Friday, June 18, 2021

ÁO HỌC TRÒ VÀ ÁO TRẬN - Như Thương

(Kỷ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, 19.6.2021)

Thế hệ chúng tôi khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường vào thời điểm của những năm 1972 bắt đầu biết về NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA vì có những người bạn đã rời trường lớp lên đường tòng quân. Chúng tôi chợt thấy bạn mình trưởng thành hơn trong buổi bạn bè chia tay. Những người bạn ấy không còn vui chơi với thầy bạn nữa, mà cuộc đời của các bạn đã sang trang: ĐI LÍNH! Cầm bút trở thành cầm súng để bảo vệ quê hương. Tôi xin được viết chữ LÍNH bằng nét chữ hoa để Vinh danh các bạn.

Màu áo học trò và những khuôn mặt nghịch ngợm trong cửa lớp chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp ở Quân trường đã hoàn toàn khác biệt nhau. Rắn chắc! Đen cháy! Chững chạc! Bạn chúng tôi đã là một NGƯỜI LÍNH...! Bạn đã thật sự đi vào cuộc chiến của vó ngựa sa trường, một cuộc chiến mà sẽ có người đi không về. Chúng tôi thầm thán phục bạn từ đấy, bởi vì tuổi thanh xuân của chúng tôi vẫn còn tràn đầy niềm vui trong thế giới học trò, còn bạn thì …Trường học và Quân trường là hai thế giới, hai môi trường khác hẳn nhau. Cổng trường và cánh cổng của Trung tâm Tuyển mộ, Nhập ngũ đã hun đúc thế hệ trai trẻ thành người hữu dụng cho đất nước.

Ký ức của tuổi học trò hòa lẫn với ký ức của những người trai sinh ra trong thời ly thi`loạn đã trở thành hành trình lập thân của bạn mình. Ngày về trong bộ quân phục của những ngày phép mãn khóa học, bạn đã ưỡn mình hiên ngang nhìn bạn bè cười … với nụ cười học trò như xưa. Màu áo lính trận tự nó đã mang hồn thiêng sông núi, nên oai hùng thế đó!

Chúng tôi bất chợt được học thêm được những từ ngữ ngoài khuôn viên cửa lớp từ những lần về phép của những người bạn lính kể chuyện: Tân binh, Thẻ Bài, Đoạn đường chiến binh, Quân ngũ, Màu Áo trận, Giày Saut, Nón sắt, Ba lô, Quân trang, Quân phục, Quân dụng, Quân trường, Quân Binh chủng, Cấp bậc, Lon, Đơn vị, Trận mạc, Áo trận, Giày Saut, Poncho, Súng đạn, Hành quân, Giao thông hào, Bom, Pháo kích, Kèn thúc quân, Cao điểm, Tiền đồn, Chiến sĩ, Hậu phương, Tiền tuyến, KBC, Đồng đội, Chỉ huy trưởng, Tư lệnh, Quân đoàn, Vùng I,II,III,IV, Kèn Tử sĩ…..

Dần dần chúng tôi biết dõi theo những cơn bụi mù trời của miền cao nguyên khi những đoàn công voa (convoy) về ngang phố thị. Trên những đoàn xe GMC ấy là màu áo lính, các Anh trông giống như "người rừng" với lá cây trên nón sắt, ba lô, những tiếng cười vang vang hòa lẫn trong tiếng xe. Cao nguyên điểm xuyến thêm những cành lan tím … rất rừng của bạt ngàn theo những người Lính trên những chiếc xe GMC ấy về con phố nhỏ. Đoàn xe trong ánh mắt bọn học trò chúng tôi là một sự lạ lẫm, chứ chúng tôi không hề có cảm nghĩ gì khác hơn nữa, nhưng sau lưng đoàn xe ấy là đôi mắt của những người Mẹ già, người Vợ đợi người thân yêu của mình về lại với gia đình bình an. Phố xá bắt đầu vương mang hình ảnh của chiến tranh bởi màu áo lính, đoàn xe convoy và những đêm kinh hoàng của tiếng đạn pháo kích. Buổi binh đao!

Phố thị tôi ở rất lặng lẽ - có vẻ như đang tiềm ẩn sự hốt hoảng khi chợt nhận dạng ra chiến tranh đang đến rất gần bởi những đêm nghe pháo kích và những người con ra đi như thế. Rồi thời gian trôi theo năm tháng, quân trường đã gởi về lại gia đình những đứa con yêu của gia đình. Niềm vui vỡ òa trên những khuôn mặt những người lính sữa (chữ "sữa" đối với sự dày dạn của đời Lính, chứ với bọn học trò chúng tôi, thì bạn mình ngày xưa bây giờ rất "OAI").

Và ngày học trò chúng tôi (những người ở hậu phương) ra trường thì những người lính ấy có mặt trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật. Hành trang của Lính đã thay thế cho hành trang sách vở học trò. Đất nước chắt chiu những viên ngọc quý ấy, những người Mẹ cũng đã âm thầm lên đường theo dấu chân giày Saut của con trai mình, những người Vợ giờ thì hằng đêm khấn vái Ơn Trên cho người chồng lính trận được mọi điều an lành trong đường tên, mũi đạn, những lá thư đặc biệt có 3 chữ viết tắt KBC đã từng là niềm vui bất tận cho mọi người trong đại gia đình…

Trong lòng chúng tôi, đã hàng bao năm vẫn không quên được những ngày tháng dầu sôi lửa bỏng sau mốc thời gian năm 1972 đã về thành phố nhỏ bé của chúng tôi kể từ khi bạn học lên đường nhập ngũ. Tôi bắt đầu đọc báo nhiều hơn và dần dần hiểu về tình hình chiến sự của đất nước đang đến hồi căng thẳng. Cho đến ngày vận nước ngả nghiêng và cs miền Bắc tiến chiếm miền Nam thì những người bạn thư sinh đi lính của chúng tôi đã tản mác khắp bốn phương trời, có những người đã không về lại thành phố và biệt tăm!


image.jpeg

Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Đồng Đế (Nha Trang)

  image.jpeg

Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức

 image.jpeg

 

image.jpeg

Trường Võ Bị Sĩ Quan Đà Lạt


Rồi một hôm cả nhóm học trò chúng tôi sững sờ khi nghe tin "Tử trận" của một người anh trai đứa bạn trong lớp! Người LÍNH ấy trẻ quá, chỉ vừa tuổi đôi mươi. Chúng tôi đến dự tang lễ mà trong lòng đầy nước mắt... Lần đầu tiên tôi thấy Lễ Phủ Cờ, nghe tiếng kèn tiễn đưa buồn sâu thẳm, nhìn những người lính đồng đội dàn hàng nghiêm chỉnh chào biệt bạn mình... Làm sao diễn tả hết tất cả sự xúc động từ những gì tôi nghe và mục kích tận mắt. Sau bao nhiêu năm và mãi cho đến hôm nay, trong ký ức tôi vẫn còn khắc sâu hình ảnh của người vợ trẻ của Tử sĩ trong tang lễ! Chị bỗng già đi so với hình ảnh và số tuổi trong ngày cưới của vài tháng trước đó! Không còn nước mắt. Không còn tiếng nức nở, thét gào. Thế nhưng ánh mắt của chị là ánh mắt của sự thất thần, vô hồn! Chị luôn muốn nằm bên cạnh chiếc quan tài. Lòng huyệt, chiếc áo sô rũ rượi, bám đầy bụi đỏ và mái tóc dài xổ tung rối bời. Son phấn thanh xuân xưa đâu hả chị? Lúc ấy, chúng tôi chỉ vào độ tuổi đôi mươi, nên hãy còn rất học trò, nhưng bỗng dưng cảm nhận được niềm đau tột cùng của chị. Tiếng khóc của gia đình, tiếng kinh cầu dường như phải nén lại cùng với nỗi đau của chị. Cuộc chia ly vĩnh viễn này có ai thấu được, để giờ đây tên anh đi kèm với hàng chữ "Cố Thiếu Úy" và chị trở thành Quả Phụ một người Lính. Người Lính chết quá trẻ và người vợ lính trở thành Cô phụ trẻ quá với một tấm hình và một lá cờ Tổ Quốc Ghi Ơn. Người LÍNH TRẬN đã đền nợ nước. Ôi! Một sự hy sinh thật cao cả!

Bẵng đi một thời gian …khi người còn sống sót sau cuộc chiến khốc liệt năm 1975 đi tìm người chết, chúng tôi biết được bạn bè xưa có người đang ở trong TÙ! Chữ "Tù" ấy thật kinh hoàng đối với chúng tôi vì nó là "tù cải tạo"! Danh từ mà chúng tôi chưa từng biết và hình dung nó như thế nào cả. Thầy và trò cùng ở chung nhau trong trại "tù", vì thầy xưa là Lính biệt phái sang ngành giáo dục, trò đi Lính và thế là khổ nhục bên nhau. Người học trò thư sinh, người thầy trên bục giảng mà chúng tôi một mực kính trọng đã truyền kiến thức cho chúng tôi đang lâm nạn! Ai biết được họ có toàn mạng trở về được không? Mãi sau này khi mọi người thoát nạn thì chúng tôi mới biết được sự thật về cuộc sống nơi "lán trại tù".

Nói đến chữ "Tù", thì từ ngữ thốt ra đầu tiên phải là chữ "Đói". Con người bị bỏ đói đến chết. Rồi đến chữ "Lao động khổ sai"- làm việc đến kiệt sức mà chết. Dĩ nhiên tiếp theo sẽ là chữ "Bệnh" - bệnh của người trong "tù cải tạo" mà còn sống được thì chỉ có Trời cứu, vì họ không có được một viên thuốc đúng bệnh, chứ đừng nói chi đến bác sĩ, nhà thương. Tù tội, nhục hình, chết không hàng, không cúi đầu chịu nhục: Chân dung của người Lính bây giờ nằm vỏn vẹn trong những ngôn từ trên. Chúng tôi xin cúi đầu thán phục vì chỉ có những ai đứng trước họng súng giặc mà vẫn hiên ngang không cúi đầu thì mới minh định được cái Chí Khí Anh Hùng của người Lính kiên cường như thế nào.

Tuổi trẻ của các bạn tôi thật đáng tự hào vì đó là tuổi trẻ kiêu hãnh. Bài học hiến thân để phục vụ đất nước trong ngưỡng cửa học đường các bạn đã không cần bài thi kiểm tra và đã tốt nghiệp.

Thế hệ chúng tôi là thế hệ ấm êm và hạnh phúc với mộng tương lai xán lạn trong lòng từ những ưu việt của hai nền Đệ I và Đệ II Cộng hòa, nhưng lại là gạch nối gãy ngang của nền Đệ II Cộng hòa và chế độ cộng sản thống trị toàn dân Việt Nam sau 1975. Từ sự gãy ngang ấy mà bức tượng THƯƠNG TIẾC của Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa - diễn tả một người lính tiếc thương bạn đồng đội đã hy sinh trên chiến trường cũng đã cùng chung số phận đau thương như vận nước! Biểu tượng người Lính của bức tượng không còn nữa, nhưng trong ký ức thì hình ảnh Nhân bản của những người Lính Việt Nam Cộng hòa sẽ không bao giờ mất và trong lòng người dân miền Nam, những người Lính ấy tượng trưng cho sự bình yên, bảo bọc dân lành trong thời gian quê hương chìm trong khói lửa năm 1975.

Những người Lính Việt Nam Cộng hòa còn rất trẻ và bước ra từ ngưỡng cửa học đường. Dấu chân giày Saut của những người con yêu đất nước đã đi vào trang sử oai hùng của dân tộc dẫu họ còn sống hay đã mất trong cuộc chiến kéo dài trên 20 năm khốc liệt. Máu xương của người Lính đã thành sông, thành núi cho sự trường tồn một dân tộc.

Một lực lượng quân đội với chính nghĩa để bảo vệ cho sự sống còn của đất nước khi hiểm họa cộng sản - mà sự tiềm ẩn là giặc Tàu manh tâm đồng hóa và xóa sổ bản đồ, dân tộc Việt Nam từ ngàn năm xưa. Lực lượng ấy chiến đấu can trường cho Tự Do No Ấm của toàn dân và sự toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia với kỷ luật nghiêm minh - đã được khai sinh trong thời ly loạn và mang tên QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA - để đào tạo những người con yêu dấu của gia đình thành những viên ngọc quý cho đất nước, thành những bậc Anh Hùng hoặc lừng lững đi vào sử xanh nghìn thu.

Trên cổ người Lính có sợi Dây Thẻ Bài, trong Hồ sơ Quân Bạ có Chứng chỉ Tại ngũ và trong trái tim người LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA có màu cờ thiêng Tổ Quốc "Cờ vàng ba sọc đỏ" như ngày nào hàng hàng lớp lớp những người lính trận đã xung phong tiến chiếm đỉnh đồi từ tay giặc Cộng sản Bắc phương manh tâm tiến chiếm miền Nam Tự Do. Màu cờ đã nhuộm biết bao nhiêu xương máu hy sinh, thương tật và nước mắt của cả một dân tộc.

Chỉ cần giữ vững ngọn cờ ấy là các Anh đã bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, quên đi hạnh phúc riêng tư và gia đình. Ôi! CỜ THIÊNG TỔ QUỐC và lời thề TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM của một NGƯỜI LÍNH vĩnh viễn là khuôn vàng thước ngọc cho những thế hệ hậu sinh. Màu cờ vàng đã theo chân các Anh từ buổi chào cờ ở trường học, rồi theo chân người vào dặm đường chiến binh - đã là ngọn hải đăng trong suốt cuộc đăng trình của những người trai thời ly loạn trên khắp nẻo đường quê hương để bảo vệ giang san gấm vóc mà Tiền nhân đã dày công khai phá, vun bồi và cẩn tắc gìn giữ.


Số Quân của một người LÍNH chỉ tiềm ẩn con số của năm sinh, không có năm tử!

Các Anh vẫn còn đang là Quân nhân Tại Ngũ khi chưa nhận được tờ giấy Xuất Ngũ.

TINH THẦN BẤT KHUẤT CỦA NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA MÃI MÃI BẤT DIỆT trong lòng người dân Việt. Các Anh dẫu là người Lính ở đơn vị nào, cấp bậc nào, còn sống hay đã hy sinh đều là những người con yêu của Tổ Quốc, mà nhiều thế hệ mai sau ngưỡng mộ, thán phục và luôn mong muốn được noi theo gương sáng ấy.

 

image.jpeg



image.jpeg


Thẻ bài tử sĩ tìm thấy trên bãi biển An Dương. (Hình: Huy Phương)

  Thế hệ chúng tôi là thế hệ sống trong một phần những tháng ngày hiện hữu của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA và chúng tôi đã là chứng nhân của những trang sử oai hùng của những người LÍNH. Chúng tôi được sinh ra trong một quãng đường trăn trở, gập ghềnh của quê hương và trong bề dài lịch sử của sự thành lập một lực lượng Quân Đội OAI HÙNG và BẤT KHUẤT.

Xin cúi đầu Tri Ân sự hy sinh dũng cảm tuổi thanh xuân của những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, trong số ấy có những người bạn trẻ học cùng trường với chúng tôi. Trong ánh mắt chúng tôi, màu áo trắng thư sinh của thế hệ trẻ thay bằng màu áo trận vinh quang đã là hình tượng thật oai hùng! Các bạn đã Thành Nhân trên con đường phụng sự Tổ quốc thân yêu.

Những người lính “sữa” đã không về đầy đủ như ngày ra đi, nên không còn cơ hội để kể lại chuyện chiến trường xưa cho bạn học nghe nữa… Thương tiếc và nhớ những người Lính trẻ ấy ngàn đời. Chúng tôi là những người còn sống sót sau cuộc chiến - xin nợ những người Lính năm xưa và nguyện sẽ toàn tâm toàn sức tiếp nối con đường các Anh đã đi: Con đường dân tộc vinh quang có bóng cờ vàng tung bay muôn phương.

Xin thắp nén hương lòng tiễn biệt những người Lính Việt Nam Cộng Hòa vĩnh viễn ra đi không về lại với vòng tay gia đình và thân hữu, bè bạn được nữa. Xin các Anh yên nghỉ trong lòng Đất Mẹ bình an. Tổ Quốc Ghi Ơn các Anh ngàn đời.

Như Thương

No comments:

Post a Comment