Tuesday, September 3, 2013

PHI VỤ GIÃ BIỆT PHAN RANG


Kính thưa quý niên trưởng & các bạn cựu phi đoàn Tinh Long và gia đình,

           Tháng 3 năm 1975 cuộc chiến Việt Nam đã trở nên khốc liệt! Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm hiệp định Paris, quân đội họ đã được Nga xô và Trung cộng viện trợ tiếp liệu đầy đủ vũ khí tối tân, đạn dược, tiếp liệu dư thừa , tràn qua vĩ tuyến 17, mở ra nhiều mặt trận lớn hướng Tây, hướng Bắc... tiến chiếm lãnh thổ miền Nam Việt Nam.  Trong khi đó quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bị đồng minh Mỹ cắt gần hết viện trợ, quân viện. Chính phủ Mỹ đã thỏa thuận ngầm bỏ rơi phần đất miền Nam Việt cho Cộng Sản Hà Nội!  Do đó quân đội Việt Nam cộng Hòa  đành phải tháo lui, di tản chiến thuật về phương Nam....

           Bài viết PHI VỤ GIÃ BIỆT PHAN RANG, do DANNY TRÌNH, một trong những câu chuyện thương tâm của quân dân cán chính miềm Nam Việt nam trên bước đường máu và nước mắt bi thương lánh nạn Cộng Sản về phương Nam tự do. 
Kính mời quí niên trưởng và các chiến hữu Tinh Long và gia đình đọc lại nhân mùa đau thương THÁNG TƯ ĐEN 1975 sắp đến, 
Xin một nén nhang lòng cho tất cả quân nhân cán chính VNCH đã tử nạn trên bước đường di tản, tìm tự do!  

Tinh Long Trình Đế Đáng


PHI VỤ GIÃ BIỆT PHAN RANG                     
                                                                     
PHAN RANG, NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 1975   
 
Đã 37 năm trôi qua, lịch sử đất nước Việt Nam đã sang trang, vết thương quá khứ đã lui dần vào dĩ vãng theo những thăng trầm trong cuộc sống ly hương của người Việt tị nạn Cộng Sản. Tuy nhiên mỗi năm khi tháng Tư về trên đất tạm dung, tiểu bang California, Hoa Kỳ, tâm trí Hoàng không thể quên được cảm giác chia tay vĩnh biệt người thân gia đình, thành phố Phan Rang gió cát, đầy ắp kỷ niệm thời niên thiếu và vùng trời khói lửa của một thời chinh chiến xa xưa.
          Hồi tưởng những năm tháng trong chiến tranh, nhất là đầu tháng Tư năm 1975, biệt đội máy bay vận tải chiến đấu AC 119K của phi đoàn 821 từ phi trường Đà Nẵng đã phải di tản rút lui về căn cứ Phù Cát, Qui Nhơn; sau đó lại di tản về căn cứ Không quân Phan Rang để tiếp tục yểm trợ chiến trường vùng II chiến thuật. Cứ mỗi lần rút lui, Hoàng lại phải chứng kiến sự hỗn độn, chen lấn xô đẩy của các đồng đội thuộc nhiều binh chủng Bộ binh và Không quân có sự vụ lệnh di tản hoặc không có, và thêm vào đó gia đình các nhân viên, thân nhân bạn bè dân sự ùa nhau tràn lên máy bay để mong được đưa về Sàigòn. Tại căn cứ không quân Đà Nẳng, Hoàng đã chở gần 70- 80 người tràn lên thân tàu bao gồm quân đội và già trẻ lớn bé dân sự chen chúc trong thân máy bay. Hoàng là trưởng phi cơ (Aircraft Commander), người chịu trách nhiệm lái chuyến bay này về Sàigòn. Loại máy bay vận tải quân sự chiến đấu không cho phép chở hành khách, trên máy bay chỉ trang bị súng đạn vũ khí với trọng lượng cho phép, nên không thể chở thêm người. Hoàng đã cẩn thận không thông báo cho ai biết về phi vụ đem chiếc AC 119K trở về Sàigòn; thế mà khi phi hành đoàn ra phi cơ để nổ máy, Hoàng ngẩn người thấy vô số hành khách không giấy mời đã ngồi đầy hết trên máy bay. Mặc kệ những lời năn nỉ, giải thích của Hoàng, các thân nhân già trẻ lớn bé dân sự, các người lính chiến, bao gồm binh chủng nhảy dù, thiết giáp... ngay cả những vị cấp bậc quân đội cao hơn Hoàng, cũng im lặng thản nhiên không rời phi cơ khiến Hoàng đành phải uống “thuốc liều.”  Máy bay đã quá trọng lượng, Hoàng đạp chân thắng, bật nút điện mở hết ga (full throttle) động cơ phản lực, rồi buông chân thắng (brake), giữ cho máy bay lao thẳng về phía trước. Bình thường, khi máy bay đạt đến 80 knots, (khoảng 140 miles) Hoàng bắt đầu nâng hai cánh cao lên nhưng lần này Hoàng phải cho chạy dài hơn 2/3 phi đạo với tốc độ 100 knots, rồi mới nhấc cánh lên khỏi mặt đất. Chiếc máy bay gầm gừ, nặng nề chậm rì từ từ rời khỏi phi đạo, chầm chậm lấy cao độ, vượt qua hàng rào vòng đai phi trường. Cất cánh chậm rì bất thường của chiếc máy bay đã làm nhân viên đài kiểm soát không lưu bên dưới nhắc nhở nhiều lần quay trở lại đáp khẩn cấp. Vì không thể bay cao bình thường trên 8000 feet nên Hoàng vội lao ra phía biển, bay dọc bờ biển với độ cao 4500 feet (vào khoảng hơn 1 cây số chiều cao). Với độ cao này, không thể bay trong đất liền vì có thể trúng đạn súng phòng không của địch bắn lên và máy bay cũng không thể vượt qua những đỉnh núi cao của dãy Trường sơn. Trong trường hợp phải hạ cánh đáp khẩn cấp, Hoàng cũng có thể cho phi cơ hạ thấp dọc theo bãi biển bằng phẳng, an toàn hơn phải hạ cánh trên mặt đường hay trên ngọn cây, đồi núi gồ ghề nguy hiểm. Nhưng bay thấp hao xăng. Bay cao trên 9000 hay 10,000 feet có thể tiết kiệm được nhiều nhiên liệu, bay lâu, kéo dài thời gian bay được 4- 5 giờ. Hoàng tính nhẩm khoảng cách và tốc độ đang bay, chỉ vừa đủ xăng bay về đến Sàigòn hoặc có thể bay vòng vòng chờ đợi (vì gặp quá đông phi cơ dân sự quốc tế cũng xin đáp xuống phi trường cùng một lúc) trên bầu trời Tân Sơn Nhất thêm 30 phút để được cho phép đáp. Cũng may, Hoàng đã chuẩn bị trước cho phi vụ di tản này, chỉ đổ đầy xăng, không mang theo đạn dược trên máy bay, nhưng nếu gặp tình huống xấu (quá trọng lượng) Hoàng cũng có thể phóng (eject) các giàn phóng hỏa châu nặng nề xuống biển để giảm trọng lượng phi cơ mà cứu nguy cho tất cả mọi người. Vì bay với tốc độ chậm, bay cao độ thấp nên phi cơ về đến Tân Sơn Nhất trễ gần 1 tiếng đồng hồ. Hoàng thật hú hồn vì ngoài vấn đề an toàn, anh còn có thể bị ngồi tù vì lý do đã vi phạm phi vụ hành quân, vi phạm luật An phi (an toàn khi bay), cấp chỉ huy có thể ký giấy phạt vài chục ngày trọng cấm.  Rất may mắn, trong chuyến bay này có rất nhiều thân nhân của các sĩ quan cao cấp trong quân đội, nên thay vào đó Hoàng không bị phạt mà còn nhận được tiếng cảm ơn rối rít từ những người di tản thoát nạn.
Hoàng nhớ lại những năm tháng phục vụ tại đơn vị hành quân, Phi đoàn 821 trực thuộc Sư đoàn 5 Không quân, Tân Sơn Nhất Sàigòn, gồm 24 chiếc máy bay vận tải chiến đấu lớn, được trang bị hỏa lực bom đạn đại bác rất hùng hậu, thiết bị bằng Radar hồng ngoại tuyến để quan sát rất rõ về đêm từ một độ cao trên không trung, chức năng vận chuyển và bắn yểm trợ cho quân bạn về ban đêm. Vì phải yểm trợ cho bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam, nên phi đoàn phải biệt phái một số nhân viên và máy bay đi nơi khác để thi hành nhiệm vụ. Bốn phi hành đoàn (gồm 4 chiếc máy bay và 10 nhân viên phi hành cho mỗi chiếc) ra căn cứ Đà Nẵng để yểm trợ cho vùng I chiến thuật và bốn phi hành đoàn khác ở tại căn cứ Phù Cát, Qui Nhơn để yểm trợ cho vùng II chiến thuật. Số nhân viên phi hành và máy bay còn lại trong phi đoàn, phải bay yểm trợ cho vùng III và vùng IV mỗi đêm. Do phải yểm trợ cho 4 vùng chiến thuật, nhân viên trong phi đoàn phải thay nhau, luân phiên hoán chuyển mỗi tháng, lúc ở Đà Nẵng, khi vềSàigòn, rồi lại ra căn cứ Phù Cát... Xoay vần khắp 4 vùng chiến thuật, nên hầu hết các mặt trận lớn nhỏ nào trên mặt đất của các đơn vị bộ binh An Lộc, ChơnThành, Lai Khê, Tống Lê Chân, Bình Long, Buôn Mê Thuộc, Komtum, An lão,Khe Sanh, Đại Lộc, Non Nước Ngũ Hành Sơn, Bình Trị Thiên... đều có mặt các nhân viên phi hành của phi đoàn 821 tham dự.
Hoàng giống như một loài chim cánh sắt khổng lồ bay đêm, rày đây mai đó, có những lúc phải bay vào đám mây đen đầy sấm chớp vì phải giữ đúng độ cao trên không trung, gầm thét bởi tiếng động cơ phản lực, hiên ngang bay vào vùng hỏa tuyến, ném những bom hỏa châu chiếu sáng soi rọi một góc trời, rồi dùng súng đại bác liên thanh sáu nòng nhả đạn vào quân địch đang tấn công đơn vị bạn phía dưới. Hoàng hăng say nghiêng cánh trái nhắm vào mục tiêu dưới mặt đất ấn vào nút màu đỏ (Fire) tác xạ trên cần lái điều khiển, tiếng đạn nổ rền vang như tiếng con Bò rống lên ù ụ... đã làm thân máy bay trôi dạt lên cao, 4 khẩu súng mini gun 7.62 ly sáu nòng quay tròn và hai khẩu súng đại bác 6 nòng 20 ly đỏ rực do sức nóng như muốn cháy tan thành sắt vụn. Theo lý thuyết, mỗi phút tự động có 6000 viên đạn 20 ly được bắn ra và 24,000 viên đạn 7.62 ly bay đến chạm mục tiêu dưới đất lại tiếp tục nổ thêm một lần nữa, nhờ đó, người phi công có thể kiểm soát chính xác được mục tiêu mình vừa tác xạ. Từ không trung, Hoàng bấm nút bắn xuống mục tiêu dưới mặt đất thật hứng khởi, khoái chí, tuy nhiên, có những lúc giật mình hãi sợ, co rút đôi chân lại như một sự phản xạ né tránh vì súng phòng không cao xạ của địch quân bắn lên tua tủa nổ trên không trung như những pháo bông rực sáng quay quanh thân máy bay. Những viên đạn vun vút bay nhanh trong không khí, tạo thành những vệt sáng dài hướng về phía máy bay khiến Hoàng phải hoảng hốt, toát mồ hôi lạnh né tránh. Anh xác định mục tiêu của quân địch báo cho đơn vị pháo binh bạn hoặc anh bắn trả trở lại, có khi gặp hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 của địch quân bắn lên bay nhanh với tốc độ âm thanh (hơn hẳn mấy lần tốc độ chiếc máy bay AC 119k) đang bay phía sau dò tìm sức nóng của động cơ mà chui vào phá hũy máy bay. Nhờ có phi hành đoàn thường xuyên quan sát vào ban đêm nên Hoàng rất dễ phát hiện kịp thời ánh lửa của hỏa tiễn bay vút bám theo chiếc phi cơ và anh đã kịp thời nghiêng cánh quẹo gắt (nghiêng cánh hơn 45 độ), chao lạn né tránh, rồi phóng tiếp những trái hỏa châu nổ nhanh ở phía sau đuôi máy bay để dụ hỏa tiễn tầm nhiệt lao vào.
Có những đêm bầu trời quang đãng, chiến sự bên dưới mặt đất yên tỉnh, những chuyến bay đêm ấy trở nên êm đềm, thơ mộng và bình an trong một phi vụ 4 giờ đồng hồ!  Anh bay vòng vòng trên thủ đô Sàigòn, Chợ Lớn, Nhà bè, Phú Lâm... bao vùng trời, canh phòng người thân yêu đang yên giấc ở một nơi nào đó, rất thú vị!  Hoàng ngắm nhìn ánh đèn điện rực sáng của thành phố bên dưới, dò tìm tên những đại lộ thân quen nơi có người yêu bé nhỏ đang ôm gối mộng suy tư lo lắng những phi vụ hành quân đêm của chàng.  Nhờ có thiết bị Tia Hồng Ngoại tối tân trang bị trên phi cơ, Hoàng rất dễ nhận diện ra các vị trí dưới mặt đất như căn nhà, đường phố của người thân yêu vào ban đêm trên màn ảnh truyền hình trước mặt. Hoàng thả hồn mộng mơ theo tiếng nhạc tình của các đài truyền thanh Việt Nam, tiếng nói trầm ấm vuốt ve, âu yếm của người xướng ngôn chương trình Dạ Lan dành cho người lính chiến. Bay trên độ cao 1000 hay 2000mét, ngồi trong phòng lái rộng lớn tiện nghi dành cho người hoa tiêu, quan sát và cơ khí phi hành, cảm thấy gió bên ngoài luồn vào rất lạnh mặc dù có máy sưởi nóng khắp nơi trên phi cơ. Vì máy bay quân sự AC119K chiến đấu, các khẩu súng đều thiết kế chĩa nòng súng ra bên ngoài phía trái phi cơ, nên một số cửa lớn luôn luôn để trống thoáng. Phi vụ đêm, được nhìn ánh trăng sao sáng tỏ, lấp lánh trên bầu trời cao, Hoàng cảm thấy khoảng cách không gian thật gần với Chị Hằng và dãy Ngân hà.  Ánh đèn thành phố lấp lánh bên dưới cũng thật gần, ánh sao đêm phản chiếu dưới mặt đất như một tấm gương khổng lồ, làm cho nhiều người phi công có những ảo giác hoa mắt, không phân biệt được sự tiếp giáp giữa trời và đất, mất tự chủ và dễ dàng xảy ra tai nạn. Nhất là khi người hoa tiêu có sức khỏe kém, thiếu nghĩ ngơi điều độ, thiếu ngủ, uống nhiều rượu mạnh, uống các chất có gas trước khi lái máy bay, hậu quả sẽ gây  buồn ngủ, không kiểm soát được giác quan, dễ gây tai nạn. Mặc khác, nếu phi cơ trúng hỏa tiễn tầm nhiệt, đạn phòng không 37 ly của địch, hoặc phi cơ gặp phải tai nạn, tất cả số phận nhân viên phi hành ấy như trong bài nhạc Không Quân hành khúc, “Không quân ra đi cánh bay ngợp trời ù u u ú... và ra đi... không ai tìm xác rơi“. Thật vậy, làm gì còn có cái xác nguyên vẹn của các người phi hành về với gia đình, người thân, khi máy bay của họ đã nổ tung trên bầu trời khói lửa!  Mỗi lần thi hành phi vụ hành quân,Hoàng có cảm tưởng như đang ngồi trong một chiếc quan tài, kề cận tử thần, 10nhân viên phi hành đoàn mà Hoàng phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng của họ cho gia đình và người thân. Ôi! Cùng bay chung với nhau trong một phi vụ hành quân, có lẽ họ sẽ có chung định mệnh sống chết như nhau!
Hòang đã chứng kiến những cảnh hỗn loạn của thành phố Đà Nẳng và căn cứ quân sự một ngày trước khi  thành phố Đà Nẳng hoàn toàn bỏ ngõ nên cũng biết được phần nào sự tồi tệ ấy; nhưng khi xem truyền hình, đọc tin tức tường thuật cảnh chạy loạn trên đường di tản, Hoàng không thể nào tưởng tượng ra đượcvà cũng không cầm được nước mắt xót thương,  trong đó có bao nhiêu người thân, bạn bè cùng binh chủng, cùng khóa lái, những chiếc trực thăng bé nhỏ còn kẹt lại căn cứ hay đã bỏ thây trên con đường di tản.  So với chuyện di tản thảm họa khỏi thành phố Đà Nẳng, Hòang còn cảm giác thấm thía nhất vào ngày 15 tháng 4 năm 1975, ngày cuối cùng di tản tại thành phố Phan Rang, chia tay người thân, bạn bè, rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún của mình, những quyết định dại khờ của tuổi trẻ thiếu nhiều kinh nghiệm sống, tình cảm và lý trí đột phá, không am tường chính trị... cảm giác ấy vẫn còn sâu đậm trong tâm trí dù đã hơn 37 năm lịch sử đất nước Việt Nam đã sang trang.
Tin tức xấu về chiến sự cứ dồn dập mỗi ngày trong tháng 3 và 4, tin đồn tràn lan gây hoang mang cho quần chúng đồng bào, nào là đã thỏa thuận nhừơng đất cho Mặt Trận giải phóng Miền Nam từ vùng I đến vĩ tuyến thành phố Cam Ranh, nên quân đội miền Nam phải kéo về án ngữ phòng tuyến Phan Rang.  Mấy tuần lễ qua, Hoàng bồn chồn lo lắng cho gia đình, tìm phương tiện di tản gia đình về Sàigòn!  Hằng ngày nhìn thấy nhiều chuyến bay phi cơ vận tải của không đoàn 53 chở rất nhiều quân nhân và gia đình của họ từ Phù Cát, Nha Trang về, làm cho Hoàng càng thêm hoang mang lolắng cho gia đình mình. Đột nhiên, tại Tân Sơn Nhất, Hoàng thấy một số quân sĩ binh chủng Nhảy dù được phi cơ C130 chuyển ra để giữ lại thành phố thân yêu, nơi quê hương Tổng Thống Thiệu.  Nhiều người suy đoán Phan Rang không thể mất, hoặc dùng để trao đổi với Công Sản miền Bắc, phòng tuyến Phan Rang phải được tập trung nhiều hỏa lực để bảo vệ như bảo vệ chế độ chánh phủ Miền Nam hiện tại. Nào ngờ, căn cứ Phan Rang bị pháo kích ngay trong đêm trước, biệt đội AC 119K đã cất cánh truy tìm hỏa lực của địch, nhưng không may, trong lúc vội vàng, hoảng hốt vì hỏa lực đạn pháo kích của Cộng quân rơi khắp nơi trong căn cứ đã làm cho hai chiếc phi cơ AC119K trên đường di chuyển va chạm nhau tạo một lỗ hổng rất lớn bên cánh trái, không còn cất cánh yểm trợ được. Một trong 2 chiếc bị thiệt hại nặng không thể sửa chữa được!  Ngày hôm sau, lệnh hành quân từ Sư đoàn 5 KQ, Không đoàn 53 chiến thuật bắt buộc phi đoàn 821 phải đem chiếc máy bay  hư hại nhẹ về lại Sàigòn, muốn vậy, tại phi đoàn phải cử một toán phi hành ra sửa chữa, vá lại lỗ hổng trên cánh trái máy bay, rồi lái về căn cứ Tân Sơn Nhất. Nghe nói ra Phan Rang, sửa chữa chiếc máy bay hư và lái về lại Sài gòn, nhiều nhân viên hoa tiêu phi hành trong phi đoànđã lẩn tránh và tìm cách từ chối vì có nhiều nguyên do. Thứ nhất không an toàn khi lái, thứ hai dễ bị kẹt lại ở Phan Rang và không còn phương tiện trở về Tân Sơn Nhất, kế đến tin đồn là thành phố PhanRang đang hỗn loạn, sắp sửa có lệnh di tản nên không có máy bay nào dám đáp xuống phi trường Phan Rang nữa. Tại căn cứ, Hoàng lại thấy nhiều máy bay vận tải C130 của Sư đoàn 5 Không quân trước đây còn chuyển nhiều tiểu đoàn nhảy dù ra để bảo vệ Phan Rang, nay lại rút về Saigòn bảo vệ quân khu 3 và thay vào đó, chở Biệt động quân ra thay thế. Tâm lý quần chúng hoang mang và họ cho rằng binh chủng Nhảy dù thiện chiến hơn, còn Biệt động quân làm sao sánh bằng, với lại thành phần tiểu đoàn Biệt động quân hỗn tạp này lại mới được thành lập do các đơn vị di tản tan rã Biệt động tập họp lại, nên không thể là thiện chiến. “Thôi rồi, không xong rồi, Phan Rang lại thất thủ, bỏ ngõ, di tản nữa thôi,” Hoàng than thầm!
          Phi đoàn 821 không có hoa tiêu chánh, trưởng phi cơ nào chịu ra Phan Rang lái chiếc máy bay hư hại về lại nên đích thân trung tá phi đoàn trưởng H.N. phải chọn phi hành đoàn. Ông chỉ đích danh Hoàng, quê quán PhanRang, làm hoa tiêu phụ cho ông ta (Co-Pilot) và ông, Air Craft Commander phi vụ này; tiếp đó, ông ta chọn thêm một cơ phi hạ sĩ quan giỏi về cơ khí cận với ông và một trung sĩ áp tải lão luyện thâm niên (người phụ giúp phía sau phòng lái). Hoàng rất vui mừng vì đây là cơ hội tốt, có dịp về quê nhà để đón gia đình người thân vào Sàigòn vì nếu thành phố Phan Rang bị thất thủ, rơi vào tay của Cộng Sản, cũng giống như vĩ tuyến 17 đã ngăn chia Miền Bắc và Nam mấy mươi năm, biết đến bao giờ gặp lại các người thân. Phi hành đoàn gồm 4 người tháp tùng chuyến bay C 130 của phi đoàn vận tải 423, Không đoàn 53 chiến thuật Tân Sơn Nhất ra Phan Rang và nếu không thể lái chiếc AC119k về được sẽ có các chuyến bay khác để chở họ về lại Sàigòn cùng ngày.  Vừa đáp xuống phi trường Phan Rang, Hoàng nói với trung tá phi đoàn trưởng cho phép về thăm nhà để di tản gia đình vào Sàigòn, ông trung tá vui vẻ bảo đi nhanh và hẹn giờ cất cánh vào 2 giờ chiều cùng ngày. Nhìn chung quanh Hoàng thấy có rất nhiều sĩ quan và quân lính đủ mọi binh chủng bu quanh chuyến máy bay vận tải quân sự sắp cất cánh và ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều loại xe gắn máy ngã nghiêng bên bãi đất trống cạnh các ụ máy bay (nơi có mái che cho phi cơ). Hoàng đang loay hoay tìm phương tiện ra cổng chính chợt thấy một lính không quân cơ hữu tại phi trưởng đến nói;
-        Chào trung úy, em có chiếc Honda này đã đổ đầy xăng và trung úy muốn lấy chiếc nào cũng được, của thiên hạ bỏ lại naynhiều lắm!
 -        À, mà trung úy đi đâu?
-        Tôi ra ngoài phố có chút việc rồi vào lái chiếc AC này về Sàigòn.
-        À! Trung úy đi cẩn thận, mấy hôm nay lộn xộn trong và ngoài căn cứ, do nhiều người, dân sự và binh lính của các binh chủng từ ngoài vùng I, II tràn vào căn cứ xin phương tiện về Sàigòn quá đông, nên không giải quyết hết. Họ nổi loạn, nổ súng. Còn ngoài phố, cướp bóc tùm lum và nghe nói quân đội đã tái lập trật tự được! Nhà em ở Sàigòn, khi nào trung úy vào lại, cho em xin một chỗ về Sàigòn nhen!
-        OK, cảm ơn, em cứ chờ đó!
Hoàng leo lên chiếc Honda 67 màu đỏ còn mới mẻ, kiểm tra xăng nhớt đầy đủ, rú ga phóng xe nhanh ra cổng chính.  Cổng phi trường đóng kín và bên ngoài một xe thiết giáp đang chĩa mũi súng về phía trước đường từ Tháp Chàm di thẳng vào cổng. Họ sẵn sàng nổ súng nếu có lực lượng Cộng quân tràn vào hay bất cứ một đơn vị loạn quân nào tràn vào phi trường.  Hoàng được nhân viên gác cổng hỏi han và dặn dò cẩn thận khi đi đường ra phố thị xã Tháp Chàm và Phan Rang. Trước khi đáp xuống phi trường Phan Rang, Hoàng đã ghé mắt qua cửa sổ nhìn xuống thành phố, làng mạc chung quanh, nhất là quê nhà Dư Khánh.  Một vài nơi vẫn còn khói bốc do các đám cháy, bầu không khí mù mù như sương mai chưa kịp tan biến, nơi đây vừa dập tắt được ngọn lửa loạn lạc, hôi của, đốt nhà,cướp bóc của nhiều người tù thoát ngục, kẻ xấu lợi dụng thời cơ, những người đồng đội thất chí, bất mãn trên đường di tản, đám người nằm vùng thân Cộng Sản đang chuẩn bị cướp chánh quyền... Hoàng lái xe vào thị xã Tháp Chàm và thấy hai bên phố nhiều nhà cửa nẻo vẫn còn đóng kín, đường xá vắng vẻ, khuôn mặt những người đi đường trông lo âu, sợ sệt, hấp tấp, vội vàng.  Hoàng mặc bộ đồ bay màu đen lái xe Honda trông có vẻ lạ lùng đối với người đi đường tò mò, sự thật họ đang ái ngại cho Hoàng về số phận không may có thể xảy ra bất lúc nào trên đường phố. Hoàng như người điếc không sợ súng, bất chấp nguy hiểm đang rình rập, có thể gặp vài anh du kích phục kích dọc đường, có thể gặp đơn vị Cộng Sản đã có mặt trên đường phố mà Hoàng không thể phân biệt được.  Hoàng ghé nhà người cậu ruột thứ Chín ở ngã ba khu Tam Giác Phan Rang hỏi thăm tình hình dưới làng và thay đổi bộ đồ dân sự ngụy trang đã mang theo trong túi xách để lái xe về dưới Nại. Vừa qua ngã ba Xóm Bánh, gặp một toán Địa phương quân đang đứng nút chặn kiểm soát xe và người qua lại.  Hoàng dừng xe lại, xuất trình giấy tờ chứng minh, kéo túi xách để họ nhìn thấy khẩu súng P-38 của Hoàngđang nằm đó, quân đội đang về thăm nhà mà, không phải là Cộng Sản trá hình, giả mạo đâu.  Hoàng cũng không quên thăm hỏi đoạn đường từ làng Văn Sơn và Nại phía trước an ninh ra sao.  Người lính địa phương kiểm soát ái ngại khuyên Hoàng cẩn thận trên đường đi và cũng cho biết mấy ngày vừa qua, loạn lạc, cướp bóc đã xảy ra nhiều nơi, và có thể gặp du kích CS phục kích dọc đường...  Đường xá Phan Rang - Nại vắng hoe, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe Honda chạy nhanh ngược chiều như vội vã về với gia đình.  Hoàng về đến nhà khoảng 11 giờ trưa, vừa thấy bóng dáng chàng, các người thân láng giềng chạy lại vồn vã hỏi han tình hình chiến sự tới đâu rồi, có thỏa thuận, hiệp ước nào không,Phan Rang có bị di tản không…...  Đầu óc rối bời, thật ra Hoàng cũng chẳng biết nhiều, chỉ mong họ đừng có hỏi nữa và tránh xa để Hoàng có thể thưa chuyện quan trọng riêng tư này cùng cha mẹ, em út của mình.  Ông anh họ, con người bác nhà phía trên cũng ngồi gần và hỏi han,
-        Sao em không liên lạc với gia đình Tông Tông, nhất là các chú N., chú T., chú Tr. để biết rõ hơn.
-        Trời đất, hồi giờ em có biết họ ở đâu mà hỏi.
Vì thấy thời gian không còn nhiều, mà người thân cứ xúm xít hỏi han làm Hoàng thêm lúng túng vội vã và xin lỗi để nói chuyệnriêng cùng gia đình.
Ba Hoàng nói,”Ba má không thể đi đâu được, con biết đó, bà con họ hàng mình cả trăm người làm sao ba có thể rời họ được, và mồ mả ông bà không ai trông coi.  Thôi con,có đi thì dẫn mấy đứa em của con theo!” Hoàng lưỡng lự nhìn năm đứa em nhỏ của mình và tự hỏi,”Dẫn hết mấy đứa em nhỏ thì ba mẹ sống với ai, dẫn theo một hai đưá em ai đi, ai ở lại,” Thắng, đứa em út năn nỉ,
-        Anh Tư cho em đi theo anh.
-        Hổng được, mầy đi rồi còn mấy anh chị của mầy ra sao...
Hoàng đang suy nghĩ đến Thiện, đứa em trai cũng là cơ khí Không Quân đang đóng tại căn cứ Biên Hòa, hay là mình đem Thắng vào ở tại cư xá rồi ba anh em mình nếu có gì bất trắc sẽ di tản dễ dàng.  Nhưng Hòang chợt nghĩ nếu để đứa em út nhỏ dại vào ở tại cư xá độc thân Tân Sơn Nhất và mình bận đi bay, công tác không có ai bên cạnh, nếu nhỡ bị C.S. pháo kích vào căn cứ thì mình biết làm sao lo.  Thấy Hoàng còn đang lưỡng lự suynghĩ, ba Hoàng nói tiếp:
-Thôi con à, con lo cho hai anh em của con đi! Con lo cho thằng Thiện đang ở trong đó, hai anh em con có gì thì đùm bọc nhau.  Ba má và các em cùng ở lại nơi đây thôi!
          Nhìn Thắng rươm rướm nước mắt đòi theo mình, Hoàng không khỏi chạnh lòng, nhưng chợt nghĩ thân mình còn lo chưa được, huống chi, lỡ có chuyện gì nữa ba mẹ mình sẽ buồn lắm. Hoàng ôm hôn ba mẹ và các em từ giã các người thân, chạy qua nhà người bạn thân lối xóm, nhìn thấy bạn B đang ngồi ăn cơm cùng với mẹ.  Hoàng thật sự ái ngại, vì thấy bạn mình rất thản nhiên như chưa có quyết định gì trước một biến cố lớn sắp xảy ra!  Bạn B. là một sĩ quan an ninh tại  địa phương, nếu Cộng Sản có về, chắc chắn không thể tha thứ người của chính quyền.  Hoàng vội nhắn bạn: “Ê, nếu có di tản thì ráng tìm kiếm phương tiện tàu bè nơi bến Nại của mình mà “dzọt” sớm nhé!”  Hoàng vừa bước đi thêm vài bước, người cô ruột thứ Tư chạy ra ôm lấy Hoàng khóc, “Thôi con ạ, đừng đi đâu hết, hãy ở lại cùng bà con dòng họ mình nơi đây.” Hoàng rất ngạc nhiên và cảm động vì từ nhỏ đến bây giờ cô mình chưa bao giờ ôm mình vào lòng và khuyên nhủ âu yếm như vậy!  Hoàng lái xe mà đầu óc miên man, phân vân những điều dự tính của Hoàng không thực hiện được. Trước khi về nhà, Hoàng đã quyết định đem cả gia đình di tản và nếu không ai chịu đi, Hoàng phài quì gối bái lạy công ơn sinh dưỡng với cha mẹ rồi ra đi hoặc là phải dẫn theo một đứa em trai theo, cuối cùng Hoàng bước ra đi mà cũng không thực hiện được chuyện gì, tâm trí Hoàng còn rất lưu luyến quê hương, chưa dứt khoát chuyện di tản.  Nghĩ đến thảm họa Tết Mậu Thân, mùa hè 1972 tại Huế, Hoàng khẽ rùng mình!  Hoàng đang nghĩ cách khác, khi về Sàigòn, anh sẽ làm danh sách các người thân và trình xin với thượng cấp một chuyến bay riêng về Phan Rang để di tản tất cả càng sớm càng tốt. Hoàng lái xe lên Phan Rang ngang qua đoạn đường ngã ba Xóm Bánh mà lúc nãy có trạm kiểm soát và bây giờ vắng tanh, không còn thấy bóng người lính Cộng Hòa nào kiểm soát nữa. Không gian rờn rợn, thiếu an ninh trên đường phố, làm như trinh sát Cộng quân đã có mặt nơi này, Hoàng cảm nhận!
          Về lại căn nhà người cậu để thay đổi bộ đồ bay lên phi trường, Hoàng gặp lại dì dượng Ch. đang chủ tiệm thuốc tây Minh Trung ngoài xóm động, họ muốn Hoàng đưa gia đình họ về Sàigòn bằng máy bay. Hoàng vội nói, “không kịp rồi, vì cháu phải lên phi trường ngay bây giờ và cháu không thể chậm hơn 1 giờ nữa, dì dượng đưa danh sách gia đình, cháu sẽ xin phương tiện máy bay về lại Phan Rang đón sau.”  Hoàng lái xe phóng nhanh lên Phi trường, đi ngang cống ngã ba Tháp Chàm chợt nhớ căn nhà M. Hồng, cô bạn quen thân từ khi Hoàng đi nhập ngũ khóa sĩ quan Thủ Đức. Lúc ấy Hoàng và số người bạn cùng tuổi cùng lớp Đệ Nhất B khi xưa tại trường trung học Duy Tân như Ba Chê, Phong, Hiệp, L... đi trình diện ngập ngũ tại trung tâm nhập ngũ Tháp Chàm, người bạn L. có đưa Hoàng đến nhà M. Hồng ở gần đó để chia tay chào từ giã với gia đình (vì có bà con.)  M. Hồng lúc ấy rất e thẹn, ngập ngừng ít nói trong giây phút làm quen ban đầu, ánh mắt hiền lành ngây thơ chen lẫn với mộng mơ buồn buồn...  và đôi mắt ấy đã phát ra một một tình thương, một cảm giác rất thân thương (có lẽ sự thương hại thì đúng hơn!) cho số phận các anh trai thời chinh chiến... Xưa nay, chinh chiến mấy ai về lại!  Ngày đầu làm quen cũng là ngày biệt ly trong niềm hy vọng tái ngộ sau này! M. Hồng, con gái ông N.K.Kh.., một dân biểu quốc hội, nhà sát cạnh đường phố Tháp Chàm, nhỏ hơn Hoàng vài tuổi, nữ sinh trung học Duy Tân, Hoàng học Đệ Nhất B và nàng đang học Đệ Nhị, nước da ngăm ngăm nhưng rất duyên dáng, tóc đen huyền xõa dài, hàm răng trắng và đều, rất tự nhiên trong cách nói, mỗi khi cười để lộ hết hàm răng như hạt bắp non, xinh xắn. M. Hồng thường viết thư thăm hỏi Hoàng lúc còn sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức và trung tâm huấn luyện Không quân Nha Trang. Hoàng rất vui vẻ và xem nàng như người em gái hậu phương thân thương tâm sự và liên lạc thư từ trong thời gian huấn luyện quân sự.  Hoàng cũng viết thư kể chuyện luyện tập quân sự nhọc nhằn nơi quân trường, những tuần lễ đầy gian khổ huấn nhục quân sự tại TTHLKQ Nha Trang và vui sướng mỗi khi nhận được thư an ủi của người em gái hậu phương. Mỗi lần nhận được thư của M.Hồng đều bị các cán bộ niên trưởng tại quân trường phạt dã chiến, thân xác rã rời vì phải nhảy xổm hay hít đất vài trăm cái trước khi nhận thư.  M. Hồng kể chuyện học hành nơi trường trung học Duy Tân, chuyện bạn bè, thầy cô giáo làm cho Hoàng nhớ lại khung trời học đường Duy Tân kỷ niệm mà Hoàng vừa rời xa để thi hành nghĩa vụ người trai thời chiến.
Thời gian qua mau, sau khi tốt nghiệp trường bay tại Hoa Kỳ, Hoàng như cánh chim tung bay trên vùng trời khói lửa, khắp bốn vùng chiến thuật của quê hương miền Nam Việt Nam nên ít có dịp về quê thăm gia đình và người em gái nhỏ. Sau đó, Hoàng được biết M. Hồng đang làm việc tại Tòa Hành Chánh Phan Rang, cơ quan quân sự của Hoa Kỳ và lập gia đình với một anh chàng cán bộ xây dựng nông thôn; vì vậy, Hoàng cũng đã có dịp thăm hỏi, tìm đến nơi làm việc và được nàng chiêu đãi ly chè đậu ván nước dừa, chuyện trò ôn lại chuyện ngày xưa hồn nhiên và thầm trách nhau trong tiếc nuốt những kỷ niệm, muộn màng...  Hoàng vẫn còn độc thân, bay bướm, lả lướt trên đường tình cảm và vướng bận nhiều mối tình học trò... nên nào có để ý đến người em gái yêu thương bé nhỏ cùng quê hương, tuy nhiên mỗi lần theo phi cơ về phi trường Phan Rang, Hoàngđều có ghé thăm gia đình của M. Hồng.  Má của nàng rất yêu quí Hoàng, xem Hoàng như con ruột, và em gái của nàng cũng xưng hô với Hoàng như một người anh kính yêu. Hoàng dựng xe và bước vào nhà thăm hỏi, cả nhà đi vắng chỉ còn má của nàng đang trông nhà.  Bà rất vui mừng thăm hỏi, tương thuật lại chuyện lộn xộn tan rã quân lính, bọn tù thoát ngục cướp giựt vừa xảy ra mấy ngày nay trong thị xã Phan Rang và Tháp Chàm, chuyện gia đình M. Hồng cũng dự định di tản vào Sàigòn.  Hoàng thưa,
-     Gia đình bác có định di tản không?” 
Bà phân vân vì nghĩ rằng bà ở lại rồi sẽ ra sao, con cái bà có làm việc dính líu đến trong chính quyền miền Nam nên phải vượt thoát... Bà thở dài và không có quyết định nào về việc đi ở trong giờ phút nghiêm trọng này!
          Hoàng vào phi trường kịp lúc chiếc máy bay vừa sửa chữa xong. Hai người hạ sĩ quan cơ phi và áp tải đã trèo lên cánh trái phi cơ, dùng một loại tape đặc biệt che phủ kín nơi lỗ hỏng móp méo do tai nạn hai chiếc máy bay va chạm. Lớp tape được bao bọc nhiều lớp trông cũng chắc chắn giống như một người bị gãy chân nay được băng bột để có thể chống nạn bước đi khập khểnh.  Phi hành đoàn của Hoàng có bốn người và khi bước lên phòng lái thì đã thấy vài chục quân nhân thuộc nhiều binh chủng đã sắp hàng xin cho họ quá giang di tản về Sàigòn, Trung tá phi đoàn trưởng của Hoàngnói,
-        Đây là chiếc máy bay hư hỏng, chúng tôi mang về Sàigòn để sửa chữa.  Chuyến bay nàychưa biết an toàn thế nào nên tôi không thể chở quí vị.  Chúng tôi có mang dù, nếu nguy hiểm chúng tôi có thể thoát thân, còn quí vị tôi không bảo đảm. Quí vị nên suy nghĩ và tìm phương tiện khác an toàn hơn!
 
Tất cả “hành khách không mời” im lặng lúngtúng!  Suy nghĩ giây lát rồi họ cùng buộtmiệng nói,
-     Không sao đâu trung tá,.. nếu có gì …chúngtôi cam chịu!” 
Ông trung tá N,
-      “Nếu quí vị không sợ thì xin mời lên, OK!”
 Những quân nhân đã từng đứng trước cái chết khi đối diện với quân thù nơi chiến trận, giờ này sá gì chuyện mạo hiểm này họ lại lo sợ...  Không có sự chọn lựa nào khác, tất cả chuyến bay vận tải trong ngày hôm nay đã chấm dứt nên họ phải bám lấy chuyến bay nguy hiểm này.
          Hoàng lật trang “Checklist” (Pre-flight) để kiểm tra (check) lại các từng mục chi tiết thứ tự theo sự chỉ dẫn trước khi nổ máy. Hoàng ngồi ghế phải dành cho người phi công phụ và Trung tá N. ngồi ghế trái điều kiển di chuyển máy bay ravị trí cất cánh.  Hoàng liên lạc vớiphòng kiểm soát không lưu xin cất cánh:
-        Tower, Tinh long 2 ready for takeoff
-        Roger, Tinh long 2, number 1 for takeoff
Hoàng phụ kềm cần lái, trong khi đó trung tá N. đẩy hết cần ga (full throtle) về phiá trước, ấn nút mở máy hai động cơ phản lực, chân đạp thắng giữ cho chiếc máy bay đứng yên.  Tiếng động cơ phản lực rít lên ầm ầm điếc tai, hai cánh bay của chiếc AC 119K lắc lư và phóng nhanh về phía trước khi ông trung tá N. buông hai chân thắng ra.  Ông điều khiển chiếc máy bay chạy thẳng trên phi đạo, mọi người trên tàu theo dõi chiếc máy bay đang lướt nhanh trên đường vạch thẳng màu vàng, một số dõi mắt nhìn vào nơi cánh trái đã được băng bó bằng loại tape đặt biệt.  Tay lái vẫn thăng bằng khi ông nhấc hỏng khỏi mặt đất, vượt qua ngọn Tháp Chàm bay cao lên, khi đến 1000 bộ(feet), ông quẹotrái bay vòng trên vòng đai phi trường để lấy thêm cao độ.  Gió mạnh thổi bật các lớp tape đã dán trênchỗ hỏng tạo nên âm thanh lập bặp... bên ngoài không gian, và sức gió cản quá mạnh không cân bằng hai bên cánh làm chiếc máy bay bắt đầu nghiêng xuống về phía trái, Hoàng và ông trung tá, hai người cố gắng gồng mình bẻ cần lái cho lên cao bay thẳng. Chân phải Hoàng đạp mạnh thêm vào bàn đạp (right pedal) để cái đuôi máy bay dạt về bên phải trong khi đó bẻ mạnh cần lái hơn 45 độ về bên phải để có thể điều khiển máy bay bay đúng hứơng. Gió mạnh thổi qua lỗ hỏng trên cánh trái đã làm cho tòan thân chiếc máy bay rung mạnh kêu sành sạch...hành khách trên tàu có cảm giác, cánh trái chiếc máy bay không thể chịu đựngđược lâu và có thể sắp bị rách lìa ra khỏi thân máy bay, sự việc đang xảy ra giống như những đoạn phim ảnh nguy hiểm, hồi hộp, nghẹt thở, gây cấn của các tài tử danh tiếng Hollywood thủ vai chánh mà Hoàng đã từng xem trong các rạp chiếu bóng. Hiện tại Hoàng và các hành khách là những nhân vật chính thật sự trong một phi vụ ác liệt của giờ thứ 25 trở về căn cứ. Họ đang chiến đấu để sống còn trong những giây phút định mệnh trên không trung mây trời này!  Hoàng cũng không biết trong số hành khách trên chuyến bay có người bị yếu tim, có người già, con nít hay có phụ nữ đang mang thai không? Họ đang lo lắng, sợ hãi ra sao?.. Ngồi phía sau trong phòng lái, có một vị Đại tá phòng tổng tham mưu xin đi quá giang về Sàigòn đã chứng kiến thấy Hoàng vật lộn với cần lái máy bay mà lòng lo lắng, ái ngại, sắc mặt thay đổi. Mọi người trên máy bay cầu nguyện thầm, mắt thì dõi mắt nhìn vào cánh trái máy bay đề xem sức gió đang tiếp tục phá rộng chỗ bị móp méo.  Hoàng lên tiếng nói, “Trung tá ơi, chắc không thể điều khiển bay xa được, mình đang ở trênSông- Pha, với độ cao 3500 feet.” Mây mù che phủ lác đác phía dưới nên ông không nhận diện nơi nào, nhưng với Hoàng đã là thổ địa vùng này, nhìn xuyên qua lỗ hổng của đám mây che phủ ở cao độ thấp bên dưới các địa danh như núi cà Đú, cầu Tri Thủy, Đầm Nại, Hộ Diêm, Cửa, ống trắng dẫn nước lấp lánh trên đập Đa Nhim lúc ẩn lúc hiện rất quen thuộc, Hoàng có thể xác định vị trí mình đang ở đâu. Trung tá N. đồng ý, tay phải ông giảm tốc độ, tay trái hạ cần lái về phía trước để máy bay hạ thấp cao độ và tìm chỗ hổng của đám mây mù phía dưới.  Ông điều khiển chiếc AC 119K ra khỏi đám mây mù đang ở cao độ 3000bộ (ft) xuống thấp dần và bình phi (giữ độ cao) 1500 ft, lúc ấy mọi người cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng khi trông thấy rõ ràng khung cảnh phi trường Phan Rang phiá trước và các dãy núi cao chung quanh. Hoàng phụ giúp giữ tay lái bay thẳng và bấm nút liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát không lưu phi trường xin đáp khẩn cấp. Dưới mặt đất, có hai chiếc xe chữa lửa chớp đèn đỏ Emergency đang túc trực chạy dọc theo phi đạo theo hướng chiếc phi cơ lâm nạn đang đáp xuống đề kịp thời dập tắt ngọn lửa nếu xảy ra tình huống xấu. Hoàng tiếp tục liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát để xin phương tiện chở phi hành đoàn trở về Sàigòn gấp và được một chiếc vận tải C130 cùng không đoàn 53 Chiếnthuật đang sắp cất cánh chờ sẵn chở về Sàigòn. Khi máy bay xuống thấp và tốc độ bay chậm dần nên chiếc phi cơ bớt lắc lư, hai người hoa tiêu chánh phó có thể điều khiển dễ dàng đáp xuống phi đạo một cách nhẹ nhàng.
          Hoàng thở phào nhẹ nhổm, thoát nạn vì rất may không có gia đình của Hoàng tháp tùng chuyến bay này về Sàigòn, nếu không, Hoàng cũng chẳng biết xử trí làm sao. Ba má Hoàng mà thấy cảnh này chắc không dám ngồi trên máy bay thêm một lần nữa. Thêm vào đó, nếu có thân nhân gia đình Hoàng ở đây, làm thế nào Hoàng có thể đưa gia đình di tản vào Sàigòn ngay hôm nay; vì chốc nữa đây ngay chính bản thân Hoàng không biết có được một chỗ ngồi trên chiếc C130 để trở Tân Sơn Nhất hay không, huống hồ có người thân bên cạnh. Nếu gia đình Hoàng không đi vào Sàigòn được mà phải trở về làng Nại, họ phải dùng phương tiện nào, Hoàng thật vô cùng bối rối, đầu óc như muốn nổ tung! Lúc bình thường chàng còn có thể xoay trở gỉai quyết được, nhưng trong giờ phút thứ 25... này tìm đâu ra phương tiện chuyên chở, một vấn đề nan giải, Hoàng không có phải nhân viên cơ hữu tại phi trường, chẳng có quyền hạn gì để xin phương tiện riêng, chẳng có ai quen thân để được giúp đỡ. Từ trạm hàng không quân sự ra cổng chánh quãng đường rất xa, không có phương tiện di chuyển và khi ra đến cổng rồi, không có chiếc xe hàng nào về lại làng Nại, không lẽ ở lại trong phi trường để lãnh đạn pháo kích của địch quân hay sao!?  
May quá! Hoàng chỉ có một mình, một thân mà thôi! Chiếc phi cơ vận tải C130 đang nổ máy chờ đợi, cánh cửa phía sau khép hờ để ngăn cản những “hành khách không mời” cũng muốn chạy theo để lên tàu, ông trung tá, Hoàng và hai người hạ sĩ quan chạy theo nhanh và phóng vù vù… lên tàunhư việc “mưu sinh thoát hiểm”. Tất cả, định mệnh xếp đặt, gia đình và người thân của Hoàng không có mặt trên chuyến bay này! Hoàng thầm nghỉ, nếu đã ra đi trốn chạy mà còn quay lại nhà, hậu quả khó lường được, ngày hôm sau tức 16 tháng 4 năm 1975, thành phố PhanRang đã bỏ ngõ và gia đình Hoàng chắc chắc phải lãnh hình phạt nặng nề của chính quyền chế độ mới nơi thôn quê hẻo lánh, nhiều thủ đoạn trả thù hèn hạ trong lúc giao thời. Cầu mong Phật trời che chở gia đình Hoàng, xin đừng có xãy ra những thảm hoạ trả thù như Tết Mậu Thân tại Huế, mùa hè đỏ lửa 1972! 
Vĩnh biệt thành phố PhanRang!
Vĩnh biệt người thân, bạn bè, vĩnh biệt...!
Xin tạ ơn Trời Phật… đã che chở Hoàng qua tainạn khủng khiếp này!
Hoàng thì thầm khấn vái, nguyện cầu khi ngồi trên chuyến bay thoát hiểm trở về Sàigòn lúc 4 giờ 30 chiều, ngày15 tháng 4 năm1975!
 
                              Mùa Xuân California, ngày 15 tháng 4 năm 20..
                                                                  
                                                                     
 
Bài viết “Phi vụ giả từ Phan Rang” chỉ là một kỷ niệm trong quá khứ được tác giả hốt nhiên hồi tưởng! Thiết nghỉ, thời gian qua đã bào mòn phần nào của trí nhớ nên câu chuyện ký ức thời chinh chiến trước năm 1975 cũng không tránh những sơ suất, nhầm lẫn, nhất là những chi tiết, tên họ bạn bè, đơn vị… Kính xin các bậc niên trưởng, bạn bè vui lòng tha thứ! 

No comments: