trên các tầng lầu cao dọc theo phố xá, nhà cửa của dân chúng dọc theo các trục tiến quân của quân ta. Thiếu Tá Lê Như Tú-Tiểu Đoàn Trưởng 81 Biệt Cách Dù (K11 ĐL) lãnh ngay một tràng 12ly7 vào ngực ngã bật ra sau, Đại Úy Nguyễn Văn Tùng-Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Biệt Cách Dù trúng đạn ngã quỵ xuống mặt đường còn cay nồng mùi thuốc súng, Đại Úy Trần Hoạt Thành-Đại Đội Trưởng Đại Đội 3 Biệt Cách Dù bị một tràng AK quét vào chân ngã nhào xuống như cây chuối bị đốn gốc và trước sau, trái phải không biết còn có bao nhiêu binh sĩ phút chốc trở thành tử sĩ! Rạng sáng ngày mùng một Tết, đơn vị tập hợp 90% gần như đầy đủ và tất cả trang bị tối đa hỏa lực xuất kích tấn công càn quét chớp nhoáng không bỏ sót một tên địch nào được sống còn tại thế gian.. Đại Úy Nguyễn Quang Vinh TĐ Phó (K14ĐL) bị một chiếc M113 cài số de vì ăn một quả B40 cán ngang người dập nát xương sống, tôi bị một mãnh B40 vào cánh tay trái, di tản ngay về bệnh viện Tổng Hành Dinh trị thương để mỗi buổi chiều ra hành lang ngồi nghe ngóng tin tức đơn vị của mình. Qua ngày mùng 2 Tết không còn nghe tiếng súng nổ, tất cả các yếu điểm của thị xã Nha Trang đã được chiếm lại bằng máu và xác cộng quân nằm rãi rác khắp phố phường, người dân đã phát hiện có những tên dép râu chạy lạc ra bờ biển bới cát, đào lỗ, chui thân ẩn trốn như loài đà điểu, dân nắm cẳng lôi ra cùng với một màn “thượng tay, hạ chân” cho vơi cơn tức giận rồi giao cho cảnh sát. Sang ngày mùng 5,6 tết, tôi và một số sĩ quan cấp úy của TĐ81BCD phải thay phiên nhau "hầu quan tài" của Cố Trung Tá Lê Như Tú, vị Tiểu Đoàn Trưởng mà tôi chỉ gặp mặt một lần duy nhất khi trình diện đơn vị các đây chỉ hơn một tuần lễ..

Mùa xuân và cái tết đầu tiên trong đời binh nghiệp của tôi là như thế đó. Nó bắt đầu bằng những tràng AK, 12ly7 nổ kinh hoàng trong lòng đường phố thị thay cho những tràng pháo giây nổ lốp bốp dưới chân đoàn lân nhảy múa đang chồm lên cây nêu để đớp lấy xâu giây tiền lì xì, hay ông địa bụng phệ phe phẩy cái quạt; cảnh tượng những quân nhân tản thương lom khom mau mắn khiêng băng ca vượt qua làn lửa đạn nguy hiểm bội phần để mang đồng đội của mình ra sau phòng tuyến với bông băng trắng tinh thấm ướt máu đỏ thay cho những tà áo dài đi trảy hội ở đền chùa, nhà thờ ngày Tết có tiếng tụng kinh phú chúc và lời cầu nguyện mười điều phúc thật thiên chúa toàn năng trước giờ lâm tử. Có nhiều  tiếng khóc thương bi ai thay cho những lời chúc thọ đầu năm, những cành mai vàng còn đang chớm nụ dọc theo phố phường Độc Lập vở chậu gãy cành tan tác thay cho xác pháo năm nào. Ôi… quả thật Xuân Mậu Thân là Xuân báo hiệu cho một chuổi dài mùa xuân “xa quê hường nhớ mẹ hiền” sau đó của tôi! Xuân Kỷ Dậu (1969) năm sau, tôi đón Tết ở Làng Cùa quận Hương Hóa - Quãng Trị, Xuân Canh Tuất (1970) “ăn” Tết ở Núi Bà Rá - Phước Long, Xuân Tân Hợi (1971) đóng quân “ăn” Tết ở biên giới Tây Ninh biên giới Việt - Miên, Xuân Nhâm Tý (1972) “đón” Tết ở Quãng Trị, Xuân Quý Sửu (1973) “ăn” Tết nằm ở bệnh viện Đỗ Vinh, Xuân Giáp Dần (1974) đón Tết ở Đèo Phước Tượng, Lăng Cô, Huế, đặc biệt Xuân Ất Mão (1975) “ăn” Tết trong tù! Thời gian không bao giờ ngừng lại, mặc cho thế sự thăng trầm, Xuân đến rồi Xuân đi, Xuân mang đến niềm tin yêu hy vọng rồi Xuân lại mang đi, những mùa Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm, những mùa Xuân nếu mai không nở bên triền đồi chân núi tôi cũng không biết Xuân đã về hay chưa, Xuân về những lúc băng giòng sông loang trăng đầy, “lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em”. Rồi cuộc sống cứ thế mà tiếp tục, đồng hồ thời gian vẫn cứ quay, có đến, có đi, nay đã 45 năm cái xuân trôi qua đời tôi với nổi căm hờn vong quốc ngập đầy niềm nhung nhớ bánh tét, bánh chưng với phong pháo đỏ. Mất nước là mất tất cả thì huống chi những mùa Xuân trên quê cha đất mẹ của mình. Bảy năm đón Xuân từ 1976 - 1982 lang thang không nhà không cửa, không gia đình dù vẫn ở quê nhà với thân phận đang bị tầm nã của lũ cú vọ rình rập từng giờ, hằng ngày. May mà vượt biển thoát thân được đến bến bờ tự do, tới nay đã trải qua 38 mùa Xuân tha phương nơi đất khách quê người. Hương vị Xuân và Tết của những ngày xưa thân ái như chỉ còn trong ký ức hoài niệm, lung linh ảo giác mùa Xuân của quê hương tôi, trên đất nước tôi thuở thanh bình ngày xửa ngày xưa, chợt đến, chợt đi khi mùa Giáng Sinh và Tết dương lịch vừa qua đi trên đất nước trú thân xinh đẹp này. Nay dù đã tuổi quá niên khi mùa Xuân vừa đến như chào bình minh trước ngõ nơi, tôi lại nhớ đến hàng me già dọc hai bên đường trước nhà ở quê xưa đâm chồi lá xanh non như chợt bừng tỉnh sau một giấc ngũ dài của mùa Đông. Tất cả như trở nên thơ mộng, mầu nhiệm dưới ánh nắng cùng làn gió mát dịu, sắc Xuân trải dài trên khắp nẻo đường làng quê, tiếng chim hót đâu đây khiến tôi bồn chồn, nôn nao như mong đợi và đã mong đợi Tết đến từ lúc còn tuổi thiếu niên tới ngày nay. Ôi đã qua lâu lắm rồi! 
   
Ở nơi đây, vào những ngày giờ này, cũng bàn thờ tổ tiên ông bà, cũng bánh chưng, bánh tét, nhang đèn ngũ quả, cũng cành mai vàng cấm khéo léo trong một bình sành cao cổ lủng lẳng năm mười bao lì xì đỏ hồng vàng óng ánh. Nhưng hình như tất cả những thứ đó mang máng đâu đây có gì không thật, không hồn khó diễn tả được trong tâm tình hoài niệm vấn vương ngày tháng cũ không phai mờ ký ức! Có biết bao hình ảnh quen thuộc đó như vết hằn ẩn tàng trong tâm thức thuở nhỏ mà nay đây bỗng dưng chợt cảm thấy xa lạ với quang cảnh hiện thời khi tôi cùng với vợ tôi lang thang trong các chợ Tết của người Việt Nam ở thành phố Houston có nhiều đồng hương sinh hoạt nhộn nhịp vào những ngày  gần Tết. Tôi đi rão loanh quanh tìm một người thân quen không có. Ông đi qua bà đi lại, kẻ ra, người vào cố tìm một người quen thân chào hỏi, chỉ thấy những gương mặt lạ quắc lạ quơ, tưởng như người đang đi trên phố Bắc mà tôi lại đi tìm ở phố Nam. Vợ tôi nấu mấy món ăn theo sở thích của chồng, Bắc thì có thịt đông, dưa chua, Trung thì có bún bò, bánh nậm, Nam thì thịt kho, dưa giá… Nhưng sao cảm thấy “nó” nhợt nhạt như bát nước ốc, không bằng một góc thịt ba lát với canh rau đai khi đón Xuân trên những đồi hoa sim tím thẳm rừng chiều dọc theo biên giới Việt - Miên - Lào bên cạnh những đồng đội đang ghìm tay súng, văng vẳng từ chiếc Radio ấp chiến lược phát tiếng hát "đón giao thừa một phiên gát đêm...". Trong chiến tranh, Xuân đến, Xuân đi, Xuân mang theo tuổi thanh xuân của tôi vào núi rừng bên cạnh bóng dáng tử thần như giỡn mặt trêu người.
  
Chiến tranh chấm dứt, thời bình với "mùa xuân đại thắng" của Văn Tiến Dũng và bọn đồ tể Bắc Bộ Phủ đã giết chết những mùa Xuân còn lại không những của tôi mà của cả dân tộc tôi, tôi không biết còn mấy “cái” Xuân nữa để mỗi buổi sáng thức dậy, bước ra phòng khách nhìn thấy những nụ mai vàng chớm nở, nghe tiếng hát  "đầu xuân năm đó anh ra đi, mùa xuân này nữa anh chưa về...."mới biết rằng mùa Xuân đang đến. Tôi cũng không biết những mùa Xuân tới, năm tới nữa, đầu óc tôi còn tỉnh táo để ngồi vào bàn mổ cò, gõ phiếm đôi ba giòng chúc vui, chúc khỏe, nhắn gửi cho mây gió ngàn phương mang đến cho bạn bè xa gần, và đón hồi âm vài ba bài thơ, dòng chữ “xuất khẩu” của bằng hữu thân thương ở hai đầu nỗi nhớ:

Sáng nay thức giấc, giật mình
Nhìn lên tờ lịch, thấy hình sắp rơi
Ngoài kia tuyết rụng tả tơi
Cái lạnh phủ kín quãng đời thương đau.
(Dương Thượng Trúc)

Nỗi thấu cảm bâng quơ len lén vào hồn, dụi mắt đôi lần để cố xua đuổi những cái không hay không tốt, những phiền não bực dọc khó chịu của năm qua, hy vọng một “cái” gì đó mới hơn, tốt hơn sẽ đến, có mang niềm hạnh phúc mới hay không chẳng cần quan tâm, chỉ biết rằng hạnh phúc mới hay cũ cũng là một sự hạnh phúc xẻ chia. Ta khư khư ôm chặt hạnh phúc một mình, hạnh phúc sẽ trở nên nhỏ nhoi, bé bỏng và tàn tạ. Ta chia xẻ cho nhiều người thì hạnh phúc như dâng tràn và nhân lên gấp bội. Xuân Canh Tý đang tới:“Xuân đang tới đây rồi, Xuân đang tới bên nầy, rồi sang bên kia”. Tôi cầu chúc cho quí thân hữu luôn được bình yên, hạnh phúc và thịnh vượng. Cầu cho thế giới hòa bình, con người xích lại gần nhau hơn. Dù cuộc sống hôm nay có bận rộn đến đâu hãy nhớ rằng tình yêu thương con người vẫn là thứ vô giá. “Nó” giúp ta có được những niềm vui trong cuộc sống đời thường nhưng rất vui tươi và mới mẻ, có thêm những tình cảm quý giá, những động lực để tiếp tục thực hiện những dự định của mình trên đường đời. Trái tim ai chẳng một lần rung động khi nhìn những chiếc lá non mơn mởn lung ling trước nắng Xuân ban mai báo hiệu hàng cây trổi dậy sau giấc ngủ dài  mùa Đông. Ngày xuân bên những nụ mai vàng rực rỡ tình Xuân phơi phới, hoa đào nở đỏ thắm lòng người như quên đi mọi ưu phiền của năm cũ để cùng với đất trời bước vào một năm mới với những ước vọng và niềm tin. Đi trong ngày Xuân, những hạt mưa bụi mờ có lẫn trong không gian thoang thoảng mùi hương trầm phảng phất, dẫu là người hờ hững đến mấy, nông nổi đến mấy cũng sẽ thấy lòng mình xao xuyến, bởi Xuân cũng là dịp để mỗi gia đình sum họp, Tết đoàn viên, là dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nhắc nhở con cháu về cội nguồn của dòng họ, của dân tộc đã được đúc kết thành một chân lý vĩnh hằng: “nước có nguồn, cây có cội, chim có tổ, người có tông”. Cũng có lẽ vì thế nên Xuân đến, Xuân đi, rồi Xuân trở lại, mỗi mùa Xuân là một mùa khắc khoải của nỗi nhớ mong! Và cũng bởi thế vẫn tiết Xuân sang, cho dù không biết đã lặp lại bao lần nhưng sao vẫn hồi hộp như lần hẹn đầu tiên làm tâm hồn cũng rạo rực đến diệu kỳ! Xuân tươi trẻ mới đến từng  bước chân, mới đến từng những khoảnh khắc ngạc nhiên về sự đổi thay sâu kín tận tâm hồn, khiến ta cảm thấy thời gian trôi nhanh tới không ngờ! Và ta đang đón mùa Xuân mới nữa lại về, mang theo hơi ấm nhẹ nhàng với những luồng sinh khí mới như lay động cỏ cây, đất trời và tâm hồn mỗi người để rồi ta chợt nhận ra mình đã bước sang tuổi mới. Xuân đến cũng mang theo bao nỗi niềm, bao hy vọng và những lời cầu chúc an lành cho năm mới, khiến lòng người thật xốn xang, bối rối. Đi trong ngày xuân bao nhiêu bộn bề lo toan bỗng tan biến chỉ còn cảm giác sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng lang bạt theo khí sắc của đất trời lãng đãng và chỉ muốn hít thật sâu không khí mùa Xuân vào lồng ngực, muốn đi thật chậm để được thả mình trong mùi lộc non, mùi hương các loài hoa phơn phớt cùng cái rét cuối mùa như bàn tay mềm mại, âu yếm vuốt ve.

Viết đến đây, cảm xúc về mùa Xuân cũng đã dâng đầy, như đẩy lùi mùa xuân Ất Mão năm 1975 oan khiên, nghiệt ngã vào quá khứ, tự đào huyệt mộ chôn nó vào tận tâm thức của mình, lắng tay nghe giọng ngâm tao đàn của người nghệ sĩ tài hoa Dương Thượng Trúc:

Thương cho mái tóc đổi màu
Đau vì năm tháng dãi dầu gió sương
Súng gươm gãy gánh giữa đường
Tình nhà nợ nước còn vương mối sầu. 
Thời gian vun vút qua mau
Chim xa lìa tổ, biết đâu ngày về
Trầm luân trong cõi u mê
Miếng cơm manh áo, bộn bề lo toan. 
Mội lần tờ lịch sang trang
Niềm đau cố quốc lại càng quắt quay.
Mỗi lần chợt tỉnh cơn say
Nghĩ về thân phận càng cay đắng lòng

Lạnh đâu chỉ tại mùa đông?Ấm đâu chỉ tại mùa Xuân? Tại vì Xuân đã mất khi xa quê mà không biết nước nhà sẽ còn không? Ngoài kia “Xuân đang tới bên này rồi sang bên kia” Thôi thì đón Tết Canh Tí:

Nghêu ngao vui thú yên hàn
Mai là bạn cũ, Hạc là người quen.


Mũđỏ Trương Văn Út (Útbạchlan)
Houston - Mùa Xuân Canh Tý 2020.

Saturday, January 11, 2020

12 Trung Tá Hoa Kỳ gốc Việt được đề cử thăng cấp Đại Tá năm 2019

Nữ trung tá không quân Đinh T. Tam, chỉ huy trưởng phi đoàn 71 quân y không quân. Ảnh của vance.af.mil
Nguyễn Quân
Theo thông báo trên các trang nhà của Quốc hội Hoa Kỳ (Congress.gov), phòng nhân viên không quân (Air Force’s Personnel Center), phóng nhân viên hải quân (Navy Personnel Command), và đoàn y tế công cộng (usphs.gov) phổ biến các bản danh sách sĩ quan cấp trung tá được đề cử thăng cấp đại tá trong năm 2019. Trong số đó, có 12 trung tá hải, lục, không quân và đoàn y tế công cộng Hòa Kỳ gốc Việt được đề cử thăng cấp đại tá, và đã được ủy ban quân vụ Thượng viện chấp thuận.


Danh sách 12 trung tá gốc Việt được đề cử thăng cấp đại tá:


Không quân:
Thái T. Van
Đinh T. Tam


Lục quân:
Diệp T. Khanh
Hà H. Anh
Mai R. Micheal
Nguyễn D. Jennifer


Hải quân:
Choate Paul L (Long Mỹ)
Liên Khon Han


Đoàn y tế công cộng:
Ngô Duy Khang
Phạm Jade Ariel
Trần Van
La Xuan Thang


TRUNG TA DIEP T KHANH, LUC QUAN HOA KY.jpg
Nữ trung tá lục quân Diệp T. Khanh, phụ tá tham mưu trưởng. kiêm trưởng phòng 1, sư đoàn 4 bộ binh đang chia sẻ với các sĩ quan trong đơn vị về biến cố 30 tháng 4 năm 1975 (Photo by Alexandra Flodin)
Trong năm 2018, có 16 trung tá Hoa Kỳ gốc Việt được thăng cấp đại tá. Riêng về người Việt mang cấp tướng trong quân đội Hoa Kỳ hiện nay có thiếu tướng Lương Xuân Việt, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản; Thiếu tướng Lapthe C. Flora, phụ tá Tư lệnh vệ binh quốc gia tiểu bang Virginia, kiêm Tư lệnh phó lục quân trừ bị, Bộ tư lệnh lục quân Hoa Kỳ tại Phi Châu (được đề cử thăng cấp thiếu tướng và đã được ủy ban quân vụ Thượng viện chấp thuận vào tháng 6 năm 2019); Chuẩn tướng William H. Seely III, tư lênh lực lượng đặc nhiệm liên minh quân sự Hoa Kỳ chống quân khủng bố ISIS tại Iraq; và phó đề đốc Nguyễn Từ Huấn, chỉ huy phó an ninh mạng kỹ thuật điện tử, Bộ tư lệnh kỹ thuật hàng hải hải quân Hoa Kỳ (NAVSEA).


Tính đến tháng 12 năm 2019, sĩ quan gốc Việt mang cấp bậc đại tá hải, lục, không quân, thủy quân lục chiến và đoàn tế công cộng khoảng 100 vị, không tính 13 vị đã về hưu và 1 vị đã qua đời. Ngoài ra, còn có nhiều vị đại tá mang họ và tên giống người Việt, nhưng chưa xác định được họ là gốc Việt, Hoa, Đại Hàn hay Mỹ !
Theo tài liệu lưu trữ trên trang Congress.gov, thì trong thập niên 80 đã có 2 trung tá bác sĩ quân y lục quân gốc Việt được đề cử thăng cấp đại tá, đó là trung tá bác sĩ quân y lục quân Nghiêm X Quang được thăng cấp đại tá vào năm 1983, và trung tá bác sĩ quân y Lục quân Nguyễn H Tu được thăng cấp đại tá vào năm 1986. Sang thập niên 90, trung tá bác sĩ quân y lục quân Nguyễn Dương cũng được thăng cấp đại tá vào năm 1992. Ba vị trên là những sĩ quan kỳ cựu gốc Việt mang cấp bậc đại tá sớm nhất trong quân lực Hoa Kỳ.


Dự đoán trong 100 đại tá Hoa Kỳ gốc Việt sẽ có vị được thăng cấp tướng vào năm 2020. Có một số vị đại tá rất nổi bật đang giữ những vị trí quan trọng trong quân đội Hoa Kỳ như: LBH, phó phòng hành quân, Bộ tư lệnh các lực lượng hạm đội (tiền thân là hạm đội Đại Tây Dương); PNT, sĩ quan tình báo hải quân Hoa Kỳ; HNT, trưởng phòng quân y lực lượng các chiến hạm, hạm đội Thái Bình Dương (Director of S2T2 for Naval Surface Force U.S. Pacific Fleet); HH, chỉ huy trưởng truyền tin, học viện không quân Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có một số vị đại tá khác đang giữ những cương vị chỉ huy không kém phần quan trọng như: Tùy viên cao cấp quốc phòng, công binh Lục quân, quân y không quân v.v… Họ cũng là những ứng viên sáng giá để trở thành những vị tướng trong tương lai.
Cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới vô cùng hãnh diện về sự cống hiến của tất cả những quân nhân gốc Việt đang phục vụ và chiến đấu trong quân lực Hoa Kỳ, những hậu duệ ưu tú của Quân, Dân, Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa mang giòng máu Việt làm rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam nơi xứ người.
Nguyễn Quân


Nguồn tài liệu: Congress.gov; usphs.gov; Navy Personnel Command; Air Force’s Personnel Center; vance.af.mil; Fort Carson Mountaineer; bienxua-16 Trung tá Hoa Kỳ gốc Việt được thăng cấp Đại tá năm 2018; veteranstoday.com.