Saturday, June 13, 2020

Trận Pleime năm 1974 (kỳ 3)

Nhiều kỳ – kỳ 3
Muốn không bị đánh úp thì phải biết động tĩnh của địch. Muốn biết động tĩnh của địch thì phải tận dụng viễn thám và trinh sát. Chuyện này đối với tôi không phải là điều khó giải quyết vì chỉ huy viễn thám và trinh sát vốn là nghề của tôi. Tôi có 6 toán viễn thám rất tinh nhuệ, trong đó 2 toán là do tôi đem theo từ Phòng 2 Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 ngày tôi đáo nhậm đơn vị này.
Vấn đề kế tiếp là: làm sao trì hoãn chiến?
Muốn trì hoãn chiến cần thực hiện hai điều:
Một là, nếu ở trong đồn thì phải phòng thủ thật chắc. 
Hai là, nếu phải đánh nhau dã ngoại thì phải cố sức bám địch, cầm chân địch bằng mọi giá.
Trong đồn thì tôi không lo, vì với mạng lưới kẽm gai chằng chịt và hệ thống giao thông hào đặc biệt mà tôi mới thiết trí có thể giúp cho người lính vững tâm hơn khi chiến đấu.
Nhưng nếu phải đánh nhau dã ngoại thì điều quan trọng nhất lại là tình hình địch.
Phải biết địch cỡ nào thì ta đánh, địch cỡ nào thì ta phải tránh.
Cho dù thời tiết đã sang mùa mưa, mưa tầm tã hết ngày này qua ngày khác, sáu toán viễn thám vẫn phải liên tục thay nhau xâm nhập vào Ia Drang để canh chừng mọi chỉ dấu mới của Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản.
Làm trái độn cho viễn thám là một lực lượng tiếp cứu nằm cách Pleime 6 cây số về hướng Tây Bắc. Nơi đây là vị trí trú quân của một đại đội ưu tiên nghênh cản. Nhiệm vụ của đại đội nghênh cản là cố gắng đánh cầm chân quân địch nếu trận chiến xảy ra.
Các đại đội trực thuộc tiểu đoàn phải thay phiên nhau giữ vai trò nghênh cản. Ðại đội này sẽ không đem theo nồi niêu, trên lưng mỗi người chỉ có ba ngày cơm vắt cùng hai cấp số đạn. Sau phiên trực kéo dài ba ngày, ba đêm thì có người thay.
Ðầu tháng 7 tôi được bổ sung một sĩ quan tiểu đoàn phó là Ðại úy Nguyễn Hữu Tài khóa 10 Thủ Ðức. Ðại úy Tài là một đệ tử của Ðại tá Tất hồi ông Tất còn ở trong Vùng 4.
Tuần sau, để cho Ðại úy Tài quen với địa thế vùng rừng núi, tôi cho ông ta điều khiển một cuộc đổi quân của hai đại đội nghênh cản.
Theo đúng chương trình thì Ðại úy tiểu đoàn phó sẽ dẫn đơn vị thượng phiên tới vùng 6 cây số Tây Bắc Pleime, kiểm soát hệ thống phòng ngự của đơn vị, chấm các tọa độ pháo binh dự phòng trên các đường nghi ngờ địch sẽ xâm nhập. Ngày hôm sau ông ta sẽ theo đơn vị hạ phiên trở về trại, giao nộp phóng đồ hỏa yểm dự trù cho tôi.
Nhưng vừa ra khỏi cổng, Ðại úy Tài đã cùng vài người lính tùy tùng, leo lên tiền đồn Bắc nằm chờ hai đơn vị dưới quyền tự làm công tác hoán chuyển nhiệm vụ. Hôm sau đại đội hạ phiên về tới căn cứ cả giờ rồi, thầy trò Ðại úy tiểu đoàn phó mới lò dò xuống đồi.
Tôi đã nghiêm khắc nhắc nhở Ðại úy Tài rằng, từ nay về sau không được làm việc tắc trách như vậy nữa. Ông Tài đã tỏ ra hối lỗi, và hứa sẽ không tái phạm.
Nào ngờ, vài hôm sau, tôi lệnh cho Ðại úy Tài cùng Ðại đội 1/82 đi thám sát vùng 5 cây số Tây Nam Pleime thì ông ta lại phạm lỗi lần nữa.
Chiều ngày ra quân, Ðại úy Tài báo cáo với tôi rằng đơn vị của ông ta đã lục soát xong khu vực trách nhiệm.
Tới đêm, Thiếu úy Lê Ðình Khay, đại đội trưởng 1/82 lại cho tôi biết anh ta cùng với hai trung đội sẽ ngủ qua đêm trên mục tiêu, còn ông Ðại úy tiểu đoàn phó thì vừa ra khỏi trại đã cùng một trung đội chui vào đóng quân trong khu rừng thưa cuối phi đạo Pleime!
Từ đó, tôi không dám cho ông Tài chỉ huy các cánh quân hoạt động dã ngoại nữa.
Vì biết rõ khả năng và tính nết của người phụ tá của mình rồi, nên tôi chỉ giao cho ông Tài những công việc lặt vặt như mai táng, tải thương và rào giậu.
Tôi phải đích thân điều hành những công việc liên quan tới tác chiến, phòng thủ và yểm trợ.
Tôi có một Chuẩn úy pháo binh tiền sát viên rất trẻ, chú này tên là Khánh. Hình như chú Khánh là dân Chợ Lớn, danh hiệu của chú ấy là Sầm Mi. Có lần tôi thắc mắc với Khánh,
– Có phải Sầm Mi là cô sẩm mà chú đang thương yêu chăng? (xẩm=sẩm= cô gái Trung Hoa)
Trả lời câu hỏi của tôi, chú Khánh chỉ đỏ mặt nhoẻn miệng cười.
Giữa sân bộ chỉ huy có cái chòi cao bằng tre, với mái rơm. Hàng ngày Sầm Mi ngồi thu mình trên chòi từ mờ sáng tới chiều tối. Bất cứ tiếng “depart” pháo cối nào của địch vừa dội tới, trung tâm hành quân của tôi đã có ngay hai yếu tố được Sầm Mi báo cáo thật gọn gàng:
“Hướng X ly giác, tầm xa Y mét…”
Cho đến một hôm, địch bắn tới tấp hàng trăm trái, với đủ loại đạn và từ chục hướng khác nhau, Sầm Mi phải tụt xuống đất chui vào hầm hàm ếch dưới giao thông hào.
Từ ngày đó, tôi cho Sầm Mi cùng với người lính nấu cơm của chú ấy vào làm việc với Ban 3 tiểu đoàn nơi hầm trú của trung tâm hành quân.
Yểm trợ gần cho Pleime hoàn toàn phụ thuộc vào hai khẩu 105 ly cơ hữu.
Yểm trợ xa chỉ có hai trung đội 155 ly đặt ngoài Chi khu Phú Nhơn và Căn cứ 711.
Bốn khẩu pháo binh này bắn mút tầm cũng còn cách Trại Pleime gần 5 cây số.
Khi pháo binh bắn mút tầm thì rất dễ gây ra tai nạn tản đạn. Do đó, tôi lưu ý Chuẩn úy Khánh và Trung úy Chủ mỗi khi chạm trận cần đánh những mục tiêu hướng Ðông và Tây, ta phải gọi Căn cứ 711, nếu cần đánh những mục tiêu hướng Bắc và Nam, thì phải nhờ Chi khu Phú Nhơn.
Cứ theo đó, trên tường của trung tâm hành quân đã có một bảng ghi đầy đủ tên từng hỏa tập, kèm với danh hiệu truyền tin của đơn vị yểm trợ.
Từ giữa tháng Bảy, hầu như ngày nào địch cũng bắn vào trại Pleime từ 10 tới 15 viên trái phá mỗi loại. Có lẽ chúng đang điều chỉnh để lấy yếu tố tác xạ tiên liệu, khi cần sẽ bắn tập trung. Như thế là hai bên đều trong thời kỳ chuẩn bị, kỳ này “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào!” 
Trong số gần hai chục quả 130 ly đại bác nòng dài của Việt-Cộng nhắm vào Pleime thì chỉ có một viên rơi trong rào, số còn lại đều bay qua đầu, xuống suối.
Trái 130 ly nổ chậm (delay) rơi sát vị trí hai khẩu 105 ly, đào một hố sâu cỡ đầu người với đường kính chừng sáu thước. Chỉ cần hai viên 130 ly rơi đúng mục tiêu thì toàn bộ trung đội pháo binh biên phòng này sẽ bị tiêu diệt!
Từ khi lập trại, vị trí hai khẩu 105 ly chỉ trực xạ cận phòng được nửa vòng tròn từ Ðông, tới Nam qua Tây. Còn các hướng Bắc, Ðông Bắc, Tây Bắc đều nằm trong tử giác, không trực xạ được.
Trường hợp bị địch tấn công từ hướng chính Bắc, Ðông Bắc, và Tây Bắc thì hướng bắn của hai khẩu súng này bị nhà cửa, pháo đài và thành lũy che khuất, đành thúc thủ.
Rút kinh nghiệm mà tôi đã tận mắt chứng kiến ngày Căn cứ Biên phòng Lệ Minh bị tràn ngập. Hôm đó tôi bay trên trời, tôi thấy cái cổng trại mở toang, pháo địch nổ rền, toàn doanh trại bao trùm một màn bụi khói.
Khói súng chưa tan, Cộng Quân đã ào ào chạy vào cổng, chia nhau chiếm giữ các lô cốt, theo sau là lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam xanh, đỏ, sao vàng.
Từ trên trực thăng nhìn xuống, thấy cảnh xảy ra cứ như đang xem phim!
Tôi nghĩ, nếu tấn công Pleime, chắc Việt Cộng cũng áp dụng chiến thuật tiền pháo, hậu xung như thế.
Muốn chống lại chiến thuật này việc ưu tiên phải làm là đóng chặt cổng ngoài, rồi cố gắng cầm chân địch từ xa bằng những hàng rào kẽm gai concertina cách nhau vài chục thước. Sau đó dùng hỏa lực đốn ngã toán quân xung phong đầu tiên của địch. Vũ khí chống biển người hữu hiệu nhứt là những viên đạn pháo binh bắn tên sắt.
Tôi ra lệnh cho Trung úy Như tách ra một khẩu 105 ly đem lên cổng Bắc.
Chuyện tách rời 2 khẩu 105 ly là điều hoàn toàn sái nguyên tắc; nhưng trong tình huống này thì sự tồn vong của Pleime là ưu tiên hàng đầu, Trung úy Như đã vui vẻ thi hành lệnh mà không tỏ vẻ muộn phiền gì.
Trong ụ súng cổng Bắc, tôi chuẩn bị gần hai chục đạn Beehive chống biển người, mỗi viên Beehive khi ra khỏi nòng súng sẽ phóng đi 8000 mũi tên sắt. Chỉ cần 2 trái Beehive bắn đúng lúc địch xung phong, chúng sẽ chết như rạ!
Ngày phát lương tháng Bảy, trời nắng ráo, Trung tá Hoàng Kim Thanh, liên đoàn phó theo trực thăng chở phát hướng viên xuống thăm Pleime.
Anh Thanh báo cho tôi biết, từ hôm đó, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân được quân đoàn chỉ định thay thế Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn để chỉ huy Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân ít ra cũng trong thời gian của chiến dịch này, vì so với ông Mẫn thì ông Lân thông thuộc địa thế Pleime hơn ông Mẫn.
Anh Thanh không quên mang tặng tôi một két bia cổ cao. Rồi năm anh em, Hoàng Kim Thanh, Vương Mộng Long, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Công Minh, và Trần Văn Phước quây quần quanh chiếc bàn tròn.
Kịp khi năm chai bia mới mở nắp, ba con khô mực nướng vừa xong thì bất ngờ:
“Oành! Oành! Oành!” ba viên không giựt 57 ly theo nhau xé gió bay tới, nổ tung giữa sân cờ!
Tôi quơ vội chiếc PRC 25 nhảy xuống giao thông hào.
Tay bóp ống liên hợp, tôi la lớn,
– 821! Ra chận đường lấy cho được khẩu 57 ly!
Thay vì ra lệnh cho pháo binh phản pháo, tôi lại gọi toán viễn thám 821 của Hạ sĩ Mom Sol.
Toán của Mom Sol đã ra đi từ mờ sáng, ém trong rừng, cách Pleime hơn ba cây số.
Mom Sol sẽ kéo ra con đường mòn chặn đánh khi địch rút lui.
Chưa tới mười phút sau, có ba tràng M16 bắn ngược chiều, rồi tiếng Mom Sol reo vui,
-Trình Thái Sơn! Em lấy được khẩu 57 ly rồi!
Tôi đã đoán chắc thế nào địch cũng xâm nhập bằng đường rừng, pháo tới tấp hết số đạn mang theo, rồi chạy thục mạng theo con đường mòn dẫn về Tây. Quân ta cứ chặn đường chúng rút là có ăn ngay.
Trong quá khứ, đã có hai lần địch áp dụng ngón đòn đánh trộm rồi chạy.



Phối trí lực lượng Ta và Địch tháng 7 năm 1974
Với một khẩu đội chừng ba hay bốn tên, vác theo cái nòng 57 ly cùng vài viên đạn, chúng xâm nhập bằng đường rừng. Khi tới vạt đất trống, cách hàng rào trại vài trăm mét thì chúng chui ra, vội vàng nạp đạn, bóp cò. Chưa đầy vài phút, sau khi hết đạn, chúng liền phóng ra con đường xe be cũ chạy một mạch về hướng Tây.
Tới khi người trong đồn phát giác ra vị trí đặt súng, lấy xong yếu tố tác xạ để phản pháo thì chúng đã cách xa Pleime cả cây số rồi!
Ði đêm lâu ngày thế nào cũng gặp ma! Bọn bắn trộm ăn quen, rồi cũng có ngày chết mất mạng, mất súng.
Hôm ấy đúng như tôi dự liệu, tính từ lúc trái đạn đầu tiên phát nổ, chưa tới hai mươi phút sau Hạ sĩ Mom Sol đã bước vào cổng Nam Pleime với khẩu 57 ly chiến lợi phẩm trên vai.
Ba chai bia cổ cao được trao tận tay ba anh viễn thám, còn khẩu 57 ly được bay theo Trung tá Hoàng Kim Thanh về Pleiku.
Ngày 22 tháng 7 có chiếc trực thăng bay vào Pleime bốc tôi về trình diện Trung tướng Tư Lệnh Quân Khu 2 để nhận một chỉ thị đặc biệt.
Tôi được Quân Cảnh đưa lên lầu thì đã có ba vị chỉ huy chờ sẵn, đó là Trung tướng Toàn, Chuẩn tướng Niệm và Trung tá Tiếu.
Cuộc gặp mặt chỉ kéo dài chừng mười phút.
Tướng Toàn xua tay cho tôi miễn trình diện, rồi chỉ cho tôi ngồi xuống cái ghế dựa đặt trước mặt ông, hai bên tôi là Tướng Niệm và Trung tá Tiếu.
Ông Tướng vào đề ngay,
– Chắc chắn vài ngày nữa tụi nó sẽ đánh lấy cho được Pleime.Ta ra giá cho mi cố giữ đồn được ba ngày là ta cho mi lên trung tá. Sau đó cứ làm theo kế hoạch mà ông Tiếu sẽ bàn với mi. Nghe rõ chưa?
Tôi băn khoăn chưa biết kế hoạch của thượng cấp đề ra như thế nào thì Tư Lệnh đã tiếp,
– Chuyện này đứa khác làm không được, nhưng ta tin chắc mi sẽ làm được! Thôi mi nói chuyện với ông Tiếu, ta mắc bận phải đi!
Dứt lời, Tướng Toàn khoát tay ra dấu cho Tướng Niệm, hai người sánh vai đứng lên.
