Vùng IV: Tác Chiến: 29.050; Hậu Cần: 14.065; Du Kích: 13.325. Gồm 2 sư đoàn bộ binh; và 11 trung đoàn bộ binh biệt lập.
Nhìn
chung chúng ta thấy CSBV có hơn 293 ngàn quân, tương đương 17 sư đoàn
đến từ 62 trung đoàn biệt lập. Ngay sau ngày ngưng bắn CSBV lập tức phát
triển khả năng tác chiến cuả các lực lượng chính quy và địa phương.
Quân chính quy thì được gia tăng hỏa lực và di động; quân điạ phương thì
được tái trang bị và tái huấn luyện. Các cơ cấu du kích quân cũng được
nới rộng ra. Trong thời gian này, tình báo của VNCH khám phá các đội
phòng không biệt lập ở miền Bắc được phối trí thành cấp số sư đoàn và
trung đoàn phòng không, trang bị vũ khí từ hỏa tiễn SAM-2, SAM-3 (hỏa
tiển địa không), cho đến súng phòng không 37 ly và 100 ly. Dọc theo miền
duyên hải, các lực lượng phòng thủ của CSBV được trang bị hỏa tiễn
SAMLET, một loại hỏa tiễn địa không mới do Nga cung cấp.
Ở miền Nam,
nỗ lực tái trang bị của CSBV rõ ràng hơn về phương diện pháo binh dã
chiến, đại đội phòng không và hệ thống radar. Từ khi ngưng bắn cho đến
ngày thất thủ, CSBV tăng viện cho chiến trường miền Nam thêm 21 trung
đoàn phòng không trang bị súng với nhiều tầm bắn với một hệ thống radar
có thể kiểm soát được không phận ở quân khu I và một số không phận của
quân khu II và III. Một loại hỏa tiễn tầm nhiệt địa không có tên là SA-7
tăng tầm hoạt động từ 9,000 lên 15.000 bộ (5 cây số). Về pháo binh dã
chiến, CSBV có tất cả 430 đại bác loại 122 ly và 130 ly do Nga chế tạo.
Quân đội VNCH ở vùng II và III phải đương đầu với hỏa lực pháo binh mới
của cộng quân.
Hà Nội cũng đem vào miền Nam nhiều loại chiến xa mới.
Trong tổng số 655 chiến xa có mặt ở chiến trường miền Nam, nhiều loại
được đưa vào thử nghiệm lần đầu tiên như chiến xa làm cầu MT-54 và
MT-34; thiết vận xa BTR-152; Không pháo ASU-75; đại pháo kéo trên xe
xích M2; đại bác nòng ngắn 152 ly loại D2; và súng chống chiến xa 100 ly
T12. Tình báo chúng ta còn nhận được tin CSBV có thêm nhiều loại vũ khí
tối tân khác nhưng chưa kiểm chứng được, như chiến xa T-60 loại trung
và hỏa tiễn địa không tầm nhiệt trang bị trên dàn phóng. Thực phẩm đóng
hộp mới nhất của Trung Cộng đã được đưa đến tay quân CSBV ở miền Nam. Du
kích và các lực lượng địa phương bây giờ được trang bị vũ khí tối tân
hơn như B-40, B-41, AK-47 và súng cối.
Nổ lực tái trang bị các lực
lượng tổng trừ bị là cố gắng tiêu biểu nhất của CSBV. Hà Nội rút các sư
đoàn 312, 308, 320B từ Quảng Trị, và sư đoàn 316 từ Lào, trở về Bắc. Với
các sư đoàn 308, 316B, và 968 ở Lào, và sư đoàn 341 đang được bổ sung,
chúng ta biết cộng sản có ít nhất là 7 sư đoàn tổng trừ bị. Cuối năm
1974 CSBV hoàn tất thành lập hai quân đoàn có bộ chỉ huy nằm tại vùng I
và vùng II của VNCH.(3) Thêm vào đó CSBV còn thành lập vài sư đoàn phòng
không mới như sư đoàn 671, 673, 675, 679. Nằm dưới quyền chỉ huy trực
tiếp của các tư lệnh mặt trận ở miền Nam là các đơn vị mới như trung
đoàn xe tăng M26; sư đoàn 75 pháo binh; sư đoàn 377 phòng không; sư đoàn
5 công binh; và sư đoàn 27 đặc công. Binh đoàn vận tải 559 từ Lào được
đưa vào đặt bản doanh ở miền Nam với bốn sư đoàn cơ hữu là 471, 472,
473, và 541.
Tất cả các trung đoàn độc lập ở miền Nam được phối trí
vào cấp sư đoàn. Thí dụ như trung đoàn 33 và 274 thuộc về sư đoàn 3 ở
Vùng III; các trung đoàn 24, DT1 và 207 thuộc về sư đoàn 6; và hai trung
đoàn Z15 và Z18 nằm dưới quyền xử dụng của sư đoàn 8.
Cộng sản đã
không rêu rao khi họ tuyên bố ở hội nghị trung ương đảng thứ 21 là lực
lượng quân sự của họ lúc đó mạnh nhất kể từ năm 1954. Miền Bắc vẫn tiếp
tục bổ xung chế độ quân dịch của họ với lớp thanh niên rất trẻ. Theo ước
lượng, có khoảng 200 ngàn cán binh CSBV xâm nhập vào Nam kể từ khi
ngưng bắn. CSBV chỉ gặp khó khăn khi họ muốn xây dựng lại nhân sự của hạ
tầng cơ sở địa phương khoảng 100 ngàn người như đã có được, trước cuộc
tấn công Mậu Thân 1968.
Cộng Sản Bắc Việt có một hệ thống tiếp liệu
đầy đủ để cung ứng cho đoàn quân xâm lăng của họ. Năm 1973 cộng sản nới
rộng hệ thống đường tiếp tế dọc theo hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh ở
Lào. Từng hàng đoàn xe tiếp tế, đôi khi lên đến 200 chiếc, hoạt động
giữa ban ngày, xâm nhập người và quân dụng vào Nam. Đến năm 1974, CSBV
phát triển các nhánh đường xâm nhập Hồ Chí Minh sâu xuống miền phía nam
hơn. Trước đây các con đường chạy hướng bắc-nam trong hệ thống đường xâm
nhập Hồ Chí Minh ngừng ở nội địa Lào hay Cam Bốt; bây giờ các nhánh
đường này đã nằm bên trong lãnh thổ VNCH, một đoạn đường dài 900 cây số
từ đầu dãy Trường Sơn ở vĩ tuyến 17 cho đến tỉnh Tây Ninh. Nằm chung với
hệ thống đường xâm nhập là các con đường ngang nối miền duyên hải vào
con đường xâm nhập chính. Tuy nhiên các con đường phụ này không xử dụng
được vào mùa mưa: cộng sản dùng cầu tiền chế thay cho các cầu gỗ bị nước
cuốn trôi vào mùa nước lũ. Để đạt được mục đích phát triển đường xâm
nhập vào tận lãnh thổ VNCH, CSBV tấn công và triệt tiêu tất cả các căn
cứ biên phòng nằm trên lộ trình tiến quân của họ về miền tây nguyên. Các
căn cứ biên phòng như Bu Bong, Bu Prang, Plei-D'jereng và Pleime đều bị
tấn công. Các căn cứ nằm ở phía bình nguyên như Mang Buk, Dak Pek,
Plateau Gi, Gia Vực cũng bị tràn ngập khi kế hoạch xâm nhập của CSBV
tiến dần về miền duyên hải.
Cộng Sản Bắc Việt có một hệ thống ống dẫn
dầu, đầy đủ với máy bơm và kho chứa dầu to lớn, chạy dài từ khu phi
quân sự đến tận phía tây của tỉnh Quảng Đức. CSBV cũng xây nhiều nhà
kho, nhà tiền chế, ở những phi trường bỏ hoang của VNCH. Sau ngày ngưng
bắn, CSBV có trong tay 7 phi trường loại "nhẹ" và 8 loại "trung bình" ở
miền Nam. Hai trong số các phi trường nói trên có thể cải biến cho phản
lực chiến đấu cơ.
Tóm lại, với các cố gắng và thành quả của CSBV
trong kế hoạch phát triển các hệ thống đường xâm nhập, CSBV có đủ quân
nhu dùng cho một cuộc tấn công kéo dài 18 tháng, tương tự như cuộc tấn
công qui mô của năm 1972. Với hệ thống vận chuyển hữu hiệu đó, quân xâm
nhập từ Bắc vào Nam bây giờ chỉ cần có ba tuần, thay vì bốn tháng như
trước.
Chiến Lược và Kế Hoạch của Cộng Sản
Cuộc chiến tranh
dai dẳng ở Việt Nam làm hao tổn hai miền Nam, Bắc rất nhiều. Nhưng CSBV
thiệt hại nhân mạng nhiều hơn. Trong cuộc phỏng vấn với một ký giả
người Ý, Võ Nguyên Giáp thú nhận CSBV chết hơn 500 ngàn quân cho cuộc
chiến. Cán binh CSBV, dù được nhồi sọ ý thức hệ lâu dài, dù được cán bộ
chính trị kiểm soát và rèn luyện bởi kỷ luật đảng, vẫn ước mong một nền
hoà bình thật với hy vọng được trở về với gia đình. Tài liệu từ tù binh
và cán binh ra đầu thú cho thấy lính và cán bộ cộng sản rất nóng lòng
khi nghe tin ngưng bắn sẽ được thực hiện vào ngày 28 tháng 10, 1972. Họ
chăm chú theo dõi hai đài phát thanh VOA (Voice of America) và BBC
(British Broadcasting Corporation) rồi bàn tán về viễn ảnh họ sẽ được
trở về miền Bắc. Và họ không giấu được nỗi thất vọng khi ngày ngưng bắn
28 tháng 10 bị đình lại.
Khi hiệp định Paris được ký kết, Trung Ương
Cục Miền Nam phổ biến huấn lệnh số 2/73. Huấn lệnh này cung cấp chi tiết
hướng dẫn cách tuyên truyền cho cán bộ đảng và dân quân CSBV. Theo huấn
lệnh 2/73, hiệp định Paris là một dấu mốc của lịch sử, của thời điểm
chiến thắng của người CS ở miền Nam. Tuy nhiên, hiệp định Paris không
chấm dứt cuộc đấu tranh mà chỉ tạo ra một hoàn cảnh nửa chiến tranh nửa
hoà bình, trong đó mọi đấu tranh chính trị đi trước đấu tranh quân sự.
Trong
hai tháng 3 và 4, 1973, CSBV đưa vào nam hai toán tuyên truyền do Văn
Tiến Dũng và Tố Hữu một ủy viên bộ chính trị cầm đầu. Toán tuyên truyền
giải thích cho cán binh CSBV trong nhiều buổi hội thảo chính trị là,
hiệp định Paris chỉ là một giai đoạn nghỉ mệt trong cuộc chiến đánh
chiếm miền Nam; và việc ký hiệp định là một thế của chiến thuật vừa đánh
vừa đàm. Đảng cộng sản lúc nào cũng có một "cách nói" cho mọi tình thế
chính trị. Cách nói sau ngày ngưng bắn là họ kêu gọi ba thành phần chánh
phủ và quân đội chuẩn bị cho mọi trường hợp.
Trong đảng cộng sản có
hai ý kiến trái ngược nhau về thái độ và ý niệm khi họ học tập và tuyên
truyền hiệp định Paris 1973. Ý kiến thứ nhất là coi hiệp định Paris như
là một giải pháp hòa bình dùng để giải quyết vấn đề Việt Nam. Ý kiến thứ
hai biện hộ tiếp tục cuộc chiến, cho rằng chỉ cần quân sự thôi là có
thể đem lại được chiến thắng tuyệt đối cuối cùng. Hai thái độ được đảng
cộng sản phân tích kỹ qua huấn lệnh số 3/73 ban hành đầu tháng 4, 1972.
Huấn lệnh kết luận: cán bộ cộng sản phải tin vào đường lối của đảng với
chiến lược uyển chuyển; và tình trạng sau ngày ngưng bắn là tình trạng
"hòa bình trong chiến tranh" một giai đoạn cộng sản có thể lợi dụng các
khiếm khuyết về luật lệ trong các điều khoản của hiệp định. Với một bộ
máy tuyên truyến hữu hiệu và khả năng nhồi sọ tư tưởng chính trị, cộng
sản tìm cách dung hòa hai thái độ ở các cấp thấp nhất. Cán bộ và lính ở
hạ tầng cơ sở được lệnh học tập những kết luận của huấn lệnh.
Tháng 5
năm 1973 tình báo VNCH nhận được tin tức từ một cuộc hội thảo của các
cán bộ trung cấp tỉnh ủy. Trong buổi thảo luận này CSBV đi đến kết luận
là họ có thể đánh bại VNCH qua một cuộc tấn công kiểu tốc chiến
(blitzkrieg) như họ đã thực hiện vào năm 1968. Trong các cuộc hội thảo
này, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy CSBV không còn đề cập đến những từ ngữ
như đấu tranh chính trị.
Ở một cuộc hội thảo khác vào tháng 7, 1973,
cán bộ cộng sản cũng đi đến kết luận là, "Nếu chính phủ VNCH không thực
thi điều khoản của hiệp định Paris như tham dự vào một chánh phủ liên
hiệp, chúng ta [cộng sản] sẽ có khả năng phát động một chiến dịch tổng
nổi dậy tổng phản công." Một cán bộ thuộc tỉnh ủy Lâm Đồng ra hồi chánh
và tiết lộ kế hoạch phản công mới ở miền Nam của cộng sản: giới lãnh đạo
cộng sản đang dự tính những cuộc tấn công chiến lược vào Huế và Đà Nẵng
ở Vùng I. Lời khai của người hồi chánh được kiểm chứng qua nhiều tin
tức khác. Tin tức cho chúng ta biết thêm phi công của CSBV đang gia tăng
thực tập và huấn luyện. Không ảnh chụp ở Lào cho thấy CSBV dựng một phi
trường giả, giống như phi trường Đà Nẵng, với tất cả chi tiết tương tự
để thực tập tấn công. Tuy nhiên, người cán bộ hồi chánh nói trên nhấn
mạnh là cuộc tấn công chỉ có thể xảy ra với sự đồng ý của Nga và Trung
Cộng như họ đã cho phép hai cuộc tấn công vào năm 1968 và 1972. Một
trùng hợp xảy ra trong thời gian này: Vào hai tháng 8 và 9 năm 1973, thủ
tướng Phạm Văn Đồng và bí thư Lê Duẩn có thăm viếng Nga và Trung Cộng.
Thời
gian sau ngưng bắn là thời gian cộng sản ở miền Nam dồn mọi nỗ lực để
xây dựng và phát triển sức mạnh, chuẩn bị cho các chiến dịch trong tương
lai. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, chủ tịch MTGPMN Nguyễn Hữu
Thọ cho biết MTGPMN không dự định một cuộc tổng công kích nào, nhưng mặt
trận có khả năng về cơ sở và nhân sự để thực hiện kế hoạch đó nếu cần.
Trong một bài phát thanh đánh đi vào ngày 15 tháng 10, 1973, CSBV tuyên
bố lực lượng võ trang và quân đội cộng sản sẽ đánh bại mọi cuộc tấn công
của VNCH. Cùng lúc, huấn lệnh số 4/73 của Trung Uơng Cục Miền Nam
(TƯCMN) ghi rõ kế hoạch tấn chiếm từng điểm, nắm giữ từng phần nhỏ của
chiến thắng, trên đường tiến về chiến thắng sau cùng. Huấn lệnh này cho
phép các lực lượng cộng sản có thể vừa đánh vừa tuyên truyền; hoặc tuyên
truyền trước rồi tấn công sau.
Để năng cao tinh thần chiến đấu của
cán binh cộng sản tại miền Nam, vào tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm 1974
TƯCMN cho lưu hành quyết nghị số 12. Quyết nghị này dựa vào bản phúc
trình của lần họp thứ 21 của trung ương đảng cộng sản. Cả hai văn kiện
tuyên bố lực lượng của cộng sản ở miền Nam chưa bao giờ mạnh hơn về quân
sự cũng như chính trị từ năm 1954. Quyết nghị kêu gọi cán binh tiếp tục
chiến đấu tại chổ theo chiến thuật "hòa bình trong chiến tranh," trong
khi giả bộ tuân theo các điều khoản ghi trong hiệp định Paris. Tuy
nhiên, "chiến đấu tại chổ" được định nghĩa như những cuộc tấn công có hỗ
trợ của "quân đội," nhắm vào các địa điểm phòng thủ chắc như quận lỵ,
bộ tư lệnh khu chiến thuật, các hậu cứ của tiểu đoàn, trung đoàn, hay
bản doanh của sư đoàn. Về mặt chính trị, cộng sản nhấn mạnh vào việc
củng cố hạ tầng cơ sở như đã nói trên. Quyết nghị số 12 của TƯCMN là văn
kiện căn bản hướng dẫn mọi hoạt động của cộng sản trong suốt năm 1974.
Cuối
năm 1973 cộng sản bắt đầu khởi xướng các chiến dịch triệt hạ các tiền
đồn và căn cứ ở các nơi hẻo lánh của VNCH. Từng căn cứ một bị triệt
tiêu, hoặc quân phòng thủ phải di tản trước áp lực quá mạnh của địch.
CSBV tiếp tục kế hoạch tấn công sang năm 1974. Lúc đầu là các cuộc tấn
công bằng cấp trung đoàn, kế đến là cấp sư đoàn với sự hỗ trợ của các
đơn vị pháo binh, thiết giáp và phòng không. Căn cứ Lệ Minh (Plei
D'jereng) là căn cứ đầu tiên bị thất thủ vào tháng 9, 1973. Tiếp theo là
căn cứ Ngọc Bảy ở Kontum, rồi căn cứ núi Bạch Mã ở Đà Nẵng. Vào tháng
11 cùng năm, hai cứ điểm Dak Song và Kiên Đức bị tràn ngập. Trừ căn cứ
Kiên Đức được trung đoàn 45 của chúng ta lấy lại một tuần sau, tất cả
các căn cứ nói trên hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của địch quân.
Về
phía VNCH. Một mặt chúng ta ngăn chận kế hoạch chiếm đất giành dân của
cộng sản, mặt khác chúng ta thúc đẩy chương trình bình định nông thôn.
Nhưng về vấn đề phòng thủ các tiền đồn hay trại biên phòng thì là một
vấn đề khác: tổng thống Thiệu ra lệnh quân trú phòng không được di tản
dưới áp lực của địch, và căn cứ phải được giữ bằng mọi giá. Và như chúng
ta đã thấy, quân lệnh của tổng thống Thiệu có ý nghĩa về phương diện
chính trị, nhưng bất lợi về phương diện quân sự. Địch quân tấn công các
tiền đồn hay căn cứ biên phòng đó rất dễ với số quân đông hơn năm, sáu
lần, và với hoả lực yểm trộ hùng hậu, họ có thể đè bẹp quân trú phòng
rất dể dàng. Càng cố gắng bảo vệ các căn cứ ở xa, chúng ta càng hy sinh
nhiều nhân sự có thể dùng để phòng thủ ở những nơi khác. Khi cố gắng bảo
vệ và tử thủ ở các tiền đồn, chúng ta hy vọng vào các điều khoản của
hiệp định Paris được thực thi rõ rệt: Giữ các đồn bót ở những nơi hẻo
lánh đó để chúng ta chứng minh cho các quan sát viên quốc tế biết giới
hạn của lãnh thổ VNCH. Hơn nữa, nếu chúng ta bỏ rơi các căn cứ này,
chúng ta sẽ giao cho cộng quân rất nhiều đất đai của lãnh thổ quốc
gia.(4)
Ở vùng I vào đầu tháng 7 năm 1974, cộng quân bắt đầu tăng
cường áp lực với các đơn vị như sư đoàn 304B và 711, và Mặt Trận 44 (mặt
trận này có quân số tương đương với 11 tiểu đoàn bộ binh). Chủ đích của
CSBV là bao vây trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dạ Trạch nằm ở quận
Thường Đức, và các đồn bót nằm trong thung lũng Quế Sơn. Mục tiêu chánh
của CSBV là vùng đồng bằng miền duyên hải của tỉnh Quảng Nam. Áp lực
của cộng quân là một mối quan tâm cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và
quân đoàn I nói chung. Đối diện với áp lực của CSBV là sư đoàn 3 bộ binh
của QLVNCH, đang cố gắng cản bước tiến của địch. Để đối phó, quân đoàn I
tăng viện thêm hai lữ đoàn Nhảy Dù, hai trung đoàn bộ binh và hai liên
đoàn Biệt Động Quân. Mặt trận Thường Đức kép dài đến tháng 11 khi quân
đội VNCH làm chủ tình hình, đẩy lùi cộng sản ra khỏi vùng đồng bằng của
miền duyên hải. Cũng trong thời gian trên, khi áp lực và các cuộc tấn
công của cộng quân đạt đến cường độ cao nhất vào tháng 9, cộng quân cũng
mở một cuộc tấn công song song ở Thừa Thiên, với ý định cắt ngang quốc
lộ 1 ở giữa Huế và Đà Nẵng. Lực lượng CSBV ở mặt trận này gồm 3 trung
đoàn của sư đoàn 324B.
Trong khi đó, ở phía nam của Vùng I, lữ đoàn
52 (có bổ sung) CSBV tấn công và tràn ngập trại Biệt Động Quân biên
phòng Gia Vực và quận Minh Long. Trong sáu tháng cuối của năm 1974, hai
sư đoàn 1 và 2 của VNCH, với vùng trách nhiệm riêng biệt, đẩy lui địch
quân và bình thường hóa tình hình chiến sự ở Vùng I. Qua những trận đánh
khốc liệt của sáu tháng đó, hai bên địch và ta tổn thất rất nặng, với
mức thương vong hơn 15 ngàn người mỗi bên.(5)
Ở Vùng II cộng sản bắt
đầu xây đường vận chuyển hai chiều về hướng đông, tách ra khỏi hệ thống
đường mòn Hồ Chí Minh chạy theo hướng bắc nam. Một con đường nằm ở hướng
bắc của tỉnh Kontum; một con đường khác nằm ở phía nam tỉnh Pleiku. Khi
hoàn tất hai con đường này sẽ nối liền với quốc lộ 19, ở hướng đông của
Pleiku. Kế hoạch xây đường này của cộng sản là để cắt ngang hai tỉnh
Kontum và Pleiku, cũng như cô lập bản doanh của Quân Đoàn II đóng tại
Pleiku. Nhưng căn cứ biên phòng 711 của VNCH ở phía nam Pleiku cản trở
kế hoạch hoàn tất hệ thống đường chuyển vận này của cộng sản. Tháng 4,
1974, hai trung đoàn của sư đoàn 320 CSBV tấn công tiền đồn 711. Tháng
5, 1974, với sự yểm trợ của hai liên đoàn BĐQ, sư đoàn 22 bộ binh đẩy
lui địch quân và phá vỡ kế hoạch xây đường của cộng sản. Tiếp theo sau,
vào cuối hè đầu thu của năm, sư đoàn 3 CSBV, hoạt động tại tỉnh Bình
Định, cắt đứt quốc lộ 1 ở phía nam của ba tỉnh thuộc Vùng I, gây áp lực
cho căn cứ không quân Phù Cát. Sư đoàn 22 bộ binh phải di chuyển từ
Pleiku xuống Bình Định để tiếp ứng cho hai liên đoàn BĐQ cơ hữu của
tỉnh. Đến cuối năm 1974 quân đội ta hoàn toàn khai thông quốc lộ 1, đầy
lùi quân CSBV trở ngược lại thung lũng An Lão.
Ở Vùng III chúng ta
lấy lại được quận Đức Huệ thuộc tỉnh Hậu Nghĩa sau khi tiểu đoàn BĐQ
phòng ngự của quận lỵ bị thất thủ. Tháng 6, 1974, địch quân mở ba cuộc
tấn công cùng lúc vào ba cứ điểm An Điền, Căn Cứ 82, và Rạch Bắp nằm ở
phía tây của tỉnh Bình Dương. Trận đánh chiếm lại các cứ điểm này rất ác
liệt và hao tổn. Với lợi điểm về pháo binh và đạn dược, địch dụ cho
quân ta tiến vào các mục tiêu đã được chấm tọa độ trước, rồi tập trung
hỏa lực pháo binh triệt hạ quân ta. Sau cùng, xử dụng hệ thống phản pháo
và các toán xung kích, chúng ta áp đảo được các ổ pháo của địch và
chiếm lại các cứ điểm nói trên.
Trong khi đó, ở miền đồng bằng sông
Cửu Long, quân đội chúng ta trên đà phản công. QLVNCH mở một cuộc hành
quân qui mô đánh vào vùng Trị Tháp từ lâu đây là một căn cứ của Việt
cộng ở Đồng Tháp Mười, nơi giáp ranh của ba tỉnh Kiên Giang, An Xuyên và
Chương Thiện. Địch quân chống trả mạnh khi chúng ta đánh vào mật khu
của họ. Ở Vùng IV, ba sư đoàn bộ binh cơ hữu của vùng luôn bận rộn với
các cuộc hành quân, hoặc hỗ trợ các đơn vị của Nghĩa Quân và Địa Phương
Quân. Hai lực lượng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân của Vùng IV, trong một
thời gian dài, tỏ ra mất hiệu lực trước các cuộc xâm nhập và tấn công
của cộng sản. Đây là một quan tâm lớn cho VNCH. Vì thiếu khả năng, các
lực lượng địa phương đã để cho cộng sản chiếm nhiều làng xã ở các tỉnh
Kiên Giang, An Xuyên và Chương Thiện. Sự khiếm khuyết của hai lực lượng
này bắt nguồn từ sự yếu kém về tinh thần và quân số không đầy đủ ở các
đơn vị. Để giải quyết những khuyết điểm trên, Bộ Tổng Tham Mưu mở một
cuộc điều tra để tìm nguyên nhân. Tháng 11, 1974, cuộc điều tra đưa đến
quyết định giải nhiệm trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi tư lệnh Vùng IV-Quân
Khu IV. Thay vào đó, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm làm tư
lệnh quân khu. Bộ Tổng Tham Mưu giao cho vị tân tư lệnh một nhiệm vụ
khẩn cấp là nâng cao tinh thần và khả năng chiến đấu của Địa Phương Quân
và Nghĩa Quân. Tướng Nam đã hoàn tất nhiệm vụ một cách đáng khen
thưởng. (6) (Còn tiếp...)
Chú thích:
1. Chúng ta biết được tin tức này từ tài liệu tịch thu, thẩm vấn tù binh và hồi chánh, và tin tình báo (chú thích của tác giả).
2.
Về chi tiết tất cả các vụ vi phạm quan trọng của CSBV trong năm 1973,
và lực lượng quân sự của VNCH và CSBV, đọc thêm From Cease-fire to
Capitulation (Center of military History, Washington, D.C., 1984) của
William Le Gro, chương về năm 1973 (chú thích của dịch giả).
3. Hai
quân đoàn đó là Quân Đoàn 2 và Quân Đoàn 4. Quân Đoàn 2 còn có tên là
Binh Đoàn Hương Giang, thành lập ngày 17 tháng 5, 1974 tại Thừa Thiên,
gồm các lực lượng cơ hữu: sư đoàn bộ binh 304, 324, 325; sư đoàn phòng
không 673; lữ đoàn 203 xe tăng; lữ đoàn 164 pháo binh; lữ đoàn 219 công
binh; trung đoàn 463 thông tin; và các đơn vị phục thuộc khác. Quân Đoàn
4 có tên là Binh Đoàn Cửu Long, thành lập ngày 20 tháng 7, 1974 tại
miền đông nam bộ. Các đơn vị của quân đoàn này gồm sư đoàn 7, 9, trung
đoàn 24 pháo binh, trung đoàn 71 phòng không, trung đoàn 429 đặc công và
nhiều đơn vị trực thuộc. Đọc Từ Điển Bách Khoa Quân Sự Việt Nam, (Quân
Đội Nhân Dân, Hà Nội: 1996) (chú thích của dịch giả).
4. Đây là một
trong "Bốn Không" do tổng thống Thiệu đề ra sau Hiệp Định Ba Lê, đó là:
Không nhường đất cho cộng sản. Không liên hiệp với cộng sản. Không công
nhận CS. Không trung lập hóa miền Nam. "Bốn Không" được coi như là một
quốc sách mà tất cả các hoạt động chính trị và quân sự phải tuân theo
(chú thích của tác giả).
5. Một trong những trận đánh đẩm máu ở mặt
trận Thường Đức là trận Đồi 1062. Trong trận này lữ đoàn 1 và 2 Nhảy Dù
đánh tan bốn trung đoàn 29, 31, 24, và 66 thuộc các sư đoàn 2, 324B và
304 của CSBV. Hai lữ đoàn Nhảy Dù của quân đội VNCH đã trả giá thật cao
cho Đồi 1062: 500 tử thương và 2000 bị thương. phía cộng sản có hơn 2000
chết và 5000 bị thương. Ở điểm cao nhất của trận chiến, 6 tiểu đoàn
Nhảy Dù đã thay phiên tấn chiếm mục tiêu này. Xem, William E. Le Gro,
Vietnam from Cease-Fire to Capitulation, chương 11. Trương Dưỡng, Đời
Chiến Binh, chương Trận Thường Đức: Đồi 1062. Về trận Sa Huỳnh, đọc Anh
Hùnh Bạc Mạng của Trần Thy Vân, chương Sa Huỳnh Biển Lửa (chú thích của
dịch giả).
6. Sau cuộc rút lui thất bại tại Cao Nguyên, tướng Nguyễn
Văn Phú vào nằm ở tổng y viện Cộng Hòa, tướng Nghi tình nguyện làm tư
lệnh bộ chỉ huy tiền phương Quân Đoàn III, để trấn giữ miền duyên hải
còn lại. Bộ chỉ huy đóng trong căn cứ Không Quân Phan Rang (tư lệnh là
chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang). Ngày 16 tháng 4, 1975, khi tỉnh Ninh Thuận
và căn cứ Phan Rang thất thủ, hai tướng Nghi, Sang, và đại tá Nguyễn Thu
Lương (Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù) được coi như mất tích (chú thích của tác
gỉa).
Nguyễn Kỳ Phong
No comments:
Post a Comment