Friday, May 22, 2020

Nhìn lại Trận Ấp Bắc năm 1963 - Vann Phan

Bản đồ Trận Ấp Bắc, với các cuộc đụng độ tại Ấp Tân Thới và Ấp Bắc. (Hình: en.wikipedia.org)
 
GÓC CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Vann Phan
SANTA ANA, California (NV) – Các sĩ quan cố vấn Mỹ nhận định trận Ấp Bắc thuộc tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) hồi Tháng Giêng, 1963, là thất bại nghiêm trọng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Họ cho rằng các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hoa Kỳ đang thiếu kinh nghiệm chiến đấu trước các lực lượng chính quy dày kinh nghiệm chiến trường của Cộng Sản Bắc Việt.

Bối cảnh
Sáu năm sau khi VNCH từ chối không tham gia cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào năm 1956, như được dự liệu trong Hiệp Định Geneva chia đôi hai miền Nam và Bắc Việt Nam hồi năm 1954, Cộng Sản Bắc Việt, tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lập ra Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam vào ngày 20 Tháng Mười Hai, 1960, để làm bình phong che đậy cuộc chiến tranh xâm lược của họ tại miền Nam Tự Do.
Cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tức là Cuộc Chiến Tranh Dông Dương Lần Thứ Hai, bắt đầu từ đó, với nhiều đơn vị quân chính quy từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam để mở các các cuộc tấn công vào những đồn bót và làng mạc hẻo lánh của VNCH.
Trong khi đó, các đơn vị chủ lực quân của Quân Đội VNCH – mà sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963 đổi tên là Quân Lực VNCH – cùng với các lực lượng Bảo An (tiền thân của Địa Phương Quân và Nghĩa Quân sau này) thì mở các cuộc hành quân tiến đánh các mật khu và căn cứ địa của Cộng Quân tại các khu chiến thuật từ Bến Hải đến Cà Mau để ngăn chặn những cuộc tấn công của đối phương vào các đồn bót, thôn xóm và quận lỵ thiếu phòng bị của chính quyền quốc gia.
Vào cuối năm 1962, các lực lượng Cộng Sản đã thiết lập một đài truyền tin quan trọng tại Ấp Tân Thới, ở phía Tây Bắc Ấp Bắc và do các lực lượng thuộc Tiểu Đoàn 514 chủ lực tỉnh Định Tường và Tiểu Đoàn 263 chủ lực miền – tức là quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt cải danh – cùng với dân quân du kích địa phương, với quân số khoảng 400 người bảo vệ.

https://i.pinimg.com/originals/ef/48/53/ef485392ea3a4932f859d1862e640d2f.jpg
Ngày 29 Tháng Mười Hai, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH chỉ thị cho Sư Đoàn 7 Bộ Binh tổ chức hành quân tiêu diệt địch và triệt hạ đài truyền tin nói trên. Đài truyền tin đó nằm giữa vùng đồng lầy ngập nước, có nhiều kinh rạch quanh co, đáy sâu và đầy bùn, là những chướng ngại vật đáng gờm cho các chiếc thiết vận xa M113 và ngay cả cho bộ binh nữa.
Đại Tá Bùi Đình Đạm, tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, đã quyết định mở cuộc hành quân Đức Thắng 1, khai diễn vào ngày 2Tháng Giêng, 1963, với ý định bao vây, triệt hạ cơ sở và tiêu điệt địch trong vùng Ấp Tân Thới và Ấp Bắc.

Diễn tiến cuộc tấn công của Quân Đội VNCH vào Ấp Tân Thới và Ấp Bắc
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 2 Tháng Giêng, 1963, tức là trễ hết nột ngày so với kế hoạch dự định ban đầu vì trở ngại tiếp vận, một đại đội thuộc Trung Đoàn 11 Bộ Binh đã được các trực thăng CH-21 của Lục Quân Mỹ thả xuống phía Bắc Ấp Tân Thới. Đại đội này vừa rời khỏi trực thăng thì đã bị địch quân phục kích sẵn nổ súng tấn công ngay tại bãi đáp, làm trì chậm tiến trình đổ quân.

Vào khoảng 10 giờ sáng, các thành phần còn lại của tiểu đón bộ binh tiếp tục nhảy xuống bãi đáp. Nhưng khi các toán quân tiền phong của Tiểu Đoàn 11 tiến vào mục tiêu thì liền bị Cộng Quân đóng chốt tại hướng Bắc và Tây Bắc Ấp Tân Thới xông ra ngăn chặn và cầm chân tại đâỵ
Về phía Nam Ấp Bắc, cũng vào lúc 7 giờ sáng cùng ngày, hai tiểu đoàn Bảo An tỉnh Định Tường tiến từ phía Nam lên phía Bắc, băng qua các cánh đồng ngập nước nhằm chận địch tháo chạy về hướng này. Nhưng các thành phần quân Bảo An tiến vào mục tiêu từ phía Đông lại lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng tại khu Cống Lương.
Hỏa lực địch đã làm cho vị đại úy tiểu đoàn trưởng cùng 13 quân nhân Bảo An bị thương, trong khi một đại đội trưởng cùng bảy binh sĩ khác bị tử thương. Thiếu Tá Lâm Quang Thơ, tỉnh trưởng Định Tường, liền xin Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh điều động lực lượng trừ bị đến tăng cường. Trước khi quân tiếp viện đổ bộ, pháo binh sư đoàn đã bắn phá gắt gao hai mục tiêu Ấp Tân Thới và Ấp Bắc, nhưng Cộng Quân đã phân tán mỏng, ẩn nấp kín đáo dưới những lùm cây ngoài bìa làng hướng về phía đồng ruộng.
Vào lúc 10 giờ rưỡi sáng cùng ngày, khi 10 trực thăng CH-21 chở đại đội bộ binh tiếp viện thả xuống bãi đáp cách Ấp Bắc về hướng Tây khoảng hơn 300 thước thì một trực thăng CH-21 bị trúng đạn, phải đáp vội xuống ruộng lúa, nhưng không có thương vong. Ngay sau đó, một trực thăng võ trang UH-1 xông đến để tiếp cứu, nhưng đã bị bắn hạ. Kế đó, một trực-thăng CH-21 lại bay đến với ý định cứu hai máy bay lâm nạn, cũng bị bắn rơi. Tính đến trưa, về phía quân bạn có năm trực thăng bị rớt, trong đó có một chiếc bị rơi vì trục trặc máy móc và một chiếc khác vì gặp trở ngại kỹ thuật nên phải hạ cánh khẩn cấp xuống ruộng lúa.
Trong suốt cuộc hành quân, cũng như trong thời gian đổ quân xuống vùng Ấp Bắc, các đơn vị hành quân của VNCH và các trực thăng đổ bộ của Hoa Kỳ không có ưu tiên không yểm, bởi vì vào thời điểm đó, các oanh tạc cơ và khu trục cơ của Không Quân Hoa Kỳ cũng như các khu trục cơ của Không Quân Việt Nam đang bận yểm trợ hỏa lực cho hơn 1,200 binh sĩ Nhảy Dù và một tiểu đoàn bộ binh được trực thăng vận nhảy xuống tấn công vào chín cơ sở Cộng Quân trong Chiến Khu C ở Tây Ninh.

Khi được tin chiếc trực thăng đầu tiên bị rớt, Trung Tá John Paul Vann, cố vấn trưởng Sư Đoàn 7 Bộ Binh, đã liên lạc với Đại Úy James Scanlon, cố vấn Đại Đội 7 Cơ Giới (gồm các thiết quân vận M113), để yêu cầu Đại Úy Lý Tòng Bá, đại đội trưởng Đại Đội 7 Cơ Giới, tiến ngay vào Ấp Bắc.
Nhưng vào lúc này, Đại Đội 7 Cơ Giới còn đang ở hướng Tây, cách xa Ấp Bắc khoảng gần 2 dặm và chưa vượt qua được Cống Bà Ký, tức Kinh Lạn, thì xa đội M113 của Đại Úy Bá đã phải từng bước mò mẫm dọc bờ kinh toàn là bùn và sâu thẳm.
Trong lúc 12 chiếc thiết quân vận M113 của Đại Đội 7 còn đang dò dẫm tiến vào mục tiêu ở mé làng trước khi mở rộng đội hình hàng ngang thì Cộng Quân, từ các hầm hố dưới những lùm cây dọc ven bờ kinh, chờ cho xe M113 tiến tới gần khoảng từ 15 đến 20 thước, đồng loạt khai hỏa, khiến một sĩ quan thuộc trung đội 1/7 và một thượng sĩ đứng trên xe chỉ huy của đại đội cơ giới bị tử thương. Sáu xạ thủ đại liên 50 thuộc các trung đội khác cũng lần lượt gục ngã, vì vào những năm đầu của cuộc chiến, các ổ đại liên 50 trên xe M113 không có lá chắn để che chở khi xạ thủ tác xạ.
Cuối cùng, vào khoảng 1 giờ trưa, Đại Đội 7 Cơ Giới cũng đã vượt qua Kinh Lạn. Trên đường tiến vào mục tiêu, đại đội thiết vận xa đã bắt tay được với vị sĩ quan bộ binh chỉ huy cánh quân nhảy xuống Ấp Bắc. Với mục đích truy đuổi tới cùng Cộng Quân còn đang lẩn khuất trong vùng, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh Quân Đoàn 4, bèn xin Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH tăng phái ngay một đại đội Nhảy Dù nhảy xuống khu vực Đại Đội 7 Cơ Giới đang chiếm giữ vào lúc 1 giờ trưa để giải quyết chiến trường trước khi trời tối.
Nhưng mãi cho tới 6 giờ chiều cùng ngày, hai đại đội thuộc Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù mới chính thức nhảy xuống Ấp Bắc vào lúc trời sắp tối. Lợi dụng màn đêm buông xuống, đồng thời thừa lúc tiểu đoàn Dù đang bận đáp xuống phía Tây khu vực hành quân, Cộng Quân đã tháo chạy về hướng Đông Ấp Bắc, băng qua một cánh đồng hoang và cũng là một lỗ hổng của trận chiến mà các lực lượng hành quân của Sư Đoàn 7 Bộ Binh đang bỏ ngỏ.
Theo Đại Tá Hà Mai Việt, trong bài viết nhan đề “Trận Ấp Bắc,” tính đến chiều ngày 3 Tháng Giêng, ngoài các thiệt hại vật chất như bốn trực thăng chuyển quân và một trực thăng võ trang của Hoa Kỳ bị rớt và toàn bộ đài truyền tin của Việt Cộng bị phá hủy, số thương vong của các đơn vị bạn và địch tham chiến tại Trận Ấp Bắc được ghi nhận như sau:
-Quân Đội VNCH có 66 tử thương và 109 bị thương.
-Lực lượng Mỹ tham chiến có ba chết và sáu bị thương.
-Cộng Quân có 18 tử trận, 36 bị bắt sống, với khoảng 50 thương binh và một số tử thi được đem theo trên đường rút lui.
Nhận định về Trận Ấp Bắc
Khác với nhận định của phía Cộng Sản và báo chí Mỹ thời bấy giờ, Quân Đội VNCH không coi đây là một thất bại đáng kể, mặc dù số thiệt hại về nhân mạng của quân bạn cao hơn là số thương vong của quân địch. Bởi vì, dẫu sao, mục tiêu phá hủy một đài phát thanh quan trọng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã đạt được rồi, và mọi chiến thắng, dù lớn, dù nhỏ, cũng đều có cái giá của nó.
Các lý do sau đây giải thích thêm về nhận định nói trên của phía Quân Đội VNCH:
-Yếu tố bất ngờ của cuộc hành quân trực thăng vận vào Ấp Bắc bị mất đi khi thời điểm bắt đầu cuộc hành quân bị lùi lại một ngày vào giờ chót, khiến Cộng Quân có dịp tổ chức phục kích chống trả.
Trực thăng CH-21 của Lục Quân Mỹ. (Hình: en.wikipedia.org)
-Quân Đội VNCH, vào những ngày đầu của cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), quả thật không có nhiều kinh nghiệm chiến trường bằng các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt. Bởi vì các lực lượng này đã dạn dày chiến trận qua cuộc Chiến Tranh Đông Dương với quân đội Liên Hiệp Pháp từ năm 1946 tới lúc xảy ra Trận Ấp Bắc năm 1963, kể cả Trận Điện Biên Phủ, là trận họ đã chiến thắng quân đội Liên Hiệp Pháp, trong đó có lực lượng Nhảy Dù của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam – tiền thân của Quân Đội VNCH – do Trung Úy Phạm Văn Phú chỉ huy.

-Vào thời điểm diễn ra Trận Ấp Bắc, các lực lượng Quân Đội VNCH được trang bị yếu kém so với các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt về súng cá nhân, khi lính bộ binh chỉ được trang bị súng trường Garand M1 bắn từng phát một, trong khi Cộng Quân đã được trang bị bằng súng tiểu liên Tiệp Khắc AK-47. Súng cá nhân của các lực lượng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, vào thời điểm đó, cũng chỉ là các súng tự động Carbine M2 mà thôi.
-Trong khi các thiết vận xa M113 của Quân Đội VNCH, vào lúc tham dự Trận Ấp Bắc, không hề có tấm chắn đạn để che chở cho xạ thủ khỏi bị hỏa lực địch bắn hạ, các trực thăng chở quân CH-1 và trực thăng UH-1 của Lục Quân Hoa Kỳ dùng trong trận Ấp Bắc tương đối chậm chạp và võ trang yếu kém.
-Để giữ thể diện và cũng lo sợ bị báo chí phản chiến Mỹ chê trách, các cố vấn Mỹ tại chiến trường, nhất là John Paul Vann, có khuynh hướng đổ lỗi cho các lực lượng bộ binh và thiết giáp của Quân Đội VNCH là thiếu kinh nghiệm chiến đấu, mặc dù phía lực lượng Mỹ cũng thiệt hại nặng về số máy bay trực thăng bị bắn hạ (năm chiếc) trong cuộc hành quân trực thăng vận này, chứng tỏ các phi công Mỹ cũng chẳng có nhiều kinh nghiệm chiến trường gì hơn.
-Dẫu sao, khi không chịu trang bị hùng hậu cho Quân Lực VNCH thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã có dụng ý tạo nên một cái cớ để đưa quân chiến đấu Mỹ vào Việt Nam, bởi vì vào thời điểm ấy, các tướng lãnh Mỹ vẫn còn tự tin quá mức rằng hỏa lực hùng hậu của họ có thể dễ dàng đè bẹp Cộng Quân. Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ, kể cả Tổng Thống John F. Kennedy, lại không tính toán tới sự thể là nhân dân Mỹ, từ sau cuộc Chiến Tranh Triều Tiên khốc liệt và tổn hại (1950-1953), chẳng hề muốn thấy có một cuộc phiêu lưu nào nữa tại những vùng đất cách xa nước Mỹ tới nửa vòng trái đất, như Việt Nam, Lào và Cambodia. 
 (Vann Phan)

No comments:

Post a Comment