Monday, August 15, 2022

CHƯƠNG VI THỨ TƯ 30 THÁNG 4 NĂM 1975 Vĩnh Biệt Sàigòn - Jean Lartéguy + Phạm Kim Vinh

 
Những ngân hàng đã đóng cửa, không mở cửa lại nữa. Những nơi đổi tiền đã đóng rèm cửa xuống rồi.

Graham Martin và những cộng sự viên cuối cùng đã dùng trực thăng tới mẫu hạm Blue Ridge đang đậu ngoài khơi cách Vũng Tâu 30 cây số.

Mệt mỏi và sầu thảm, ông ta từ chối mọi lời tuyên bố và chui vào phòng riêng. Ông ta còn không mang theo được lá cờ Mỹ cuốn lại cẩn thận trong tay như Đại sứ Mỹ tại Nam Vang đã làm.

Là dân ngoại giao chuyên nghiệp, Martin không biết thích nghi với những màn bi kịch. Một Thủy quân Lục chiến lo cuốn lá cờ. Nhưng Martin đã bỏ lại tấm hình chụp Nixon cùng gia đình có chữ đề tặng của Nixon. Chúng tôi tìm được tấm hình ấy.

Những Thủy quân Lục chiến chót đã ra đi lúc 8 giờ 30 sau khi liệng một trái lựu đạn khói vào thang máy và làm rối loạn những cơ cấu điện tử điều khiển các cánh cửa sắt, do đó biến sứ quán Mỹ thành một pháo đài không thể chiếm được.

Tổng thống Ford tuyên bố như sau:

“Cuộc di tản đã chấm dứt. Tôi ngợi khen các nhân viên của quân lực đã thi hành tốt cuộc di tản, cũng như ngợi khen Đại sứ Graham Martin cùng với các nhân viên của ông ta đã biết làm tròn bổn phận tốt đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn.”

“Cuộc hành quân này đã khép kín một chương trình trong lịch sử Mỹ. Tôi yêu cầu tất cả những người Mỹ xiết chặt hàng ngũ, tránh những sự chỉ trích về quá khứ, và hãy nhìn phía trước mặt hướng về những mục tiêu và cùng nhau làm việc cho những nhiệm vụ phải hoàn tất.”

Henry Kissinger thì cho rằng đây là một sự thành công. 950 người Mỹ chót đã được đưa đi trong khuôn khổ của cuộc hành quân Lựa Chọn 4 trong kế hoạch Talon Vise và đưa được 5.500 ngườỉ Việt. “Henry thân mến” chỉ mong được có bấy nhiêu cũng đã hài lòng rồi.

Sáng nay, chỉ có các sứ quán Pháp, Nhật, Bỉ và phái bộ Thụy Sĩ mở cửa.

Tướng Minh và những cộng sự viên thân cận nhất đã tự giam mình vào dinh Độc Lập. Chẳng còn ai canh gác nữa. Saigon có bị đốt cháy không?

Cướp bóc cứ tiếp tục. Lần này đến lượt nhà riêng của Graham Martin bị vơ vét sạch, rồi đến sứ quán Anh. Những toán cướp có võ trang tiến dần tới trung tâm thành phố. Nhưng những cảnh thảm khốc nhất diễn ra tại bến tàu.

Coutard và toán chuyên viên truyền hình có mặt tại đó trong khi tôị đánh máy một bài báo, bài báo ấy sẽ không bao giờ tới nơi, sẽ không xuất hiện trên báo.

Trong sự rối loạn kinh khủng, những người Imh muốn cưỡng bách chiếc tàu chót cho họ lên và đã nổ súng. Người ta cướp những máy quay phim, máy chụp hình, tất cả những gì có thể mặc cả được.

Những chùm người bám lấy sườn tàu. Đàn bà, trẻ em bị đè bẹp.

Xe của chúng tôi có thể bị đám đông tràn ngập. Một người lính sắp dùng báng súng đập vỡ kính xe. Cần phải chuồn ngay nếu chúng tôi không muốn mất hết máy móc và những cuốn phim. Và nếu không muốn bị treo cổ.

Coutard, Mathurin và Merlin vừa mới đến chỗ tôi. Chúng tôi tới căn phòng cũ của Phillippe Franchini, đó là đài quan sát rạt tốt và Jean Pouget đang ở đó.

Lúc này là 10 giờ 15. Trên đài phát thanh, Tướng Minh phổ biến lệnh đầu hàng không điều kiện: “Đường lối chính trị mà chúng ta dự trù là sự hòa giải giữa những người Việt Nam để tránh đổ máu vô ích. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu anh em binh sĩ của nước Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt những sự thù nghịch trong bình tĩnh và tôi yêu cầu họ ở đâu hãy ở đó.”

“Tôi yêu cầu những người lính anh em của chính phủ cách mạng lâm thời ngưng những sự thù nghịch. Chúng tôi chờ gặp chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ chuyển giao quyền hành trong trật tự, để tránh mọi sự đổ máu vô ích cho nhân dân.”

Rồi đến một thông điệp khác do một viên tướng dũng cảm hồi hưu đọc, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Vì Tướng Vĩnh Lộc đã chuồn hồi đêm nên người ta đã kéo Tướng Hạnh ra và cử ông ta cầm đầu quân đội.

“Binh sĩ, các trung đoàn trưởng, các chỉ huy đơn vị, các lực lượng địa phương, lực lượng nhân dân tự vệ, tôi, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Tổng Tham mưu trưởng, tôi yêu cầu tướng lãnh và quân nhân các cấp triệt để tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa liên quan đến cuộc ngưng bắn.”

“Bộ Tư lệnh Quân sự sẵn sàng tiếp xúc với Bộ Tư lệnh Quân sự của chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngưng bắn tránh đổ máu.”

Và bỗng nhiên, từ nơi tôi quan sát, tôi trông thấy một đơn vị Dù di chuyển dọc hai bên đường Catinat theo đội hình chiến đấu. Súng cầm tay, họ điều động trong một trật tự hoàn hảo. Khi các sĩ quan ra dấu, họ ngừng lại, núp sau những cánh cửa rồi lại tiến lên.

Sắp giao tranh tại Saigon chăng? Trông những người lính này cương quyết lắm. Khi tới ngang nhà hàng Continental, họ quẹo về hướng chợ Bến Thành. Một hiệu lệnh được ban ra. Thế là họ trút bỏ hết quân phục và khí giới với đồ trang bị rồi họ bỏ chạy. Còn lại những gì của quân đội nữa, một trong những quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất Đông Nam Á? Những đống khí giới và đồ trang bị, những sợi giây đeo băng đạn.

11 giờ 30, Long, một Đại tá cảnh sát, tự bắn vỡ sọ trước bức tượng của Thủy Quân Lục Chiến đối diện trụ sở Hạ viện. Ông ta nằm sóng sượt. Chiếc nón kết có hoa lá bạc đặt trên ngực. Sự dàn cảnh của một nhiếp ảnh viên.

Máu và óc chảy từ bên tai trái ra. Ông ta vẫn còn thở trong khi ở phía trên ông ta có tiếng sè sè của máy quay phim và máy chụp hình. Một lát sau, ông ta tắt thở tại nhà thương Grall.

12 giờ 5 phút, một xe jeep chạy tới đường Catinat trên cắm lá cờ Việt cộng bự trong khi những chiếc xe tăng tới chiếm dinh Độc Lập. Cờ Việt cộng được trưng lên trước tiền đình. Một chiếc T-54 húc tung cánh cửa sắt vì người ta chậm mở rồi bắn một phát đại bác và vài tràng đạn đại liên thanh để thị uy. Mười bốn xe tăng khác theo sau, pháo tháp mở và cành cây cắm đầy xe. Binh lính đội mũ lợp lá theo kiểu mũ thuộc địa, quân phục xanh và đi dép Hồ Chí Minh chế tạo bằng vỏ xe hơi, võ trang bằng tiểu liên AK-47 của Trung Hoa, nhẩy ra khỏi xe tăng và chạy vào dinh.

Trên bao lơn, cờ của chính phủ cách mạng lâm thời được kéo lên. Saigon bị chiếm và không bốc cháy. Chỉ thiếu chút nữa thôi.

Phó Tổng thống Nguyễn văn Huyền, Thủ tướng Vũ văn Mẫu và Tướng Minh đã là diễn viên và nhân chứng trong những giờ phút chót của Saigon và họ đã kể cho tôi nghe những giờ chót ấy.

Và số phận của Saigon đã được định đoạt như dưới đây trong vòng vài phút ngày 30-4, khoảng từ 10 giờ 30 tới 11 giờ sáng.

Minh và hai người phụ tá là Huyền và Mẫu ngồi trong phòng khách nhỏ của dinh. Chừng năm chục nhân vật ngồi chờ ở phòng lớn để dự buổi lễ trình diện Tân Nội Các. Người ta đã vơ vét những gì có thể tìm được trong lúc này. Do đó mà Giáo sư Vũ văn Mẫu đã mang theo các thư ký văn phòng luật sư của ông ta.

Không còn chút hy vọng nào để thương thuyết nữa. Sự hỗn loạn ngự trị ở đường phố và những đơn vị đầu tiên của cộng sản đã vào Sàigòn. Nhưng ở khắp nơi đều có những ổ kháng chiến, gồm những đơn vị ưu tú bám lấy lãnh thổ. Thí dụ như tại Tân Sơn Nhất, một đơn vị Dù đã dùng súng Bazooka làm nổ tung năm xe tăng Sô Viết.

Ba người ngồi chờ phái đoàn thứ hai do họ gởi đi trại Davis (Tân Sơn Nhất) trở về. Chẳng thấy gì. Thời giờ cứ trôi qua.

Bỗng cánh cửa mở. Họ đứng phắt dậy, tưởng rằng đại diện của quân đội cộng sản tới đặt các điều kiện cho sự đầu hàng.

Đó chỉ là Tướng Vanuxem. Là một cố vấn rất được Thiệu nghe theo, ông ta tới đây trước đó vài ngày theo lời mời của Thiệu để mang tình bạn đến an ủi Thiệu và cho những lời khuyên nhằm cải thiện tình thế. Thiệu đã từ bỏ quyền hành và Vanuxem còn ở lại. Đi dạo quanh cái dinh bỏ trống, ông ta bước vào trong. Không có thư ký, không có người canh gác. Chỉ có sự bỏ trống. Tướng Minh không dám mời ông ta trở lui. Vanuxem là cựu sĩ quan của cái quân đội mà Tướng Minh còn giữ sự trìu mến lớn lao. Có lẽ Tướng Minh tưởng rằng ông ta thi hành một sứ mạng nào đó?

.... Vậy thì Vanuxem sẽ được tham dự những giờ phút chót của cái chính phủ này, cái chính phủ mà những kẻ xấu mồm đã nói rằng được thành lập tại Ba Lê và do Đại sứ Pháp L.J.M Mérillon chủ tọa tại Sài Gòn. Không một nhà báo nào dám mong có được cái cơ hội như Vanuxem lúc ấy. Sáng hôm ấy, Vanuxem có mặt tại đó nhân danh nước Pháp.

Ngồi ở góc bàn, Vũ văn Mẫu gấp rút thảo lời kêu gọi ngưng bắn. Rồi Mẫu và Minh ngồi vào trong xe đi tới đài phát thanh, trên đường đi, nắm được Cựu Tướng Hoàng đang ngơ ngác tìm viên Tham mưu trưởng là Tướng Vĩnh Lộc. Lộc đã chuồn hồi đêm rồi.

Phó Tổng thống Nguyễn văn Huyền thì lui vào một phòng nhỏ để cầu nguyện.

Ba người biết rằng cộng quân đã sẵn sàng tàn phá Saigon nếu mọi sự kháng cự không chấm dứt ngay, và có thể cộng sản mong có sự kháng cự để tàn phá. Bọn chúng sợ hãi cái thành phố này. Bọn chúng muốn cái thành phố ấy phải mang thương tích và quỳ gối đầu hàng.

Minh và Mẫu vừa mới quay trở về thì nhìn thấy những xe thiết giáp ở bãi cỏ. Không phải là những xe tăng cộng sản mà họ chờ đợi nhưng là ba xe tăng M-48 của quân đội Nam Việt Nam. Vài sĩ quan trẻ tuổi vừa từ trên xe nhảy xuống.

Các sĩ quan này từ chối sự dầu hàng. Họ muốn tiếp tục chiến đấu vì danh dự và vì họ từ chối chủ nghĩa cộng sản.

Họ đâu thèm bận tâm đến việc họ có thể bị chôn vùi dưới những đống gạch vụn đổ nát của Saigon?

Tướng Minh chỉ còn có vài phút để thuyết phục các sĩ quan này. Đại bác 130 và những ống phóng hỏa tiễn 122 ly đã đặt sẵn chung quanh thủ đô.

Sau này, Vũ văn Mẫu cho chúng tôi biết là sự đe dọa ấy có thật. Ông ta và Tướng Minh bị cầm tù 48 giờ trong dinh và một trong những sĩ quan Bắc Việt canh giữ họ, cấp Đại tá hay cấp tướng gì đó nói: “Chúng tôi được lệnh bắn Saigon từ 11 giờ sáng nếu mọi sự kháng cự không ngưng. Thành phố đã được chia ra làm 30 ô vuông. Mỗi ô vuông sẽ lãnh 100 hỏa tiễn và 3.000 đạn đại bác 130 ly."

"Sau đó, chúng tôi sẽ xung phong. Chúng tôi biết sẽ có những trận đánh dữ dội trong thành phố và có một đơn vị nhất quyết chiến đấu tới cùng. Chúng tôi dự trù những cuộc chiến đấu ấy kéo dài bảy ngày từ 30 tháng 4 tới 7 tháng 5, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tới lúc đó, chúng tôi sẽ làm chủ Sàigòn. Đến lúc ấy thì mọi sự kháng cự sẽ ngưng.”

Vũ văn Mẫu nói thêm:

- Tướng Minh và tôi biết rằng những cuộc chiến đấu ấy vô ích vì sẽ gây cho các thường dân số thương vong từ 250.000 tới 300.000 người chết và một phần lớn Saigon sẽ bị tiêu hủy vì những đám cháy không gì có thể ngăn được. Rất nhiều khu nhà ở đều làm bằng gỗ và cảnh sát cũng như mọi lực lượng an ninh đều biến mất.

Dùng uy tín của người cựu chỉ huy, của người thật sự tạo lập quân đội Nam Việt Nam, với giọng nói oai nghiêm của người cha răn dậy những đứa con ngỗ nghịch, Minh Cồ cảm phục lòng can đảm của các sĩ quan trẻ tuổi ấy nhưng giải thích cho họ biết rằng nếu đánh nữa thì họ chỉ làm tăng thêm sự bất hạnh cho đất nước.

Họ còn được bao nhiêu người? Những thành phần còn lại của một lữ đoàn Dù và Thiết Giáp. Chừng hai ngàn người tất cả.

Trước mặt họ có 15 sư đoàn: hơn 100.000 người, các trung đoàn pháo, hỏa tiễn phòng không. Và tất cả đều sẵn sàng xung phong, chỉ mơ ước được nhào vào cái thành phố này vì nó đã luôn luôn chối bỏ bọn chúng, cái biểu tượng của mọi chế độ thực dân và mọi chế độ đế quốc. Để trừng phạt và tiêu diệt thành phố này. Tiếp tục chiến đấu là mắc mưu bọn chúng.

Các sĩ quan đã hiểu và họ trở về đơn vị để thuyết phục các thuộc cấp ngưng chiến đấu. Nhưng có nhiều người sẽ đi về vùng đồng bằng để lập chiến khu. Những kẻ chiến thắng có thể tiến vào Saigon được rồi.

Ai đã cứu Saigon? Không phải Kissinger hoặc Graham Martin đã cứu Saigon khi đẩy ông Thiệu ra ngoài, cũng không phải Sauvagnargues hoặc Mérillon đã cứu Saigon khi bứt ông Hương thống khổ ra khỏi chiếc ghế Tổng thống. Cứu tinh của Saigon, Tướng Dương văn Minh. Ông ta đã cứu thủ đô vì trong suốt cuộc đời của ông ta, ông ta luôn luôn là điều trái ngược với một chính trị gia và đối với các đại úy trẻ tuổi, ông ta vẫn là biểu tượng của một sự cao cả nào đó, một sự lương thiện, một người không hiểu nhiều về những sự tế nhị của chính trị quốc gia hoặc chính trị quốc tế nhưng vào lúc quyết định này, ông ta có thể được lòng tin của những thanh niên hai mươi tuổi sẵn sàng chết. Những người trẻ tuổi này đã khinh bỉ bác bỏ tất cả những lời dao to búa lớn của các nhà ngoại giao và các chính khách vì rằng hai hạng người ấy chỉ biết nói những chuyện cho người già nua, cho những kẻ khuyển nho và cho những kẻ quen với những trò rắc rối này.

Rồi đến chiếc xe jeep cắm cờ chạy tới đường Catínat lúc 12 giờ 5 phút, đến vụ chiến xa chiếm Dinh, theo sau là những xe vận tải Molotova chở đầy binh sĩ, năm chục nhân vật hoặc thư ký tới dự lễ trình diện nội các hoặc tham gia nội các, tới vụ hai ông Minh và Mẫu hai tay đưa lên trời bị những anh “bộ đội” súng tiểu liên cầm tay áp giải lên một xe jeep.

Họ được áp giải đến đài phát thanh để đưa ra lời kêu gọi tối hậu hãy ngưng bắn cho những người chiến sĩ còn đang chiến đấu. Vì người ta vẫp còn đánh nhau tại Tân Sơn Nhất, tại Gia Định, chung quanh một vài trại lính và gần Bộ Tư lệnh Cảnh sát, và ngay cả đường Pasteur nữa vì nơi đây có một nhóm quân cảm tử tìm cách chống cự.

Đến 13 giờ thì xong hết mọi chuyện.

Minh được trở lại Dinh, ở đó, ông ta bị canh chừng. Ông ta tự coi là đã làm xong bổn phận.

Sau khi kêu gọi ngưng bắn và kêu gọi quân lực Nam Việt Nam buông súng, trước khi xe tăng cộng sản tiến vào Dinh, ông ta tuyên bố với một trong những người ký giả cuối cùng mà ông ta đã gặp là Arnaud của hãng AFP (Agence France Presse):

“Hôm nay hoặc ngày mai, tôi chờ họ (điều này chứng tỏ ông ta đã bị cắt đứt mọi sự tiếp xúc với những người bên kia). Phải làm như vậy. Phải cứu lấy những mạng người, những mạng người Việt và Pháp nữa. Hãy kể lại cho Đại sứ Pháp nghe rằng ông đã trông thấy tôi ở đây.”

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này diễn ra lúc các sĩ quan trẻ tuổi còn muốn chiến đấu đã trở lại đơn vị và lúc xe tăng cộng sản tiến vào,

Tất cả những người mà tôi hỏi chuyện sau đó và những người có mặt cùng với Minh Cồ, các cộng sự viên thân cận nhất của ông ta, Phó Tổng thống Huyền, Thủ tướng Mẫu, tất cả đều xác nhận rằng những tên lính và sĩ quan đầu tiên tiến vào dinh để bắt họ đều là người miền Bắc.

Lúc ấy, các nhân vật trong chính phủ họp tại phòng khách long trọng của Tổng thống Cộng Hòa. Trong lúc này thì chính phủ cách mạng lâm thời chỉ được đại diện bởi lá cờ nửa xanh nửa đỏ giữa có ngôi sao vàng và một người lính của Hà Nội treo lên phía trước tiền đình thay cho lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Sau khi các xe tăng tiến vào bãi cỏ trước dinh, đến lượt bộ binh cơ giới hóa ngồi trên xe của Nga hoặc của Tàu chế tạo. Cũng là một thứ xe nhưng nếu xe của Tàu thì người ta phải đến gần mũi xe mới đọc được những chữ ghi ở đó. Các anh “bộ đội” nhảy xuống đất, súng lăm lăm trong tay. Họ ngồi tại bãi cỏ có bóng mát mà mưa tưới ướt và bãi cỏ ấy ở phía trước nhà thờ Đức Bà.

Chúng tôi đi lần vào bọn họ. Có những người thì hung hãn, có những người khác cười với chúng tôi, có người bằng lòng cho chúng tôi chụp hình, có người từ chối. Họ chưa nhận được chỉ thị gì và không biết phải đối xử với chúng tôi ra sao.

Tôi ngạc nhiên vì tuổi nhỏ của những ngưởi lính này, mười sáu, mười bảy, mười tám, ngạc nhiên vì thân hình ốm yếu của họ, vì bộ đồng phục màu xanh quá rộng đối với họ. Họ có cái đầu của những đứa trẻ trong ban hợp ca của nhà thờ được mang chiếc mũ thuộc địa. Họ cười một cách dễ thương nhưng họ cầm trong tay những khí giới nguy hiểm: Tiểu liên Trung Cộng AK-47 hoặc Kalachnikov của Nga, súng Bazooka, súng B-40 và một chùm lựu đạn tròn nhỏ đeo ở giây nịt bụng.

Nhưng cấp chỉ huy của họ thuộc về một thế hệ khác, thế hệ của những người bốn chục tuổi, nét mặt rắn rỏi vì Chiến tranh, dầy dạn phong sương vì những năm chiến đấu trong rừng. Chính họ là những người lính - thầy tu - đã chỉ huy và cuồng tín hóa những người lính tập sự hày.

Hình như toàn thể một thế hệ đã biến mất, thế hệ đã dự những trận đánh dữ dội chống lại người Mỹ, thế hệ đã bị dội bom B-52, thế hệ đã chết mòn mỏi trên đường mòn Hồ Chí Minh. Bị xóa sổ của thế giới, bị bôi tên khỏi cuộc đời.

Cả một thế hệ bị tiêu diệt vì chiến tranh! Những người còn sống sót thì được tôi luyện bằng thép, vững chắc trong sự căm thù người ngoại quốc. Chính những người ấy đã đưa những đứa trẻ này tới Saigon, làm cho chúng lặn lội trong rừng, làm cho chúng chiến đấu, không tha thứ một sự yếu lòng nào và thuyết giảng cho chúng nghe trong rừng già Cao Mên cái tôn giáo mới, tôn giáo có Chúa không phải là Marx mà là Hồ Chí Minh và có mục tiêu là nước “Đại Việt Nam” để sẽ thâu toàn thể Đông Dương thuộc Pháp ngày trước.

Nhưng những cán bộ này đã thành ra những thứ đồ quý, khan hiếm đến nỗi bộ chỉ huy cao cấp buộc họ không được hy sinh mạng sống một cách dễ dàng và luôn luôn được một nhóm bảo vệ. Họ còn được lệnh là phải chạy trốn nếu thấy có thể bị bắt.

Tôi nhận được những con người ấy với nụ cười gắn trên mặt họ như một chiếc mặt nạ. Đó là những người Việt thật sự, những người lính giỏi nhất Á Châu. Họ chỉ biết chiến tranh là cứu cánh và không biết đến điều gì khác. Họ có cái đức tin lạnh lùng của những người truy tà. Họ tin tưởng ở cái chủ nghĩa cộng sản của Bắc Việt, trong đó mọi thứ kết chặt với nhau: chủ nghĩa Mác xít rút gọn còn có vài giáo điều, một chủ nghĩa quốc gia cuồng nhiệt, dễ nóng giận, một lòng yêu tổ quốc Việt Nam, yêu nòi giống Việt Nam khiến cho người ta bực mình nhớ đến những chủ nghĩa chủng tộc khác và những sự cuồng nhiệt khác, một đời sống đạo đức, trong sạch, một sự khắc khổ của những người tu hành. Và cả một hệ thức kiểu “Hướng Đạo” bắt nguồn từ những trại thanh niên ngày xưa của Đô đốc Decoux, tất cả ở phía “cách mạng quốc gia": lửa trại, ca hát, dân vũ, trò chơi, tôn sùng lãnh tụ già Hồ Chí Minh mà đời sống được coi như một ông thánh thật sự. Trên tấm hình bác Hồ tôn kính xuất hiện khắp nơi ấy, chỉ còn thiếu có cái vòng hào quang. Và người ta quên mất con người ngày trước của ông ta: một người cách mạng dữ tợn, không chút thương xót và để duy trì sự nhất trí của đảng, ông ta đã không ngần ngại đem nộp những người đối đầu với ông ta cho sở mật thám Tây để thủ tiêu những người ấy.

Nhưng cái tình cảm mạnh mẽ nhất đã khuấy động họ là sự kiêu căng bao la mà họ khó dấu dưới sự giả đò khúm núm khiến cho ngay cả những đồng minh của họ cũng không chịu nổi: người Nga, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức và nhất là người Trung Hoa. Họ đã đánh bại người Pháp. Nếu họ bớt cứng rắn thì họ đã có thể thương lượng với người Pháp. Rồi thì họ đã lẳng lặng tiêu hóa nước Việt Nam thay vì chinh phục. Họ tưởng đã đánh bại được người Mỹ thời Johnson trong khi thực ra, người Mỹ không bao giờ muốn đánh đến cùng và người Mỹ đã bị phá hại vì sự bất ổn của lương tâm. Nhưng khi người ta muốn duy trì đế quốc của thế giới thì người ta không nên bận tâm vì lương tâm. Về vấn đề này thì nên hỏi người Nga.

Người Việt cộng sản đã trở thành một dân tộc chinh phục, một dòng tu quân sự Đỏ, xả thân cho chiến tranh và cho sự chinh phục. Ba triệu người chết vì sự kiêu căng.

Và những người lính con nít này!

Tôi đi xen vào với họ. Dân Saigon bắt đầu lại gần, ngạc nhiên vì thấy chưa bị những ngườỉ lính ấy cắn. Ngạc nhiên vì thấy họ còn trẻ quá, tươi cười quá... khi họ có thể vượt qua khỏi sự canh chừng của những người chỉ huy khắc khổ của họ.

Cùng với Coutard, Merlin, Mathurin và Brigitte Friang, với Pouget, Held và F. Dehre, với Dreyfus và Caviglioli, ngoại trừ một bạn đồng nghiệp nổi hứng mang một băng tay màu đỏ và những dấu hiệu của chính phủ Cách mạng Lâm thời, tôi có thể nói rằng tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên vì sự ít tha thiết, hay đúng hơn là sự chịu đựng của nhân dân Saigon. Một vài cái vỗ tay kín đáo, vài bao thuốc lá mà người ta lén đưa cho các anh bộ đội, vài câu hỏi khôn ngoan. Chỉ có thế thôi.

“Họ có gia đình ở Nam Việt Nam không?" Đó là câu hỏi mà người ta thường hỏi những người lính ấy. Đó là một cách hỏi để tìm hiểu về cái chính phủ Cách mạng Lâm thời, là chính phủ đã chính thức chiếm, à xin lỗi, đã giải phóng thành phố, nhưng trong lúc này, chẳng thấy binh lính của chính phủ ấy ở đâu hết.

Đến chiều tối mới thấy những đơn vị miền Nam không nhiều, trang bị tồi, đi thất thểu, đó là những người ở bưng được những người lính vẻ vang của Hà Nội giao cho những nhiệm vụ phụ thuộc. Vì người ta thiếu lính —cho chính phủ Cách mạng Lâm thời nên người tạ đã chế tạo thứ lính ấy.

Tôi đã nói chuyện với những đứa trẻ của Nhân dân Tự vệ là thứ lực lượng xuất hiện những ngày gần đây và đáng lẽ phải giữ gìn trật tự thì lại: đã làm trái lại. Tôi thấy chúng đã biến thành những người bưng biền, mang băng tay đỏ, chiếm đoạt những chiếc xe hơi rồi lái xe thật mau trên những đường phố vắng lẫn lộn vào với những thiếu niên lạc loài khác, những tên du đảng đã lượm trên lề đường một khẩu súng M-16, một súng lục hoặc tiểu liên rồi biến thành quân kháng chiến. Đảng cần có những người kháng chiến gia nhập giờ chót. Do đó, đảng không đòi hỏi nhiều về điều kiện gia nhập. Bất cứ ai cũng có thể gia nhập được.

Người ta cần có bọn trẻ nít ấy để chứng minh lập luận giải phóng Saigon, để một ngày nào đó, người ta có thể xác nhận rằng toàn thể nhân dân Saigon - đó là cái công thức - đã nổi dậy khi quân đội nhân dân Nam đến gần.

Và vì vẻ đó, để cho sự gian dối mang một vẻ có thật đôi chút, người ta để cho lũ trẻ nít ấy làm trò xiệc và bắn nhiều tràng đạn khi nhận kèn inh ỏi chạy xe trên đường phố.

Saigon không được giải phóng, Saigon không nổi dậy, Saigon đã bị quân đội xa lạ từ miền Bắc đến xâm chiếm, trắng trợn vi phạm tất cả các thỏa hiệp ký tại Ba Lê, những đơn vị được trang bị một phần bởi nước Trung Hoa (giờ nầy, nước ấy đang hối tiếc) và được người Nga trang bị rất nhiều (Nga tính chẳng bao lâu nữa sẽ dùng Bắc Việt để chống lại người Tàu) đó là sự thật. Chúng tôi là 120 nhà báo có thể chứng minh được điều ấy. Những người cộng sản biết thế cho nên hai giờ sau đó, đúng 14 giờ, vào lúc diễn hành, bọn chúng chặn chúng tôi ở Saigon bằng cách cắt đứt những đường giây viễn ấn và truyền tin, bằng cách không cho chúng tôi gởi hình ảnh đi ra ngoài. Bọn chúng bắt chúng tôi im lặng để có thời giờ tin ở sự gian dối của chúng.

Quân đội Việt cộng, cái quân đội mà người ta nhồi mãi vào tai chúng tôi rằng đã được huấn luyện bằng súng gỗ trong rừng, cái quân đội ấy đang diễn hành trước mắt chúng tôi. Đó là đoàn xe tăng T-54, T-56 với những máy ngắm bắn ban đêm bằng hồng ngoại tuyên, đó là những thiết vận xa, những xe thám thính gắn đại liên, những pháo đội phòng không, những đại bác nòng dài có xe chạy xích kéo. Và tất cả những xe jeep này, những xe vô tuyến, những đài ra-đa lưu động, và cả rừng ống hỏa tiễn, những súng cối hạng nặng, hàng ngàn xe vận tải chất đầy lính trang bị những súng tiểu liên tân tiến nhất. Từ mọi phía, họ tiến vào thành phố giữa những tiếng gầm thét của động cơ và tiếng xích sắt nghiến đường của các xe chạy xích.

Này anh bộ đội, anh từ pháo thép xe tăng ló ra, đầu anh mang mũ đen, trông giống những người lính thiết giáp Nga đàn áp những cuộc nổi dậy của công nhân tại Bá Linh, Prague và Budapest, anh từ đâu tới đây?

Từ Hà Nội.

Và anh, anh đang lái chiếc xe kéo một khẩu đại bác 130 ly có tầm bắn xa hoặc lái một xe vận tải Molotova, anh ta bố trí khẩu súng phòng không gần dinh tổng thống? Còn anh, anh lính khốn khổ đang đi bộ, một chiếc khăn mặt quấn quanh cổ. Anh từ đâu tới?

Từ Hà Nội. Từ Hà Nội.

Chúng tôi đi tới đại lộ nối liền Chợ Lớn với Saigon. Nơi nào cũng thấy ngổn ngang những xe thiết giáp, xe vận tải và đại bác 105 ly bỏ lại. Trẻ nít lượm súng bắn chơi lên trời hoặc đội mũ sắt cải trang làm lính, có đứa mặc áo giáp hoặc lấy những giây đeo đạn quấn vào mình và giỡn chơi với những trái lựu đạn như chơi với những trái banh. Những người lớn tuổi khôn ngoan hơn, chỉ mở nắp các xe để kiếm những thứ phụ tùng có thể xài được. Nhưng một trăm ngàn lính Nam Việt Nam hôm qua còn bảo vệ Saigon nay biến đâu hết? Quân phục, đồ trang bị của họ vứt ngổn ngang trên lề đường, dưới đường, trong rãnh. Một trăm ngàn người lính mặc đồ lót!

Chiếc tàu chở người tị nạn sáng nay muốn ra khơi đang còn đậu ở bến nhưng người tị nạn đã trốn hết rồi.

Các trạm cảnh sát đã được các ủy ban địa phương chiếm đóng, các uỷ ban này thường gồm những người trẻ tuổi tuy làm ra vẻ nghiêm chỉnh nhưng lại có vẻ như giỡn chơi. Chợ Lớn yên tĩnh. Chưa thấy treo cờ. Người Tàu khôn lắm. Họ tự hỏi xem phải treo cờ Hà Nội cờ đỏ sao vàng hay treo cờ chính phủ Cách mạng Lâm thời. Người Tàu chẳng dại gì treo một thứ cờ để rồi cờ ấy bị thay thế bởi một thứ cờ khác.

Tại Phú Thọ có không khí của một hội chợ. Thẳng thắn cười đùa, và của sự nhẹ nhõm. Mọi người ở khu này đều ra ngoài đường. Để hôi của. Kéo những bao gạo, bột mì, đồ hộp, rượu Whisky, rượu Champagne, những thùng la-de và Coca Cola. Họ vơ vét sạch những cửa hàng mà chủ nhân đã bỏ chạy, ủy ban khu phố gồm vài người trẻ tuổi mang tay đỏ, trang bị súng M-16 gắn mấy bông vại đỏ, tìm cách tạo ra một vẻ gì như là trật tự và ngăn chận việc cướp tất cả những bao gạo lấy được một kho hàng.

Trên đường đến trường đua. Một xe tăng Mỹ và một xe tăng Nga đối diện nhau, cả hai cùng bị phá hủy. Hai xe đã bắn nhau rất gần. Cuộc đấu súng kỳ lạ này diễn ra sáng nay. Hai cái xác xe còn bốc khói, ở trong xe, những xác người cháy thành than.

Và đây, xuất hiện những đơn vị bộ binh đầu tiên, từng hàng dài tiến lên trong bộ đồng phục quá rộng. Các anh bộ đội được huấn luyện để mỗi ngày đi được 50 cây số với luôn đồ trang bị. Họ là những con thiêu thân của cuộc chiến này nhưng họ không xẹp.

Tại Tân Sơn Nhất, những xác chết mà chúng tôi nhìn thấy ngày hôm qua vẫn còn đó và bốc lên những mùi hôi thúi. Nhưng những đám cháy đã được dập tắt rồi.

Gần Lăng Cha cả, người che chở và bạn của vua Gia Long, những người chiến sĩ Dù đã đánh trận chót. Họ chiến đấu tới mười một giờ ba mươi, cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ cuộc gặp gỡ đau thương với Tướng Minh trở về thuyết phục họ nên bỏ cuộc chiến. Họ đã dùng súng Bazooka tiêu diệt năm xe tăng Nga loại T-54 nặng năm mươi tấn và còn đang bốc cháy. Một chiếc nổ tung với tất cả đạn dược trong xe. Chúng tôi chỉ kịp đậu xe lại để tránh.

Các chiến sĩ Dù không để lại một chút gì, không để lại người chết, những người bị thương, khí giới hoặc đồ trang bị.

Chúng tôi tìm cách vào sân bay. Nhưng sân bay do các anh bộ đội mang vũ khí canh gác và dường như được một người thường phục chỉ huy

Chúng tôi ngỏ lời với người chỉ huy đó. Anh ta nhẹ nhàng giải thích rằng không vào được vì rằng những tên bù nhìn của Mỹ đã đặt mìn tất cả vào sân bay sẽ rất nguy hiểm cho chúng tôi. Nhân dân Việt Nam rất lo lắng giữ an ninh cho các người ngoại quốc. Hắn nói thêm:

- Vài ngày nữa ông trở lại đi.

Thật là một thứ nói dối có hạng. Vì rằng ba giờ sau đó đã có một chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đáp xuống.

Chúng tôi quay lại. Trở lại Saigon giữa tất cả những người lính kia, những người thường dân kia, những người tị nạn kia đang làm cản trở đường đi. Chúng tôi gặp sáu xe tăng Mỹ dàn ra theo đội hình chiến đấu, đại bác chỉa thẳng nhưng đã bị xa đoàn bỏ rơi. Chúng tôi bắt buộc phải lái xe bọc vòng mọi thứ chướng ngại vật: rào cản, những cục xi măng. Không có sự can thiệp của Minh thì người ta đánh nhau lâu và chắc có thương vong.

Tại một ngôi chùa có đám đông đang họp. Vườn của chùa đã trở thành trại tạm trú cho hàng trăm người. Có những người mắc võng, có những người dựng lều, những người khác thì nấu ăn.

Các anh bộ đội hoàn toàn lạc lõng trong sự lưu thông loạn lạc này và dân Saigon có vẻ không biết tới các anh bộ đội. Không thù nghịch. Dường như dân Saigon đã quen với những kẻ mới tới và những kẻ ấy lúc này nhút nhát kín đáo. Chỉ vài giờ sau khi dứt giao tranh, dân Saigon đã coi thường những kẻ mới tới và chế diễu sự quê kệch của những kẻ ấy. Sau biết bao nhiêu kẻ chiếm đóng mới mà dân Saigon phải quen và phải lợi dụng nếu có thể. Các anh bộ đội không thích lối đối xử đó. Họ tưởng sẽ được hoan hô, được choàng vòng hoa chứ không dè bị đối xử tệ như vậy. Dân Saigon thật kỳ lạ, vừa mới sợ hãi rồi lại an tâm ngay đấy! Thấy chưa bật bớ ai, chưa xử bắn ai, lập tức người dân Saigon đã tìm lại được sự vô tâm và đang tự hỏi làm cách nào có thể ‘‘lừa bịp” những kẻ mới tới. Những người dân ấy cũng lo lắng vì rằng có lẽ chẳng kiếm chác được gì nhiều nơi những người lính khốn khổ mang dép kia. Nhưng lần này, dân Saigon lầm rồi. Khi đạo đức dựa trên một chế độ cảnh sát thường trực và khi sự tố cáo lẫn nhau được coi là một nghĩa vụ đối với quốc gia thì đạo đức ấy thắng tội lỗi.

Chúng tôi đi qua Câu lạc bộ thể thao, một trong những nơi quý phái Sài gòn, những nơi đó đã bị chiếm đóng rồi. Tại hội đua ngựa, một bà chủ nhất định đòi xem thẻ hội viên của chúng tôi. Bà ta khăng khăng đòi xem thẻ chúng tôi. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện rồi vượt hàng rào và thấy trong phòng uống rượu toàn thể số nhân viên của hội đang ngồi may cờ Việt cộng.

Vài con ngựa bình thản gặm cỏ tại bãi gần đó, gần một cái chuồng một chàng trẻ đang vỗ về con ngựa.

Tại trường Marie Curie, có treo một tấm bảng. Sau các biến cố này thì kỳ thi vấn đáp phải dời lại tới ngày 3-5.

Cờ bắt đầu xuất hiện trên các cửa sổ. Người ta khâu vội vàng cho nên những lá cờ thay vì hai màu xanh dương và đỏ đã thành xanh lá cây và đỏ.

Những chiếc xe gắn loa phóng thanh chạy khắp ngã đường và đậu tại các ngã tư rồi chuyển đi lời cảnh cáo lập lại nhiều lần bằng giọng nói miền Bắc.

“Các lực lượng của Mặt trận Giải phóng Quốc gia đã làm chủ Sàigòn. Đồng bào đừng lo ngại. Đồng bào sẽ được đối xử tử tế nếu tôn trọng trật tự và kỷ luật.

Dưới trận mưa, một người đàn ông mặc quần lót đang lặng lẽ băng qua đường và cười: đó là một người lính Việt Nam Cộng hòa.

Đài Saigon đã biến thành đài Giải Phóng. Một nữ xướng ngôn viên cho thính giả biết rằng nhiều ngàn người dân Saigon hăng say đang đi diễn hành trên đường Catinat mang những biểu ngữ (chúng tôi đang ở trên con đường này). Có ba bốn kẻ vô nghề nghiệp được một anh cán bộ gom góp lại và anh này đang ra sức gào vào cái loa phát thanh.

Và cô xướng ngôn viên tiếp tục:

“Tất cả đoàn kết để làm cách mạng trong thành phố Hồ Chí Minh, làm vẻ vang cho thành phố ấy vì đã nổi dậy trong cuộc chiến đấu thắng lợi hạ những tên bù nhìn Mỹ và bè lũ ăn lương của Mỹ.”

Một lúc sau đó, đài phát thanh phổ biến mười điểm chương trình của chính phủ Cách mạng Lâm thời. Mười điểm ấy được áp dụng cho nhân dân Nam Việt Nam:

  1. - Mọi Cơ Cấu hiện hữu phải thi hành chính sách của chính phủ Cách mạng Lâm thời. Hệ thống cai trị cũ phải được hủy bỏ. Các đảng phái phản động và các tổ chức khác phục vụ đế quốc và những tên bù nhìn đều bị giải tán.

2 - Nam nữ bình đẳng, tự do về lương tâm và tín ngưởng.

3 - Cấm mọi hoạt động gieo rắc chia rẽ, kêu gọi đoàn kết để xây dựng vùng tự do và xây đời mới.

4 - Mọi người được bảo đảm quyền làm việc và có nghĩa vụ ủng hộ cuộc cách mạng.

5 - Tất cả mọi của cải của chính quyền bù nhìn đều do chính phủ Cách mạng Lâm thời quân lý.

6 - Săn sóc trẻ mồ côi và người già yếu là làm bổn phận đối với quốc gia.

7 - Khuyến khích khu vực nông thôn để phát triển sản xuất.

- Các cơ sở văn hóa, nhà thương, trường học do người ngoại quốc quản lý, phải theo đuổi các hoạt động nhằm phục vụ nhân dân. Những tài năng hữu ích cho việc xây dựng xứ sở đều phải được ưu

đãi.

8 - Các binh lính đã rời bỏ hàng ngũ địch sẽ được đối xử khoan hồng.

8 - Ngoại trừ những kẻ chống lại cuộc cách mạng và những kẻ ấy sẽ bị trừng trị, những người ngoại quốc và những tài sản của ngoại kiều sẽ được bảo đảm.

Trụ sở Hạ viện trước kia là rạp hát thì bây giờ do các “ủy ban Địa phương” chiếm đóng. Bộ đội thay thế cảnh sát: Biểu ngữ cũ thay bằng biểu ngữ mới. Nhưng trước cửa nhà hàng Continental, vẫn còn biết bao nhiêu hành khất, gái điếm, những kẻ ăn mặc lố lăng, những trẻ đánh giày, những người mối lái, những trẻ nít.

Giới nghiêm. Chúng tôi ăn tối tại khách sạn Caravelle. Từ sân thượng, chúng tôi thấy những kho đạn nổ tung và những cột khói bốc lên từ phía Chợ Lớn.

Từ nay, Saigon mang tên Hồ Chí Minh. Trước cửa kháeh sạn Continental chỉ được treo lá cờ của chính phủ Cách mạng Lâm thời. Các chủ nhân mới của thành phố đã buộc phải tháo gỡ lá cờ Pháp.

No comments:

Post a Comment