Monday, April 19, 2021

Sứ Mạng Kinh Kha: Người Nhái Lê Văn Kinh NGƯỜI TÙ HAI MƯƠI NĂM CỦA CỘNG SẢN BẮC VIỆT

Anh Lê Văn Kinh lớn hơn tôi 3 tuổi, là bạn học cùng lớp với tôi ở trường Trung Học Đồng Nai, Sàigòn trong những năm 1951 đến năm 1955. Anh Lê Văn Kinh sanh ngày 15 tháng 2 năm 1935 tại Sa Đéc, Nam Việt Nam trong một gia đình có 9 người con gồm: 3 gái và 6 trai. Sau hai chị, anh Kinh là người con trai lớn nhứt trong gia đình.
Sau khi thi Brevet xong (Anh Kinh học chương trình Pháp. Bằng Brevet tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp của Việt Nam), anh Kinh mất tích trong chốn học đường. Sau đó một thòi gian khá lâu, tôi mới biết là anh phải đi làm để giúp gia đình nuôi đàn em dại, nên anh đã hy sinh tương lai của anh để lo cho tương lai của các em. Khi lớn lên, đáp lời sông núi, cả 6 anh em đều đầu quân vào QLVNCH và đã thật sự góp xương máu gìn giữ giang sơn tổ quốc. Người em kế của anh Kinh đi Hải Quân, bị địch pháo kích, đã đền nợ nước. Người em kế tiếp đi Thiếu Sinh Quân, sau trở thành sĩ quan Pháo Binh. Hai em kế nữa đi TQLC, thì một đền nợ nước tại chiến trường Kontum, một trở thành thương phế binh. Người em Út đi Biệt Động Quân cũng trở thành thương phế binh. Riêng anh Kinh thì trở thành người tù 20 năm khổ sai của Cộng Sản Bắc Việt. Tổng cộng trong 6 anh em của anh Kinh thì 2 người đã dâng mạng sống của mình cho tổ quốc, hai người đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, dân tộc, một người chôn vùi tuổi thanh xuân suốt 20 năm khổ sai trong lao tù Cộng Sản.
Anh Kinh rất to lớn so với khổ trung bình của người Việt Nam. Thật ra, anh cao lớn hơn tất cả các bạn cùng lớp, nhưng anh rất hiền và dễ thương như một thư sinh “khổng lồ”...
Khi vào học khóa 9 SQ/ Hải Quân năm 1959, tôi mới biết anh Kinh và người bạn thân khác, cùng lớp, Lâm Văn Hiếu và Nguyễn Văn Thành đã gia nhập quân chủng Hải Quân trước tôi, từ năm 1955. Hiếu chọn ngành Trọng Pháo, Thành, Giám Lộ, anh Kinh, Vận Chuyển. Hiếu và Thành đều đã đền nợ nước: Hiếu trong Nam, Thành, ngoài Bắc (Lực Lượng Hải Tuần). Sau 5 năm dệt mộng hải hồ, anh Kinh thấy chưa thỏa chí tang bồng, muốn tìm những cảm giác mạnh hơn, những công tác khó khăn hơn, và nguy hiểm hơn: Anh muốn đùa giỡn với tử thần, anh muốn trở thành Người Nhái. 
Năm 1960, anh tình nguyện ghi tên đi học khóa Người Nhái và được gởi đi Đài Loan huấn luyện để trở thành một trong những Người Nhái đầu tiên của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Anh Kinh mà đi Người Nhái thì đúng quá rồi, vì anh có đủ yếu tố cần thiết để trở thành Người Nhái: Thông minh, khỏe mạnh, dẻo dai, chịu đựng, nhẫn nại, hiền nhưng can trường và cương quyết, có biệt tài bơi lội, lặn sâu và lặn xa...Và anh đã thành công. Anh đậu hạng nhì (Lê Quán Thủ Khoa) trong khóa huấn luyện Người Nhái tại Đài Loan. Anh đã trở thành Người Nhái như ước mơ của anh.
Năm 1962, không ảnh của tình báo cho biết có 6 chiến hạm của Cộng Sản Bắc Việt, chia làm 2 toán, mỗi toán 3 chiến hạm thay phiên nhau hoạt động và nghĩ bến. Do đó thường xuyên có một toán gồm 3 chiến hạm đậu nghĩ bến tại quân cảng Quảng Bình, bên trong Ba Đồn, sông Gianh. Người Nhái được lệnh đặt chất nổ phá hủy 3 chiến hạm đậu nghĩ bến. Một chương trình huấn luyện và thực tập đặc biệt về mìn chống chiến hạm và kỹ thuật sử dụng được thực hiện tại Đà Nẵng. Việc tuyển chọn Người Nhái thích hợp cho chuyến công tác bí mật nầy đã được Sở Khai Thác Địa Hình, trực thuộc Phủ Tổng Thống, thi hành hết sức kỷ lưỡng và gắt gao: Anh Nguyễn Văn Chuyên
được chỉ định chỉ huy tổng quát, hướng dẫn 3 Người Nhái khác được tuyển chọn cho công tác đặc biệt này gồm có: Nguyễn Văn Tâm, Lê Văn Kinh và Nguyễn Hữu Thảo. Chương trình huấn luyện và thực tập chỉ chấm dứt sau khi mỗi người trong toán đều thông suốt cách sử dụng loại khí giới hết sức lợi hại này. Tuy đi chung một toán, nhưng mỗi Người Nhái đều có riêng mục tiêu của mình đã được chỉ định trước, cũng như vì lý do an ninh cá nhân, mỗi người đều có trang bị riêng và chỉ Người Nhái đó chịu trách nhiệm việc sử dụng và điều chỉnh trang bị của mình chứ không ai khác được kiểm soát hay đụng tới. Cũng giống như nhảy dù điều khiển, người nhảy phải tự xếp dù của mình, chứ không để ai được đụng tới.
Tháng 5, năm 1962, toán Người Nhái sẵn sàng và lên đường, nhưng chiếc ghe chở toán Người Nhái đi công tác bị phát giác, lộ hành tung, phải trở về căn cứ. Độ một tháng sau, tháng 6, năm 1962, toán Người Nhái của Anh Chuyên được lệnh thi hành công tác trên. Lần này, không bị phát giác. Công tác được thi hành ban đêm. Chiếc ghe lớn chở toán Người Nhái đến cửa sông Gianh thì dừng lại và cho ghe nhỏ hơn chở toán Người Nhái vào quân cảng Quảng Bình, cách các chiến hạm của Cộng Sản Bắc Việt khoảng 100 thước thì dừng lại. Cả 2 ghe lớn và nhỏ đều được ngụy trang giống như ghe đánh cá tại địa phương.
Ba chiến hạm Cộng Sản Bắc Việt đậu song song với nhau sát cầu tàu, ở Ba Đồn. Mục tiêu của anh Kinh là chiến hạm đậu bên trong sát cầu tàu, anh Thảo, chiến hạm thứ 2 (đậu giữa) và chiến hạm đậu bên ngoài là mục tiêu của anh Tâm. Anh Chuyên ở lại ghe nhỏ cùng với ba thủy thủ đoàn chờ đợi đón ba Người Nhái kia sau khi hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra ghe lớn trở về căn cứ.
Sau khi nhận diện mục tiêu và kiểm soát lại lần chót trang bị của mình, anh Kinh xuống nước trước, kế đến anh Thảo và cuối cùng là anh Tâm theo thứ tự mục tiêu xa gần, như vậy cả ba sẽ tới mục tiêu cùng một lúc. Cho tới giờ phút đó, mọi việc đều xảy ra như kế hoạch đã định sẵn. Kế hoạch dự trù kế tiếp là điều chỉnh thời nỗ 5 giờ sau mìn mới nổ, để có đủ thì giờ trở về căn cứ an toàn.
Anh Kinh hoàn tất công tác trước, rời khỏi mục tiêu khoảng 20 thước, trồi lên mặt nước để dùng hồng ngoại tuyến định hướng chiếc ghe nhỏ đang chờ để rước toán của anh trở về ghe lớn sau khi hoàn thành công tác.
Thình lình, một tiếng nổ long trời đẩy anh Kinh văng lên khỏi mặt nước, toàn thân tê dại, anh không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, anh mới biết mình là tên tử tù của Cộng Sản Bắc Việt. Dựa theo cáo trạng và nghe lóm cán bộ nói chuyện với nhau trong lúc bị lao tù, anh Kinh cho biết như sau: Vì lý do kỹ thuật, sau khi được đặt vào mục tiêu như đã định, trái mìn của anh Thảo nỗ liền tức khắc (thay vì phải 5 giờ sau mới nỗ) anh Thảo chết banh xác tại chỗ, cả ba chiến hạm cùng nổ tung và chìm theo xác anh Thảo. Sức nổ của 3 quả mìn cùng nổ một lượt đẩy anh Kinh, ở cách đó khoảng 20 thước, văng lên khỏi mặt nước và làm anh bất tỉnh. Anh còn sống quả là phép lạ. Anh Tâm lội ra xa hơn về hướng chiếc ghe nhỏ đang chờ nhưng sức nổ quá mạnh nên cũng bị bất tỉnh và cũng bị bắt. Riêng chiếc ghe nhỏ, chạy về ghe lớn và lập tức rời mục tiêu, nhưng vì tốc độ chậm, bị chiến đỉnh của Cộng Sản Bắc Việt đuổi kịp, chúng ra lệnh đầu hàng, anh Chuyên không chịu hàng, hai bên bắn nhau, nhưng nhờ hỏa lực mạnh hơn nên cuối cùng chiến đỉnh của Cộng Sản Bắc Việt làm chủ tình hình và đụng chiếc ghe lớn chìm, chỉ một người thoát nạn nhờ núp dưới cánh buồm. Anh Chuyên và một thủy thủ đã đền nợ nước, tất cả thủy thủ đoàn còn lại đều bị bắt.
Ngày 30 tháng 6 năm 1962, anh Kinh bị kết án hai mươi năm khổ sai, anh Tâm bị kết án chung thân khổ sai. Thủy thủ đoàn bị kết án từ hai năm đến mười tám năm. Nhưng bản án là một trò hề, bởi vì hai năm hay chung thân đều cùng chung số phận, phải ở tù từ mười bảy đến hai mươi hai năm khổ sai mới được phóng thích. Ngày 28 tháng 01 năm 1980, anh Tâm được phóng thích sau 17 năm rưỡi khổ sai. Anh Kinh được phóng thích ngày 30 tháng 6 năm 1982, đúng 20 năm khổ sai.

Anh Tâm hiện cư ngụ tại California, anh Kinh ở Florida.

Mặc dù 4 Người Nhái và thủy thủ đoàn thi hành công tác này đã đền nợ nước hay chôn vùi tuổi thanh xuân trong chốn lao tù khổ sai của Cộng Sản Bắc Việt, nhưng họ không chết và không bị quên lãng, vì họ sẽ sống mãi trong lòng của anh em Người Nhái thuộc Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân Việt nam Cộng Hòa và của đồng bào ruột thịt dành cho những đứa con thân yêu của dân tộc đã“VỊ QUỐC VONG THÂN”.

Đối với gia đình anh Kinh, LĐNN xin giở nón cúi đầu bái phục một gia đình ái quốc đã tình nguyện hy sinh, dâng hiến tất cả những đứa con trai của gia đình cho Quân Đội để phục vụ cho Tổ Quốc, và làm tròn nhiệm vụ của người trai trong thời loạn: “Chấp nhận hy sinh mạng sống hay một phần thân thể để bảo vệ từng tấc đất của quê hương xứ sở do tổ tiên để lại, trái ngược với bọn CS phản quốc nỡ lòng cắt đất, dâng biển của tổ tiên cho ngoại bang.

California, ngày Quân Lực 19 tháng 6 .
Người Nhái HQVNCH

No comments: