KIM THANH
LTS: Kính anh Kim Thanh, tôi
nhận được bài này của anh từ một độc giả xa lạ gởi đến, bài viết thật
hay và thật xúc động khiến tôi không thể không đăng được. Tuy nhiên, để
bảo vệ trang Blog mong manh này, xin anh cho phép tôi được lược bớt vài
câu mà người ta hay gọi là “nhạy cảm”. Rất mong anh không phiền trách.
Cám ơn anh rất nhiều. Blog Lề Trái
Giữa
tháng 7 năm 1971, tôi đang dẫn một trung đội tăng phái hành quân theo
chiến dịch Phượng Hoàng tại một quận lỵ thuộc Tiểu khu Khánh Hòa thì
nhận được lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu về Sài Gòn trình diện.. Đối với một
sĩ quan cấp nhỏ, trung úy như tôi, đó là một tin vui lớn. Không cần biết
về làm gì. Ít nhất được xa chiến trường một thời gian.
Về
Sài Gòn, tôi được Bộ Tổng Tham Mưu cho biết phải đi Phnom Penh làm
thông dịch viên Pháp ngữ cho Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự. Từ ngày VNCH
đưa quân sang xứ Chùa Tháp, nhiệm vụ của Phái Đoàn, như tên gọi, rất cần
thiết trong việc liên lạc giữa hai quân đội bạn. Nhận sự vụ lệnh, tôi
nghĩ đến nỗi thất vọng của ba mẹ tôi luôn mong ước tôi được làm việc tại
Bộ Tổng Tham Mưu, nhàn hơn, thọ hơn chăng. Cam Bốt, lúc ấy, cũng đang
tơi bời khói lửa.
I. Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự:
Ở
chơi Sài Gòn ba ngày, tôi đi Phnom Penh bằng C47, chuyến bay đặc biệt
chở đồ tiếp tế cho Phái Đoàn. Hơn một giờ sau, đến phi trường
Pochengton. Trời nóng không thua gì Sài Gòn. Một thiếu úy còn trẻ, kém
tôi độ vài tuổi, mặt mày trắng trẻo, mang súng ru-lô xệ ngang hông như
cao-bồi Texas thứ… giả, trên mép gắn hờ điếu thuốc chưa đốt kiểu James
Dean, một chân gác, nhịp nhịp, trên cây cản phía đầu xe jeep trắng, mang
bảng số ẩn tế. Một tốp quân nhân, trong số có một thượng sĩ già, bước
xuống máy bay, lên xe. Thấy tôi còn đứng lóng ngóng, anh thiếu úy không
chào, chỉ hất hàm hỏi, “ông về Phái Đoàn hả, lên luôn, mắc cỡ gì nữa”.
Dĩ nhiên, tôi thấy khó chịu, nhưng tự nhủ, đừng nóng, sẽ tính sau. Một
chiếc xe dân sự khác chở đầy vật dụng đem xuống từ máy bay.
Xe
chạy bon bon trên những đường phố vắng, và đặc biệt rất sạch, có những
hàng cây thẳng tắp hai bên đường cành lá sum suê, và những vườn hoa rực
rỡ sắc màu. Vừa lái, anh thiếu úy tự giới thiệu, Nguyễn An Hòa, và sau
này, tôi biết thêm anh là con của Trung tướng Nguyễn Văn Mạnh, Tham mưu
trưởng Liên quân, ở trong Phái Đoàn, giữ một chức mà chính anh gọi đùa
là “trưởng ban cà nhỏng”, muốn làm gì thì làm.
Sau
hơn nửa giờ, đến trụ sở Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự, một building đồ sộ
trên đường Norodom. Tôi được đưa thẳng lên lầu hai trình diện Trưởng
phái đoàn, Đại tá Tô Văn Kiểm. Ông dáng gầy, tầm thước, rất ít nói, nét
mặt khắc khổ, nhưng hiền lành, đôi mắt biểu lộ một tấm lòng nhân hậu.
Lần đầu gặp ông, tôi thấy có cảm tình ngay và an tâm. Rồi ông dẫn tôi
đến một phòng lớn, toàn là sĩ quan cấp tá đang ngồi làm việc, và giới
thiệu:
-Trung úy Nguyễn Kim Quý, thông dịch viên mới của Phái Đoàn.
Có
đủ các Phòng Ban, các ngành Hải, Lục, Không quân. Tôi còn nhớ bên Hải
quân có Thiếu tá trẻ tên Khôi (quên họ), Không quân có Trung tá phi công
già Trịnh Hảo (Văn?) Tâm. Có Trung tá Nguyễn Kiên Hùng, TQLC, người
hùng trong vụ đảo chánh cụ Diệm năm 1960, ở phòng 2 hay 4. Đặc biệt có
Trung tá Nguyễn Văn Nam, trưởng phòng 5, chồng của nghệ sĩ Mộng Tuyền,
dáng dấp hào hoa phong nhã. Trung tá Nam bước đến vỗ vai tôi, bắt tay,
thân mật, nói liền một câu tiếng Pháp, giọng khàn khàn:
– Bienvenu, mon frère!
Dân
CTCT có khác, tôi khen thầm. Đại tá trưởng Phái Đoàn cho tôi nghỉ ba
hôm, để quen nước quen cái. Ngủ trong dãy phòng sĩ quan cấp úy, gồm các
phi công, sĩ quan hải quân, và bộ binh biệt phái công tác ngắn hạn,
nghĩa là mới thấy đã biến đâu mất. Ăn tại “phạn xá”, dành cho sĩ quan cơ
hữu, nghĩa là làm việc thường trực tại Phái Đoàn. Mỗi người góp tiền
hàng tháng cho hai binh sĩ “hỏa đầu quân” đi chợ và nấu ăn chung.
Nguyễn
An Hòa đưa tôi đi thăm một vòng building: phòng truyền tin, tiếp liệu,
nhà bếp, nhà tắm, phòng ngủ của các hạ sĩ quan, binh sĩ. Tất cả đều chào
đón tôi vui vẻ, niềm nở. Phòng Y tế có một bác sĩ và một y tá. Y sĩ
trưởng là Thiếu tá Trương Kim Thành rất cởi mở, dễ mến. Sau này, khi
rảnh việc, tôi hay mò đến phòng Y tế không phải để xin thuốc, vì lúc ấy
còn trẻ đâu cần, nhưng để tán gẫu với anh về đủ chuyện, kể cả văn
chương, nghề của tôi, và chữa bệnh hoa liễu, nghề của… chàng.
Tôi
được chia văn phòng với Thiếu tá Son Sanjivith, sĩ quan liên lạc của
quân đội Cam Bốt tại Phái Đoàn VNCH, sáng đến chiều đi, luôn mặc quân
phục kaki vàng ủi thẳng nếp, mang cấp bậc trên cầu vai như lon Pháp, đeo
kính trắng, dáng dấp quan văn hơn quan võ. Son Sanjivith nói anh là con
của cựu Thủ tướng Cam Bốt Sơn Ngọc Thành –thủ tướng năm 1945 và 1972,
bị ám sát hụt, đày về Việt Nam, rồi sau 1975 bị Việt Cộng bắt và chết
trong khám Chí Hòa năm 1977– và cháu của chính trị gia Sơn Ngọc Minh.
Tôi cũng không hỏi thêm. Anh không nói được tiếng Việt. Buổi sáng đầu
tiên tôi vào nhận việc, anh pha cà-phê mời tôi uống, nói chuyện bù khú
với nhau gần một giờ xài nhiều tiếng lóng Pháp, cười thích thú, bên
khung cửa sổ, nhìn xuống con đường phía sau, song song với đại lộ
Norodom. Rồi ai về bàn nấy. Anh ngồi cuối phòng, còn tôi gần cửa ra vào.
Phái
Đoàn Liên Lạc Quân Sự không có thông dịch viên khá lâu, vì người tiền
nhiệm của tôi, mãn hạn ba tháng, chưa có ai thay, nên giấy tờ ứ đọng.
Giấy tờ không có gì “mật”, cũng thường thôi, của quân đội –đôi khi của
chính phủ– Cam Bốt, viết bằng tiếng Pháp, gửi Phái Đoàn, nhờ chuyển cho
Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn. Trước khi đến bàn thông dịch viên, văn thư đã
được đọc bởi Đại tá Kiểm. Thư nào cần dịch ra tiếng Việt, và ngược lại,
ông ghi “à traduire”. Thư trả lời, ông viết bằng tiếng Việt, mặc dù rất
giỏi Pháp ngữ, cũng như các trưởng phòng, nhưng ông muốn có một bản dịch
do một “chuyên viên” chính thức chịu trách nhiệm. Đôi khi ông gợi ý cho
tôi trả lời thẳng bằng tiếng Pháp những bức thư không quan trọng. Ông
rất hài lòng về những bản dịch của tôi, khen tôi trước các sĩ quan khác,
và để tưởng thưởng, ông cho phép tôi, sau khi nộp bản dịch trong ngày,
được đi chơi tùy thích, không phải ngồi “làm cảnh” ở văn phòng. Tôi thầm
cám ơn Thượng Đế cho tôi thêm một vị chỉ huy quá tốt, giữa những vị chỉ
huy quá tốt khác trong suốt đời lính.
Được
phép, nhưng tôi lại không ra ngoài, thích ở văn phòng đọc sách, trừ khi
Hòa đến rủ. Mà Hòa thì khoái đi lắm. Đúng hơn, khoái đi với tôi, có lẽ
vì đồng trang lứa, đồng cấp úy, có lẽ vì tôi dễ tính, lôi đi đâu cũng
được. Quen nhau, tôi thấy Hòa là một người bạn tốt, thẳng thắn, dễ
thương, không bao giờ nói hoặc chơi xấu ai, dù bề ngoài có vẻ ngang
tàng, bất cần của một công tử Con Ông Cháu Cha. Bên ly rượu, giữa hai
làn khói thuốc, Hòa thường tâm sự về cuộc đời, ái tình, sự nghiệp của
mình, và tôi được biết anh rất đắt đào, trong số có một ca sĩ cải lương
trẻ đang lên mà anh xem như bồ ruột –đôi lúc dự tính “rước em dzìa dzinh
luôn”, anh vui miệng kể.
Ra
phố, Hòa và tôi diện áo quần dân sự, nhưng không quên lận lưng cây
súng, juste dans le cas où… Hòa thường khoe cây mini-Colt dẹp, đẹp, nhỏ
xíu, như cái hộp quẹt ga, tôi không chắc bắn có chết ai không. Ngoài
những chiều Chúa Nhật dự thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa, nơi gặp gỡ của
thành phần thượng lưu Cam Bốt cũng như ngoại quốc, nhất là Pháp, tôi
xuống phố, một mình hay với Hòa, cũng chỉ để vào những tiệm ăn Tây, gần
trụ sở Phái Đoàn gọi món poulet à la marengo hay civet au lapin, nhấm
nháp vài ly rượu vang Bordeaux chánh hiệu. Hoặc lòng vòng quanh Chợ
Trung ương (Marché Central) gần đại lộ Monivong và de Gaulle, ăn hủ tiếu
Nam Vang –gọi là chính gốc Nam Vang, mà dở tệ hơn mì gói trụng nước
sôi. Hoặc lượn trước cửa Lycée Preah Norodom, ngắm các tiểu thư mặc đồng
phục váy màu xanh đậm, mặt hoa da phấn, ríu rít tan trường, mà lòng bồi
hồi tưởng nhớ những bóng hình xưa cũ. Đôi khi Thiếu tá Son Sanjivith
mời về nhà dùng cơm. Vợ anh là người Cam Bốt, xinh đẹp, quý phái, lịch
sự. Đáp lễ, thỉnh thoảng tôi mời hai vợ chồng đi ăn những tiệm họ chọn.
Theo lời khuyên của anh, tôi tránh vào những bars rượu, có bia ôm dĩ
nhiên, vì người Miên, nhất là lính Miên hành quân trở về, súng ống đầy
mình, không ưa Việt Nam... Một lần, lỡ bước vô, Hòa và tôi bị họ nhìn
với cặp mắt cú vọ, khiêu khích, như chúng tôi đã nhìn lính Mỹ trong các
quán bars ở Sài Gòn. Ngồi uống bia kiểu đó mất hứng và mất sướng. Ôm em
trong tay mà hồi hộp không biết ăn đạn lúc nào.
Thỉnh
thoảng, Trung tá Nguyễn Văn Nam cũng rủ tôi đi chơi riêng với ông. Khi
thì ông gặp một người Miên lai môi giới hỏi mua chiếc xe Mustang rẻ, đem
về Việt Nam miễn thuế, bắt tôi ngồi bên để ông lái thử xem máy chạy có
tốt không. Khi thì đến ăn tối tại nhà một chị Việt Kiều quen ông. Khi
thì đi thăm Chùa Prasat Prak, còn gọi là Chùa Bạc Chùa Vàng (sàn lót
bằng hàng ngàn mảnh bạc và có một tượng Phật khổng lồ đúc vàng), hay vào
hoàng cung lộng lẫy son vàng, mái lầu cong vút, bất ngờ nhìn thấy công
chúa Bopha Devi, con vua Sihanouk, nguyên trưởng đoàn múa ballet hoàng
gia, năm ấy 28 tuổi, ba đời chồng, đẹp mê hồn, bị giam lỏng cùng với gia
đình và nhiều mỹ nữ.
Ngoài
lương căn bản trong quân đội, do đơn vị gốc giữ hộ, các sĩ quan Phái
Đoàn được lãnh thêm tiền phụ cấp công tác hàng tháng bằng đô la xanh.
Tôi cấp nhỏ, độc thân, lãnh khoảng $180, đổi ra tiền riel, vật giá lại
rẻ, cũng đủ xài hết tháng, một cách đế vương, có khi còn dư chút đỉnh.
Ban
đêm, Phái Đoàn tự lo an ninh. Tất cả sĩ quan luân phiên trực trại, tuần
tra bên trong tường building cùng với hai binh sĩ trang bị M16 và lựu
đạn. Buổi sáng, nếu không có chuyện gì, ghi vào sổ “rien à signaler”, vô
sự. Một vài đêm cuối tuần, không biết làm gì để giết thời gian, các sĩ
quan, chờ cho Đại tá Kiểm đi ngủ, gầy sòng phé đánh giải trí. Tôi và Hòa
được rủ tham gia. Ai không chơi, ngồi ngoài chầu rìa, tình nguyện đóng
vai “thầy bàn”. Tôi mang danh “thầy cúng”, vì thua triền miên. Trung tá
Nam đánh rất bạo, mới nước thứ hai đã tố xả láng, tapis (Mỹ gọi là “all
in”) liền, thua hết tiền, đứng dậy, tỉnh queo, nhưng thường thường ông
thắng, vì đa số nhát, không dám bắt dù đoán ông tháu cáy. Một đêm, đang
sát phạt, Đại tá Kiểm bất thần xuất hiện. Ông ghét cay ghét đắng cờ bạc,
nên la mắng tận tình, từ cấp trung tá trở xuống, ai nấy ngồi yên, chịu
trận. Nhưng qua hôm sau, ông vui vẻ trở lại, coi như không có chuyện gì
xảy ra. Những trận phé chui, vì thế, vẫn tiếp diễn trong hồi hộp.
Nói
lại công việc dịch. Thực ra, lúc đầu, tôi cũng vất vả với những danh từ
quân sự và khuôn mẫu xã giao, cả Việt lẫn Pháp, mặc dù nội dung không
có gì khó khăn, gây cấn. Vài lá thư thường xuyên than phiền về việc làm
của một, hai đơn vị QLVNCH trong làng xã gần biên giới. Vài thư chia sẻ
tin tức quân sự, báo cáo, tổng kết công tác phối hợp. Một số ít thư qua
lại mang tính cách ngoại giao như mừng Ngày Quân Lực VNCH, chia buồn vụ
Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn, hoặc, ngược lại, những lễ lớn của quân đội Cam
Bốt. Son Sanjivith cho tôi một quyển cẩm nang về cách viết công văn bằng
tiếng Pháp với những câu xã giao có sẵn. Cứ thế mà ráp vào. Sau hai
tuần, tôi quen, và bất kỳ văn thư dài ngắn, tôi chỉ đăm chiêu suy nghĩ
một hồi, gõ máy chữ (lúc ấy chưa có computer) hai mươi phút là xong. Rồi
thay đồ dân sự. Tự do như gió.
Đôi
khi tôi đến sân tennis, gần phi trường Pochengton, múa vài đường banh
cho giãn gân cốt, kiểu trưởng giả học làm sang, chứ không mong ăn cái
giải gì. Nhờ vậy, một ngày đẹp trời, nhân đi xem một trận đấu quốc tế
tôi được gặp tại đó một bạn JECU (Thanh Sinh Công Đại Học) cũ, xinh đẹp,
vô cùng dễ thương, Yvette Trương Tấn Trung, cựu sinh viên Dược Sài Gòn.
Tha hương ngộ cố tri là một trong tứ… vui. Cả hai hết sức ngạc nhiên,
ôm chào nhau mà miệng cùng lúc hỏi nhau một câu giống y chang: “Mais qu’est-ce que tu fais ici?” (Nhưng mà toa làm gì ở đây?)...
Yvette lấy chồng người Cam Bốt, bạn học trường Dược ở Paris, về Phnom
Penh mở một tiệm thuốc Tây, cũng gần đó. Hỏi thăm nhau nhiều chuyện mới,
ôn lại nhiều kỷ niệm cũ. Yvette ghi địa chỉ và số điện thoại mời “toa hôm nào đến nhà tụi này chơi.”
Tôi hứa, rồi lại quên, cho đến ngày trở về Việt Nam, lên phi trường
Pochengton, mới sực nhớ, nhưng trễ quá, không làm được gì nữa. Sau 1975,
thỉnh thoảng tôi tự hỏi không biết Yvette và chồng con có thoát được
nạn Khmer Đỏ. Năm 1988, tôi ở Paris, tìm trong niên giám điện thoại tên
Yvette Trương. May quá, gọi được. Tôi nói, xin lỗi đã không đến thăm ở
Phnom Penh và mừng vì Yvette và gia đình trở lại Pháp trước 1975. Lúc
ấy, tại Paris, Yvette làm trong một hãng bào chế thuốc.
Một
hôm, bà Mộng Tuyền qua Phnom Penh thăm chồng. Thực sự, tôi chỉ nghe tên
bà, chứ chưa hề diện kiến dung nhan và cũng chẳng biết bà hát tân nhạc
hay cổ nhạc nữa. Quả thật, danh bất hư truyền. Bà rất đẹp, nước da trắng
như trứng gà bóc, lại lịch thiệp, gọi tôi bằng “chú” (em). Nhân dịp,
Trung tá Nguyễn Văn Nam rủ tôi cùng đi với ông bà, và vài sĩ quan khác,
thăm trại Việt Kiều Phnom Penh, gần bến tàu, dưới quyền kiểm soát của
chính phủ Miên. Năm 1970, sau khi Lon Nol, với sự trợ giúp của hoàng tử
Sirik Matak lật đổ vua Sihanouk (Sirik Matak thuộc dòng chính, đáng lẽ
lên ngôi vua, nhưng Pháp chọn Sihanouk, nên rất hận ông này), những
người Việt Nam, dù sinh trưởng tại Cam Bốt đã lâu đời, đều bị bắt giết
dã man trong thảm nạn “cáp duồng”. VNCH phản ứng chậm, và hàng ngàn
người đã chết, như báo chí Việt Nam thời ấy tường thuật. Một số được hồi
hương. Một số đang chờ tàu hải quân chở về Việt Nam, như trại tập trung
Việt Kiều mà chúng tôi đến thăm. Xem như đi công tác CTCT và sợ bị “cáp
duồng” bất tử, chúng tôi được lệnh mặc quân phục và mang theo hai cây
M16.
Trại
nằm trong khuôn viên một ngôi chùa lớn, trên một sân rộng, có hàng dây
kẽm gai vây quanh và rải rác cả trăm lều vải. Hầu hết là những gia đình,
đầy trẻ em nheo nhóc, làm ruộng hoặc đánh cá, không nói hoặc nói ít
tiếng Việt. Da ngăm đen, trông không khác người Miên, tay chân khẳng
khiu vì thiếu dinh dưỡng. Cảnh sống quá thảm thương. Tôi bước theo ông
bà Trung tá Nam và Thiếu tá Khôi Hải quân, thăm hỏi một số đồng bào. Một
cô trẻ đẹp, khoảng mười tám, da trắng, môi thắm tự nhiên, ngồi một mình
buồn bã ở một góc lều. Chúng tôi dừng lại. Thấy tôi, cô nghẹn ngào
khóc:
– Anh cứu em với.
– ?
–
Cả gia đình em ở Kompong Thom bị giết chết hết. Em chạy trốn được xuống
đây. Em chưa có chồng, anh lấy em đi, em mới thoát được chỗ này.
Tôi biết cô nói thật, và có thể với nhiều người khác, vì quá tuyệt vọng. Trung tá Nam nhìn tôi, rồi nhìn cô, an ủi:
– Tàu Hải quân sắp lên đón đồng bào về Việt Nam. Cô đừng lo.
Còn
tôi móc bóp, tặng cô một trăm riel, tương đương năm đô. Cô lắc đầu,
không lấy, khóc nức nở thành tiếng. Tôi đặt số tiền dưới chân cô, chào
và đi thẳng. Viết đến đây, tôi thầm hỏi, cô giờ này ở đâu, còn sống hay
đã chết, hỡi cô gái tỵ nạn không biết tên, nạn nhân của chiến tranh ngu
ngốc và độc ác của loài người –một Barbara trong thơ của Prévert?
II. Soriya :
“Sweet Helen, make me immortal with a kiss”
(Christopher Marlowe, XVIth c., Faust)
“You gods […] ought to be ashamed of yourselves! You are always jealous…”
(lời Calypso nói với thần Hermès, trong The Odyssey của Homère, quyển V)
Tòa
đại sứ VNCH gần Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự, trên đường Norodom, nếu tôi
nhớ không lầm. Tôi chỉ đến hai lần. Lần đầu vào đầu tháng tám, 1971,
khi ông Đại sứ Trần Văn Phước mở một tối tiếp tân, tôi không nhớ nhân
dịp lễ nào. Cả Phái Đoàn được mời tham dự. Đèn hoa treo rực rỡ, sáng
trưng. Có một số đại diện đồng minh, như Mỹ, hay Lào, Nhật, Thái Lan,
Miến Điện… Ăn theo kiểu self-service, rượu vang và champagne uống thả
giàn. Một cô Cam Bốt, tay cầm ly rượu, tay cầm đĩa thức ăn, đến bàn tôi,
xin ngồi cùng. Và tự giới thiệu, Soriya, thư ký đả tự của Tòa đại sứ
Việt Nam. Cô nói tiếng Pháp lưu loát, giọng trong vắt. Trong câu chuyện,
cô hỏi tôi có phải là Trung úy thông dịch viên, nghe danh Trung úy lâu
rồi, hôm nay mới được làm quen, v.v… Cô dáng cao gầy, nước da bánh mật,
có chiếc răng khểnh xinh xinh, nhưng lúc ấy rượu vào, lại được ngồi cạnh
người đẹp, tôi thấy cô quyến rũ khác thường, còn hơn cả tiên nữ giáng
trần. Lòng lâng lâng yêu đời, tôi bắt đầu trổ tài tán dóc, nghĩa là nói
nhiều, nói dai, nói giễu hơn thường lệ. Cô kể, em quê ở Battambang, học
tới Bac II, rồi đi làm, hôm nào mời anh đi về quê em chơi… C’est promis?
–C’est promis. Tôi hứa đại.
Lần
thứ hai tôi đến Tòa đại sứ, mười ngày sau. Tìm gặp Soriya, một buổi
trưa, không hẹn trước. Cô đang đánh máy, thấy tôi, vội vàng chạy ra cửa,
ôm hôn theo kiểu Đầm, mỗi má hai chiếc. Tôi mời cô tối ra phố ăn cơm.
Trong tiệm, một lúc nào đó, tôi nói:
– Tên em đẹp quá. Soriya có nghĩa gì vậy?
– Mặt trời. Mặt trời sưởi ấm những trái tim lẻ loi. Anh có tin là em cô đơn?
Tôi siết nhẹ tay cô:
–
Có. Bien sûr. Người ta không nói dối khi nói mình cô đơn. On ne ment
pas quand on dit qu’on est seul. Hình như câu đó của James Jones trong
Tant qu’il y aura des hommes.
Rồi bỗng cô ngập ngừng, hỏi:
– Sao anh lại chọn nghề này, em muốn nói, nghề lính, bắn giết nhau, hay ho gì?
Tôi nhìn sâu vào mắt cô, để tìm xem có ẩn ý nào không, rồi chậm rãi trả lời:
–
Trong lúc đất nước chiến tranh, tôi không có sự chọn lựa. Đi lính càng
không phải là một chọn lựa. Có lẽ tại số. Trước khi biệt phái sang đây,
tôi là lính chiến, đã bắn và bị bắn trả. Huề. Có một điều bí mật tôi
muốn chia sẻ với em mà em chưa được học từ bài học philo hay littérature
nào... Đó là loài người chúng ta thường bị ganh tị bởi những vị thần
linh bất tử…
Cô im lặng, chưa hiểu. Sau một hớp rượu, tôi tiếp:
–
Tôi đọc ở đâu đó, trong L’Iliade hay L’Odyssée của Homère, tôi không
nhớ chắc, rằng các vị thần linh trong thần thoại vì là bất tử nên thường
hay ganh tị với loài người, ils nous envient, tu sais, bởi chúng ta ai
cũng phải chết một ngày, sớm hay chậm hơn, mười năm, ba mươi năm, bốn
mươi năm. Cho nên, mỗi một ngày trần thế của chúng ta, của em, của tôi
trở thành đẹp vô ngần, quý giá hơn cả ngọc ngà, châu báu. Cũng trong
L’Iliade, có đoạn viết rằng các vị thần đứng đầu là Zeus, tức Jupiter,
chia làm hai phe trong cuộc chiến giữa thành Troie và Hy Lạp. Họ thèm
được đánh nhau như loài ngưòi. Tôi suy diễn, thèm được chết như loài
người. Vois-tu, Soriya, les dieux qui sont immortels et ceux qui se
croient immortels n’ont pas le lugubre plaisir, ou plutôt l’agréable
malheur, d’être condamnés à mourir, à attendre la mort à chaque instant…
comme nous tous, comme moi, comme toi, d’ailleurs. Thần linh bất tử
không có cái diễm phúc bi thảm, nỗi đau thương dịu dàng được chết, được
chờ đợi cái chết đến, từng phút, từng giây, không có thảm kịch bị án
phải chết bất cứ lúc nào, như kiếp người mong manh. Như những người lính
xông pha ngoài chiến địa… Không bao giờ tôi thấy đời đẹp, và em đẹp hơn
là lúc này, khi biết đâu ngày mai ta không còn thấy nhau nữa. Em hiểu
tôi chứ?
Soriya suy nghĩ, trầm ngâm, hồi lâu, rồi nói:
– Em hiểu và biết thêm nhiều điều lạ... Merci, mon cher ami.
Trước khi chia tay, cô lại nhắc chuyện đi thăm Battambang. Promis? –Promis. Tôi lại hứa.
Mãn
hạn ba tháng, tôi xin Đại tá Tô Văn Kiểm cho về Việt Nam, mặc dù ông
–và cả Nguyễn An Hòa và Trung tá Nguyễn Văn Nam– cố thuyết phục tôi tiếp
tục làm việc tại Phái Đoàn, thậm chí đề nghị cho nghỉ phép một tháng
với gia đình, rồi trở lại cũng được. Mặc dù rất nhiều người thích qua
Phnom Penh, thay chỗ của tôi. Tôi cũng không hiểu tại sao muốn về Việt
Nam, trong khi không có vợ con, người yêu để mà vướng bận. Có lẽ vì chán
khung cảnh thành phố hàng ngày đơn điệu, trống rỗng, và thấy nhớ núi
rừng và mùi hương cau, hương bưởi của những ngày hành quân qua các thôn
nghèo và cánh đồng cằn cỗi, những trẻ em và phụ nữ bị thương vì mìn Việt
Cộng. Không còn ước mơ được làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn nữa.
Tôi
không từ giã Soriya. Lời hứa đi thăm quê nàng bay theo mây khói. Mười
ba năm sau, 1984, tại trại tỵ nạn Bataan, Philippines, chợt nhớ Soriya
quay quắt, và ân hận vô vàn, tôi đến khu người Cam Bốt, tìm nàng và hỏi
thăm tin tức. Soriya. Không ai biết. Không chừng, năm 1975, Soriya đã bị
giết bởi bọn Khmer Đỏ, một người bảo tôi, vì là nhân viên của Tòa đại
sứ VNCH. Battambang “quê em” mỗi ngày một xa lắc lơ, biết bao giờ đến
được? Tôi bỗng nhớ lời tôi đã nói với nàng trong tiệm ăn năm xưa: “Những
vị thần bất tử thường hay ganh tị chúng ta…”
Soriya
có lẽ đã bị giết như hai triệu người Cam Bốt đồng hương. Như, có lẽ,
Thiếu tá Son Sanjivith. Như, chắc chắn, Sirik Matak, cựu thủ tướng của
họ.
III. Sirik Matak:
“My soul, do not seek immortal life, but exhaust the realm of the possible”
(Pindar, 518-438BC, Pythian Odes, III, 109)
Một
hôm, Đại tá Kiểm bảo tôi ăn mặc chỉnh tề, lên chiếc xe Limousine hay
Mercedes, tôi không nhớ, của Phái Đoàn, đi với ông đến dinh Hoàng thân
Sirik Matak, quyền Thủ tướng trong thời gian Lon Nol chữa bệnh ở Hawaii.
Để họp, ông giải thích, cùng với những nhân vật quan trọng khác. Tôi
biết Đại tá Kiểm không cần sự thông dịch của tôi, mà không hiểu sao vẫn
dẫn tôi theo, có lẽ vì lòng thương mến dành cho tôi, tôi chủ quan nghĩ
như vậy. Trong khi các vị họp hành, bàn luận, tôi tìm chỗ ngồi phía dưới
cùng, lắng nghe, quan sát.
Sirik
Matak có nét mặt xương xương, người gầy, dong dỏng, vẻ thông minh, nhã
nhặn, nói tiếng Pháp sành sỏi. Qua bài diễn văn ngắn của ông (tôi không
nhớ chính xác câu nào, mà chỉ những allusions, liên tưởng xa xôi, bóng
gió bằng ngôn ngữ ngoại giao, với những động từ chia ở mode conditionnel
hay subjonctif, như nous ne croirions pas que…, tout nous aurait
indiqué que…, quoi qu’on puisse en dire, nous aurions de bonnes raisons
pour…) tôi đánh hơi cảm nhận nơi ông một sự hoài nghi về những lời cam
kết và lòng trung thành của người Mỹ đối với Cam Bốt và sự dị ứng cá
nhân đối với người Việt Nam, dù Quốc gia hay Cộng sản. Nhưng ông nói rõ,
ông cần sự hỗ trợ của Mỹ và Nam Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Bắc
Việt, đang được đỡ đầu bởi Trung Cộng (lúc ấy có tòa đại sứ, hay lãnh
sự, tại Phnom Penh). Đó là lần duy nhất tôi thấy ông. Từ đó, tôi không
bao giờ nhớ đến Sirik Matak nữa.
Cho
đến những năm gần đây, tên ông bỗng trở về trong ký ức. Quả vậy, cứ mỗi
dịp tưởng niệm ngày 30/4, đồng hương lại đem đăng tải và dịch trên báo
lá thư từ chối đi Mỹ của ông gửi đại sứ John Gunther Dean. Để tôn vinh
ông như một anh hùng. Trong bức thư quá nổi tiếng ấy –mà nhà báo và bình
luận gia chính trị Gabriel Schoenfeld xem như một trong những tài liệu
quan trọng nhất của cả thời kỳ chiến tranh Việt Nam– có một cụm chữ mà
không ai dịch đúng, từ dịch giả Phạm Kim Vinh (trong Tháng 4 đen,
Vietnam xuất bản, 1988) đến những bản dịch trên mạng, trong câu: “But
mark it well that, if I shall die here on the spot and in my country
that I love, it is too bad [tôi nhấn mạnh] because we are all born and
must die one day”. Tiếng Pháp: “Mais, notez-le bien, si je meurs ici,
dans mon pays que j’aime, tant pis, car nous sommes tous nés et nous
devons mourir un jour” (Olivier Todd, Cruel Avril, nxb Robert Laffont,
1987, tr. 274)...
Phạm
Kim Vinh dịch cụm từ too bad và tant pis thành: “cũng chẳng sao” (sđd,
tr. 225). Chết cho quê hương mình yêu dấu đâu phải là chuyện nhỏ, mà
“cũng chẳng sao” ư? Còn trên mạng thì được dịch: “đó là điều tệ hại”,
hoặc tương tự. Chết cho đất nước như thế, tại sao lại là “điều tệ hại”?
Chứng tỏ người ta không hiểu rõ tâm tư của tác giả, Sirik Matak, và lý
do khiến ông, mặc dù nói cứng như vậy, vào phút chót đã chạy vào lãnh sự
quán Pháp để rồi bị đẩy ra nộp giao cho bọn Khmer Đỏ và sau đó bị giết.
Quả
vậy, too bad và tant pis, theo nghĩa thông thường và cảnh huống
(contexte) của bức thư phải được dịch là “mặc kệ tôi”: “… Nếu tôi phải
chết ngay tại đây, trên đất nước của tôi mà tôi yêu mến, thì cũng mặc kệ
tôi, bởi vì tất cả chúng ta được sinh ra và phải chết một ngày…” “Mặc
kệ tôi” hàm chứa một sự bất cần, và nhất là, ở đây, một sự uẩn ức, đối
với đối tượng của bức thư, tức là chính phủ Mỹ –đã quyết định bỏ rơi Cam
Bốt. Nghĩa là, tôi có chết thì cũng mặc kệ tôi, các người đừng thương
tiếc làm gì, đừng nhỏ giọt nước mắt cá sấu, v.v… Điều này rất “người”
(humain), nghĩa là hợp với tâm trạng chán chường, bất lực và ngôn từ bực
bội của một nhà lãnh đạo một nước yếu đang thấy mình bị phản bội bởi
một đồng minh mạnh hơn. Giận người đã đành, mà còn giận chính mình đã cả
tin vào người Mỹ: “I have only committed the mistake of believing in
you, the Americans”. Câu đó làm tôi nhớ bài diễn văn năm xưa của ông đã
được nghe trong buổi họp. Ông đã đúng khi nghi ngờ người Mỹ. Người Mỹ đã
phản bội ông, quốc gia của ông thật sự. Rõ ràng, trắng trợn. Cũng như
đã phản bội kháng chiến quân Cuba năm 1961 trong vụ Bay of Pigs, Tổng
thống Ngô Đình Diệm năm 1963, Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, quốc vương
Shah của Iran năm 1979, và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đồng minh
lâu đời, tháng 2/2011… Ví dụ còn nhiều. Cũng vì vậy mà Sirik Matak mới
từ chối đề nghị giúp đỡ ra đi bởi chính phủ Mỹ trong một lá thư riêng
gửi cho nhân dân Mỹ qua ông đại sứ Mỹ. Vấn đề chỉ là cá nhân giữa ông và
Mỹ. Như thế, không có nghĩa, và không có đoạn nào ám chỉ, ông sẽ từ
chối mọi sự giúp đỡ, nếu có, nếu cần, của những tòa đại sứ khác, chẳng
hạn. Thế thôi. Có như vậy người ta mới hiểu tại sao ông đã xin tỵ nạn
trong lãnh sự quán Pháp.
Phải
công nhận bức thư của Sirik Matak, dù được viết trong bối cảnh nào, quả
là tuyệt vời. Bức thư với giọng nhẹ nhàng, lịch sự mà vô cùng cay đắng,
kiêu hãnh của một nhà lãnh đạo anh hùng, có khí phách, có trách nhiệm,
không đào ngũ trước khi tai họa giáng xuống. Một bản cáo trạng hùng hồn
về sự phản bội, qua những câu bình dị, nhưng làm nhức nhối tâm can.
Bức
thư tuyệt vời, so với bài diễn văn của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn
Thiệu. Chúng ta, những người lớn tuổi, còn nhớ buổi tối 21/4/1975, trong
giờ tổ quốc lâm nguy, ông đã lên tivi, lúc thì đanh thép lúc thì nghẹn
ngào, để tố cáo Mỹ như thế nào về việc cúp viện trợ cho Việt Nam, nghĩa
là bỏ rơi Miền Nam, nào là “Hoa kỳ nuốt lời hứa. Bây giờ còn ai tin lời
của người Mỹ?”, nào là “chúng ta không thương lượng với Mỹ để có vài
triệu đô la giống như chúng ta đi trả giá ngoài chợ cá”, v.v… (xem các
báo cũ Việt Nam và Mỹ như The New York Times, Los Angeles Times, v.v…).
Đặc biệt, câu cuối cùng: “Tôi từ chức, nhưng tôi không đào ngũ. Tôi sẽ
trở về với quân đội, chiến đấu sát cánh với các chiến hữu.” Năm ngày
sau, ông rời khỏi Sài Gòn trong một chiếc Mercedes bịt kín, do một đoàn
xe CIA hộ tống dưới quyền chỉ huy của Frank Snepp (cf George J. Church,
“Saigon: The final 10 days”, Time Magazine, 4/24/1995), ra phi trường,
có đại sứ Martin đứng chờ, để đi Taiwan trên chiếc máy bay C-130 sơn
đen, với 15 tấn hành lý, và nếu ta tin lời Gabriel Kolko (The Guardian,
Oct 2, 2001) “có hai va-li lớn đầy vàng”, hoặc David Lamb của tờ Los
Angeles Times, “với số vàng trị giá 15 triệu dollars” (and USD 15
million in gold)...???????????
Một
số phận, hai nhân vật. Bức thư của Thủ tướng Sirik Matak tuyệt vời,
trên cả tuyệt vời. Cho nên đã được Henry Kissinger đọc cho Quốc Hội Mỹ,
để họ nghe thấm thía thêm nỗi nhục nhã và hối hận, biết đâu! Cho nên
được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ như một tài liệu quan trọng, trong
khi ở đó không có bức ảnh nào của ngũ tướng tuẫn tiết VNCH (tại sao,
mặc dù vì niềm tự hào truyền thống không ai trong chúng ta đòi hỏi phải
có?). Cho nên đã được người Việt tỵ nạn hàng năm đem ra đăng lại để tô
rạng ngời thêm tấm gương dũng liệt của một lãnh tụ ngoại quốc, một đồng
nạn nhân của sự tráo trở, phản trắc.
Nhưng,
tiếp theo bức thư tuyệt mệnh ấy, vào ngày 17/4/1975, ông hoàng, cựu Thủ
tướng Sirik Matak đã chạy vào lãnh sự quán Pháp, cùng với hai cận vệ
–điều mà ít ai biết, chú ý hay còn nhớ– và những viên chức cao cấp của
chế độ: Ung Boun Hor, chủ tịch Quốc Hội Cam Bốt, Long Boret, thủ tướng
đương nhiệm, công chúa Mam Manivane, gốc Lào, vợ thứ sáu của Sihanouk,
con gái, con rể, và hai cháu ngoại của bà, và nhiều người khác, không
dưới 100. Dù không được mời. Dù bị xua đuổi thẳng thừng, thô bạo, và
giao nộp cho Khmer Đỏ ba hôm sau, để tất cả bị giết sạch, kể cả đàn bà
con nít, bởi loài thú hung hãn mang hình người.
Tấn
thảm kịch này được kể lại, kèm theo hình ảnh, bởi nhiều nhân chứng, tác
giả Pháp, Mỹ, Miên, từ Olivier Todd, François Bizet (Le Portail, La
Table Ronde, 2000), đến Henry Kamm (Cambodia: Report from a
Strickenland, Arcade Publishing, 1998), v.v…, và những ký giả quốc tế.
Kể lại bởi những phiên tòa quốc tế xét xử bọn Khmer Đỏ. Và nhất là bởi
vụ kiện được thụ lý từ tháng 4/2008 tại tòa án Créteil, Paris, do bà góa
phụ Billon Ung Boun Hor, tác giả quyển Rouge barbare (Ed. Respublica,
2009), khởi tố chính phủ Pháp đã ra lệnh nộp chồng bà cho Khmer Đỏ –vụ
án mà tất cả báo chí Pháp tường thuật, đang làm thức tỉnh và hổ thẹn
lương tâm người Pháp, cũng như bức thư của Sirik Matak, từ 36 năm trước,
đã làm thức tỉnh và hổ thẹn lương tâm người Mỹ.
Hoàng
thân Ung Boun Hor, Chủ tịch Quốc Hội Cam Bốt, bị nhân viên Sứ quán Pháp
đẩy ra cửa giao nộp cho Khmer Đỏ, ngày 20/4/1975. Hình trong báo
Newsweek, số ngày 19/5/1975, được luật sư của bà Billon Ung Boun Hor
trưng ra trước tòa, để phản bác lập luận của chính phủ Pháp cho rằng
những chính khách Cam Bốt tự nguyện rời khỏi Lãnh sự quán. Trích lại từ
báo Thế Giới Ngày Nay (Kansas, chủ nhiệm Lê Hồng Long) số 207, tháng
7&8, 2010, trang 36.
Chính
phủ Pháp không xấu, nhưng trong vấn đề chính trị, thường phá bĩnh, chọc
gậy bánh xe, ganh đua với người Mỹ, vì mặc cảm hay hội chứng de Gaulle
–chịu ơn Mỹ, nhưng vẫn ghét Mỹ. Tại Việt Nam, người ta chưa quên hành
động lăng xăng của ông Jean-Marie Mérillon và Tòa đại sứ Pháp ở Sài Gòn
giữa Dương Văn Minh và MT Giải phóng Miền Nam và Bắc Việt trong những
ngày cận kề 30/4, tự nguyện làm trung gian cho một chính phủ trung lập,
để rồi bị Bắc Việt sau khi chiến thắng đuổi chạy có cờ. Thật ngây thơ,
như muôn đời họ vẫn. Và riêng ở Phnom Penh, tháng 4, 1975, con cháu của
những anh hùng Charlemagne, Jeanne d’Arc, và Napoléon đã quá hèn nhát,
một cách độc ác, tồi tệ.
Nhưng
thôi, có ai học được chữ ngờ? Tôi xin ngưng ở đây. Việc này hãy để công
lý, lịch sử và thời gian xét xử, và không là chủ đích bài viết của tôi.
Điều
tôi muốn bàn tiếp là tôi lấy làm tiếc, rất tiếc cho Sirik Matak –một
người tôi đã thấy, đã nghe, đã đọc. Giá ông vẫn ngồi đó, tại bàn làm
việc, và nhận phát đạn của Khmer Đỏ hay của chính mình! Bề nào thì cũng
chết cho quê hương mà ông yêu dấu, như ông đã viết trong thư. Giá ông
đừng chạy vào lãnh sự quán của Jean Dyrac! Để làm gì, nếu không mong bảo
toàn sinh mạng và được cấp một trong 300 tờ hộ chiếu mà luật sư Patrick
Baudoin của bà Billon Ung Boun Hor nói Jean Dyrac đã mang về Pháp còn
trắng trơn? Như vậy, xin nhắc lại, việc Sirik Matak từ chối lời mời của
John Dean chỉ là vấn đề cá nhân giữa ông và nước Mỹ. Từ chối lời mời của
một đồng minh đầy quyền lực nhưng hai mặt, và gõ cửa một người bạn mình
tưởng tử tế, nhưng quá hèn mạt, xua đuổi mình trong lúc hoạn nạn, hành
động nào đúng hơn? Và trước khi bị giết, ông cựu thủ tướng có nghĩ rằng
ông đã phạm một lỗi lầm nữa, đó là tin vào người Pháp, cũng như trước
kia ông đã tin vào người Mỹ (chỉ cần đổi chữ the Americans thành les
Français trong câu: “je n’ai commis qu’une erreur, ce fut de vous croire
et de croire les Français”)?
Tôi
không có ý phê phán Sirik Matak, vì tôi không là cái gì cả để dám xét
đoán một vĩ nhân. Một lần nữa, tôi chỉ tiếc cho ông. Bức thư tuyệt diệu
kia đã đưa ông lên ngôi vị anh hùng, héros, trong lòng tôi và dưới mắt
hàng triệu người. Việc ông chạy lánh nạn tại lãnh sự quán Pháp đã đem
ông xuống hàng mà tôi tạm gọi là “bán anh hùng”, demi-héros. “Bán anh
hùng”, tức một nửa anh hùng, nhưng vẫn hơn người phàm tục, như tôi, như
biết bao kẻ khác, gấp bội. Vẫn hơn những “đồng nghiệp” của ông bên kia
dòng sông Mê Kông như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh,
Vũ Văn Mẫu và một số lỉnh (dấu hỏi) tướng Việt Nam… Vẫn hơn “đồng hương”
Lon Nol lúc ấy còn tắm nắng trên bãi biển Hawaii, và Sihanouk đang mở
yến tiệc linh đình tại Bắc Kinh.
Tuy
nhiên, cựu thủ tướng Sirik Matak có lẽ chưa biết gương tuẫn tiết của
những anh hùng trong lịch sử Việt Nam cận đại: Võ Tánh, Ngô Tòng Châu,
Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, đã không tìm đường thoát thân dù bị vây
khốn, và quyết chết theo thành. Của Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ
cố vấn Ngô Đình Nhu, dù nếu có phạm khuyết điểm gì đi nữa, đã tỏ ra là
một nhà lãnh đạo cao cả, can trường, bằng cách khước từ lời Cabot Lodge
mời đến một nơi an toàn (cf Thomas Boettcher, Vietnam, The Valor and the
Sorrow, sđd) và cũng không chạy vào bất cứ tòa đại sứ nào, trên bước
đường cùng, để rồi bị sát hại dã man mặc dầu đã đầu hàng (hai ông bị
trói và xác bị đâm nát) bởi bọn phản tướng. Của năm vị tướng Tư lệnh của
Quân Lực VNCH, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên
Vỹ, Phạm Văn Phú, đã tử tiết trong khi có đủ phương tiện ra đi. Của
nhiều vị sĩ quan và quân dân cán chính vô danh khác đã âm thầm tự kết
liễu đời mình. Hay, ít ra, của cựu Tổng thống Trần Văn Hương, qua bài
viết mới đây bởi sử gia Trần Gia Phụng (cf “Lịch sử phán xét”, Toronto,
29/1/2011, trên website):
“Trước khi Sài Gòn sụp đổ, ngày 28-4-1975, đại sứ Pháp cho người mời tổng thống Hương di tản. Tổng thống Hương trả lời: ‘Nếu trời hại, nước tôi mất, tôi xin thề là sẽ ở lại đây và mất theo nước mình.’
Sau
đó, ngày 29-4-1975, đích thân đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, cùng một
viên tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp, đến gặp và mời Trần Văn Hương ra
đi. Hai bên nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ông Hương trả lời: ‘Thưa Ngài
Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như
vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông Đại sứ đến mời
tôi ly hương, tôi rất cảm ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và dứt
khoát ở lại với nước tôi. (…..)
Tôi
là người lãnh đạo hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với
họ một phần nào niềm đau khổ tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất
nước. Cảm ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.’ Sau khi nghe Trần Văn Hương
trả lời, trong đó có câu ‘Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó’ (Les
États Unis ont aussi leur part de responsabilité…), đại sứ Martin nhìn
trân trân vào ông Hương, rồi ra đi mà chẳng bắt tay nhau.” (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tt. 352-355).
Những
câu trên đầy khí tiết, quả cảm, kiêu hãnh, mặc dù chỉ qua lời người thứ
ba kể lại, của cựu Tổng thống Trần Văn Hương cũng tuyệt vời, đâu thua
gì bức thư của Hoàng tử Sirik Matak, cựu thủ tướng Cam Bốt?
Bởi
vì, nếu biết, có thể Sirik Matak đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi
chạy vào lãnh sự quán Pháp. Hoặc có thể ông không chạy đi đâu cả. Để qua
đó, mãi mãi, hàng năm, cứ mỗi 30/4, khi đọc lại bức thư khẳng khái của
ông, tôi và đồng hương và những thế hệ con cháu được hãnh diện trọn vẹn
về ông.
Để
qua đó, chúng tôi hy vọng thấy ông trong những miếu thờ tại một nơi nào
trên đất Cam Bốt, cũng như các bậc đại anh hùng của tổ quốc chúng tôi
trong những miếu thờ ở Việt Nam.
Các
bậc đại anh hùng mang hình hài của nhân thế, khác với những vị thần
linh Hy Lạp cổ xưa, dù đã trở thành bất tử sẽ không bao giờ ganh tị
chúng ta, vì đã đạt đến diễm phúc bi thảm đợi chờ cái chết đến mỗi ngày,
mỗi giờ, mỗi phút –đặc ân mà chỉ loài người khả tử chúng ta mới được
nhận lãnh.
Điều đó, tôi cũng sẽ nói
thêm cho Soriya nghe, tiếp nối câu chuyện về thần linh năm nào dở dang,
nếu một mai được gặp lại nàng ở kiếp này. Hay kiếp khác.
Portland, cho Tháng Tư Đen
KIM THANH