Monday, August 15, 2022

CHƯƠNG III NGÀY CHÚA NHẬT 27 THÁNG 4 Vĩnh Biệt Sàigòn - Jean Lartéguy + Phạm Kim Vinh

3 giờ 30 sáng. Tôi thức giấc vì những trái hỏa tiễn nổ làm rung chuyển thành phố. Một trái nổ nghe quá gần. Tôi nhìn qua cửa sổ. Kèn xe chữa lữa và xe cứu thương. Những cột khói bốc lên ở xa. Không đi ra ngoài được vì có giới nghiêm. Tôi không thể ngủ lại được. Nhân vật Thiệu tiếp tục ám ảnh tôi. Cho đến phút chót, hắn vẫn không hiểu rằng người Mỹ không còn muốn nghe nói tới hắn hoặc nói tới Việt Nam nữa. Và Graham Martin, Đại sứ Mỹ đã nuôi hắn trong ảo tưởng đó, ta hãy dùng đúng chữ: sự điên rồ.

Thiệu bám lấy các ý tưởng này. Hắn tuyệt đối muốn rằng quốc hội Mỹ cho hắn 300 triệu mỹ kim viện trợ bổ túc, tuy rằng ngân khoản ấy sẽ chẳng làm được gì, sẽ không kịp dùng số viện trợ ấy để mua vật liệu. Hắn chỉ muốn được một cử chỉ có nghĩa là người ta không bỏ rơi hắn, rằng ngựời cha lại đưa tay ra vớt hắn ra khỏi vũng lầy hắn đang ngồi ngóp. 

Dĩ nhiên là nạn hối lộ và thối nát ngự trị khắp nơi. Quân đội của Thiệu đã quen sống xa hoa, phung phí đạn dược vật liệu và xăng nhớt. Nhưng quân đội ấy cũng là một nạn nhân của người Mỹ vì người Mỹ đã để lại cho họ một hạ tầng rất nặng nề về căn cứ, sân bay, kho chứa hàng và cơ xưởng. Chỉ riêng sự bảo trì các cơ sở ấy đã tốn mất một tỷ rưỡi mỹ kim một năm rồi. Và viện trợ Mỹ cứ dần dần cạn. Ngày nay, số viện trợ ấy chỉ còn 700 triệu mỹ kim trong khi viện trợ của Nga cho Hà Nội không ngớt gia tăng - hơn một tỷ rưỡi Mỹ kim - cho năm 1975.

Khi ra lệnh rút lui, Thiệu nhìn về Hoa Thịnh Đốn. Đó không phải là một quyết định quân sự nhưng là một cuộc bắt chẹt chính trị. Khi bỏ một phần lãnh thổ, hắn tưởng đã có thể buộc các nước đồng minh cứ phải can thiệp ồ ạt, phải nối tiếp cuộc chiến bên hắn, phải giữ lời hứa và vì đó hắn đã chịu ký thỏa hiệp Ba Lê. Hắn quên rằng hồi tháng 12-74, người Mỹ đã cho hắn hiểu rằng nước Mỹ sẽ chẳng làm gì khi Phước Bình thất thủ và rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyến máy bay B-52 thả bom xuống các sư đoàn Bắc Việt nữa. Theo ý nghĩa các thỏa hiệp vừa nói, nếu quân chính quy đối phương chiếm một tỉnh và tỉnh lỵ thì người Mỹ có thể can thiệp.

Có thể đã có sự thỏa hiệp như vậy vào tháng 10-1972, sau khi Kissinger đã cố gắng thuyết phục trong hai ngày để Thiệu chịu ký. Có lẽ Tướng Haig đã chuyển cho Tổng thống Nam Việt Nam một (hoặc ba) lá thư của Nixon mang lại “những hài lòng mật”.

Đại sứ Graham Martin chủ trương đường lối gì? Phải chăng hắn đã xui Thiệu khi bảo Thiệu ra lệnh rút lui: “Hãy làm cho quốc hội thấy rằng anh sắp mất tất cả, hãy đánh thức dư luận Mỹ. Hãy buộc nước Mỹ phải giữ những lời mà Tổng thống Mỹ đã hứa”? Người ta nói như vậy.

Thiệu hành động như thể sự thất thủ của các tỉnh không đáng kể nữa. Hắn ra lệnh rút lui, tuyệt đối tai hại trên phương diện quân sự, chẳng cần chú ý tới những hậu quả trên trận địa. Hắn chỉ cần chú ý tới những phản ứng của Mỹ. Hắn không biết rằng người ta không còn muốn nghe nói tới cái xứ Việt Nam “đẫm máu” nữa, rằng người ta coi Việt Nam đã mất rồi, rằng Ngũ Giác Đài đã xóa sổ Việt Nam và rằng người ta coi những tiếng kêu cứu của một dân tộc bị bóp cổ là xấc láo và tại sao dân tộc ấy cứ đòi giúp đỡ. Cái dân tộc ấy phải tự lo và đừng nên quấy rầy cái lương tâm của nước Mỹ khi nước Mỹ đang tái sanh trên những đổ nát của vụ Watergate và đang tìm cách tự thanh trừng. Sau cơ quan FBI đến cơ quan CIA.

Đó là hình ảnh của nước Mỹ, thứ hình ảnh mà Graham Martin không muốn cho Thiệu thấy cho đến lúc chót, lúc mà Martin nhận được lệnh đẩy Thiệu ra ngoài.

Đối với Martin, nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Việt Nam không phải là một nhiệm sở thường, thí dụ như Vọng Các. Martin đã ở đó và đã làm việc khá tốt đẹp. Con trai của Martin đã chết ở Việt Nam và hắn coi cuộc chiến tranh này là một chuyện cá nhân của hắn. Đó là sự lựa chọn tồi nhất trong hoàn cảnh hiện tại.

Martin thay thế Bunker sau khi ký thỏa hiệp Ba Lê, và giữ vai trò người cha già bên cạnh Thiệu, vai trò mà Tổng thống Nam Việt Nam không thể không cần. Và Martin thành công. Thành công quá mức vì rằhg khi đầu độc người khác thì hắn tự đầu độc luôn.

Năm nay 62 tuổi, Martin có dáng dấp rất bệ vệ: thân hình cao dong dỏng, nét mặt từng trải, một thứ cao giá nhưng lại thất bại trong cái không khí tận thế này.

Thí dụ hắn nhất định giữ một cái cây lớn ở phía sau Sứ quán Mỹ, đó là cái cây cản trở sự đáp xuống của trực thăng. Hắn giữ cái cây ấy vì số nhân viên an ninh lợi dụng đêm tối để chặt đi. Có những toán cảm tử sẽ tìm cách lợi dụng ánh trăng để chặt cái cây ấy bằng những cưa nhỏ.

Hắn đã đồng hóa cái cây ấy với Việt Nam. Cũng như Thiệu đồng hóa ngôi mộ của cha Thiệu với nước Việt Nam. Và Martin làm như thế trong khi vẫn giữ bề ngoài của một người ngoại giao lạnh lùng và khả kính. Cũng như Thiệu làm ra vẻ giữ được sự bình tĩnh để che dấu sự điên rồ lúc miền Nam sụp đổ.

Các nghị sĩ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình đã nhận thấy điều ấy và ngày 5-3-75, một người trong bọn họ nói với Ford: “Có một điều mà tất cả chúng tôi đều đồng ý: Đại sứ của chúng ta tại Việt Nam là một tai họa. Ông ta còn cố gắng đứng lại. Về thể chất thì ông ta đang ở tình trạng tồi.”

Graham Martin đang ở đầu giường của con bịnh Nam Việt Nam giống như một thầy thuốc biết con bệnh của mình đã hết thuốc chữa nhưng cứ tiếp tục nói dối để giữ vững tinh thần con bệnh. Thế mà vì cứ lập lại mãi những lời nói dối ấy, thầy thuốc lại bắt đầu tin ở những lời nói dối của chính mình.

Và khi người ta yêu cầu Martin chuẩn bị cuộc rút những người Mỹ thì hắn lại trì hoãn. Hắn không muốn bỏ con bệnh và muốn giữ lại tất cả số nhân viên ở gần hắn.

Một thí dụ khác về bệnh mơ ngủ của Martin: trong khi sự sụp đổ đã hoàn toàn, trong khi hàng ngàn người tị nạn đã lên đường thì hắn gởi về Hoa Thịnh Đốn nhiều bức điện tín dài yêu cầu khẩn cấp “Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế dài hạn cho Việt Nam”.

Bị thiếu ngủ, thần kinh căng thẳng, uống rất nhiều thuốc, trở nên đa nghi và lầm lì, hắn không muốn gặp những người cộng sự nữa. Hắn lên tiếng, hắn hành động nhân danh một thứ nước Mỹ này không còn nữa, một nước Mỹ cam kết ở Việt Nam, nước Mỹ của Nixon, nước Mỹ trước khi có trận hồng thủy, trước khi có vụ Watergate. Cũng như trong bài diễn văn chót, Thiệu có nói tới một Nam Việt Nam không còn nữa với các thỏa hiệp Ba Lê và vài ngày trước khi từ chức, tuy Saigon đã bị vây chặt rồi mà Thiệu còn hứa sẽ chiếm lại những tỉnh đã mất.

Chính trường sắp được khai quang cho Minh Cồ. Tôi đã tới nhà riêng của ông ta. Ông ta lập chính phủ. Hôm hay, tôi phải gặp lại ông ta... nếu toán chuyên viên của tôi tới nơi. Ông ta sẵn sàng đọc một lời tuyên bố.

Khi đi ăn điểm tâm, tôi được biết rằng hối suất đồng mỹ kim là 4.000 đồng.

Ngân hàng Chase Manhattan đã quyết định di tản số nhân viên đi Phi Luật Tân, dĩ nhiên đó là nhân viên cao Cấp. Nhân viên bản xứ được một tháng lương và lời chào bye bye. Có 83 nữ nhân viên làm việc cho ngân hàng này. Bộ “tham mưu” của ngân hàng Mỹ Quốc (Bank of America) đã chuồn rồi và để cơ sở lại cho người Việt Nam quản trị. Thân chủ tới đòi rút tiền ra. Họ đang hoảng hốt. Ngân hàng quốc gia đã cho biết sẽ bảo lãnh các trương mục của họ nhưng vẫn không loại trừ được sự kinh hoàng. Các ngân hàng Mỹ hoạt động tại Saigon đóng cửa mà không cho các thân chủ của họ biết, mà cũng chẳng thông báo cho các ngân hàng Việt Nam có liên hệ giao dịch với các ngân hàng Mỹ. Quyết định tàn nhẫn ấy đã gây ra cơn sốt rút tiền. Trong những ngày cuối tháng Tư, trong vòng bốn mươi tám giờ, người dân Saigon đã rút 40 tỉ bạc, tương đương với sáu mươi triệu mỹ kim.

Ngoại trừ hai hãng máy bay Pháp là Air France và UTA, và trừ hãng Hàng Không Việt Nam, các hãng máy bay ngoại quốc trước đây có trạm tại Saigon đều ngưng trạm hoạt động tại Saigon. Các hãng ấy nói là vì lý do an ninh (Pan Am, China Airline, Cathay Pacific, Singapore Airline và Thái International).

Báo Việt ngữ loan tin:

“Người ta cải chánh tin Tổng thống Hương bị áp lực của các đại sứ Pháp và Mỹ đã phải mời Minh Cồ ra làm quốc trưởng”. Đó là lối đính chánh ngu xuẩn vì Tướng Minh đang lập chính phủ của ông ta.

Một biện pháp lớn đã được đưa ra: “Các công sở sẽ làm việc ngày 1-5”.

Thật ra thì chẳng còn chính phủ nào nữa. Cũng không còn được một nội các để giải quyết các việc thông thường. Cái ông già Hương bám lấy một điều không tưởng.

Ngày hôm qua, ông ta còn đòi nhạc cử bài quốc ca lúc ông đi vào tòa nhà Thượng viện. Ông ta đã được toán lính trong quân phục trắng dàn chào nhưng những đơn vị phục kích mặc áo giáp và đội nón sắt đã phải bố trí ở các ngã đường chung quanh. Sẵn sàng chiến đấu. Cộng quân đã  trong tầm đại bác.

Tôi có mặt trước bài diễn văn của ông ta.

“Tôi yêu cầu quốc hội giúp tôi chỉ định một người khả dĩ thương thuyết được với phía bên kia”. Chỉ còn có Minh Cồ. Nhưng Hương muốn trao quyền cho Trần văn Lắm, Chủ tịch Thượng viện “Vì ông ta thay mặt cho sự hợp pháp của nền cộng hòa”... Ông ta đã ký thỏa hiệp Ba Lê, và nhất là vì Hương không chịu nổi Tướng Minh.

14 sư đoàn Bắc Việt đã ở cửa ngõ Saigon. Trần văn Đôn, ông Tướng có làng Tây cũng lại mon men. Dường như ông ta nói là có tiếp xúc (với bên kia).

Minh Cồ và cái lực lượng thứ ba hoặc “con đường thứ ba" do ông ta đại diện có giá trị gì?

Một vài nhóm có ảnh hưởng nhưng là tặi Ba Lê, như “Các Lực Lượng Tự Do của Việt Nam”, “Các Lực Lượng Dân Chủ Và Hòa Bình”, “Mặt Trận Quốc Gia Cho Hòa Bình và Trung Lập của Nam Việt Nam”, “Hội Phật Tử Hải Ngoại”, “Phong Trào Hòa Giải Quốc Gia” và “Hội Phụ Nữ Quyền Sống Việt Nam”. Tất cả chỉ chừng vài ngàn đoàn viên, phần nhiều là Bộ Tham Mưu. Tôi quên mất cái Lực Lượng Hòa Giải Quốc Gia của Nghị sĩ Vũ văn Mẫu, lực lượng không được đa số tán thành. Chỉ là những nhóm và những hội của những người lưu vong.

Đó là chủ thuyết mơ ngủ, những cái bóng, những sự chia rẽ và những sự cãi cọ cá nhân, nhóm này ganh ghét nhóm kia, đôi khi vì tôn giáo hoặc vì tiền bạc. Ở trên tất cả những thứ ấy có một nhân vật vừa không dứt khoát vừa can đảm, không giật giây nhưng lại muốn để cho người khác lôi kéo: Dương văn Minh.

Ông ta 59 tuổi. Đối với người Việt Nam thì đó là người to con cho nên mới có cái tên là Minh Cồ. Chơi quần vợt giỏi và chú ý tới sự huấn luyện thể chất. Ông ta trồng hoa lan và là một trong những người chơi sành hoa lan và nuôi các thứ cá lạ trong những bể cá tinh vi.

Minh là người thuộc thành phần tiểu tư sản thân Pháp và nói tiếng Pháp của tỉnh Mỹ Tho, tỉnh được Pháp hóa nhiều nhất của Việt Nam cùng với Saigon. Gia nhập quân đội Pháp từ năm 1940, tốt nghiệp thiếu úy năm 1942. Mang cấp Trung tá vào lúc có trận Điện Biên Phủ. Theo học và tốt nghiệp trường Chiến Tranh của Pháp tại Ba Lê. Thăng cấp Tướng năm 1955 và giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng năm 1959. Được coi là một quân nhân tốt, không làm chính trị. Có lẽ tại vì ông ta không làm chính trị nhiều và không chịu gia nhập đảng Cần Lao như nhiều người khác đã dựa vào đảng ấy để leo lên. Và cũng tại vì ông ta được sự ủng hộ của quá nhiều người. Năm 1962, Diệm gạt ông ta ra và cho giữ chức vụ tượng trưng có nhiều thời giờ nhàn rỗi, “Cố Vấn Tại Phủ Tổng Thống”. Sáng nào người ta cũng thấy ông ta chơi quần vợt tại sân Câu Lạc Bộ Thể Thao Sài Gòn. Thường chơi với những cây vợt giỏi của sứ quán Mỹ. Người ta đã quyết định dùng ông để lật đổ chế độ. Nhưng ông ta là người chủ trương sự hợp pháp cho nên người ta phải thúc đẩy ông ta.

Ngày 1-11-1963, ông ta cầm đầu các tướng lật đổ Diệm và khá ngạc nhiên khi tự thấy mình là Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân và Cách Mạng rồi làm Quốc trưởng.

Hồi đó, tôi hay được gặp ông ta. Ông ta rất mong muốn hòa bình nhưng không phải bằng bất cứ giá nào, và mạnh mẽ phủ nhận chiêu bài trung lập.

Tại văn phòng Bộ Tham Mưu, ông ta nói với tôi:

“Phải làm cuộc đảo chánh, nếu không thì chúng tôi sẽ nguy... Làm sao quí vị muốn chúng tôi có hòa bình, muốn chúng tôi đạt tới thỏa hiệp với miền Bắc khi chúng tôi còn ở thế yếu? Thỏa hiệp như thế là để cho chúng tôi bị xé nát. Chủ nghĩa trung lập chẳng có nghĩa gì và chủ nghĩa ấy chưa bao giờ được coi là một lập trường tốt để mà nói chuyện với cộng sản.

Nhưng đối với nhân dân và tuy không muốn nhưng ông ta đã trở thành biểu tượng hòa bình. Ông ta được hoan nghênh ở khắp nơi. Được hoan nghênh ồn ào quá.

Ngày 31-1-64, người Mỹ bực tức nên cột cho ông ta cái tội muốn nói chuyện với miền Bắc, điều ấy không đúng, rồi họ dùng một thứ đồ bỏ là Tướng Khánh để lật đổ ông ta.

Đến cuối tháng Mười, ông ta bị đầy đi Thái Lan. Được coi như một đại sứ nhưng không có chức vụ. Ông ta sẽ ở đó bốn năm, đọc sách nhiều, buồn phiền và ít tiếp khách. Rốt cuộc, đến tháng 10-1968, Thiệu chịu cho ông ta trở về Saigon và đề nghị dùng ông ta làm cố vấn cho Phủ Tổng thống. Đã biết cái trò ấy rồi nên ông ta từ chối. Ông ta không làm chính trị và trở thành một thứ người hiền.

Rồi đến năm 1971, ông ta ra khỏi sự ẩn dật và sau khi do dự rất lâu, ông ta tranh cử tổng thống chống lại Thiệu. Nhưng lại rút lui, viện cớ rằng cuộc bầu cử ấy là một trò hề. Tại Việt Nam và tại toàn thể vùng Đông Nam Á, luôn luôn có cái trò ấy. Luôn luôn có bài ca do dự.

Thiệu đắc cử và Tướng Minh trở lại với hoa lan và với cá. Ông ta tìm cách lấy lại “thân chủ của ông ta” trong giới quân nhân vì về sau, ông ta đã hiểu rằng không có quân đội thì không thể làm được gì. Nhưng ông ta chỉ có thể đưa ra những lời nói tốt trong khi Thiệu trả tiền mặt.

Khi gặp lại ông ta, Tướng Minh giải thích với tôi rằng ông ta ghê tởm chính trị, nhất là khi giới quân sự làm chính trị, rằng ông ta chỉ muốn phục vụ xứ sở và khi nào cần đến ông ta thì lúc nào ông ta cũng có mặt.

Là một quan sát viên sáng suốt, ông ta lại ít khi dứt khoát khi hành động. Ông ta theo lời khuyên của người này người kia. Người ta tưởng rằng ông ta sắp nói, sắp làm gì nhưng rồi ông ta giữ im lặng.

Giờ của ông ta vừa điểm. Ông ta biết rằng lần này, chỉ có ông ta mới có thể không phải là cứu được Nam Việt Nam nhưng ngăn chận được sự tàn phá Saigon. Vì rằng miền Nam Việt Nam chỉ còn có Sài Gòn, một thành phố gồm bốn triệu người và còn bị những người tị nạn bao vây vì người ta không cho họ vào thành phố và còn có những đơn vị cộng quân mà người ta không thể ngăn lại được.

Tôi chăm chú đọc tờ Courier d’Extrême Orient, một trong những thứ tiêu khiển mà tôi ưa nhất. Trong số những lời đính chính và những tin thất thiệt, tôi thấy có lời đính chính ở một khoảng lớn có đóng khung của ông Lê văn Hộ Gustave:

“Trong những ngày gần đây, có những tin đồn phóng đại đã được tung ra hầu làm hại uy tín và danh dự của gia đình chúng tôi. Một vài kẻ xấu mồm đã tung tin rằng có những vụ cướp và hãm hiếp xảy ra tại nhà hàng Roches Noires tọa lạc tại Vũng Tàu. Để trả lời những tin đồn không xứng đáng đối với người lương thiện chúng tôi khẳng định đính chính rằng không hề có cướp hoặc hãm hiếp. Chúng tôi đang sống yên ổn như quí vị. Mặc dầu có những tin đồn ác ý kia, nhà hàng của chúng tôi tiếp tục phục vụ các thân chủ quý mến của chúng tôi như trong quá khứ. Là người mã thượng, tôi tha thứ những tin đồn đưa ra trong những phút lầm lạc và yêu cầu tác giả những tin đồn ấy nên có một chút lý trí và lương thiện để rút lại những lời dối trá ấy, hầu khỏi làm hoen ố gia đình chúng tôi và khỏi phá hoại việc buôn bán của chúng tôi”. Ký tên: Lê văn Hộ Gustave, Giám dốc nhà hàng Roches Noires Vũng Tàu.

Lại một câu chuyện bôi bẩn nhau theo lối Việt Nam mà nếu biết được lý do bên trong thì chắc lý thú lắm.

Ở vài dòng xa hơn nữa:

“71 người đã được di tản từ Saigon đi Tân Gia Ba sau khi sứ quán Anh quốc tại Saigon tạm thời đóng cửa.”

Rồi đến số tử vi cho ngày Chủ nhật 27:

“Hãy lập một chương trình rồi giữ vững lấy nó. Anh sẽ đi tới sự bối rối nếu anh nghe theo quá nhiều người hoặc muốn thực hiện quá nhiều thứ. Một sự thay đổi nhẹ nhàng trong thói quen sẽ có ích. Đời sống vật chất: anh sẽ hơi ngạc nhiên. Không khí không được sáng sủa. Anh tiên đoán những sự thay đổi ấy. Đường lối tốt nhất là hãy sống từng ngày. Đời sống xã hội: anh sẽ bị cám dỗ muốn thay đổi chỗ ở. Đừng đổi chỗ trước Giáng Sinh. Phải tổ chức lại đời sống gia đình của anh. Nếu chưa lập gia đình thì hãy giữ tình trạng độc thân thêm một năm nữa. Gắn bó ngay bây giờ là không hợp lý. Hơi căng thẳng về mặt nhân sự. Anh có một vấn đề cần phải giải quyết, anh sẽ tìm được giải đáp ít ngày trước Giáng sinh. Nếu bình tĩnh và cương quyết thì mọi sự sẽ xong xuôi.”

Christian Hoche của tờ Figaro và Michel Laurent, nhiếp ảnh viên của hãng Gamma, đến ngồi chung bàn với chúng tôi. Họ còn trẻ và đầy hăng hái. Họ cười khi đọc mục tử vi.

Cùng với nhóm Moscardo của hệ thống truyền hình số 1, họ đi coi xem những gì đang diễn ra trên đường từ Xuân Lộc đến Trảng Bom. Chúng tôi vẫn cho toán chuyên viên của chúng tôi tới. Nếu họ tới được thì chúng tôi có lẽ sẽ đi về hướng đó vì theo một vài nguồn tin thì các đơn vị tự vệ Công giáo chiến đấu dữ dội.

Viên Thiếu tá Việt Nam Cộng hòa phải đi theo các, ký giả tỏ vẻ lo ngại. Sau hai ngày ngừng đánh, cộng sản lại vừa tiếp tục tấn công.

Chúng tôi nghĩ rằng miền Nam còn giữ được bốn sư đoàn chính qui, một sư đoàn Biệt Động Quân, một sư đoàn Dù và một lữ đoàn Thiết Giáp. Tất cả chừng 100.000 người đối đầu với 15 sư đoàn Bắc Việt bao vây Saigon từ 18-4 chưa kể các trung đoàn Pháo. Nếu tính bằng con số thì một trăm ngàn người của Bắc Việt đang bao vây. Vậy thì bề ngoài, cuộc chơi không đến nỗi quá chênh lệch. Nhưng quân đội miền Nam đã bị tan rã, mất tinh thần, và lại còn mất đi một phần lớn các cấp chỉ huy và các khí giới nặng.

Coutard và tôi đi về phía bến tàu. Một hỏa tiễn 122 ly đã rớt vào khách sạn Majestic, làm hư hại sân lộ thiên. Tôi biết rằng Tướng Vanuxem, bạn và cố vấn của Thiệu ngụ tại khách sạn này và đang tìm nơi khác.

Sau nhà ga xe lửa trung ương, cả một khu bốc cháy vì có ba hỏa tiễn rớt vào khu này. Có chừng một chục người chết. Người ta nghe tiếng đại bác ở xa xa. Đại bác 155 ly của Mỹ đáp lễ đại bác 130 ly của Nga.

Chúng tôi ăn cua rang muối tại Câu lạc bộ Bến tàu. Chúng tôi tìm hiểu xem tại sao mà quân đội Nam Việt Nam, một quân đội mạnh nhất, được trang bị tốt nhất Đông Nam Á, trang bị bằng một lực lượng không quân hùng mạnh, lại có thể sụp đổ trong vòng một tháng. Ngày nay, quân đội ấy chỉ còn bảo vệ được ngoại ô Saigon sau khi đã mất toàn thể miền Nam trừ vài tỉnh phía Nam nhưng các tỉnh này cũng lại có thể thất thủ bất cứ lúc nào. Những sự kiện và những con số:

Ngày 9-3, sau một đợt lắng dịu ba tháng, vào lúc cộng sản mở cuộc tấn công mang tên là chiến dịch Hồ Chí Minh, đây là các lực lượng đối đầu nhau. Kể như gần tương đương. Nam Việt Nam có 270.000 quân chính qui, 300.000 địa phương quân, 200.000 nghĩa quân nhưng lực lượng này không đóng góp được gì nhiều. Không quân có 60.000 người và hải quân 40.000 trong số đó có 370 chiếc khu trục oanh tạc cơ. Nhưng đáng buồn là chiến cụ lại được bảo trì rất tồi và hơn một phần ba số máy bay phải nằm để sửa chữa.

Sự bất lợi lớn của quân đội ấy:không có trừ bị, vì đã phải dàn tất cả ra trận địa.

Cộng sản có 24 sư đoàn gồm từ 6.000 cho đến 8.000 người cho mỗi sư đoàn (Theo nguyên tắc thì mỗi sư đoàn Nam Việt Nam có 12.000 người). Lại còn có 55 trung đoàn độc lập của chiến xa, pháo binh và hỏa tiễn. Theo tổ chức của Nga. Không có máy bay.

Tóm lại, Nam Việt Nam đưa 270.000 quân để đương đầu với 230.000 quân của Bắc Việt và Việt cộng. Các đơn vị phục kích của Nam Việt Nam rõ rệt là trên chân các đơn vị của Hà Nội, bộ binh thì hơi kém một chút nhưng có khí giới tốt hơn. Xe tăng Nga tốt hơn xe tăng Mỹ nhưng đối với phần còn lại, hai bên ngang nhau, sự yếu kém về thiết giáp của miền Nam được bù lại bằng lực lượng không quần mạnh và nhiều máy bay trực thăng.

Ngang nhau vào lúc bắt đầu thảm kịch. Bộ tư lệnh cao cấp của Nam Việt Nam không có trong khi đối phương có những cấp chỉ huy thiện chiến biết rành binh thuyết Clausewitz, Tôn Tử và Mao Trạch Đông. Ở sau họ có cả một quá khứ chiến tranh lâu dài và một ông thầy uy tín, Võ Nguyên Giáp. Giáp đau và mệt mỏi nhưng vẫn là hắn điều khiển.

Tại miền Nam, không có Bộ Tham mưu. Thiệu đã loại bỏ Bộ tham mưu vì sợ đảo chánh. Sự thăng cấp tướng là vì lý do bồ bịch hoặc hối lộ. Chủ nghĩa độc tài ở khắp nơi. Chiến lược của Thiệu rất giản dị: giữ vững tất cả lãnh thổ để Việt cộng không thể chiếm một miếng đất nào lập chính phủ. Chiến lược ấy đòi hỏi rất nhiều quân để dàn ra.

Địa phương quân được giao nhiệm vụ lãnh thổ và lực lượng có phẩm chất tầm thường và các tư lệnh vùng lại dùng quân chính qui để giữ đất đai đó, do đó, tự chặt mất lực lượng trừ bị. Quân chính qui phải đảm nhiệm những nhiệm vụ nặng nề và giữ vai trò cảnh sát. Giữ cầu, đường, đèo, và thành phố. Trái lại, cộng quân có thể điều động khắp nơi bất cứ lúc nào và tập trung quân dễ dàng. Ở khắp nơi, cộng quân giữ thế công. Ở khắp nơi, quân miền Nam bị cột vào vai trò phòng thủ.

Từ năm 1972, quân đội Saigon chiếm đóng các căn cứ và không nhúc nhích nữa, ngay cả đối với Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân. Trừ các đơn vị Nhảy Dù, các lực lượng khác nằm bất động. Khi đóng đồn, các đơn vị nằm yên một chỗ tới ba năm. Gia đình lớn nhỏ kéo nhau tới ở chung. Trong các trại giống như những bức thành bằng vỏ ốc, người ta nuôi gia súc, trồng rau, buôn bán nhỏ, gạt bỏ mọi hoạt động quân sự nào mà người ta coi là nặng nhọc quá: tập dượt, tăng cường sự phòng thủ, điều động. Như thể là người Mỹ vẫn còn ở đó, sẵn sàng can thiệp nếu có chuyện gì xảy ra.

Cuộc tấn công của cộng sản có mục tiêu thứ nhất là cắt đứt vùng cao nguyên ngang với Ban Mê Thuột rồi chiếm Pleiku và Kontum. Cắt được miền Nam làm hai rồi thì sẽ chiếm Huế và Đà Nẵng. Nhưng đó là dự trù cho tháng Mười. Nếu đợt tấn công đầu tiên thành công thì các viên tướng của Hà Nội dự tính cho hết mùa mưa để đến năm tới mới bao vây Saigon. Nếu mọi sự tốt đẹp thì Hà Nội mong chiếm được Saigon vào tháng 5-1976.

Cộng sản chờ đợi những thiệt hại rất nặng và tin rằng quân của Thiệu sẽ kháng cự mạnh.

Tết 1968, cộng sản đã phân tách tình hình quá lạc quan, còn lần này thì chúng lại quá bi quan.

Ngày 9-3, cộng quân cắt các trục lộ, đường 19 nối Qui Nhơn với Pleíku, đường 21 giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang. Trong đêm 9 rạng ngày 10, Ban Mê Thuột bị tấn công. Sáu sư đoàn Bắc Việt đánh ba sư đoàn Nam Việt Nam.

Trong khung cảnh ấy, người ta được biết vụ ám sát Paul Léandri, Phó Trưởng phòng Thông tấn của hãng AFP tại Saigon.

Ở Saigon, mãi tới ngày 12 tháng 3 người ta mới được biết cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột. Người ta không biết các chi tiết. Léandri đánh đi bức điện tín sau đây:

“Một Linh mục Việt Nam, nhân chứng bằng mắt những cuộc chiến đấu tại Ban Mê Thuột, đã xác nhận hôm thứ Tư tại hãng AFP rằng cuộc tấn công vào Ban Mê Thuật là do các lực lượng người Thượng tự nhận là thuộc nhóm Fulro (Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Các Chủng Tộc Bị Áp Bức, Front Uniflé Pour La

Libération Des Races Opprimées) và các đơn vị của Mặt trận Giải Phóng miền Nam thực hiện. Linh mục này trốn được khỏi Ban Mê Thuột và nói rằng giao tranh đã khởi đầu lúc ba giờ sáng. Dân chúng tưởng rằng đây là một cuộc nổi dậy của người Fulro giống như hồi 1963 và 1964. Lúc đầu, dân trong tỉnh không hoảng hốt và có tới 70% dân số là người Thượng. Nhưng đến lúc bình minh thì có thêm những đơn vị Việt cộng có chiến xa đã nhập cuộc. Theo Linh mục nói trên thì không hề có quân Bắc Việt mà chỉ có quân Fulro và các đơn vị của Việt cộng, tất cả thuộc các trung đoàn địa phương. Lúc đầu, dân chúng chỉ muốn chạy ra các khu rừng lân cận. Một số thoát được, một số khác bị chết vì đạn. Vì cường độ giao tranh gia tăng, các gia đình đành ngồi yên trong nhà và dùng đồ đạc để chặn các cửa ngõ. Linh mục nói rằng nhà thờ và nhà của dân bị hư hại vì trái phá. Tình hình yên tĩnh tại các đồn điền ở chung quanh Ban Mê Thuật khi vị Linh mục này đi ngang qua. Trong lúc ấy giao tranh diễn ra ở ngay trung tâm tỉnh lỵ. Theo Linh mục này thì chiến thuật của cộng sản tại cao nguyên đã phong tỏa kinh tế ở vùng này bằng cách chặn các ngả đường đưa tới Pleiku và Kontum để cô lập các tỉnh ấy. Từ lúc tấn công vào Ban Mê Thuột khởi đầu, một vài quan sát viên đã nói tới sự hiện diện và sự gia tăng số người tự nhận là Fulro. Trong khi chờ đợi các tin tức khác thì có thể là những người đầu tiên tiến vào Ban Mê Thuột là người Thượng. Chính họ đã mở đường cho quân cộng sản địa phương. Còn theo lời của nhân chứng này, không thấy có quân Bắc Việt.”

Bản tin ấy có một phần không đúng sự thật và sẽ gây ra cái chết của Léandri. Léandri là người rất ưa chuộng sự thật và anh ta sắp chết vì một bản tin sai sự thật một phần. Anh ta đã bị lừa.

Vị Linh mục Việt Nam không có thật. Người ta đã kể cho anh ta nghe câu chuyện cũa một trong những người sống sót là Linh mục Bianchetti nhưng ; đã bịa đặt thêm theo đường lối tuyên truyền của cộng sản. Không có vấn đề giải phóng thành phố mà chỉ có xâm chiếm.

Và không có quân Fulro. Không có các đơn vị địa phương mà chính là sư đoàn 320, từng dự trận Điện Biên Phủ cùng với sư đoàn 308. Với chiến xa, pháo binh và vũ khí tối tân. Chúng tôi có lời chứng đầy đủ của Cha Bianchetti vì người có mặt tại chỗ. Linh mục này biết Việt Nam rất rành và là một trong những người lập ra tổ chức Fulro. Fulro do các Linh mục cùng với những chủ đồn điền lập ra để tìm cách cứu các bộ lạc Thượng khỏi bị áp chế của Nam lẫn Bắc Việt Nam. Có lúc CIA đã tìm cách khai thác phong trào ấy và dùng các lực lượng đặc biệt. Nhưng dưới áp lực của chính phủ Saigon, các nhân viên CIA đã phải để mặc cho những người Thượng đói. Nhưng tại Ban Mê Thuật, còn có một văn phòng của người Mỹ, một văn phòng dân sự gồm có một nhóm quan sát viên để thâu thập tin tức cho sứ quán Mỹ. Theo nghĩa quân sự thì đó là một  “Trạm nghe ngóng” Lúc ba giờ sáng ngày 10-3-1975, nhiều người Thượng đến báo tin cho người Mỹ và cho chính quyền địa phương biết có ị nhiều chuyện lạ trong rừng. Họ trông thấy ở cách mười hai cây số nhiều chiến xa lớn di chuyển theo các đường mòn của những người lấy củi. Và ở phía sau là cả một sư đoàn quân Bắc Việt. Lập trường của người Thượng rất giản dị: họ không theo Bắc hoặc Nam Việt Nam và chỉ mong được đứng ở giữa. Nhưng có một vài thành phần

theo Bắc Việt đã cung cấp người dẫn đường cho quân Bắc Việt.

Ban Mê Thuột do một trung đoàn bộ binh và nhiều tiểu đoàn Biệt Động Quân chiếm đóng. Ngay sau khi số lính Mọi tới thì có một cuộc pháo kích liên tục kéo dài cho tới bảy giờ sáng. Cha Bianchetti được người Thượng hướng dẫn đi vào rừng cùng với họ. Chỉ có cha là thoát được cộng quân.

Đến bảy giờ thì các xe tăng tiến vào thành phố. Giao tranh hai giờ tại sân bay. Hậu trạm của sư đoàn 23 bị tràn ngập và tỉnh trưởng cùng các quận trưởng chuồn rất mau. Bọn chúng chỉ nhậm chức để làm tiền chứ không phải để chiến đấu và lại càng không phải để chết. Viên chỉ huy quân sự là Tướng Phú, một quân nhân tốt nhưng không được sủng ái vì không ở trong đảng của bọn tham nhũng.

Cho rằng ông ta không làm hại về mặt chính trị và là quân nhân tốt, người ta giao cho ông trách nhiệm phòng giữ cao nguyên với quân số không đầy đủ. Phú đã mệt mỏi vì bệnh tật, không nhanh nhẹn và không có khả năng ứng biến. Hai trung đoàn giữ Pleiku và Kontum được đưa về và thay bằng các đơn vị Biệt Động Quân. Dân chúng đa số là gia đình quân nhân đã chạy trốn, khoảng hai mươi lăm ngàn người đàn bà, trẻ em và ông già cùng với các quân nhân của sư đoàn 23 đang được gom góp lại cách Ban Mê Thuật khoảng ba mươi cây số về phía tây.

Đây không phải là một đạo quân nữa mà là một đàn cừu. Không có mặt những cấp chỉ huy. Cộng quân bao vây họ. Người ta gọi không quân đến tới yểm trợ. Nhưng các phi công biết rằng cộng quân có súng phòng không rất mạnh: đại bác bốn mươi ly tự động, đại liên bắn mau và nhất là hỏa tiễn Sam.

Các phi công sợ quá nên thay vì yểm trợ gần mặt đất, họ từ trên cao khoảng mười ngàn thước yểm trợ đại khái. Sự can thiệp của họ chẳng giúp được gì.

Như vậy là chúng ta thấy khác xa với những điều do Léandri ghi lại khi anh ta đã làm được một việc là loan báo sự thất thủ của Ban Mê Thuột.

Ngày thứ Sáu 14, hai ngày sau khi anh ta gởi bản tin đi, quyền giám đốc sở di trú ngoại kiều là Thiếu tá Mai đến hãng AFP gặp Léandri. sở cảnh sát hi vọng sẽ dùng lời đe dọa trục xuất để làm cho Léandri tiết lộ tên của vị Linh mục không có thật kia. Điều họ muốn biết không phải là Ban Mê Thuột đã mất mà là việc Fulro tham dự trận đánh. Léandri trả lời đang mắc kẹt vì công việc và chỉ có thể rảnh sau 18 giờ.

Đây là cách trình bày của chính quyền về cái chết của Léandri. Cách trình bày này cũng không đúng sự thật, như bản tin của Léandri.

Lúc 18 giờ, Léandri rời văn phòng AFP nhưng anh ta cẩn thận đã gọi điện thoại báo cho vài đồng nghiệp biết rằng anh ta bị cảnh sát gọi tới sở ngoại kiều. Người tài xế Việt Nam lái xe cho Léandri tên là Hùng. Từ lâu tại Việt Nam, anh ta vẫn bị bứt rứt vì khí hậu và yì những sự khó chịu mà các nhà báo ngoại quốc làm việc tại VN thường gặp. Trong lúc Léandri vào văn phòng của sở ngoại kiều thì tài xế Hùng đi dạo ở phía trước xe. Từ 19 giờ tới 19 giờ 30, từ bên trong sở ngoại kiều-, Léandri kêu điện thoại cho văn phòng AFP để báo cho người vợ biết rằng anh ta sẽ về trễ, kêu cho đại sứ Pháp Mérillon để cho biết anh ta đang ở sở ngoại kiều và có mặt tại tòa nhà 3018. Rồi anh ta lại kêu cho văn phòng AFP nói rằng anh ta đang bị cầm tù. Người ta dọa sẽ nhốt anh ta cả đêm và sẽ trục xuất anh ta bằng chuyến máy bay đầu tiên sáng ngày mai. Tuy nhiên viên tổng lãnh sự Pháp là De Beauvais, sau khi thử kêu điện thoại cho sở ngoại kiều, đã gửi một người cộng sự đến nơi này, đó là Morgan, một Pháp kiều sinh tại Á châu, và cũng là người đã gỡ rối cho tôi khi tôi tới Sàigòn.

Tại Pleiku còn năm liên đoàn Biệt Động Quân, một lữ đoàn Thiết giáp, tất cả các thành phần cơ giới của sư đoàn 23 BB, tất cả các đơn vị của địa phương và cơ cấu tiếp vận của một sư đoàn Không quân.

Mới vừa biết cái lệnh rút lui là mọi người đã rút trong một sự hỗn độn khủng khiếp. Một cuộc chạy tháo thân trong khi tình thế chưa có gì là đe dọa. Một đoàn hàng ngàn chiếc xe làm nghẹn cả quốc lộ 7 đưa tới Qui Nhơn và tới bờ biển. Dân và quân di chuyển lẫn lộn, xe kéo pháo binh lẫn với xe chở heo gà, xe thiết giáp lẫn với xe bò, trâu, công chức, cảnh sát, các bà nội bà ngoại và cô bác. Và cả một đạo quân con nít.

Thật là một cơ hội quá ngon cho cộng quân. Các đơn vị của sư đoàn 320 cắt đoàn xe: 3.000 chiếc xe và toàn thể vật liệu sẽ bị mất. Người ta sẽ thấy một lữ đoàn thiết giáp phải dừng lại trước một con suối nhỏ, chờ tới hai ngày để công binh làm cầu. Kế bên chỗ nước không sâu có thể băng qua nhưng chẳng có ai nghĩ tới. Khi cộng quân tới thì quân chính phủ bỏ xe tăng và các xe đại liên. Không chiến đấu. Gần như chẳng còn gì là sư đoàn 23 nữa, chẳng còn gì là quân trú phòng Pleiku và Kontum nữa. Và mới chỉ có ít đụng độ.

Trước thảm họa to lớn như vậy, Thiệu vẫn lại một mình quyết định đưa ba lữ đoàn Dù từ Huế về tăng cường cho Saigon. Đồng thời lại tuyên bố không bỏ Huế.

Sau cùng, hắn có một ý kiến. Bỏ hẳn tỉnh Quảng Trị rồi dùng sư đoàn Thủy Binh Lục Chiến có bốn lữ đoàn cùng với các đơn vị khác thay thế sư đoàn Dù để giữ cố đô.

Nhưng cái sư đoàn Thủy quân Lục chiến kia thay vì phải cực kỳ lưu động thì lại nằm yên một chỗ từ ba năm nay. Không nhúc nhích, không hành quân. Lại còn trở nên nặng nề và cồng kềnh. Vợ con lúc nhúc. Nói tới gia đình Việt Nam thì phải biết!

Khi lệnh được ban ra, có tới 100.000 người đi về Huế trong sự hỗn loạn cùng cực, quân đội bị dân chúng tràn ngập. Cộng quân rất khoái trá và mặc sức bắn bừa bãi vào đoàn người đó. Chỉ có vài người lính mỏi mệt là còn sống sót được và chạy tới bờ biển.

Một trung úy Thủy Quân Lục Chiến kể lại cho tôi nghe: Tướng tư lệnh biến mất, rồi đến các đại tá thì dùng trực thăng. Chẳng bao lâu chỉ còn những trung úy và đại úy và binh sĩ không nghe theo nữa vì họ còn phải lo cho vợ con và lo cướp bóc nữa.

Cả một tỉnh đi về phía nam. Có 500.000 người đi trên đường.

Người ta chết đói, chết khát. Cướp và hãm hiếp. Ai có khí giới trong tay thì dùng để mở đường. Ai cũng muốn về tới Đà Nắng.

Phía cộng sản thì đưa ra lời giải thích rằng khối dân chúng chạy như vậy vì họ sợ dội bom. Ai có thể dội bom? Người Mỹ? Không thể có được chuyện ấy. Phía Nam Việt Nam? Không quân Việt Nam tê liệt rồi. Ai cũng chạy trốn vì sợ người Bắc Việt và sợ Việt cộng vì bọn chúng đã nổi danh về tài tàn sát ồ ạt tại Huế năm 1971.

Đám người tị nạn cứ lớn lên như một cơn sóng gặp nước lũ, cuốn trôi và đánh chìm luôn cả những đơn vị nào còn muốn chống cự và muốn chiến đấu.

Ngày 26-3, quốc lộ I bị cắt. Huế thất thủ mà không có giao tranh. Thế mà hàng ngàn người đã chết vì Huế năm 1968.

Cuộc triệt thoái đã biến thành cuộc chạy mạnh ai nấy lo cho người ấy. Tại Đà Nẵng, ngoài số 391.000 dân cư, còn thêm một nửa triệu người tị nạn chồng chất nữa.

Ngày 28, cộng quân có các phật tử cầm cờ đi trước tiến vào căn cứ. Chẳng ai thèm chiến đấu để bảo vệ Đà Nẵng, một thời là phi trường hành quân lớn nhất lúc còn người Mỹ.

Không quân bay gấp rút, để lại tất cả vật liệu tại chỗ và một số máy bay.

Hiện tượng kinh hoàng tai hại đến nỗi cộng quân súng đeo vai mà chiếm được thành phố như Quảng Trị, Huế, Đà Nẳng là những nơi có đủ đồ tiếp tế và lương thực đạn dược để chống giữ được một năm, kể cả trường hợp bị nhiều lực lượng quan trọng bao vây. Và những nơi ấy đã từng được các đơn vị giỏi nhất của quân lực miền Nam bảo vệ. Thí dụ như sư đoàn I.

Cuộc tản cư Đà Nẳng, bằng máy bay Mỹ, các chuyến máy bay chót, các chuyến trực thăng chót sẽ gây ra những cảnh khủng khiếp. Từng đám người bám lấy chân trực thăng. Phải dùng báng súng đập nát những bàn tay ấy mới gỡ ra được. Những xác trẻ đẫm máu. Vì rằng cộng quân pháo vào đoàn người tị nạn để làm tăng thêm sự rối loạn.

Thiệu hoàn toàn mất sự kiểm soát. Hắn gởi một lữ đoàn Nhảy Dù từ Saigon đi Nha Trang để giữ thành phố ấy nhưng gởi đi rồi thì hắn quên luôn lữ đoàn ấy, mặc dầu lữ đoàn đã phản công rất anh dũng. Một nửa lữ đoàn bị thiệt hại.

Nha Trang thất thủ ngày 4-4.

Đến lúc ấy, Thiệu bám lấy Nha Trang. Hắn lại nướng mất một lữ đoàn Nhảy Dù nữa tại đây.

Thoạt đầu Hà Nội ngạc nhiên vì sự sụp đổ mau lẹ đó, nhưng rồi Hà Nội phản ứng ngay. Quyết định đánh mạnh để giáng cho Nam Việt Nam phát súng ân huệ. Bỏ hẳn kế hoạch trước, Hà Nội đưa hết tất cả các sư đoàn trừ bị xuống phía Nam, chỉ để lại một sư đoàn tại Hà Nội. Đó là cuộc xua quân vũ bão xuống phía Nam.

Phan Rang mất ngày 16-4. Phan Thiết ngày 20-4. Hàm Tân ngày 22-4. Nhưng tại Xuân Lộc, cộng quân bị sư đoàn 18 chận đứng. Cộng quân tấn công dữ dội để đánh bạt chiếc chìa khóa cuối cùng ở cửa ngõ Saigon. Nhưng đánh không được. Thế mà cộng quân đánh vượt qua vị trí ấy. Tại đây quân đội Nam Việt Nam đã xử dụng bom dưởng khí CBU làm cho nhiều ngàn cộng quân chết.

Bây giờ cộng qụân có 120.000 người để mở cuộc xung phong vào thủ đô miền Nam, và có một số sư đoàn chưa tham chiến, tất cả đều gồm từ 90% đến 95% người miền Bắc.

Những nguyên do của sự thất bại này: cơ quan chỉ huy hết lực, thêm vào đó, phải nói tới sự mệt mỏi của dân chủng cũng như quân miền Nam trước cuộc chiến tranh bất tận mà từ đây, họ sẽ phải chiến đấu đơn độc không có sự giúp đỡ của người Mỹ. Trong khi nước Mỹ bỏ rơi miền Nam thì phía Nga không ngớt gia tăng viện trợ cho Bắc Việt.

Trong lúc quân đội tan rã thì Thiệu biến mất. Hắn đi trốn và người ta tự hỏi hay là hắn tự tử. Thế rồi hắn tự nhiên tái xuất hiện trên máy truyền hình ngày 4 tháng 4. Hắn xử sự y hệt một cái xác không hồn. Với giọng nói buồn tẻ, mặt không hề tỏ vẻ tuyệt vọng hoặc bấn loạn, hắn tuyên bố quyết định bảo vệ những gì còn lại của lãnh thổ miền Nam Việt Nam và hắn lại còn hi vọng rằng sẽ lấy lại được phần đất đã mất. Hắn cải chánh tin nói có thỏa hiệp giữa chính phủ của hắn và bên kia hoặc có sự giàn xếp nào giữa các đại cường quốc để trao miền Trung cho cộng sản vì có lúc, thái độ kỳ lạ của hắn đã khiến cho người ta nghĩ như vậy. Hắn tái xác nhận cương quyết không nhường đất cho cộng sản và không bao giờ nhận một chính phủ liên hiệp với cộng sản.

Ngay ở trong sự bại trận, hắn còn từ chối những thỏa hiệp Ba Lê là thỏa hiệp mà dầu sao, hắn cũng đã ký, các thỏa hiệp mà bên này cũng như bên kia đều vi phạm nhưng Bắc Việt vi phạm nhiều hơn vì Bắc Việt lợi dụng thỏa hiệp ấy để đưa vào miền Nam toàn thể quân lực của họ: 20 sư đoàn, 600 xe tăng, và hàng ngàn đại bác đủ cỡ.

Nhưng nhờ tài tuyên truyền, và nhờ những người bạn trên thế giới, cộng sản Việt đã đóng vở kịch nạn nhân rất giỏi dầu rằng bọn chúng là kẻ xâm lăng và lại còn nại ra những nguyên tắc thiêng liêng của sự hợp pháp trong khi chúng chẳng cần gì tới sự hợp pháp.

Thiệu vẫn ngoan cố trong sự ngủ mơ của hắn. Hắn lải nhải: “Một ngày nào đó chúng ta sẽ lấy lại lãnh thổ đã mất, dầu rằng có phải chờ đợi mất nhiều năm”.

Hắn giải thích sự bại trận. Dĩ nhỉên là hắn chẳng có trách nhiệm gì. Tất cả đều do sự chủ bại, sự thiếu can đảm và thiếu cương quyết của một số cấp chỉ huy đơn vị.

Những sự yếu kém sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và những đơn vị chiến đấu anh dũng sẽ được tưởng thưởng.

Nhà vua lõa thể mà chẳng ai dám nói gì.

Và hắn tiếp tục:

- Chúng ta có quân số cần thiết để chiến đấu. Chúng ta đang tổ chức lại một số đơn vị. Chúng ta sẽ thành lập nhiều đơn vị khác lớn hơn. Chúng ta sẽ có viện trợ quân sự quan trọng...

Thiệu vẫn tin ở sự can thiệp của người Mỹ và tin rằng Ford sẽ thực hiện những lời hứa bí mật của Nixon.

Hắn nói:

- Nhân dân Hoa Kỳ và quốc hội phải ý thức rằng phải làm một cái gì để nhân dân Việt Nam khỏi nghĩ rằng các đồng minh đã bỏ rơi họ...

Rồi bất ngờ, hắn tiết lộ ý tưởng thầm kín của hắn, sự bí mật về lệnh rút lui.

“Với 700 triệu mỹ kim chúng ta hiện có, chưa được phân nửa số viện trợ mà nước Mỹ đã hứa giúp, Nam Việt Nam chỉ có thể giữ được một nửa lãnh thổ. Tôi hi vọng rằng trong tương lai, người Mỹ sẽ hiểu rõ hơn.”

Đó là lối nói chuyện của kẻ bán ngựa nói với những người không còn là khách hàng nữa.

“Thưa các Ngài tại Hoa Thịnh Đốn, nếu quí ông cho tôi một tỉ rưỡi mỹ kim thì chúng tôi sẽ giữ toàn cõi miền Nam Việt Nam. Với 700 triệu mỹ kim, tôi có thể giữ được một nửa.”

Và trong buổi sáng Chủ nhật 27-4 này, tin tức đưa tới càng ngày càng tồi tệ. Cuộc tấn công của Bắc Việt tiến triển ở khắp nơi nhưng không gặp sự kháng cự nào mạnh.

Sư đoàn 18 giữ Xuân Lộc đã phải rút và hoàn toàn bị tan vỡ. Sư đoàn 5 cũng vậy. Để bảo vệ thủ đô chỉ còn có một sư đoàn, vài đơn vị Nhảy Dù và một số lính tự vệ chiến đấu của Hố Nai.

Lại có thêm những tin tức khác. Long Thành đã bị pháo dữ dội. Trường Thiết Giáp bị tấn công, vẫn giao tranh tại Trảng Bom. Đường số 4 đi Mỹ Tho và đi về vùng đồng bằng đã bị cắt tại nhiều nơi.

Chiếc máy bay Caravelle của hãng Hàng không Việt Nam vẫn không chịu đáp xuống Tân Sơn Nhất vì viên phi công Trung Hoa người Đài Loan sợ.

Tôi đi quanh chợ Bến Thành, vẫn có trái cây. Nhưng rau Đà Lạt không tới nữa. Tất cả đều yên tĩnh. Những mùi vị của Saigon: Hương thơm ngát của hoa, mùi cá, mùi thịt nướng và mùi béo của phở bò. Tiếng gõ lách cách của những người bán mì. Các cô gái mang bao tay trắng lái xe xì cút tơ, y phục giống như những con búp bê, áo trắng, quần lụa đen ống rộng, thân hình mảnh mai, mũi nhỏ, nụ cười xa xôi. Những cậu trai “cao bồi” mặc quần jean để tóc dài. Những con vịt nướng mỏng và bóng mỡ. Những trái bưởi, cam, dưa, những bó rau muống và những trái sầu riêng ăn thì ngon nhưng ngửi thật là khó chịu. Sao mà tôi yêu mến Saigon quá chừng!

Bầu trời đầy những đám mây dày. Chúng tôi đang ở vào mùa mưa, không khí oi bức ngột ngạt.

Quốc hội nhóm từ sáng nay. Sau mười giờ thảo luận, quốc hội đã biểu quyết một quyết nghị hai điểm tái xác nhận sự tín nhiệm Tổng thống Hương và mời ông ta “Chỉ định một nhân vật, nếu cảm thấy tình thế đòi hỏi, để thay thế Tổng thống đạt tới một nhiệm vụ hòa bình trong danh dự và trong phẩm cách và với sự chấp thuận của quốc hội.

Vẫn bắt chước văn thể của Pétain.

Morgan gặp Thiếu tá Mai và Léandri trong sân của sở ngoại kiều. Léandri phàn nàn là bị cầm tù. Anh ta yêu cầu viên tổng lãnh sự can thiệp ngay. Morgan đi tìm DeBaeauvais.

Sau 20 giờ, một nhân viên mặc thường phục ra lệnh cho tài xế xe của Léandri phải dời chiếc xe và đưa tới bãi đậu trước Tổng Nha cảnh Sát.

Quả thật là ở bên kia đường là cơ sở của các lực lượng an ninh gọi là cảnh sát đặc biệt và đó là những lực lượng thường được biết là có tiếng rất xấu.

Lần này viên Tổng Lãnh sự đi cùng Morgan tới sở ngoại kiều. Sĩ quan trực cho biết rằng Léandri đã lên xe đi rồi. Đó là lời nói dối.

Qua những cử chỉ bí mật mà viên sĩ quan trực trao đổi với vài người đứng ở đó, Morgan tin rằng Léandri chưa đi và có lẽ đã bị đưa tới ban an ninh. Viên Tổng Lãnh sự và Morgan yêu cầu được gặp Đại tá Phạm Kim Qui hoặc Thiếu tá Mai hoặc bất cứ một sĩ quan nào hữu trách. Viên sĩ quan trực thoái thác bằng cách nại lý do không có số điện thoại, rằng máy của hắn không thể liên lạc được trong thành phố. Trở về văn phòng viên Tổng Lãnh sự được các ký giả cho biết rằng Léandri vẫn chưa trở về.

Trong khi đó thì tài xế Hùng được lệnh mang xe trở lại. Léandri ngồi bên tài xế trong khi Thiếu tá Mai cùng với hai người cộng sự ngồi ở ghế phía sau. Họ vào bên trong sở cảnh sát tư pháp - gồm một loạt nhà gỗ rải rác theo chiều lối đi. Ngồi ở trước cửa cùng với một cảnh sát viên, trong khoảng từ 20 giờ tới 20 giờ 30, Hùng trông thấy Léandri ra khỏi một căn nhà gỗ và đi tới một căn nhà khác, rồi Léandri đi tới đi lui, hai tay khoanh trước ngực trong vòng từ năm tới bẩy phút và sau hết, đi vào trong khu nhà. Một lát sau, Hùng thấy Léandri ngồi ở xe cho xe chạy lui thật mau rồi lái xe ra cửa chính để ra ngoài. Hùng thấy tám hoặc mười viên cảnh sát chạy theo xe Peugeot bám lấy cánh cửa để định nắm lại rồi về sau, phải buông ra. Cảnh ấy diễn ra chỉ có một lát. Hùng không thấy xe và Léandri nữa. Một cảnh sát viên đưa Hùng vào một căn nhà. Một lát sau, viên thiếu tá bảo Hùng đưa chìa khóa của xe. Léandri có một xâu chìa khóa khác. Viên thiếu tá bảo Hùng rằng Léandri đã bị đạn bắn chết. Hùng phải ngủ đêm tại đó. Đến bảy giờ sáng ngày hôm sau, các cảnh sát viên tới và đưa Hùng trở về bằng xe jeep. Giữa khoảng từ 21 giờ 15 đến 21 giờ 45, viên tổng lãnh sự lại kêu nhiều lần điện thoại. Ông ta tới gặp viên tổng trưởng nội vụ và bày tỏ sự lo ngại. Ông ta yêu cầu vợ của viên chủ tịch phòng thương mại Pháp tìm cách liên lạc trực tiếp với vợ Đại tá Phạm Kim Qui vì chính ông ta không thể gặp Qui được. Đến 22 giờ, bà ta cho viên lãnh sự biết rằng Léandri đã bị giết trong khi định chạy trốn. Lúc 22 giờ, viên lãnh sự cùng với ông Groboileau lại đi tới hàng rào trước Tổng Nha cảnh Sát. Vào giờ ấy đường đã bị chặn. Có rất nhiều người, những người hiếu kỹ và những cảnh sát viên. Lúc đi ngang, họ trông thấy xe của Léandri đèn còn chiếu sáng, một cánh cửa mở về phía đại lộ trước sở Cảnh Sát Tư Pháp. Phía trước xe húc phải tường trước mặt. Bên trong sở cảnh Sát Tư Pháp cũng có nhiều người. Thiếu tá Mai rất bối rối không nói được những chuyện rời rạc. De Beauvais tìm hiểu xem có thật Léandri bị giết không và y sĩ nào đã khám nghiệm xác của Léandri. Về sau, người ta đưa ông tới gần chiếc xe. Xác Léandri nằm bẹp bên trong, mặt đầy máu. Một viên đạn bắn xuyên qua kính cửa bên trái, phía tài xế. Phía sau xe, De Beauvais và Groboileau tìm thấy vết của hai ba viên đạn khác. Xác Léandri được đặt trên một chiếc cáng và được luật y sĩ khám nghiệm. Xác được đưa tới nơi khoảng23 giờ đêm Đường phố vắng vì giới nghiêm. Một xe cứu thương của cảnh sát chở Léandri đi trước xe của viên tổng Ịãnh sự tới nhà thương Grall. Tại đây, Hansi (vợ Léandri), Đại sứ Mérillon và vài ký giả khác được gặp mặt Léandri. Hansi hét lên khi thấy vết máu trên mặt

Léandri và tưởng rằng Léandri bị đánh đập. Hansi sắp sanh đứa con đầu lòng và không tin rằng có cái chết ấy. Y sĩ Đại tá Michel Gruet và các y sĩ khác đã khám xác chết lần thứ nhất. Chỉ có một viên đạn đi vào thái dương bên trái. Về sau, các Y sĩ sẽ dùng máy chụp hình xác định được vị trí viên đạn ở phía trước của xương sọ. Sau những khám nghiệm này, không tìm thấy dấu vết nào của sự đánh đập.

Chính quyền đã không nói sự thật về cái chết của Léandri. Léandri không bị giết trong xe. Đến một lúc anh ta chờ lâu quá nên chịu không nổi. Vì từng biết anh ta nên tôi hiểu anh ta không phải là người kiên nhẫn. Anh ta trông thấy Đại tá Phạm Kim Qui và Thiếu tá Mai. Anh ta biết rõ hai người này vì họ đã làm khó dễ anh ta nhiều lần. Anh ta nắm lấy cổ áo của Qui và nói: “Câu chuyện ra sao, lâu quá rồi!” Qui nói với tên cận vệ: “Hãy liệng thằng này đi cho tôi!” Đó là câu nói thông thường tại miền Nam Việt Nam có nghĩa là: “Hãy đưa nó đi cho khuất mắt tôi”. Những người cha thường dùng câu ấy để nói những đứa trẻ ngỗ nghịch. Tên cận vệ đần độn rút súng ra và bắn. Hai viên cảnh sát hoảng hồn. Chuyện này khó tin đến nỗi sẽ không ai chấp nhận. Muốn chạy tội một cách ăn chắc, họ bày ra chuyện Léandri định chạy trốn, và kéo tên tài xế vào trong cuộc và tổ chức dàn cảnh thật sự. Họ đặt xác Léandri phía trước xe. Họ bắn vào xác Léandri nhưng bằng súng M16 và đẩy xe cho nó húc vào tường.

Cùng ngày hôm đó, Thiệu rút quân khỏi cao nguyên. Người ta kể lại rằng Léandri bị giết vì anh ta được biết kế hoạch rút lui ấy trước những người khác: điều ấy không đúng. Người ta nói rằng anh ta tiết lộ các kế hoạch rút lui. Hoàn toàn sai. Anh ta làm nhiệm vụ thông tin và vì không ra khỏi được Saigon, anh ta tìm cách thâu thập tin tức. Nhưng cái chết của anh ta sẽ nói lên tính cách nghiêm trọng của những biến cố diễn ra sau đó. Tất cả sẽ phi lý, không hiểu được và không thể xác định được sự thật. Chúng tôi sẽ còn gặp lại hai tên Mai và Qui một lần nữa trong những trường hợp đặc biệt.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, Thiệu đi thăm mả tổ tiên tại Phan Rang vì những ngôi mả ấy mới bị sét đánh trúng. Thiệu cảm thấy bị mọi người xa lánh. Từ Phan Rang, Hắn đi Cam Ranh và ra lệnh cho Tướng Phú gặp hắn.

Chẳng tham khảo một ai, Thiệu ra lệnh rút lui. Và hắn còn hỏi ý kiến của ai được nữa? Hắn không có bộ tham mưu vì từ nhiều năm nay hắn đã trực tiếp chỉ huy các tướng lãnh. Vì nghi kỵ, vì sợ hãi, vì óc bệnh hoạn muốn giữ bí mật.

Trong các tài liệu của các cố vấn Mỹ, có một kế hoạch dự trù việc rút tất cả các lực lượng của Nam Việt Nam về phía Nam Kỳ nếu quân cộng sản làm mạnh quá và nếu vì lý do tài chánh cũng như lý do chiến thuật không thể giữ được toàn thể miền Nam nữa. Những kế hoạch ấy chỉ mới ở trong vòng dự án.

Thiệu hướng cái nhìn về nước Mỹ và chẳng biết chuyện gì đang xảy ra tại Nam Việt Nam. Hắn đã bị tách khỏi thực tế. Một sự rút lui như vậy đòi hỏi trăm ngàn sự chuẩn bị và đề phòng. Không phải chỉ có ra lệnh mà còn phải đi vào các chi tiết. Thí dụ phải di chuyển gia đình binh sĩ trước rồi mới tới các binh sĩ, chỉ để lại các đơn vị chiến đấu. Sẽ tính việc rút từng đơn vị và phải tính từng phút. Một cuộc hành quân như vậy cần có thì giờ, nhiều phương tiện và nhất là sự bảo mật, một ý niệm mà người ta không biết tới tại Việt Nam vì ai cũng biết đủ mọi chuyện, và biết nhiều hơn nữa. Phải rút bằng đường bộ, đường biển và máy bay, nghĩa là phải phối hợp tất cả những phương tiện ấy.

Vào lúc Thiệu quyết định rút, các con đường từ cao nguyên xuống đồng bằng hoặc ra bờ biển đều đã bị cắt đứt, đường 17, đường 21 và cả đường Đà Lạt nữa. Chỉ còn dùng được máy bay để thực hiện cuộc hành quân ấy.

Viên Tướng Phú dũng cảm được lệnh của Thiệu là phải đưa hết quân về duyên hải, bỏ Pleiku và Kontum, tuy rằng hai nơi ấy còn giữ được và còn có thể giữ lâu nữa, nhất là vì Pleiku là một căn cứ quan trọng.

Phú kể như đã hết. Ông ta không còn chủ lực nữa. Ông ta chẳng thèm bàn cãi về mệnh lệnh điên rồ kia, sự rút lui chỉ có mục đích đánh thức sự chú ý của người Mỹ khi người Mỹ chẳng cần gì nữa, khi Mỹ không muốn nghe nói tới Việt Nam nữa. Vì rằng đó chỉ là sự rút lui để bắt chẹt.

Phú bắt đầu cuộc rút lui bằng cách chuyển bản doanh về Nha Trang. Rồi ông ta trao quyền chỉ huy ở mặt trận cho một viên phụ tá là Đại tá Biệt Động Quân tên Tất. Tất được phong Chuẩn tướng vào dịp đó. Chính Tướng Tất phải chỉ huy cuộc rút quân. Biệt Động Quân là binh chủng hành quân lưu động, để đột kích. Và Tướng Tất chỉ biết có thế. Ông ta chưa học trường Tham mưu nào. Đáng lẽ phải là một viên tướng biết rõ nghệ thuật hành quân triệt thoái mới làm nổi. Tất là người can đảm nhưng chẳng có một ý kiến gì về kế hoạch sắp phải thi hành. Không biết mình sẽ được dùng những phương tiện gì.

Nhân vật ấy chỉ có thể là Tướng Dương văn Minh. Không còn một người nào khác nữa trong cuộc đua. Danh dự và phẩm cách chẳng đáng kể, cộng quân đã ở cửa ngõ Saigon rồi. Chúng muốn trừng phạt Saigon, cần phải làm gấp. Nhưng làm thế nào cho những tên bù nhìn kia hiểu?

Các viên tướng đã tường trình về tình hình. Có mặt Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng, Trần văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng, cùng với viên Tổng trấn Saigon và viên Tư lệnh Cảnh sát, một tên Bình nào đó. Tất cả những tên vừa kể đều nói rằng hết cả rồi, rằng những đơn vị cuối cùng đã bị bao vây và chạy tứ tán, rằng cần phải thương thuyết với bất cứ giá nào và thật sớm.

Nhưng quốc hội lại không chịu chấp nhận Minh Cồ và không chịu đạt tới điều ấy. Minh không phải là người của bọn họ. Thế là tất cả cái bọh ấy đều thề thốt trung thành với các đại nguyên tắc, trung thành với nền Cộng hòa và với hiến pháp.

Trần văn Đôn lại can thiệp một lần nữa. Anh chàng dân Tây xứ Bordeaux ấy giữ vai trò phát ngôn viên cho nước Pháp và bênh vực chính sách của Đại sứ Merillon và anh ta rất gắn bó với viên đại sứ ấy. Đôn thắng. Toàn quyền được trao cho Tướng Minh. Tổng thống Hương chống gậy rời ghế. Đã gần đui, ông ta vấp phải một bực thềm.

Hạm đội số 7 đậu ngoài khơi Việt Nam. Nhiều tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến có lẽ đã sẵn sàng đổ bộ để bảo vệ một hành lang từ Saigon đến Vũng Tàu để di tản những người Mỹ chót (khoảng hai ngàn) và một trăm ngàn người Việt Nam sẵn sàng đi theo họ. Nhưng từ khi Hàm Tân thất thủ thì cộng quân đã ở cửa ngõ Vũng Tàu.

Tôi không thấy rằng cộng sản muốn nói chuyện với Tướng Minh. Chúng đã để rơi mặt nạ và chẳng thèm bận tâm tới các thỏa hiệp Ba Lê là những thỏa hiệp đã được chúng lợi dụng để chuẩn bị khéo léo cuộc tổng tấn công của chúng.

Nếu Tướng Minh cầm quyền trước đó một tuần, lúc quân chính phủ còn giữ được Xuân Lộc thì có lẽ cộng sản chịu nhận một cuộc dàn xếp. Bây giờ thì bọn chúng không cần sự dàn xếp nữa. Saigon là của chúng rồi nên cần gì phải hỏi xin phép ai nữa.

Minh đã cùng Vũ văn Mẫu trở về nhà để sửa soạn lập chính phủ. Sau cùng, giờ của ông ta đã tới nhưng trễ quá, trễ cho nước Việt Nam, trễ cho nước Pháp và nước Pháp đã hy vọng một cách ngây thơ là có thể đóng vai trò trung gian qua Minh.

Sắp tới giờ giới nghiêm. Tôi chậm chạp trở về khách sạn, chạm trán với những người đi dạo.

Tại đây, tôi lại gặp viên thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa, người đã chứng kiến cuộc bắt Laurent và Hoche (hai ký giả Pháp). Ông ta không biết hai người ấy còn sống hay chết. Ông ta nghĩ rằng họ đã bị cộng quân bắt. Không thể đi về phía Hố Nai được nữa vì cộng quân đã tràn ngập nơi đó.

Ông ta tiết lộ cho chúng tôi hay rằng đại bác 130 ly của cộng quân đã được bố trí cách trung tâm Saigon chưa tới 15 cây số. Tâm xa của thứ súng ấy là hai mươi lăm cây số. Ông ta tin rằng Saigon sẽ bị pháo trong đêm nay. Điện và nước có thể bị cúp. Tôi đi kiếm mấy cây đèn cầy.

Trước khi đi ngủ, tôi đọc mục điểm báo Việt bằng Pháp ngữ. Đôi khi, tôi thấy cần phải dụi mắt. Tờ Tiền Tuyến chạy dài tám cột: “Nước Việt Nam Cộng hòa sẽ không bao giờ đầu hàng cộng sản chừng nào quán đội vẫn còn đó và vẫn còn sự ủng hộ của nhân dân... Tướng Kỳ đã tuyên bố trong một cuộc mít tinh qui tụ mười ngàn người rằng các lực lượng của Việt Nam Cộng hòa vẫn còn mạnh và sẽ đem lại hòa bình trong danh dự cho xứ sở. ”

Tờ Chính Luận: “Không có chuyện thương thuyết đầu hàng”.

Đêm sẽ còn dài.

Tiếp theo chương 4 

 

No comments:

Post a Comment