Monday, May 1, 2023

KHÔNG QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA THỜI KHUYẾT SỬ - Đại Tá Tư Lệnh Không Quân Trần Văn Hổ

- Sinh tháng 8 năm 1928 tại Chợ Lớn

- Nhập ngũ ngày 24-9-1949

- Xuất thân trường sĩ quan Võ Bị Huế K1

- Cựu Tư Lệnh Khōng Quān    

KHÔNG QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
THỜI KHUYẾT SỬ
Trần Phước Hội

(Bạn Già KQ: www.bgkq.net/)Lời giới thiệu: Tài liệu được tác giả gửi đến là một tài liệu viết tay, nên phải đánh máy lại. Tuy có rất nhiều điểm khác với những bài đã đăng trước đây trên trang nhà này nhưng vì tôn trọng tự do ngôn luận, nên không sửa nội dung, để tùy bạn đọc suy gẩm. Rất có nhiều điều, nhiều nhân vật mà chưa ai đề cập đến trước đây. Một điều rất thán phục là trí nhớ ở tuổi trên 70 của tác giả còn rất tốt, rất chi tiết và chính điều đó làm tăng giá trị tài liệu này. Xin mời các bạn thưởng thức. Tarin65.


Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên
(Thơ tiền chiến)

Đã từ lâu, tôi rất đắn đo khi tìm một danh xưng cho thích hợp với thời kỳ KQVN chưa chính thức thành lập, nhưng đã hiện hữu trong các cơ sở Không Quân Pháp tại Đông Dương.

Nếu gọi là thời "Tiền Sử" thì không đúng, vì vào thời kỳ này phi cơ chưa được phát minh (chúng ta đều biết, chiếc máy bay đầu tiên cất cánh hỏng mặt đất là vào năm 1903, do hai anh em Orville Wright điều khiển tại Kitty Hawk, North Carolina).

Còn nếu gọi là thời "Huyền Sử" thì cũng sai, vì KQVN là một thực thể hữu hình, kiểm chứng được, nên không thể gọi là huyền sử như các chuyện thần thoại Hy Lạp hoặc Phù Đổng Thiên Vương.
Vì những lý do nêu trên, tôi mạo muội chọn danh từ "Khuyết Sử" để ghi lại các sự kiện và nhân vật iên quan đến việc hình thành KQVN trong giai đoạn sơ khai.

Giống như mặt trăng vào thời điểm mới mọc, có hình dáng chiếc lưỡi liềm thì gọi là "trăng khuyết", nhưng ánh sáng đã bắt đầu le lói trên bầu trời. KQVN cũng vậy, trong lúc còn tượng hình, chưa được tổ chức quy mô, chu đáo. Một điều cần phải nói ngay là KQVN thoát thai từ lực lượng Không Quân Pháp, do một cơ quan đặc trách lấy tên là "Phòng Không Quân" - Département Air -. Người đầu tiên điều khiển Phòng Không Quân là Đại Tá Blès. Đến khi ông hồi hương, được kế nhiệm bởi Trung Tá Sagon, từ Biên Hòa thuyên chuyển đến Sài Gòn.
Lúc sơ khởi, Phòng Không Quân còn "tá túc" nơi căn nhà nhỏ phía sau Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM), tọa lạc tại góc đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) và đường Trần Bình Trọng (Chợ Quán). BTTM đầu tiên này là một biệt thự hai tầng đồ sộ, nguyên là tư thất của ông Diệp Văn Kỳ, chủ nhiệm báo Lục Tỉnh Tân Văn. Ngôi nhà này bị quân đội Nhật sung công làm Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Khi quân đội Anh đến Sài Gòn giải giới quân đội Nhật, Tướng Gracey trao nhà này lại cho quân đội Pháp sử dụng. Vào năm 1951, khi Tướng Nguyễn Văn Hinh đứng ra thành lập BTTM, ông liền sử dụng ngôi biệt thự này làm trụ sở chính, có thể gọi đó là "cái nôi" của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Phòng Không Quân khi vừa được thành lập (6/1951) chỉ xoay quanh hai trọng tâm công tác:
1. Xây cất một Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân (TTHLKQ) tại Nha Trang, lấy tên là Centre d'Instruction de l'Air, có nhiệm vụ đào tạo hoa tiêu, quan sát viên và chuyên viên kỹ thuật dưới đất. Công tác xây dựng gồm có hai nhà chứa phi cơ 20x40m, loại Sarrade&Galtier, và 10 dãy nhà trệt tường gạch, mái ngói, dùng làm văn phòng và lớp học, do nhà thầu Eiffel thực hiện. Dự án này do Thiếu Tá Chaussen đảm trách, hoàn tất vào năm 1952.
2. Song hành với dự án xây dựng cái nôi của Không Quân tại Nha Trang à kế hoạch đào tạo nhân viên nồng cốt cho quân chủng Không Quân tương lai. Các sĩ quan khóa sinh cũng như dân chính được tuyển mộ liên tục để gửi sang tòng học tại các trường KQ ở Pháp và Bắc Phi. Các ngành phi hành như hoa tiêu, điều hành viên (navigateur), vô tuyến du hành (radio-navigant) thì học tại các trường KQ Aulna, Avord, Marrakech, Mecknes, Fès, Kouribga. Các chuyên viên dưới đất thì học tại Auxerre, Chambéry, Nimes, Rochefort. Trường sĩ quan nổi tiếng của Pháp, Salon de Provence (là nơi đào tạo các cấp chỉ huy cho KQ Pháp), cũng được một số sĩ quan theo học, gồm các ngành: hoa tiêu, cơ khí, truyền tin&điện tử. Khi mới nhập học, các SVSQ được gọi là "gà con" - Poussin.

Lúc bấy giờ, tại Sài Gòn cũng như các thành phố lớn trên toàn quốc, nhân tâm xao xuyến vì lệnh Tổng động viên do Thủ Tướng Trần Văn Hữu vừa ban hành ngày 1/6/1951.
Trong bài diễn từ đọc tại trường Chasseloup Laubat ngày 11 tháng 7 năm 1951, Đại Tướng De Lattre de Tassigny, Tổng Tư Lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương, có nhắn nhủ các sinh viên học sinh Việt Nam "nên chuẩn bị tòng quân để nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy quân đội Việt Nam trong tương lai". Bài diễn văn lịch sử này đã nêu ên lần đầu tiên vấn đề "Việt Nam Hóa" chiến tranh, nghĩa là trao vận mệnh Quốc gia cho người Việt Nam điều khiển.
Do đó, một số đông sinh viên học sinh tình nguyện gia nhập KQ để vừa thi hành nghĩa vụ quân sự, vừa thỏa chí tang bồng của tuổi thanh xuân đang ấp ủ mộng hải hồ.
Bốn câu thơ của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã diễn đạt đúng tâm trạng của thế hệ thanh niên thời ấy:

Có những chàng trai mộng viễn phương
Say tình sông núi ngát hoa hương
Cánh chim tung gió reo hồ hải
Muôn vạn vì sao ngập nẽo đường

Vào lúc ấy, Phòng Không Quân chưa có Ban Tuyển Mộ nên các thủ tục hành chánh đều do Trung Tâm Quản Trị Không Quân của Pháp đảm trách. Trụ sở này đặt tại đường Général Lizé, gần cổng xe lửa số 5. Muốn vào lính KQ phải qua một kỳ thi khảo hạch, gồm có một bài luận Pháp văn, hai bài toán và phần vấn đáp do Đại Úy De Merliave phụ trách. Sau khi thi đậu, thí sinh khám sức khỏe tại Bệnh xá KQ, do Y sĩ Thiếu Tá Montagnier làm Giám đốc. Các khóa sinh KQ xuất ngoại sẽ nhận đồ lạnh của bộ binh màu xanh olive, giống như của SVSQ Dalat trước năm 1975. Kho quân trang được đặt tại trường tiểu học Tân Định, trước kia là Sở Quân Nhu của quân đội Nhât. Về cơ sở vật chất, KQVN chưa có gì đáng kể. Tất cả đều dựa vào sự yểm trợ của KQ Pháp. Các quân nhân KQ đều đi làm bằng phương tiện tự túc. Người nào không có xe thì đi nhờ xe của KQ Pháp: đúng 7 giờ sáng, hai xe buýt hiệu Chausson đậu tại đường Hai Bà Trưng, phía sau Nhà hát Thành Phố (sau này là Quốc Hội VNCH); một chiếc đi Tân Sơn Nhất, một chiếc đi Biên Hòa. Đúng 5 giờ chiều thì xe trở về chỗ đậu buổi sang. Theo quân kỷ thời đó, sĩ quan không được đi xe đạp (để giữ thể diện!)

Về sau, KQVN mua được hai xe “van” hiệu Renault, 12 chỗ ngồi để chở nhân viên. Chiếc thứ nhất đánh số “KQ-001” cấp cho BTL/KQ để chở sĩ quan và các nữ trợ tá đi làm (PAF). Xem như thế đủ thấy Không Quân đã “nịnh đầm” hồi còn bay chập chửng! Chiếc thứ hai mang bảng số “KQ-002”, cấp cho Căn cứ Không Quân Nha Trang để chở các sĩ quan độc thân đi ăn cơm và phi hành đoàn “vãng lai” ra phố. Mỗi Căn cứ KQ đều có Bệnh xá, nhưng quân nhân KQ muốn nằm bệnh viện hoặc khám răng thì xuống “Nhà thương 415” nằm cạnh Sở Thú, tức Trường nữ Trung học Trưng Vương sau này.

Về quân phục thì thật là nghèo nàn ô hợp! Y phục chính thức là quần áo kaki vàng dài tay, cấp bậc mang trên cầu vai giống như KQ Pháp. Sĩ quan và Hạ sĩ quan từ cấp bậc Thượng sĩ trở lên thì đội mũ lưỡi trai (casquette), Binh sĩ và HSQ thì đội mũ vãi (calot); có người đội mũ nồi màu xanh đậm (giống như SVSQ Thủ Đức. Y phục mùa Hè thì quần short vàng, mang vớ trắng lên đến đầu gối. Giầy màu đen, nhưng phần đông thích mang giầy Italy hoặc demi-boot có kéo fermeture, giống như đi “nhảy đầm”!
Những ngày cuối tuần, lính KQ thích đi dạo phố và la cà các hàng quán dọc theo bãi biễn Nha Trang, nên được gọi là ‘lính thành phố’!

Khóa 52F2: Hàng ngṑi từ trái sang phải
Phan Thanh Vān, Lưu Kim Cương, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hō̉, Trịnh Hảo Tām, Nguyễn Mai Lām

NHÂN VẬT KHÔNG QUÂN THỜI KHUYẾT SỬ
Con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc cấu tạo nên lịch sử. Nếu không có các nhân vật KQ, phi trường sẽ thành bãi tha ma, phi cơ chỉ còn là đống sắt vụn!!! Do đó tìm hiểu các nhân vật KQ thời ‘khuyết sử’ sẽ giúp chúng ta phác họa lại được ‘tiền kiếp’ của người lính KQ hào hoa ngày hôm nay.

1. Trung Tướng NGUYỄN VĂN HINH
Nhân vật đầu tiên cần được nêu danh là Cựu Trung Tướng Jean Nguyễn Văn Hinh. Ông gốc là một Trung Tá KQ Pháp, tốt nghiệp trường Salon de Province, khóa 1936. Trong thời Đệ nhị Thế Chiến, Trung Tá Hinh phục vụ dưới cờ lực lượng ‘Pháp Tự Do’ tại Bắc Phi do Tướng De Gaulle lãnh đạo1. Ông thi hành nhiều phi vụ oanh tạc miền Nam nước Ý (đang do Đức Quốc Xã chiếm đóng) trên oanh tạc cơ B-25 Invader, rất được dân Pháp nể nang.

Nhờ sự tiến cử của người cha đương thời là Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, Trung Tá Hinh được bổ nhiệm vào chức vụ Chánh Võ Phòng cho Quốc Trưởng Bảo Đại, để cố vấn về các vấn đề quân sự2.

Tháng 6 năm 1951, khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được chánh thức thành lập, ông được vinh thăng Thiếu Tướng để đảm nhận chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng tại Bộ Tổng Tham Mưu. Như vậy, Tướng Hinh không có mang lon Đại Tá ngày nào.
Một điều ít ai lưu ý, là lúc KQVN còn trong trứng nước, đã có một Thiếu Tướng Không Quân chính thống ngồi trên đỉnh cao chót vót của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Do đó, những ý kiến cũng như những chỉ thị của ông ban ra đều được các cố vấn KQ Pháp kính nể và tận lực thi hành. Có thể ví Tướng Hinh như “con ngựa Thành Troyes” (Trojan horse) để đột nhập vào cơ quan đầu não của quân đội, để giúp đỡ xây dựng KQ từ nhũng ngày đầu. Ong có một nếp sống rất hào hoa, bay bướm. Sau giờ làm việc hay ngày cuối tuần, ông thường mặc quần Jean, áo jacket da, lái xe mô-tô BSA chở ‘em bé hậu phương’ chạy lượn phố, hoặc ngồi giải khát tại nhà hang La Pagode, Brodard. Vào năm 1955, vì chống đối chính sách dẹp quân đội giáo phái của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và do áp lực từ phía đồng minh Hoa Kỳ, Tướng Hinh được triệu hồi về Pháp và hoàn trả lại cho KQ Pháp. Ông tiếp tục làm việc cho đến tuổi hồi hưu, hiện nay vẫn còn sống, có sang thăm viếng bạn bè tỵ nạn tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 80 một lần.

Nếu dẹp qua một bên các bất đồng chính kiến, do các thế lực cường quốc tạo nên, chỉ nhìn bằng lăng kính thuần túy Không Quân, thì Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh chính là Đại Niên Trưởng của Không Quân Việt Nam.

2. Kỹ sư NGUYỄN THÀNH CHÂU
Nhân vật thứ hai không xuất thân từ một trường Không Quân nào, nhưng vì nhu cầu cấp bách, nên Tướng Hinh cho gọi ‘động viên’ kỹ sư Nguyễn Thành Châu, Giám đốc Cơ xưởng Đô thành Saigon và phong Thiếu Tá “Đồng Hóa” (Commandant Assimilé). Ông vốn xuất thân từ Ecole Centrale de Paris, ngành kỹ sư công nghiệp. Tuy chưa từng làm việc cho ngành hàng không nhưng ông giỏi về tổ chức Tiếp Vận và có kinh nghiệm về bảo trì quân xa, cơ giới...v.v... Chính kỹ sư Châu là người lập ra Ban Quân Xa đầu tiên tại Tân Sơn Nhất, và trực tiếp thu nhận các toàn chuyên viên bảo trì từ dân sự để có đủ nhân viên điều hành lúc phôi thai.

Kịp đến lúc các sĩ quan tiền phong của ngành Kỹ thuật Không Quân hồi hương, như Nguyễn Quang Côn, Trần Đỗ Cung, Đặng Đình Linh...v.v..., Thiếu Tá Nguyễn Thành Châu xin giải ngũ để trở về giữ chức Giám đốc Cứu Hỏa Đô Thành.

3. Đại Úy NGUYỄN VĂN ĐỨC
Ông vốn là một chuyên viên kỹ thuật của Không Quân Pháp, tột nghiệp năm 1939 tại trường cơ khí Rochefort, là khóa cuối cùng trước khi Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Ông rút sang Phi châu, phục vụ trong KQ ‘Pháp Tự Do’ trong thời Đệ nhị Thế Chiến.

Khi trở lại Việt Nam, Thiếu Úy Đức được bổ nhiệm làm sĩ quan kỹ thuật đầu tiên tại Phi đội 312 Liên Lạc, còn gọi là ‘ELAVN’ (Escadrille de Liaison Vietnamienne), tức Phi đoàn VIP. Đây là một phi đội đặc biệt gồm nhiều loại phi cơ khác nhau như DC-3, Siebel, C-45 Beechcraft, Aero-Commander, L-20...v.v...nên rất khó bảo trì. Để giải quyết sự thiếu hụt nhân viên trầm trọng, ông có sáng kiến là thu nhận và huấn luyện tại chỗ các thợ máy đã làm việc cho Công ty Hàng không Air France và Cosara mà không cần bằng cấp chuyên môn. Được sự chấp thuận của Bộ Quốc Phòng, ông cho đồng hóa cấp bậc hạ sĩ quan một số chuyên viên có kinh nghiệm làm nồng cốt cho Đoàn Bảo Trì, mà nay nhắc đến tên vẫn có người còn nhớ. Có thể kể lại: Hai Cầu, Tư Song, Năm Lặng, Sáu Sĩ, Tám Én, Mười Ngàn và Trung sĩ Nhất Trần Văn Thọ.

Vào năm 1956, quân đội Pháp rút lui khỏi Đông Dương, Đại Úy Đúc xin giải ngũ và trở về Pháp. Tưởng cũng nên biết thêm, ông có người em trai tên Antonin Nguyễn Tôn Đức, phi công khu trục, từng chỉ huy phi đoàn Mirage III đóng tại căn cứ KQ Chateaudun (Chartres); hiện nay là Đại Tá Trừ Bị của KQ Pháp. Ngoài ra ông Đúc cũng là nhạc phụ của Trung Tá Nguyễn Xuân Phát, một sĩ quan bảo trì phi cơ nồng cốt của SĐ1KQ, Đà Nẵng. ‘Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh’!

4. Đại Tá NGUYỄN KHÁNH
Người dân miền Nam biết hoặc nghe nói nhiều về Đại Tướng Nguyễn Khánh, từng ‘chỉnh lý’ Đại Tướng Dương Văn Minh, nhưng ít ai nghe nói ông là Tư Lệnh Không Quân đầu tiên, lại không biết lái máy bay! Thật vậy, khi KQ Pháp muốn bàn giao Phòng Không Quân cho người Việt Nam, chúng ta chưa có cán bộ chỉ huy. Do đó, BTTM liền bổ nhiệm Đại Tá Nguyễn Khánh vào chức vụ ‘Phụ Tá Không Quân’ cho Tổng Tham Mưu Trưởng (Adjoint Air au Chef d’Etat Major Général) để làm ‘kiểng’!

Vào năm 1955, là thời kỳ đình chiến theo tinh thần Hiệp Định Genève, nên trọng tâm công tác của KQ là việc huấn luyện. Đại Tá Khánh cũng có học lái phi cơ Morane Saulnier 500, nhưng chỉ được trên 10 giờ bay thì ông bỏ cuộc vì một tai nạn nhẹ. Sau đó ông được triệu hồi vế Bộ Quốc Phòng để nhận lãnh những chức vụ quan trọng hơn.
Lúc sang KQ, Đại Tá Khánh có đem theo Thiếu Tá Đặng Đình Đáng, một sĩ quan tham mưu hành chánh, để tổ chức các cơ sở tham mưu cho Bộ Tư Lệnh Không Quân vừa được thành lập, đặt tại số 110 đường Testard (Trần Quý Cáp), Saigon.

Vai trò của Đại Tá Khánh chỉ có tính cách tạm thời, giai đoạn, nên sau vài tháng, được thay thế bằng một sĩ quan hoa tiêu chính thống cho ‘danh chánh, ngôn thuận’.

5. Đại Tá TRẦN VĂN HỔ
Người được đề cử thay thế Đại Tá Nguyễn Khánh là Trung Úy Trần Văn Hổ, vừa được thăng cấp Đại Úy Thực Thụ. Để tương xứng với niệm vụ mới, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đồng ý chấp thuận cho ông thăng cấp Thiếu Tá Nhiệm Chức, đồng thời mang lon Trung Tá Giả Định để chỉ huy. Quân số Không Quân vào thời điểm đó là 3,000 người. Trung Tá Hổ xuất thân Khóa 2 Trường Võ Bị Quốc Gia (khóa Quang Trung) lúc đó còn đặt tại Huế. Ông tình nguyện sang KQ để theo học khóa hoa tiêu tại Marrakech (Maroc) và tốt nghiệp phi công quan sát.

Vào giữa năm 1955, trong khi Trung Úy Trần Văn Hổ đang làm Trưởng Biệt Đội KQ trong cuộc hành quân Atlante để tiếp thu Liên Khu 5 tại Quy Nhơn, ông nhận được công điện triệu hồi về dinh Thủ Tướng để gắn lon Đại Úy. Lúc đó, ông đang ở trần, đưa bụng phệ, ngồi dưới thềm nhà nhậu la-ve, trứng vịt lộn với anh em vui vẻ. Không ngờ một tuần lễ sau ông mang lon Trung Tá, mặc ‘Đại Bạch Phục’, đi làm bằng xe Traction 15 có tài xế lái hẳn hoi. Ông tên Hổ nhưng được ‘lên voi’ quá sớm!
Trong ‘thời đại’ Trần Văn Hổ, miền Nam tương đối thanh bình, nên KQ chú trọng về việc huấn luyện. Dân chúng thành phố Sagon bắt đầu biết đến Không Quân vì Bộ Tư Lệnh đặt ngay trung tâm thành phố (110 đường Trần Quý Cáp), gần vườn Tao Đàn. Biệt thự này nguyên thủy do thầy Sáu Ngọ, còn có tên là Paul Dacron, xây cất với tiền chứa xâu đánh bạc, hốt me vào đầu thập niên 30. Khi quân đội Pháp trở lại Việt Nam (cuối năm 1945), Tướng Andrieu liền sung công ngôi nhà xinh đẹp này để làm Bộ Tư Lệnh Không Quân Pháp tại Viễn Đông. Còn tư dinh của Thống đốc Ngân Hàng Đông Dương ở Tân Sơn Nhất có tên là Villa de Banque d’Indochine, được sung công để làm Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Không Quân, tức Hội Quán Huỳnh Hữu Bạc sau này (landmarks) cũng góp phần tạo nên nét hào hoa cho Không Quân ngay từ mới thành lập.

6. Nữ Trợ Tá Không Quân
Nói đến các nhân vật Không Quân mà không nhắc đến nữ trợ tá là một điều thiếu sót, hơn nữa còn bị kết tội ‘kỳ thị phái nữ’ (chauvinist). Không hiểu do tình cờ hay có sự lựa chọn, mà sáu cô P.A.F đầu tiên được bổ sung cho BTLKQ đều đẹp và duyên dáng. (PAF là chữ viết tắt của Personel Auxiliaire Féminin, tức nữ trợ tá). Trong bộ đồng phục trắng: áo blouse, váy ngắn, giày Ba-ta, găng tay trắng, mũ ca-lô xanh viền vàng, các cô trông giống như...sáu con thiên nga trên mặt hồ vườn bách thú!
Mỗi sáng, chiếc xe van mang bảng số KQ-001 đưa rước đi làm theo quy chế sĩ quan, mặc dù các cô chỉ mang cấp bậc Trung Sĩ. Công việc hàng ngày của các cô là thư ký phòng công văn, hoặc thư ký riêng của các sĩ quan tham mưu.

Bỗng một sáng đẹp trời, Không Quân cần tuyểnmộ ngay một số ‘kiểm soát viên không lưu’ (Air Traffic Control) để thay thế các chuyên viên Pháp, hồi hương theo Hiệp Định Genève. Không hiểu ai ở BTLKQ lại có một ý kiến tân kỳ, độc đáo, là nghĩ rằng các cô PAF có tiếng nói trong trèo như ‘giọng oanh vàng rót vào tai các chàng pi-lốt’, nên có thể...hứng dẫn họ đáp một cách an toàn trên phi đạo?! Do đó, các cô được biệt phái lên phi trường Biên Hòa để hướng dẫn phi cơ (hay phi công?!). Phi trường Biên Hòa, lúc bấy giờ chỉ có một đường băng bằng đất nện (terre battue) theo hướng Nam Bắc và một đài kiểm soát cổ lỗ sĩ, trông giống như một chòi canh.
Đó là một căn nhà vuông vắn, cạnh 4x4m, tầng trên lồng kính bốn phía, mà nhà văn Dương Hùng Cường đặt tên là “Lầu Gương”. Muốn lên lầu, phải leo một cái thang bằng sắt dựng thẳng đứng theo kiểu thang xe cứu hỏa. Các cô PAF tập sự cứ mỗi hai giờ lại phải leo thang để đổi ‘ca’. Thân liễu yếu đào tơ mà phải hì hục leo vất vả, sợ té nên cứ bám chặt vào thang mà không dám bước lên. Khổ một nỗi là các cô mặc váy ngắn, muốn đến gần để tiếp tay đỡ các cô lên thì cũng ngãi ngùng...Trong tình cảnh này, mượn hai câu thơ của Hồ Xuân Hương để diễn tả thì đúng nhất:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong

Về sau, các cô lần lượt đi lấy chồng hoặc xin giải ngũ. Một vài cô đã lái...phi công!

Thay Lời Kết
Có những người, trong cũng như ngoài Không Quân, kể cả các nhà nghiên cứu quân sự, thường đặt câu hỏi là yếu tố nào đã giúp cho Không Quân Việt Nam phát triển nhanh chóng, cả lượng lẫn phẩm? Chỉ trong vòng 20 năm 1955-1975, Không Quân Việt Nam từ trong tình trang sơ khai, với 58 phi cơ cánh quạt và 6 chiếc trực thăng tản thương H-19, làm sao để có thể thành một Không Lực hùng mạnh nhất Đông Nam Á, với hàng trăm phản lực cơ chiến đấu và hàng ngàn phi cơ trực thăng bán phản lực?
Có hai yếu tố chính để trả lời câu hỏi này:
1/. Sự viện trợ ồ ạt của Hoa Kỳ để thiết lập một hàng rào phòng thủ cho vùng Đông Nam Á, chống lại sự bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản xuống hướng Nam. Do Việt Nam Cộng Hòa đóng vai trò ‘tiền đồn’ của thế giới tự do, nên Hoa Kỳ đã chi tiêu hàng chục tỷ đô-la để xây dựng các phi trường và tân trang dụng cụ, phi cơ Cho các Không Đoàn Chiến Thuật.
2/. Yếu tố thứ hai không kém phần quyết định, là vấn đề nhân sự. Từ cấp chỉ huy cho đến cán bộ điều hành đều có trình độ chuyên môn cao, lái máy bay giỏi và nhất là có ý chí mảnh liệt để vươn lên trên vòm trời Đông Nam Á.

Nếu dẹp qua một bên những thỏa hiệp chính trị, những âm mưu dàn xếp trong bóng tối của các cường quốc, thì một lực lượng quân sự hùng mạnh như Không Quân Việt Nam không thể tan rã trong vòng 30 ngày! Không Quân Việt Nam đã đi đôi hia bảy dậm tử thời khuyết sử cho đến khi miền Nam thất thủ, giống như Phù Đổng Thiên Vương đã vươn vai trở nên cao lớn, chiến đấu, rồi cưỡi ngựa sắt bay bổng lên trời, biến mất.
Nhưng đây không phải là truyện huyền thoại mà là một thực tế trong lịch sử quân đội miền Nam, được hiện hữu do yếu tố bẩm sinh của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến vừa qua.
Văn hào Corneille đã viết trong vỡ kịch Le Cid: “Aux âmes bien nées, on n’attend point le nombre des années”. Tạm dich: ‘Với trí tuệ thông minh, người ta không cần đợi nhiều năm...’

Trần Phước Hội
Gia Đình Kỹ Thuật & Tiếp Vận - Không Quân
Tháng Giêng năm 2003

________________________________________

Chú thích: (của Trang chủ)
1/. Thời gian đó, một phần phía Bắc của nước Pháp bị Đức xâm chiếm (và thành lập một chính phủ bù nhìn để gìn giữ trật tự). Phần còn lại vẫn chiến đấu theo kiểu kháng chiến trường kỳ, trong lúc De Gaulle sống tại nước Anh, chỉ huy các đơn vị Pháp tại Bắc Phi.
2/. Quốc Trưởng Bảo Đại nói tiếng Pháp rất giỏi.      

No comments:

Post a Comment