Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát / Mẹ khấn đôi lời con có nghe / Vì nước bỏ mình là bất tử / Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Monday, October 22, 2012
Kontum: The Battle to Save South Vietnam
Nhân đọc cuốn sách: Kontum: The Battle to Save South Vietnam* của Thomas P. McKenna.
Song Vũ
(LTS. Song Vũ là bút hiệu của cựu Trung Tá Ngô văn Xuân, tốt nghiệp khóa 17VBQG, nguyên là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44BB. Đơn vị đã chiến đấu lẫy lừng để giữ vững thành phố Kontum mùa hè 1972)
Mới đó mà chiến trường Kontum cũng đã tròn 40 năm (1972-2012 ). Những ký ức về một cuộc chiến xưa thỉnh thoảng vẫn còn lẩn quất trong ký ức tôi mỗi khi gặp lại một đồng đội cũ hoặc đọc được một bài viết có liên quan đến địa danh này. Thật bất ngờ, tôi nhận được e-mail của nhà văn Phạm Tín An Ninh cho biết có một cố vấn Mỹ từng tham dự trận đánh Kontum viết lại trận đánh này. Phạm Tín An Ninh muốn tôi đọc xem những điều Mc Kenna viết và cho biết ý kiến. Vì những hạn chế về sức khỏe nên tôi hẹn với Ninh sẽ đọc khi có dịp. Thực tình trong thâm tâm, tôi vẫn muốn quên đi những kỷ niệm tuy hào hùng nhưng rất nhiều đau thương này. Mỗi khi nhớ tới các chiến hữu và đồng đội của mình đã nằm lại vĩnh viễn trên chiên trường mịt mù lửa khói bom đạn và tràn đầy xương máu ấy lại làm cho tôi xúc động bùi ngùi.
Rồi bỗng dưng tôi nhận được điện thoại của Nguyễn Tư Cao-- dịch giả của cuốn sách-- đồng thời cũng là một chiến hữu cũ của Trung đoàn 44 gọi tới. T.Cao cho biết anh đang chuyển ngữ cuốn sách “Kontum - The Battle to save SouthViet Nam” của McKenna và muốn tôi cho biết vài nhận xét về những điều Trung tá McKenna viết trong sách. Sau đó ít ngày anh gởi cho tôi bản thảo của cuốn sách anh dịch. Và tôi đã đọc bản dịch này trong tâm trạng hy vọng tìm lại được những hình ảnh trung thực của trận đánh, những diễn biến từ trước khi trận chiến thực sự bắt đầu vào ngày 13 và 14 tháng năm 1972 khi Mặt trận B3 chính thức khởi động cuộc tấn công vào Sư đoàn 23 BB đang phòng thủ Kontum.
Vì không thực sự theo dõi và hiểu biết gì về các trận đánh tại căn cứ Tân Cảnh, Đắc Tô của Sư đoàn 22, các trận đánh khác của các đơn vị nhảy dù và BĐQ trong thời gian từ đầu năm 72 tôi xin tập trung vào một phần của cuốn sách viết về Trung đoàn 44—là đơn vị tôi làm Trung đoàn Phó và trực tiếp tham dự trong suốt thời gian trận đánh và cả những năm sau đó (1973-75) với tư cách là một Sĩ quan Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn,( Hành quân / Huấn luyện ) và cuối cùng là một Trung đoàn Trưởng. Tôi sẽ lần lượt trình bầy về hai sự kiện được nêu trong cuốn sách trên.
1/ Tác giả viết “...một chiến sĩ bò ra khỏi nơi trú ẩn, nã một quả đạn M-72” (p.197 và 198). Thực ra chiếc chiến xa đầu tiên bị Trung đoàn 44 bắn hạ là chiến công của Đại úy Nguyễn xuân Hướng, Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 2/44. Anh bắn bằng một trái B40 ! Phải nói thêm là trong suốt thời gian hành quân tại An Khê và xa hơn chút nữa, khi Trung đoàn tổ chức các khóa huấn luyện diệt tank tại căn cứ Sông Mao, theo huấn thị của BTL/SĐ, các tiểu đoàn cơ hữu đều thành lập các toán diệt tank, mỗi đại đội tác chiến một toán gồm hai hoặc ba quân nhân được trang bị từ 2 tới 3 cây sung B40. Đây là các chiến lợi phẩm Trung đoàn tịch thu được trong các cuộc hành quân trước đó. Ngoài ra còn có các binh sĩ khác trong đại đội được trang bị bằng hoả tiễn mang vai M 72. Trong khi leo qua một vồng đất cao để tiến vào tuyến phòng thủ của ta, chiến xa địch đã bị Đại úy Hướng, lúc đó nằm gần đó, lấy cây súng B40 của một binh sĩ trong tổ chống tank, nhắm thẳng bụng chiếc xe để bắn tiêu hủy chiếc xe này. Xe này bị cháy nằm ngay trên tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn. Cũng chính hành động quả cảm này đã cổ võ tinh thần cho binh sĩ Trung đoàn trên toàn tuyến hăng hái tìm diệt thêm 6 chiếc khác trong cùng buổi sang hôm ấy. Điều này tôi có viết lại trong một bài báo khác khi tôi mới bước chân tới Hoa Kỳ vào năm 1993 với nhan đề “ Trung đoàn 44 trong mùa hè đỏ lửa tại Kontum.”
2/Tác giả viết “Một vài binh sĩ địch tìm đường về hồi chánh đã bị sát hại…..” (p.303). Đây là một điều hoàn toàn không chính xác. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc đó vào khoảng 9, 10 giờ sáng ngày 30 tháng 5. Sau nhiều lần tấn công thất bại của cộng quân từ hướng Bắc, Mặt trận B3 tung ra một hướng tấn công mới từ hướng Tây và Nam xuyên qua các đơn vị ĐPQ/ TK Kontum nhằm đánh thẳng vào mặt tiền của BCH/TRĐ lúc đó đang trú đóng tại Thành Dakpha, Bản doanh Biệt khu 24 trước đây. Đơn vị cộng sản tấn công là lực lượng của Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Bình Định lên tăng viện. Đơn vị địch tràn qua Khu doanh trại Thiết giáp nằm ngay trước cửa toà nhà, phân cách bằng một con đường nhựa và một bãi cỏ khoảng chừng dưới 100 m. Chính tôi điều động Đại đội 44 Trinh sát của Trung úy Mạnh trực tiếp phòng thủ hướng này. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 1/44 cũng đang tổ chức cuộc hành quân tảo thanh địch từ hướng Tiểu khu đi vào Trai thiết giáp. Đơn vị này cũng đang chạm địch. Lực lượng của địch đang bị kẹt giữa hai hướng Nam và Tây, chưa kể hướng Bắc, cách đó một cây số, là tuyến phòng thủ của Trung đoàn 45. Tóm lại, địch đang trong vòng tử địa. Quả thật trong lúc giao chiến có một số binh sĩ cộng sản vừa chạy về hướng chúng tôi vừa la to xin hàng. Và ngay tức khắc chúng tôi chuyển hướng tác xạ vào các toán cộng quân khác đang lăm le tiến về hướng chúng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, khi ba cán binh cộng sản men bò vào sát hàng rào phòng thủ xin hàng, chúng tôi đã bảo họ bỏ vũ khí tại vệ đường và đã cho họ vào. Tôi cũng còn nhớ rất rõ trong các số hàng binh con nít này (tuổi của họ đều khoảng 16, 17) có hai người cùng quê Hà Nam Ninh; một người thậm chí còn nói nó cùng quê Cao Bằng với Trung tướng Linh Quang Viên ( ! ) khi tôi đích thân hỏi cung họ. Và không lâu sau đó các tù hàng binh đã được giao cho Phòng 2 Sư đoàn khai thác tin tức.Nhờ đó chúng tôi mới biết họ là lính thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng mới từ Bình Định lên.Tôi thực sự không hiểu McKenna căn cứ vào đâu để có thể nói là Wade-- một sĩ quan trong toán cố vấn của Trung đoàn--, lại đi nhờ một thông dịch viên đứng ra kêu gọi các cán binh này đầu hàng và đảm bảo sinh mệnh của họ và rồi 5 cán binh cộng sản đưa tay xin hàng đã bị bắn chết hết!!! Rất may là sự việc trên đây chính mắt tôi và rất nhiều người khác có mặt tại chỗ chứng kiến.
Ngoài ra cũng nhờ cuốn sách tôi lại tìm ra được một câu trả lời xác định khác:
Qua cuốn sách (*), trong suốt thời gian diễn tiến của trận chiến Kontum. Vann luôn nhấn mạnh đến việc sử dụng máy bay ném bom B52 như một điều kiện để làm áp lực buộc cấp chỉ huy VNCH tổ chức kế hoạch phòng thủ Sư đoàn. Điều này giúp tôi nay hiểu được lý do tại sao tướng Bá kêu tôi lên gặp ông để tổ chức một cuộc đột kích vào phía sau lưng địch nhằm giải toả áp lực địch đang đè nặng lên tuyến phòng thủ của hai Trung đoàn 45 và 53 trong ngày 25 tháng 5. Tướng Bá lúc đó cũng đã nói cho tôi biết “Nếu chúng ta không tổ chức cuộc tấn công này, họ (Hoa Kỳ) sẽ không yểm trợ hỏa lực B52 nữa!” Sở dĩ phải viết rõ điều này là bởi tính nghịch lý của lệnh hành quân: sau hơn 2 tuần lễ quần thảo với địch quân trên chạm tuyến Bắc Kontum, số tổn thất khá nặng về quân số và vũ khí, cuộc chiến đấu liên tục lúc ngưng lúc nghỉ cả ngày lẫn đêm, lực lượng của Trung đoàn 44 lúc đó cả quan lẫn lính đều mệt đừ vì thiếu ăn và thiếu ngủ. Trung đoàn mới được lệnh rút về tuyến sau được 2 ngày trong tư thế trừ bị để dưỡng quân và bổ sung. Phải sử dụng một lực lượng trừ bị trong tình cảnh như thế là điều khiến Tướng Bá do dự. Ông là cấp chỉ huy đi sát mặt trận và thông hiểu tình trạng thuộc cấp của mình. Tuy nhiên vì áp lực của Vann đã khiến cho ông không còn chọn lựa nào khác. Tôi còn nhớ rất rõ khi được lệnh này, tôi đã hội ý cùng hai Tiểu đoàn trưởng 1 và 2/44 là hai tiểu đoàn cừ khôi nhất của trung đoàn lúc đó để đi đến cùng một quyết định: Chúng tôi sẽ chọn mỗi tiểu đoàn khoảng 100 người còn “ lành lặn!” và dầy dạn chiến trận. Tôi cùng hai Tiểu đoàn trưởng 1 và 2/44 là các Thiếu tá Đặng Trung Đức và Nguyễn Xuân Phán trực tiếp chỉ huy cuộc đột kích này. Thiếu tá cố vấn phó Lovings là người đối nhiệm của tôi, lý ra theo nguyên tắc, ông phải đi theo nhưng ông đã không đi. Qua cuốn sách, tôi lại thấy rõ thêm một điều: trong những giờ phút cuối cuộc chiến, người Mỹ tìm mọi cách tiết kiệm tối đa sinh mạng của họ. Chúng tôi lên máy bay của phi đội trực thăng 229 của Thiếu tá Phạm văn Quang. Đoàn quân đổ xuống mục tiêu cách xa thành phố Kontum 14 cây số về hướng Đông Bắc để đánh vào sau lưng tuyến tấn công của địch. Nếu có toán cố vấn đi cùng, chắc hẳn họ đã chứng kiến tận mắt những gương chiến đấu dũng cảm của các sĩ quan, hạ sĩ quan của hai đơn vị này, kể từ lúc chúng tôi chạm chân xuống bãi đáp lúc 9 giờ30 sáng ngày 25 tháng 5 năm ấy. Trận đánh kéo dài suốt từ sáng cho tới 18:00 giờ cùng ngày. Chúng tôi giao chiến với đủ loại lực lượng địch, từ các toán tản thương, tiếp tế, đến các tổ truyền tin . Sau cùng chúng tôi đánh cận chiến với các lực lượng địch trên tuyến tấn công ngay truớc mặt các lực lượng bạn trên phòng tuyến Kontum. May mắn là chúng tôi, sau đó, đã kịp trở về. Chưa tới 8 tiếng đồng hồ sau, như đã hẹn trước địch mở một cuộc tấn công mới. Đó là trận tấn công Mc Kenna kể lại khá chi tiết trong Chương 17 “Các bạn sẽ bị tràn ngập”. Câu chuyện này tôi cũng đã kể rõ trong bài báo nói trên.
Trận đánh Kontum cuối cùng cũng đã kết thúc trong chiến thắng của quân lực VNCH phòng thủ Kontum và sự thất bại ê chề của các lực lượng tấn công miền Bắc. Không ai có thể phủ nhận chiến thắng này sở dĩ có được là vì sự kết hợp chặt chẽ từ hai phía, một bên là sự yểm trợ hỏa lực hùng hậu của Hoa Kỳ và phía bên kia là tinh thần chiến đấu dũng cảm của các lực lượng phòng thủ Kontum năm ấy. McKenna đã có nhận xét rất chính xác trong chương sau cùng của cuốn sách “Các cố vấn Hoa kỳ; các phi công lục quân, không quân, hải quân và TQLC Hoa Kỳ; các phi công VNCH, phi cơ trực thăng, các xe Jeep có gắn hoả tiễn Tow đã đóng vai trò chủ chốt trong chiến thắng của chúng tôi tại Kontum. Thế nhưng sau rốt thì mọi việc vẫn phải tùy thuộc vào tinh thần chiến đấu của mỗi chiến binh VNCH, các sĩ quan hạ sĩ quan của các đơn vị này. Chính những người đứng trên trận tiền đó đã phải hứng chịu hỏa lực dai dẳng của pháo binh, hỏa tiễn và súng cối cùng các đợt tấn công bằng bộ binh và chiến xa của địch quân.”
Dùng quan điểm của một sĩ quan thuộc một quân đội hùng cường vào bậc nhất thế giới là Hoa Kỳ để lượng giá một đạo quân còn non trẻ về tuổi tác và kinh nghiệm trong một hoàn cảnh chiến tranh vừa phi quy ước vừa quy ước Tác giả cuốn sách quả đã làm hành động mạo hiểm nếu không muốn nói là rất dễ sa đà vào những ý kiến chủ quan phiến diện. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những nhận xét chủ quan ấy để tìm hiểu toàn cảnh một mặt trận, một trận đánh, dù sao chúng ta cũng vẫn nhìn ra được những bài học cho các thế hệ tiếp nối. Đó có lẽ là điều chúng ta có thể tìm thấy sự hữu ích trong cuốn sách này.Tác giả McKenna có dẫn ra một ý tưởng rất thú vị “Chém giết vốn là một nghề bẩn thỉu” (p.289). Tôi lại muốn thêm một ý khác: Chiến trường là một loại địa ngục, các phe phái tham chiến đều là nạn nhân và những lãnh đạo cộng sản miền Bắc chủ mưu gây nên cuộc chiến này là ác qủy.
Trận đánh Kontum đã tròn 40 năm tính đến thời điểm này. Cuốn sách của Mc Kenna có lẽ là cuốn sách đầu tiên viết một cách đầy đủ những diễn tiến về một trong những trận đánh có tính quyết định trong chiến tranh VN. Chỉ tiếc, giá như tác giả bỏ công tham chiếu thêm những bài viết và các tài liệu sách vở của những người thực sự có mặt trong trận đánh ấy, đặc biệt sau các đợt HO từ năm 1990 trở đi, cuốn sách sẽ phong phú hơn nhiều. Bên cạnh đó, do góc độ hạn hẹp từ vị trí của Bộ chỉ huy Trung đoàn, với vai trò một cố vấn ngoại quốc, tác giả thường chỉ nhìn thấy một số hành động và kết quả hạn chế của đơn vị thuộc quyền trách nhiệm và nghe qua những báo cáo được thông dịch ngắn gọn từ thông dịch viên.Thành ra những điều ông không nhìn thấy hoặc nghe thấy đôi lúc còn quan trọng hơn, có tính quyết định hơn đã đưa tới kết quả ấy. Cho nên chúng ta cũng không thể kỳ vọng ở nơi tác giả những điều mô tả một cách chính xác hơn những điều tác giả đã làm.Những khen chê của tác giả nêu ra trong cuốn sách và nhất là những dòng tâng bốc lên tận mây xanh của các ngòi bút cộng sản Việt nam trong các tài liệu, sách báo của họ sau cuộc chiến, khi viết về trận đánh trên cao nguyên này, tất cả cũng chẳng thể làm sống lại những người của các bên tham chiến đã nằm xuống tại chiến trường. Theo thiển ý, khi đọc cuốn sách, gạt bỏ đi những nhận xét cao ngạo vô lối, các phê phán có tính kỳ thị, chúng ta sẽ tìm thấy những ngậm ngùi đích thực cho một trận chiến và lòng ngưỡng mộ đích thực cho tất cả mọi hy sinh của các lực lưọng quân dân cán chính VNCH đã tham gia phòng thủ trên chiến trường Kontum trong cuộc chiến bi hùng năm ấy.
Cỗ xe lịch sử vốn là một cỗ xe không có đèn phía trước dẫn đường mà chỉ có đèn báo hiệu ở phía sau. Đó là lý do tại sao những nhân vật đóng vai trò hướng dẫn lèo lái cỗ xe phải là những người tinh tường và có viễn kiến. Lịch sử Việt nam cận đại thể hiện rõ sự mù lòa, khiếm thị của những người từng được coi là “lãnh tụ anh minh” của cộng sản Việt Nam. Cho dù chúng ta đều hiểu rằng lịch sử trong đà tiến hóa của mình không bao giờ có chữ “Nếu”. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn ước ao gíá như những lãnh tụ cộng sản miền Bắc đừng xua quân vào Nam qua cái gọi là “chiến tranh giải phóng”, thì những cuộc chém giết tự hủy diệt nội lực dân tộc như những trận đánh đẫm máu từ khắp chiến trường miền Nam năm 1972 ấy đã không xẩy ra. Dân tộc ta đâu đến nỗi điêu linh như hiện tại. Đất nước đâu đến nỗi hèn yếu tới mức tự nguyện trói tay khuất phục dưới bàn tay bạo tàn của kẻ thù truyền kiếp hung hiểm Trung cộng như hiện nay.
Campbell Tháng 6/2012
_____________________________________________________________
(*)Nguyên bản tiếng Anh: “Kontum the Battle to Save South Vietnam” của Thomas P. McKenna do Nguyễn Tư-Cao dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Kontum, cuộc chiến đấu cứu Miền Nam Việt Nam.” Sách do Kauthara Publisher, Minneapolis, Minnesota ấn hành năm 2012. [email:cunguyen1@ yahoo.com] Sách dày 378 trang. Giá bán US $20.
No comments:
Post a Comment