Tiểu Đoàn đang hành quân ở Ngân Sơn thì có lệnh
kéo ra quốc lộ để di chuyển khẩn cấp. Đám lính tráng buồn thiu. Vì vùng này rất
nổi tiếng có nhiều cô gái quê làn da nõn nà xinh đẹp, mà mỗi lần đơn vị ghé lại
đây, thế nào cũng có vài chàng lính trẻ chấm dứt cuộc đời độc thân vui
tính.
Lần này đơn vị đi xa, nên trên các chiếc xe GMC thấp thoáng bóng vài cô con
gái mặc áo lính. Thông cảm cho các đôi vợ chồng mới, ông Tiểu Đoàn Trưởng bảo
các sĩ quan lơ đi, để cho các cô dâu được đi theo. Khi đến bờ biển Tuy Hòa, Tiểu
Đoàn tiếp nhận một Chi Đoàn Thiết Quân Vận M-113 tăng phái, rồi tất cả xuống tàu
Hải Quân ra biển. Sau hai ngày đêm hải hành lênh đênh, chúng tôi được lệnh đổ bộ
lên bờ biển Phan Thiết, ngay phía trước một Phật đài đang xây dang dở, nằm không
xa phía dưới phi trường và Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch.
Tiểu Đoàn chúng tôi, một đơn vị lưu động, đặt dưới sự điều động trực tiếp
của Quân Đoàn, có nhiệm vụ khai thông Quốc Lộ số 1 từ Bình Thuận ra đến Khánh
Hòa, đặc biệt quãng đường dài hơn 50 cây số chạy dọc theo mật khu Lê Hồng Phong,
địch quân đang kiểm soát, đồng thời truy diệt mọi lực lượng địch trong vùng,
giúp các Tiểu Khu bình định lãnh thổ. Sau một ngày dưỡng quân, nhận tiếp tế
lương thực và đạn dược, chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân dài hạn từ tuyến xuất
phát Phú Long. Quốc Lộ số 1 là trục tiến quân chính. Tiểu Đoàn (-) mở rộng đội
hình hai bên quốc lộ, một đại đội tùng thiết và Chi Đoàn Thiết Quân Vận vừa làm
lực lượng xung kích, vừa làm lực lượng yểm trợ hỏa lực di động cho các cánh quân
còn lại. Ra đến làng Tùy Hòa thì đụng địch. Chúng tôi nhận lệnh khai triển đội
hình. Chi Đoàn Thiết Quân Vận vượt lên đánh một trận thần tốc tiêu diệt một lực
lượng địa phương của địch cố thủ ở làng Sara, các cánh quân còn lại nhanh chóng
tiêu diệt mọi lực lượng địch trong vùng để tiến chiếm mục tiêu Núi Tà Dôm, một
cao điểm trọng yếu, lập đài tiếp vận truyền tin, giao lại cho một đơn vị Địa
Phương Quân trấn giữ trước khi tiếp tục lộ trình.
Lần đầu tiên bất ngờ đụng độ với một lực lương chủ lực quân hùng mạnh, địch
quân - mà đa số là đám lính địa phương và du kích - bị đánh tan tác khắp nơi.
Đơn vị chúng tôi dễ dàng làm chủ tình hình. Giao trách nhiệm cao điểm Tà Dôm cho
Tiểu Khu Bình Thuận, chúng tôi nhận lệnh tiếp tục di chuyển thêm hơn năm cây số
về hướng Bắc đến đóng quân tại xã Long Hoa, giữ an ninh cho một đơn vị công binh
thiết lập căn cứ Nora trên một đỉnh đồi nằm gần Quốc Lộ, để trung đội Pháo Binh
105 ly di chuyển từ Phan Thiết đến căn cứ này trực tiếp yểm trợ cuộc hành
quân.
Đại Đội tôi trách nhiệm đi đầu. Nhưng vừa xuống chân núi Tà Dôm, qua khỏi
cầu Ông Tầm vài trăm thước, tôi nhận lệnh ông Tiểu Đoàn Trưởng dắt đại đội rẽ về
bên phải chiếm lại một khu làng hiện do địch kiểm soát. Sau đó đóng quân tại đây
để cơ quan Tỉnh thiết lập lại chính quyền. Khi cùng đoàn quân vượt lên để đến
Long Hoa, ông Tiểu Đoàn Trưởng dặn dò tôi phải hết sức cẩn thận, vì mục tiêu nằm
sát mật khu lớn của địch, số lượng du kích trong làng khá đông và hầu hết những
gia đình ở đây đều có thân nhân theo VC. Sau khi nghiên cứu địa hình, tôi cho ba
trung đội tiến vào khu làng bằng ba hướng khác nhau, tạo thành ba mũi giáp công.
Dù chờ đợi, nhưng không hề có sự kháng cự nào. Tôi nghĩ đám du kích đã biết cuộc
hành quân qui mô này, nên đã kịp chạy ra khỏi làng, nhưng nhất định chúng đang
ẩn nấp đâu đó rình mò chờ những sơ hở của chúng tôi.
Khu làng nằm cách quốc lộ chừng 500 mét. Dọc theo con đường đất dẫn vào
làng là một hàng me cao. Chỉ có chừng một trăm nóc gia, lưa thưa vài căn nhà
ngói cổ, còn hầu hết là nhà tranh. Phía sau làng là một con suối khá lớn, bên
kia là khu rừng tiếp giáp với mật khu Lê Hùng Phong của địch. Bất cứ ai cũng
đoán được là đám du kích đang ẩn trốn trong khu rừng ấy, vì tương đối an toàn
cho chúng, và nếu bị truy kích sẽ chạy thoát vào mật khu rộng lớn. Tôi cho một
trung đội khá nhất thường xuyên hoạt đông bên ấy, và chấm sẵn các điểm tác xạ
tiên liệu Pháo Binh, để trường hợp có đụng độ, sẽ kịp thời yểm trợ, đề phòng lực
lượng địa phương của địch có thể từ mật khu kéo ra tăng cường cho đám du
kích.
Sau khi đi một vòng kiểm soát kỹ lưỡng, tôi chọn khu vườn của một ngôi nhà
ngói cổ nằm giữa làng, có nhiều cây cối chung quanh, làm nơi đóng quân cho ban
chỉ huy đại đội. Cũng như nhiều nhà khác ở đây, trong nhà này cũng có một bàn
thờ nghi ngút khói hương. Trên bàn thờ là tấm ảnh chân dung của một người đàn
ông trẻ. Chủ nhà là một bà già khoảng 60, sống với một chị đàn bà trẻ là mẹ của
một đứa con trai chừng 7, 8 tuổi. Hai mẹ con đều để tang trên ngực áo bằng một
miếng vải trắng. Chúng tôi hỏi thì được bà già cho biết người con trai của bà là
một nghĩa quân bị tử trận hơn 6 tháng. Bà đang sống với người con dâu trẻ góa
bụa và thằng cháu nội đích tôn. Bà còn đưa cho tôi xem tờ khai gia đình của
chính quyền cấp đã lâu. Đọc qua tôi thấy tên bà là Lê Thị Đúng và người con trai
là Nguyễn Cho được gạch ngang và ghi chú với nét chữ vụng về: tử trận.
Cả nhà rất tốt với chúng tôi. Ngày nào cũng mang củi về cho chúng tôi nấu
cơm. Nước đổ đầy các chum đất cho chúng tôi dùng. Lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ. Tôi
luôn nhắc nhở lính tráng phải cẩn thận, đặc biệt khi dùng nước uống, cảnh giác,
theo dõi mọi hành động, nhưng phải đối xử tốt với họ, đừng lộ ra điều gì để họ
biết là nghi ngờ họ. Thằng bé rất thích mấy anh lính. Một vài chú lính có con
nhỏ nhưng lâu lắm chưa gặp, nên thấy thằng bé thật thà cũng thương. Được cho các
hộp trái cây lương khô, có khi cả tiền nữa, nên thằng bé lúc nào cũng lân la bên
các chú lính. Cứ mỗi lần thấy con mình gần gũi với lính, bà mẹ thường canh
chừng, lâu lâu gọi thằng con ra xa dặn dò điều gì đó. Một hôm ngồi xem anh lính
lau chùi khẩu súng tiểu liên, thằng bé xin được mang thử và ra điều thích thú
lắm. Rồi bất ngờ buột miệng:
- Ba cháu cũng có khẩu súng, nhưng dài quá, cháu mang không vừa và không
đẹp bằng khẩu súng này của chú.
Nói vừa xong, thằng bé biết lỡ lời, nên vội đưa tay lên bụm miệng.
Được báo cáo, tôi bảo anh lính tiếp tục khai thác thằng bé. Và cuối cùng
chúng tôi biết được cha nó là trưởng mũi công tác, chỉ huy hơn 30 tay du kích
trong làng này. Cùng lúc tôi nhận được báo cáo của anh trung đội trưởng đóng ở
bìa làng, cho biết là cứ mỗi buổi chiều, bà già chủ nhà tôi ở đi kiếm củi dọc mé
suối, nhưng thỉnh thoảng hướng về phía bên kia rừng nói lớn: “Thằng Hai ơi! Cứ
cho trâu ăn bên ấy, bên này hết cỏ rồi!”.Tôi gọi máy báo cáo cho ông Tiểu Đoàn
Trưởng và đề nghị một kế hoạch “Điệu Hổ Ly Sơn”. Tôi được ông chấp thuận.
Trưa hôm sau, tôi tìm vị trí thật kín đáo cho một trung đội ngụy trang nằm
mai phục bên bờ suối cùng lúc rút trung đội bên kia suối về làng, và cho lệnh
đại đội di chuyển ra khỏi làng, bảo lính tráng nói lời cám ơn chia tay dân
chúng, để lại biếu họ một số gạo vừa mới được tiếp tế. Chúng tôi rời khỏi làng
đi dọc theo Quốc Lộ tiến về hướng Nora và nhanh chóng ẩn trong bìa rừng bên khúc
quanh của đường quốc lộ, trong tư thế sẵn sàng tiếp ứng. Đúng như dự đoán, khi
trời sắp tối, nghe tiếng mìn Claymore và nhiều tiếng súng nổ trong làng, tôi
được anh trung đội trưởng báo cáo đã tiêu diệt toàn bộ toán du kích, từ bên kia
rừng lội suối về làng. Vì tưởng tất cả chúng tôi đã di chuyển đi nơi khác, nên
đã lọt ổ phục kích. Tôi báo cáo cho Ông Tiểu Đoàn Trưởng và ra lệnh cho đại đội
nhanh chóng quay trở lại làng, nhưng thay đổi các vị trí phòng thủ. Lần này tôi
chọn một khu vườn bên bờ suối làm nơi đóng quân cho ban chỉ huy đại đội và trung
đội vũ khí nặng, nhằm đối phó và yểm trợ kịp thời, nếu địch kéo từ mật khu ra
phục hận.
Sáng hôm sau, một số cán bộ chính quyền đến nơi để xác nhận và giải quyết
các tử thi. Anh cảnh sát cho tôi biết, trong số người chết có tên trưởng mũi
công tác, con trai của bà Lê Thị Đúng, chủ nhà tôi đóng quân hôm trước.
Nghe mấy chú lính thám sát tình hình cho biết, ban đầu bà không nhận người
ấy là con bà, nhưng không khí trong nhà buồn thảm lắm, nhất là chị vợ lúc nào
cũng giấu nước mắt. Chỉ có thằng con trai thì vẫn cứ vô tư chơi đùa. Dường như
không ai nói với nó điều gì đã xảy ra.
Buổi chiều, chính quyền thông báo nếu tử thi nào không có người nhận, họ sẽ
chôn cất, nhưng vì không biết tên nên không thể làm bia. Lúc ấy bà chủ nhà mới
chịu đứng ra nhận lãnh, và với sự giúp đỡ của chính quyền, bà và cô con dâu lo
xong mai táng. Dù người chết là kẻ thù, nhưng trong hoàn cảnh này, nhất là vừa
đóng quân trong vườn nhà họ hai hôm nay, chúng tôi ai cũng động lòng tội nghiệp
cho người vợ trẻ và nhất là đứa con trai vừa mới mất cha. Chúng tôi góp được một
ít tiền, cho một anh lính thân tình với thằng bé nhất, mang lại biếu họ. Tôi
hình dung tới cái bàn thờ hôm trước, bây giờ đã trở thành bàn thờ thực sự. Hai
hôm sau, Đại Đội tôi được lệnh bàn giao làng lại cho chính quyền với một trung
đội nghĩa quân mới tới.
Cuộc hành quân tiếp diễn về hướng Bắc và chỉ hai ngày sau, chúng tôi đã đến
Sông Lũy, bắt tay với Trại Biệt Kích Lương Sơn do một số sĩ quan LLĐB chỉ huy.
Giai đoạn 1 của cuộc hành quân hoàn tất, cả Tiểu Đoàn được lệnh tập trung dưỡng
quân tại Sông Mao. Bản doanh Sư Đoàn 5 BB của ông Vòng A Sáng bỏ lại, sau khi di
chuyển toàn bộ vào Vùng 3 CT. Bây giờ doanh trại trở thành một trung tâm huấn
luyện Địa Phương Quân.
Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc hành quân, đơn vị tôi từng giết nhiều quân
địch, nhưng cuộc hành quân lần này làm tôi khó quên, ngay cả cái tên của gả du
kích Nguyễn Cho và bà mẹ Lê Thị Đúng, mà tôi đã đóng quân ngay trong vườn nhà bà
vỏn vẹn chỉ bốn ngày.
***
Hơn bảy năm sau, chiến tranh đến thời kỳ ác liệt nhất. Ngay sau khi Bộ Tư
Lệnh Tiền Phương SĐ 22 BB bị Cộng quân tràn ngập tại Tân Cảnh, lần đầu tiên một
vị Tư Lệnh Sư Đoàn khí phách và liêm sỉ chấp nhận vùi thây nơi chiến địa, từ
chối lên trực thăng thoát thân cùng với đám cố vấn Mỹ, đơn vị chúng tôi được
không vận khẩn cấp lên Kontum, bây giờ là mục tiêu tiến chiếm của đại quân Cộng
Sản đang tràn xuống từ hướng Bắc. Lúc này tôi đã được điều về Bộ Chỉ Huy Chiến
Đoàn. Đơn vị chúng tôi đã chiến thắng oanh liệt, giữ vững được Kontum và trở
thành tuyến đầu của trận chiến Cao Nguyên trong suốt mùa hè đỏ lửa.
Chiến thắng ngày ấy dù có vinh quang nhưng chúng tôi cũng đã phải trả một
cái giá không nhỏ. Trong năm 1972 riêng đơn vị tôi đã có hơn 300 đồng đội hy
sinh. Số tân binh từ các Trung Tâm Huấn Luyện không đủ bổ sung, nên Bộ Tổng Tham
Mưu ban hành lệnh đôn quân khẩn cấp. Đầu năm 1973, chúng tôi tiếp nhận một số
khá đông những người lính Địa Phương Quân từ các Tiểu Khu chuyển tới. Đại Đội
Trinh Sát là một đơn vị thiện chiến, lập được nhiều chiến công hiển hách, luôn
được dùng làm lực lượng xung kích cho Chiến Đoàn, đảm nhân các công tác hiểm
nguy và sẵn sàng tăng cường cho các điểm trọng yếu. Vì vậy đơn vị này cần được
ưu tiên bổ sung một số lính trẻ, thiện chiến.
Chúng tôi đã từng hành quân chung với các đơn vị đia phương quân Tiểu Khu
Bình Thuận, và biết họ cũng được tôi luyện trong chiến tranh tại lãnh thổ địa
phương, luôn phải đối đầu với một lực lượng địch đáng kể. Số lượng đôn quân từ
Tiểu Khu này khá nhiều so với các Tiểu Khu khác trong Vùng 2. Vị Chiến Đoàn
Trưởng ra lệnh ưu tiên chọn các anh lính trẻ Bình Thuận bổ sung cho Đại Đội
Trinh Sát.
Được sự hướng dẫn của vị đại đội trưởng và các sĩ quan trẻ, nổi tiếng đánh
đấm trên chiến trường, cùng học hỏi kinh nghiệm, noi gương gan dạ từ những người
trinh sát cũ đã dạn dày chiến trận, một số lính địa phương quân được bổ sung cho
đại đội Trinh Sát, sớm trở thành các chiến sĩ thiện chiến trên trận mạc. Trong
số này có một anh rất trẻ, đã lập khá nhiều chiến công lẫm liệt, luôn được vị
đại đội trưởng đề nghị cấp trên khen thưởng sau mỗi cuộc hành quân. Thành tích
xuất sắc nhất là khi anh tình nguyện một mình ôm lựu đạn bò vào tiêu diệt cái
chốt của địch gồm nhiều ổ súng phòng không, nằm trong một hốc đá kiên cố trên
đỉnh núi Chu Pao. Chính cái chốt quỷ quái này đã gây cho các đơn vị ta nhiều
thiệt hại và đe dọa không nhỏ đối với các phi cơ đổ quân và chiến đấu hoạt động
trong vùng.
Tôi đã gặp anh lính trẻ này vài lần và rất quí mến cậu ta. Không ngờ với
một khuôn mặt hiền hậu, khôi ngô mà lại là một chiến sĩ can trường, dũng cảm. Có
lần anh thú nhận với tôi là đã làm khai sanh tăng thêm ba tuổi để xin đầu quân.
Một đôi lần, tôi móc túi cho cậu ít tiền để uống cà phê, khi nghe nói hằng tháng
phải gởi tiền về nuôi mẹ. Ngược lại, sau mỗi cuộc hành quân, cậu cũng tìm đến
thăm tôi, kể lại cho tôi những gì xảy ra trong trận đánh, và chăm chú ngồi nghe
tôi nhận định. Đôi mắt cậu lúc nào cũng sáng lên niềm kiêu hãnh về các cấp chỉ
huy, cùng đơn vị mà cậu ta đang phục vụ.
Vào khoảng cuối năm 1973, Đại Đội Trinh Sát được trực thăng vận đổ xuống
giữa một trân chiến đang mịt mù lửa đạn để giải cứu cho một đơn vị BĐQ Biên
Phòng đang bị vây hãm vì đã cạn đạn dược sau hơn hai ngày kiên cường chiến đấu,
mà không thể nhận được tiếp tế. Một cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu, mà các chiến
sĩ trinh sát phải đánh cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn, tạo thời cơ cho các
chiến sĩ BĐQ/BP bên trong phá vòng vây, dũng cảm xông ra. Địch quân bị tiêu diệt
trong thế gọng kềm. Chiến trường kết thúc mau lẹ, đám địch còn sống sót, một số
bị bắt, một số tháo chạy bị các trực thăng võ trang của Phi Đoàn 235 Sơn Dương
truy kích.
Anh trung úy đại đội trưởng Trinh Sát bị thương nhẹ, nhưng vẫn tiếp tục
điều quân chiến đấu. Ngay sau khi vừa được tản thương về QYV Pleiku, anh được
Ông Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn, nguyên là Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng BĐQ, đến
gắn cấp bậc đại úy và anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Khi ấy anh vừa
đúng 25 tuồi.
Tôi tháp tùng ông Chiến Đoàn Trưởng đến thành Dak Pha dự lễ Tuyên Dương
Công Trạng toàn thể Đại Đội Trinh Sát, và trao gắn cấp bậc, huy chương cho những
chiến sĩ có chiến công xuất sắc trong trận chiến hào hùng này. Buổi lễ dưới sự
chủ tọa của ông Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn. Đại Đội được trình diện bởi anh trung
úy Đại Đội Phó, xử lý thường vụ thay anh Đại Đội Trưởng còn đang điều trị trong
QYV. Sau khi quân kỳ của Đại Đội được vị Tướng Chủ Tọa trịnh trọng choàng giây
biểu chương màu Tam Hợp, các chiến sĩ xuất sắc được xướng danh ra trình diện
trước thượng cấp.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi không nghe tên
và cũng không thấy mặt người lính trẻ có tiếng can trường đôn quân từ Tiểu Khu
Bình Thuận trong số những người được tưởng thưởng. Chờ buổi lễ chấm dứt, tôi hỏi
anh đại đội phó. Tôi ngẩn người khi anh cho biết là cậu lính trẻ ấy đã hy sinh
khi tình nguyện xông vào diệt ổ đại liên cản đường, để cả đại đôi tiến lên. Anh
đã gục ngã ngay trên nắp hầm địch cùng lúc tiêu diệt toàn bộ tổ đại liên của
địch. Vì không có phương tiện đưa thi hài anh về nguyên quán, hơn nữa anh chết
không toàn thây, không muốn cho thân nhân quá đau đớn khi nhìn thấy, nên đơn vị
đã làm lễ truy thăng và chôn cất anh tại nghĩa địa Kontum. Tôi hỏi kỹ vị trí
ngôi mộ và dặn lòng sẽ đến thăm nơi an nghỉ của người lính trẻ can trường đáng
mến này. Bỗng một hôm, thấy anh đại đội phó đưa một người đàn bà đến Bộ Chỉ Huy
Chiến Đoàn để làm hồ sơ tử tuất. Tôi hỏi, mới biết ngươi đàn bà này là mẹ của
người lính trẻ vừa mới hy sinh. Anh đại đội phó còn cho biết là sau khi làm hồ
sơ xong, anh và vị Thiếu tá CTCT của Chiến Đoàn sẽ đưa bà ra thăm lại mộ con lần
chót trước khi về quê. Tôi bảo anh đại đội phó là tôi sẽ tháp tùng. Tôi muốn một
lần đưa tay chào vĩnh biệt người lính trẻ mà tôi hằng mến mộ.
Khi cùng với người mẹ đứng trước mộ, tôi ngạc nhiên khi thấy trên tấm bia,
dưới tên của anh có ghi nơi sinh quán: Làng Long Giang– Xã Long Hoa - Bình
Thuận. Tôi nhớ tới khu làng quê có hàng me cao nằm bên quốc lộ, mà tám năm trước
có lần đại đội tôi đã đóng quân, và tiêu diệt tất cả đám du kích có tiếng của
làng này. Chờ cho người mẹ thắp hương và bớt xúc động, tôi hỏi nhỏ: - Ở làng
Long Giang, chị có biết bà Lê Thị Đúng, có người con chỉ huy du kích, bị chết
cách nay khoảng tám năm?
Người mẹ ngạc nhiên nhìn tôi, thoáng dò xét rồi cúi xuống, nói thật nhỏ chỉ
đủ tôi nghe:
- Bà là mẹ chồng tôi, và con tôi đây là đích tôn, cháu nội duy nhất của bà.
Vừa nói chị vừa đưa tay chỉ vào nấm mồ mới toanh trước mặt.
Khi về lại đơn vị, tôi xin Ban Tài Chánh ứng trước nửa tháng lương. Trích
ra một phần, bỏ vào bì thơ, tôi tìm đến đại đội trinh sát gặp và biếu cho bà mẹ
của người lính trẻ vừa mới lẫm liệt hy sinh. Bà thoáng một chút xúc động ngạc
nhiên nhin tôi nói lời cám ơn.Tôi nghĩ là bà không nhận ra tôi, người đã chỉ huy
cuộc hành quân năm xưa, và từng đóng quân ngay trong vườn của nhà bà. Chia tay
bà, trên đường trở về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, tôi suy nghĩ mông lung. Trong cuộc
chiến này, quả thật, có những điều mà người ta không thể nào hiểu được.
Phạm
Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment