Tuesday, December 8, 2020

NHỮNG GÌ CÒN LẠI. (Ns Tuấn Khanh viết về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông).

Trong đám tang của Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2015 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.
Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle làngười lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội của mình trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.
Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự.
Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông, đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle.
Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.
Nhưng ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.
Đọc tiểu sử cá nhân sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của Nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation). Đó là một chiến dịch nhân đạo do tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn quân nhân cựu quân nhân VNCH bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program).
Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí Nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một “sĩ quan ngụy”.
Năm 1975, ngay sau khi đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi “học tập tư tưởng mới” trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo "chính sách khoan hồng của cách mạng".
Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.
Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó.
Rồi nhiều năm sau, ông sống lại như một kỳ tích, khỏe mạnh. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ chỉ có đôi vợ chồng già, không con cái, không nhiều sinh hoạt với xã hội.
Bà Nguyệt Thư nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.
Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời.
Về với ông được 2 năm, thì bà bị chia cắt với đại tá bởi 10 năm tù không hề tòa án, cũng như không hề có lời giải thích. Khi được trả về nhà, thì ông đã như một phế nhân.
Bà nói rằng không muốn sinh con vì ông quá yếu. Nhưng cũng có thể bà không muốn có một đứa con, bởi cuộc sống như ác mộng mà bà và ông trải qua, nếu có đơm hoa kết trái thì chắc cũng không thể có được lúc tỏa hương.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện.
Thực tế là trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen, mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, cuộc đột kích thất bại ở cứ điểm này, mà dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.
Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5.000 người, chia làm năm trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5.
Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ đại tá Nguyễn Văn Đông mang bệnh, mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Mà thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Bệnh gì cũng uống một loại ấy.
Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả của tác phẩm Đại Học Máu, đã kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa kỳ lạ, khiến cả mảng lưng của ông lở loét. Đã vậy nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm.
Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị, cũng như cho về thì khỏi mang trách nhiệm.
Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm lại sau nhiều ngày nằm liệt, như một cách giúp duy nhất mà họ có thể. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào cố tắm rửa một mình như vậy.
Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng của mình trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra.
Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng.
Ngay lúc bệnh đã nặng, nhưng phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề là “Sài Gòn trong trái tim tôi”. Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như “Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…”
Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó.
Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương mình. Bà cũng thuận theo ý ông.
Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chậm chạp sống lại một lần nữa, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.
Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại.
Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động.
Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy, nhưng mọi thứ đã không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì còn sống mãi.
 












Monday, December 7, 2020

Nguyễn Văn Đông Là Chính Sách Thất Bại Của Việt Cộng - Nguyễn Thành Trí

Chúng ta sẽ soi sáng một góc tối cuộc đời, một tâm sự u uất của Đại Tá Nguyễn Văn Đông đến chết vẫn kiên trì chịu đựng để nói rõ “chính sách thất bại của Việt Cộng”. Quả thật Nguyễn Văn Đông là chính sách thất bại của cộng sản Việt Nam. Chúng ta không nói đến sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì ông ta hiển nhiên là một cây cổ thụ trong khu vườn văn nghệ Việt Nam Cộng Hoà muôn màu sắc nhân bản thắm tươi. Ở đây chúng ta nói đến Đại Tá Nguyễn Văn Đông vào ngày 30/4/1975 là Chánh Văn Phòng Khối An Ninh Lãnh Thổ của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Mặc dù có nhiều cơ hội tốt, an toàn trong buổi chiều ngày 28/4/1975 Đại Tá Nguyễn Văn Đông có thể đi cùng với Đại Tướng Viên, Chuẩn Tướng Thọ. Hay trọn ngày 29/4/1975 tại Bộ Tổng Tham Mưu có thể đi với Trung Tướng Khuyên, Trung Tướng Minh; hơn nữa, khi Tướng Kỳ đáp trực thăng xuống sân Tổng Tham Mưu để đón Tướng Trưởng, Đại Tá Nguyễn Văn Đông cũng có thể đi với Tướng Trưởng, hoặc tới Toà Đại Sứ Mỹ vì Đại Tá Nguyễn Văn Đông Chánh Văn Phòng khối An Ninh Lãnh Thổ không xa lạ gì với nhân viên CIA, MACV, DAO Tùy Viên Quốc Phòng ở Toà Đại Sứ nên họ dễ dàng cho Đại Tá Nguyễn Văn Đông độc thân di tản.
Tại sao một sĩ quan cao cấp đủ tiêu chuẩn của Mỹ, nói thông thạo tiếng Pháp tiếng Anh, độc thân không vướng bận gia đình, rất nổi tiếng trong giới ca nhạc sĩ Sài Gòn và thính giả miền nam trước năm 1975 và các chương trình văn nghệ của người Việt hải ngoại sau năm 1975 lại quyết định không định cư ở nước Mỹ tự do mà ở lại Việt Nam độc tài cộng sản? Nếu viện dẫn lý do sức khoẻ yếu kém sau 10 năm lao tù nên thân thể có nhiều bệnh như đau bao tử, áp huyết cao, thấp khớp nặng, thoái hoá khớp xương; những chứng bệnh này càng có yêu cầu đi Mỹ trị bệnh hơn là ở lại Việt Nam để chờ chết rồi được chôn cất nơi quê nhà. Kể từ khi được thả năm 1985 cho đến ngày 26/2/2018 Đại Tá Nguyễn Văn Đông chết vì vỡ mạch máu là 33 năm 57 ngày. cộng sản Việt Nam không cấp 2 thước đất nghĩa trang thì lấy đâu ra chỗ chôn cất; thế là phải thiêu xác Nguyễn Văn Đông, không có một nấm mộ để sau này thăm viếng Nguyễn Văn Đông.
 
Vào năm 1956, có lẽ cái bắt tay lần đầu tiên giữa Đại Tá Dương Văn Minh và Trung Úy Nguyễn Văn Đông trong chiến dịch Thoại Ngọc Hầu ở Đồng Tháp Mười đã trở thành định mệnh của Nguyễn Văn Đông sau này. Có sợi dây vô hình ràng buộc đàn anh Thiếu Sinh Quân của Nguyễn Văn Đông lúc đó là Trung Tá Nguyễn Hữu Hạnh dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Dương Văn Minh. Cả ba người, Dương Văn Minh sanh ở Mỹ Tho, Nguyễn Hữu Hạnh sanh ở Mỹ Tho, Nguyễn Văn Đông sanh ở Tây Ninh đều là người miền Nam và được giáo dục ở trường Pháp. Năm 1949 Nguyễn Hữu Hạnh tốt nghiệp trường Võ Bị Cape Saint Jacques, ba năm sau 1952 Nguyễn Văn Đông cũng tốt nghiệp trường này. Ba người có duyên tiền định với nhau khi họ gặp nhau trong chiến dịch Thoại Ngọc Hầu.
Xem xét lập trường chính trị của Nguyễn Văn Đông thì phía cộng sản Việt Nam thấy Nguyễn Văn Đông là thành phần tốt có tinh thần dân tộc, không có nợ máu với Việt cộng, cụ thể những lời nhạc nói rõ lập trường dân tộc thuần túy của Nguyễn Văn Đông như nội dung bản nhạc “Anh” hay lời “người Việt càng thương nhau hơn”. Trong bản nhạc “Anh”, Nguyễn Văn Đông đã sớm bày tỏ nhân sinh quan của mình chống lại khuynh hướng vọng ngoại, khuynh hướng của người Việt ham thích sống ở nước ngoài sung sướng bản thân, mặc kệ quê hương Việt Nam nghèo khổ. Nguyễn Văn Đông nói rõ lập trường dân tộc thuần túy của mình và kêu gọi người Việt ở hai miền Bắc-Nam thương yêu đoàn kết để thống nhất đất nước. Khi phía Việt Nam Cộng Hoà đã cấm phổ biến hai bản nhạc của Nguyễn Văn Đông vì phản chiến, ban binh vận của cộng sản Việt Nam càng muốn lôi kéo Nguyễn Văn Đông về phía Việt cộng.
Còn phía Việt Nam Cộng Hoà chỉ thấy Nguyễn Văn Đông là một sĩ quan an phận không tranh đua với ai, một nhạc sĩ ca ngợi người lính Việt Nam Cộng Hoà có nhiều ca khúc nổi tiếng, nhưng vào năm 1961 Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hoà cấm phổ biến hai bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dậm Sơn Khê” vì lý do nội dung phản chiến; là quân nhân Đại Tá Nguyễn Văn Đông vào năm 1964 được tặng thưởng Bảo Quốc Huân Chương, huy chương cao quý nhất nước Việt Nam Cộng Hoà. Tại sao với tài năng của Nguyễn Văn Đông như thế mà chưa từng phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến hay Chiến Tranh Chính Trị? Nếu được ở ngành Chiến Tranh Chính Trị có lẽ Nguyễn Văn Đông đã thăng quan tiến chức nhiều hơn.
Sau mười năm bị cộng sản Việt Nam giam cầm ở trại cải tạo Suối Máu và khám Chí Hoà, Đại Tá Nguyễn Văn Đông được thả vào năm 1985. Tại sao các sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà cấp Tá và cấp Tướng đều bị tù cải tạo ở miền bắc, còn Đại Tá Nguyễn Văn Đông bị tù ở khám Chí Hoà, Sài Gòn miền nam? cộng sản Việt Nam có âm mưu gì khi giam cầm Nguyễn Văn Đông ở khám Chí Hoà? Sau đó trong suốt thời gian được trả tự do, Đại Tá Nguyễn Văn Đông đã không vượt biên, khi Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự được Mỹ và cộng sản Việt Nam đồng ý thực hiện thì hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan, công chức Việt Nam Cộng Hoà đã bị tù cải tạo trên ba năm đều đủ điều kiện nộp đơn xin đi Mỹ; nhưng Đại Tá Nguyễn Văn Đông không xin đi.
Suốt 33 năm 57 ngày Nguyễn Văn Đông đã sống thầm lặng, mai danh ẩn tích ngay tại Sài Gòn, chịu đựng cực khổ của một người nghèo lao động thành thị. Nguyễn Văn Đông hoàn toàn nghỉ sáng tác nhạc. Nguyễn Văn Đông không sáng tác nhạc nữa mà cũng không xin đi định cư nước ngoài mặc dù trong người có bệnh. Nguyễn Văn Đông ngấm ngầm muốn dùng cả sinh mệnh của mình ở lại Sài Gòn cho tới chết để mạnh mẽ chứng minh sự thất bại của cộng sản Việt Nam trong chính sách quốc gia hoà giải, dân tộc hoà hợp thực sự. Nguyễn Văn Đông đúng là chính sách thất bại của Việt cộng.
Lịch sử chân chính luôn tôn trọng sự thật. Sự thật là cứu cánh của lịch sử chân chính. Quan điểm lịch sử của cộng sản Việt Nam là sửa đổi lịch sử bằng một thứ lịch sử dối trá bịp bợm có nhiều huyền thoại cộng sản, mà huyền thoại là những chuyện không có thật. Những chuyện có thật rất nhiều trong lịch sử chiến tranh Việt Nam sau khi ký kết Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 thí dụ điển hình là chuyện Tổng Thống Trần Văn Hương đã chấp thuận cho Không Quân Việt Nam Cộng Hoà ném bom CBU-55, bom BLU-82 tại Xuân Lộc vào những ngày cuối tháng 4/1975 làm thiệt hại nặng Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 341 cộng sản bắc Việt. Điều này chứng minh rằng Không Quân Việt Nam Cộng Hoà cũng như các quân binh chủng tác chiến khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà vào thời gian đó vẫn còn rất mạnh. Trong ngày 29/4/1975 chuyện ông Thủ Tướng Một Ngày Vũ Văn Mẫu ra lệnh cho tất cả người Mỹ đi khỏi nước Việt Nam Cộng Hoà trong thời hạn một ngày, chứ không phải do sức tấn công mãnh liệt của bộ đội cộng sản bắc Việt làm cho quân Mỹ bị thua trận phải tháo chạy; thực tế là suốt trong ngày 29/4/1975 các đơn vị cộng sản bắc Việt và lính địa phương Việt cộng miền Nam đã cố tránh động chạm tới người Mỹ vì sợ Mỹ đánh trả, chuyện ném bom ở Xuân Lộc đã khiến cộng sản bắc Việt khiếp sợ Mỹ trả đũa đích đáng.
Ông Thủ Tướng Một Ngày Vũ Văn Mẫu yêu cầu người Mỹ đi khỏi nước Việt Nam Cộng Hoà để người Việt Nam gồm có Việt Nam Cộng Hoà và Việt cộng miền Nam tự giải quyết vấn đề chính trị với nhau căn cứ theo Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973. Chính vì lý do đó người Mỹ mới đi khỏi miền nam Việt Nam trong thời hạn 24 giờ và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hoà. Ông Vũ Văn Mẫu đã giữ im lặng chịu sự nhục nhã cho tới chết. Về phía cộng sản Việt Nam cũng không dám nhắc tới ông Vũ Văn Mẫu, vì nhắc tới ông Mẫu là vỡ ra chuyện có thật ông Mẫu đã yêu cầu người Mỹ đi trong thời hạn một ngày, chứ không phải những tướng tá cộng sản bắc Việt hành quân quá giỏi nên người Mỹ phải cuốn cờ tháo chạy.
Trong nổ lực tìm giải pháp chính trị đem lại hoà bình cho miền Nam Việt Nam đã nảy sinh thành phần thứ ba có khuynh hướng dân tộc thuần túy, trung lập, không cộng sản, không quốc gia, làm trung gian hoà giải giữa hai phe lâm chiến Quốc-Cộng. Luật sư Vũ Văn Mẫu là người dẫn đầu Lực Lượng Thứ Ba với lập trường dân tộc thuần túy như Đại Tướng Dương Văn Minh, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Đại Tá Nguyễn Văn Đông. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nổi tiếng là một “Tướng Tư Lệnh Thận Trọng” vì không muốn giết hại thường dân Việt Nam vô tội.
Tâm lý của các sĩ quan được Pháp đào tạo, thân Pháp, không thích Mỹ. Nên khi có giải pháp chính trị Dương Văn Minh-Vũ Văn Mẫu do Đại Sứ Pháp đề xướng đã có rất đông các sĩ quan được Pháp đào tạo hưởng ứng để thực thi Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 mà hai năm trước đó Tổng Thống Thiệu nhất định không thi hành. Vì tình nghĩa Thiếu Sinh Quân nên Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Văn Đông đã quen biết nhau từ năm 1956, là cựu sinh viên sĩ quan trường Cape Saint Jacques, cùng có tinh thần dân tộc thuần túy, yêu nước, yêu người Việt Nam, thân Pháp không thân Mỹ, với những đặc điểm đó có lẽ Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã lôi kéo, hứa hẹn một chức vụ ở bộ Tổng Tham Mưu để Đại Tá Nguyễn Văn Đông ở lại.
Trước tình hình Tổng Thống Thiệu đã làm mất Vùng I , Vùng II về phía cộng sản bắc Việt khiến cho các đơn vị ở miền Trung bị rối loạn hàng ngũ, tinh thần chiến đấu của lính Việt Nam Cộng Hoà bị sa sút. Trong hai ngày 27, 28/4/1975 tất cả Tướng lãnh bộ Tổng Tham Mưu đã ra đi; sự việc xảy ra như vậy, nên tân Tổng Thống Dương Văn Minh phải bổ nhiệm những cựu Tướng lãnh đảm nhận trách nhiệm ở bộ tổng tham mưu như cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng, cựu Trung Tướng Nguyễn Hữu Có giữ chức Tổng Tham Mưu Phó, cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng. Nhưng Trung Tướng Vĩnh Lộc vài giờ sau đó cũng ra đi, nên Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh lên thay Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Vì Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đã yêu cầu người Mỹ đi khỏi nước Việt Nam Cộng Hoà là để hai bên miền Nam gồm có Việt Nam Cộng Hoà và Chánh Phù Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam thương lượng hoà bình với nhau căn cứ trên Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973. Trong ngày 29/4/1975 khi người Mỹ đã đi hết, có nghĩa là cộng sản bắc Việt không sợ người Mỹ phản ứng bằng quân sự như vụ ném bom CBU, BLU ở Xuân Lộc thì ngày kế tiếp cộng sản bắc Việt ép buộc Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng với lời hăm doạ tấn công làm cho Sài Gòn chìm ngập máu lửa. Cộng sản bắc Việt đã lường gạt hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu về chuyện yêu cầu người Mỹ đi khỏi nước Việt Nam Cộng Hoà trong thời hạn 24 giờ để người Việt Nam tự giải quyết vấn đề chính trị với nhau căn cứ trên hiệp định hoà bình, và đánh đòn tâm lý vào Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu bằng đe doạ tắm máu dân Sài Gòn.
Hiện nay Nguyễn Hữu Hạnh đã 92 tuổi ở tại Tiền Giang, Mỹ Tho quê hương của Nguyễn Hữu Hạnh. Sau ngày 30/4/1975 Nguyễn Hữu Hạnh không bị Việt cộng bắt tù cải tạo và được Việt cộng cho làm Ủy viên trung ương Mặt Trận Tổ Quốc với tư cách nhân sĩ yêu nước từ năm 1975 tới nay. Cộng sản Việt Nam đã lường gạt Nguyễn Hữu Hạnh là Việt cộng hoà giải quốc gia, hoà hợp dân tộc trong khi đó có rất nhiều quân nhân công chức Việt Nam Cộng Hoà bị bắt tù cải tạo nhiều năm. Sau 43 năm Nguyễn Hữu Hạnh còn nói tới hoà giải hoà hợp với người Việt hải ngoại. Nguyễn Hữu Hạnh đang sống ở Việt Nam nên Nguyễn Hữu Hạnh có lẽ không dám nói lên sự thật, hay lẽ nào Nguyễn Hữu Hạnh không biết cộng sản Việt Nam không có hoà giải hoà hợp thực sự. Những ngày cuối đời của Nguyễn Hữu Hạnh hãy mạnh dạn nói lên sự thật; sự thật rõ ràng là cộng sản Việt Nam không thành tâm thiện chí để thực hiện chính sách quốc gia Việt Nam hoà giải, các dân tộc đang sinh sống tại Việt Nam hoà hợp thực sự.
Có bằng chứng rõ ràng là cộng sản Việt Nam đã và đang đàn áp, bắt giam những người đối lập chính trị, bất đồng chính kiến với cộng sản, vì họ yêu nước chống Tàu cộng. Cộng sản Việt Nam phải hoà giải với những người Việt trong nước bất đồng chính kiến với cộng sản. Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận có đối lập chính trị ở trong nước Việt Nam. Vì lý lẽ đó, Nguyễn Hữu Hạnh nhất định phải đọc toàn bộ văn bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973, nhất là Chương IV Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 và Chương V Điều 15 để rõ sự gian xảo, lường gạt của cộng sản Việt Nam. Nguyễn Hữu Hạnh phải thấy Nguyễn Văn Đông đã mạnh mẽ chứng minh rằng cộng sản Việt Nam thất bại trong chính sách quốc gia hoà giải, dân tộc hoà hợp ở Việt Nam, và Nguyễn Hữu Hạnh nên mạnh dạn nói lên việc này vì lòng tự trọng của chính Nguyễn Hữu Hạnh.
Vào lúc 9 giờ rưởi sáng ngày 30/4/1975 Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn, “Đường lối của chúng tôi là hoà giải và hoà hợp dân tộc…” Việt Nam Cộng Hoà và Chánh PCMLTCHMNViệt Nam thương lượng hoà bình với nhau. Nhưng cộng sản bắc Việt đã lật lọng cưỡng chiếm nước Việt Nam Cộng Hoà và loại bỏ Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, một trong số nhiều người trong Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam bất mãn cộng sản bắc Việt là Bác Sĩ Trương Như Tảng rời bỏ Việt Nam đi Pháp. Riêng bà Ngoại Trưởng Nguyễn Thị Bình đã nói khi còn ở Paris, “Miền Nam Việt Nam sẽ độc lập, trung lập trong 10 năm, thời gian này chờ hiệp thương thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam”; vì câu nói này mà những năm sau 1976 bà không được cộng sản bắc Việt coi trọng mặc dù cho bà chức Phó Chủ Tịch Quốc Hội, có hình thức không có thực chất. Rất rõ ràng cộng sản bắc Việt không tôn trọng hiệp định hoà bình, không muốn quốc gia Việt Nam toàn quốc hoà giải, các dân tộc sinh sống tại Việt Nam được hoà hợp theo tinh thần của Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973.
Thời gian gần đây cộng sản Việt Nam còn mượn cái miệng của Nguyễn Hữu Hạnh để nói hoà giải quốc gia, hoà hợp dân tộc trong khi cộng sản Việt Nam lợi dụng chiêu bài này để tiếp tục lường gạt người Việt Nam. Nguyễn Hữu Hạnh đúng là một lịch sử dối trá của cộng sản Việt Nam. Chúng ta hãy nghe chính miệng Nguyễn Hữu Hạnh nói về ngày 29, 30/4/1975 như sau, “Hồi ấy tôi 52 tuổi, không hiểu chuyện đời thế nào, chỉ nói, cứ vô đây, tôi giao Sài Gòn - Chợ Lớn cho mấy anh”. Với một người biết nói tiếng Pháp, có bằng Tú Tài Pháp, tốt nghiệp trường sĩ quan Cape Saint Jacques năm 1949, từng đi Mỹ học khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2, mà bây giờ lại có thể nói “hồi ấy (năm 1975) tôi 52 tuổi, không hiểu chuyện đời thế nào…”, cộng sản Việt Nam đã thành công tẩy não Nguyễn Hữu Hạnh hay đã bịt miệng Nguyễn Hữu Hạnh không cho nói sự thật để Việt cộng có thể sửa đổi lịch sử cho đúng với sự lường gạt lịch sử của Việt cộng, hay chính Nguyễn Hữu Hạnh đã khôn khéo dùng “đảo-ngữ-nói-xỏ-xiêng-chưởi-rủa-chính-mình” (?)
Bây giờ Nguyễn Hữu Hạnh chỉ nói được câu, “hồi ấy tôi 52 tuổi, không hiểu chuyện đời thế nào…” đúng là một “tướng già giả nai ngây thơ” hay “tướng già quá dại” bị cộng sản Việt Nam lường gạt mà không biết. Nguyễn Hữu Hạnh đã hơn 90 tuổi vẫn không biết “quốc gia hoà giải không phải chỉ vỏn vẹn gồm có người Việt theo lập trường cộng sản với người Việt theo lập trường quốc gia, mà còn có những người Việt theo lập trường chính trị khác, họ bất đồng chính kiến với cả cộng sản lẫn quốc gia. Trường hợp Nguyễn Văn Đông có lập trường dân tộc thuần túy, đã bị cộng sản Việt Nam cầm tù 10 năm. Hiện nay ở trong nước Việt Nam có rất đông người Việt Nam có lập trường dân tộc thuần túy đang bị cộng sản Việt Nam giam cầm.
 
Quả thật Nguyễn Văn Đông cho tới chết vẫn ở lại Việt Nam không đi định cư ở Mỹ, ở Pháp một cách đường hoàng chính thức cho dù chính phủ Pháp và chính phủ Mỹ đã nhiều lần trân trọng gởi thơ mời; Nguyễn Văn Đông đã mạnh mẽ nói rõ Nguyễn Văn Đông không theo Mỹ theo Pháp. Một người có tinh thần dân tộc thuần túy, nhân bản, không vọng ngoại, không nuôi lòng hận thù, không nợ máu với Việt cộng, và yêu quê hương Việt Nam chân thành; thế mà cộng sản Việt Nam cầm tù Nguyễn Văn Đông 10 năm. Việc cầm tù Nguyễn Văn Đông 10 năm đúng là chính sách thất bại của cộng sản Việt Nam./-
Nguyễn Thành Trí
Sài Gòn ngày 26/3/2018 một tháng sau khi Nguyễn Văn Đông vĩnh biệt chúng ta.

Sunday, December 6, 2020

TÔ PHẠM LIỆU: NGƯỜI TRỞ LẠI CHARLIE Phạm Anh Dũng

  

           Lật qua tờ nhật báo Người Việt ngày 5 tháng 10 năm 1997, một tin cáo phó làm tôi giật mình chú ý đọc ngay: “... Tô Phạm Liệu (1941-1997) Y Sĩ Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù…đã không còn với chúng ta kể từ 29 tháng 9 năm 1997...”

          Vậy là anh Liệu đã từ giã cõi đời này! Hình ảnh của Tô Phạm Liệu trở về từ dĩ vãng xa xưa.
          Lần đầu tiên tôi gặp Tô Phạm Liệu đã lâu lắm rồi, gần 28 năm trước đây. Ngày đó, vừa học xong lớp Y Khoa Năm Thứ Nhất ở trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, tôi và một số khá đông bạn bè cùng lớp rủ nhau nộp đơn, đi thi và đỗ vào trường Quân Y.

         Tháng 1, 1970, vào ngày nhập ngũ, chúng tôi rủ nhau nao nức đi trình diện ở trường Quân Y. Một đám sinh viên Y Dược Nha đến và được tập trung ở cổng trường, chỗ gần trạm kiểm soát ra vào. Chúng tôi đều là tân sinh viên quân y. Người đầu tiên ra gặp chúng tôi mặc quân phục xanh bộ binh. Ở cầu vai, anh đeo lon trung úy, hai bông mai vàng trên một nền nhung đỏ thẫm. Ở ngực áo, có dấu hiệu con rắn vàng của ngành quân y, và dấu hiệu một cánh dù màu xám, bằng nhảy dù. Thoáng gặp anh, chúng tôi phải để ý ngay, vì anh là một người có tầm vóc đáng kể, vừa to vừa cao trông như  một “ông hộ pháp.”
          Không cười đón niềm nở chút nào và với giọng nói to, vang vang trong buổi chiều nắng gió, anh tự giới thiệu. Rất ngắn và gọn, anh cho biết anh tên là Tô Phạm Liệu, sinh viên sĩ quan quân y năm thứ sáu, được cấp trên đề cử làm Sinh Viên Sĩ Quan Đại Đội Trưởng Đại Đội Tân Sinh Viên.
          Anh Liệu dẫn khoảng bốn năm chục người chúng tôi vào một sân rộng lớn có một cột cờ với lá cờ vàng ba sọc đỏ khá cao, Vũ Đình Trường của Trường Quân Y. Và ở đó đã có thêm  hai sinh viên sĩ quan quân y khác đứng chờ sẵn. Chúng tôi được lệnh xếp hàng. Rồi ba ông đàn anh dẫn chúng tôi chạy vòng quanh sân cờ, cho đến khi tất cả hầu như hết sức lực, khi một người trong hàng đã phải ngất xỉu.
          Đó là kinh nghiệm đầu tiên của đa số chúng tôi đối với quân đội. Lần hành xác này để mở đầu cho Tám Tuần Lễ Huấn Nhục của Đại Đội Tân Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y. Đối với những “thư sinh trói gà không chặt” mà còn “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, chỉ biết việc sách đèn, đây quả là một thử thách khá lớn lao. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp Tô Phạm Liệu.
          Trong tám tuần lễ của “mồ hôi, nước mắt” chúng tôi được các đàn anh của các khóa trước “chỉ dậy” một cách rất tận tình bằng mọi cách. Chúng tôi  học qua căn bản quân sự, căn bản thao diễn. Và mọi người được thay nhau tập hít đất, tập thở, tập chạy, tập cười... theo lệnh các huynh trưởng.
          Các đàn anh chia ra làm từng toán ba người. Anh Tô Phạm Liệu đích thân làm trưởng một toán. Mỗi toán có nhiệm vụ hướng dẫn các tân sinh viên một ngày. Riêng anh Liệu, hình như ngày nào cũng có mặt để quan sát các hoạt động, tiến triển trong việc huấn luyện các tân sinh viên Quân Y. Anh Tô Phạm Liệu rất tận tâm bỏ khá nhiều thì giờ vào việc dẫn dắt đàn em mới nhập ngũ. Những người nào có vẻ lười biếng công việc tập tành thật khó qua khỏi mắt của đàn anh. Ai đau thật hay chỉ ốm giả anh cũng biết. Hình như anh biết rõ về bản chất, tính tình của từng người một. Anh là người gần gũi với chúng tôi nhất trong những ngày đầu tiên khi mới gia nhập quân ngũ.
          Sinh hoạt với anh một thời gian ngắn, chúng tôi nhận thấy ngay ngoài “cái vỏ” lạnh lùng nghiêm nghị của anh còn có một bề trong khác hẳn với một tâm hồn đầy tình cảm và hiểu biết. Anh Liệu thường là người thấu hiểu gần như mọi chuyện xẩy ra trong đại đội tân sinh viên quân y và thường giải thích hay giải quyết, thường là bằng tình cảm, những vấn đề khó khăn hay khó nói nhất. Nhiệm vụ chỉ huy hướng dẫn đôi khi làm anh có vẻ khó khăn và khô khan. Nhưng những lúc nói chuyện với anh Liệu trong khi rảnh rang đã làm chúng tôi thấy anh là một người rất nhiều tình cảm, rộng lượng và rất thương mến những anh em trong gia đình Y Dược Nha trong ngành Quân Y. Một điều đặc biệt nhất là Tô Phạm Liệu nói chuyện rất hay, rất lôi cuốn người nghe, nhất là những khi anh đứng trước hàng quân. Tôi được biết anh đã  là một huynh trưởng trong ngành Hướng Đạo Việt Nam. Việc anh giỏi về diễn thuyết hay chỉ huy là do đã có kinh nghiệm từ lâu.
          Nhiệm vụ khó khăn của anh trong sự hướng dẫn chúng tôi có được những khái niệm ban đầu về Quân Đội rồi cũng thành công. Tất cả đám tân sinh viên Y Nha Dược đều qua khỏi tám tuần lễ huấn nhục gian lao. Chúng tôi sau lễ gắn alpha, trở thành những sinh viên Quân Y hiện dịch thực thụ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đêm hôm gắn alpha, anh có nói chuyện riêng khá cảm động với một vài người chúng tôi. Anh cho biết anh rất hài lòng với kết quả, đồng thời cũng nhắn nhủ công chuyện tương lai. Tô Phạm Liệu có nói, ngày nào đó chúng tôi sẽ hiểu rõ đàn anh hơn khi đứng ra hướng dẫn những đàn em sau này. Riêng tôi, về sau này tôi rất thông cảm anh vì chính bản thân lại “được” cử ra làm nhiệm vụ của anh, dẫn dắt các tân sinh viên quân y, khi khóa sinh viên sĩ quan của chúng tôi trở thành khóa đàn anh lớn nhất trong trường Quân Y.
          Năm 1970, chúng tôi gia nhập Quân Y, cũng là năm khóa 17 Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Quân Y của anh Liệu sắp ra trường. Năm 1971, khi chọn đơn vị, anh Liệu chọn binh chủng Nhảy Dù và nhiệm sở đầu tiên là một tiểu đoàn nhảy dù. Tô Phạm Liệu đã chính thức trở thành y sĩ của một tiểu đoàn tác chiến binh chủng nhảy dù, đúng như ý định của anh.
          Những ngày tháng ngay sau đó, tôi rất ít gặp anh Liệu. Chúng tôi ở lại hậu phương hoàn tất công chuyện học hành ở những trường Y Nha Dược. Anh Liệu và các anh khác tản mác trong những đơn vị của quân đội khắp bốn vùng chiến thuật. Tôi chỉ gặp lại anh Liệu một hai lần trong một khoảng thời gian độ một năm trời khi anh về ghé thăm trường Quân Y trong những dịp nghỉ phép. Những ngày đó anh vẫn cao lớn và đội mũ đỏ, mặc quần áo rằn ri nhảy dù trông rất oai hùng. Chúng tôi chỉ có dịp nói chuyện chào hỏi chút ít và tôi được biết là anh đã trải qua khá nhiều thử thách ngoài mặt trận.
        Rồi... đến một ngày tháng, vào một nơi... của định mệnh: 
        Thời điểm năm 1972, mùa Hè nắng cháy.
        Địa điểm là Charlie,  Cao Nguyên Nam Việt Nam.
        Tôi được nghe đến, được biết và được hiểu Tô Phạm Liệu nhiều hơn.
        Bốn năm trước đó, năm 1968, vào dịp bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ cũng là khi Bắc Việt cho tổng tấn công và thất bại trên các chiến địa Tết Mậu Thân. Tuy Cộng Sản thất bại nặng nề trên bình diện quân sự, nhưng phải công nhận họ đã gây ảnh hưởng khá mạnh trong việc tuyên truyền chính trị. Hình ảnh chiến tranh tại Việt Nam, một nơi xa xôi ở bên kia nửa quả địa cầu, được người dân Mỹ chứng kiến mỗi ngày, ngay tại nhà riêng, qua hệ thống vô tuyến truyền hình. Dân chúng Hoa Kỳ đã bắt đầu chán sợ cuộc chiến tranh đẫm máu và dai dẳng. Đầu óc thực tế của họ nghe nhiều đến số tiền đã và phải trang trải thêm cho cuộc chiến. Hình ảnh quan tài những quân nhân Hoa Kỳ chết ở Việt Nam đem về Mỹ được chiếu rõ trên truyền hình, làm nao núng cả quốc gia. Các phong trào phản chiến Hoa Kỳ hoạt động mạnh hơn. Các ứng cử viên Tổng Thống Mỹ đều biết rõ tầm quan trọng của việc cần phải chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam.
          Năm 1972, cũng lại là năm bầu cử Tổng Thống Mỹ . Do đó, thêm một lần nữa, Bắc Việt muốn có tiếng vang vọng với bất cứ giá nào. Đại Tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp còn nghĩ là có thể chiếm đoạt miền Nam vào lúc này.
          Cũng như Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân năm 1968, Tướng Giáp đã “thí quân”, quyết định tấn công với ba mặt trận lớn đã bùng nổ vào mùa Hè 1972.
          Thứ nhất: Mặt Trận Giới Tuyến tại vùng Phi Quân Sự. Việt Cộng đã bất chấp tất cả mọi ký kết của chính họ ở Hiệp Định Genève 1954. Họ cho hai Sư Đoàn 304 và 308, tăng phái bởi bốn Trung Đoàn Đặc Công với hơn 200 chiến xa của Trung Đoàn 203 và 204 cộng thêm ba Trung Đoàn Pháo Binh, vượt khu Phi Quân Sự đánh chiếm Quảng Trị. Cùng lúc đó, Sư Đoàn 324B và hai Trung Đoàn đặc biệt 5 và 6 đến xâm nhập Huế. Còn Sư Đoàn 711 Cộng Quân thì quấy phá Đà Nẵng.
          Thứ hai: Mặt Trận Biên Giới chiếm đánh Lộc Ninh, An Lộc do các Sư Đoàn Cộng Sản 5, 7 và 9 cùng với hơn 200 xe thiết giáp. Trong khi đó, Sư Đoàn 1 Bắc Việt quấy rối vùng Đồng Bằng Cửu Long để cầm bớt quân đội Việt Nam lại vùng IV chiến thuật.
          Thứ ba: Mặt Trận Cao Nguyên thì có hai Sư Đoàn 2 và 320 với một trung đoàn chiến xa đánh chiếm vùng Kontum, Pleiku. Đồng thời, Sư Đoàn 3 Cộng Sản đánh vùng Bình Định. Tại Cao Nguyên, Tướng Võ Nguyên Giáp mưu định cắt miền Nam thành hai mảnh.
          Thời điểm là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
          Địa điểm là Charlie của Chiến Trường Cao Nguyên.
          Trong quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam “Mùa Hè Đỏ Lửa,” Phan Nhật Nam đã viết trong đoạn đầu tiên “Charlie, tên nghe quá lạ:”
          “Quả tình nếu không có trận chiến mùa hè 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum. Charlie hay Cải Cách hay [C] đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Poko và đường 14, Đông Bắc là Tân Cảnh, với 12 cây số đường chim bay, Đông Nam là Kontum thị trấn cực Bắc của vùng Tây Nguyên... Charlie lọt giữa bị bao vây bởi căn cứ 5, căn cứ 6, ở phía Bắc, những mục tiêu quân sự nổi tiếng, những vị trí then chốt giữ cửa ngỏ vào Tân Cảnh mà bao nhiêu năm qua, bao nhiêu mùa hè, mùa “mưa rào”, báo chí hàng ngày trong và ngoài nước phải nhắc tới khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống miền núi non xương sườn cực Tây của quê hương Việt Nam...
          Năm nay, sau bao nhiêu lần thử thách từ mùa mưa của 1971 qua đầu xuân của 1972, Bắc quân vẫn không vượt qua hai cửa ngỏ. Căn cứ 5, Căn cứ 6... Cộng quân đổi hướng tiến lòn sâu xuống phía nam của 2 căn cứ trên để tiếp tục sự nghiệp “giải phóng” với mục tiêu cố định: Tân Cảnh, cắt đường 14...”
          Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù được cử đến lập một vòng đai để giữ những yếu điểm trong vùng quanh Quốc Lộ 14 và Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù có nhiệm vụ đóng giữ Charlie. Vào ngày 2 tháng 4, Tô Phạm Liệu, người y sĩ  của tiểu đoàn và cũng là một sĩ quan nhảy dù, đã được thả đến Charlie cùng với Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù. Đây là tiểu đoàn nhảy dù mới nhất của Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam.
          Sau đó, tại Charlie, một trận đánh oai hùng và bi thương của người lính nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa đã xẩy ra.
           Lúc bấy giờ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù là Trung Tá Nguyễn Đình Bảo tốt nghiệp khóa 14 Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Trung Tá Bảo là một sĩ quan chỉ huy rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ông gia nhập Nhảy Dù ngay sau khi ra trường võ bị, đã tham dự nhiều trận chiến khốc liệt, đã chiến thắng nhiều và đã bị thương hai lần ở mặt trận.
          Tuy vậy, lần này Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù bị hơn một sư đoàn Bắc Việt bao vây. Đó là Sư Đoàn 320  có mang danh là Sư Đoàn Điện Biên và cũng được gọi là Sư Đoàn Thép tăng phái thêm Trung Đoàn 64 của  Sư Đoàn Sao Vàng Cộng Sản. Trước chiến lược thí quân của Bắc Việt, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù và Trung Tá Nguyễn Đình Bảo trở nên “hổ trong lồng.”
          Ngày 11 tháng 4, Cộng Sản sửa soạn tấn công. Hàng trăm quả pháo rót vào Charlie kể cả đại pháo 130 ly với đạn xuyên phá ”delay.” Đây là loại đạn đặc biệt nguy hiểm, không nổ ngay khi chạm đất, mà sẽ nổ sau khi đã xuống dưới mặt đất khoảng hơn một thước, để tàn phá những hầm trú ẩn.
           Ngày 12 tháng 4, Cộng Quân tiến đánh. Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù kể cả Bác Sĩ Quân Y Tô Phạm Liệu đã quần thảo với lính Cộng của Sư Đoàn Điện Biên. Họ đã đổ máu để tranh thủ từng thước đất.
          Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, nhiều sĩ quan và binh sĩ nhảy dù đã hy sinh tại mặt trận.
          Ngày 15 tháng 4, 1972 Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tan rã. Chính bản thân Tô Phạm Liệu cũng bị thương ở chân. Tô Phạm Liệu và Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó đã dẫn một nhóm nhỏ còn lại và các thương binh rút khỏi Charlie. Và nhóm này cuối cùng được trực thăng “bốc” đi thoát. Một số khác chạy bộ băng rừng về.
          Xác chết của nhiều quân nhân và của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo đã không đem được về và đành để lại Charlie.
         Nhiều chiến sĩ  nhảy dù đã anh dũng “ở lại” Charlie.
        Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sau đó cảm xúc sự hy sinh của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo và những chiến sĩ nhảy dù khác tại mặt trận Charlie đã sáng tác “Người Ở Lại Charlie”, một bản nhạc khá hay và cảm động:
          “Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie.
          Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí.
          Vâng, chính anh là ngôi sao mới, một lần này chợt sáng trưng, là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng.
          Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie.
          Anh! Vâng, chính anh là loài chim quí.
          Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý, một lần dậy cánh bay, người để cho người nước mắt trên tay...”
          Sự kiện Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tan rã ở Charlie, khi bị hơn một Sư Đoàn Bộ Đội Bắc Việt tấn công với đại pháo và chiến xa, là chuyện dĩ nhiên phải xẩy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là sự hy sinh dũng cảm của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Những chiến sĩ nhảy dù đã gây tổn thất nặng cho đối phương và làm ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của Cán Binh Bắc Việt.
                Tuy là ngay sau đó, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù phải bỏ cả Tân Cảnh về Kontum. Tuy là các Sư Đoàn Bắc Việt kiểm soát được  Quốc Lộ 14. Tuy là họ đã bao vây thành phố Cao Nguyên Kontom. Tuy là họ dốc toàn lực đánh Kontum  hai lần ngày 14 tháng 5 và ngày 25 tháng 5. Nhưng họ vẫn thất bại. Cuối cùng Cộng Sản Việt Nam vẫn không đạt được mục tiêu vào năm 1972 và phải rút lui tại mặt trận miền Cao Nguyên.
             Mặt Trận Biên Giới nổ lớn tại An Lộc-Bình Long. Bộ Đội Cộng Sản hàng hàng, lớp lớp, “biển người”, được yểm trợ bởi hàng trăm chiến xa tối tân và đại bác hỏa tiễn hùng hậu, tràn ngập mặt trận. Nhưng họ đã phải đứng khựng lại ở quận An Lộc, cứ điểm quan trọng ngăn cản đường tiến của Bắc Quân đến Quốc Lộ 13 để về “giải phóng” Sài Gòn. Trong khoảng 100 ngày, gần 60 ngàn quả đại bác đã bắn vào độ một cây số vuông của quận lỵ nhỏ bé An Lộc. Năm lần Việt Cộng đã mở những cuộc tấn công. Cả năm lần Bắc Quân phải chùn bước. Người hùng Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và các lực lượng phòng thủ, với sự phụ lực của Đại Tá Lê Quang Lưỡng và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, cùng với sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ, đã cho Bắc Việt một bài học cay đắng: họ cho tướng Võ Nguyên Giáp biết thế nào là “tử thủ”. Ngày 8 tháng 6, 1972 Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù tiến vào thành phố, đã “bắt tay” được với  tiểu đoàn nhảy dù”bạn”, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù là đơn vị đã được trực thăng vận đến An Lộc mấy ngày trước.
              An Lộc hoang tàn. Nhưng An Lộc vẫn đứng vững...
          An Lộc đẫm máu. An Lộc đầy lửa khói. Nhưng An Lộc vẫn còn...
          Cuối cùng Bắc Quân phải rút lui.
         
          Mặt Trận Vùng Hỏa Tuyến: ngay những ngày đầu tiên Việt Cộng đã tràn ngập Quảng Trị và Sư Đoàn 3 Bộ Binh Việt Nam sau đó phải tan rã chạy về phía Nam. Dân chúng Quảng Trị ghét sợ Cộng Sản chạy theo quân. Hỗn loạn! Kinh hoàng! Nơi nơi máu đổ nhiều! Quân dân chạy giặc dưới làn đạn làm hàng ngàn người chết ở Đại Lộ Kinh Hoàng.
               Bắc Quân tràn lan, đánh chiếm khắp nơi, tiến sâu thêm phía Nam.
          Nhưng họ đã bị chận đứng lại ở sông Mỹ Chánh. Nơi đây ngày 2 tháng 5, Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến đã bắn hạ 17 chiến xa Bắc Việt. Cùng một lúc Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng được cử ra giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I. Thế cờ được lật ngược.
                Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tan rã ở Tân Cảnh nhưng không biến mất mà đã phối trí lại. Chẳng những vậy, chỉ độ một tháng sau ngày tan rã ở Charlie, Tô Phạm Liệu và Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã là có mặt chiến đấu lại ngay ở miền Hỏa Tuyến.
          Tháng 6, 1972 Sư Đoàn Nhảy Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 1 Bộ Binh cùng với sự yểm trợ của Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ đã mở chiến dịch tổng phản công tại vùng giới tuyến. Họ đã anh dũng chiến đấu, quần thảo  với tổng cộng sáu Sư Đoàn Bộ Đội Bắc Việt. Hai sư đoàn Cộng Sản 304 và 308 lúc này đã thêm bốn Sư Đoàn 312, 320B, 324B và 325.
          Cuộc chiến đẫm máu kéo dài đến tháng 9, 1972 khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được những người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa dựng lại tại Cổ Thành Quảng Trị và khi tàn quân Bắc Việt chạy ngược trở về bên phía Bắc dòng sông Thạch Hãn.
          Giấc mơ chiếm đoạt miến Nam vào mùa Hè 1972 của tướng Võ Nguyên Giáp hóa ra “chỉ là  một giấc mơ thôi.”
          Có lẽ hàng nhiều ngàn hay có thể đến hàng chục ngàn người  “sinh Bắc” đã “tử Nam” trong mùa Hè này.
          Y Sĩ Đại Úy Tô Phạm Liệu được Sư Đoàn Nhảy Dù trao tặng danh hiệu “Quân Nhân Xuất Sắc Nhất Của Sư Đoàn Nhẩy Dù.”
          Tô Phạm Liệu, tên tuổi hào hùng của ngành Quân Y “con rắn” chúng tôi, đã lừng danh trong những đơn vị Nhảy Dù “mũ đỏ” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó.
          Chiến dịch mùa Hè 1972 đã làm Bắc Việt tổn thất nặng. Phải một thời gian khá lâu họ mới hồi phục lại được sức mạnh. Những ngày tháng ngay sau đó họ đã không tạo thêm được tiếng vang gì đáng kể. Ngoại trừ một cố gắng khác, nhưng vẫn thất bại, ở Sa Huỳnh ở vùng Quảng Ngãi-Bình Định vào đầu năm 1973.
          Năm 1973 cũng là năm Henry Kissinger và Lê Đức Thọ ký kết Hiệp Định Paris, là năm của Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam. Hiệp Định Paris đã đẩy Việt Nam Cộng Hòa vào con đường cùng. Hoa Kỳ rút dần dần ra khỏi Việt Nam. Viện trợ quân sự Mỹ cho quân đội Việt Nam cũng giảm dần theo. Đạn dược, súng ống của quân Việt Nam trở thành thiếu thốn. Xe tăng lỗi thời. Máy bay cũng ít dần và cũ kỹ dần. Bắc Quân ngày càng nhiều khí giới tối tân. vì Nga Sô và Trung Cộng cùng các nước Cộng Sản trên thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ tiếp tế Hà Nội một cách tích cực. Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu hầu như một mình với Cộng Sản Bắc Việt và cả một thế giới Cộng Sản đứng ở đằng sau. Đó là kết quả của Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam, chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon.
          Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, rồi giải Nobel được trao tặng cho Kissinger và Thọ chỉ là những trò hề. Bắc Quân tiếp tục xâm phạm những gì họ ký kết. Đường mòn Hồ Chí Minh “đông người như đi chợ” chuyển quân và vũ khí thiết giáp vào miền Nam.
          Tô Phạm Liệu tốt nghiệp khóa 17 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch gia nhập Nhảy Dù năm 1971.
          Khóa 21 Sĩ Quan Hiện Dịch Quân Y, khóa cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khóa của chúng tôi ra đơn vị năm 1975.
          Chỉ có bốn năm mà tình hình đã đổi khác hoàn toàn. Những tân Trung Úy Y Nha Dược ra đơn vị đúng lúc ngày tàn của cuộc chiến. Tỉnh Phước Long rơi vào tay Cộng Sản tháng 2, 1975.
           Chuyện gì phải xẩy ra đã xẩy ra. Chuyện mất miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản ngày 30 tháng 4, 1975 đã đến. Có điều chuyện xẩy ra quá bất ngờ, một cách rất ngạc nhiên, ngoài sự dự liệu của tất cả mọi người trong và ngoài cuộc. Lịch sử sẽ cho dần những câu trả lời. Nhưng làm sao có ai, có những lý do nào... mà có cho đủ được những câu trả lời cho chuyện bỏ chạy một cách nhanh chóng như vậy?
          Đa số chúng tôi của khóa 21 Quân Y chỉ đến đơn vị được một, hai tháng thì cuộc đời nhà binh cũng chấm dứt.
          Để sửa soạn dư luận cho cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 1976. Tướng Việt Cộng Văn Tiến Dũng đã bắt đầu Chiến Dịch Mùa Xuân năm 1975. Nhưng chính những người cầm đầu đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thể ngờ có kết quả nhanh, ngoài dự liệu như vậy.
          Miền Nam Việt Nam xụp đổ, đổ dần như một căn nhà không có nền móng, chỉ trong vòng khoảng 55 ngày.
          Ngày 10 tháng 3, 1975 Bắc Quân bắt đầu tiến đánh Ban Mê Thuột.
          Ban Mê Thuột mất ngày 17 tháng 3, 1975.
          Theo đó là Quảng Trị mất 20 tháng 3.
          Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Huế 23, tháng 3.
          Rồi Đà Nẵng di tản ngày 29 tháng 3...
          Bắc Việt tiến chiếm dễ dàng dần dần từ Bắc xuống Nam. Bắc Quân vào nhiều thành phố bỏ trống như chỗ không người. Tình hình thật là hỗn loạn.
        Những câu chuyện cười ra nước mắt được kể lại. Như: một thành phố ở miền Trung được di tản đến cả ba, bốn ngày sau một đơn vị quân đội nhỏ của Việt Nam Cộng Hòa quay lại cũng vẫn còn y nguyên vì Cộng Sản cũng không đến kịp vào để tiếp thu! Hoặc: có thành phố được phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã di tản nhưng sự thật dân quân vẫn còn nguyên tại chỗ!
          Hầu như tất cả mọi người đều không làm được gì cả.
          Chúng tôi bất lực. Chúng tôi không làm được gì ngoài việc chỉ cố tránh né để mái nhà sụp hay bức tường vỡ khỏi rơi vào người.
          Ngày 20 tháng 4, 1975  tiền đồn cuối cùng ở Xuân Lộc bị phá vỡ. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo và Sư Đoàn 18 phải rút quân. Sài Gòn hầu như rối loạn hoàn toàn. Nhìn trước ngó sau chỉ thấy nhiều người tìm cách đi khỏi nước Việt Nam hơn là tìm cách chống trả giữ Sài Gòn.
          Sài Gòn coi như đã mất. Một thành phố đang dẫy chết ! Chỉ còn vấn đề thời gian, một thời gian rất ngắn thôi.
          Trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, hàng ngày, có khi hàng giờ tôi nghe được những tin tức mới của những người nào đã ra đi và của những người nào sắp ra đi.
          Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tân Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng.
          Tôi may mắn thoát được lên chiến hạm Hải Quân Việt Nam HQ 1. Chỉ độ mười phút sau đó tầu rời bến Bạch Đằng,  cùng tất cả những chiến hạm còn lại ở bến của Hạm Đội Hải Quân Việt Nam, sau khi binh sĩ Hải Quân chặt cầu vì không đủ chỗ cho hàng ngàn người đang đứng đợi lên tầu.
         Thế là hết! Vĩnh biệt Sài Gòn! Vĩnh Biệt Việt Nam!
          Lênh đênh vài ngày trên Thái Bình Dương, chiếc tầu Việt Nam của chúng tôi đến Subic Bay ở Phi Luật Tân. Ngay sau đó tất cả chúng tôi được chuyển ngay sang một tầu Hoa Kỳ rộng lớn hơn để đi đến đảo Guam.
          Trên tầu Hoa Kỳ đầy người. Đủ loại người. Dân sự có, quân sự có. Người nằm, kẻ đứng ngồi. Hỗn loạn. Tôi tìm đến một  góc nhỏ để tránh né phiền phức. Ở đây tôi thấy một người khá to lớn nằm trên một chiếc võng mắc vào những cái cột của tầu. Lại gần nhận ra đó là huynh trưởng Tô Phạm Liệu. Tôi không ngờ gặp nhau trong hoàn cảnh này.
         Tôi buồn nhớ lại những ngày xưa người anh từ chiến trường về thăm trường Quân Y, với binh phục nhảy dù oai hùng. Bây giờ, Tô Phạm Liệu vẫn mặc binh phục nhảy dù Việt Nam nhưng bẩn và nhầu nát. Chiếc mũ đỏ cũng không thấy đâu nữa. Anh Liệu không giống anh Liệu những ngày trước khi anh trở về từ những chiến thắng nữa. Tô Phạm Liệu nằm trên võng, anh vẫn tỉnh giấc nhưng mắt nhắm như để quên đi những hình ảnh nào đó. Anh Liệu hình như muốn ngủ triền miên. Nhưng làm sao mà ngủ được? Rồi cũng có lúc Tô Phạm Liệu mở mắt ra. Anh kể lại những lúc cuối cùng, những giây phút cay đắng nhất trong cuộc đời khi đơn vị tan hàng. Mắt của anh long lanh khi nói đến gia đình, chị và các cháu, anh không kịp đón đi.
          Tô Phạm Liệu nói rất ít. Tôi cũng chẳng nói nhiều. Đau khổ đã làm tê liệt cả con người.
          Nhưng thật ra còn có gì khác để đáng nói đến nữa đâu?
          Anh em nhìn nhau thẫn thờ! Bàng hoàng! Sững sờ! Giọt lệ nào đó hình như vòng quanh khóe mắt làm mờ mắt của cả hai chúng tôi!
            Ngày hôm sau, tôi trở lại chỗ cũ không thấy anh đâu cả. Chiếc võng cũng biến mất. Tôi để ý tìm mà không gặp. Tô Phạm Liệu chắc cũng chả muốn gặp lại ai nữa. Chính bản thân tôi cũng không muốn thấy người quen nào nữa.
          Những ngày đầu tiên đến đất Mỹ là những lúc vật lộn với cuộc đời mới cũng như các bạn bè khác trong giới Y Khoa để tìm đường trở về nghề cũ. Và cũng như đa số bạn bè Y khoa, cuối cùng tôi cũng trở lại được với nghiệp Y.
          Thỉnh thoảng tôi được nghe bạn bè nhắc nhở đến anh Tô Phạm Liệu. Tôi biết anh đã quay lại hành nghề ở một nhà thương điên (state hospital) nào đó ở Kansas. Tôi được biết, cũng qua bạn bè kể lại, anh uống rượu nhiều, rất nhiều. Tôi muốn nhưng chưa có dịp liên lạc.
          Năm 1989, tôi đi dự cuộc họp Hội Y Sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do ở  một khách sạn lớn ở Little Saigon, California. Đang đi vớ vẩn trong khách sạn thì có tiếng gọi tên. Tôi nhìn ra thấy huynh trưởng Tô Phạm Liệu. Anh em gặp nhau mừng ứa nước mắt.
          Anh dẫn tôi vào ngồi ở một quầy rượu. Anh Liệu uống rượu mạnh liên miên. Tô Phạm Liệu lần này nói chuyện nhiều hơn, nói khá nhiều. Có khi là người nói, có khi là “rượu nói”. Anh nhìn tôi và nhắc nhớ đến Đoàn Trung Bửu (Biệt Động Quân, chết trên đường ra đơn vị 1975), Vũ Đức Giang (Thủy Quân Lục Chiến, tự tử chết trong trại học tập 1976)... Đó là những bạn cùng lớp khóa 21 Quân Y của tôi, những đàn em của Đại Đội Tân Sinh Viên Quân Y 19 năm trước của anh, đã hy sinh trong những ngày vừa qua.
          Anh Tô Phạm Liệu bây giờ ốm hơn trước. Anh Liệu cho biết là anh đang bị bệnh Tiểu Đường (Diabetes Mellitus). Nhưng anh vẫn uống rượu liên miên. Anh cho biết “có lẽ” đã bị chứng Đau Thần Kinh Ngoại Biên Tiểu Đường (Diabetic Peripheral Neuropathy). Tô Phạm Liệu bảo những cơn đau rất gần nhau và khá nặng. Nhưng anh vẫn không uống thuốc giảm đau. Tôi hiểu anh muốn có một nỗi đau thể xác  để quên cái niềm đau tinh thần.
          Tô Phạm Liệu cảm thấy lẻ loi ở cái đại hội y sĩ có nhiều những người “mặc quần mới áo đẹp” và “ăn to nói lớn”, thích “nhảy đầm” và “xếp hàng để lên hát”... Trong cơn say,  anh nói là phải chi trước kia, mười mấy năm trước kia, anh được “ở lại Charlie” với Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, với các bạn nhảy dù thì “sướng hơn nhiều.”
          Tô Phạm Liệu nói “chỉ thích uống rượu” và “không muốn làm gì nữa cả.”
          Tôi không uống được nhiều rượu nhưng cũng uống  hai ba ly rượu để làm vừa lòng anh. Tôi chú ý nghe  anh nói. Anh nói chuyện vẫn hay, vẫn hấp dẫn. Mười chín năm trước đó, khi anh đang huấn luyện tân sinh viên quân y, mỗi lần nghe anh nói chuyện tôi hầu như thấy anh nói đều có lý cả. Lúc này thì khác. Có nhiều chỗ tôi thấy anh nói đúng. Có nhiều lúc tôi nghĩ là anh nghĩ sai. Nhiều lúc là “rượu nói” chứ không phải anh nói nữa. Nhưng tôi hiểu Tô Phạm Liệu nhiều.
          Giữa bữa tiệc rượu của hai anh em, sau 14 năm mới gặp gỡ, Tô Phạm Liệu làm tôi ngạc nhiên khi nói là muốn đọc thơ cho tôi nghe. Anh nói là anh chả có thích thơ và cũng chả nhớ bài thơ nào, nhưng chỉ thích và nhớ  một đoạn trong bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ:
           “...Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
           Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
          Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
          Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hát núi
          Với khi thét khúc trường ca dữ dội
          Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
          Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
          Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc
          Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
          Là khiến mọi vật đều im hơi
          Ta biết ta chúa tể cả muôn loài
          Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
           Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
           Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
           Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
           Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới...”
          Tôi hiểu Tô Phạm Liệu nhiều hơn. Tôi vẫn kính trọng anh. Tôi vẫn thương mến anh như những ngày xưa, và có thể là hơn những ngày xưa nữa.
          Nhưng vẫn có những điểm tôi không đồng ý với anh Liệu.
          Lần gặp gỡ đó là lần sau cùng tôi gặp người anh lớn của khóa tân sinh viên sĩ quan quân y ngày nào của chúng tôi.
          Sau này tôi được biết anh đã dọn về ở tiểu bang Lousiana và làm việc ở một nhà thương nào đó.
          Và đến bây giờ huynh trưởng Tô Phạm Liệu đã vĩnh viễn ra đi.
          Tờ cáo phó của tờ báo Người Việt trên tay tôi trở thành mờ nhạt:
          “ Vô cùng thương tiếc bạn chúng ta, Tô Phạm Liệu (1941-1997) Y Sĩ Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù... đã không còn với chúng ta kể từ 29 tháng 9 năm 1997...một lòng binh chủng Nhảy Dù. Cầu Anh Linh bạn quên phiền hà, coi như trở lại Charlie...”.
          Tôi nhìn qua khung cửa sổ.
          Xa xa trên bầu trời trong xanh, gần những đám mây trắng ở trên thật cao, hình như mờ ảo có một cánh dù nhỏ bé...

          Anh Liệu đang trở lại Charlie...
          Anh trở lại! Anh đi tìm lại Nguyễn Đình Bảo và những anh em nhảy dù khác, những đồng đội đã “ở lại Charlie”.
         
          Tô Phạm Liệu: Người Trở Lại Charlie.

QYHD Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California, USA

Friday, December 4, 2020

Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến


Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa (tiếng Anh: Republic of Vietnam Marine Division, RVNMD) là 1 đại đơn vị quy mô cấp Sư Đoàn,trực thuộc lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đây được xem là một trong 4 lực lượng thiện chiến cơ động nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (3 lực lượng còn lại gồm Sư Đoàn Nhẩy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù và Lực Lượng Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa).
Nhiệm vụ chính của lực lượng cơ động Hành Quân Thủy Bộ,kiểm soát vùng biển và sông ngòi Miền Nam,với địa bàn chiến đấu khắp bốn vùng chiến thuật và mặt trận ngoại biên.
Đây là đơn vị được tổ chức,chiến đấu và huấn luyện rập khuôn theo Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC),được nhận xét như là đơn vị thiện chiến dày dặn kinh nghiệm nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Lịch Sử:
Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa có nguồn gốc từ thời kỳ Pháp.Năm 1949, theo Thỏa ước Pháp-Việt, lực lượng vũ trang của Chính Phủ Quốc gia Việt Nam sẽ bao gồm lực lượng Hải Quân, với tổ chức và huấn luyện do phía hải quân Pháp đảm nhiệm.Năm 1951,Pháp đề nghị phương án phát triển Hải Quân Việt Nam,theo đó sẽ thành lập hai Sư Đoàn Hải Quân,do Pháp chỉ huy.Tháng 3 năm 1952, Sắc Lệnh số 2 của Đế chế Pháp chính thức xác lập Hải Quân Việt Nam.Tới năm sau, hai sư đoàn hải quân được thiết lập.

TQLC, Giai Ðoạn Chuyển Tiếp:
Ngay trong năm 1953, hai chính phủ Pháp và Việt Nam đã thỏa thuận gia tăng Lực Lượng Bộ Binh Việt Nam lên đến 57 tiểu đoàn hầu đáp ứng nhu cầu hành quân, và mở thêm nhiều cuộc hành quân đến các vùng duyên hải. Do đó, việc gia tăng lực lượng hải quân cũng được coi là quan trọng. Khi nghiên cứu quyền chỉ huy các lực lượng hỗn hợp hành quân trong sông ngòi, Ðô Ðốc người Pháp là Auboyneau đưa ra đề nghị thành lập đơn vị mang tên là Bộ Binh Hải Quân. Vào năm 1954, khi quân Pháp bắt đầu rút lui khỏi Việt Nam, thì đơn vị Bộ Binh Hải Quân còn nằm trong tổ chức của Hải Quân, mới chỉ có một Bộ Chỉ Huy, 4 Giang Ðoàn và những Ðại Ðội Biệt Kích (Commando) hành quân biệt lập.

Sau khi Quân Ðội Pháp rút khỏi Viện Nam vào cuối năm 1954, Chính Phủ và Quân Ðội Hoa Kỳ trực tiếp đóng vai trò quân viện và trợ giúp Quân Ðội Nam Việt Nam tái tổ chức. Một sĩ quan TQLC trong Cơ Quan Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ (USMAAG) là Trung tá Victor J. Croizat, sau nhiều cuộc tiếp xúc và thảo luận chính thức để xúc tiến việc thành lập Binh Chủng mới với chính phủ Việt Nam, thì ngày 13 tháng 10 năm 1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ký Nghị Ðịnh số 991/NĐ, trong đó, điều 1 và 3 ghi rõ:
Điều 1: Hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1954, thành lập trong Tổ Chức Hải Quân VN, một Binh Chủng Bộ Binh, đặc trách kiểm soát các thủy trình và những cuộc hành quân thủy bộ dọc theo bờ biển Nam Hải và trong sông ngòi, mang tên: “Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến”.
Điều 3: Binh Chủng TQLC sẽ gồm nhiều đơn vị khác nhau, tùy theo nhiệm vụ, đã có sẵn trong các Quân Chủng Lục Quân và Hải Quân, hay sẽ được thành lập sau nay, tùy theo kế hoạch phát triển của Quân Đội Nam VN.
Chiếu theo Nghị Ðịnh này, những Ðại Ðội Biệt Kích, Ðại Ðội Yểm Trợ và Giang Ðoàn, từ hai Quân Chủng Hải và Lục quân được sát nhập để thành lập Binh Chủng TQLC. Nhiều đơn vị Biệt Kích Hải Quân, từng hoạt động trong vùng đồng bằng sông Hồng Hà Bắc Việt tỏ ra rất hữu hiệu. Ðoàn tàu xung kích đó thường gồm trên 10 chiếc, với những chiến đĩnh chở quân đổ bộ võ trang, chiến đĩnh yểm trợ hỏa lực và chiến đĩnh chỉ huy. Một Ðại Ðội Biệt Kích, quân số khoảng 100 người, đặt dưới quyền điều động của một BCH Hải Quân. Với lực lượng và hỏa lực như vậy, đoàn tàu xung kích có khả năng điều động những đơn vị bộ binh tác chiến, đổ bộ lên những vùng địa thế hiểm trở, với hỏa lực yểm trợ tiếp cận hùng hậu của dại liên, đại bác trực xạ và súng cối tầm xa. Những cuộc hành quân loại này đã đạt được nhiều kết quả trong khu vực sông Hồng Hà, là nơi có nhiều sông ngòi và có nhiều đơn vị Cộng Sản trú ẩn.

Ðệ I Tiểu Đoàn Bộ Binh Hải Quân (1er Bataillon de L'infanterie Marine) đầu tiên được thành lập từ những Ðại Ðội Biệt Kích dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp, đồn trú tại căn cứ gần Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Cũng vào thời gian đầu này, Tr/Tá Lê Quang Trọng được Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm bổ nhiệm làm Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Binh Chủng TQLC và Trung Tá Croizat cũng được USMAAG cử làm Cố Vấn Trưởng đầu tiên. Những thành phần còn lại của Binh Chủng trong khi đó vẫn còn phân tán ở nhiều nơi, từ Huế vào đến vùng Châu Thổ sông Cửu Long như: 6 Đại Ðội Giang Thuyền, 5 Đại Ðội Yểm Trợ Tác Chiến và 1 đoàn chiến thuyền huấn luyện. Vì chưa có Bộ Chỉ Huy chính thức, nên Tr/Tá Trọng gần như cách biệt với các đơn vị dưới quyền của ông. Với một tổ chức và tên tuổi mới mẻ, Binh Chủng TQLC đã gặp rất nhiều khó khăn. Trước nhất, và có lẽ là nguyên do chính, dù đã có nghị định thành lập của Thủ Tướng Diệm, Binh Chủng TQLC thực tế vẫn ở trong vị thế "bán chính thức". Một cố vấn HK đã giải thích: "Binh Chủng TQLC/VN ít được ai biết tới. Họ gồm nhiều đơn vị không đồng nhất, lại đồn trú rải rác quá nhiều nơi, từ Huế vào đến vùng Châu Thổ Cửu Long". Trên thực tế, những đơn vị đồn trú phân tán đó, vẫn do đạo quân viễn chinh Pháp yểm trợ về tiếp vận tiếp liệu, cho thấy rõ tình trạng "lệ thuộc" của Binh Chủng. Kế đến, trở ngại đến từ phía người Pháp. Sĩ quan Pháp vẫn nắm giữ các chức vụ chỉ huy các đơn vị. Binh Chủng TQLC lại nằm trong hệ thống tổ chức của Hải Quân. Dưới sự thỏa thuận của Pháp và Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu chuyển tiếp, Hải Quân và Không Quân VN do các sĩ quan Pháp trách nhiệm tổ chức và huấn luyện. Một vị Ðại Tá Pháp giữ 2 nhiệm vụ, vừa là Trưởng Tiểu Ban Thành Lập và Huấn Luyện Hải Quân, vừa là Tư Lệnh Hải Quân Nam VN. Điều này đã dành cho vị sĩ quan Hải Quân Pháp toàn quyền duyệt xét và quyết định những đề nghị đưa lên từ phía Cố vấn TQLC Hoa Kỳ. Vấn đề thêm phức tạp, Tiểu Đoàn Trưởng Ðệ I Tiểu Ðoàn Bộ Binh Hải Quân lúc đó lại là Th/Tá người Pháp tên là Souquet, TÐP là Ð/U Jean Louis Delayen, Ðại Ðội Trưởng CH là Ð/U Roger Bùi Phó Chí. Kế hoạch giải ngũ chung trong quân đội Nam VN theo hiệp định Genève cũng đưa đến nhiều trở ngại cho Binh Chủng TQLC vào đầu năm 1955. Theo sự thỏa thuận của hai Chánh phủ HK và Nam VN, quân số của Hải Quân được ấn định là 3,000 người, trong đó TQLC đã có tới 2,400, vừa sĩ quan lẫn binh sĩ, được lệnh phải giảm xuống còn 1,137 người. Vì Binh Chủng TQLC chưa có Bộ Chỉ Huy Trung Ương và chưa có thực quyền, ngay cả nhiệm vụ là tập trung các đơn vị, nên đã xảy ra nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp về quản trị hành chánh. Do đó, việc thành lập và phát triển Binh Chủng TQLC lúc đầu đã gặp rất nhiều trở ngại. Binh Chủng TQLC/VN nằm trong tay 3 nhân vật chính: Th/Tá Souquet, Trung tá Victor J. Croizat và Tr/Tá Lê Quang Trọng.

Thời gian đầu năm 1955, về chính trị, chính phủ Ngô Đình Diệm gặp khó khăn liên tiếp do những tranh chấp nội bộ, gây tê liệt không ít đến nỗ lực xây dựng một Quốc Gia chống Cộng do các phe phái tại Nam VN. Vào tháng 2, các nhà lãnh đạo Giáo Phái Hòa Hảo, Cao Đài và tổ chức Binh Xuyên bất mãn với chính phủ của Thủ Tướng Diệm vì đã không thỏa mãn những yêu sách của họ, liên kết thành một tổ chức lấy tên "Mặt Trận Liên Hiệp Lực Lượng Quốc Gia". Cuối tháng 3, tổ chức này cảm thấy lực lượng của họ đủ mạnh để đương đầu với quân chính phủ, đã tạo ra những cuộc giao tranh quân sự. Lực lượng của Giáo Phái Hòa Hảo mở những trận đánh du kích vào lực lượng chính phủ trong vùng căn cứ địa của Giáo Phái ở Châu Đốc, phía Tây Nam Sài gòn. Ngày 28 tháng 3, Thủ Tướng Diệm ra lệnh cho một đơn vị Nhảy Dù tấn công và chiếm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, lúc đó Pháp trao quyền kiểm soát cho Binh Xuyên. Nhiều cuộc chạm súng dữ dội giữa quân chính phủ và lực lượng Bình Xuyên đã xảy ra trên các đường phố Sàigòn và Chợ Lớn. Sau 3 ngày giao chiến, qua sự dàn xếp của tướng Paul Ely, quân chính phủ và Bình xuyên ngưng bắn. Ngày 31, lực lương quân sự Cao Đài của Thiếu tướng Trịnh Minh Thế tuyên bố ly khai Mặt Trận Liên Hiệp về hợp tác với chính phủ Ngô Ðình Diệm và sát nhập các đơn vị võ trang vào quân đội Quốc gia. Cuộc hòa hoãn giữa quân chính phủ và Bình Xuyên kéo dài không lâu. Ngày 28 tháng 4, cuộc đụng độ quân sự lại tái phát. Tới giữa tháng 5, lực lượng của quân chính phủ đẩy lui được quân đội Bình Xuyên ra khỏi Sàigòn và Chợ Lớn, gây rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức này. Tàn quân của Bình Xuyên đã rút lui vào mật khu Rừng Sát, phía Nam Sàigòn, vùng rừng cây đước mọc chằng chịt và địa thế xình lầy dễ lẩn tránh và chiến đấu từng toán nhỏ.

Binh Chủng TQLC đã được chính phủ tin tưởng sau những chiến thắng khởi đầu cuộc chính biến. Ngày 1 tháng 5 năm 1955, Trung Tá Lê quang Trọng thiết lập bản doanh và Bộ Chỉ Huy chính thức tại Trại Cửu Long, Thị Nghè, sau được dời về số 15 Lê Thánh Tôn Sài Gòn sau cuộc Cách Mạng lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tháng 11 năm 1963. Thủ Tướng Diệm bổ nhiệm Đại Úy Bùi Phó Chí làm Tiểu Đoàn Trưởng Ðệ I Tiểu Đoàn Bộ Binh Hải Quân thay thế Th/Tá Souquet. Các sĩ quan Pháp chỉ còn giữ chức vụ cố vấn. Vào cuối tháng 6, Thủ Tướng Diệm thay thế tất cả sỉ quan Pháp đang giữ chức vụ chỉ huy trong Hải Quân bằng sĩ quan VN. Việc thay đổi này dã làm giảm thiểu ảnh hưởng người Pháp trong Quân Ðội và cũng từ đó, TQLC/VN được điều động bởi Bộ Tổng Tham Mưu trung ương nhiều hơn. Tại vùng nông thôn phía Nam Sàigòn, lực lượng gần 30 tiểu đoàn quân chính phủ, trong đó có Tiểu Đoàn Bộ Binh Hải Quân, mở những cuộc tấn công vào các đơn vị chủ lực và bán quân sự của Giáo phái Hòa Hảo. Cuối tháng 6, thủ lãnh Ba Cụt bị bắt, Năm Lửa quy hàng với trên 8,000 quân và ra lệnh ngưng các hành động chống đối chính phủ. Ðệ I Tiểu Đoàn Bộ Binh Hải Quân đã đánh một trận quyết định với lực lượng Hòa Hảo tại tỉnh Kiên Giang, cách Sàigòn 120 cây số về phía Tây Nam, chiếm được bản doanh và tiêu diệt lực lượng này. Đoạn kết của cuộc xung đột Giáo Phái được đánh dấu bằng cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc ngày 23 tháng 10 bầu vị nguyên thủ Miền Nam. Kết quả, Thủ Tướng Diệm đạt được tỷ lệ số phiếu 98% so với Cựu Hoàng Bảo Đại. Và, ngày 26 tháng 10, tân Tổng Thống Ngô Đình Diệm tuyên bố Quốc Hiệu của Miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa.

Cuối năm 1955, Ðệ I Tiểu Đoàn Bộ Binh Hải Quân, xử dụng các đại đội Giang Thuyền tấn công những ổ kháng cự cuối cùng của Bình Xuyên tại Rừng Sát, đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của các lực lượng chống đối chính phủ. Ngày 18 tháng 1 năm 1956, Tổng Thống Diệm bổ nhiệm Thiếu Tá Phạm Văn Liễu làm Chỉ Huy Trưởng TQLC, vị CHT thứ 2 của Binh Chủng, thay thế Trung Tá Lê Quang Trọng đi giữ chức Tư Lệnh SÐ Bộ Binh.
Các vị Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ1/TQLC gồm: Th/Tá Souquet (1954), Ð/U Bùi Phó Chí (1955), Tr/U Ngụy Văn Thanh (1956), Ð/U Nguyễn Văn Tài (1958), Ð/U Lê Nguyên Khang (1960), Tr/U Trần Văn Nhựt (1960), Ð/U Tôn Thất Soạn (1964), Ð/U Phan Văn Thắng (1966), Th/Tá Nguyễn Thành Trí (1969), Th/Tá Nguyễn Ðằng Tống (1970), Th/Tá Nguyễn Ðăng Hòa (1972) và Th/Tá Dương văn Hưng (1975).

Quân Phục và Trang Bị
Từ khởi đầu cho đến năm 1960, TQLC mang quân phục hỗn hợp tương tự như Hải Quân và như Lục Quân VN, đội nón beret xanh có hai mỏ neo chéo nhau. Nhưng từ năm 1960 trở đi, nhằm tạo niềm tự hào Binh Chủng (Esprit de Corps), quân phục tác chiến của Binh Chủng màu ngụy trang bệt đen và xanh lá cây sóng biển, còn được gọi là da cọp. Huy hiệu Binh Chủng cũng được dùng từ thời gian này, lấy mẫu từ huy hiệu của TQLC HK, con Ó đứng trên quả cầu, mỏ neo bắt chéo, có thêm đặc điểm là ngôi sao đỏ bên trong có bản đồ VN màu Vàng. Huy hiệu được gắn trên mũ beret và trên cánh tay áo trái. TQLC cũng dùng mũ lưỡi trai và nón sắt bọc vải ngụy trang như TQLC HK. Giữa thập niên 1960, huấn luyện viên quân sự và cơ bản thao diễn tại TTHL/TQLC còn dùng mũ nỉ vành rộng màu nâu "Smokey the Bear hat". Quân phục kaki vàng, các loại quân phục dạo phố mủa hè mùa đông và đại lễ cũng tương tự như Hải Quân, nhưng về cấp bậc, thay vì màu Vàng, TQLC dùng màu kim tuyến Trắng.
Từ khi thành lập cho đến giữa thập niên 1960, TQLC giữ nguyên trang bị các loại vũ khí từ thời Pháp. Ðến giữa năm 1963, một số súng AR15 và M79 được trang bị cho TQLC nhưng còn mang tính cách trắc nghiệm. Mãi đến 1967, TQLC mới hoàn toàn được trang bị súng trường mới M16 cùng với súng phóng lựu M79, đại liên M60 và hỏa tiễn chống chiến xa M72. Trong trận chiến Mùa Hè 1972, TQLC còn được trang bi thêm hỏa tiễn điều khiển TOW chống chiến xa.

Cải Tổ và Phát Triển
Qua năm 1956, quân số của Binh Chủng giảm xuống còn khoảng 1,800 người, mặc dầu vẫn duy trì hệ thống tổ chức như lúc đầu, gồm có 6 Ðại Ðội Hải Thuyền, 5 đại đội Yểm Trợ nhẹ, 1 Tiểu đoàn Bộ Binh, và 1 Bộ Chỉ Huy. Sau hơn nửa năm nghiên cứu của bộ tham mưu và được các cố vấn HK yểm trợ, ngày 21 tháng 12, Thiếu Tá Liễu đệ trình lên Bộ Tổng Tham Mưu kế hoạch cải tổ mới với 2 điểm đặc biệt là: -Thành lập thêm 1 tiểu đoàn bộ binh TQLC mà quân số không quá mức ấn định, -và nâng Binh Chủng thành Liên Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận những đề nghị của TQLC đưa lên. Kế hoạch phát triển khởi sự vào tháng 2 năm 1956 khi Tiểu Đoàn 1 Bộ Binh TQLC hoàn tất công tác "dẹp loạn" trở về hậu cứ Nha Trang. Tất cả những đại đội Hải Thuyền và Yểm trợ được giải tán. Ba đơn vị tân lập gồm có: Tiểu đoàn 2 Bộ Binh TQLC, một Ðại Ðội Trọng Pháo 106 ly, tiền thân của Pháo Binh TQLC và một Đại Ðội Chỉ Huy và Công Vụ Liên Ðoàn, tiền thân của TÐ Tổng Hành Dinh.

Sau khi chiến dịch Hoàng Diệu nhằm tảo thanh tàn quân Bình xuyên ở Rừng Sát chấm dứt ngày 24/10/1955, Đ/U Nguyễn Kiên Hùng, CHT Liên đoàn Tuần Giang và xung kích số 1, được chỉ định thành lập Tiểu đoàn 2 Bộ Binh TQLC. Đơn vị tân lập đồn trú tại Long Hải, Bà Rịa. Ðầu năm 1956, TÐ rời căn cứ về Rạch Dừa Vũng Tàu. Tháng 6 năm 1957, một lần nữa, TÐ di chuyển bằng đường bộ ra Ba Ngòi, tiếp nhận căn cứ Cam Ranh của Hải Quân Pháp trao lại, là nơi quân đội Pháp đã dùng để huấn luyện lực lượng thủy bộ trong giai doạn cuối cuộc chiến Đông Dương. Với kết quả cải tổ này, sơ đồ tổ chức của Tiểu Ðoàn TQLC/VN tương tự như sơ đồ tổ chức của Tiểu Ðoàn TQLC Hoa Kỳ gồm 3 đại đội tác chiến, 1 đại đội vũ khí nặng và 1 đại đội chỉ huy và công vụ. Mỗi đại đội tác chiến có 3 trung đội khinh binh và 1 trung đội vũ khí cộng đồng. Và cũng như vậy, 1 trung đội khinh binh có 3 tiểu đội chiến đấu, mỗi tiểu đội có 3 tiểu tổ 3 binh sĩ (sau này, hệ thống tam chế được cải tổ thành tứ chế). Vũ khí cá nhân trang bị cho các khinh binh là súng Carbine M-1, loại vũ khí nhẹ từng được trang bị cho những đơn vị Commando thời Pháp. Trung đội vũ khí cộng đồng được trang bị 6 khẩu trung liên BAR (Browning Automatic Rifle). Đại đội vũ khí nặng của tiểu đoàn gồm 1 trung đội 4 khẩu súng cối 81 ly và một trung đội 2 khẩu đại bác không giật 57 ly. Trong khi kế hoạch cải tổ được tiến hành tốt đẹp, BCH Liên Đoàn khởi sự kế hoạch phát triển Binh Chủng thành Trung Đoàn. Với kế hoạch này, quân số TQLC sẽ tăng từ 1,837 lên 2,485 người, vẫn không vượt quá mức quân số ấn định của Hải Quân và của QLVNCH, trong đó, Tiểu Ðoàn Bộ Binh TQLC thứ ba sẽ được thành lập. Kế hoạch này cũng đề nghị, Binh Chủng TQLC sẽ trở thành lực lượng Tổng Trừ Bị và được đặt trực tiếp dưới quyền điều động cùa Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Mặc dù đề nghị này không được chấp thuận ngay, nhưng đã trở thành kế hoạch phát triển sau đó.
Các vị Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ2 gồm: Ð/U Nguyễn Kiên Hùng (11/1955), Ð/U Hoàng A Sam (6/1956), Ð/U Lê Nguyên Khang (9/1957), Ð/U Nguyễn Hải Ðằng (5/1958), Ð/U Nguyễn Thành Yên (7/1958), Tr/U Dương Hạnh Phước (6/1960), Ð/U Nguyễn Thành Yên (1/1961), Ð/U Cổ Tấn Tinh Châu (11/1963), Ð/U Hoàng Tích Thông (11/1964), Th/Tá Lê Hằng Minh (11/1965), Ð/U Ngô Văn Ðịnh (6/1966), Th/Tá Nguyễn Kim Ðễ XLTV/TÐ (3/1969), Th/Tá Nguyễn Xuân Phúc (5/1969), và Th/Tá Trần văn Hợp (5/72-4/1975).

Đầu tháng 8 năm 1956, Tổng Thống Diệm bổ nhiệm Đại Úy Bùi Phó Chí, lúc đó đang làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Bộ Binh TQLC, kiêm nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn TQLC thay thế Thiếu Tá Phạm Văn Liễu. Ðến ngày 1 tháng 10, Thiếu Tá Lê Như Hùng được bổ nhiệm làm Chỉ Huy Trưởng thứ 4 của Binh Chủng.

Ngày 1/9/1957 Đ/U Lê Nguyên Khang được ủy thác thành lập Tiểu Ðoàn 3 Bộ Binh TQLC. Đ/U Trần Trung Ái, XLTV chức vụ Tiểu đoàn Trưởng một thời gian ngắn rồi được thuyên chuyển về làm Trưởng ban Tâm lý chiến Liên đoàn và Đ/U Nguyễn kiên Hùng lên thay. Kể từ năm 1957 đến 1971 Hậu cứ của TĐ3 được lần lượt qua các nơi như Thủy Xưởng Miền Đông thuộc BTL Hải Quân đến trại Hoàng Diệu, trại Chương Dương, trại Ngô Xuân Soạn ở Thủ Đức. Tử Năm 1971, hậu cứ TÐ3 được di chuyển vào Căn Cứ Sóng Thần, Dĩ An. Sau ngày lễ xuất quân tại Gò Dưa, Thủ Ðức, Tiểu Ðoàn 3 mở những cuộc hành quân an ninh tại Đức Hòa, Đức Huệ (Hậu Nghĩa), yểm trợ mở đường xuyên qua khu rừng Cò Mi (sau này là đường xa lộ từ Dĩ An đến Bình Dưong). Rồi TĐ3 bất ngờ đổ bộ lên đảo Phú Quốc, vùng Đá Bạc (U Minh) để phá tan hậu cần của CS. TÐ3 là đơn vị tiên phong đột nhập và tiến chiếm Cổ Thành Quảng Trị cùng với các TÐ khác trong ngày 15 tháng 9 năm 1972.
Tiểu Ðoàn 3/TQLC được chỉ huy bởi các TÐT sau đây: Ð/U Lê Nguyên Khang (9/1957), Ð/U Trần Trung Ái (1959), Ð/U Nguyễn Kiên Hùng (1959), Ð/U Mã Viết Bằng (1961), Ð/U Dương Hạnh Phước (1962), Ð/U Mã Viết Bằng (5/1963), Ð/U Tôn Thất Soạn (12/1963), Th/Tá Nguyễn Thành Yên (1/1964), Th/Tá Nguyễn Thế Lương (12/1964), Ð/U Nguyễn Năng Bảo (6/1966), Th/Tá Phạm Văn Sắt (5/1969), Th/Tá Nguyễn Năng Bảo (9/1969), Th/Tá Lê Bá Bình (1971), Th/Tá Nguyễn Văn Cảnh (1972), và Th/Tá Nguyễn Văn Sử (1974).

Tiểu đoàn 4/TQLC được thành lập tại trại Cửu Long, Thị Nghè, Gia Định vào đầu tháng 9/1961. Sau khi hoàn tất huấn luyện, TĐ di chuyển đồn trú hậu cứ tại trại Hoàng Hoa Thám, đường Lê Lợi, thị xã Vũng Tàu vào đầu tháng 3/1962. Tiểu Ðoàn Trưởng đầu tiên là Đ/U Bùi Thế Lân và TĐP là Đ/U Tôn Thất Soạn vừa mản khóa Tham Mưu Hành quân Thủy Bộ Mỹ trở về. Lần xuất quân đầu tiên mang tên Sơn Dương 2, những Cọp Biển TĐ4/TQLC đã thực hiện một cuộc hành quân đổ bộ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử TQLC bằng những ghe đánh cá bằng gỗ và những xuồng tam bản trong khi biển động. Không có chiến đỉnh yểm trợ và không có hải pháo dọn bãi, TĐ4 đã hành quân tàn phá mật khu Lê Hồng Phong ở phía Tây Bắc quận Mũi Né, Phan Thiết, phá hủy toàn bộ các mật khu Đằng Kia, Ara Salour ở Tây Nam Phan Thiết, các doanh trại, các khu canh tác, tịch thu nhiều tiếp liệu phẩm từ miền Bắc đưa vào. Đây là mật khu bất khả xâm phạm từ thời chiến tranh Pháp trước năm 1954. Các vị Tiểu Ðoàn Trưởng của Tiểu đoàn 4/TQLC gồm: Ð/U Bùi Thế Lân (1961), Ð/U Lê Hằng Minh (1963), Th/Tá Nguyễn Kiên Hùng (1964), Ð/U Nguyễn Văn Nho (1964), Ð/U Nguyễn Thành Trí (1965), Th/Tá Ðỗ Ðình Vượng (1968), Th/Tá Võ Kỉnh (1969), Th/Tá Trần Xuân Quang (1971), Th/Tá Nguyễn Ðằng Tống (1972), Th/Tá Trần Ngọc Toàn (1973), Th/Tá Đinh Long Thành (3/1975), và Th/Tá Trần Ngọc Toàn (4/75).

Tháng 5 năm 1960, Th/Tá Lê Nguyên Khang được bổ nhiệm giữ chức CHT Liên Ðoàn TQLC. Để yểm trợ đặc biệt cho các cuộc hành quân, các đại đội Yểm Trợ Thủy Bộ, Đại Ðội Vận Tãi, Đại Ðội Truyền Tin, Đại Dội Quân Y, kế tiếp nhau ra đời. Sau ngày Cách Mạng lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm 1 tháng 11 năm 1963, Tr/Tá Nguyễn Bá Liên lên giữ chức CHT Liên Ðoàn, Th/Tá Trần Văn Nhựt giữ chức Chỉ Huy Phó Liên Ðoàn. Sau cuộc chỉnh lý đầu năm 1964, Ðại Tá Lê Nguyên Khang được tái bổ nhiệm chức vụ CHT Liên Ðoàn TQLC, Th/Tá Bùi Thế Lân làm Tham Mưu Trưởng. Ngày 5 tháng 1 năm 1965, Binh Chủng chính thức tách rời khỏi Quân Chủng Hải Quân, trực thuộc Bộ TTM/QLVNCH về chỉ huy, điều động chiến thuật và yểm trợ tiếp vận. Cùng với Nhảy Dù, TQLC là lực lượng Tổng Trừ Bị của Bộ TTM/QLVNCH. Trong hai tuần lễ diễn biến chính trị đầu tháng 5 năm này, Th/Tướng Lê Nguyên Khang được chỉ định kiêm nhiệm chức Tư Lệnh Hải Quân thay thế Ðề Ðốc Chung Tấn Cang. Sau khi tách rời khỏi Hải Quân, ngày 1 tháng 10 năm 1965, Liên Ðoàn TQLC được cải danh thành Lữ Ðoàn TQLC và danh xưng CHT cũng được đổi thành Tư Lệnh. Ngày 1 tháng 10 năm 1968, ngày Sinh Nhật Binh Chủng TQLC thứ 14, là ngày Lữ Ðoàn TQLC được nâng lên thành Sư Đoàn TQLC. Các đơn vị yểm trợ cũng tăng cấp thành Tiểu Ðoàn như: Tiểu Ðoàn Yểm Trợ Thủy Bộ, Truyền Tin, Công Binh, Quân Y.

Trước đó năm 1964, vì nhu cầu chiến thuật, hai Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn A và Chiến Ðoàn B được thành lập để chỉ huy các TĐ/TQLC tăng phái hành quân tại lãnh thổ các Quân Khu và Vùng Chiến Thuật. Cuối năm 1964, Tr/Tá Nguyễn Thành Yên Chỉ Huy Phó Liên Ðoàn kiêm nhiệm chức vụ Chiến Ðoàn Trưỏng CÐA . Tr/Tá Tôn Thất Soạn được bổ nhiệm chính thức chức CÐT/CÐB vào cuối năm 1965. Cuối năm 1967, sau khi thụ huấn khóa Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp Ðalạt trở về, Th/Tá Hoàng Tích Thông được bổ nhiệm làm CÐT/CÐA thay thế Ð/Tá Nguyễn Thành Yên lên chức Tư Lênh Phó Lữ Ðoàn TQLC. Ngày 1 tháng 10 năm 1968, hai BCH/Chiến đoàn A và B được cài danh thành hai BCH/Lữ đoàn 147 và 258. Sau cuộc hành quân Lam Sơn 719, tháng 4 năm 1971, Ð/Tá Hoàng Tích Thông rời Binh Chủng, bàn giao LÐ147 cho Tr/Tá Nguyễn Năng Bảo, lúc BCH/LÐ đang đóng tại khu vực La Vang, Quảng Trị. Tháng 7 năm 1974, Tr/Tá Ðỗ Hữu Tùng XLTV/LÐT thế Ð/Tá Bảo theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp Long Bình. Tháng 11/74, Ð/Tá Nguyễn Thế Lương sau khi mãn khóa học CHTM Cao Cấp, giữ chức vụ LTÐ/147 thay Tr/Tá Tùng và chỉ huy LÐ cho đến cuối tháng 3/1975, khi toàn bộ LÐ bị Cộng quân bao vây trên lộ trình triệt thoái từ Huế về Ðà Nẵng dọc theo bờ biển, bị bắt làm tù binh gần cửa biển Thuận An, Huế.

Tháng 6 năm 1970, Ð/Tá Soạn bàn giao LÐ258 lại cho Tr/Tá Nguyễn Thành Trí để theo học Khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp Ðà Lạt. Sau khóa học, Ð/Tá Soạn về giữ chức Trưởng Phòng Tổng Thanh Tra SÐ/TQLC. Ðầu tháng 4/1971, Tr/Tá Trí được vinh thăng Ð/Tá. Ðến tháng 7, tại căn cứ hành quân ở Mai Lộc, Quảng Trị, Ð/Tá Trí bàn giao LÐ lại cho Tr/Tá Ngô Văn Ðịnh vừa mãn khóa CHTM Cao Cấp Ðàlạt, để du học khóa Command and Staff College TQLC Hoa Kỳ. Khi trở về, Ð/Tá Trí được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn. Tháng 12 năm 1974, Ð/Tá Ðịnh bàn giao LÐ258 cho Ð/Tá Nguyễn Năng Bảo vừa mãn khóa học CHTM Cao Cấp, để đi thành lập LÐ468. Ð/Tá Lê Ðình Quế, giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn từ năm 1970 đến 1975. Trước đó nhiều năm, ông giữ chức Tham Mưu Phó Hành Quân Tiếp Vận, Chánh Văn Phòng cho Tướng Tư Lệnh Lê Nguyên Khang và là sỉ quan tham mưu ở Bộ Chỉ Huy khi Binh Chủng còn là Liên Ðoàn và Lữ Ðoàn.

Vì nhu cầu chiến trường, BCH/LÐ369 được thành lập vào cuối tháng 11 năm 1969, Tr/Tá Ngô Văn Ðịnh là vị LÐT đầu tiên. Thành lập xong vào tháng 4 năm 1970, xuất quân sang Kampuchia tham dự cuộc hành quân Toàn thắng 42 do Quân Ðoàn IV tổ chức, thay thế Ð/Tá Tôn Thất Soạn và BCH/LÐ258 trở về hậu cứ. Cuối tháng 12, Tr/Tá Ðịnh bàn giao LÐ cho Tr/Tá Phạm Văn Chung để về nước theo học khóa CHTM Cao Cấp Ðàlạt. LÐ369 chấm dứt hành quân tại xứ Chùa Tháp cuối tháng 1 năm 1971 trở về nước tham dự hành quân Lam Sơn 719 tại vùng Khe Sanh, Quảng Trị. Tr/Tá Chung được vinh thăng Ð/Tá tháng 6/1971 sau cuộc hành quân Lam Sơn 810 tại mật khu Ba Lòng. Tháng 5/1972, Ð/Tá Chung bàn giao LÐ cho Tr/Tá Nguyễn Thế Lương để đảm nhận chức vụ TMT Hành Quân Sư Ðoàn. Sau chiến dịch tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, Tr/Tá Nguyễn Thế Lương được vinh thăng Ð/Tá. Tháng 7/1974, Ð/Tá Lương bàn giao LÐ cho Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc để về Sài Gòn theo học khóa CHTM Cao Cấp. Trung Tá Phúc LÐT và Tr/Tá Ðỗ Hữu Tùng LÐP được ghi nhận là mất tích sau cuộc triệt thoái của Sư Ðoàn khỏi bãi biển Non Nước, Ðà Nẵng ngày 29 tháng 3/1975.

Tiểu Ðoàn 5/TQLC được thành lập vào cuối năm 1964, hậu cứ tại Suối Lồ Ồ (Dĩ An, Biên Hòa), trước là Trại Thanh Nữ Cộng Hòa dưới thời Tổng Thống Diệm. Vị Tiểu Ðoàn Trưởng đầu tiên là Th/tá Nguyễn Văn Tính. Sau khi huấn luyện và bổ sung quân số và trang bị tại chỗ theo đúng bản cấp số, TĐ5 được bàn giao cho Th/tá Dương Hạnh Phước và bắt đầu tham dự những cuộc hành quân tại Dakto, Toumorong (Vùng 2 Chiến Thuật), nhất là trận giải vây trại Lực Lượng Biên Phòng Đức Cơ, nằm sát biên giới Lào-Việt. Sau Th/Tá Phước, là các vị TÐT: Th/Tá Phạm Nhã (1967), Th/Tá Trần Văn Hiển (1969), Th/Tá Võ Trí Huệ (1970), Th/Tá Hồ Quang Lịch (1972), Th/Tá Ðinh Xuân Lãm (1974), Th/Tá Phạm văn Tiền (1975).

Tiểu đoàn 6/TQLC được thành lập vào tháng 8 năm 1966 bởi Th/Tá Phạm Văn Chung và Đ/U Trần Văn Hiển làm TĐP. Các Ðại Ðội Trưởng gồm: Tr/U Nguyễn Ðình Thủy ÐÐ1, Tr/U Nguyễn Tường Huy ÐÐ2, Tr/U Lê Văn Huyền ÐÐ3, Tr/U Lê văn Cưu ÐÐ4 và Ð/U Hoàng Trọng Ðộ ÐÐCH, Trưởng Ban 3 là Tr/U Trần Ðình Thụy. Lễ xuất quân đưọc tổ chức vào cuối Thu 1967. Nơi thử lửa đầu tiên là vùng xình lầy Ðặc Khu Rừng Sát. TĐ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh sông Lòng Tào, thủy trình từ sông Sài Gòn ra cửa Cần Giờ. Tháng 4/1968 Th/Tá Chung bàn giao TĐ cho Th/Tá Nguyễn Xuân Phúc để nhận chức CHT Trung Tâm Huấn luyện TQLC tại Rừng Cấm, Thủ Đức. Các vị Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ6 gồm: Th/Tá Phạm Văn Chung (1966), Th/Tá Nguyễn Xuân Phúc (1968), Tr/Tá Nguyễn Thế Lương (1968), Th/Tá Ðỗ Hữu Tùng (1969), Th/Tá Trần Văn Hiển (1972), và Tr/Tá Lê Bá Bình (1974).

Năm 1961, TQLC chỉ có một Trung Ðội Huấn Luyện đạt tại hậu cứ TÐ2/TQLC ở Cam Ranh. Năm 1962, biến thành Ðại Ðội Huấn Luyện và di chuyển về Trại Yế Kiêu, Thủ Ðúc. Ðến năm 1968 theo đà lớn mạnh của Binh Chủng, được cải tổ thành Trung Tâm Huấn Luyện TQLC, tọa lạc tại khu Rừng Cấm, Thủ Đức, cơ sở và phương tiện đầy đủ, có khả năng huấn luyện 20 đại đội tân binh cùng một lúc, cung cấp hàng ngàn tân binh cho các đơn vị tác chiến sau khi được huấn luyện thuần thục. TQLCVN được tổ chức tương tự như Binh Chủng TQLC Hoa Kỳ, dùng cùng một phương pháp huấn luyện và chiến thuật hành quân. Tân binh TQLC trải qua 12 tuần huấn luyện căn bản tác chiến cá nhân như các TTHL tân binh khác, còn được huấn luyện thêm 4 tuần về hành quân thủy bộ và trực thăng vận. TTHL/TQLC được coi là quân trường huấn luyện tân binh gian khổ nhất QLVNCH, tương tư như TTHL Binh Chủng Nhảy Dù. Về chương trình huấn luyện cán bộ, từ cuối năm 1957, sĩ quan TQLC được gửi sang HK thụ huấn các khóa Sĩ Quan Căn Bản, Sĩ Quan Truyền Tin và Tham Mưu Hành Quân Thủy Bộ ở TTHL TQLC/HK tại thành phố Quantico, tiểu bang Virginia. Một số hạ sĩ quan được tuyển chọn gửi qua TTHL HSQ/TQLC tại San Diego tiểu bang California, để được huấn luyện về vũ khí, tác chiến cá nhân và cơ bản thao diễn, trở về làm cán bộ huấn luyện tại TTHL/TQLC. Các hạ sĩ quan và binh sĩ cũng được gửi đi thụ huấn các ngành chuyên môn tại các quân trường trong nước. Để tạo niềm kiệu hãnh "Tinh Thần Binh Chủng" (Esprit de Corps), TQLC/VN chỉ thâu nhận những quân nhân tình nguyện, từ sỉ quan đến binh sĩ. Các vị CHT Trung Tâm gồm Ð/U Phạm Văn Chung, Ð/U Ngô Văn Ðịnh, Ð/U Hoàng Văn Nam, Tr/Tá Phạm Văn Chung, sau cùng là Tr/Tá Nguyễn Ðức Ân.

Bệnh xá TQLC cũng được nâng cấp. Từ Bịnh xá Cửu Long đặt tại trại Cửu Long, Thị Nghè, được đổi thành Bệnh Viện Lê hửu Sanh từ ngày 1/10/1968 lúc thành lập Tiểu đoàn Quân Y TQLC và được dời về Rừng Cấm vào năm 1969. Vị Tiểu đoàn trưởng đầu tiên và duy nhất là Y Sỉ Trung Tá Nguyễn Văn Thế. Các Y Sỉ Trưởng bệnh viện lần lượt là Y Sỉ Th/tá Trần mạnh Tường, Trương minh Cường và Trần công Hiệp. Tuy nhiên, khi thành lập TÐ1 và TÐ2/TQLC năm 1955, đã có 2 vị bác sĩ tốt nghiệp Trường Ðại Học Y khoa Hà Nội tình nguyện về TQLC, đó là các y sĩ Tr/U Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Chất, là hai anh em ruột. Sau này, 2 ông về lại Quân Y. Trung Tá Hoàng làm Trưởng Phòng điện tuyến TYVCH, còn Trung Tá Chất thì làm Trưởng Phòng bệnh ngoài da TYVCH. Ông Hoàng ở Canada, còn ông Chất ở Florida.

Công Binh TQLC đóng góp rất nhiều trong việc phát triển Binh Chủng qua hai nhiệm vụ chính là “Chiến đấu và Kiến tạo”. Công Binh TQLC khởi đầu bằng Ðại đội Công Binh do Tr/U Bùi Văn Phẩm thành lập năm 1962. Tới năm 1968, Công Binh phát triển thành Liên Ðại Ðội do Ð/U Cao Văn Tâm làm Liên Ðội trưởng. Theo đà phát triển của Binh chủng, tháng 4 năm 1971, Tiểu đoàn Công Binh TQLC được thành hình. Cuối năm 1971, Th/Tá Ðỗ Văn Tỵ từ Cục Công Binh thuyên chuyển về Binh Chủng, được bổ nhiệm làm Tiểu Ðoàn Trưởng. Ngoài những công việc nguy hiểm ngoài hành quân như thiết lập những bãi mìn chống chiến xa tại căn cứ Phượng Hoàng, đặt mìn phá cầu Đông Hà, Mỹ Chánh, Tiểu Ðoàn Công binh còn thiết lập và kiến tạo nhiều công trình lớn trong Binh Chủng như góp phần xây dựng Bịnh viện Lê hửu Sanh, biến khu căn cứ Dĩ An của SÐ1 Lục Quân HK giao lại thành Căn Cứ Sóng Thần với những doanh trại của các Tiểu Đoàn trong Sư Đoàn và còn nhiều công trình khác. Công binh TQLC có mặt hầu hết trên những vùng tham chiến của Binh Chủng.

Tiểu Ðoàn Tổng Hành Dinh đưọc thành lập đầu năm 1969, hậu thân của Đại Ðội Chỉ Huy và Công Vụ Liên Ðoàn năm 1956, đồn trú tại BTL/SÐ, số 15 Lê Thánh Tôn Sài Gòn. Nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cho BTL/SÐ, quản trị quân số, quân lương, quân thực, tiếp liệu cho quân số cơ hữu BTL và cho BCH Pháo Binh SÐ, các BCH Lữ Ðoàn. Các vị TÐT từ ngày thành lập gồm: Th/Tá Bùi Văn Phẩm (1969), Th/Tá Nguyễn Ðức Ân (1970), Tr/Tá Võ Kỉnh (1971), Tr/Tá Phạm Nhã (1972), Tr/Tá Nguyễn Phán (1974).

Tiểu Ðoàn Công Vụ là hậu thân của Ðại Ðội Tiếp Liệu, được thành lập vào ngày thành lập Binh chủng 1 tháng 10 năm 1968. Năm 1972, TÐ Công Vụ được cải danh thành TÐ Yểm Trợ Thủy Bộ. Vị TÐT tiên khởi là Th/Tá Nguyễn Xuân Phúc (4/1968), kế tiếp là Tr/Tá Ngô Văn Ðịnh (5/1969), Th/Tá Vương Văn Tài (1/1970), Th/Tá Phạm Văn Sắt (1972), Th/Tá Ngô Nhật Thăng (1974).

Một đơn vị không thể thiếu vắng trong tất cả các cuộc hành quân của Binh Chủng, đó lá Pháo Binh TQLC. Khởi thủy, cùng thời gian thành lập TÐ2/TQLC cuối năm 1955, Ðại Ðội Trọng Pháo 106 ly được thành lập, đồn trú tại Mỹ Tho, sau dời về đảo Bnhì Ba trong Vịnh Cam Ranh. Nhưng đến giữa năm 1961, đon vị này bị giải thể, được thay thế bằng Pháo Ðội Ðại Bác 75 ly Sơn Pháo. Ðầu năm 1962, Tiểu Ðoàn Pháo Binh TQLC được hình thành với 2 Pháo Ðội 75 ly và 1 Pháo Ðội 105 ly nòng ngắn do Đ/U Nguyễn Văn Trước làm TÐT và Đ/U Cao Văn Thinh làm TÐP. Các Tr/U Đoàn Trọng Cảo coi Pháo Ðội A/75 ly, Tr/U Nguyễn Hửu Hạnh Pháo Ðội B/75 ly, Tr/U Nguyễn Hồ Quì Pháo Ðội C/105 ly. Ðầu năm 1969, TÐ/PB thứ 2 đuợc thành lập cùng với BCH/PB/SÐ, Th/Tá Nguyễn Văn Trước lên làm CHT, TÐT/TÐ1PB là Ð/U Ðoàn Trọng Cảo, TÐT/TÐ2PB là Ð/U Nguyễn Hồ Quỳ. Sau đó vào năm 1970, TÐ3/PB được thành lập với Ð/U Trần Thiện Hiệu làm TÐT. Ðầu năm 1975, cùng với sự thành lập LÐ468, Pháo Ðội P/105 ly được thành lập với Ð/U Nguyễn Văn Vinh Làm PÐT. TÐT/TÐ2PB sau cùng là Tr/Tá Nguyễn Trọng Ðạt và TÐ3/PB là Th/Tá Nguyễn Tấn Lộc.

Tiểu đoàn 7/TQLC được thành lập ngày 1/6/1969 tại Rừng Cấm, Thủ Đức. Sau đó TÐ di chuyển huấn luyện bổ túc đơn vị tại TTHL Quốc gia Vạn Kiếp, Bà Rịa trong vòng 3 tháng. Tiểu đoàn 7/TQLC sẵn sàng tham dự vào cuộc hành quân đầu tiên với Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 nhằm thay thế cho Sư đoàn 9 Riverine, rút về nước, trong vùng Kiến Hòa, Mỹ Tho, Chương Thiện. Vị Tiểu Ðoàn Trưởng đầu tiên là Th/Tá Phạm Nhã và Th/Tá Trần Xuân Quang giữ chức TÐP. Các Ðại Ðội Trưởng gồm: Ð/U Trần Ba ÐÐ1, Tr/U Nguyễn Xuân Quang ÐÐ2, Tr/U Nguyễn Văn Sử ÐÐ3, Tr/U Nguyễn Văn Lộc ÐÐ4, và Tr/U Nguyễn Văn Hòa ÐÐCH. Các vị Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ7 gồm: Tr/Tá Phạm Nhã (1969), Th/Tá Võ Trí Huệ (1971), Th/Tá Nguyễn Văn Kim (1972) và Th/tá Phạm Cang (1974).

Tiểu Ðoàn 8/TQLC được thành lập vào cuối năm 1969. Th/Tá Phạm Văn Sắt là vị Tiểu Ðoàn Trưởng dầu tiên. Sau khi bị thương tại chiến trường Kampuchia, Th/Tá Sắt bàn giao Tiểu Ðoàn lại cho Th/Tá Nguyễn văn Phán. Vị Tiểu Ðoàn Trưởng sau cùng là Tr/Tá Nguyễn Ðăng Hòa.

Tiểu Ðoàn 9/TQLC được thành lập vào tháng 3/1970. Tiểu Ðoàn Trưởng là Th/Tá Nguyễn Kim Đễ, Ð/U Dương Văn Hưng TÐP. Các Ðại Ðội Trưởng là: Tr/U Trần Công Giáo ÐÐ1, Tr/U Lê Thắng ÐÐ2, Tr/U Ðoàn Văn Tịnh ÐÐ3, Tr/U Nguyễn Mạnh Trí ÐÐ4, Ð/U Ngô Ðình Lợi ÐÐCH, và Tr/U Hoàng Ðôn Tuấn Trưởng Ban 3. Đơn vị tham dự hành quân đầu tiên tại Kampuchia với trận giải tỏa đèo Pic Nil. Sau chiến dịch tái chiếm Cổ Thành v àbình iịnh Tỉnh Quảng Trị hoàn tất, tháng 8 năm 1973, Tr/Tá Ðễ bàn giao TÐ9 cho Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm để đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 3/SÐ. Tháng 10 năm 1974, Th/Tá Lâm Tài Thạnh thay thế Tr/Tá Lượm giữ chức Tiểu Ðoàn Trưởng. Trận đánh sau cùng của TÐ9 đã xảy ra tại bờ biển Mỹ Khê, Ðà Nẵng vào chiều tối 29 tháng 3 năm 1975 khi SÐ/TQLC đã rút khỏi nơi này với nhiều tổn thất nặng nề.

Tháng 1/1971, Sư Ðoàn TQLC tiếp nhận căn cứ của SÐ1 Lục Quân HK tại Rừng Cấm, nằm tiết giáp 3 quận Thù Ðức, Dĩ An và Lái Thiêu, cải danh thành Căn Cứ Sóng Thần. Căn Cứ có phi trường cho phi cơ vận tải C-123 đáp được và bãi đậu trực thăng cho 1 phi đoàn. Các đơn vị đồn trú, luôn cả Trại Gia Binh, Chợ Sóng Thần, và trường Trung Học Quân Ðội, Bệnh Viện Lê Hữu Sanh, có TT Huấn Luyện, Sân Bắn, hậu cứ các BCH/LÐ147, 258, 369 v à468. Các TÐ1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 14, 16, 18 và 3 TÐ Pháo Binh, TÐ Công Binh, TÐQY, TDYTTB và Ðại Ðội Thủy Xa LVT-5. Căn Cứ còn có 1 pháo đội 105/TQLC thường trực để yểm trợ cho cả 3 Quận Lái Thiêu, Dĩ An và Thủ Ðức cho đến ngày 30/4/1975. Riêng hậu cứ TÐ4 vẫn ở Vũng Tàu. Các vị CHT Căn Cứ gồm: Th/Tá Trần Ngọc Toàn (1/1971), Tr/Tá Lê Bá Bình (8/1972), Ð/Tá Nguyễn Năng Bảo (11/1974), Th/Tá Trần Vệ XLTV (12/1974), Tr/Tá Nguyễn Ðức Ân (1975).

Đầu năm 1975, thực hiện kế hoạch tăng cường lực lượng Tổng Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, Sư Đoàn TQLC đã tiến hành việc thành lập Lữ Ðoàn 468 với các tiểu đoàn 14, 16, 18. Ðể thành lập các tiểu đoàn trên, từ những tháng cuối năm 1974, mỗi tiểu đoàn TQLC thành lập thêm một đại đội thứ 5 để đưa qua các tiểu đoàn tân lập. Đến đầu tháng 1/1975, việc thành lập Lữ Ðoàn 468 và 3 Tiểu Ðoàn TQLC tân lập bắt đầu thnhà hình. Các sĩ quan sau đây đã được bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy: Đại Tá Ngô Văn Định Lữ Ðoàn Trưởng. Tr/Tá Nguyễn Văn Cảnh, TÐT/TÐ14. Th/Tá Đinh Xuân Lãm, TÐT TÐ/16. Th/Tá Trần Ngọc Toàn, TÐT/TÐ18. Đ/U Nguyễn Văn Vinh, Pháo Ðội Trưởng Pháo Ðội P/105 ly. Sau đó toàn bộ Lữ Đoàn được không vận và thủy vận về tiếp nhận hậu cứ trong Căn Cứ Sóng Thần, Dĩ An. Tháng 2/1975 Lữ Đoàn được tăng phái cho Tiểu Khu Long An, mở những cuộc hành quân càn quét, tìm và tiêu diệt địch tại quận Bến Lức. Tháng 3/1975 Lữ Đoàn được không vận ra Đà Nẵng, gia nhập với SĐ/TQLC đang hành quân tại đây. Tiếp tục hoàn tất việc thành lập TĐ18/TQLC. Lữ Đoàn được lệnh thay thế Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù phòng thủ khu vực đèo Hải Vân. TÐ18 chưa hoàn tất thành lập đơn vị thì xảy ra biến cố SÐ di tản chiến thuật khỏi Vùng I cuối tháng 3/1975.

Với khả năng chiến đấu hữu hiệu trên mọi chiến trường và miọ địa thế, với nghệ thuật lãnh đạo và chỉ huy vững vàng của hệ thống cán bộ các cấp trong Binh Chủng, nên từ đầu năm 1974, Bộ TTM/QLVNCH có kế hoạch thành lập thêm một Sư Ðơàn TQLC thứ hai, nhưng chưa thực hiện được vì cuộc tổng tấn công của Cộng quân vào đầu năm 1975. Tuy nhiên, SÐ/TQLC đã thành lập được 4 Lữ Ðoàn và các đơn vị Yểm Trợ và Hậu Cứ, quân số có lúc đã lên đến gần 16,000 người.

Đoạn Kết
Có thể nói, giai đoạn thành lập Binh Chủng TQLC/VN, từ năm 1954 đến 1959, là khoảng thời gian đầy khó khăn và thử thách. Được thành lập ngay sau ngày đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève và trong giai đoạn xáo trộn chính trị tại Miền Nam, TQLC/VN đã tồn tại giữa những khó khăn để phát triển với sự yểm trợ của Cố Vấn HK. Khi các đơn vị còn đồn trú rải rác, TQLC đã cấp thời được xử dụng trong các cuộc hành quân tảo thanh các lực lượng võ trang Giáo phái và Bình Xuyên. Các vị Chỉ Huy Trưởng và Tư Lệnh của Binh Chủng TQLC: Trung Tá Lê Quang Trọng (10/1954), Thiếu Tá Phạm văn Liểu (1/1956), Đại Úy Bùi Phó Chí XLTV/CHT (8/1956), Thiếu Tá Lê Như Hùng (10/1956), Thiếu Tá Lê Nguyên Khang (1960), Trung Tá Nguyễn Bá Liên (11/1963), Đại Tá Lê Nguyên Khang (2/1964) và Đại Tá Bùi Thế Lân (5/1972), đã dồn mọi nỗ lực, cải tổ những đơn vị Biệt Kích, các Ðại Ðội Yểm Trợ và Hải Thuyền, dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp, thành một Binh Chủng hùng mạnh, có khả năng chiến đấu đa dạng, tương tự như Lực Lượng Thủy Bộ Xung Kích TQLC/HK. Cùng với các Cố Vấn HK tận tâm và kinh nghiệm, Binh Chủng TQLC/VN trở thành một trong những đại đơn vị có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện thuần thục, chịu đựng dẻo dai, trang bị vũ khí tối tân, cán bộ và quân số đầy đủ nhất của QLVNCH. Bên cạnh các Tự Lệnh TQLCVN ngay từ thời gian đầu thành lập Binh Chủng có những Cố Vấn Trưởng ưu tú, đầy khả năng, tiêu biểu cho Binh Chủng TQLC Hoa Kỳ, đó là: Tr/Tá Victor J. Croizat (8/1954), Tr/Tá William N. Wilkes Jr. (6/1956), Tr/Tá Frank N. Wilkinson Jr. (6/1958), Tr/Tá Clifford J. Robichaud Jr. (6/1960), Tr/Tá Robert E. Brown (8/1961), Tr/Tá Clarence G. Moody Jr (10/1962), Tr/Tá Wesley C. Noren (10/1963), Ð/Tá William Nesbit P. Nesbit (9/1964), Ð/Tá John A. McNeil (7/1965), Ð/Tá Nels E. Anderson (7/1966), Ð/Tá Richard L. Michael Jr. (7/1967), Ð/Tá Leroy V. Corbett (7/1968), Ð/Tá William M. VanZuyen (7/1969), Tr/Tá Alexander P. McMillan (6/1970), Ð/Tá Francis W. Tief (7/1970), Ð/Tá Joshua W. Dorsey III (7/1971), và Ð/Tá Anthony Lukeman (7/1973-4/1975).

Trong cuộc chiến Mùa hè năm 1972, Bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC được không vận từ Sài Gòn ra Huế để trực tiếp chỉ huy toàn bộ các đơn vị trực thuộc và tăng phái. Ðầu tháng 5/72, Tr/Tướng Lê nguyên Khang, sau 12 năm chỉ huy Binh chủng từ 4/1960, đã bàn giao chức vụ Tư Lệnh SĐ lại cho Đại Tá Tư Lệnh Phó Bùi Thế Lân. Đ/Tá Lân xuất thân Khóa 4 Trường Vỏ Khoa Thủ Đức, phục vụ trong Binh Chủng từ năm 1956. Ông được vinh thăng Chuẩn Tướng cuối tháng 5/72, thăng Thiếu Tướng tháng 2 năm 1975 và giữ chức Tư Lệnh TQLC cho đến ngày 30/4/1975.

Cuộc di tản chiến thuật khỏi Vùng I Chiến Thuật trong tháng 3/1975 đã gây tổn thất nặng nề về nhân mạng cũng như về trang bị cho nhiều đơn vị của SĐ/TQLC. Phần lớn lực lượng của LĐ147 bị quân CS vây hãm và bắt làm tù bình dọc bờ biển gần cửa Thuận An, Huế. Một số rất ít quân nhân của hai Lữ Đoàn 258 và 369 lên được tàu Hải Quân tại bải biển Non Nước, Đà Nẵng. Chỉ có LĐ468 với các TĐ 8, 14, 16 lên tàu Hải Quân với toàn bộ quân số và trang bị tại làng Cùi, dưới chân đèo Hải Vân trong đêm 28 rạng 29 tháng 3. Các thành phần thuộc Bộ Tham Mưu SĐ, các đơn vị yểm trợ như các Tiểu Ðoàn Yểm Trợ Thủy Bộ, Công Binh, Quân Y, Truyền Tin v.v... cũng đã bị tổn thất rất nặng. Sau khi tạm dừng quân ở Cam Ranh, SÐ được lệnh tiếp tục di chuyển về tập trung tại Vũng Tàu để được tái trang bị quân dụng và vũ khí các loại. Ngày 9 tháng 4, SĐ/TQLC được lệnh Bộ TTM tăng phái hành quân cho BTL/QÐ III, nhiệm vụ phòng thủ vòng đai Ðông Bắc Sài Gòn, khu vực Biên Hòa và Long Bình. Các Cọp Biển VN giữ vững phòng tuyến cuối cùng này, và họ đã chỉ buông súng theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, vị Tổng Tư Lệnh QLVNCH vào sáng ngày 30 tháng 4, đánh dấu trang sử cuối cùng của Binh Chủng TQLC/VN sau hơn 20 năm chiến đấu bảo vệ nền Ðộc Lập, Tự Do và Lãnh Thổ, Lãnh Hải của Miền Nam Việt Nam.

Mũ Xanh Trần Văn Hiển
Cựu Trung Tá Trưởng Phòng 3/SÐ/TQLC

Sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến là đơn vị Tổng Trừ Bị, cực kì lưu động và được coi là thiện chiến nhất trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sư đoàn được thành lập theo đà phát triển của chiến tranh, đồng thời chia sẻ gánh nặng với các đơn vị bạn, Sư đoàn được đánh giá là 1 trong những đơn vị chiến đấu tốt nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lời nhận xét này được đưa ra từ phía Đồng Minh, đặc biệt là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Tất cả các quân nhân trong Sư đoàn, từ sĩ quan cho đến binh sĩ đều là tình nguyện. Sư đoàn đã lập được rất nhiều thành tích, mặt trận nào cũng tham dự, từ rừng rậm hay núi non hiểm trở đến duyên hải và đồng bằng sình lầy. Với những thành tích đạt được, Quân kỳ Sư đoàn được tặng thưởng dây biểu chương màu Tam Hợp.

Các Trận Tham Chiến:

Chiến thắng Đầm Dơi (An Xuyên)

Các cuộc hành quân giải tỏa tại Sài Gòn và Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968

Chiến dịch Lam Sơn 719

Trận tái chiếm Cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị.

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 - Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Mặt trận Quảng Trị - Huế 1972 - (từ trái qua) Đại tá Lê văn Thân phụ tá Tư Lệnh Quân Đoàn I, Đặc trách hành quân kiêm Trưởng ban kế hoạch tái chiếm Quảng Trị, Đại tá Ngô Văn Định Lữ đoàn trưởng LĐ 258 TQLC, Chuẩn tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC, Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh QĐI và QKI.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Trung tướng Lê Nguyên Khang gắn dây biểu chương cho Hiệu kỳ Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên và Trung tá Định TĐT.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Đại tá Nguyễn văn Đức Tư Lệnh Phó/BK44 và Trung tá Ngô văn Định Lữ Đoàn Trưởng /Lữ Đoàn 369 TQLC tại Neak-Luong.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Thiếu Tá Trương Thanh Tâm và Trung Tá Ngô Văn Định.


Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968. Phái Đoàn có: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Ông Hoàng Đức Nhã, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Trung Tướng Nguyễn Văn Là, Trung Tướng Lê Nguyên Khang và một số Tướng Lãnh khác.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968. "Đồ Sơn" Ngô Văn Định
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968. "Đồ Sơn" Ngô Văn Định
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968. Lê Hằng Minh - Tổng Thống Thiệu - "Đồ Sơn" Ngô Văn Định - Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968.
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Tướng Lănh đến thăm Căn Cứ của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên / Thủy Quân Lục Chiến tại Tam Bình, Thủ Đức ngày 28/12/1968. - Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tham Mưu Trưởng Kiêm Tư Lệnh SĐTQLC Bùi Thế Lân


Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên/TQLC
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên/TQLC
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên/TQLC
Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến
Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên/TQLC

Nguồn : Page Phóng Viên Chiến Trường  

 Read more at: https://anhxua.net/album/binh-chung-thuy-quan-luc-chien.html