Tuesday, July 13, 2021

HẬU DUỆ VNCH RẠNG DANH ĐẤT TEXAS

 

Giới thiệu gương thành công của Nguyễn Thị Bích Yến, một Quốc Gia Nghĩa Tử VNCH.
Đại Úy Nguyễn Khắc Thi, sinh trưởng tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi có bà mẹ có con trai bị giặc cắt đầu đêm trước, để tở mờ sáng hôm sau đã “nghẹn ngào không nói một câu, đem khăn gói đi lấy đầu”. Trước ngày nhập ngũ, Nguyễn Khắc Thi phục vụ trong ngành công an của chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Anh bị Việt Minh phục kích giết hụt nhiều lần. Lần nghiêm trọng nhất là anh bị chúng dùng mã tấu chặt phía sau ót tưởng đã mất mạng, để lại một vết sẹo sâu và dài. Sau khi hồi phục, anh liền tình nguyện vào khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (tiền thân của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam). Ra trường vào ngày 1 tháng 6 năm 1954, với một vạch kim tuyến vàng trên vai áo, Thiếu Úy Thi được thuyên chuyển phục vụ nhiều đơn vị trước khi về làm Đại đội trưởng Đại đội Trọng pháo 44 đóng tại Dục Mỹ khoảng năm 1960 (có lẽ là tiền thân của Tiểu đoàn Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, vì lúc đó, Đại Tá Hoàng Xuân Lãm đang là Tư Lịnh Sư Đoàn 23 BB tại Ban Mê Thuột).
Đường binh nghiệp của anh Thi không được suông sẻ lắm, nên cho đến gần cuối năm 1964, anh vẫn còn mang cấp Trung Úy, dù đã chuyển qua binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt ưu tú, đầy hào hùng. Anh làm Trưởng một trại LLĐB cấp A tại vùng biên giới thuộc Quân Khu 4.
Trong một trận đánh và bị địch phục kích, Trung Úy Thi bị đạn vào đùi trên, nơi có các động mạch lớn và khó thể cầm máu. Trong khi chờ đợi tải thương, do máu ra nhiều, Trung Úy Nguyễn Khắc Thi đã trút hơi thở cuối cùng, hy sinh đền nợ nước. Anh để lại một vợ trẻ, và một bầy con bảy cháu mà cháu lớn tuổi chỉ mười ba; cháu út vừa sinh chưa thấy mặt cha.
Người góa phụ, Đỗ Thị Bích Nhạn, tuổi chưa đến 30, bao năm vò võ thay chồng chăm sóc đàn con. Vì anh đi chiến trận nay đây mai đó, chị phải thuê căn nhà xập xệ trong một hẻm nhỏ lầy lội trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn để ở. Lương nhà binh không đủ cho bản thân, nói chi đến gia đình đông đúc. Vì thế, chị phải xuôi ngược, mở quán, làm thêm thức ăn bỏ mối để lo cho các con.
Sau khi anh hy sinh, gia đình hoàn toàn lâm vào cảnh cùng khốn. Nhưng chị quyết không để sự hy sinh của anh thành uổng phí. Chị đã tiếp tục làm ăn khổ cực, quyết cho các con tiếp tục ăn học. Được Quân Đội cung cấp một chiếc C-47 đưa thi hài anh về quê quán tại làng Lễ Môn, quận Gio Linh chôn cất chu đáo xong, chị lăn xả ngay vào cuộc sống mới. Vừa lo sinh kế, vừa để khuây khỏa nỗi mất mát lớn lao.
Năm 1965, chị được Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt giúp đỡ cho thầu Câu Lạc Bộ tại Trung Tâm Huấn Luyện Động Ba Thìn (dưới quyền Thiếu Tá Phạm Duy Tất, sau này là Đại tá Chỉ Huy Trưởng C2, rồi BĐQ vùng 2). Gia đình được cấp một căn trong Cư Xá Lê Văn Duyệt gần Bộ Tư Lệnh LLĐB tại Nha Trang. Căn bên cạnh dành cho các chị Nữ Trợ Tá Xã Hội LLĐB. Vì thế, các cháu phần nào cũng được sự săn sóc của các chị Trung Uý Nguyễn Hồng Đào, các Trung Sĩ Phan Thị Liên, Nguyễn Thị Nương, chị Thạch… Chị làm đủ nghề, ngay cả việc nhận giặt áo quần cho binh sĩ Hoa Kỳ thuộc Liên Đoàn 5 LLĐB.
Cháu đầu lòng, Nguyễn Thị Bích Yến, từ đây thay mẹ chăm sóc đàn em nheo nhóc. Có nhiều ngày, bảy chị em chỉ lót lòng chén cơm nguội chan nước mắm để đi học. Nhưng sớm ý thức hoàn cảnh của mình, nên các cháu đều chăm lo học hành.
Ba chị em đầu được nhận vào trường Trung Học Quốc Gia Nghĩa Tử tại Sài Gòn. Dù trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc, khó khăn về kinh viện, sự săn sóc của chính phủ và Quân đội VNCH có thể nói là rất chu đáo để đến đáp lại sự hy sinh cao quý của người quân nhân.
Năm 1972, người góa phụ đảm đang đã cố gắng làm thêm việc kiếm thêm tiền, hy sinh hạnh phúc của mình để lo cho Bích Yến đi du học tại Hoa Kỳ.
Bích Yến tốt nghiệp trường Đại Học Texas tại Austin, là một trong 10 trường đại học công lập nổi tiếng nhất tại Mỹ. Cô nhận văn bằng Kỹ sư Hóa Học năm 1977 và khởi nghiệp là công chức của City of Austin. Sau đó, cô được hãng Motorola thu dụng và làm việc tại đây cho đến ngày nay.
Ngay từ năm 1980, Bích Yến đã được công nhận về những phát minh trong kỹ thuật bán dẫn CMOS (complementary metal oxide semiconductor) cho các sản phẩm IC (integrated circuit) tiên tiến. Cô có nhiều công lớn trong việc chuyển các phát minh ra ứng dụng trong sản xuất, mà đã tạo cho Motorola một thế đứng rất cao trong việc cạnh tranh về kỹ thuật với các hãng lớn khác. Từ những năm cuối thế kỷ 20, Bích Yến đã là một trong những chuyên viên thượng thặng của hãng. Cô lãnh đạo một nhóm chuyên viên của bốn phòng nghiên cứu thí nghiệm để phát triển các thành phẩm mới trong lãnh vực áp dụng kỹ thuật cấp nano (tức 1 phần ngàn của micro). Tổng cộng, Bích yến có trên 100 bằng sáng chế, va nhiều bằng sáng chế đang được cứu xét. Bích yến cũng được mời di thuyết trình về kỹ thuật bán dẫn CMOS hiện tại và trong tương lai tại các trường đại học và các hội nghị tại nhiều quốc gia.
Với những thành tựu đó, Bích Yến đã được các vinh danh và phần thưởng như sau:
 • Được đề nghị là Nữ Kỹ sư xuất sắc trong hai năm 1987 và 1989 (Nominations for the Woman Engineer of the Year)
• Là nữ chuyên gia đầu tiên của Motorola/Freescale nhận giải Sáng Chế Xuất Sắc (Distinguished Innovation award in 1991 and Master of Innovation in 1993).
• Được bầu vào Hội Đồng Cố Vấn Khoa Học từ năm 1992. (Motorola Science Advisory Board Associate (SABA).
• Recipient of the High Impact Technology Award in 1997.
Năm 2001, cô được trao giải cao nhất của hãng. Đó là giải Dan Noble Fellow.
Qua năm 2004, cô được chọn để trao giải Woman of Color Technology Award.
Nhưng trên tất cả những thành tựu trong nghề nghiệp, Nguyễn Bích Yến đã thành công trong việc lo cho me, các em gái và em trai vừa vượt biển, vừa theo chương trình đoàn tụ để cùng nhau đến bến bờ tự do cũng như tạo mọi điều kiện vật chất, khích lệ tinh thần cho các em tiếp tục học hành thành đạt.
Đối với Cộng Đồng, Bích Yến cùng chồng là Kỹ sư Trần Ziệp có nhiều đóng góp cho các chương trình trợ giúp những người Việt mới định cư. Cô rất sốt sằng tham gia vào nhiều công tác của các hội đoàn, nhất là các hội đoàn thiện nguyện của Phụ Nữ. Năm 1999, Ban Chấp Hành Cộng Đồng Austin đã ghi công của cô qua việc trao tặng bằng tuyên dương cá nhân xuất sắc. Vừa qua, Bích yến đã được Tạp Chí Phụ Nữ Cali phỏng vấn, giới thiệu.
Bích Yến là một tấm gương rất tốt cho các em thế hệ 1.5 và thế hệ 2; nhất là đối với các con em của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Vì chắc chắn, nơi suối vàng, vong linh các anh hùng tử sĩ cũng hãnh diện và an lòng rằng sự hy sinh của họ cũng có nhiều ý nghĩa.
Nhân ngày Father Day năm nay, chúng tôi xin giới thiệu gương thành công của Nguyễn Thị Bích Yến làm quà kính tặng các bậc làm cha, nói chung; và các chiến sĩ VNCH nói riêng và ước mong các em, các cháu thế hệ 1.5, thế hệ 2 sẽ nghĩ đến cha anh mình mà luôn thăng tiến, thành đạt để góp sức trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ sớm vãn hồi trên quê hương.
Và cũng xin dành kính tặng các cựu SVSQ Khóa 10 Trần Bình Trọng, nhân kỷ niệm 55 năm ngày quý anh mãn khóa (1/6/1954 – 1/6/2009) để tưởng nhớ đến một đồng môn của quý anh: cố Đại Úy Nguyễn Khắc Thi.
Đỗ Văn Phúc.

No comments:

Post a Comment