Saturday, October 24, 2020

Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn (28) - Nguyễn Duy Cung

  

 TRỞ VỀ NGHỀ CŨ

Sang Hoa Kỳ, bác sĩ ngoại quốc nào cũng phải đi học lại.  Nhưng vùng tôi ở lại là một vùng quê, xa thành thị, không có trung tâm huấn luyện thi ECFMG, FLEX.  Gần nhất có một nhóm đồng nghiệp ở tiểu bang Oklahoma tổ chức học chung với nhau, nhưng đường xá xa xôi, tôi lại chưa có phương tiện xe cộ để di chuyển.  Trong thời gian còn ở trên đảo tị nạn Bidong, GS Wareham thuộc trường Y Khoa Loma Linda có nhắn tôi khi nào sang Hoa Kỳ thì đến gặp ông ngay.  Tôi được hân hạnh quen biết GS Wareham từ khi tôi được Bộ Y Tế VN đề cử tôi đại diện Bộ làm việc chung với GS đang hướng dẫn phái đoàn Giải phẫu tim Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào năm 1974 và năm 1975.  Ông cho tôi địa chỉ của trung tâm Loma Linda trên Riverside, nơi ông làm việc. 

Nhưng California lại còn xa hơn Oklahoma, phải đi bằng máy bay tốn kém để đến trạm đầu, Los Angeles..  Từ đó có thể đi thẳng đến Loma Linda nằm trên Riverside, hoặc đi xe về Orange County rồi lên Loma Linda.  Tôi cũng muốn đi, ngặt vì cơ quan thiện nguyện USCC chỉ giúp được có 250 dollars một tháng cho gia đình 9 người của tôi.  Gặp vấn đề tài chánh thật khó khăn, không có đủ phương tiện để di chuyển cả gia đình qua California cùng một lúc, cũng không thể bỏ gia đình để ra đi một mình, tôi không còn cách chọn lựa nào khác hơn là ở lại Van Buren, ôm cuốn sách Y khoa Merck Manual xuất bản lần thứ 13 dày 2165 trang do hai em tôi mua cho tôi tại Little Rock để tự học lấy một mình.  Đời sống các em tôi cũng chật vật, phân nửa đã dời đi Bakersfield.

Một hôm có một người bạn thân - anh Hoàng văn Lộc - cùng đi chung tàu, sang trước, định cư tại Houston; anh có một xe van lớn, tự lái lên Van Buren giúp đưa cả gia đình tôi về thành phố Houston, một thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas có diện tích 3 lần nước VN và cho chúng tôi ở trong một căn nhà rộng rãi, tiện nghi, anh đã mướn sẵn, nằm trên đường Victoria khu South Bell.  Như một chuyến xe đò lục tỉnh bên nhà chở đầy hành khách, xe Van của anh cũng phải tháo bớt băng sau mới có đủ chỗ chở người ngồi trên sàn xe.  Còn trên mui xe thì kềnh càng bàn ghế cũ, người lối xóm không dùng nữa, đem vất bỏ ngoài lề đường, chúng tôi lượm đem về.  Ở dưới Galveston, anh bác sĩ Nguyễn văn Tạ một bạn thân cùng lớp qua trước cũng cho tôi một cái bàn học nhỏ vừa vặn, tôi rất thích, làm bằng loại gỗ sồi rất nặng.

Về Houston, để giúp thêm vấn đề tài chánh cho gia đình, tôi đi làm công cho Utotem, một tiệm bán hàng tạp hóa, đồng thời bán xăng, mở cửa 24 trên 24 giờ, nằm sâu trong rừng, nguy hiểm, kém an ninh, thường hay bị cướp.  Trước quầy tiền lúc nào cũng có tấm bảng nhỏ đề: “Trong hộc tủ chỉ có 20 đồng thôi” viết bằng tiếng Anh.  Làm việc nhiều nhưng lương hàng tháng của tôi không được bao nhiêu, độ vài trăm Mỹ kim, vợ tôi phải quá giang xe một cô bạn quen để đi làm việc thêm trong tiệm bán thời trang hiệu Palais Royal ở địa hạt Pasadena; về nhà dạy thêm Dương cầm và làm hoa vải.  Buổi chiều nào, mượn được xe nhỏ, chúng tôi chạy rong trong rừng, nhìn những nhánh cây khô có hình dáng thon thả cắt về, kết thêm hoa đem bán trong nhà thương.

Dưới phố Houston có một trung tâm giáo dục tư tên Kaplan, chuyên dạy thi ECFMG và FLEX; trường nằm trên Freeway 55, xa nơi cư trú, phải lái xe trên xa lộ hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi.  Vấn đề di chuyển là hết sức quan trọng trên nước Mỹ vừa rộng vừa lớn.  Trong lúc vợ chồng tôi đang lục quảng cáo, tìm kiếm xe cũ rẻ tiền để mua, thì một anh bạn thân học lớp trên tôi, bác sĩ Chu Bá Bằng đến thăm.  Trước đây anh có làm Ngoại trú Giải phẫu tại bệnh viện Bình Dân.  Khi ra trường anh lên Cao nguyên làm Y sĩ trưởng Bệnh viện Dã chiến Kon Tum.  Sau đó đổi ra Đà Nẵng, anh thay thế tôi trong chức vụ Y sĩ trưởng khoa ngoại thuộc TYV Duy Tân.  Bác sĩ Chu Bá Bằng sang Mỹ trước tôi và đang hành nghề dưới phố Houston, anh khuyên tôi nên mua xe mới để dùng, thay vì dùng xe cũ, để tránh những trục trặc phiền toái như xe bị hư giữa đường, nhất là trên xa lộ dài, 5-6 lằn đường, tốc độ xe chạy rất nhanh 60-70 dặm một giờ rất nguy hiểm, và anh nhận ký tên chung trong giấy mua xe Oldsmobile mới đời 1980 cho tôi (đứng tên chung co-sign có nghĩa là nếu người mua xe không đủ khả năng để trả tiền trong tháng nào đó thì người đứng tên chung có bổn phận phải trả dùm). 

Chúng tôi cố gắng không để cho anh phải ở trong hoàn cảnh như vậy.  Anh BS Bằng quá tốt.  Nhờ có anh đứng tên chung mà tôi mua được chiếc xe mới để đi học.  Nơi đây tôi thành thật cám ơn anh đã giúp tôi trong bước đầu khó khăn, chật vật.  Có xe rồi nhưng chưa đi học được vì còn vấn đề học phí trong trường Kaplan quá cao 1. 200 Mỹ kim cho một khóa.  Khi rời Van Buren em gái tôi có cho 400 đồng để làm lộ phí đi đường.  Có người khuyên tôi, thử trình bày hai tờ giấy của Tòa Đại sứ Mỹ và của Cao ủy tị nạn LHQ ở Kuala Lumpur chứng nhận thời gian tôi làm Trưởng trại tị nạn P.  Bidong.  Không ngờ trường thấy tôi có tích cực đóng góp vào những công tác xã hội trên đảo tỵ nạn, nên đồng ý chỉ nhận 400 đồng và cho tôi đến học.  Bước đầu tới Mỹ tuy còn khó khăn nhưng con đường đến trường lại có nhiều thuận lợi và may mắn khiến tôi như được tăng thêm sức mạnh và ý chí khi tiếp tục nghề nghiệp Y tế của mình. 

Cách tổ chức các lớp học của trường rất hay; trường có những cuốn băng nhựa trình bày rõ ràng tất cả những điểm chánh của các bài học, các câu hỏi khúc-mắc trong các kỳ thi và các câu trả lời rõ ràng rành mạch.  Có những câu hỏi thông thường tìm thấy câu trả lời trong sách giáo khoa, nhưng cũng có câu hỏi lắt léo khó trả lời, thí dụ một câu hỏi có nhiều câu trả lời gần giống nhau, mà nếu mình không học để biết cách trả lời cho đúng thì dù mình có ôm bao nhiêu sách giáo khoa to tướng như Harrison đi nữa để học thuộc lòng, thì cũng chưa chắc đã có thể trả lời một cách chính xác được. 

Khóa sinh tự học lấy tùy theo khả năng, Giáo sư nhiều kinh nghiệm là những cuốn băng nhựa quý giá! Tôi đến sớm mượn vài cuốn băng, xong kiếm chỗ yên tĩnh ngồi nghe nghiền ngẫm.  Tôi chăm chỉ học mỗi ngày, từ sáng trường vừa mở cửa cho đến tối mịt mới trở về.  Ngày nghỉ ở nhà tôi tự giam mình trong gian phòng nhỏ, khoá cửa, vứt chìa khóa ra sân, học cho đến khuya, đều đều 12 tiếng trong một ngày.  Trong thời gian ở Houston, tôi hân hạnh gặp lại Bác sĩ Vũ Ban, một đồng viện trước kia trong Quốc Hội Lập Hiến.  Anh đến Mỹ sớm, có cơ ngơi vững vàng. . anh mời tôi cộng tác trong vấn đề Giải phẫu thẩm mỹ.  Thật là điều may mắn bất ngờ cho tôi.  Giải phẫu thẩm mỹ là một chuyên môn mà tình cờ lúc còn học Giải phẫu lồng ngực bên Nhật, tôi được hân hạnh và may mắn gặp GS Uchida, một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nổi tiếng của Nhật, cha truyền con nối, hành nghề giải phẫu thẩm mỹ trên 25 năm.  Giáo sư Uchida đã tận tâm truyền dạy cho tôi kỹ thuật sửa mắt một mí thành hai mí cho người Á Đông và kỹ thuật độn ngực bằng túi nylon có chứa chất dẻo.  Nhờ có việc làm thêm khá ổn định nên đời sống trong gia đình tôi trở nên dễ chịu hơn.

Anh bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, bên California thỉnh thoảng lại bay sang Houston thăm hỏi anh em.  Anh đã hết lòng giúp đỡ và khuyến khích tôi học, vì có lúc tôi cảm thấy chán nản, khi nhìn chung quanh thấy việc gì cũng có tánh cách thương mại, ngay cả trong lãnh vực Y khoa.  Đến năm 1980, khi tôi sang Bakersfield, California, ở nhà em tôi để học thi, thì không may thình lình tôi bị đau ruột dư cấp tính.  May nhờ có những người bạn thân cùng làm việc chung trong sở như cựu Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang và cựu tướng Lê quang Lưỡng lo dùm phần hành của mình nên em rể tôi Phạm Minh Hoàng ( em ruột của Bác sĩ Phạm Minh Ngọc ở San Diego) lấy phép nghỉ hai ngày để chở tôi vượt đèo vượt núi, về Orange County, nhờ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ giới thiệu tôi vô nhà thương UCI để mổ khẩn cấp.  Đây là lần đầu tiên tôi được hưởng Medical.  Ông bác sĩ thường trú ngoại khoa khám bệnh cho tôi ở phòng cấp cứu, trong hồ sơ bệnh lý, có ghi “bệnh nhân đã tự chẩn đoán lấy bệnh viêm ruột dư cấp tính của mình, khi cơn đau bắt đầu nổi lên ở dưới chấn thủy”.

Trong thời gian tôi nằm nhà thương, GS Warehnam trên trường Đại học Loma Linda có đến thăm và dặn khi nào tôi ra nhà thương thì đến ngay Loma Linda gặp ông.  Tôi nhớ lời ông nhưng thay vì đi ngay khi xuất viện, tôi đợi đến lúc thi FLEX xong rồi mới lên Riverside, thì GS Wareham đã đi qua Trung Đông giúp cho một trung tâm Giải phẫu lồng ngực thuộc Vương quốc Saudi Arabia.  Có lẽ ông đã có thu xếp trước khi đi nên căn dặn người kế vị là GS Jacobson thay thế ông làm trưởng bộ môn Giải phẫu lồng ngực đã đưa tôi qua gặp GS Bruce Branson, Chủ nhiệm khoa Giải phẫu của Trường Đại học Loma Linda.  Trong thời gian này, thư viện của khu Ngoại khoa có một bác sĩ trẻ người Mỹ, cũng đang chờ đợi để được phỏng vấn.  Khoa Ngoại của nhà thương chỉ lấy có một thí sinh.  Điều làm cho tôi ngạc nhiên là trong suốt thời gian hơn một tiếng đồng hồ ngồi đối diện trước bàn làm việc, trong văn phòng của GS Branson, ông không hỏi tôi một câu nào về kiến thức Y khoa Giải phẫu.  Ông chỉ tâm tình cho biết ông có chứng kiến thời gian miền Nam sụp đổ, vì ông có mặt trong bệnh viện Cơ đốc Phục lâm tọa lạc gần phi trường Tân Sơn Nhứt, ngang Bộ Tổng Tham Mưu:

Thay vì rời bỏ đất nước trong lúc nguy ngập để ra đi, anh đã tình nguyện ở lại nhà thương để mổ và chăm sóc cho trên năm trăm thường dân bị pháo kích, anh bị bắt trong khi đang làm việc trong phòng mổ, bị đưa đi học tập cải tạo cho đến chân anh bị suy yếu vì thiếu dinh dưỡng.  Anh đã hy sinh nhiều cho xứ sở của anh, bây giờ trường Loma Linda có bổn phận giúp đỡ lại anh.  Chừng nào anh muốn vô chương trình Giải phẫu của Trung tâm Y khoa Loma Linda?”

Câu hỏi của GS Branson làm tôi vô cùng bàng hoàng, vì trước khi lên Loma Linda, tôi có gặp Bác sĩ Cao Xuân An, một người bạn thân nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Xã Hội VNCH.  Anh sang Mỹ trước tôi.  Khi đi tù CS về chung, tôi có mổ cho con anh.  Anh biết tôi thích và có khả năng về Giải phẫu nhưng anh cũng thành thật cho tôi biết tình trạng Y tế trên nước Mỹ lúc bấy giờ.  Đồng nghiệp Việt Nam có ECFMG và FLEX còn đông và đang chờ đợi để được nhận vô thực tập trong một nhà thương được chính phủ công nhận, nhưng vấn đề xin vô đây rất khó khăn, nhất là khoa Giải phẫu.  “Tôi biết anh thích về giải phẫu nhưng tôi cũng thành thật khuyên anh hãy quên đi”. Có vài bạn đồng nghiệp, vì hoàn cảnh sinh sống khó khăn, không thể chờ đợi để được nhận vô nhà thương, nên đã tìm cách đổi nghề, chuyển sang học Chiropractor, Châm cứu, OD, v. v…

Tôi không ngờ lại được trường Loma Linda gọi phỏng vấn và chấp nhận cho tôi làm Bác sĩ thường trú Ngoại khoa một cách dễ dàng mà không hỏi qua về khả năng chuyên môn.  Trường cũng miễn cho tôi bằng ECFMG dành cho tất cả bác sĩ ngoại quốc muốn học trở lại ngành Y Khoa tại Hoa Kỳ, miễn năm Intership… Chương trình Giải phẫu của Trung tâm Loma Linda là năm năm, năm cuối cùng có phần giải phẫu trẻ em và giải phẫu lồng ngực.  Sau đó, GS Branson giới thiệu cho tôi qua nhà thờ Cơ đốc nằm trong bệnh viện, để nơi đây cho tôi mượn 2. 000 đồng thuê chỗ ở trong một cư xá lưu động gần trung tâm cho tiện việc học hành.  Thông thường muốn xin thực tập trong một nhà thương trên toàn nước Mỹ thì việc đầu tiên là phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gởi đến các trường Y Khoa mà mình lựa chọn, xong ngồi nhà chờ đợi. 

Có nơi nào gọi là phải tức tốc đi máy bay tới nơi, mướn khách sạn ở gần nhà thương, chờ đợi phỏng vấn, chẳng khác nào sĩ tử ngày xưa lều chõng ra kinh thi hội.  Ngày xưa đi bộ, băng rừng, trèo non, lội suối, phải mất một thời gian dài đôi ba tháng, hay lâu hơn, ngày nay đi máy bay, nằm ngủ một giấc là đến nơi.  Tuy nhiên việc chuẩn bị đi đến một nơi xa để được phỏng vấn thật là tốn kém.  Tôi rất lo ngại vì biết mình còn trong tình trạng quá yếu về tài chánh.  Tôi chưa dám gởi một hồ sơ đến bất cứ một nhà thương nào, ngay cả nhà thương Loma Linda.  Sau khi được GS Branson phỏng vấn, tôi chưa nhận được thư phúc đáp kết quả của trường, thì tên tôi đã được ghi trên danh sách trực gác của khoa Ngoại nhà thương Loma Linda đúng vào ngày lễ Giáng sinh năm 1984 và đồng thời tôi được lãnh tiền lương Bác sĩ thường trú ngoại khoa. 

Được làm việc trở lại trong phòng mổ của nhà thương Loma Linda, tôi rất mừng vì vừa phù hợp với khả năng của mình, mà lại vừa ít tốn kém, tuy nhiên tôi vẫn chưa tin đó là sự thật, vì qua đây trễ tràng, tôi không bao giờ dám mơ tưởng tới việc sẽ được học trở lại ngành giải phẫu trên đất Hoa Kỳ.  Lúc đầu tôi cũng còn thấy bỡ ngỡ, không phải vì vấn đề thuần túy ngôn ngữ.  Đọc sách Y khoa tiếng Pháp hay tiếng Anh đối với tôi không có vấn đề, tôi hiểu dễ dàng, vì bên nhà từ nhỏ cho tới lớn, tôi theo học chương trình Pháp; lên Sài Gòn tôi tiếp tục được học hết chương trình Y khoa Pháp.  Biết tiếng Pháp rồi chuyển sang học tiếng Anh tương đối không khó, vì cả hai đều có nguồn gốc chung là tiếng Latin.  Tôi cũng có theo lớp Anh văn trong trường Lê Văn Hai, xong cuốn L’Anglais sans peine (English without toil) và học sách dịch Chinh phụ ngâm của Đặng trần Côn bằng Anh văn dưới sự hướng dẫn của dịch giả Giáo sư Phạm Xuân Thái và nhờ bắt chước một người bạn, mỗi ngày học vài ba chữ trong từ điển Anh-Việt, nghe đài phát thanh ngoại quốc, đọc thêm sách báo tiếng Anh mà tôi có được một số vốn tiếng Anh cũng kha khá

Thời gian đi du học tại Mỹ năm 1962 trong Tổng Y viện Letterman, nhờ có dịp tiếp xúc hàng ngày với chuyên viên Y tá Mỹ khắp nơi về đây tập sự, có một cô Y tá Hoa Kỳ cấp bậc Đại úy, chuyên môn về Gây mê tặng tôi một quyển sách giáo khoa về Gây mê Hồi sức và giúp tôi trau dồi thêm Anh ngữ; mỗi ngày tôi lại có một bà giáo chuyên dạy về tiếng Mỹ cho tôi … Tại Nhật Bản năm 1969-70, tại Úc Đại Lợi và Phi Châu năm 1974 và thời gian trên đảo tỵ nạn P. Bidong năm 1979-80, làm việc gặp gỡ nhiều phái đoàn ngoại quốc nói tiếng Anh mà tôi có nhiều tiến bộ trên địa hạt Anh ngữ.  Tuy nhiên chỉ nghe giọng nói và cách phát âm của giáo sư đang giảng dạy thôi chứ chưa bao giờ có cơ hội thực hành với người ngoại quốc nói tiếng Anh.

Khi vào nhà thương Loma Linda, tiếng Anh của tôi trở nên khá hơn nhờ tiếp xúc mỗi ngày với những đồng nghiệp Điều dưỡng Mỹ, chung quanh tôi phần lớn là những người dân Hoa Kỳ thuộc Cơ Đốc giáo … Có một bác sĩ thường trú ngoại khoa gốc Hoa Kỳ, trong một buổi trực gác chung với tôi đã hỏi tôi vô đạo Cơ Đốc bao lâu rồi và đã ngạc nhiên khi biết tôi không phải là người thuộc đạo Cơ đốc mà lại được tuyển chọn vô làm Bác sĩ thường trú ngoại khoa của trường Đại học Loma Linda.  Trong nhà thương suốt ngày chỉ có cơm chay.  Muốn ăn mặn phải ra ngoài phố hoặc về dưới Santa Ana.
Tôi thầm nghĩ, đây là một phép mầu nhiệm mà Ơn trên đã ban cho tôi, khiến GS Wareham, GS Branson, GS Jacobson đã giúp cho tôi vô học lại về giải phẫu trong nhà thương Loma Linda để trở về nghề cũ {sớm hơn và tương đối dễ dàng hơn, bù đắp lại thời gian bốn năm dài tôi đã mất trong các trại tù lao động tập trung và dưới sự quản chế của công an cộng sản địa phương. 

Thêm vào đó có thời gian hơn hai năm trời sống lênh đênh trên biển cả, vượt biển tìm Tự Do và ở trên hoang đảo tỵ nạn P. Bidong. } Các Giáo sư của trường Đại học Loma Linda chỉ dựa vào kinh nghiệm chuyên môn Giải phẫu của tôi, dựa vào quá trình làm việc về giải phẫu của tôi tại quê nhà, về giấy chứng nhận của Giáo sư Norman Hoover, nguyên Đại diện Hiệp hội các bác sĩ Hoa Kỳ tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn từ năm 1967 đến năm 1974 về thơ giới thiệu của hai vị GS cựu Khoa trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn là GS Đặng Văn Chiếu và GS Đào Hữu Anh.

Lãnh lương bác sĩ thường trú ngoại khoa tháng đầu tiên được 1. 600 Mỹ kim.  Để tỏ lòng biết ơn trường Loma Linda tôi có nhã ý gởi hết số tiền đóng góp cho khu Ngoại khoa, nhưng GS Branson đã từ chối.

Tôi tập trung tất cả ngày giờ vào sự học.  sáng sớm, mới 4 giờ rưỡi, tôi đã lái xe Oldsmobile từ Orange County lên nhà thương, vô phòng dành riêng cho bác sĩ, thay quần áo nhà thương, chờ đợi theo anh bác sĩ trưởng thường trú đi thăm bệnh đã mổ hay chuẩn bị mổ, hoặc xuống khu Giải phẫu phụ Giáo sư giải phẫu hoặc sang nhà thương có liên hệ với Loma Linda như nhà thương cựu chiến binh dự thính những buổi nói chuyện về Ngoại khoa.  Khi trở về nhà thương Loma Linda, trước tiên tôi đến thăm “thư viện riêng của tôi” là cái thùng sau của chiếc xe Oldsmobile chứa đầy sách Y khoa để tham khảo thêm.  Ăn cơm trưa xong, ngày nào không có giải phẫu, tôi lên ngồi trong thư viện yên tĩnh của khu Ngoại trên tầng lầu 2 đọc sách, bên ngoài trời tối lúc nào không hay; đến chiều hết giờ làm việc, khu Giải phẫu đóng cửa, tôi lái xe trở về nhà ở Santa Ana. 

Có khi mệt mỏi, tôi tấp sát xe vô lề đường, hoặc xuống đường bên trong tìm chỗ an toàn đậu xe, ngồi sau tay lái, ngủ một giấc cho thật tỉnh rồi mới tiếp tục trở ra lại trên xa lộ.  Tôi học chăm chỉ.  GS Branson có lòng tốt muốn đào tạo tôi thành một nhân viên Giảng huấn ngoại khoa cho trung tâm.  Nhưng vì hoàn cảnh, tôi còn lo nghĩ đến gia đình ở bên này và những người thân còn ở lại bên nhà cũng như những nhân viên đã từng giúp đỡ tôi, khi tôi đi tù cải tạo về, nên tôi chỉ xin học một năm cho đúng theo điều lệ quy định, để sau đó vào ngày 6-03-85, cùng đi với Bác sĩ Vũ Quí Đài, nguyên khoa trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn, lên San Francisco thi bằng hành nghề của tiểu bang California.

Trong ban giám khảo, vị Giáo sư chuyên về ngoại khoa đã hỏi tôi nhiều câu liên quan đến vấn đề đau bụng cấp tính thường xảy ra và cách điều trị.  Tôi đã trả lời đúng từng phần một từ bệnh đau ruột dư cấp tính, đến bệnh viêm túi mật, với chẩn đoán sai biệt bệnh viêm sạn đường tiểu và bệnh viêm buồng trứng.  Viêm ruột dư cấp tính phải mổ liền, còn viêm túi mật phải chuẩn bị cẩn thận bằng trụ sinh rồi mới nên mổ.  Thấy tôi trả lời được, ông hỏi lần lên bộ phận lồng ngực, về chấn thương của động mạch chủ.  Tổn thương động mạch chủ do chấn thương là một trường hợp cần phải can thiệp khẩn cấp, chẩn đoán được tổn thương bằng cách chụp hình lồng ngực để thấy trung thất bị rộng ra và dùng thuốc cản quang để chụp thấy nơi động mạch bị rách để can thiệp.  Tôi trả lời thông suốt các câu hỏi.  Thường thường sau khi hỏi xong thí sinh ra bên ngoài ngồi, chờ đợi kết quả.  Trường hợp tôi, sau khi đúc kết cuộc phỏng vấn, ông Giáo sư lại hỏi tôi thêm một câu: “Chừng nào anh định mở phòng mạch?”. Nghe câu hỏi trong lòng tôi mừng thầm vì đoán được kết quả của cuộc thi.

Bận trở về chỉ có một mình, tôi ghé thăm anh Nguyễn văn Ánh, một người bạn thân, cựu Đại tá Hải quân, xong theo đường chỉ dẫn tôi lên thăm thung lũng Yosemite nằm giữa tiểu bang California, có chiều dài 10 cây số, chiều cao 1 cây số 300 thước, với nhiều khe sâu và nhiều ngọn núi cao oai nghiêm, hùng vĩ.  Đứng dưới chân núi mát lạnh, nhìn thác nước trên cao triền miên đổ xuống qua nhiều thế kỷ, tôi cảm thấy đời tôi bắt đầu một giai đoạn mới, nhẹ nhàng, dễ thở.

Sau khi tốt nghiệp bằng hành nghề của tiểu bang California và bằng giải phẫu của trường Loma Linda, trước khi rời nhà thương Loma Linda, GS Bruce Branson chủ nhiệm khoa Giải phẫu của Trung tâm Loma Linda, yêu cầu tôi trình bày tại Hội trường lớn của Trung tâm đề tài: “Cuộc vượt thoát bằng đường biển của một bác sĩ Giải phẫu Việt Nam, nguyên Tổng Quản Đốc Trung tâm Thực tập Y khoa Gia Định-Bệnh viện Nguyễn Văn Học, kiêm chủ nhiệm khoa Giải phẫu”..

Một đề tài không liên quan gì tới ngành chuyên môn, nhưng tôi biết được chủ ý của giáo sư là muốn cho tôi có cơ hội để nói lên ý chí của mình, bởi vì có ý chí thì mới có thành quả được, tôi cố gắng sắp xếp lại câu chuyện cho mạch lạc và trình bày bằng tất cả sự thật trong trái tim mình. . Sau buổi nói chuyện, cử tọa đứng dậy vỗ tay tán thưởng, và tự động xếp một hàng dài lên bắt tay, an ủi và tỏ lòng mến trọng tôi.  Tôi được Giáo sư Branson trao cho một ngân phiếu 200 đồng tượng trưng tiền thù lao của Thuyết trình viên.

Rời trường Loma Linda tháng 9 năm 1985, qua năm sau 1986, tôi gia nhập Hội Giải phẫu Thẩm mỹ Hoa Kỳ và sáu năm sau vào năm 1992, đậu bằng Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế, tôi được GS Bolivar Escobido, Chủ tịch Hội Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế mời tham gia đi nói chuyện về Giải phẫu Thẩm mỹ tại Âu Châu và Nam Mỹ.  Trong đoàn còn có BS Frank Alvarez, một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nhiều kinh nghiệm gốc Cuba.  Tôi phụ trách phần nói chuyện về Giải phẫu thẩm mỹ sửa mắt một mí thành 2 mí cho người Á Đông tại thủ đô Rome (Ý Đại Lợi), Barcelona (Tây Ban Nha), nơi đây tôi được tước vị Giáo sư danh dự của Hội Giải phẫu Thẩm mỹ tây Ban Nha cùng một lúc với GS Pitanguy I, chuyên gia nổi tiếng Thế giới về Giải phẫu Thẩm mỹ ngực, người gốc Brazil.  Tại thủ đô Lima Peru (nam Mỹ) bác sĩ Frank và tôi được mời giải phẫu căng da mặt cho một người trong thân tộc của GS Escobido.  Kết quả cuộc giải phẫu rất tốt.

Trở về Orange County, tôi mở phòng khám bệnh tư, hành nghề tại số 14441#2 đường Brookhurst, Garden Grove, tiểu bang California được 10 năm.  Sau đó dời về đại lộ Beach Blvd số 17672, làm việc thêm được 4 năm.  Cuối cùng trở về 13071 đường Brookhurst # 170 Garden Grove làm việc cho đến năm 2004.  Suốt thời gian hơn 15 năm hành nghề, tôi đã dùng phòng khám bệnh một phần để giúp đỡ miễn phí cho những người trước đây ở chung trong các trại tù Cộng Sản VN với tôi, những người bên đảo tị nạn Bidong mới sang, những người sống trong tiểu bang California chưa được trợ cấp Medical.

Một biến cố xảy ra trong thương trường với nhiều gian dối, bị kích xúc mạnh tôi thình lình lên cơn đau tim được Bác sĩ Loan Thị Hồ Ngô chuyên khoa nội thương tim mạch giới thiệu lên nhà thương Good Samaritan trên Los Angeles.  Nơi đây BS Gregory Louis Kay chuyên về Giải phẫu tim đã lấy tĩnh mạch ở chân trái của tôi lên làm nhịp cầu nối động mạch chủ vô tim (bypass surgery) cho tôi.  Qua năm sau tôi lại bị suy thận, một tuần ba lần đi lọc máu (Hemodialysis).  Tôi phải ngưng làm việc.  Phòng mạch tôi phải nhờ vợ và con gái tôi tốt nghiệp chuyên khoa phòng mổ tiếp tục trông nom với sự cộng tác chuyên môn của những người bạn, những bác sĩ Giải phẫu thẩm mỹ hành nghề trên Beverly Hill và ở Newport Beach.

Ngồi ôn lại suốt cuộc đời Y sĩ từ ngày mới ra trường cho đến nay, trải qua những vinh quang và tủi nhục, tôi cảm thấy lòng mình yên ổn.  Tôi đã làm tròn chức năng của một người thầy thuốc, hết lòng lo nghĩ và chăm sóc tận tình cho quân nhân ngoài tiền tuyến, cũng như tận tụy với bệnh nhân nơi hậu cứ, trong các nhà thương.  Tôi đã không quản ngại nguy hiểm ở lại sau cùng trên mặt trận Dakrotah ngoài biên thùy Tân Cảnh Kon Tum để chờ đợi thương binh còn mắc kẹt trong rừng sâu sau cuộc chiến.  Tôi đã hiến máu loại O của tôi ngoài TYV Duy Tân-Đà Nẵng để kịp thời mổ và cứu sống một thương binh bị thương nặng do một viên đạn trung liên trúng ngực, viên đạn xuyên từ đỉnh ngực bên phải qua cơ hoành, xuống bụng, làm lủng phổi, bể gan, lủng ruột.  Bệnh nhân đã có giấy khai tử của đơn vị. 

Tôi đã nhảy xuống sông Đà chảy xiết ban đêm để cứu một quân nhân Hoa Kỳ sắp chết chìm… Tôi đã lội qua sông Cà ty Phan Thiết, một vùng xôi đậu thuộc chiến khu tam giác sắt VC để chữa cho một em bé đau nặng.  Tôi đã ra ngoài hải đảo Phú Quý xa xôi cách đất liền Phan Thiết 100 cây số để chăm sóc cho ngư dân nghèo trên biển cả.  Tôi đã hai lần tình nguyện lên tận vùng rừng thiêng nước độc Phước Long-Bà rá, nguy hiểm mà từ trước đến bây giờ, chưa có một bác sĩ nào đến làm việc.  Tôi đã tình nguyện hy sinh ở lại nhà thương Nguyễn Văn Học vào giờ phút chót để mổ cho hàng trăm thường dân bị trúng đạn pháo kích của CS, để rồi bị CS bắt ngay trong phòng mổ và bị đưa đi các trại tù cho đến chân tôi bị suy yếu vì thiếu dinh dưỡng. 

Được tạm tha trở về nhà thương làm việc vì nhu cầu chuyên môn giải phẫu lồng ngực.  Tôi vẫn một lòng tận tụy cho bệnh nhân không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, mặc dù tôi phải làm việc trong phòng mổ một thời gian dài không lương với những tủi nhục chua xót của kẻ chiến bại bị phân biệt đối xử trong chế độ CS.  Thỉnh thoảng tôi còn phải đến những nơi thật là hắc ám để trình diện, ban đêm tôi phải xách tầm vông và dây luộc ra ngồi dưới cột đèn đường Duy Tân, canh gác khu phố dưới sự giám sát của Công an.  Nhà tôi ở cũng không yên ổn, cơ quan an ninh của phường tự tiện vô lục soát bất cứ lúc nào. 

Không có gì quý hơn độc lập- tự do”.  Mỉa mai thay câu nói này lại đặt trong chánh sách đàn áp độc tài của Cộng Sản. . Người dân không còn sự lựa chọn nào khác hơn là ra đi để thoát khỏi gông cùm đó.  Chúng tôi trân mình chịu đựng cho đến ngày vợ tôi tổ chức cho cả gia đình an toàn trốn được xuống Rạch Giá tìm đường vượt biển …Trải qua những gian nan thập tử nhất sanh trên biển cả bao la để được tới đảo và cuối cùng tới được bến bờ tự do trên đất Mỹ.  Rồi tôi cố gắng học hành để được đặc biệt thâu nhận vô trường Đại học Loma Linda, trở lại nghề nghiệp cũ làm Bác sĩ Giải phẫu Y khoa.

Cho đến ngày hôm nay, tuổi đã về chiều còn vướng phải hai chứng bệnh ngặt nghèo cùng một lúc, vừa phải mổ nối động mạch tim bị nghẽn vừa bị suy thận phải lọc máu một tuần ba lần.  Tôi không biết có phải là Ơn Trên báo động sẽ chấm dứt sứ mạng cứu người của tôi, hay đây cũng lại là một thử thách khó khăn để rồi sau khi may mắn được lành bệnh sẽ giao phó cho tôi một nhiệm vụ cứu nhân nào khác nữa?

Trước khi chấm dứt thiên Hồi ký này tôi muốn có một đôi lời tri ân:

Lúc còn nhỏ, tôi ham chơi hơn ham học, suốt ngày chạy rong trên những cánh đồng ruộng lúa mênh mông, theo những đứa trẻ chăn trâu, mồi chim, bắt cá lia thia, đá gà, bắt dế, giăng câu, v. v… Lớn lên tôi chỉ có một mớ kiến thức khiêm nhường về đồng áng, nhưng may mắn thay, được mẹ và người chị lớn thứ ba hết lòng giúp đỡ dìu dắt cho tôi tiếp tục học hành; tôi thi đậu vô trường trung học Pétrus Ký, học xong ban tú tài Pháp phần I tại trường tư thục Lê văn Hai - Huỳnh thị Ngà, ban tú tài Pháp phần II tại trường trung học Chasseloup Laubat, tốt nghiệp trường Hàng hải Việt Nam với hai bằng Sĩ quan Viễn Dương và Cận Dương thuyền trưởng, tốt nghiệp trường Y Khoa Đại học Sài Gòn với bằng Bác sĩ Y Khoa.  Luận án Tiến sĩ được Hội đồng Giám khảo Y Khoa chấm tối ưu hạng và được đề nghị một Giải thưởng luận án.

Cuộc đời của tôi đã đi qua những đoạn đường chông gai thời chinh chiến tàn khốc, đôi khi quá kinh hoàng trong bom rơi đạn nổ mịt mù, hay những lúc khiếp sợ hãi hùng trên biển cả cuồng phong bão tố, nhiều lúc tưởng chừng như không thể nào thoát được lưới tử thần, nếu không có bàn tay mầu nhiệm của Thượng Đế đã cứu vớt tôi.  Tôi có người Mẹ thân yêu đã mất cách đây trên 50 năm, lúc tôi còn trẻ.  Tuy nhiên tôi có linh cảm như mẹ tôi lúc nào cũng ở bên cạnh để che chở bảo vệ tôi và giúp cho tôi tránh khỏi những tình huống vô cùng khó khăn đen tối.

Quyển Hồi ký này tôi viết và để lại cho gia đình bé nhỏ của tôi, cho người vợ hiền tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng thật đảm đang, gan dạ, một lòng chung thủy đã không bỏ tôi trong cơn hoạn nạn, thời buổi khó khăn khi tôi còn trong các trại tù tập trung Cộng Sản.  Ở nhà, vợ tôi đã thay thế tôi chăm sóc chu đáo cho cha tôi trong cơn đau tim trầm trọng, biết thu xếp việc gia đình vất vả trăm chiều, tìm kiếm tổ chức vượt biển và lo cho tôi sớm rời khỏi chốn lao tù, đưa cả gia đình xuống miền Tây Rạch Giá để dùng tàu rời khỏi VN.  Sang Hoa Kỳ, vợ tôi biết an phận chấp nhận những thiếu thốn về vật chất riêng tư cho mình, đi làm lụng cực nhọc để lo cho tôi có đầy đủ phương tiện trong việc học hành trở lại và chăm sóc chu đáo các con, các cháu.  Tôi tự thấy mình may mắn khi có một gia đình êm ấm, là điểm tựa vững vàng đã giúp tôi không gục ngã mỗi khi đau buồn thất vọng...

Nguyễn Duy Cung
Hết

*****
Link tải sách về:

Epub:


PDF:


Scanned PDF:

No comments: