Như
mọi người đều biết lịch sử Việt Nam có kể rằng khi xưa chúng ta có
người nhái Yết Kiêu nổi tiếng vì đã làm cho quân Tàu thất điên bát đảo
trong các trận trên sông Lô, sông Bạch Ðằng v.v... Suốt trong thời gian
đô hộ của người Pháp, Hải Quân Pháp chưa bao giờ đào tạo người nhái Hải
Quân, vì vạạy ít có ai biết người Nhái là gì và hoạt động của họ ra sao.
Ngay cả thời kỳ đầu tiên Quân Ðội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam họ
cũng chưa chịu cho Việt Nam gởi nhân viên sang Hoa Kỳ thụ huấn về ngành
này.
Tổng
Thống Ngô Ðình Diệm và Tổng Thống Tuởng Giới Thạch nguyên là hai người
bạn chí thân. Nhân dịp thăm viếng Ðài Loan của Tổng Thống Diệm vào đầu
năm 1960, Người Nhái Ðài Loan đã biểu diễn cho Tổng Thống Diệm và phái
đoàn tháp tùng xem những ngón nghề đặc biệt của họ tại bờ biển Cao Sùng.
Sau khi đã chứng kiến cuộc thao diễn. Tổng Thống Diệm đã hết sức thích
thú, ông quay sang hỏi Hải Quân Thiếu tá Lâm Ngươn Tánh, "Hải Quân Việt
Nam đã có cái ni không ?". Ông Tánh trả lời, "Dạ thưa Tổng Thống không
có". Tổng Thống Diệm bèn xoay qua nói với vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Ðài
Loan, "Sau khi về nước thế nào tôi cũng gửi một số người qua Ðài Loan
nhờ các ông huấn luyện dùm về ngành này". Vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Ðài
Loan vui vẻ nhận lời.
Hải
Quân Trung tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc đó
đã nhận được chỉ thị của Tổng Thống Diệm lo tuyển mộ nhân viên đủ sức
khỏe và bơi lội giỏi để gửi đi du học Ðài Loan. Trong một buổi sáng đẹp
trời tôi được lệnh trình diện Trung tá Quyền ngay lập tức. Ông Quyền bảo
tôi, "Anh lội giỏi, tôi sẽ gửi anh qua Ðài Loan học Nguời Nhái". Tôi
nghe được đi Ðài Loan học Người Nhái thì rất ngạc nhiên vì không biết
người nhái là cái gì. Nhưng nghe nói được đi học thì cũng khoái chí nên
nhận lời.
Vào
tháng 7 năm 1960, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa gửi một toán người lên
đường du học Ðài Loan trong đó có 8 người gốc Hải Quân, trong đó có ông
Lâm Nhựt Ninh, 5 người gốc Ðịa Phương Quân và 3 người gốc Lực lượng Ðặc
Biệt 77, tổng cộng là 16 người, gồm 2 Sĩ Quan, 14 Hạ Sĩ Quan và Ðoàn
viên. Sau 5 tháng huấn luyện tại Cao Sùng, Ðài Loan, có 14 người trúng
tuyển và 2 người rớt vì thể lực yếu kém.
Hai
tháng sau khi mãn khóa ở Ðài Loan về, Hải Quân Việt Nam có tổ chức một
cuộc thao diễn ở Vũng Tàu để Tổng Thống Diệm duyệt khán. Báo chí dạo đó
đã loan tin đầy đủ về cuộc biểu diễn của Người Nhái này.
Mặc
dầu Hải Quân Hoa Kỳ chưa chấp thuận huấn luyện Người Nhái cho Hải Quân
Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhưng sau khi họ được biết có một số nhân viên đã
được huấn luyện ở Ðài Loan về thì họ khai thác ngay. Hải Quân Hoa Kỳ đã
gửi nhân viên và dụng cụ Người Nhái từ Hoa Kỳ sang để huấn luyện bổ túc
cho 8 người nhái của Hải Quân Việt Nam và 3 người của Lực lượng Ðặc Biệt
77 trong hai tháng tại Nha Trang. Mục đích của cuộc huấn luyện này là để
học cách đột kích phá hoại các chiến hạm cuả hải quân của Bắc Việt tại
miền Bắc.
Trong
lần đầu tiên bí mật đột kích phá hoại tại Hòn Cọp, Bắc Việt, toán Người
Nhái đã được chia làm 2 tổ, mỗi tổ 2 người. Họ xuất phát từ Ðà Nẳng
bằng ghe Hải Thuyền trong một đêm tối trời vượt sông Bến Hải tiến tới
Hòn Cọp với dụng cụ lặn và mìn từ tính nổ chậm. Tổ thứ nhất của Hải Quân
là anh Lê Văn Kinh và Nguyển Hữu Thảo, tổ thứ nhì thuộc Lực Lượng Ðặc
Biệt 77 với các anh Nguyễn Văn Tâm và Lê Văn Chuyên. Trong khi đặt mìn
vào tàu của Bắc Việt không hiểu lý do nào, mìn nổ quá sớm trong lúc các
Người Nhái đang trên đường lội ra khơi để rút lui. Vì lý do đó mà họ bị
phát giác, anh Lê Văn Kinh bị bắt, còn 3 người kia không chịu đầu hàng
bắn vào quân Bắc Việt và đã bị sát hại ngay tại trận. Sau đó độ một tuần
lễ, trong một buổi phát thanh đã nói rằng, "Một thanh niên vạm vỡ miền
Nam ra trước tòa án nhân dân khai rằng...". Ðó là anh Lê Văn Kinh, tòa
án VC xử khổ sai chung thân và nghe nói anh được phóng thích vào năm
1980 và trở về miền Nam với một chân bị tàn phế vì bị tra tấn bằng điện.
Năm
1961 Người Nhái Hải Quân Việt Nam với sự hợp tác của Người Nhái Hoa Kỳ
đã huấn luyện một khóa Biệt Hải tại Ðà Nẵng với 35 khóa sinh. Năm 1963
Khóa I Người Nhái tại Nha Trang được khai giảng với 41 người đều tốt
nghiệp. Khóa II Người Nhái cũng được tổ chức tại Nha Trang vào năm 1965
với 48 người tốt nghiệp. Khóa III Người Nhái được tổ chức tại Vũng Tàu
với 45 người tốt nghiệp vào năm 1968. Sau đó Khóa IV - V - VI được tổ
chức tại Cam Ranh với tổng số khóa sinh thụ huấn khoảng 150 người cho cả
ba khóa.
Năm
1970 vì sự thiếu hụt trầm trọng của Sĩ Quan Người Nhái cho nên Bộ Tổng
Tham Mưu đã chấp thuận cho Liên Ðội Người Nhái đến Trường Bộ Binh Thủ
Ðức để tuyển mộ. 20 sĩ quan bộ binh đã được tuyển mộ, họ được gửi đến
Trường Anh Ngữ Quân Ðội học tiếng Anh và sau đó được Hải Quân Hoa Kỳ gửi
đi thụ huấn khóa đặc biệt Người Nhái SEAL (Sea, Air and Land). Trong số
20 sĩ quan chỉ có 11 người tốt nghiệp và sau khi về Việt Nam chiến đấu
một thời gian, hơn phân nửa đã tử trận.
Năm
1968 Hoa Kỳ đã chấp thuận cho Hải Quân Việt Nam gửi sĩ quan và nhân
viên đến Mỹ và Phi Luật Tân để thụ huấn về các khóa như trục vớt
(salvage) chuyên vớt các tàu chìm; khóa tháo gỡ chất nổ EOD (explosive
ordinance disposal), chuyên tháo gỡ chất nổ và bảo vệ các chiến hạm đậu
và neo trong các sông rạch và các hải cảng, chống Người Nhái địch đặt
mìn phá hoại; khóa UDT (Under water demolition team) chuyên phá hủy các
chướng ngại vật tại các bờ biển và hải cảng cũng như đặt mìn phá tàu
địch.
Kể
từ ngày có ba đơn vị được thành lập vào năm 1970 thì Liên Ðội Người
Nhái được đổi danh hiệu là Liên Ðoàn Người Nhái. Do đó Liên Ðoàn Người
Nhái có ba đơn vị chính thức và mỗi đơn vị chịu trách nhiệm hoạt động
theo những ngành chuyên môn riêng biệt của họ.
Ðơn
vị Hải Kích SEAL (Sea, Air and Land) chuyền về đột kích bất thần vào
các sào huyệt của địch, đơn vị này đã tạo được rất nhiều chiến công oanh
liệt. Họ đã tấn công chớp nhoáng vào các mật khu của địch, nhất là
trong lúc có buổi hợp mặt của các cán bộ cao cấp của địch, Họ đã đánh và
giải thoát các tù binh. Họ đã ngụy trang với quần áo bà ba đen và trang
bị súng AK 47, đội nón cối, đi dép Bình Trị Thiên giống hệt như quân
Việt Cộng để hoạt động trong lòng đất địch. Nhiều khi họ đã len lỏi vào
hàng ngũ địch, ngồi ăn cơm với chúng mà chúng không biết. Ðã nhiều lần
họ đột kích bí mật vào lãnh thổ miền Bắc bằng xuồng cao su và bơi từ
ngoài khơi vào bờ. Trong thời gian cuộc chiến Việt Nam kéo dài đơn vị
này đã làm cho Việt Cộng ăn không ngon, ngủ không yên, vì không còn biết
đâu là nơi an toàn.
Miền
Nam nước Việt có nhiều sông rạch vì vậy Việt Cộng lúc nào cũng tìm cách
làm tắc nghẹn các thủy lộ của chúng ta bằng cách đánh chìm tàu bè của
chúng ta để cản trở sự lưu thông bằng đường thủy. Vì vậy mỗi lần có tàu
chìm ở đâu là Ðơn vị Trục Vớt được cấp thời phái tới để giải tỏa lưu
thông. Ðơn vị này đòi hỏi người chỉ huy phải giỏi tính toán, biết nhiều
vê kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm.
Vào
năm 1968 cho tới khi chấm dứt chiến tranh Việt Cộng tăng cường phá hoại
bằng cách thả Người Nhái đột kích phá hoại các tàu bè của ta và Ðồng
Minh neo và đậu tại các bến, và trong các sông ngòi.
Ðơn vị Tháo Gỡ Chất
Nổ (EOD) đã hoạt động chống Người Nhái địch một cách rất hữu hiệu. Họ
đã bắt sống và tiêu diệt nhiều Người Nhái địch và tháo gỡ nhiều trái mìn
nổ chậm do Người Nhái Việt Cộng đặt vào tàu bè của ta.
Tóm
lại để trở thành một Người Nhái? Phải có đầy đủ sức khỏe, phải lội ít
nhất là 2 hải lý, và có đủ sức khỏe để chịu đựng bền bỉ suốt 18 tuần lễ
huấn luyện cơ thể và tinh thần.
Những
môn huấn luyện chánh thức gồm có: bơi lội, thể dục, chạy bộ, cận chiến,
mưu sinh, nhảy dù, chất nổ, thám sát bờ biển, phá hủy chướng ngại vật,
đột kích, chèo thuyền cao su, lặn sâu 130 bộ Anh. Trong 18 tuần lễ huấn
luyện này đặc biệt có một tuần lễ được mệnh danh là tuần lễ "địa ngục"
(hell week). Tuần lễ này là tuần lễ thứ ba và bắt đầu từ 8 giờ sáng thứ
hai và chấm dứt vào 4 giờ chiếu thứ sáu. Nói vế tuần lễ này thì đọc giả
phải cố gắng hình dung ra đời sống ở địa ngục so với đời sống ở trần
gian. Suốt cả tuần lễ khóa sinh được ăn nhưng không được ngủ. Suốt này
bị bắt buộc chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền v.v... Huấn luyện viên quấy
rầy và hành hạ thân thể khóa sinh tới mức tối đa và không ngưng giây
phút nào. Suốt cả tuần lễ mặc dầu được cho ăn nhưng không ai ăn uống gì
được cả vì quá mệt mỏi. Mỗi bữa ăn chỉ giỏi lắm là ăn được hai miếng là
cùng. Phần nhiều khóa sinh chỉ lấy một múi cam hay chanh để bỏ vào miệng
ngậm cho đở đói khát rồi mau mau rời bàn ăn để đi tìm chỗ ngả lưng một
tí. Nhưng khi vừa nằm xuống chưa đầy một phút là nghe tiếng còi ré lên
và phải chạy ngay đến chỗ tập họp. Tất cả phải vội vã đến cho nhanh
chóng vì mỗi lần trễ là phải bị phạt ít lắm là 50 cái "hít đất". Tôi còn
nhớ trước tuần lễ Ðịa Ngục một ngày, ông xếp nhà bếp có đi hỏi từng
người một là muốn ăn món gì để họ nấu. Người thì đòi ăn tôm hùm, người
thì đòi ăn "beef steak" v.v..., toàn là những món cao lương mỹ vị, nhưng
khi tới bữa ăn thì chỉ có nước ngồi mà ngó những món ăn ngon lành đã
dọn sẵn nhưng chẳng ai thèm đụng tới. Nội trong tuần lễ này có độ 50 đến
60 phần trăm khoá sinh bị loại, vì không chịu đựng nổi sự hành hạ thể
xác cũng như tinh thần.
Tôi
còn nhớ một tác động mạnh về tâm lý mà các huấn luyện viên đã dạy cho
khóa sinh như sau: Một hôm nọ, tất cả khóa sinh được dẫn cả ra bờ biển,
cho chạy trên cát nóng độ gần 3 tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên là cả bọn mệt
lả. Sau đó họ dẫn tất cả về trường và tập họp lại. Ông Ðại úy Chỉ huy
trưởng hỏi mọi người: "có ai mệt không?" Tất cả đều im lặng, ngoại trừ
một khóa sinh dơ tay lên nói: "Tôi mệt!". Ngay khi đó vị Ðại úy ra lệnh
giải tán tất cả vào trong nghỉ, và dẫn một mình anh khóa sinh dơ tay ra
bãi biển và bắt chạy tiếp 2 giờ nữa cho đến khi anh ta chạy không nổi
nữa mới cho về trường. Sau khi tập hợp cả lớp lại ông Ðại úy đã giảng
một bài học về tâm lý như sau: "Tôi dư biết tất cả các anh mệt, sức con
người có hạn. Nhưng có một điều quan trọng mà các anh phải luôn luôn nhớ
là dù có mệt mỏi về thể xác đến đâu đi nữa thì tinh thần của chúng ta
không được mệt mỏi, như vậạy đừng bao giờ nói đến mệt cả. Khi nào đuối
sức hoặc bị thất bại ê chề đừng gục đầu xuống, hãy cố gắng ngửng đầu lên
và nở nụ cười". Kể từ ngày đó và suốt đời tôi không bao giờ quên câu
chuyện này. Nếu có ai hỏi tôi "Anh có mệt không?" lúc nào tôi cũng nói
là không.
Về
số thương vong và tổn thất vì bị thương của Liên Ðoàn Người Nhái lúc
nào cũng cao so với khóa sinh tốt nghiệp. Do đó không thể đầy đủ khóa
sinh để cung ứng cho sự thiếu hụt tại các đơn vị. Việc đào tạo Người
Nhái lại càng ngày càng khó khăn vì nguy hiểm và đòi hỏi quá nhiều yếu
tố. Vì thế trong các khóa huấn luyện sau này số người tình nguyện tham
gia rất hiếm.
Sau
khi chấm dứt chiến cuộc chỉ còn độ 40 phần trăm Người Nhái sống sót.
Trong số này một phần ba được di tản qua Hoa Kỳ. Số còn lại hiện đang
được Việt Cộng khai thác bằng cách bắt họ làm huấn luyện viên cho các
khóa Người Nhái đang được tổ chức tại Việt Nam.
Lê Quán
No comments:
Post a Comment