Sáng nay, đương đầu với các sư đoàn Bắc Việt, Nam Việt Nam không còn một đạo quân ra hồn nữa mà chỉ còn những thành phần tản mác chiến đấu không hi vọng, chiến đấu vì danh dự, vì những chiến sĩ ấy không thể hoặc không muốn chấp nhận sự độc tài của những người miền Bắc.
Vì sự hiện hữu của miền Nam còn đó. Sự hiện hữu ấy có từ thời Pháp (nước Cộng Hòa Nam Kỳ) và không ngớt được củng cố trong hơn hai chục năm phân chia Nam Bắc, mỗi miền xoay quanh một hành tinh khác và chỉ có một gạch nối mong manh là Mật Trận Giải Phóng và chỉ có ở Ba Lê là người ta tin rằng còn có gạch nối ấy.
Mặt trận Giải phóng là một giả tưởng quân sự. Theo giáo điều Mác Lê thì miền Nam Việt Nam phải tự giải phóng bằng
chính các chiến sĩ bựng biền của mình. Nhờ ơn trên cao cả của ủy ban Trung ương Đảng tại Hà Nội mà 24 sư đoàn Bắc Việt và một số lính tự vệ được ban phép lành đổi tên là Mặt trận Giải phóng. Có đơn vị gồm tới 80% quân Bắc Việt. Tất cả các cán bộ và cấp chỉ huy đều là người miền Bắc.
Cũng lại là giả tưởng chính trị khi Mặt trận Giải phóng phô trương là đã qui tụ được mọi tầng lớp và mọi khuynh hướng ở miền Nam. Trừ Nguyễn Hữu Thọ, những người khác trong Mặt trận Giải phóng đều là cộng sản. Những người cộng sản chính hiệu. Không phải thứ cộng sản như ở Mạc Tư Khoa, trưởng giả, thơ lại và được hưởng nhiều đặc quyền của giai cấp mới. Ở đây là thứ lính thầy tu, tuyệt đối sống cho đảng vì đảng ở cao hơn hết: cao hơn cả tiện nghi, hạnh phúc và gia đình.
Một đảng, ta hãy nói là một đạo quân, toàn thể một dân tộc mặc đồng phục đã dự chiến tranh từ ba chục năm nay và đã được hoàn toàn uốn nắn để thích nghi với cuộc chiến tranh này.
Một ông bạn cũ người Việt Nam là ký giả tới kéo tôi dậy. Ông ta bảo tôi:
- Nếu tôi có thể biết chắc rằng Mặt trận Giải phóng có thật, rằng ít ra trong vài năm, người ta sẽ giữ lại cho miền Nam cái bề ngoài của một quốc gia dân chủ, rằng chúng tôi có thể hi vọng được cấp giấy chiếu khán đi Pháp nếu chúng tôi ngoan ngoãn thì...
- Ông sẽ ở lại...
- Tôi sẽ ở lại. Vì tôi không muốn khi đến một trại tị nạn bị người Mỹ xịt thuốc DDT như xịt vào một con vật hôi tanh, như thể là tôi có chấy rận hoặc có mùi nặng. Hình như tại Phi Luật Tân, người Mỹ đã làm như thế. Đối với người Mỹ thì lúc nào chúng tôi cũng nặng mùi. Chúng tôi có cái mùi mà họ không thể chịu được là mùi thất trận của họ. Tôi sẽ ở lại, biết rằng không có cái Mặt trận Giải phóng nữa, rằng chúng tôi sẽ bị các anh bộ đội chiếm đóng, sẽ bị họ cai trị, rằng vào tuổi này, tôi sẽ bị ép trở lại trường và phải từ bỏ nghề nghiệp của tôi. Vì ở một nước cộng sản thì không có ký giả. Chỉ có những chuyên viên tuyên truyền đánh máy các chỉ thị của Ủy ban Trung ương. Saigon sẽ bị xuống địa vị thành một tỉnh lỵ. Người ta cũng chẳng cần đến thương cảng Saigon vì người Mỹ để lại cho chúng tôi cảng Cam Ranh, một hải cảng nước sâu.
Ông ta nhún vai:
- Muốn làm người tị nạn thì phải rất trẻ hoặc rất giàu. Tôi không còn trẻ nữa và tôi chưa bao giờ giàu. Ông có biết không, sáng nay, tại các tiệm thuốc tây, tôi muốn nói những tiệm thuốc tây còn mở cửa, người ta không tìm được thuốc ngủ nữa. Dân Saigon đã mua hết rồi.
- Ông thấy họ còn chưa đủ ngủ mơ sao?
Ông ta cười giòn làm rung cả bộ râu:
- Đó là để ngủ giấc chót của cuộc đời. Ồ! Nếu Mặt trận Giải phóng có thật! Nếu người ta có thể tin ở điều ấy.
Thế là rốt cuộc, Minh Cồ cũng lập được chính phủ của ông ta. Cái chính phủ ấy thực ra chỉ có hai người. Ông Nguyễn văn Huyền, một người Công giáo ôn hòa, nổi tiếng vì sự trong sạch và vì đạo đức, sẽ là Phó Tổng thống, và ông Vũ văn Mẫu, một nghị sĩ theo đạo Phật, sáng lập viên của Mặt trận Hòa giải, Thạc sĩ Luật khoa, sẽ là Thủ tướng.
Trễ quá rồi, Mặt trận Giải phóng vừa từ Ba Lê cho biết (dường như cái mặt trận ấy chỉ có ở Ba Lê) rằng: “Sau khi tên phản quốc Nguyễn văn Thiệu ra đi, những kẻ thay thế tên đó gồm có bọn Dương văn Minh, Nguyễn văn Huyền và Vũ văn Mẫu vẫn còn ngoan cố muốn chiến tranh để giữ lấy phần đất đai trong khi đòi thương thuyết. Rõ ràng là bọn ấy tiếp tục ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh để duy trì chủ nghĩa Tân Thực dân của Mỹ. Nhưng bọn chúng không lừa dối được ai. Những trận đánh sẽ chỉ ngưng khi tất cả binh lính của Saigon buông súng và khi tất cả các tầu chiến Mỹ rời khỏi hải phận Việt Nam. Phải có hai điều kiện ấy của chúng ta thì mới có ngưng bắn. Cho tới nay, hai điều ấy không được tuân theo...”
Vẫn từ Ba Lê, Mặt trận Giải phóng loan báo rằng: “Nhân dân Saigon đã ồ ạt nổi dậy chống nhà cầm quyền” và rằng: “Binh lính Saigon đã buông súng đầu hàng”.
Vì có mặt tại chỗ nên tôi biết rõ không hề có chuyện ấy. Nhưng sự thật của tôi đáng kể gì so với tất cả những đòn tuyên truyền ở Ba Lê, có những kẻ vì ăn không ngồi rồi, vì theo lời chỉ thị hoặc vì xu thời đã bị Mạc Tư Khoa giật dây và nhai lại. Và cái lối phát thanh chát chúa của Mặt trận Giải phóng.
Chỉ có những người cộng sản là thuận lý. Bọn chúng chẳng cần gì đến sự thật. Đó là một ý niệm trưởng giả, một ý niệm giai cấp.
Sáng nay Saigon sao yên tĩnh lạ!
Những thành phần của một lữ đoàn Dù đang bố trí trong thành phố, sau các bức tường. Những người lính này không chán nản và không tuyệt vọng. Họ điều động bình thản như khi họ thao dượt. Đôi khi họ cười vui và chuyền cho nhau những chai coca cola. Nhưng họ không nuôi một ảo tưởng nào về số phận của họ hoặc về kết quả của trận đánh cuối cùng này. Tôi có cảm tưởng rằng họ quyết định đánh đến cùng và quyết định sẽ tự chôn dưới những đổ nát của Saigon. Và họ còn giữ được các cấp chỉ huy của họ. Một trong những người chỉ huy của họ là một đại tá. Ông ta mệt mỏi, tuyệt vọng. Tôi đã cùng với ông ta và vài người bạn ăn Tết 1971. Lúc đó, ông ta biết rằng sắp cùng đơn vị của ông ta đánh vượt biên giới Lào để cắt đường mòn Hồ Chí Minh, và ngay hồi đó, ông ta đã không nuôi ảo tưởng và kết quả của trận đánh.
Ông ta đưa cho tôi một hộp la de. Còn nóng. Người ta tưởng đó là nước tiểu của con lừa. Tôi hỏi ông ta:
- Tình thế ra sao?
- Chúng tôi sẽ chiến đấu và có lẽ chúng tôi là những người chót chiến đấu. Nên nói rõ là chúng tôi chết không phải vì Thiệu, vì Hương hay vì Minh, Thiệu là đồ bỏ, Hương là bù nhìn, còn Minh chỉ là kẻ quá mềm yếu cứ đứng một chỗ mà phụng phịu, thay vì dùng sức mạnh để lật đổ Thiệu.
“Chúng tôi sắp chết vì chúng tôi đã quen với cái tật là ưa tự do, ưa chỉ trích và ưa độc lập. Tôi đã lớn tuổi nên không bỏ được các tật ấy. Chế độ của Thiệu là một chế độ độc tài giả hiệu. Chỉ cần tôn trọng một vài điều bề ngoài là người ta có thể nói và làm những gì người ta muốn.”
“Những kẻ sắp tới sẽ không cho chúng tôi được suy nghĩ theo ý riêng. Cấm tán gái, cấm đánh bạc và cấm nhậu. Thay vào đó là những buổi tự kiểm thảo và những điệu vũ nhân dân.”
“Những con cá lớn đã chuồn rồi. Chúng tôi là cá nhỏ nên mắc kẹt trong rổ. Thiệu có tới mười sáu tấn hành lý. Người Mỹ đã cho hắn một máy bay vận tải để chở hắn cùng gia đình và của cải tới Đài Loan.”
- Tại sao, sau khi hắn từ chức rồi và về ở tại căn nhà trong cư xá Bộ Tổng Tham mưu, các ông không bắt hắn cho đứng dựa vào tường rồi giết luôn?
- Vì hắn không bao giờ ở trong căn nhà tại Tân Sơn Nhất. Hắn ở đâu? Không ai biết. Và hắn cũng không đáng được đưa vào tường nữa. Có làm thế cũng chỉ làm tăng thêm sự rối loạn. Bọn cộng sản sẽ rêu rao rằng chúng tôi nổi dậy theo chúng, rằng chúng tôi tuân theo chỉ thị của chúng để giết các tướng lãnh, rằng Nam Việt Nam đã tự giải phóng và không phải đã bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. Làm như vậy là mắc mưu tuyên truyền của chúng. Vì thế mà Thiệu thoát.
- Vậy các ông coi lính Mặt trận Giải phóng là người nước ngoài?
- Không có Mặt trận Giải phóng. Không có Việt cộng. Chỉ có lính Bắc Việt. Những kẻ được coi là Việt cộng đều là con cháu của những người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 cùng với gia đình những kẻ ấy sanh ra tại phần đất của cộng sản.
“Những tên Việt cộng thật sự thì đã bị giết gần hết trong cuộc tấn công Tết 1968. Những tên khác đã bị thanh toán trong chiến dịch Phượng Hoàng. Người ta đã diệt được rất nhiều tên Việt cộng. Chỉ còn lính Hà Nội và lính Saigon đối đầu nhau. Lính Hà Nội được Nga, Tàu, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Đông Đức giúp, còn chúng tôi, những người lính cuối cùng của Saigon thì bị người Mỹ bỏ rơi.”
“Ông-nghĩ sao về Tướng Minh vừa mới lên cầm quyền?”
- Ông ấy là một quân nhân tốt. Nhưng là người chẳng bao giờ biết giữ lấy quyền. Năm 1963, ông ta cầm quyền trong ba tháng và chẳng biết làm gì hết. Năm 1964, ông ta trở lại nhưng lần này chẳng có quyền gì và ngồi đó sáu tháng, khánh thành những cuộc triển lãm. Năm 1971, ông ta tranh cử đốì đầu với Thiệu và rút lui trước khi bầu cử.
“Lần này, ông ta sẽ cầm quyền được bao lâu? Đến tối nay? Đến ngày mai? Hồi nãy, chúng tôi bắt nghe đài phát - thanh của cộng sản. Chúng không ngớt lập lại là không muốn nói chuyện với ông ta. Chúng tố cáo ông ta là hiếu chiến khi ông ta phản đối việc Mỹ gián đoạn việc ném bom miền Bắc. Chúng không muốn nói chuyện với ai hết. Chúng muốn dùng sức mạnh chiếm Saigon.”
“Này mời ông nhà báo làm một ly nữa! Người Mỹ biết cách chế tạo La de ngon, nhưng không biết cách tạo cho chúng tôi một quân đội vì họ không ưa chúng tôi vì họ không hiểu chúng tôi và họ lựa cho chúng tôi những cấp chỉ huy biết nói tiếng Mỹ và tốt nghiệp từ các trường của họ chứ không phải là lựa trong số những người giỏi nhất. Nếu tôi tốt nghiệp từ các trường của Mỹ, nếu tôi không tốt nghiệp trường của Pháp thì tôi đã là tướng từ lâu. Có lẽ lẽ tôi đã có tên trong
mặt danh sách và sẽ có một chỗ trong chuyến bay đã chuồn nhẹ nhàng.”
“Cách đây bốn năm, khi chúng ta gặp nhau, tôi đã là Trung tá. Tôi không ngừng đánh giặc. Chúng tôi không đáng phải thua trận này. Thế mà sự thất trận lại không thể tránh được vì chúng tôi chưa bao giờ biết chiến đấu một mình và vì người ta đã không tập cho chúng tôi chiến đấu một mình.”
Một trận mưa dữ dội như trời sập.
Tôi nhảy lên một chiếc tắc xi, một chiếc 4-CV ọp ẹp, còn ông đại tá già chẳng thèm bận tâm tới mưa, cứ chầm chậm đi về chiếc jeep có gắn máy truyền tin kêu sè sè.
Các cửa tiệm đều đóng kín, các quán rượu vắng ngắt. Các cô gái thất nghiệp ngồi hút thuốc lá trước cửa, theo thói quen chờ một người khách không tới nữa. Họ không phải là những cô gái đẹp nhất: dường như những cô số một (number one theo ngôn ngữ của họ) đã biến mất cùng với những bóng tùng quân Mỹ rồi.
Cuộc đi dạo buồn bã trước cửa vài quán rượu và tiệm ăn Pháp còn mở cửa. Ramuncho, Valino, Aterbea. Họ đã làm ăn khá giả khi người Mỹ tới đây và sa sút khi người Mỹ ra đi. Vì các sĩ quan Việt Nam có thói quen đáng buồn là ăn xong không trả tiền, còn các cảnh sát viên thì đòi chủ quán chia tiền mới chịu canh gác.
Dominique, chủ nhà hàng Valino nói tiếng Pháp giọng đảo Corse nặng đến nỗi người ta phải tự hỏi hay là anh ta làm ra vẻ người của đảo ấy. Anh ta giải thích cho tôi nghe sự thất bại của miền Nam theo cách của anh ta:
- Tất cả những tướng lãnh ấy chỉ có dùng để mà thờ. Tụi nó ưa ăn ngon, vợ và tình nhân của chúng thì đeo kim cương đầy mình. Không thể như thế được. Ấy thế mà chuyện đó lại có thật mới chết chứ. Tụi nó lấy tiền ấy ở đâu? Khi đánh giặc thì tụi nó chuồn hết. Như lũ thỏ... chuồn bằng máy bay của Mỹ. Bỏ mặc bọn lính...
Tôi gặp bà Lyne Galant, chủ tiệm bán hoa đường Catinat. Bà ta đến Saigon hồi tháng 12 năm 1929 là thời mà bà ta gọi là “Thời vàng son của thuộc địa”. Và sau đó, bà ta ở lại Saigon luôn.
Bây giờ,bà ta đã có vé máy bay, đã giữ chỗ, đã chiếu khán và đã có giấy chứng nhận không thiếu thuế. Vào phút chót, người phụ nữ khả kính ấy quyết định ở lại.
- Thưa ông không, tôi không thể nào bỏ rơi những người đã hợp tác với tôi từ ba chục năm nay. Tôi muốn được ở bên họ trong những ngày khó khăn sắp tới. Sau đó, tôi sẽ ra đi, để lại cửa tiệm cho họ để họ muốn làm gì tùy ý họ. Vì tôi cho rằng những người chủ mới của Saigon cũng chẳng cần gì tới một người bán hoa và rằng họ sẽ chẳng để cho nhân viên của tôi theo tôị.
Tất cả những người Pháp còn ở lại Saigon đều nói rằng họ không hi vọng gì hết. Nhưng họ sẽ ở lại cho tới cùng, cho tới lúc người ta đuổi họ đi. Vì Saigon là thành phố của họ. Có tất cả mười ngàn người Pháp ở Nam Việt Nam, trong số đó có chín ngàn người tại Saigon. Màn đêm đã buông xuống những người Pháp ở Đà Lạt, Đà Nẵng hoặc ở các đồn điền vùng cao nguyên. Người ta không được tin tức gì về họ cũng như về các giáo sĩ. Một số đã mất tích, một số khác bị cầm tù.
Đối với Tổng thống Giscard d’Estaing thì chẳng có gì khó khi ông ta yêu cầu người Pháp ở lại Việt Nam để duy trì sự hiện diện của nước Pháp. Tôi nhớ lại chuyện ở Hà Nội. Trong vài tháng sẽ chẳng còn gì là sự hiện diện của Pháp ngoại trừ một tòa tổng lãnh sự. Các trường học, nhà thương, các phái bộ và các quán ăn có vẻ Pháp sẽ phải đóng cửa như đã xảy ra tại Hà Nội. Các nhóm truyền giáo sẽ bị hỏi thăm trước nhất vì tôn giáo cộng sản chỉ có thể chấp nhận những người truyền giáo cho tôn giáo cộng sản và chỉ có thể chấp nhận những chính trị viên làm một thứ linh mục.
Bảy ngàn người Pháp tại Việt Nam có thể mất tự do vì chính sách đối ngoại dựa trên sự giả tưởng của Giscard d’Estaing.
Tôi đã trông thấy những người Pháp ấy chen chúc trước cửa tòa Lãnh sự Pháp, tay đưa thẻ thông hành lên cao, nhiều tấm giấy thông hành đã hết hiệu lực. Họ yêu cầu tòa Lãnh sự trấn an họ. Cũng có người dân mò tới tòa Đại sứ Pháp nhưng chẳng có ai thèm tiếp họ.
Thật là một phép lạ khi tôi trông thấy toán chuyên viên của tôi tới Saigon trên chuyên bay sau chót đáp xuống Tân Sơn Nhất. Merlin, chuyên viên chụp hình và quay phim và Mathurin, chuyên viên âm thanh. Họ kể cho tôi nghe những cố gắng vô ích của họ để tới Cao Mên. Nơi nào cũng xua đuổi họ. Chính quyền mới không muốn cho bên ngoài thấy những gì đang xảy ra tại đó. Người Khờ Me đỏ đã dùng đường lối đẫm máu tiêu diệt tất cả những gì có thể gợi ra hình ảnh của Tây Phương. Thư viện cũng bị tàn phá. Các nhà thương cũng bị phá vì người cộng sản nói họ khộng cần có nhà thương.
Vì người Nga da trắng cho nên bị đối xử tệ hơn người Pháp. Cửa Sứ quán Nga bị nổ tung vì súng Bazooka và bầy nhân viên của sứ quán này bị xích tay đưa tới Sứ quán Pháp là nơi mà tất cả những người ngoại quốc bị tập trung lại.
Dường như ảnh hưởng của Trung Cộng rất mạnh và giữa những người Khờ Me Đỏ thân Nga hoặc thân Tầu, người ta hoan hỉ giết nhau.
Coutard và tôi đi tới sứ quán Pháp để dùng bữa? trưa với Đại sứ Mérillon. Ông ta ló đầu ra cửa sổ:
- Tôi xin lỗi một lát vì đang tiếp một người bạn. Ông ấy đến từ biệt tôi.
Đó là Tướng Trần văn Đôn. Ngày hôm qua, ông ta còn là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng và đã có lúc nghĩ tới việc nắm được ghế quốc trưởng. Hôm trước, Đôn đã hoạt động mạnh để đẩy Trần văn Hương ra khỏi chiếc ghế tổng thống bằng cách dệt ra một tình hình quân sự bi thảm ở dưới sự thật.
Trong những ngày gần đây, Đôn là người thừa hành trung thành của chính sách Pháp, và người ta bảo tôi rằng từ nhiều tháng trước, ông ta được Sứ quán Pháp nghe theo rất nhiều. Tướng Đôn bảnh trai, xuất sắc, nhẹ nhàng, đã tới tòa đại sứ Pháp để lấy giấy thông hành. Phải chăng ông ta sanh tại Bordeaux? Vì quá vội vàng nên Đôn quên không báo tin cho viên Đại tá Chánh văn phòng của Đôn biết. Viên Đại tá sau này đã tự tử.
Có lẽ Đôn sẽ làm lại một sự nghiệp chính trị trên bờ sông Garone. Một khi người ta quên được cặp mắt có vết nhăn của ông ta thì người ta có cảm tưởng đang nói chuyện với một chính khách Pháp kiểu Đệ Ngũ Cộng Hòa.
Tôi đi tìm Tướng Minh để phỏng vấn ông ta. Các biến chuyển sẽ diễn ra quá dồn dập đến nỗi không thể nào có được Tướng Minh ở trước ống kính của tôi.
Tại Dinh Độc Lập, lễ bàn giao diễn ra với đủ mọi lễ nghi. Ông già Hương run rẩy đọc diễn văn, rồi rời khỏi ghế và vấp vào một bậc thềm. Minh ngồi vào và nói vài lời.
Tôi trở lại khách sạn Continental. Coutard cho biết là anh ta đã quay phim được cảnh các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt tiến ra mặt trận như là lực lượng trừ bị chót của quân lực Nam Việt Nam.
Tôi đã trải qua cái cảnh đó năm 1940 khi người ta gọi tôi cùng với các sinh viên sĩ quan khác tới bảo vệ một cây cầu trên sông Loire. Chẳng bao giờ, chúng tôi làm được việc ấy vì quân Đức đã bọc tới, tôi cảm thấy sợ nhưng chúng tôi quyết định chiến đấu như các bạn của chúng tôi ở trường Saumur.
Với lối hỏi tàn nhẫn để che dấu sự trìu mến, Coutard hỏi các sinh viên sĩ quan Đà Lạt:
- Các ông có biết sắp bị giết không?
Câu trả lời của một chuẩn úy:
- Chúng tôi biết.
- Tại sao? Hỏng hết rồi.
- Tại vì chúng tôi không muốn chủ nghĩa cộng sản.
Và trong bộ đồng phục mới, giầy chùi xi láng bóng, các sinh viên anh dũng của trường Võ Bị Đà Lạt đã đi vào chỗ chết. Họ chỉ còn thiếu có cái nón diễn hành và đôi bao tay trắng.
Chúng tôi đang đứng trên sân lộ thiên của khách sạn Continental, bàng hoàng trước sự mau lẹ và tầm vóc rộng lớn của sự bại trận này. Và chúng tôi cảm thấy rất gần gũi với những kẻ thất trận hơn là với kẻ chiến thắng.
18 giờ 30. Trận mưa nặng nề của nhiệt đới đã quét sạch đường phố. Ánh đèn điện mầu đỏ, ngả sang mầu cam, lề đường lấp lánh. Có tia chớp và tiếng sấm. Không, đó là tiếng hỏa tiễn nổ và tiếng đạn réo. Còi báo động ré lên. Chúng tôi nhào xuống dưới bàn rồi sau đó mới hiểu rằng Dinh Độc Lập bị tấn công chứ không phải khách sạn.
Ba phản lực cơ A37 mang mầu cờ Nam Việt Nam đã bắn vào dinh và trên đường về đã dội bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ trên mái nhà ở ngoài phố, ai có thứ súng nào cũng đều bắn hết. Do đó mới hỗn loạn.
Lúc đầu, chúng tôi tưởng đó là một đòn của Nguyên Cao Kỳ, trận đấu cảm tử kiểu Kamikaze lần chót của những phi công theo phe Kỳ. Vì nghĩ rằng đã hết hi vọng, họ quyết định phá vỡ dinh trước khi Tướng Minh đầu hàng không điều kiện và không để cho người Mỹ được yên ổn di tản.
Sự thật lại khác hẳn. Máy bay và phi công từ Phan Rang tới. Họ đã chạy sang phía cộng sản. Một trong ba người là trung úy đã từng ném bom Dinh Độc Lập của Thiệu. Và anh ta đã được thăng cấp đại úy. Thế có nghĩa là cộng sản chẳng cần nói chuyện với ai hết. Đài phát thanh Việt cộng không ngớt lập lại rằng không có vấn đề thỏa hiệp với tên hiếu chiến Minh và bè lũ của hắn vì hắn chỉ nghĩ tới việc kéo dài chiến tranh cho tân thực dân Mỹ. Khi người ta muốn giết con chó thì người ta nói nó mắc bệnh ghẻ.
Minh và nhóm của ông ta, người Phật tử Vũ văn Mẫu và người Công giáo Nguyễn văn Huyền đang làm tất cả những gì họ có thể làm để chiều ý người cộng sản.
Họ đã yêu cầu người Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam thật lẹ, đẩy mạnh việc di tản bằng mọi phương tiện.
Chúng tôi nhận được tin tức về sự sụp đổ từ khắp nơi gởi về. Minh Cồ không sao kiếm được một tham mưu trưởng, tuy rằng ông ta rất cần có một người như thế trong lúc nầy, dầu rằng chỉ để mà ra lệnh cho quân đội, tìm cách gom lại các đơn vị đang chiến đấu để chuẩn bị tư tưởng của họ trong một cuộc ngưng bắn.
Tướng Cao văn Viên và viên phụ tá đã chuồn cùng với người Mỹ. Còn lại Minh “Nhỏ”. Rồi Minh Nhỏ cũng chuồn. Rồi đến Tướng Vĩnh Lộc hăng hái tuyên bố trên đài phát thanh:
- Anh em binh sĩ, các bạn đừng có hành động như những con chuột chạy trốn, như cựu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu.
Và rồi Vĩnh Lộc chuồn luôn.
Một máy bay DC-6 của Hàng không Việt Nam chở đầy người tị nạn đã cất cánh không có phép và đáp xuống Phi Luật tân. Một chiếc tàu dùng đường sông để chở
nhân viên tòa Lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ đã bị các máy bay trực thăng của Nam Việt Nam tấn cộng. Tức giận vì bị bỏ rơi hay đó chỉ là một hành động đạo tặc?
Minh cho thi hành vài biện pháp. Ông ta quyết định thả các tù nhân chính trị, cho tục bản ba tờ báo trước đây bị Thiệu đóng cửa và giới nghiêm liền trong 35 giờ từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng mai để cho phép người Mỹ tiếp tục di tản. Khi đòi người Mỹ phải ra khỏi Nam Việt Nam trong hai mươi bốn giờ, ông ta chỉ làm cái việc chuyển cho người Mỹ một yêu sách của cộng sản.
Một viên đại sứ tên là Dean Brown được chỉ định để phối hợp tất cả các hoạt động. Năm chiếc mẫu hạm đã ở ngoài khơi Việt Nam, trong đó có chiếc Hancock và Okinawa chở trực thăng hạng nặng, cùng với 46 chiếc tàu khác, từ những đơn vị nhẹ để đổ bộ cho tới những tàu phóng phi đạn. 37.000 người trọng đó có 4.000 Thủy Binh Lục Chiến sẵn sàng bảo vệ cuộc di tản. Và hằng trăm máy bay PhanTom và trực thăng Cobra có võ trang. Cuộc hành quân di tản mang tên là Talon Vise.
Cuộc dội bom Tân Sơn Nhất làm cho Mỹ thiệt hại một máy bay C 130. Rõ rệt là quân Bắc Việt đã ở trong tầm đại bác và chúng có thể bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào. Nhưng bọn chúng biết rằng người Mỹ sẽ không tha thứ nếu việc di tản người Mỹ bị ngăn cản, còn hơn một ngàn người Mỹ, và chưa nói tới một số người Việt Nam được người Mỹ che chở.
Con số người Việt Nam này được người ta phỏng đoán từ 70.000 đến 140.000.
Ở khắp nơi, người ta bắt đầu treo cờ Pháp. Khách sạn Continental treo một lá cờ Pháp hạng bự.
Giới ăn sương vẫn hoạt động mạnh ở quanh khách sạn. Họ phải kiếm được một người khách trước tám giờ tối. Nửa giờ trước khi giới nghiêm thì giá cả sụt xuống. Vài phút trước khi giới nghiêm thì có thể tìm được một cô bạn gái miễn phí qua đêm. Buổi chiều ngày 29 tháng 4, một số gái ăn sương sẵn sàng trả tiền nước để được nước Pháp che chở và cho trú ẩn sau những bức tường kiên cố của khách sạn. Người ta chờ đợi một cuộc dội bom.
Chờ tới 18 giờ, các người lãnh đạo Mỹ vẫn còn tưởng rằng có thể đạt được một thỏa hiệp giữa Minh Cồ và các đại diện Mặt trận Giải phóng trong căn cứ Tân Sơn Nhất về việc di tản vì phía người Mỹ cũng tin rằng có những cuộc tiếp xúc với Mặt trận Giải phóng.
Họ sững sốt thấy rằng chẳng có gì hết. Hai sự việc chứng tỏ điều ấy: các máy bay do Bắc Việt kiểm soát dội bom Đinh Độc Lập và Mặt trận Giải phóng không chịu tiếp phái đoàn chính phủ Minh do Phó Tổng thống Nguyễn văn Huyền người Công giáo cầm đầu. Phái đoàn này tới xin hòa bình, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện. Nhưng các điều kiện do Ba Lê đặt ra, còn tại Saigon thì người ta không chịu nói chuyện.
Tôi đến một tiệm bán thuốc gần chợ Saigon. Tiệm trông rất tồi tàn. Tôi hỏi một người không rõ là chủ hay người làm:
- Khi bọn cộng sản tới thì sẽ có gì xẩy ra?
Anh ta trả lời bằng thứ tiếng Pháp rất rành:
- Bấy giờ thì mọi sự sẽ tốt đẹp.
- Tại sao vậy?
- Thưa ông, mọi người đều bằng lòng. Người Pháp đã đổ bộ ở Vũng Tàu.
Anh ta phải giải thích anh ta là Cựu Trung sĩ Nhất trong quân đội thuộc địa và nhờ tôi giúp để kiếm một chân thông dịch viên. Tôi hứa tất cả những gì anh ta muốn. Tôi không muốn phá vỡ giấc mơ của anh ta.
Tôi vội vã trở về khách sạn Continental. Tôi bỗng có cảm tưởng rằng chẳng có gì là sự thật hết: Vì tôi nhìn thấy trong một cơn ác mộng sự bi thảm, sự phi lý và sự vụng về pha trộn với nhau. Đại sứ Pháp và khoa nghĩa vụ học của ông ta, Minh Cồ khi lên cầm quyền nhận được mấy trái hỏa tiễn thay cho quà mừng, còn Đại sứ Martin thì tìm cách trì hoãn việc di tản các Mỹ kiều vì ông ta không chịu nhận sự thua trận này của nước Mỹ và ông ta che cái đầu của ông ta như con đà điểu.
Tân Sơn Nhất cháy. Biên Hòa thất thủ. Lửa cháy lớn rọi sáng ban đêm.
Cuối cùng, vào lúc 22 giờ 51, lệnh di tản bằng trực thăng được ban ra. Ám hiệu là Lựa Chọn 4.
Tại nước Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger đã nhân dịp này ca ngợi quân lực Mỹ: “Ở chiến trường, các bạn là những người chiến thắng, các bạn đã rời chiến trường trong danh dự. Nước Việt Nam đã sụp đổ vì những áp lực nặng từ bên ngoài, nhưng các lực lượng Mỹ đã cho nước Việt Nam một cơ hội phải chăng để sống sót.”
Kissinger thì tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng người Bắc Việt sẽ không tìm một giải pháp tuyệt đối bằng các phương tiện quân sự, họ đã đổi thái độ và chúng tôi vẫn không hiểu tại sao.”
Vậy thì mọi người đã điên mất rồi.
Ai đã là người Việt Nam cuối cùng chết cho lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam, cho cờ sao vàng của Mặt trận Giải phóng hay cho lá cờ đỏ của miền Bắc?
Ba triệu người đã chết cho cuộc chiến tranh này. Chết cho ai? Tại sao chết ? Chết để có cái vũ khúc siêu thực này ?
Những người cộng sản ngạc nhiên khi thấy mình tiến được mau quá và ngạc nhiên khi thấy mình chiến thắng. Họ chẳng chuẩn bị được gì vì họ sợ sệt khi chiếm được một thành phố chen chúc, thù nghịch và xa lạ như Saigon.
Người ta nói rằng đã có những chuyện ghê gớm xẩy ra tại các trại tị nạn ở Vũng Tàu khi các trại ấy bị pháo kích.
Nhiều tàu nhỏ của Hải quân Nam Việt Nam đã chận bắt những tàu chở người tị nạn. Binh sĩ Hải quân cướp tiền và nữ trang của đàn ông và đàn bà trên tàu. Chúng hãm hiếp những người con gái mà chúng thèm muốn. Rồi chúng đánh chìm tàu, bắn những người nào còn sống sót định bơi vào bờ và tàn sát những trẻ em.
Những tên cướp Thái Lan đã sáp lại gần những chiếc tàu chở người tị nạn và cướp phá.
Suốt đêm, máy bay gầm thét trên trời, trên đầu chúng tôi. Người ta tưởng như xe lửa đang chạy, ở phía dưới, chúng tôi phải bịt tai.
Lần này, cơn hấp hối của Saigon đã bắt đầu. Sau bao nhiêu ngày, bao nhiêu ngày nữa nó mới chết?
No comments:
Post a Comment