Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát / Mẹ khấn đôi lời con có nghe / Vì nước bỏ mình là bất tử / Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Wednesday, May 20, 2015
Nhớ anh linh Anh hùng Nguyễn Ngọc Trụ, Cựu Cán Bộ Trường VBQG Đà Lạt
“Con ngựa phóng trên đồng cỏ, dưới chân nó là một thảm cỏ xanh mịn như nhung, nó không biết phía trước là một vực thẳm đang chờ sẵn, và con ngựa đã lao đầu xuống vực sâu vì mắt đã bị bịt. Người dân Xã Hội Chủ Nghĩa chính là những con ngựa đó.”
Anh hùng Nguyễn Ngọc Trụ.
Tôi trình diện cải tạo tại trường Lê Quang Định chiều 26-06-1975, hạn chót dành cho cấp Thiếu và Tr. Úy. Tối khuya ngày 28, tất cả được dồn lên xe. Không biết đi đâu. Chúng đưa chúng tôi đi quanh đi quẩn, đi lung tung, đi lắt đi léo, lúc ngừng lúc chạy. Cuối cùng, sau hơn chục giờ lươn lẹo, chúng tôi được “đổ quân” gần chân núi Bà Đen, vùng Trảng Lớn Tây Ninh, nơi có Bộ Tư Lệnh Tiền Phương cua Sư Đoàn 25 cũ, cách nơi xuất phát không đầy 2 giờ lái xe.
Như vậy, bài học đầu tiên mà Bác Đảng đã dạy cho chúng tôi là: Lắt Léo Lươn Lẹo. Sau đó chúng tôi được tổ chức thành tổ, khối, trại. Tôi ở trại L4T1 gồm có 14 Khối, mỗi khối là một nhà 120 người, và cứ 10 người là 1 tổ, khoảng hơn tháng sau được “biên chế” lại chỉ còn 5,6 khối cho 1 Trại. Tôi ở khối 13, khối 14 là Nữ. Khối 13 và 14 cộng lại cũng chưa đủ 120, nên tạm thời sinh hoạt chung. Ngày kế tiếp, các cô được phân công tháo gỡ đinh từ những thùng đạn pháo binh, còn tù nam thì rào kẽm gai quanh trại.
Tôi vừa làm rào tự nhốt mình vừa nhìn quanh quẩn.Thấy ngọn “cờ đỏ sao vàng” đang tự mãn ưỡn ẹo theo gió phía sân trại bộ đội, tôi đâm thù cái “cờ vàng sao đỏ” của Ô. Thiệu, cái cờ mà trước đó mấy năm tôi cho là tiếng cú kêu báo trước một chuyện chẳng lành, 2 lá cờ trông y hệt nhau tuy 2 màu cờ có đối nghịch nhau về màu sắc. Một chút hoang tưởng, tôi húyt gió bài “Cờ bay, cờ bay…”.
Ngay khi ấy, có tiếng nói ngay sát sau lưng tôi “Hay lắm, nào, chúng ta cùng hát”, và người đó hát vài câu trong bài hát tôi đang húyt gió, trong đó có câu anh sửa lại “…Sài Gòn ơi, chờ quê hương giải phóng…”. Người đó chính là Nguyễn Ngọc Trụ, người mà sau đó không lâu đã đi vào huyền sử lan truyền khắp các trại tù vùng Trảng Lớn, Tây Ninh. Anh Trụ trông khoảng 30, người tầm thước, da trắng trẻo, đeo cặp kính dầy cộm, phong cách điềm đạm và trí thức, ăn nói nhẹ nhàng, nhưng từng lời dứt khoát.
Sau này tôi được nghe biết thêm anh có vợ 2 con, Trung Úy, có bằng Cao Học Luật/Công Pháp Quốc Tế với Luận Án Tiến Sĩ sắp hoàn thành, và là Giảng Viên dậy tại Trường Võ Bị Đà Lạt môn thuộc về Luật và Chính Trị. Đó, lúc đầu tôi chỉ biết về anh có bấy nhiêu vì anh và tôi không ở chung một nhà, thậm chí cũng không còn cùng trại vì hơn tháng sau đó có đợt “biên chế”. Biên-chế có nghĩa là chuỷên trại hoặc sắp xếp lại nhân sự… Trước hết, Tù Nữ/K.14 được đem đi khỏi Trảng Lớn Tây Ninh. Anh Trụ vẫn ở lại T1, còn tôi thì chuyển qua T3 cách T1 khoảng 1km.
Qua trại mới, những người tù bắt đầu bị khủng bố nhiều tuần bằng một đợt thẩm vấn chính thức đầu tiên. Buổi sáng hôm ấy, mọi người được lệnh nghỉ “lao động” ở nhà viết tờ tự khai; tới buổi chiều và dưới sự giám sát của Quản Giáo, từng người đọc bản tự khai, những người khác phê bình thảo luận để đánh giá sự thành khẩn của bản tự khai đó và có ghi vào biên bản để nộp cho Quản Giáo. Ngày kê tiếp, trong lúc tiếp tục mổ xẻ những bản tự khai, thì có 2 vệ binh, mặt đằng đằng sát khí, tới kêu tên từng người một dong đi với 2 khẩu AK luôn luôn thúc đằng sau. Phòng thẩm vấn là những lều tranh kín tường, trên một khu đất lớn hơn một Sân Vận Động và xa khỏi trại, trước mỗi cửa lều có một vệ binh tay cầm súng đứng gác. Vừa bước vào trong lều, người bị thẩm vấn đã bị kinh hoàng bởi 2 khuôn mặt rất đanh ác đang ngồi chờ sẵn, 1 tên vặn vẹo hỏi còn tên kia quan sát. Cứ như vậy trong nhiều tuần lễ, người đã và sắp bị thẩm vấn đều hoang mang lo sợ, ai cũng có thể nghĩ mình sắp bị bắn tới nơi, vì hầu như ai cũng bị buộc vào tội chết.
Sau đợt vừa thẩm vấn vừa khủng bố, Cách Mạng chính thức cho Tù hưởng sự “vinh quang” lao động của đời tù khổ sai như bất tận; gọi là “chính thức” vì trước đó cũng đã phải lao đông cực khổ nhưng không “quy hoạch” bằng, thế mà chỉ sau vài tháng “không chính thức” nhiều người chỉ còn da bọc xương. Tuy thế, trên đường đến lao trường, chúng tôi lại có dịp được gặp những người khác trại và được nghe nhiều tin tức về Nguyễn Ngọc Trụ. Càng ngày càng có nhiều chuyện kể về sự anh hùng bất khuất của anh, nhất là sau mỗi đợt Học Tập Chính Trị, mà lúc đó tôi cho là được thêu dệt nhiều hơn là sự thật.
Một hôm nghe tin Quang và Vũ ở T1 trốn trại và bị bắt lại, cả 2 hoặc 1 trong 2 người là học trò của Trụ, khóa cuối cùng trường Võ Bị Đà-Lạt. Trước khi trốn, 2 người nhờ anh giữ một lá thơ đế chuyển cho gia đình họ khi có điều kiện, và anh Trụ đã tiêu hủy lá thơ ngay sau khi được tin họ bị bắt lại. Sau tin 2 người trốn bị bắt lại, là tin anh Trụ bị bắt biệt giam, lí do là 2 người kia bị ép cung, khai là đã trốn trại theo lệnh của Thầy Trụ rồi sẽ dẫn đường đem “tàn quân quay lại tấn công giải thoát trại giam”. Khi nghe tin anh Trụ bị biệt giam, tôi xét lại về y nghĩ mà tôi đã cho là có nhiều phần thêu dệt trong những chuyện rất anh hùng về anh. Sau này, khi chuyển qua nhiều trại khác và được nghe kể về anh Trụ từ chinh những người đã từng ở chung với anh, thì tôi thấy sự thực về anh Trụ còn “ghê gớm” hơn những cái mà tôi cho là “có phần thêu dệt”.
-Không nhận tội “tay sai đế quốc, bán nước, có nợ máu với nhân dân”: Chỉ trong vòng vài tháng đầu tiên, mỗi người tù phải viết và đọc nhiều chục bài viết (dưới hình thức bản lý lịch, tự khai, thâu hoạch…) xác nhận mình là kẻ có tội như đã nêu trên. Lúc ấy, dù chỉ tự kể tội một cách “chung chung”, tôi cũng cảm thấy thật xấu hổ. Tôi phải nói ra điều này, để từ cái hèn mọn của riêng mình mới thấy được sự vĩ đại của Người Anh Hùng. Trong tất cả những bài viết như vậy, anh Trụ chỉ ghi tên, chức vụ, và hoàn toàn để trống “phần nhận tội”. Anh khẳng định công việc anh đã làm là phục vụ cho một tương lai Việt Nam độc lập, dân chủ, nhân bản. Thực hiện một lí tưởng như vậy sao gọi là có tội.
- Cộng Sản và Mỹ đều là hiểm họa của dân tộc Việt Nam: Trong những giờ gọi là “Thảo Luận” tại Khối, có Quản Giáo “chủ trì”, hay những ngày lên lớp” tại Hội Trường đông hàng ngàn người mà Giảng Viên là những Cán Bộ Chính Trị từ cấp cao ở xa tới, Nguyên Ngọc Trụ đã dõng dạc lên án cả Mỹ lẫn Cộng Sản: Mỹ lợi dụng xương máu Việt Nam và của cả nhân dân Mỹ để phục vụ quyền lợi phe nhóm. Còn chủ Thuyết Cộng Sản chỉ là hoang tưởng, đã lỗi thời không thuyết phục được người văn minh. Giữa 2 cái họa, không thể đương đầu cùng một lúc, anh đành tạm chọn cái họa nhẹ là Mỹ để đương đầu với cái họa lớn là Cộng Sản, mặc dầu anh phản dối sự hiện diện của Quân Đội Mỹ tại Việt Nam. Súng Mỹ, súng Nga, hay súng Tầu đều là kẻ thù của dân tộc Việt Nam.
- Người dân trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa giống con ngựa bị bịt mắt: Trước hàng ngàn người trong hội trường T1, dĩ nhiên trước mặt cả bầy Cán Bộ các cấp, anh Trụ kể dụ ngôn về một con ngựa. …Con ngựa phóng trên đồng cỏ, dưới chân nó là một thảm cỏ xanh mịn như nhung, nó không biết phía trước là một vực thẳm đang chờ sẵn, và con ngựa đã lao đầu xuống vực sâu vì mắt đã bị bịt. Người dân Xã Hội Chủ Nghĩa chính là những con ngựa đó. -Chuyện mới nhất kể về ngày đầu biệt giam:
Cuối tháng 3/2008, tôi may mắn tìm liên lạc được với 1 người ở chung một khối và thân với anh Trụ, tên là T.T.T. hiện ở Mỹ. Anh xác nhận những gì tôi nghe được về anh Trụ đều đúng, nhưng vẫn còn ít so với sự thực về anh Trụ. Theo anh T.T.T. kể lại, không lâu sau khi 2 người trốn trại bị bắt, thì có một buổi tập trung toàn trại T1 tại Hội Trường, anh TTT. ngồi bên cạnh anh Trụ, chủ tọa buổi nói chuyện là một “đoàn cán bộ cấp cao” cầm đầu bởi 1 Trung Tá. Khi viên Tr. Tá nói là có một người cầm đầu tổ chức phản động…, thì anh Trụ đã đứng lên nói với tên Tr. Tá: “Tôi biết người mà ông định nói là ai, là tôi chứ gì? Tôi không cầm đầu ai cả, tôi chỉ bày tỏ chính kiến, tôi không thích chế độ Cộng Sản, ông có muốn nói chuyện với tôi về Lý Thuyết Cộng Sản không?”. Cả hội trường 1000 người im phăng phắc. Cả đám lý thuyết gia CS khựng lại trước sự quyết liệt kiên cường của một kẻ sĩ anh hùng. Sau một thoáng lúng túng, viên Trung Tá nói sẽ nói chuyện với anh sau rồi bảo anh ngồi xuống. Anh TTT. cũng nói thêm là trước hôm có buổi tập trung tại hội trường, anh Trụ đã nhờ anh chuyển lời trối trăn đến gia đình nếu có thể.
Ngoài những điều nghe về anh Trụ mà tôi đã phối kiểm, tôi cũng đã chứng kiến 5 tháng cuối đời của anh, tận mắt tôi đã chứng kiến bọn giết người hèn hạ đã trơ trẽn dựng lên một trò hề thật lố bịch gọi là Tòa Án để sát hại anh, và chính anh T.T.T. là 1 trong những người đã chôn anh Trụ tại khu An Dưỡng Biên Hòa cũ (không phải tại Trảng Lớn Tây Ninh như có người đã viết mà tôi không nhớ là ai).
Vào một buổi tối giữa tháng 5/1976,một số tù Trảng Lớn bị chuyển đi xa đợt đầu tiên,và tôi có tên trong danh sách này. Khoảng 4 giờ chiều thì có một đoàn xe tới đậu giữa sân trại tôi là T3.Từng đoàn tù từ những trại lân cận bị dẫn đến và tống lên xe, sau đó mới đến tù T3, mỗi xe 40 người.Tôi đếm được tất cả 25 chiếc xe, và tôi được lệnh lên chiếc xe cuối cùng.
Trong xe, không kể 2 thằng vệ binh ngồi 2 bên ở cuối xe, tôi đếm kể cả tôi là 24 người, Non và Tỷ bị trói ngồi bên trong (bị tố cáo là 2 tên C.I.A hạng bét, biệt giam trước đó 1 tháng). Trời sắp tối thì có 1 chiếc xe con chạy tới đậu sát bên xe tôi, một người tay bị trói quặt đằng sau được lôi ra và tống lên xe tôi: Nguyễn Ngọc Trụ. Anh Trụ bị tống vào trong, cùng với Non và Tỷ. Lúc đi ngang chỗ tôi, lợi dụng bước chân anh chao đảo vì tay bị trói, tôi đứng lên vờ như đỡ cho anh khỏi bị ngã và nắm cánh tay anh bóp bóp, anh mỉm cười nhìn tôi rồi gật đầu chào mọi người. Một người nào đó nói vừa đủ nghe với anh Trụ “Xin anh đừng chết”. Như vậy đoàn xe có 25 chiếc, chúng tôi ở xe thứ 25, và trong xe thêm anh Trụ nữa là 25 người. Xe bắt đầu chạy khi trời tối hẳn.
Lại một lần nữa Bác Đảng cho ôn lại bài “Lắt Léo Lươn Lẹo”, xe lúc ngừng lúc chạy, mãi khoảng 2 giờ đêm thì chúng tôi được đổ xuống khu Trung Tâm An Dưỡng, Biên Hòa. Anh Trụ bị tống thẳng vào thùng sắt Connex ngay cổng trại. Non,Tỷ được cởi trói và đứng xếp hàng chung với mọi người. Chúng tôi 24 người cùng 40 người nữa bị chia ra và sáp nhập chung với anh em Cảnh Sát, đã ở đây từ trước, vào 3 đội Mộc, Rèn, Chăn Nuôi; tôi vào đội Mộc có cả nhà văn Nguyễn Hữu Nhật tức thi sĩ Động Đình Hồ.
Khu An Dưỡng gồm nhiều trại, mỗi trại khoảng 1000 người và được gọi là T1, T2, T3,…Tôi không nhớ trại tôi ở là T mấy, nhưng chắc chắn một điều là chiếc connex đựng anh Trụ nằm ngay sát cổng trại tôi ở, nơi lúc nào cũng có vệ binh đứng gác. Ngay từ cổng là một con đường khá lớn sát hàng rào bên trái, kéo dài thẳng tắp suốt bề ngang trại. Từ cổng theo con đường này đi vào, đầu tiên sẽ thấy bên phải là 2 dẫy nhà nằm song song nối tiếp nhau dọc theo hàng rào chiều dọc của trại, Quang và Vũ ở nhà đầu. Qua khỏi 2 dãy nhà là sân trại, cuối sân là 1 cái hội trường thật lớn bằng tôn (nghe nói là nhà ướp và mổ xác của Mỹ để lại), nơi sẽ là tòa án xử anh Trụ 5 tháng sau. Cứ tiếp tục theo con đường ngang, qua khỏi sân trại tới cuối hàng rào là dãy 4 căn nằm song song nhau, tôi ở nhà đầu tiên sát con đường, và bên kia con đường đối diện với nhà tôi ở là một dãy hơn chục cái cầu tiêu nổi dành cho cả trại.
Mỗi ngày cỡ 8 giờ sáng thì anh Trụ có khoảng 15-20 phút đi cầu tiêu. Trên đường đến khu cầu tiêu, anh phải đi ngang nhà có Quang và Vũ, băng qua chiều ngang sân trại tới nhà tôi ở thì quẹo vào khu cầu tiêu, trên tay cầm lon “gô” nước để làm vệ sinh, thường có 1 tên vệ binh cầm súng đi theo. Dáng anh đi trông thất thểu, nhưng nét mặt rất an nhiên, và đặc biệt miệng lúc nào cũng mỉm cười. Vào những ngày không lao động, anh em thường đứng dọc theo hiên nhà dõi nhìn theo anh. Có lần anh hướng về phía Quang và Vũ đang đứng trong đám anh em, nói “Thầy không hề buồn giận em, thầy biết bằng mọi cách họ sẽ giết thầy.” Anh em vẫn thường xuyên tiếp tế cho anh bằng cách lén buộc sẵn một gói nhỏ đồ ăn vào cái cầu tiêu trong cùng, nơi được chỉ đinh dành riêng cho anh, mặc dầu trong khu cầu tiêu lúc ấy đã được bảo đảm hoàn toàn không có ai, dĩ nhiên anh phải ăn tại chỗ, chung quanh đầy cứt đái.
Đợt thăm nuôi đầu tiên trong đời tù bắt đầu gần những ngày cuối tháng 10/1976. Đội Mộc có 5 người, trong đó anh Nguyễn Hữu Nhật và tôi, được thăm vào ngày 29/11/1976 cũng là ngày cuối cùng của đợt thăm nuôi. Buổi tối ngày Thứ Bẫy cuối cùng của tháng 10/76, tôi cùng mấy người nữa được chỉ định đi theo 2 vệ binh đẩy nước ra Khu Thăm Nuôi, để đổ nước vào những cái lu đặt trong những lều thăm, cách trại khoảng 2km. Trên đường quay lại trại, có 4 người bộ đội đứng chờ. Chúng tôi được lệnh lôi từ trong một bụi rậm ra một chiếc quan tài bằng gỗ mộc, khiêng lên chiếc xe và đẩy tiếp. Đến gần trại thì bọn họ bảo chúng tôi ngừng lại,họ bắt chúng tôi dấu chiếc quan tài vào một bụi cỏ cao gần đó, và họ cấm không được nói cho ai biết. Chúng tôi thật hoang mang, và không biết chính chiếc quan tài đó sẽ dành cho anh Trụ ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, tôi nhớ chắc chắn là ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng 10/1976, không thấy anh Trụ ra khu cầu tiêu như thường lệ, có lẽ họ cho anh đi cầu sớm hơn. Khoảng 7 giờ sáng thì các Nhà Trưởng được lệnh đi “giao ban”. Cỡ gần tiếng sau thì anh Nhà Trưởng quay về tập họp cả nhà lại, thông báo về phiên tòa xử Nguyễn Ngọc Trụ, đọc tên những người được tham dự phiên tòa gồm Nhà Trưởng và các Tổ Trưởng Tổ Phó, lệnh trên cấm không được bàn tán, nhưng làm sao cấm được, và người ta đoán non đoán già về số phận người anh hùng,người thì bảo chỉ cảnh cáo, kẻ thì đoán mấy năm, cũng có người bảo phải vài chục năm… Tôi nghĩ tới chiếc quan tài dấu trong bụi rậm, và nói khẽ với một người bạn: Tử Hình.
Tự nhiên ruột gan tôi như có ai đang bóp nhào nháo cả lên. Trong một lúc, tôi thấy người và cảnh chung quanh như đang thấy một đoạn phim mà không có tôi trong đó. Tôi không có tên trong danh sách đi dự phiên tòa, nhưng tôi xin và được chấp thuận cho đi thay một người bị “Tào Tháo đuổi” (hình như là “Hùng Mặt Mâm”, không thuộc đoàn tù từ Trảng Lớn). Những bạn tù từ những trại quanh vùng cũng bị điệu đến, chật kín cả hội trường.
CÔNG LÝ LÀ CÔNG LÝ, CÔNG LÝ LUÔN LUÔN THẮNG
Bên ngoài, chung quanh hội trường, là một hàng rào bộ đội súng cầm tay. Bên trong, mấy chục cái ghế nhỏ được xếp thành 2 hàng ở trên cùng, dành cho các lãnh đạo và cán bộ các trại.
Trên sân khấu có vài cái bàn dài kê liền nhau trải vải bên trên, sau bàn phía trên cao là hình Ông Thần Đói Hồ Chí Minh với lá đại kỳ Cờ Đỏ Sao Vàng trông thật lạnh lùng chết chóc. Mặt tiền sân khấu,ở trên cao là mấy hàng chữ đỏ nền vàng mà nổi bật nhất là mấy chữ “Tòa Án Quân Sự Khu 7”, trên và dưới sân khấu cả 2 bên là những toán bộ đội võ trang đứng nghiêm chỉnh. Vành móng ngựa là 1 tấm “cover”, đó là nửa cái ống cống bằng sắt, có khía, hình bán nguyệt, đường kính khoảng trên 1m50, của Mỹ để lại. Khi mọi người, mọi việc đã được ổn định đâu vào đấy, tất cả được lệnh đứng lên. Một tiếng hô nghiêm thật to, Thượng Úy Mão Chính Trị Viên Tiểu Đoàn cùng tên Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng ra tận cửa đứng nghiêm chào đoàn xử án và mời lên sân khấu.
Trên sân khấu, ngồi chính giữa bàn là 2 tên lớn nhất đều mang quân hàm Trung Tá, phái đoàn khá đông, cả chục tên, có đứa ngồi hàng ghế dưới sân khấu. Sau đó, anh Nguyễn Ngọc Trụ được dẫn ra, cởi trói, bị đứng vào trong tấm sắt tròn gọi là vành móng ngựa. Một cây đèn dầu được thắp lên, kèm theo một lời thuyết minh rất dõng dạc: Cây đèn này là tượng trưng cho ánh sáng công lý. Một tấm sắt “tàn dư Mỹ Ngụy” và một cây đèn tù mù để tượng trưng cho ánh sáng công lí cách mạng!!! Khắp cả Thế Giới, có sân khấu hề nào hí lộng hơn, ngu xuẩn hơn, khôi hài hơn cái sân khấu được tạo ra bởi “đỉnh cao trí tuệ loài người” như thế này?
Bản ly lịch đọc trước tòa, tôi chỉ còn nhớ một phần: Nguyễn Ngọc Trụ,Trung Úy, Cao Học Luật, Giáo Sư Chính Trị Trường Võ Bị Đà Lạt; tên cha là Nguyễn văn Thắng, Trung Tá Cảnh Sát, đang cải tạo ngoài Bắc; (mẹ và vợ: không nhớ); có vợ và 2 con. Sau vài thủ tục lấy lệ, tòa hỏi: Sau khi nghe giới thiệu Thành Phần Xử Án, tội phạm N.N.Trụ có cần thay đổi ai không?
– Thưa quí tòa, tôi nghĩ không cần thiết. Tòa hỏi tiếp, “N.N.Trụ, anh có phải là nhà trí thức không?”. Anh Trụ ngắn gọn: Thưa quí tòa, đúng. Tiếp theo là những câu hỏi để gài tội, một cách vu vơ rất khờ khạo. Tên Trung Tá đóng vai “Công Tố” lôi cả ông bà cha mẹ ra để buộc tội “bị cáo”. Những lời buộc tội, được đọc từ một tờ giấy viết sẵn mà cứ vấp váp vì đọc không thông, tới bây giờ vẫn còn tìm được trên những tờ báo trong nước như: tay sai đế quốc, phản động, nợ máu… Chủ yếu tên “Công Tố” tập trung vào tội: “đã cử người trốn trại để đưa tàn quân quay lại giải thoát đồng bọn, đã xúi dục những “cải tạo viên” chống lại đường lối chính sách khoan hồng...” Phiên tòa không có luật sư biện hộ, nhưng anh Trụ được phép phát biểu sau phần buộc tội.
Anh phủ nhận tất cả mọi lời cáo buộc, và dẫn giải rằng những người đang kết tội anh mới chính là kẻ có tội. Anh nói rất ngắn gọn, nhưng thật sắc bén. Một lần nữa, tại tòa, anh xác nhận anh chỉ muốn giảng giải Thuyết Cộng Sản cho chính những người gọi là Cộng Sản mà không biết gì về Lý Thuyết Cộng Sản. Đáp lại lời cáo buộc “không chịu cải tạo”, anh nói: “Tôi rất muốn được “cải tạo”, nên mới bày tỏ hết tư tưởng ra để cho cách mạng thấy mà cải tạo, đấy là tôi đã đáp ứng đúng yêu cầu “thành khẩn khai báo” của Cách Mạng, và tôi đã thành khẩn khai báo tư tưởng bằng chính những lời phát biểu thật thà của tôi. Thưa quí tòa, Công Lý là Công Lý, Công Lý luôn luôn thắng. Tôi tin vào Công Lý và chấp nhận mọi số phận cho niềm tin đó.”
Sau mươi phút gọi là nghị án, chắc các quan tòa vào bên trong làm điếu thuốc lào hay nhấm nháp cái gì đó, vì với thời gian mươi phút làm sao vừa “nghị” vừa đánh máy xong bản án dài mấy trang, ông tòa Trung Tá cầm mấy tờ giấy đánh máy sẵn, đọc liền tù tì hàng trăm chữ “Chiếu” với “Xét Vì” rồi mới tới chữ “… Quyết Định: “Tử Hình Tội Phạm Nguyễn Ngọc Trụ”. Bản án phải được thi hành ngay sau khi phiên tòa bế mạc”. Tới đây thì “ánh sáng công lý cách mạng” từ tù mù đã trở thành tối thui, vì chiếc đèn dầu đặt trên bàn đang bập bùng với cái bóng đèn đã bị muội khói ám đen nghịt.
Ngay khi 2 chữ “tử hình” vừa phán xong, một người trong đoàn xử án thổi tắt phụp “ngọn đèn công lý” đã bị ám khói đen thui, vừa lúc có 2 thằng vệ binh phóng tới anh Trụ, mỗi đứa một bên, chộp 2 cánh tay anh kéo giựt về sau và trói, tên thứ 3 tiến lên tay cầm một cái giẻ. Anh Trụ nói lớn “Xin đừng bịt mắt tôi.”. Anh không vùng vẫy chống cự, nhưng anh cố ưỡn thẳng người lên, hướng về phía anh em và kịp nói to “Chào các anh em ở lại tôi đi.” trước khi bị nhét giẻ vào mồm và bịt mắt dẫn đi.
Không kể những thủ tục rườm rà, phiên tòa chỉ diễn ra không đầy 1 giờ. Mọi người giải tán, cả ngàn người không một tiếng nói, chờ nhau ra khỏi hội trường. Đoàn tù im lặng cúi đầu lầm lũi bước,chỉ nghe tiếng những bước chân mộng du trên sỏi đỏ,và xen lẫn thỉnh thoảng có tiếng “chó cắn ma” tru lên lạc lõng “khẩn trương lên”. Cả ngày hôm ấy không ai thiết ăn, dù có đồ ăn thăm nuôi chia sẻ với nhau. Thấm thía hơn bao giờ câu “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.”
Dù đã bị cũng như chứng kiến biết bao nhiêu thương đau mà “đảng và Cách Mạng” đã gieo rắc, đôi khi tôi vẫn nghi ngờ tấm lòng…khát máu của loài ma cà-rồng. Suốt hơn 30 năm sau phiên tòa ấy, đôi khi tôi vẫn thầm mơ ngủ “Hay là bản án tử hình ấy chỉ làm giả để răn đe số đông, còn anh Trụ thì được đem đi giam nơi khác?”, vì chính chúng tự biết anh Trụ không làm gì hết mà chỉ có “tội” nói thật lòng. Mãi cho tới khi tìm được anh T.T.T. vào cuối tháng 3/2008 (ở khác nhà nhưng cùng một trại với tôi trong Khu An Dưỡng Biên Hòa), tôi mới hoàn toàn hết nghi ngờ lòng dạ của cái đảng cướp của giết người kia, vì chính anh T.T.T. là người đào lỗ và chôn cái xác chi chít những lỗ đạn của anh Trụ. Xin đọc môt đoạn trong thơ của T.T.T. viết ngày 25-03-2008:
“Sáng sớm khoảng 3 giờ sáng, tổ của tôi, gồm toàn là cuộc trưởng cảnh sát lớn tuổi và chỉ có tôi là người trẻ của quân đội, bị kêu đi công tác khẩn; khi ra đến cổng trại thì có một toán bộ đội khoảng mười người đón nhận chúng tôi. Mươì người tù mà đến mười bộ đội đi kèm, chúng tôi linh cảm có điều gì ghê gớm sắp xảy ra. Đi khoảng 200 thước thì có tiếng lên đạn, tiếp theo là tiếng hô đứng lại, tình hình rất là căng thẳng; một người bộ đội đi vào lề đường và kêu chúng tôi vào lôi chiếc xe bốn bánh loại dùng để kéo (rờ-mọt), ở trên xe có cái hòm gổ.
Đi khoảng 500 thước thì dừng một lần, và chúng tôi cũng không định hướng được là đi đâu; đến khoảng 5 giờ sáng thì nằm nghỉ ở ngoài một ụ đất cao quá đầu người. Đến sáng thì chúng tôi nhận ra được là đang nằm ở khu chống pháo kích của thiết giáp VNCH, gồm nhiều ô vuông với vách đất có chỗ cho thiết giáp ra vào. Đến gần trưa thì có một đoàn xe jeep băng qua trảng trống đi thẳng đến chỗ chúng tôi, đám bộ đội đi với chúng tôi lại lên đạn và nói là ngồi yên không được nhúc nhích. Tôi nhìn thấy một người cao lớn hơn những người khác bị trói và xô đẩy đi vào trong ô vuông phía sau vách đất, khoảng 10 phút sau thì chúng tôi nghe nhiều tràng AK và 2 tiếng súng ngắn một phút sau đó. Sau hai tiếng súng ngắn, chúng tôi được hộ tống vào trong ụ đất, và thấy cuốc xẻng đã có sẳn tại chỗ, anh Trụ nằm dưới chân cột chân bị trói và mắt bị bịt.
Một tên Trung tá VC hỏi chúng tôi có ai là học trò anh Trụ không và nói “tên này ngoan cố đến cùng”, chúng tôi lắc đầu không nói gì cả. Một tên Trung tá khác nói với chúng tôi “Các anh làm thủ tục của các anh đi”, khi thấy chúng tôi không hiểu anh ta nói tiếp “Quỳ lạy và cầu nguyện đi”, chúng tôi không ai nhúc nhích, hắn ta bèn nói tiếp “Chôn nó đi”. Tôi cởi trói và tháo băng bịt mắt cho anh Trụ, trên người anh lỗ chỗ toàn vết đạn và máu ra không nhiều, da anh trắng bệt, gương mặt bình thản không có vẻ đau đớn gì nhiều. Chúng tôi chôn anh xong về láng mới nghe kể chuyện xãy ra tại toà. …Đó là những gì tôi có thể tường thuật cho anh được, còn về tâm sự thì không có gì đặc biệt, tuy nhiên tôi mong gặp gia đình anh Trụ để có thể nói ra những gì anh Trụ đã nói với tôi trước khi bị nhốt connex…..”. (những “ô vuông với vách đất” trong thư của T. có lẽ là những “ụ thiết giáp”).
Có nhiều người coi “Hồn Thiêng Sông Núi” như là một vị thần đầy phép tắc để khấn vái. Một cách giản dị, tôi chỉ hiểu Hồn Thiêng Sông Núi chính là Di Sản Văn Hóa, là Lịch Sử Dựng Nước và Giữ Nước bằng xương máu của Cha Ông mà bổn phận thế hệ đang thừa hưởng phải giữ gìn và phát triển, để bảo hộ cho những thế hệ tương lai tiếp nối. Trong y nghĩa đó, Tâm và Huyết của anh Trụ đã làm lên Hồn Thiêng Sông Núi, mà nhà ái quốc Phan Bội Châu gọi là “hồn thành thánh” và “phách hóa thần”. Nguyễn Ngọc Trụ, một kẻ sĩ anh hùng, chính là Hồn Thiêng Sông Núi.
TÙ CỰU (XM520)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment