Saturday, June 13, 2020

Trận Pleime năm 1974 (kỳ 5)

Kỳ trước: Đang giằng co với lệnh buộc đi cứu binh của Đại tá Từ Vấn, Liên đoàn trưởng LĐ 24 BĐQ, và tình hình cấp bách, địch đang tấn công vào trại Pleime, Thiếu tá Long quyết định dẫn quân về giữ đồn, vì đó là trách nhiệm chính của ông.
Vương Mộng Long huấn luyện đơn vị
Nhiều kỳ – kỳ 5
Trước khi ra quân, tôi đã dự trù một hỏa tập rào cản dài một cây số hướng Tây, Tỉnh lộ tên là “Sầm Mi 1” để đề phòng viện quân địch ào lên. Tôi khẩn cấp gọi Sầm Mi,
– Sầm Mi! Ðây Thái Sơn! Gọi chú Như ưu tiên cho anh hai chục tràng hỗn tạp trên Sầm Mi 1! Mau lên!”
Sau đó, tôi để lại Ðại Ðội 2/82 đánh trì hoãn cho tôi và Ðại Ðội 3/82 băng rừng rút lui. Cuộc rút quân này gấp rút tới nỗi tôi phải cho lệnh ưu tiên di tản thương binh, bỏ lại tất cả những đồng đội tử trận, vứt bỏ tất cả vũ khí nặng và chiến lợi phẩm.
Tôi đã yêu cầu hỏa tập Sầm Mi 1 bắn hơi trễ, nên khi tôi về tới cổng trại cũng là lúc địch reo hò xung phong tràn ngập tiền đồn Bắc, sáu khinh binh đóng chốt trên đồi không biết sống chết ra sao.
Ðại đội 3/82 vừa bố trí thành một vòng cánh cung dưới chân tiền đồn đã sớm trở thành mục tiêu cho hai khẩu 12.7 ly của địch từ trên đồi bắn xuống.Tôi và Ðại Ðội 3/82 vội tụt xuống trấn thủ con dốc trước cổng Bắc. Toán gác cổng đã mở hé hai cánh cửa cho anh em theo nhau luồn vào trại.
Xuống tới bờ dốc là có vị trí ẩn núp, tôi khẩn cấp cho lệnh khẩu 105 ly của Trung úy Như bắn ngay mười tràng hỗn tạp trên tiền đồn Bắc, hai khẩu 12.7 ly của địch mới chịu im.
Lúc này Ðại Ðội 2/82 của Trung úy Anh bị địch cô lập trên đoạn đường một cây số Bắc Pleime.
Trời đã xế chiều, tôi nói với Trung úy Anh rằng tôi sẽ cho quân bạn bắn tối đa về hướng Bắc nhưng bắn lên trời, còn quân của Ðại Ðội 2/82 thì cứ vừa chạy về hướng trại, vừa liên tục tác xạ, tới sát rào Bắc sẽ có quân bạn tiếp đón.
Súng nổ liên hồi trong khoảng thời gian nửa tiếng đồng hồ. Thiếu úy Trần Văn Phước là người chỉ huy lực lượng trấn thủ cổng Bắc báo cho tôi hay Ðại Ðội 2/82 còn được 22 quân nhân vừa nhập trại. Trung úy Nguyễn Hữu Anh và Chuẩn úy Lê Văn Phước còn tụt lại đằng sau, họ đang tìm cách đi bọc về hướng suối rồi tiến về cổng Nam.
[Có tác giả khi viết về trận Pleime 1974 đã ghi là Ðại Ðội 2/81 chỉ còn 22 người chạy về trại. Ðiều này sai, đây là Ðại Ðội 2/82 không phải Ðại Ðội 2/81. Vì ngày 28 tháng 7 Ðại Ðội 2/81 mới được không vận vào Pleime.]
Tôi ngồi bên máy truyền tin trực chờ tiếng nói của Trung úy Anh và Chuẩn úy Phước suốt đêm nhưng không thấy động tĩnh. Ba ngày sau hai vị sĩ quan này cùng năm người lính lội bộ tới Chi Khu Phú Nhơn trình diện, cái máy truyền tin của họ đã bị chìm khi qua suối Lé (Ia Glaé).
Lúc này, kể cả một tiểu đội canh gác cố định trên Pháo đài 2 thì quân số của Ðại Ðội 2/82 chỉ còn trên dưới 30 người, lại không có sĩ quan, nên tôi giao số quân nhân này tăng cường cho Ðại đội 3/82 của Thiếu úy Phạm Ðại Việt.
Thế là tiền đồn Pleime bị cô lập kể từ tối 27 tháng 7 năm 1974.
Ðêm 27 tháng 7 có hai chiếc máy bay võ trang Hỏa Long bay trên vùng Bắc Pleime, nhưng máy bay chỉ thả hỏa châu, mà không bắn, vì họ sợ bắn lầm quân bạn còn thất lạc trong rừng. Vô tình, hỏa châu của ta lại soi đường cho địch xung phong!
Dưới ánh sáng hỏa châu, Việt-Cộng xông lên ngời ngời!  Ba lần biển người ào xuống cái dốc cổng Bắc, cùng những tiếng thét “Xung phong! Xung phong!” đều tắc nghẽn ngay sau khi khẩu 105 ly cổng Bắc phóng ra liên tiếp hai trái Beehive.
Suốt đêm đó khẩu 105 ly của Trung úy Như phải làm việc liên tục, bắn từng đợt trên ngã ba tiền đồn Bắc với những trái đạn nổ cao để ngăn địch.
Hôm sau, đọc bản tin tổng kết tình hình 24 giờ qua của liên đoàn, tôi được biết, trưa 27 tháng 7 Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân đã bị Việt-Cộng chặt đầu, Thiếu tá Trần Văn Ngọc đã bị Việt-Cộng bắt sống. Không ngờ chỉ trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ giao chiến mà một tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân đã bị Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản đánh tan.
Mặt khác, một tin A 2 ghi nhận rằng đơn vị địch chận đánh Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân là Trung Ðoàn 64 của Sư Ðoàn 320A, còn đơn vị Cộng-Sản giữ nhiệm vụ tấn công Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là Trung Ðoàn 48/320A.
Tin A 2 còn cho biết ngay sau khi đánh tan Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân thì E 64/320A sẽ thay thế E 48/320A liên tục tấn công Pleime cho tới khi chiếm được căn cứ biên phòng này. Tiểu Ðoàn D20 Trinh Sát của Sư Ðoàn 320A và một tiểu đoàn phòng không sẽ giữ nhiệm vụ chặn viện binh Việt-Nam Cộng-Hòa trên đoạn đường từ núi Chư Mréa tới ngã ba làng Plei Xome.
Trung Ðoàn 48 của Sư Ðoàn 320A vì bị tổn thất khá nặng nên bị chuyển sang vùng Ðông Pleime, giữ nhiệm vụ săn bắt những quân nhân thoát chạy từ Pleime ra Quốc lộ 14, đồng thời chặn đánh bất cứ đơn vị nào xuất phát từ quận lỵ Phú Nhơn tiến vào tiếp cứu cho Pleime.
Mờ sáng 28 tháng 7 địch mở màn trận mưa pháo chưa từng thấy trên nóc trại. Hàng ngàn quả đạn đã rơi khắp nơi, trong rào, ngoài rào, trên sân bay, dưới suối. Hầu như địch bắn mà không cần biết đạn sẽ rơi xuống chỗ nào!
Khoảng tám giờ sáng từ hướng Bắc và Tây có hai chiếc loa phát đi lời kêu gọi Biệt Ðộng Quân mau buông súng đầu hàng.
Hai cái loa cứ oang oang lặp đi, lặp lại bốn tiếng, “Hàng sống! Chống chết!”
Tiếng loa trộn lẫn tiếng súng của hai phe đang bắn nhau làm cho người nghe ù cả tai.
Rồi từ đỉnh đồi hướng Bắc, một đoàn quân chính quy Bắc Việt, vừa bắn vừa hô “Xung phong” lao xuống con dốc dẫn vào vườn rau. Ði sau đoàn quân này là một tên cán binh rất cao lớn vai vác lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thật to.
Cách đánh ồ ạt vũ bão này là sở trường đặc biệt chỉ thấy ở Trung Ðoàn 64 Sư Ðoàn 320A.
Lúc này tôi ngồi trong ụ súng 105 ly cổng Bắc.
Tôi hét,
-Beehive!
Anh xạ thủ người Thượng nhanh tay giựt cò.
“Ðoàng!”
Ðạn ra khỏi nòng, tiếp đó là một tiếng “Í! Ách!’ có lẽ là tiếng đầu đạn kích hỏa để phun hàng ngàn mũi tên sắt bay xa.
“Ðoàng!”
Viên thứ hai tiếp liền theo viên thứ nhất. Khói từ nòng súng còn khét lẹt, tôi và anh lính Thượng đã vội tụt xuống giao thông hào.
Khẩu đội 105 ly cổng Bắc có bốn người, nhưng trong ụ súng lúc nào cũng có mặt một người thôi. Ðó là một anh hạ sĩ người Thượng nhanh như cheo. Mới thấy anh ta giựt cò, “Ðoàng!” họng súng vừa phà khói trắng, thoắt cái, anh ta đã biến mất dưới giao thông hào.
Thấy anh chàng này ẩn hiện nhanh như con chuột nhắt, tôi bèn đặt tên cho hắn ta là “Con chuột Cổng Bắc ” Muốn ra lệnh bắn, tôi chỉ cần hô “Con chuột!” thế là có một viên đạn chống biển người bay đi.
Phụ lực với “Con chuột Cổng Bắc” lúc nào cũng có hai khẩu đại liên 30 trong lô cốt cổng Bắc và Pháo đài số 1 siết cò liên tục, chỉ một hướng cố định, đường đạn bắn giao nhau. Ðịch chết đè lên nhau, chết trước khi kịp quay đầu chạy.
Từ hố cá nhân bên ụ súng đại bác 105 ly cổng Bắc, tôi nhìn thấy địch nằm chết như xếp cá sát nhau, chân chúng nằm trên dốc, đầu chúng hướng về phía cuối dốc, như đang theo nhau trôi xuống vườn rau trước cổng trại.
Tới trưa 28 tháng 7 tôi được lệnh ngừng mọi hoạt động pháo binh để dành không gian cho một đoàn trực thăng chuyển vận viện binh.
Lúc đó giao tranh còn đang diễn ra từng đợt nơi cổng Bắc. Tôi phải giao quyền chỉ huy tuyến phòng thủ Bắc cho Thiếu úy Phạm Ðại Việt rồi theo giao thông hào để ra phi trường đón những người đồng đội đến tăng cường cho mình.
Phòng không địch đan lưới trên không, nhưng không thể ngăn những chiếc trực thăng của Phi đoàn 229 bay sát đất, thả Ðại đội 2 của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân xuống phi đạo Pleime.
Ði theo đoàn quân này có Thiếu tá Trương Hoàng Phi Trưởng Phòng 2 Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 và hai quân nhân của Tiểu Ðoàn 82 là Trung sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và Thiếu úy Lý Ngọc Châu.
Hai thầy trò chú Châu nghe nói Pleime đánh lớn nên nóng lòng, theo chân đoàn quân cứu viện để vào chiến đấu sát cánh với ông tiểu đoàn trưởng.
Từ đầu năm 1966 Binh nhì Nguyễn Phượng Hoàng đã theo tôi vào, ra trăm trận, cho tới đầu năm 1974 chú Hoàng đã là trung sĩ, tôi mới sắp xếp được một vị trí bán tác chiến để chú Hoàng làm việc ở hậu cứ tiểu đoàn coi như đền bù công lao cho một người trải qua gần mười năm làm người lính đi đầu.
Còn Thiếu úy Lý Ngọc Châu là người đã có sự vụ lệnh theo học khóa Tâm Lý Chiến ở trường Chiến-Tranh Chính-Trị  Ðà-Lạt. Thiếu úy Châu đang chờ phương tiện đi học, nếu đem chú ấy vào đây thì chắc chắn sẽ bị loại khỏi lớp. Ðó là chưa kể tới yếu tố tâm lý, dị đoan, xưa nay những quân nhân đã có tên đi phép, hoặc thuyên chuyển, hay thụ huấn mà cứ chần chờ ở đơn vị cũ thường bị chết bất đắc kỳ tử.
Ngay lúc chú Châu và chú Hoàng vừa đạp chân xuống đất, tôi đã nẹt,
– Hai thằng này lên tàu về Pleiku mau!
Hai người đàn em nghe tôi quát tháo thì sợ quá, vội vàng nhảy lên trực thăng ngay.
Những quân nhân tăng phái của Ðại đội 2/81 nhanh chóng bố trí hai bên phi đạo với vị thế sẵn sàng chiến đấu.
Hợp đoàn chuyển quân cất cánh, trên sân bay còn lại một mình Thiếu tá Trương Hoàng Phi đầu đội bê rê, lưng đeo súng Colt, chân đi đôi giầy Sault bóng loáng, đứng bên cái giường bố bằng nhôm mới toanh của quân đội Mỹ.
Thiếu tá Phi ra trận mà không đem ba lô, nón sắt, lương khô, poncho, mền võng, mà chỉ vác theo cái giường bố nylon gọng nhôm, như người đi nghỉ mát ở bờ biển Vũng Tàu.
Ông Phi chạy tới trình diện tôi và cho tôi hay rằng, Ðại tá chỉ huy trưởng muốn ông ta xuống Pleime để phụ tá cho tôi theo dõi tình hình địch rồi báo cáo về cho Bộ Chỉ Huy ở Pleiku.
Tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên: Tôi có một Ðại úy thâm niên là tiểu đoàn phó, có một Thiếu úy tốt nghiệp trường Quân Báo Cây Mai làm sĩ quan Ban 2, cá nhân tôi là một sĩ quan gạo cội của ngành Tình Báo thì một ông Thiếu tá trưởng phòng 2 của Bộ Chỉ Huy có mặt ở Pleime này sẽ giúp ích gì cho tôi?
Không cần suy nghĩ tìm hiểu vì lý do gì ông Phi bị gửi vào đây, tôi nói với ông,
– Tôi cho phép anh theo chuyến bay kế tiếp trở về Pleiku ngay. Nếu Trường An có hỏi tại sao, thì anh cứ nói rằng tôi ra lệnh cho anh làm như vậy.
Thiếu tá Phi trợn tròn hai mắt nhìn tôi,
– Ủa! Thiếu tá cho phép tôi về Pleiku ư? Nếu tôi về thì có bị Ðại tá quở phạt không?
Tôi hất hàm đáp gọn,
– Ði đi! Tôi cho anh đi đó! Ðừng sợ!
Sau đó tôi lo phân phối nhiệm vụ bố quân cho số người vừa đạp đất của Ðại đội 2/81 nên quên khuấy chuyện ở hay đi của Thiếu tá Phi. Tới tối thì chú Phước báo cho tôi hay ông Phi đã leo lên chiếc trực thăng đầu tiên của đợt đổ quân thứ nhì. Ông Phi nhờ chú Phước gửi lời cám ơn của ông ấy tới tôi.
Ông Phi ra đi quá vội vàng, bỏ quên cái giường bố Mỹ gọng nhôm trên sân bay. Sau này tôi không biết ông Phi thuyên chuyển đi đơn vị nào, và làm công việc gì.
Khi việc vận chuyển đại đội tăng viện chấm dứt, hợp đoàn trực thăng đã khuất dạng, thì Thiếu úy Việt báo cho tôi biết địch vừa ngưng bắn nơi cổng Bắc.
Tôi chợt nghĩ ra, mặt Tây đang bỏ trống, nếu địch bỏ cổng Bắc, đánh vào cổng Nam thì bãi đáp sẽ bị đặt trong tình trạng nguy ngập, muốn gọi Ðại đội 4/82 ra ứng chiến cũng mất mười phút, chi bằng đem hết 18 anh viễn thám ra chận địch là nhanh nhứt.
Hai toán của Mom Sol và Yang đang đi theo tôi, nên bị chỉ định ưu tiên làm công tác ngăn địch. Năm phút sau 4 toán còn lại đã có mặt trên phi đạo.
Tôi đã biết địch chuyển quân theo hướng Bắc Nam, nên cho lệnh ba khẩu đại liên 30 từ các pháo đài hướng Tây cứ liên tục tác xạ ngăn địch.
Ðại đội 2 của Tiểu Ðoàn 81 vào tới trong vòng rào thì giao tranh mới bắt đầu nơi cuối phi trường, hướng Tây.
Sáu toán viễn thám bắn nhau với địch chỉ chừng mười phút thì địch rút chạy, bỏ lại năm sáu cái xác cán binh trên đường lui.
Ðại đội 2/81 Biệt Ðộng Quân có quân số gần bảy chục người, do Trung úy Nguyễn Văn Song chỉ huy.
Trước khi thuyên chuyển ra Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân rồi sang Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân thì Trung úy Nguyễn Văn Song đã làm việc chung với tôi một thời gian ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2, do đó lệnh tôi truyền ra, chú Song thi hành không khó khăn gì.
Tôi giao cho Ðại đội 2/81 trấn giữ đoạn giao thông hào hướng chính Tây, kéo dài từ sân cờ tới cổng Nam. Căn lều của Trung úy Song chỉ cách lều chỉ huy của tôi chừng mười mét. Vị trí này là cố định không thay đổi suốt thời gian Pleime bị vây hãm.
Khu vực trách nhiệm của Ðại Ðội 2/81 hoàn toàn trống trải, không có các ngõ ngách giao thông hào và dây kẽm gai dích dắc, nên dù mới tới đây, binh sĩ của đại đội này sẽ không sợ bị lạc đường.
Trong lúc Ðại đội 2/81 lo đào công sự phòng thủ thì Binh Nhứt Yang khệ nệ ôm về cho tôi năm chiếc ba lô mới tịch thu được của Việt-Cộng.
Giấy tờ lưu trên tài liệu tịch thu cho ta biết đơn vị đánh nhau với chúng tôi sáng 28 tháng 7 là Tiểu Ðoàn K9 trực thuộc Trung Ðoàn E 64 của Sư Ðoàn 320A.
Năm 1972, khi xâm nhập lãnh thổ Cao Nguyên Vùng 2 của Việt-Nam Cộng-Hòa thì Sư Ðoàn F 320A Cộng-Sản có 3 trung đoàn bộ chiến là E 48, E 52 và E 64.
Trung Ðoàn E 48 có 3 tiểu đoàn đánh số K1, K2, K3; Trung Ðoàn E 52 có 3 tiểu đoàn đánh số K4, K5, K6; Trung Ðoàn 64 có 3 tiểu đoàn đánh số K7, K8, K9.
Sau đó, Trung Ðoàn E 52 đã di chuyển về Bình-Ðịnh, bổ sung cho Sư Ðoàn F3 Sao Vàng của Quân Khu 5. Từ ấy Sư Ðoàn F 320A chỉ còn 2 trung đoàn bộ chiến là E 64 và E 48.
Có lẽ Ban Trận Liệt của Phòng 2 Quân Khu 2 đã đọc sai tin tức khai thác tài liệu do Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân gửi về, nên có sự ngộ nhận, cho rằng Trung Ðoàn E 9 của Cộng-Sản đã hiện diện trong chiến dịch này, nhưng thực ra, đơn vị Việt-Cộng mang tên Trung Ðoàn E 9 trực thuộc Sư Ðoàn F 968 chỉ có mặt ở Tây Nguyên sau Tết Dương Lịch 1975.
Tôi còn tìm thấy trong ba lô của một cán binh tên là Bế Văn Tập có lá thư của bố anh ta tên là Bế Văn Thu gửi đi từ Cao-Bằng. Những người dân tộc Tày mang họ Bế không nhiều. Ở Hội-An, gia đình tôi có quen một người của Tỉnh Ðoàn Bảo An Quảng-Nam là Thượng sĩ Bế Văn Thương cũng quê quán Cao-Bằng.
Sau chiến dịch, tôi có gửi thư về Hội-An báo cho bác Bế Văn Thương biết tên người ghi trên thư gửi đi từ Cao-Bằng để bác xem có phải là bà con không, thì bác Thương cho tôi hay ông Bế Văn Thu là anh ruột của bác.
Như thế thì anh cán binh Việt-Cộng tên Bế Văn Tập tử trận ở Pleime ngày 28 tháng 7 năm 1974 là cháu gọi Thượng sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa tên Bế Văn Thương là chú!
Suốt đêm 28 tháng 7 tôi phải đích thân dẫn theo một toán cận vệ đi tuần tra liên tục qua các pháo đài và tuyến phòng thủ.
Gần sáng, tôi đang ngồi dật dờ nửa thức, nửa ngủ thì nghe “Con chuột” nổ “Ðùng! Ðùng!” hai phát, rồi nghe trong máy, tiếng Trung úy Minh hỏi,
-Cái gì đó?
Có tiếng Thiếu úy Việt trả lời,
-Tui cho “Con chuột” đuổi mấy thằng Vi Xi (Việt-Cộng) đang lần mò vào thu lượm xác đồng bọn.
Tôi có thói quen bật lên câu hỏi, “Cái gì đó?” mỗi khi nghe có tiếng động lạ.
Vì thế, cứ có chuyện khác thường thì nhân viên trực truyền tin lại phát đi câu hỏi này. Lập tức, có người trả lời ngay.
Trời sáng rõ, tôi theo giao thông hào tới Pháo đài Bắc quan sát thì không còn thấy cái xác nào của địch nữa.
Tới trưa 29 tháng 7 có một chiếc trực thăng bay sát mặt đất, ngừng giữa trại, hai người nhảy xuống nóc cái bể chứa nước dự trữ, chiếc trực thăng vội bay đi.
Chiếc phi cơ bay đi rồi, địch mới phát giác, chúng bắn đùng đùng vài tràng 12.7 ly lên trời một hồi để thị uy.
Hai người vừa đạp đất là Ðại tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 và Thiếu úy Mạch Thiệu Hùng, sĩ quan tùy viên của ông.

No comments:

Post a Comment