Tới cửa, tôi thấy Tướng Niệm quay đầu lại, chỉ tay về hướng tôi, rồi nói nhỏ với Tướng Toàn,
Từ ngày đi lính tới giờ, tôi thấy đây là sĩ quan mà tôi cho là ưu tú nhất. Hy vọng ngày nào đó tôi sẽ có người sĩ quan này!
Ông Toàn quay mặt lại, hơi lớn tiếng, chắc là cố ý cho tôi nghe,
– Ðù mạ! Phải cố gắng lên chứ! Quân đội gì mà cứ đánh là thua, cứ đánh là chạy, làm sao mà ăn nói với Mỹ, mà chìa tay ra xin người ta chi viện trợ cho được? 
Trong phòng còn lại tôi và Trung tá Tiếu. Ông Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II cho tôi biết chi tiết kế hoạch của Quân Ðoàn là:
Nếu Sư Ðoàn 320 A Cộng-Sản động binh thì Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân phải tận lực giữ đồn không bị tràn ngập trong vòng ba ngày. Sau đó tôi được quyền chui ra khỏi rào, leo lên chỏm núi nào đó, tiếp tục báo cáo với đài tiếp vận Hàm Rồng rằng quân trú phòng đang đánh nhau giành giật với địch quân từng phần đất của Pleime. Cứ thế, cho tới một tuần lễ sau thì hô hoán lên rằng Pleime đã mất. Rồi tôi được quyền chọn một trong hai hướng thoát thân, muốn về trình diện Quận Phú Nhơn hay Quận Thuần Mẫn là tùy ý tôi.
Tôi nghĩ rằng, chưa đánh nhau mà Tướng Tư Lệnh Vùng đã hứa chỉ cần tôi giữ Pleime được ba ngày thôi, sau đó thì có quyền bỏ đồn, rút chạy mà không sợ bị mất lon thì chắc chắn trận này sẽ lớn lắm.
Tướng Nguyễn Văn Toàn là một người thô lỗ, cộc cằn, mở miệng ra là văng tục, chửi thề, nhưng cũng rất thẳng thắn. Chuyện gì ông ta cũng nói huỵch toẹt, không che đậy.
Sở dĩ Tướng Toàn đòi hỏi tôi nếu không giữ được Pleime mà vẫn phải “đánh trận giả” chỉ vì sợ quốc tế nhìn vào, thấy Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa yếu đuối quá, không đủ sức cản chân Cộng Quân, cứ đánh nhau là thua, lại thua nhanh quá, không xứng đáng nhận thêm viện trợ nữa.
Như vậy, chiến công của chúng tôi, nếu có được, sẽ trở thành món hàng quý giá của lòng tin, để chính quyền ta trả giá với đồng minh Hoa-Kỳ xin quân viện.
Tôi thấy mình vừa khoác lên vai một trách nhiệm rất nặng nề. Trận này thắng hay bại có ảnh hưởng rất quan trọng tới ngân sách của quốc gia, tức là liên quan tới sự tồn vong của đất nước.
Tôi tự hứa với lòng mình rằng sẽ cố gắng hoàn thành cái sứ mạng cam go này.
Qua những lần tiếp xúc với các giới chức có thẩm quyền mà tôi thấy được, đất nước chúng ta đang bước vào thời kỳ khan hiếm xăng dầu và đạn dược do ngân sách bị cắt giảm. Vì lý do đó, ở cấp tiểu đoàn, xăng nhớt chỉ được cấp phát cho hai xe Jeep và một xe GMC mười bánh. Tôi cũng nghe nói, chỉ một giờ bay của trực thăng đã làm hao tốn tới 200 đô la viện trợ! Mỗi khẩu pháo chỉ được quyền bắn tối đa là 4 viên mỗi ngày. Nếu ở mặt trận này mà pháo binh bắn lố hơn cấp số 4 viên một ngày thì để bù đắp lại, khẩu súng ở mặt trận khác sẽ bị khóa nòng, không sử dụng.
Vương Mộng Long 

No comments: