Thursday, February 10, 2022

Dấu Ấn Vào Đời - Linh Trần

Năm 1972 năm mùa hè đỏ lửa, năm ấy ba tôi cũng vừa giã từ cuộc đời binh nghiệp: giải ngũ. Cao nguyên miền núi Pleiku có lệnh di tản dân, trong lúc mọi người lục đục kéo nhau đi, gia đình tôi cũng không ngoại lệ… chỉ có tôi vì công việc mới đang làm, vì vương vấn cái xứ bụi đỏ mù sương, mỗi buổi sáng trời se se lạnh, nên tôi quyết định không đi theo gia đình, công việc của tôi đang làm là 1 nữ dân chính của ban chính huấn 201 thuộc tiểu đoàn 20 CTCT: đi tập hát và sinh hoạt với các chiến sĩ. Đoàn có tất cả 20 người, công việc khá vất vả là hay đi công tác đến các tiền đồn xa hút mắt. Tôi nhớ cũng năm ấy đoàn có lệnh đi công tác tại đồi Dakpek, ngọn đồi cao ngất gần biên giới Hạ Lào và không có đường bộ, lúc bấy giờ là cuộc chiến đang bùng phát dữ dội … chúng tôi đến nơi bằng trực thăng, không ngờ công tác có 3 ngày mà cả đoàn bị kẹt gần cả tháng vì không có máy bay nào dám hạ cánh vì bị đạn pháo liên tục. Ngày ngày, dấu nỗi lo và nhớ nhà trong lòng, tôi đi loanh quanh khắp doanh trại, từ ngọn đồi cao này nhìn xuống phía dưới là 1 con suối lớn, ban ngày chúng tôi xuống suối coi các cô nàng sơn nữ tắm giặt, nô đùa, giòng nước vàng lấp lánh, khi vừa lên khỏi mặt nước người nào cũng óng ánh bụi vàng bám đầy, một anh trong đoàn nói đùa:

– Ở dưới đáy suối có mỏ vàng đó…

 Tiểu Đoàn 20 CTCT

Đêm xuống ở đây lặng lẽ, hiu quạnh vò cùng. Ở trên ngọn đồi này khá lâu nên chúng tôi cũng làm quen được vài gia đình người dân tộc Thượng, họ khá thân thiện và cũng biết tiếng Việt lơ lớ….

Bình minh chưa kịp ló dạng, tôi thức rất sớm, bỗng nghe từ xa tiếng trực thăng vọng từ xa … rồi thật gần càng lúc càng gần, cả đoàn đều đã thức, anh Đại Đội Phó kêu mọi người chuẩn bị và chiếc trực thăng đã xuất hiện trên bầu trời xanh thẳm ….. Ở trên không phận nhìn xuống ngọn đồi, tôi nghe lòng buồn vô tả… đi vội vàng chưa kịp chào từ giã một người nào ở nơi mình đã lưu lại cả tháng trời sinh hoạt…..tôi thì thầm:

“Chào tạm biệt nhé đồi Dakpek, dù chỉ đến 1 lần mà sao nghe thân thương quá thương”.

Lần đó cũng là lần đi công tác cuối cùng của tôi, vài tháng sau tôi thay đổi công việc mới.

Năm 1973, tôi trúng tuyển vào làm ở một công ty Mỹ ở trong căn cứ của Sư Đoàn 6 không quân VN: Hãng Pacific – supply. Tôi làm ở phòng điều hành, ban cấp phát chứng từ cho tất cả vật liệu máy bay quân sự. Giám đốc của công ty là người Mỹ còn lại tất cả đều là người VN, bộ phận điều hành là cấp tá, cấp uý của ngành tiếp liệu.

Ngày tháng êm đềm trôi qua, dù nơi đây đêm đêm tiếng súng vẫn từ xa vọng về. Pleiku là vậy đó. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nơi này mà đi … nếu không có biến cố 1975….

Ba tôi mất năm 1974 vì cơn đau tim đột ngột.. bỏ lại Má và đàn con còn thơ dại 10 đứa. Khi còn phục vụ trong QĐVNCH, Ba tôi là chỉ huy phó của TTHL Trường Sơn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Ba mất khi ấy chỉ 60 tuổi. Sau ngày Ba mất, cuộc sống gia đình tôi cũng thay đổi nhiều lắm, anh em trai tôi đều đi nhập ngũ, chị Hai đi theo chồng… nhà chồng chị có xưởng cưa, nên Má và các em theo chị về sống tại Phú Bổn, còn tôi ở lại tiếp tục công việc làm, ngoài ra ban đêm tôi còn làm thêm nghề thu ngân cho quán Cafe do người quen kinh doanh … Năm 20 tuổi, các bạn tôi còn sách vở cầm tay, còn tôi đã lăn theo trường đời, không có thời gian để nghĩ đến tình cảm riêng tư ….

Ngày 15 tháng 4 năm 1975, tôi nghỉ phép thường niên nên cùng Má và đứa em gái thứ 9 đi Đà Lạt, đi được vài hôm thì nghe tin tức chiến sự mỗi ngày mỗi căng thẳng, Má lo lắng cho các anh chị em ở nhà và đường giao thông bị cô lập, gián đoạn … rồi nghe Pleiku sắp thất thủ, dân đang di tản bằng con đường tỉnh lộ 7. Ở Đà Lạt tình hình cũng đang rất lộn xộn, Má con tôi cũng theo mọi người đi về Nha Trang. Ở Nha Trang, chúng tôi không có người quen nên tôi đưa Má với em đến tị nạn tại trường học, còn tôi hằng ngày đi lang thang đến các trung tâm tiếp nhận dân tị nạn để tìm người thân. Những ngày cuối Nha Trang sắp mất, trên đèo rù rì tôi có gặp 1 người quen trong đoàn quân BĐQ chạy xe ngang, anh kêu Má con tôi lên xe về Sài Gòn nhưng Má không chịu, Má muốn đợi gặp cả nhà ở đây rồi cùng đi. Rồi cơ hội cuối cũng hết khi tôi còn gặp 1 anh trong phi hành đoàn trực thăng Lạc Long 229, nhưng Má vẫn nhất định không chịu đi … Lúc ấy, tôi muốn bỏ đi một mình, nhưng lại không đành vì Má hồi nào tới giờ có biết làm gì đâu ….

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn bị mất, tôi bàng hoàng, thẩn thờ nhìn lên bầu trời tháng tư xanh ngắt nhưng sao. Tôi nghe lòng chùng xuống, sao nghe đau đớn thế này,… hết rồi … 15 ngày ngược xuôi vất vả, mệt nhoài … Tôi cứ ngỡ chỉ là giấc mơ …

 Pleiku

Ngày 2 tháng 5, theo chuyến xe từ Nha Trang đi Ban Mê Thuột và từ Ban Mê Thuột về Pleiku … dọc đường gió bụi ..ôi hoang tàn đổ nát, xác người phơi khô, mùi tử khí bay ngập trong không khí. Về lại Pleiku 1 tuần thì gia đình tôi đoàn tụ… cám ơn Trời Phật, anh trai tôi là lính BĐQ, em trai là lính ĐPQ nên đi cải tạo 3 ngày thì về.

Thành phố Pleiku bây giờ toàn bộ đội, nhìn Quân phục và cái nón cối luộm thuộm đến mắc cuời … chưa bao giờ tôi chán chường muốn phát điên như lúc này …và chuyện đã xảy ra trong một buổi họp tổ dân phố, họ nói gì tôi không quan tâm nhưng khi tên cán bộ tên Hường, người thì lùn tịt nói về Tổng Thống Thiệu, hắn kêu Thằng Thiệu, tự nhiên tôi tức giận bộc phát có ý kiện liền:

– Tại sao cán bộ lại kêu Tổng Thống Thiệu như thế? Dù sao Ông cũng là Tổng Thống của miền Nam, chúng tôi kêu bác Hồ là ông Hồ, có bao giờ kêu thằng Hồ đâu !

Tên cán bộ đưa con mắt trắng dã nhìn tôi, mọi người trong phòng họp nhìn tôi lo ngại …..

Buổi họp kết thúc, tôi không bị hoạnh hoẹ gì nhưng tôi linh cảm có điều không hay sẽ đến với tôi … Ngay đêm đó, ông tổ trưởng dân phố đến nhà tôi nói:

– Có lệnh triệu tập cô thoát ly gia đình để gia nhập đội nữ du kích.

Tôi tỉnh bơ trả lời …

– Mai đi..hôm nay tôi đang bị đi tiêu chảy …

Đêm hôm đó, tôi nói với Má và anh Ba:

– Thế nào tụi nằm vùng 30 tháng tư cũng sẽ moi móc thân thế gia đình mình báo cáo lên phường để lấy điềm, mai em đi vào Sài Gòn, em sẽ không về nữa, anh Ba liệu từ từ thu xếp đưa má, các em rời xa nơi này càng sớm càng tốt. Anh Ba đồng ý .

Mùa xuân năm 1976, tôi đón cái Tết đầu tiên tại Sài Gòn, nhớ gia đình , bạn bè, nhớ cao nguyên da diết, nên lòng buồn có tha thiết mùa Xuân đâu.Từ ngày vào Sài Gòn tôi có tìm gặp lại vài gia đình thân quen ở cùng cư xá Không Quân Pleiku, chồng các chị đều đã bị đi tù, cuộc sống ai cũng khó khăn …. Từ đó tôi cố bon chen tìm cuộc sống mới để tồn tại nơi đất lạ quê người.

Năm 1977, tôi được tin cả nhà tôi đã vào Định Quán sống bằng nghề làm Rẫy .

Năm 1979 Má tôi mất ….

Năm 1980, sau bao năm bôn ba thăng trầm. Tôi tích góp được một số vốn nho nhỏ nên mở một quán bán Cafe, và tại đây vào một buổi chiều tôi ngỡ ngàng biết bao khi gặp lại anh bạn Không Quân đã từng ở Pleiku, anh đi chung với một người bạn nữa và là chồng tôi bây giờ. Người Cựu SVSQ Thủ Đức … từ đó chúng tôi quen nhau. Mùa Noel năm sau chúng tôi thành một gia đình.

Vượt qua bao sóng gió, đôi khi ngỡ là đã mất nhau… gian nan từ hai bàn tay trắng ….

34 năm đi qua, đồng hành với chúng tôi là vui buồn cay đắng có nhau.

40 năm rồi, tôi chưa một lần về thăm lại chốn xưa. Pleiku yêu dấu, nơi đầy kỷ niệm đẹp của một thời còn chinh chiến.

Linh Trần

No comments:

Post a Comment