Wednesday, May 1, 2019

Sài Gòn Bỏ Ngỏ - Trọng Đạt

 
Điện Biên Phủ năm 1954
Miền Nam Việt Nam và toàn cõi Đông Dương bị thất thủ vào tay Cộng Sản Bắc Việt cuối tháng 4-1975, nhiều người đổ lỗi cho Nixon, Kissinger, cho ông Nguyễn Văn Thiệu sai lầm làm mất miền Nam, hoặc tại Dương Văn Minh đầu hàng giặc. Thực ra nó bắt nguồn từ những sai lầm của Lyndon Johnson từ năm 1954 và sau này từ 1968, ông là chính khách quan trọng đã hai lần nắm giữ vận mạng Đông Dương và ảnh hưởng tới sự sống còn của mảnh đất này.(1)
Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt tháng 7-1953, Trung Cộng giúp Việt Minh nhiều hơn trước và Mỹ cũng tăng viện trợ cho Pháp tại chiến trường miền Bắc nhất là tại trận Điện Biên Phủ,  từ 13-3-54 tới 7-5-1954
Việt Minh đưa gần hết các sư đoàn chính qui của họ vào trận đánh tại ĐBP tổng cộng 63,000 người (2). Pháp tổng cộng khoảng 16,000 người. Pháp phải đối đầu với một lực lượng đông gấp 4, 5 lần cộng với hỏa lực rất mạnh. Sau ngày 26-3-1954, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược. Không quân Pháp quá yếu, toàn bộ chiến trường Đông Dương chỉ có khoàng 200 máy bay (3)
Kể từ sau ngày 26-3 số phận của Điện Biên Phủ coi như đã được quyết định rồi. Từ cuối tháng 3-1954, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với khoảng gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi chiếc mang 9 tấn bom cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này lấy mật danh Kên Kên do Đô đốc Arthur Radford, Tham mưu trưởng liên quân (TMTLQ) đề nghị được Tổng thống Eisenhower (Cộng hòa), Phó Tổng thống Nixon, Bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles ủng hộ, chấp thuận.
Đô đốc Radford phác họa tình hình nguy kịch tại Điện Biên Phủ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Dulles đồng ý hoàn toàn với Radford và nói mất  ĐBP sẽ đưa tới thảm họa, Pháp sẽ rút hết và CS sẽ chiếm toàn cõi Đông Dương. Vòng đai phòng thủ Á châu của Mỹ bị đe dọa, nếu Đông Dương mất Đông nam Á, Nam Dương cũng sẽ mất theo. Để tránh thảm họa Dulles kêu gọi Quốc hội hãy yểm trợ Tổng thống để ông có thể xử dụng Không quân Hải quân trong vùng nếu cần thiết cho quyền lợi an ninh quốc gia. (Tổng thống có thể can thiệp không cần Quốc hội nhưng ông sợ trách nhiệm)
Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám vị đại diện Quốc hội được mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với các vị đại diện Hành pháp. Phía Quốc hội gồm Johnson, trưởng khối thiểu số Thượng viện (Texas, DC) và 7 vị chức sắc đai diện Quốc hội khác như TNS Russell (Georgia, DC), TNS Millikin (Colorado, CH)......  TNS Johnson đòi phải lập liên minh các nước nhất là Anh, ý kiến đòi này được các ông Chức sắc Quốc hội khác đồng ý. Dulles đáp không thể bảo đảm các nước khác tham dự vì chưa có chứng cớ ta đã can thiệp. Các đại diện Lập pháp nói điều kiện tiên quyết phải có các đồng minh tham gia.
Quốc hội đòi hỏi lập liên minh quân sự, trong đó phải có Anh đã khiến Hành pháp bị bó tay không thể cứu ĐBP được, yêu cầu Tổng Thống phải lập liên minh là ý kiến của Thượng nghị sĩ Lyndon Johnson (Texas) nên người ta coi như ông đóng vai chính trong việc ngăn cản chiến dịch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc.
Màn bi kịch cuối cùng là cuộc họp của Tổng Thống Eisenhower, Đô đốc Radford, một số viên chức cao cấp ngày 29-4 tại Hoa Thịnh Đốn, họ duyệt lại toàn bộ tình hình một lần nữa. Giới quân sự chỉ có Đô đốc Radford vẫn ủng hộ hoàn toàn dù là can thiệp đơn phương (không cần Quốc hội) của Mỹ để cứu ĐBP. Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Carney và Tướng Twining, TMT không quân không nhiệt tâm với kế hoạch này. Tướng Ridway, TMT quân đội Mỹ chống đối hoàn toàn kế hoạch, cuối cùng TT Eisenhower quyết định không giúp Pháp.  ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954.
Chính phủ Mỹ có thể đơn phương can thiệp vào Đông dương, oanh tạc ĐBP mà không cần đưa ra Quốc hội nhưng tình hình năm 1954 người dân không muốn Mỹ vừa ra khỏi cuộc chiến Triều Tiên nay lại tham dự một mặt trận khác. TT Eisenhower không dám tự quyết định mà muốn Quốc hội chia xẻ một phần trách nhiệm với Hành pháp.
Hậu quả của việc Hoa Kỳ không thực hiện được kế hoạch Kên Kên đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959 (4). Người Mỹ hối tiếc đã không thực hiện chiến dịch Kên Kên tiêu diệt hết chủ lực quân Việt Minh để rồi họ lớn mạnh. Phía CS thắng lớn thay đổi cả một khúc quành lịch sử.
Trong phần kết luận cuốn ĐBP, tác giả nổi tiếng Bernard Fall cho rằng Tây phương (Anh-Mỹ) tránh can thiệp vào Đông Dương năm 1954 (để tiêu diệt chủ lực quân VM) mà sau này họ phải can thiệp năm 1967 (VNCH). Nếu ĐBP không bị thất thủ năm 1954 có lẽ lịch sử VN sẽ ít phức tạp hơn (5), gần đây các nhà học giả nghiên cứ về chiến tranh Đông Dương như Logevall, Ted Morgan cũng đồng quan điểm trong hai cuốn sách lớn viết về ĐBP và cuộc chiến Đông Dương lần thứ I
 
Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai
Nó thực sự bắt đầu từ khi TT Johnson lên cầm quyền từ giữa thập niên 60. Ông lên thay TT Kennedy bị ám sát tháng tháng 11-1963, một năm sau ông đắc cử TT nhiệm kỳ 1964-68, một sự tình cờ của lịch sử ý kiến của TNS Johnson trong phiên họp đã ngăn cản TT Eisenhower can thiệp vào ĐBP năm 1954 và bây giờ 10 năm sau (Việt Minh đã lớn mạnh) ông trở thành Tổng Thống lại gánh chịu hậu quả sự sai lầm của chính ông từ hồi 1954.
Năm 1964 CS Hà Nội gia tăng xâm nhập cán binh để chiếm miền Nam. Tại miền Bắc năm 1957 Lê Duẩn được Hồ Chí Minh điều ra Bắc và cất nhắc lên làm làm quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức vì cải cách ruộng đất năm 1956. Năm 1960 Ba Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương, Lê Duẩn  vào bộ máy của đảng và dần dần Duẩn trở thành người có nhiều quyền lực nhất từ đầu thập niên 60.  Lê Duẩn lại may mắn khi tình hình CS quốc tế đổi chiền, năm 1964 Nikita Khrushchev, Thủ tướng Nga bị lật đổ, chấm dứt thời kỳ chung sống hòa bình với Tây Phương, Leonid Brezhnev lên thay ủng hộ Lê Duẩn mở cuộc chiến tranh chống Mỹ
Bộ trưởng quốc phòng McNamara nói (6)
Sáu tháng (28-1 tới 28- 7-1965) là giai đoạn quyết liệt trong 30 năm can thiệp, Tổng thống Johnson đã đưa Hoa Kỳ đi vào con đường can thiệp vào VN ồ ạt về quân sự, đã đưa quân vào VNCH từ 23,000 người 1964 lên 185,00 năm 1965 và cuối cùng 530,000 năm 1968.”
Mặc dù đưa vào miền Nam VN nửa triệu quân nhưng Johnson đã thất bại vì phản chiến. Nói về những lý do đưa tới thất bại, các nhà học giả, sử gia về chiến tranh VN đã đưa ra nhiều nhận xét chỉ trích những sai lầm của Johnson
TT Nixon nói:
“Khi một ông TT đưa quân Mỹ đi tham chiến, một cái đồng hồ vô hình bắt đầu chạy. Ông có một khoảng thời gian nhất định để thắng cuộc chiến trước khi người dân chán nản. Tháng 2 năm 1968, TT Johnson đã hết thời hạn của mình” (7)
Vừa mở mặt trận oanh tạc BV, mặt trận đánh hao mòn địch tại miền Nam, TT Johnson cũng tạo ra cuộc chiến tại Ngũ Giác Đài những năm 1965, 1966, 1967 giữa hai phe dân sự, quân đội. Cuộc chiến này còn kéo dài cho tới đầu tháng 4-1969 khi nhiệm kỳ Johnson đã hết. Cựu Tư lệnh Thái bình dương Đô đốc Sharp và cựu Tư lệnh Westmoreland công bố bản phúc trình 347 trang về cuộc chiến VN. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách Chiến tranh hạn chế (Limited war) của Johnson-McNamara và lệnh cấm đánh qua Miên, Lào. Cuối tháng 4-1969 Đô đốc Sharp đăng báo công kích cựu Bộ trưởng McNamara không cho oanh tạc tiềm lực kinh tế BV mà chỉ cho ngăn chận xâm nhập khiến cho các cuộc oanh tạc hóa ra vô hiệu
Chiến lược giới hạn không cho đánh qua miên, Lào là một khuyết điểm lớn, ông CaoVăn Viên nói (8)
“Gần một phần tư thế kỷ …   CSVN  có được sự an toàn ở các căn cứ hậu cần – trong nội địa hay bên quốc gia lân cận – những căn cứ hậu cần đó là nơi họ dưỡng quân sau những cuộc đụng độ để chuẩn bị cho những trận đánh mới mà không sợ bị quấy  phá.”
Một mặt ông áp dụng chiến tranh hạn chế chậm như rùa trong khi phong trào phản chiến ngày càng nhanh như ngựa
Năm 1969 TT Johnson không tái tranh cử vì biết là sẽ không có ai bỏ phiếu cho mình, ông nhường cho Phó TT Humphrey. Ứng cử viên Nixon thuộc đảng Cộng Hòa thắng cử, GS Nguyễn Tiến Hưng và ông Trần Đông Phong có nhận định (trong tác phẩm) sở dĩ Nixon đắc cử là nhờ ông xúi dục TT Thiệu không tham dự (tẩy chay) họp hòa đàm Ba Lê hồi tháng 10 và 11-1968, trong phim The Vietnam Wars (2017) mới đây cũng có nói như vậy.
Nếu nói ông Thiệu khiến Nixon thắng cử chỉ là nói cho vui thôi. Cuộc tranh cử ngày 5-11-1968  Nixon (CH)  được 301 phiếu Cử tri đoàn, phó TT Humphrey (DC) chỉ được 191 phiếu CTĐ. Người dân Mỹ không chấp nhận chủ trương của Humphrey, sẽ rút bỏ Đông Dương, cử tri không muốn Đông Dương hoặc miền Nam sụp đổ khi Hoa Kỳ rút bỏ mà họ muốn hòa bình trong danh dự nên đã bầu cho Nixon
Người ta quá chán ngấy cuộc chiến sa lầy của Dân chủ, họ đã làm hai nhiệm kỳ, tính tới 1968 đã làm thiệt mạng 35,751 người lính Mỹ. Sự thiệt hai tăng dần năm 1965 có 1,863 lính Mỹ chết tại miền nam, từ 1965 tới 1968 có tất cả 35,751 người tử trận. Con số tử thương này đã khiến phong trào phản chiến càng lên cao hơn nên người ta bầu cho một đảng khác.
Cuối 1965 tỷ lệ số người ủng hộ chiến tranh VN khoảng 61% tới 1968 xuống còn khoảng 40%, tới 1971 còn khoảng dưới 30% (9). CS bị thảm bại Tết Mậu thân 1968, ta đánh thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến, chống đối tại Mỹ lên cao, họ đòi chính phủ rút quân về nước. Sau trận Mậu Thân 1968 phong trào chống chiến tranh lên cao tột đỉnh mà không có gì ngăn cản nổi, người dân cương quyết đòi nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến
Tác giả George Donelson Moss (trong Vietnam, An American Ordeal) gọi cuộc chiến của Nixon là A War To End  A War, một cuộc chiến để chấm dứt chiến tranh. Thời TT Nixon, biểu tình chống chiến tranh bạo động dữ hơn, có chết người (10)
Lê Duẩn phải đương đầu với một chính quyền cứng rắn, nhưng y vẫn thí quân điên cuồng, chấp nhận hy sinh 10 hay 16 thanh niên BV đổi một người lính Mỹ để đấy mạnh phong trào phản chiến, Duẩn tiếp tục đẩy thanh niên vào chỗ chết. lấy xương máu của thanh niên để đạt chiền thắng
Sau 4 năm lãnh đạo cuộc chiến tranh chống CSBV ngày 7 tháng 11 năm 1972 Nixon thắng cử lớn nhất từ xưa đến nay: 96% phiếu Cử tri đoàn (520/17), thắng hết 49 tiểu bang, đối thủ McGovern (DC) chỉ được 17 phiếu tại một tiểu bang và DC, Nixon hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu. Người ta bầu cho ông vì đã đem quân về nước, thực hiện hòa bình trong danh dự, Đông Dương không sụp đổ trái với chủ trương bỏ chạy của Dân chủ
Nixon thắng cử vì người dân nhớ ơn ông,  người đã thực hiện hòa bình trong danh dự,  đã đem quân về nước, cũng như đã hòa với Trung Cộng tháng 2-1972, với Nga tháng 5-1972. Thực ra phần thưởng này chỉ là cái bánh vẽ, quyền hành không có phải nghe theo đòi hỏi của Quốc hội Dân chủ, họ luôn nắm Quốc hội trong suốt thời kỳ có chiến tranh VN.
1960 Hạ viện Dân chủ 262 ghế (60%) Cộng hòa 175 ghế
Thượng viện DC 64 (64%) , CH 36
1968  HV  DC 243 (64%)  CH 36
TV DC 57  (57%) CH 43
1972 HV  DC 242 (56%)  CH 192
TV DC 57 (57%) CH 43
1974 HV DC 291 (57%) CH 144 (40%)
TV DC 60 (60%) CH 38
Tháng 12 tại Paris CSBV phá hòa đàm hy vọng Quốc hội mới sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh. Ngày 12-12 Lê Đức Thọ nói sẽ về Hà Nội, biết là hòa đàm vô vọng, Kissinger bèn (đánh điện) khuyên TT Nixon áp lực mạnh với BV vì họ ngoan cố (11)
Kissinger và Nixon tin là BV cố tình phá hòa đàm để hy vọng Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh (12)
Kissnger biết là Thọ không muốn tiếp tục đàm phán phá hòa đàm chờ Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh đầu năm 1973. TT Nixon gọi Kissinger về Mỹ ngày 13-12 và đánh một lá bài lớn, giải quyết bế tắc hòa đàm Paris bằng vũ lực. Nixon lo ngại Quốc hội có thể cắt ngân khoản quân sự, chấm dứt mọi xung đột và dành chiến thắng cho CS (13)
Nixon nghĩ chỉ còn cách oanh tạc BV rồi gọi Kissinger về, ông ta mở chiến dịch Linebacker II, oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng long trời lở đất cuối năm 1972 với 20,000 tấn bom, Nixon  đã kéo BV lại bàn Hội nghị
Về điểm này nhiều tác giả cho biết Nixon lo ngại quyết định của Quốc hội sẽ khiến ông không thể cứu được đồng minh.
Tháng 1-1973, Theo Mark Clodfelter (14) Quốc hội Mỹ phẫn nộ vì trận oanh tạc, nếu TT Thiệu bác bỏ ký kết Hiệp định thì việc cắt viện trợ bức tử VNCH chắc chắn là sẽ có (chứ không phải đe dọa).
Cuối cùng ông Thiệu không chống lại Hiệp định dù nó cho phép BV được đóng quân ở lại miền Nam và  thuận ký kết Hiệp định ngày 27-1-1973 vì sợ Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh chứ không phải ông sợ TT Nixon chặt đầu như người ta đồn. Khi Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh có nghĩa là Hành pháp phải tuân hành đem hết số quân còn lại (khoảng vài chục ngàn) về nước ngay, họ sẽ cắt hết mọi khoản viện trợ. Sự thực giữa hai cái chết, một cái chết ngay và một cái từ từ vài năm sau cũng chẳng khác nhau là mấy
Nhiều người chỉ trích Kissinger ngu xuẩn ký Hiệp định cho phép BV còn đóng quân ở lại, sự thật thì Nixon còn chẳng có quyền huống hồ Kissinger. Cương vị Tổng thống ông luôn phải thỏa mãn yêu cầu của Quốc hội Dân chủ ở bàn Hội nghị, họ luôn đe dọa ra luật chấm dứt chiến tranh. Nhiều người xỉ vả Nixon-Kissinger làm mất miền Nam, họ cứ chửi cho sướng miệng mà không biết rằng Nixon phải tuân hành Quốc hội, Kissinger ba ngày phải báo cáo Tổng thống  mọi việc đàm phán....

Miền Nam bỏ ngỏ
Sáu tháng sau khi ký Hiệp định Paris, Quốc hội Dân chủ ra luật cắt hết các ngân khoản dành cho Hành pháp để oanh tạc yểm trợ cho các nước Đông Dương. Khi họ ra luật cắt các khoản yểm trợ cho Đông Dương coi như số phận của giải đất này đã được quyết định rồi.  Ông Cao Văn Viên đã nói trong cuốn Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh
“Cuộc công kích của địch quân năm 1972 đã cho thấy nhược điểm của tiến trình Việt Nam hoá chiến tranh. Nếu không được sự yểm trợ của Mỹ về không lực và di động tính, QLVNCH khó có thể giữ được An Lộc, bảo vệ được Kontum và chiếm lại được Quảng Trị. Các phần đất này sẽ bị mất vĩnh viễn bởi vì chúng tôi không có đủ khả năng để chiếm lại. Tuy nhiên lúc nào còn không lực Mỹ thì cán cân lực lượng vẫn có thể được duy trì và VNCH vẫn còn có một cơ hội tốt để sống còn”
Trong cuốn Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa (Bản dịch Nguyễn Kỳ Phong) trang 19 ông cũng nói như vậy:
“Cuộc tấn công của địch quân vào năm 1972 cho thấy sự yếu kém của kế hoạch Việt Nam hóa một cách thảm thương. Nếu không có sự yểm trợ về không lực và không vận của Hoa Kỳ quân đội ta khó giữ nổi An Lộc, chận đứng cuộc tấn công của Cộng quân vào Kontum, hay chiếm lại Quảng Trị. Sau cuộc tấn công năm 1972, những phần đất đã mất, chúng ta để mất luôn vì không còn khả năng đánh chiếm lại. Nói tóm lại, chúng ta giữ được cán cân quân sự đối với địch nếu có sự yểm trợ không lực của Hoa Kỳ. Và với không lực, VNCH có khả năng chống lại mọi cuộc tấn công của miến Bắc”
Như chúng ta đều biết CSBV đã được cả Nga, Trung Cộng và CS Đông Âu viện trợ giúp đỡ trong khi Đông Dương chỉ có một mình Mỹ gánh vác  với chia rẽ nội bộ trầm trọng, viện trợ quân sự thì khi có khi không
Cuối tháng 6-1972, các vị dân cử đưa ra dự luật yêu cầu Tổng thống ký, Nixon phủ quyết (veto) nhưng các Thượng nghị sĩ, Dân biểu tức giận cho biết nếu ông Veto, họ sẽ cắt các khoản điều hành, chi tiêu của chính phủ nên Nixon miễn cưỡng ký thành Luật ngày 30-6, có hiệu lực từ 15-8-1973.
Tu chính án như sau:
“Từ nay không có ngân khoản nào được yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp cho các hoạt động quân sự cho quân đội Mỹ tại Miên, Lào hay Bắc Việt, Nam Việt hoặc ngoài khơi Miên, Lào, Bắc, Nam VN.và sau ngày 15-8 năm 1973, từ nay sẽ không có ngân khoản nào được xuất ngân cho mục đích này” (15).
TT Nixon nói luật đã khiến tôi không giữ được hòa bình nơi đây và cho phép các lãnh đạo BV tự do xâm chiếm miền Nam. Sau đó Quốc hội ra luật Wars Powers Act đòi hỏi Tổng thống có thể can thiệp trong 60 ngày mà không cần Quốc hội đồng ý và thêm 30 ngày nữa, sau đó ông phải đem quân về nước. Ngày 24-10-1973 Nixon phủ quyết đạo luật cho là vi hiến, nhưng ngày 7-11 Quốc hội đã phủ quyết veto của ông.
Sau khi ký Hiệp định khoảng một năm, Quốc hội Dân chủ Mỹ bắt đầu cắt giảm quân viện VNCH mỗi năm khoảng 50%:  Từ 2,1 tỷ tài khóa  1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (16).
Từ tháng 6-1973 Quốc hội Dân Chủ ra luật hoặc quyết định cắt giảm xương tủy sự yểm trợ, giúp đỡ về quân sư cho Đông dương và VNCH, coi như họ đã mở cửa bỏ ngỏ miền Nam cho CSBV tự do tiến vào.
Quyết định cắt giảm Quốc hội đưa tới tình trạng thê thảm, theo tiết lộ của ông Cao Văn Viên (17) hậu quả là năm 1974 không quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ, huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%.  Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 giang thuyền các loại nằm ụ.
Đạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 4 /1975, năm 1972 ta xử dụng trên 69 ngàn tấn đạn một tháng, từ tháng 7/1974 đến tháng 3/1975 ta chỉ còn xử dụng khoảng 19 ngàn tấn một tháng hoả lực giảm 70%. Tháng 2/1975 chỉ còn đủ đạn tất cả các loại súng cho 30 ngày, tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh trong khoảng hai tuần (18).
Trong khi ấy theo Kissinger (19) Hà nội đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Tháng 12- 1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến khích BV gây hấn
Cuộc chiến VN là một cuộc chiến viện trợ  tiếp liệu,  hai bên đều tùy thuộc vào quân viện nước ngoài, bên nào nhiều tiếp liệu, vũ khí đạn dược thì bên đó thắng. Người ta cho là các Tướng Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Phú và Ông Thiệu đã sai lầm để mất miền Trung. Sự thực với tình hình tiếp liệu đạn dược bị cắt giảm xương tủy, cái khó nó bó cái khôn cũng khó mà cứu vãn tình thế, ông Thiệu, các vị Tướng Trưởng, Tướng Phú chỉ là những giọt nước làm tràn ly.
Cuối tháng tư-1975, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn, Quân khu III VNCH tổ chức phòng thủ Sài Gòn trên 5 tuyến chính đồng thời bảo vệ các căn cứ quan trọng tại Biên Hoà, Củ chi, Lai Khê, Long Bình. (20)
Phía Tây Bắc là Tuyến Củ Chi với Sư đoàn 25 BB và hai Liên đoàn 8, 9 Biệt động quân. Tuyến Bình Dương ở phía Bắc với Sư đoàn 5 BB. Tuyến Biên Hoà phía Đông Bắc với Sư đoàn 18 BB và lực lượng Xung kích Quân đoàn III. Tuyến Vũng tầu và Quốc lộ 15 do Lữ đoàn 1 Dù cùng với một Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 BB và các đơn vị Thiết giáp, Địa phương quân, Nghĩa quân của Tiểu khu Phước Tuy phụ trách. Tuyến Long An phía Nam ngoài lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân cơ hữu còn  có Sư đoàn 22 BB phụ trách cộng với sự tăng cường của Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7 BB, Trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9 BB và Liên  đoàn 6 BĐQ.
Năm tuyến phòng thủ chính của VNCH cũng trùng với 5 hướng tấn công của năm Quân đoàn CSBV
Tác giả Nguyễn Đức Phương (Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập) đã nói
“Về tương quan lực lượng giữa hai bên thì QLVNCH chỉ có 6 sư đoàn để bảo vệ thủ đô chống lại một lực lượng đông đảo với quân số gần 20 sư đoàn CSBV. Ba sư đoàn 7, 9 và 21 BB thuộc quân đoàn IV QLVNCH không thể dùng để tiếp ứng do điều kiện an ninh lãnh thổ của vùng đồng bằng sông Cửu Long”
BV có đầy đủ tiếp liệu đạn dược trong khi miền Nam đã kiệt quệ về đạn dược nhất là lính pháo binh phải đếm từng viên đạn. Sau khi đoàn quân di tản từ miền Trung kéo vào Nam, Bộ Tổng tham mưu đã mở kho vét hết súng đạn để tái trang bị. Ông Cao Văn Viên cho biết (Những Ngày Cuối VNCH trang 92) đạn dược chỉ đủ xử dụng trong khoảng hai tuần lễ. Lực lượng hai bên trên thực tế quá chênh lệch, ưu thế nghiêng hẳn về phía Cộng quân
Khi hai ông Thiệu và Khiêm ra đi hôm 24-4-1975, quân dân hoàn toàn thất vọng,  mấy hôm sau, Tổng Thống Trần Văn Hương hiệu triệu đồng bào về tình hình vô cùng bi đát của đất nước, ông đã khóc lóc trên đài phát thanh:
“Nay Vùng I và II miền Trung đã hoàn toàn tan rã, vùng 4 có nhiếu sứt mẻ, tôi đã nghĩ tới cái viễn ảnh Sài gòn trở thành núi xương sông máu, hôm qua tôi có gặp anh Dương Văn Minh, tôi có nói với anh như zầy: Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng anh phải có cái giải pháp gì đem lại hòa bình cho đât nước, chứ bàn giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm cái gì?
Ngày 28-4 khi Dương Văn Minh đang làm lễ bàn giao thì đài BBC đã nói.
“Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử giữ chức vụ Quyền Tổng thống do ông Trần Văn Hương trao lại để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng"
Tối 29-4 ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi trên đài phát thanh, lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm..
“Các vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh mới”
Thực ra Saigon gần như bỏ ngỏ, tại Ban Mê Thuột Cộng quân không đánh theo lối bóc vỏ, chúng đánh thẳng vào thị xã rồi mới chiếm các quận xung quanh. Trái lại, tại Sài Gòn địch lại đánh theo lối bóc vỏ, khi 5 tuyến phòng thủ quanh Thủ đô sụp đổ thì Sai Gòn gần như bỏ ngỏ, các đơn vị VNCH chiến đấu anh dũng nhưng cũng không cứu vãn nổi tình thế.
Khi ông Dương Văn Minh vào Dinh Độc Lập ngày 28, sáng hôm sau quân thù đã tới Hàng Xanh và ngã tư Bẩy Hiền

Saigon thất thủ 30-4-75
Có năm vị Tướng Lãnh Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn tự sát, nhiều vị Sĩ quan và những người Lính vô danh cũng chết theo đất nước, những vị này xem ra không nhiều lắm nhưng cũng giữ được danh dự cho Quân đội VNCH.
Ngày 30-4-1945, Bá Linh thất thủ, Hitler tự sát, đô đốc Doenitz thay mặt nước Đức đầu hàng đồng minh. Ba mươi năm sau Dương Văn Minh cũng thay mặt miền Nam Việt Nam đầu hàng Cộng Sản. Cũng có người trách các ông Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh không tự sát khi đất nước lọt đã vào tay kẻ địch.
Lê Duẩn đã hy sinh hàng triệu thanh niên để đẩy mạnh phong trào chống đối, chiến dịch thí quân của y đã thành công lớn, phong trào phản chiến lên cao để rồi sau 1972 Mỹ phải rút bỏ Đông Dương, địch bất chiến tự nhiên thành
Nếu không nhờ phong trào phản chiến dù Lê Duẩn có đẩy thêm hàng triệu thanh niên vào tử địa cũng chỉ làm mồi cho B-52 một cách vô ích
Phản chiến đã cứu sống hàng triệu thanh niên miền Bắc.
Kể từ ngày Cộng quân đánh chiếm quận Đức Lập ngày 9-3-1975 và Ban Mê Thuột ngày 10-3 để mở  đầu cho cuộc Tổng tấn công  cho tới ngày 30-4-1975, ngày kết thúc chỉ vỏn vẹn  có năm mươi mấy ngày.
Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội nửa đêm 19-12-1946 là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đến trưa ngày 30-4-1975 là ngày kết thúc tính ra đã được ba mươi năm
Ba mươi năm máu chẩy thịt rơi, mấy chục năm tang thương đau khổ.
Những kẻ đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, núi xương sống máu sẽ phải đời đời đắc tội với Non sông và Lịch sử.

Trọng Đạt
(1) Tôi đã viết trong bài Những Sai Lầm Của Lyndon Johnson Trong Chiến Tranh Việt Nam, đã phổ biến trên truyền thông
(2) Quân sử 4,  Bộ TTM  VNCH 1972 , trang 160
(3) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 230
(4) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 313
(5) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang trang 462
(6) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 169
(7) Richard Nixon: No More Vietnam trang 88
(8) Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối của VNCH trang 282
(9) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(10) Richard Nixon :No More Vietnams trang 126
(11) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 182
(12) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 180
(13) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 366
(14) The Limits of Air Power trang 200, 201
(15) Richard Nixon: No more Vietnams  trang 179, 180, 181
(16) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471
(17) Những Ngày Cuối Của VNCH trang 86, 87
(18) Sách đã dẫn trên trang 92
(19) Years of Renewal trang 481
(20) Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 798-811

No comments:

Post a Comment