Sunday, March 17, 2024

TRẬN BAN MÊ THUỘT 10/3/1975

Giai đoạn tiên khởi, CS muốn cắt đứt Quốc lộ 14, 19 và 21 để tách vùng Cao nguyên ra khỏi vùng đồng bằng của Quân khu 2 và đồng thời ngăn chận lực lượng VNCH đến tăng cường. Sư đoàn 320 CS chuyển lên đóng tại các vị trí nằm về hướng Bắc của Ban Mê Thuột để vô hiệu hóa tất cả các đồn đóng dọc theo Quốc lộ 14. Tất cả những sự chuẩn bị này CS cho tiến hành bí mật để hòng tạo yếu tố bất ngờ.
Lực Lượng Địch: Dưới quyền điều động của Bộ Tư Lệnh mặt trận Ban Mê Thuột A75 do Tướng CS Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện và Lê Ngọc Hiền chỉ huy gồm khoảng 30,000 người:
1. SĐF10 dưới sự chỉ huy của Sư đoàn trưởng Thượng tá Hồ Đệ và Chính ủy Thượng tá Lã Ngọc Châu chủ lực tấn công BMT
2. SĐ320 dưới sự chỉ huy của Đại tá Kim Tuấn, Sư đoàn trưởng, và Thượng tá Bùi Huy chỉ có danh vì đã bị thiệt hại nặng khi đụng độ với Nhảy Dù ở Thường Đức
3. SĐ316 do Đại tá Đàm Văn Ngụy, Sư đoàn trưởng, Thượng tá Hà Quốc Toản, Chính ủy và Thượng tá Hải Bằng CS từ Nam Lào tiến sang
4. SĐ968 do Thanh Sơn làm Sư đoàn trưởng
5. SĐ3CS Sao Vàng do Trần Bá Khuê làm Tư Lệnh, Mai Tần Tư Lệnh Phó làm nghi binh
6. 4 Trung đoàn Bộ Binh 95A, 95B, 25 và 271
7. 5 Trung đoàn pháo binh gồm 48 khẩu pháo đủ loại và phòng không
8. 1 Trung đoàn Chiến Xa, một Trung đoàn Đặc Công
9. 2 Trung đoàn Công Binh, Một Trung đoàn Thông Tin
10. Các đơn vị hậu cần, Quân xa…
Lực Lượng VNCH: Tổng cộng khoảng 4,000 người:
1. Trung đoàn 53 Bộ Binh (chỉ còn 2 Tiểu đoàn)
2. Liên đoàn 21 BĐQ
3. Các Tiểu đoàn Địa Phương Quân
4. Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia.
 
Lực lượng phòng thủ Ban Mê Thuột:
Vì không tin những nguồn tin tình báo của tiểu khu Ban Mê Thuột , Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II đã không “xếp hạng” là những nguồn tin quan trọng, toàn bộ Sư đoàn 23 Bộ binh được đưa về hoạt động phòng ngự quanh PleiKu, việc phòng thủ Ban Mê Thuột ủy nhiệm cho Liên đoàn 21 Biệt động quân, Địa phương quân, Nghĩa quân tỉnh và Cảnh Sát. Vào đầu tháng 3/1975 khi có báo động về Sư đoàn 320 CS chuyển đến Ban Mê Thuột , Quân đoàn 2 chỉ đưa một phần Trung đoàn 53 (chỉ có 2 Tiểu đoàn) trở lại Ban Mê Thuột . Trung đoàn này lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ hành quân quanh khu vực phía Nam phi trường Phụng Dực, còn lực lượng Biệt Động Quân thì trấn giữ tại khu vực Buôn Hô chừng 32Km về hướng Đông bắc. Các toán thám sát của Sư đoàn 23BB và Nha Kỹ Thuật QLVNCH được tung ra chung quanh trại Bản Đôn để theo dõi các hoạt động của Sư đoàn 320 CS nhưng chỉ phát giác được một số đơn vị nhỏ cấp đại đội CS địa phương.
Như vậy, lực lượng quốc gia phòng thủ Ban Mê Thuột tổng cộng khoảng gồm những quân nhân hậu cứ của Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 (quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về PleiKu và Kontum từ trước Tết).
Ban Mê Thuột thực sự là một thành phố bỏ ngõ không lực lượng bảo vệ. Do vậy, vấn đề phân nhiệm phòng thủ tuy có kế hoạch nhưng chẳng thấm vào đâu so với lực lượng tấn công thiện chiến và đông đảo gấp 20 lần của đối phương.
• Lực lượng phòng thủ phía Nam là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh gồm các phòng các ban các sở trực thuộc
• Lực lượng phòng thủ phía Tây, khu vực trọng yếu và nguy hiểm nhất, gồm các đơn vị hậu cứ của Thiết đoàn 8 kỵ binh và kho đạn (trại Mai hắc Đế) cùng với Trung Tâm Yểm Trợ tiếp vận (đại đội Hành chánh Tài chánh)
• Lực lượng phòng thủ phía Đông do Trung Tâm Huấn Luyện Sư đoàn 23 Bộ Binh đảm trách. Xa hơn là Chi Khu Ban Mê Thuột và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột phối hợp với nhau để chịu trách nhiệm vấn đề phòng thủ mặt này
• Lực lượng phòng thủ mặt Bắc thị xã là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac cùng với một đơn vị 206 Cảnh Sát Dã Chiến
• Nội vi thị xã và các chốt điểm trọng yếu đều do lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đảm trách, và được bố trí như sau:
1. Hai chốt cảnh sát đặt tại Trường Trung Học và cuối đường Phan Chu Trinh là các chốt ở cửa Bắc
2. Cuối đường Tự Do được giao cho Cục Cảnh Sát Cư-Kplong và một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến
3. Cửa ngõ phía Nam có Cảnh Sát Cư-Ê-Bư và một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến trách nhiệm
4. Cửa Tây thị xã giao cho Cục Cảnh Sát thị xã Cục-Lạc chịu trách nhiệm. Các cao ốc trong toàn thị xã và các khách sạn đều được Cảnh Sát Quốc Gia đóng chốt
5. Các đơn vị trừ bị gồm có một Tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ Binh đóng tại phi trường Phụng Dực, cách thị xã Buôn Ma Thuột 7km, có một pháo đội 105ly, trong khi pháo binh của cộng quân lại là loại 130ly, và hỏa tiễn 122ly, tầm xa và sức công phá hoàn toàn cách biệt
6. Ngoài ra, doanh trại các Tiểu đoàn Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Tiếp vận thống thuộc Sư đoàn 23 bộ binh đóng gần thị xã đều tận dụng quân số tại hàng để tổ chức phòng ngự trong phạm vi trách nhiệm.
Riêng về trách nhiệm của tiểu khu Darlac, Đại tá Nguyễn Trọng Luật đã cho điều động Tiểu đoàn 204 Địa phương quân đang đóng tại Ban Don về thị xã.
Ngày 9-3-1975 Sư đoàn F10 cộng sản nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột . Chi khu bị tấn công từ 6 giờ sáng, CS đã dùng pháo binh 130ly và SKZ 82ly bắn vào Chi khu và Chi đoàn Chiến xa, địch đã làm tê liệt các chiến xa của ta ngay từ phút đầu và sau đó quân chính qui cộng sản mở “trận địa chiến” đánh ban ngày, các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết. Tình hình Đức Lập vô cùng nguy ngập. Các đồn phụ đã bị “bứt”. Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9Km bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và một số cấp chỉ huy khác bị cộng quân sát hại.
Trung đoàn 53BB do Trung tá Võ Ân làm Trung đoàn trưởng đã điều động một Tiểu đoàn đến giải vây quận Đức Lập. Tiểu đoàn này liền bị địch quân bao vây và đã giao chiến ác liệt với Sư đoàn F10 của CS. Trung tá Võ Ân đã bay C&C trên vòm trời Đức Lập để hướng dẫn cho đơn vị dưới đất thoát khỏi vòng vây của cộng sản và gọi các phi tuần A37 ném bom chính xác vào vị trí cộng quân . Phòng không 37ly của CS bắn lên như đan lưới. Phi Hành Đoàn của Biệt Đoàn 219 Trực thăng thật gan lỳ hạ thấp cao độ để tránh đạn.
Tướng Phú liên lạc thẳng với Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập. Ông được báo cáo Trung tá Quận trưởng đã bị thương, hiện ở ngoài chỉ huy và điều khiển những khẩu đại bác 105ly bắn trực xạ vào cộng quân. Chi khu cầm cự cho đến sáng, khi mặt trời bắt đầu lên. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 9/3 quận Đức Lập biến thành biển lửa.
Như thế Cộng quân đã cô lập Buôn Ma Thuột cả Bắc và Nam mà Tướng Phú vẫn cho là địch sẽ đánh PleiKu, ông lại nghĩ chúng nghi binh vờ đánh Ban Mê Thuột . Tuy nhiên theo đề nghị của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn ông đã cho trực thăng vận 2 Tiểu đoàn Biệt Đông quân thuộc Liên đoàn 21 từ Kontum đến Buôn Hô cách 30km ở phía Bắc Ban Mê Thuột . Sự sai lầm của Tướng Phú đã được cộng sản khai thác triệt để.
 
 
Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 9/3/1975 Thiếu tướng Phú bay lên BMT thị sát kế hoạch phòng thủ, ứng chiến của thành phố ra lệnh cấp phát hỏa tiễn chống chiến xa M72 và hỏa tiễn TOW cho các đơn vị. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9/3/1975, Tướng Phú họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột , để cho có sự thống nhất chỉ huy, Tướng Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột .
Các Tư lệnh mặt trận phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ. Kho xăng, kho đạn phải được phân tán, đề phòng đặc công cộng sản đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Đến 10.00 giờ đêm ngày 9/3, thành phố Ban Mê Thuột được lệnh báo động đỏ, tập họp tất cả binh sĩ chuẩn bị tác chiến.
Sang ngày 10/3/1975, từ 1giờ 20 đến 2 giờ 15 sáng, các chốt điểm Cảnh Sát Dã Chiến ở cửa Bắc và cửa Tây thị xã đã phát giác các tổ trinh sát tiền phong của cộng quân và liên tiếp báo về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac. 2 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo theo chiến thuật tiền pháo hậu xung bằng đại bác 130ly, hỏa tiễn 122ly vào các cứ điểm quân sự như Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, kho đạn Mai Hắc Đế và phi trường L19. Những tiếng nổ của hỏa tiễn 122ly và đại pháo 130ly khủng khiếp làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất. Các nhà cao tầng bị rung chuyển cực mạnh. Thành phố đã như con tàu chao nghiêng trong bão tố. Một số các nhà xây thô sơ quanh các khu vực quân sự đã bị sụp đổ, và trận mưa pháo liên tiếp không ngừng đổ xuống các cứ điểm quân sự cho đến 6 giờ sáng.
Bốn giờ sáng, Đặc công CS đã đột nhập tấn công vào vị trí của Biệt Đoàn 219 Trực Thăng, và bắn sập đài kiểm báo Pyramid của Phi Trường L19. Sau đó chiến xa T-54 và bộ đội cộng sản chia làm nhiều mũi tấn công vào phi trường L19, kho đạn Mai Hắc Đế, Tiểu Khu Darlac, Tòa Hành Chánh Tỉnh, BTL Sư đoàn 23BB, Hậu cứ Trung đoàn 53BB sát phi trường Phụng Dực với chiến thuật biển người. Trận đánh quyết định giữa Nam-Bắc đã diễn ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu! 6 giờ 15 sáng, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đậu tại Ngã 6 thị xã phát lời kêu gọi của Đại tá Tỉnh Trưởng yêu cầu đồng bào bình tĩnh, ai ở nhà nấy, tình hình an ninh tại thị xã vẩn còn yên tĩnh.
6 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một góc phía Bắc của phi trường L19 bị cộng quân tràn ngập. 7 giờ 15 các chốt cảnh sát xin lệnh rút khỏi vị trí phòng thủ vì áp lực địch quá mạnh, dân chúng từ khu vực Buôn A-Lê B, Tân Mai, cửa Nam thị xã lũ lượt chạy vào trung tâm thành phố.
8 giờ 30, Kho đạn Mai Hắc Đế thất thủ. Viên Đại úy chỉ huy trưởng bị tử thương.
9 giờ 20, chiến xa T-54 và bộ đội cộng quân chia làm nhiều mũi tấn công vào thị xã. Một mũi từ cuối đường Phan Chu Trinh (cửa Bắc) tràn chiếm khu vực nhà thờ Chính Tòa, ngã Sáu thị xã, cách Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu 800m. Mũi phía Nam, từ khu vực Buôn A-Lê B, đồi La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực tư dinh Tỉnh Trưởng, Ty Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải Đoan, đánh chiếm ngã tư Nguyễn Tri Phương-Phan Bội Châu, và mặt Tây thị xã cũng đã bị cộng quân tấn chiếm. Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột , cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam PleiKu, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 Quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
 
MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC
Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3/1975, các mũi tiến quân của cộng quân từ hướng Bắc và hướng Tây bắc đã tràn vào trung tâm thành phố và tập trung nỗ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi.
Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của cộng quân bị bắn cháy. Dù với chiến thuật biển người và đại bác 100ly trang bị cho T-54 bắn trực xạ không ngừng nhưng cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng thủ này. Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của cộng quân là những tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả phản kích làm cho bước tiến quân của cộng quân đã phải ngừng lại. Cộng quân lui về cố thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100ly từ các chiến xa T-54 và đại bác 130ly cùng hỏa tiễn 122ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
11giờ 20, một chiếc T-54 của cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.
11 giờ 45, hai chiếc Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8 từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về đánh bọc hậu lực lượng của cộng quân đang công hãm Tiểu Khu. Nhưng khi đến ngã ba Ama-Trang-Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của cộng quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị cộng quân bắn cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố Ama-Trang-Long để tiến về hướng Tiểu Khu.
Khu chợ Ban Mê Thuột , từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y-Jút đến Ama-Trang-Long bị trúng đạn pháo và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không thua gì nhà hàng Thanh Thế ở đại lộ Lê Lợi Sài Gòn, giờ đây đang là một biển lửa. Dãy phố bên kia đường Ama-Trang-Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn. Khu phố nằm trên đường Y-Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Ông Tôn Thất Hối đã bị sập.
Lực lượng Biệt Động Quân tại Buôn Hô được điều động về tiếp cứu Ban Mê Thuột nhưng gặp hỏa lực mạnh của các chốt kháng cự trên đường đi. Một lực lượng Thiết Giáp và ĐPQ đang hành quân tại Budrang cũng được lệnh trở lại nhưng bị cầm chân ở một cây cầu phía Nam tỉnh lỵ khoảng 10Km. Đến 11 giờ 45 các chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ. Lực lượng của cộng quân từ 2 mặt, phía Bắc và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự phòng thủ này.
13 giờ 15 trưa,Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền tin bị phá hủy.
14 giờ 20 Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực lượng biển người của cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ, mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu. BCH Tiểu Khu phải di tản và sát nhập với BTL tiền phương của SĐ23BB.
Sáu mươi ngàn dân thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac. Trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình với những trận tấn công và đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, đến giờ phút cuối đành di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.
 
MẶT TRẬN PHÍA BẮC THỊ XÃ
Những Trận Đánh Oanh Liệt của Các Chiến Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac.
Trong kế hoạch phòng thủ thị xã Ban Mê Thuột , Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm về một khu vực phòng thủ nặng nề nhất, từ nội vi thị xã đến cả một mặt Bắc, bao gồm phi trường trực thăng và phi trường L19. Phòng thủ phi trường L19 là đơn vị Thám Sát Tỉnh (PRU), trực thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tỉnh.
Với những tin tức nhận được của mạng lưới tình báo cơ hữu và của các đơn vị bạn, vị chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, Trung tá Trần Quang Vĩnh đã sẵn sàng kế hoạch phòng thủ và phản công cho đơn vị hằng tháng trước. Ông đã bổ nhiệm Đại úy Nguyễn Ngọc Tuấn, Đại đội trưởng đại đội Cảnh sát Dã Chiến 206 làm phụ tá đặc trách hành quân. 2 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, cộng quân bắt đầu tấn công phi trường L19, (khu vực phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, do Đại Đội Thám Sát chịu trách nhiệm), bằng đại bác 130ly và hỏa tiễn 122ly. Đến 4 giờ sáng ngày 10 tháng 3/1975, cộng quân bắt đầu dùng lực lượng bộ binh với chiến thuật biển người và xe tăng T-54 tấn công phi trường L19. Đơn vị Thám Sát Tỉnh chống trả quyết liệt và báo cáo về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia. Đại úy Nguyễn Ngọc Tuấn liền liên lạc với Tiểu Khu xin Đại Đội 1/224 tiếp viện. Nhưng Đại Đội 1/224 đã không thể chọc thủng vòng vây của cộng quân ở mặt Bắc Phi trường L19. 6 giờ 20, một đoạn vòng đai ở khu vực phía Bắc phi trường bị chọc thủng. Lực lượng cộng quân tràn ngập khu vực này, và đơn vị Thám Sát Tỉnh đã phải lui về phòng tuyến phòng thủ phía sau với những tổn thất nặng nề về nhân sự.
Sau khi tràn ngập các vị trí phòng thủ, 9 giờ 20, lực lượng cộng quân từ mặt Bắc thị xã, tức là khu vực phía Bắc phi truờng L19 bắt đầu tấn công Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac, nằm trên đường Tự Do để xâm nhập trung tâm thành phố. Lợi dụng hệ thống công sự phòng thủ và các dãy hàng rào kẽm gai bảo vệ phi trường L19 nằm bên kia đường Tự Do, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã chận đứng các mũi tiến quân của cộng quân. Các chiến sĩ Cảnh Sát dù chỉ được trang bị M-16, M-79 và lựu đạn nhưng đã anh dũng phản công quyết liệt trước những đợt tấn công của cộng quân, không cho địch tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ.
Chính nhờ lòng dũng cảm chiến đấu, kỹ thuật tác chiến, và hệ thống chỉ huy chặt chẽ, mà một mặt phía Đông thị xã Ban Mê Thuột , từ khu đường Tự Do, chạy dài xuống Bà Triệu, Hùng Vương, Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột , chưa có bóng dáng của cộng quân. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã trấn giữ một khu vực an toàn mà có lẽ họ không thể nào ngờ được, đó là con đường di tản duy nhất sau này cho các đơn vị phải rút lui vào phút cuối. 15 giờ 40 với áp lực của địch, và để bảo toàn đơn vị, Thiếu tá Hàn Văn Thành, chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã ra lệnh mở đường máu đem đơn vị ra khỏi thị xã về Cây Số 5, phối hợp với các đơn vị trực thuộc và Chi Khu Ban Mê Thuột để tiếp tục phản công quân thù.
16 giờ cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Ban Mê Thuột , ngoại trừ khu vực Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh vẫn còn kháng cự.
Trong thành phố, tiếng súng nhỏ đã im, nhưng cảnh tan hoang của thị xã thật không cách nào tả xiết. Rải rác trên các khu phố, những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không ai săn sóc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Bóng dáng của cộng quân như tử thần đến chiêu hồn những kẻ còn sống và đe dọa mọi người.
Trong gần suốt 14 giờ đồng hồ, các đơn vị quân đội, Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Tỉnh và Nhân Dân Tự Vệ toàn thị xã đã tận hết sức mình để chống trả với lực lượng biển người, chiến xa và đại bác của cộng quân mà không có được một đơn vị bạn nào tiép cứu. Và giữa những giờ phút quyết liệt này, người ta nhận được tin vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một đơn vị Biệt Động quân từ cửa Bắc thị xã (bến xe Cây Số 3) đã xâm nhập trung tâm thành phố. Tin tức này được loan truyền đến hầu hết các đơn vị đang chiến đấu trên khắp các cửa ngõ thị xã, và mỗi người lính, từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều vui mừng hy vọng chiến trường sẽ xoay hướng. Nhưng cho đến một giờ chiều, tin tức về Liên đoàn 21 Biệt Động Quân vẫn im hơi lặng tiếng, mà chiến trường mỗi lúc càng quyết liệt hơn, cho đến khi người ta biết rằng đơn vị Biệt Động Quân tiến vào thị xã sáng nay là chỉ để giải cứu gia đình vợ con của Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã. Tin này quả thật là một tác động tâm lý, không những làm cho các đơn vị tham chiến mà cả toàn thị xã có cảm nghĩ Ban Mê Thuột đã bị bỏ rơi. Tuy nhiên với tinh thần và trách nhiệm của một người lính, các đơn vị có mặt tại thị xã vẫn anh dũng chiến đấu với niềm tin lực lượng tổng trừ bị, và đặc biệt là hai Trung đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ được gởi đến.
 
ĐÊM KINH HOÀNG
Từ 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3/1975, bộ đội cộng quân bắt đầu chia thành từng toán nhỏ lục soát khắp cùng các khu phố và những điểm tập trung của người chạy loạn như chùa Khải Đoan, trường Bồ Đề, trường Tàu ở đường Y-Jút. Họ thanh lọc dân chúng, bắt đi những thanh niên nam nữ, và truy lùng các viên chức chính phủ, sĩ quan và binh lính.
Khắp cùng các ngõ phố, bọn đặc công và du côn, thi nhau lập công, đập phá các cửa tiệm, dinh thự, tư gia, những nơi mà họ cho là có kẻ thù ẩn trốn, là Việt gian, phản động, làm việc cho Mỹ-Ngụy, hoặc có nợ máu với nhân dân. Chúng thi nhau lục soát các trường học, nhà thờ, bức tượng ở nhà thờ quân đội, cạnh trường Hưng Đức cũng bị chúng đập nát, đồng thời lùng bắt những người có thù hằn với chúng, và lôi đốt hết các loại sách báo, giáo khoa, tự điển, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những ấn phẩm viết bằng tiếng ngoại quốc như Anh văn, Pháp văn. Một lần nữa, ngọn lửa tượng trưng cho sự hủy diệt lại bùng lên khắp cùng thị xã. Cảnh hôi của, hôi người, trả thù cá nhân lan tràn khắp nơi. Thành phố bây giờ là một xã hội không tổ chức, không luật pháp, và tai họa thảm khốc đã diễn ra khắp cùng các ngõ phố. Những hình phạt dã man thời tiền sử đã được đem ra thực hiện. Hình ảnh của chết chóc và khủng bố đang bao trùm lên thị xã nhỏ bé này và đè nặng xuống tâm hồn mỗi dân đinh của toàn thành phố.
Sự ngu dốt của kẻ chiến thắng, hay sự dã man và thiếu trình độ của cấp lãnh đạo chính là tai họa và thảm trạng tàn khốc cho một xã hội. Xã hội miền Nam, và dân trí của nền Cộng Hòa miền Nam đã có một trình độ văn hóa và kỹ thuật cách xa gấp bội so với miền Bắc, nên bộ đội cộng quân, sau khi đã kiểm soát toàn thị xã, lập tức đi dò tìm những “đài địch”, và đã dùng súng B-40, B-41, hoặc đại bác 100ly trang bị trên chiến xa T-54 bắn vào các tư gia có trụ ăng ten trên nóc nhà, vì họ cho rằng đó là vị trí đặt các máy truyền tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà các trụ ăng ten TV là những “đài địch” ấy đã có khắp trong toàn thị xã. Thảm thương thay cho thành phố Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này. Trong đêm này, không biết có bao nhiêu gia đình tan hoang, bao nhiêu người bị chết oan, đánh đập, hoặc bị đấu tố mang thương tích hay tàn khuyết, mà vợ con, thân nhân, bạn bè chỉ đứng nhìn mà không dám kêu van. Máu và lệ đã đổ, nhưng không chảy ra từ khóe mắt, mà lại tuôn ngược vào lòng. Trời ở quá cao mà Phật cũng rất xa, nên con người đã là chủ của con người trong đêm nay, với đầy đủ quyền uy và hung dữ. Đêm kinh hoàng, đêm của địa ngục và Sa-Tăng.
Nhưng cái quan trọng của những kẻ chiến thắng không phải là những thứ đó. Cái quan trọng đối với kẻ chiến thắng trong cuộc chiến 20 chọi 1 này là vơ vét tất cả những gì họ có thể vơ vét: Kho dự trữ lương thực trung ương, nằm trên đường Tự Do, Kho Quân Nhu, Quân Cụ, dụng cụ y khoa và dược phẩm, thuốc men của các bệnh viện như Quân Y Viện, Dân Y Viện, Trạm xá, nhà hộ sinh, các cửa tiệm thuốc Tây, các đại lý gạo, cửa hàng bách hóa của tư nhân trong toàn thành phố…
Suốt đêm, người ta nhìn thấy những đoàn Molotova chở đầy hàng hóa vật dụng của thành phố đi về hướng Bandon, phía Tây thị xã.
 
NHỮNG PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH
Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh gồm hai đại đội và một số các phòng ban chuyên môn, trong đó có đại đội tổng hành dinh, chuyên trách về hành chánh và ẩm thực. Lực lượng chủ chốt là các Trung đoàn 44 và 45 đang hành quân vùng PleiKu. Trung đoàn 53 chỉ có hai Tiểu đoàn ở Ban Mê Thuột , và một trung đội Pháo Binh 105ly, nhưng một Tiểu đoàn lại đã điều động lên giải tỏa Quận Đức Lập, một quận vừa bị cộng quân tràn ngập vào sáng Chủ Nhật ngày 9 tháng 3/1975. Tiểu đoàn còn lại phòng thủ Phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột về phía Đông Đông-Bắc 7Km. Cho đến 8 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, đơn vị quân lực còn có mặt tại thị xã Ban Mê Thuột chỉ là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, cộng quân biết rõ điều này, và càng hiểu rằng Trung đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ trở về chiếm lại giang sơn của họ. Và đặc biệt là Liên đoàn 21 Biệt Động Quân đang có mặt ngoài vòng đai thị xã ở cửa Bắc, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân được đổ xuống Buôn Hô, một quận cách thị xã Ban Mê Thuột 35Km về hướng Bắc lúc 4 giờ 30 chiều ngày 10 tháng 3/1975. Đến 9 giờ tối cùng ngày đã tiến sát vào vòng đai thị xã, nhưng chưa chọc thủng được vòng vây của cộng quân. Tiểu Khu Darlac lúc bấy giờ đã rút ra khỏi thị xã. Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 cố thủ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh, nên không có được một đơn vị nào làm đầu cầu cho Liên đoàn 21 Biệt Động Quân tiến vào thị xã.
Điểm đáng tiếc là 10 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, đơn vị tiền sát của Liên đoàn đã đột nhập thị xã, di tản gia đình tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã, nhưng lại không được lệnh ở lại làm điểm tựa cho Liên đoàn 21 Biệt Động Quân đến giải cứu thị xã sau này. Từ 6 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 3/1975, cộng quân đã bố trí xong lực lượng thắt chặt vòng vây hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, và thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100ly trang bị trên chiến xa T-54, bắn trực xạ, đại bác 130ly, hỏa tiễn 122ly từ hướng Bandon dồn dập đổ xuống Bộ Tư Lệnh Sư đoàn. Đồng thời, chiến xa và bộ đội cộng quân dàn hàng ngang tấn công bốn mặt vòng đai Bộ Tư Lệnh. Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh đã chống trả quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công, và đánh cận chiến với quân thù.
10 giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy.
10 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, một đoạn hệ thống công sự ở mặt Tây và phía Nam Bộ Tư Lệnh đã bị chọc thủng. Cộng quân và chiến xa tràn vào hậu cứ Sư đoàn 23 Bộ Binh như nước vỡ bờ. Đại tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư đoàn, Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, mở đường máu đem đơn vị thoát khỏi hậu cứ, bỏ lại Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đinh trong một tình huống vô cùng bi thảm. Ban Mê Thuột lâm chung. Sáu mươi ngàn dân như một đàn gà con mất mẹ. Đêm đen phủ xuống thành phố này cùng với nỗi hãi hùng và tuyệt vọng mênh mông.
Thị xã Ban Mê Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay cộng quân từ chiều ngày 10 tháng 3/1975, và đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh rút khỏi thị xã này lúc 10 giờ 38 phút ngày 11 tháng 3/1975.
 
TRUNG ĐOÀN 53/SƯ ĐOÀN 23 BB CƯƠNG QUYẾT BẢO VỆ PHI TRƯỜNG PHỤNG DỰC
Sưu tầm.

Saturday, March 16, 2024

Nữ Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ gốc Việt Elizabeth Phạm được thăng cấp Đại Tá

Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Elizabeth Phạm (hình của nguoi-viet.com).
Theo thông báo từ trang nhà marines.mil/News/Messages – OFFICER PROMOTIONS FOR MARCH 2024 AND PROJECTED OFFICER PROMOTIONS FOR APRIL 2024, nữ Trung tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Elizabeth Phạm (TQLC) đã được chính thức thăng cấp Đại tá ngày 26 tháng 2 năm 2024. Trung tá Elizabeth Phạm được đề cử thăng cấp Đại tá hồi tháng 11 năm 2023 cho tài khoá ( YF25 ), Trung tá Elizabeth Phạm là 1 trong 144 Trung tá TQLC được đề cử thăng cấp Đại tá và đã được Uỷ ban quân vụ Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ bầu chọn ngày 30 tháng 11 năm 2023.

Đại tá Elizabeth Phạm là nữ phi công gốc Việt đầu tiên bay chiến đấu cơ F-18 của Không quân thủy quân lục chiến, cô là phụ nũ gốc Việt thứ hai mang cấp đại tá TQLC Hoa Kỳ, trước cô là đại tá TQLC Ly T. Fecteau nay đã hồi hưu. Đặc biệt, phu quân của Elizabeth Phạm cũng mang cấp bậc Trung tá cùng phục vụ trong quân chủng TQLC.

Elizabeth Phạm sinh năm 1978, cô tốt nghiệp đại học University of San Diego. Sau đó cô thụ huấn tại trường sĩ quan TQLC, và được tuyển chọn thụ huấn ngành phi công TQLC trở thành phi công chiến đấu cơ F-18. Cô đã từng phục vụ trong các Phi đoàn chiến đấu cơ F-18 của Không quân TQLC vùng Thái Bình Dương. Từ năm 2006 đến năm 2008, cô đã bay 130 phi vụ yểm trợ tiếp cận, yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến TQLC tại chiến trường Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq. Sau đó cô được thuyên chuyển về phục vụ tại bộ quốc phòng trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Các nhiệm sở tiếp theo, cô phục vụ trong một phi đoàn chiến đấu cơ F-18 TQLC tại Nhật Bản, và đơn vị không quân TQLC tại căn cứ Camp Pendleton, San Diego.

Từ năm 2022-2023, Trung tá Elizabeth Phạm tu nghiệp tại trường đại học hải chiến hải quân Hoa Kỳ (United States Naval War College), niên khoá 2022-2023.
 
Đại tá Elizabeth Phạm và các nam nữ phi công TQLC Hoa Kỳ (hình chụp khi còn mang cấp Đại uý của media.defense.gov).

Đại tá Elizabeth Phạm được thăng cấp Thiếu tá năm 2011, Trung tá năm 2019. Trong suốt thời gian phục vụ TQLC, cô được ân thưởng nhiều loại huy chương cao quý của TQLC và hải quân Hoa Kỳ. Tháng 6 năm 2023, cô thắng giải thưởng danh dự nghiên cứu AFCEA về đề tài: “Khám phá hệ thống vũ khí an ninh mạng xã hội: Phòng thủ chống lại ‘Vũ khí thuyết phục đại chúng’” của Trung Quốc”, từ giải thưởng học thuật cho niên khoá 2022–2023 của đại học hải chiến hải quân Hoa Kỳ (United States Naval War College).

Theo hệ thống thăng cấp sĩ quan Hoa Kỳ (Military Commissioned Officer Promotion), thì sau 3 năm mang cấp Trung tá, khoảng 50% sĩ quan Trung tá sẽ được thăng cấp Đại tá. Và cũng theo Defense Primer: Military Officers – Updated November 23, 2022, thì TQLC Hoa Kỳ có 1950 Trung tá và 655 Đại tá.

Sĩ quan gốc Việt phục vụ trong quân chủng TQLC hiện nay gồm có (không tính sĩ quan cấp Trung uý và Thiếu uý): 1 Thiếu tướng, 4 đại tá, 7 Trung tá (không tính 5 vị hồi hưu), 26 Thiếu tá và khoảng 40 Đại úy.

Cho đến nay vẫn chưa có phụ nữ gốc Việt mang cấp Tướng trong quân đội Hoa Kỳ, nhưng có một số vị nữ công chức cao cấp liên bang Hoa Kỳ (Senior Executive Service) gốc Việt đang phục vụ trong các ngành an ninh và quốc phòng Hoa Kỳ như bà Giao Phan; bà Dương Nguyệt Ánh, và một số phụ nữ khác đang phục vụ tại các bộ sở liên bang Hoa Kỳ. Ngạch công chức cao cấp liên bang Hoa Kỳ (SES) tương đương với cấp tướng trong quân đội Hoa Kỳ, tuỳ theo thứ bậc ngạch thâm niên của họ. Họ đảm nhận những chức vị quan trọng trong quân đội như những vị Tướng, như trường hop của bà Giao Phan hiện nay là cấp chỉ huy thứ hai trong Bộ tư lệnh kỹ thuật hàng hải hải quân Hoa Kỳ (NAVSEA), vị trí của bà chỉ sau Phó đô đốc James P. Downey.

Chúng ta hy vọng sẽ có phụ nữ gốc Việt mang cấp tướng quân đội Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới như một số phụ nữ gốc Hoa, Hàn, Nhật, Phi Luật Tân và các quốc gia Á châu-Thái Bình Dương mang cấp tướng trong quân đội Hoa Kỳ theo tài liệu tham khảo*.

Chúc tân Đại tá Elizabeth Phạm thăng tiến trên đường binh nghiệp.

Nguyễn Quân

Phụng Dực – trận đánh để đời .
Ban Mê Thuột – 3/1975 .
Tiểu Đoàn 3-Trung Đoàn 53, Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại phi trường Phụng Dực.

Phụng Dực là tên của phi trường chính Ban Mê Thuột, nằm cách thị xã khoảng 7 km, trên đường đi Trung Hòa, Kim Châu, Lạc Thiện…
Phi trường được thành lập năm 1951 để có thể tiếp nhận các phi cơ cỡ lớn, với tên gọi phi trường Ban Mê Thuột.
Trước đó, người Pháp có lập một phi trường với phi đạo ngắn dành cho phi cơ nhỏ, nằm ngay bên trung tâm thị xã, nối với cây số ba, phục vụ cho các ông chủ đồn điền và quan chức, được đặt tên là phi trường Lạc Giao, sau này dành cho trực thăng và phi cơ thám thính nên gọi là phi trường L19.
Thời ấy, cao nguyên còn nhiều thú hoang, cọp, voi, tê giác, trâu rừng (min), cá sấu, chim phượng hoàng… còn đầy dẫy, người dân sống quanh phi trường Ban Mê Thuột đều biết hàng đàn chim phượng hoàng mỏ cứng mấy chục con ngày nào cũng quanh quẩn kiếm ăn gần phi trường, chúng dạn dĩ đến nỗi người đến đuổi cũng không sợ, chỉ chao lên mấy bước lại đáp xuống gần đó trên phi đạo.
Năm 1957, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến khai mạc hội chợ Ban Mê Thuột, khi máy bay hạ cánh xuống phi trường, ông thấy một đàn chim lớn bay lên. Tổng Thống Diệm hỏi chúng là loài chim gì mà to lớn thế,
– Dạ thưa , chim phượng hoàng.
– À, chim phụng, chim phụng bay lên, vậy thì đặt tên phi trường này là “phụng dực.”
 
Phi trường mang tên Phụng Dực là từ đó.
Trung Đoàn 53 BB đến đóng quân tại B50 gần bên phi trường Phụng Dực vào đầu tháng 3 năm 1975, Đây là một căn cứ có chu vi trên một cây số, trước đây là một trại lực lượng đặc biệt của Mỹ nên công sự được xây cất rất kiên cố, có tất cả 11 hầm đủ sức chịu đựng được đạn pháo 130 ly, xung quanh có xếp bao cát cao làm thành những ụ chiến đấu cá nhân. Ngoài xa là một vòng đai hàng rào kẽm gai nhiều lớp bao bọc.
Thực ra trung đoàn đến Phụng Dực để dưỡng quân sau trận Dak Song dữ dội vùng biên giới Việt-Miên gần Đức Lập. Tại đây luân phiên chỉ một tiểu đoàn trấn đóng cùng bộ chỉ huy trung đoàn, hai tiểu đoàn khác phải hành quân bảo vệ lãnh thổ, chống lại các cuộc tấn công giành dân lấn đất liên tục của cộng quân, dù hai bên đã ký hiệp định đình chiến Paris ngày 27 tháng 1, 1973.
Chiến sự bắt đấu quyết liệt suốt 7 ngày đêm cố thủ Căn cứ B-50 Phi Trường Phụng Duc - Ban Mê Thuột DakLak .
Trưa ngày 10 tháng 3, 1975 cùng lúc với trận cường tập vào thị xã Ban Mê Thuột , Trung Đoàn 25 chính qui CS tấn công Phụng Dực, nhưng Trung Tá Võ Ân, trung đoàn trưởng 53 BB, chỉ với một tiểu đoàn 3/53, nhờ các công sự vững chắc, đã chống trả rất anh dũng các đợt tấn công bằng xe tăng T54, đại pháo 122 ly và 130 ly của địch, cộng quân đã bị đánh bại phải rút lui bỏ lại trận địa gần 200 xác, 4 chiếc T54 bị cháy cùng nhiều vũ khí.
Ngày 12 tháng 3, Sư Đoàn 320 CS củng cố xong vị trí chiếm được tại thị xã Ban Mê Thuột, bắt đầu tiếp tục tấn công vào phi trường Phụng Dực. Trung Tá Võ Ân ban lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược, anh ra lệnh cho thu nhặt súng đạn B40, B41 của địch, bắn cháy thêm nhiều chiến xa của Cộng quân.
Ngày 14 tháng 3, trong lúc bay chiếc phi cơ nhỏ U 17 để trực tiếp điều quân, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú qua máy truyền tin liên lạc, đã thông báo đặc cách mặt trận cho anh lên đại tá, vị đại tá duy nhất của các sĩ quan khóa 12 Thủ Đức.
Ngày 15 tháng 3, địch tung thêm Sư Đoàn 316 CS vào trận địa, chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng, dứt điểm tuyến phòng thủ đã tơi tả của Trung Đoàn 53. Đại Tá Võ Ân cùng đồng đội vẫn không nao núng, đánh một trận thật đẹp để đời.
Đến khi phi vụ thả dù tiếp tế cuối cùng vì phòng không địch quá rát, đã thả từ độ cao rất lớn, rơi quá xa vị trí, đến tận hồ trung tâm thực nghiệm, lương thực và đạn dược đều đã cạn kiệt. Cùng lúc có lệnh từ sư đoàn, buộc đơn vị rời khỏi căn cứ. Những chiến sĩ Trung Đoàn 53 đành phân tán trong bóng đêm, bỏ lại sau lưng trận chiến anh hùng trong lịch sử Ban Mê Thuột - DakLak .
 
MỘT PHÚT MẶC NIỆM CHO ANH HÙNG ĐẠI TÁ VÕ ÂN VÀ CÁC CHIẾN SĨ QLVNCH VỊ QUỐC VONG THÂN . HY SINH VÌ QUỐC GIA DÂN TỘC VIỆT NAM .
Ngày thứ hai của cuộc tấn công 11-3-1975 , quân CS tung ra sư đoàn tổng trừ bị 316 vào mặt trận với ý định tiêu diệt Trung Đoàn 53 bộ binh VNCH . Cuộc tấn công này diễn ra từ lúc sáng sớm , với lực lượng CS đông hơn gấp 10 lần so với quân trấn thủ VNCH , cùng với xe tăng và pháo kích rất dữ dội . Khoảng hai giờ đầu giao tranh trung đoàn 53 đã báo cáo bị thiệt hại rất nặng .
Lúc 7 giờ 45 sáng 11-3-1975 , bên ngoài bản doanh tư lệnh Mặt Trận Ban Mê Thuột có tới 10 xe tăng T-54 bắn thẳng vào bản doanh của sư đoàn 23 BB .<BR/. Tình hình mặt trận Ban Mê Thuột rất nguy ngập .
Khoảng 7 giờ 55 sáng , hai oanh tạc cơ A-37 của không quân VNCH từ Nha Trang thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân xuất hiện , bắt đầu tấn công các xe tăng quân CS xung quanh vành đai phòng thủ bản doanh sư đoàn 23 BB .
Ngay phút đầu tiên , phi tuần Ạ-37 đã bắn hạ 3 xe tăng của quân CS đang bao vây .
Nhưng đến 5 phút sau , vào 8 giờ sáng thì hai trái bom của phi tuần ấy lại thả trúng vào hầm bộ tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột của sư đoàn 23 , và bộ chỉ huy truyền tin của mặt trận DakLak .
Điều bất hạnh và bất ngờ này đã tiêu hủy mọi thứ máy vô tuyến tầm xa của bộ tư lệnh sư đoàn 23 BB .
Kể từ phút ấy , bộ tư lệnh Quân Đoàn 2 tại PleiKu hoàn toàn mất liên lạc với cuộc chiến đấu của Quân Lực VNCH tại thị xã Ban Mê Thuột .
Đến trưa ngày 11-3-1975 , quân CS tràn ngập phần còn lại của bản doanh sư đoàn 23 Bộ Binh VNCH và có khá nhiều sĩ quan VNCH bị bắt sống tại mặt trận .
Giờ đây chỉ còn đơn độc Trung Đoàn 53 - Sư Đoàn 23 BB dưới sự chỉ huy của Trung Đoàn Trưởng-Trung Tá Võ Ân - Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức - Khóa 12 ,đã chiến đấu dũng mãnh và bất khuất bên trong những đống gạch đổ nát của mặt trận Ban Mê Thuột , để bảo vệ phòng tuyến sân bay Phụng Dực căn cứ B-50 : 7Km phía đông -đông bắc thị xã Ban Mê Thuột -DakLak .
Sau khi bị Trung Đoàn 53 gây thiệt hại nặng nề tại trận , quân CS để lại trên 300 xác bộ đội nằm rải rác trên tuyến phòng thủ Phụng Dực. Sư đoàn 320 CS đã rút lui về tuyến sau và sư đoàn 316 CS được thay thế .
Trận đánh đẫm máu diễn ra từ 5 giờ sáng ngày 11-3-1975 . Trong 45 phút đầu , các binh sĩ của Trung Đoàn 53 bị tê liệt trong các chiến hào vì trận mưa pháo dọn đường của hàng loạt đại bác 130 ly .Trong không khí mù mịt vì khói của đạn đại bác , quân CS mở cuộc xung phong tràn ngập . Trung Đoàn 53 bắn gục rất nhiều quân CS của sư đoàn 316 , nhưng bộ đội CS vẫn tiếp tục nhào tới hết lớp này tới lớp khác . Trận chiến kinh khủng này kéo dài tới 160 phút. Số thương vong của Trung Đoàn 53 lên tới gần 200 binh sĩ VNCH .Đến lúc này , Trung Đoàn 53 VNCH chỉ còn hơn 500 binh sĩ , nhưng họ tiếp tục chiến đấu , mặc dầu không được yểm trợ hỏa lực , không được thay thế và không được nghỉ ngơi .Họ đã chiến đấu đầy đủ 24 giờ một ngày,và các binh sĩ của Trung Đoàn 53 đã phải sử dụng ngay cả súng đạn chiếm được của quân CS trong ngày giao tranh đầu tiên để đánh trả, để đối đầu với cả ngàn bộ đội CS đang sung sức và khí thế của những kẻ vừa chiếm được Ban Mê Thuột , và mỗi một binh sĩ Trung Đoàn 53 nằm xuống thì không hy vọng một binh sĩ nào ở phía sau đến thay thế .
Ngày 17-3-1975 , lúc 7 giờ 40 sáng quân CS dùng pháo binh 130 ly và 122 ly bắn chuẩn bị hàng ngàn trái đại bác vào vị trí phòng thủ của các binh sĩ Trung Đoàn 53 Bộ Binh . Trời đất tưởng như rung chuyển vì sức nổ của hàng loạt đại bác tác xạ cự ly gần . Sau hơn một giờ nã pháo dữ dội , quân CS đưa hàng đoàn xe tăng T-54 tiến tới , cày nát phi đạo của sân bay Phụng Dực. Các chiến sĩ anh hùng của Trung Đoàn 53 tiếp tục chống cự đến viên đạn cuối cùng ,sau khi phi vụ tiếp viện cuối cùng thả ra ngoài vành đai phòng thủ của căn cứ B-50-Phụng Dực.
Đến 11 giờ 30 sáng ngày 17-3-1975 tiếng súng im tại mặt trận sân bay Phụng Dực, trong khói bụi mịt mù ...Trung Đoàn 53 , hình như không còn một quân nhân nào sống sót sau trận tấn công man rợ này. Không ai tìm được những binh sĩ nào còn sống sót hoặc bị thương của Trung Đoàn 53 . Dường như họ đã tan vào lòng đất Mẹ Việt Nam rồi .
Nhưng bất ngờ ngày 19-3-1975 , 16 quân nhân còn sống sót của Trung Đoàn 53 - Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã băng rừng núi về được tới sân bay Phước An , cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng 30 Km về phía đông nằm cạnh Quốc Lộ 21 theo hướng Tây - Đông , nơi đây Quân Lực VNCH vẫn còn kiểm soát được tình hình . Các chiến sĩ của Trung Đoàn 53 - Sư Đoàn 23 BB đã tiếp tục nhận nhiệm vụ chiến đấu , trong cuộc phản công chống trả quân CS trên QL 21 .
Mang trên vai Trách Nhiệm là chiến đấu cho Danh Dự của Quân Lực VNCH , các chiến sĩ còn lại của Trung Đoàn 53 - Sư Đoàn 23 BB tiếp tục chiến đấu chống trả Sư Đoàn 10 CS trong cuộc phản công tái chiếm thị xã Ban Mê Thuột .Sau đó Trung Tá Võ Ân được vinh thăng Đại Tá . Đến những ngày giữa tháng 4.1975 Đại Tá Võ Ân được giao trách nhiệm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 47 thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh tái trang bị , do Thiếu Tướng Phan Đình Niệm làm tư lệnh , trực thuộc Quân Đoàn 3 . Đại Tá Võ Ân vẫn tiếp tục hành quân , chiến đấu những ngày cuối cùng trên khu vực Bến Lức tỉnh Long An ./.
Sưu tầm.

 

Chương trình Phụng Hoàng của Mỹ tại Nam Việt Nam. Nguồn: Edward Miller, “Behind the Phoenix Program”,

The New York Times, 29/12/2017.
-Biên dịch: Phan Nguyên
Vào cuối tháng 12/1967, Chính phủ Nam Việt Nam tuyên bố tái tổ chức nỗ lực chiến tranh của mình nhằm chống lại phong trào nổi dậy của lực lượng cộng sản. Có hiệu lực ngay lập tức, tất cả các hoạt động chống nổi dậy của Nam Việt Nam đều trở thành một phần của một chương trình mới được gọi là Phụng Hoàng, tên của một loài chim linh thiêng gắn liền với hoàng gia và quyền lực trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Đáp lại động thái của Nam Việt Nam, các quan chức Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu gọi các nỗ lực phối hợp chống nổi dậy của họ với tên gọi Phoenix, tên gọi gần gũi nhất trong văn hóa phương Tây với loài vật huyền thoại này.
Chương trình Phụng Hoàng sẽ trở thành một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Được bảo trợ bởi Cục Tình báo Trung ương (CIA), Chương trình Phụng Hoàng sử dụng các lực lượng bán quân sự nhằm tấn công các đặc vụ cộng sản nằm vùng tại các thôn làng khắp Nam Việt Nam. Các nhân chứng cáo buộc rằng các thành viên của chương trình cùng các cố vấn Hoa Kỳ của họ thường xuyên tiến hành tra tấn, sát hại và ám sát, những cáo buộc mà các quan chức Mỹ đã bác bỏ.
Cho tới ngày nay, cuộc tranh luận về Chương trình Phụng Hoàng vẫn tập trung chủ yếu vào vai trò của CIA và các cá nhân người Mỹ trong chương trình này. Nhưng đại bộ phận nhân sự của Chương trình Phụng Hoàng, như binh sĩ, thẩm vấn viên và nhà phân tích, đều là người Việt Nam. Tìm hiểu vai trò của các nhân sự Việt Nam trong chương trình Phụng Hoàng mang lại những góc nhìn khác biệt về nguồn gốc và tầm quan trọng của chương trình này.
Trong tất cả những người Việt Nam đóng góp cho Chương trình Phụng Hoàng, có lẽ nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất là một sĩ quan quân đội Nam Việt Nam tên là Trần Ngọc Châu. Lúc còn trẻ, ông Châu đã đi theo phong trào độc lập Việt Minh và nhà lãnh đạo cuốn hút của phong trào này là Hồ Chí Minh. Ông từ chối gia nhập Đảng Cộng sản của ông Hồ và trở nên khó chịu với việc Việt Minh ngày càng nhấn mạnh đấu tranh giai cấp. Năm 1950, ông đào ngũ sang phía chính phủ chống cộng do Pháp hậu thuẫn.
Ông Châu cuối cùng đã thu hút được sự chú ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm, người giao cho ông làm về chiến lược và chiến thuật chống nổi dậy. Năm 1962, ông Diệm bổ nhiệm ông Châu làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay – ND), một tỉnh lớn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Châu dành phần lớn trong khoảng thời gian 3 năm ở Kiến Hòa để thử nghiệm các phương pháp chống nổi dậy khác nhau.
Ông Châu nhanh chóng nhận thấy chính phủ đối mặt với một số vấn đề liên quan tới nhau ở Kiến Hòa. Tỉnh này được coi là “chiếc nôi của cách mạng” bởi vì các cán bộ Cộng sản đã tổ chức một trong những cuộc nổi dậy địa phương đầu tiên chống lại Diệm tại một trong những huyện của tỉnh này vào năm 1960. Hơn nữa, ông Châu sau này hồi tưởng lại rằng hệ thống tình báo của chính phủ “như một trò đùa” bởi vì nó phụ thuộc vào những người cung cấp tin đã làm cho nhà nước trong nhiều năm và thường được cung cấp tin giả bởi kẻ thù. Do đó, các lực lượng chính phủ tại Kiến Hòa thường không biết những người nổi dậy là ai và họ đang hoạt động tại đâu. Thay vì tiến hành các chiến dịch có mục tiêu chọn lọc dựa trên các thông tin tình báo chính xác, các chỉ huy thường sử dụng các chiến dịch hỏa lực mạnh làm chết hoặc bị thương người dân địa phương. Dân làng càng trở nên tức giận hơn bởi các quan chức và sĩ quan cảnh sát địa phương, nhiều người trong số đó rất bất tài, tham nhũng, hoặc cả hai.
Để khắc phục những vấn đề này, ông Châu đã thiết kế nên chương trình Điều tra dân số kết hợp khảo sát ý kiến về các bất bình của người dân (Census – Grievance – sau đây gọi là Chương trình điều tra – khảo sát). Thông qua sáng kiến này, các nhóm cán bộ được phái xuống các thôn làng do chính phủ kiểm soát. Sau khi tiến hành điều tra dân số, các thành viên bắt đầu tiến hành hàng ngày các cuộc phỏng vấn bắt buộc đối với từng người lớn. Các câu hỏi có vẻ như vô thưởng vô phạt, ví dụ như ông bà có nhận thấy điều gì bất thường gần đây không, hay chính phủ có thể làm gì để giúp đỡ ông bà và gia đình. Các câu hỏi này một phần là nhằm tạo điều kiện cho người dân nêu lên những bất bình về các quan chức địa phương tham nhũng, những người mà ông Châu sau đó có thể kỷ luật hoặc cách chức. Nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm thu thập thêm các thông tin chính xác hơn về kẻ thù.
Sáng tạo thứ hai của ông Châu là việc tạo ra cái mà ông gọi là các Đội chống Khủng bố, tiền thân của Chương trình Phụng Hoàng. Được thành lập với sự hỗ trợ từ CIA, các đội nhóm này bao gồm các nhóm nhỏ nhân viên được huấn luyện để tiến hành các chiến dịch bí mật trong các vùng lãnh thổ do kẻ thù kiểm soát. Khi ông Châu nhận được tin tức tình báo về nhân dạng và vị trí của các đặc vụ kẻ thù, ông liền cử Đội chống Khủng bố tới giết hoặc bắt sống họ. Theo cách này, ông Châu và các đối tác CIA hy vọng có thể làm tiêu hao và tiêu diệt những gì mà sau này họ gọi là cấu trúc Việt cộng, tức mạng lưới các cán bộ và đặc vụ cộng sản nằm vùng trong dân cư nông thôn.

Ông Châu nhận thức rất rõ rằng các phương pháp của mình rất dễ bị lạm dụng. Một chủ doanh nghiệp bất lương trong làng có thể lợi dụng chương trình Điều tra – khảo sát để thuyết phục chính phủ rằng đối thủ địa phương của mình là một người cộng sản. Và các thành viên của Đội chống Khủng bố nếu không được huấn luyện và giám sát kỹ lưỡng có thể cảm thấy và hành động như thể họ được phép tiến hành giết người. Nhằm chống lại những vấn đề như vậy, ông Châu đã bổ nhiệm các thanh tra viên để điều tra các báo cáo về các sai phạm của cán bộ, quan chức. Ông cũng tuyên bố rằng việc sử dụng các lực lượng sát thủ sẽ chỉ là phương thức cuối cùng, chỉ được áp dụng sau khi các nỗ lực nhằm thuyết phục các đặc vụ của kẻ thù đào ngũ sang phe Chính phủ thất bại.

Mặc dù ông Châu nói tiếng Anh với giọng nặng nhưng ông có thể trình bày các ý tưởng của mình về chống nổi dậy theo một phương thức đơn giản và dễ hiểu, khiến cho ông trở nên nổi tiếng với các cố vấn Hoa Kỳ. Daniel Ellsberg, nhà phân tích của Công ty RAND mà sau này trở thành một nhà hoạt động phản chiến, đã gặp ông Châu khoảng giữa những năm 1960 và coi ông là chuyên gia Việt Nam hàng đầu về quy trình bình định hóa. Ông Châu cũng tương tác và làm việc với John Paul Vann, William Colby, Edward Lansdale và những nhân vật tiêu biểu khác trong đội ngũ chống nổi dậy của Hoa Kỳ. Những người Mỹ này đặc biệt thích việc ông Châu khẳng định rằng có thể tiến hành chống nổi dậy theo một phương thức nhân văn, có đạo đức, và làm giảm các thiệt hại không mong muốn đối với sinh mạng và tài sản của thường dân.

Nhờ một phần vào sự hỗ trợ của các bạn bè Hoa Kỳ, ông Châu đã được bổ nhiệm vào cuối năm 1965 làm lãnh đạo một chương trình huấn luyện chống nổi dậy mới dành cho cán bộ Nam Việt Nam. Sự đề bạt của ông là một phần trong nỗ lực của CIA nhằm thiết kế một chiến lược chống nổi dậy trên cả nước dành cho Nam Việt Nam, những nỗ lực mà cuối cùng dẫn tới sự hình thành Chương trình Phụng Hoàng. Trong quá trình thiết kế Chương trình Phụng Hoàng, các quan chức CIA đã đưa vào các ý tưởng của chương trình Điều tra – Khảo sát nhằm thu thập thông tin tình báo từ dân làng. Ảnh hưởng của ông Châu cũng rất rõ ràng trong bộ phận sau này trở thành phần gây tranh cãi nhất của Chương trình Phụng Hoàng, đó là các biệt đội chống khủng bố tinh nhuệ được gọi là các Đơn vị Thám sát Tỉnh (PRU). Được tuyển mộ và huấn luyện bởi CIA, các đơn vị này tiến hành hàng chục nghìn vụ “bắt và giết” các đặc vụ của kẻ thù từ năm 1968 tới năm 1972.

Tuy nhiên, có phần bất ngờ khi ông Châu không thực sự tham gia vào việc thiết kế hay thực hiện Chương trình Phụng Hoàng. Với tư cách là người đứng đầu của chương trình đào tạo cán bộ quốc gia Nam Việt Nam, ông sớm trở nên thất vọng với tình trạng đấu đá chính trị bất tận giữa các lãnh đạo cấp cao. Năm 1967, ông Châu rời bỏ vị trí chính thức của mình và giành được một ghế dân biểu trong Quốc hội Nam Việt Nam.

Sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông Châu bắt đầu kêu gọi một giải pháp thương lượng dành cho cuộc chiến. Điều này khiến ông trở thành kẻ thù của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người cho bắt giam, xét xử và tống giam ông về tội phản quốc. Ông sống phần thời gian còn lại của cuộc chiến trong tù hoặc trong tình trạng quản thúc tại gia. Sau chiến thắng của miền Bắc năm 1975, ông bị tống giam một lần nữa, lần này là trong một trại cải tạo của cộng sản. Ông được cho ra tù năm 1978 và di cư sang Mỹ cùng với gia đình.

Trong những thập niên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông Châu và những người Mỹ ủng hộ ông đã than phiền rằng việc ông bị hạ bệ vừa là một sự phản bội vừa là một cơ hội bị bỏ lỡ. Theo quan điểm của họ, ông Châu đã thiết kế nên một công thức chống nổi dậy có hiệu quả: Bằng cách lôi kéo người dân địa phương ở Kiến Hòa tham dự thông qua các chương trình Điều tra – khảo sát, ông đã giành được trái tim và lý trí của họ trong khi vẫn có thể tiếp tục thu thập được các thông tin tình báo mà các Đội chống Khủng bố sử dụng để truy tìm các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Tuy nhiên, ông Châu cũng tin rằng lãnh đạo cấp cao của CIA đã không thể hiểu được những thành tố cốt lõi trong cách tiếp cận của ông.

Mặc dù Chương trình Phụng Hoàng vay mượn một số khía cạnh của mô hình Kiến Hòa, ông kết luận rằng nó quá nhấn mạnh sử dụng vũ lực và không coi trọng việc huy động người dân. Kết quả là ông Châu và các bạn bè người Mỹ của ông coi Chương trình Phụng Hoàng như là một sự “suy đồi hóa” các ý tưởng ban đầu của ông Châu. Ông Châu đã trình bày cách diễn giải này trong các cuộc phỏng vấn, trong cuốn hồi ký bằng tiếng Anh xuất bản năm 2012 của ông, và trong bộ phim tài liệu gần đây The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick.

Nhưng ông Châu đã thực sự đạt được những thành tựu gì ở Kiến Hòa? Những người ủng hộ ông thường dẫn các số liệu chính thức để chứng minh cho thành công của ông: Trong năm đầu tiên ông làm tỉnh trưởng, ước tính số dân thường sống trong vùng chính phủ kiểm soát của tỉnh đã tăng từ 80.000 lên 220.000 trong tổng dân số khoảng hơn nửa triệu người. Tuy nhiên, chính ông Châu cũng thường nói rằng những thành tựu đó ít có ý nghĩa nếu người dân địa phương không ủng hộ chính phủ và các tuyên bố của chính phủ về đảm bảo chủ quyền quốc gia – một nhiệm vụ tỏ ra quá khó khăn tại Nam Việt Nam trong thời kỳ giữa những năm 1960. Tính chất ngắn ngủi trong các thành quả của ông Châu đã bộc lộ rõ sau khi ông rời tỉnh Kiến Hòa: lực lượng cộng sản nhanh chóng giành lại phần lớn lãnh thổ và dân cư và họ đã mất.

Thành quả cụ thể nhất của ông Châu tại Kiến Hòa đó là chương trình Điều tra – khảo sát dân cư. Như một sử gia của CIA sau này ghi nhận, chương trình tỏ ra là một công cụ hiệu quả nhằm tạo ra các thông tin tình báo khả dụng về các lực lượng và đặc vụ của kẻ thù. Nhưng hiệu quả của nó bắt nguồn chủ yếu không phải từ việc giành được sự ủng hộ của công chúng là từ việc giám sát họ.

Thực sự, chương trình không chỉ thu thập thông tin tình báo về “cấu trúc Việt Cộng”, nó còn tổng hợp các thông tin chi tiết về mọi cư dân tại từng thôn ấp nơi chương trình được triển khai. Những thông tin này bao gồm dữ liệu về quan hệ họ hàng, các mối liên hệ chính trị, tôn giáo, và cả tình trạng sở hữu tài sản. Như ông Châu thừa nhận, các thông tin này thường được sử dụng để gây áp lực lên các gia đình và toàn bộ cộng đồng buộc họ tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Về khía cạnh này, chương trình ít tích cực và mang nhiều tính cưỡng bức hơn so với những người thúc đẩy nó thừa nhận.

Việc sử dụng các đội chống khủng bố ở Kiến Hòa cũng đôi lần không thể tuân theo các nguyên tắc tốt đẹp mà ông Châu đã đề ra. Bằng cách nhắm vào những cán bộ cộng sản cụ thể để “vô hiệu hóa” họ, chương trình đã làm gia tăng sức ép quân sự và tâm lý lên kẻ thù. Các chỉ huy cộng sản phản ứng lại bằng cách treo thưởng đặc biệt cho bất cứ người nào trong đơn vị của họ có thể tiêu diệt được một thành viên của đội chống khủng bố. Cuộc đấu tranh giữa hai bên nhanh chóng trở thành cuộc nội chiến ở cấp độ cộng đồng mà trong đó lời hứa của ông Châu rằng sẽ chỉ sử dụng vũ lực như là phương tiện cuối cùng thường bị phá vỡ. Khi một tuyên truyền viên cộng sản phân phối các tờ bướm ca ngợi một người bắn tỉa du kích tiêu diệt được một cố vấn quân sự Mỹ ở Kiến Hòa, ông Châu đã ra lệnh cho Đội chống Khủng bố thâm nhập vào thôn do kẻ thù kiểm soát nơi người lính bắn tỉa đang sống. Các thành viên của nhóm đã giết chết người lính bắn tỉa bằng cách tung lựu đạn vào nhà của anh ta trong lúc anh ta đang ngủ.

Những người chỉ trích hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ coi câu chuyện tiêu diệt tay súng bắn tỉa trên như là bằng chứng cho thấy các hoạt động của ông Châu ở Kiến Hòa đơn thuần chỉ là một chương trình ám sát. Ông Châu và những người bảo vệ ông có thể phản bác rằng những hành động giết chóc như vậy là cần thiết và được biện minh bởi việc những người cộng sản sử dụng biện pháp ám sát có chọn lọc, và rằng việc thi thoảng triển khai những chiến thuật như vậy nên được nhìn nhận trong bối cảnh những nỗ lực rộng lớn hơn của ông nhằm giành được trái tim và khối óc của người dân. Nhưng cả hai lập luận này làm giảm ý nghĩa của những thành tố cốt lõi trong chiến tranh chống nổi dậy được tiến hành tại Việt Nam.
Ông Châu không đề xuất đánh bại cộng sản ở Kiến Hòa chỉ bằng cách ám sát họ. Ông tạo ra các đội Điều tra – khảo sát như là một phương tiện để thu hút sự ủng hộ của người dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, quy trình mà ông đề xuất nhằm giành được sự hợp tác của người dân không dựa vào việc giành được sự đồng thuận hay sự tự nguyện tham gia của họ. Các đội Điều tra – khảo sát đã mang lại cho chính phủ một phương thức áp đặt một hệ thống giám sát và kiểm soát lên toàn bộ các cộng đồng dân cư và thu thập các thông tin tình báo từ mỗi người dân. Trong khi ông Châu hy vọng rằng người dân sẽ cung cấp những thông tin tình báo này một cách tự nguyện, mục tiêu bao trùm của ông là thu được thông tin cần thiết để phát hiện và phá hủy các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Hơn nữa, dù việc theo đuổi mục tiêu này bao gồm các nỗ lực nhằm bắt giữ những đặc vụ của kẻ thù hoặc thuyết phục họ đầu hàng, nó cũng bao gồm rất nhiều vũ lực, bao gồm một số vụ ám sát. Trong tất cả những khía cạnh này, mô hình mà ông Châu thiết kế nên tại Kiến Hòa có nhiều điểm tương đồng với Chương trình Phụng Hoàng sau này.

Sự nghiệp của Trần Ngọc Châu chỉ ra một sự thật lớn hơn về hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam về về lịch sử của chiến tranh chống nổi dậy nói chung. Giống như các đối tác người Mỹ của mình, ông Châu đã thúc đẩy cái mà bây giờ được gọi là phương thức chống nổi dậy lấy dân cư làm trung tâm, một cách tiếp cận nhấn mạnh việc bảo vệ và kiểm soát dân cư dân sự. Những người ủng hộ cách tiếp cận này thường mô tả nó như là một phương thức chiến tranh nhân bản, hoàn toàn phù hợp với pháp luật về chiến tranh, và với các lý tưởng tự do của người Mỹ.

Cách tiếp cận của ông Châu rõ ràng ít mang tính hủy diệt hơn so với những chiến thuật mà các chỉ huy Hoa Kỳ và Nam Việt Nam ưa thích, đó là chiến đấu với kẻ thù bằng đạn pháo và các cuộc không kích. Nhưng các phương pháp của ông cũng không hoàn toàn không đổ máu và chiến thắng mà ông muốn đạt được không dựa vào việc giành được trái tim và khối óc của người dân. Thay vào đó, cách tiếp cận của ông dựa rất nhiều vào việc thao túng, cưỡng ép, đe dọa và ám sát. Người Mỹ cần ghi nhớ những điều này khi nghĩ về các cuộc chiến tranh chống nổi dậy mà Mỹ tiếp tục tiến hành ngày nay.

(Edward Miller là phó giáo sư lịch sử tại Dartmouth College và là tác giả cuốn “Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”.)

*****

Đọc thêm về Chương trình Phụng Hoàng qua bài viết của Toàn Như (Phía VNCH)

Chương trình này được sự tham gia của nhiều cơ quan quân sự và dân sự của VNCH mà trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, nhằm vô hiệu hóa các tổ chức hạ tầng cơ sở của Việt Cộng. Chương trình này khởi thủy được phía Mỹ thực hiện từ năm 1967 dưới tên Phoenix Program, và sau đó chính phủ VNCH tiếp nối dưới tên Chương Trình Phượng Hoàng từ tháng 7, 1968, sau khi đã đẩy lui được cuộc tổng tấn công của Cộng Sản trong Tết Mậu Thân.

Trong chiến tranh VN một mạng lưới bí mật và phức tạp của Việt Cộng đã từ lâu tồn tại ở Việt Nam để cố chứng tỏ uy quyền của nó đối với dân chúng qua sự khủng bố và đe dọa. Mạng lưới này được gọi là hạ tầng cơ sở Việt Cộng (HTCSVC) nhằm để cung cấp những sự kiểm soát và chỉ đạo chính trị cũng như quân sự của chúng tại các xã ấp.

Hạ tầng cơ sở Việt Cộng đã cung cấp nơi ẩn náu cho các cán binh xâm nhập đến từ các mật khu ở biên giới, nó cũng cung cấp những sự hướng dẫn cùng những tin tức tình báo cho các tân binh Bắc Việt vào Nam lần đầu tiên; đồng thời nó cũng còn thu thuế, khủng bố và tuyển mộ các thanh niên cho các lực lượng võ trang của nó. Trong năm 1969, quân khủng bố (VC) đã giết hại hơn 6,000 người, trong số đó có 1.200 người đã được chúng lựa chọn để ám sát. Ngoài ra còn có khoảng 15,000 người đã bị chúng gây thương tích. Trong số những người bị giết có khoảng 90 xã trưởng và các viên chức xã, 240 người là trưởng ấp và các viên chức ấp, 229 người là dân tị nạn (từ địa phương khác tới) và 4,350 thường dân.

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1963, sau vụ đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đến khoảng giữa năm 1965 với sự xuất hiện của các tướng lãnh, mọi cố gắng ngăn chặn chiến tranh của Miền Nam Việt Nam dường như đã bị chậm lại bởi sự bất ổn chính trị. Trong khoảng 19 tháng đó, những chương trình bình định xem ra cũng không hoạt động và sự an ninh tại nông thôn lại càng trở nên tồi tệ hơn bởi các HTCSVC đã biết lợi dụng sự bất ổn tại Sài Gòn. Cho đến năm 1965, tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến nỗi các giới chức Mỹ và Việt Nam đã kết luận rằng, mọi cố gắng cho đến lúc đó – bao gồm các chương trình bình định, các cuộc hành quân tiễu trừ phiến Cộng và công cuộc cải tổ Quân Lực VNCH – chưa đủ để làm thất bại các hoạt động của cộng sản.

Tháng 3, 1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson chỉ định ông Robert W. Komer làm phụ tá đặc biệt tại Washington để hướng đẫn, phối hợp và giám sát các chương trình không quân sự (mà ông gọi là một “cuộc chiến tranh khác”).

Ðiều này đã chứng tỏ sự ưu tiên hàng đầu TT Johnson nhắm vào là sự bình định. Sau vài chuyến viếng thăm Việt Nam, Komer đã báo cáo rằng công cuộc bình định đang gặp bế tắc và đã đề nghị lên TT Johnson một số biện pháp để giải quyết. Theo Komer, cách tốt nhất làm suy yếu Việt Cộng là củng cố việc trợ giúp của Mỹ dưới một người quản lý duy nhất có quyền hạn rộng rãi.

Ngày 29 tháng 6, 1967, cơ quan tình báo MACV (tức Bộ Chỉ Huy Quân Sự Mỹ tại Việt Nam) đã tóm tắt một bản nghiên cứu về chiến lược của địch. Bản nghiên cứu đã dựa trên sự phân tích những bản phúc trình các nguồn tin, các báo cáo thẩm vấn và các tài liệu bắt được từ các hồ sơ lưu trữ của Mỹ và QLVNCH. Nó cho thấy HTCSVC là một mối đe dọa cho việc chiến thắng tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, cơ quan tình báo CIA đã đề nghị tất cả các cơ quan tình báo Mỹ phải chú tâm vào việc thu thập các tin tức về HTCSVC ở các tỉnh, quận và Sài Gòn. Phượng Hoàng (Phoenix) (theo người Tây phương, là tên một loại chim trong huyền thoại Ai Cập đã chết đi rồi sống lại từ đống xác tro của nó) đã trở thành một ám danh cho một chương trình nhằm vô hiệu hóa những hoạt động của địch.

Các giới chức tình báo Mỹ đã định nghĩa Phượng Hoàng như một nỗ lực nhằm hệ thống hóa việc phối hợp và khai thác các hoạt động tình báo. Thí dụ như trước khi có kế hoạch Phượng Hoàng, một quận có thể có tới 11 mạng lưới tình báo về phía đồng minh hoạt động riêng rẽ. Một số nhà quan sát đã cho rằng quận hạt đã có số người đưa tin và mật báo viên cho phía đồng minh được trả lương nhiều hơn là số lượng HTCSVC chính qui đã xâm nhập phải theo dõi.

Nhờ có chiến dịch Phượng Hoàng, tính đến tháng 6 năm 1970, đã có 91% trên tổng số 10,944 ấp được coi là an ninh hay tương đối an ninh, và 7.2% đang còn tranh chấp, và chỉ có 1,4% được coi như là do Việt Cộng kiểm soát.

Những con số đó đã chứng tỏ một sự suy giảm ảnh hưởng của HTCSVC.

Không ai biết được đã có bao nhiêu Việt Cộng đã điều hành “cái được gọi” là chính quyền trong bóng tối (tức là chính quyền do Việt Cộng thiết lập trong những vùng nông thôn ở Miền Nam Việt Nam; thường được hiểu là Chính quyền về Ðêm), nhưng vào tháng 12, 1967, khi chương trình Phượng Hoàng được tung ra, người ta ước lượng rằng có khoảng 80,000 cán bộ trong đội ngũ HTCSVC. Ngay trong năm đầu tiên, mặc dù những cuộc tấn công của Cộng Sản trong tháng 2 và tháng 5, 1968 (Tết Mậu Thân) Phượng Hoàng đã loại bỏ gần 16,000 người khỏi những vị trí cơ sở của chúng.

Phượng Hoàng đã phối hợp sử dụng các nguồn tin từ các ủy ban tình báo hỗn hợp của chính quyền các cấp cho tới cấp quận. Các cố vấn Mỹ, kể cả CIA, đã tham dự trong nỗ lực gạn lọc các nguồn tin từ các mật báo viên, các người cho tin, các tù binh và nhiều nguồn khác. Việc triển khai được thực hiện bởi các đơn vị quân sự hay bán quân sự thi hành các nhiệm vụ bí mật với các toán đơn vị nhỏ xâm nhập vào các vùng do Việt Cộng kiểm soát, thường thường vào ban đêm.
 
Lúc ban đầu, Phượng Hoàng đã khuấy động sự nhiệt tình trong các người Mỹ hơn là người Việt Nam. Một sĩ quan chiến trường Mỹ đã nói trong năm 1968 là: “Chúng tôi đã trải qua hàng tháng để đưa ra những kế hoạch, những cố vấn, thiết lập các hồ sơ, các sự an toàn cho các tỉnh và quận – để rồi các bạn đặt tên cho nó – Ðây là một chương trình của người Mỹ chứ không phải là một nỗ lực của chính phủ Việt Nam.” Thế nhưng điều này đã nhanh chóng chuyển đổi.

Trong một tỉnh gần Sài Gòn, dựa vào tin tức tình báo trong khoảng 2 tháng đã đưa đến việc bắt giữ hay ám sát 6 thành viên trong ủy ban HTCSVC cấp tỉnh, 3 thủ lãnh HTCSVC cấp quận, 9 viên chức HTCSVC cấp quận khác và 31 cán binh xã ấp. Các cán bộ đã được huấn luyện, đặc biệt là ở cấp tỉnh, muốn thay thế họ cũng không phải là chuyện dễ.

Tổng Thống Johnson đã ủy nhiệm cho Tướng Westmoreland, tư lệnh MACV, kiểm soát cả hai lãnh vực dân sự và quân sự về bình định, và đồng thời chỉ định Komer làm phó cho Westmoreland đặc trách về bình định. Komer đứng đầu một cơ quan mới thành lập (từ tháng 5, 1967) được đặt tên là Civil Operations and Revolutionary Development Support gọi tắt là CORDS (cơ quan này chúng ta vẫn gọi là Cơ Quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ) để thống nhất các nỗ lực về quân sự và dân sự trên mọi cấp.

Cộng Sản ở Việt Nam đã có nhiều năm kinh nghiệm trong những hoạt động bí mật. Ðể đối phó với loại hoạt động này, chính phủ VNCH sau vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968, cũng đã triển khai một chương trình gọi là Phượng Hoàng (cũng là tên một loài chim trong cổ tích Việt Nam có sức mạnh huyền diệu). Bộ Lục Quân Mỹ đã đệ trình một bản phúc trình lên Thượng Nghị Sĩ William J. Fulbright, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, nói rằng:

“Phượng Hoàng là một kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tập trung và phối hợp mọi nỗ lực của các cơ quan quân sự và dân sự nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC… Phượng Hoàng là một chính sách nhằm bảo vệ dân chúng khỏi sự khủng bố… Nền tảng của chương trình là một cố gắng phối hợp đầy đủ các hoạt động về tình báo của tất cả các cơ quan của chính phủ Việt Nam và của Mỹ nhắm vào các HTCSVC với mục đích muốn vô hiệu hóa những ảnh hưởng và sự kiểm soát của nó (HTCSVC) trên dân chúng.”

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu công bố chương trình này vào ngày 1 tháng 7, 1968, ngay sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vừa chấm dứt. Tuy nhiên ông không nói cho biết rằng Phượng Hoàng chính là sự mở rộng chương trình Phượng Hoàng của Mỹ.

Chính phủ Việt Nam đã qui định những mức độ khác nhau về sự tham gia các hoạt động chính trị của Việt Cộng. Có 3 mức độ tham gia với những hình phạt khác nhau đã được ấn định. Loại A là các đảng viên, các viên chức địa phương hay cán bộ mặt trận quan trọng, sẽ nhận bản án là 2 năm. Loại B là các cán bộ quan trọng ở một trong các ủy ban nòng cốt như thu thuế hay tổ trưởng du kích, sẽ nhận bản án tối thiểu là một năm và tối đa là 2 năm. Loại C hay các cảm tình viên cộng sản nói chung, các cán bộ giao liên hay phụ tá hậu cần, hoặc là thành viên trong một tổ chức bán quân sự, sẽ nhận một bản án không quá một năm. Hầu hết những người loại C thường nhanh chóng được thả.

Chỉ tiêu do cơ quan CORDS đưa ra thường chỉ áp dụng cho loại A và B, chứ không áp dụng cho loại C. Các cố vấn Mỹ ước lượng có khoảng 20% các nghi can bị kết án trong năm 1969 và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó nhận bản án tối đa là 2 năm. Hầu hết họ chỉ bị án từ 3 đến 6 tháng.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã công khai hóa sự cần thiết của chương trình này nhằm bảo vệ dân chúng khỏi sự khủng bố, và kêu gọi dân chúng trợ giúp bằng cách cung cấp những thông tin cần thiết. Chương trình Phượng Hoàng Mỹ (Phoenix Program) được đặt dưới sự điều hành của cơ quan CORDS thuộc MACV. Người kế nhiệm Komer chỉ huy CORDS là Ðại sứ William E. Colby kể từ ngày 6 tháng 11, 1968.

Ông Colby từng làm trưởng phòng CIA ở Sài Gòn. Sự hiểu biết của ông đối với công việc của cơ quan CORDS thật là tuyệt vời. Trong Thế Chiến II, ông là thành viên OSS đã từng nhảy dù xuống ngay sau phòng tuyến để phối hợp hoạt động với các kháng chiến quân và hướng dẫn các cuộc hành quân phá hoại ở Na-Uy và Pháp đang do Ðức chiếm đóng. Ông Colby sau đó đảm nhiệm chức vụ giám đốc CIA (tại Washington, D.C.).

Toàn bộ chương trình Phượng Hoàng nhắm vào công việc bình định. Công việc này bao gồm cả chương trình Chiêu Hồi của VNCH đã bắt đầu từ năm 1962. Ðây là một chương trình có tính cách ân xá nhằm làm suy giảm lực lượng võ trang của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Trong năm 1969, đã có 47,000 cán binh Việt Cộng tự nguyện qui thuận chính phủ, họ đã được chăm sóc y tế, giúp đỡ về kinh tế và huấn nghệ trước khi được thả trở về đời sống dân sự hoặc được phép gia nhập vào quân đội VNCH. Năm 1970, con số đó là 32,000 người.

Chiến dịch Phượng Hoàng không phải là một chương trình ám sát mà là một chương trình tình báo… được thực hiện theo luật thời chiến. Sự hướng dẫn có đoạn nói: “Chương trình Phượng Hoàng (Mỹ) là một sự cố vấn, yểm trợ và giúp đỡ cho chương trình Phượng Hoàng của chính phủ Việt Nam nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng và hiệu quả của các HTCSVC ở Miền Nam Việt Nam… Các cuộc hành quân chống HTCSVC bao gồm công việc thu thập tin tức tình báo để xác định lý lịch các thành viên kể cả những người đã bỏ hàng ngũ Việt Cộng trở về với chính phủ, bắt họ hoặc câu lưu họ để đưa họ ra trước một Ủy Ban An Ninh tỉnh để kết án theo luật định, và biện pháp cuối cùng, là sử dụng lực lượng quân sự và cảnh sát, nếu không còn cách nào khác, để ngăn ngừa họ thi hành các hoạt động bất hợp pháp có thể xảy ra.”

Một trong những yếu tố gây nên tranh cãi nhất của chương trình Phượng Hoàng là những chỉ tiêu về HTCSVC. Xuất hiện trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện vào năm 1970, Colby đã được hỏi: “Tiền có phải là động lực kích thích người Việt Nam hoạt động cho chương trình hay không?” Ðại Sứ Colby đã trả lời: “Tiền đó không dành cho những người Việt điều hành chương trình. Ðó là những phần thưởng được đặt ra công khai về những cá nhân nào đó đang bị truy nã. Có những bích chương và truyền đơn công bố một người nào đó đang bị truy nã bởi vì nó là thành viên của hạ tầng cơ sở và đã tham gia vào một hoạt động khủng bố và nếu tin tức được cung cấp đưa đến việc bắt giữ người ấy thì chắc chắn sẽ được tưởng thưởng… Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã cố gắng hết sức để có thể bắt sống hơn là giết chết bởi vì người sống có nhiều tin tức trong đầu sẽ giúp chúng ta được nhiều hơn trong tương lai.”

Ðược hỏi về những lý do đưa đến những con số HTCSVC bị giết hay bị loại ra khỏi cuộc chiến khá cao, Colby cho biết, “Trong năm 1969, con số bị bắt là 8,515 người, tái phối trí 4,832 người, và giết 6,187 người, nâng tổng số lên tới 19,534 người, 30% trong số đó đã bị giết. Con số bị giết bao gồm cả số người đã bị giết rồi mới phát hiện họ là những HTCSVC. Chẳng hạn, đã có những người bị giết trong một cuộc phục kích vào ban đêm ở ngoài một ngôi làng cùng với một số người có võ trang, hay trong một cuộc giao tranh với một đơn vị du kích cộng sản.

Căn cứ vào các giấy tờ tùy thân, lúc đó người ta mới xác nhận được những người bị giết chính là các HTCSVC. Mặc dù các cuộc hành quân không nhắm vào họ lúc ban đầu…”

Báo Washington Post ra ngày 17 tháng 2, 1970, Robert G. Kaiser, Jr. đã tường thuật buổi điều trần của Colby. Bài báo chỉ trích chương trình Phượng Hoàng, và đã mô tả chương trình như đã diễn tiến như sau: “Các văn phòng Phượng Hoàng ở 44 tỉnh và phần nhiều trong số 242 quận của Miền Nam Việt Nam (tất cả đều có cố vấn Mỹ) đã lưu trữ những hồ sơ liên quan đến các viên chức Việt Cộng trong vùng và cả một danh sách bí mật những đàn ông và phụ nữ bị truy nã. Ngành Cảnh Sát Ðặc Biệt (đơn vị tình báo của ngành Cảnh Sát Quốc Gia), các binh sĩ địa phương và các đơn vị Thám Sát Tỉnh (Provional Reconnaisance Units, viết tắt là PRUs) gồm 18 người đã thực hiện những cuộc hành quân bắt giữ những người bị truy nã này. Những người bị bắt sẽ bị thẩm vấn. Khi có bằng chứng liên hệ với Việt Cộng, họ sẽ bị đem ra xét xử trước Ủy Ban An Ninh Tỉnh. Những người bị tình nghi cao hơn thì bị đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận.” Bài báo còn nói rằng, “Phượng Hoàng đối với nhiều người ở Mỹ, thường được coi như là một Công Ty Ám Sát Người Việt (Vietnamese Murder Inc.)”

Phượng Hoàng được điều hành ở địa phương, nơi mà các vấn đề thường khởi sự. Mỗi trung tâm hành quân và phối hợp tình báo quận có những toán, thông thường gồm có một sĩ quan Quân Báo VNCH, một cố vấn tình báo Mỹ (thường là cấp úy), các nhân viên Cảnh Sát Ðặc Biệt và các cán bộ bình định địa phương để thu thập các tin tức tình báo và thiết lập các hồ sơ về những người bị tình nghi là Việt Cộng trong phạm vi. Khi hồ sơ được hoàn tất, kẻ tình nghi sẽ bị bắt giữ.

Dưới cấp quận là cấp xã. Chủ trương chính là nhắm vào cấp xã. Tính đến năm 1969, 95% các xã đã có bầu cử xã trưởng và các Hội Ðồng Xã. Các chính quyền xã nắm quyền kiểm soát các lực lượng võ trang địa phương, bao gồm các Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn, lực lượng Cảnh Sát, lực lượng Nhân Dân Tự Vệ, và lực lượng Nghĩa Quân. Phần lớn các nhiệm vụ của Phượng Hoàng ở cấp này được thi hành bởi các lực lượng nói trên.

Cũng có nhiều người bị tình nghi chỉ 1 hay 2 giờ sau khi bị bắt đã được thả. Nếu kẻ bị tình nghi không được thả ở cấp địa phương, nó sẽ bị giải đến Trung Tâm Thẩm Vấn tỉnh để thẩm tra và lập hồ sơ đưa ra trước Ủy Ban An Ninh tỉnh, tại đây các bằng chứng sẽ được xem xét và kẻ tình nghi sẽ bị kết án hay được tha. Ở một vài nơi, bởi vì nhiều đơn vị tỏ ra kém hiệu quả trong việc thi hành nhiệm vụ này, các cố vấn Mỹ đã tin tưởng vào các đơn vị thám sát tỉnh để nhắm vào các mục tiêu HTCSVC.

Các đơn vị thám sát tỉnh có vẻ Mỹ nhiều hơn Việt Nam. Họ được tuyển mộ, huấn luyện, trả lương và điều hành bởi CIA; họ được huấn luyện kỹ như là những lính đánh thuê, được tuyển chọn từ những nhóm dân thiểu số Việt Nam, như người Nùng, người Miên hoặc từ những cán binh Việt Cộng đã ra đầu thú. Các đơn vị người nhái Hải Quân Mỹ làm việc với CIA thường chỉ đạo những cuộc hành quân này. Các thành viên của các đơn vị này được trả lương 15,000 đồng một tháng (1 người lính thường chỉ được lãnh có 4,000 đồng/tháng).

Cuối năm 1968, đơn vị CIA ở Sài Gòn thông báo cho cơ quan CORDS về dự định rút số nhân viên đang thi hành công việc cố vấn và điều hợp nhiệm vụ trong chương trình Phượng Hoàng. Cơ quan CORDS đã thay thế ngay lập tức bằng các sĩ quan cấp úy đã có huấn luyện. Sự thay đổi này đã tái xác nhận tầm quan trọng của việc thu thập tin tức tình báo độc lập như là nhiệm vụ cổ điển của CIA trong bất cứ tình huống nào có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở hải ngoại. CIA đã tạo ra cái khuynh hướng đứng ngoài các công tác chống nổi loạn.

Chương trình Phượng Hoàng Mỹ đã bất động khi Bắc Việt tung ra cuộc tấn công Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972, nhưng nó đã không ngưng hẳn hoạt động mãi cho tới năm 1973. Trong nỗ lực của nó nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC, chương trình Phượng Hoàng đã sử dụng 450 nhân viên cố vấn quân sự Mỹ, trong số đó 262 người đã phục vụ trong những cuộc hành quân then chốt tại cấp quận. Theo Colby, chương trình Phượng Hoàng đã có kết quả là làm rã ngũ 17,000 cán binh VC, bắt giữ 28.000 kẻ bị tình nghi và làm thiệt mạng khoảng 20,000 người khác. Ông cũng nói rằng, 85% số người bị thiệt mạng bởi trong khi giao chiến với các lực lượng quân sự và bán quân sự của Việt Nam và Mỹ, trong số đó chỉ có 12% bị giết bởi các lực lượng cảnh sát và an ninh. Con số 12% đó, hầu hết bị chết trong lúc giao tranh, hay kháng cự lại sự bắt giữ.
Toàn Như