Friday, April 24, 2020

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ MIỀN NAM SAU CUỘC CHIẾN - Trần Hoàng Yến

Ba tôi là một sĩ quan truyền tin của quân đội VNCH. Gia đình tôi sống trong Bộ Tổng Tham Mưu, gần sát phi trường Tân Sơn Nhất. Vì sống trong trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu nên ba tôi nói rất nguy hiểm và ba đã xây một cái hầm cho mẹ con tôi trốn đạn. Mẹ nói ba làm rất cực để giữ an toàn cho gia đình. Ba vì công việc nên đi hoài, mẹ ở nhà mỗi khi nghe đạn pháo nổ dắt chúng tôi chạy xuống hầm trốn đạn. Và ngày ấy đạn pháo bay như mưa, tôi còn nhớ cứ lâu lâu nghe tiếng súng bắn và nghe người ta la "chết rồi, máy bay cháy", hoặc "chết rồi, nổ rồi, cháy ..cháy" và trên radio thì cứ nghe bài hát "một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh…. ".
Rồi miền Nam thất thủ rơi vào tay giặc.
Gia đình tôi phải dọn ra khỏi trại lính. Ba tôi cũng như những người Sĩ Quan khác bị bắt ra trình diện, họ nói ba tôi chỉ cần ra học tập cải tạo 3 ngày rồi sẽ được về. Khi ba tôi ra trình diện họ bắt nhốt luôn trong tù.
Mẹ tôi ở nhà người ta tới nói gia đình tôi nếu đi Kinh Tế Mới (KTM) thì ba tôi sẽ được khoan hồng. Họ đã gạt mẹ tôi, dẫn mẹ tôi đi coi miếng đất ở Kinh tế mới và chỉ miếng đất ngon có cây trái xum xuê, nào ngờ khi về đó họ đưa cho mẹ tôi miếng đất phèn, cỏ tranh, lau sậy mọc đầy, cao qua khỏi đầu, một nơi chưa có người ở. Mẹ tôi phải mướn người làm sạch và cất lên cho gia đình tôi 1 cái nhà.
 
KINH TẾ MỚI
Rồi mẹ con dắt díu nhau về KTM nhưng vì đông con nên mẹ gửi tôi, đứa em gái và người anh ở lại Sài Gòn cho ông ngoại và bà cô nuôi.
Một năm sau mẹ lên đón hai chị em tôi về còn anh tôi ở lại Sài Gòn với bà cô. Gia đình tôi là gia đình đầu tiên về KTM, chị em tôi không đi học vì không có trường.
Tôi còn nhớ chính quyền ở KTM kỳ thị gia đình tôi, họ không kêu tên mẹ tôi mà hay nói móc gọi mẹ tôi là bà "Đại Úy ngụy". Và họ nói "Không bán Gạo cho Bà Đại Úy ngụy!". Dạo ấy tôi không hiểu, sau này lớn lên tôi mới hiểu vì sao, vì ba tôi là sĩ quan của chế độ cũ.
Vào thời bao cấp nạn đói tràn lan mấy mẹ con tôi phải ăn khoai mì thay cơm! Mẹ tôi nuôi gà, vịt, trồng trọt đủ thứ, nhưng vì miếng đất nhà tôi ở là miếng đất phèn nên cây trái trồng không đơm bông kết trái như ý mẹ mong muốn.
Bỏ quá nhiều tiền để mướn người trồng cây nhưng không thu lại được kết quả, mẹ tôi đành phải bỏ bầy con ở nhà, mỗi ngày lên tỉnh mua bán để kiếm tiền đem về nuôi chị em tôi. Có những hôm mẹ tôi đi bán tối về không còn xe nên phải lội bộ gần 5 km cây số, khi mẹ về được tới nhà thì trời đã gần sáng.
Mẹ tôi đi sớm lúc chúng tôi còn ngủ và khi mẹ về khuya thì chị em tôi đã ngủ nên chúng tôi rất ít thấy mặt mẹ. Tám chị em tôi ở nhà một mình, tự nấu ăn và đứa lớn trông chừng đứa nhỏ, lúc ấy chị lớn nhất của tôi mới 11 tuổi.
Hai chị lớn của tôi ở nhà trông em, còn tôi thỉnh thoảng phải theo mẹ đi bán, 3-4 giờ sáng tôi dậy đi với mẹ, phải lội bộ xa lắm mới ra được đầu đường để đón xe. Ngày ấy mẹ đốt đuốc đi trước, tôi mắt nhắm mắt mở lẽo đẽo theo sau, và thỉnh thoảng mẹ la to coi chừng rắn, tôi nhìn xuống thấy những con rắn mập, bự nằm cuộn tròn phơi sương. Cứ đi một đoạn thì thấy một con rắn, tôi nghĩ nếu bó đuốc của mẹ tắt thì tôi sẽ đạp trúng những con rắn này, vì sợ quá làm tôi tỉnh ngủ luôn. Ký ức này ám ảnh theo tôi hoài có lẽ vì vậy tôi không thích sống ở làng quê.
KTM chỗ chúng tôi ở là vùng đất hoang, chưa có nhiều nhà ở, xa xa khoảng 500m mới có 1 căn nhà. Vì đang ở Sài Gòn mà bỗng dưng bị bắt về một vùng quê hẻo lánh ít có bóng người, tối thì đốt đèn dầu, ngủ nghe tiếng cóc nhái kêu làm tôi cảm thấy rùng rợn, tối nào ngủ tôi cũng chui vào giữa mấy chị nằm cho chắc ăn và an toàn.
Rồi một ngày em tôi bị “ma giấu” (1 hiện tượng có thật cho em tôi, mà tôi khó cắt nghĩa theo khoa học) mẹ tôi sợ quá không còn muốn ở lại KTM và mẹ quyết định bỏ nhà để lên thành phố sống. Chính quyền địa phương tức giận mẹ tôi nói "ma quỷ" là "Mỹ qua" và họ không cấp hộ khẩu cho gia đình chúng tôi. Tôi còn nhớ mẹ tôi lúc đó cũng phải trốn đi từ từ, không dám công khai dẫn chúng tôi đi cùng một lúc mà mẹ chia ra ba đợt để Chính quyền đừng nghi và không bị họ làm khó dễ. 
 
VỀ THÀNH PHỐ
Lên thành phố mẹ tôi chạy chọt khắp nơi, cuối cùng cũng xin được hộ khẩu và chị em tôi được đi học lại.
Rồi mẹ tôi quyết định buôn thuốc Tây, vì buôn bán thường thì không đủ nuôi 9-10 miệng ăn. Thời gian đó thuốc Tây là hàng quốc cấm, chỉ có hợp tác xã mới được bán. Vì vậy, những tiệm thuốc tây tư nhân phải đóng cửa, họ còn hàng nên giấu, lòn bán ra bên ngoài cho những con buôn. Mẹ tôi mua đi và bán lại.
Có những ngày tôi theo mẹ lên Sài Gòn lấy thuốc, tôi phải ngồi ngoài chợ giữ giỏ thuốc cho mẹ, nếu lỡ có bị Công an bắt thì hàng không bị mất hết. Mẹ đi gom thuốc, 2-3 tiếng mẹ đem lại bỏ giỏ cho tôi giữ rồi lại đi tiếp, cứ thế tôi phải ngồi đó một mình cả ngày để đợi mẹ nhiều lúc tôi giận mẹ lắm vì mẹ bỏ tôi ngồi một mình cả ngày ngoài chợ. Giờ nhớ lại tôi thấy cũng tội nghiệp mẹ, vì mẹ không có nhiều tiền nên lội bộ lấy thuốc chỗ này một chút, chỗ kia một chút nên mới lâu.
Chiều về thì mẹ con tôi và những bạn hàng phải đứng nép vào trong bóng tối thì xe mới dám ngừng để đón khách, có những lúc phải leo lên những chiếc xe hàng cao, người lên trước phải phụ giúp kéo người ở dưới lên cho lẹ để xe chạy không thôi bị Công An bắt hết.
Một lần mẹ tôi trải thuốc bán ở chợ, Công An tới, mọi người ôm đồ chạy nhưng vì đa số là đàn bà nên chạy không kịp và họ bị bắt, mẹ tôi cũng trong số đó. Mẹ kêu tôi chạy về báo bà Sáu biết, tôi lúc ấy mới lên 8, làm gì biết đường về, vì mỗi lần theo mẹ chỉ lẽo đẽo theo sau chứ có bao giờ để ý, mà cũng không biết tên bà là gì, chỉ biết gọi bà là bà Sáu và biết bà là em bà ngoại vậy thôi. Vậy mà lúc đó không hiểu sao tôi diễn tả bà Sáu có những người con tên Tòng, Hà, Phong...thì người ta biết và chỉ đường cho tôi và tôi đã về được nhà bà để cầu cứu.
Chuyện đời có đôi khi cũng lạ, Công An thường thì hống hách ưa đi bắt nạt người dân và hay bắt những người bán thuốc tây, nhưng cũng có lúc họ phải đi năn nỉ. Có một bạn hàng là bạn của mẹ tôi dẫn một ông cán bộ cao cấp tới nhà, năn nỉ mẹ tôi kiếm giùm cho ông 1 chai nước biển vàng vì sáng hôm sau 8 giờ sáng mẹ ông lên bàn mổ cần nước biển mà ông tìm hoài không ra.Thời đó nước biển vàng khan hiếm lắm. Mẹ tôi sợ không dám bán nhưng ông năn nỉ quá mẹ thấy cũng tội nghiệp nên kêu ông ra chợ Sài Gòn đợi sẽ có người đem tới bán cho ông và khi mẹ ông mổ xong, ông tới cảm ơn mẹ tôi rối rít và muốn đền ơn nhưng mẹ tôi không dám lấy vì sợ ông quật ngược lại bắt mẹ.
Khi khá chút mẹ tôi bắt đầu dự trữ thuốc tây ở nhà để bán, và nhiều người tới nhà tôi mua, họ không mua của hợp tác xã vì tôi nghe họ nói thuốc ở đó không tốt, chữa không hết bịnh, còn hàng mẹ tôi là thuốc thiệt và tốt vì mẹ tôi lấy từ những nhà thuốc tây tư nhân bị đóng cửa và ai cần thuốc gì thì mẹ tôi lên Sài Gòn lấy.
Những ông Công An phường bắt đầu canh me, khi thì chận đường bắt lấy giỏ thuốc của mẹ tôi và có lần họ vô xét nhà, tịch thu hết thuốc, mẹ tôi năn nỉ, khóc lóc xin đừng lấy vì mẹ cần tiền để nuôi con nhưng họ vẫn lấy. Mẹ tôi tức quá khóc kêu chị tôi đi mua cho mẹ chai thuốc rầy để tự tử, chị tôi lúc ấy còn con nít, ngây thơ, tưởng thiệt nên chạy đi mua. Giờ nhớ lại tôi thấy họ là những người vô cảm, tôi còn biết hàng xóm ghét cái ông công an tên Hùng, dân ở đó ghét gọi là Hùng mặt chuột vì ông ưa canh me lấy hàng của người khác.
Nghĩ lại những ngày đó thấy thương mẹ tôi, công trình đi lấy thuốc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn đi và về cũng rất xa, nhưng bị Công An tịch thu hết, mất hết vốn mẹ tôi phải làm lại từ đầu.
 
TRẺ EM RA ĐƯỜNG KIẾM SỐNG
Có lần mẹ tôi bị bắt giam cả tháng trời trong nhà tù Mạc Đĩnh Chi chỉ vì cái tội bán thuốc tây, Mẹ tôi khóc miết vì không biết bên ngoài đàn con sống như thế nào.
Thời gian mẹ ở tù, 2 chị em tôi thay mẹ lên Sài Gòn lấy hàng. Chị lớn tôi năm ấy 13 tuổi và tôi lên 10, chị dặn tôi ngồi ở bến xe Xa Cảng Miền Tây đợi, chị đi lấy hàng rồi hai chị em sẽ về trước chuyến xe cuối cùng. Tôi đợi mãi cho tới khi trời tối và chuyến xe cuối cùng đã chạy nhưng chị không tới. Tôi đã khóc vì tôi không biết kiếm chị tôi ở đâu, tôi lại không có tiền mà cũng không biết phải làm sao vì trời đã tối. Cũng may có hai mẹ con thấy tôi đứng khóc và biết tôi lạc chị nên đã kêu tôi vào ngủ chung với họ để đợi trời sáng rồi đón xe về. Và đêm ấy tôi không dám ngủ nằm thút thít mãi cho tới khi trời sáng.
Sáng hôm sau tôi lên 1 chiếc xe, nghe nói xe về Mỹ Tho nơi tôi ở, tôi ngồi sát trong và cầu mong cho họ đừng thấy tôi và đừng đuổi tôi xuống xe vì tôi không có tiền nhưng may sao ông lơ xe chỉ thu tiền những người khác mà không thu tiền của tôi, tôi thấy ông ngó tôi rồi ông quay đi. Lúc đó tôi mừng quá thầm cảm ơn Trời, Phật đã che chở cho mình và cảm ơn ông đã không đuổi tôi xuống xe.
 
CÔ GiÁO TÔI
Chị em tôi ngày học ngày nghỉ và tôi thường hay đi học trễ. Một lần tôi bị cô giáo la: "Hoàng Yến, tại sao em đi học trễ hoài?" Bị cô la trước cả lớp làm tôi khóc vì quê. Tôi trả lời cô: "Dạ, thưa cô em phải tắm 5 đứa em". Nghe tôi nói cô dịu giọng xuống không còn la, cô hỏi tôi: "Vậy chứ mẹ em đâu, sao mẹ em không làm?". Tôi không thể nói mẹ tôi đang bị ở tù nên trả lời: "Dạ, mẹ em đi đâu em không biết nữa cô". Cô hỏi: "Mẹ em đi lâu chưa?" và tôi nói "Dạ, cũng lâu rồi cô." Cô làm thinh một lúc lâu, cô nói: "Chắc mẹ em đi vượt biên, cửa nhà em bằng gì?". Tôi chỉ biết cửa nhà tôi màu bạc nhưng bằng sắt, bằng nhôm hay bằng thiết có bao giờ tôi để ý, nên tôi nói đại "Dạ, chắc bằng sắt". Sau này tôi để ý lại mới biết cửa nhà tôi bằng thiết. Cô đã không la tôi nữa và tôi thấy nét mặt cô đăm chiêu có gì đó hơi buồn trong ánh mắt cô, cô nói nhỏ “em về chỗ ngồi đi”.
Sau đó tôi thường vắng mặt, cô kêu mấy bạn tới thăm tôi và coi cửa nẻo nhà tôi có chắc không về báo lại cho cô? Và khi tôi đi vượt biên cô không biết vẫn để dành phần thưởng cuối năm cho tôi và chị tôi lãnh thế. Chị tôi kể lại làm tôi rất cảm động. Có lần tôi thấy cô ngồi bán bánh ngoài chợ sau giờ dạy học, có lẽ cô cũng có nhiều khó khăn.
Đó là những cô giáo "ngụy" mà chính quyền mới thiếu người nên vẫn còn để các cô dạy. Những cô giáo của thời VNCH đào tạo còn sót lại, hiền lành, thương yêu trẻ và giúp đỡ các em học trò trong những hoàn cảnh khó khăn. Ngày tôi ra đi tôi rất nhớ cô và nhớ các bạn, nhớ mái trường xưa, nơi tôi đã từng học và nơi đó đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm.
Rồi mẹ tôi buôn bán để dành được ít tiền cho chị em tôi lần lượt vượt biển. Cuối cùng cả gia đình tôi cũng được đoàn tụ ở Đức.
Tuy sau này ba, mẹ tôi không sống chung với nhau nữa nhưng chúng tôi luôn tôn trọng ba, mẹ. Cuộc đời mẹ tôi đã quá khổ vì các con nên mẹ tôi đi thêm bước nữa chúng tôi vẫn vui và tôn trọng vì mẹ cũng cần phải có người lo cho mẹ. Ba tôi sau khi ra tù cũng lập gia đình khác, chúng tôi có thêm 3 người em ở VN và chúng tôi thương yêu nhau như trong 1 nhà. .
Đó là câu chuyện buồn của gia đình tôi, khi cộng sản vào chiếm miền Nam đã làm cho nhiều gia đình tan nát. Cuộc sống ngày nhỏ của tôi luôn thiếu vắng hình ảnh của cả cha lẫn mẹ nhưng giờ nghĩ lại tôi chắc vào thời điểm đó còn có nhiều gia đình và nhiều đứa trẻ khác còn khổ hơn gia đình tôi rất nhiều.
Những người phụ nữ miền Nam sau cuộc chiến, họ từng là những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng vào thời điểm đó họ trở nên mạnh mẽ, cứng rắn, chịu thương chịu khó, thay chồng lo cho đàn con, dù khó khăn cực khổ cách mấy họ cũng vượt qua. Mẹ tôi là một trong số những người phụ nữ mạnh mẽ ấy. Dù mẹ ở hoàn cảnh nào cũng không bao giờ bỏ rơi đàn con của mình. Chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì có mẹ chúng tôi mới có được ngày hôm. nay.
Trần Hoàng Yến

Tuesday, April 21, 2020

Huyền Thoại Về Tình Báo Bắc Việt Và Cuộc Chiến 1975 - Trọng Đạt


Tình hình chung.
Cách đây mười năm tôi đã viết bài “Chuyện gián điệp và cuộc chiến 1975”, nay cũng viết về đề tài này nhưng ngắn gọn và chú trọng vào chủ đề chính nhiều hơn
Ngày 7-11-1972 TT Nixon tái đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay: 96% phiếu Cử tri đoàn (520/17) hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu. Nixon thắng phiếu Ctđ trên 49 tiểu bang trong khi Mc Govern chỉ thắng một tiểu bang và DC (Thủ đô), Nixon đã đem quân về nước, lập lại hòa bình trong danh dự, Hiệp định Paris gần ký, VNCH không sụp đổ, ông cũng hòa được CS Tầu tháng 2-1972 và CS Nga tháng 5-1972.
Tuy thắng lớn, Cộng Hòa vẫn giữ Hành Pháp nhưng đối lập Dân Chủ giữ ưu thế Quốc Hội: Tại Hạ Viện họ giữ 56% (242/192), Thượng Viện họ giữ  56% (56/42), Dân Chủ lại được Truyền thông và Phản chiến ủng hộ nên rất mạnh. Các vị Trưởng khối, chức sắc Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu... đã yêu cầu TT Nixon và Kissinger phải sớm ký kết Hiệp định Paris, chậm nhất là cuối tháng 1-1973, nếu không họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh đưa quân về nước (2).
Giữa tháng 12-1972 CSBV phá hòa đàm, bỏ họp về Hà Nội hy vọng Quốc Hội Mỹ ra Luật chấm dứt chiến tranh, khỏi cần phải họp hành cho mệt. TT Nixon bèn cho mở trận Mưa bom Giáng Sinh Linebacker II, trút 20,000 tấn bom lên đầu CSBV tại Hà Nội, Hải Phòng buộc chúng phải trở lại bàn Hội nghị.
Nixon phải nhượng bộ để cho BV đóng quân ở lại miền Nam vì Quốc Hội không muốn kéo dài đàm phán, họ luôn đe dọa ra Luật chấm dứt chiến tranh, đem quân về nước.
Tổng Thống Nixon nói sau ngày ký Hiệp định Paris 27-1-1973 miền Nam mạnh hơn miền Bắc về mặt quân sự (3). Đầu năm 1973, sau khi Hoa Kỳ đã rút quân về nước, VNCH rất mạnh về quân sự. Cuộc oanh tạc của Mỹ chấm dứt cùng với ngưng bắn.
 
Richard Nixon   *   Nguyễn Văn Thiệu
Hoa kỳ đã làm nghiêng cán cân về phía VNCH bằng sự cung cấp ồ ạt cuối năm 1972 qua hai chiến dịch lấy bí danh là Enhance (Gia tăng) Enhance Plus (Gia tăng Cộng). Những hàng quân sự trao cho miền Nam gồm ba tiểu đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, 286 chiếc trực thăng UH-1, 23 chiếc trực thăng không vận CH-47, 22 chiếc trực thăng vũ trang AC-119K, 28 chiếc máy bay chiến đấu A-1, 32 máy bay vận tải C-130A, 90 oanh tạc cơ loại nhẹ A-37, 118 phản lực cơ chiến đấu F-5A và và 23 phi cơ thám thính điện tử EC-47. Bắc việt cũng vội chuyên chở vũ khí cho quân đội của họ ở miền Nam nhưng với số lượng thua xa Mỹ .
Quân đội VNCH chiếm ưu thế trên khắp các mặt trận, BV bị thiệt hại rất nặng trong trận thảm bại 1972. VNCH kiểm soát các khu vực sầm uất thịnh vượng, các đường giao thông, khu đông dân cư, kiểm soát 80% đất đai và 87% dân số, Hà Nội thông báo cho các lực lượng của họ ở miền Nam biết phải chở ít nhất từ 3 cho tới 5 năm sau mới thực hiện được tổng tấn công: Một Tướng lãnh CSBV viết:
“ Quân đội ta kiệt lực, các đơn vị tan rã. Chúng ta vẫn chưa bù đắp nổi chỗ thiếu hụt. Chúng ta thiếu nhân lực cũng như lương thực và đạn dược, rất khó đương đầu với địch”.  (No More Vietnams, p. 171)
Nhưng chẳng bao lâu, 6 tháng sau Hiệp Định Paris, giữa năm 1973 Quốc Hội Dân Chủ cắt viện trợ VNCH từ 2 tỷ 1 năm 1973 còn 1 tỷ 4 cho năm 1974 và năm 1975  chỉ còn 700 triệu (4), giữa năm 1973 Quốc Hội cũng cắt hết ngân khoản oanh tạc Đông Dương của Hành Pháp.
Dân Chủ chiếm đa số Quốc Hội, họ kết hợp với Phản chiến và và Truyền thông nên rất mạnh. Sau khi TT Nixon từ chức, cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 4-11-1974 khiến Dân Chủ thêm 49 ghế thành 291 (67%), Cộng Hòa mất 48 ghế chỉ còn 144 (33%), tại Thượng Viện Dân Chủ chiếm 60 ghế (60%), Cộng Hòa 38 ghế (38%).
 
   Văn Tiến Dũng   * Cao Văn Viên
Trong khi ấy viện trợ của CS quốc tế cho BV năm 1973, 1974 không thay đổi, họ mang vào Nam nhiều súng đạn hơn vì không còn bị oanh tạc trên đường mòn Hồ Chí Minh. Trong cuộc Hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh VN vào ngày 14 và 15-4-2006 tại Sài Gòn, Viện Lịch sử quân sự VN đã cho biết. (5)
-Trong giai đoạn 1969-1972 Tổng số hàng viện trợ của CS quốc tế riêng về vũ khí gồm 684.666 tấn
-Trong giai đoạn 1973-1975 Tổng số viện trợ của CS Quốc tế riêng về vũ khí gồm 649.264 tấn
Như trên số vũ khí họ mang vào Nam qua hai giai đoạn ngang nhau. Viện trợ vũ khí của CS Quốc tế cho CSBV không thay đổi.
Ngoài ra theo Kissinger, cuối năm 1974, một viên chức cao cấp Nga, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Viktor Kulikov có tới Hà Nội, những tháng sau đó số viện trợ quân sự do tầu Nga chở tăng gấp 4 lần trước (Soviet shipments of materiel increased fourfold in the months that followed) (6)
Năm 1973 Miền Nam còn rất mạnh nhưng từ năm sau, họ cắt giảm Viện trợ quân sự 50% mỗi năm, trong khi đó VC vẫn vi phạm Hiệp Định, đánh phá khắp nơi. Ngày 30-6-1973, Quốc Hội cắt ngân khoản oanh tạc Đông Dương gồm Nam VN, Bắc VN, Miên, Lào... khiến cho Nixon bị trói tay, không còn quyền hành đành phó mặc cho CSBV tự do xâm chiếm miền Nam (7).
Trong khi miền Nam dân chủ tự do, miền Bắc  nằm dưới ách ách độc tài của Lê Duẩn mà giới nghiên cứu Tây phương gọi là độc tài theo kiểu Staline. Từ năm 1960 khi Lê Duẩn nắm quyền sinh sát cho đến ngày y nhắm mắt năm 1986, suốt một phần tư thế kỷ đất nước không lúc nào ngớt cảnh máu chẩy thịt rơi.
Chiến lược thí quân kinh hoàng của Duẩn khiến người Mỹ cũng phải sợ, một Thiếu tướng Mỹ bi quan nói cho dù ta giết hết VC cũng không thắng nổi. Lê Duẩn đã phung phi xương máu của thanh niên miền Bắc để thỏa mãn tham vọng bệnh hoạn của y như thế nào.
Phim The Vietnam War 2017 chiếu cảnh các cán binh BV lục soát trực thăng Mỹ bị bắn rơi để tìm đồ hộp, họ nói bộ đội chỉ được cấp gạo và muối, phải tự tìm đồ ăn, bắt chim, chuột, hái rau rừng.. .  CS đã bóc lột tàn nhẫn xương máu người lính.
 
Đường mòn HCM
Trong cuốn 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh của tác giả Đặng Phong (xuất bản 2008, Hà Nội) trang 54 viết:
“Đại Tá Nguyễn Danh nói về các trạm lúc đó: “Gọi là trạm thực ra chỉ là một góc rừng quy ước với nhau để đến đó giao hàng, chứ có lều lán gì đâu! Mùa khô ráo anh em gom lá cây lại, lót tạm mỗi người một cái ổ, hệt như ổ lợn rừng, lúc nào ngủ thì rúc vào đó. Vài ba ngày sau rời trạm sang góc rừng khác, lại phải tãi ổ ra, trả lại lá rừng như cũ để xóa dấu vết. Khổ cực nhất là những tháng mùa mưa, có đêm phải trùm nylon ngồi dựa lưng vào gốc cây mà ngủ và ngủ vật. Chúng tôi sống như vậy không phải một tháng, một năm mà những ba năm liền...”
Chế độ đã hạ thấp giá trị con người xuống hàng súc vật, khốn khổ đến thế là cùng.
Tình báo CSBV
Vấn đề đặt ra là tình báo CSBV có biết miền Nam VN bị kiệt quệ về tiếp liệu, đạn dược do cắt giảm của Quốc Hội Mỹ hay không? Theo Kissinger thì họ có biết, ông dựa theo báo Học Tập của đảng CSBV, họ theo dõi việc cắt giảm viện trợ của Mỹ như sau:
“Hỏa lực ngụy suy giảm rõ rệt, trong quí ba 1974 hỏa lực quân ngụy giảm khoảng ba phần tư so với năm 1973. Số phi vụ của máy bay chiến thuật địch chỉ vào khoảng một phần năm (1/5) so với năm 1972.  Số máy bay của miền Nam đã giảm tới 70% so với thời kỳ chiến tranh giới hạn (thời TT Johnson), số máy bay lên thẳng giảm tới 80%.... Bom đạn trong kho của quân ngụy đã giảm và chúng cũng gặp khó khăn vô cùng về thiếu nhiên liệu cũng như bảo trì, sửa chữa, và xử dụng các loại máy bay, xe tăng, tầu chiến và vũ khí nặng (8)
Về điểm này ông Cao Văn Viên nói (9):
Xin sơ lược: Một bài viết tháng 1-1975 trên tạp chí Học Tập của CSVN mở Hội thảo lần thứ 23, họ sắp mở cuộc Tổng tấn công miền nam VN và kế hoạch của họ. Phía VNCH, ngày 6 tháng 12-1974, TT Thiệu chủ tọa một buổi hội thảo cao cấp tại Dinh Độc Lập. Buổi họp gồm các vị Tư Lệnh Vùng và các Sĩ quan cao cấp. Buổi họp kết luận năm 1975 CS sẽ tấn công miền Nam để phá hoại cuộc bầu cử VNCH năm 1975 và gây tiếng vang trong cuộc tranh cử Mỹ năm 1976.  Buổi họp kết luận cán quân quân sự nghiêng về phía địch, chúng đã chở vào Nam đủ đạn dược cho cuộc Tấn công kéo dài 18 tháng.
Trong Decent Intreval của Frank Snepp, văn phòng CIA ở Sài Gòn đã cho biết về buổi họp này: Một điệp viên trong bộ tham mưu thân cận của Tổng Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Sài Gòn cho Bắc Việt, (Trần Đông Phong có trích dịch chi tiết này trong cuốn VNCH, 10 Ngày Cuối Cùng).
Chuyện gián điệp tại dinh Độc Lập chắc có thật vì Tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy trận chiến xâm lược miền Nam 1975 đã ghi nhận trong hồi ký như sau: (10)
“Theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, trong dinh Độc Lập, Thiệu họp với bọn Tư lệnh các quân đoàn, quân khu ngụy để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định.
Trong năm 1975, ta có thể đánh với qui mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc  thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa. .. . . . . .
. . . . . . .    Do nhân định như vậy, chúng không thay đổi thế bố trí chiến lược mạnh hai đầu (quân khu 1 và quân khu 3) và chúng cũng chưa có sự tăng cường lực lượng gì lớn ở quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên.    (Trang 40, 41)
Trang 28, 29 trong cuốn hồi ký kể trên, Văn Tiến Dũng nói:
“Hội Nghị Bộ Chính (18-12-1974 tới 8-1-1975) có ý nghĩa lịch sử. . . . . . .
. . . .  Bộ Chính trị nêu quyết tâm “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện .  .  .  .  .  tạo điêu kiện chín mùi tiến hành tổng công kích, Tổng khởi nghĩa..”
Kế hoạch của Hà Nội đã được ghi nhận như sau:
“Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính Trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.”
Như vậy rõ ràng là CSBV không hề hay biết miền Nam đã gần hết đạn, ông Cao Văn Viên trong cuốn The Final Collapse (2003) kể trên đã nói rõ trong trang 90 như sau:
“Tháng 2-1974, chúng ta làm một dự đoán, căn cứ vào mức tiết kiệm tối đa trong vấn đề tác xạ, đến tháng 6-1975, số đạn tồn kho sẽ tuột xuống còn 57 tấn hay chỉ đỉ cung ứng cho chiến trường trong vòng 24 ngày...”
Trang 92 ông nói vào đầu năm 1975, đạn dược các loại súng lớn, nhỏ chỉ đủ dùng khoảng 30 ngày, nghĩa là một tháng.
 
Tường trình chiến sự: Bộ tham mưu CS Bắc Việt

Tiếp liệu của VNCH đã cạn chỉ còn đủ xử dụng tới đầu năm 1975 thế mà Hà Nội đã thảo kế hoạch xâm lăng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976. Họ phải bỏ hai năm mới chiếm được miền Nam thì ta đủ thấy tình báo chiến lược CSBV tồi tệ, gà mờ cỡ nào? Trong phim tài liệu Việt Nam Thiên Sử truyền hình (Vietnam History by Television) tôi xem ở VN giữa thập niên 80, Tướng Văn Tiến Dũng trả lời phỏng vấn ngoại quốc cũng nói y như thế. Bộ Chính Trị đã dự trù kế hoạch 2 năm 1975 và 1976 để xâm chiếm miền Nam. Họ cho người rình rập nghe ngóng nhân dân, đưa nằm vùng vào lãnh thổ quốc gia làm gián điệp thì không ai bằng, sự thực địch chỉ lấy được những tin lặt vặt về chiến thuật và không có khả năng thu lượm những tin tức có tầm vóc chiến lược..
Henry Kissinger dẫn báo Học Tập nói CSVN đã biết tình trạng thiếu hụt của miền Nam. Nhưng BV chỉ dựa vào các tin tức từ truyền thông Mỹ về việc Quốc Hội cắt giảm viện trợ, cụ thể chúng không biết tường tận chi tiết việc thiếu hụt trầm trọng của ngụy quân.
Sáu tháng sau Hiệp Định Paris, Quốc Hội Dân Chủ Mỹ cắt giảm viện trợ VNCH 50% cho tài khóa năm sau, đồng thời họ cũng cắt ngân khoản các cuộc oanh tạc Đông Dương của Hành Pháp. Mỹ sẽ không còn oanh tạc yểm trợ tại Đông Dương nữa dù CSBV vi phạm ngưng bắn, dù chúng đưa quân xâm chiếm miền Nam.
Trong trận Tổng công kích của BV từ tháng 4 tới tháng 9 năm 1972, mặc dù Quân đội VNCH đầy đủ tiếp liệu nhưng vẫn phải nhờ vảo hỏa lực yểm trợ của Không quân Mỹ. Nay nửa triệu quân Mỹ và 50 ngàn Quân đồng minh đại Hàn, Úc...  đã rút đi, VNCH phải gánh vác toàn bộ chiến trường với quân viện cắt giảm và không còn yểm trợ của B-52 nên không thể nào tự vệ nổi. Thật buồn cười là khi VNCH đang chết dở vì thiếu thốn, CSBV quá mạnh nhờ viện trợ của CS Quốc tế mà chúng đã dự trù hai năm để chiếm miền Nam!!
  
B52 * SAM-5 *  SAM 75
Tháng 12-1974, trong cuộc Hội thảo cao cấp tại Dinh Độc Lập, TT Thiệu vẫn lạc quan tin tưởng địch không đủ mạnh để đánh vào các thành phố lớn, ông vẫn tin tưởng Hoa Kỳ sẽ không bỏ miền Nam, sẽ tiếp tục viện trợ để giữ vững mảnh đất này, có lẽ Hà Nội cũng tin như vậy.
Toàn bộ lực lượng bộ binh chính qui của BV được đưa vào Nam năm 1975 gồm bốn Quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Quân đoàn đoàn 232, mỗi Quân đoàn có 3 Sư đoàn tổng cộng 15 Sư đoàn, cộng thêm một Sư đoàn đặc công và trên 10 trung đoàn độc lập (11) Tổng cộng vào khoảng 20 Sư đoàn bộ binh. Năm 1972 VNCH đầy đủ nhiên liệu và đạn dược mà còn phải dựa vào yểm trợ của B-52, trái lại năm 1975 thiếu thốn mọi mặt, hoả lực VNCH giảm 60% vì cắt viện trợ xương tủy trong khi lực lượng BVgấp hai lần năm 1972, vũ khí đạn dược gấp ba lần năm 1972 (Báo Saigon giải phóng 1976 tiết lộ). Tình hình 1975 bi đát như thế mà cuối năm 1974 ông Thiệu vẫn vẫn chủ quan tin tưởng CSBV chưa phục hồi được sau trận mùa hè đỏ lửa, họ chưa có khả năng đánh vào các thành phố lớn.
Thiếu Tướng Trần Văn Nhật, cựu Tư lệnh Sư đoàn 2 nhận xét  ông Thiệu không có tầm nhìn xa:
“Việc ông sửa đổi Hiến Pháp để làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa chứng tỏ ông đã không nhìn thấy việc Hoa Kỳ sắp bỏ rơi Việt Nam và đã làm xáo trộn thêm tình hình chính trị trong nước. Như tướng Khiêm phải ra mặt chống đối Tổng Thống Thiệu vì ông Thiệu không giữ lời hứa là sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống thì tới phiên ông Khiêm.”    ( Cuộc Chiến Dang Dở trang 273)
BV chỉ biết miền Nam hết tiếp liệu khi có cuộc triệt thoái miền Trung tháng 3-1975, Ban Mê Thuột thất thủ ngày 11-3, hôm sau 12-3 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho VNCH.
Quân viện cho miền Nam 1975 chỉ còn 700 triệu, họ đưa trước 400, và từ chối đưa tiếp phần còn lại. BV chỉ mới biết miền Nam đã kiệt quệ đạn dược qua báo, đài. Khi miền Trung sụp đổ, Hà Nội vội vã đưa nốt 3 Sư đoàn tổng trừ bị (thuộc Quân đoàn 1) ở ngoài Bắc vào Nam để tấn công Sài Gòn trước mùa mưa, chúng dốc toàn lực vào Nam đánh một trận “xả láng sáng về sớm”. Kissinger nói trong phiên họp Nội các:
“Toàn bộ lực lượng của Quân đội BV đưa hết vào Nam, ta chỉ cần một Lữ đoàn Thủy quân lục chiến có thể chiếm miền Bắc: Một sự vi phạm Hiệp định Paris trắng trợn” (12)
Sau khi Quốc Hội từ chối khoản viện trợ cứu nguy, ông ta nói: “chúng ta không còn tiền để chơi tiếp ván bài, We have no chip left”
 
Di tản miền Trung
Giữa tháng 12-1974 Hà Nội đưa 3 sư đoàn chính qui tấn công Phước Long để thăm dò Mỹ, ngày 7-1-1975 họ chiếm được toàn tỉnh. (“Phuoc Binh was a test case.” Kissinger, Years of Renewal trang 484)
Ông Thiệu không cho tiếp cứu lấy lý do không đủ lực lượng, nhiều nhận định nói ông cố tình để mất với mục đích chờ Mỹ cứu. TT Ford chỉ phản đối xuông nên BV chuẩn bị đánh tiếp những trận đẫm máu để chiếm miền Nam.
Ngày 16-3-1975 ông Thiệu cho lệnh triệt thoái Quân Đoàn II tại Cao nguyên kết quả là 75% lực lượng bị hủy hoại sau khi về tới Tuy Hòa ngày 27/3. Quân đoàn I cũng sụp đổ ngày 29/3. Một phần do sự sai lầm của ông Thiệu nhưng nguyên do chính là sự kiệt quệ tiếp liệu do cắt giam viện trợ, khi ấy Hà Nội mới biết VNCH gần hết đạn, thiếu săng, tiếp liệu...
Nhiều người chỉ trích TT Thiệu tháu cáy Mỹ, giả vờ thua chạy tại Cao nguyên để hy vọng họ oanh tạc cứu nguy nhưng ông quá lạc quan, người ta đã có chính sách rút bỏ Đông Dương
Larry Berman nói người Mỹ chấm dứt can thiệp một cách có danh dự bằng Hiệp Định. Người dân, Quốc Hội sẽ không còn nghĩ tới việc yểm trợ cho đồng minh vì một nguyên nhân (cuộc chiến) gần như đã hết rồi (13)
Sau trận Tết Mậu Thân 1968, người Mỹ quá chán chiến tranh VN, họ biểu tình dữ dội liên tục đòi phải rút bỏ Đông Dương, sự sụp đổ của miền Nam đã bắt đầu từ tháng 2-1968, TT Johnson người đã nắm giữ vận mệnh Đông Dương và sự sinh tồn của mảnh đất này quá nhiều lầm lẫn.
Di tản Miền Trung
Cho dù ông Thiệu chống đối ký kết Hiệp Định cũng chỉ là hành động đơn phương không ảnh hưởng gì tới người Mỹ. Các vị Trưởng khối Quốc Hội đã cho Nixon biết nếu VNCH không chịu ký kết họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh rút quân về nước, tình hình sẽ vô cùng thê thảm.
Kết luận
Nếu CSBV biết miền Nam hết đạn, cạn kiệt tiếp liệu họ sẽ tấn công sớm hơn ít nhất là 6 tháng hay từ đầu năm 1974.
Nửa năm sau Hiệp Định Paris, tức tháng 6-1973, Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm 50% viện trợ quân sự cho VNCH, đồng thời họ cũng cắt hết ngân khoản oanh tạc Đông Dương của Hành Pháp Nixon (14) là lúc miền Nam đã bị trói tay chờ chết.
Trước và sau 1975 nhiều người miền Nam ca ngợi tình báo CSBV thật tài tình vì sau ngày 30-4, tại các cơ sở tôn giáo, hành chánh, thậm chí cơ quan cảnh sát, quân đội.. đều có VC nằm vùng. Người ta phục CS cài người giỏi, khi nghe tin tại Dinh Độc Lập có VC nằm vùng ai nấy đều thở dài bi quan vì địch đã biết hết mọi chuyện cơ mật rồi.
Nhưng thực ra BV chỉ hù dọa đối phương và “nổ zăng miểng”, bằng chứng là chuyện to đùng ngay trước mắt mà chúng không hề  hay biết, nhờ đó miền Nam còn tồn tại thêm được hơn một năm.
Nhiều người chê trách ông Thiệu nếu cứ tiếp tục đánh hồi tháng 3-1975 thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Thực ra với tình hình cắt giảm viện trợ xương tủy của Quốc Hội Dân Chủ như thế ta chỉ kéo dài cuộc chiến thêm mấy tuần hay một tháng là cùng, nó sẽ gây thêm tang thương đau khổ một cách vô ích.
Nhưng sự sai lầm của ông Thiệu cũng đã mang lại nhiều cái hay khác. Nếu ông đích thân ra mặt trận hối thúc binh sĩ chiến đấu tới cùng như quân Đức vào tháng 4-1945 tại Bá Linh thì không những cả hai bên đều thiệt hại nặng mà địch sẽ tàn phá miền Nam vô cùng tàn nhẫn. Chúng sẵn sàng cắm cờ trên đống gạch vụn của Nha Trang, Sài Gòn, Đà Nẵng... Chúng sẽ tàn sát tù binh và tắm máu miền Nam y như hồi Tết Mậu Thân năm 1968.
Nói ra thì chuyện đã rồi, cuộc chiến tranh VN tùy thuộc vào quân viện, bên nào nhiều tiếp liệu đạn dược thì bên đó thắng. Người Mỹ quá sợ hãi cuộc chiến tranh Việt Nam vì không biết bao giờ nó mới chấm dứt và nhất là địch sẵn sàng đem mấy chục cán binh đổi mạng một tên lính Mỹ để thúc đẩy phong trào phản chiến.
Sau một phần tư thế kỷ can thiệp vào Đông Dương nay họ đành dứt bỏ ra đi, một phần vì quá chán nản với cuộc chiến tranh dài nhất của Thế kỷ và vì lý do của cuộc chiến nay đã không còn.
Vấn đề đăt ra là nước Mỹ có bị sứt mẻ uy tín khi phản bội các đồng minh Việt Mên Lào của họ hay không? Dĩ nhiên là có, nay mặc dù các quốc gia Đông Nam Á đang hốt hoảng vì hiểm họa Trung Hoa đỏ nhưng họ cũng không theo Mỹ như ta đã thấy.
Lê Duẩn, người nhiều quyền lực nhất tại miền Bắc đã gặp nhiều may, nếu không có phong trào phản chiến thì dù y có đầy thêm một vài triệu thanh niên vào chỗ chết cũng chỉ làm mồi cho Pháo đài bay B-52 một cách vô ích.
Những người hân hoan sung sướng nhất của cuộc chiến 1975 là các bà mẹ miền Bắc: con em họ từ nay sẽ không phải phơi thây trên dẫy Trường Sơn hay bỏ xác tại mảnh đất xa xăm phía Nam của đất nước.
Những kẻ đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, núi xương sông máu sẽ phải đời đời đắc tội với Non sông Tổ quốc.
 
Viết cho ngày 30-4-2020
 
Trọng Đạt
---
(1) Tập Hồi Ký cuối cùng của tác giả Kissinger, dầy 1,100 trang
(2) Larry Berman:  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam- trang 200.
(3) No More VietNams, trang 1970, 1971
(4) Kissinger trong Years of Renewal trang 471
(5) BBC Vietnamese.com ngày 10-5-2006 Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh, Cuộc Hội thảo tại TP HCM ngày 14 và 15-4
(6) Years of Renewal, Indochina tradegy- The Beginning of  the End, trang 481.
(7) Richard Nixon, No More Vietnams trang 180
(8) Years of Renewal trang 480
(9)The Final Collapse, Những Ngày cuối của VNCH, Nguyễn Kỳ Phong dịch, năm 2003 (trang 94- 97)
(10) Đại Thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2003
(11) Cao Văn Viên Những ngày cuối của VNCH trang 158. Nguyễn Đức Phương,  Chiến tranh VN toàn tập trang 901
(12) Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam- trang 266.
(13) Sách kể trên, trang 200
(14) Richard Nixon, No More Vietnams, trang 180

Monday, April 13, 2020

Bốn Đại tá trốn trại tù “cải tạo” - Võ Hữu Hạnh

....Anh em chúng tôi đó! Những NGƯỜI HÙNG sau cuộc chiến! Không thành công đã thành NHÂN! Dù không còn ai có thể nhận ra các anh, vì các gương mặt đã bị bầm dập tan nát sau trận mưa đòn thù....
 
Những năm dài tháng tận rồi cũng trôi qua trong nhọc nhằn khổ sở cả thể xác lẩn tinh thần. Thắm thoát đã hai năm qua ở mảnh đất tận cùng biên giới phía Bắc Việt Nam này. Hàng ngày chúng tôi phải dậy thật sớm trước khi tiếng kẻng rùng rợn vang lên giữa đêm giá rét O độ của miền Bắc rẻo cao này, để xếp hàng làm vệ sinh cá nhân, vì hể một khi tiếng kèn đã nổi lên rồi thì mình sẽ không còn là mình nữa,mà là một con trục quay cuồng trong guồng máy luyện thép khổng lồ.

Thời gian đó các cai tù phân công chúng tôi ra từng cặp một trẻ một già, một khoẻ một yếu để vác một cây bồ đề dài khoảng 6 thước, chu vi chừng vài tấc trở lên qua đoạn đường rừng gần 10 cây số, mỗi ngày cặp tù nhân đó phải vác đủ ba chuyến như thế cho đủ chỉ tiêu. Lúc dó khoảng 4 giờ chiều, tôi và một anh bạn trẻ đang khiêng một cây Bồ Đề to lớn, đã cố sức vượt qua bao nhiêu ngọn đèo, chỉ còn một đèo chót là đến nơi đang xây dựng bệnh xá được xây thêm cho càng ngày càng có thêm bệnh nhân tù.

Trời mưa tầm tã, dưới chân chúng tôi nước chảy thành dòng như muốn cuốn trôi mọi thứ, chúng tôi phải hết sức kềm chân cho chặt vừa phải oằn vai chịu sức nặng đẫm nước của cây tươi vừa đốn hạ. Bỗng nhiên anh bạn gánh vai sau trợt chân té ngửa, buông rơi cả thân cây to, khiến đầu cây còn lại đập mạnh vào hông phải tôi. Đau đón tôi ngất lịm, chân bị trật cả gân lẫn xương. Tôi vào bệnh xá dể được một ông y sĩ Trường Sơn, mỗi lần chữa bệnh, vừa xem cuốn sách châm cứu do Miền Nam ấn hành, vừa châm vào tôi cây kim dài đã hơ qua ngọn lửa vừa nói:

- Tổ chức châm cứu săn sóc anh đây. Chừng nào anh cảm thấy đau buốt thì cứ la lên, tôi sẽ tìm huyệt khác đúng hơn!.

Nhờ mỗi ngày chịu trận cho ông y sĩ dỏm này thực tập vài ba tiếng, tôi mới được ông ký giấy cho “Miễn lao động “ trong ngày ấy.

Ngày hôm trước ngày tôi bị cây to đè ngang hông, khi tôi khiêng cây dến đoạn đường Nghĩa Lộ, vừa đói vừa khát, kiệt sức tôi ngã vật xuống bên lề đường. Hai cán bộ bảo vệ trẻ thương hại mới đỡ tôi dậy, nhưng ngay lúc đó cán bộ phó trại, ngưòi mập lùn đi ngang qua, không cho đỡ tôi lại còn đay nghiến: “-Các đồng chí không việc gì mà phải đỡ hộ họ!” Rồi anh cán bộ phó trại quay sang chúng tôi sang sảng: “ Tôi biết rõ ở trong Nam, mỗi tuần các anh hầm thuốc Bắc một đứa trẻ từ một tuổi để bồi dưỡng, đúng là quân man di mọi rợ không có tính người! Vì thế anh nào cũng béo tốt như ri, lao động một chút không bằng ai mà cũng giả vờ té xỉu.. nhất là mấy anh tỉnh trưởng!!!”
Nhìn vẻ mặt anh ta đỏ gay, gân cổ lên mà nói to ra vẻ rất hiểu biết, để gây thêm căm thù, chúng tôi bổng thấy thương hại sự ấu trĩ của họ hơn là oán ghét. Còn lạ gì một anh chăn trâu suốt đời không được học hành giáo dục, chỉ biết lặp lại nhai lại y khuôn những gì Đảng nói và nhồi sọ cho họ, gây căm thù giai cấp càng nhiều càng tốt. Họ có biết đâu lúc đó tại các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, hàng ngày các bác sĩ cán bộ được lệnh “Kế Hoạch Hóa Gia Đình”, để hợp pháp giết non hàng ngàn thai nhi vô tội.

Chúng tôi vẫn tiếp tục lê gót sống những ngày tù khoắc khoải, thì một hôm nọ, trời vừa hửng sáng là trại bị bọn cán bộ, lính bảo vệ trang bị súng ống chĩa vào các lán trạì tù. Ngày hôm đó họ kiểm soát rất gắt gao, nhân dịp tịch thu tất cả những gì chúng tôi có thể để dành ăn chống đói như đường,sữa, bánh ngọt khô.

Cán bộ phó oang oang cái miệng hò hét om sòm:

- Dzõ dzàng nà các anh ngoan cố phản động không chịu học tập cải tạo tốt để sớm lên ngườì công dân xã hội chủ nghĩa tốt, nhất là mấy bọn đại tá các anh đã phụ nòng tin tưởng khoan hồng của Bác, Đảng và Chính phủ, các anh có biết chuyện gì xảy ra sáng nay không?

Ai nấy đều rõ nhưng vẫn im lặng như không. Các lán trại đã tung tin rất nhanh về việc 4 ông đại tá đã trốn trại làm nức lòng nhũng trại viên còn lại. Họ vừa mừng vừa lo và van vái thầm cầu xin cho các vị đó được mau thoát đến đất Lào và biết đâu đến bờ Tự Do đất Thái.

Họ đi theo đội hình như sau:

- Đại Tá Thành, trung đoàn trưởng, trưởng toán trốn trại, mở đường.
- Kế đó là Đại tá Nguyễn Văn Thi, binh chủng Pháo Binh, người giữ địa bàn định hướng.
- Người đi giữa mang thực phẩm cho toán là Đại tá Đỗ Trọng Huề, cựu giám đốc QuốcGia Nghĩa Tử, cố vấn văn hóa cho tổng thống Thiệu.
- Và người giữ mặt hậu là Đại tá Quế, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Pleiku.

Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày củng cố lòng tin cho mọi người. Các cán bộ điên cuồng như ác thú lùng sục tất cả núi đồi. các đội tù đi lấy cát, đá, vôi ở Bến Phà Ô Lâu cũng như các đội lao động nặng lên rừng đốn gỗ đều được lệnh tạm đình chỉ. Chỉ riêng 4 đội tăng gia và hái chè là còn hoạt động cầm chừng dưới sự giám sát gấp đôi của những chú bộ đội phúng phính trong bộ đồ “ Cứt Ngựa “.Các giờ giài lao 10 phút thưòng lệ đều bị cắt bỏ, chỉ tiêu tăng gấp đôi để mọi người mệt nhoài không còn thời giờ nghỉ ngơi dù là một phút giây nào. Vài anh tù “ nông cạn” vội chưởi rủa bốn anh trốn trại, vì họ mà cả bọn chịu cực khổ thêm. Còn lại đa số đều “ phấn khởi hồ hởi “ vì họ thêm một ngày hi vọng cho những ai chuẩn bị trốn trại sau đó.

Trại cho thay đổi ngay những người “ anh nuôi “. Những người nầy bị an ninh điều tra thô bạo. Anh đại tá Võ Ân bị gọi lên xuống mấy chục bận mỗi ngày để điều tra manh mối xem ai là người xếp đặt hậu cần cho các anh trốn một cách bí mật chu đáo mà không ai hay biết.

Bốn anh Đại tá trong đội “Cơ Động” hàng ngày đưọc phân công dùng xe cải tiến đến Bến Phà Ô Lâu chở vật liệu nặng về xây cất cho trại. Các anh lợi dụng những chuyến đưọc xuất trại xa như thế đã ngấm ngầm cấu kết với nhau âm mưu trốn trại qua Lào, với sự giúp đỡ của anh Võ Ân, phụ trách nhà bếp trại.

Sau cả tháng mỗi ngày giấu một ít thực phẩm khô, ngày N,giờ G, thừa lúc mấy anh bảo vệ lơ là, các anh ĐT nhà ta lần lượt biến mất sau mỗi quả đồi, hẹn nhau tại một điểm tập trung và … chạy trốn!

Các anh đã đi suông sẻ suốt ngày đầu tiên mà không ai hay biết cho đến chiều tối lúc điểm danh. Đội cơ động bị phát hiện thiếu mất bốn người khiến cán bộ quản giáo, bộ đội canh gác bấn lọan, bắn súng loạn xạ. Lúc đó cả trại mới hay có bốn ông “Bò Lục” trốn thoát, ít nữa là ngày đầu tiên, ai nấy vừa lo vừa mừng cho các anh.

Chúng tôi lo lắng vì noi miền rẻo cao này, mỗi người dân đều là Cộng Sản, là cán bộ tình báo của chúng để quan sát theo dõi chúng tôi sít sao, vì thế mà họ không ngại “thả” chúng tôi ra ngoài để lao động khổ sai vì vùng này họ cho là an toàn nhất,một con ruồi còn khó qua mắt họ.

Nhóm anh Huề, anh Thành, Anh Thi và anh Quế vớí sự trợ giúp hậu cần của anh Võ Ân, tưởng đã trốn trại được đến gần biên giới Lào vẫn bị chúng nó phát hiện sau năm ngày sát biên giới, mà theo lời kể của các anh là “chỉ cần qua bên kia con sông đang chảy xiết là đến đất Lào rồi”, kể thì các anh quá giỏi đã vạch kế hoạch, đi đúng hướng chính xác mục tiêu, thất bại chẳng qua là.. số mệnh dun rủi mà thôi!

Chúng họ theo đuổi lùng sục các anh tận biên giới, nơi chắc chắn các anh sẽ đến, quả thật bọn chúng đánh giá không thấp trình độ của các sĩ quan ta. Khi giải các anh về bọn chúng như bầy quỷ dữ khát máu hung hăng, tha hồ đánh đập hành hạ các anh chết đi sống lại cho hả cơn giận của chúng. Riêng anh Thành, trưởng nhóm vượt ngục, bị nhốt riêng rồi thay nhau đánh đập tra khảo anh từ suốt đêm đến sáng. Càng bị hành hạ, anh càng lớn tiếng chưởi bới, cho đến khi gà gáy sáng thì anh không còn có thể la mằng gì được nữa vì chúng nó đã treo cổ anh rồi.

Sau này khi tôi bị biệt giam với các anh Huề, Thi, Võ Ân, Tâm, Huy, Bình, Đức ở khu F, phòng 7, trại Hà Tây, Tỉnh Hà Sơn Bình, mỗi khi nhắc đến anh Thành là mọi người yên lặng rơi lệ, thành kính tưởng niệm một anh hùng bất khuất, nhất là anh Huề, Thi,Võ Ân.

Theo lời anh Huề, sau khi chuẩn bị kỷ lưỡng cà mấy tháng trời những địa điểm tiếp tế các anh đã lần lượt chôn dấu thực phẩm cho những ngày đầu còn ở gần trại thì các anh bắt đầu đi suốt ngày đêm, tránh gặp dânchúng. Đến ngày thứ ba và thứ tư qua, bốn anh em mừng rỡ tưởng gần như thoát nạn rồi. Đường càng xa Yên Bái thì núi non càng cao dần lên, nhiều nơi dốc như thẳng đứng khiến anh em khốn khổ vô cùng. Đến sớm ngày thứ tư thì anh Thành thoáng thấy từ xa một buôn làng có những cuộn khói bốc lên từ các mái tranh. Tuy mừng rỡ nhưng anh em bảo nhau đề cao cảnh giác đi bọc vòng xa ngôi làng.

Bổng đâu có tiếng rào rào như giông to sắp đến nơi, anh Thi, người định hướng đi trong rừng giỏi nhất vì anh là cấp chỉ huy pháo binh, kể chuyện tiếp:
“Lúc đó mọi người đều rã rời vì cơn khát nung nấu dày vò,nhưng tiếng động lạ càng lúc càng to dần,mọi người dều thủ dao sẳn bên mình, sẳn sàng chiến đấu một mất một còn với bất cứ ai khám phá ra bọn người đang quyết tâm đi tìm tự do với bất cứ giá nào.

Tiếng rì rào càng phút càng to dần trên đầu, bọn ngươì núp vào kẻ đá trong lùm cây chờ đợi. Thật bất ngờ! Mọi người há hốc mồm nhìn lên … đó là một con kỳ đà khổng lồ rất dài đang le chiếc lưõi đôi nhìn bọn người trốn trại nhỏ bé đang ép mình vào kẹt đá.

Ngươì ta thuờng nói “Ra đường gặp kỳ đà cản mũi, ắt việc không thành tựu được!”. Nhưng lúc đó đối với các anh tù vượt ngục đói khát suy nhược thì con kỳ đà này là món quà trời thương ban, giúp các anh có thêm sức lực.

Họ đã thấy xa xa con sông to dài tung lên những bọt trắng xóa chứng tỏ nước chảy rất mạnh. theo bản đồ và la bàn thì con sông đó có thể là sông Mekong chảy xuyên qua Trung Cộng, Lào, Kampuchia và Việt Nam, vì từ trên đỉnh núi cây lá dày đặc nhìn xuống thì nó rất rộng và dài vô tận uốn khúc như con rắn khổng lồ.

Gần bờ sông các làng mạc mọc nhiều, dân cư hay lên rừng đốn củi, săn thú nên anh em quyết định ngày ngủ dêm đi, di chuyễn dần lên phía Bắc nơi con sông hẹp hơn để vượt qua. Ai cũng mừng vì sắp thành công cuộc vượt ngục hi hữu này, cố làm sao đủ sức vượt sông đến khu rừng tre dày đặc bên kia xứ Lào.

Khi con người cố gắng hết sức để đạt mục tiêu, cơ thể có khả năng siêu việt vượt qua tất cả, để một khi đạt hay gần khi gần tới mục tiêu, cơ thể rũ liệt kiệt sức,các anh em vượt trại mấy ngày đêm nay thấy gần thành công thì bỗng dưng bao mệt mõi đổ ụp xuống, tuy nhiên anh em cũng cố gắng thay phiên nhau trực canh, tìm mọi phuơng cách để vượt sông an toàn.

Bổng nhiên có tiếng chó sủa càng lúc càng gần càng rộ lên. Thì ra, dân bản xứ đi rừng khám phá dâu chân lạ trên con đường mòn, gần bờ suối cây lá bị đạp ngã, họ thả chó đánh hơi và báo đồn công an, nghi ngờ có bọn thổ phỉ buôn lậu thuốc phiện xuyên biên giới.

Tiếng chó sủa dữ dội cùng tiếng súng bao vây các anh, nhữngtiếng quát tháo rợn người vang lên:

- Ai muốn sống giơ tay khỏi đầu ngay!

Rồi những gương mặt dữ dằn của bầy lang sói độc ác xuất hiện kèm theo những trận mưa đòn tàn bạo, gậy gộc báng súng đánh tới tấp trên đầu, cổ, mặt mũi, mình mẩy những nạn nhân tù đày ốm đói run rẩy không chút tự vệ.

Giữa trận mưa máu, có tiếng một cụ già:

- Thôi cho tôi xin các ông! Tưởng là bọn thổ phỉ buôn lậu biên giới, hóa ra là tù “cải tạo” Miền Nam. Họ không thể chống cự, hà tất phải đánh đập họ đến chết như thế!

Bốn anh em ngất lịm đi trong cơn mưa đòn khủng khiếp nhất trên đời. Mặt mũi mình mẩy họ không còn là con ngườii nữa mà là những con vật hình thù méo mó tả toi dươí những trận đòn từ những ác quỷ đầy hận thù đội lốt người thắng trận!

Chiều hôm đó tại lán trại, sau khi nhận điện báo khẩn, trại trưởng huy động hai đội lao công khẩn trương đục hang vào sưòn núi sâu, không ai biết để làm gì, tưởng là nơi để họ cất giấu vũ khí hay chứa thực phẩm lưong khô, đến khi có những tấm vĩ sắt dựng thành cửa ngục lên thì ai nấy đều hiểu ra đó là nơi để giam giữ tù vượt trại. Chúng tôi hoài nghi có lẽ bốn “Bò Lục” đã bị bắt và đang trên đường trở về.

Thật đúng như vậy! Một buổi chiều u ám, từ chân trời có tiếng vó ngựa tung bụi mờ, giữa bầy quỷ dữ đang hò hét trên lưng ngựa cho chiến thắng vĩ đại là bốn người tù bị lôi xểnh theo sau lưng ngựa, hứng chịu những trận đòn, họ té khụy xuống rồi lại bị lôi dậy lúp xúp chạy theo vó ngựa, rồi loạng choạng té xuống mặc cho những sợi dây trói chặt quấn lấy thân thể rách bươm lôi kéo họ như những thanh gổ vô tri giác!

Chúng tôi chết điếng lặng ngưòi nép bên đường nhìn họ đi qua sau giờ chúng tôi lao động cải tạo vể, vô tình hay cố ý họ cho chúng tôi thấy hình phạt khủng khiếp của những ai có ý định trốn trại. Chúng tôi để mặc cho giòng lệ tuôn trào từ những đôi mắt trũng sâu, lăn dài trên đôi gò má hốc hác khắc khổ. Anh em chúng tôi đó! Những NGƯỜI HÙNG sau cuộc chiến! Không thành công đã thành NHÂN! Dù không còn ai có thể nhận ra các anh, vì các gương mặt đã bị bầm dập tan nát sau trận mưa đòn thù.

Sáng hôm sau, anh Thành đã chết cách anh dũng bất khuất! Xin dâng anh một nén hương lòng!

Vài hôm sau đó, có lẽ để xoa dịu lòng căm phẫn nhem nhúm trong tù trại Yên Bái trại 2, hoặc gây chia rẽ nghi ngờ giữa các anh em tù, hoặc muốn tỏ ra rằng Đảng ta luôn khoan hồng nhân đạo, nên trong một buổi học tập chính trị toàn trại, người ta đem anh Quế trình diện mọi người, đề cao anh là “thành phần tiến bộ “, biết “ tội lỗi mình làm “, xin tập thể trại viên nhận anh lại vào hàng ngũ những người cải tạo tốt. Còn hai anh Huề và Thi hãy còn ngoan cố, chưa xứng đáng được nhân dân tha thứ, còn phải chờ lâu dài. Mọi người khẽ thở dài, không ai có ý kiến gì, bởi vì không ai đoán bọn CS thâm độc mưu mô này sẽ còn dùng chiêu thức gì nữa.

Ít lâu sau đó, ngày 19/07/1977, hàng ngũ tù Đại tá chúng tôi được lệnh chuyển sang trại Tám ở thâm sơn cùng cốc đầy ao tù nước vàng đặc, nếu lỡ đạp chân xuống đó sẽ bị nhiễm sốt rét hoặc sốt rét rừng kinh niên. Ngay ngày đầu tiên khai hoang vùng hoang địa này dể trồng trọt, tôi là bệnh nhân sốt rét rừng đầu tiên. Cứ khoàng 4, 5 giờ chiều cơn rét kéo tới hành hạ tôi run lập cập, đắp bao nhiêu mền vẫn không đủ ấm, cái lạnh từ trong xương lạnh ra, rồi đến 12 giò đêm thì nóng sốt như lủa đốt như có muôn ngàn ngọn lửa châm vào đầu ngón chân mình mẩy. Thế mà sáng ra không được nghỉ ngơi, họ cho là tôi bệnh vờ nên tôi vẫn phải lao động như thường. Như chưa đủ khốn khổ, người phát thuốc ở trạm xá, vốn là người “của ta“, nhưng nhờ “quen biết “ cán bộ, nên bắt chẹt anh em, mỗi lần anh ta bố thí cho vài viên Quinine, đã bị anh ta liếm hết chất ngọt bọc đường bao quanh, là đổi lại chúng tôi phải biếu hắn thuốc lào ba số hoặc đồ thăm nuôi. Thuốc men gia đình chúng tôi gửi nuôi đều bị trại cất giữ hộ, họ phát “Xuyên Tâm Liên “ để trị bá bệnh!
Võ Hữu Hạnh