Tuesday, August 20, 2024

Văn Quang, Viết và Sống

Tiểu sử tác giả.
Hình: VĂN QUANG khi viết Chân Trời Tím, 1964.

Tên thật Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình. Năm 1953, động viên, tốt nghiệp khoá 5 Sĩ Quan Thủ Ðức, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước Hiệp Ðịnh Genève 1954.

Từ 1969 đến 30-4-1975 là Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội, cấp bậc Trung Tá.

Sáng tác hơn 50 tác phẩm hầu hết là truyện dài trong đó có 4 tác phẩm đã quay thành phim là Ngàn Năm Mây Bay, Chân Trời Tím, Ðời Chưa Trang Ðiểm, Tiếng Hát Học Trò.

Sau 30-4-1975 đi tù qua nhiều trại từ Nam ra Bắc.

Tháng 9/1987 ra khỏi trại tù, trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện H.O, tiếp tục ở lại Việt Nam.

Năm 1990 bắt đầu viết lại với thiên phóng sự hằng tuần Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự.

Tác phẩm đã in được tác giả còn nhớ tên gồm:

– Những Bước Ði Hoang
– Tiếng Cười Thiếu Phụ
– Người Lính Hào Hoa
– Những Ngày Hoa Mộng, phóng sự trên báo Truyện Phim
– Sài Gòn Tốc, phóng sự trên báo Chính Luận.
– Tiếng Gọi Của Đêm Tối
– Từ Biệt Bóng Đêm
– Vì Sao Cô Độc
– Những Kẻ Ngoại Tình
– Xuôi Dòng
– Những Lá Thư Màu Xanh, 1953
– Thùy Dương Trang, 1957
– Ngàn Năm Mây Bay, 1963, thâu thành phim, 1963
– Nguyệt Áo Đỏ, 1963
– Tiếng Hát Học Trò, 1963, thâu thành phim, 1970
– Đời Chưa Trang Ðiểm, 1964
– Đường Vào Bến Mê, 1966
– Nét Môi Cuồng Vọng, 1964
– Tâm Sự Người Yêu, 1964
– Những Người Con Gái Ðang Yêu, 1964
– Những Tâm Hồn Nổi Loạn, 1964
– Người Yêu Của Lính, 1965
– Chân Trời Tím, 1964, thâu thành phim 1970
– Trong Cơn Mê Này, 1970
– Ngã Tư Hoàng Hôn, 2001
– Lên Đời, phóng sự tiểu thuyết, 2004

***

Văn Quang, Viết và Sống

Tác phẩm Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ tập hợp một số bài trong hơn 500 bài mà tác giả đặt tựa chung là Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự viết từ năm 2000 đến năm 2016. Hết thẩy các bài này đều được báo chí Việt ngữ hải ngoại từ Canada, Úc, Hoa Kỳ… phổ biến trong khi tác giả sống tại Việt Nam.

Chính vì thế, tháng 6-2009, Văn Quang đã bị Công An Sài Gòn đến nhà lục soát, cắt điện thoại, cắt internet, tịch thu computer… và trải nhiều ngày liên tục bị đòi đến trụ sở công an để thẩm vấn, chính xác là để tra khảo và đe dọa về việc chưa rời cây bút.

Tuy vậy, Văn Quang vẫn sống với cây bút, bất kể mọi tai họa có thể xảy ra như chính anh đã xác nhận khi trả lời cuộc phỏng vấn của trang Web Gió-O: “Tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điều gì xấu… Cái gì có thật thì tôi viết… Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật, đã và đang xảy ra…”

Trong bài trả lời phỏng vấn trên, Văn Quang còn nêu rõ các bài viết của mình chỉ là những đường nét giúp hình thành “một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương thiện và bất lương, từ lớp thanh niên bình dân đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…”

Tất nhiên Văn Quang đã rõ hơn ai hết về mức hạn chế nghiệt ngã trong hoàn cảnh của mình, nhưng khẳng định: “Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài.”

Để giúp bạn nhìn rõ hơn về cảnh sống và cách viết của những người cầm bút cùng cảnh ngộ với Văn Quang xin được trích dẫn một bài của Văn Quang trả lời 3 câu hỏi do một ký giả nêu trên tuần báo Khởi Hành ở Hoa Kỳ. Ba câu hỏi như sau:

Câu 1: Anh viết như thế nào? Anh là một trong những tác giả nổi tiếng viết feuilleton. Anh thấy cách viết ấy tiện hay không tiện cho anh?

Câu 2: Là nhà văn rất nhiều kinh nghiệm và viết rất nhiều, dường như không bao giờ ngưng nghỉ, anh nghĩ thế nào về nhà văn “dài hơi” và người viết “ngắn hơi?” Bí quyết viết truyện dài của anh là gì?

Câu 3: Anh có bao giờ “bí” đề tài khi viết không?

Dưới đây là bài trả lời của Văn Quang đăng trên báo Văn Nghệ tại Úc ngày 8-5-2005.

***

Cảm ơn bạn đã cho rằng tôi là một trong những tác giả nổi tiếng về viết feuilleton. Tôi chỉ biết tôi là người viết rất nhiều feuilleton cho các tuần báo và nhật báo trước năm 1975 cũng như bây giờ.

Trước đây, có thời gian tôi đã viết trung bình một ngày ba truyện dài hoặc phóng sự tiểu thuyết cho các nhật báo và tuần báo xuất bản tại Sài Gòn. Cách viết đó thích hợp với lối sống và công việc của tôi vào thời gian đó. Vừa đi làm ở tòa báo quân đội, vừa viết cho các báo, vừa để thì giờ… đi chơi, đi đánh bài với bạn bè. Ðó cũng là sự thích thú của tôi và nó cũng mang lại nhiều cảm hứng, cho tôi nhiều nhận xét về con người và sự việc. Nó cũng có lợi cho những đoạn đối thoại của tiểu thuyết nhất là phóng sự sống động hơn, thật hơn, có tính thời đại hơn. Nếu không “đi giang hồ vặt” như thế chắc khó mà kiếm được những hình ảnh, những ngôn ngữ, những nhân vật trung thực của thời đại mình đang sống. Tôi nói thế không phải để “làm cái cớ đính chính” cho sự “giang hồ” của mình.

Thật ra, sự ham muốn “trần tục” bao giờ cũng đến trước rồi sau đó mới thấy nó “nhảy vào” tác phẩm của mình. Nó nhảy vào như thế nào chính tôi cũng chẳng để ý, nhưng khi viết, tôi thấy tự tin hơn vì đã nhìn đúng sự việc. Nhờ đó, tôi viết rất nhanh mà đôi khi không cần đọc lại. Và cũng vì viết nhanh nên khi truyện đã in rồi mới thấy có những khiếm khuyết. Lúc đó chỉ còn cách “cứ để đó rồi khi nào xuất bản thì sửa sau.” Nhưng có khi ông chủ nhà xuất bản cứ đánh máy từ báo đã in rồi cho xuất bản. Ðó là cái lỗi “làm ẩu” của tôi, không thể đổ cho ai được. Hồi đó dường như tất cả những bạn viết feuilleton cũng đều viết như thế. Thanh Nam vừa rung đùi vừa viết feuilleton ngay tại nơi làm việc, tôi vừa giải quyết công việc của phòng báo chí quân đội vừa viết, đôi khi người của tòa báo ngồi chờ sẵn lấy bài mang về cho kịp giờ mang đi kiểm duyệt. Ngọc Linh, Sỹ Trung hay ngồi ở quán ăn có máy lạnh viết vào buổi trưa…

Nói tóm lại, viết như thế rất tiện và mỗi ngày lại có thể có thêm được những ý mới hay hơn những gì mình đã suy nghĩ trước đó. Mỗi feuilleton để lại một đoạn để kỳ sau viết tiếp. Và như thế không thể “lộn” truyện này với truyện khác. Hơn thế mỗi feuilleton tôi đều nhắm vào một chủ đề, và đây cũng chính là lý do tại sao tôi có thể viết liên miên mà thường không “bí” đề tài...

Sau này, tức là sau 1975, và sau hơn 12 năm nằm trong trại gọi là “trại cải tạo”, về đến Sài Gòn năm 1987, tôi lại không thể viết như thế được nữa. Có một thời đói rách, các nhà xuất bản gặp thời “mở cửa” được phép xuất bản những cuốn tiểu thuyết tình cảm. Ðây là nhu cầu của người dân sau hơn một thập kỷ đọc toàn những truyện “khô như ngói”, nhân vật cứ như “thép trên lò”, người ta ngán quá rồi nên tìm đọc những cuốn sách “tình cảm đúng nghĩa” không phải là sách tuyên truyền, không phải là những nhân vật anh hùng cứng nhắc.

Các nhà cho thuê truyện mọc lên như nấm.

Các nhà xuất bản theo trào lưu này đã đi tìm những cuốn tiểu thuyết giống như những cuốn của Sài Gòn trước năm 1975. Mỗi cuốn như thế đòi hỏi phải được kiểm duyệt toàn bộ — gọi là biên tập — và anh xuất bản tư nhân đi đặt hàng rồi “liên kết” với một nhà xuất bản của nhà nước để phát hành…

Họ đã tìm đến tôi và tôi chỉ viết sách tình cảm “vô thưởng vô phạt” giao cho nhà xuất bản muốn ký tên ai đó thì ký. Vì thế sách phải viết xong toàn bộ rồi mới xuất bản được. Không có cách gì sống thì phải viết, nhưng dù sao “giấy rách cũng phải giữ lấy lề” nên những cuốn sách đó đã xuất bản ở Sài Gòn vào những năm 1989-1993, khoảng mười cuốn, sau này tôi bán bản quyền cho một số nhật báo ở Mỹ in lại và ký tên mình như Soi Bóng Cuộc Tình, Suối Đam Mê, Tình Khúc Màu Tím, Sau Ánh Đèn Thành Phố

Riêng trường hợp cuốn Ngã Tư Hoàng Hôn thì tôi cho đó là một tác phẩm viết cho mình, cho những gì tôi đã sống hơn 10 năm qua, cho thời đại mà tôi đang sống — 1990 — nên cứ viết rồi để đó. Dĩ nhiên tôi không có hy vọng gì xuất bản ở Sài Gòn được. Mãi tới khi một người bạn ở Mỹ về chơi, đọc truyện đó rồi thu vào đĩa mềm mang đi — hồi đó ở Việt Nam chưa có internet như bây giờ. Vài tháng sau, một nhật báo ở Mỹ đăng truyện này rồi Tủ Sách Tiếng Quê Hương cho xuất bản. Tức là hơn mười năm sau cuốn truyện đó mới được ra mắt ở Mỹ. Ðó là hai cách viết feuilleton của tôi, tùy theo “tình hình” mà thay đổi. Tất nhiên một cuốn sách được viết xong rồi mới cho in bao giờ cũng cẩn thận hơn là viết từng ngày. Mạch văn trôi chảy và đồng nhất hơn. Nếu có thể có một ý kiến nào với các bạn viết feuilleton dù “đắt khách” đến đâu thì tôi cũng đề nghị nên viết xong rồi mới cho trình làng bất kể trên báo chí hay xuất bản.

Bây giờ tôi cố gắng viết theo lối đó.

Sau phóng sự tiểu thuyết Lên Ðời, tôi tính viết một truyện dài hoặc một phóng sự mới mà chỉ vì cần phải viết xong toàn bộ nên mấy tháng rồi cứ hẹn lần hẹn lữa với mình mà đến nay vẫn chưa viết được chữ nào. Ðó cũng là “cái dở” của việc phải hoàn thành xong rồi mới trình làng. Nếu cứ tiếp tục viết feuilleton hàng ngày hay hàng tuần thì đến ngày, đến giờ là buộc phải viết nên dù lười, dù bận cách mấy cũng phải ngồi vào bàn viết. Ðó cũng là một “ưu điểm” cho anh lười. Và… theo tôi, anh nhà văn nào chẳng lười, viết nhiều quá thì phải ớn chứ. Chỉ khi “vào cuộc” rồi mới cắm đầu cắm cổ viết, chẳng biết đến chuyện gì khác.

Ðể trả lời câu hỏi thứ hai: Anh có ý kiến gì về việc người viết “dài hơi” và người viết “ngắn hơi” không?

Tôi nghĩ người viết dài hơi là người viết không bí đề tài, người viết ngắn hơi thường chỉ viết một hai cuốn rồi… tắc, hoặc viết không hay nữa. Chắc bạn đã nhận thấy sự kiện đó trong những người viết văn? Như câu trên tôi đã trả lời, tôi không bao giờ bí đề tài, nhờ quan niệm viết của tôi ngay từ đầu.

Trước hết và trên hết là tôi chọn đề tài trong cuộc sống trước mặt. Cái gì là điều đáng nói nhất trong lúc này? Xã hội chúng ta đang sống có những vấn đề gì gai góc cho con người bất kể lớp tuổi nào?

Tôi chọn đề tài của tuổi trẻ. Tuổi trẻ cũng chia ra làm nhiều lớp, trí thức, quân nhân, người lao động… kẻ chân thật, người lừa đảo… kẻ giàu, người nghèo… Không thể viết hết cùng một lúc và cũng không thể hiểu hết mọi con người cùng một lúc. Vì vậy, tôi chọn những người mà tôi gần gụi nhất, vấn đề của họ là gì?

Thời cuộc hay mưu sinh? Tâm tình hay lý tưởng?

Sự bế tắc và lối thoát? Bế tắc cái gì?

Lối thoát họ đi tìm có tới hay không?

Ðó là tất cả những thứ có thể viết được.

Ngay trong tập truyện ngắn đầu tay xuất bản vào năm 1957, qua truyện ngắn tiêu biểu là Thùy Dương Trang, tôi đã đặt vấn đề rất rõ ràng: Người thanh niên ở thành phố lúc đó sống dưới sự cai trị của quân đội Pháp. Anh ta từ hậu phương — tức vùng Việt Minh chiếm đóng — về, đứng giữa ngã ba đường, chẳng biết mình phải chọn lựa như thế nào. Ðành buông trôi cho “số phận.” Và quả nhiên số phận đã khiến anh ta thành người yêu nước hay người phản quốc chính anh ta cũng chẳng chọn lựa được.

Cho đến khi vào quân đội, tôi chọn đề tài người thanh niên và quân ngũ. Những năm 1956-1957 rất ít người viết về đời sống quân ngũ bởi quan niệm “người lính” thì thời nào cũng thế. Nhưng tôi đã nhìn nó theo cuộc sống thật của tôi.

Người lính không chỉ có thế và sau này người ta phong tặng cho là “chiến sĩ” hay “anh hùng” cũng chẳng phải chỉ có lý tưởng mà còn do con người của chính anh ta. Tình cảm và cuộc đời chiến đấu “sống chung hòa bình” như thế nào? Ðến ngay sự hy sinh cao quý nhất là cái chết cũng khó lý giải “vì cái gì?”

Nói như người ta thường nói là “vì tổ quốc vì đồng bào” thì giản dị và dễ dàng quá.

Giải thích như thế, tôi cho là chưa đủ. Còn những thứ khác nữa, như tình đồng đội, cuộc sống đơn vị, danh dự gia đình và của cả những người yêu thương mình — trong Chân Trời Tím.

Hoặc nói đến sự hy sinh của người lính thì không phải chỉ có ở chiến trường mà còn có nhiều thứ phải hy sinh nữa. Ngay khi họ đã rời khỏi quân ngũ, sự hy sinh đó vẫn còn. Trong Ðời Chưa Trang Điểm, người lính sau khi bị thương trở lại với cuộc sống đời thường, anh ta đã phải hy sinh cả người yêu của mình, vì… không còn đủ năng lực mang lại hạnh phúc cho người yêu nữa… Rồi cứ thế, đôi khi tôi thấy nói về người lính và cuộc đời quân ngũ vẫn cứ chưa đủ nên một đề tài có khi bám theo cả ở những cuốn truyện sau này. Ðiều đó làm cho người viết bứt rứt không yên.

Ðó là một loại đề tài về quân đội.

Còn những đề tài xã hội, đời sống của sinh viên học sinh với sự du nhập những lối sống mới, quan niệm giữa phương Ðông và phương Tây, những mâu thuẫn chồng chéo, học để làm gì, phục vụ cho ai, sự mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng…

Cho đến thời đại bây giờ cuộc sống ở Việt Nam có những thay đổi gì? Lớp trưởng giả được sinh ra như thế nào? Con người thôn quê và thành thị chuyển biến ra sao? Có hàng trăm ngàn sự việc theo thời gian, theo dòng thời sự, theo cách sống “hiện đại”, nhất là những mâu thuẫn trong con người, nói và làm là một hay là hai thứ khác nhau. Sự phá sản trong tâm hồn và trong đời thường diễn ra dưới những hình thái nào...?

Chọn đề tài như thế, chẳng bao giờ viết hết và lúc nào cũng sẵn sàng cho bạn viết. Vấn đề là viết như thế nào thôi. Viết cho đúng, cho thật, đừng bóp méo hay vo tròn nó. Viết để người đọc hiểu được mình muốn cái gì không phải là dễ.

Trong một truyện dài, dù là tiểu thuyết hay phóng sự tiểu thuyết, tôi không bao giờ muốn cho nhân vật của mình, dù là nhân vật chính được coi là “gương mẫu” trong một đề tài trở thành “một ông thánh”, cái gì cũng hay, cái gì cũng tốt. Như thế nó là robot mất. Tôi cho là con người thường có khiếm khuyết nên cứ nói toạc ra, đừng yêu nhân vật của mình quá mà biến con người thành gỗ đá.

Sau khi đã có đề tài thì lúc đó mới là lúc bố cục thế nào để có thể dễ diễn tả hết ý mình và một feuilleton thì đừng quên yếu tố hấp dẫn. Nghệ thuật viết chính là ở lúc viết, lúc diễn tả, chứ không hoàn toàn được quyết định bởi đề tài hay nội dung cốt truyện. Lúc ngòi bút chạy trên trang giấy — bây giờ là trên computer — mới chính là lúc cần tới sức sáng tạo nhiều hơn cả và lúc đó mới chính là lúc “cái gì là tinh túy” của bạn mới xuất hiện, có khi bạn viết không kịp.

Nói thế không có nghĩa là tôi không có lúc “bí.”

Ðiều dễ gặp nhất ở lúc diễn tả một sự việc, tìm câu tìm chữ nào cho đúng “phân lượng.” Cái đẹp thế nào là đúng với nhân vật mình diễn tả, nỗi buồn nào đúng với hoàn cảnh lúc đó…

Ðiều bí thứ hai là làm thế nào cho mọi sự việc xảy ra hợp tình hợp lý, không “gượng ép”, không vô lý. Một thay đổi tâm lý phải dựa trên những nguyên nhân vững chắc. Một lời đối thoại phải hợp tình, hợp cảnh, làm cho người đọc thích thú không rơi vào sự tầm thường. Ðấy là nghệ thuật diễn tả và cũng là nét riêng của từng nhà văn, không ai giống ai cả. Còn điều cấm kỵ của tôi là không “làm dáng” trong văn chương, không khoe mẽ hiểu biết của mình, nói cả những gì không cần nói trong đoạn đó, nó thừa như cái khăn quàng bằng gấm trong khí hậu nóng bức của Sài Gòn vậy. Hãy để vào một dịp khác.

Còn người viết “ngắn hơi” thì tôi nghĩ họ đã tìm cách “kể một câu chuyện dài hay ngắn” chứ không dựa trên một đề tài nào cả. Dĩ nhiên không ai cấm nếu anh viết hay dù bất cứ là viết cái gì. Nhưng nếu không có đề tài thì dễ rơi vào tình trạng viết một vài truyện rồi chẳng biết viết cái gì nữa hoặc cố mà nghĩ ra để viết cho có thì không thể hay được và tự mình sẽ thấy chán, không viết được nữa.

Tôi vẫn cho rằng khi theo đuổi một số đề tài nó sẽ là chất liệu không bao giờ cạn cho niềm đam mê của mình. Theo đuổi một đề tài tức là đã có một lý tưởng để đi tới, một cái đích phải vượt qua. Từng cái đích một sẽ cho người viết phải viết hoài viết mãi. Ðây là cách suy nghĩ của tôi về người viết feuilleton, có thể có rất nhiều cách khác của những nhà văn khác không giống tôi.

Ðiều tiên quyết là sự thành thật với chính mình, sự truyền cảm với độc giả, có thể người viết chưa nhận ra ngay lúc viết, nhưng với kinh nghiệm của tôi thì chỉ sự thành thật mới có sức truyền cảm và đồng cảm mạnh mẽ nhất mà thôi.

Cuối cùng điều tôi muốn nói là bạn viết bất cứ cái gì cũng được, khi độc giả đọc xong truyện hoặc bài của bạn, một độc giả vui tính có thể gọi bạn bằng “thằng”, nhưng người ta sẽ tủm tỉm cười mà phán rằng: “Thằng cha này viết được lắm” hay ít ra thì cũng là “viết đúng lắm.” Ðừng để độc giả long trọng gọi bạn là “ông” nhưng lại phán rằng: “Ông này viết lách chẳng đâu vào đâu.”

Ði tìm một sự cảm thông giữa người viết và người đọc không dễ dàng chút nào, cho nên “viết và lách” cũng chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng.

***

Qua những dòng tâm sự trên, Văn Quang đã biểu lộ ít nhất 2 đặc trưng nơi mọi tác phẩm hoặc bài viết. Đó là nguồn đề tài luôn gắn kết với các diễn hóa cuộc sống xã hội trước mắt người viết và sự tuyệt đối trung thực của người viết khi phản ảnh mọi diễn hóa đó.

Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ hầu hết là những trang ghi cảm xúc của tác giả vào giây phút nhận tin giã từ cuộc sống của những người từng một thời gắn bó, chia xẻ ngọt bùi, hay oan khiên cay đắng…

Giữa tâm cảnh đơn côi lạc lõng khi đối diện từng giờ với các nẻo đường quê hương từng gần gụi đang trở nên xa lạ lạnh lùng thì các tin trên chỉ dẫn đến nỗi u uất về thân phận lưu đày, cách biệt với khung cảnh thân yêu xưa cũ đã hoàn toàn vắng bóng.

Rõ ràng đó là nỗi lòng người viết, nhưng cũng rõ ràng không chỉ là nỗi lòng riêng của Văn Quang, bởi mọi người viết chẳng bao giờ chối bỏ nổi vị thế một phần tử nhỏ bé trong cái quần thể mang chung huyết mạch cùng chia xẻ mọi niềm vui nên cũng cùng phải gánh chung mọi khổ nạn gian truân, uất ức.

Nói cách khác, đây chính là nỗi lòng của mọi con dân Việt Nam trong giai đoạn lịch sử khởi đầu từ giữa thế kỷ 20 và còn đang tiếp nối hiện nay. Tất nhiên, nỗi lòng này cũng không chỉ gói tròn trong cảm xúc dấy lên trước tin về những hình bóng thân yêu từng gắn bó bao ngày đã vĩnh viễn lìa xa. Trên thực tế, đây chỉ là một khía cạnh bên nhiều khía cạnh khác mà Văn Quang đã gợi nhắc qua diễn tả mọi bài viết chỉ nhắm giúp “hình thành bức tranh toàn cảnh về xã hội tôi đang sống… phản ảnh trung thực mọi mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội.... Từ nỗi đau cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước…”

Tiếp tay bảo trì và phổ biến các bức tranh đó đã trở thành phận sự hiển nhiên của hết thẩy nạn nhân trong giai đoạn lịch sử tàn khốc này. Vì đó chính là việc cần làm để chỉ rõ các mưu toan xảo trá đổi trắng thay đen do một bạo quyền đang tìm cách che đậy tội ác và lường gạt mọi người. Đó là một phận sự đè nặng trên vai mọi con dân Việt Nam hiện nay.

Hy vọng là chúng tôi sẽ tiếp tục được cùng các bạn góp phần phổ biến những bức tranh đó từ mọi người viết còn giữ vẹn lương tâm người cầm bút để chuyển lại mai sau các chứng tích vô cùng cần thiết phản ảnh chính xác giai đoạn lịch sử mà nhiều thế hệ đã và đang còn phải gánh chịu trong cảnh sống đẫm nước mắt và máu.

Tủ Sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG 

 https://vietmessenger.com/books/?author=van%20quang



Bấm vào link phía dưới để đọc Chân Trời Tím 

 






Ngã Tư Hoàng Hôn 

 

Chú Tư Cầu

 



No comments:

Post a Comment