Saturday, October 12, 2013

Người Lao công đào binh tên Sơn

Văn Lan 


Thường Đức là tên của một quận lỵ xa nhất về hướng tây của tỉnh Quảng Nam. Hầu hết phần đất của quận bao gồm một phần của dãy Trường Sơn với những núi, núi, núi và núi. Một trong những thôn xã trù phú nhất của Quận tên là Hà Tân nằm tựa trên mũi sông nơi giáp lưu của con sông Côn đổ ra con sông Vu Gia.
Trên sườn đồi, về hướng tây, ở đầu xã là Trụ sở văn phòng Quận và cũng là Chi Khu Thường Đức. Giáp lưng Quận, trên đỉnh đồi là hậu cứ của Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân (TĐ79/BĐQ). Đây là một căn cứ do quân đội Mỹ thiết lập trước đây dùng làm nơi xuất phát của những đơn vị Nhảy Toán bao gồm cả Việt và Mỹ. Ngày 14 tháng 11 năm 1970, căn cứ được chuyển giao cho TĐ79/BĐQ. Ngoại trừ dăm ba lần Tiểu Đoàn về đây dưỡng quân sau những cuộc hành quân ở những vùng khác trên khắp Quân Khu 1, mỗi lần về nghỉ khoảng hai ba tuần. Hầu như quanh năm, Tiểu Đoàn chỉ để lại độ một Trung Đội, khoảng vài mươi người, để quản trị hậu cứ.
Trên một ngọn đồi nhỏ kế cận, về hướng tây, gần như cách biệt với Tiểu Đoàn là nơi đóng quân của Đại Đội 1. Vòng đai phòng thủ cũng như nơi ăn chổ ở của toàn thể Đại Đội là những lô-cốt, cách khoảng được nối liền bằng con giao thông hào. Nằm giữa ngọn đồi là một căn nhà tôn, vách lá, dùng làm chỗ văn phòng Đại Đội. Bên ngoài văn phòng có trồng năm ba cây làm cảnh. Dưới sức nóng hừng hực của mặt trời, màu xanh của lá cây trên một giải đất vàng vỏ chỉ toàn những sỏi đá, mang lại một ít tươi mát cho những thằng lính xa nhà như chúng tôi.
Phía bên trái văn phòng Đại Đội là một căn nhà tôn không vách dùng làm nhà ăn. Ngoài giờ ăn, đây là nơi duy nhất mà bọn lính chúng tôi dùng để trốn nắng trong những buổi trưa hè oi ả.
... một trưa hè năm 1973
Trời nắng như thiêu đốt trên ngọn đồi bản doanh Đại Đội. Hầu hết mọi người đều xuống dưới làng. Những ai có gia đình ở dưới đó thì được về nhà. Đứa nào thuộc dạng con bà xơ nhưng có tiền thì cũng xuống làng vào quán ăn uống đấu hót. Còn đám con bà xơ, thuộc loại bần cố nông, còn lại như chúng tôi, khoảng năm bảy đứa, thì tụ tập ở căn nhà ăn ngồi trốn nắng và tán dóc trên những cái bàn ghế làm bằng những thanh gỗ lấy ra từ những thùng chứa đạn.
Một thằng lên tiếng hỏi thinh không:
- Đứa nào có chuyện tiếu lâm nào hay hay kể nghe chơi?
Cả bọn ngồi im không có thằng nào trả lời. Một đứa, tương đối có khả năng nói chuyện diễu hơn những đứa khác bèn nói:
- Tụi mày có nghe cái chuyện “Thỏi xúc xích của cái bà góa phụ với cái ông xã trưởng” hồi nào chưa?
Những giọng khác hỏi lại:
- Có phải cái chuyện ông xã trưởng đòi ăn cái khúc xúc xích ở trên cái bàn thờ đó không?
- Có phải cái chuyện này mấy ông Huấn Luyện Viên ở Dục Mỹ kể hở?
Đứa tính kể chuyện ầm ừ:
- Ờ, chắc chuyện đó đó.
Cả đám cười rộ lên rồi có tiếng gạt ngang:
- Thôi, kể chuyện khác đi mày. Mỗi lần nghe cái chuyện đó mà tao thấy ớn cho cái thằng nhỏ quá. Ghê bỏ mẹ.
Thằng tính kể chuyện bị cụt hứng nhăn răng cười thôi không nói nữa.
Một chặp sau, như nhớ ra chuyện gì nó bèn nói:
- Được rồi, có chuyện này hay lắm để tao kể cho tụi mày nghe.
Sau khi biết chắc ai cũng muốn nghe, nó bèn kể:
- Tụi mày còn nhớ hồi mình còn đóng ở Quân Đoàn không? Bữa nọ, có chuyện, tao phải đi qua Bộ Chỉ Huy ở Non Nước làm giấy tờ. Trên đường về, khi xe lam sắp lên trên cầu Trịnh Minh Thế thì bị chặn lại. Phía trước có một cái xe Hồng Thập Tự với một đám người đứng bao chung quanh. Tò mò, tao cũng đi tới coi thử chuyện gì cho biết. Tới nơi, chen vô thì tao thấy có một cô bé nữ sinh khá xinh đẹp, quần áo ước sủng nước, đang ngồi trên cái băng ca thút thít khóc. Tao bèn hỏi người đứng bên cạnh:
- Chuyện gì vậy?
Người đó chỉ cô gái rồi nói:
- Nghe nói cô này nhảy xuống cầu tính tự tử sao đó, nhưng may sao có cái cậu kia nhảy xuống cứu kịp, chớ không thì ngủm cù tèo rồi.
Vừa nói người này vừa chỉ về hướng một cậu thanh niên, quần áo ướt mèm, mặt mủi quạu quọ hùng hổ, từ dưới bờ ruộng đang leo lên lề đường nhắm về hướng đầu cầu đi tới. Nhằm lúc đó, có một đám học trò đang đi xuống. Khi tới gần nhóm học sinh thì nó dừng lại nhìn chằm chặp từng đứa như tìm kiếm ai. Nhìn một lúc như nhận không ra ai, nó bực mình giận dữ la lớn:
- Đm, hồi nãy thằng nào xô tao?
Tự nãy giờ lắng nghe câu chuyện một cách say mê, bây giờ cả đám mới la lên cười rộ một cách thích thú.
o O o
Đang đấu hót chợt có đứa chỉ tay về hướng Tiểu Đoàn ở bên kia đồi:
- Ai đi về giống như ông Thường Vụ thì phải?
Chúng tôi cùng nhìn theo về hướng chỉ tay của nó. Phía bên kia đồi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, ông Thường Vụ Đại Đội đang đi về, theo sau ông có một nhóm người.
Không ai hỏi, một đứa ra vẻ rành chuyện giải thích:
- Chắc tụi lao công đào binh (LCĐB)?
- Sao mầy biết? Một đứa khác hỏi lại.
- Hồi nãy tao nghe ông Thường Vụ nói. Ổng nói tý nữa ổng qua Tiểu Đoàn nhận mấy người lao công đào binh về làm tạp dịch hay tải đạn gì đó cho Đại Đội.
- Rồi họ có theo mình đi hành quân không?
- Chắc vậy. Nghe nói họ bắt mấy người lao công đào binh đi tải đạn.
- Khổ quá hở! Một đứa chặc lưỡi.
- Thế có cho họ mang súng không?
- Sao mà mày khờ quá vậy. Giao súng cho nó rồi lỡ nó bắn mày rồi trốn đi thì sao?
Cả bọn im lặng theo dõi nhóm người đang tiến dần về hướng Đại Đội. Có khoảng mươi người lẽo đẽo đi theo sau ông Thường Vụ. Khi họ đến trước văn phòng đại đội, ông Thường Vụ ra lệnh cho họ tập họp, dặn dò họ dăm ba điều gì đó rồi ông ra hiệu cho họ tan hàng đi về phía nhà ăn, nơi chúng tôi đang ngồi, để tránh nắng. Chắc cỏ lẽ họ là những người Lao Công Đào Binh vì trông họ ăn mặc đủ loại quân phục thường phục, giày dép lộn xộn.
Thấy chúng tôi đang hút thuốc, một người có dáng dấp “dân chơi tỉnh lẻ”, trông có vẻ lớn tuổi hơn chúng tôi, đến gần.
- Đàn anh cho em xin một điếu thuốc.
Mấy cặp mắt hướng về chỗ tôi, tôi cũng bắt chước họ nhìn theo hướng đó nhưng chẳng thấy ngoe nào nữa trừ tôi, tránh không được, tôi miễn cưỡng móc túi lấy gói Basto mời vị này một điếu. Thấy vậy, mấy người khác cũng tiến tới chìa tay xin thuốc.
o O o
Nó là người đến xin thuốc cuối cùng. Lúc này, tôi mới có dịp quan sát nó một cách rõ ràng hơn. Khi nhóm người LCĐB còn đang tập họp trên sân Đại Đội, tôi nhận thấy có một thanh niên ở vào trạc tuổi của chúng tôi. Trông nó có vẻ lạc lõng và cô đơn trong nhóm người này. Nó mặc một chiếc áo nhà binh đã củ rích và có phần tơi tả. Chân nó mang đôi dép nhựt đến gần đưa tay xin thuốc. Trông nó không sạm nắng như chúng tôi hay những người LCĐB khác. Mặt mũi nó trắng trẻo như thư sinh, tướng tá có vẻ hiền hậu con nhà lành. Nhìn nó, không ai nghĩ rằng nó đã đi lính, huống hồ chi là đã đào ngũ rồi bị bắt để thành lao công như thế này.
Vừa chìa điếu thuốc đưa cho nó tôi vừa hỏi:
- Tên gì vậy mậy?
Nó đưa tay nhận điếu thuốc lá rồi trả lời.
- Dạ, em tên Sơn. Nó nhã nhặn trả lời.
Tôi không ưa lắm cái cách xưng hô “anh anh, em em” bá vơ ngay từ khi còn ở ngoài đời. Tôi càng thấy chướng lỗ tai khi nghe cái lối xưng tụng như thế này ở trong quân đội. Tôi thấy “trung sĩ em em; đại úy em em; ông thầy em em ...” nghe nó không phải lịch sự nhưng mang hơi hướm hèn hạ và cầu cạnh không thích hợp với khẩu khí và tư cách của một quân nhân. Nó cũng như một số lớn khác trốn nhà đi lính hay dùng cách đổi giấy khai sinh, cạo tên, đổi tuổi, v.v... Tôi không nghĩ tên Sơn là tên thật cúa nó. Mồi điếu thuốc xong, có lẽ nó cảm nhận được sự khó chịu của tôi nên nó bèn lảng sang một góc khác. Nhìn nó ngồi một mình quay lưng trông về dãy núi xa xa, tôi thấy nó thật là cô đơn cũng chẳng khác gì chúng tôi cho mấy. Một lát sau, ông Thường Vụ trở lại kêu họ tập họp rồi dẫn những người LCĐB đến một lô-cốt kế văn phòng Đại Đội, chắc là chỉ cho họ chỗ ngủ.
o O o
Đến chiều, sau khi dùng cơm tối xong, trời hãy còn sáng nhưng chúng tôi không quen ai ở Thường Đức nên cũng chẳng tha thiết xuống dưới làng làm gì, thành ra cứ tụ họ̣p quanh quẩn ở cái nhà ăn.
Thấy bọn tôi la cà ở nhà ăn nó bèn lân la qua làm quen. Một thằng trong bọn tôi khi nhìn thấy nó đang đi dần tới bèn đứng dậy đi về phía cái hầm của nó. Một chặp sau trở lại, nó cầm trên tay theo một đôi giầy bô, đưa cho thằng Sơn:
- Nè, lấy cái này mang đỡ đi mày. Ở đây toàn là đá không à. Đi dép nhựt chịu sao nổi.
Thằng Sơn cảm động ra mặt, đưa tay ra đón lấy đôi giầy bố.
- Ê! Mà mang đôi giầy này vô thì mày không được tới gần tụi tao à.
Thằng Sơn đang loay hoay sỏ chân vô giầy nghe nói như thế bèn ngước lên nhìn về hướng của giọng nói vừa phát ra có vẻ phân vân lẫn chút thất vọng.
Đứa ngồi bên cạnh thằng Sơn bèn vỗ vai nó giải thích:
- Nó nói giỡn đó. Chắc mày cũng biết là giầy bố nó hôi kinh khủng như thế nào.
Thằng Sơn lúc này mới vỡ lẽ cười hì hì. Từ khi biết nó đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy nó cười một cách trọn vẹn.
o O o
Trung Đội 3 là nơi có nhiều con bà xơ, độc thân vui tính nên nó hay la cà đi theo. Vì cùng tuổi tác nên chúng tôi dễ hòa hợp chơi thân với nhau. Chúng tôi cũng không so đo nên không ai trong chúng tôi phân biệt lao công đào binh hay lính tráng. Nó cũng biết thế nên lúc nào rãnh rỗi thì nó đi kiếm chúng tôi. Ngược lại, đi đâu chơi, chúng tôi cũng hay dẫn nó đi theo.
Từ đó, nó theo Đại Đội đi hành quân khắp “Vùng Chiến Thuật”. Mang tiếng là đi tải đạn nhưng thật ra những người LCĐB còn mang đạn ít hơn chúng tôi. Còn nó, có lẽ nhờ vào tính tình dễ mến, nên người ta chỉ giao cho nó mang một phần tiếp liệu nên cũng tương đối nhẹ nhàng lắm.
o O o
Trận Thường Đức - Ngày N
- Ngày 28 tháng 7 năm 1974
Trời chưa sáng nhưng hậu cứ đã choàng dậy trong cơn mưa pháo. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hai ngọn đồi của hậu cứ Tiểu Đoàn đã tiếp nhận hằng trăm, có thể hằng ngàn đạn pháo cũng không chừng. Trời vừa hừng sáng, khi những bóng dáng của cộng quân, lũ lâu la cô hồn đi gieo tang tóc, xuất hiện rồi kêu réo xung phong. Tôi có dịp nhìn quanh địa thế. Quang cảnh thật là điêu tàn. Tất cả mọi vật như thay đổi. Hình như không một viên sỏi, hòn đá nào mà không bị lãnh đạn ít nhứt cũng một lần.
Cùng chung với số phận những người dân Thường Đức, nó cũng bị ném quăng vào trong trận chiến. Tự dưng, nó cũng phải hứng chịu những nghiệt ngã ngoài ước muốn của nó.
Trận Thường Đức - Ngày N+?
Chiến trường lúc này đang im lặng. Sự im lặng của bắt đầu một màn tấn công tới, hoặc cộng quân đang tơi tả nghỉ xả hơi.
Tôi đang ngồi bệt dưới giao thông hào mơ màng nghĩ tới những cô gái mà tôi có hân hạnh đựơc quen biết. Tôi tưởng tượng, tôi trong bộ quân phục tác chiến, bám đầy bụi đường, còn vương mùi thuốc súng, đưa các nàng đến quán cà-phê Thạch Thảo ở Đà Nẵng vào buổi hoàng hôn. Trong ánh đèn màu lung linh huyền hoặc với tiếng nhạc êm ái thoát ra từ giàn âm thanh Akai, bên tách cà-phê phin pha một ít rượu rum, êm ái cầm tay các nàng, tôi sẽ kể cho các nàng nghe những màn đánh nhau ngoạn mục còn hơn cả những phim chiến tranh của Mỹ, và còn trội hơn cái tiểu đội của ông Vic Morrow trong show Combat rất nhiều. Cái tiểu đội của ông Vic Morrow chẳng thấm tháp gì so với những chàng Biệt Động Quân thuộc Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 79. Chúng tôi ngon đến độ mà đạn cũng phải khớp, khi nó bay tới gần mà thấy Biệt Động Quân là nó hoảng hồn rơi xuống đất nghe lụp bụp thấy tội lắm.
Đạn cứ sủi vào đất kêu lụp bụp từng chập. Từng tiếng đạn phòng không quen thuộc từ trên cao độ ở dãy núi Pla-tô ở hướng nam phía bên kia sông bắn sang. Đạn trúng đất kêu lụp bụp lụp bụp. Tôi giựt mình nhìn quanh cầu nhầu:
- M, đạn ở đâu mà dư đến độ dùng cả đạn phòng không mà bắn sẻ như thế! Tiếng súng mỗi lúc mỗi chát chúa dần dần tiến về vị trí của tôi. Tôi đang kiếm cách thu mình cho nhỏ hơn, cầu trời cho tai qua nạn khỏi thì nghe tiếng chân lụp xụp chạy tới. Tôi vội liếc ngang qua coi thử đứa nào thì thấy thằng Sơn thở hổn hển lom khom chạy đến. Đến chỗ tôi ngồi nó ngồi thụp xuống. Tôi tính cằn nhằn nó ở đâu thì ở chỗ đó chứ chạy đi chạy lại làm gì để cho nó bắn thì nó đã vội nói:
- Còn thuốc cho tao xin một điếu?
Nhìn nó hôm nay không ai nghĩ nó là LCĐB mà rõ ràng là lính Biệt Động Quân thứ thiệt. Trên đầu nó mang một cái nón sắt, chắc lượm được của ai đó. Cũng giầy, cũng bộ đồ trận, trông nó cũng ngầu lắm. Thay vì mang súng M-16 như chúng tôi thì nó lại cầm một cây AK với mấy cái băng đạn AK đeo “tòn teng” trước bụng. Thấy tôi nhăn mặt nhìn khẩu AK của nó, nó nhăn răng cười phân trần:
- Không biết cái nước thịt của tụi nó chui vô kẽ nào mà chùi hoài cả ngày hôm qua tới giờ mà nó vẫn còn thúi.
- Sao không lựa cái nào sạch sẽ mà xài, chớ lấy cái này làm gì? Tôi hỏi nó.
- Cái này là sạch lắm đó mày. Cả một đống súng lượm vô, cây nào cây nấy cũng dính đầy nước thịt xám xì, thấy mà muốn mửa.
Tôi nhớ lại, hôm trước, vì đạn đã cạn dần mà không có tiếp tế; để có thể duy trì khả năng chiến đấu, tiểu đội Trinh Sát của đại đội 1 do Trung Sĩ Khâm chỉ huy đợi đêm tối mò ra ngoài hàng rào phòng thủ. Họ dọ dẫm mò tới những nơi mà xác cộng quân bị bỏ lại để thu lượm súng ống của địch hầu có thêm vũ khí chống cự với địch quân. Dưới cái nóng cháy người của mùa hè, ban ngày cũng như ban đêm, những xác chết của cộng quân bị sình chướng và rục nát tiết ra những giòng nước nhờn nhờn xền xệt mang một màu xám xịt. Chúng tôi không biết nên gọi cái loại nước này là nước gì nên cứ gọi đại nó là nước thịt. Chất nước xám từ trong xác chết của cộng quân chảy ra bám vào những súng ống đạn dược nằm bên cạnh tử thi.
Đêm đó, sau khi nghe tin tiểu đội Trinh Sát của Khâm trở về, tôi có mon men lên xem coi thử có cái nào còn xài được thì đem về xử dụng. Chưa tới nơi, mùi xú uế từ trong đống vũ khí toát ra làm tôi muốn nôn mửa. Tôi đã ngửi cái mùi này từ mấy ngày qua nhưng chưa bao giờ có cái bất hạnh gần gủi như hôm nay. Có thể nói, trên đời này, không có một mủi hôi mùi thúi nào mà có thể qua mặt được mùi hôi này. Nó không những thúi mà nó còn làm cho người ngửi phải rùng mình và nghẹt thở nữa.
Tôi mở bao thuốc lá đưa cho nó một điếu. Cầm điếu thuốc trong tay rồi mà nó vẫn còn chần chừ chưa chịu đi. Thấy nó liều mạng chạy xuống đây xin thuốc, còn tôi thì lúc nào cũng thủ sẵn một cây thuốc lá trong ba-lô, vả lại, còn biết sống chết bao lâu nữa nên tôi đưa hết bao Basto còn lại cho nó. Nó bèn cầm lấy lom khom chạy ngược trở về phòng tuyến của trung đội 3. Vừa thấy nó di chuyển trong giao thông hào, bên kia, đạn đại liên phòng không lại ồn ào bắn sẻ sang.
Trận Thường Đức - Ngày N+10 – Ngày 7 tháng 8 năm 1974Thường Đức - Hình chụp vào thập niên 60. Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân chính thức dùng nơi đây làm hậu cứ từ ngày 14 tháng 11 năm 1970.
Trời vừa hừng sáng, từng đợt pháo kích đã mở màn cho một ngày mới. Cường độ pháo kích hôm nay có phần dữ dội hơn những ngày trước, báo hiệu cho thấy có sự thay đổi chiến thuật.
Sau pháo kích, cộng quân bắt đầu dùng pháo bắn trực tiếp vào những lô-cốt hoặc giao thông hào nơi Đại Đội 1 phòng thủ. Những căn hầm nào còn chống chỏi được cho tới hôm nay cũng đã bắt đầu rung chuyển. Từng đoạn giao thông hào dần dần bị san bằng. Nơi Trung Đội 3 phòng thủ là nơi chiến đấu quyết liệt nhứt nên trở thành là mục tiêu chính cho những khẩu đại bác từ bên kia sông bắn sang.
Bị pháo kích, tuy có hãi hùng nhưng cũng còn đỡ hơn là bởi vì đạn rớt khắp nơi nhưng không lọt một chổ nhất định. Chỉ khi nào xui gặp phải trái đạn rớt kế bên mình, thì lúc ấy thân xác mới bị rúng động vật vã. Tuy quằn quại nhưng cơ thể còn có cơ hội phục hồi vì viên đạn kế tiếp có thể rớt ở nơi khác nên thân thể có đủ thời giờ trở lại bình thường. Còn bây giờ, đạn nó cứ nhắm chỗ mình bay tới vùn vụt, hết viên này tới viên kia. Chỉ những tiếng nổ và sức ép của nó không thôi, cũng đủ làm cho toàn thân co rúm tê liệt kéo dài cho đến khi dứt pháo. Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được nỗi kinh hoàng khi bị đặt vào trong hoàn cảnh bất hạnh này.
Mỗi một tiếng đạn nổ là mỗi lần lồng ngực như muốn vỡ tung ra. Sức ép công phá của trái đạn đè bẹp xuống lồng phổi khiến không làm sao thở nổi. Tới khi thở được thì bụi cát ùa nhau bay vào trám đầy trong cuống họng. Tai ù, máu mũi chảy, mắt mở không ra. Nếu có cố gắng hé ra được thì cũng chẳng thấy gì vì bụi đá quay cuồn trên không che khuất hẳn mọi hình mọi vật.
Từng quả rồi từng quả, những trái pháo liên tục nổ trên đầu tuyến phòng thủ của Trung đội 3.
Khi màn pháo phủ đầu vừa dứt, khi đám bụi mù cũng vừa tan thì cộng quân bắt đầu tấn công. Bóng chúng̣ lố nhố dò dẫm sang từ phía bên phòng thủ của Trung Đội 1 đã bỏ trống từ cả tuần nay. Từ triền đồi bên hướng tây, một cánh quân khác cũng bắt đầu tiến sang.
Đợi khi cộng quân vào hẳn trong tầm tác xạ, bên này phe ta bắt đầu khai hỏa. Mặc dầu lúc này cộng quân có phần lợi thế hơn những lần trước nhờ vào một số chướng ngại vật của ta như một số hầm hố mà mình đã bỏ lại vì không còn khả năng trải rộng phòng tuyến. Tuy nhiên, như những lần trước, bọn chúng̣ đã phải chùn bước trước sự phản công mãnh liệt của Trung đội 3. Nói rằng Trung đội 3 bởi đó là tuyến phòng thủ của Trung đội 3 chứ thật ra chỉ còn có năm ba tay súng của tiểu đội trinh sát của Tr/S Khâm.
Có lẽ bên kia địch quân cay cú vì cứ bị bên ta đẩy lui. Từ trên đỉnh núi bên kia sông, chúng̣ nhận thấy chiến thuật phá hầm bằng cách cho bắn trực xạ có hiệu quả. Từ trên cao độ, cộng quân cho pháo bắn thẳng xối xả vào những hầm hố nào còn nhô ra trên mặt đất. Gồng mình hứng trận đòn thù, lần này chúng tôi có cảm giác chúng muốn chôn sống những ai còn lại. Chúng̣ muốn dùng hầm hố và giao thông hào làm mồ chôn chúng tôi.
Dù có thành đồng cốt sắt cũng không làm sao có thể đứng vững trước sự tàn phá khủng khiếp này. Lần lượt, từng cái hầm bị sụp đổ. Từng đoạn giao thông hào bị san bằng. Một trái pháo nổ ngay trên bờ hầm của Trung Úy Tẩm, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, máu từ đầu ông chảy xuống che khuất một bên mắt.
Trên sân đồi, từng cột đất được móc lên quăng tung tóe trong không gian. Trong bụi mờ, thằng Dũng, thằng Đức rồi Tr/S Khâm khập khểnh theo giao thông hào đi xuống. Nhìn họ xuống tôi biết chắc cái ngày sẽ đến rồi phải đến.
Khi thấy rõ tiểu đội Khâm đã rút về sau, cộng quân bèn ngưng pháo cho bộ binh tiến chiếm. Bóng cộng quân bắt đầu lố nhố từ bên vị trí của trung đội 2 dò dẫm tiến sang. Chúng tôi, chỉ còn lại vài thước phòng tuyến bên này chia nhau đâu lưng bố trí.
Tiếng thằng Tư trong máy báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn tình trạng của Tr/U Tẩm và yêu cầu rút về bên đồi của Tiểu Đoàn cố thủ.
Năm ba tên cộng quân nhảy lên thụp xuống tràn tới. Khi cộng quân chỉ còn vài thước cách cái hầm của Trung đội 3 vừa mới xập. Đột nhiên, từ bên trong hầm, một loạt đạn đại liên M60 bắn ra. Vì không ngờ còn có người trong hầm, cho nên một số bị trúng đạn kêu la chí chóe, một số khác vội lùi lại phía sau.
Đạn đại liên vẫn cứ nổ dòn; 3 viên - 2 viên; từng hồi một.
đùng đùng đùng - đùng đùng... đùng đùng đùng - đùng đùng...
Chúng tôi cùng nhìn nhau phân vân không biết đứa nào còn kẹt lại ở trong đó. Bỗ̉ng có tiếng la:
- Chắc thằng Sơn lao công đào binh?
Trung Sĩ Khâm tính dợm người lên, đi trở lại để phụ thằng Sơn. Chưa kịp dượm bước thì tiếng đạn đại liên cũng vừa dứt. Cùng lúc ấy, bóng thằng Sơn, từ trong cái miệng hầm lao về phía chúng tôi. Tới nơi, nó thở hổn hển thều thào:
- Hết đạn rồi. Hết đạn rồi.
Chợt thấy Trung Úy Tẩm ngồi dựa lưng gần đó, nó nói:
- Tụi nó tới rồi, Trung Úy.
Có tiếng bên Tiểu Đoàn gọi qua. Thằng Tư cầm máy lên nghe. Nó dạ dạ một vài lần rồi cúp máy. Quay sang Tr/U Tẩm nó nói:
- Đại bàng kêu zulu.
Từng người một rời khỏi phòng tuyến băng vội qua bên kia vòng đai của Tiểu Đoàn. Ai qua trước xong thì yểm trợ cho lớp qua sau. Sau khi tất cả đã qua hết bên này an toàn. Nhìn lại, tôi thấy ba bốn tên cộng quân đang mon men tới gần nơi chúng tôi vừa cố thủ trước đó không bao lâu.
o O o
Đại Đội 1 bị thất thủ kéo theo Đại Đội 3, rồi Tiểu Đoàn, tiếp theo Chi Khu Thường Đức. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mà tình thế đổi ngược trở nên hoàn toàn vô vọng. Những tiếng la kêu đầu hàng cuả bọn chúng vang lên, nhưng hình như từ ngữ đó không nằm trong ngôn ngữ của chúng tôi.
Chúng tôi phối hợp với một số bên Đại Đội 3 di chuyển xuống làng. Chưa bao giờ tôi cảm thấy ê chề khi bắt gặp những ánh mắt xót xa của những người dân trông theo từ hai bên đường. Có một số như đã chuẩn bị sẵn, khi họ thấy chúng tôi đi qua họ bèn gồng gánh dắt díu nhau theo sau chúng tôi.
Đến cuối bờ sông bên này con sông Côn thì cả lính với dân không thể di chuyển được nữa. Chúng tôi bây giờ được tăng thêm một số lính Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, Cảnh Sát, Cảnh Sát Dã Chiến, Nhảy Toán v.v...
Có người nào đó kêu gọi những ai không bị thương nặng tập họp lại. Tôi và một nhóm lính tráng đủ loại đi qua hướng vừa kêu. Đến nơi, chúng tôi cùng đồng ý mở đường máu, theo đường làng, song song với tỉnh lộ số 4 về Đại Lộc.
Hai chiếc ghe chở hai nhóm chúng tôi qua sông trước làm đầu cầu cho dân chúng và những người bị thương qua sau. Nhờ vào sự kháng cự khá yếu ớt, chúng tôi qua sông với chỉ hai ba người bị xây xát.
Qua được rồi, chúng tôi ra dấu cho mọi người theo. Lợi dụng sự thối lui của cộng quân, chúng tôi quyết định chọn lối đánh thần tốc bằng cách vừa đánh vừa chạy với hy vọng thu ngắn được quãng đường trước khi trởi tối, cũng như trước khi địch quân có cơ hội tái phối trí.
Một điều chúng tôi không ngờ tới, với cách đánh này, con số thương vong bị loại khỏi vòng chiến rất cao. Chúng tôi xông qua được một thôn, đến thôn kế tiếp phải vượt qua một cánh đồng. Khi vừa sắp tới đầu thôn thì bên kia cộng quân đã dàn sẵn bắn ra sối xả. Không cách nào tiến thêm được, chúng tôi đành rẽ trái ra lộ, băng ruộng nhắm vào bìa núi. Tuyến phòng thủ Tây bắc cuả hậu cứ TĐ 79 BĐQ nhin ra từ văn phòng đại đội 1. Hình chụp năm 1973:
Trên cánh đồng, dân có lính có, dắt díu nhau chạy tuôn vô núi. Trên con lộ, cộng quân không buồn dấu diếm, đi thản nhiên xả đạn vào trong đám đông.
o O o
Sau khi vào hẳn bên trong cho đến khi những tiếng súng bắn đuổi theo nhỏ dần thì tôi bắt đầu chậm lại. Đến một chỗ khá an toàn tôi bèn nhìn quanh xem thử mình ở nơi đâu. Trong khi đang loay hoay định hướng hình dung vị trí của mình trên cái bản đồ, tôi nhớ mang máng trong đầu thì tôi gặp thằng Kiệt, thuộc nhóm Nhảy Toán, và thêm một vài người lính khác nữa cũng vừa trờ tới.
Trên đường vào núi, chúng tôi băng qua một lớp dây cáp điện thoại. Thằng Kiệt và tôi cùng đồng ý là đám Việt Cộng có thể sẽ đóng quân dọc theo bìa núi. Để cho an toàn, tôi đề nghị nên di chuyển theo sườn núi cách khoảng một ký-lô mét song song với bìa rừng. Nếu xuông xẻ, tôi nhẩm tính trong đầu là khoảng 3 ngày thì chúng tôi sẽ đến được Hà Nha.
Để tránh bị phát giác, chúng tôi cứ dọ dẫm đi theo triền núi nên rất chậm chạp. Mãi đến chiều, xa xa tiếng nước suối chảy nghe róc rách. Càng tới gần hơn thì chúng tôi nghe có tiếng người nói chuyện líu lo. Đến gần nhìn xuống con suối tôi thấy toát mồ hôi hột. Dưới suối, một đám con trai con gái súng ống đầy mình đang giặt giũ tắm rửa ồn ào.
Đi thêm nữa thì không được. Mà lùi lại thì cũng không xong. Chì cần một tiếng động mạnh thì cả đám sẽ bị tiêu tùng. Chúng tôi bèn tìm chổ ẩn nấp chờ trời tối để vượt qua con suối.
Tôi và thằng Kiệt kêu khổ im lặng ngồi dấu mình trong bụi cây. Trời nóng hừng hực, quần áo nhớp nhúa dơ bẩn làm người ngợm ngứa ngáy khó chịu. Những con muỗi, con nhặng cứ đua nhau vung vít bay qua bay lại không cho chúng tôi được yên thân. Chốc chốc, một con gió nhẹ thổi qua làm cho những lá cây xao động tạo thành những âm thanh rù rì trong cái tĩnh mịch của núi rừng.
Đột nhiên trong tiếng xào xạc của lá cây, có những âm thanh là lạ xen vào. Tôi cố lắng nghe để tâm phân tích đoán thử cái gì có thể tạo ra những âm thanh mới lạ thì tim tôi chợt thắt lại khi nhận ra đó là tiếng động của những bước chân đang từ từ tiến gần về hướng nơi chúng tôi đang trú ẩn.
Thằng Kiệt cũng đang nhận ra điều đó nên nó khẽ huých nhẹ vào tôi rồi đưa mắt ra dấu về hướng của những tiếng chân đang tiến dần tới. Tôi nhủ thầm, không lẽ bọn chúng đã khám phá ra chúng tôi? Hay là bọn họ đang tuần tiễu? Thời gian như ngừng hẳn lại. Mồ hôi trán tôi rịn ra. Hồi hộp, tôi chậm chạp đưa ngón tay trỏ vào trong lòng cò súng của khẩu Colt.45, một khẩu súng duy nhất tôi còn mang theo với vỏn vẹn một băng đạn.
Tiếng động của những bước chân tiến lại gần hơn. Chúng tôi chong mắt nhìn qua bụi cây xem thử ai đó đến gần. Cứ mỗi một tiếng bước chân nghe càng rõ hơn thì nhịp đập của tim tôi lại càng thêm dồn dập. Khi bóng dáng họ hiện dần sau những lùm cây, tôi thấy tất cả đều mặc quân phục. Tôi nhận ra có một vài đứa thuộc Đại Đội 3 và có cả thằng Sơn trong nhóm.
Đến đây thì tôi mới thở dài nhẹ nhõm. Vừa mừng mà cũng vừa lo. Mừng vì tưởng gặp cái họa nhưng không phải. Lo vì ngại đám Việt Cộng ở dưới suối nhận ra bởi vì mấy vị này đi đứng có vẻ hiên ngang lắm. Chờ cho bọn họ đến khá gần tôi mới lộ mặt đưa tay ra dấu bảo tất cả im lặng.
Thằng Sơn kịp nhận ra tôi nên nó có vẻ mừng rỡ rón rén chui vào bụi ngồi cạnh tôi. Mấy đứa còn lại cũng bắt chước nó làm theo.
Dưới khe suối, đám Việt Cộng vẫn tiếp tục tắm rửa và giặt giũ. Họ to tiếng và nói chuyện rất ồn ào. Tồi nhận thấy giọng nói Miền Bắc của họ có vẻ lanh lảnh và the thé, chứ không ấm áp và đài các như những người có giọng Bắc mà tôi biết. Tôi nghĩ chắc mấy người này là người Thượng vì giọng nói của họ không giống như giọng nói của những người ở thành phố. Giọng miền Bắc của họ nghe không được êm ái và văn minh. Một giọng nói mang những âm hưởng của người miền núi với những âm thanh chát chúa. Trong tình trạng thập tử nhứt sinh như lúc này, những âm vang của họ còn nghe như những tru tréo vọng về từ cõi âm.
Ngồi chờ hoài cũng sốt ruột nên một thằng trong nhóm bèn có ý kiến:
- Tao có cách để tụi mình qua suối được.
- Bằng cách nào? Một thằng khác thầm thì hỏi lại.
- Lấy một nắm gạo xấy liệng vô trong núi. Vài cái vai rung rinh với những tiếng cười khúc khích. Có một thằng ngây thơ thắc mắc:
- Liệng gạo sấy vô núi thì làm sao mình qua được?
Thằng bên cạnh vẫn còn cười giải thích:
- Mục đích tụi nó từ Bắc vô Nam là để kiếm cơm. Liệng mấy hột gạo qua bên đó thì tụi nó sẽ giành nhau lượm. Lúc đó thì mình cứ đi qua chớ tụi nó có còn thấy gì khác đâu.
Gìờ vỡ lẽ ra nó mới che miệng cười.
o O o
Sau một vài lần chạm trán với địch quân trong vài ngày sau đó. Cuối cùng chúng tôi cũng thoát được về tới Hà Nha.
Sau khi biết chắc Hà Nha là vùng kiểm soát của phe ta. Chúng tôi bèn lần mò trở ra con lộ. Đến nơi, ngay bìa làng, cạnh con lộ, một văn phòng của Liên Đoàn 14 BĐQ, với vài người lính của BCH Liên Đoàn, được thiết lập trong một quán cóc. Kế đó, một chiếc xe Jeep và một xe Hồng Thập Tự.
Thấy chúng tôi xuất hiện, họ mừng rỡ̉ dìu chúng tôi ngồi vào ghế rồi mang ra những ly sữa nóng cùng một tô mì gói. Hỏi ra thì được biết họ ở đây để đón những ai thoát về từ Thường Đức. Bụng bị đói meo từ hơn mấy ngày qua, nay uống được ly sữa nóng cộng với tô mì gói rồi làm thêm một điếu Ruby, đến đây, tôi mới cảm được mình thực sự đã rời xa cỏi chết.
No ấm rồi, tinh thần tôi từ từ dịu xuống. Đảo mắt nhìn quanh, tôi chợt thấy nơi đây thật thanh bình. Ngoài những mẩu đối thoại trong quán, không một tiếng đạn đại bác, không một tiếng máy bay oanh kích, không một tiếng la hét chém giết. Vài tiếng súng nổ vang bắn ra từ đồi 52 gần đó. Khoảng năm bảy trăm thước về hướng Tây, Tây Bắc là rặng núi Đông Lâm chạy dài về hướng đông, nơi đây, cộng quân đang án binh chận đánh quân tiếp viện lên giải vây Chi Khu Thường Đức. Lúc này thì tôi mới ngợ rằng, thì ra đây là những tiếng súng vọng lên từ Hà Nha vào những ngày đầu cuộc chiến. Thế mà chúng tôi cứ hăm hở kháo nhau rằng đó là tiếng súng của quân tiếp viện đang đánh lên để hổ trợ chúng tôi.
Sau khi ăn xong, thấy quần áo của thằng Kiệt, tôi và một vài đứa khác máu me tùm lum nên họ đưa chúng tôi lên chiếc xe Hồng Thập Tự. Còn thằng Sơn và một vài đứa lành lặn khác thì ở lại với họ để về BCH Liên Đoàn nhập chung với Đại Đội 2 và Trung Đội 2 của Đại Đội 1. Hai đơn vị nầy được giữ lại đây để bảo vệ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn khi Tiểu Đoàn bị điều động từ Quảng Tín về để bảo vệ quận lỵ Thường Đức.
Trên đường đi về Tổng Y Viện Duy Tân ở Đà Nẵng, tôi thấy sinh hoạt hai bên đường có phần hối hả nhưng không có vẻ khẩn cấp lắm.
Xe chạy ngang qua nơi BCH Liên Đoàn 14, hiện giờ không còn một Tiểu đoàn nào dưới trướng, đang đóng trên Núi Đất ven con lộ. Từng dãy ăng-ten tua tủa chĩa lên trời. Xe lên người xuống tấp nập.
Đến khi tới gần Đại Lộc, tôi thấy người người đi đứng buôn bán rất là bình thường. Hình như họ không biết Cộng quân chỉ cách nơi đây chừng mươi cây số. Hay họ đã quá quen với không khí chiến tranh?
Trên đoạn đường từ Hà Nha về tới Đại Lộc, tôi chẳng thấy một sự kiện nào để chứng tỏ rằng đã có những toan tính tiếp viện hay giải vây Chi Khu Thường Đức. Tôi cũng không thấy lính Sư Đoàn 3 mang ba-lô súng đạn đi ra chiến trường. Có thể tôi nhầm, nhưng tôi cũng không thấy một đơn vị bạn nào di chuyển trên con tỉnh lộ số 4 về hướng Thường Đức từ Đại Lộc, hay ngược lại.
Có dịp tập họp lần tới, tôi sẽ đề nghị Tiểu Đoàn nêu ý kiến lên trên ghi công đặc biệt cho tiểu đoàn. Bởi vì hiếm khi có một đơn vị cấp Tiểu Đoàn, hơn một nửa Tiểu Đoàn thì đúng hơn, với một số vũ khí đạn dược hạn chế, mà được Quân Khu chỉ định cử ra chọi với hơn cả một sư đoàn của đối phương, với vũ khí hùng hậu dồi dào, mà lại chiến đấu đơn độc cho tới viên đạn cuối cùng, cho đến khi không còn đất dụng võ. Bao nhiêu tuyên dương, tôi thiết nghĩ, cũng chưa hẳn là vừa. Riêng tôi, tôi muốn lấy các Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng, để truy tặng mấy thằng đã chết, mấy thằng bị thương bị bỏ lại, và những thằng còn vất vưởng đâu đó ở trong rừng.
o O o
Sau khi được băng bó xong tôi bèn “dọt” qua Non Nước, Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Đoàn 1 Quân Khu 1, để gặp Thiếu Úy Lục và Trung Sĩ Việt bây giờ đang tạm thời làm việc như một BCH Tiểu Đoàn dã chiến. Th/U Lục trước đây là Đại Đội Phó Đại Đội 1 nhưng bây giờ là Sĩ Quan Phát Ngân của Tiểu Đoàn. Còn thằng Việt là bạn thân với tôi. Trước đây nó là Thư Ký Đại Đội và bây giờ theo Th/U Lục đi phát lương.
Gặp nhau, thằng Việt mừng hoen nước mắt. Hàn huyên một chập, tôi bèn kể về câu chuyện của thằng Sơn. Tôi đề nghị với thằng Việt nên làm đơn kể về công lao của nó rồi xin nó được ân xá phục hồi binh nghiệp cho nó. Nếu được, xin nó chuyển thành quân nhân thực thụ của TĐ79/BĐQ. Thằng Việt nghĩ nó đang ở ngay tại BCH Quân Khu nên nó có thể dàn xếp được.
Cầm giấy phép 29 ngày tái khám trong tay, tôi bèn dọt về quê thăm nhà. Nghỉ chưa hết 2 tuần thì tôi đã bắt đầu chán ngán nếp sống sinh hoạt của thành phố. Tôi cũng dần dà bớt thiện cảm với những người bạn ngoài đời. Tôi thấy tôi không còn thích hợp với thành phố. Tôi bèn về trình diện Tiểu Đoàn, lúc này đang bổ túc tại Dục Mỹ. Đến nơi, trừ Đại Đội 2, còn bao nhiêu đều là lính mới.
Không ai biết thằng Sơn lưu lạc nơi đâu. Có tin, BCH Liên Đoàn trả nó lại cho An Ninh Quân Đội. Có tin, nó được phục hồi thành lính Biệt Động và bổ sung về Tiểu Đoàn 78 Biệt Động Quân.
o O o
Từ đó, tôi không còn gặp thằng Sơn nữa. Hôm nay, viết lại những nghĩa cử anh hùng xưa. Có người còn sống và cũng lắm người đã chết. Họ tình nguyện chiến đấu và chấp nhận sự hy sinh. Đây là bổn phận của người lính. Còn thằng Sơn, nó là Lao Công Đào Binh, không ai bắt nó phải “quýnh” nhau nhưng nó vẫn nhập cuộc một cách hoan hỉ. Vì vậy, bài viết đầu tiên tôi dành sự trang trọng này cho nó.
Viết cho mày đó Sơn.

No comments: