Tuesday, November 22, 2016

Viết, từ nỗi lòng người mẹ..


( Cám ơn Phạm Hòa với trang mục :
 Chiến Sĩ Vô Danh Việt Nam )



(Album hai)
Khi trời bắt đầu se lạnh, khi  những chiếc lá vàng chấp chới chao nghiêng  theo gió cuộn tả tơi trong giòng xe cộ cũng là lúc, mùa lững thững vào đông..

Mỗi lần, lúc chiếc xe rẽ ngang góc bưu điện thị xã, tôi như thấy mình, thưở nào không xa lắm, lễ mễ ôm thùng quà bước lên bậc thềm lát gạch, vượt qua  thùng thư sơn mầu xanh đậm đặt cạnh mấy chỗ bán báo tự động..

Những thùng quà tôi gửi cho con thời  gian con ở Phi Châu, ở Iraq và  đâu đó trong chiến trường Afghanistan..


Những thùng quà đóng bằng lớp giấy dày mầu kaki , nhét  đầy  bánh , kẹo, mì gói..và nữa, là trái tim nặng trĩu của người mẹ. Ngày tháng qua,  nước mắt tôi đã dần khô nhưng khi nhìn căn phòng con với đồ đạc bỏ lại, lồng ngực tôi lại râm ran nhói đau , tựa hồ tôi vừa va vập một tảng đá lớn, nó làm tôi khó thở và đau đớn..

Nỗi đau đó, trở lại hôm nay khi tôi nhìn những người lính trẻ, chỉ bằng tuổi con tôi, có người lớn hơn, chỉ như em trai tôi..Hình ảnh những người lính ấy khi ra trường cũng gầy gò như con tôi ngày mãn khóa..Gương mặt mỗi người sao quá gần gũi quen thuộc với tôi, trong ánh mắt của mỗi người là niềm vui  tuổi trẻ , là nỗi khát khao được sống, được yêu. Họ có thể chọn cho mình một cuộc sống bình yên, đi học, ra trường, đi làm, xây dựng gia đình…  Nhưng đổi lại, họ lại chọn cho mình một con đường khác, một con đường binh nghiệp hiểm nguy, bất trắc.

Những người lính ấy, họ ra đi khi còn quá trẻ, có người chưa qua tuổi hai mươi..có người vừa tử trận cách đây chỉ vài ngày..

Ngôn ngữ làm sao viết  cho hết , diễn tả cho hết, và lòng tôi thương họ xiết bao. Tôi thương cả những người mẹ mất con.. Nỗi đau đớn như xát muối vào thịt da sưng tấy, vào  vết thương không bao giờ lành lặn , và suốt đời , họ mang một trái tim tan vỡ ngay cả  khi còn sống.

Tôi may mắn hơn họ, con tôi trở về bình yên sau những năm quân ngũ, nhưng nỗi nhớ thương lo lắng cho con mình khi nó vượt ra khỏi tầm tay, khi nó đang đối diện với cái chết từng ngày, tôi và họ, đã một thời  chung một nỗi đau.

Chung những đêm dài không ngủ.. Chung những đêm quay quắt nhớ con.

Tuổi trẻ của tôi đã từng trải qua  những năm tháng chiến tranh. Lúc ấy, bởi  tôi còn rất trẻ, cuộc sống thành phố quá  bình yên nên chưa bao giờ hình dung rõ nét, hoặc cảm giác mất mát chưa hề chạm đến tận cùng nên khi lìa nhau, biết xa nhau và không hẹn trước ngày về, tôi luôn chấp nhận điều đó bằng nỗi cam chịu, bởi, cũng như bao nhiêu người khác, khi có người yêu là lính chiến.
 Nhưng khi nhìn con đeo ba lô trở lại đơn vị, trong tôi trở lại cảm giác mất mát lẫn đau đớn không thể nói thành lời, nó là gánh nặng triền miên đè trĩu lòng tôi khi mỗi bước con xa dần. Con chim đang háo hức đập cánh bay về vùng trời rộng kia, nhiều thứ đang chờ đợi  thử thách  và nó không hề biết rằng, nó đã bỏ lại căn nhà trống trải vừa lấp đầy nỗi đau đớn khôn lường.

Tôi sợ hãi. Tôi thật sự mất thăng bằng.  Không biết điều gì sẽ xảy đến cho con tôi, cảm giác y hệt như ngày xưa mỗi lần tôi tiễn anh đi..Nếu con tôi không trở về , khoảng đời kế tiếp chúng tôi sẽ sống ra sao.
 Ai sẽ bù đắp nỗi mất mát mà tôi phải gánh chịu ở phần đời còn lại ?

Những người lính trẻ, họ đến trong cuộc đời lặng lẽ và ra đi lặng lẽ.. Những giọt nước mắt tiếc thương rồi cũng rơi dần vào quên lãng. Chỉ người còn sống suốt đời mang vết thương tật nguyền, không bao giờ lành lặn. Vĩnh viễn. Không bao giờ.

Nên, ngoài nỗi thương xót cho những người lính tử trận, tôi thương lắm những người phụ nữ đã mất con, mất chồng nơi chiến trường.. Tôi thương giọt lệ của người mẹ khi đón con về nhà trong tiếng kèn truy điệu não nùng bi ai  và những giọt nước mắt không ngừng chan hòa cùng cơn mưa thấm đẫm ngoài trời.. Tôi thương tiếng khóc thảm thiết của người mẹ vừa mất con, thương những ngón tay của em, của chị, của vợ  ôm chặt lá cờ tưởng như ôm lấy một phần hơi ấm người thân mà lát nữa đây, khi nắm đất ném lên, tiếng khóc lịm dần  là trùng trùng vĩnh biệt.

Tôi nhìn rất lâu hình ảnh của những người lính trẻ đã từ bỏ cuộc đời mình, từ bỏ tuổi thanh xuân, độ tuổi đẹp đẽ nhất, tràn đầy hy vọng nhất để vào quân ngũ. Chấp nhận gian khổ. Chấp nhận tai ương. Họ đã nối tiếp những ước mơ dang dở của cha ông dù không chiến đấu cho một quê hương Việt Nam.. Họ, kế thừa tiền nhân, viết tiếp trang sử truyền thống oai hùng của Tổ tiên để bảo vệ chính nghĩa tự do, cho chính nơi chốn đã cưu mang họ và gia đình.

 Họ trả dùm chúng ta món nợ trên quê hương thứ hai nầy.

Nếu ngày nào, con tôi muốn trở lại đời quân ngũ, tôi cũng sẽ chấp nhận điều đó vì ít ra, trong huyết quản của con tôi, của hằng bao nhiêu người lính trẻ Việt nam đang chiến đấu cho đất nước nầy vẫn còn luân lưu những giòng máu Việt  kiêu hùng.

Can đảm và bất khuất.

Không hề lùi bước trước kẻ thù..

Không sợ chết. Không ngại hy sinh.


Xin gửi một đóa hoa thương tiếc cho những người lính đã hy sinh vì lý tưởng tự do, vì hòa bình thế giới.

Xin gửi một đóa hoa xót xa cho những bà mẹ, những người cha, người vợ..Những người đã phải chịu đựng sống  phần đời còn lại của mình với trái tim tan nát. 

Gửi lời cầu nguyện bình yên đến những người lính  đang trong quân ngũ hằng ngày đối mặt với mọi chết chóc,hiểm nguy. Và cả lời bình yên cho gia đình họ.

Xin ơn trên giữ gìn họ như đang gìn giữ chúng ta.

Nhật Tân PBC72

Chú thích : 
Album một :
Hàng 1, từ trái sang phải :  Hạ sĩ TQLC Alan Đinh Lâm .
                                            Hạ sĩ TQLC Lê Ngọc Bình . 
                                            Hạ sĩ TQLC Denny Đoan Tran                                                                             
Hàng 2, từ trái qua phải :  Hạ sĩ Bộ Binh Trần Quốc Bình. 
                                Trung sĩ Bộ Binh Nguyễn Ngọc Long
                                 Hạ sĩ TQLC Nguyễn Lee văn Te
 

Album hai : hàng dọc:
hàng 1)  Trung sĩ nhất KQ Nguyễn Văn Thanh
                Trung sĩ nhất Bộ binh Trần Hai Du
hàng 2)  Hạ sĩ nhất Bộ Binh Nguyễn Hồng Dan
        Thượng sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Nguyễn Mạnh Tùng
                Hạ sĩ TQLC Victor R Lữ
hàng 3) Hạ sĩ TQLC Andrew S. Đặng
               Binh Nhất Bộ Binh Ngô Q Tan

No comments:

Post a Comment