Nhà văn Huy Phương sanh năm 1937 tại Huế.
Bài CHU TẤT TIẾN
Trong mọi nỗi buồn, nhớ, thương của một người lính, chỉ có nỗi buồn, nhớ, thương quê hương là sâu đậm hơn cả, nhất là khi người lính biết rằng mình sẽ phải xa quê hương suốt đời, suốt kiếp, sẽ phải vùi thân xác nơi xứ người, không một lần được nhìn lại vườn rau sau nhà, giếng nước đầu ngõ, tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè, và những vạt nắng chiều vươn qua cửa sổ.
Bên cạnh những hình ảnh quê hương thân yêu đó, người lính còn đau đáu nhớ đến những chiến hữu từng vào sinh, ra tử với mình, nhớ tiếng cười râm ran trong doanh trại, nhớ mầu áo trận đẫm mồ hôi, nhớ những lần nhìn lá cờ bay lồng lộng trong gió mà hồn như dâng lên cao tới mãi tận những cánh chim kia, đang miệt mài hướng về phương Nam nắng ấm.
Người lính đó, nhà văn, nhà thơ Huy Phương, đang nằm trên giường bệnh cuối đời, mà hồn như vun vút mãi tận đâu đâu, bên kia đại dương, từ khung trời Quảng Trị nắng gắt da người, đến Saigon ồn ào một nhịp sống sôi động, ấm áp tình người.
Trong suốt mấy chục năm phiêu bạt xứ lạ, cả tâm hồn của một người lính già xa quê hương đã gửi gấm trong 12 tuyển tập, gọi là “Tạp Ghi” xuất bản từ 2000 đến 2018, tuyển văn “Những Người Muôn Năm Cũ” xuất bản năm 2006, và bài Trường Thi “Chúc Thư của Một Người Lính Chết Già” được ra mắt độc giả năm 2003. Tâm sự của ông tràn đầy những ân hận, không được ở lại cùng chết với đồng đội, cũng như chưa trả hết nợ giang sơn:
Tôi người lính già ở xa tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.
Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội
Vẫn hiên ngang cho đến phút sau cùng
Đã tự hiến thân mình cho tổ quốc
Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.
Không phải chỉ chịu ơn người đã chết
Tôi như còn mang món nợ nước non.
Xuất bản năm 2018
Là một người lính bất đắc dĩ phải buông súng, ông cảm thấy hổ thẹn khi nhớ tới những chiến hữu đã hy sinh cho Tổ Quốc mà không có lấy một tiếng kèn tiễn đưa, do đó, ông mong khi ông mất đi, không có lễ nghi phủ cờ, một nghi thức chỉ dành cho những chiến sĩ bỏ thây vì nước:
Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.
Với tâm sự đó, Huy Phương đã thể hiện đúng tư cách của một người Lính Chính Nghĩa, một trí thức có tầm nhìn bao quát, không quan tâm đến bản thân, mà chỉ suy tư đến Quốc Gia, Dân tộc và đồng thời, là một thành viên tích cực, dấn thân trong sinh hoạt cộng đồng.
Khi chưa nhập ngũ, ông là Giáo Sư Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Sau khi vào lính, với kiến thức của một người Giáo Sư, ông đã phục vụ trong các hoạt động có tính cách chiến tranh chính trị, là Sĩ Quan Thông Tin – Báo Chí Quân Đội, Thư ký tòa soạn tạp chí Chiến Sĩ Cộng Hòa và Tiền Phong của Quân Đội VNCH Sài Gòn. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Tâm Lý Chiến - Chính Huấn Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Vì mệnh nước, ông đã phải gạt nước mắt, lìa xa quê hương yêu dấu, sang định cư xứ Mỹ, nơi có nền văn hóa lạnh lùng làm cho tình đồng hương, đôi khi, thấy nhạt hơn nước mưa, nơi đa số con người chỉ biết chạy theo những niềm vui cá nhân, miệt mài đi tìm danh vọng, hơn là thật tâm chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, và Nhân Quyền tại Việt Nam. Do đó, ông chỉ còn biết trút bầu tâm sự vào các bài báo, các tuyển tập văn chương cho khá nhiều tờ báo tuần, báo ngày, và báo tháng. Ông cũng làm Talk Show trên TV qua chương trình Huynh Đệ Chi Binh, một chương trình gợi nhớ tình đồng đội, chiến hữu khi xưa, và trên hết, ông làm phụ tá đắc lực cho Cố Trung Tá Nguyễn Hạnh Nhơn, người Chị Cả dấn thân lãnh nhiệm vụ bảo trợ cho các Thương Phế Binh và Quả Phụ còn ở quê nhà.
Người chiến sĩ năm xưa, hiện đang trong tình trạng mà theo ông, đang ở trong toa tầu cuối cùng, chờ bước xuống ga chót, để đi gặp lại những anh hùng đã xuống ga trước ông. Cá nhân tôi, được hân hạnh biết ông từ những ngày tổ chức H.O năm 1990, từng chung xe với ông đi họp mặt các chiến hữu H.O. trên Los Angeles, và cùng nhau trao đổi những lời giới thiệu các cuốn văn mới ra đời.
Để giới thiệu cuốn “Chuyện Tình Lá Me” của tôi xuất bản năm 1992, Nhà Văn Huy Phương đã có những nhận xét như sau:
“…Chúng ta ai cũng có một thời thơ ấu, một mối tình thơ dại thuở đầu và những thành phố nhỏ quê nhà ngày cũ. Chuyện Tình Lá Me đã đưa chúng ta về những không gian, thời gian và những kỷ niệm ấy. Nỗi buồn của Nguyên Hồng, nuối tiếc của Thanh Tịnh, mơ màng của Hồ Dzếnh... đã đi vào tâm hồn của những người già đã đến tuổi tri thiên mệnh. Đọc Chu Tất Tiến để thấy mình trẻ lại hay thêm già đi trước những ngày tháng cũ đã qua mau chẳng còn bao giờ trở lại…”
Đọc những lời chia sẻ nhẹ nhàng đó để thấy rằng, từ hồi xưa đó, lúc nào trong tâm hồn Nhà Văn Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937 tại Huế, cũng ướt những giọt sương buổi sáng trên những lá tre mọc quanh vườn, cũng văng vẳng tiếng sáo diều trên cánh đồng bát ngát xanh, và trên những nóc nhà gianh, vài sợi khói lam chiều uốn lượn như làn tóc những cô nữ sinh của Thầy Lê Nghiêm Kính, Giáo Sư Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Trong giờ phút còn nhìn thấy nhau này, không còn tìm thấy ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết tâm tư của người viết, chỉ xin Chào Huynh Trưởng, Chào Bạn Văn, Chào Chiến Hữu một lần cuối, hẹn gặp nhau trong xứ sở của Vua Hùng, của các vị Hoàng Đế Quang Trung, Lê Lợi…
(Ngày 8 tháng 4, 2021)
No comments:
Post a Comment