Wednesday, November 17, 2021

Đại Tá Bùi Dzinh

Bùi Dzinh (sinh 1929), nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên tại trường Võ bị Quốc gia sau khi trường di chuyển từ Huế về nam cao nguyên Trung phần. Ra trường, ông được chọn phục vụ đơn vị Bộ binh. Ông đã đảm trách từ chức vụ nhỏ nhất là sĩ quan chỉ huy cấp Trung đội. Tuần tự theo hệ thống chỉ huy, ông đã lên đến Tư lệnh cấp Sư đoàn Bộ binh. Là một sĩ quan trung thành với Chính thể Đệ nhất Cộng hòa, nên sau cuộc Đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông phải ra trước Hội đồng Kỷ luật Quân đội và bị cách chức. Hai năm sau, ông tham gia cuộc Đảo chính (ngày 19/2/1965) do tướng Lâm Văn Phát cầm đầu. Lần này ông bị Tòa án Mặt trận kết tội và cuộc đời binh nghiệp của ông chính thức khép lại từ đây. 

 Tiểu sử và Binh nghiệp

Ông ấy sinh vào tháng 9 năm 1929 tại làng Xuân Hòa, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam, trong một gia đình trung nông Nho giáo. Thiếu thời, ông học Tiểu học tại Đồng Hới. Khi lên Trung học, ông được gia đình cho về Huế học ở trường Quốc học. Năm 1950, ông tốt nghiệp Phổ thông Trung học với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Tháng 9 năm 1950, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia.[2] Ông được theo học khóa 3 Trần Hưng Đạo tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt,[3] khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1950.[4] Ngày 25 tháng 6 năm 1951, mãn khóa tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường ông được điều động phục vụ tại Liên đoàn Lưu động số 21[5] với chức vụ Trung đội trưởng.

Giữa năm 1952, sau khi Quân đội Quốc gia thành lập Bộ Tổng Tham mưu, ông được cử đi học lớp Tham mưu trung cấp tại trường Tham mưu ở Paris (École Militaire Paris), Pháp. Đầu năm 1953, mãn khóa học từ Pháp về nước, ông được thăng cấp Trung úy chuyển vào Nam phục vụ tại Phòng 3 Đệ nhất Quân khu, dưới quyền Đại tá Lê Văn Tỵ.[6] Năm 1954, sau ngày ký Hiệp định Genève (20/7/1954), ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Đầu tháng 11 năm 1955, chuyển biên chế sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa (được cải danh từ Quân đội Quốc gia), ông được cử làm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Nam-Ngãi.[7] Ông đã thành công trong việc kêu gọi hai ông Nguyễn Đình Thiệp Chỉ huy quân sự và Phạm Thái là Chính trị viên của Lực lượng vũ trang Việt Nam Quốc dân Đảng cùng các chiến sĩ thuộc các đơn vị này đang trú đóng trong vùng nộp vũ khí về với Chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Giữa năm 1956, ông được cử đi học lớp "Chiến tranh chống Du kích" tại Manilla, Philippines trong thời gian 3 tháng. Ngày 26 tháng 10 cùng năm, sau khi mãn khóa học ở Philippines về nước, ông được thăng cấp Thiếu tá.

Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1958, ông được thăng cấp Trung tá, sau đó ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 15 Khinh chiến (Bản doanh được đặt tại Dục Mỹ, Ninh Hòa, Khánh Hòa) thay thế Trung tá Nguyễn Văn Vĩnh[8] Tháng 4 năm 1959, Sư đoàn 15 Khinh chiến hợp cùng với Sư đoàn 16 Khinh chiến để thành lập Sư đoàn 23 Bộ binh, ông trở thành Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 23 Bộ binh tân lập.[9] Cuối năm 1959, bàn giao Sư đoàn 23 lại cho Trung tá Trần Thanh Phong. Đầu năm 1960 ông được cử đi học lớp Tham mưu cao cấp (khóa 1960 - 1, thụ huấn 16 tuần) tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu (US Army Command aGenerGeneeral Staff Collge) Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ[10].

Đầu tháng 5 năm 1960, mãn khóa học từ Mỹ về nước, ông được cử làm Tư lệnh phó Sư đoàn 21 Bộ binh, do Đại tá Trần Thiện Khiêm làm Tư lệnh. Ông đã cùng Đại tá Khiêm đưa Sư đoàn 21 từ miền Tây về Sài Gòn ứng cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm, chống lại nhóm sĩ quan do Đại tá Nguyễn Chánh Thi (Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Nhảy dù) cầm đầu cuộc Đảo chính ngày 11/11/1960.[11] Đầu tháng 6 năm 1961, ông được thuyên chuyển về vùng 3 chiến thuật để nhận chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh (Bộ Tư lệnh đặt tại căn cứ Phú Lợi, Bình Dương), dưới quyền Tư lệnh của Thiếu tướng Trần Ngọc Tám (5/1961-10/1961). Hơn 4 tháng sau, tướng Trần Ngọc Tám rời Sư đoàn để về phục vụ ở Trung ương, Đại tá Nguyễn Đức Thắng (10/1961-12/1962) Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh từ Vùng 1 Chiến thuật chuyển về thay thế chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5. Ngày Quốc khánh 26 tháng 10, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm.

Đầu năm 1962, ông được thuyên chuyển ra miền Trung để nhận chức vụ Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 9 Bộ binh tân lập.[12] Đến ngày 20 tháng 9 năm 1963, sau khi Sư đoàn đã được huấn luyện và bổ sung hoàn chỉnh cấp số. Ông chỉ huy Sư đoàn 9 hành quân di chuyển vào Nam, đặt Bộ Tư lệnh tại Thị xã Sa Đéc thuộc Khu 42 chiến thuật. Tại đây ông kiêm luôn chức vụ Tư lệnh Khu 42 chiến thuật.

  • Thời điểm Đại tá Bùi Dzinh tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh, nhân sự trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn và chỉ huy các Trung đoàn được phân bổ trách nhiệm như sau:
    -Tư lệnh - Đại tá Bùi Dzinh
    -Tham mưu trưởng - Trung tá Tôn Thất Đông[13]
    -Trung đoàn 13[14] Thiếu tá Nguyễn Cả [15] -Trung đoàn 14 - Thiếu tá Chương Dzềnh Quay
    - Thiếu tá Chương dzềnh Quay chức vụ cuối cùng là chuẩn tướng Tham mưu trưởng Quân Đoàn 4 -Trung đoàn 15 -Thiếu tá Phan Minh Thọ (Đại tá, Quân lực VNCH) Thiếu tá Phan Minh Thọ sau này là trung tá Tỉnh trưởng tỉnh Bình-Định.

Kỷ luật và xuất ngũ

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông đã không tán thành cuộc đảo chính của nhóm quân nhân do Trung tướng Dương Văn Minh lãnh đạo. Sáng sớm ngày 02 tháng 11, mặc dù đang hành quân tại Thị xã Trúc Giang (tỉnh lỵ tỉnh Kiến Hòa), ông đã đưa Sư đoàn 9 Bộ binh về Sài Gòn với ý định giải cứu Tổng thống Diệm lần thứ hai. Tuy nhiên lần này ông đã bị Đại tá Nguyễn Hữu Có (người vừa thay thế Đại tá Bùi Đình Đạm giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh), đem quân chặn ở ngã ba Trung Lương và khu vực bến phà Mỹ Thuận ở sông Tiền. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 7 đã rút hết những chiếc phà ở bờ nam thuộc tỉnh Vĩnh Long về hết bờ bắc thuộc tỉnh Định Tường, đồng thời phong tỏa luôn bến phà Rạch Miễu giữa Thị xã Mỹ Tho (Tỉnh lỵ tỉnh Định Tường) và Thị xã Trúc Giang, không cho quân Sư đoàn 9 Bộ binh vượt sông Tiền Giang. Sứ mạng không thành và kết quả là ngày 6 tháng 11, nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 9 Bộ binh lại cho cấp phó là Trung tá Đoàn Văn Quảng để về trình diện gấp Hội đồng quân nhân cách mạng, sau đó phải ra trước Hội đồng Kỷ luật Quân đội, bị cách chức và "nghỉ dài hạn không lương", tạm thời không còn được tham gia bất cứ một việc gì trong quân đội nữa (hình thức sa thải khỏi quân đội).

Ngày 19 tháng 2 năm 1965, mặc dù đang ở trong tình trạng "nghỉ dài hạn không lương" và bị cách chức, ông đã cùng với Thiếu tướng Lâm Văn Phát, Đại tá Phạm Ngọc Thảo và một số sĩ quan tham gia cuộc chỉnh lý lật đổ Quốc trưởng Nguyễn Khánh. Chính ông đã vạch ra kế hoạch và cùng Trung tá Lê Hoàng Thao[16] đưa Lực lượng Địa phương quân từ tỉnh Long An về chiếm Bộ Tư lệnh Biệt Khu Thủ đô (trại Lê văn Duyệt) trong vòng 48 giờ. Cuộc chỉnh lý thất bại vì không được người Mỹ cũng như đa số sĩ quan cao cấp trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa ủng hộ, ông đã tẩu thoát ngay sau ngày 20 tháng 2. Ông bị Tòa án Quân sự vùng 3 chiến thuật kết án "tử hình khiếm diện". Cuối tháng 5, ông bị bắt tại một Giáo xứ ở vùng Xóm Mới, quận Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định, ngoại ô Thành phố Sài Gòn. Tòa án Quân sự Mặt trận điều chỉnh lại bản án "tử hình khiếm diện" và kết án ông bị tù chung thân, giam ông tại Đề lao Chí Hòa với hai tội danh: Chuyên viên đảo chính và sử dụng quân đội bất hợp pháp, đồng thời Hội đồng Kỷ luật Quân đội chính thức cho ông giải ngũ vĩnh viễn. Năm 1967, ông được trả tự do nhân ngày Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành Hiến pháp của nền Đệ nhị Cộng hòa (1 tháng 7 năm 1967).

1975

Sau ngày 30 tháng 4, ông trình diện Chính quyền Quân quản Cách mạng và bị đưa đi tù lưu đày từ Nam ra Bắc, ông bị chấn thương sọ não trong khi đang đốn cây bồ đề cho lâm trường vào ngày 13/12/1976 tại trại cài tạo Yên Bái tai nạn này khiến ông bị loà một mắt,mãi cho đến cuối năm 1980 ông mới được trả tự do. Sau khi được ra khỏi tù, ông và gia đình bị đưa đi lập nghiệp tại một vùng kinh tế mới thuộc một tỉnh ở miền đông Nam phần.

Giữa năm 1981, ông cùng 2 người con vượt biên bằng đường biển đến Trại tị nạn Ở Thái Lan. Tại đây ông và các con xin được đi định cư ở Pháp. Sau đó ông đã bảo lãnh những thành viên còn lại của gia đình cùng sang Pháp đoàn tụ. 

Đại sự bất thành của ba Đại tá dân Ông Tạ trong tuần tam nhật các thánh 31-10, 1-11, 2-11-1963

Hai cái chết thảm ở ngoại ô và một án tử hình

(Tôi không phải là người viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ. Nhưng lịch sử Việt Nam Cộng hòa chắc chắn sẽ phải viết lại hoàn toàn nếu mưu sự ấy thành công)

Trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân, Tân Bình, TP.HCM) có một ngôi nhà khá lặng lẽ. Dân trong xóm này gọi bà chủ nhà lịch thiệp, nét sang trọng này là o Khôi. Ít ai biết đó là vợ đại tá Việt Nam Cộng hòa Lê Quang Tung.

O Khôi ở với con gái là Lan. Chồng cô Lan là đại tá Cầu, sĩ quan thuộc quyền đại tá Tung, tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Việt Nam Cộng hòa, kiêm Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ. Phó của ông Tung là đại tá Trần Khắc Kính; con rể cụ lý Sóc trong ngõ Con Mắt, cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân chừng vài chục mét; gần sát nhà cụ Vũ Hữu Soạn, cha đại tá hạm trưởng HQ4-Trần Khánh Dư tham gia Hải chiến Hoàng Sa 1974 Vũ Hữu San.

daita_trankhackinh
Đái Tá Trần Khắc Kính

Sau này, cả nhà o Khôi đi định cư ở Marseille (Pháp), nhà để lại nhà nước. Phần sau nhà để lại cho một người giúp việc lâu năm của gia đình tên Thôi. Bà Thôi có tật nhẹ, chân đi hơi cà nhắc. Bà sống một mình, hàng xóm không thấy có anh em thân thích gì nên khi bà mất, hàng xóm xúm lại lo tang cho bà. Một nét sống chia sẻ chòm xóm của người Ông Tạ.

Trước khi đi Pháp, o Khôi hay đến thăm gia đình một người bạn rất thân đồng hương là bà cựu đại tá Việt Nam Cộng hòa Bùi Dzinh nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, đối diện hồ tắm Cộng Hòa; cách nhà bà vài trăm mét.

daita_buidzinh
Đại Tá Bùi Dzinh

Đại tá Bùi Dzinh là võ khoa (thủ khoa) khóa 3 trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt tháng 7-1951. Khi tốt nghiệp, ông được đích thân Hoàng đế Bảo Đại trao kiếm và được đại diện anh em trong khóa bắn cung "tang bồng hồ thỉ". Ông cùng lứa tuổi và thân với đại tá Lê Quang Tung.

Như vậy, nhà ba ông đại tá Việt Nam Cộng hòa Lê Quang Tung, Bùi Dzinh, Trần Khắc Kính cùng dân Ông Tạ và ở rất gần nhau: ông này giáo xứ An Lạc, ông kia giáo xứ Nghĩa Hòa, Chí Hòa; nhà này cách nhà kia chỉ năm bảy trăm mét. Tất cả đều là giáo dân Công giáo nhiệt thành.

Hai đứa con cụ lý Sóc, em vợ ông Kính tên Hùng và Cường là cặp giúp lễ đầu tiên ở nhà thờ An Lạc. Thậm chí có lúc anh Cường còn dự tính nhập tu ở Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn - Đơn Dương. Cùng thời và bạn bè với cặp giúp lễ này ở nhà thờ An Lạc là anh em Đinh Trung Nghĩa (sau này là linh mục Dòng Tên) - Đinh Tiến Luyện (nhà văn nổi tiếng này thì có lẽ nhiều người biết)...

Đại sự bất thành của ba Đại tá trong cuộc đảo chính 1-11-1963

Ông Dzinh, ông Tung cùng Công giáo nhiều đời như gia đình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, thậm chí đồng hương Lệ Thủy (Quảng Bình), Huế với ông Diệm nên không khó để biết hai vị này rất ủng hộ ông Diệm. Riêng ông Tung, người tuyệt đối trung thành với ông Diệm; từng được ông Ngô Đình Nhu giao nhiệm vụ thành lập Quân ủy Trung ương đảng Cần Lao. CIA lúc đó xếp ông là người có quyền lực nhất ở Nam Việt Nam sau anh em ông Diệm và ông Nhu.

Ông Kính và ông Dzinh sinh cùng năm 1929. Ông Tung lớn hơn vài tuổi. Cũng là cùng trang lứa.

Cuối năm 1956, ông Tung được đích thân Tổng thống Diệm gọi vào Dinh Độc Lập phỏng vấn rất lâu, sau đó phong trung tá, đưa làm giám đốc Sở Liên lạc. Phó giám đốc là ông Kính, lúc đó mới đại úy. Có lúc sở này mang tên Sở Khai thác địa hình.

Ngay sau đó, ông Tung đi Honolulu học khoá đặc biệt về hoạt động bí mật và xâm nhập. Ông Kính và em ông Tung là trung úy Lê Quang Triệu cũng đi Saipan (một hòn đảo thuộc đảo Guam) học về tình báo.

Ngày 15.3.1963, Tổng thống Diệm đổi Sở Liên lạc thành Lực lượng Đặc biệt, thăng ông Tung lên đại tá, tư lệnh Lực lượng Đặc biệt, ông Kính làm phó. Đại tá Tung thật ra chỉ lo về hoạt động tình báo, gián điệp ở miền Bắc, còn việc tổ chức, huấn luyện Lực lượng Đặc biệt thuộc ông Kính, lúc đó là thiếu tá.

Lực lượng Đặc biệt là đơn vị chỉ huy Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ, lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa; trang bị hỏa lực rất mạnh, có cả xe tăng lẫn cao xạ bắn máy bay và trung thành tuyệt đối với chế độ Ngô Đình Diệm.

Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ đóng ở thành Cộng Hòa (nay là khu vực Trường đại học Dược và Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn) trên đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM); cách Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) vài trăm mét. Và họ chỉ chịu buông súng đầu hàng sáng 2-11-1963, sau cú điện thoại trực tiếp của Tổng thống Diệm lúc ấy đang trú ẩn ở nhà thờ Cha Tam, cuối đường Trần Hưng Đạo (Chợ Lớn) khi ông quyết định gặp đại diện nhóm tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa làm đảo chính.

Lực lượng Đặc biệt là nỗi ám ảnh thất bại của nhóm tướng lĩnh đảo chính với hậu thuẫn của Mỹ - như đã từng thất bại trong cuộc đảo chính năm 1960. Ngày 19.10.1963, tướng Paul D. Harkins, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa thông báo cho Tổng thống Diệm biết ngân khoản Hoa Kỳ dành cho Lực lượng Đặc biệt bị cắt giảm.

Rõ ràng phía Mỹ đã ngửi mùi một kế hoạch, âm mưu đáng sợ từ Lực lượng Đặc biệt mà hai vị tư lệnh và phó tư lệnh là Lê Quang Tung và Trần Khắc Kính – đều là dân Ông Tạ: một nhóm lính thuộc Lực lượng Đặc biệt mặc đồ thường dân sẽ phóng hỏa đốt Tòa đại sứ Mỹ; ám sát đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr. và một số quan chức chủ chốt của tòa đại sứ.

Hai ông Tung - Kính lên kế hoạch này, chắc chắn có sự chỉ đạo của hai ông Diệm - Nhu, chí ít là ông Nhu, do đã nắm được toan tính của phía Mỹ trong việc đứng sau lưng cuộc đảo chính này.

Và nhóm tướng lĩnh đã làm đảo chính, với hậu thuẫn của Mỹ và đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr., ra tay trước.

Ngày lế các thánh, các linh hồn 1 và 2-11-1963 đẫm máu

Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có ba ngày đại lễ liên tiếp, gọi là Tuần tam nhật Các thánh: 31-10 lễ Vọng các thánh (Halloween), 1-11 lễ Các thánh, 2-11 lễ Các đẳng (hay Lễ Các đẳng linh hồn, lễ Các linh hồn). Ba ngày lễ này dựa trên việc hiệp thông công đức (thông công), lời cầu nguyện giữa ba vùng: trần thế, thiên đàng và luyện ngục.

Cả Tổng thống Diệm và ba vị đại tá kia đều là người Công giáo nhiệt thành chắc chắn không bỏ qua việc dự thánh lễ những ngày này. Thực tế sáng 2-11, ngay trong cơn dầu sôi lửa bỏng, thập tử nhất sinh, trước khi quyết định gọi điện thoại cho phe đảo chính báo nơi ẩn náu của mình, ông Diệm và em trai là ông Nhu vẫn bí mật dự lễ Các linh hồn ở nhà thờ Cha Tam.

Cuộc đảo chính của nhóm các tướng lĩnh, do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, có lẽ đã tính toán cả những chuyện này khi quyết định chọn ngày D cho cuộc đảo chính: 1-11-1963. Trước đó, sáng 1-11-1963, ngay ngày lễ Các thánh, đại sứ Lodge vẫn gặp Tổng thống Diệm.

Hai đại tá Lê Quang Tung và Trần Khắc Kính chắc chắn cũng đã chuẩn bị cho việc dự những ngày "lễ buộc" (buộc phải dự) của Công giáo này.

Tuy nhiên, ngày 1-11, trong khi đại tá Kính cùng gia đình chuẩn bị bước vào nhà thờ An Lạc dự lễ Các thánh thì đại tá Lê Quang Tung lại phải chuẩn bị đến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) cách khu An Lạc khoảng cây số - theo yêu cầu của nhóm tướng lĩnh tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Lý do triệu tập: Nghe nói có một cuộc đảo chính Tổng thống Diệm nên trung tướng Trần Văn Đôn, quyền tổng tham mưu trưởng triệu tập tất cả các vị tư lệnh mọi quân binh chủng và giám đốc nha sở ở Sài Gòn về họp ở Bộ Tổng tham mưu.

Trước đó, nhóm tướng lĩnh đảo chính đã tạo tin giả: “Việt cộng đang tập trung quân ở Hố Bò, Củ Chi, chuẩn bị tấn công Sài Gòn”. Lực lượng Đặc biệt đã bị điều ra đây. Sư đoàn 5 Bộ binh về bảo vệ Đô thành Sài Gòn. Tổng thống Diệm không ngờ tư lệnh Sư đoàn 5, đại tá Nguyễn Văn Thiệu (sau là tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa, nhà ở lúc đó là cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo, gần đầu đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai) thuộc nhóm sĩ quan làm đảo chính.

daita_lequangtung
Đái Tá Lê Quang Tung

Trong cuộc gặp này, ông Tung đứng lên phản đối cuộc đảo chính, bị lôi ra ngoài giết chết. Theo đại tá Phạm Bá Hoa, lúc đó là đại úy, ông được thiếu tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu gọi điện thoại “mời” các tướng tá về họp và có mặt ở buổi họp đó nói ông Tung bị Quân cảnh gác phòng họp còng tay đưa ra ngoài bắn chết, Nhưng cũng có thông tin nói ông Tung bị đại úy Nguyễn Văn Nhung – cận vệ của tướng Dương Văn Minh đâm chết. Đến giờ vẫn còn ý kiến khác nhau về chuyện này.

Sau đó, em trai ông Tung là thiếu tá Lê Quang Triệu, tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt vào Bộ Tổng tham mưu tìm anh cũng bị giết.

Thân xác của hai anh em ông Tung và ông Triệu bị vùi ở đâu đó khu vực nghĩa trang Bắc Việt (nay là khu vực chùa Phổ Quang, Tân Bình), bên hông Bộ Tổng tham mưu mà tới giờ vẫn chưa tìm thấy. Những kẻ sát hại hai ông đến nay vẫn chưa rõ là ai. Đại úy Nhung sau đó vài tháng cũng “lấy dây giày thắt cổ tự tử” khi bị tướng Nguyễn Khánh ra lệnh bắt giam, điều tra để “trả thù cho Ông Cụ (Ngô Đình Diệm)” nên sự thật lịch sử này tới giờ vẫn còn chìm trong bí mật.

Một ngày sau khi hai anh em ông Tung – ông Triệu bị thảm sát, ngày 2-11-1963, hai anh em ông Diệm và ông Nhu cũng bị thảm sát đẫm máu. Khám nghiệm tử thi cho thấy trên người hai ông đầy vết bầm dập, vết đâm và những phát đạn. Ai chủ mưu và quyết định, ai thủ phạm trực tiếp tới giờ cũng chưa rõ, dù đa số dư luận cho đó là đại úy Nhung nổi tiếng hiếu sát – cận vệ của tướng Dương Văn Minh.

Điều trùng hợp là thoạt đầu, trước khi dời mộ về nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám), hai ông Diệm – Nhu cũng được chôn cất gần nơi hai anh em ông Tung – Triệu bị giết (nghĩa trang Bắc Việt). Cụ thể hai ông Diệm, Nhu ban đầu đã được an táng trong một nghĩa trang thuộc chùa Hưng Quốc (hay An Quốc?) trong khuôn viên Bộ Tổng Tham mưu, cạnh mộ Lê Văn Phong, em ruột Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt…

(Ông Lê Văn Phong là phó tổng trấn Bắc Thành năm 1818, dưới quyền của Tổng trấn Lê Chất. Năm Minh Mạng thứ 5 - Giáp Thân, 1824, ông về thăm quê, trở bệnh qua đời ở Gia Định. Ông từng lãnh chức chưởng tả dinh, nên còn được người đời gọi là "Ông Tả Dinh". Mộ ông ban đầu rất kiên cố do chính Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt, anh ruột ông xây trong khu vực sau này thuộc xã Tân Sơn Hòa, nằm trong khuôn viên Bộ Tổng tham mưu, sau nhà tướng Đặng Văn Quang. Năm 1961, để mở rộng bãi đáp trực thăng, người ta khai quật mộ, dời về phía sau, cũng trong khuôn viên Bộ Tổng tham mưu, gần đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận hiện nay. Mộ phần hai ông Diệm – Nhu thoạt đầu chôn ở khu vực này).

Sáu tháng sau, ngày 22-4-1964, em trai Tổng thống Diệm là ông cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn bị Tòa án Cách mạng tuyên án tử hình. Ông Cẩn đệ đơn lên Quốc trưởng Dương Văn Minh xin ân xá. Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng gửi một lá thư tới Dương Văn Minh xin ân xá với lý do là ông Cẩn đang bị bệnh rất nặng, không còn sống được bao lâu cho nên không cần thiết phải hành quyết. Ông Minh bác đơn. Ngày 9-5-1964, ông Cẩn bị hành quyết bằng xử bắn và chôn cất cũng ở nghĩa trang Bắc Việt – xã Tân Sơn Hòa.

Như vậy, ban đầu cả ba anh em ông Diệm – Nhu – Cẩn đều được chôn cất trên phần đất xã Tân Sơn Hòa, chỉ cách khu Ông Tạ (cũng thuộc xã Tân Sơn Hòa) vài trăm mét.

Sau khi nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi bị giải tỏa 1983 – 20 năm sau khi hai ông Diệm – Nhu bị ám sát, phần mộ hai ông Diệm - Nhu dời về nghĩa trang Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Nhiều nghĩa trang khác ở TP.HCM cụng bị giải tỏa trong đó có nghĩa trang Bắc Việt. Phần mộ ông Cẩn được cải táng, đưa về bên cạnh mộ mẹ là bà Phạm Thị Thân và hai anh Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.

Sau cuộc đảo chính, đường Ngô Đình Khôi trước mặt Bộ Tổng tham mưu đổi thành đường Cách Mạng 1-11 (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi).

Viên Đại tá hai lần phản đảo chính, một lần đảo chính bị tuyên tử hình với tội danh “chuyên viên đảo chính”

Ngày 1-11-1963, hay tin cuộc đảo chính nổ ra ở Sài Gòn, đại tá Bùi Dzinh đã lập tức điều động Trung đoàn 15 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh và một pháo đội của Tiểu đoàn 9 pháo binh về phản đảo chính.

Nhưng đại tá Nguyễn Hữu Có thuộc phe đảo chính đã dàn lính Sư đoàn 7 bộ binh chặn ở ngã ba Trung Lương sau khi ra lệnh cho tỉnh trưởng Định Tường - trung tá Nguyễn Khắc Bình rút hết phà tại bến bắc Rạch Miễu và Mỹ Thuận về bờ phía Mỹ Tho để ngăn Sư đoàn 9 vượt sông Tiền…

Năm ngày sau, 6-11-1963, đại tá Bùi Dzinh phải bàn giao Sư đoàn 9 cho tư lệnh phó là trung tá Đoàn Văn Quảng, về trình diện Hội đồng Quân nhân Cách mạng tại Bộ Tổng tham mưu. Tại đây, ông đã có cuộc tranh luận dữ dội với thiếu tướng Tôn Thất Đính khiến ông Đính nổi nóng, móc súng đòi bắn. Tướng Lâm Văn Phát nhảy vào can thiệp và tướng Khiêm kéo sang phòng khác, rồi mời "về nhà nghỉ ngơi".

Mấy ngày, đại tá Bùi Dzinh sau nhận quyết định "Nghỉ dài hạn không lương" của Hội đồng Quân nhân Cách mạng (chỉ huy là trung tướng Dương Văn Minh) cùng một danh sách 31 sĩ quan cao cấp (thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, đại tá Cao Văn Viên, đại tá Bùi Đình Đạm, đại tá Nguyễn Văn Phước...).

Đây không phải là lần đầu tiên ông Dzinh phản đảo chính cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm, người đồng hương huyện Lệ Thủy, Quảng Bình của mình. Ba năm trước, ngày 11-11-1960, ông Dzinh, lúc ấy là trung tá, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng của Sư đoàn 21 bộ binh cũng từ miền Tây mang một pháo đội 105 cùng đại úy Lưu Yểm, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33 của của Sư đoàn 21 bộ binh kéo về Sài Gòn nhổ chốt Phú Lâm do Tiểu đoàn 8 nhảy dù trấn giữ; thẳng đường về Dinh Độc Lập dẹp tan cuộc đảo chính do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu.

Sau khi chống đảo chính thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, gia đình ông Dzinh đã từ dinh tư lệnh Sư đoàn ở Sa Đéc dọn về cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, cạnh nhà nữ tài tử Kiều Chinh.

Tại đây, năm học 1963-1964, các con ông như Bùi Dzũng, học nội trú lớp đệ ngũ – nay là lớp 8, cùng hai em trai: Cường, lớp đệ thất (lớp 6) và Bình, lớp nhì (lớp 4) trường Đắc Lộ của linh mục Vũ Khánh Tường. Anh trai tôi cùng tuổi, cùng khối học, cùng nội trú với Bình, con ông Bùi Dzinh ở đây.

Năm 1964, ông Dzinh mướn nhà thầu Vũ Thịnh xây ngôi nhà đầu tiên ở vườn cao su Phú Thọ trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt) nhìn xéo sang khu đất nay là chợ Tân Bình. Đối diện bên kia đường là nhà của đại tá Quỳnh, chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Chiến tranh chính trị Đà Lạt.

Ông Dzinh không chịu ngồi yên. Ngày 19-2-1965, ông cũng ra tay: tham gia cuộc đảo chính nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh, do thiếu tướng Lâm Văn Phát chỉ huy cùng đại tá Phạm Ngọc Thảo. Cụ thể ông lên kế hoạch cùng trung tá Lê Hoàng Thao mang quân từ Long An chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh TP.HCM) và quản thúc trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Biệt khu Thủ đô tại trại Lê Văn Duyệt suốt 24 giờ trước khi rút lui ngày 20-2-1965.

Cuộc đảo chính thất bại và bị toà án quân sự kết án tử hình khiếm diện với tội danh “chuyên viên đảo chính và sử dụng quân đội bất hợp pháp” (sau hạ xuống chung thân rồi tha bổng), ông Dzinh đã chạy về khu Ông Tạ, ẩn náu ở lò bánh mì nhà ông bà Dần trên đường Thánh Mẫu, sau đó sang Nhà hưu dưỡng các linh mục ở nhà thờ Chí Hòa cách đó khoảng 100m…

Bị lùng sục ráo riết, ông chạy về nhà một ông trùm giáo xứ Lạng Sơn ở Xóm Mới (Gò Vấp) một thời gian, sau đó bị bắt, đưa về tạm giam ở Tổng nha Cảnh sát Quốc gia - Sài Gòn trước khi bị giải sang khám Chí Hòa tháng 5 - 1965.

Chính quyền Sài Gòn tịch thu nhà của ông ở đường Nguyễn Văn Thoại. Vợ ông và chín người con tạm nương nhờ nhà người cậu ruột là trung tá Lý Trọng Lễ (sau này là dân biểu tỉnh Bình Long rồi làm tỉnh trưởng Khánh Hòa thời Đệ nhị Cộng hòa – Nguyễn Văn Thiệu) ở dãy nhà lầu đối diện hồ tắm Cộng Hòa. Sau đó qua ông Lễ, mua căn nhà số 203 đường Lê Văn Duyệt nối dài (sau năm 67 đổi số 207 rồi cuối cùng là số 211 đường Phạm Hồng Thái, Gia Định – nay là Cách Mạng Tháng Tám); nhờ người dì đứng tên và ở đó từ tháng 9-1965 tới giờ.

Cạnh nhà ông Dzinh là nhà trung tá Trần Ngọc Châu, chuyên gia chống phiến loạn của Việt Nam Cộng hòa, cựu dân biểu thời Đệ nhị Cộng hòa (ông vừa qua đời tháng 6-2020 ở tuổi 96 ở Mỹ, do biến chứng của bệnh Covid-19).

Căn nhà ở đầu đường Sở Mỹ (nay là đường Lê Minh Xuân) và Nguyễn Văn Thoại, xéo chợ Tân Bình được chính phủ trả lại năm 1967 sau khi ông ra khỏi khám Chí Hòa - nhân dịp Tổng thống Thiệu ban hành hiến pháp nền Đệ nhị Cộng hòa.

Gia đình ông ở chính tại ngôi nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa cho đến khi đi nước ngoài cuối năm 1980. Căn nhà luôn đóng kín cửa phía đường Cách Mạng Tháng Tám. Khách ra vào bằng cửa sau. Bà cựu đại tá Bùi Dzinh tướng to cao, phúc hậu…

Cùng số phận đau buồn, trước khi định cư ở Pháp, hai bà cựu phu nhân hai đại tá Việt Nam Cộng hòa Lê Quang Tung, Bùi Dzinh thường qua lại thăm viếng nhau…

Ngày 2-11-1971, sau tám năm lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lần đầu tiên cho phép tổ chức tưởng niệm, lễ giỗ Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu công khai tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

Sáng hôm ấy, đại tá Bùi Dzinh được cựu trung tá Trần Thanh Chiêu trong ban tổ chức tưởng niệm thông báo trước đã lái xe chở theo con trai là Bùi Dzũng đến dự buổi lễ này.

Trung tá Trần Thanh Chiêu, nguyên tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh. Năm 1960, Quân Giải phóng xâm nhập và lấy đi một số vũ khí tại căn cứ Trảng Sụp do một trung đoàn thuộc Sư đoàn 21, đóng ở đây. Ông bị Tổng thống Ngô Đình Diệm cách chức tư lệnh sư đoàn, thay bằng đại tá Trần Thiện Khiêm. Ông Chiêu dân Quảng Nam, tánh tình cương trực và khí phách, nhận lỗi, không phàn nàn, oán trách một lời. Sau được tổng thống Diệm tín nhiệm trở lại, giao làm chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo an & Dân vệ - tiền thân binh chủng Địa phương quân và Nghĩa quân. Thời Đệ nhị Cộng hòa, sau khi giải ngũ, gia đình trung tá Trần Thanh Chiêu dọn nhà về khu ngã tư Bảy Hiền cạnh nghĩa địa Quân đội Pháp, gần trường Quốc gia nghĩa tử - nay là Trường cao đẳng Lý Tự Trọng).

Hai cha con ông Bùi Dzinh đậu xe gần salon ôtô Trường Can (chủ là thiếu tá Trương Định) trên đường Hiền Vương, đi bộ đến trước cổng chính nghĩa trang. Nơi đây, từ 9h sáng đã có hàng ngàn người tụ tập, phần lớn là bà con Bắc 54 các nơi: Ông Tạ, Trung Chánh (Hóc Môn), Gia Kiệm, Dốc Mơ, Hố Nai... đến bằng xe đò, xe Lam.

Vì số người quá đông nên lính gác và cảnh sát không cho phép vào bên trong nghĩa trang thăm viếng, cầu nguyện. Như đã đoán trước, ban tổ chức đã cho dựng ngay một bàn thờ lộ thiên phía trong sát cổng chính vào nghĩa trang. Thánh lễ cầu hồn được tổ chức theo nghi thức đọc kinh của đạo Công giáo do một linh mục chủ tế và mọi người thầm lặng cầu nguyện. Anh Bùi Dzũng cho biết nhìn thấy có những dòng nước mắt rơi.

Buổi lễ kết thúc xế trưa. Các ông đại tá Bùi Dzinh, Đỗ Văn Diễn, Trương Văn Chương… vốn là những chiến hữu cùng tham gia vụ chính biến (bất thành) ngày 19-2-1965 nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh đã cùng ăn trưa ở nhà hàng L'Admiral, phía sau trụ sở Quốc Hội (nay là Nhà hát lớn).

Cùng lúc đó, trước mắt tôi, một thằng nhỏ chín tuổi, nhiều xe hoa diễu hành, phát loa dọc các con đường ở khu Ông Tạ như Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)... suy tôn và đòi phục hồi sự thật, danh dự cho ông Diệm…

Những ngày lễ của Tuần tam nhật Các thánh khu Ông Tạ ấy đầy oan khiên, máu và nước mắt.

Cù Mai Công

No comments:

Post a Comment