Thursday, May 6, 2021

Xuân Lộc tháng Tư 1975 (1) - Triệu Phong dịch thuật -

 

Trích chương 17, cuốn “Black April” (tức Tháng Tư Đen) của George J. Veith. Tác giả từng là đại úy bộ binh Hoa Kỳ, ngoài ra những cuốn khác của ông đã xuất bản như Code-Name Bright Light : The Untold Story of US POW Rescue Efforts during the Vietnam War (1968), và Leave No Man Behind : Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War (2004). Ông viết hầu hết về Chiến Tranh Việt Nam, thuyết giảng trong nhiều cuộc hội nghị, và cung khai trước Quốc Hội về vấn đề tù binh POW/MIA.

Lời Giới Thiệu

Trận Xuân Lộc, kéo dài từ ngày 9 đến 21 tháng Tư, 1975, là nỗ lực hiệu quả cuối cùng của quân Nam Việt nhằm ngăn chặn bước tiến của quân CSBV trên đường tiến vào Sài Gòn. Xuân Lộc nằm trong một vị trí chiến lược quan trọng vì là ngã ba của hai Quốc lộ 1 và 20, cửa ngõ từ miền Trung, và từ miền Cao nguyên vào Sài Gòn. Ngoài ra thị xã này còn nằm trong khu vực phòng thủ trọng yếu thuộc tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa – Xuân Lộc – Bà Rịa – Vũng Tàu) của quân đội Nam Việt nhằm bảo vệ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn và phi trường Biên Hòa.

Tại đây, phía quân Miền Nam tập trung nhiều đơn vị thiện chiến, tổng quân số khoảng 14.000, gồm Sư đoàn 18 Bộ binh (với các Trung đoàn 43, 48 và 52),Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân, lực lượng Địa phương quân, Nghĩa Quân tỉnh Long Khánh, và các đơn vị tăng phái gồm Trung đoàn 8 (thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh), Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, Liên đoàn 33 Biệt động quân, hai tiểu đoàn pháo binh, toàn bộ Lữ đoàn 1 Dù (với các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9) và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù. Sư đoàn 4 Không quân từ phi trường Cần Thơ phụ trách không yểm chiến thuật. Tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh Sư đoàn 18) và hai sĩ quan phụ tá là Đại tá (tư lệnh phó) Lê Xuân Mai và Đại tá Phạm Văn Phúc (Tỉnh trưởng Long Khánh). Mục đích bẻ gãy mũi xung kích của Quân CSBV trên đường tiến vào Sài Gòn.

Về phía CSBV, có Quân đoàn 4 (gồm Sư Đoàn 6, 7, và 341) do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy, Sư đoàn 6 mới được thành lập, Sư đoàn 7 bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ với kinh nghiệm chiến đấu dày dặn (đây nguyên là Sư đoàn 312A từ miền bắc hành quân vào nam từ năm 1965), ngoài ra còn một trung đoàn tăng, thiết giáp, một trung đoàn pháo binh, sau còn được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn bộ binh 325) và một đại đội xe tăng (tổng quân số khoảng 40.000).

Như vậy ta thấy đây là một trận chiến với tỉ lệ gần một chọi bốn, bên Nam Việt có 14 ngàn quân trong khi phe Miền Bắc đông đến 40 ngàn.

Theo bài viết South Vietnam’s Thermopylae của David T. Zabecki, đăng trên trang mạng history.net, rằng khi quân BV tấn công Xuân Lộc, phía Cộng Sản và hầu như mọi người đều nghĩ Sư Đoàn 18 của quân đội Miền Nam sẽ nhanh chóng tan rã, tương tự các đại đơn vị khác trước đây. Nhưng trái lại, sư đoàn này dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo đã chống trả quyết liệt. Đến lúc Xuân Lộc được lệnh bỏ ngõ 12 ngày sau đó, cả thế giới đều kinh ngạc trước sức chiến đấu can trường của quân đội Nam Việt, sau khi đã gây tổn thất hết sức nặng nề cho đối phương. Thật vậy, sự đứng vững kiên cường của đội quân này khiến người ta nhớ đến sự hy sinh anh dũng của 300 chiến binh Spartan của Vua Leonidas khi kháng cự trước đạo quân đông áp đảo của quân Ba Tư trong trận Thermopylae ở Hy Lạp vào năm 480 trước Công Nguyên. Sau đó quân Ba Tư rầm rộ kéo vào thủ đô Athens. Do sự giống nhau này mà tác giả đặt tên cho tựa bài viết là South Vietnam’s Thermopylae, tức Trận Thermopylae phiên bản Nam Việt.

 
Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 Nam Việt

Điều đáng để ý là, trước đây trong chiến tranh Việt Nam, Sư Đoàn 18 bị mang tiếng là một trong những đơn vị bết bát nhất của quân đội Miền Nam. Điều này nhanh chóng thay đổi vào tháng Ba 1972, sau khi Tướng Đảo, 39 tuổi, được điều về nắm quyền chỉ huy sư đoàn. Với bản tính xông xáo và năng nổ, ông là một trong những sĩ quan xuất sắc nhất của quân đội Nam Việt. Mặc dù với vẻ bề ngoài điển trai và trẻ trung, luôn mang cặp kiếng mát sẫm màu khiến người ngoài có cảm tưởng đây là một tay ăn chơi thứ thiệt (playboy), thuộc giới ăn trên ngồi trốc, nhưng bên trong con người nầy lại mang một ý chí sắt thép và một đầu óc chiến thuật xuất chúng nhất đối với cả hai phe của cuộc chiến.

Tuy trong cương vị một vị tướng nhưng ông không ưa sống trong những lầu son gác tía mà chọn tư dinh là một căn nhà lầu hai tầng khiêm tốn. Trong lúc chiến đấu, ông dành thời gian ở ngoài chiến hào cạnh các binh sĩ thay vì ngồi chỉ huy từ bên trong các công sự kiên cố. Ông bắt các sĩ quan phải luôn cận kề với thuộc cấp, ít nhất dưới mình hai cấp bậc. Đáp lại, thuộc cấp tỏ ra hết sức trung thành và sẵn sàng xả thân vì ông.

Trước khi diễn ra trận đánh ở Xuân Lộc, Tướng Đảo từng tuyên bố với vẻ thách thức trước các phóng viên ngoại quốc : “Tôi cương quyết giữ vững Xuân Lộc. Tôi không cần biết phe Cộng Sản sẽ tung ra bao nhiêu sư đoàn để đánh tôi. Tôi sẽ đánh bẹp tất cả! Thế giới sẽ chứng kiến sức mạnh và tài chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.” ( “I am determined to hold Xuan Loc. I don’t care how many divisions the communist will send against me. I will smash them all! The world shall see the strength and skill of the Army of the Republic of Vietnam.”) (Theo history.net)

Triệu Phong

Tổng Bí Thư Lê Duẩn như đánh hơi được ngày tàn cận kề của chính quyền Miền Nam căn cứ vào tình trạng rối loạn ở Đà Nẵng, nên hôm 29 tháng Ba, ông gởi tin nhắn cho Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, chỉ thị cho ông nầy phải “hành động cấp thời, quyết tâm và táo bạo,” bằng cách tạo cho Trần Văn Trà cơ hội mà vị tướng tư lệnh quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam này hằng ao ước. Thật ra đây chỉ là một văn bản đặc trưng của Lê Duẩn, nội dung có tính cách hướng dẫn chiến lược hơn là đưa ra những chi tiết chính xác, hay nói đúng hơn, trong trường hợp này, thật ra là một mệnh lệnh, cho phép mở cuộc tấn công. Dẫu sao, Tướng Trà lợi dụng sự nhập nhằng này của Lê Duẩn, trong khi Chiến Đoàn đang lăn bánh dọc theo Quốc Lộ 1 tiến xuống phía Nam, còn Quân Đoàn 4 thì đang tập trung trong cánh rừng rậm và các đồn điền chuối của tỉnh Long Khánh.

Điều khiến cho Xuân Lộc trở thành mục tiêu để quân CSBV mở cuộc tấn công do ở vị trí chiến lược của nó. Thị xã tọa lạc cách Thủ Đô Sài Gòn ba mươi bảy dặm về hướng đông bắc, kiểm soát Dầu Giây, giao điểm trọng yếu của QL1 với QL 20, hai trong ba con đường có tráng nhựa nối liền Sài Gòn với phần phía đông của Nam Việt. Sau sự sụp đổ của hai quân đoàn I và II, Xuân Lộc bỗng trở thành đốt mắt hết sức quan trọng của tuyến phòng thủ mà quân đội Nam Việt thiết lập để bảo vệ Sài Gòn. Hầu hết giới quan sát cho rằng cơ hội mong manh Nam Việt có thể đối phó với sự bao vây của địch là phải giữ Xuân Lộc. Nếu quân Nam Việt cố thủ được nơi đây, họ có hy vọng tái hợp lại các lực lượng vốn đã bị tả tơi và may ra cứu được đất nước khỏi bị đánh bại. Do ở tầm quan trọng ấy mà Xuân Lộc không mấy chốc trở thành địa điểm của các trận giao chiến ác liệt nhất trong cuộc tổng tấn công năm 1975.


Tướng Hoàng Cầm, tư lệnh Quân Đoàn 4 CSBV

Sau cuộc họp với Tướng Trà vào hôm 2 tháng Tư, Hoàng Cầm, tư lệnh Quân Đoàn 4 cùng những người khác trở lại bộ chỉ huy Quân đoàn 4 đặt gần cầu La Ngà, nằm trên QL 20, nơi diễn ra trận đánh hôm 18 tháng Ba. Đến hôm 4 tháng Tư, Tướng Cầm ra lệnh cho Sư Đoàn 7, vốn đang đóng gần Đà Lạt, lập tức di chuyển xuống hướng Nam, về phía Xuân Lộc. Với áp lực phải khẩn trương động binh của Tướng Trà và với chỉ năm ngày trước khi mở màn cuộc tấn công, Tướng Cầm quyết định áp dụng kế hoạch chiến thuật đơn giản nhất, đó là tấn công trực diện vào thủ phủ tỉnh Long Khánh. Chiến lược của kế hoạch là “sử dụng một phần các lực lượng bộ binh của Quân Đoàn, phối hợp với tất cả trọng pháo và chiến xa của Quân Đoàn, tung ra cuộc tấn công trực diện vào Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và Sư Đoàn 18. Nếu địch bị đánh tan, chúng ta sẽ nhanh chóng chiếm lấy Xuân Lộc. Sư Đoàn 7 được giao sứ mạng mở mũi tấn công chính từ hướng đông đánh chiếm bộ tư lệnh Sư Đoàn 18. Sư Đoàn 341 chịu trách nhiệm thực hiện mũi tiến công thứ nhì, từ hướng bắc đánh chiếm Bộ chỉ huy Tỉnh Long Khánh cùng những mục tiêu khác trong thành phố.”

Tấn công trực diện là một chọn lựa kỳ quặc đối với Tướng Cầm bởi ông vừa chứng kiến sự thất bại của kế hoạch chiến thuật tương tự đã từng áp dụng ở Chơn Thành. Trong hồi ký của mình, có đoạn ông viết : “Rõ ràng chúng ta đã giữ thế mạnh ở đó (Chơn Thành) nhưng chúng ta đã không vận dụng các lực lượng đúng mức trong cuộc tấn công này. Điều quan trọng là chúng ta đã đánh giá địch quá thấp và rằng chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc tấn công một cách quá qua loa. Nhầm lẫn này về sau có thể khiến chúng ta bị thất bại, không hoàn tất được sứ mệnh, hoặc khiến chúng ta phải trả giá quá cao mới đạt được mục tiêu.” Tướng Cầm cảm thấy điều tương tự ở Xuân Lộc, rằng việc mở cuộc tấn công vào lúc này là quá muộn màng, vì quân Nam Việt đã chuẩn bị cho sự phòng thủ của họ. Ông cũng quan ngại về tình trạng của Sư Đoàn 7, vốn đang mệt mõi do đã chiến đấu liên tục. Tuy nhiên bởi lý do không thể giải thích nào đó mà ông đã không né tránh cái kế hoạch tấn công trực diện ấy. Có lẽ ông hy vọng quân lính Miền Nam do quá khiếp sợ mà sẽ chạy tán loạn ngay sau khi nghe loạt súng đầu tiên của quân Giải Phóng.

Sư Đoàn 7 do còn đang ở quá xa không thể tổ chức thám sát trước, nhưng Sư Đoàn 341 thì đóng gần bên nên có được sự phân tích hoàn toàn về khu vực tấn công. Bước đầu tiên họ cho các cấp chỉ huy gặp các cán bộ đảng ở địa phương, thảo luận với nhau về địa thế, những ngữ cảnh có thể gặp phải khi mở cuộc tấn công. Họ đồng ý rằng các du kích địa phương sẽ đóng vai trò dẫn đường cho các đơn vị tấn công. Theo biên sử của Sư Đoàn 341, sau cuộc họp, “nhóm cán bộ được các tổ trinh sát của chúng ta hướng dẫn đến chu vi hàng rào bao quanh thị xã. Các toán tuyển chọn của lực lượng võ trang địa phương hướng dẫn chiến sĩ trinh sát cấp sư đoàn và trung đoàn của chúng ta đến gần những vị trí quân sự khác nhau trong thị xã. Trinh sát trưởng sư đoàn Lê Anh Thiện đến thám sát tư dinh của tỉnh trưởng. Lực lượng trinh sát kê ra vị trí các mục tiêu để tấn công, và những điểm đặc biệt nơi chu vi phòng thủ của địch dễ bị chọc thủng, đồng thời xác định sơ đồ của vòng rào kẽm gai, rào chắn và các chướng ngại. Vào ngày 5 tháng Tư, các tổ trinh sát của chúng ta dò thám lần cuối suốt chu vi vòng rào. Địch tiếp tục hoạt động bình thường bên trong thị xã, chứng tỏ rằng họ không hề hay biết gì đến cuộc hành quân của chúng ta. Địch không hề biết rằng trong suốt tuần lễ các chiến sĩ trinh sát chúng ta đang ẩn mình để quan sát và đánh dấu mục tiêu tấn công.”

Sau khi thực hiện cuộc thám sát ngỏ vào hướng tây bắc của Xuân Lộc và khu vực phụ cận thị xã, vào hôm 6 tháng Tư, các cấp chỉ huy Sư Đoàn 341 họp lại để bàn thảo kế hoạch tấn công đồng thời chuyển kế hoạch lên Quân Đoàn 4 chờ chuẩn thuận. Quân Đoàn đồng ý, và các sứ mệnh sau đây được phân ra : Trung Đoàn 266 sẽ tấn công các mục tiêu trong thị xã trong khi Trung Đoàn 270 sẽ đánh ở Kiêm Tân và Núi Thị, nơi địch đặt một tiểu đoàn pháo binh, một trung tâm truyền tin, và Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 43. Trung Đoàn 273 ở lại với Sư Đoàn 9. Hai trung đoàn 33 và 274 của Sư Đoàn 6 sẽ bao vây mặt nam của thị xã và tấn công giao lộ Dầu Giây cùng nhiều điểm quan trọng dọc theo QL 1 ở mặt tây của Xuân Lộc.

Trong khi Sư Đoàn 7 được giao phó trọng trách chính của cuộc tấn công, đơn vị này phải di chuyển khoảng cách một trăm dặm từ tỉnh Lâm Đồng, khiến mãi đến ngày 7 tháng Tư họ mới đến được điểm tập kết. Họ được lệnh tiêu diệt Trung Đoàn 48 và giải phóng giao điểm của Quốc Lộ 1 và 2 tại ấp Tân Phong, phía nam Xuân Lộc. Trong khi ban tham mưu Sư Đoàn 7 vừa bắt đầu thảo kế hoạch tấn công thì đột nhiên nhận được lệnh thay đổi. Sư Đoàn phải giải phóng thị xã trước rồi mới tập trung vào việc tiêu diệt Trung Đoàn 48. Với không đầy một ngày để triển khai kế hoạch tấn công mới, Sư Đoàn 7 quyết định rằng “Trung Đoàn 165 sẽ dẫn đầu mũi tấn công chính đánh vào căn cứ hậu cần của Sư Đoàn 18 và trạm chỉ huy nằm ở phía đông bắc thị xã (và hậu trạm của Trung Đoàn 52.) … Trung Đoàn 209 sẽ giải phóng QL 1 từ Suối Cát (một thôn nhỏ nằm cách Xuân Lộc chừng năm dặm về hướng đông.) đến giao điểm Tân Phong, đánh ngược lên thị xã từ hướng nam, rồi nằm chờ để tấn công viện binh của địch. Trung Đoàn 141 sẽ phục vụ như là một lực lượng trừ bị.”


Quân Đoàn 4 dời bộ chỉ huy sang một vị trí nằm ở hướng đông bắc Xuân Lộc, điều hợp hỏa lực pháo binh cho mọi đơn vị, đồng thời thiết lập đường tiếp tế cho ba đơn vị tấn công chính. Quân đoàn cũng gởi một bộ chỉ huy tiền phương dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh phó Quân Đoàn Bùi Cát Vũ đến Núi Chứa Chan ở phía đông thị xã để giám sát cuộc tấn công. Giờ H được định vào lúc 5:30 sáng ngày 9 tháng Tư. Nếu CSBV tấn công Xuân Lộc mà gây được một cuộc lui binh khác của quân đội Miền Nam, thì sẽ không còn gì nằm chắn giữa Quân Đoàn 4 với Sài Gòn, ngoại trừ Lữ Đoàn 1 Dù. Họ dự trù sẽ có cuộc hoảng loạn đối với hằng ngàn người Mỹ và các đồng minh của Nam Việt, các thợ thuyền công chức và bạn bè họ trong thành phố thiếu phòng ngự.

Tuy nhiên, Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18, đang chờ cuộc tấn công đó của quân CSBV.

(còn tiếp)

*****

Black April.jpg
The defeat of South Vietnam was arguably America’s worst foreign policy  disaster of the 20th Century. Yet a complete understanding of the  endgame—from the 27 January 1973 signing of the Paris Peace Accords to  South Vietnam’s surrender on 30 April 1975—has eluded us.
Black April addresses that deficit. A culmination of exhaustive research in three  distinct areas: primary source documents from American archives, North  Vietnamese publications containing primary and secondary source  material, and dozens of articles and numerous interviews with key South  Vietnamese participants, this book represents one of the largest  Vietnamese translation projects ever accomplished, including almost one  hundred rarely or never seen before North Vietnamese unit histories,  battle studies, and memoirs. Most important, to celebrate the 30th  Anniversary of South Vietnam’s conquest, the leaders in Hanoi released  several compendiums of formerly highly classified cables and memorandum  between the Politburo and its military commanders in the south. This  treasure trove of primary source materials provides the most complete  insight into North Vietnamese decision-making ever complied. While South  Vietnamese deliberations remain less clear, enough material exists to  provide a decent overview.
Ultimately, whatever errors occurred  on the American and South Vietnamese side, the simple fact remains that  the country was conquered by a North Vietnamese military invasion  despite written pledges by Hanoi’s leadership against such action.  Hanoi’s momentous choice to destroy the Paris Peace Accords and  militarily end the war sent a generation of South Vietnamese into exile,  and exacerbated a societal trauma in America over our long Vietnam  involvement that reverberates to this day. How that transpired deserves  deeper scrutiny.

George J. Veith, a former Army captain, has written extensively on the  Vietnam War and POWs/MIAs.  He is most recently the author of  Leave No Man Behind: Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War (2004).  He has presented papers at major conferences, including the  May 2008 conference in Paris on “War, Diplomacy, and Public Opinion: The  Paris Peace Talks on Vietnam and the End of the Vietnam War  (1968-1975).” He testified twice on the POW/MIA issue before the  Congress.

No comments:

Post a Comment