Đã
kết thúc đúng 45 năm, nhưng cái bóng của cuộc chiến ấy dường như vẫn
luôn bám theo đằng sau, nhiều lúc muốn chụp phủ lấy tôi như bóng ma, một
thứ “bóng đè”, làm tôi muốn ngộp thở.
Từ
giã học đường, tôi vào lính khi còn rất trẻ. Cũng không hẳn vì thích
đời binh nghiệp, nhưng ý thức trách nhiệm làm trai trong lúc đất nước
đang trong khói lửa chiến tranh, nhìn quanh bạn bè thân quen đều lần
lượt nhập ngũ, và gần như con đường nào rồi cuối cùng cũng dẫn tới một
quân trường, nên đúng như lời một bài hát cũ, “năm 21 tuổi tôi đi vào
quân đội mà lòng chưa hề yêu ai”.
Ra
trường, được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến lưu động. Trải qua nhiều
chức vụ, tôi cũng chẳng phải là một cấp chỉ huy tài ba đảm lược, những
chiến công hầu hết là nhờ vào máu xương của anh em binh sĩ. Không nhớ
tôi đã hướng dẫn họ được những gì, nhưng chắc chắn tôi đã học được ở họ
sự trung thành, lòng can đảm và nhiều kinh nghiệm chiến trường. Trong
hơn mười năm chiến trận, tôi từng được thăng cấp đặc cách ngoài mặt trận
và nhận một số huy chuơng tưởng thưởng. Nhiều lúc trầm tư, tôi phân vân
không hiểu đó có phải thực sự là công trạng của mình, khi hình dung đến
khá nhiều khuôn mặt đồng đội dưới quyền đã hy sinh, trong lúc mình vẫn
đang còn sống? Tôi không bao giờ quên được những ánh mắt của họ đã nhìn
tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng. Không biết họ muốn trăng trối, gởi
gấm hay oán trách điều gì. Tôi thường giành phần để được vuốt mắt họ
khi tình hình có thể, như muốn thay một lời tạ lỗi, ít nhất là đã không
bảo vệ được họ. Lời người xưa bao giờ cũng đúng “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”.
Tôi không hề dám mơ tưởng đến chuyện làm tướng bao giờ, nhưng dù chỉ là
một sĩ quan cấp nhỏ, tôi cũng đã mắc nợ khá nhiều xương máu của đồng
đội anh em, mà chắc chắn sẽ không bao giờ còn trả được.
Phục
vụ trong một đơn vị Bộ Binh bình thường, nhưng chúng tôi chưa hề một
lần bại trận. Ngay cả những trận chiến gay go, đẫm máu nhất, với lực
lượng địch đông gấp nhiều lần và vũ khí tối tân hơn, chúng tôi vẫn chiến
thắng vẻ vang, như trận phản phục kích trên QL-20 gần Di Linh (Lâm
Đồng), trận chiến Tết Mậu Thân 1968 tại Phan Thiết, trận phản công tiêu
diệt một lực lượng biển người của địch tại Bu-Prang (Quảng Đức) và đặc
biệt nhất là trận chiến Kontum mùa Hè 1972. Vậy mà cuối cùng chúng tôi
bỗng dưng trở thành những người bại trận. Bi thảm và tủi nhục hơn là dù
có gãy súng, buông súng hay không, chúng tôi cũng thuộc về phía “đầu
hàng” theo lệnh của ông tướng mới lên làm tổng thống ba ngày, nhân danh
Tổng Tư Lệnh. Sau này, có người bảo ông làm đến đại tướng mà ngây thơ,
nghe theo lời dụ dỗ, móc nối của ai đó và một người em ở phía bên kia,
tin Cộng sản sẽ thành lập “chính phủ ba thành phần”. Có người lại bảo
ông giành chức tổng thống chỉ để làm một điều duy nhất – đầu hàng. Cũng
có người bênh vực, bảo nhờ ông đầu hàng nên tránh được một cuộc tắm máu,
và có đủ thời gian cho một số người kịp chạy đến Subic Bay hay đảo
Guam, sang Mỹ sớm. Là một thằng lính năm tháng ở trong rừng núi, ngộp
thở với bao nhiêu thứ lệnh lạc trên chiến trường, tôi không biết gì về
chính trị, nhất là các biến cố dồn dập, hỗn độn trong những ngày cuối
cùng tại thủ đô Sài gòn, nhưng tôi cảm thấy “nhục!”
Trong
chiến tranh, thắng bại dù sao cũng là lẽ thường tình. Cuộc nội chiến Mỹ
1861-1865, Nam quân đã đầu hàng Bắc quân, và trong Đệ Nhị Thế Chiến,
nước Nhật hùng mạnh đã phải đầu hàng quân đội Đồng Minh, sau khi hai quả
bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Kẻ chiến
thắng đã hành xử văn minh, nhân bản như thế nào, cho dù các cuộc chiến
ấy cũng vô cùng tàn khốc, cướp đi rất nhiều sinh mệnh của hai bên – cả
dân lẫn lính. Nhưng cuộc bại trận của chúng tôi sao mà phẫn uất và đau
đớn quá. Bị đồng minh phản bội, bỏ rơi trong đành đoạn, tức tưởi. Thua
một kẻ địch không đáng để thua. Và một chế độ tự do nhân bản, văn minh,
phồn thịnh lại phải đầu hàng một chế độ man rợ, nghèo nàn, lạc hậu. (Có
lẽ trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa từng có những người lính nào
ở phe thắng trận lại ngồi khóc ở vệ đường trên phần đất vừa mới chiếm
được – như trường hợp nhà văn bộ đội Dương Thu Hương và có thể còn nhiều người khác nữa–
bởi nhận ra mình bị lừa dối, uổng phí cả một thời trai trẻ để đi “giải
phóng” một đất nước tự do, văn minh, giàu có, hạnh phúc gấp vạn lần xứ
sở của mình.)
Điều
đau lòng và đáng tủi nhục hơn là thua quá nhanh. Hai cuộc triệt thoái
sai lầm tệ hại, từ Pleiku theo Tỉnh Lộ 7B của Quân Đoàn II và từ bờ biển
Thuận An của Quân Đoàn I, dự trù theo đường biển, đã thất bại quá nặng
nề bi thảm, không những làm mất hai quân đoàn ở những tuyến đầu cùng cả
một sư đoàn tổng trừ bị tinh nhuệ, mà quan trọng hơn, làm mất tinh thần
và niềm tin chiến đấu cho quân, dân cả nước. Điều đau đớn và tội nghiệp
nhất của người lính chiến là khi họ không còn niềm tin vào cấp chỉ huy,
lãnh đạo của mình. Đánh giặc mà không có hậu phương, không còn được tiếp
tế, không có viện binh, có nơi không có cả cấp chỉ huy, và nhất là
không biết cắt bỏ đất đến đâu, thì trận đánh đó trở thành bi thảm, niềm
tin chiến thắng trở nên rất mong manh, vô vọng, người lính nếu còn chiến
đấu chỉ vì tình đồng đội và tự vệ cho sự sống còn của chính cá nhân
mình.
Mặc dù ghi được hai điểm son cuối cùng trong quân sử (–
Tại Ban Mê Thuột, chỉ một tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung Đoàn 53 được
tăng cường hai Trung Đội PB 105 ly và một Đại Đội Trinh Sát, dưới sự chỉ
huy của Trung Tá Võ Ân, quyết tử thủ tại căn cứ B50 bên phi trường
Phụng Dực, đã dũng cảm chống trả một lực lượng hùng hậu của địch, với
quân số gấp 5, 7 lần cùng nhiều chiến xa T-54, bao vây đúng một tuần sau
khi cả thành phố Ban Mê Thuột đã thất thủ, tiêu diệt nhiều đơn vị,
chiến xa địch, cho đến khi cạn đạn dược, phải mở đường máu thoát ra – và
tuyến thép Long Khánh của Tướng Lê Minh Đảo đã cầm chân cả hơn một quân
đoàn Cộng sản gần hai tuần lễ, gây tổn thất nặng nề cho địch, làm ngỡ
ngàng cả thế giới, nhất là Tòa Bạch Ốc); nhưng cũng chỉ đúng
50 ngày, kể từ khi mất Ban Mê Thuột, một quân lực hùng mạnh gần như tan
rã, và cả miền Nam mất vào tay giặc!
Ngoại
trừ phần lớn lực lượng Hải Quân và Lữ Đoàn I Nhảy Dù có phương tiện ra
đi theo kế hoạch, một số thuộc các đơn vị Không Quân, và từng nhóm hoặc
cá nhân mang theo gia đình tự vượt thoát bằng các loại phi cơ, ghe tàu
kiếm được, hầu hết còn lại phải vào tù, từ những tướng lãnh đến sĩ quan
mới ra trường, có cả một số hạ sĩ quan giữ những chức vụ liên quan tới
an ninh, tình báo. Một số không nhỏ đã bị “bên thắng cuộc” tàn sát dã
man tại địa phương, ngay sau khi cướp lấy chính quyền. Đặc biệt đáng
kính phục, một số tướng lãnh cùng nhiều cấp chỉ huy và binh sĩ khí phách
đã tự sát vào giờ thứ 25 để giữ tròn tiết tháo. Cả một miền Nam thua
trận đã nhanh chóng trở thành một vùng đất chết, khốn cùng, bi thảm.
Tiền bạc (có được từ mồ hôi nước mắt và có khi bằng xương máu) bỗng chốc
không còn giá trị, nhà cửa, tài sản bị cướp sạch dưới danh nghĩa tịch
thu, rất nhiều gia đình từ ông bà già đến những đứa con nít sơ sinh bị
xua đuổi, cưỡng bách đi đến những nơi rừng thiêng nước độc. Người dân có
cảm giác như bị lưu đày ngay trên chính quê hương mình. Tương lai chỉ
còn là những cơn ác mộng. Thời ấy, mọi người chỉ còn biết nhìn ra biển
khơi mênh mông để ước mơ một sự đổi thay nào đó ở phía bên kia chân trời
mịt mờ vô định. Và còn gì đau đớn hơn khi con người nghĩ tới chuyện
phải bỏ quê hương ra đi lại là một niềm khát vọng!
Hơn
tám năm bị đày ải qua nhiều trại tù Nam-Bắc, ngày trở về tôi không còn
được nhìn lại mặt cha mình. Ông đã chết sau gần một năm bị bắt vào một
trại tù khác trong Nam khi tuổi sắp 70. May mắn là tôi còn người vợ
chung tình cùng tôi qua bao cuộc biển dâu, bươn chải nuôi đàn con dại,
cho dù bữa no bữa đói.
Nhìn
thấy vợ con đói khổ, tả tơi, mình chẳng có thể giúp được điều gì, mà
còn tạo thêm gánh nặng, cuối cùng, chỉ còn cách duy nhất – đem hết sinh
mạng cả nhà để đánh một canh bạc cuối cùng – vượt biển.
***
Tôi đến trại tị nạn khi phong trào kháng chiến, phục quốc đang trong thời kỳ đỉnh điểm. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do
vị tướng Hải Quân Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, nghe nói có căn cứ, chiến khu
ở đâu đó trên đất Thái Lan gần biên giới Lào-Việt. Có cả tờ báo và đài
phát thanh Kháng Chiến. Tôi cùng rất nhiều anh em nức lòng hăng hái
tuyên thệ để được trở thành đoàn viên. Đứng trước bàn thờ tổ quốc, đưa
tay lên chào lá quốc kỳ, hô mấy lời thề mà trong trái tim bừng lên khí
thế và nước mắt rưng rưng cảm động. Nhiều người sẵn sàng trở về chiến
đấu. Riêng tôi còn tin tưởng và phấn chấn hơn khi được xem cuốn phim
quay trong “chiến khu quốc nội”, nhận ra người bạn học đồng hương thân
thiết, một sĩ quan TQLC, là kháng chiến quân cầm súng đứng bên cạnh
Trung Tá Lê Hồng (bấy giờ được gọi là Thiếu Tướng Đặng Quốc Hiền), dưới
lá cờ vàng phất phới tung bay giữa núi rừng biên giới.
(Tr/Tá Lê Hồng trong chiến khu)
(Trung
Tá Lê Hồng là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong binh chủng Nhảy Dù, mà
tôi từng biết danh và kính phục. Ông xuất thân từ người lính binh nhì và
hầu hết những cấp bậc đều được vinh thăng tại mặt trận. Sau trận chiến
Long Khánh lẫy lừng, cùng sát cánh với SĐ 18 của Tướng Đảo, ngăn chặn
hằng cả quân đoàn Bắc Việt có nhiều chiến xa, trên đường tiến chiếm Sài
gòn, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù di chuyển về Gò Công, tìm đường để về Vùng 4
chiến đấu cùng Tướng Nguyễn Khoa Nam, nhưng đã quá muộn, không còn thời
gian và cơ hội nữa. Với chức vụ Lữ Đoàn Phó LĐ1/ND, Trung Tá Lê Hồng đã
thừa lệnh vị Lữ Đoàn Trưởng tìm mua ghe thuyền đưa toàn quân ra biển. Và
đó là đơn vị Lục quân tác chiến duy nhất đã di tản toàn bộ đến Hoa Kỳ.)
Nhưng chỉ vài tuần, sau ngày “Đại Hội Chính Nghĩa” của
Mặt Trận tổ chức rầm rộ tại Washington DC-Hoa Kỳ thì chúng tôi dồn dập
nhận được bao nhiêu tin tức không vui. Một số lớn cán bộ chủ chốt và
đoàn viên tách ra, chia làm hai ba nhóm, lên án tố cáo lẫn nhau, lộ ra
nhiều điều không thật. Chúng tôi ở tít mù xa nên chỉ biết tạm thời “án
binh bất động.” để giữ tình anh em, chiến hữu. Chưa kịp phản ứng gì thì
nghe tin vị Tướng lãnh đạo cùng nhiều cán bộ, kháng chiến quân đã hy
sinh tại Nam Lào. Hình ảnh và tin tức có đầy trên báo chí, truyền hình
Cộng sản. Lực lượng “quốc nội” xem như tan rã. Thằng bạn tôi có tên
trong danh sách “bị giết”, Trung Tá Lê Hồng cũng không còn (sau này nghe
nói ông chết trong chiến khu vì trọng bệnh). Như một quả bóng căng đầy
bị xì hơi, chúng tôi chẳng còn gì để hy vọng. Tôi đau đớn rời khỏi tổ
chức mà mình đã hết lòng góp công gầy dựng. Nỗi buồn lại tăng lên gấp
bội, khi những người chết, dù gì họ cũng đã hy sinh vì Tổ quốc, lại
không hề được chính thức công bố, truy điệu, vinh danh. Tôi ra phía sau
nhà, đứng một mình trong bóng đêm, đốt ba nén hương hướng về phương Đông
để tưởng nhớ thằng bạn cũ mà trong lòng ngậm ngùi đau đớn. Sau này tôi
có dịp liên lạc được với vợ con nó, sống rất nghèo khổ ở Việt nam, ngay
quê vợ tôi. Ông bà nhạc tôi từng cưu mang đứa con trai lớn của nó một
thời gian, lo cho việc ăn ở, học hành.
Những
năm đầu định cư, sống trên vùng Bắc Âu băng giá, tôi càng lạnh lẽo hơn
khi biết tin người anh hùng Trần Văn Bá, Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên
Việt Nam ở Pháp cùng các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh và một số thành
viên trong Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải phóng Việt Nam bị
bắt khi xâm nhập vào bờ biển Cà Mau. Sau đó anh Bá đã bị CS xử bắn cùng
nhiều người khác. Trên bàn thờ nhà tôi, có thêm tấm di ảnh của anh. Anh
rất xứng đáng để được vinh danh như một vị anh hùng.
(anh hùng Trần Văn Bá)
Một tổ chức khác, Liên Minh Quang Phục Việt Nam của
ông Võ Đại Tôn, một cựu sĩ quan cao cấp, từ Úc Châu, gạt lệ từ giã vợ
trẻ con thơ tìm đường về phục quốc. Tôi hoàn toàn không biết gì về sách
lược hay kế hoạch của ông cho đến khi nghe tin ông bị bắt. (Sau này bất
ngờ được xem cuốn phim quay cảnh ông bị cộng sản đưa ra một cuộc họp báo
quốc tế tại Hà Nội ngày 13.7.1982. Cuốn phim do phóng viên Neil Davis
của NBC News cùng ký giả Mori của đài truyền hình NHK/ Nhật Bản, thực
hiện và may mắn được mang ra khỏi Việt Nam để trình chiếu trên đài
truyền hình Tokyo, Nhật Bản. Chắc chắn bọn cầm quyền Hà Nội đã áp lực để
bắt ông phải nói theo sự dàn dựng của chúng, nhưng ông đã khôn khéo lừa
dụ địch, tương kế tựu kế, nhằm đưa được tiếng nói của mình ra bên ngoài
thế giới. Trước nhiều phóng viên của các nước cộng sản và thế giới tự
do, với nét mặt đanh thép và giọng nói dõng dạc, hùng hồn ông tuyên bố
(nguyên văn): “Tổ
chức của tôi có cơ sở tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Trong một
mục đích của tổ chức, chúng tôi có kế hoạch dự trù xâm nhập trở về Việt
Nam để tìm hiểu tình hình và từ đó sẽ đặt kế hoạch cho tương lai. Vì lẽ
đó, tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi. Tôi tiếp
tục lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho tự do và giải phóng
dân tộc. Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào mà chế độ Công sản dành
cho tôi”
Cả
hội trường im bặt, các phóng viên quốc tế sửng sốt, đám cán bộ cộng sản
nhìn nhau ngơ ngác. Cuộc họp báo buộc phải dừng lại bởi xem như bất
thành với ý đồ của đám người tổ chức (thuộc Bộ Thông Tin Văn Hóa CS).
Niềm hạnh phúc vỡ òa trong trái tim tôi, hãnh diện về một vị đàn anh khí phách, nhưng sau đó lo lắng cho số phận của ông.
(ông Võ Đại Tôn trong buổi họp báo của CS tại Hà Nội)
Sau
mười năm bị hành hạ kiên giam trong ngục tối, nhờ sự can thiệp của
chính giới quốc tế và Úc Châu, ngày 11.12.1991, ông được trở về Úc với
thân xác gầy gò còn hằn những vết đòn thù. Nhiều báo chí trên thế giới
và hầu hết cộng đồng người Việt khắp nơi ca ngợi ông như một anh hùng,
nhưng rồi cũng có ít người chê trách, kể cả miệt thị ông. Một lần nữa,
tôi có cảm giác cay đắng, ngậm ngùi. Dù gì, lòng can đảm, tính khí khái
và sư hy sinh lớn lao của ông cũng đã quá đủ để làm tôi kính phục. Xưa
nay mấy ai đem chuyện thành bại mà luận anh hùng. Và với tôi, ông xứng
đáng là một anh hùng.
Rồi
tất cả cũng từ từ đi vào quên lãng. Chuyện kháng chiến, phục quốc lắng
xuống, nhưng mầm móng chia rẽ, nghi kỵ bắt đầu. Niềm tin mất dần, và
dường như lòng một số đông người Việt tị nạn cũng dần dà chán chường,
nguội lạnh.
***
Vừa
bỏ lại đằng sau gần mười năm khốn cùng tăm tối, lại vừa thoát chết trên
biển Đông, giờ mới bước lên bến bờ tự do thì gặp bao nhiêu điều hụt
hẫng đau lòng, tôi không còn muốn nhìn lại vùng bóng tối phía sau lưng
bằng cách dồn hết nỗ lực hòa nhập vào quê hương mới.
Đời
sống ở vùng Bắc Âu thật an bình, dân tình hiền hòa, đất nước thơ mộng
với rừng núi, sông hồ quanh năm tĩnh mịch, như là những liều thuốc nhiệm
mầu tưởng chừng có thể chữa lành được những vết thương còn lại trong
lòng mình.
Tám
năm sau, nhân dịp đưa ba cô gái sang Mỹ học, tôi có dịp gặp lại một số
đồng đội và bạn cùng tù cũ. Thời gian này, đã có nhiều đợt cựu tù “cải
tạo” đến Mỹ theo diện HO. Rất vui và cảm động qua bao cuộc trùng phùng.
Một chiều cuối tuần, chúng tôi theo anh bạn, trước kia là tiểu đoàn
trưởng, đến tham dự buổi họp mặt binh chủng của anh, một binh chủng từng
vang tiếng một thời, được tổ chức tại một nhà hàng lớn trong khu Little
Saigon. Rất đông đảo người tham dự. Sau gần hai mươi năm tôi mới thấy
lại nhiều anh em mặc quân phục, có vài người mang cả cấp bậc, và lần đầu
tiên ở hải ngoại, chứng kiến một nghi lễ rước quốc, quân kỳ và chào cờ,
với đầy đủ súng ống, có cả tiếng kèn đồng thổi bài truy điệu, tôi đã
xúc động, nước mắt tuôn trào. Sau khi vị trưởng ban tổ chức giới thiệu
thành phần ban chấp hành và đọc qua tiểu sử cùng những chiến công hào
hùng của binh chủng, một vị tướng đại diện cho binh chủng được trịnh
trọng mời lên sân khấu để “có đôi lời” cùng anh em đồng đội. Mái đầu đã
bạc, nhưng phong cách của ông vẫn uy nghi, lời nói dõng dạc, lẫn chút
xúc động khi nhắc đến những “thằng em” còn nằm lại ở chiến trường, hay
đã chết trong tù ngục. Không khí như trầm xuống. Nước mắt tôi lại trào
ra. Sau đó, tiếng nhạc nổi lên và cả chương trình dài còn lại dành cho
văn nghệ, dạ vũ. Sự đổi “tông” ấy đã làm tôi hụt hẫng, tiếc nuối. Như
một giấc mơ đẹp đẽ bỗng biến mất bởi những hình ảnh và âm vang đưa tôi
trở về thực tế. Giá mà tôi rời khỏi hội trường sớm, sau phần nói chuyện
của ông tướng thì hay biết bao nhiêu. Chắc tôi còn giữ được trong lòng
nhiều hơi ấm cùng chút niềm kiêu hãnh hiếm hoi.
Thời
gian sau này, sau khi về hưu, tôi sang Mỹ sống nhiều hơn, đã làm quen
với các sinh hoạt ở đây, dần dà rồi cũng thấy bình thường trước bao điều
nhân tình thế thái. Nhưng tôi vẫn thấy nao lòng, khi chứng kiến những
đồng đội của mình ngày một già thêm và bộ quân phục trên người không còn
tạo cho họ cái oai phong, đẹp đẽ của ngày xưa, cái thời mà hầu như bản
nhạc nào của miền Nam cũng nhắc đến và ca ngợi họ như những người hùng
lý tưởng của các cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương, Bùi Thị Xuân, Đồng
Khánh, các cô sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa trên những con đường tình có
lá me bay, cây dài bóng mát…, hay hình ảnh đẹp đẽ oai phong trong các
cuộc diễn binh vào những Ngày Quân Lực năm nào, giờ thỉnh thoảng vẫn còn
được nhìn thấy lại trên các video.
Một
hôm, tôi lặng người khi thấy trong cuộc diễn hành Tết trên đường phố
Bolsa, có mấy ông bà mặc quân phục mang cả lon tướng, tá của nhiều quân
chủng, mà tôi chưa hề nghe danh, biết mặt, bởi trông họ quê mùa, kệch
cỡm, mang phù hiệu, giây biểu chương còn không đúng cách. Thì ra một đám
tướng tá phường tuồng của một nhóm bệnh hoạn tự phong nào đó. Tôi giận
đến phải buông ra mấy tiếng chửi thề và trách cứ ban tổ chức sao có thể
để cho họ mạo nhận, diễn trò lố lăng như thế? Chẳng lẽ cái quân đội của
chúng tôi từng có biết bao máu đào của hàng hàng lớp lớp chiến binh đổ
xuống tô thắm màu cờ, giờ bị “xuống cấp” đến mức này sao? Từ đó, tôi
không còn muốn có mặt trong các buổi họp mặt, diễn hành khi có những
người mặc quân phục, mang lon lá một cách ô hợp, lố lăng như thế. Tôi
không muốn phải đau lòng. Chính những hình ảnh tệ hại này đã nhắc nhớ,
ám ảnh để tôi nhận ra mình là người lính trong đội quân thất trận, điều
mà lúc nào tôi cũng muốn quên đi.
Cũng ở Mỹ, đặc biệt Tiểu Bang California, nơi từng được mệnh danh “thủ đô người Việt tị nạn” và “thành trì chống Cộng”, tôi
đã phải chứng kiến bao điều thị phi, chia rẽ, nghe những lời miệt thị
giữa những người từng một thời là huynh đệ, đồng môn, đồng đội, đã từng
quỳ xuống trên cùng một vũ đình trường đưa tay lên “xin thề” trong ngày
lễ ra trường, và cùng sống chết bên nhau trên những chiến trường ngập
đầy lửa đạn. Gần như cộng đồng, tập thể nào cũng chia ba xẻ bảy. Còn sức
mạnh nào để đối phó với kẻ thù xảo quyệt, gian trá, bạo tàn, khi thế hệ
chúng tôi tuổi đã già, sức đã kiệt, và sẽ để lại được những hoài bão
gì cho con cháu mai sau?
Mảnh
đất xấu là nơi cơ hội cho cỏ dại, thường là loại cỏ đuôi chó. Tôi thật
sự buồn nôn khi nhìn thấy vài bộ mặt, nhận mình từng là người hùng của
binh chủng này binh chủng nọ, nhưng chạy về khóc lóc, bợ đỡ kẻ thù. Nghe
những lời xu nịnh của họ, mà tôi thấy lợm giọng
Bạn
bè chiến đấu cùng tôi ngày xưa, giờ cũng bị những biến cố của dòng đời
“lưu vong” này mà chia năm xẻ bảy. Tệ hơn có một số còn xem nhau như kẻ
thù. Từ những bất đồng trong “kháng chiến”, “phục quốc” đến việc hội hè,
đoàn thể, xây dựng tượng đài, tu sửa Nghĩa Trang QĐ Biên Hòa, thậm chí
đến cả việc ủng hộ hay chống TT Trump, và mới đây là chuyện “Recall” hay
“No Recall” trong Hội Đồng Thành Phố Westminster- đã giết chết biết bao
tình chiến hữu, đồng đội, đồng môn, huynh đệ một thời.
Tôi
thực tình không hiểu nổi, chỉ cảm thấy đau lòng, xót xa, và nuối tiếc.
Cái bóng ma cuộc chiến của hơn 45 năm trước mà tôi luôn muốn quên đi,
giờ càng đè nặng lên tấm thân còm cõi, bóp nghẹt trái tim già nua của
tôi, từng khát khao bao niềm hy vọng. Vết thương cũ trong lòng, tưởng có
thể lành, giờ nhói đau trở lại. Và món nợ máu xương của bao đồng đội,
đã hơn 45 năm rồi, biết đến khi nào mới trả được cho anh em!
Cầu
xin hồn thiêng sông núi, anh linh tiên tổ và liệt vị anh hùng, tử sĩ
phù trợ cho cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt những huynh đệ từng
mặc áo lính của tôi, sớm dẹp bỏ mọi chia rẽ, tị hiềm, đưa tất cả quy về
một mối, cùng một lòng hổ trợ đồng bào trong nước, để họ có đủ can đảm
bước qua nỗi sợ hãi, cùng đứng lên làm ngọn sóng thần nhận chìm chế độ
Cộng sản man rợ, độc tài, tham nhũng, bán nước cầu vinh, để con cháu đời
sau không còn bị nợ nần, ô nhục, xích xiềng, vươn lên sánh vai ngẩng
mặt tự hào cùng năm châu bốn bể.
Một
chế độ đi ngược lại lòng dân và xu thế phát triển của nhân loại, tất
yếu phải bị đào thải. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian – và sẽ biến thiên
tùy theo những trái tim có cùng nhịp đập.
Tháng 4/ 2020
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment