Tôi vẫn thích ngắm những ngọn núi cao hùng vĩ gần biên giới hay lặn lội trong rừng rậm âm u để lắng nghe không gian yên tĩnh quanh mình, chỉ có tiếng suối reo, tiếng lá khô xào xạc dưới mỗi bước chân… Dù biết rằng có nhiều bất trắc nguy hiểm trong thời chiến, nhất là những vùng địa đầu giới tuyến như thế nầy, nhưng tôi vẫn không bao giờ từ chối các cuộc hành quân đi ngang qua đây.
Đơn vị hành quân thường đóng trên những ngọn đồi cao, tôi kéo mấy nhánh cây ghép lại thành cái bàn nhỏ đặt gần bên hầm trú ẩn cá nhân, vừa có chỗ để khám bịnh hay ngồi đọc sách, vừa có thể ngắm được quang cảnh bên dưới đồi. Thật là thú vị! Lúc nào đi xa, tôi cũng mang theo một bộ banh sắt gồm sáu trái to bằng banh quần vợt có sơn màu xanh đỏ và một trái nhỏ hơn để thảy ra xa làm chuẩn, tôi chơi một mình giải khuây bằng cách thảy những trái banh lớn tiếp theo nhau, làm sao cho gần sát trái banh nhỏ… thỉnh thoảng trò chơi phải ngừng lại vì có những đám mây như sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, những trái banh mờ dần và biến mất như ảo thuật, đến khi mây bay qua đụng vào vách núi dội ngược tản ra thì cảnh vật mới sáng như cũ.
Vào một ngày cuối Thu, đang đi theo Trung Đoàn biên cương đóng trên ngọn Dakrotah với Thiếu tá Hiền thì gặp Trung tá Nguyễn Bảo Trị, Tư lịnh Sư Đoàn 22 lên thăm, cùng đi với ông có Thiếu tá Phạm Quốc Thuần, tân Tham mưu trưởng Sư Đoàn, ông Thuần hỏi tôi “Bác sĩ có muốn về làm Y sĩ trưởng Sư đoàn không?” Câu hỏi vô tình gợi lại thời gian tôi còn ở Đại đội 22 Quân Y, làm tốt mọi công việc nhưng bị trù dập bởi anh Đại đội trưởng ganh tỵ hẹp hòi, tìm mọi cách để chuyển tôi ra khỏi đơn vị. Tôi bây giờ giống như con chim bị tên, nghi ngại muốn tránh xa những cành cây thấp quanh thị tứ, nên tôi im lặng không muốn trả lời câu hỏi của ông, tìm cách tránh né sang câu chuyện khác.
Khi đoàn xe trở về Dakto, đến ngang chỗ đóng quân của Tiểu đoàn 3/40, tôi xin phép Thiếu tá Trung đoàn trưởng xuống xe để thăm đơn vị vừa hành quân về, cũng là cái cớ để tránh gặp lại ông Tư lịnh Sư đoàn, vì tôi biết khi hỏi như vậy là các ông đã sắp xếp sẵn kế hoạch để chuyển tôi trở lại Sư Đoàn 22.
Thật tình tôi không muốn về lại nơi nầy, người lính thời chiến đi đâu cũng là phục vụ, tôi không kén cá chọn canh để lựa cho mình nơi an nhàn thong thả, nhưng mỗi lần nghĩ tới bài học về thế thái nhân tình ở đơn vị cũ, lòng tôi lại chùn bước phân vân. Tránh né mãi cuối cùng tôi đành phải nhận công điện khẩn về trình diện Sư đoàn gấp, quân lịnh không thể trì hoãn được nữa.
Sau khi bàn giao công việc lại cho bác sĩ Trương Cao Thạch và cám ơn Thiếu tá Hiền, Trung đoàn trưởng, tôi bất đắc dĩ trở về Kon Tum nhận chức vụ Y sĩ trưởng Sư đoàn 22 kiêm Đại đội trưởng ĐĐ 22/QY.
CẤP GIẤY PHÉP ĐẶC BIỆT CHO MỘT DƯỢC SĨ
Chiến trường càng ngày càng sôi động, Việt Cộng gia tăng chiến lược chiến thuật để thôn tính Miền Nam bằng mọi cách, nên không ngừng chuyển quân và vũ khí hạng nặng từ vùng biên giới bên kia sang phía ta, đưa đến những cuộc giao tranh thảm khốc gây tổn thất không nhỏ cho cả hai bên.
Sư đoàn 22BB luôn đặt trong tình trạng cấm trại 100%, Đại đội Quân Y có nhiệm vụ tiếp tế khẩn cấp thuốc men cứu thương cho cả 3 Trung đoàn, Dược sĩ Lý Công Tuấn phụ trách phần hành nầy, tưởng rằng mọi việc sẽ ổn định, nhưng không dè mấy ngày gần đây anh lại có tin buồn phiền về gia đình làm anh bối rối ngồi đứng không yên. Thấy vậy tôi cấp một giấy phép đặc biệt cho anh, đích thân đưa anh ra phi trường, gởi máy bay quân sự để anh về Sàigòn thu xếp chuyện nhà, mọi phần hành của anh ở đơn vị tôi sẽ trực tiếp thay anh giải quyết. Biết rằng trong tình trạng cấm trại, cho một quân nhân đi phép là sai luật, tôi cũng hết sức suy nghĩ cân nhắc khi quyết định. Nhưng không còn cách nào khác hơn.
Một tuần sau được tin anh trở lên bằng đường bộ, tôi liền lái xe xuống Qui Nhơn đón anh. Đến cổng vô thị xã thì gặp quân cảnh xét hỏi giấy tờ, tôi bèn nhờ Đại úy P. là chỗ quen biết mở cổng cho qua, đưa Dược sĩ Tuấn về thẳng nhà trọ xong là tôi quay lại Bộ Tư lịnh trình diện Thiếu tá Tham mưu trưởng theo đúng nghi thức, nhưng với tư cách Y sĩ trưởng Sư đoàn tôi xin phép sang phòng kế bên gặp ông Sư đoàn trưởng để trình bày về việc đi phép của Dược sĩ Tuấn. Gặp ông sau vài câu xã giao là tôi vô đề ngay:
“Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm khi cho quân nhân đi phép mà không có ý kiến của cấp trên, biết rằng việc tiếp liệu thuốc men cho những Trung đoàn đang chiến đấu là tối quan trọng, nhưng ông Dược sĩ nầy từ trước tới nay đã làm việc rất tốt, chưa có bao giờ sai trái hay bê trễ chuyện của đơn vị, nhưng hiện giờ gia đình ông có chuyện buồn phiền khiến ông bối rối. Nếu không giúp giải quyết khó khăn đó biết đâu sẽ xảy ra hậu quả còn tệ hại hơn vì mải lo ra nên ông không còn đầu óc để chú tâm vào việc làm. Suy nghĩ như vậy nên tôi quyết định cho ông thong thả giải quyết chuyện cá nhân, còn tôi giúp ông lo việc thuốc men của đơn vị, khi xong việc nhà trở lại đây, tôi tin rằng ông sẽ tận tình hơn, làm việc tốt hơn, có lợi cho Sư Đoàn hơn. ”
Ông Trung tá Tư lịnh là người từng trải, nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy, ông lắng nghe tôi trình bày và hiểu thiện ý của tôi đối với thuộc cấp, nên sau đó mọi chuyện đều được giải quyết êm thắm. Nghĩ lại thấy mình thật liều lĩnh!
CHUYẾN HÀNH QUÂN CUỐI CÙNG THEO SƯ ĐOÀN TRÊN VÙNG EO BA, PHÚ YÊN PHÚ BỔN.
Cheo Reo Phú bổn là một điểm chiến lược quân sự then chốt nằm trên đường liên tỉnh số 7, nối liền Pleiku với Tuy hoà. Trong quá khứ đã từng có những trận đánh ác liệt giữa Việt minh và quân đội viễn chinh Pháp, xác xe thiết giáp còn nằm ngổn ngang trên đèo Tona là một chứng tích.
Khi xe tôi đang đổ dốc xuống vùng đất thấp nằm trong lòng chảo, chung quanh bao bọc rừng núi bạt ngàn, đầy hoang vu hiểm trở, đang nhìn quanh quất thì thấy xe cứu thương của Bác sĩ Nguyễn hữu Tiến đang leo đèo, chúng tôi chỉ kịp vẫy tay chào nhau, từ lúc ra trường mỗi người đổi đi một nơi theo yêu cầu công vụ, thật tình cũng không biết anh thuộc đơn vị nào, nhưng biết chắc qua màu áo QY, anh là đồng nghiệp của tôi, đang chạy gấp rút ra mặt trận, cũng như tôi đang tất tả trong chuyến thăm cơ quan Y tế Quận nằm dưới thung lũng nầy.
Chúng tôi dừng lại một tiền đồn hình tam giác rộng lớn, kiên cố với thành lũy bao quanh cao khỏi đầu người, tình cờ gặp Trung úy Ấn đang chỉ huy toán công binh hì hục làm phà để qua sông, anh nầy tánh tình vui vẻ, lúc tôi còn làm bên Trung đoàn 40, anh thường qua trạm xá chơi, trong khi chờ đợi chỉnh sửa hoàn tất chiếc phà, anh pha trà sen nóng mời chúng tôi uống “Cũng sắp xong rồi, chỉ còn xem lại lần chót cho chắc ăn.” Chiếc phà bằng sắt hình dáng như cái mai rùa lật ngửa, kích thước cở chiếc xe vận tải có thể chở khoảng 10 người và một số vật liệu nhẹ, phà chuyển động bằng hệ thống dây cáp bắt ngang qua sông Ba, (đồng bào Thượng còn gọi là Ea Ba) có chiều rộng hơn trăm thước, mùa mưa về nước sông đục ngầu chảy xiết, rất nguy hiểm cho việc qua lại hai bên bờ nếu dùng những xuồng nhỏ thô sơ mỏng manh, dễ bị cuốn trôi xuống triền dốc.
Nắng chiều tắt dần trên sông, anh Ấn quay sang hỏi tôi “Bác sĩ có muốn cùng tôi qua bên kia sông để khám bịnh cho buôn Thượng không?” Đây là vùng cấm địa bất khả xâm phạm từ 10 năm qua, nhưng bây giờ được bình định rồi chắc cũng an toàn.. Có điều trời sắp tối, cũng không có trường hợp gì khẩn cấp nên chúng tôi tạm nghỉ bên nầy, chuẩn bị sẵn sàng để sáng đi sớm . Để tôi yên tâm, anh còn dặn dò “Đêm nay có một toán lính được bố trí nằm dọc theo bờ, bác sĩ cứ ngủ thoải mái nhe”. Nói vậy chớ cũng khó ngủ với tiếng ếch nhái kêu rầm trời ngoài bụi cỏ, trăng non chênh chếch soi bóng mờ mờ xuống dòng sông Ba ầm ì thác đổ khiến tôi nhớ tới những dòng sông tuổi thơ êm đềm của mình ở Đồng Tháp, nhớ con đom đóm trong hũ keo và câu chuyện kể của Má tôi về người học trò nghèo ở tuốt bên Tàu, nhớ dáng lui cui giã gạo của chị Ba ngoài sân ngập ánh trăng vàng…Tôi thao thức đến lúc nghe tiếng gà gáy đầu hôm mới ngủ chập chờn đôi chút.
Những đám lau sậy cao khỏi đầu người bên kia bờ đã được phát quang vô sâu, để lộ một con đường đất hẹp, toán tiền thám đi trước mở đường từ sáng sớm, chúng tôi vào tận bên trong là một buôn của người Djarai, đàn gà đang bươi đất quanh mấy bụi chuối, bầy heo mọi đen đủi với cái bụng xề sát đất thì thơ thẩn dưới sàn nhà kêu ủn ỉn khi thấy bóng người. .
Buôn cũng không lớn lắm, dân số chừng chục nóc nhà, loại nhà sàn cao hơn mặt đất không đầy một thước, hai mái chụm nhau lợp bằng cỏ tranh, vách dựng bằng cây lồ ô đập dẹp từng mảnh kết lại, sàn bằng gỗ bóng láng. Gần đó có một nhà rông mái nhọn, sàn cao, rộng rãi thoáng mát dùng làm nơi hội họp trong làng. Khi Y tá xem lại tình trạng thuốc men thì tôi khám bịnh cho một nhóm người đang chờ đợi, phần lớn chỉ cảm mạo thông thường, không gặp trường hợp bịnh nguy kịch nan y, nhưng có một sản phụ trẻ nằm bên trong nhà lăn lộn vì đau nhức vùng ngực, bịnh nhân sốt cao, hai vú sưng to như hai trái dừa lửa. . Tôi chẩn đoán bà bị áp xe, phải mổ rút mủ ra nhưng vì không chuẩn bị sẵn dụng cụ giải phẫu, thiếu thuốc tê và bông băng khử trùng, nên tạm thời tôi cho bà uống kháng sinh và giảm đau.
Ngày hôm sau tôi trở qua định rút mủ trong ngực cho bà thì thật ngạc nhiên khi thấy bịnh thuyên giảm nhiều, hai bên ngực bớt sưng đau nên tôi tiếp tục cho uống thuốc và theo dõi. Có lẽ đồng bào Thượng ở vùng hẻo lánh chưa bao giờ dùng thuốc trụ sinh nên thuốc tỏ ra công hiệu vô cùng. Cả nhà vui mừng ra mặt, ông chồng xá dài tỏ dấu cám ơn.
Người Djarai ở đây còn giữ tánh chân thật trong nếp sống bình dị sơ khai và hiếu khách. Người tộc trưởng bắt một con heo sữa, lấy một khúc cây tròn đập mạnh vào đầu cho con vật ngất đi, đem ra sân đốt lửa lên thui lông, xong mổ bụng lấy lá gan to để lên dĩa bỏ vào nhúm muối hột rồi mời tôi như hình thức hậu đãi trân trọng, thịt chưa chín hẳn, còn dính máu đỏ tươi khiến tôi hơi ớn, nhưng không thể từ chối được đành phải cắt một miếng nhỏ bỏ vào miệng nhai với muối cho chủ nhà vui bụng. Hơn nữa muối ở đây rất quý hiếm, họ phải đi thật xa mới mua được để dành đãi khách, nơi nào không có muối thì họ đốt một thứ lá cây rừng, lấy tro có vị mặn mặn để ăn thế.
Thời gian ở Cao nguyên Kon Tum- Dakto- Daksut tôi cũng thường đi công tác trong các ấp Thượng nên biết được phần nào tánh tình của họ, bản chất hiền lành nể trọng người miền Xuôi, nhưng nếu làm họ không hài lòng, họ có thể hiểu lầm là bị khinh thường, từ đó trở thành thù nghịch. Sau buổi ăn “hoang dã” ngán ngược đó, tôi cười vui theo ông Tộc trưởng lên nhà rông, bước cẩn thận trên từng nấc thang đục vào thân cây to dựng nghiêng nghiêng, một đầu móc chặt vào sàn gỗ rất vững chắc, căn nhà trống trải đơn sơ, không có vách ngăn, không có bàn ghế, đã để sẵn một vò rượu nâu với hai cần trúc dài ở giữa nhà. Ông tộc trưởng mời tôi ngồi xuống và ông cũng ngồi đối diện, với dáng vẻ rất trịnh trọng ông chậm rãi mở miếng vải vuông đỏ ra lấy một chiếc vòng đồng có khắc dấu tréo chung quanh, cẩn thận mang vào tay tôi, miệng lâm râm khấn vái, ông cầu xin “Yang” vị thần linh sông núi, gió rừng, sấm sét phù hộ cho tôi. Xong kê miệng vô cần trúc hút một hơi dài ngon lành, tôi cũng bắt chước đáp lễ nhưng chỉ nhấp nhấp tượng trưng thôi, rượu có vị chua chua ngọt ngọt uống nhiều cũng dễ say lắm.
Trời đã quá khuya, chúng tôi giã từ buôn làng trở về quận Cheo Reo, đường rừng mờ mịt vắng tanh, phải dùng đèn pha mới thấy đường lái, thỉnh thoảng có vài ánh mắt xanh lè như lân tinh của thú rừng đi ăn đêm, gặp đèn chói vào mặt nhiều con đứng im như bị thôi miên, nhất là giống chồn đèn chồn mướp đang leo trên mấy cành cây sát lề đường, bị anh em bắn hạ dễ dàng, lột da đem về ngâm rượu, bổ gì chưa biết chớ thấy xác con vật oằn oại, thiệt tình tôi mất cả hứng thú đi săn .
Xe đang quẹo cua chạy chậm qua một làng khác thì đột nhiên anh lính Thượng người địa phương hét với tài xế “chạy nhanh lên, trong buôn nầy có Malai, có người mới chết”. Người Djarai rất sợ R’R’rung tức Malai rút ruột, mà họ coi như là một thứ quỷ truyền kiếp nhập vào người để đêm đêm hiện về rút ruột người sống. Nếu biết được có Malai trong làng, họ sẽ tìm cách rời bỏ buôn làng đi nơi khác lánh nạn, hoặc dấu kín con cái trong nhà không cho ra đường, rủi ro có người đau bịnh họ cũng không dám nói ra sợ Malai biết được sẽ thừa lúc đêm khuya mò tới hút máu cho tới chết.
Xe đã chạy ra khỏi làng một đỗi xa mà anh lính Thượng vẫn chưa hoàn hồn, ngồi rút đầu sát xuống gầm ghế, mặt mày lơ láo hoảng sợ đến tội nghiệp. Thời buổi phi thuyền sắp lên cung trăng rồi mà vẫn còn tin vào những điều thần bí mơ hồ, nhưng khó mà giải thích cho họ thay đổi cách suy nghĩ lạc hậu nầy. Vài hôm sau phà được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho đồng bào hai bên bờ qua lại, nhất là về quận nhận quà do máy bay tiếp tế, trong số hành khách nầy có người phụ nữ Thượng tay ôm một con gà mái dầu lớn, nhóm quân nhân trước cửa đồn tranh nhau hỏi mua, nhưng bà ta nhất định không bán, nói chỉ mang qua cho ông bác sĩ, thì ra đó là bịnh nhân của tôi, hai ngực bà ta đã trở lại bình thường sau khi dùng thuốc trụ sinh “thần dược”, một phát minh hiện đại của thế giới ngày nay mà đồng bào dân tộc thiểu số như buôn làng của bà chưa bao giờ biết đến.
Sau chuyến hành quân bình định với Sư đoàn 22 BB, tôi nhận được lịnh của Nha Quân Y gọi về trình diện Tổng Y viện Cộng Hoà để chuẩn bị đi học khoá Gây Mê hồi sức tại bịnh viện Letterman Hoa Kỳ Đây cũng là dấu ngoặc trọng đại trong cuộc đời Y sĩ của tôi, thật ra tôi chỉ là bác sĩ dự khuyết, không có nhiều hy vọng được tuyển chọn. Sở trường của tôi là giải phẫu mà chiến trường thì cần rất nhiều bác sĩ chuyên ngành nầy. Lúc mới đổi về đây trong sắc phục bác sĩ Quân Y tôi mang trong lòng biết bao nhiêu là hoài bão lý tưởng của tuổi trẻ, khao khát được phục vụ cho đồng bào nghèo khổ, chăm sóc cho đồng đội đang chiến đấu ngoài mặt trận để gìn giữ từng tấc đất Quê hương, tôi đã hết lòng làm việc không quản ngại nắng mưa, nguy hiểm trên vùng đất xa xôi hẻo lánh của địa đầu giới tuyến, những tưởng việc làm mình là đúng là tốt cho mọi người, nhưng khi gặp phải những bất công, những ganh ghét tị hiềm của bạn đồng nghiệp khiến tôi bẽ bàng thất vọng trước sự tầm thường của cuộc sống.
Nên trong lúc buồn nản nhất tôi đã làm đơn xin đi học lại để tránh phải chung đụng lôi thôi trong đơn vị, cứ nghĩ mình còn trẻ đi đâu làm gì cũng được, miễn rời khỏi nơi nầy càng sớm càng tốt, tôi không còn đường nào khác hơn để lựa chọn, nhưng chắc chắn một điều tôi không phải là kẻ tham sống sợ chết để xin về hậu cứ an nhàn, né tránh làn tên mũi đạn như một số người đã cố tình chạy chọt để được yên thân trong thời binh biến.
Ngay cả việc đi học gây mê, tôi chỉ ghi tên cho có chớ không mong gì được chọn, bởi vì những ngành chuyên môn nầy thường được sắp xếp cho những đơn vị hậu cứ, nhưng không dè giờ chót anh bạn được tuyển chọn lại từ chối với lý do hết sức đơn giản, gần ngày Tết, anh muốn ở lại đón Xuân cùng gia đình, vì không kịp chuẩn bị người thay thế nên Nha Quân Y mới gọi tôi về để thế chỗ, rõ ràng hay không bằng hên, tôi thấy mình may mắn khi được trúng tuyển bất ngờ.
Chuyến bay quân sự cất cánh rời phi trường Kon Tum vào một buổi sáng đầy sương mù để đưa tôi trở lại Sàigòn, tôi cố nhìn lần cuối dòng sông cát trắng, cố dõi mắt tìm con đường đèo chênh vênh uốn khúc giữa một bên núi cao một bên vực thẳm hiểm nguy mà bao lần tôi khổ nhọc băng qua…
Giã từ Kon Tum, giã từ miền Cao nguyên bao la trùng điệp, giã từ những kỹ niệm đời lính nơi núi rừng của người thầy thuốc trẻ mới ra trường mang theo trái tim rực lửa nhiệt tình. Giã từ thành phố buồn của riêng tôi!
CUỘC ĐỜI BINH NGHIỆP CÒN DÀI DU HỌC GÂY MÊ HỒI SỨC
Tổng Y viện Letterman nằm trong khu vực quân sự Presideo, gần cầu Golden Gate là nơi tôi đến học về Gây Mê Hồi Sức. Tôi đọc sách nên biết về cuộc đời bác sĩ Jonathan Letterman. Ông là Thiếu Tá Quân Y trong Quân đội Hoa Kỳ, chuyên khoa Giải phẫu, từng tham gia trận nội chiến 1862, ông qua đời năm 1872, hưởng dương 48 tuổi.
Khi chiếc máy bay quân sự nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Travis AFB, tôi được một chiếc xe bus đưa về Câu Lạc Bộ sĩ quan BOQ, nơi đây có căn phòng nhỏ dành riêng cho tôi. Phòng có hai nhân viên phục vụ việc dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, riêng vấn đề ăn uống cá nhân thì tôi phải tự túc. Trong bịnh viện có phòng ăn chung phục vụ toàn thức ăn Mỹ mà tôi chưa quen như hamburger, hotdog. Cơm thì chỉ bán có một ngày thứ Sáu nhưng thức ăn nấu theo lối Tàu nhiều dầu mỡ tôi rất áy ngại nên sau nầy tôi tự nấu cơm Việt Nam.
Ngày đầu tiên tôi xuống phố Tàu mua một bao gạo nhỏ và một chai nước mắm. Trong bụng thấy yên tâm hơn, dầu sao cũng quen với hương vị gạo mắm nơi quê nhà. Gần nhà trọ cũng có một siêu thị, khi cần tôi có thể dễ dàng chạy mua thêm vài cái đùi gà, miếng thịt bò bít tết, vỉ trứng, chút rau cải tươi, cà chua, hành ớt đem về để dành trong tủ lạnh ăn dần. Vậy là vững bụng trong thời gian lưu trú ở xứ lạ quê người không bà con thân thích để cậy nhờ nương tựa. Sáng nào cũng vậy, khi ngủ dậy tôi bắt nồi cơm điện, đợi gần cạn nước thì bỏ cái đùi gà hay miếng thịt vào, tắm xong dọn cơm nóng thịt chín ra, có chén nước mắm dầm ớt, thêm dĩa kim chi, rau sống… bữa ăn cũng ngon lành ấm lòng kẻ tha hương đơn chiếc.
Cũng vì ỷ y có chợ gần bên, nên một hôm đi học về trễ, tôi cởi bỏ áo khoác dầy cộm ra liệng ở nhà, chỉ mặc áo sơ mi ngắn tay chạy vội ra mua ít thức ăn, khi trở về thì cánh cửa chung đã khép lại hồi nào, bà chủ nhà lớn tuổi lãng tai, tôi vừa bấm chuông, vừa dộng cửa rầm rầm mà bà vẫn không nghe, tôi đành phải đứng ngoài mái hiên chịu trận những cơn gió ngoài khơi Thái Bình Dương thổi vào lạnh thấu xương. Thời may có hai cô nữ Điều dưỡng quân Y người Đại Hàn đi chơi về, có chìa khoá riêng mở cổng nên tôi được vào theo. Sau vụ nầy tôi bị cảm mất mấy hôm, từ đó biết mình chịu lạnh dở nên tôi cẩn thận ăn mặc thật ấm mỗi khi ra ngoài.
Hằng ngày đi học, nếu vào bịnh viện theo con đường chánh thì hơi xa, tôi bèn chọn đường tắt bằng cách leo rào, vì bờ tường xây bằng gạch rất thấp, lựa chỗ vắng nhìn trước sau không thấy ai là phóng lên cái rột lẹ làng nhảy vào trong, men theo con đường tráng xi măng trong khu vườn Presideo yên tịnh, rộng mênh mông để vào cổng chánh, bận về cũng vậy cứ theo đường cũ mà leo ra. May mà không ai biết, chứ leo vậy có ngày gặp cảnh sát hỏi giấy thì cũng hơi phiền. Nhiều khi thấy mình cũng tức cười, đã lớn rồi mà còn nghịch ngợm leo trèo giống y như hồi nhỏ, lúc ở Sa Đéc cũng vì leo tường nhảy xuống mà bị trật khớp gối, phải bó im bằng xương gà ác mất cả tháng trời mới lành.
Cây Cầu Golden Gate được xem như là biểu tượng của thành phố San Francisco và cũng là thắng cảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ, mỗi buổi chiều trước khi rời bịnh viện về nhà, tôi hay ra đứng gần bờ vịnh để hít thở không khí trong lành, vừa ngắm cây cầu treo vĩ đại bằng sắt để nhớ đến cây cầu treo thơ mộng lát bằng mây rừng đập dẹp, bắt ngang con suối tại vùng biên giới đìu hiu phía Bắc Kon Tum nơi tôi đóng quân mấy tháng trước.
Khu Gây Mê Hồi Sức nằm trong Tổng Y viện Letterman, do một Y sĩ Quân Y cấp bực Đại Tá chỉ huy, dưới quyền ông còn có ba y sĩ phụ, cấp bực Thiếu Tá và một số Đại Úy nữ quân nhân. Đây còn là nơi đào tạo chuyên môn cho sĩ quan và hạ sĩ quan ngành Y. Văn phòng làm việc của ông Trưởng khoa chỉ vừa đủ rộng để kê một bàn làm việc lớn và hai cái ghế dành cho khách. Khi tôi đến học, ông đặc biệt cho kê thêm một bàn nhỏ bên cạnh để tôi ngồi, lại phái cho một anh hạ sĩ quan phụ trách tạp dịch. Mỗi sáng khi đến văn phòng, ông mở cặp lấy ra hai phần ăn giống nhau gồm bánh mì sandwich, thịt dăm bông, trái táo và gói trà Lipton chia cho tôi một phần. Ngày nào cũng đều đặn như vậy khiến tôi rất cảm kích sự quan tâm chu đáo mà ông dành cho tôi.
Lúc ấy tôi mang cấp bực Đại úy với ba bông mai vàng mới mua sáng chói trên cầu vai, lại được ngồi chung trong văn phòng với ông Đại Tá Trưởng khoa nên trong suốt thời gian học ở đây, anh Hạ sĩ cứ tưởng lầm tôi ngang hàng với xếp, mãi đến ngày tôi sắp về nước, anh đưa tôi đi làm thủ tục hành chánh, qua cách xưng hô tôi mới biết là anh ngộ nhận, bèn giải thích cho anh hiểu thêm về cấp bực trong quân đội VNCH. Ở Mỹ mọi người tôn trọng nhau trong tinh thần bình đẳng nên không có chuyện cấp dưới khúm núm xun xoe cấp trên. Tôi hoàn toàn thấy thoải mái khi học và làm việc chung với mọi người trong bịnh viện nầy.
Letterman đã giữ một vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thương bệnh binh ở khắp các chiến trường Thái Bình Dương và Đông Nam Á Châu. Trong chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, các tù binh Hoa Kỳ sau khi được thả về đều đưa đến đây nằm điều dưỡng trước khi về với gia đình.
Bác sĩ Mitchell gốc người miền Nam ở Georgia cũng sắp về hưu, ông biếu tôi sách vở cũ ông đã dùng và tận tâm chỉ dẫn tôi học hành. Chỉ một thời gian ngắn sau ba tháng, tôi đã tỏ ra thông thạo trong việc đặt ống thông khí quản vừa chính xác vừa nhẹ nhàng, cũng như rành rọt chuyện tiêm thuốc tê vào bao ngoài của tủy xương sống (Epidural) cũng như tiêm thẳng trong tủy sống bịnh nhân (Spinal) một cách cẩn thận, canh chừng cho bịnh nhân ngủ êm giấc trong suốt cuộc giải phẫu, đo huyết áp thường xuyên và theo dõi cuộc giải phẫu để điều chỉnh nồng độ thuốc mê… Thấy tôi học hành có tiến bộ, đạt kết quả khả quan nên ông viết thơ về Nha Quân Y đề nghị cho tôi được tiếp tục ở lại học thêm, nhưng rất tiếc vì nhu cầu công vụ, thiếu nhân viên cho các đơn vị tác chiến nên Nha Quân Y không chấp thuận đề nghị đó.
Buổi chiều hết giờ làm việc trong phòng mỗ, tôi thường ngồi trên thư viện của nhà thương cho đến tối, đọc sách và báo chí Y khoa để học hỏi thêm đồng thời sưu tầm tài liệu liên quan đến luận án Tiến sĩ Y khoa của tôi về giải phẫu ung thư ruột già do Giáo sư Đào Đức Hoành bảo trợ. Tôi chăm chú say mê đọc, nhìn các hình ảnh của từng bộ phận trong cơ thể, thấy được ba chiều qua lớp kính hiển vi đặc biệt, khiến tôi hào hứng nghiên cứu đến quên cả giờ giấc, khi sực nhớ ra thì có khi đã trễ bữa ăn tối. Có lẽ nhờ các tài liệu bổ túc phong phú và được cập nhật đầy đủ nầy mà sau nầy vào ngày 24/12/1964 luận án Tiến sĩ dầy trên 300 trang của tôi, viết bằng tiếng Pháp, được Hội đồng Y Khoa Sàigòn chấm hạng Tối Ưu, đồng thời đề nghị phát cho một giải thưởng luận án.
Ngày nghỉ tôi hay xuống phố, đến các tiệm sách Y Khoa lựa mua một số sách chuyên đề để học thêm, nhân tiện mua vài dĩa nhạc trong đó có bài “The Four Seasons” của Vivaldi, nhạc sĩ vĩ cầm trứ danh của Ý mà tôi rất thích nghe. Có một lần tôi ghé xem phim “Breakfast at Tiffany” tại một rạp hát gần nhà. Đôi khi cũng ghé vào trạm bán hàng của quân đội (PX) để tìm mua những món cần dùng mà vừa túi tiền, ở đây tôi thấy cái máy hát còn rất tốt muốn mua nhưng hơi cồng kềnh nếu mang về Việt Nam, lưỡng lự riết rồi cũng mua vì quá thích.
Nhân viên trong phòng mổ gồm người tứ xứ khắp Đông Tây Nam Bắc trong nước Mỹ, đủ sắc tộc màu da từ các quốc gia khác đến, giọng nói âm điệu mỗi vùng mỗi vẻ. Tuần lễ đầu nghe họ nói chuyện líu lo với nhau, tôi chỉ mỉm cười im lặng, dần dần quen giọng nói, mới hiểu được phần nào ý của họ, tôi phải yêu cầu họ nói thật chậm, đừng nuốt chữ và tránh dùng tiếng lóng. Họ nói đùa rằng tôi đem cái lạnh của miền nhiệt đới đến đây vì San Francisco từ 25 năm nay chưa hề có tuyết!
Vào thời gian nầy Quân đội chánh quy Hoa Kỳ đã có thay đổi lớn, có một đạo binh nữ trợ tá (WAC) được thành lập mang quân hàm sĩ quan, được trao nhiệm vụ rõ ràng, tham gia chăm sóc thương bịnh binh nằm trong Quân Y Viện Letterman. Trong phòng mổ tôi quen một nữ quân nhân Hoa kỳ cấp bực Đại Úy, cô chuyên về gây mê, cùng làm việc chung với nhau nên rất thân thiện. Những ngày rảnh cô chở tôi bằng chiếc Volkswagen qua cầu Golden Gate thăm những người bạn của cô sống ở quận Marin, cô cũng đưa tôi đi xem sở thú San Francisco có trên 250 loài khác nhau, xem Viện Khoa học California với nhà Bảo Tàng lịch sử bao gồm nhiều cung điện mỹ thuật, hội họa và điêu khắc. Tôi cũng hân hạnh được cô đưa đi dọc theo quốc lộ 101 xuống phía Nam ngắm cảnh đẹp vùng Santa Cruz, thăm thành phố Carmel yên lặng thanh bình, thăm Louis Opispo, Ventura, thăm Disneyland, thăm Hồ Hy Vọng nổi tiếng ở Los Angeles…
Ngoài ra tôi cũng có dịp gặp và làm quen anh Nguyễn văn Phát, (em ruột của bác sĩ Nguyễn văn Thơ Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục). Anh Phát sang Mỹ du học đã lâu, anh đưa tôi đi xem vườn hoa Nhật Bản với những cây bonsai trồng tỉa rất công phu, những chiếc cầu hình vòng cung rất tao nhã bắt ngang cái hồ nhỏ mà bên dưới từng đàn cá Kol nhiều màu sắc đang bơi lượn tung tăng.
Ngày nghỉ lễ, bác sĩ Mitchell cũng lái xe đưa tôi đi viếng thăm Muir Wood, một khu vườn đặc biệt với những cây cổ thụ cao mọc quây quần như trong một gia đình.
Tôi cũng quen cô Nguyễn thị Sen đang học ngành Điều dưỡng trên xứ lạnh Denver Colorado. Cô mời tôi sang đó chơi, nhưng vì sợ lạnh tôi từ chối. Nhân dịp Tết cô Sen về San Francisco thăm bà con, cô đưa tôi đi viếng một phụ nữ lớn tuổi người miền Nam gốc Trà Vinh qua Mỹ sinh sống đã lâu. Bà thuộc gia đình giàu có và thân quen với ông Ngô Đình Diệm khi ông còn ở Hoa Kỳ, trước khi về nước chấp chánh theo sự bổ nhiệm của Quốc Trưởng Bảo Đại năm 1954.. Tuy sống xa xứ nhiều năm nhưng bà vẫn giữ được thực đơn thuần túy quê nhà, bà đãi khách bằng những món ăn ngon mang hương vị đậm đà rất đặc trưng Việt Nam, trong đó có món chả giò mà tôi thích nhất. Ăn xong chúng tôi xuống phố Tàu xem múa lân, diễn hành, đốt pháo... Phố Tàu ở đây lớn hơn phố Tàu Yokohama bên Nhật hay bên Úc. Lần đầu tiên đón Xuân ở xứ người tuy có buồn nhưng không cô đơn lắm vì gặp được vài người quen chuyện trò, được ăn bữa cơm thân mật với một gia đình đồng hương, được hít thở không khí tự do an lành mà không phải nơm nớp lo âu về chiến trận như lúc ở trên vùng biên giới Việt Nam. Đất nước người ta sao giàu đẹp thảnh thơi đến như vậy, còn đất mình sao lại tan tác từng giờ từng phút, cái nguy hiểm luôn rình rập mọi người? Tại sao và tại sao?
Một buổi sáng trong nhà thương, thấy mọi người bàn tán xôn xao về một đường nứt sâu ở San Andreas và Hayward, nằm dưới lòng đất San Francisco. Thiên hạ lo sợ khi nhắc đến trận động đất kinh hoàng tại đây vào tháng 4 năm 1906, có thể nó sẽ xảy ra vào thời điểm nầy như dự báo… Nhưng cuối cùng đó chỉ là tin đồn thôi. Tôi vẫn chưa thấy nhúc nhích gì trong phòng mổ. Nhớ lại ở Việt Nam không có động đất nhưng mỗi lần Việt Cộng pháo kích quá gần khu vực phòng mổ giường bịnh nhân bị rung rinh, đôi khi bịnh nhân gượng không nổi hay sợ quá lăn té xuống sàn thấy mà thương. .
Đến tháng 4 năm 1962, xong khoá học tại bịnh viện, tôi cũng muốn nhân dịp rảnh rỗi đi đây đó cho biết thêm phong cảnh xứ người. Nghe nói có hội chợ Quốc Tế tại Seattle, tiểu bang phía Bắc California, tôi nô nức mua vé xe bus Greyhound lên xem. Chuẩn bị nhanh cho một cuộc hành trình đơn giản, vừa với túi tiền của sinh viên nghèo, thức ăn gồm có chục trứng luộc sẵn, vài vỉ dăm bông xông khói, vài trái táo, chai nước tương, một số bánh mì croissant và chai nước lọc. Thế là quá đủ cho khách nhàn du . .
Khi xe bus ngừng dọc đường cho hành khách xuống nghỉ ngơi ăn uống trong các nhà hàng lớn tiện nghi sang trọng thì tôi ngồi lại một mình trên xe, ăn no nê phần ăn đơn giản đem theo. Khi có dư thì giờ thì ngắm cảnh vật hay lấy bút chì húy họa vài nét, xong nằm tại ghế ngủ một giấc lấy lại sức. Du lịch một mình đôi khi cũng thấy cô đơn, nhưng được cơ hội biết đây biết đó cũng thú vị lắm. Nếu không có cơ hội qua đây du học, chẳng biết đời nào tôi mới được thảnh thơi ngao du sơn thủy ở xứ người khi đất nước mình còn mãi triền miên trong binh biến.
Đến thủ đô tiể̉u bang Washington, tôi mướn một phòng nhỏ rẻ tiền trong cơ quan YMCA, sáng nào cũng thức dậy sớm, tắm rửa ăn uống cho chắc bụng xong là leo lên xe lửa chạy trên một đường rầy cất cao khỏi mặt đất để vô khu hội chợ. Tôi thích lên tận chóp tháp Space Needle - tháp nầy có máy xoay quanh thật chậm theo kim đồng hồ - để nhìn ngắm ngọn núi Reiner phủ đầy tuyết trắng. Cảm giác lúc đó không còn gì thích bằng với một quang cảnh thiệt bao la hiện ra trước mặt. Tôi đi khắp nơi trong hội chợ suốt ba ngày, ngắm nhìn mọi thứ cho thỏa sức, mỏi chân thì ngừng lại gian hàng có máy đấm bóp tự động không tốn tiền, khát thì uống vòi nước công cộng như mọi người. Tối về nhà trọ ngủ cho lại sức… Một chuyến đi mở mang đầu óc, cũng như tầm nhìn. Tôi cứ ao ước đất nước mình được thanh bình để mọi người dân đều được hưởng cuộc sống an nhàn tiện ích như dân chúng ở đây, làm ra làm, chơi ra chơi, không phải mệt nhọc đau khổ vì giặc giả với sự chết chóc rủi ro lúc nào cũng đe dọa ngay cả trong giấc ngủ chập chờn.
Có một ông Dược sĩ Việt Nam mua vé từ Nha Trang sang Mỹ tham dự hội chợ, nhưng không may vừa xuống phi trường Tacoma thì ông bị cảm lạnh sưng phổi, phải chuyển vô nhà thương dân sự ở San Francisco. Phí tổn khá đắt nên ông phải nhờ người thân bên Pháp sang đưa ông về Pháp để tiếp tục chữa trị. Ông Mitchell nghe tin có đồng hương của tôi bị nạn nên báo cho tôi biết và đồng ý chở tôi vào thăm ông Dược Sĩ nọ. Dù không có dịp quen nhau từ trước, nhưng cùng là người Việt Nam với nhau, thì thăm nom an ủi lúc khó khăn ở nơi xứ lạ cũng là thể hiện tấm lòng khiến ông dược sĩ rất cảm động.
Khóa học kết thúc, tôi từ giã nước Mỹ lên đường trở lại Việt Nam. Bắt tay từ biệt Ông Mitchell, người thầy đáng kính đã giúp tôi hoàn thành môn học Gây Mê Hồi Sức mà lòng nao nao xúc động. Tôi hứa với ông sẽ đem sự hiểu biết của tôi về chuyên ngành nầy để phục vụ cho đồng bào của tôi, lời hứa trân trọng như tôi đã từng thề trước thần Hippocrate mấy năm về trước. Và tôi cũng muốn nói thêm câu nầy “Đất nước ông thật tuyệt vời!” Cám ơn những tình cảm nồng hậu của tất cả mọi người ở đây đã dành cho tôi trong suốt thời gian lưu trú. Tình cảm nẩy nở trong thời gian ngắn ngủi nhưng thiệt là khó quên, một tình cảm đầy ắp tình người không một chút nào tư lợi, chỉ có cho mà không nghĩ đến nhận lại.
Trên đường về nước, máy bay ngừng lại Hawaii một ngày, hành khách được ở trong một khách sạn sang trọng gần bờ biển Thái Bình Dương, tôi lại có cơ hội thưởng ngoạn bãi biển đẹp nổi tiếng Honolulu, xem ca nhạc vũ hội ban đêm với những màn trình diễn rất đặc sắc mang phong cách Hạ Uy Di. Tôi tiếc không có thời gian để ghé thăm Quân Y Viện Trippler của Hoa Kỳ trên vùng đảo nầy mà từ lâu tôi từng nghe tiếng.
No comments:
Post a Comment