Sunday, December 5, 2021

Chinh Chiến Điêu Linh (Kỳ 13) Polei Kleng

   Trại Polei Kleng (còn được gọi là Trại Lực lượng Đặc biệt Ben Het, Trại Biệt động Ben Het và FSB Ben Het) nguồn Flickr

“Đến tiễn đưa tượng đài về an vị ở San Jose, nhiều thế hệ, người sinh ra ở Việt Nam, người sinh ra ở Mỹ, mặt người nào cũng vui. Sự hy sinh của các chiến sĩ được ngưỡng mộ, được nhắc nhở. Vong linh các anh chiến sĩ Công Binh Chiến Đấu, Thiết Giáp, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến v.v. linh thiêng xin về đây chứng giám lòng thành của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại hay ở trong nước vẫn còn nhớ đến các anh. Xin các anh phù hộ cho chúng tôi có một ngày trở về quê hương khi Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo.” (Kiều Mỹ Duyên)

Polei Kleng là tên của một ngọn đồi lớn nằm về phía Tây Bắc của thành phố Kontum khoảng 22 cây số. Chung quanh Polei Kleng có những đồi thông nhỏ khác nằm rải rác, tạo nên một khung cảnh thật thơ mộng. Trên đồi Polei Kleng, có căn cứ hỏa lực do quân đội Mỹ thiết lập rất kiên cố. Doanh trại của căn cứ xây theo hình tam giác, hệ thống giao thông hào chìm, nổi và 13 lô cốt bao chung quanh trại, từ trên máy bay nhìn xuống rất đẹp. Căn cứ này cũng mang tên là Polei Kleng, và tên Việt là Lệ Khánh.

Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về nước, căn cứ này giao lại cho Việt Nam và hiện do Tiểu đoàn 62 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng trấn giữ. Phía Tây Bắc của Lệ Khánh có một làng Thượng với chừng 100 nóc nhà, và hầu hết những đàn ông Thượng trong làng này đều là lính của Tiểu đoàn 62 Biệt Ðộng Quân. Có thể nói hết hai phần ba quân số của tiểu đoàn là người Thượng. Ðại đội 1 là đại đội nòng cốt của tiểu đoàn do Thiếu Úy Kchong làm Ðại Ðội Trưởng. Thiếu Úy Kchong từ lực lượng Dân Sự Chiến Ðấu do Hoa Kỳ thành lập và huấn luyện, sau chuyển qua Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng. Kchong mới 22 tuổi, anh là một sĩ quan can trường và hành quân rất giỏi.

Chỉ huy Tiểu Ðoàn 62 là Ðại Úy Bửu Chuyển, dáng người cao lớn, nước da trắng hồng. Một lần Tướng Lam Sơn đến thăm trại, gọi ông theo kiểu Huế: ‘Mệ Chuyển’. Tiểu Ðoàn Phó là Trung Úy Phan Thái Bình, dáng người dong dỏng cao, rắn rỏi, đôi mắt linh động, và các sĩ quan khác của tiểu đoàn như Thiếu Úy Lê Văn Anh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Tám… đều là những sĩ quan trẻ rất kiên cường.

Lệ Khánh được tổ chức như một làng nhỏ, có bệnh xá khám bệnh cho các gia đình Thượng ở chung quanh trại. Có trường học, thầy giáo là người Thượng. Có trại gia binh, không phải nhà, mà là những căn hầm như những công sự phòng thủ, nhưng rộng rãi cho vợ con của một số quân nhân Thượng. Trại cũng có những vườn rau xanh, có câu lạc bộ nằm trên đồi rất thơ mộng, người trong trại gọi là câu lạc bộ Mây Trên Ðồi.

Trong những ngày làm phóng sự chiến trường ở Cao Nguyên, hôm qua tôi xin tháp tùng theo một chuyến bay nào đó để nhảy xuống Lệ Khánh nhưng bị từ chối. Lý do từ chối là vì sau khi bị đẩy lui trong một cuộc tấn công đẫm máu vào Lệ Khánh, Cộng quân nhất định muốn san bằng căn cứ này, nên mỗi ngày tiếp tục pháo vào từ 3 đến 4 ngàn quả đạn đủ loại. Bởi vậy, trực thăng khó có thể đáp xuống được.

Tôi xin thẳng với Trung Tướng Ngô Dzu, đương kim Tư Lệnh Quân Ðoàn II, nhưng ông cũng từ chối và hứa đợi đến lúc nào tình hình khả quan hơn. Tôi cám ơn hảo ý của ông và trong lòng tự hứa, không đến được hôm nay, thì cũng sẽ đến một ngày nào đó để gặp và viết về những người chiến sĩ đã đánh những trận đánh để đời trong Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa.

Cộng quân đã pháo vào trại Lệ Khánh suốt tuần nay với hàng ngàn đạn 82 ly và hỏa tiễn 122 ly. Vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 7 tháng 5, sau một đợt pháo dữ dội hơn những ngày vừa qua và kéo dài đến nửa đêm, liền sau đó Cộng quân đã ào ạt xung phong vào ba mặt: Ðông, Ðông Bắc và Ðông Nam.


Vị trí trại Polei Kleng

Ngay lúc trận chiến khởi đầu, Ðại Tá Nguyễn Văn Ðương, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân của Quân Khu II bay trực thăng vòng vòng trên trời, vừa để quan sát trận đánh vừa để khích lệ tinh thần binh sĩ. Sau khi liên lạc với Tướng Ngô Dzu, Ðại Tá Ðương gọi máy cho Ðại Úy Bửu Chuyển, Chỉ Huy Trưởng trại Lệ Khánh, đang chỉ huy trận đánh bên dưới:

– Tất cả Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn đang theo dõi sự chiến đấu của anh em. Kể từ giờ phút này, anh đã được Quân Ðoàn thăng cấp Thiếu Tá.

Suốt đêm đó, Tướng Dzu, Ðại Tá Lê Quang Bình, Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II và ông John Paul Vann, Cố Vấn Trưởng Quân Ðoàn II bay trực thăng trên căn cứ để quan sát những diễn biến của trận đánh.

Từ nửa đêm cho đến 6 giờ sáng, Cộng quân xung phong trên 10 lần, quyết tâm tràn ngập căn cứ này, nhưng cuối cùng phải rút lui, bỏ lại hơn 300 xác rải rác trên khắp các hàng rào phòng thủ. Ðến 7 giờ sáng, Cộng quân dội tiếp vào một trận mưa pháo kéo dài hơn một tiếng đồng hồ để mở đầu cho đợt xung phong lần thứ hai. Lần này có 20 chiến xa T54 dẫn đầu tràn vào các công sự phòng thủ của những chiến sĩ Biệt Ðộng Quân Biên Phòng đang anh dũng chống trả từ lúc nửa đêm đến giờ chưa một giây ngừng nghỉ.

Một toán 5 chiếc T54 tiến vào từ hướng Tây Bắc đã lọt vào bãi mìn chống chiến xa. Cuối cùng, đợt tấn công thứ hai này, Cộng quân cũng bị thiệt hại nặng nề nên phải rút lui. Và theo những tài liệu tịch thu được tại chiến trường, Cộng quân đã chọn Lệ Khánh để đánh chiếm làm quà kỷ niệm cho ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Bởi vậy một tuần trước đây, địch quân đã gia tăng áp lực chung quanh căn cứ này một cách rõ rệt.

Buổi chiều cùng ngày, lúc 18 giờ 20 phút, Trung Tướng Ngô Dzu bay trực thăng trên trại Lệ Khánh để ‘gắn lon’ cho Ðại Úy Bửu Chuyển, Chỉ Huy Trưởng trại Lệ Khánh. Cặp lon Thiếu Tá mới toanh và hai chai rượu champagne được thả từ phi cơ xuống. Trung Úy Phan Thái Bình, Tiểu Ðoàn Phó cùng 20 chiến sĩ Biệt Ðộng Quân Biên Phòng khác cũng được thăng cấp và tưởng thưởng tại mặt trận.

Tôi nghĩ rằng trong lịch sử chiến tranh của nhiều quốc gia, chắc chưa bao giờ có một cảnh ‘gắn lon’ độc đáo như vậy. Hai bông mai bạc từ trên trời rơi xuống, xuyên qua làn mưa pháo của địch quân, nở trên vai áo của người hùng biên trấn Tây Nguyên.

Ông John Paul Vann là cố vấn quân sự Hoa Kỳ của Quân Ðoàn II. Ông mang cấp bậc Ðại Tá, nhưng vì giữ chức vụ cố vấn bên cạnh Tư Lệnh Quân Ðoàn, nên Bộ Quốc Phòng Mỹ cho ông giải ngũ để khỏi trở ngại về vấn đề cấp bậc. Ông Vann là một cố vấn quân sự có một vị thế và cuộc sống riêng tư rất đặc biệt. Người ta đồn rằng ông là bạn thân của Tổng Thống Nixon, có uy tín ngang hàng với Kissinger, cho nên ông là cố vấn quân sự có nhiều quyền hạn đặc biệt trong những quyết định về sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng miền Nam Việt Nam và cả Hoa Kỳ nói nhiều đến ông, không phải vì chức vụ cố vấn, mà vì đời sống tình cảm riêng tư của ông nhiều hơn. Trong thời gian ở Cao Nguyên này, một người con gái má đỏ, môi hồng đã thay đổi cuộc đời của ông. Sóng gió của mối tình muộn và đầy ngang trái này đã âm hưởng mạnh mẽ tận Hoa Thịnh Ðốn, vì ông là nhân vật quyền thế đương thời.

Và một ngày, giữa lúc Cao Nguyên khói lửa ngút trời, ông Vann đã nói lên tâm sự của mình, sự thổ lộ cũng xem như là một chọn lựa:

– Sau khi tình hình của Cao Nguyên sáng sủa, tôi sẽ làm đám cưới với nàng. Tôi sẽ ở lại đây với nàng cho hết cuộc đời và Việt Nam sẽ là quê hương thứ hai của tôi.

Bởi vậy, bạn bè của ông thường nói rằng, ông đang phục vụ một cách hăng say cho quê hương Việt Nam của ông, chứ không phải đang làm cố vấn cho một quốc gia bạn. Tôi gặp ông John Paul Vann trong một buổi sáng tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II khi đến đây cùng với một ký giả người Anh của tờ Sunday Times để xin phương tiện ra chiến trường.

Ông Vann khoảng chừng 50 tuổi, dáng người cao lớn, ông không nói tiếng Việt nhưng hình như hiểu tiếng Việt, bởi vì khi nghe một sĩ quan của Phòng Báo Chí nói với tôi sáng nay không còn chiếc trực thăng nào cho báo chí, ông Vann đã vui vẻ hỏi tôi có muốn dùng chiếc trực thăng của ông không. Ông vẫn được tiếng là người rất niềm nở với giới ký giả. Tôi đã có lần nhìn thấy chiếc trực thăng riêng của ông Vann trên bãi đáp, chiếc trực thăng này sơn màu trắng, mũi nhọn, thân dài, có hình dạng khác hẳn với những chiếc trực thăng của quân đội thường dùng. Chưa quen biết nhiều, nên tôi không muốn nhận sự giúp đỡ của ông, cũng một phần tôi nghĩ rằng, một chiếc máy bay đặc biệt như vậy, chắc súng và hỏa tiễn phòng không của địch thích nhắm vào để lập chiến công.

Sau này, một lần về Sài Gòn, ông có đến toà soạn báo Hòa Bình thăm tôi, nhưng lúc đó tôi đang về làm phóng sự Ở miền Tây. Ông Vann trước là cố vấn quân sự của Vùng IV, nên ông gọi điện thoại về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn IV để nhờ những người quen tìm đến gặp và chuyển lời thăm tôi. Một thời gian sau, tôi nghe tin ông tử nạn vì máy bay bị bắn trong lúc bay thị sát mặt trận ở Cao Nguyên.

 Trại Lệ Khánh vẫn anh dũng chống trả trước bao nhiêu đợt tấn công của địch quân ròng rã gần một tháng trời. Lần lượt Charlie, Tân Cảnh rồi Dakto thất thủ. Muốn tiến vào Kontum, địch quân phải san bằng Lệ Khánh. Khi mở đầu cuộc tổng công kích vào toàn vùng Cao Nguyên, giai đoạn đầu tiên là một chiến dịch mà Cộng quân đặt tên có tính cách kích động tâm lý là chiến dịch ‘Poko Dậy Sóng’. Poko là một dòng sông nằm phía Tây Quốc Lộ 14, cách Lệ Khánh khoảng 7 cây số và cách Kontum chừng 20 cây số. ‘Poko Dậy Sóng’ là chiến dịch đánh chiếm một loạt các căn cứ trong vùng Tam Biên, mà Lệ Khánh là điểm cuối cùng.

Một buổi sáng, khi nắng ban mai chưa đủ ấm để làm tan hết sương mù của miền rừng núi, trại Lệ Khánh lại một lần nữa rung chuyển vừa bởi đạn pháo, vừa bởi tiếng động cơ của một đoàn chiến xa T54 của địch quân. Pháo phủ đầu rồi khinh binh của địch theo chiến xa tiến vào như thác lũ. Ðịch quân dùng cả những đại pháo của ta mà chúng lấy được ở Dakto như đại bác 105 ly, 155 ly để bắn vào Lệ Khánh.

Thiếu Tá Bửu Chuyển và tất cả chiến sĩ của Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân không hề nao núng. Ðã đội lên đầu chiếc Mũ Nâu, mặc bộ đồ trận màu hoa rừng là đã sẵn sàng chờ đợi những giây phút như ngày hôm nay. Và tiểu đoàn đã anh dũng chiến đấu, chiến đấu cho đến giây phút mà người chiến sĩ còn có thể chiến đấu.

Những ngày mở đầu, địch chỉ pháo từ 500 đến 1,000 quả 82 ly và 105 ly. Những ngày về sau, cường độ pháo kích tăng lên đến mức khủng khiếp, từ 10 ngàn đến 15 ngàn quả. Ðại Tá Nguyễn Văn Ðương, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân của Quân Khu II, Ðại Tá Nguyễn Bá Thìn, Tỉnh Trưởng Kontum và Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh đã thường xuyên bay trên Lệ Khánh, cố gắng đáp xuống nhưng không thể nào thực hiện được. Nhất là Ðại Tá Ðương, ông lo lắng cho các binh sĩ của mình đang ngày đêm chịu từng đợt tấn công nặng nề của địch.

Ngày thứ 20, tính từ ngày đẩy lui địch quân đợt đầu, pháo của địch dội vào tới mức không thể đếm được nữa. Kho đạn đã bị cháy. Trung Tâm Hành Quân bị đạn 155 ly phá sập. Ðạn dược, lương thực và nước chỉ dự trữ đủ dùng trong 3 tháng. Lệ Khánh hoàn toàn bị cô lập. Không tiếp tế, không tải thương được. Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn hỏi trên máy:

– Các anh còn chịu được không?

Thiếu Tá Chuyển trả lời:

– Chúng tôi vẫn chiến đấu.

Một tuần sau, toán cố vấn quân sự liên lạc về Kontum. Một cuộc oanh kích dữ dội do máy bay của Không Quân Mỹ đảm trách để dọn một bãi đáp khẩn cấp ngay trong trại. Hai chiếc trực thăng loại nhỏ, từ bên ngoài luồn vào Lệ Khánh với một độ bay thật thấp để tránh pháo, và không một lời giã từ, toán cố vấn vội vã lên trực thăng ra khỏi trại.

Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân vẫn tiếp tục chiến đấu. Những người bị thương nặng thì nằm ở bệnh xá. Những người bị thương nhẹ được băng bó rồi tiếp tục cầm súng trở lại phòng tuyến của mình. Vợ con của các binh sĩ cũng được phát súng, phụ giúp quan sát, canh phòng, tải đạn, tải thương…

Có thể nói gần một tháng trời, Lệ Khánh không có ban đêm. Mỗi ngày khi mặt trời khuất bóng, những trái hỏa châu được máy bay thả xuống liên tục soi sáng cả một vùng chung quanh trại. Tướng Lý Tòng Bá đưa một tiểu đoàn Pháo Binh nằm tại hướng Ðông Lệ Khánh, bên kia sông Poko, để yểm trợ cho căn cứ này.

Pháo yểm trợ bắn trùm chỉ cách quân trú phòng có 20 thước. Xác của địch quân rải đầy chung quanh hàng rào phòng thủ đã hơn 20 ngày nay. Thây người chết sình thối và mùi thuốc súng pha trộn với nhau làm cho Lệ Khánh đầy đặc cả tử khí.

 Tháng 4 năm 1975, Ðại Tá Nguyễn Văn Ðương chung số phận với những đồng đội của mình. Sau 13 năm tù cải tạo, ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ ngày 26 tháng 5 năm 1992 trong đợt HO10, hai tuần trước ngày tác phẩm ‘Ðại Úy’ đưa đến nhà in. ‘Ðại Úy’ là cuốn hồi ký dày gần 300 trang của Trung Tá hồi hưu James E. Behnke, viết về cuộc chiến đấu anh dũng của Tiểu Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mà hồi đó, Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương là Tiểu Ðoàn Trưởng và Ðại Úy James E. Behnke là cố vấn của tiểu đoàn. Cho đến năm 1992, hai người bạn cũ mới gặp lại nhau, hai người vẫn gọi nhau một cách thân mật là Ðại Úy như ngày nào còn bên nhau, cùng vào sinh ra tử.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment