Wednesday, October 21, 2020

Hậu duệ người lính VNCH :Lương Xuân Việt .THĂM CAMP ZAMA, TỔNG HÀNH DINH LỤC QUÂN HOA KỲ THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ CHỈ HUY TRƯỞNG THIẾU TƯỚNG LƯƠNG XUÂN VIỆT

Triều Giang
Thăm TT. Lương Xuân Việt và gia đình
Mặc dù người viết có phần giới thiệu khá chi tiết về lịch sử thành lập camp Zama cũng như bối cảnh hiện tại của Zama, nhưng trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn gói ghém về cuộc thăm viếng của chúng tôi với TT. Việt và phu nhân để nói về đời sống và một chút tâm tình của họ khi họ mới rời Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Tám tại Camp Humphreys, nước Đại Hàn đến nhận nhiệm sở mới tại đây cách đây đúng 2 năm.
Chúng tôi đáp máy bay từ Đài bắc đến phi trường Tokyo vào quá trưa, người đón chúng tôi là ông Nguyễn Đức Kiên, một doanh nhân và cũng là nhà hoạt động từng là sinh viên thời VNCH đi du học và được lưu lại tại đây sau khi miền Nam thất thủ. Cùng đi với ông có người bạn trẻ du sinh từ Việt Nam.
Camp Zama cách phi trường Tokyo khoảng 40km về hướng Tây Nam, nằm trong tỉnh Zama giữa sông Sagami và dưới chân rặng núi Tanzawa Mountain Range. Thường thì chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vì nạn kẹt xe vào giờ cao điểm nên mãi tới gần 5 giờ chiều chúng tôi mới tới cổng sau của doanh trại. Chúng tôi liên lạc với đội lính gác cổng, họ chỉ đường cho chúng tôi đi vòng ra cổng chính. Loay hoay cũng mất thêm nửa giờ đồng hồ nữa. Khi chúng tôi vào bên trong phòng trình giấy tờ thì không gặp khó khăn vì tên tuổi, số xe, đời xe của chúng tôi đã được khai báo chí tiết khoảng 2 tuần trước khi tới. Vừa lúc TT. Lương Xuân Việt trên đường đi làm về ghé lại, đón chúng tôi tại cổng và hướng dẫn xe của chúng tôi bằng chiếc xe Utility.
thiếu tướng Lương Xuân Việt là con út (con trai duy nhất) của thiếu tá Thủy quân Lục Chiến VNCH Lương xuân Đương
Từ cổng chính vào tới ngôi biệt thự của TT. Việt khoảng một cây số. Nơi đây bao gồm những văn phòng làm việc của trên 2,000 binh sĩ trực thuộc 4 đơn vị khác nhau nhưng đều được đặt dưới quyền chỉ huy của TT. Lương Xuân Việt. Đó là: Lục Quân Hoa Kỳ tại Nhật (United States Army, Japan), Tiểu đoàn hàng không lục quân Nhật Bản, (U.S. Army Aviation Battalion Japan), Lữ đoàn 500 tình báo quân sự Hoa Kỳ, (500th Military Intelligence Brigade (United States), Quân đoàn công binh Hoa Kỳ (United States Army Corps of Engineers), Lực lượng phòng vệ Lục Quân Nhật Bản (Japan Ground Self-Defense Force).
Liền với doanh trại, là hai khu gia binh rộng lớn bao gồm một trường Tiểu học, Trung học cấp II và cấp III, sân vận động, khu shopping, PX bán nhu yếu phẩm cho binh sĩ và gia đình, những khu triển lãm những di tích về doanh trại đã gần 80 tuổi, khu sinh hoạt của các tổ chức, hội đoàn tôn giáo, thể thao cũng như dân sự. Nơi đây như một xã hội thu nhỏ dành cho trên 4,000 người gồm binh sĩ, những công chức Hoa Kỳ và gia đình của họ có thể sống và sinh hoạt một cách độc lập với bên ngoài nếu cần.
Hai bên đường vào trại, sau những hàng rào cây cao xanh rì là những bờ cỏ xanh mướt màu lá mạ, được tô điểm bởi những cây kiểng cắt sắc sảo theo hình tròn lớn nhỏ trông rất đẹp mắt và tạo ra một khung cảnh tươi mát cho doanh trại. Chúng tôi đi ngang những dãy nhà làm văn phòng, rồi những khu triển lãm những chiếc máy bay và những chiến cụ, sân vận động và căn biệt thự mái ngói xanh lục với tường trắng xinh xắn, nổi bật ở cuối trại. Trước biệt thự có cổng Torii mini màu đỏ xinh xắn đề tên Gen. Luong bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, và đó là nơi cư ngụ của TT. Việt và gia đình từ tháng 8, 2018 cho đến nay.
TT. Việt xuống xe mời chúng tôi vào nhà và dẫn chúng tôi đến phòng khách rộng mênh mông theo suốt chiều dài phía sau của căn biệt thự với hàng cửa kính nhìn thông ra mảnh vườn rộng. Phía trái của vườn là hồ cá kiểng với chiếc cầu nhỏ cũng được sơn màu đỏ nổi bật trên nền cây xanh cuối vườn, Từ cuối vườn bạn có thể phóng tầm mắt xa xa tận cuối chân trời là dãy núi Tanzawa xanh thẩm. Phía phải của khu vườn là những cây cổ thụ cao và rậm lá. Dưới chân cổ thụ được trang hoàng bằng những cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng bao quanh. Ngồi trong phòng khách được trang hoàng với những bình hoa lan tím thơ mộng, nhìn ra phía sau nhà là một khung cảnh tươi mát, hùng vĩ đem lại cảm giác thoải mái như trút hết âu lo của một ngày dài làm việc.
TT. Lương Xuân Việt tiếp chúng tôi trong phòng khách có khung cảnh mượt mà này. Đã khoảng 3 năm chúng tôi không gặp nhau, lần trước đó, ông đã đến tham dự và là một trong những Diễn giả cho buổi trình chiếu phim VIETNAMERICA mà ông là một trong những nhân vật chính của phim, tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông Hoa Kỳ Newseum tại Hoa Thịnh Đốn. Phim VIETNAMERICA nói về chiến tranh Việt Nam và cuộc trốn chạy khỏi Việt Nam của trên 2 triệu người dân sau khi CS chiếm hoàn toàn VN vào ngày 30/4/1975 do hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) sản xuất năm 2015. Phim được chọn vào 15 Đại hội Điện ảnh và thắng 5 giải quốc gia và Quốc tế.
Kỷ niệm khó quên tại Nam Hàn
Mới có 3 năm nhưng TT. Việt trông khác nhiều, dù ông vẫn còn nét rắn rỏi, nhanh nhẹn của một võ tướng, nhưng nét trung niên đã khá rõ, với gương mặt ưu tư và nghiêm nghị. Mặc dù khi nói chuyện ông vẫn giữ được tính vui vẻ, chân thành, linh hoạt và có đôi khi dí dỏm, tiếu lâm. Những nét rắn rỏi và thân hình thon gọn chính là nhờ những buổi luyện tập thường xuyên với binh sĩ. Là Chỉ Huy trưởng của căn cứ với những đơn vị danh tiếng bao gồm cả Hải Lục, Không quân, nhưng vị Tướng hai sao gốc Việt vẫn dẫn đầu những cuộc chạy bộ của quân sĩ chung quanh Camp Zama, không khác gì thời ông còn là Đại tá Chỉ Huy trưởng Lữ Đoàn Nhảy dù của Sư đoàn Lục Quân 101 Hoa Kỳ, sư đoàn danh tiếng từng tham chiến tại Việt Nam, tại Kentucky mà tôi đã có dịp thăm ông và gia đình ông vào tháng 5, 2012 trong dịp ông và 7,000 binh sĩ của ông trở về từ A Phú Hãn. Đó là lý do khiến sĩ quan cũng như binh lính phục vụ dưới quyền ông luôn kính nể vị chỉ huy của họ.
Chúng tôi kể cho nhau nghe những sinh hoạt của hai bên từ lần gặp trước Ông kể về thời gian ông làm chỉ huy phó chỉ huy của Camp Humphreys tại Nam Hàn. Căn cứ này là căn cứ lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ tại hải ngoại với khoảng trên 28,000 binh sĩ đóng quân tại đây nên sinh hoạt rất tấp nập với trên 20 đơn vị trong nhiều ngành. Ông cho biết sự giao hảo với quân đội Nam Hàn rất tốt đẹp vì hoàn cảnh lịch sử của Nam hàn cũng tương tự như Việt Nam, đất nước bị chia đôi vì nạn Cộng sản nên sự thông cảm gần gũi cũng rất tự nhiên.
Tại nơi đây, chuẩn tướng Lương Xuân Việt được vinh thăng Thiếu tướng vào tháng 2, 2018, một buổi lễ vinh danh long trọng đã được tổ chức tại Camp Humphreys để đánh dấu bước tiến quan trọng mà ông trước đó với bản tính khiêm nhường, không nghĩ rằng trong binh nghiệp của ông có thể có được. Cũng trong thời gian này, TT. Việt kể lại rằng: Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã rất gần với chiến tranh vì những đe dọa quyết liệt của chủ tịch Bắc Hàn Kim Young Un. Đơn vị của ông và quân đội Nam Hàn luôn bị đặt trong tình huống khẩn cấp nhất để có thể chuyển tới chiến trường bất kỳ lúc nào.
Chuyến viếng thăm cố hương Việt Nam
Vừa lúc phu nhân của TT. Việt, bà Kimberly Lương, ra gặp chúng tôi, bà xin lỗi vì bận giải quyết một vài công việc trước khi ra tiếp khách. Cả hai người kể cho chúng tôi nghe về chuyến viếng thăm Việt Nam của ông bà trong thời gian họ còn ở Nam Hàn để hội họp với các tướng lãnh Việt Nam hòng chuẩn bị trước cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông kể:
“Chúng tôi chưa bao giờ trở lại Việt Nam từ năm 1975, nghe nói rất nhiều về Hà Nội nên cũng rất háo hức muốn được thăm phần đất quê hương này. Chúng tôi muốn đi thăm như một người thường để có cảm nhận của người du lịch chứ không phải là quan chức, nhưng họ vẫn sắp xếp người đi giữ gìn an ninh cho chúng tôi. Hà Nội có nhiều nhà cửa phố xá mới xây bên cạnh những căn nhà cũ kỹ nên cảnh phát triển không đồng đều. Người rất đông và ồn ào không mấy trật tự nên cái cảm giác bất an như bủa vây chúng tôi”.
Bà Kimberly chia sẻ:
“Khách sạn chúng tôi ở tương đối tốt. Những tiếp viên ở đây khá lịch sự và thân thiện. Điều khiến tôi cảm thấy không thoải mái mỗi khi ra đường là có những người dân tò mò ra xem chúng tôi, họ vẫy tay chào vui vẻ, hoặc khi chúng tôi đi vào những khu bình dân chật hẹp, thì những người lính bảo vệ an ninh cho chúng tôi cầm baton xua đuổi và còn đánh người nữa.
Chúng tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này. Nay về đến quê hương mình cảm thấy nó không thoải mái chút nào! Cảnh tượng làm cho tôi liên tưởng đến cảnh mấy ông Tây thời Pháp thuộc đi đến đâu là có lính hầu đến đó và họ dẹp đường bằng cách đánh ngưới dân như trong sách vở mà tôi đã được đọc. Cái khó chịu đến muốn nổi gai ốc là mình bây giờ chính là hình ảnh của những quan chức Pháp thuộc đó”. Bà Kimberly kể tiếp:
“Khi vào tới miền Nam thì không khí có vẻ thoải mái hơn vì người miền Nam thân thiện hơn. Nhưng nói chung chuyến về thăm quê hương sau bao năm xa cách không để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.”.
Có một điều tế nhị tôi muốn hỏi nhưng lại thôi, đó là cảm tưởng của TT. Việt ra sao khi ngồi họp đối mặt với các Tướng CS Việt Nam để bàn về chuyện quân sự phòng thủ tại biển Đông trước sự xâm lăng hung hãn của TC? Tôi nghĩ mình sẽ hỏi ông trong một dịp khác thích hợp hơn.
Với chiếc áo đầm màu đỏ, trông bà Kimberly tươi trẻ, thư thái hơn lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại doanh trại của Sư đoàn 101 Hoa Kỳ tại trại Fort Campbell, tiểu bang Kentucky. Khi ấy, đời sống của bà và 3 người con, hai trai một gái đang ở tuổi “teen” là những ngày tháng dài của chinh phụ đợi chờ người chồng, người cha còn ở ngoài mặt trận A Phú Hãn. Khi ấy bà Kimberly ngoài việc lo toan việc nhà, kể cả những việc không dễ cho phụ nữ như thay bóng đèn điện, thay lốp xe, cho đến việc bếp núc hay chăm sóc các con, bà còn phải ủy lạo thăm viếng, an ủi những người vợ và gia đình của các chiến binh dưới quyền của chồng, đặc biệt là trong dịp chồng của họ bị thương, bị mất tích hay chẳng may tử trận. Bà đã tâm sự:
” Mình buồn và sợ phải đối đầu với những người vợ, người con đang phải lo lắng hay khổ đau vì sự mất mát người thân, trong khi chính bản thân mình lòng cũng đang tan nát vì lo sợ cho người chồng của mình không biết có an toàn hay không?”.
Nhưng bà đã không để một người vợ nào phải buồn và cảm thấy bơ vơ vì không được nâng đỡ. Những lo lắng đó đã nhẹ bớt rất nhiều vì mặc dù Camp Zama đang trong những ngày căng thẳng nhưng chiến tranh còn ở mức độ chuẩn bị. Hiện bà có những công tác xã hội như thăm viếng trường học hoặc tham dự những ngày lễ hội cùng với những phu nhân các vị tướng người Nhật hay các phái đoàn ngoại giao của những nước khác. Bà chia sẻ:
” Các bà tướng của Nhật phần đông họ lớn tuổi hơn mình nên họ cũng rất thân thiện và cởi mở. Những dịp lễ lớn thì các bà diện Kimono. Còn mình thì có dịp diện áo dài, vui lắm”.
Về áp lực con cái cũng giảm nhiều cho bà; Lương Thị Thu Diễm Ashley, cô con gái đầu lòng đã hoàn tất trường Luật và đang ôn bài để thi lấy bằng luật sư (Bar Exam), Lương Xuân Huy Brandon, con trai lớn đang theo học năm cuối của Đại học, và Lương Xuân Quốc Justin, con trai út cũng vừa vào Đại học. Cả 3 đều có mong ước được phục vụ trong quân đội để nối nghiệp cha.
Riêng về việc sinh hoạt hàng ngày tại Zama, ít người biết là những phúc lợi của một vị Thiếu Tướng của Hoa Kỳ cũng gia tăng so với cấp Đại tá. Những công việc trong nhà như dọn dẹp lau chùi, cắt cỏ có người đến làm mỗi tuần một số giờ, còn lại vẫn là do một tay bà Kimberly quán xuyến, và nếu không phải đi công tác xa thì TT. Việt vẫn chia sẻ với vợ. Tuy nhiên, vì nhu cầu ngoại giao, phải đón tiếp nhiều phái đoàn, TT. Việt được cung cấp môt đầu bếp chuyên nghiệp. Ông chia sẻ:
” Mình thì thích thức ăn Việt Nam nhưng danh sách những đầu bếp chuyên nghiệp gửi đến không có người Việt Nam. Thường thì Tướng trong quân đội Hoa Kỳ là người phương Tây, nên những đầu bếp thường là gốc Âu Mỹ. Trường hợp của tôi là cá biệt. Trong danh sách có một Chef người Á châu gốc Nam Dương nên có người nhiệt tình giới thiệu với hy vọng anh ta có thể nấu những món Á châu. Nhưng thật là “tổ trác”- TT. Việt nói đùa-:
“Anh ta là người Á Châu nhưng không nấu được món Á vì anh tốt nghiệp từ trường Cordon Blue là trường dạy nấu ăn các món Âu Tây nổi tiếng. Anh ta nấu các món Tây thật tuyệt, ngang hàng hay còn hơn các tiệm ăn Tây nổi tiếng. Ngon thì ngon thật nhưng nếu ăn tới ngày thứ hai là ngán chết luôn. Vì thế bà xã tôi phải huấn luyện cho anh ta nấu một số món Việt Nam.”
Bà Kimberly tiếp lời: “Anh ta cũng bắt đầu nấu được phở, tuy chưa ngon lắm nhưng cũng tạm được. Bây giờ mình đang tính dạy anh ta món bún bò Huế vì món này là một trong những món tủ của anh Việt. Nhưng phải đi tìm xem các món gia vị có bán tại Nhật không?”
Ông Kiên mau mắn cho biết sẽ tìm những gia vị nấu bún bò Huế rồi giới thiệu với bà Kimberly. Với kinh nghiệm sống nửa thế kỷ tại Nhật chắc chắn ông Kiên biết rõ ngọn ngành về thực phẩm cũng như nhiều thứ khác tại Nhật.
TT. Việt sau đó dẫn chúng tôi sang thăm văn phòng làm việc của ông. Văn phòng thật rộng rãi nằm trong tầng 2 của 7 tòa nhà hai tầng được sắp đan vào nhau theo hình chữ nhật. Trước tòa nhà có cột cờ lớn treo cờ Hoa Kỳ và cờ của USARJ. Bước lên nhiều bậc tam cấp để đi vào Đại sảnh, giữa đại sảnh trưng bày 4 lá cờ, cờ Mỹ, và cờ của USARJ hai bên, hai lá cờ giữa là cờ của hai đơn vị trực thuộc trong trại, Lên lầu, rẽ sang tay phải trước khi vào văn phòng của Chỉ huy trưởng, trên tường trưng bày hình ảnh của 37 vị Tướng từng là chỉ huy trưởng Zama cho đến nay; đầu tiên là hình của danh Tướng McArthur, và cuối cùng là TT. Chỉ huy trưởng đương nhiệm Lương Xuân Việt. Ngay giữa tường là hình của Tổng Tư lệnh tối cao của quân đội Hoa Kỳ;TT. Donald Trump, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng và các vị tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ.Trên tường còn trưng bày những hình ảnh quan trọng của doanh trại từ khi thành lập cho đến nay.
Phòng làm việc của vị Chỉ Huy trưởng rộng rãi nhưng trang hoàng giản dị và trang nhã. Trên bàn hình chữ L có bảng tên, một bản đồ lớn đặt dưới lớp kính, một khay đựng văn thư cần xét duyệt. Phía cánh trái là hai màn hình lớn của 2 computers, phía trên là một bức tranh. sau bức tranh còn trưng bày một cây kiếm và có một cái giá treo chiếc mũ cao bồi đen có giải màu vàng của Thiếu tướng chỉ huy trưởng. Trên bàn còn có một cuốn sách TT. Việt đang đọc dở dang. Trau dồi thể lực và trí lực là điều quan trọng ngang nhau của TT. Việt. Ông đọc rất nhiều về binh pháp. Phía trước bàn làm việc có một chiếc tủ kính trưng bày những tặng phẩm đẹp mắt và ngộ nghĩnh của văn hóa Nhật.
Đây là nơi vị chỉ huy trưởng Zama, ký những văn bản gửi đến cho những đơn vị trực thuộc tại Zama, đến các đơn vị liên hệ trong nước Mỹ, các cơ quan tại Nhật, và cơ quan liên hệ tại các quốc gia đồng minh trong vùng Thái Bình Dương, Ấn độ Dương và khắp nơi trên thế giới. Cũng tại văn phòng này bao quyết định liên quan đến sự thay đổi nhân sự, những công tác phòng thủ tại những căn cứ Lục quân trực thuộc tại Nhật, tại vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. TT. Việt cho biết ông cũng thường đi thị sát 2 vùng biển này bằng trực thăng hoặc phi cơ quân đội. Ông cũng phải liên tiếp đi những chuyến đi xa như trở về Mỹ để hôi họp. Những chuyến đi dài cả hàng chục giờ nhiều lần trong một tháng cũng tiêu hao sức khỏe dù là một võ tướng.
Sau khi thăm văn phòng, TT.Việt và bà Kimberly mời chúng tôi đi ăn tối tại một tiệm ăn ngoài doanh trại. Phố xá của thành phố Zama bắt đầu lên đèn. Cảnh sinh hoạt sầm uất. Với mật độ dân số trên 7,000 người trên một cây số vuông nên các chung cư san sát nhau. Tuy vậy đường phố rất sạch và người Nhật không sống ồn ào. Với không khí mát mẻ của đầu mùa thu dễ chịu khiến cho du khách có cái cảm giác thoải mái và bình an. Bà Kimberly có vẻ quen thuộc với nhà hàng, bà giới thiệu thực đơn cho chúng tôi và cuối cùng chúng tôi kêu món mực chiên làm khai vị để ăn chung và mỗi người kêu một tô mì Udon. Bữa ăn giản dị nhưng ngon miệng. Thực phẩm của người Nhật luôn cho người thưởng thức sự an tâm vì sạch sẽ và được chế biến cẩn thận.
Sau bữa ăn chúng tôi chia tay nhau và hẹn ngày gặp lại. Bà Kimberly nhắn nhủ, “nếu đến được trong mùa hoa anh đào thì đẹp lắm!”.
 
Chuyện thần thoại của thế kỷ 21
Xe TT. Việt đi trước để dẫn lối ra, chúng tôi vẫy tay chào nhau tại khúc quanh vào xa lộ. Nhìn từ xe của chúng tôi về chiếc xe của vị Tướng hai sao gốc Việt đang khuất dần khỏi tầm mắt, một niềm cảm phục, hãnh diện, và quý mến ngập tràn trong lòng tôi. Mỗi khi tôi có dịp gặp gỡ hay viết về họ. tôi luôn cảm thấy như mình đang gặp hay viết về những nhân vật trong một chuyện thần thoại. Theo cha mẹ và sáu chị em di tản khi Sài gòn thất thủ, ông là con trai duy nhất trong gia đình, khi mới được 9 tuổi, ông đã phải đối diện với biết bao khó khăn. Cha ông dù là một sĩ quan Quân lực VNCH trước 1975 tại VN, nhưng sang đến Mỹ thì tất cả chỉ là quá khứ. Ba mẹ ông phải đi làm những công việc nặng nhọc và dài giờ để nuôi một gia dình 9 miệng ăn, có chị lớn phải đi làm thêm để phụ gia đình nhưng mọi người còn trong tuổi đi học. Không có nhiều giờ cho con cái nhưng TT.Việt chia sẻ:
"Những lời dạy bảo của ba tôi về đạo làm người, về tình yêu mến quê hương VN, yêu gia đình thấm sâu vào lòng tôi”.
Nên dù lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn trong khu ngoại ô nghèo tại thành phố có cái tên là “Thành phố của những Thiên thần”, Los Angeles. Vâng thiên thần thì có nhiều nhưng quỷ giữ cũng không ít. Những năm tháng tại tiểu và trung học được ông kể lại:
“Những năm đó tôi không học nhiều, phần lớn thời gian tôi dành để tự vệ trước những bắt nạt của một số bạn trong trường. may mà tôi đã được học võ Vovinam khi còn ở VN nên tôi đã vượt qua”
Nhờ vào thông minh, ông vẫn tốt nghiệp với điểm cao để vào được Đại học USC (University of Southern California). Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông vào quân đội và chọn binh chủng nhảy dù. Quyết định này cũng do ảnh hưởng của cha ông vì cha ông luôn khuyên rằng binh nghiệp sẽ là môi trường tốt nhất để phục vụ, và ông muốn phục, quê hương thứ hai đã đón nhận ông và gia đình ông vào khúc quanh ngặt nghèo của cuộc đời. Ông bùi ngùi nhớ lại:
“Ba tôi thường rất buồn và tự trách rằng ông đã bỏ quê hương để ra đi mà không ở lại cầm súng chiến đấu cùng đồng đội, dù ông biết rằng nếu ở lại với chức vụ Thiếu tá, ông sẽ phải ngồi tù nhiều năm, và như thế thì cả việc nhà, lẫn việc nước đều không thể chu toàn. Tôi tiếc rằng ba tôi không còn để ông được nhìn thấy thành quả của những hy sinh của ông. Lần cuối ông tham dự lễ thăng chức của tôi là lúc tôi được lên Đại Úy, ông đã khóc vì vui mừng.”
Có hai điều khiến vị võ tướng này mỗi khi nói tới ông thường xúc động và khóc; đó là cha mẹ ông và người vợ yêu quý của ông. Những người mà ông luôn nói rằng nếu không có họ, ông không có ngày hôm nay. Ông lập gia đình với bà Kimberly tại thành phố Denver khi ông còn ở cấp bậc Đại úy. Và từ ngày ấy bà Kimberly đã hết lòng hỗ trợ cho chồng, cho gia đình và con cái để ông chuyên tâm vào việc phục vụ đất nước, họ không rời nhau một bước như đôi chim liền cánh. Sự tận tâm tận lực này của bà luôn được người chồng đáp lại với yêu thương và trân trọng.
Tiếng trống Mê Linh trên biển Thái Bình Dương
Cuộc đời binh nghiệp của TT. Việt gắn liền với những chiến trường nóng bỏng nhất từ Kosevo, Iraq, A Phú Hãn, Đại Hàn, rồi hôm nay là Nhật Bản, vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang sôi sục. Ông lên chức nhanh nhờ vào tài cầm quân, mưu trí và một nhân cách cao quý khiến cho cấp trên tin tưởng và cấp dưới yêu mến, nể phục. Có những lúc ông được đặc cách vinh thăng nhanh đến độ chưa kịp tham dự những khóa học cho chức vụ mới như từ cấp Trung tá lên Đại tá hoặc từ Chuẩn tướng lên Thiếu tướng. Châm ngôn cầm quân của ông là “thắng nhanh nhất và ít tiêu hao nhân mạng nhất mới là chiến thắng trọn vẹn”. Tôi có hỏi ông bí quyết cầm quân của ông là gì? Ông nghiêm nghị trả lời:
“Nghiên cứu kỹ càng trân địa, lực lượng địch quân trước khi ra quân, khi ra quân thì phải đánh nhanh, bất ngờ và phải nắm chắc phần thắng”.
TT.Việt tỏ ra rất khâm phục và quý mến danh Tướng McArthur. Tuy là “quân xâm lăng” nhưng sau 6 năm đóng quân tại Nhật, những đóng góp của Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng McArthur đã chuyển đổi nước Nhật từ một đất nước tan nát vì chiến tranh và một chế độ quân chủ chuyên chế kềm kẹp người dân đã trở thành một nước dân chủ lập hiến với tự do cho người dân phát triển, tiến bộ mọi mặt và trở thành con rồng Châu Á đầu tiên sau Thế chiến Thứ hai.khiến khắp bốn bể, năm châu phải nể phục. Ngày ông về nước, hàng nhiều chục ngàn người Nhật đã chạy ra phi trường tiễn đưa ông bằng nước mắt và hô vang: “Hoa Kỳ muôn năm! McArthur muôn Năm!”. TT. Việt chia sẻ:
“Tôi rất thích câu nói của Tướng McArthur:” Đã nói đến chiến tranh thì chỉ có thắng”.
Những chuyến khảo sát mặt trân Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thường xuyên và cẩn trọng bằng trực thăng và nhiều phương tiện khác, với sự học hỏi liên tục không ngừng nghỉ, với kinh nghiệm chiến trận hơn 30 năm và sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đồng minh và phương châm đánh trận của vị Tướng Gốc Việt, mặt trận Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ đã và đang có những người cai quản cần mẫn nhất, nhiệt thành nhất và kinh nghiệm có thừa
Một chi tiết khá thú vị cho sự thành công ngoài mặt trận của ông mà TT. Việt từng chia sẻ, đó là khi ra trận ông luôn nghe như có tiếng trống thúc quân Mê Linh của Hai Bà Trưng, tiếng trống thúc giục lòng yêu nước của quân sĩ chiến đấu để bảo vệ bờ cõi. Vì thế, ai cũng nghĩ rằng măc dù hung hăng diệu võ dương oai, nhưng TC biết rằng khó có thể đối đầu với Hoa Kỳ và quân đội Đồng minh ít nhất là trong lúc này. Nhưng đó cũng chỉ là suy đoán, cái cảnh nghênh chiến hàng ngày tại hai vùng vịnh này của TC cũng có thể có xung đột xảy ra dù không cố ý, và nếu chuyện đó xảy ra thì mặt trận Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ có tiếng trống thúc quân Mê Linh rền vang. Và biết đâu cuộc chiến tranh một mất một còn với TC, khi chúng bị đánh tan thì sẽ đem đến một giải pháp tốt đẹp cho Việt Nam?
Hình dưới hàng ngày sáng sớm Tướng Việt cầm cờ chay tập thể dục
hình cạnh cuối Gia đình tướng Lương xuân Việt
hình cuối vợ và con gắn lon thiếu tướng cho ông Việt
hình đầu Tướng Việt trong văn phòng
h2 và h3 Tướng Việt và Tướng Nhật, duyệt hàng quân danh dự.
 
 




No comments:

Post a Comment