Saturday, June 13, 2020

Trận Pleime năm 1974 (kỳ 8)

Trận Pleime năm 1974 (kỳ 8)

Kỳ trước: Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh tiếp viện cho Pleime đã bị đánh tả tơi. Đả viện thành công, nhưng công đồn thì chưa! Tiểu đoàn 82 Biệt động quân dưới tay Thiếu tá Vương Mộng Long vẫn trụ được và địch bắt đầu tung truyền đơn chiêu dụ đầu hàng lẫn hăm dọa.
Pleime đang trong cơn tuyệt vọng…
Vương Mộng Long huấn luyện đơn vị
Nhiều kỳ – kỳ 8
Mưa kéo dài nhiều ngày, giao thông hào thành những con suối, nước thoát về hai hướng Bắc và Nam, vô tình những đường thoát nước trở thành những con đường hầm trơn bóng chui qua lớp rào kẽm gai. Nơi sâu nhứt có thể cao hơn một đầu, một với của người đứng thẳng. Người từ trong chui ra được thì chắc chắn Việt-Cộng cũng có thể theo đường này mà vào được.
Tôi vội bắt ông Thiếu úy Hoàng cho người đánh rối từng chùm thép gai rồi thả trên đường hầm, sau đó gài thêm lựu đạn và bẫy sáng để chống Ðặc Công.
Sợ chuyện này làm tinh thần anh em bị dao động, tôi phải ra lệnh cho Trung úy Minh và ban truyền tin kín miệng.
Ngay sau đó lại xảy ra chuyện toán tuần tra cổng Nam do Binh nhì tên là Thêm dẫn đầu đã ra đi mà không trở về. Có lẽ ba người này đã nhân cơ hội được ra khỏi rào mà chạy trốn luôn.
Thế là từ hôm đó, tôi phải cho viễn thám thay phiên đảm nhiệm công tác tuần tra, thay vì người của các đại đội.
o O o
Giá trị của
một người lính…
Từ khi Pleime bị cô lập với thế giới bên ngoài, cứ đúng lúc rạng đông thì kẻng báo động lại khua vang báo cho mọi người biết đã đến giờ chui vào hàm ếch.
Tin A 2 truyền đi cho tôi biết, các đơn vị pháo của Việt Cộng được lệnh pháo hợp đồng vào trại mỗi ngày hai lần, lần đầu diễn ra lúc 6 giờ sáng, giờ Hà-Nội, buổi chiều sẽ đánh hợp đồng vào lúc 6 giờ chiều. Giờ Hà-Nội đi sớm hơn giờ Sài-Gòn một tiếng.
Sáng 16 tháng 8 cũng như mọi ngày, cũng đúng 6 giờ sáng Hà-Nội, nhưng lại là 5 giờ sáng giờ Sài-Gòn, trận pháo rạng đông mở màn. Ðặc biệt là hàng trăm trái cối 120 ly địch sử dụng sáng hôm đó toàn là loại “delay” nổ chậm.
Mỗi lúc địch bắn đạn “delay” tôi đều leo lên lô cốt xem mặt hướng Tây có động tĩnh gì không? Tôi đứng chân trong chân ngoài ở tầng cao nhứt của pháo đài.
Ðất đá bung lên từ chỗ đạn cối chui xuống văng cao hàng chục mét; đất đỏ rơi tung toé trên nóc nhà, trên sân cờ.
Tôi có hai kho đạn đại bác 105 ly và bốn kho đạn dự trữ đủ loại. Một vài viên cối 120 ly nổ chậm rơi trúng kho đạn số 2, ngoài bờ đất sát bên Câu Lạc Bộ, thế là kho đạn này phát nổ!
Ðạn nhỏ cháy thì kêu “Lép! Bép! Lép! Bép!…”
Ðạn 106 ly thì nổ “Ùng! Ùng!…” rồi bay tít lên cao, lúc rớt xuống gây tiếng gió rít “Xèo! Xèo! Vèo! Vèo!…” rợn tóc gáy.
Sợ mảnh đạn cắt đứt đầu, tôi chui vào hầm truyền tin của Trung úy Nguyễn Công Minh.
Chuông điện thoại của Ðại đội 3/82 reo khẩn cấp. Thiếu úy Nguyễn Văn Hổ, đại đội phó 3/82 sụt sịt vài giây rồi khóc òa lên,
– Thái Sơn ơi! Anh Việt chết rồi!
Tôi nghe tiếng chú Hổ mà bỗng thấy ù cả hai tai,
– Cái gì? Ai chết? Nói lại đi!
– Dạ Thiếu úy Việt bị pháo trúng hầm, anh ấy chết cùng với người lính mang máy PRC 25!
Tôi lội xuống giao thông hào, giao thông hào ngập nước tới thắt lưng. Nước mưa đỏ ngòm và quánh lại như bùn. Ðất sạt lở ở những đoạn giao thông hào trúng đạn nổ chậm đã thành những hố sâu như những cái giếng.
Cái hầm chứa hai thầy trò Thiếu úy Phạm Ðại Việt và anh Binh 1 Vy Văn Trai, hiệu thính viên máy PRC 25 đã bị một viên 120 ly đánh sập.
Hai thầy trò Việt và Trai nằm chết bên nhau. Hai Biệt Ðộng Quân này chết không dấu vết, họ bị chết tức do sức pháo nổ.
Mắt chú Việt và mắt chú Trai còn mở trừng trừng, tôi vuốt mắt cho chú Việt, rồi vuốt mắt cho chú Trai.
Bốn tháng trước Thiếu úy Phạm Ðại Việt là đại đội phó của Thiếu úy Phiến. Ngày Căn cứ 711 bị địch tràn ngập, Thiếu úy Phiến chết trên đường rút lui, người mang máy truyền tin của chú Phiến là Binh 2 Y Don Nier rất buồn và có vẻ mất tinh thần.
Sau khi tôi đề cử Thiếu úy Phạm Ðại Việt giữ chức đại đội trưởng Ðại đội 3/82 thì tôi mang Binh 2 Y Don Nier lên bộ chỉ huy tiểu đoàn để mang máy PRC 25 cho tôi.
Binh 1 Vy Văn Trai được Thiếu úy Việt cho giữ chức hiệu thính viên đại đội.
Vy Văn Trai còn một người em họ là Vy Văn Trung ở cùng đơn vị. Hai anh em nhà họ Vy là người Nùng, mới tới Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trong đợt bổ sung quân số cuối tháng Tư 1974 vừa rồi.
Những chiến binh người Nùng, người Thái lúc nào cũng là những cái gương can đảm và thiện chiến bậc nhứt của tiểu đoàn này.
Phạm Ðại Việt và Vy Văn Trai là người thứ 23 và 24 chết còn thấy xác, được đồng đội bọc trong poncho và chôn trong khu đất trống sau nhà bếp của tiểu đoàn.
Như thế là, chỉ trong vòng bốn tháng, Ðại đội 3/82 đã có hai sĩ quan đại đội trưởng tử trận.
Nhớ lại, sau trận đánh giành giựt Căn cứ 711 hồi tháng Tư, tôi đã đề nghị thăng cấp trung úy tại mặt trận cho Thiếu úy Phạm Ðại Việt, nhưng Ðại tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 đã không chấp thuận.
Kỳ này không cần chữ ký với lời xác nhận công lao của thượng cấp, người sĩ quan đại đội trưởng giỏi nhất của tôi trong trận này đã đương nhiên được lên trung úy, nhưng là “Cố Trung úy.”
Ai mà không biết? Với người chỉ huy ngồi trên tàu bay, hay trong hầm trú kiên cố ngoài Pleiku thì “Tử thủ!” dễ òm! Dễ như ta vừa mở miệng tợp cạn một ly rượu cay.
Nhưng ở tiền đồn Pleime thời gian này thì “Tử thủ!” có nghĩa là bất cứ giây phút nào mình cũng sẵn sàng nhắm mắt để đồng ngũ quấn cho mình một chiếc poncho rồi đem thân xác mình chôn trong mảnh đất sau nhà bếp.
Cơ hội được “Tổ Quốc Ghi Ơn” dành cho tất cả mọi người, bất kể đó là Thiếu tá hiện dịch Vương Mộng Long, Chuẩn úy trừ bị Phan Quốc Thiều hay Binh nhì Vy Văn Trung.
Hành trang mang theo của người nằm xuống vỏn vẹn một tấm thẻ bài ghi họ tên, số quân và loại máu. Rồi thời gian đi qua, chỉ có người thân, kẻ thuộc và bạn bè còn nhớ tới mình thôi.
Gần mười năm lăn lộn trên chiến trường, máu tôi đã nhiều lần đổ xuống đất quê hương, thuộc cấp của tôi giờ này có nhiều người còn chôn xác ở Dak Tô, Chư Pa, Sé San, Yaly, Chư Prong.
Anh em chúng tôi chiến đấu và sẵn sàng chết vì dân, vì nước, chúng tôi không chiến đấu vì mong được tiến chức, thăng quan.
Chúng tôi không đến nỗi ngây thơ mà tin vào những câu hứa hẹn suông hay những lời “khích tướng” của thượng cấp.
Chúng tôi quan niệm rằng:
“Giá trị của một người lính không thể căn cứ vào những gì mà họ được cấp trên ban phát cho, mà giá trị đích thực của mỗi chiến binh chính là những gì mà anh ta đã cống hiến cho tổ quốc.”
Bởi vậy, ‘Đừng đem lon lá luận anh hùng!”  
SVSQ/TB Phạm Đại Việt
o O o
Sống chết cùng nhau cho trọn nghĩa thầy trò!
Có thể nói, thời gian kế tiếp sau khi hai tiểu đoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh bị đánh lui thì Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bước vào giai đoạn “So găng tay đôi” với các trung đoàn chủ lực của Sư Ðoàn 320A Cộng Sản Bắc-Việt.
Nhìn vào, ai cũng thấy màn so găng này chẳng cân xứng chút nào!
Chúng tôi ví như một võ sĩ hạng nhẹ quyết tử với những đối thủ loại siêu nặng.
Giống như một chú tí hon bị những thằng khổng lồ luân phiên tấn công.
Cũng một chiến trường mang tên Pleime, mà chín năm trước đây, liên quân Việt Mỹ phải vất vả lắm mới chiến thắng.
Ngày đó, quân Mỹ Việt được yểm trợ bởi hàng trăm chiến đấu cơ của Hạm Ðội 7, hàng trăm trực thăng võ trang, hàng chục pháo đài bay B52, hàng trăm chiến xa, chưa kể hàng chục nghìn quả đạn pháo đủ loại bắn T.O.T bất cứ chỗ nào. (T.O.T = Time On Target =  Bắn từ nhiều vị trí để đạn rơi cùng giờ trên một mục tiêu định trước.)
Gìờ đây, cũng ở Pleime, tôi đang đối diện với một lực lượng địch mạnh hơn nhiều so với những đơn vị địch tham chiến chín năm trước.
Ðịch đông hơn tôi cả chục lần, lại có đủ loại pháo binh nặng, nhẹ, cùng với chiến xa và phòng không tối tân.
Trong khi đó, tôi chỉ có hai khẩu 105 ly sắp hết đạn, bốn khẩu 155 ly của quân bạn ở tít mù xa, yểm trợ hết tầm mà vẫn còn cách Pleime gần năm cây số!
Không yểm lại quá giới hạn. Ngày nào tôi cũng gửi đơn xin không quân, nhưng chẳng thấy chiếc máy bay nào bén mảng trên vùng.
Chỉ tới đêm mới nghe “Ì ầm! Ì ầm!”  vọng về do tiếng bom nổ trên những box 1x1km đâu đó trong vùng Tây Bắc Pleime.
Tôi biết tường tận vị trí nào địch có thể tập trung, khu vực nào địch sẽ dàn quân, nên tôi đã gửi đi nhiều đơn xin oanh tạc chiến lược ô vuông 1x1km. Nhưng những đơn này đều bị bác bỏ.
Muốn đánh những phi tuần chiến lược, thì yêu cầu của các đơn vị cấp lữ đoàn trở lên mới được cứu xét, còn đơn xin của các cấp thấp như liên đoàn hay tiểu đoàn không có giá trị.
Tôi đã dùng tới gần một ngàn viên cối 60 ly để đánh rào cản quanh trại Pleime này kể từ ngày đầu bị cô lập.
Trong hầm chứa đạn cối 60 ly của Mỹ trước đây là những thùng gỗ chất cao nghều nghệu, nay chỉ còn vài chục thùng. Hai khẩu súng cối 60 ly đã gãy kim hỏa.
Tôi đang dùng hai khẩu còn lại để sống còn. Nếu địch tấn công thì cứ yếu tố 45 độ cao, tầm xa 150 mét thuốc bồi không (0), góc quay một vòng một trái, bắn cầm chừng.
Hai khẩu súng 106 ly và 81 ly sắp hết đạn nên được đặt trong tình trạng cố định ưu tiên nhắm vào hai cao điểm 509 và Chư Hô, sẵn sàng đánh trả mỗi khi 75 ly và 12.7 ly của địch ló mòi.
Trường hợp bất đắc dĩ tôi mới sử dụng cối 81 ly để hỗ trợ cho các cuộc phản công.
Trên máy truyền tin, không còn ai hỏi thăm chúng tôi nữa, có lẽ cấp chỉ huy của chúng tôi đã mệt mỏi lắm rồi?
Tôi nghĩ rằng mọi nỗ lực tiếp cứu cho tôi đã bị đình chỉ. Giờ này tôi chỉ trông vào chính sức mình, kéo dài được ngày nào hay ngày ấy. Chúng tôi bước vào giai đoạn chiến đấu trong tuyệt vọng.
Mưa hoài, nên nước uống lúc nào cũng dư thừa, chưa kể tới cái hầm chứa nước mà tôi đã cho xây giữa sân, có thể cung cấp nước cho toàn đơn vị trong thời gian ba, bốn tháng. Chúng tôi không bị khát, nhưng bắt đầu bị đói.
Kho gạo cháy rồi, để tiết kiệm, chúng tôi bắt đầu ăn cháo với rau tàu bay luộc. Ðêm nào cũng có tiếng bẫy sập. Các anh Biệt Ðộng Quân đang thèm thịt, nên có vẻ rất niềm nở hân hoan đón chào các chú chuột đồng bụng cũng xẹp lép vì chẳng có gì để ăn.
Giao thông hào ngập nước, nhưng muốn sống, những người lính biên phòng đành ngâm mình trong giao thông hào để tránh pháo.
Tôi thấy da chân, da đùi, da bụng của tôi như đang rữa ra, như lớp bánh tráng mỏng bị thấm nước.
Ban ngày mắc bận đánh nhau, trầm mình trong nước, nên quên đi cảm giác khó chịu; ban đêm sau khi thay cái quần lót, mới thấy ngứa ngáy tới điên khùng luôn!
Ðêm đêm, khi những đợt pháo kích của địch tạm ngưng, tôi thường vào trong bộ chỉ huy tiểu đoàn ghé thăm thương binh. Khu vực xung quanh trung tâm hành quân và bệnh xá không có giao thông hào nên không bị ngập nước.
Mặc dù những người bị thương nhẹ đã tự nguyện ra trú ẩn trong các pháo đài, trong hầm vẫn còn cả chục thương binh nặng nằm ngồi la liệt trên sàn đất.
Thuộc cấp của tôi, người gãy tay, người thủng bụng, người đui mắt, đang chờ tôi vào thăm.
Kho gạo và kho thuốc bị cháy, hết thuốc, hết rượu cồn tẩy trùng. Nhiều vết thương đã có dòi. Trung sĩ Chiến Quân y phải lấy nước đun sôi để nguội thay rượu cồn rửa vết thương cho đồng đội.
Tôi tiếp tay Y tá Chiến rửa vết thương cho một anh lính bị thương mù hai mắt.
Tôi nghe anh thương binh mù thút thít,
– Cám ơn Thái Sơn!
Những dòng nước mắt pha với máu tuôn xuống má anh ta, làm ướt mu bàn tay tôi…
Người lính tiếp tục khóc,
– Xin lỗi Thái Sơn, em bị thương rồi! Em không còn thấy đường để bắn! Em không làm được gì có thể giúp sức cho Thái Sơn giữ đồn nữa rồi.Thái Sơn đừng trách em nhé!
Tôi không ngờ trong hoàn cảnh ấy tai tôi lại được nghe câu nói đó từ miệng một phế binh. Tôi dịu giọng an ủi người em,
– Em gắng chịu đau! Rồi sẽ có trực thăng tải thương cho em! Em yên tâm! Mình sẽ giữ được đồn mà! Việt-Cộng không làm gì được mình đâu! Thái Sơn còn sống thì Pleime sẽ không thể mất! Nếu như anh em mình không giữ được Pleime thì chúng mình sẽ chết theo Pleime!
Thời gian mà Tướng Tư lệnh Quân Ðoàn II quy định cho tôi đứng vững đã vượt quá, tôi có thể bỏ đồn nếu thấy không thể kéo dài sự chịu đựng, nhưng tôi không thể làm vậy.
Tôi đã không nghe lệnh Tướng Toàn, vì làm như thế, chỉ những quân nhân lành lặn hy vọng sống sót. Tôi còn phải nghĩ tới những thương binh. Từ Pleime ra tới Phú Nhơn đường xa gần hai chục cây số, lại bị địch chốt giữ. Nếu phải rút chạy, trên đường đi, chắc chắn sẽ phải đánh nhau.
Trong tình thế đó, làm sao tôi có thể mang vác theo mình gần hai chục đứa em đui mù, què quặt? Chẳng lẽ đành lòng bỏ chúng nó mà chạy lấy thân? Ðể rồi, nếu thoát chết kỳ này cũng mãi mang trong lòng một vết thương.
Chi bằng anh em ta cứ liều thân, sống chết cùng nhau cho trọn nghĩa thầy trò!
Tôi nghĩ trời đã an bài sẵn là số mệnh của tôi, sống hay chết đều tùy theo vận mệnh của cái tiền đồn mang tên Pleime này!
Hôm sau trời mưa như bão, trong hầm chỉ huy, nước lên tới bụng, tôi lấy một cuộn băng mới tinh, đưa vào máy cassette, ghi lại những lời trăn trối của 5 thày trò có mặt lúc đó. Cuộn băng ghi lại những lời sau:
1) Tôi, Thiếu tá hiện dịch Vương Mộng Long Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xin thề sẽ chết theo Pleime nếu Pleime thất thủ.
2) Tôi, Trung úy trừ bị Nguyễn Công Minh sĩ quan Truyền Tin của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xin thề sẽ chết theo Pleime nếu Pleime thất thủ.
3) Tôi, Thiếu úy trừ bị Trần Văn Phước trưởng Ban 2 của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xin thề sẽ chết theo Pleime nếu Pleime thất thủ.
4) Tôi,Trung sĩ Nguyễn Chi trưởng toán Viễn Thám 823 của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xin thề sẽ chết theo Pleime nếu Pleime thất thủ.
5) Tôi, Binh Nhì Y Don Nier hiệu thính viên của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xin thề sẽ chết theo Pleime nếu Pleime thất thủ.
Cuộn băng ghi âm này tồn tại cho tới ngày Việt-Cộng tràn ngập thành phố Ban Mê Thuột thì gia đình tôi mới thiêu hủy nó đi.

No comments: