Sunday, June 30, 2013

NGÀY LỄ KHÔNG -QUÂN TƯNG BỪNG NHẤT




Trong đời binh nghiệp dài 22 năm, thật sự tôi chỉ tham gia hoạt động cho KQVN chỉ có 17 năm, vì thời gian còn lại là đi học. Trong 17 năm, phải nói là hoạt động tích cực, dù đôi khi tôi nghe cấp trên của tôi bảo: "làm để thăng cấp hay sao mà làm dữ vậy". Ông ta có ý nói, dù có làm đến chết cũng sẽ không được thăng cấp. Nhưng điều mà tôi quan tâm, không phải được thăng cấp, được ngồi trên mà ra lệnh, tôi không có tham vọng đó. Tôi muốn làm vì nhận thấy mình làm chưa đủ, và KQVN còn quá nhiều điều phải sửa sai. Mỗi năm, vào dịp lễ Không Quân , ngày 1 tháng 7, tôi thường nhìn lại một năm qua mình đã làm được gì cho KQVN, và mình đã làm được gì cho gia đình. Và nhờ thế, tôi nhớ rất kỹ, ngày lễ kỷ niệm thành lập Không Quân nào là ưng ý nhất, vì ít nhiều bản thân tôi có đóng góp vào đó, coi đó là một phần của binh nghiệp mình ưa thích. Có ngày lễ Không Quân nhỏ xíu, làm nhờ một đơn vị nào đó để cổ vũ cho đơn vị đó. Tôi nhớ lần đầu tiên tổ chức lễ Không Quân tại Biên Hòa, là home base của Phi Đoàn 514, khi Phi Đoàn 514 thành lập ngày 1 tháng 6, thì vì ăn theo nên ngày lễ Không Quân cũng trùng ngày ấy, nghĩa là sớm một tháng. Hôm đó, Tổng Thống cũng đến dự, dù chỉ che dù ngồi ngoài sân đậu phi cơ nhìn về hướng Đông rất chói mắt, phía sau là hangar của Công Xưởng. Các quan khách đều mặc kaki. Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cũng mặc kaki. Hôm đó ,Phi Đoàn 514 biểu diển cho khán giả một đường bay lả lướt, biểu diển bay chậm, gồm hợp đoàn L-19 dẫn đầu, hai chiếc A-1H bay hai bên, và một chiếc T-6 bay đàng đuôi. Vổ tay nhiều nhất là ngoại giao đoàn, các ông tùy viên quân sự có vẻ thông cảm với phương tiện nghèo nàn của chúng tôi! Đến khi phát huy chương, tôi được chính ông Tổng Trưởng Quốc Phòng gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh cấp Sư Đoàn, và vì ông là nhà văn chứ không phải là nhà võ, nên ông ghiêm kim huy chương vào áo tôi không được, liền dở nấp túi rồi máng huy chương vào đó. Còn nhiều chuyện buồn cười nữa, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy sự nghèo nàn của đất nước. Ấy thế mà, chỉ một năm sau thôi, tôi lại được dự một buổi lễ Không Quân huy hoàng nhất, tôi nghĩ, vì tôi cũng được nở mặt nở mày.

Kỳ nầy lễ Không Quân tổ chức đúng ngày 1 tháng 7, và làm tại Saigon. Các bửa tiệc rất náo nhiệt và do Không Quân Đồng Minh đóng góp. USAF ẹ nhất cũng mang được 2 chiếc F-102 từ Clark AFB, Philippines sang. Pháp thì đang trong chương trình quảng cáo Super Mystère(tương đương với F-100 Super Sabre của Mỹ) cho vùng Á Châu, ghé ngang Saigon theo lời mời của vị Tư Lệnh Không Quân. Đài Loan là nước nhỏ nhưng đoàn Lôi Hổ chuyên biểu diển nhào lộn hợp đoàn rất ư là ngoạn mục mười mấy chiếc F-86 Sabre, luôn luôn cất cánh hay đáp hợp đoàn để đỡ choáng nhiều thì giờ trên phi đạo nghèo nàn của Phi Trường TSN. Còn Không Quân Việt Nam thì biểu diển tại sân bắn Quang Trung về mọi hoạt động của KQVN, như yểm trợ hỏa lực, cưú thương, tiếp tế, nhảy dù,vv…


Tôi đã từng xem các cuộc lễ Không Quân tại Manila, Philippines, coi các cuộc trình diển máy bay như Bob Hoover biểu diển F-86, nhưng phải nói là lễ Không Quân kỳ đó tập trung được nhiều yếu tố thành công. Thứ nhất là phổ biến rộng rãi trên đài phát thanh (lúc đó chưa có truyền hình:TV) về chương trình buổi lễ. Thứ nhì là có chương trình bửa tiền và bửa chánh. Thứ ba là có Tổng Thống đích thân tham dự.
Một chương trình như vậy không thể để cho thất bại, và mỗi người tham gia đều phải ra sức tận lực vì màu cờ sắc áo của mình. Tất nhiên, người chủ trương một chương trình quy mô như vậy phải là Tư Lệnh Không Quân, có can đảm và có khả năng tổ chức. Tôi nhớ hai nhân vật nổi bật khác là anh Vũ Đức Vinh lo về đối ngoại, truyền thanh, báo chí, các tòa lãnh sự và tùy viên quân lực, Phái Bộ Cố Vấn và 2nd ADVON (Second Air Division của USAF), và anh Vũ Văn Ước phụ trách xướng ngôn trong buổi lễ bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Theo sự hiểu biết của tôi, hai người họ Vũ nầy đã giúp cho KQVN trở thành những chiến sĩ hào hùng thật sự, trong lòng mọi người dân Saigon, nhất là các cô nữ sinh Việt Nam và người Việt gốc Hoa ở Cho Lon.
Sáng ngày 30 tháng 6, các máy bay F-102 mở màng bay sát đất trên sông Saigon, và trên các cao ốc kế cận, và khi qua ngang các chỗ đông người xem tụ tập ngoài mé sông hay bến cảng thì các chàng phi công F-102 cho nổ một cái …nhờ vào afterburner. Đó là những người phi công vô cùng kỷ luật, không giám làm bất cứ cái gì mà cấp trên không cho phép trước. Mà dù muốn vượt tường âm thanh đi nữa thì cũng chẳng dễ đâu, vì tôi có ngồi trên một chiếc F-102 hai chỗ ngồi để xem người ta qua tường âm thanh bằng nhìn vào Machmeter, thấy nó qua khỏi Mach 1 thật đấy, nhưng máy bay rất êm. Nhưng bà con đứng dưới đất hoan hô Mỹ, vì máy bay to quá mà bay mau thật, thoáng cái đã biến mất, lại còn đánh dấm một cái nữa, nghe toàn mùi xăng phản lực.

Màng kế tiếp là Super Mystère của Pháp, trong số bốn người lái có một anh bạn đồng khóa với người viết bài nầy là anh Đại Úy Gueguen, sau nầy anh lên đến cấp Tướng. Gueguen là một chàng háo thắng, người thấp nhỏ, luôn đội calot lệch một bên, bất chấp luật lệ, cố tình làm cho đơn vị biểu diễn của mình gậy được tiếng vang. Anh bay xuống theo đường Tự Do và gây nên tiếng nổ long trời lỡ đất vì đã vượt tường âm thanh. Anh bảo "que ca sonne", và anh đã làm vỡ kiếng của Hãng Pan Am trên đường Tư Do. Một tiếng nỗ do sức ép không khí thì nghe tức tối và âm vang (compression), còn một tiếng nổ do afterburner là do sự giãn nở sau khi đốt (détente). Đúng là Tây con! Hại Tòa Đại Sứ Pháp phải bỏ tiền ra đền cho Pan Am và chắc họ cũng vui lòng làm việc ấy. Anh đã nói với tôi, khi qua Ấn Độ, anh đã có dịp bay đuổi bắt với máy bay F-101 mà Mỹ lúc đó tự hào không máy bay nào bay nhanh hơn, và anh đã chụp F-101 vào Gun Camera của anh cho tôi xem. Thật là một cơ hội thi đua chưa từng thấy. Chính tổ chức lễ đã tạo điều kiện cho Pháp và Mỹ thi đua với nhau trên bầu trời Việt Nam. Và trong năm đó, Pháp cho các khóa sinh Trường Võ Bị Không Quân Pháp đi du hành quan sát sang Việt Nam, ghé qua Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc để cho KQVN tiếp đón trọng thể.

Màn hấp dẫn nhất là cuộc biểu diễn nhào lộn ngoạn mục của đoàn Lôi Hổ. Họ kết hợp biểu diễn bằng hai phi tuần rời ra để thay phiên nhau giữ liên tục chương trình. Một hợp đoàn 9 chiếc F-86F làm những hình liên tục, biến chế từ vòng đứng (loop) và lăn ngang (roll) thành những hình như loop, cuban eight, aileron roll, và nhất là khi họ tỏa ra chín hướng rồi trở lại ở cao độ thấp từ 9 hướng khác nhau. Rất ngoạn mục! Khi hợp đoàn chín chiếc lấy cao độ hay tập họp lại ở một vị trí khác để biểu diễn thì có bốn chiếc khác thay vào chỗ trống, họ bay một hợp đoàn ba chiếc đang làm loop thì có một chiếc thứ tư roll ngay giữa trung tâm của vòng tròn. Cái hay của họ là làm hình gì đều ra hình đó rất đẹp và còn timing thật chính xác, như khi vòng đứng loop vừa hòan tất thì chiếc làm roll xỏ ngay vào giữa. Lôi Hổ biểu diễn ở Saigon trước, xong lết dần vào trong Cho Lon làm một mách nữa rồi mới về đáp , một dãy xếp hàng sát cánh bên trái, tách và đáp rất trật tự. Không có một sơ hở nào, đừng nói chi là có một biến cố nguy hiễm nào trong lúc biểu diễn. Mọi việc đều diễn biến tuần tự, ngăn nắp, đúng đắn, không có chỗ nào chê được, theo mắt nhìn của tôi. Sau nầy, có dịp sang Đài Loan vào năm 1967, tôi gặp lại họ, nhưng đã chuyển sang F-5A, nên không phát huy được như hồi lái F-86F. Nghe đâu, chiều hôm đó, các chàng phi công Đài Loan được đồng bào người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn cho hưởng một đêm "Nhất Dạ Đế Vương"…
Ngày hôm sau, ngày chánh của Lễ tổ chức tại sân bắn Quang Trung, có Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ lễ. Các bạn có biết là từ sáng sớm, con đường từ Saigon lên Tây Ninh, không thể nào nhúc nhích được vì kẹt xe. Người đi bộ, xe hơi, xe gắn máy, đủ thứ người, đàn bà con nít cũng có, gái trai đều nô nức đi dự hội Không Quân. Khi Tổng Thống lên đường thì không cách nào đoàn xe của ông qua lọt, vì người tung hô ông cũng hiếu kỳ sáp lại gần, đến nỗi Không Quân phải dùng trực thăng vớt ông đi. Tại địa điểm hành lễ và biểu diễn, phải nói người đóng vai Master of Ceremony (MC) ở đây mới là quan trọng. Tôi không dám xưng biệt hiệu của ông, và đó cũng là một thiếu xót của bài nầy. Ông liên tục sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh để điều khiển chương trình. Trước hết là 5 chiếc A-1H của Phi Đoàn 514 thả khói màu cờ Vàng ba sọc đỏ. Sau đó là một phi tuần biểu diễn thả bom Napalm trên mục tiêu thật, thả bom nổ và bắn súng trên mục tiêu thật. Tất cả đều do Phi Đoàn 514 phụ trách. Đây mới biết công lao của ngành vũ khí của Phi Đoàn 514 do anh Phan Đàm Liệu phụ trách. Chúng tôi dùng khói màu để đánh dấu mục tiêu mà gắn lại trong một ống, rồi dùng kim hỏa để khởi động khi muốn khói tung ra. Tất cả do anh Liệu sáng chế. Còn nói về tài năng của hoa tiêu khu trục thời bấy giờ, trên những mục tiêu chết cứng như vậy thì nhắm mắt cũng tiêu diệt 100%, ban ngày như ban đêm. Sau khu trục mở màn, vận tải biểu diễn thả dù người, thả dù tiếp tế, thả tiếp tế không dù ở cao độ thấp, trực thăng tản thương…mục nào xem cũng hấp dẫn như nhau, làm quan khách và đồng bào rất thích và tin tưởng ở Không Quân chúng ta.

Chiều hôm đó, tất nhiên có tiệc ở Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc, nhưng không được nhảy đầm, đó là quy luật thời bấy giờ, muôn dân chịu cực khổ để chống cộng, không ai được xa xí. Tôi nhớ chúng tôi từ Biên Hòa lấy L-19 xuống TSN để dự tiệc, anh Phạm Phú Quốc lái chở chúng tôi 5 người một chuyến, và đáp theo kiểu lăng ba vi bộ, thật là vui.
Cho đến bây giờ, đã lâu lắm rồi, tôi vẫn còn nhớ đến ngày lễ Không Quân mà tôi cho là tưng bừng nhất, thành công nhất. Vì nó kết hợp được việc đánh bóng Không Quân mình, còn mượn thế Không Quân bạn để nâng cao tinh thần chống cộng của mình, làm cho Không Quân bạn có dịp thi đua lẫn nhau để giúp đỡ mình. Từ trong nội bộ Không Quân cho đến các cơ quan của chánh phủ, đâu đâu cũng tỏ ra hợp tác chặt chẽ. Có điều lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ, lúc ấy là năm nào, vị tư lệnh Không Quân là ai, và ngưới xướng ngôn viên trong buổi trình diễn tại sân bắn Quang Trung có biệt hiệu gì? Ba câu hỏi đó vẫn còn làm cho tôi nghĩ không suốt để có một cái vui trọn vẹn khi nhớ đến ngày lễ kỷ niệm thành lập Không Quân năm ấy, thời đã xa lắm rồi.

Gman ( Đại Tá Nguyễn Quang Tri)





Khóc Bạn Già Không Quân



Sáng sớm ngày lễ Tạ Ơn, KQ Trần Dật gọi điện hỏi tôi, có gì lạ không, trả lời không, lại hỏi có biết gì không, lại trả lời không!. Ông Dật Dờ rào trước đón sau, dặn dò nầy nọ, rôi ông yêu cầu tôi phải giữ lời hứa là không được tiết lộ, không được phổ biến khi nghe ông báo tin động trời, là Niên Trưởng (NT) Nguyễn Quang Tri, bút hiệu Gman, Tarin, ông già Ba Tri..., đã vút bay vào hư vô không kèn không trống!

Vì chữ tín, tôi giữ kín tin buồn nầy.

Mới hôm qua, KQ Trần Ninh, trong Ban chủ biên Lý Tưởng Úc châu, email cho tôi để hỏi thăm về tin buồn: “Vừa qua, tôi nghe được tin NT Đại Tá Nguyễn Quang Tri hiện sống ở Lakewood Nam Cali đã qua đời, không biết anh có biết hoặc có tin tức gì không, xin cho Lý tưởng Úc châu biết với.”

Và tôi cũng trả lời như những gì mà KQ Trần Dật đã căn dặn.

Một ngày sau, KQ Ninh gởi cho tôi bài viết của NT Bồ Đại Kỳ nhắc đến những kỷ niệm của hai anh thời du học bên Pháp. Bài viết đã gián tiếp báo cho tôi biết về sự ra đi của NT Tarin là đúng sự thật và KQ Trần Ninh cũng yêu cầu tôi không nên phổ biến cho đến khi Đặc San KQ Bắc Cali phát hành (và có thể cũng y chang như yêu cầu của Lý Tưởng Úc Châu). Tôi đọc bài viết một mạch và gọi ngay KQ Nguyễn Quí Chấn, đương kim Chủ Bút Đặc San KQ Bắc Cali để hỏi thăm là Đặc San có cần thêm bài viết để tưởng niệm NT Nguyễn Quang Tri không, thì được trả lời là rất nên vì NT Nguyễn Quang Tri là một trong những phi công khu trục tài ba của KLVNCH...

Suốt trên 10 năm phục vụ trong Ngành Quan Sát chỉ đồn trú trong 3 căn cứ không quân Đà Nẵng, Nha Trang và Pleiku, nên tôi không biết nhiều phương danh các niên trưởng và các chiến hữu khác ngành và khác căn cứ. Nếu không đi tù, và nếu không ở chung trại Hà Tây (Bắc) và Xuân Lộc (Nam) thì tôi không thể biết ông “bò lục” KQ Nguyễn Quang Tri. (Bò lục, quân cờ domino. Tiếng trong tù, bò lục để chỉ quý NT mang cấp Đại Tá, bò ngũ Trung Tá v.v...). Trại Hà Tây giam các NT bò lục riêng. Giữa các khu đều bị cấm “quan hệ linh tinh” nên khó gặp nhau. Ngày lễ ngày nghỉ thì mới hy vọng gặp.

Tôi biết cấp bực của anh Tri là Đại Tá vì anh ở khu bò lục. Chỉ biết đại khái trước 1975, anh làm việc tại Bộ Tư Lệnh, Khối Phòng không! Chỉ có thế. Sau nầy, khi qua Mỹ, đọc những bài viết của anh đó đây, tôi mới vỡ lẽ anh là một hoa tiêu khu trục tài năng và nhiệt huyết, từng đào tạo nhiều hoa tiêu giỏi cho quân chủng (như KQ Lê Bá Định) và từng chỉ huy Đệ nhất Phi Đoàn Khu Trục 514 Phượng Hoàng gồm những phi công tài ba của ngành Khu Trục KLVNCH.

Thời ở trại Hà Tây và trại Xuân Lộc, dáng anh Tri đen và gầy tong. Anh ít nói và hay cười. Anh nói giọng miền Nam nhỏ nhẹ và điềm đạm nên gọi anh là “chị Ba Tri” có vẻ thích hợp hơn là “ông già Ba Tri”!

Chúng tôi cùng ra trại vào năm 1988 thì phải. Tôi không biết anh đi chương trình HO năm nào. Năm 1992, tôi định cư bên Saint Louis bang Missouri thì mới biết anh đang ở Cali qua các bài viết của anh trên các Đặc San Không Quân.

Vào khoảng năm 2000, sau khi về hưu, anh tìm tòi học hỏi về vi tính và đùng một cái, anh cho ra đời trang nhà mang tên “Bạn Già Không Quân”, với chủ trương thắt chặt tình quân chủng, giữ vững lập trường và cùng học hỏi giải trí những điều bổ ích ở tuổi cuối đời. Bạn Già Không Quân nhanh chóng trở thành một Tổ Ấm và là Nơi Gặp Gỡ hằng ngày cho hầu hết các canh chim tự do xa xứ. Đại đa số KQ có tuổi đều vào xem và viết bài tô điểm cho trang nhà nầy, mà theo tôi thì nhà văn KQ Mệ, tức niên trưởng Đại tá Trần Phước và niên trưởng Đằng Vân (Đại tá Đặng Văn Hậu)..., là hai trong những nhân vật cột trụ của BGKQ. Hình như cái tên bình dị thân thương của trang nhà là do Mệ gợi ý đặt tên cho đó!

Cũng có người hiểu lầm “Bạn Già Không Quân” chỉ dành cho mấy ông già KQ lẩm cẩm. Không, không phải thế! “Bạn Già” mà theo mấy niên trưởng từng du học bên Pháp thì chữ nầy dịch từ chữ Phú Lảng Sa là “Mon Vieux”. Mon vieux là loại bạn thân nhất, tri kỷ nhất và thủy chung nhất. Trong thời chiến, không quân yểm trợ hỏa lực cho Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động..., những chiến hữu nầy trước sau cũng vẫn là những “bạn già” của KQ!.

Một điều đặc biệt là, niên trưởng Nguyễn Quang Tri tự bỏ tiền ra mua đất cất nhà và trang bị máy móc để trở thành trang chủ. Anh cho tôi biết là anh không muốn bị ràng buộc (hoặc phụ thuộc) vào các tổ chức hay hội đoàn nào. Vì là một trang nhà private, anh chỉ post những bài viết hoặc tài liệu thể hiện đúng quan điểm và lập trường và sở thích của anh. Nói cho cùng, quan điểm, lập trường và sở thích của anh cũng là của đại đa số anh em không quân chúng tôi.

Vào khoảng 2005, 2006 gì đó, trang nhà BGKQ gặp trắc trở sao không rõ mà có tin đồn rằng, cá nhân tôi sẽ được trao “ấn kiếm” để tiếp tục điều hành trang nhà BGKQ ! Tội giật nẫy mình như bị chạm điện! Tự xét mình không sao có đủ khả năng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm vế quân chủng như anh Nguyễn Quang Tri thì làm sao mà handle nỗi một trang nhà với nhiều tính kỹ thuật và nhiều áp lực từ mọi phía? Sau cuộc điện đàm, tôi giới thiệu với anh Tri Kingbee Đặng Quỳnh vẫn thường thấy xuất hiện trên các trang điện tử KQ, là người có khả năng và có lập trường Quốc gia Dân tộc, nếu được thì sẽ thay anh điều hành trang nhà BGKQ. Anh Tri OK.

Nhưng sau đó, không biết lý do sao, câu chuyện bàn giao BGKQ không thấy đề cập đến, và BGKQ lặng lẽ bay vào hư vô tháng 7 năm 2007 thì phài!

Khi hay tin buồn nầy, tôi nhớ có ghi một vài súc cảm nói lên lòng biết ơn về đóng góp và sự đột tử của BGKQ qua tựa đề “Khóc Bạn Già Không Quân” và gởi cho anh Tri. Bài thơ nầy tôi không tìm thấy lưu trong máy computer của tôi nữa. Quý niên trưởng hoặc quý chiến hữu nào con lưu trữ thì xin vui lòng phổ biến để cùng tưởng niệm một cánh chim từng “Sắt son một dạ với Không Gian” (thơ KQ Lê Bá Định) như NT Nguyễn Quang Tri .

Nhắc tới KQ Lê Bá Định, nguyên Không Đoàn Trưởng KD72CT, từng bị phao tin đồn là đã...quy tiên! Khi đọc mẩu tin không vui, anh Tri liên lạc với tôi lúc đó còn bên Saint Louis, là làm sao tìm cách liên lạc với mấy anh em KQ bên quê nhà để nhờ xác định thực hư chuyện KQ Định như thế nào. Quan tâm đến sự lo lắng của anh, các không quân bên nhà đã gặp mặt KQ Định và gửi qua Mỹ một tín hiệu vui. Hú hồn! Qua việc nầy, tôi biết anh Tri rất thương người đàn em tài hoa mà cũng ngang tàng như...anh! (Nếu không ngang tàng, thì làm sao một phi công khu trục đầy khả năng nhiệt huyết, được đào tạo kỹ càng mà không được thi thố tài năng trên chiến trường mà cho làm việc tại Bộ Tư Lệnh với chức vụ Trưởng Khối Phòng Không?!!

Tháng 10 năm 2007, “Cánh Chim Tự Do”, hậu thân của trang nhà BGKQ ra đời, nhưng trên một diện tích nhỏ hơn. Cái tên CCTT là do chúng tôi gợi ý, không ngờ lại được bà xã của anh Tri tâm đắc, và anh chọn cái tên “Cánh Chim Tự Do” trong nỗi hân hoan. Trong thư mở đầu, trang chủ CCTD bày tỏ chủ trương tóm gọn như sau: “Hướng đi của CCTD nhằm gợi lại
một số nhu cầu cải tạo lại đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Đất nước chúng ta bây giờ đã rơi vào hố thẳm của trụy lạc, của nghèo đói...”

Ngoài ra, CCTD còn chủ trương nâng cao kiến thức qua học hỏi lẫn nhau, qua những bài vở bổ ích để xây dựng cuộc sống của tuổi về già, giúp chúng ta có thêm phương tiện để tìm cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn...

Dù nhiều dù ít, BGKQ và CCTD đã giúp kết nối lại với nhau những chiến hữu KLVNCH trên toàn thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Rồi cũng như BGKQ, tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà trang nhà CCTD lại biến mất để đến khi hay tin ngày sắp hạ huyệt cố Đại Tá KQ Phạm Long Sửu, anh Tri lại gởi cho tôi bài viết “Phản Lực cơ J20 của Trung cộng” và nhờ post gấp lên Hội Quan Phi Dũng hay Cánh Thép để tặng hương hồn phi công khu trục Phạm Long Sửu. Tôi hì hục post hoài mà chẳng được, sau cùng mới biết là trang chủ HQPD đã giúp thực hiện việc nầy rồi. Nhắc lại điều nầy để thấy cái “tinh thần học hỏi” của các phi công khu trục là cần thiết vô cùng, dù sinh hay tử.

Viết đến đây, tôi chợt bồi hồi. Một con người dung dị thủy chung và can trường, một con người có tấm lòng rộng rãi như anh, được nhiều anh em quý mến mà sao tới lúc bịnh hoạn anh lại không cho anh em chúng tôi biết để thăm gặp hoặc giả để nói lời vĩnh biệt?

Nay anh đã âm thầm ra đi, không lễ nghi quân cách, không vòng hoa điếu văn, không cả tiễn chào vĩnh biệt. Tôi không nghĩ anh đã chọn được một cõi trời riêng biệt cho mình, với anh, cõi trời nào cũng chỉ có một Tổ Quốc Việt Nam. Tôi trộm nghĩ, có thể vì anh thương những “bạn già”, bị giới hạn đủ các cái, nên anh không muốn bạn già suy sụp tinh thần một khi ghé thăm anh. Tôi mong điều tôi nghĩ phù hợp với cái nhìn vô biên, cái tâm vô lưọng của một Phượng Hoàng!

Và tôi thầm cầu chúc hương linh Đại Tá Nguyễn Quang Tri, Cánh chim Tự Do, phi công của Đất Nước, sơm an nghĩ đời đời bên Bạn Già Không Quân ỡ chốn Vĩnh Hằng!

KQ võ ý
tháng 11/2012

No comments: