Wednesday, February 2, 2022

TRUNG-TÁ HỒ ĐỨC NHỊ

CŨNG trong chương-trình “Trẻ-Trung-Hóa và Trí-Thức-Hóa” viên-chức Cảnh-Sát Quốc-Gia, Tỉnh Bình-Thuận được Trung-Ương đưa đến một Quận-Trưởng Đồng-Hóa, tên Hồ Đức Nhị, làm Trưởng Ty CSQG.

Theo tôi, Nhị là một gương sáng cho nhiều đồng-bạn noi theo.

*

Thuở ấy, đậu được cái bằng cử-nhân là đã cao rồi, huống vào Cảnh-Sát mà được trọng-dụng cả về cấp-bậc lẫn về chức-vụ thì xem như đã học thành danh toại rồi; nhưng Nhị vẫn còn có chí tiếp-tục học thêm chương-trình cao-học để còn tiến lên cao hơn, mặc dù đã có gia-đình, nhất là vẫn lo công-vụ tích-cực hơn một số bạn-bè đồng-thời.

Có một số Trưởng Ty Cảnh-Sát Quốc-Gia tự cho mình là Cảnh-Sát Sắc-Phục, nghĩa là giao khoán công-tác chính-trị – cộng-sản và nội-chính – bao gồm tình-báo, phản-gián, và thanh-trừ Việt Cộng, cho Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt tự lo.

Đằng này Nhị ý-thức được trách-nhiệm tổng-quát của mình nên đã là một trong số hiếm-hoi các Trưởng-Ty tự-giác đóng-góp tối-đa tâm+sức của mình cho đại-cuộc kháng-Cộng cứu-Quốc chung.

 

Tôi còn nhớ mãi ít nhất là hai thành-tích nổi bật của Nhị, vào hai thời-điểm đậm nét trong lịch-sử cuộc chiến Việt-Nam.

*

NGAY sau khi Hiệp-Định Paris được ký-kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, để có hiệu-lực kể từ hôm sau, có một điều-khoản nhạy bén vô-cùng, là ai ở đâu thì cứ ở đó – vùng đất nào mà Việt-Cộng đã chiếm được, vùng đất nào vẫn còn là của Quốc-Gia?

Vì thế, cả hai bên đều dồn nỗ-lực chứng-minh quyền kiểm-soát của mình trên vùng đất càng rộng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Để thể-hiện mục-đích ấy, hai bên đều đồng tiến lên xa hơn tối-đa trong vùng lãnh-thổ có thể hoạt-động của mình, để cắm lá cờ biểu-tượng của chiến-tuyến mình và giữ cho nó nằm nguyên, để chờ “Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát & Giám-Sát Ngưng Bắn” đến chứng-tri.

 

Phòng-tuyến Quốc-Gia thì quá rộng lớn, các đơn-vị quân-sự không có đủ quân-số để phân-bổ ra khắp các ruộng+rừng; trong lúc đó thì Việt-Cộng chỉ cần một tên du-kích là đã có thể lén đến cắm cờ Mặt Trận Giải-Phóng tại một chóp núi, đỉnh đồi hay ngọn cây, rào nương, vốn vẫn thuộc quyền làm chủ của ta.

Quận-Trưởng Trưởng-Ty CSQG Tỉnh Bình-Thuận Hồ Đức Nhị đã huy-động thuộc-viên xung-phong đi cắm quốc-kỳ Việt-Nam Cộng-Hòa tại nhiều vùng đất xa-xôi chưa hề có bóng cờ nào.

 

        VÀ, tại một nơi giằng-co gay-gắt nhất, là Xã Hồng-Sơn thuộc Quận Thiện-Giáo, cách Phan-Thiết 25 cây-số về hướng Bắc, sát nách mật-khu Việt-Cộng, nhân-viên Cảnh-Sát đã gặp phải sức kháng-cự của một đơn-vị vũ-trang tuyên-truyền.

Được tin, Nhị liền dẫn một trung-đội Cảnh-Sát Dã-Chiến cùng với bộ-phận Hoạt-Vụ của Biên-Tập-Viên (sau này là Thiếu-Tá) Trần Văn Thả, phụ-tá Cảnh-Sát Đặc-Biệt, đến ngay tận chỗ, thì vừa đúng lúc có một trung-đoàn Địa-Phương của Việt-Cộng cũng đến nơi đây.

 

Đúng ra, hai bên không thể bắn nhau, vì đã bắt đầu thi-hành Hiệp-Định Paris; tuy nhiên, quân-số hai bên chênh-lệch quá nhiều, phần thắng rõ-ràng thuộc về đối-phương, không ai dám chắc là địch sẽ không nổ súng bất-thần, như chúng đã từng vi-phạm thỏa-ước nhiều lần trước kia.

 

Thế mà Nhị đã can-đảm và kiên-trì tiếp-tục dùng toàn lý-lẽ vững-chắc và chứng-cứ hiển-nhiên để tranh-cãi với viên trung-đoàn-trưởng đối-phương, đồng-thời gọi máy xin thêm lực-lượng Địa-Phương-Quân của ta đến tăng-cường.

 

        CUỐI cùng, Việt-Cộng đã phải rút lui vào sâu, nhường lại Xã trên cho ta cắm ngọn cờ-vàng-với-ba-sọc-đỏ lên từng mái nhà.

*

        TRƯỚC đó, trong vụ Việt-Cộng “tổng-công-kích Tết Mậu-Thân” năm 1968, Nhị cũng đã đích-thân chỉ-huy nhân-viên đẩy lui nhiều đợt địch-quân tấn-công vào Thị-Xã Phan-Thiết, giữ vững một mặt cho phòng-tuyến chung của nội-thành, rồi truy-đuổi địch tháo chạy vào rừng.

 

RIÊNG trong vụ này, sau khi vừa dứt tiếng súng, tôi đã phải cùng với Trung-Tá (sau này là Đại-Tá) Cao Văn Khanh, từ Pleiku bay về Phan-Thiết trọng-tài cho một lời khiếu-nại của anh.

 

Nguyên hồi đó tại mỗi Ty CSQG có hai bộ-phận Phối-Trí-Viên: bên phía Sắc-Phục gọi là PTV Cảnh-Sát, bên phía dân-phục gọi là PTV Cảnh-Sát Đặc-Biệt.

 

Trong những ngày giờ lửa-bỏng dầu-sôi kể trên, PTV Cảnh-Sát (coi cả Cảnh-Sát Dã-Chiến) đã sát cánh cùng với Nhị đương-đầu tại trận với đối-phương, trong lúc PTV Cảnh-Sát Đặc-Biệt (viên-chức CIA) thì không ai thấy ở đâu.

        Nhị đề-nghị chúng tôi can-thiệp với Phối-Trí-Viên CSĐB cấp Vùng để thuyên-chuyển viên cố-vấn tình-báo cấp Tỉnh ấy đi khỏi Tỉnh mình.

Trung-Tá Cao Văn Khanh không phát-biểu ý-kiến mà nhường cho tôi là người đứng đầu Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt Vùng II Chiến-Thuật giải-quyết.

 

TÔI thì cũng gặp trường-hợp tương-tự ở Vùng.

 

Suốt ba ngày Tết – Tết Mậu-Thân – tôi mải dấn thân vào việc của mình – trong lúc không có một quân-nhân bộ-binh hay một nhân-viên nào của Ty CSQG Tỉnh Pleiku xuất-hiện ban đêm trên đường phố, tôi đích-thân cùng với phụ-tá của tôi là Biên-Tập-Viên Nguyễn Văn Độ [sau này là Thiếu-Tá, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Khánh-Hòa] và Trưởng Ban Hoạt-Vụ là Thẩm-Sát-Viên Ngô Văn Quận, đứng ra bảo-vệ an-ninh trật-tự cho Thị-Xã Pleiku, mỗi đêm, hướng-dẫn đồng-bào đến nơi ẩn-trú cũng như chở đi bệnh-viện những người bị thương mỗi khi bị địch pháo-kích; xác-nhận với các phi-công đang bay trên trời nơi nào là nơi thường-dân đang chạy giặc trong đêm đen chứ không phải là VC để khỏi bị bạn bắn nhầm; nhìn ánh lửa lóe mà báo cho Trung-Tâm Hành-Quân Quân-Đoàn II, Nha CSQG Vùng II, Phi-Trường Cù Hanh, Tiểu-Khu Pleiku, biết là địch đã phóng hỏa-tiễn rồi, trước khi hỏa-tiễn nổ vang lên.

Bận việc như thế nên quên các Phối-Trí-Viên, vì tưởng là họ cũng cùng nghỉ Tết, đã rời Pleiku từ chiều cuối năm để về Nha-Trang, nơi họ đặt trụ-sở chính cho toàn Vùng II.

Mới sáng Mồng Ba, tuy chưa hết Ba Ngày Tết, công-sở chưa trở lại làm việc đầu năm theo lệ Việt-Nam, tôi gọi điện-thoại đến văn-phòng Phối-Trí-Viên của tôi tại Pleiku là Brad C. Crane (Trung-Tá Không-Quân biệt-phái qua CIA) thì nghe chính anh trả lời.

Thì ra anh vẫn có mặt tại nhà, trên đường Hoàng Diệu, ở ngay Pleiku.

 

Hôm qua, sáng ngày Mồng Hai, một toán VC lạc đường, đi ngang trước mặt nhà tôi trên Đường Hai Bà Trưng, hỏi đường Hoàng Diệu ở đâu; chúng tôi bất-ngờ, tưởng là binh-sĩ của ta, chỉ đường cho chúng; xong mới nhận ra, bắn M-79 rượt theo.

 

Cũng ngay trong vườn cao-su phía sau khu nhà của Brad C. Crane, VC ẩn-trú mấy ngày rồi quần nhau với Biệt-Động-Quân của ta.

 

Tin-tức từ Ty CSQG/Cảnh-Sát Đặc-Biệt Tỉnh Bình-Định cho biết là dân có thấy VC di-chuyển bằng xe GMC của Hoa-Kỳ (?).  

 

Vì thế, tôi tuy biểu-lộ đồng-tình với Nhị, nhưng chỉ thông-cảm với nhau về phía Việt-Nam mà thôi, chứ tôi hẳn phải đắn-đo chờ lúc nào đó nếu thấy thuận-tiện mới đặt vấn-đề thay-đổi Phối-Trí-Viên Đặc-Cảnh tại Tỉnh Bình-Thuận của anh.

 

Hôm gặp các ông AlmyChipman, Trưởng và Phó Chi-Nhánh CIA Vùng II, tôi hỏi họ, là các Phối-Trí-Viên Đặc-Cảnh cấp Vùng, thì họ giải-thích là họ bảo-mật tối-đa, giữ đúng nguyên-tắc “an-toàn trước, hiệu-năng sau”, cho nên tùy khi mà không cho phép nhân-viên lộ-diện, tránh cảnh nhân-viên bị bắt, và không để cho nhân-viên tiếp-cận hiểm-nguy.

(Thế nhưng, ở ngay Pleiku, thì PTV CIA cấp Vùng của tôi lại vẫn ở lại tại chỗ, trên Đường Hoàng Diệu, phía sau là vườn cao-su, nơi mà địch-quân quần nhau với Biệt-Động-Quân của ta.)  

 

Dù sao, viên-chức đầu-não của CIA Vùng II cũng đã tế-nhị cử một người khác đến làm Phối-Trí-Viên CSĐB cho Tỉnh Bình-Thuận rồi.

 

[Về sau Trung-Tá Hồ Đắc Nhị ra làm Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Tỉnh Bình-Định.]

 

(trích từ “Cảnh-Sát-Hóa: Quốc-Sách Yểu-Tử của Việt-Nam Cộng-Hòa” xuất-bản lần đầu năm 2002, các trang 93-97)

 

LÊ XUÂN NHUẬN

No comments:

Post a Comment