Monday, September 6, 2021

Trên vòm trời lửa đạn . Lời Bạt và Giới thiệu sách của : Võ Ý đọc: TRÊN VÒM TRỜI LỬA ĐẠN của Vĩnh Hiếu

Đây là bài viết của cựu Trung Tá Võ Ý, một cây viết của Không Quân, nguyên Phi đoàn Trưởng Phi đoàn 118 Bắc Đẩu trú đóng tại Pleiku, Sư Đoàn 6 KQ
Trên Vòm Trời Lửa Đạn như thể một cuốn phim bi hùng hấp dẫn và lôi cuốn từ đầu đến cuối. Chuyện phim diễn lại những chiến trận khốc liệt tại Quân Khu II trong khoảng thời gian 1970-1975 mà tác giả Vĩnh Hiếu trực tiếp tham dự trong vai một phi công trực thăng võ trang thuộc Phi Đoàn 215 Thần Tượng, KĐ62 CT/SĐ2KQ Nha Trang. Phần kết của cuốn phim diễn lại một phần trong toàn cảnh những ngày tàn của cuộc chiến qua bài viết Phi Đoàn Thần Tượng Giờ Thứ 25 (1) khi Sàigon đang hấp hối và khi Thiếu tá Lương, một phi công của chiếc trực thăng cuối cùng đã quyết định ditching (2) như hai chiếc trước và được cứu thoát lên tàu dầu Anh quốc ngoài khơi Côn Đảo trong tiếng thở phào của trên 40 đồng đội và các thủy thủ trên tàu. Đèn rạp bật sáng, khán giả nặng nề bước ra khỏi rạp. Im lìm, lặng lẽ…Tôi cũng im lìm lặng lẽ như họ, vì tôi cùng chung với họ nỗi đau xé ruột và nỗi uất hận ngút ngàn vì miền Nam thân yêu của họ đã bị bức tử oan nghiệt dù họ đã tận lực hiến thân dưới cờ (3). Quay lại từ đầu, năm lên 6, Vĩnh Hiếu đã theo cha mẹ từ Huế vào Nha Trang sinh sống. Trong máu huyết của anh đã thẩm đượm sóng xanh vỗ về và nắng hồng ấp ủ nên tâm tình của Vĩnh Hiếu cũng nồng nàn như gió biển. Gặp lúc đất nước nhiễu nhương, Vĩnh Hiếu gia nhập không quân vào năm 1968. Tốt nghiệp khóa bay từ Mỹ quốc, anh trở về phục vụ trong phi đội trực tăng võ trang thuộc Phi Đoàn 215 Thần Tượng, tung hoành ngang dọc khắp chiến trường Quân Khu II từ năm 1970 cho đến ngày tàn cuộc chiến (1). “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” (TVTLĐ) là bút ký chiến trường chào đời cuối đông 2011, do tác giả xuất bản. Sách dày 424 trang kể cả bìa, gồm 5 chương: 1- Những Phi Vụ Khó Quên – 2- Mặt Trận Bình Định – 3- Mùa Hè Đỏ Lửa – 4- Chuyện Bên Lề và 5- Ngày Tàn Cuộc Chiến. Ngoại trừ Chương 4- Chuyện Bên Lề, những chương còn lại được diễn tả một cách sống động những trận chiến tự vệ và phản công quyết liệt của QLVNCH với sự yểm trợ hỏa lực của trực thăng võ trang do Vĩnh Hiếu dẫn đầu trước sức tấn công thí chốt của cộng quân. Tôi cũng từng bay yểm trợ những trận đánh đẫm máu tại Thăng Bình, Khe Sanh, Bồng Sơn Tam Quan, Dakto Tân Cảnh, Kontum, An Khê…, trong vai trò một phi công quan sát, nhưng tôi thật sự sững sờ sau khi đọc xong bút ký chiến trường của Vĩnh Hiếu. Tôi sững sờ vì nhận thấy được rằng, chiến trận dưới mắt một phi công trực thăng võ trang tàn khốc hơn là điều mà tôi đã kinh qua. Trước những hiểm nguy rình rập của phòng không, của hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 hay của ground fires thì phi cơ trực thăng – đặc biệt trực thăng võ trang – gánh chịu nhiều hiểm nguy hơn bất cứ các loại phi cơ tham chiến nào khác. 8 Rõ ràng là chiếc U-H1 có dáng dấp cồng kềnh, tốc độ bình phi chừng 90 knots, khi chong chóng quay một vòng tròn khép kín thì giống như một tấm chắn bằng kim loại nhẹ có diện tích tròm trèm 168 m2 (4) cũng là một mục tiêu quá ngon lành cho phòng không của địch. Phương chi, nhiệm vụ của trực thăng lại sát cánh với bộ binh trong các cuộc đổ quân, tản thương hay tiếp tế thì chuyện thập tử nhất sinh trước hỏa lực phòng không của địch không còn là chuyện giởn cợt: “Tôi cảm thấy cuộc đời bay bổng của hoa tiêu trực thăng quá mong manh, mạng sống như chỉ mành treo chuông, (…) tương lai chỉ đếm từng ngày một.” (TVTLĐ, trang 165). “Có thể nói ngành trực thăng là một đơn vị tác chiến lưu động gần sát nhất với bộ binh hơn cả, có một cuộc sống phong trần gian khổ của một người lính đánh trận nhưng được hưởng tất cả ưu đãi tiện nghi của thành phố”. (TVTLĐ, trang 115). Có thể cảm nhận được mạng sống như chỉ mành treo chuông nên phi công Vĩnh Hiếu mới suy nghĩ đến vấn đề sinh tồn. Cổ nhân đã day: khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống. Đem cái biết áp dụng vào binh thư là biết địch biết ta. Biết trực thăng của ta giới hạn về tốc độ và hỏa lực, biết mạng sống của cán binh cộng sản được cột chặt vào các khẩu cao xạ để làm con chốt thí, thì vấn đề bảo toàn mạng sống của ta là…biết vậy! Điều sững sờ khác mà tôi cảm nhận được sau khi gấp sách lại, đó là, qua kinh nghiệm và mưu trí, phi công Vĩnh Hiếu đã “động não” nghĩ cho ra những chiến thuật khả dĩ giúp “giảm thiểu nguy hiểm cho ta gây tổn hại tối đa cho địch”. Những tactic tự suy nghĩ và tự áp dụng một cách linh động, có cân nhắc kỹ lưỡng dù không thông qua một lệnh lạc nào, được kể ra như sau: 1- Đội Hình Bay: Trích: “Chúng tôi thường phải dùng những chiến thuật thích hợp với tình thế trên trân địa (…), ở những vùng núi rừng cao nguyên chúng tôi thường bay sát ngọn cây (…), địch không có thời gian nhắm bắn những chiếc tàu bay vút qua đầu (…). Những lúc bay ngang đường mòn HCM, tiếng động cơ ầm ỉ từ xa của chiếc trực thăng đã làm cho địch chuẩn bị. Khi chiếc số một bay qua, địch quân đủ thời giờ để gờm súng phục kích chiếc số hai. Để bảo vệ cho “wingman”, trong trường hợp nầy, tôi đổi chiến thuật và cho chiếc võ trang số hai bay song song ở khoảng cách khá xa, và cùng vượt qua đường một lần “(5). Phải chăng Vĩnh Hiếu đang áp dụng linh động binh thư của Tôn Tử vào đội hình bay của trực thăng võ trang? 2- Bịt Mắt Địch Trong trận chiến giải tỏa “Cao Điểm 601” thuộc cửa khẩu Đề Gi Bình Định khoảng tháng 01/1973 (sau khi ký Hiệp Định đình chiến Paris, theo tác giả) mà mục tiêu là ổ súng cao xạ do địch chốt trên cao điểm đã không làm Vĩnh Hiếu nao núng. Với quyết tâm và quyền biến, anh xoay sở đủ mọi cách để nhổ cho bằng được cái chốt hung hiểm kia. Lúc đầu, anh chọn mặt trời làm phương tiện ngụy trang, từ trên cao dánh xuống theo trục ánh sáng, địch sẽ bị chói lòa mắt khi nhìn lên để bắn trả. Cách nầy không thành công vì trục oanh kích gặp gió đuôi thổi từ biển vào làm lệch đạn đạo (5). Trong khi chờ đổ xăng và load thêm đạn dược, Vĩnh Hiếu nghĩ ra cách thứ hai là vừa che mắt địch vừa xịt rocket trên đầu địch, muốn đánh chính xác phải vô thật sát mục tiêu. Anh phân công chiếc Hồ 2 trang bị toàn rocket khói, đánh một lần vào mục tiêu, khói che lấp mù mịt, còn Hổ 1 do anh lead đã chờ sẵn trên trục tiến: “Không một chút chậm trể, tôi đẩy cần lái, chiếc trực thăng võ trang cắm đầu như một con 9 chim đại bàng lăng xả vào con mồi….mười bốn trái hỏa tiễn tranh nhau rời giàn phóng lao xuống mục tiêu (5). Quân bạn báo cáo dàn phòng thủ cũng như ổ cao xạ đã bị tiêu diệt qua đợt tấn công mưu trí nầy! (5). 3- Dương Đông Kích Tây Từ đường mòn HCM vùng Tam biên trở về hậu cứ, tác giả bất ngờ phát hiện khẩu phòng không của giặc. Thay vì bỏ qua để về nhà ngủ nghỉ yên thân, tác giả quyết ở lại để tìm cach tiêu diệt nó: “Nếu tôi cho wing-man của tôi bay vòng sát đầu ngọn cây phía Bắc của địch, tiếng động cơ ồn ào của cánh quạt sẽ gây chú ý của tên xạ thủ và chắc chắn nó sẽ quay mũi súng chờ đợi. Bay nhanh sát trên ngọn cây từ hướng Nam lên, tôi sẽ bất ngờ đột kích. Khẩu cao xạ nặng nề sẽ không quay họng súng kịp để tác xạ. Nếu suy luận của tôi đúng, tôi chỉ cần vài ba giây ngắn ngủi để hoàn tất sứ mạng (6).” Tác giả đã hoàn tất sứ mạng mission impossible ngoài phi lệnh một cách tuyệt vời với 14 trái rocket phóng xuống mục tiêu trước sự ngỡ ngàng của địch quân: “Trên đường trở về căn cứ, tôi hình dung một nụ cười mãn nguyện đang nở trên môi của Rinh nơi chín suối (6).” 4- Đầu Đạn Fletchette Trở về mặt trận Kontum, ngọn núi Chư Pao nằm bên quốc lộ 14 giữa Pleiku và Kontum đã bị địch đóng chốt. Khu trục đã oanh kích hàng ngàn tấn bom vào cao điểm nầy nhưng chưa nhổ được. Hai chiếc gunships nhận lệnh tiêu diệt chốt đóng trụ nầy. Sau vài vòng tác xạ, thấy không ăn thua gì vì công sự của địch đào sâu trong núi đá, hơn nữa, các mũi súng phòng không lại hăm le chực sẵn. Vĩnh Hiếu chọn trục tác xạ từ dưới lên để tránh các khẩu cao xạ đặt trên sườn núi không thể chỉa mũi súng xuống dưới được. Cách đánh nầy không thành, tàu trúng đạn ground fires, hợp đoàn đành bay về hậu cứ để refuel và reload. Lần nầy Vĩnh Hiếu quyết định trang bị “đầu nổ đinh” (fletchette warhead), đây là loại hỏa tiễn đáng sợ nhất đối với cộng quân, chuyên dùng để chống biển người (7). Trở lại Chu Pao, Vĩnh Hiếu báo cho Charlie (Command & Control ship) biết là, hai gunships lần nầy trang bị đầu đạn đinh. Thiếu tá Đặng Đình Vinh ngac nhiên, ông sợ như vậy sẽ sát hại cả quân bạn. Sau cùng, Thiếu tá Vinh đồng ý với yêu cầu của Vĩnh Hiếu là, quân bạn rút phòng tuyến xuống dưới chân núi chừng năm chục mét là được rồi (…): “Bảy mươi sáu trái rocket đinh của hai chiếc Mãnh Hổ nầy là nguồn hy vọng cuối cùng của chúng tôi (7).” Và niềm hy vọng cuối cùng của hai phi hành đoàn trực thăng võ trang gan dạ đã nhận một tín hiệu vinh quang: -“Hổ, đây Charlie”! -“Nghe 5.” -“Hổ khỏi lên vùng lại. Về biệt đội đáp, tắt máy nghỉ luôn, xong ngày hôm nay. Hổ, bộ binh đã nhổ được chốt của tụi nó rồi. Đếm gần 20 xác chết ghim đầy đinh sắt. Bộ Chỉ Huy có lời khen!” (7). “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” đã được hai chiến sĩ Tự Do, Đặng Chí Bình và Phạm Tín An Ninh, cũng là hai nhà văn tên tuổi, viết lời giới thiệu tác phẩm một cách trang trọng nói lên giá trị chân thật, đau thương và khốc liệt về nội dung của quyển bút ký chiến trường nầy. Phảng phất đâu đó, hai vị cũng mô tả tính nhân bản của tác giả, một chiến sĩ của QLVNCH nói chung. Nhân đây, chúng tôi cũng xin góp một vài ghi nhận thô thiển về tác phẩm đầu tay của Vĩnh Hiếu. Là phi công ngành quan sát, chúng tôi không bao giờ dám nghĩ ra cách tiêu diệt ổ phòng không bằng hỏa lực của trực thăng võ trang. Tư lệnh diện địa 10 cũng sẽ thận trọng như vậy. Thông thường, chúng tôi xin khu trục hoặc pháo binh để làm việc nầy. Phải là một chiến sĩ chịu chơi, gan dạ, liều lĩnh và mưu trí như Vĩnh Hiếu, mới dám nghĩ ra những “tactic phi quy ước” để tiêu diệt ác tâm của cộng quân. Những tactic phi quy ước được hình thành là do kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm của một phi công, và trên hết là tình yêu mà Vĩnh Hiếu dành cho Tổ Quốc Việt Nam thiêng liêng trong đó có đồng bào đồng đội và non sông cẩm tú của anh. Cho đến nay, chưa có một tác giả Không Quân nào viết bút ký chiến trường nói lên chiến thuật tác chiến một cách bất ngờ, sáng tạo và liều lĩnh như phi công Vĩnh Hiếu. Ngay cả Trường Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp Không Quân hình như cũng chưa hề nghĩ ra cách thu thập và tổng hợp các kinh nghiệm không yểm của tất cả các loại phi cơ để viết nên những chiến thuật căn bản hầu áp dụng linh động trên chiến trường Việt Nam. Vì thế mà tôi sững sờ đến sung sướng khi đọc Trên Vòm Trời Lửa Đạn. Tôi biết Vĩnh Hiếu từ thời ở Nha Trang và sau nầy tai Santa Ana. Tôi cũng lai rai đọc Vĩnh Hiếu đâu đó. Tôi quen biết Vĩnh Hiếu trong tình Quân chủng. Phải đợi đến khi đọc xong tác phẩm đầu tay của anh, tôi nhìn Vĩnh Hiếu uy nghi hơn, bề thế hơn và sâu sắc hơn bởi lòng quý trọng tâm huyết của anh đối với Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm. Hình như niềm hãnh diện của tôi về Quân chủng cũng được nhân lên, sâu đậm và rạng rỡ hơn sau khi đọc xong Trên Vòm Trời Lửa Đan. Cám ơn Vinh Hiếu, chân thành. Và tôi ước mong sẽ có một nhân sĩ có lòng, chuyển ngữ Trên Vòm Trờ Lửa Đạn ra Anh ngữ, khả dĩ để cho giới truyền thông và dư luận quần chúng Mỹ biết, đã có một thời Quân Lực VNCH chiến đấu can trường như vậy. Bắc Đẩu Võ Ý Tháng 4/2012
Chú thích: (1) TVTLĐ – Chương 4 – Ngày Tàn Cuộc Chiến – Phi Đoàn Thần Tượng: Giờ Thứ 25, trang 397. (2) Ditching: phi cơ hạ cánh khẩn cấp trên mặt biển. (3) Quốc ca VNCH (4) Theo tác giả, đường kính của cánh quạt trần của U-H1 là 48 feet, tương đương 14,63m. Diện tích vòng quay là (R bình phương x Pi) > (14,63/2)2×3,1416 # 168m2. (5) Chữ in nghiêng, trích trong TVTLĐ – Cao Điểm 601. (6) Chữ in nghiêng, trích trong TVTLĐ – Người Ở Lại Charlie. Rinh ở đây tức Phạm Thành Rinh, hoa tiêu trực thăng võ trang 215, bạn tác giả, bị bắn nổ tung trên bầu trời Võ Định, Tân Cảnh cùng với Thiếu úy Võ Diện- Người Ở Lại Charlie, trang 158. (7) Đầu đạn Flectchette. Mỗi đầu đạn có gần 3000 chiếc đinh thép, hình giống như những mũi phi tiêu nhỏ, dài cở 2 inches. Sau khi hỏa tiễn được phóng ra khỏi bó rocket với vận tốc gần như siêu thanh trong hai giây đầu tiên, đầu nổ thứ hai sẽ kích hỏa cách mặt đất chừng vài trăm bộ, phóng mấy ngàn cây đinh nhọn xuống đầu địch với tốc độ nhanh gấp đôi, đồng thời tỏa ra một cụm bụi đỏ đánh dấu vị trí khởi điểm của những mũi tên thép. In nghiêng là trích trong TVTLĐ- Mặt Trân Kontum – trang 187-189
 
o0o
 
Từ “Đời Phi Công” đến “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” (Nguyễn Phụng)
Tác giả Nguyễn Phụng, xuất thân từ trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn, Duke University North Carolina, nghỉ hưu sau ba mươi năm giảng dạy tại NC A&T State University.
Vĩnh Hiếu, tác giả bút ký chiến trường Trên Vòm Trời Lửa Đạn*, là người nhiều may mắn. Anh lớn lên với biển xanh, cát trắng và mái trường Võ Tánh Nha Trang; và khi làm phi công trực thăng thời chiến, anh lại được đồn trú tại Nha Trang. Trên Vòm Trời Lửa Đạn ghi lại sinh hoạt của phi đoàn trực thăng của anh — Phi Đoàn Thần Tượng 215 — trên chiến trường Vùng II Chiến Thuật, trong giai đoạn 1970 – 1975, giai đoạn anh dũng của năm 1972 mùa hè đỏ lửa và kết cuộc đau buồn của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Miền Nam trong năm 1975. Phi Đoàn Thần Tượng 215 là một phi đoàn trực thăng kỳ cựu, với nhiều chiến công đáng ghi trong quân sử Việt Nam Cộng Hòa; và phi công Vĩnh Hiếu, một biểu tượng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, thông minh, tự do trong suy tư, gan dạ, đầy tình người… Mấy trang dưới đây ghi lại vài cảm nghĩ của người viết về bút ký chiến trường đó. 1 Cùng với các ngành khác trong quân lực Miền Nam, Không Quân hình thành và phát triển nhanh trong những năm bình yên cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Phi công được nhóm người trẻ tuổi nhắc đến nhiều nhất trong thời khá thanh bình đó có lẽ là Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, tác giả Đời Phi Công (1960). Trong Đời Phi Công, phi công Toàn Phong yêu đời lạc quan, nhìn chiếc máy bay “hiền lành đậu dưới nắng hè” và quả quyết rằng “dù gian-nan muôn trùng … cũng sẽ mỉm cười dấn bước…” khi viết thư cho Phượng, cô sinh viên y khoa Sài Gòn. Toàn Phong hy vọng và tin tưởng về một tương lai đất nước tươi sáng với nhiều xây dựng, phát triển khắp nơi. Toàn Phong cất cánh và bay trong bình an, “đời tươi quá, đẹp quá, cần lái nằm gọn trong tay, chiếc phi cơ ngoan ngoãn tuân theo nhịp thở của tay ga, của chân nhẹ trên bàn đạp”. Mấy năm bình yên ngắn ngủi đó lùi mau vào lịch sử. Từ 1970, phi công Vĩnh Hiếu phải bay trong lửa đạn mịt mù, tương lai anh đếm từng ngày một, mạng sống anh như cái chuông treo trên sợi chỉ mành. Chiếc máy bay trực thăng rất đắc dụng trong chiến trường du kích thời nào nay đã kém đi phần hữu hiệu. Cuộc tranh chấp giới hạn mở rộng nhanh chóng thành cuộc chiến quy ước; với vũ khí tối tân do toàn thể khối cộng sản cung cấp cho địch quân (như súng lớn đủ loại, đại bác phòng không 37, hỏa tiển tầm nhiệt SA-7…) chiếc máy bay trực thăng võ trang nặng nề chậm chạp trở thành mục tiêu rất dễ bị tiêu hủy. Đời Phi Công của Toàn Phong nay là Trên Vòm Trời Lửa Đạn của Vĩnh Hiếu. Tuy không lạc quan như Toàn Phong nhưng Vĩnh Hiếu chẳng hề bi quan và chiến đấu rất oai hùng. Toàn Phong kết thúc cuộc sống đi mây về gió với mấy giòng thư ngắn rất thơ — “gió ơi ngừng lại cánh chim bằng” — viết cho Phượng từ Quân Y Viện Nguyễn Huệ 12 sau lần bị thương nhẹ khi phi cơ hạ cánh xuống bãi biển và làm sập một căn nhà. Vĩnh Hiếu kết thúc đời phi công với nỗi đau chiến bại, sự tan rã của Phi Đoàn Thần Tượng, sụp đổ của Miền Nam thân yêu, và cuộc sống tha phương nơi xứ lạ quê người. Trên Vòm Trời Lửa Đạn nhắc người viết nghĩ đến Saint-Exupéry, tác giả Pilote de Guerre (Phi Công Thời Binh Lửa) và hoàn cảnh đặc biệt của Vĩnh Hiếu và người phi công Pháp này. Năm 1940 sau khi Đức chiếm Pháp, Saint-Exupéry được trưng dụng vào một phi đoàn thám thính gồm 23 phi công. Lực lượng phòng không của Đức quá mạnh, chỉ trong ba tuần hoạt động, 17 phi công của phi đoàn đã bị hy sinh. Saint-Exupéry chiến đấu với cái chết gần kề và ông tin rằng rồi ông sẽ bị bắn rơi như đồng đội; tuy vậy, ông không sợ hãi vì ông ta chiến đấu cho giá trị nhân bản, tự do, lý tưởng dân chủ cho Pháp và nhân loại… Cái chết của ông là một cái chết ý nghĩa. Cũng như Saint-Exupéry, Vĩnh Hiếu chiến đấu trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Với đại bác đủ cỡ và hỏa tiển tối tân do các nước cộng sản Liên-sô, Tàu, Đông Đức, Tiệp Khắc… ồ ạt cung cấp, khả năng phòng không của Việt cộng trở nên hùng hậu. Mạng sống của Vĩnh Hiếu vì thế rất mong manh như ngọn đèn trước gió, nhưng anh không hề ngần ngại hay sợ hãi vì, cũng như Saint-Exupéry, anh ta đang chiến đấu cho tự do, cho giá trị nhân bản; anh chiến đấu để ngăn chận một chủ nghĩa không tưởng, đầy máu lửa. Hình ảnh địch quân thảm sát dân chúng chạy loạn tại đại lộ kinh hoàng Quảng Trị, chôn sống hàng ngàn dân vô tội cố đô Huế ám ảnh anh. Anh không ngại bị bắn rơi trên vòm trời đầy lửa đạn, vì cũng như SaintExupéry, cái chết của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Nước Pháp của Saint-Exupéry và những người Pháp ham chuộng tự do chiến đấu cho lý tưởng dân chủ, nhưng đó là một sự chiến đấu vô vọng vì Pháp đã thua cuộc — 39 triệu dân hoang mang bên này bờ sông Rhine không thể đương đầu nổi với hơn 70 triệu dân cuồng tín (vì một chủ nghĩa phi nhân bản, lùa hàng triệu người vào lò hơi độc) bên kia sông. Pháp không có khả năng để chiến đấu một mình, Pháp cần sự trợ giúp. Trên toàn cõi địa cầu này chỉ có một quốc gia hùng mạnh có khả năng trợ giúp Pháp bảo vệ lý tưởng dân chủ, nhưng chẳng may, quốc gia này cứ mãi chần chờ nên quân Đức mặc sức tung hoành trên đất Pháp và khắp nơi trên Âu châu. Quốc gia hùng mạnh đó là Mỹ và Saint-Exupéry nghĩ nhiều đến Mỹ. Cũng như Saint-Exupéry, cùng với người Việt hiếu hòa Miền Nam, Vĩnh Hiếu chiến đấu cho tự do; nhưng đó là cuộc chiến đấu vô vàn khó khăn, thất bại là một điều tất yếu, chỉ vì, và chỉ vì, thiếu súng đạn. Miền Nam (chưa đầy 20 triệu dân) một mình trơ trọi không thể chống chọi lại toàn thể khối cộng sản quốc tế (hơn 2 tỷ dân) với chủ trương chinh phục và nhuộm đỏ hoàn cầu. Miền Nam là tiền đồn để ngăn chận làn sóng đỏ, bảo vệ lý tưởng dân chủ, Mỹ từng tin như vậy và họ đã đến trợ giúp Miền Nam; nhưng rồi vì chút quyền lợi bán nước ngọt coca cola và bánh mì thịt burger cho Tàu cộng (với một tỷ rưỡi người tiêu thụ, thèm ăn khát uống) họ âm thầm đổi ý sau mấy chuyến ngoại giao trong đêm tối và rồi quay lưng lạnh lùng ra đi. Saint-Exupéry thán phục sức mạnh của quân đội Mỹ và, với tư cách một phi công, chắc đã nhiều lần nghe danh tiếng của Đệ Nhất Sư Đoàn Không Kỵ, the 1st Cavalry pision (Airmobile) thuộc quân lực này. Vì sự thán phục đó, ông qua Mỹ để nói chuyện với quần chúng Mỹ về giá trị tự do và nhân bản mà Pháp đang chiến đấu, với mục đích thuyết phục Mỹ trợ giúp Pháp. Saint-Exupéry ảnh hưởng một phần nào đó trong quyết định tham chiến của Mỹ… Khác với Saint-Exupéry, Vĩnh Hiếu không những nghe danh mà còn trực tiếp chứng kiến sức mạnh vũ bão của Sư Đoàn Không Kỵ này với hơn 500 phi cơ trực thăng, ba bộ chỉ huy lữ đoàn, có khả năng tác chiến biệt lập và đảm trách vùng trách nhiệm cấp sư đoàn. Nhưng quân đội 13 Mỹ và Đệ Nhất Sư Đoàn Không Kỵ bỗng dưng bỏ chiến trường Việt Nam, quay đầu ra đi; Vĩnh Hiếu và đồng đội chiến đấu một mình, thiếu đạn dược, và rồi chiến bại. Saint-Exupéry mất tích trong một chuyến bay trong năm 1944. Ông ta chết hơi sớm, không kịp thấy lý tưởng dân chủ trở về với Pháp và nhân loại khi quân đội Mỹ tiến vào thủ đô Paris. Vĩnh Hiếu vẫn còn sống nhăn để đau khổ, để thấy rằng lý tưởng tự do, dân chủ anh hằng ôm ấp đã tan tành, và trên quê hương Việt Nam khổ nạn, tự do và giá trị con người đã vĩnh viễn bị dày đạp. 2 Ký sự chiến trường là một nét đặc biệt của văn chương Miền Nam. Miền Nam tự do, ai muốn viết gì cứ viết (người viết không phải đi nhận đơn đặt hàng của lãnh tụ rồi mới gồng mình ra tìm chữ để moi móc, chửi bới, tâng bốc, ca tụng như ở Miền Bắc) và vì chiến sự lan tràn khắp nơi, phô bày nhiều hiện thực về thân phận con người và sự bi đát của cuộc chiến. Ngoài những ký giả chiến trường chuyên nghiệp như Nguyễn Tú, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn… nhiều tác giả ký sự là những chiến sĩ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến như Phan Nhật Nam (Mùa Hè Đỏ Lửa), Nguyên Vũ (12 Năm Lính: Đời Pháo Thủ), Trang Châu (Y Sĩ Tiền Tuyến), Trương Duy Hy (Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 Hạ Lào)… Tại sao các chiến sĩ viết bút ký chiến trường? Câu hỏi có vẻ ngây ngô nhưng có lẽ cần thiết cho bài viết ngắn này. Ký giả chiến trường chuyên nghiệp Nguyễn Tú của nhật báoChính Luận Sài Gòn phải viết nhiều, viết mau, viết đủ các mặt trận vì độc giả, nhất là độc giả Sài Gòn, đang nóng lòng muốn đọc. Một số lớn trong số độc giả này cố quên đi cuộc chiến, tìm sự lẫn tránh qua các truyện kiếm hiệp hào hứng của Kim Dung hay truyện tình lâm ly của Quỳnh Giao, và chỉ còn biết đối diện với cảnh máu lửa đang lan tràn khắp nơi qua vài cột báo hàng ngày; mỗi cột báo là một địa danh, một phần đất nước xa xa hay gần kề, một tin vui chiến thắng, một bâng khuâng về một bước lùi, một tin buồn vì số tử vong… Khác với Nguyễn Tú, Phan Nhật Nam viết bút ký chiến sự cho chính mình, viết để vơi đi nỗi đau xót, bất bình. Trang bút ký của Phan Nhật Nam là tiếng kinh cầu trong niềm cô đơn tuyệt đối, là những giọt nước mắt tuôn trào sau bao nhiêu lần cố cầm nín, và là tiếng nức nở thoát ra từ hàm răng nghiến chặt… Phan Nhật Nam viết để vơi đi nỗi đau vì dân chúng lầm than hay đồng đội gục ngã và nỗi buồn nhược tiểu — thân phận hẩm hiu của Miền Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước những mưu mô toan tính, đổi chác của các cường quốc vì quyền lợi riêng của họ. Nguyên Vũ, tuy cũng một tay cầm súng một tay cầm bút như Phan Nhật Nam, nhưng khác hẳn với Phan Nhật Nam: Nguyên Vũ viết để chơi. Đây không phải là một lời khinh bạc nếu hiểu rằng viết cũng như nhiều trò chơi quen thuộc khác (bia rượu, con bài đen đỏ, nhảy nhót, xóm bình khang…) giúp người lính tạm quên đi sự nhọc nhằn cùng cực, cảnh khói lửa và sự đe dọa của thần chết từng ngày. Hiểu như vậy, viết với Nguyên Vũ quả là một trò chơi, một trò chơi mà anh rất say mê — đi lính mà không có một thú đam mê thì chắc khó sống. Chắc vì thế, chỉ trong mười hai năm lính, anh cho ra đời hai mươi ký sự chiến trường. Sau này, sau ngày tàn cuộc chiến, khi anh vào thư khố quốc gia Pháp, Archives Nationales de France, tìm tài liệu để viết những nghiên cứu mới như The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Vietnam (Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Ðế Quốc Việt Nam) chắc viết bấy giờ không còn là một trò chơi nữa. Và đây là một một điểm lạ của bút ký chiến trường Miền Nam. Và Vĩnh Hiếu, bao nhiêu năm qua rồi từ ngày tàn cuộc chiến (vết mòn chiến xa chắc đã đầy cỏ dại, hố bom đạn đã thành ao hồ) tại sao bây giờ anh mới viết bút ký? Vĩnh Hiếu chẳng hề thố lộ tâm tình qua hơn 400 trang giấy chi chít đầy chữ nghĩa, nên mọi câu trả lời dài hay ngắn chỉ là sự dò la, phỏng đoán. Đây là một phỏng 14 đoán: Nếu đất nước Việt Nam độc lập, tự do và no ấm như kẻ chiến thắng thường rêu rao thì Trên Vòm Trời Lửa Đạn chắc không ra đời. Trên Vòm Trời Lửa Đạn đến tay người đọc hôm nay không phải vì nỗi đau chiến bại, hay mặc cảm thua trận của tác giả (giữ quê quê mất, giữ nhà nhà tannhư Hà Huyền Chi than thầm) mà là vì sự tức tưởi do đất nước quá lầm than. Trên Vòm Trời Lửa Đạn là một câu chuyện bi hùng tác giả kể với nụ cười nhiều lần méo mó vì ước mơ một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ chẳng biết đến bao giờ mới là một sự thật. Và đây là một phỏng đoán khác. Ai đó, vì vô tình hay hữu ý, nói rằng bút ký của Vĩnh Hiếu tạo thêm đau thương, moi vào vết thương đã ngủ yên trong dĩ vãng, thì đây là câu trả lời của Vĩnh Hiếu: Viết vì còn bao nhiêu thiên kiến và ngộ nhận về sự chiến đấu anh dũng của người lính chiến Miền Nam; viết vì ý nghĩa của sự hy sinh đó cần được bày tỏ; viết để thắp nén hương lòng gởi đến các chiến hữu chốn nào đó, nơi Miền Tây Phương cực lạc hay Nước Chúa vĩnh hằng. Trên Vòm Trời Lửa Đạn chắc không phải là tác phẩm độc nhất — tác phẩm của một đời người — mà còn nối tiếp… 3 Trên Vùng Trời Lửa Đạn mở đầu bằng “Những Phi Vụ Khó Quên” với trận đánh ở cửa khẩu Bình Di, Bình Định và kết thúc với “Phi Đoàn Thần Tượng: Giờ Thứ 25” với sự sụp đổ của Miền Nam. Giữa hai thời điểm đó, Vĩnh Hiếu có mặt nhiều nơi từ đường mòn Hồ Chí Minh, Tân Cảnh, Dakto, Dak Pek, Polei Kleng, Charlie, Kontum, Pleime, Benhet, của Tây Nguyên; đến An Lão, Tam Quan, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Bồng Sơn hay cái nôi của Liên Khu 5 cộng sản, Phù Cát, của tỉnh Bình Định; rồi Quảng Đức, Ban Mê Thuột, Khánh Dương; và cuối cùng là Tỉnh Lộ 7B, nối liền Pleiku – Phú Bổn – Phú Yên, với cuộc di tản hãi hùng của những ngày tàn cuộc Miền Nam. Vĩnh Hiếu đã đến nhiều nơi anh cần phải đến, đã thấy, đã nghe, và đã sống thực sự từng giây phút tại những nơi ấy. Chắc Vĩnh Hiếu chưa bao giờ lẩm nhẩm câu nói của vua Jules César, “tôi đã đến, tôi đã thấy và tôi đã chiến thắng” (Je suis venu, j’ai vu, j’ai vaincu) dù chiến thắng đây không nhất thiết phải là chiến thắng quân thù mà có thể hiểu là chiến thắng chướng ngại ngoại cảnh, như núi cao rừng sâu, và bất ổn nội tâm, như sợ hãi hay nhu nhược. Tuy vậy, anh có thể nói to rằng “tôi đã đến, tôi đã thấy và tôi đã sống” (Je suis venu, j’ai vu, j’ai vécu). Kinh nghiệm sống dồi dào với nhiều cảm giác mạnh đó giúp anh viết từ nhiều góc cạnh và rất phong phú, như cảnh bắn lầm quân bạn (trang 65-66), chở thường dân bị thương trên tàu bay riêng V.I.P. riêng của Đại tá Tiểu Khu Trưởng (tr. 92-94), không quân không bỏ anh em hay bạn bè (tr. 124-125), trực thăng bạn bị bắn nổ tung trên trời (tr. 165), Đồi Charlie và Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (tr. 164-173), phi công bị phạt tù vì phạm kỷ luật nhưng không bị nhốt vì phải bay giết giặc (tr. 188-189), máy trực thăng bay bị mất cắp (tr. 230-31)… Độc giả am tường cuộc chiến Quốc Cộng 1945 – 1975 và từng tham khảo các sử gia đáng tin cậy phải nhận ngay ra rằng Vĩnh Hiếu viết rất trung thực. Sự thật của một biến cố xã hội nào đó được mô tả trong một cuốn tiểu thuyết hay ký sự có giá trị thường được coi như trung thực hơn là sự thật đó được trình bày bằng những tờ trình hành chánh hay các dãy số thống kê; (lẽ dĩ nhiên đây không phải là tờ trình hành chánh hay số thống kê của chính phủ Hà Nội, tờ trình và số thống kê của những người mang bệnh thành tích). Đây là một đóng góp của tiểu thuyết và ký sự về việc mô tả hiện thực xã hội một đóng góp tuy dễ cảm nhận nhưng đòi hỏi lời giải thích với đối chiếu dài giòng. Bằng một giọng thân mật, không quá phẩn uất hay quá bi thảm, Vĩnh Hiếu ghi lại những sự việc anh đã thấy, đã nghe, và đã làm. Giọng thân mật đó cùng với cách nói giản dị giúp người đọc bớt bị xáo trộn và dìu người đọc qua cảnh tan thương của “Ngày Chim Vỡ Tổ” và “Phi Đoàn Thần Tượng: Giờ 15 Thứ 25”. Sự thật Vĩnh Hiếu mô tả là những sự thật không hề được chuẩn bị để kể lại cho hậu thế, nhưng là những cái mốc hiếm quý để các sử gia với kỹ năng và lương thiện trí thức đối chiếu hay kiểm chứng các biến cố lịch sử quan trọng khác. Ngoài sự trung thực và phong phú, Vĩnh Hiếu viết rất sống động và hấp dẫn; mỗi trận đánh anh ghi lại là một cuốn phim gồm nhiều yếu tố tác động lẫn nhau với vài thay đổi bất ngờ đưa sự căng thẳng lên cao từng giây từng phút. Sự sống động và hấp dẫn đó một phần do bản chất sôi động của cuộc chiến và một phần do sự gan dạ, liều lĩnh và sự biến cải chiến thuật của anh và đồng đội. Không biết việc biến cải này là một lối áp dụng binh pháp cổ điển của Nhạc Phi, Tôn Tử, Ngô Vũ, Carl Clausewitz… vào chiến trận trực thăng hiện đại có ghi trong sách vở, hay chỉ là phản ứng tức thời của người lính Miền Nam, đa hiệu, tự do và biết suy luận (vì họ chẳng bao giờ bị xâm mình, đầu độc hay uống thuốc kích thích). Trận đánh tại đài kiểm báo hải quân, cửa khẩu Đề Gi, Bình Định dưới đây ghi lại tất cả nét đặc biệt đó: “Trên vùng hoạt động, hai chiếc võ trang luôn bay theo đội hình tác chiến, một chiếc dẫn đầu… chiếc thứ hai bay ở một khoảng cách khá xa đủ thời gian để … yểm trợ cho chiếc số một nếu bị bắn… Bay qua đường mòn HCM, tiếng động của chiếc trực thăng đầu làm cho địch chuẩn bị… Tôi đổi chiến thuật… hai chiếc bay song song và vượt qua cùng một lần… Ánh nắng gay gắt của mặt trời chênh chếch hướng đông… tôi lóe ra một ý định… tôi sẽ dùng mặt trời làm phương tiện ngụy trang. Tôi sẽ đánh từ trên cao xuống, địch sẽ bị chói mắt khi nhìn lên bắn trả… Oành! Oanh! Bụi đỏ tung mù mịt trên đỉnh núi… Chiếc tàu chở cấp chỉ huy bộ binh đang quan sát từ cao độ, la thất thanh trong tần số…ngưng bắn… ngưng bắn… bạn bắn gần quân bạn… …Gió từ hướng đông… Tôi nói Thành trang bị tất cả bằng hỏa tiễn khói… đánh một phát vào sườn núi…một màn khói che họng súng tụi nó… Từng cặp rocket tuôn ra… nổ tung… bung lên những cụm khói… tạo thành bức màn khói dày đặc che khuất gần hết căn cứ hỏa lực… Tôi đẩy cần lái, chiếc trực thăng như con đại bàng lăng xả vào con mồi….Oành!… Oành!…Oành!… Trên cao độ, chiếc Charlie đang bay vòng quan sát: ‘Đẹp lắm…ngay trên target… dàn phòng thủ cũng như ổ cao xạ bị tiêu diệt… Đẹp lắm… bộ chỉ huy quân bạn có lời khen…’” (trang 24-29). Khác với anh lính bộ binh với tầm nhìn giới hạn bởi cảnh vật chung quanh, Vĩnh Hiếu nhìn khu vực dưới vòm trời hoạt động của chiếc trực thăng võ trang qua một không gian rộng lớn, bao gồm dãy núi cao, khu rừng rậm hay quốc lộ uốn khúc… với nhiều biến chuyển tương ứng và đồng thời trong một khoảng thời gian ngắn. Với lối nhìn đó, sự việc anh kể tạo thành một bức tranh sống động trong trí người đọc, một màn ảnh đại vĩ tuyến với lửa bùng cháy ở một góc làng, khói bốc lên từ bến sông, đoàn trực thăng bay vòng vòng quanh đồi… Vì lý do đó, hầu hết các chuyện trong Trên Vòm Trời Lửa Đạn đều lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối, hấp dẫn, hồi hộp; người đọc vì thế hội nhập vào các biến chuyển của câu chuyện rất nhanh và sâu. “Mây Giăng Lối Về” đầu đề rất nên thơ (chắc tác giả nghĩ đến mây giăng khắp lối em về) của câu chuyện nghẹt thở khi phi đoàn bay về doanh trại trong chiều Cao Nguyên mây mù. Đây là mấy tình tiết chính của câu chuyện: Buổi chiều, phi đoàn Thần Tượng, gồm hai chiếc trực thăng võ trang và năm chiếc tải quân, chuẩn bị rời Gia Nghĩa bay theo Quốc Lộ 14 về Ban Mê Thuột; chuyến bay thường chỉ kéo dài chừng nửa giờ. Cao Nguyên mùa mưa, thời tiết biến chuyển bất ngờ. Mới sau mười lăm phút bay, trời bắt đầu sẩm tối, từng cột sương trắng từ tần mây xám xịt thòng xuống mặt rừng. Hợp đoàn lầm lũi nối đuôi nhau. 16 Trời càng tối, tần mây càng xuống thấp, đoàn tàu ẩn hiện trong mây. Đại úy Huỳnh trưởng toán nhắc nhở: “Hợp đoàn, bay theo khoảng cách an toàn. Trời mù quá, anh em cẩn thận”. Chẳng bao lâu, tiếng đại úy Huỳnh lại vang lên: “Hợp đoàn, tần mây xuống đọt cây rồi, chuẩn bị quẹo lui về Gia Nghĩa”. Con đường đất đỏ phía trước, con đường dốc cao dựng ngược, đột nhiên biến mất trong sương mù, cả hợp đoàn mạnh ai nấy quẹo trên mặt rừng âm u, rồi bay về phía phi trường Nhơn Cơ. Năm phút sau trời tối đen như mực, cả hợp đoàn hạ xuống đường… ngủ qua đêm. Người đọc hồi hộp và lo âu cho số phận của hợp đoàn và rồi thở phào nhẹ nhỏm khi hợp đoàn bay về Ban Mê Thuột an toàn trong nắng mai (trang 232-238). Phải thêm rằng Vĩnh Hiếu kể chuyện rất có duyên. Anh biết ghi nhận những điều cần ghi nhận, đó là những sự việc chuyển chở được nội dung câu chuyện và cảm nghĩ mà người kể chuyện muốn chia xẻ với người đọc. Nhiều câu chuyện trong Trên Vòm Trời Lửa Đạn là những tùy bút, đoản văn người đọc thích thú, đáng được đăng trên tạp chí văn nghệ. Và đây là câu chuyện bắn vịt trời và bắt cá lóc: Trên đường bay về Ban Mê Thuột, vì muốn điều chỉnh lại độ chính xác của máy bắn hỏa tiễn nên khi bay ngang qua mặt hồ, Vĩnh Hiếu chúi mũi tàu và bắn một quả rocket vào chính giữa hồ, hàng mấy chục con vịt trời vô tình bị giết chết oan, nổi lều bều trên mặt nước. Đồng đội của anh bay sát mặt hồ vớt vịt; vịt trời chết nên cá lóc cũng ngất ngư, họ vớt luôn cả cá bỏ vào thùng đạn. Vịt và cá lóc làm dơ tàu; tàu phải dừng lại một con suối nhỏ để rửa cho sạch trước khi về doanh trại. Tàu vừa hạ bên bờ suối, mấy cô gái Thượng bộ ngực trần căng phồng, đang đùa giỡn trong nước, hoảng sợ bỏ chạy… Đêm đó một bữa tiệc ngon lành với vịt luộc chấm nước mắm gừng và canh chua cá lóc. Tiệc vui làm mọi người ngủ ngon. Nửa đêm, có tiếng lộp cộp… lộp cộp…Vĩnh Hiếu vớ lấy cây súng P.38, bước về phía tiếng động: mấy chú cá lóc đang… vẫy vùng (trang 72-78). Nhìn từ một góc cạnh khác, chuyện bắn vịt trời, vớt cá lóc và vài chuyện tương tự khác là vài nét đơn sơ về một phần của cuộc sống rất thực của người phi công trực thăng trong thời binh lửa. Qua lối kể chuyện dí dỏm của tác giả, người đọc cảm nhận ngay rằng những chuyện “bên lề” đó là những phút giây người phi công sống thực, sống tức thời ít suy tính, sống cho hiện tại, sống để quên đi những giờ phút căng thẳng dưới súng phòng không của địch và sự nhọc nhằn của những chuyến bay tiếp viện khẩn cấp. Vài độc giả nghiêm khắc (và nhất là những độc giả với thiên kiến về người lính chiến Miền Nam) có thể lên án những hành động đó là vi phạm quân kỷ hay phí phạm đạn dược. Việc kết tội đó quả khó chống chế nhưng chỉ dựa vào luận lý mà không để ý đến thực tại, nghĩa là chỉnêu lên vấn đề thuần túy luật pháp (legality/légalité) của hành động bên lề mà bỏ qua khía cạnh thích hợp (suitability/convenabilité) của chúng. Giây phút người phi công hái mấy trái thanh long để giải khát (trang 214) hay bắn heo rừng bằng cây súng rouleaux với sáu viên đạn (trang 216 – 217) là nét chấm phá của một cuộc sống vào sinh ra tử, giúp người lính chiến tìm vài giây phút lãng quên hay lấy lại chút sức bình sinh để tiếp tục bay và đối diện nỗi chết không rời. Những giây phút đó là những trang điểm hay nốt hoa — ornamental note hay embellishment — trong một khúc nhạc; những trang điểm đó (miễn là không quá lạm dụng) làm tăng sự luyến láy, duyên dáng của dòng nhạc, không thể tách rời ra khỏi khúc nhạc. Sau cùng, trong bút ký chiến trường, dựng truyện ít khó khăn hơn thuật chuyện, vì óc sáng tạo — khả năng thiết yếu trong việc tạo dựng nhân vật, hoàn cảnh và diễn biến — đóng vai trò thứ yếu so với khả năng diễn tả thực tại. Tuy vậy, dựng truyện không phải chỉ là ghi chép chiến sử đơn thuần mà là sự chọn lựa và sắp xếp các trận đánh tiếp nối nhau để vẽ nên toàn cuộc chiến; trong đó, mỗi trận đánh là một mốc lịch sử và khi được nối kết với nhau sẽ tạo thành một chiều dài lịch sử. 17 Vĩnh Hiếu đã vẽ được chiều dài lịch sử đó, chiều dài lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam và Miền Nam. 4 Vĩnh Hiếu giàu tình cảm, dễ rung động trước ngoại cảnh và liên tưởng khá mạnh; ý tưởng vì thế chiếm một phần không nhỏ so với các sự việc thuật chuyện. Một điều đáng tiếc là những hình ảnh đậm nét của cuộc chiến — biểu tượng của chiến tranh– vắng bóng trong hầu hết các chuyện. Trong chuyện “Người Chết Dưới Chân Chúa” trong tập DấuBinh Lửa của Phan Nhật Nam, chiếc áo màu tím trên dây phơi áo quần tung bay trong gió và xác cô gái nằm trên sàn gạch xa xa là một biểu tượng về sự đau thương của cuộc chiến. Có thể vài giờ trước khi trút hơi thở cuối cùng vì mãnh đạn đại bác, người con gái đã đem chiếc áo màu tím nàng yêu thích ra phơi; và có thể vài ngày trước đó, người con gái đã mặc chiếc áo đó để vui chơi với bạn bè cùng lứa tuổi. Trong Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh (Tout est calme sur le front de l’Ouest) của Erich Maria Remarque, đôi giày trận là một biểu tượng rất chọn lọc. Kemmerich bị trọng thương và nằm bệnh viện, Muller đến thăm. Muller xin đôi giày Kemmerich đang mang trong khi tim Kemmerich vẫn còn đập. Kemmerich thừa hưởng đôi giày đó khi một anh lính không quân qua đời và nay Muller muốn thừa kế tiếp theo. Đôi giày là một dấu hiệu u ám của sự chết chóc; đôi giày chỉ hao mòn đôi chút khi đổi chủ, nhưng số mệnh người mang giày lại quá mong manh trong cuộc chiến ác liệt. Vĩnh Hiếu ghi lại khá nhiều hình ảnh chiến tranh, nhưng chỉ phác họa, không dừng lại thật lâu để vẽ cho thật đậm nét. Có được vài biểu tượng Trên Vòm Trời Lửa Đạn sẽ gây cảm giác mạnh và nhiều ấn tượng nơi độc giả; độc giả vì vậy sẽ ghi nhớ Vĩnh Hiếu sâu đậm hơn và lâu dài hơn. Một điểm khác, điểm này có thể bắt nguồn từ cá tính khiêm nhường của tác giả. Đọc câu chuyện đầu tiên, “Cao Điểm 601”, trong tập bút ký, người đọc rất ngỡ ngàng. Tác giả dùng ngôi thứ nhất “tôi” để thuật chuyện nhưng chẳng hề cho độc giả biết cái “tôi” này là ai, từ đâu đến, vào ngày tháng nào. Đọc “Dấu Binh Lửa” của Phan Nhật Nam, ngay từ mấy trang đầu độc giả đã nhận ngay ra rằng tác giả là một thiếu úy (“ông quan một”) Nhảy Dù, 21 tuổi, mới ra trường. Được một anh lính khen “Thiếu Úy trẻ quá”, tác giả nổi dóa và trả đủa ngay, “Trẻ quá không đi lính được à?” Đọc thêm vài chuyện nữa của Vĩnh Hiếu, độc giả càng thêm ngỡ ngàng vì không biết gì về phi đoàn trực thăng của tác giả, ngoài mấy mã số Charlie, Hồ 1, Hồ 2… Đọc Pilote de Guerre (Phi Công Thời Binh Lửa) của Saint-Exupéry, ngay trang thứ hai độc giả đã nhận ra rằng tác giả thuộc phi đoàn thám thính 2/33, chịu trách nhiệm toàn vùng Arras do Đức chiếm; đóng; toàn thể nước Pháp trong năm 1940 chỉ có 50 phi công trinh sát, 23 trong số 50 được thuộc phi đoàn 2/33; cơ hội sống sót của phi công rất nhỏ, 1 trên 5; chỉ trong ba tuần đầu, 17 phi công của phi đoàn đã bị bắn rơi… Đọc Trên Vòm Trời Lửa Đạnmãi đến trang 232, Chương 4, “Ngày Tàn Cuộc Chiến”, độc giả (bình thường ít hiểu biết về Không Quân) mới nhận diện được một phi đội (gồm 5 chiếc trực thăng đổ quân và 2 chiếc trực thăng võ trang) thuộc Phi Đoàn Thần Tượng 215, và tác giả là trưởng toán trực thăng võ trang, bay chiếc số 1, với mã số Hồ 1… Nếu nhận biết rõ vài sự kiện chính yếu của Phi Đoàn và các phi đội trong Phi Đoàn, dù được trình bày trơ trọi hay mang chút ít cái tôi ngay trong vài trang đầu, độc giả sẽ dễ theo dõi câu chuyện và đón nhận các cảm nghĩ khá sâu sắc của tác giả. Mấy nhận định trên tuy phải giải thích dài giòng với nhiều trích dẫn, nhưng không tai hại gì đến những trang chiến sử đáng nhớ với sự chiến đấu can trường trong hoàn cảnh nghiệt ngã của người lính chiến Miền Nam mà tác giả muốn gởi đến người đọc. Trên Vòm Trời Lửa Đạn dồi dào sự kiện lịch sử và cảm nhận, vài cắt xén 18 vài chỗ, vài hội nhập vài chi tiết, tô đậm nét vài bức tranh… đủ làm cho tập bút ký trong kỳ tái bản dễ đọc hơn, đậm đà hơn và màu sắc hơn.
o O o
Charlie, Kontum, Pleime, Đồng Xoài, Bình Giã… giờ cách xa hơn nửa vòng địa cầu và đã gần bốn mươi năm trôi qua, một thời gian khá dài để một người sinh ra và khôn lớn, nhưng tiếng bom đạn của những chiến trường máu lửa đó vẫn còn vang dội trong giấc ngủ và niềm uất hận vì thiếu súng đạn để chiến đấu vẫn còn cháy âm ỉ trong tâm tư người Việt sống ly hương. Cảm ơn Vĩnh Hiếu. Cảm ơn anh đã nói lên một cách trung thực và sống động sự chiến đấu can trường, tình người và lòng nhân hậu của người lính chiến Miền Nam, người lính bị bức tử, bị lãng quên và bị xét xử một cách không công bằng bởi những kẻ cận thị, kém suy xét, hay u mê về mưu đồ xâm chiếm Miền Nam và hoàn cầu của toàn khối cộng sản.
Nguyễn Phụng Raleigh, North Carolina tháng 5/2013

No comments:

Post a Comment