Đỗ Trường (Danlambao) -
Sau chiến tranh, tuy bị bức tử, nhưng Văn học miền Nam vẫn hồi
sinh, phát triển, để bước sang một trang sử mới. Văn học Hải
ngoại, một hình thức, hay tên gọi văn chương tị nạn, là sự nối
dài của nền Văn học ấy. Và từ đó, ngoài các nhà văn tên
tuổi, ta thấy, xuất hiện một loạt các cây viết mới. Họ xuất
thân từ những người lính, tù nhân, thuyền nhân tị nạn, như: Cao
Xuân Huy, Song Vũ, hay Phạm Tín An Ninh... Chiến tranh, con đường
giải oan cho cuộc bể dâu ấy, là đề tài đã được các nhà văn
đào sâu, tìm kiếm làm sáng tỏ một cách chân thực, sinh động.
Và khi đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy, Phạm Tín An Ninh
là một trong những nhà văn tiểu biểu nhất viết về đề tài
này.
Nếu
bút ký Phan Nhật Nam sắc nhọn, hừng hực khói lửa, thì vẫn
nơi chiến trường ấy, ngòi bút, lời văn Phạm Tín An Ninh nhẹ
nhàng, sâu lắng và trong sáng. Có thể nói, ngoài sự tài hoa,
với bút pháp hiện thực, Phạm Tín An Ninh còn là một nhà văn
đức độ, có sự cảm thông và tình yêu sâu sắc đối với tha nhân.
Văn thơ Phạm Tín An Ninh như một luồng gió mới thổi vào hồn
không chỉ những người lính đồng đội, bạn bè ông, mà còn cho
cả những người lính một thời ở bên kia của chiến tuyến. Phải
nói, ông là một trong những nhà văn mà tôi đã học được nhiều
điều, khi đọc. Bút pháp, và tư tưởng ấy, Phạm Tín An Ninh đã
gieo vào nhiều thế người hệ đọc, từ hải ngoại về đến quốc
nội, dù cho đến nay, ông mới cho in ấn, phát hành 4 tác phẩm: Ở Cuối Hai Con Đường, Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, Vẫn Còn Vương Tơ, và Sau Cuộc Bể Dâu.
Bốn tập truyện ngắn, bút ký này, tôi đã đọc nhiều lần. Có
thể nói, truyện nào của Phạm Tín An Ninh cũng sâu sắc, và cảm
động. Kể cả truyện viết đầu tay. Một đặc điểm nổi bật nhất
trong văn thơ Phạm Tín An Ninh ta có thể nhận thấy, không chỉ
trong tư tưởng, bút pháp, mà lối hành văn, câu cú, chính tả
cũng sáng, đẹp và chuẩn mực. Dường như, cho đến nay, không có
nhiều nhà văn, trang sách hội đủ những đặc điểm này.
Nhà
văn Phạm Tín An Ninh sinh năm 1943 tại Khánh Hòa. Thi đậu tú
tài, ông nhập ngũ, khóa 18 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mười một
năm lính chiến, để rồi sau tháng 4-1975, Phạm Tín An Ninh bị
cải tạo, tù đày từ Nam ra đến Bắc. Năm 1984 ra tù, ông vượt
biển, xin tị nạn ở Nauy. Hiện ông sống và viết văn tại Cali,
Hoa Kỳ.
Chiến tranh với cái nhìn chân thực của người lính
Có
thể nói, sau mười một năm cầm súng, và gần chục năm cải tạo
tù đày, cùng những tháng ngày trốn chạy, tị nạn nơi đất
khách, quê người, Phạm Tín An Ninh có đủ độ lùi thời gian để
nhìn lại cuộc chiến đã qua, một cách sâu sắc và trung thực
nhất. Và chỉ có cầm bút người lính Phạm Tín An Ninh mới có
thể tìm lại linh hồn đồng đội và chính mình. Sự trả tính
chất cuộc chiến về đúng vị trí, tên gọi của nó, như một món
nợ đối với người lính, tù nhân, tị nạn còn sống sót vậy. Do
đó, về mặt tâm lý, Phạm Tín An Ninh hoàn toàn không có sự
chuẩn bị để trở thành nhà văn. Tuy nhiên, chính những điều
không tưởng này, cho Phạm Tín An Ninh một tâm lý thoải mái, tự
nhiên khi viết, và sáng tạo. Từ những đặc tính riêng biệt ấy,
(hiển nhiên) làm nên tên tuổi nhà văn Phạm Tín An Ninh.
Cũng
như Song Vũ, nhà văn Phạm Tín An Ninh đi lên từ một sĩ quan trẻ
chỉ huy cấp trung đội. Mười một năm dài đằng đẵng lăn lộn
khắp các chiến trường miền Trung, Cao Nguyên và ông trở thành
một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Những ngày
tháng gian khổ, bi thương ấy, như nhát dao đâm nát hồn người.
Bởi, hằng ngày, hằng giờ ông phải chứng kiến cái chết, không
chỉ của những người lính (trẻ cùng một dòng máu) ở bên kia
chiến tuyến, mà còn phải vuốt mắt cho đồng đội, người thân
của mình. Nỗi ám ảnh ấy, thường trực đeo bám ông. Và chỉ khi
ngồi đối diện với ngòi bút và trang sách, thì dường như gánh
nặng tâm hồn ông mới trút bỏ. Do vậy, ta có thể thấy, tính
hiện thực xuyên suốt những tác phẩm của Phạm Tín An Ninh.
Rời
quân trường, Phạm Tín An Ninh ra đơn vị tác chiến, phải thế
chỗ cho một trung đội trưởng vừa tử trận. Hiện thực ấy, tác
động đến tâm lý, làm cho người sĩ quan trẻ không khỏi bùi ngùi
giao động. Những Mùa Mưa Trong Ký Ức,
tuy không phải là bút ký hay của Phạm Tín An Ninh, song đã nói
lên phần nào cái không khí, cục diện mới của chiến tranh,
cũng như tâm trạng chung của người lính lúc đó:
"Nghi
thức ra mắt vừa xong, tất cả tháp tùng ông tiểu đoàn trưởng đến Quân Y
Viện Nguyễn Huệ để dự tang lễ của một ông thượng sĩ vừa qua đời do bị
trọng thương trong cuộc hành quân tại Lâm Đồng tuần trước. Tôi bất ngờ
và có cảm giác xốn xang khi biết ông thượng sĩ này là Trung đội trưởng
Trung Đội 3/3 mà tôi là người đến thay thế ông...ngày đầu ra nhận đơn vị
lại là ngày phải tiễn đưa người tiền nhiệm mà mình chưa hề biết mặt ra
nghĩa trang, nên ít nhiều nghĩ tới phần số của mình trong nay mai và sớm
bị ám ảnh bởi tiếng khóc than của người góa phụ".
Nếu
ta đã đọc bút ký, truyện ngắn nơi chiến trường của những:
Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy, hay Song Vũ... thì thấy được trước
cái chết, sự hy sinh tình đồng chí, đồng đội, mới dừng lại ở
sự miêu tả cái khoắc khoải, tàn khốc, đớn đau. Song đến Phạm
Tín An Ninh đã có sự liên tưởng. Với phương thức liên tưởng
này, cùng những ca khúc trữ tình, lãng mạn ấy, làm cho hình
ảnh người lính dường như đi vào bất tử, và cái chết của họ
nhẹ nhàng, dịu bớt nỗi đau trong lòng người đọc chăng?. Vẫn
trích đoạn trong bút ký, Những Mùa Mưa Trong Ký Ức dưới đây, không chỉ chứng minh cho điều đó, mà còn cho ta thấy, nỗi đau và tình đồng đội của người lính:
"Người
tôi ướt đẫm máu, nước mưa, và cả nước mắt (cho người đồng đội thương
binh không có chút hy vọng sống còn)... Khuya hôm ấy, anh lính bị trọng
thương của tôi, vốn là một tân binh quân dịch, quê tận Gò Công, đã trút
hơi thở cuối cùng trên tay tôi, sau khi giao cho tôi cái bóp có hai
tháng tiền lương và thì thào lời trối trăng đứt đoạn, nhờ chuyển lại cho
vợ và đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi, mà anh chỉ mới về phép
thăm cháu một lần. Đó là người lính đầu tiên dưới quyền đã chết, trên
tay tôi. Anh có cái tên rất dân dã mà tôi không bao giờ quên được:
Nguyễn văn Tý. Trùng tên người nhạc sĩ sáng tác bài Dư Âm mà tôi thường
hay hát. Và sau này, cứ mỗi lần nghe bản nhạc này, tôi lại nhớ đến
anh..."
Có thể nói, Chuyện Người Lính Trinh Sát là một trong những truyện ký hay nhất của Phạm Tín An Ninh. Đọc nó, tôi cứ bị ám ảnh mãi, bởi câu kết: "Trong cuộc chiến này, quả thật, có những điều mà người ta không thể nào hiểu được".
Dường như, đó là câu hỏi, một vấn đề buộc nhà văn, người lính
Phạm Tín An Ninh phải đi tìm. Có lẽ, không một ai hiểu được tâm
trạng của một người vợ có chồng theo Cộng sản, bị lính Việt Nam Cộng Hòa
bắn chết, và người con trai duy nhất đi lính VNCH lại bị bộ đội giết?.
Sự đau đớn ấy, không thể làm một phép tính so sánh, song cái giằng xé,
đau đớn, âm thầm của bà nhân lên gấp bội, bởi không người xẻ chia, cảm
thông. Thật vậy, thông qua bà, nhà văn Phạm Tín An Ninh đã cho ta
thấy rõ, hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến hai mươi năm, anh em tương
tàn này. Tuy nhiên, hơi bị tiếc, bởi tác giả dường như, chưa khai
thác hết mâu thuẫn nội tâm của người vợ, người mẹ đau khổ này. Nếu tác
giả khoét sâu vào khía cạnh này, tôi tin rằng, truyện hay lên gấp nhiều
lần, và câu chuyện không dừng lại chỉ một người lính trinh sát can
trường. Có thể, tác giả phải đặt lại tên "Chuyện Về Mẹ" thay cho truyện "Chuyện Người Lính Trinh Sát"không chừng.
Vâng!
Và cuộc chiến hai mươi năm được đặt lên đôi vai gầy của mẹ. Có cái đau
nào bằng nỗi đau nhìn chồng chết mà không dám nhận, không dám khóc,
không dám vấn khăn tang?. Và có những nỗi đau chồng lên nỗi đau, khi bà
mẹ nhìn con trẻ chết tan xác, bởi hỏa tiễn đồng đội của chồng, khi nỗi
đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai? Đọc xong Chuyện Người Lính Trinh Sát,
tôi cứ phân vân tự hỏi: Nếu có ghi tên vào Trang sử của chiến tranh,
người vợ, người mẹ này thuộc về những người lính chiến VNCH, hay là
của những anh Bộ đội? Và có phải đó là nỗi đau chung, nỗi đau khó xóa
nhòa?. Ta hãy đọc lại những lời thoại, với sự cảm thông, chia
sẻ giữa người lính VNCH và người đàn bà trong: Chuyện Người Lính Trinh Sátdưới
đây, để thấy rõ cái trớ trêu, cũng như bản chất của cuộc
chiến, và nỗi đau tận cùng của con người, hay của cả một dân
tộc này:
"Chờ cho người mẹ thắp hương và bớt xúc động, tôi hỏi nhỏ:
- Ở làng Long Giang, chị có biết bà Lê Thị Đúng, có người con chỉ huy du kích, bị chết cách nay khoảng tám năm?
Người mẹ ngạc nhiên nhìn tôi, thoáng dò xét rồi cúi xuống, nói thật nhỏ chỉ đủ tôi nghe:
-
Bà là mẹ chồng tôi, và con tôi đây là đích tôn, cháu nội duy nhất của
bà. Vừa nói chị vừa đưa tay chỉ vào nấm mồ mới toanh trước mặt.
Khi
về lại đơn vị, tôi xin Ban Tài Chánh ứng trước nửa tháng lương. Trích
ra một phần, bỏ vào bì thơ, tôi tìm đến đại đội trinh sát gặp và biếu
cho bà mẹ của người lính trẻ vừa mới lẫm liệt hy sinh. Bà thoáng một
chút xúc động ngạc nhiên nhìn tôi, nói lời cám ơn...Chia tay bà, trên
đường trở về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, tôi suy nghĩ mông lung. Trong cuộc
chiến này, quả thật, có những điều mà người ta không thể nào hiểu
được."
Tôi
không nghĩ, ngòi bút của nhà văn Phạm Tín An Ninh đại diện
chung cho người lính VNCH. Nhưng tư tưởng, sự cảm thông mang tính
nhân văn có được trên những trang sách, bởi ông đã nhận ra bản
chất của cuộc chiến này. Thật vậy, đọc Người Góa Phụ Giờ Thứ 25,
ta có thể thấy, ngoài sự dũng cảm với những cái chết tang
thương của người lính, cùng sự cảm thông, kính phục, nhà văn
Phạm Tín An Ninh còn chỉ ra, bàn cờ chính trị bẩn thỉu đã
quyết định số phận người lính ở nơi chiến trường. Tôi đã đọc
nhiều bút ký, hồi ký của những nhà văn từ cả hai phía viết
cuộc chiến này, song phải nói, rất ít gặp được những nhận
định rạch ròi, mang tư tưởng sâu sắc như Phạm Tín An Ninh:
"Sau
khi Mỹ bất chấp những phản đối của VNCH, đã tự cho mình ngồi ngang hàng
với Cộng Sản Bắc Việt và đơn phương nhượng bộ quá nhiều điều trong Hiệp
Định Paris ký kết ngày 27.1.1973, chứng tỏ ý định sớm bỏ rơi đồng minh,
phủi tay cuộc chiến. Lợi dụng điều này, Cộng quân đã ồ ạt tung nhiều sư
đoàn với lực lượng chiến xa, từ miền Bắc và Lào, theo đường mòn Hồ Chí
Minh xâm nhập Nam Việt Nam, đồng loạt mở các cuộc tấn công qui mô vào
các đơn vị phòng thủ của ta. Phước Long là tỉnh đầu tiên bị thất thủ vào
ngày 6 tháng 1/1975 nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào từ phía Hoa Kỳ
can thiệp hay phản đối CSBV vi phạm hiệp định. Điều này đã báo hiệu cho
số phận của VNCH." (Người góa phụ giờ thứ 25)
Có
thể nói, đọc Phạm Tín An Ninh mở ra cho tôi nhiều kiến thức,
cái nhìn (đa chiều) về cuộc chiến tàn khốc nhất của dân tộc
mà ông, thế hệ ông đã đi qua. Tôi nghĩ, với lăng kính, cái nhìn
khách quan như vậy, trang viết của ông không chỉ giá trị về
mặt văn học, mà còn có giá trị về lịch sử. Đây là một trong
những yếu tố quan trọng làm nên chân dung nhà văn Phạm Tín An
Ninh.
Tính nhân bản, lòng vị tha vượt lên trên ngục tối tù đày
Đi
sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy, truyện của Phạm
Tín An Ninh luôn mang tính điện ảnh, kịch tính với mâu thuẫn,
tình tiết éo le được đẩy lên cao độ, và bất ngờ. Tuy thắt nút
được mở, cái kết vỡ òa có hậu, song làm cho nguời đọc không
khỏi bùi ngùi, xót xa. Đà Lạt Trời Mưa là
một truyện hay, tiêu biểu cho đặc tính này trong truyện ký, văn
xuôi của ông. Thật vậy! Chiến tranh kết thúc, nhà tù, cải tạo
là nơi người lính thất trận phải đi đến. Ở địa ngục trần
gian này, cái chết chưa phải là điều đáng sợ nhất đối với
người lính cải tạo tù đày, mà cực nhọc, đói khát, đày đọa
về vật chất, giam hãm tinh thần mới là nỗi ám ảnh thường
trực, kể cả khi họ đã thoát ra khỏi nơi địa ngục ấy. Ta hãy
đọc lại trích đoạn trong Đà Lạt Trời Mưa dưới
đây, để thấy rõ, cái chết rẻ mạt và bất ngờ của họ, dẫn
đến những bi kịch của con người ở một xã hội luật pháp, đạo
lý đảo lộn tùng phèo này:
"Họ
bắt chúng tôi phải tìm những cây gỗ lớn và thẳng. Có những thân cây lớn
đến hai vòng tay ôm không hết. Trời mùa đông với những cơn mưa phùn
không dứt, nên những con đường mòn trơn như mỡ...Ăn uống quá thiếu thốn,
đám tù chúng tôi triền miên trong cơn đói. Sức ngày càng yếu mà phải
lao động quá nặng nhọc... Thống mệt quá nên lảo đảo rồi ngã sấp trên
thân cây, đúng lúc cây này lăn xuống suối, bật luôn theo Thống. Chúng
tôi chỉ còn nghe tiếng hét của Thống trước khi anh bị văng xuống lòng
suối nằm sâu dưới vực."
Tuy
viết về chiến tranh, người lính, và cải tạo tù đày, song
chất trữ tình là nghệ thuật đặc trưng nhất xuyên suốt truyện
ngắn, văn xuôi của Phạm Tín An Ninh. Do vậy, đọc ông luôn cho ta
cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng ăm ắp tình người. Ta có thể
thấy, cùng với, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, Ở Cuối Hai Con Đườnglà truyện ngắn hay nhất về tình người, lòng nhân đạo cao cả, sâu sắc của Phạm Tín An Ninh. Nếu ở, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, sự cảm thông của người mẹ, người dân miền Bắc đối với những người lính cải tạo tù đày, thì Ở Cuối Hai Con Đường,
thì cái tình người ấy, thể hiện ngay trong tình cảm, hành
động của người quản giáo (một cựu tù binh ở chiến trường
Kontum, đã được những người lính VNCH đối xử nhân đạo). Có thể
nói, tôi đã đọc rất nhiều bút ký, hồi ký của những cựu cải
tạo, tù nhân từ Nam ra đến Bắc, song có rất ít nhà văn, người
viết tìm ra khía cạnh này. Tôi nghĩ, đây là cái nhìn công
bình, không mang tính định kiến, hận thù của một nhà văn có
tình yêu và lòng vị tha cao cả. Cho nên, trong một lần điện
đàm, bàn luận về nhà văn Phạm Tín An Ninh, nhà thơ Trần Trung
Đạo cho rằng: Phạm Tín An Ninh chinh phục được độc giả như vậy, vì khi
viết anh có cái tâm trong sáng.
Thật vậy, đoạn văn miêu tả tình cảm, tình người dưới đây, sẽ chứng minh cho chúng ta điều đó:
"Đêm đó, như thường lệ, anh Thà xuống sinh hoạt với anh em bên bếp lửa. Anh bảo nhỏ anh đội trưởng:
-
Tôi để một giỏ cá đằng sau lán. Trước giờ ngủ, anh ra mang vào, chia
cho mấy anh bị bệnh kiết lỵ đang mất sức để các anh bồi dưỡng. Nhớ giữ
kín, đừng để trên biết.
Bây giờ anh em mới hiểu, người mà chiều nay, đặt lờ bắt cá ngoài đồng ruộng chính là quản giáo Thà. Ai cũng cảm động.
Biết
là anh em tù bị đói triền miên, nhất là sau mùa đông dài, một buổi sáng
đầu mùa xuân, quản giáo Thà đưa cả đội 50 người tù lên một đồi trồng
toàn sắn của một hợp tác xã nào đó. Sắn đầu mùa, củ còn nhỏ. Anh chỉ cho
anh em cách đào lấy củ mà thân sắn vẫn còn nguyên. Rồi đào mấy cái bếp
“Hoàng Cầm” để luộc sắn mà không ai phát hiện có khói. Anh dắt hai anh
tù xuống đồi xách hai thùng nước mang lên, căn dặn anh em thay phiên
nhau luộc sắn ăn cho no. Anh đích thân ở lại đứng gác. Nếu có ai vào,
anh vờ ra lệnh “chuẩn bị đi về”, anh em tức khắc giấu hết “tang vật”
xuống một cái hố đã đào sẵn." (Ở Cuối Hai Con Đường)
Nghỉ Hè Ở Mallorca là một truyện ký, tôi cho rằng, hay, và toàn bích nhất của Phạm Tín An Ninh. Cùng với Ra Biển Gọi Thầm của Trần Hoài Thư, Nghỉ Hè Ở Mallorca là
truyện độc đáo nhất về tình yêu ở nơi cải tạo tù đày. Tính
chất trữ tình tựa như cơn mưa đầu làm dịu mát cái nắng nóng
hừng hực giữa hè của văn chương về chiến tranh, tù đày sau
1975, ở hải ngoại vậy. Vâng! Vẫn thủ pháp nghệ thuật hồi
tưởng, chập chờn ký ức của nhân vật lồng vào tác giả, Phạm
Tín An Ninh đã đưa người đọc trở về với những ngày tù tội,
nơi có mối tình cao thượng tuyệt đẹp, giữa một nữ kỹ sư lâm
trường và người tù cải tạo. Tình yêu, và sự cao thượng trong
hoàn cảnh ấy, tuy nghiệt ngã, song nó đã mở ra một lối thoát,
một nghị lực sống của con người:
"Tội
nghiệp, em yêu anh Đôn trong một hoàn cảnh quá nghiệt ngã. Điều duy
nhất mà em có thể làm được cho người yêu của mình là giúp anh trốn trại,
vượt ra khỏi khung cảnh đày ải man rợ, để anh ấy luôn được xứng đáng
với những điều anh đang có. Bởi vì chính những điều ấy đã làm cho trái
tim em rung động, để em biết thế nào là một tình yêu, mà nếu không gặp
anh ấy, có lẽ suốt cả đời em không có được. Quan trọng hơn, đó lại là
thứ vũ khí tốt nhất, hiệu quả nhất giúp em đủ can đảm và nghị lực để
chống lại số phận, mà trước đó em nghĩ là tới một ngày em sẽ phải đầu
hàng, buông xuôi, bất lực." (Nghỉ Hè Ở Mallorca)
Dường
như, càng bị đọa đày, thì Phạm Tín An Ninh càng tĩnh tâm hơn.
Nhất là khi ông bước vào nghiệp viết. Lòng nhân bản, tình
người giúp ông bước ra khỏi hận thù. Cho nên, mỗi trang viết
của ông như một liều thuốc, lời ru làm xoa dịu nỗi đau của con
người vậy.
Quê hương với nỗi đau và mất mát
Bước
ra khỏi nhà tù nhỏ, nhưng con đường trước mặt Phạm Tín An Ninh
còn bế tắc hơn nữa. Nỗi đau của đất nước, và gia đình như đám
mây đen bao kín cả bầu trời. Và đi hết biển, con đường duy
nhất, là nơi ông phải đến. Tâm trạng ấy, được Phạm Tín An Ninh ủ
vào bài viết, mà tôi không thể gọi thành tên. Bởi, ông trộn
tất cả các thể loại văn học vào trong đó. Vâng! Những Đám Mây Trên Đỉnh Núi Phổ Đà là
bài viết như vậy. Có thể nói, đây là một trong những bài văn
cảm động nhất của Phạm Tín An Ninh. Vẫn lối viết giản dị, lời
văn mộc mạc, nhưng giàu hình tượng làm cho người đọc phải rưng
rưng ngấn lệ. Những hình tượng so sánh ấy, trải ra, rồi cuộn
tròn thành nỗi đau, nỗi u hoài trong lòng tác giả, trong lòng
người đọc. Thành thử, tôi không thể lược bỏ bất cứ từ ngữ,
câu cú nào trong đoạn trích dưới đây, dù có thể khá dài:
"Chỉ
có dãy núi Phổ Đà vẫn còn đứng nguyên ở đó. Hôm đầu tiên ra cổng nhìn
lên, tôi không còn thấy cánh đại bàng hùng vĩ ngày xưa. Cả đỉnh núi bị
bao phủ bởi những đám mây đen buồn thảm, làm tối cả một vùng trời ảm
đạm. Tôi hình dung đến cha mẹ tôi, hai ông chú và cả những đồng đội bạn
bè, trong đó có Phan. Tất cả như đang ẩn hiện trong các đám mây mù buồn
thảm ấy. Lòng tôi đau đớn như đang có trăm ngàn vết chém. Tôi thắp
hương, nhắm mắt tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả được siêu thoát trong
một thế giới bình an, không còn có đau khổ, hận thù. Nghe tiếng sấm
chớp, tôi giật mình mở mắt ra. Trời đang vần vũ một cơn mưa. Nhìn mưa
trút nước từ những đám mây đen trên đỉnh núi Phổ Đà, tôi có cảm giác như
suối nước mắt của bao nhiêu người thân bất hạnh. Mưa dứt. Những đám mây
đen biến mất. Tôi cũng vừa nhìn thấy cánh chim đại bàng trên vách núi
vỗ cánh bay đi. Mất hút cuối chân trời."
Và
Phạm Tín An Ninh đã đi gần hết biển. Xứ lạnh Na Uy là nơi ông
cập bến đỗ. Cuộc sống yên bình, hạnh phúc nơi đây càng làm cho
ông day dứt khôn nguôi. Với đồng đội, với quê hương, một món
nợ, buộc ông phải trả. Như một cánh chim biệt xứ, ông biết về
đâu, khi thành phố xưa đã thực sự không còn, và những dấu
tích, kỷ niệm xưa chỉ còn là cổ tích. Một nỗi đau, không thể
giãi bày. Hoàn cảnh ấy, chỉ có trang viết mới làm ông nguôi
ngoai nỗi nhớ thương. Và khi viết Chim Bay Về Biển, dường như Phạm Tín An Ninh đã vắt hết nỗi đau, và niềm nhớ thương nơi quê nhà vào trong đó. Thật vậy, Chim Bay Về Biển là
những trang văn đẹp nhất, và cũng buồn nhất, mà tôi đã được
đọc trong thời gian gần đây. Ta hãy đọc lại một trích đoạn
trích dưới đây, để thấy rõ điều đó:
"Bỗng
lòng tôi chợt thoáng lên một chút băn khoăn. Những cánh chim di xứ ấy
sẽ bay trở về đâu, khi Nha Trang ngày xưa của họ đã thực sự không còn.
Thành phố đã cho họ một thời tuổi thơ đẹp đẽ hoa mộng, nhưng cũng đã để
lại trong lòng họ quá nhiều đớn đau, mất mát sau cuộc đổi đời. Những
hang động tuổi thơ và dấu tích của những cuộc tình ngày xưa, tất cả giờ
chỉ còn là cổ tích. Tôi nhớ lời thằng bạn còn ở lại Nha Trang, nhớ tới
thầy tôi, nhà văn Cung Giũ Nguyên và tác phẩm Le Domaine Maudit viết từ
năm 1961, như là một tiên tri của Thầy."
Có
lẽ, thời gian đẹp, nhiều kỷ niệm nhất của Phạm Tín An Ninh là lúc mặc
áo lính, nên truyện của ông chủ yếu viết về lính, viết về chiến tranh.
Có điều đặc biệt, trên trang sách của ông, tôi ngửi thấy mùi khét của
bom, nghe thấy tiếng súng, nhưng tôi không thấy có địch, có ta, không có
hận thù và những cảnh khát máu giết người, mà chỉ thấy ngun ngút tình
người trong đó. Và ước nguyện của Phạm Tín An Ninh, dường như cũng
là ước nguyện chung cho tất cả những người lính đã đi qua
cuộc bể dâu này. Chính vì vậy, tôi xin mượn một đoạn văn trong
truyện ký: Tháng 4 Nhớ Bạn (của ông) nhằm làm sáng tỏ thêm chân dung nhà văn Phạm Tín An Ninh, cũng như để kết thúc bài viết này:
"Lịch
sử dân tộc nhất định sẽ có ngày viết lại những chiến công vinh quang
hiển hách, và cả những hy sinh, đau đớn, khổ nhục mà thế hệ chúng tôi đã
từng đạt được, trải qua, trong một giai đoạn bất hạnh và đau thương
nhất của dân tộc."
Leipzig ngày 27-12-2019
No comments:
Post a Comment