Đơn vị tiến vào đồn nghĩa quân xã Huy Khiêm mà không gặp sự kháng cự
nào của địch quân. Từ đầu hôm qua tín hiệu cầu cứu từ nơi đây hoàn toàn
im bặt, nói khác đi là tình hình cực kỳ nguy ngập dữ nhiều lành ít,
chính vì vậy mà pháo binh cơ hữu trung đoàn tác xạ vào mục tiêu, bắn
suốt đêm cho đến mờ sáng vừa yểm trợ vừa dọn đường cho các đơn vị chủ
lực tiến vào giải cứu. Trung đội 3 của tôi là lực lượng tiên phong bước
vào khu vực, xung quanh đồn nghĩa quân hoang tàn đổ nát, nó bị cày nát
bởi đạn pháo binh, những thân cây bị đốn ngã rơi rụng trên nền đất, mùi
thuốc súng nồng nặc cùng mùi máu tươi tanh tưởi còn vương lại trong
không khí, nhiều mảnh thân thể, áo quần còn vẫn vướng trên các cành cây,
từng hố đạn đều đặn rải rác xung quanh đồn, với tác xạ khủng khiếp như
vậy thì đá cùng phải tan huống hồ da thịt con người.
Đồn nghĩa quân
Huy Khiêm bị san bằng thành bình địa, cái chòi canh trước đòn bị sụp đổ
hoàn toàn, cạnh đó xác một người lính với lỗ chỗ vết đạn trên thân, anh
nằm đó mà mắt vẫn còn mở trừng trừng như không cam lòng, khói còn nghi
ngút từ bên trong, thỉnh thoảng vài tiếng nổ lép bép của những viên đạn
còn sót lại. Tôi cùng Lắm, người lính mang máy truyền tin bước vào bên
trong, thận trọng quan sát, nghe ngóng từng chỗ một và cái cuối cùng
nhận định là không còn bất kỳ ai còn sống sót, toan bước ra ngoài thì
Lắm khều nhẹ tay tôi:
– Ông thầy…bên kia có tiếng rên nhỏ.. Có người còn sống..
Trong
căn phòng nhỏ ẩm thấp và tối tăm áng chừng là trung tâm chỉ huy của đồn
nghĩa quân, tôi thấy thân người nằm ngửa trên nền đất dưới ánh sáng lờ
mờ từ khung cửa nhỏ trên cao hắt xuống, người anh đầy máu bởi những phát
súng bắn trực tiếp từ phía trước, ngực bị phá nát, bầy nhầy thịt cùng
xương, vài bong bóng máu phập phều theo hơi thở. Với vết thương trí mạng
như vậy thì anh đã phải chết từ lâu thế mà còn kéo dài hơi thở như hiện
tại là một phép nhiệm mầu-
Trước cảnh tượng đau lòng như thế thì tôi chỉ có còn có thể nói:
–
An tâm..chúng tôi mang anh ra ngoài, trực thăng tải thương sắp đến, hy
vọng mọi thứ sẽ tốt thôi. Người lính nhếch mép cười, nụ cười ảm đạm, héo
hắt và chua chát, máu rỉ ra từ khóe miệng theo cử động:
– Muộn rồi. Cứu không kịp đâu..Tôi biết…Mong các anh tìm.. dùm… vợ…con.. của …tôi…họ.. ngoài kia….Xin…Cầu xin…
– Họ ở đâu? Nơi nào?
Nhưng
vô ích bởi người lính sau vài lời trăn trối cuối cùng thì anh nghẹo đầu
ra đi vĩnh viễn, đôi mắt trừng trừng nhìn tôi như van xin khẩn cầu tha
thiết tha, vài giọt nước mắt long lanh trong suốt ứa ra từ khóe mắt, nó
lăn trên má rồi hòa vào máu miệng trước khi rơi xuống đất, tôi không
hiểu sức mạnh huyền bí nào đó giúp anh chống lại sự đau đớn, kiệt sức để
chờ chúng tôi đến và để rồi gửi gắm lời trối trăng cuối cùng.
– Tôi sẽ tìm nhất định sẽ tìm ra người thân của anh
Tôi run rẩy đưa tay vuốt mắt cho người lính, lòng buồn vô hạn vì sự mất mát đầy đau thương của 2 người.
– Đông Sơn.. Lam Giang gọi.
– Đông Sơn nghe.. Nói đi.
Tôi
tóm tắt trình bày sự việc và cuối cùng xin chỉ thị từ người đại đội
trưởng, thật lâu có tiếng thở dài từ bên kia đầu máy áng chừng là ông
xúc động vì chuyện thương tâm ấy.
– Lam Giang, mày nghe đây.. Cho con
cái bung rộng ra tìm nhưng tuyệt đối không được đi sâu vào bên trong
bởi đây là vùng an toàn của tụi nó dù không tìm thấy cũng phải trở lại
vị trí xuất phát trước khi về chiều. Nghe rõ Lam Giang.
Thằng Đức
ngồi trong lòng của tôi cầm quyển tập đọc trên tay ê a đánh vần từng
chữ một. Dù mới lên 5 nhưng thằng bé rất thông minh và lanh lợi, không
những thế nó còn ăn nói rành rọt như người lớn. Có bé Đức bên cạnh tôi
cảm thấy bớt buồn cùng nỗi cô đơn từ khi người mẹ thân yêu ra đi vĩnh
viễn, nó là nguồn an ủi cho tôi ở hiện tại và cả tương lai bởi bé Đức
không biết cha nó là người tù cải tạo, không bao giờ biết cái chữ Ngụy
mà người ta khoác lên người cha. Trong trí óc non nớt của bé Đức thì tôi
là người cha mẫu mực và hiền lành, có thể nói sau bà nội thân yêu thì
nhất định kẻ thứ hai chính là tôi bởi bà là người nuôi dưỡng thằng bé từ
lúc còn đỏ hỏn trong tã lót, là người chăm chút từng miếng ăn, dành
từng vật lạ cho nó nhất là thời gian dài đói khổ thiếu thốn sau ngày
giải phóng, lắm lúc bà thức trắng đêm canh giữ khi thằng bé bị bệnh,
trong thời gian cải tạo dài đăng đẳng người thường xuyên thăm viếng tôi
là bà má và thằng con dễ thương này.
– Ba.. Sao ba không về với con với nội? ba xấu lắm con không thèm thương ba nữa đâu!
– Ba đang làm việc ở đây mà khi nào người ta cho phép lúc đó ba sẽ về với con. Ngoan nghe bé.
– Nhớ nghe ba.. nghéo tay đi, ba xạo lắm con không tin đâu.
Một
người khách nói đúng hơn là phụ nữ với chiếc khẩu trang bịt kín mặt mũi
chỉ chừa đôi mắt, bà đang dẫn chiếc xe gắn máy áng chừng bị trục trặc
vấn đề nào đó nên không chạy được nên chỉ biết đẩy đi từng chút một, bà
ta ngập ngừng với vẽ e dè khi nhìn căn chòi tồi tàn với vài ba thứ lỉnh
kỉnh treo trên vách nhà, một nơi sửa xe không chút tin tưởng thêm vào đó
người chủ nghèo nàn, hom hem cùng nét khô khan khó tính trên mặt. Người
phu nữ còn đang lưỡng lự thì thằng Đức từ trên chiếc ghế tuột xuống
đồng thời chạy u ra ngoài miệng kiếng thoắng nói liền miệng:
– Dì..
xe bị hư phải không? Ba con sửa xe lấy tiền không mắc lắm đâu mà dì biết
không ngoài nơi này không còn chỗ nào khác phải đi hết con lộ này mới
có xa lắm dì ơi.
Có lẽ thấy thằng bé kháu khỉnh, ăn nói dễ thương
khiến bà ta không một chút chần chừ liền đẩy xe vào căn chòi trong lúc
tôi xem xét và tìm kiếm chỗ hư hỏng thì thằng bé khệ nệ bưng ra chiếc
khay nhỏ cùng cái ấm nhỏ trên tay:
– Con mời dì uống nước, hà thủ ô cùng rễ tranh mà ba mới nấu, ngon và mát lắm dì.
Người đàn bà khẽ bẹo vào má thằng bé dịu dàng nói:
– Không được gọi là dì nghe, kêu là cô. Con tên gì, mấy tuổi? Học lớp mấy rồi?
– Thưa cô, con tên Hoài Đức, 5 tuổi con chưa đi học.
Trong
lúc tôi lui cui sửa xe nên không chú ý đến cuộc trò chuyện của thằng
con và người khách lạ nhưng khẳng định là vui vẻ, bởi lâu lâu có tiếng
cười giòn dả của bé Đức hòa cùng giọng nói êm ả của cô gái.
– Chiếc xe sửa chữa xong, bình xăng con bị dơ, hy vọng sẽ không có gì trục trặc xảy ra, còn tiền công là 500 đồng.
Cô
không nói điều gì chỉ lẳng lặng lấy tiền đưa cho tôi nhưng có điều lạ
là khuôn mặt thoáng buồn, khóe mắt vương vài giọt nước mắt, nhất là ánh
mắt có chút quen quen mà tôi không tài nào nhớ ra chắc chắn là đã gặp
qua, nó ủ dột, thê lương và nhiều buồn phiền. Đêm hôm đó sau khi cơm
nước xong xuôi và dạy bé Đức ráp vần để năm sau có thể đến trường:
– Ba.. Ba à.. Cái cô hôm nay kỳ cục lắm, cổ khóc hoài hà mà con dổ riết mà không nín.
– Tại sao lại khóc? có phải con nói cái gì đó khiến người ta không vui?
Tôi nhíu mày ngờ ngợ có cái gì đó không hay sắp đến với cha con tôi.
–
Ba nói kỳ cục không à.. Bé Đức lắc đầu phụng phịu.. Cổ cầm sợi dây
chuyền của con lên coi rồi khóc, con không biết vì cái gì mà cô khóc..
Nín..Nín..Khóc như vậy xấu lắm..
– Sau đó thì sao con, cô còn nói thêm gì nữa không!?
–
Có ba. Cổ hỏi má đâu rồi và làm gì, con thưa là má ở xa lắm, xa từ chỗ
con đến các ông sao trên trời, ba còn nói con cứ đếm bao nhiêu ông sao
trên trời là bấy nhiêu khoảng cách giữa con với má.
Tôi bàng hoàng
trong giây lát, câu nói của con tôi và cô gái gợi lại hình ảnh thương
tâm và đầy nước mắt của năm xưa, trong suốt thời gian dài vẫn còn đau
đáu trong lòng tôi, cố quên mọi thứ với hy vọng thời gian sẽ xóa nhòa
nỗi ray rứt ấy. Thời gian cứ thấp thoáng trôi nhanh, bé Đức hiện tại vào
mẫu giáo và học rất giỏi và tôi cũng nguôi ngoai chuyện hôm nào, hàng
ngày cặm cụi sửa xe kiếm tiền hầu cải thiện đời sống của 2 nhân mạng
trong cái xó xỉnh ít người lui tới. Nhưng.. cái chữ nhưng lúc nào cũng
có thể xảy ra là điều không một ai mong muốn, cô gái hôm nọ lại xuất
hiện lần này không mang khẩu trang cho nên tôi nhìn rất rõ diện mạo của
cô ta. Dong dỏng người với nước da trắng hồng mạnh khỏe, giản dị với
chiếc quần tây và sơ mi dài tay tuy vậy không dấu nét kiêu sa đài các,
một nhan sắc khó tìm so với nhiều cô gái mà tôi từng gặp qua, nó pha
trộn cái đẹp giữa cô thôn nữ dân dã cùng nét quyến rũ của nàng công chúa
trên cao.
Cô bước vào trong căn chòi đảo mắt nhìn quanh như tìm kiếm, đoán được ý định của cô ta, tôi lập tức lên tiếng:
– Cô muốn tìm bé Đức? Hôm nay nó đến trường rồi, cô có thể cho tôi biết chuyện gì liên quan đến thằng bé?
Cô
gái yên lặng không nói lời nào cúi đầu nhìn xuống hình như đang lưỡng
lự về vấn đề nào đó khó khăn mà cô khó giải bày. Thật lâu mới buông
tiếng thở dài như chất chứa bao nỗi đau thương u uất trong lòng.
–
Tôi không biết khởi đầu câu chuyện như thế nào nhưng chắc chắn có liên
quan đến bé Đức, chị Khánh Dung và có cả ông trong đó. Gia đình tôi
thuộc loại giàu có, cha là thương gia làm nghề thầu khoán, mẹ là giáo sư
trường trung học công lập nổi tiếng ở Sài gòn, trong nhà chỉ có 2 chị
em, Khánh Dung và tôi, Khánh Hà. ngay từ nhỏ chị Dung rất thông minh và
hiếu học cho nên mọi hy vọng của gia đình là mong chị ấy tiến thân vào
con đường học vấn để trở thành dược hoặc bác sĩ trong tương lai, không
ngờ mọi mong ước của gia đình tiêu tan khi chị tuyên bố chọn ngành sư
phạm không phải đệ nhất cấp hay đệ nhị cấp mà là giáo viên bậc tiểu học.
Không những vậy, điều làm cho gia đình tức giận là chị tự chọn nơi phục
vụ là tỉnh Bình Tuy, quận Hoài Đức, một nơi xa xôi nghèo nàn thiếu thốn
mọi phương tiện trong sinh hoạt hàng ngày bất chấp mọi phản đối của cha
mẹ, chị Khánh Dung tự mình chọn con đường để phục vụ.
Việc chị dấn
thân vào cái nghề bạc bẽo đã gây không biết bao nhiêu nỗi thất vọng cho
cha mẹ và kể tiếp một hành động khác của chị là lập gia đình với người
lính Nghĩa quân ở nơi chị đang công tác, điều này đưa đến việc cha tôi
cắt đứt mọi quan hệ cha con cũng như không muốn một ai nói nhắc tên của
chị trước mặt ông. Ngày Chị lên xe hoa về nhà chồng không có lời chúc
phúc của cha mẹ,không người thân bên cạnh.
Khánh Hà bụm mặt khóc tức
tưởi, tiếng khóc ai oán khiến tôi xót xa trong lòng, mối tình của hai
người quả thật đẹp và lãng mạn để rồi cuối cùng họ không còn bị ai chia
uyên rẽ thúy.
– …Hôm ngày đầy tháng bé Đức tôi có đến nơi đó cùng lời
chúc phúc đứa cháu thân yêu và sợi dây chuyền vàng có khắc K H đeo trên
cổ nó như là kỷ niệm của tôi dành cho, cùng có ý nghĩa là tôi luôn ủng
hộ mối lương duyên của chị mình bất chấp sự phản đối của ông bà cha mẹ,
mối tình cô giáo xinh đẹp trí thức cùng người lính nghĩa quân thật thà
chất phác và bình dị khiến tôi khâm phục vô cùng, yêu thương không phải
vật được đặt trên bàn cân để tính toán hơn thua nặng nhẹ mà căn cứ vào
lòng thành tín và hiểu biết, từ đó cuộc sống cho cả hai mới trường tồn
vĩnh viễn. Tin tức chiến sự xảy khắp nơi trên đất nước đều được tôi theo
dõi thường xuyên, đặc biệt là tỉnh Bình Tuy, quận Hoài Đức nơi chị Dung
đang công tác, linh cảm sẽ có cái gì đó không hay xảy ra cho cả hai và
điều này chứng thực, đồn nghĩa quân xã Huy Khiêm bị tràn ngập và không
còn một ai sống sót. Có điều kỳ lạ là xác người lính trưởng đồn không
tìm thấy và chị tôi cũng vậy, một sự mất tích khó hiểu theo luận cứ thì
cả hai có thể bị lực lượng địch mang đi và bắn hạ trong rừng già. Từ
việc suy luận ấy cho nên tôi bỏ nhiều thời gian tìm kiếm đồng thời thuê
người vào tận trong rừng sâu với hy vọng nếu người còn sống càng tốt
bằng không phải bằng mọi cách mang thân xác về nếu họ đã mất đi, thế
nhưng hoài công vô ích mọi mong ước của tôi tiêu tan cho đến ngày nước
mất nhà tan, kế tiếp cả nhà di tản ra nước ngoài sinh sống từ ngày ấy.
Tuy nhiên tôi không bỏ cuộc, luôn nghe ngóng tin tức về người chị của
mình cũng như thực hiện nhiều chuyến về nước để tìm kiếm và đây là lần
đi cuối cùng cuối cùng để rồi sẽ không bao giờ trở lại vùng đất nhiều bi
thương này. Không ngờ và không bao giờ nghĩ là mình gặp lại đứa cháu
thân yêu của mình và sợi dây chuyền trên cổ của nó là chứng minh điều
này. Ông có thể thuật lại mọi chuyện xảy ra ở ngày hôm ấy cho tôi nghe
được không? Cầu xin ông!
……Chúng tôi đi vào khu rừng buông sau khi vượt qua quãng lau sậy dày đặc, rậm rạp. Trung đội dàn đội hình hàng ngang vừa đi vừa nghe ngóng cũng như thận trọng trước mọi động tỉnh xung quanh bởi đây là mật khu của địch quân cùng với lực lượng đông đảo trú đóng. Trời càng về chiều với oi bức nóng nực của mùa hè, trong rừng già không có lấy một tiếng động ngoài trừ vài tiếng chim kêu thê thảm phá tan sự tĩnh lặng vốn có của nó. Dọc theo con suối nhỏ uốn mình theo bờ đất, âm thanh rì rào liên tục của tiếng nước chảy, vài bọt nước trắng xóa tung lên không khi nó va chạm các khối đá đầy rong rêu. Rút cái khăn trong ba lô ra lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, thằng Kính lẩm bẩm gắt gỏng:
– Mẹ cha nó! Trời gì mà nóng thấy sợ, đã vậy còn tối hù thấy mà ghê.
– Mày nói ít được không Kính! Ráng vãnh lỗ tai nghe xem có động tĩnh gì thì cho tao biết.
Tôi
trừng mắt lườm người lính mang máy truyền tin đang đi bên cạnh với vẻ
bực bội, thấy ông thầy của mình lộ vẻ không vui, Kính cười giả lả làm
lành:
– Em đang nghe mà thầy, lỗ tai của em thính lắm không có cái gì giấu em đâu.
Chúng
tôi len lỏi qua các lùm cây, leo qua các thân cây mục nát nằm chỏng chơ
trên đám lá mục cũng như băng qua con suối để tìm kiếm thế nhưng cho
đến giờ phút này tung tích của vợ con người lính vẫn bặt tăm, hơn nữa
trời càng tối dần, tôi bặm môi quyết định:
– Lên phía trước một chút, nếu không tìm thấy thì mình rút ra ngoài cho an toàn.
Trong khi tôi vừa ra lệnh thì thằng Kính nghẹo đầu như đang lắng nghe rồi sau đó đưa tay chỉ về phía trước:
– Hình như có tiếng khóc nếu không lầm là con nít
Vừa lúc đó Phú, người trung đội phó chạy đến anh vừa thở vừa hỏi:
-Thiếu úy, mình lùi ra ngoài hay là vẫn tiếp tục tìm? Hai tiểu đội bên kia báo cáo là không thấy bất kỳ khả nghi nào hết.
– Tôi biết rồi, nói anh em chuẩn bị rút lui, tôi lên phía trước một chút xem sao, Kính nghe tiếng khóc của con nít.
– Nếu vậy thì mình lên đó đi ông thầy, hy vọng thằng Kính nói không sai.
chúng
tôi hướng về phía trước với tâm trạng bồn chồn lo lắng đoòng thời hy
vọng bắt đầu nhen nhúm khi tiếng khóc ngày càng rõ dần, tiếng khóc của
đứa bé khi còn khi mất nương theo chiều gió, thận trọng từng chút tôi
hướng mũi súng về trước và sẵn sàng siết cò nếu có bất kỳ bất lợi xảy ra
và..
Ba người chúng tôi khựng lại và ngây người trước cảnh tượng hết
sức thương tâm: Một người đàn bà ngồi dựa vào thân cây, các khuy áo mở
tung ra lộ làn da xám xanh, trước ngực loang lổ máu đã ngả sang màu sẫm
đen, viên đạn quái ác nào đó đã cướp đi mạng sống của người phụ nữ này,
đứa bé áng chừng vài tháng tuổi nằm trong lòng mẹ rúc đầu tìm vú, miệng
đầy máu, đôi lúc nó giãy dụa, la khóc tiếng khóc mòn hơi vì đói khát vì
đau đớn. Lũ kiến rừng bu đầy trên người đứa bé, chúng đánh hơi mùi máu,
đánh hơi được sự sống sắp rời bỏ từ sinh vật nhỏ bé này. Thằng Kính vất
khẩu súng vội vã bế nó lên, bên cạnh người trung đội phó nhanh chóng rút
cái khăn quàng cổ phủi lia lịa những con kiến còn đeo dính trên người
đứa nhỏ.
Tôi cúi xuống cầm bàn tay người đàn bà để xác định tình
trạng còn sống hay đã chết, bất thình lình bà ta hé mắt nhìn tôi, đôi
mắt đã lạc thần nhưng hiện lên nét mừng rỡ, có lẽ nhìn ra bộ áo quần màu
xanh quen thuộc mà người chồng thường mặc trên người, bà đăm đăm nhìn
về phía trước, môi mấp máy như muốn nói điều gì đó mà không thể, kế tiếp
ánh mắt dần hướng về đứa trẻ với nỗi yêu thương pha lẫn chua chát nghẹn
ngào, chúng tôi im lặng nhìn nhau mà không một ai lên tiếng vì biết
trong giờ phút này nếu nói những lời an ủi cũng cầm bằng vô ích.
– Nuôi.. dùm… con.. t..ô..i.. Xin..c.á..c ..
Bà ta rướn người thu hết tàn lực nắm tay tôi cùng với ánh mắt cầu khẩn và mong đợi.
– Chị yên tâm ra đi, tôi sẽ chăm sóc đứa bé chính tay mình nuôi dưỡng mà không trao nó cho bất cứ ai cũng như viện mồ côi.
Người
đàn bà thở một hơi dài thật nhẹ, bàn tay lơi dần và cuối cùng buông
thõng trên nền đất, bà đã chết sau vài lời nhắn nhủ cuối cùng, đôi mắt
nhìn đăm đắm vào khoảng không trên cao, nơi không có hận thù, giết chóc.
Khánh Dung được an táng cùng người chồng cạnh con suối nhỏ dưới tàng
cây thao lao rậm mát. Tôi chọn nơi đó bởi họ có thể nghe tiếng suối
chảy, tiếng gió reo, ngắm những nụ hoa tím trong khoảng không vô tận.
Một thế giới riêng biệt cho hai người nơi không có chiến tranh thù hằn.
– Tội nghiệp cho chị tôi! Khánh Dung ơi! Đau đớn cho chị quá đi thôi.
Khánh
Hà bụm mặt khóc ngất, tiếng khóc xé lòng khiến tôi cay cay mũi tưởng
chừng nước mắt có thể rơi ra bởi chuyện thương tâm ấy, dù bao năm trôi
qua tôi cố quên cũng như cố không nghĩ đến nhưng khi mường tượng đến đôi
mắt của người sắp chết cùng với lời trăn trối cuối cùng khiến trong
lòng ray rứt mãi không nguôi.
Tối hôm đó sau khi trình mọi việc cho người đại đội trưởng khả kính và xin ông cho ra quyết định về trường hợp của đứa bé.
–
Chuyện này không đơn giản như mày nghĩ! Ai cũng biết 2 người có con và
hiện tại nó ở đâu? Mẹ nó ra sao? Xác người trưởng đồn tại sao mất tích?
Chi khu,Tiểu khu rồi sẽ điều tra thực hư câu chuyện và lúc đó tao lẫn
mày bị dính cán búa.
– Tôi đã nhận lời với vợ chồng họ là nuôi dưỡng
thằng nhỏ ít ra nó còn có người thân bên cạnh, tôi không muốn đứa bé là
trẻ mồ côi khi giao cho hội từ thiện hoặc trong các cô nhi viện, xin đại
úy cho đặc ân cấp cho tôi nghỉ một vài ngày phép để mang nó về cho
người nhà chăm sóc. Nếu có chuyện gì xảy ra tôi xin gánh toàn bộ trách
nhiệm cũng như không nêu ra bất kỳ vấn đề nào liên lụy đến cấp chỉ huy.
Tôi
rời khỏi đơn vị khi trời vừa mờ sáng, đi với sự chấp thuận ngầm của
người chỉ huy khả kính, đi mà không có bất kỳ tờ giấy phép trong người.
Không hiểu tại sao khi qua nhiều trạm kiểm soát mà không có bất cứ ai
chậm lại để hỏi han căn vặn, nhất là đi qua khu Quân Cảnh phụ trách, họ
thờ ơ và không quan tâm gì đến người lính mặc quân phục nhàu nát dơ bẩn
đầy bùn đất, hơn nửa còn có đứa bé trên tay, một điều huyền diệu khó có
thể hiểu được nhưng tự đáy lòng của tôi thì hẳn cha mẹ của đứa nhỏ linh
thiêng phù hộ giúp tôi vượt qua mọi chướng ngại.
Tôi kể lại đầu đuôi
câu chuyện với mẹ và mong muốn bà chấp thuận nuôi thằng bé trong khi tôi
còn miệt mài ngoài sương gió, xông pha ở chiến trường. Trần Hoài Đức
tên của đứa bé mà tôi đặt cho nó, nơi cha con tôi gặp nhau trong khu
rừng váng thuộc quận Hoài Đức cũng là nơi mà cha mẹ nó tương ngộ, mối
tình thật đẹp giữa cô giáo xinh đẹp thông minh và người lính nghĩa quân
mộc mạc,hiền lành chân thật.
– Tôi muốn mang bé Đức về nuôi không biết ý kiến của ông như thế nào?
–
Không có gì trở ngại cho tôi cả nhưng cô sẽ trả lời sao với đứa bé khi
nó hỏi về ba nó, nguyên do gì nó ra đi một mình mà không có ba bên cạnh.
Ở cái tuổi còn quá nhỏ chúng ta tốt nhất không nói về cái chết bi thảm
của cha mẹ thằng bé.
– Thôi được.. Tôi về suy nghĩ lại xem sao, phải chọn một phương án nào tốt nhất thuận lợi cho tôi, anh và bé Đức.
Thật
lâu kể từ hôm ấy Khánh Hà không trở lại, theo ý nghĩ của tôi thì cô ta
thay đổi quan điểm của mình hoặc thấy đứa cháu có người cha tốt quan tâm
cùng chăm sóc chu đáo cho nên cũng yên lòng và bản thân tôi dần quên đi
chuyện ấy, bởi những gì uẩn uất trong lòng đã được bộc lộ. Còn vấn đề
khác cũng quan trọng không kém là cật lực kiếm tiền, thời gian gần đây
sinh hoạt hai cha con bắt đầu khó khăn bởi nhiều tiệm sửa chữa xe được
mở ra để cạnh tranh và cái thua thiệt dĩ nhiên về phần tôi bởi cái tồi
tàn của căn chòi cùng dụng cụ cũ kỹ không đáng tin cậy, nhiều khi cả
ngày không thu được mấy đồng bạc. Cứ như tình trạng này kéo dài thì hai
cha con phải húp cháo trừ bữa. Hôm nay tôi ra chợ với sự tính toán chi
ly từng món đồ bởi không còn bao nhiêu tiền trong túi, vài con cá khô,
một bó rau cải ngọt và chút bánh ngọt cho bé Đức, quãng đường không dài
nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi và choáng váng đầu óc, có lẻ sau bao năm tù
đày khổ ải đã cướp đoạt hết sức lực, thêm vào đó ăn uống thiếu thốn cho
nên mới xảy ra tình trạng này.
Còn đang ngồi trên đầu con dốc
nghỉ ngơi đôi chút thì bóng dáng của đứa con xuất hiện trước mặt, thằng
bé chạy u đến ve vẩy lá thư trên tay liến thoắng liền miệng:
– Ba..mình có thư mà người viết có tên lạ nghe… Ơ nờ ân khờ anh khanh sắc Khánh …A huyền à hờ.. Hà.. Khánh Hà là ai hả ba?
Tôi
như bị điện giật ngây người thật lâu mà không thốt lời nào, thằng nhỏ
thấy điệu bộ thất thần của tôi cho nên hoảng hốt đưa tay lên trán thăm
dò rồi cằn nhằn:
– Ba.. Ba làm sao vậy? Bị bệnh phải hông? Con nói rồi mà ba không nghe, ra nắng phải đội nón lên đầu.
Tôi vuốt tóc thằng con đoạn gượng cười trấn an nó:
– Khỏe mà con, đưa thư cho ba xem sao.
“….Anh Lam, ngày 12 tháng 5 này em về thăm cha con anh, nói cho nó biết là có mẹ về, chuyện chúng ta rồi sẽ nói sau..”
Tôi
đọc lá thư mà như người trong mộng, sự việc đến quá đột ngột ngoài sức
tưởng tượng của tôi bởi lối xưng hô thân mật và không cần dấu diếm mục
đích của mình khi về nước lần này, nhận thân và kết mối lương duyên cùng
người lính sa cơ thất thế.
– Khánh Hà là ai hả ba?
– Là tên của mẹ con, mẹ về thăm và báo cho biết trước.
Thăng Đức hò hét nhảy lưng tưng quanh tôi, âm thanh vui mừng hớn hở.
– Má về thăm mình hả ba? Con nói rồi nhất định là má thương và nhớ con nhiều lắm mà. Con có má rồi ba ơi.. con có má rồi.
Trong
suốt thời gian chờ đợi, thằng Đức cứ ra vô ngoài cửa mắt trông ngóng
hướng về đầu con dốc, nó mòn mỏi trông chờ đôi khi cầm bức thư lẩm nhẩm
ráp vần từng câu một, sau đó cẩn thận xếp ngay ngắn rồi bỏ vào túi như
đang cất giữ vật vô cùng quý giá, thậm chí trong giấc ngủ còn mớ gọi
người mẹ của mình.
Khánh hà thong thả kéo chiếc va li từ bên trong đi
ra, cô ăn mặc thật giản dị và không một chút trang điểm nhưng vẫn ẩn
hiện nét xinh đẹp dịu dàng và quyến rũ. Tôi đẩy nhẹ thắng bé về phía
trước đoạn nhẹ nhàng nói vào tai:
– Mẹ con đó, ra mừng mẹ đi con.
Bé
Đức ngần ngừ pha lẩn rụt rè bởi nó không ngờ người mẹ của mình lại xinh
đẹp và đài các như vậy. Trong ý nghĩ của thằng bé thì bà chắc hẳn phải
lam lũ nghèo nàn và xấu xí như cha con nó, nhưng rồi không thể ngăn cản
nỗi khao khát tình mẫu tử mà bấy lâu nay nó chưa bao giờ có cho nên vừa
chạy vừa kêu khóc:
– Má.. Má.. Con nhớ má ..Con thương má…
Khánh Hà vội bỏ chiếc va li rồi ôm chầm lấy thằng bé ràn rụa nước mắt:
– Má cũng nhớ con nhiều mà. Tội nghiệp con của tôi! Mẹ thương con lắm biết không Đức.
Tôi
đứng đó mà lòng bùi ngùi xúc động, mắt nhòa lệ vì vui mừng rốt cuộc rồi
thằng bé cũng tìm thấy người thân của mình sau bao năm xa cách, dù chỉ
là bà mẹ hờ nhưng giữa 2 người vẫn có máu mủ tình thâm còn tôi trong
tương lai thì sao? Ở lại trong xứ sở đầy nghi kỵ cũng như phân biệt giai
cấp hay là cùng cô ra nước ngoài với tư cách là người chồng hờ để rồi
sau đó đường ai nấy đi.
Đêm hôm đó sau khi bé Đức an giấc, tôi cùng
Khánh Hà ra ngoài hiên nhà để trò chuyện đồng thời nghe cô nói về hướng
đi trong tương lai:
– Sau nhiều đêm suy nghĩ để rồi đưa đến quyết
định cuối cùng là mang anh cùng bé Đức ra nước ngoài sinh sống. Chỉ có
biện pháp này mới vẹn toàn cho chúng ta mà thôi, mang thằng bé ra đi thì
có thể nhưng còn anh thì sao? Em sẽ trả lời với nó như thế nào khi
không có anh bên cạnh? Chắc chắn tình thương của thằng bé đối với anh
sâu đậm hơn, em không bao giờ hiện diện bên cạnh trong suốt quãng đời
thơ ấu cho đến hiện tại mặc dù bé Đức khao khát tình mẫu tử nhưng trong
thâm tâm của nó thì hình ảnh người cha mới thật sự quan trọng, thiếu
vắng anh bên cạnh thì chắc hẳn tâm lý sẽ bị tổn thương nặng nề, không
đứa trẻ nào mà không cần tình thương của cha mẹ, chỉ có tình thương ấy
mới có thể khiến chúng vui vẻ trong cuộc sống và hạnh phúc trong sự đầm
ấm của gia đình, chúng ta không thể làm cho bé Đức mất mát thêm nữa. Anh
và em sẽ hiện diện bên cạnh nó trong quãng đời còn lại chỉ có như vậy
mới vẹn toàn cho cả ba.
– Hay là chúng ta tạm thời sống với nhau như vậy rồi sau đó.
Tôi
chỉ có thể tạm chấp nhận biện pháp ổn thỏa mà Khánh Hà đưa ra nhưng
đồng thời đưa ra ý kiến của mình khi cùng sinh sống ở nước ngoài sau
này:
– Không có tạm thời hay gì gì đó sau này, chúng ta sẽ có một gia
đình đầm ấm và hạnh phúc, thay mặt vợ chồng chị Dung chăm sóc cùng nuôi
dưỡng bé Đức cho đến ngày khôn lớn. Ngày mai, anh và em lên chính quyền
địa phương làm thủ tục kết hôn. Có giấy tờ hợp lệ thì thủ tục làm hồ sơ
xuất cảnh sẽ dễ dàng hơn.
Tôi có những ngày vui vẻ và hạnh phúc ở xứ
người, Khánh Hà làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ mà không có bất kỳ
phàn nàn hay kêu ca điều gì, nhiều khi tôi không bao giờ dám tin về
những gì xảy ra trước mắt, một người vợ đẹp đẻ hiền lành và nết na và
đàn con kháu khỉnh. May mắn hay là duyên xảo ngộ mà ông trời dành cho
tôi, người lính sa cơ thất trận đã có những ngày cơ cực ở quê hương.
– Em à..Tại sao lại tốt với anh như vậy? Thiếu gì người lựa chọn tại sao lại phải là anh?
–
Ngày xưa ông bà ta có bao giờ tìm hiểu hay ngỏ lời yêu thương, cha mẹ
đặt đâu con ngồi đấy thế có ai bỏ nhau, họ sống đến đầu bạc răng long
con cái đầy đàn. Em chưa bao giờ yêu ai mà cũng chẳng có hình bóng chàng
trai nào trong trái tim, sống như vậy cho đến ngày gặp anh ở con dốc
nhỏ, trong căn chòi tồi tàn rách nát, người đàn ông nghèo khổ nhưng có
trái tim vàng cùng lòng nhân hậu, anh ta chăm chút vá từng mụn vải trên
áo quần, dành nhiều yêu thương sâu đậm cho đứa con. Trái tim của em rung
động từ dạo đó cũng như phát hiện khi yêu không cần phải mặt mũi, địa
vị trong xã hội mà phát sinh từ sự nhận thức tư cách cùng hành động. Em
yêu người ta nhiều lắm nhất là khi biết sự khốn cùng của cha con anh
trong xã hội mà tình người chỉ đong đầy lòng bàn tay. Chỉ một lời hứa
với người sắp mất mà anh ngậm đắng nuốt cay nuôi dưỡng đứa bé xấu số mồ
côi cả cha lẫn mẹ, con người như thế thì bảo sao con tim của không rung
động.. Một cuộc hôn nhân giả trên giấy tờ nhưng thật sự từ con tim của
em thúc giục mà ra, thật cũng là giả mà giả cũng là thực, người thực,
việc thực hóa ra còn tốt hơn là người thực, việc thực trong tưởng tượng.
Ngày
tháng trôi qua, Hoài Đức bây giờ thành chàng thanh niên cao lớn, lực
lưỡng và tràn đầy nhiệt huyết, con đường học vấn đang mở ra trước mắt
nhưng có một điều khiến tôi và Khánh Hà bất ngờ là thằng bé tuyên bố
chọn ngành sư phạm, một công việc nhàm chán và ít có tương lai, nghề
nghiệp mà ông bà ngày xưa cho là bạc béo, bán cháo phổi.
…Chẳng
lẻ thằng bé lại đi vào con đường của mẹ nó, con đường nhiều chông gai
lắm thử thách, với tài sức cùng sự thông minh thì thằng bé có thể chọn
nghề nghiệp nhàn hạ và hái ra tiền.Tôi nhiều đêm suy nghĩ và trò chuyện
cùng Khánh Hà về tương lai của Hoài Đức
– Ý của chị Dung lúc còn sống
là thế dù đã mất đi nhưng em tin rằng chị của em luôn mãi bên cạnh đứa
con của mình, chị dìu dắt nó trên con đường sự nghiệp cũng như kế tiếp
con đường của mình còn dở dang, một hoài bảo mà chị Dung ôm ấp khi còn ở
bậc trung học, chị dùng mọi kiến thức cùng tài học của mình để truyền
bá cho các em nhỏ hiếu học ở vùng thôn quê nơi thiếu thốn nhiều phương
tiện cùng khó khăn trong cuộc sống.
Ở nơi thật xa, thật cao Khánh
Dung có lẽ mãn nguyện khi nhìn thấy đứa con của mình đã thành tài và sẽ
nối gót bà để thực hiện những hoài bão to lớn mà bà chưa có thể hoàn
thành, một con đường đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng vị tha. Ngày nào đó
tôi sẽ dẫn thằng bé về quê hương, thăm lại ngôi mộ của người thân nơi đó
sẽ kể lại câu chuyện ngày xưa cùng những lời nhắn nhủ cuối cùng.
Bên
con suối nhỏ, dưới tàng cây thao lao rậm mát với những nụ hoa tím lung
linh trong gió, Hoài Đức ngồi cạnh ngôi mộ nhỏ, nó thì thầm nói về quãng
đời đã qua, những ngày tháng hạnh phúc bên người cha bất đắc dĩ, bên
cạnh người dì cũng là người mẹ thân yêu duy nhất, họ trìu mến nâng niu
và dành hết mọi tình thương cho đứa con, đứa cháu lạc loài cùng xấu số
của mình.
Xã Huy Khiêm, quận Hoài Đức ngày xưa với hàng buông bát
ngát, những rặng cây thao lao cao vút trong khu rừng già và giờ đây mọi
thứ đều khép lại, ba má của Hoài Đức yên tỉnh dưới tàng cây, lắng nghe
tiếng suối rì rào, đón những nụ hoa tím lượn lợ rơi trong gió. Một vùng
đất thanh bình không có chiến tranh, không có tiếng súng và không có
người chết cùng hận thù.
Lê văn Nguyên
No comments:
Post a Comment