Thursday, April 15, 2021

Thiếu Tá Nhảy Dù & Lực Lượng Đặc Biệt Nguyễn Minh Đường

Trong nỗi niềm thương nhớ sự ra đi đột ngột của Ba tôi, tôi xin viết đôi dòng về ông, một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã hiến trọn cả cuộc đời cho lý tưởng Quốc Gia và Dân Tộc. Tôi xin ghi lại đây những gì tôi đã biết về ông qua những câu chuyện ông kể với tôi. Bài viết này xin được làm món quà gởi đến hương hồn của ông và tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Qua bài viết, tôi muốn gởi một thông điệp đến các em tôi, các bạn tôi, và những bạn trẻ khác về hình ảnh của người lính VNCH, trong vô số những hình ảnh tiêu biểu và tấm gương yêu nước thương dân khác.
Ba tôi, ông Nguyễn Minh Đường, sinh ra từ miền đất hiền lành, mưa thuận gió hòa, thuộc thị trấn Tầm Vu, quận Bình Phước, tỉnh Long An vào năm 1941. Tuổi thiếu thời, ông là một học sinh giỏi toán. Ông thích thể thao, nên ông đã là một tiền đạo trong đội bóng đá thanh thiếu niên của quận Bình Phước. Ông còn thích cả văn nghệ, vì thế ông đã học ca vọng cổ và hát ca tài tử trong cái làng quê thanh bình nơi ông sinh trưởng. Vào thập niên 1950, chiến tranh đã bắt đầu lan tràn về các thôn xóm Miền Nam Việt Nam. Việt Minh cộng sản đã bắt đầu quấy rối làng xã, cướp bóc hoa màu và xúi dục thanh niên bỏ nhà theo chúng. Để duy trì con đường học vấn của ông, bà nội tôi đã gởi ông lên Sài Gòn ăn học khi ông vừa mới tròn 11 tuổi. Sống xa mẹ, ở cùng với người anh thứ tư, cũng là một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, ông đã rèn luyện được tính tự lập và đôi phần hiểu biết về Quốc Gia và Dân Tộc.
Bước vào tuổi thanh xuân, ông đã phải tạm gác nhiều mơ ước riêng tư, khi nhìn thấy đất nước điêu linh qua lửa khói chiến tranh và trong thảm họa xâm lăng của cộng sản Bắc Việt (CSBV). Vì thế, sau khi thi đậu tú tài 1, ông đã tình nguyện gia nhập khóa 14 của trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào năm 1962, với hy vọng là phục vụ quân đội trong thời gian chiến tranh và khi hòa bình trở lại sẽ tiếp tục học lên nữa. Khóa 14, có tên khóa là Nhân–Trí–Dũng, mãn khóa vào năm 1963, là khóa có đông sinh viên sĩ quan nhất. Sau 9 tháng quân trường, là một trong những sinh viên sĩ quan đậu số điểm tốt nghiệp cao của khóa, ông được quyền chọn binh chủng hay quân trường để về phục vụ. Khi ông đang đắn đo đọc bảng ghi “Trung Tâm Huấn Luyện (HL) Hạ Sĩ Quan (HSQ) Phú Bài” thì vị sĩ quan huấn luyện người Huế lên tiếng.
– Cậu có ra Huế chưa? Huế đẹp lắm. Về Phú Bài đi, ở Huế đó.
Nghe nói tới đó, ông liền đồng ý chọn về Trung Tâm HL HSQ Phú Bài. Kể từ đó, cuộc đời binh nghiệp của ông được bắt đầu từ miền giới tuyến. Khởi đi từ Huế và qua 13 năm chinh chiến, dấu giày sault của ông đã in dấu trên khắp 4 vùng chiến thuật.
Vào thập niên 60, CSBV với chủ trương xâm chiếm Miền Nam, chúng đã xua quân qua các ngõ biên giới Việt–Lào và Việt–Miên. Để ngăn chặn bước chân xâm lược và bảo vệ nền tự do dân chủ của đất nước ta, Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Hoa Kỳ và LLĐB VNCH đã thiết lập các trại LLĐB nằm dọc biên giới của Miền Nam tiếp giáp với Lào và Campuchia; và thành lập các toán phòng vệ, xung kích và thám sát. Vì thế, họ cần tuyển mộ các sĩ quan xuất sắc từ các binh chủng khác và từ các quân trường để phục vụ cho binh chủng này. Vào những tháng cuối năm 1963, một toán LLĐB đã vào Trung Tâm HL HSQ Phú Bài để tuyển chọn sĩ quan cho đơn vị, vì họ biết là những sĩ quan ở trung tâm này toàn là những sĩ quan giỏi. Viên sĩ quan tuyển mộ lên tiếng:
– Các anh ở đây có ai muốn về phục vụ cho binh chủng LLĐB không?
Cả hội trường im phăng phắc, chỉ có hai bàn tay giơ lên và một trong hai bàn tay đó là ba tôi. Tất cả những ánh mắt nhìn về phía hai sĩ quan trẻ đó, không khỏi ngạc nhiên và thầm thán phục. Mọi người ai cũng biết là làm sĩ quan huấn luyện là an toàn nhất và làm sĩ quan LLĐB là đi vào vùng lửa khói, vào nơi nguy hiểm, sống còn trong gang tấc.
Ông đã trải qua những khóa huấn luyện rất đặc biệt cho cuộc chiến ngoại lệ, không quy ước. Các sĩ quan và hạ sĩ quan LLĐB học qua nhiều môn huấn luyện khác nhau, như du kích và phản du kích, phá hoại, cứu thương, gọi pháo binh, truyền tin, xâm nhập, thám sát, v.v. và v.v. Do đó, các sĩ quan và hạ sĩ quan LLĐB chiến đấu rất giỏi, can trường, và thích ứng với chiến thuật lấy ít chọi nhiều. Sau khi hoàn tất các khóa huấn luyện đặc biệt, ông được đưa về trình diện Bộ chỉ Huy (BCH) C1 LLĐB. Sau này, ông đã trải qua Khóa 4 Hướng Dẫn Trưởng Trại LLĐB tại Đồng Ba Thìn và Khóa 110 Nhảy dù tại Sư Đoàn Nhảy Dù.
Xin nói rõ ở đây, binh chủng LLĐB có mặt trên 4 vùng chiến thuật. Vì tính cách đặc biệt, nên tên gọi mang tính đặc biệt. BCH cao nhất ở mỗi vùng gọi là C, gồm có C1, C2, C3, và C4. Thoạt đầu, cấp chỉ huy cao nhất của các C chỉ là thiếu tá, sau này lên đến đại tá. Mỗi C chỉ huy vài toán B, và mỗi toán B chỉ huy vài toán A. Toán A, chỉ huy một trại LLĐB, có từ 12 tới 14 sĩ quan và hạ sĩ quan. Phía LLĐB Hoa Kỳ có số SQ và HSQ tương đương, nhưng chỉ làm công tác cố vấn. Một trại LLĐB có từ 4 cho tới 6 đại đội. Nghĩa là quân số của một trại LLĐB tương đương hoặc nhiều hơn một tiểu đoàn bộ binh.
Vùng I Chiến Thuật
Trại LLĐB đầu tiên mà ba tôi đặt chân tới là trại A–Shau, nằm trong thung lũng phía Tây Nam của Huế và giáp sát với biên giới Việt–Lào. A–Shau và A–Lưới đã là những địa danh nổi tiếng gắn liền trong quân sử VNCH. Các trại LLĐB này với những người lính quả cảm, đã góp phần ngăn chặn bước tiến của CSBV, vì thế chúng đã tìm mọi cách để đánh phá cho bằng được. Là một Chuẩn úy trẻ của trại A–Shau, ông có dịp tham chiến cùng những “bóng ma đêm” ở biên giới ngăn chặn bước chân xâm lược của đoàn quân sinh Bắc tử Nam. Xung quanh trại A–Shau có 3 tiền đồn ở trên những đỉnh núi cao, một bên là lãnh thổ VNCH và bên kia là vùng CS trên đất Lào. Mùa xuân 1964, ông được điều động lên chỉ huy tiền đồn xa nhất cắm sâu vào biên giới Việt–Lào. Trong đời quân ngũ, ông đã nhớ những kỷ niệm nơi đây vì là mùa xuân đầu tiên nơi tiền đồn hẻo lánh và xa nhất của lãnh thổ VNCH. Ông đã đón xuân bằng những quả đạn pháo và những cuộc giao tranh liên tục với quân thù. Với tính can trường và trách nhiệm, ông được Thiếu tá CHT C1 Nguyễn Đức Khoái tin cậy nói với ông:
– Anh Đường, anh lên nắm trưởng trại A–Lưới nha, rồi tôi sẽ cất nhắc anh lên thiếu úy sớm. Tôi giao trại A–Lưới cho một sĩ quan nào khác tôi không tin tưởng.
Thế là ba tôi đồng ý nhận làm trưởng trại A–Lưới khi ông vẫn còn mang lon chuẩn úy. Vào thời gian này, thiếu úy là cấp bậc thấp nhất có thể được giao chỉ huy một trại, vì vào lúc đó thiếu sĩ quan.
Như trại A–Shau, A–Lưới cũng nằm trong thung lũng được bao bọc bởi những ngọn núi. Các trại thường chịu những trận mưa pháo dày đặc của địch nên đã đi vào tiềm thức của các binh sĩ. Nhiều bữa trưa, khi chợp mắt, ông đều nghe những tiếng nổ trong mơ, và la lên, “Việt cộng pháo kích tụi bây ơi.” Nhưng một lần, cơn ác mộng đã biến thành sự thực. Sau một tiếng nổ dữ dội sát bên cạnh cái võng cá nhân vì bị ám sát bằng lựu đạn, ông bị văng xuống đất. Khi choàng tỉnh, chạm tay vào bụng, vào ngực, vào mặt... ông cảm thấy tay mình ướt, giơ tay lên xem thì thấy toàn là máu của ông. Ông không biết đau, nhưng trong tích tắc ông đã ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông mới biết mình còn sống khi thấy toàn thân được băng bó và đang nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hòa (TYVCH).
Người liệng lựu đạn mưu sát ông là người lính biệt kích quân (CIDG) trong trại của ông. Người lính Thượng này đã bị bắt và khai rằng nếu không làm như vậy, CS sẽ bắt và hành hạ gia đình của anh ta. Sau khi bình phục, trở lại đơn vị không lâu thì ba tôi được chuyển về C3, do Trung tá Phạm Duy Tất làm chỉ huy trưởng lúc bấy giờ.
Vùng III chiến thuật
Về Vùng III, ba tôi đã hành quân qua rất nhiều trại LLĐB dọc theo biên giới Việt–Miên, từ Bù Đốp, Tống Lê Chân, Ka Tum, Đức Huệ, Thiện Ngôn, Lộc Ninh, Trà Cú, v.v. Ông có rất nhiều kỷ niệm chiến trường tại vùng này vì là nơi ông ở lâu nhất cho tới khi binh chủng LLĐB bị giải tán và hầu hết các binh sĩ LLĐB được chuyển qua binh chủng Biệt Động Quân. Vùng 3 cũng là nơi ông đã tạo được nhiều chiến công nhất cho đơn vị, cho toán B, toán C và QK3 nói chung. Các toán A do ông chỉ huy đều thuộc B16, do Thiếu tá Lê Tất Biên làm chỉ huy trưởng, sau này lên trung tá.
Tôi xin kể về 3 trại mà ông có nhiều kỷ niệm.
 
Trại LLĐB Bù Đốp
Khi mang lon thiếu úy, ông được điều về làm phụ tá (trại phó) cho Đại úy Nguyễn Công Triệu, trưởng trại Bù Đốp. Trại nằm sát biên giới Việt–Miên. Vì thế, binh sĩ của trại Bù Đốp thường đụng trận với lính chính quy của CSBV. Ông kể, ông đã học được rất nhiều từ phong cách chỉ huy và tài thao binh của Đại úy Triệu. Ngược lại, Đại úy Triệu cũng thấy được khả năng chỉ huy và làm việc có trách nhiệm của ba tôi. Hai ông cùng làm việc với tâm đầu ý hợp đã khiến trại Bù Đốp là nỗi ám ảnh biên giới lớn nhất cho CSBV. Chúng tìm mọi cách để giết chết hai người.
Ngày ông được lên trung úy đó là ngày đau thương mà ông phải chứng kiến. Sáng hôm đó, một số binh sĩ cùng thân nhân và số thường dân trong trại như cô giáo lên xe GMC chạy ra thị xã gần nhất để mượn đũa, chén và đĩa, nhân tiện mua một số đồ ăn để về làm tiệc rửa lon trung úy cho ông. Xe chạy một quãng đường thì bị nổ tung, khiến tất cả mọi người đều chết, duy trừ một binh sĩ đeo theo hông của xe sống xót. Sau khi điều tra, thì được biết là CS đã gài lựu đạn theo nhành cây ven lối mòn và xe chạy vướng vào và bị nổ. Thế là bữa tiệc lên lon của ông đã trở thành đám tang cho một số binh sĩ và một số thường dân vô tội có mặt trong trại Bù Đốp. Ông đã tâm sự với tôi trong nỗi buồn là ngày mình lên lon, lại chính là ngày mang đến đau thương cho nhiều gia đình.
Có phải những gì ông chứng kiến, đã hun đúc sự căm thù CS và ý chí gan lì chống CS của ông, một người lính LLĐB để tạo nên nhiều thành tích tại mặt trận sau này?
 
Trại LLĐB Ka Tum
Đầu năm 1968, qua lời tiến cử của Đại úy Nguyễn Công Triệu, Trung tá Phạm Duy Tất đã chọn ba tôi, từ danh sách 4 sĩ quan được đề cử, về làm trưởng trại LLĐB Ka Tum. Phụ tá cho ông là Trung úy Đặng Ngọc Quỳ. Với cương vị trưởng trại, đã đem đến cho ông nhiều hãnh diện trong cuộc đời binh nghiệp, ông không những lo chỉ huy hành quân tác chiến mà còn chăm lo đến đời sống gia đình của quân nhân sống trong trại.
Khi cường độ cuộc chiến lên cao, CS tìm mọi cách xua quân thật nhiều từ Bắc vào Nam dọc theo biên giới, vì thế các trại LLĐB luôn là chướng ngại vật cho sự chuyển quân của CSBV. Chúng đã tung những sư đoàn (CS ngụy danh gọi là công trường) đánh vào các trại LLĐB. Trại Ka Tum là một trong những trại CSBV nhắm vào. Qua kinh nghiệm tác chiến và chỉ huy, ông đã gây tổn thất lớn cho CSBV trong phạm vi của trại kiểm soát.
Để giữ an ninh cho trại, ông ra lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối. Mọi di chuyển sau 7 giờ đều bên dưới giao thông hào. Ai đi bộ bên trên, thì bị bắn bỏ. Ngoài ra, ông tự lập hệ thống mìn claymore xung quanh trại và được điều khiển từ hầm chỉ huy.
Vào trưa ngày X, CS đã pháo kích liên tục vào trại Ka Tum. Chúng đã dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” để tấn công trại, và tung vào 2 trung đoàn của Công Trường 7 và 9 cùng một số đơn vị biệt lập yểm trợ. Tối hôm đó, lính CS đã tràn vào một mặt trại. Ông đã bình tĩnh chỉ huy đánh cận chiến ngay bên trong, một mặt điều khiển hệ thống mìn cho nổ khi CS lọt vào bẫy mìn, mặt khác gọi pháo binh bắn thẳng vào các vị trí phòng thủ bên ngoài nơi CS tiến vào. Giao tranh dữ dội, đến rạng sáng thì ông đánh bật được các trung đoàn CS ra khỏi căn cứ khiến chúng phải tháo chạy về bên kia biên giới.
Khi trời đã sáng hẳn, tiếng súng đã yên, binh lính của trại lục soát và bắt được 14 tù binh, với những khuôn mặt non choẹt, nhỏ nhất là 12 tuổi và tất cả là dân Miền Bắc. Những tù binh này cho biết là họ không dám rút lui vì sợ đạp mìn hoặc trúng đạn, nên nằm yên tại chỗ là an toàn nhất. Hơn nữa, họ xâm nhập vào Nam theo đoàn quân, không quen biết địa hình ở MN. Điều đó cho chúng ta thấy, vì mưu đồ xâm chiếm, CS vô nhân đạo đã dùng tới trẻ em cho cuộc chiến. Những đứa trẻ 12, 13 tuổi, ở tuổi háo thắng, ăn chưa no, lo chưa tới, suy nghĩ còn nông cạn, vậy mà bị CS tuyên truyền đưa vào cuộc chiến. Ngoài bắt được tù binh, khoảng 135 xác VC đếm được nằm khắp nơi trong và ngoài trại. VC đã để lại hơn 100 vũ khí các loại, cùng nhiều lựu đạn và chất nổ. Trong khi đó lực lượng của trại Ka Tum, vừa tử trận và bị thương chưa tới 10 người.
Khi lửa khói của trận chiến chưa tàn và xác giặc còn nằm ngổn ngang, Trung tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh QK3 đã đáp trực thăng xuống đây. Ba tôi đã dẫn Tướng Trí đi xem bãi chiến trường. Đi một hồi, Tướng Trí nói:
– “Thôi được rồi em, anh xem vậy đủ rồi.”
Tướng Trí đã khen ngợi ba tôi và toàn thể binh lính của trại Ka Tum. Tin vui chiến thắng của trại LLĐB Ka Tum đã được điện về BCH C3, về Quân Đoàn III, và về Bộ tổng Tham Mưu. Trại Ka Tum được tưởng thưởng Huy Chương Anh Dũng Bội Tình Cấp Quân Đội với nhành dương liễu. Ông được đặc cách lên lon tại mặt trận, nhưng bị trở ngại trong quân bạ, nên ông lại nhận thêm Anh Dũng Bội Tinh cấp Quân Đội với nhành dương liễu. Về phía LLĐB Hoa Kỳ, ông được tưởng thưởng Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng – Bronze Star Medal with V (Valor). Để nêu cao tinh thần chiến đấu của Quân Đội, trong bài diễn văn trên đài phát thanh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ca ngợi chiến thắng của trại LLĐB Ka Tum và nêu tên ba tôi, Trung úy Nguyễn Minh Đường. Chiến thắng Ka Tum là niềm hãnh diện lớn cho ông. Qua trận chiến đó, ông đã được diện kiến và được khen ngợi từ Tướng Trí và được TT VNCH nêu tên trên đài phát thanh.
Trại LLĐB Đức Huệ
Ông về làm trưởng trại LLĐB Đức Huệ vào năm 1969, khi đó ông đã lên đại úy. Cùng năm, ông lập gia đình với mẹ tôi. Năm sau, tôi ra đời và được đặt tên là Nguyễn Minh Hùng Biên. Ông cho tôi biết, Hùng Biên là ám danh đàm thoại của ông khi ở C1. Hùng Biên có nghĩa là “Anh Hùng Nơi Biên Giới”.
Vào tháng 3/1970, Trung tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Khu 3, đã mở chiến dịch Toàn Thắng với các cuộc hành quân lớn qua Campuchia, đánh thẳng vào chiếu khu D, vào cơ sở hậu cần của CSBV. Trại Trà Cú và trại Đức Huệ, là hai trại nằm sát biên giới, đã tham gia vào cuộc hành quân lớn này. Đại úy Nguyễn Mộng Hùng, TĐT TĐ64 BĐQ Biên Phòng ở trại Trà Cú và Đại úy Nguyễn Minh Đường, TĐT TĐ83 BĐQ Biên Phòng ở trại Đức Huệ đã chỉ huy đánh một mũi vào Campuchia. Lực lượng hành quân của 2 tiểu đoàn BĐQ BP đã được đổ bộ bằng trực thăng xuống chiến trường thuộc mật khu Ba Thu của VC.
Sau một tháng rưỡi truy lùng và diệt địch, hai tiểu đoàn BĐQ BP đã đánh tan nát hậu cứ của CS, đã triệt hạ cả trăm Việt cộng, và khám phá ra các kho vũ khí đủ loại từ cá nhân đến cộng đồng, trên 1,500 khẩu. Một số lớn súng đạn được phát giác trên những thửa ruộng. CS đã bỏ súng đạn trong bao và chôn trên các thửa ruộng, nhưng tình cờ đạn pháo cày tung lên khỏi mặt đất. Ông đã giao một phần vũ khí cho QK3, một phần ông gởi tặng cho các đơn vị và các sĩ quan. Ông đã chỉ huy trực thăng tải vũ khí thu được và thường dân ra khỏi vùng lửa khói. Có một số kiều bào VN muốn nhờ ông giúp cho gia đình và tài sản ra ngoài, khi xong họ sẽ trả cho một số tiền lớn. Ông đã từ chối và ra lệnh trực thăng chỉ chở vũ khí, tải thương, người già, phụ nữ và trẻ em. Ông tâm sự với tôi, nếu là người không có đạo đức và ham tiền, họ có thể nhận chở kiều bào và tài sản của họ, nhưng ông thì không làm điều đó.
Để ghi lại cuộc đời chinh chiến của mình. Ông đã đặt tên cho những đứa con sau tôi là: Nguyễn Thị Đoan Thùy, Nguyễn thị Đoan Trang, Nguyễn Minh Hùng Cương, và Nguyễn Thị Đoan Trâm. Tên tôi và hai người em ghép lại là: Biên Thùy và Biên Cương.
Sau này, ông được chuyển về làm sĩ quan tham mưu một thời gian và thường được lên xử lý thuờng vụ cho các trại Biệt Động Quân biên phòng. Đại tá Chuẩn ra công lệnh cho ba tôi lên thay Thiếu tá Nguyễn Mộng Hùng, nắm trưởng trại Lộc Ninh (Tiểu Đoàn 74 BĐQ). Khi ba tôi lên tới Biên Hòa, chờ trực thăng bốc lên trại Lộc Ninh, thì được biết Lộc Ninh bị thất thủ và Thiếu tá Hùng bị mất tích. CS đánh chiếm được Lộc Ninh, thừa thắng xông vào An Lộc. Không ngờ, An Lộc là mồ chôn xác Cộng sau này. Khi mặt trận An Lộc diễn ra, BCH BĐQ QK3 thành lập Bộ Chỉ Huy Tiền Phương BĐQ cho mặt trận An Lộc, ba tôi với cấp bậc thiếu tá được đưa lên nắm Chỉ Huy Trưởng BCH Tiền Phương. Sau mặt trận An Lộc, ông được thuyên chuyển về Liên Đoàn 4 Tổng Trừ Bị của BĐQ. Ngày về Liên Đoàn 4, ông lên trình diện Đại tá Vũ Phi Hùng. Đại tá Hùng nói:
– Anh Đường, các tiểu đoàn đều có tiểu đoàn trưởng. Thôi anh tạm nắm Trưởng Ban 2. Khi nào có chỗ trống, tôi sẽ đưa anh lên nắm tiểu đoàn trưởng.
Ba tôi trả lời:
– Đại tá đừng bận tâm. Tôi đã từng nắm trưởng trại LLĐB và tiểu đoàn trưởng.
 
Vùng II Chiến Thuật
Liên Đoàn 4, có thời gian ngắn về bảo vệ Sài Gòn. Đó là thời gian ông có dịp gần gia đình nhất. Sau đó, Liên Đoàn 4 được đưa lên Vùng 2. Khi tiểu đoàn phó của Tiểu đoàn 43 BĐQ bị thương, Đại tá Hùng liền đưa ông lên thế. Qua phong cách chỉ huy, ông được các binh sĩ ở tiểu đoàn thương mến. Họ nói với ông là cách chỉ huy và làm việc của ông và Đại úy Giang Văn Xẻn thật giống nhau. Tại đây, Liên Đoàn 4 thường đụng trận với Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Dù ở cương vị tiểu đoàn phó, ông được Đại tá Hùng tin cậy và giao nắm cánh quân chính diện của tiểu đoàn và toàn quyền chỉ huy cả lực lượng thiết giáp tăng phái. Ông đã cùng Tiểu đoàn 43 tạo nhiều chiến công trên các mặt trận ở Quy Nhơn, Bình Định. Ông kể, Sư Đoàn 3 Sao Vàng rất sợ đụng trận với LĐ4 BĐQ.
 
Vùng IV Chiến Thuật
Vào đầu năm 1975, ông được thuyên chuyển về Vùng IV Chiến Thuật, nắm chi khu phó chi khu Phong Phú, tiểu khu Phong Dinh (Cần Thơ). Với cương vị chi khu phó lo về an ninh, ông đã cùng Trung tá quận trưởng đập tan các sào Huyệt của CS trong vùng kiểm soát. Ông đã có dịp gặp, họp hành quân, và bàn về an ninh trong vùng với Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp, tỉnh trưởng và hai Tướng tư lệnh Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng. Những ngày tháng cuối cùng của năm 1975, Đại tá Tỉnh trưởng cho ông biết là ông có tên trong danh sách lên Trung tá và đi làm Quận Trưởng. Ngày đó chưa đến thì QLVNCH bị đồng minh bỏ rơi và bức tử. Ông và hầu hết các sĩ quan ở Quân Khu IV đã cầm súng chiến đấu tới giờ thứ 25, khi được tin cả 2 vị Tướng tư lệnh của QK4 đã tuẫn tiết.
 
Lao Tù cộng sản
Như các quân nhân khác của QLVNCH, ông đã chịu cảnh lao tù CS. Ông bị đưa ra Bắc, ở trại tù Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, rồi trại K3 ở Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Những năm tháng lao tù, đủ bệnh tật, bị lao động khổ sai, thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng ông vẫn giữ khí phách của người lính QLVNCH. Ông không tỏ ra hèn nhát, luồn cúi. Vì thế, ông đã bị cai tù CS đá vào ngực và ọc ra máu. Vết máu bầm đó đọng lại trong phổi và cản trở ông và gia đình không xuất cảnh theo diện HO đúng hạn kỳ, vì bị bắt uống thuốc ngừa bệnh phổi. Đối với bạn tù, ông hòa nhã và bảo vệ người yếu thế. Chính khí khái của ông, mà bạn tù cùng phòng với ông đã dùng ông làm vật chắn. Ông kể, khi đi lao động về, vào phòng giam, ông hỏi:
– Ai sẽ chia cục xà bông đá với tôi?
– Anh sẽ chia với thằng C. Một người bạn tù lên tiếng.
Thì ra, không ai dám chia với bác C ấy. Ba tôi kể, bác C ấy làm “ăng–ten” cho cai tù CS và ăn hiếp bạn tù, nên mọi người đều ghét và sợ va chạm với nhân vật này. Với ai, chớ với ba tôi thì nhân vật này không dám đụng tới vì ông ta biết rằng ba tôi gốc LLĐB, gan dạ, liều lĩnh, nói là làm. Ba tôi đã đòi hỏi phần của mình. Cuối cùng, chính nhân vật này phải cắt cục xà bông đưa cho ba tôi. Ba tôi thường dạy chúng tôi rằng, “Mình không nên ăn hiếp người yếu hoặc thấp nhỏ hơn mình. Ngược lại, nên bảo vệ cho họ.” Đúng vậy, khi ở tổ ra rừng đốn củi, ông thường dành khiêng phần gốc cây để phần ngọn nhẹ cho bạn tù.
Có phải cái duyên của trời đất, đã cho ông và bác Giang Văn Xẻn gặp nhau trong cảnh lao tù ở Yên Bái. Khi cùng đi tắm ở một con suối, bác Xẻn thấy ông mặc áo rằn ri, trên túi áo có hàng chữ Đường. Bác Xẻn hỏi:
– Anh có phải là Đường, từng nắm Tiểu Đoàn Phó 43 BĐQ không?
Ba tôi ngạc nhiên và hỏi ngược lại:
– Vậy anh có phải là Xẻn không?
Trong chiến tranh hai ông chưa hề gặp mặt, chỉ biết nhau qua những lời ngợi khen của binh sĩ tiểu đoàn về vị này, về vị kia. Từ đó, tình bạn của hai ông được thắt chặt hơn cho mãi đến sau này. Ba tôi nói cho chúng tôi biết về bác Xẻn là người bạn tốt. Trong tù, trong lúc thiếu ăn, ăn độn bo bo và cơm, ba tôi đau răng khó nhai vậy mà bác Xẻn nhường cả phần cơm của bác cho ba tôi ăn.
Ông đã bị giam 10 năm tù. Ông cũng như những người bạn khác, được thả từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn hơn, nơi gia đình ông cũng đang chịu chung cảnh tù đày, không có quyền tự do ngôn luận và đi lại, không có quyền sống theo ý nguyện của mình, và chịu mọi kềm kẹp của hệ thống cai trị độc quyền của chế độ CSVN. Tới 1995, ông và cả gia đình mới được đi ty nạn chính trị tại cao nguyên tình xanh, thành phố Seattle, Tiểu Bang Washington.
Sau khi định cư tại Seattle, ngoài việc giúp gia đình sớm ổn định và hòa nhập vào cuộc sống mới trong xã hội văn minh, tự do và dân chủ, ông bước ngay vào các sinh hoạt cộng đồng, tham gia các hội đoàn đấu tranh chính trị cho một VN không CS. Ông đã tìm lại với những chiến sĩ cùng binh chủng với ông năm xưa cùng một số người đứng ra vận động thành lập Hội Lực Lượng Đặc Biệt Tiểu Bang Washington. Ông được bầu làm Hội Trưởng Hội LLĐB đầu tiên và làm suốt hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông cũng được bầu làm cố vấn của Hội Biệt Động Quân khi đó.
Với tính tháo vát, năng động, và uy tín trong quân đội, ông được mời vào nhiều tổ chức chống Cộng. Ông có mặt hầu hết các sinh hoạt chính trị tại địa phương. Cái CS sợ nhất là sự đoàn kết, vì thế CS tìm mọi cách đánh phá và bôi nhọ các hội đoàn và các cá nhân, để làm nhụt ý chí đấu tranh chống Cộng. CS và tay sai CS đã thất bại, vì chúng đã không đánh gục được ông. Ông vẫn hiên ngang trên các cương vị của mình, như là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia TB WA và hơn hết là ông luôn sát cánh với các tổ chức chống Cộng khác, như Ủy Ban Chống Cờ VC. Với ông, CS và tay sai CS là kẻ thù chính, còn những bất đồng trong các tổ chức đấu tranh chỉ là chuyện nhỏ, ông không xem nặng. Ông luôn hòa nhã với mọi người, không dèm pha, không nói xấu, hoặc không tiếp lời nói xấu một ai. Theo ông, người Quốc Gia không nên bươi móc và đánh người Quốc Gia, chỉ có CS và tay CS mới đối xử với người Quốc Gia như vậy.
Bao nhiêu lời, tôi cũng chưa thể nói hết về ông. Nhưng tôi hy vọng là đem đến cho các bạn hình ảnh về người lính của QLVNCH. Chắc các chiến hữu vào sanh ra tử với ông, từng ở lao tù CS với, từng sinh hoạt các tổ chức, hội đoàn và cộng đồng với ông sẽ minh chứng cho những gì tôi viết về ông hôm nay. Lời văn bên trên có dông dài, nhưng nó có thể gói gọn trong những ý sau đây.
– Là người thương nước yêu dân, ông đã tình nguyện vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và đã tình nguyện về với binh chủng LLĐB, để cho ông có cơ hội trấn thủ biên cương bảo vệ bờ cõi và nền Tự Do, Dân Chủ và Hạnh Phúc của Miền Nam VN.
– Ông đã là người lính can trường, xông pha nơi miền giới tuyến, đã đem lại nhiều chíến công xuất sắc cho đơn vị. Ông đã là vị sĩ quan trẻ nắm trưởng trại LLĐB khi ông mới là chuẩn úy. Cá nhân ông đã được tưởng thưởng nhiều huy chương, nhưng cao nhất là 3 Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh Cấp Quân Đội với Nhành Dương Liễu và 1 Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng (Bronze Star Medal with V) của Hoa Kỳ. Ông đã hụt mất 2 lần thăng cấp tại mặt trận, đổi lại là 2 Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh Cấp Quân Đội với nhành dương liễu.
– Ông đã hy sinh xương máu rất nhiều trong cuộc chiến, bị thương nhiều lần, kể cả hai lần bị thương nặng được tải thương ra khỏi chiến trường. Ông nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Ông kể, trong trận chiến ở đồn điền cao su, ông và người lính ngồi tác xạ ở gốc cây thì bị thụt B40 vào. Người lính của ông bị thương ở ngực, máu ra rất nhiều. Chính ông băng bó vết thương. Người lính đó đã qua đời trên trực thăng tản thương. Qua bao trận, những mảnh đạn pháo vẫn còn nằm lại trên thân thể của ông. Đó [là] lý do mà bác sĩ không bao giờ cho ông chạy máy MRI (Magnetic Resonance Imaging) quan sát bệnh vì sợ các mảnh đạn sẽ di chuyển.
– Ông đã là người lính thương yêu thượng cấp, che chở và bảo vệ bạn đồng cấp và thuộc cấp, là sĩ quan có trách nhiệm và làm tròn các công tác được giao cho. Trong quân ngũ, ông chưa hề đánh mất hoặc bỏ rơi một trại LLĐB nào vào tay CS.
– Ông hãnh diện được Trung tướng Đỗ Cao Trí tới mặt trận khen ngợi chiến công của ông và đơn vị. Ông hãnh diện được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ca ngợi trên bản tin gởi đến toàn dân. Ông cũng hãnh diện đã được Tổng thống tới cạnh giường bệnh trong Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm.
– Ông đã hãnh diện thừa uỷ nhiệm của thượng cấp gắn lon đại úy cho Trung úy Đặng Ngọc Quỳ. Với uy tín và thành tích xuất sắc của mình, ông đã đề cử lên với Trung tá Lê tất Biên và Đại tá Nguyễn thành Chuẩn cho Đại úy Quỳ về làm trưởng trại Thiện Ngôn, sau này là Tiểu Đoàn Trưởng TĐ73 BĐQ Biên Phòng.
– Ông cũng hãnh diện đề nghị cho các hạ sĩ quan LLĐB trở thành các sĩ quan xuất sắc của binh chủng BĐQ.
– Ông là người chồng thủy chung và người cha gương mẫu, luôn chăm sóc và bên cạnh vợ trong các vui buồn. Ông luôn lấy hành động cộng với lời nói để làm tấm gương cho các con soi vào.
– Ông là người chiến sĩ chống Cộng kiên cường từ khi còn trong quân đội, tới trại tù CS, và ra tới hải ngoại này. Ông không chùn bước trước những bôi nhọ và đánh phá của CS và tay sai CS.
Tôi rất hãnh diện và tự hào về tất cả những gì ông đã làm cho Quốc Gia và Dân Tộc, cho gia đình, cho người thân, cho chiến hữu, và bạn hữu của ông.
Tôi cảm ơn ông đã cho tất cả những gì anh em tôi có được hôm nay. Ông cho tôi hiểu biết nhiều hơn về QLVNCH, về những người lính chiến như ông, về những hy sinh xương máu của người lính VNCH.
Tôi cảm ơn ông đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu quê hương, và dân tộc, và hun đúc trong tôi nỗi căm thù CS sâu đậm.
Tôi và gia đình đã ngàn thu vĩnh biệt ông, nhưng những lời di huấn của ông chúng tôi sẽ không bao giờ quên: sống có đạo đức, nhân nghĩa, có tâm lành, biết bố thí, và từ bi hỷ xả.
Chúng tôi rất tiếc là không còn cơ hội để lo cho ông, đem lại niềm vui cho ông. Riêng tôi, tôi sẽ không còn nghe ông kể về đời quân ngũ của ông, về các trận chiến, về các chiến hữu của ông. Nhưng tôi xin ghi nhớ những gì ông đã kể cho tôi.
Ba tôi, người lính VNCH là như thế đó. Ông, cũng như vô số những người lính VNCH khác, là kết tinh của nền giáo dục nhân bản của VNCH. Nền giáo dục đó dạy cho ông nhân cách sống, lòng thương yêu dân tộc, sống ngay thẳng, đạo đức, cương trực, và có trách nhiệm. Ông cũng như vô số những người lính VNCH khác đã được trui rèn trong các quân trường, đã đặt Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm lên trên hết. Chính điều đó, những người lính này đã là những chiến binh có trách nhiệm, gan dạ, và dũng cảm trong cuộc chiến bảo vệ nền tự do và dân chủ của MNVN.
Con đường chống CS ông đi, đã có, đang có và sẽ có nhiều người nối tiếp và chúng ta hãy vững tin vào một ngày không còn chế độ CS trên quê hương VN yêu dấu của chúng ta. Ngày đó sẽ không xa, bạn ơi.
Atlanta, 11/12/2013
Hùng Biên

No comments:

Post a Comment