Monday, April 8, 2019

Thiếu Tá Phi Công L19 Lý Bửng - 30.4.1975 USS MIDWAY

Những chuyện chưa biết về thiếu tá "Lý Bửng" trên chiếc Phi Cơ thuộc Không Quân Việt Nam Cộng Hoà trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong số những trực thăng đang bay thoát khỏi Sài-Gòn, có một một chiếc phi cơ thám thính Cessna O-1 (L-19) Bird Dog nhỏ xuất hiện, người lái phi cơ này là một thiếu tá phi công thuộc Không Quân VNCH.
Thiếu tá Lý Bửng, đã lái chiếc phi cơ một động cơ này từ đảo Côn Sơn ra biển để tìm đường thoát, cùng bay với người phi công này là người vợ và 5 đứa con, một bé còn nhỏ còn được bồng trong tay người mẹ, phi cơ Bird Dog bay quanh hàng không mẫu hạm USS Midway và người thiếu ta này đã liệng xuống một tờ giấy với vài hàng chữ tiếng Anh xin các thủy thủ trên tàu di chuyển những máy bay sang một bên để người phi công này có thể đáp xuống sân bay.
Anh không thể đáp xuống biển để chờ thuyền từ tàu ra cứu vì có con còn nhỏ dại, vị thuyền trưởng của chiếc hàng không mẫu hạm USS Midway, Captain L. C.Chambers, xem xét tình hình và ra lệnh các thủy thủ di chuyển các phi cơ đang đậu trên sân bay của tàu qua một bên, để phi cơ của Thiếu tá Lý Bửng có thể đáp xuống, trên tàu lúc đó có rât nhiều phi cơ trực thăng UH-1 của KQ VNCH đã đáp xuống trước đó, một chiếc trực thăng phải bị đẩy xuống biển vì không đủ chổ cho chiếc phi cơ Bird Dog đáp, sau khi sân bay đã chuẩn bị xong, các thủy thủ tháo dây cáp dùng bắt phi cơ phản lực và nhờ một người Việt Nam biết tiếng Anh trên tàu thông dịch để chỉ dẫn phi công Lý Bửng đáp xuống.
Tàu USS Midway cũng quay ngược về chiều gió để giúp phi cơ của Thiếu Tá Lý Bửng đáp an toàn hơn.
Chiếc phi cơ Bird Dog đáp xuống nhẹ nhàng và dừng lại trên tàu chỉ trong một khoảng cách ngắn, đối với những người thủy thủ trên tàu, đây là một vụ hạ cánh đáng ghi nhớ nhất của Operation Frequent Wind, việc hạ cánh này đã xảy ra một cách êm đẹp, mặc dầu lúc đó sân bay của tàu vừa bị mưa ướt và phi cơ không có trang bị ống móc để giật dây cáp bắt phi cơ như những chiếc phi cơ phản lực to lớn hơn, sau khi đáp xuống, các thủy thủ trên tàu đã vỗ tay chúc mừng Thiếu tá Lý Bửng khi ông rời khỏi phi cơ, thủy thủ đoàn của tàu USS Midway đã cảm động trước sự dũng cảm liều lĩnh của người phi công để cứu gia đình, họ đã gây quỹ để giúp gia đình Thiếu tá Lý Bửng bắt đầu cuộc đời mới tại Mỹ.
- Dưới đây là một bài viết về cuộc hạ cánh của chiếc Bird Dog O-1 xuống tàu sân bay Midway, đăng trong tập san Vietnam Magazine số 12/09, một tập san của Hội cựu quân nhân Hoa Kỳ:
XIN HÃY CỨU TÔI!
Cuộc hạ cánh thần kỳ của một chiếc Cessna hai chỗ ngồi – chở một gia đình gồm bảy người - trên boong tàu sân bay USS Midway

By Robert H. Sproule, Tạp chí Việt Nam, số 12/09
Khi chiếc máy bay nhỏ xà xuống thấp, một vật nhỏ rơi thẳng xuống sàn tàu như một quả bom. Nhưng đó không phải là chất nổ cường độ cao mà là một bản đồ phi hành với một ghi chú nguệch ngoạc trên đó viêt: "Xin các ông di chuyển các máy bay trực thăng về phía bên kia, để tôi có thể hạ cánh trên đường băng của tàu, tôi có thể bay thêm một giờ nữa. Chúng ta có đủ thời gian để di chuyển. Xin hãy cứu tôi. Thiêu tá Bửng, vợ và 5 đứa con.
Đây là một trong những sự kiện đầy kịch tính cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam khi một phi công Không quân Việt Nam với cả gia đình mình, trên một chuyến bay đi không trở lại trên đại dương, đã khẩn khoản xin hạ cánh khẩn cấp xuống tàu sân bay Midway. Thiếu tá Lý Bửng đã cố liều mạng tìm tự do bằng một chiếc máy bay quan sát một động cơ Cessna O-1 Bird Dog bị đánh cắp. Chiếc máy bay chỉ vừa đủ chỗ cho hai người đã được nhét vào tới bảy người.
Vào cuối tháng Tư 1975, quân Bắc VN đã tiến đến vùng ngoại ô Sài Gòn. Với mỗi giờ qua đi, viễn cảnh càng lúc càng đen tối hơn đối với những thường dân và binh sĩ Nam VN trước đây từng trung thành với Hoa Kỳ. Hàng nghìn người giờ đây cố gắng vùng vẫy để thoát đi trước khi quân Bắc Việt tràn ngập thủ đô. Là một phần trong Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind), hàng không mẫu hạm Midway và khoảng 50 tàu hải quân khác của Mỹ đã tuần tra ngoài khơi duyên hải Nam Việt Nam với lịnh cứu được càng nhiều người càng tốt.
Khi đó tôi là sĩ quan phụ trách việc tiếp nhiên liệu cho máy bay trên tàu Midway, một trung úy 26 tuổi cấp dưới của vị Tư lệnh phi hành trên tàu, Chi huy trưởng Vern Jumper. Thông thường, bộ phận của tôi tiếp nhiên liệu cho hơn 70 máy bay phản lực tiêm kích và tấn công thuộc không đoàn trên tàu Midway. Tuy nhiên, nhiều máy bay của chúng tôi đã được dời đi để lấy chỗ cho 10 máy bay trực thăng CH-53D Sea Stallion của Không quân. Còn được gọi là những Gã khổng lồ Super Jolly Green, đây là những chiếc máy bay thật to lớn, dài gần 30 mét, và có khả năng chở tới 55 người. Các phi hành đoàn Sea Stallions (Ngựa Biển giống) được lệnh bay vào Sài Gòn, đưa lên máy bay tối đa số người di tản họ có thể chở được, và mang họ trở lại hàng không mẫu hạm Midway. Công việc của chúng tôi là tiếp nhiên liệu đầy đủ cho những chiếc trực thăng Sea Stallion này.
Trong khi những trực thăng Sea Stallions của chúng tôi bay đi bay về như con thoi trong chiến dịch di tản, tàu Midway đã trở thành một nam châm thu hút các máy bay trực thăng UH-1 Huey của Nam VN đang thoát khỏi VN bay kín cả đường chân trời, xếp hàng như những máy bay của các hãng hàng không vào giai đoạn tiếp cận cuối cùng chờ đáp xuống phi trường QT Los Angeles, hy vọng tìm được một chỗ trống trên sàn bay đông nghẹt của tàu sân bay. Với hàng chục máy bay trực thăng không được mời đang đổ xô bay tới, sàn tàu chẳng mấy lúc đã đầy kín máy bay. Đổ ra từ nhiều chiếc trực thăng Hueys là những người lính Nam Việt Nam với đầy đủ vũ khí, họ nhanh chóng bị giải giáp bởi đơn vị TQLC trên tàu Midway. Ban đầu, những binh sĩ TQLC còn cẩn thận cất những vũ khí của họ đi, nhưng khi các máy bay trực thăng tiếp tục hạ cánh với một nhịp độ chóng mặt, những người lính thủy quân lục chiến đã chỉ đơn giản quăng vũ khí bị tịch thu xuống biển..
Trong vài ngày vừa qua chỉ toàn là những máy bay trực thăng bay đầy bầu trời, do đó chiếc máy bay Cessna bé nhỏ có cánh cố định nhìn lạc lõng một cách kỳ lạ khi nó bắt đầu bay mấy đường lượn thấp bên trên tàu. Tôi đang kiểm tra hai chục trạm tiếp nhiên liệu nằm ở cầu hành lang gần đó khi lá thư của Thiếu tá Lý Bửng rớt xuống sàn tàu cách tôi khoảng 30m. Tôi chạy phóng đến để nhặt nó, nhưng một thuỷ thủ của tàu Midway đã nhanh chân hơn tôi nhặt được nó. Tò mò quá muốn biết trong lá thư đó là gì, tôi bước đến trung tâm đầu não điều khiển các hoạt động của sàn đáp – tức đài kiểm soát sàn bay của tầu sân bay - một căn phòng nhỏ bên cạnh sàn đáp ở dưới cùng của khu vực tháp đảo của con tàu. Tôi thường dành rất nhiều thời gian ở đó trong các hoạt động tiếp nhiên liệu bình thường cho các phi cơ.
Bên trong căn phòng nhỏ, viên sĩ quan phụ trách sắp xếp các máy bay ngồi nói chuyện trên điện thoại với một vẻ lo lắng trên khuôn mặt. Qua những lời đáp xen kẽ “yes sirs” của người này trong lúc nói chuyện trên điện thoại, tôi có thể biết được là anh ta có lẽ đang nói chuyện với vị Tư lệnh không đoàn. Viên sĩ quan phụ trách sắp xếp phi cơ dành hầu hết thời gian của mình ngồi trong một chiếc ghế da lớn bên cạnh một cửa sổ nhìn ra ngoài boong tàu. Anh ta có cái nhiệm vụ chẳng đáng thém muốn là hoạch định sự di chuyển của mỗi chiếc máy bay trên sàn bay của tàu. Nhưng bây giờ, thay vì di chuyển những chiếc máy bay phản lực của hàng không mẫu hạm, ông lại phải giành giật để tìm chỗ cho tất cả các máy bay trực thăng Việt Nam đang lấp kín dần sàn đáp. Cuối cùng, viên sĩ quan gác điện thoại. "Có chuyện gì vậy?" Tôi hỏi.
"Một người nào đó trên tàu biết tiếng Việt sẽ liên lạc qua radio với viên phi công và nói anh ta hạ cánh xuống biển, rồi chúng ta sẽ vớt họ lên,” viên sĩ quan sắp xếp phi cơ cho tôi biết. Không ai biết rằng chiếc máy bay bé tí của viên Thiếu tá thì không có radio – một thực tế mà có lẽ hóa ra là may mắn cho bảy ngưởi ở trong chiếc Bird Dog. Bởi vì nếu như chúng ta bằng cách nào đó đã thuyết phục được viên thiếu tá phi công để cố tình hạ cánh xuống đại dương thì nhiều người trên chiếc máy bay có thể đã nhiều khả năng bị chết đuối trong chiếc máy bay bị chìm của họ.
Tư liệu:
1.https://tacairnet.com/…/a-south-vietnamese-air-force-offic…/
2.www.navyhistory.org/2014/04/the-opportunity-to-make-histo...
Sài Gòn Xưa























No comments: