Tôi bị các ông Mũ Nâu Trần Tiễn San, Nguyễn Thế Đĩnh, Đỗ Mạnh Trường chiêu dụ nên đã đi lạc vào vùng lãnh thổ trách nhiệm của binh chủng thiện chiến này từ nhiều năm nay. Mấy lần ngần ngại, sợ mang tội “giành dân lấn đất” của mấy ông anh Mũ Nâu, tôi ngõ ý xin rút lui, “di tản chiến thuật”, nhưng không những không cho mà còn bị rầy cho một trận. Các anh bảo trận chiến bằng ngòi bút bây giờ cần phải “hành quân phối họp”, để đánh lại cái chiến thuật gọi là “hiệp đồng binh chủng” gì đó của đám cộng sản. Vì vậy, tôi chỉ xin tạm thời điền vào chỗ trống như một tay súng tập tành cỡ Carbine M-1, M-2, cho đến khi nào các anh có đủ các tay súng M16, M18 thì tôi sẽ tự động rút lui có trật tự. Viết cho Tập San Biệt Động Quân cũng đã qua mấy “mùa hè đỏ lửa” rồi, mà tôi chưa có bài nào ca ngợi Biệt Động Quân, thì xem như đã đi lạc vào “Vùng Oanh Kích Tự Do”rồi. Không khéo có ngày lãnh đủ! Vì vậy kỳ này nhất định phải viết về Biệt Động Quân. Những anh hùng và chiến công lẫy lừng của BĐQ thì đã có các cây viết Mũ Nâu thứ thiệt viết hết rồi, tôi không dám làm cái chuyện múa rìu, ngồi dưới đất mà nói chuyện trên trời, một anh chàng họa sĩ kém tài mà dám bày đặt vẽ chân dung của mỹ nhân, hay tập tành bắt chước Trương Vô Kỵ kẻ lông mày cho Triệu Minh quận chúa! Tôi chỉ xin viết về bạn tôi, những người lính BĐQ mà tôi từng quen biết. Tôi nghĩ vì là bạn, nếu lỡ có điều gì không đúng “tần số”, chắc các anh cũng tha, không nỡ phạt.
Nói về bạn bè Mũ Nâu, thì tôi có khá nhiều, từ quan tới lính. Ngay anh em trong gia tộc tôi cũng có hơn một trung đội (đầy đủ theo bản cấp số), đa số đã nằm lại ở các chiến trường. Bạn cùng khóa thì cũng trên bảy mươi chàng chọn Biệt Động. Ngày ấy, chưa ra vũ đình trường để được quỳ xuống gắn lon, mà đã thấp thoáng bóng dáng nhiều mũ nâu mới toanh trong các Câu lạc bộ Diệm Song, Xuân Hương rồi. Có một số bạn hy sinh hoặc bị trọng thương ngay sau khi vừa mới ra trường. Chắc ngày trở về ít nhiều gì cũng đã làm “dang dở đời em”. Nhiều bạn chắc đánh đấm có hạng, và đạn thù né tránh, nên đã lên nắm tiểu đoàn từ những năm 71, 72. Mới đây họp khóa điểm danh, dường như hơn một nửa trong số đồng môn Mũ Nâu không bao giờ còn gặp lại. Thôi cũng đành an ủi nhau bằng lời của người xưa: “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!”
Tháng 3 năm 1965, giã từ Đồi Tăng Nhơn Phú, về trình diện đơn vị, thuộc một Sư Đoàn Bộ Binh ở tận xứ Buồn Muôn Thuở, tôi lãnh một trung đội chưa tới 20 thằng lính, nửa Kinh nửa Thượng. Mới tập tành đánh đấm vài trận ở Bình Tuy, Di Linh, Quảng Đức, tôi theo đơn vị di chuyển xuống Nha Trang. Vui mừng vì không ngờ lính đánh giặc trên núi trên rừng lại có ngày về thành phố biển thanh bình đẹp đẽ, ngay chính quê mình. Chưa kịp đi tìm những “hang động tuổi thơ” và vết tích của vài mối tình học trò ngày trước, thì có lệnh cùng tiểu đoàn, lên tàu há mồm làm một chuyến “hải hành” đêm. Cùng đi theo có một Chi Đoàn M113 tăng phái. Lên tàu lúc 10 giờ đêm, chiều hôm sau cặp bến Tuy Hòa. Khi ngồi trên chiếc M113 vừa “đổ bộ” lên bờ, tôi thấy ngoài Trung Tá Trần Văn Hai ra đón, còn có mấy vị sĩ quan Biệt Động Quân tháp tùng ông Tỉnh Trưởng cùng gốc binh chủng này. Đang điểm danh đám lính Thượng vừa “ly sơn” ngơ ngác, tôi bất ngờ nhận ra trong mấy anh mũ nâu có ông anh con bà cô, Trung úy Nguyễn Văn Tri. Ông anh đẹp trai và hiền lành nhất trong đám bọn tôi lúc còn đi học. Anh em ôm lấy nhau mừng rỡ. Từ ngày tiễn anh tại sân ga Nha Trang để vào Khóa 10 Thủ Đức, và sau đó làm phụ rể cho anh trong lễ đám cưới với người tình đẹp chung thủy của anh, đến bây giờ anh em mới gặp lại nhau. Hỏi ra mới biết Tiểu Đoàn 23 BĐQ của anh đã có mặt tại Phú Yên từ khá lâu và cũng đã đánh đấm bao nhiêu trận lớn giúp Tiểu Khu này mở rộng vòng đai an ninh. Xứ này thuộc Liên khu Năm của VC trước đây, nên tương đối mất an ninh, đám nằm vùng, du kích địa phương còn hoành hoành ở nông thôn. Gần một năm trước đây, đơn vị tôi cũng từng tham dự trận Vũng Rô -Đá Bia, nằm cực Nam tỉnh này, tịch thu một kho súng cả mấy ngàn khẩu lớn nhỏ đủ loại, mới toanh, của Cộng quân từ miền Bắc chuyển vào bằng đường biển. Ông Tỉnh Trưởng lại gốc đàn anh Biệt Động Quân, một người từng nỗ lực góp sức tạo dựng TTHL Biệt Động Quân Dục Mỹ từ một doanh trại dã chiến hoang phế của một đơn vị thuộc Sư Đoàn 23BB giao lại, nên em út hết lòng với ông là phải đạo. Từ khi Trung tá Trần Văn Hai về làm tỉnh trưởng, có Tiểu Đoàn 23 BĐQ hoạt động thường xuyên, tình hình an ninh ở Phú Yên khá lên rất nhiều. Anh Tri bảo tôi và mấy sĩ quan trong đại đội lên xe jeep, anh chở chạy theo đoàn xe, về vị trí nghỉ quân tạm tại Khu Nhà Bằng. Chờ sắp xếp đơn vị xong, anh kéo bọn tôi ra một quán nhậu để tâm tình. Quán này nổi tiếng món cá lóc nướng và có hai cô con gái Huế thuộc hàng mỹ nhân. Biết trong đám bọn tôi có hai anh thiếu úy tốt nghiệp Khóa 19 VB, nên anh Tri gọi máy về Tiểu Đoàn gọi một chàng cùng Khóa 19 ra gặp bạn đồng môn và nhậu lai rai với bọn tôi. Anh Thiếu úy BĐQ này cao ráo, đẹp trai, ít nói và có ngón đàn rất hay. Anh được giới thiệu là “Chương guitar”. Sáu năm sau tái ngộ ở Đà Lạt, bọn tôi đã thấy anh đi xe jeep có mấy cái cần câu, mang lon thiếu tá và đang làm tiểu đoàn trưởng của một Tiểu Đoàn BĐQ. Anh rủ bọn tôi theo anh xuống khu Trại Hành, đến một căn biệt thự ăn cháo gà. Nhà có một bầy con gái đẹp. Thấy các cô này có vẻ nể nang anh lắm, bọn tôi ngại, không biết bà con hay quen biết thế nào với anh, nhưng anh nháy mắt cười bảo là mấy cô này là em bà con tao, thằng nào có tài thì cứ tán thẳng tay. Không ngờ tôi có duyên nợ với anh. Sau ngày sa cơ, tan đàn xẻ nghé, hai anh em lại gặp nhau trong một trại tù ngoài Bắc, ở cùng tổ, nằm bên cạnh nhau.Tối nào hai anh em cũng uống trà tươi, vì đội tù chúng tôi có nhiệm vụ trồng và hái trà. Anh sống trầm lặng, khép kín, nhẫn nhục, nhưng luôn khí khái và tư cách. Anh rất khéo tay, tìm gỗ tốt làm được cây đàn. Tôi phụ anh bào gỗ bằng mấy mảnh ve chai và đánh bóng màu nâu bằng một loại vỏ cây, tôi hỏi xin của đám tù hình sự. Tối tối vừa uống trà vừa chơi Hạ Uy Cầm. Tiếng đàn của anh nghe réo rắt, não nuột, làm cả đám công an gác tù mê mẫn, bu lại phía bên ngoài để nghe. Anh trở thành một trong những bạn tù thân thiết của tôi. Và dường như anh cũng chỉ quen thân mỗi một mình tôi.
Ngoài anh Chương guitar, tôi còn có một anh bạn làm “đại bàng” bên BĐQ. Nói là bạn cho oai, chứ tôi xem anh ấy như ông anh.Tôi quen và trở nên thân tình với anh trong một trường hợp khá đặc biệt.
Năm 1970, khi toàn bộ Trung Đoàn tôi đang trú đóng tại bản doanh Sông Mao, làm thí điểm thực thi Kế Hoạch Chân Trời Mới, một vị Thiếu Tá từ đâu mang ba lô về trình diện. Trông lạ hoắc. Tướng mạo lại có chút gì đó không bình thường: nhỏ con, đầu trọc và cặp mắt hơi lồi. Ông Trung Đoàn Trưởng nói nhỏ với bọn tôi: Tay này gốc Biệt Động Quân, từng là đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng đánh đấm nổi tiếng từ cái thời binh chủng này chưa thành lập cấp liên đoàn. Chỉ cái tính ngang bướng, bất cần đời, nên bị đì, trong cái lệnh thuyên chuyển về đây có ghi chú “không được giữ các chức vụ chỉ huy”. Ban bè cùng thời đều mang lon trung tá hết, có một số lên đại tá, chỉ có anh còn thiếu tá. Anh tạm thời được giữ lại ở Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn với một chức vụ không có trong bản cấp số: Trưởng Trung Tâm Hành Quân. Với cái chức vụ này thì anh không có lính mà cũng chẳng có xe. Phải sử dụng chung xe với Ban 3. Thấy anh là một niên trưởng lại có quá khứ đánh đấm ngon lành, tôi thấy nễ và tội nghiệp, luôn tỏ ra lễ phép và kính trọng anh. Ngược lại anh cũng rất quý mến tôi, thường ngồi tâm tình kể cho tôi nghe những trận đánh mà anh từng tham dự. Tôi đưa xe cho anh đi và kéo về ở chung nhà trong cư xá, cơm nước vợ tôi lo. Rượu, bia thoải mái, được mấy anh cố vấn Mỹ làm quà. Cuối tháng, lãnh lương anh móc ví đưa tiền, tôi quạt một trận, bảo “bộ tụi này không nuôi nổi anh hay sao?” Anh cười, nhưng lại lén đút vào túi mấy đứa con tôi, bảo là quà của bác. Anh xem vợ chồng tôi như em út trong nhà. Anh ít nói, sống khép kín. Và dù với một công việc không tương xứng, nhưng anh luôn chu toàn, không hề than vãn trách móc một ai.
Một thời gian, thấy anh có khả năng và chẳng có điều gì chê trách, ông Trung Đoàn Trưởng làm tờ trình lên Sư Đoàn và Quân Đoàn, xin cho anh ra nắm tiểu đoàn. Đề nghị được chấp thuận nhưng anh lại phải chuyển sang một trung đoàn khác. Chia tay, bọn tôi cũng bịn rịn lắm. Anh còn tặng tôi một khẩu Browning nhỏ xíu, anh bảo anh mua lúc sang học một khóa chỉ huy tham mưu bên Mỹ. Tiểu Đoàn của anh hành quân dài hạn ở Quảng Đức, thỉnh thoảng anh liên lạc thăm tôi qua hệ thống siêu tần số của Tiểu Khu. Mấy tháng sau, tôi bất ngờ nhận được tin vợ con anh đều bị tử nạn, khi VC giật mìn chiếc xe jeep của anh tại một địa điểm không xa tòa tỉnh. Vốn đã uống rượu thay nước, bây giờ anh uống rượu nhiều hơn. Lần nào nói chuyện qua điện thoại, tôi cũng nghe “hơi men” trong giọng nói của anh. Không biết có phải vì thông cảm cho sự mất mát quá lớn lao này, mà đùng một cái anh được trở về lại Binh Chủng BĐQ, thăng cấp Trung tá và chỉ huy một Liên Đoàn ở Vùng 2.
Tháng 4/72 tôi theo đơn vị lên Kontum, lại có dịp gặp anh trong các cuộc hành quân phối họp. Anh thường hú tôi ra ăn cơm, uống rượu ở các quán Bạch Đằng, Thiên Nam Phúc. Một lần anh dắt Liên Đoàn trừ (chỉ có hai tiểu đoàn), tăng phái cho đơn vị tôi, hành quân trong khu vực Chu Pao. Không biết lệnh lạc thế nào anh bất bình, cự nự và còn “xổ tiếng Đan Mạch” với ông Đại tá Trung đoàn trưởng. Ông này vừa từ một trung đoàn khác về nắm trung đoàn tôi, thay cho Đại tá Võ Hữu Hạnh. Ông sếp của tôi đòi báo cáo Tướng Toàn đề nghị đưa anh ra Tòa Án Quân Sự. Tôi lên máy gọi cho anh, ngửi thấy mùi rượu trong giọng nói của anh, anh bảo “Lúc trước, thời còn ở Quảng Đức, moa làm tiểu đoàn trưởng cho cha ấy, cha đì và phạt moa 15 ngày trọng cấm rất tào lao, moa “đ..” phục!” Tôi an ủi “vuốt giận” anh, và nói với ông Đại tá: “Ông Liên Đoàn Trưởng đang say, Đại Tá chấp làm gì”. Làm dữ nhau vậy chứ cả hai ông đều đã biết tẩy nhau, hết giận.
Sau trận chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa” nhờ tạo được chiến thắng vẻ vang, nên cả Trung Đoàn tôi được cho về dưỡng quân 2 tháng ở Đồi Đức Mẹ Pleiku. Thời gian này BCH Liên Đoàn của anh đóng tại Căn Cứ 41, trên QL14 giữa Pleiku- Kontum. Ngày nào không có hành quân, anh lại xuống rủ tôi ra nhậu ở một cái quán ngoài Chợ Mới, cùng một một số sĩ quan của anh. Lần nào bà chủ quán cũng đãi bọn tôi một chai Hennessy “cổ vàng”. Bà góa chồng, còn trẻ và có nhan sắc. Nghe mấy vị sĩ quan của anh cho biết, bà là bồ của anh. Không biết trong đơn vị, thuộc cấp, đồng đội đánh giá anh ra sao, nhưng với tôi anh là một người khí khái, chí tình, nhưng sống hơi “bất cần đời”. Trong Biệt Động Quân, đặc biệt ở Quân Khu 2, có lẽ không ai không biết tên anh kèm theo một biệt danh: “Lang Trọc”.
Cả hai anh Chương và Lang, sau những ngày tù tội, được sang
Mỹ theo diện HO, sống ẩn dật trước khi qua đời. Tôi chỉ được nói chuyện
một vài lần qua điện thoại.
Tôi hân hạnh được quen
biết với hai ông quan của binh chủng Mũ Nâu này trong những trường hợp
rất tình cờ, nhưng còn đọng lại trong lòng tôi những kỷ niệm và tình cảm
khó quên.
Tôi cũng có một anh bạn thân gốc BĐQ, trước 75 là một Hạ sĩ 1, tài xế. Anh đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và một niềm ân hận khôn nguôi, vì nghĩ mình đã không xứng đáng với tấm lòng của anh, không giữ được lời hứa với anh trước khi anh mất.
Sau hơn một năm chuyển tù từ miền Bắc vào Nam, tháng 9 năm 1983 tôi được thả ra khỏi trại Z.30C. Về nhà chưa hết nỗi vui mừng gặp lại vợ con, tôi đã nhìn ra một tương lai u ám của gia đình. Đã vậy còn bị bọn chính quyền địa phương gây khó khăn, áp chế đủ điều. Lúc này muốn tìm bất cứ một việc gì làm kiếm cơm cũng quá nhiêu khê. Làm lơ xe đò cho ông anh họ một thời gian. Chiếc xe cũ được biến chế từ một chiếc xe Jeep, không chịu nổi tình trạng “quá tải” mỗi ngày, nên cứ hư hỏng luôn mà lại không kiếm được phụ tùng thay thế. Rất may tôi có một chú em bà con, trước kia là trung sĩ của tôi, tìm đến thăm và bảo tôi lên Ban Mê Thuột phụ trồng cà phê với gia đình chú. Cô vợ gốc Bắc Kỳ di cư 54, nhưng đã sống ở Ban Mê Thuột từ lâu, rất chịu khó và am tường về chuyện trồng trọt, nhất là cà phê. Sau hơn ba tháng, với nhiều khó khăn, tôi mới xin được “giấy phép tạm vắng”(?) và “giấy phép đi đường”. Đón chiếc xe đò nhỏ, tôi lên BMT tìm đường đến nhà chú em. Thời ấy chẳng có điện thoại để liên lạc. Xuống bến xe BMT tôi chẳng biết phải làm sao, hỏi thăm anh tài xế, mới té ngửa là nhà thằng em ở cách xa thành phố cả hơn sáu cây số. Trời lại sắp tối. Anh tài xế tốt bụng mời tôi về nhà nghỉ tạm. Ngồi tâm tình, khi biết tôi đi tù mới về và một ít về tôi, anh đứng dậy đưa tay lên nghiêm chào theo kiểu nhà binh, gọi tôi là ông thầy. Tôi bất ngờ cảm động. Trong cái cảnh nhá nhem tình nghĩa này vẫn còn có những người lính chung thủy như anh. Anh cho biết trước 75, anh là Hạ sĩ 1, tài xế của một Liên Đoàn BĐQ ở Pleiku. Anh giữ tôi ở lại nhà, giới thiệu với vợ và hai đứa con nhỏ, bảo vợ nấu nướng mấy món để hai anh em nhậu chơi và nói chuyện đổi đời. Chị vợ cũng rất vui vẻ hiếu khách. Ban Mê Thuột là nơi đại đơn vị của tôi đặt Bộ Tư Lệnh ở đây từ năm 1960 cho đến ngày bị Cộng quân đánh chiếm, dẫn đến việc di tản Quân Đoàn II và mất cả miền Nam. Trực thuộc Sư Đoàn 23 BB, nhưng Trung Đoàn tôi lại phụ trách vùng duyên hải, chỉ thỉnh thoảng về đây tham dự các cuộc hành quân phối hợp qui mô. Riêng tôi mỗi năm về đây họp ở BTL một đôi lần. Do vậy tôi không mấy am tường địa thế. Hơn nữa, bây giờ cũng đã đổi thay nhiều quá. Dân ngoài Bắc đổ xô vào đây giành đất của người Thượng, nên đã từng xảy ra xô xát. Bất mãn, nhiều thanh niên Thượng đã bỏ buôn làng, trốn sang Thái Lan, Cam Bốt, hoặc gia nhập Lực Lượng Fulro chống lại CS.
Sáng sớm hôm sau, anh bạn gốc BĐQ chở tôi đến khu vườn cà phê của thằng em bằng xe Honda. Nếu không có anh, chắc tôi không thể nào tìm được, vì đường không có tên và nhà cũng chẳng có số. Anh dừng lại hỏi thăm nhiều người mới tìm được đến nơi. Tôi giới thiệu anh với thằng em. Hai người chỉ kịp bắt tay, vì anh còn phải trở về cho kịp lái chuyến xe đò đi Nha Trang.
Vừa ở được hai hôm, bọn công an địa phương tìm tới hạch hỏi, không cho phép tạm trú. Thằng em phải lo lót chút tiền, cuối cùng tôi cũng chỉ được làm việc ở đây ban ngày, còn tối thì không được phép ở lại, vì vùng này có hoạt động của Fulro. Bọn công an cho biết thế. Tội nghiệp thằng em, lo lắng chạy vạy khắp nơi vẫn không được. Không muốn gây phiền hà cho em út, tôi bảo chở tôi về phố, tìm đến nhà anh tài xế xe đò gốc BĐQ để xin theo xe về lại Nha Trang. Không ngờ, khi gặp anh, anh nhất quyết giữ tôi ở lại, anh hứa sẽ cùng với thằng em đưa đón tôi từ vườn cà phê về nhà anh ngủ mỗi đêm, cơm nước anh lo. Vợ chồng làm ăn, nên quen biết hết đám công an. Anh tin là bọn chúng sẽ không làm khó dễ gì tôi. Nếu cần anh chỉ nhét vào miệng bọn nó ít tiền là xong ngay.
Làm cà phê chừng hơn một tháng, thấy phiền hà quá, hơn nữa vườn cũng vừa mới khai quang, nhỏ, không có nhiều việc để làm, nên tôi bảo thằng em và cả anh tài xế, tôi muốn về lại nhà để tìm cách vượt biên, chứ không thể tiếp tục sống cuộc đời như thế, nhất là tương lai đen tối của mấy đứa con. Thằng em biếu cho một ít tiền. Đêm cuối cùng ở nhà anh tài xế, hai anh em tâm tình khá lâu, anh bảo cũng rất muốn vượt biên nhưng khó tìm ra mối và thời gian ấy có rất nhiều người bị gạt, tiền mất tật mang, không biết tin ai. Anh ngõ ý mong muốn cùng tôi vượt biên. Tôi hẹn sẽ nhất định tìm gặp anh khi có đầu mối. Sáng hôm sau tôi theo xe anh về nhà ở Ninh Hòa. Anh ghé lại nhà tôi chơi và còn dúi vào tay tôi một mớ tiền, bảo là biếu cho các cháu. Sau khi anh đi rồi, xem lại, tôi rất cảm động vì số tiền anh biếu, với tôi lúc ấy không phải là ít.
Tôi bắt đầu tổ chức chuyến vượt biên cùng với một nhóm bạn cùng tù. Chuyến đi sắp thực hiện, tôi ra bến xe mấy lần tìm anh, không gặp. Tôi lên Ban Mê Thuột, và rất bất ngờ được biết xe anh vừa bị tai nạn trên đèo M’Drak, anh bị thương nặng đang nằm trong bệnh viện. Tôi đến thăm, mình mẩy còn quấn đầy băng trắng, cả hai chân bị gãy, vừa mới được giải phẫu, còn treo lên thành giường. Nước mắt tôi ứa ra, chỉ ôm nhẹ vai anh mà không nói được lời nào.
Chuyến vượt biên, tôi không thể một mình quyết định được. Hơn nữa cần phải bí mật và đúng thời điểm. Tôi có nói về anh và xin các bạn vui lòng chờ thêm một thời gian nữa, nhưng tất cả đều phản đối, bảo phải ra đi càng sớm càng tốt, kéo dài thêm nhất định sẽ bị lộ. Khi đưa vợ con và bạn bè xuống tàu vượt biển, lòng tôi rất buồn vì thiếu gia đình anh, người bạn BĐQ rất có lòng và chí tình với tôi. Chuyến đi thành công, nhưng riêng tôi lòng vẫn đau đáu vì không giữ tròn lời hứa với một người bạn, một chiến hữu đàn em, đã từng mở rộng vòng tay và cả tấm lòng giúp mình trong lúc cùng quẫn khó khăn.
Sau khi đến trại tỵ nạn Singapore, một trong những người đầu tiên tôi gởi thư về, là anh. Trong thư tôi trình bày khéo léo để anh hiểu là tôi rất ân hận vì không giữ lời hứa và cũng mong anh thông cảm cho hoàn cảnh đặc biệt, bất khả thi của tôi. Tôi hứa sẽ lần lượt giúp anh một số tiền để anh tìm chuyến vượt biên an toàn khác. Nhờ một vị mục sư Tin Lành giúp, giới thiệu ra làm chui ở một nhà kho ngoài phố Singapore, tôi xin ứng lương trước, và gởi cho anh 500 đô la, như một món quà tượng trưng cho lời xin lỗi của mình. Tất cả tôi đều gởi về cho thằng em làm cà phê, nhờ trao lại cho anh. Một tháng sau, nhận hồi âm từ thằng em. Tôi bàng hoàng khi biết là anh bạn Biệt Động Quân đáng quí của tôi đã chết sau vài ngày tôi ra đi, vì vết chấn thương làm máu tụ lại trong đầu, bệnh viện không kịp và cũng không có khả năng giải phẫu. Số tiền tôi gởi về chỉ đủ để chị vợ xây mộ cho anh!
Về phần tôi, sau hơn hai ngày bềnh bồng trên biển, chúng tôi được một chiếc tàu chở dầu của Na-Uy cứu vớt, trước khi một cơn bão lớn ập xuống. Với ân tình đó, chúng tôi chọn Vương Quốc Dầu Lửa Bắc Âu này là nơi để tạm gởi phần đời còn lại của mình, gầy dựng tương lai cho mấy đứa con và cũng để chữa trị vết thương chưa lành được trong lòng. Sau hơn hai tháng ở trại Singapore, và sáu tháng ở trại tị nạn chuyển tiếp Bataan, gia đình tôi được đến Oslo, định cư. Khi bước ra khỏi cổng phi trường Fornebu xa lạ, tôi bất ngờ, xúc động khi có một số đồng hương đến đón. Điều vui hơn đa số đều là những đồng đội gốc lính ngày xưa. Trong số này tôi đặc biệt chú ý đến một anh rất trẻ, trên đầu đội cái bê rê màu nâu đã phai màu. Không ngờ sau này anh lại trở thành một trong số bạn bè thân thiết của tôi. Lúc ấy anh đang sống độc thân, vì vợ còn ở Việt Nam. Vợ và đứa con trai đầu lòng của anh cũng đã đi vượt biên một chuyến khác, sau anh vài tháng, nhưng không may, ghe bị chìm trên biển, chị bị bắt và đứa con đã chết. Chuyện buồn này lại hằn thêm trong lòng anh một vết thương khá lớn.
Anh nhỏ hơn tôi nhiều tuổi, và biết tôi đi lính trước nhiều năm, nên anh coi tôi như anh. Nhưng qua tư cách và lòng quý trọng, tôi luôn xem anh là một người bạn, đúng nghĩa bạn. Trước 75, anh là Trung úy, Trưởng Ban 2 (kiêm Trưởng Ban 5) của Tiểu Đoàn 21 BĐQ, Vùng I.
Chúng tôi cùng nhiệt tình hoạt động trong một tổ chức kháng chiến. Vào thời điểm ấy, tổ chức này rất nổi tiếng và được bà con đồng hương khắp nơi tham gia, ủng hộ. Anh luôn nỗ lực, sẵn sàng tình nguyện làm bất cứ một công tác nào. Ngày đêm không mệt mỏi. Cuối tuần còn đi làm thêm ngày thứ Bảy hay Chủ Nhật để đóng vào Quỹ Kháng Chiến, có khi anh trích cả nửa tháng lương. Khi một cán bộ cao cấp của tổ chức này từ Hoa Kỳ đến Na-Uy sinh hoạt, cả anh và tôi đều tình nguyện xin được về “chiến khu quốc nội”(?), nhưng ông ta bảo không còn cần thiết nữa. Chỉ một tháng sau đó, tổ chức này rạn nứt, tan vỡ, phơi bày bao điều không thật, đau lòng. Chúng tôi thất vọng và phẫn nộ khi có cảm giác mình bị lừa dối. Đau buồn nằm nhà một thời gian như một người cần được dưỡng thương, anh đứng dậy bằng tất cả nghị lực, đi thăm tất cả bà con đồng hương trong vùng anh cư ngụ, đặc biệt gặp nhiều thanh thiếu niên, sinh viên học sinh, trang bị cho họ tinh thần yêu nước, chống Cộng, tham gia vào các tổ chức cộng đồng và các cuộc biểu tình chống các cuộc “tham quan” của đám chính quyền cộng sản đến Nauy tổ chức văn nghệ, triển lãm có tính tuyên truyền. Anh phân tích và khuyên những thanh niên trí thức không về cộng tác với kẻ thù trong nước, khuyên bà con hạn chế về Việt nam, nhất là chỉ để du lịch. Sau khi bảo lãnh vợ sang, cả hai vợ chồng đi làm cật lực. Vợ anh là một giáo chức trẻ thời VNCH, nên được tiếp tục dạy tiếng Việt cho học sinh, sinh viên Việt nam, như là ngôn ngữ thứ ba được chính thức công nhận trong các trường trung học Na-Uy. Anh chị mua ngôi nhà khá đẹp, ngoại ô một thành phố nhỏ, nằm bên bìa rừng và một con sông tĩnh mịch. Anh tự tay làm một cái vọng gác khá cao, có thang trèo lên. Trên vách có vẽ hình đầu con cọp, huy hiệu của BĐQ. Mùa hè, tối nào anh cũng leo lên, nằm đu đưa trên chiếc võng nilon, uống rượu mà nhớ chiến trường xưa, hoặc đứng quan sát bốn phương với chiếc ống nhòm, tưởng như mình đang còn gác giặc. Mỗi lần nhắc đến đơn vị, hay một đồng đội nào đã hy sinh, anh khóc tức tưởi, nước mắt đầm đìa. Vợ con, bạn bè bảo tính anh thì nóng như Trương Phi mà dễ rơi nước mắt. Anh ca ngợi đơn vị anh, Tiểu Đoàn 21 BĐQ, đồng đội và mấy ông thầy của anh dữ lắm. Lúc ấy tôi chưa biết “anh hùng bạt mạng” Trần Thy Vân và người hùng Thiếu Tá Quách Thưởng là ai, nhưng chỉ nghe qua lời anh kể là bọn tôi thấy nể hai ông thẩm quyền và đại bàng của anh ấy rồi. Trong phòng khách, cái bê-rê màu nâu và cái mũ sắt mang lưới ngụy trang có hình đầu con cọp được để trân trọng trên kệ sách. Tôi biết anh luôn hãnh diện và trân trọng binh chủng và nhớ tới đồng đội cùng đơn vị cũ của mình.
Quê ở Huế, anh xuất thân từ một gia đình thế giá. Các anh chị đều là giáo sư và công chức cao cấp thời VNCH. Có một bà chị và một cô em gái định cư ở Mỹ từ lâu, nhưng anh không sang Mỹ mà chọn Na-Uy để định cư. Tôi cũng không ngờ anh “hận” Mỹ ghê gớm như vậy. Mỗi lần ngà ngà say là anh chửi Mỹ, réo tên Kissinger ra mà chửi, gọi là lũ khốn kiếp, phản bội, bán đứng đồng minh! Và anh nhất định không sang Mỹ. Sau này vợ chồng tôi và bà xã của anh khuyên mãi, bảo phải sang thăm đồng đội và nhất là mấy ông thầy, ai nấy đều già hết rồi, không sang gặp để rồi mai mốt ân hận. Vì vậy mà vượt biển định cư ở Na-Uy từ năm 1980, mãi đến mùa hè 2013 anh mới sang Mỹ lần đầu để tham dự Đại Hội BĐQ Kỷ Niệm 53 Năm Thành Lập Binh Chủng BĐQ tại San Jose, và ghé Hawaii thăm một người đàn em rất chí tình, vẫn đang còn sống đời độc thân bên ấy.
Cả vợ chồng rất tích cực trong các sinh hoạt cộng đồng, nhất
là việc gây quỹ ủng hộ anh em Thương Phế Binh còn sống khốn khổ ở quê
nhà. Mỗi lần nhìn hình ảnh các anh em TPB với thân thể không toàn vẹn,
mù lòa khốn khổ, được các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn đón về
sinh hoạt, giúp đỡ, anh khóc cả ngày, không ăn cơm, chỉ ống rượu tiêu
sầu. Sau đó anh liên lạc với linh mục Đinh Hữu Thoại. cám ơn ông và đi
vận động bà con, góp tiền gởi về đóng góp.
Tôi thương và rất quí anh, quí một người bạn tư cách khí khái, và tấm lòng của một người lính VNCH thủy chung.
Mười năm sau này, sau khi về hưu, tôi thường sang Cali sống sáu tháng mùa đông, trốn cái lạnh Bắc Âu, mà với tuổi già càng lúc cái lạnh như càng ngấm vào da thịt và cả trong lòng mình, tôi có dịp quen biết với nhiều cựu Mũ Nâu khác, và dù quan lớn hay quan nhỏ gì ai nấy cũng dễ thương. Các anh Nguyễn Minh Chánh, Trần Tiễn San, Nguyễn Thế Đĩnh, Đỗ Mạnh Trường, Trần Như, “Bà ngoại” phó nhòm Hồng Hải(Văn Hà), chuyên viên viết phóng sự, người hùng Polei Kleng Phan Thái Bình…Đặc biệt trong số này có ông Thiên Lôi “Đĩnh Đầu Bạc” là ông anh đồng môn huynh trưởng của tôi ở Trường Võ Tánh Nha Trang, thời anh vừa bước chân xuống tàu há mồm ca bài “ Tôi xa Hà nội năm lên mười…sáu, khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều…” Ông bạn Trần Như là đồng hương Nha Trang rất hiền hậu dễ thương, người xứ Cổ Thành, nhưng đã đón được cô ca sĩ trẻ Phan Thiết về dinh. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp các anh cùng với nhiều Mũ Nâu khác ở Cà phê Factory, ngồi kể chuyện chiến trường, chuyện một thời ngang dọc ngày xưa. Tôi quý các anh vẫn giữ được cái tình đồng đội, huynh đệ chi binh, và bỗng dưng tôi nhớ tới bài Nhớ Rừng của nhà thơ Thế Lữ viết từ năm 1936
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
……
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Xin
cám ơn bạn tôi, những người hùng Biệt Động Quân, dù quan hay lính, đã
chết hay còn sống, vẫn luôn là những con hổ khí phách, nhớ rừng, nhớ
đồng đội và đang luôn tâm niệm một ngày giải phóng quê hương. Đúng là “Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ dần theo năm tháng”,
như lời một bài hát rất xưa mà Tướng Douglas MacArthur đã dùng trong
bài diễn văn đọc trước Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày ông rời quân
ngũ:
“Tôi đang khép cánh cửa cuộc đời binh nghiệp 52 năm. Khi tôi gia nhập quân đội trước khúc quanh thế kỷ, mọi hy vọng và ước mơ thơ ấu đã thành tựu. Thế giới đã đổi thay bao phen kể từ khi tôi tuyên thệ trên vũ đình trường West Point, và những giấc mộng và ước mơ đã tan biến từ lâu. Nhưng tôi vẫn còn nhớ điệp khúc một bài ca quen thuộc nhất trong doanh trại của thời đó được hát một cách kiêu hùng: “Nguời lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ dần với năm tháng”. Và giống như người lính già của câu hát đó, tôi đang khép cửa cuộc đời binh nghiệp và mờ đi, và người lính già đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ mà Thương Ðế đã soi sáng để thấy nhiệm vụ đó. Xin chào tạm biệt mọi nguời” (I am closing my fifty two years of military service. When I joined the army before the turn of the century, it was the fulfillment of my boyish hopes and dreams. The world has turned over many times since I took the oath on the plain at West Point, and the hopes and dreams have long since vanished. But I still remember the refrain of one of the most popular barrack ballads of that day which proclaimed most proudly that – Old soldiers never die, they just fade aways. And like the old soldier of that ballad I now close my military career and just fade away, and the old soldier who tried to do his duty as God gave him the light to see that duty. Goodbye!)
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment